CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 3/49: Làm ra tấm gương tốt, khiến người thế gian sanh khởi tín tâm
đối với giáo dục của Thánh Hiền.
Ngày 21 tháng 07 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người! Lúc nãy chúng ta nghe lời khích lệ của sư trưởng dành cho mình, mong đợi Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Trung Hoa Malaysia chúng ta có thể làm tốt việc cắm chắc ba cái gốc, có thể đem văn hóa truyền thống ảnh hưởng tới cả thế giới. Tôi thấy mọi người sau khi nghe xong nét mặt tại sao hơi nặng nề vậy? Tôi cảm thấy rất may mắn, đời này có công việc trọng đại như vậy cho chúng ta nỗ lực đi làm thì ít nhất là đời này của chúng ta sẽ không bị uổng phí. Chúng ta hãy bình tâm quan sát thế giới này, nếu như thế giới này là một thân thể, thân thể bị bệnh rồi, chúng ta hãy phán đoán một chút, bây giờ đã bệnh tới mức độ nào rồi? Còn lại mấy năm có thể cứu đây? Trong Trung y có một câu nói là “bệnh thấm vào xương tủy”, không thể cứu được nữa. Vậy căn bệnh của thế giới hiện nay cách “xương tủy” còn bao lâu nữa? Còn lại không tới mấy năm. Khi Sư phụ giảng Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, ngài nói còn năm năm. Trong năm năm này nếu chúng ta không tranh thủ thực hành phổ biến việc cắm rễ giáo dục thì muốn cứu thế giới này không phải là chuyện dễ.
Cho nên, mỗi khi tôi suy nghĩ tới đây, sẽ rất tự nhiên mà nhớ tới lời của Mạnh Tử: “Đời này kiếp này, không là ta thì còn ai?”, khổ nạn của thế giới đã bày ra trước mắt chúng ta, ngày nay nếu như chúng ta không tận tâm tận lực đi làm, thật sự là có lỗi, danh quá kì thực (danh không xứng với thực tế). Tại sao? Bởi vì chúng ta là đệ tử Phật tu Phật pháp Đại Thừa. Phật pháp Đại Thừa có tấm lòng từ bi, đại từ đại bi, đây là bản chất thực sự của đệ tử Phật, của đệ tử Đại thừa. Xã hội thế giới bày ra trước mặt chúng ta là như vậy, chúng ta nhìn nhưng không thấy, chúng ta sẽ hổ thẹn với thân phận đệ tử Phật pháp Đại Thừa này. Cho nên, cổ thánh tiên hiền, quân tử, cảm thấy việc hổ thẹn nhất là “danh quá kì thực”. Chúng ta bây giờ còn chưa đạt tới cảnh giới thánh hiền, không sao cả, chúng ta cứ tận tâm tận lực sửa đổi tập khí, nâng cao chính mình. Trong quá trình chúng ta tận tâm tận lực sửa đổi tập khí đó chính là rộng tu cúng dường.
Quá trình sửa đổi này thật sự không nhẹ nhàng. Sửa đổi tập khí nghiêm trọng của mình cũng giống như lột da vậy, khổ lắm. Nhưng tục ngữ có nói: “Đau dài không bằng đau ngắn”. Sư phụ cũng có nói: “Cắn chặt răng lại, đời này chứng Vô Lượng Thọ”. Cắn chặt răng lại, tức là thật sự diệt bỏ triệt để tập khí của mình. “Giống như một lòng cầu sanh Tịnh độ”, nhất tâm nhất ý, trì giới niệm Phật, đoạn ác tu thiện, “chắc chắn vãng sanh nước Cực Lạc”. Quý vị đồng nhân, cắn chặt răng lại, phải cắn bao nhiêu năm? Nếu chúng ta thật sự hạ công phu thì trong ba năm, năm năm sẽ có thể điều phục tập khí, xem chúng ta có hạ quyết tâm này được không. Phát tâm dũng mãnh, lập chí hướng quyết định, đời này nhất định phải thành tựu đạo nghiệp.
Lúc nãy sư trưởng cũng nói rằng, ở Thang Trì đã cắm một cái gốc. Trung tâm Malaysia chúng ta bây giờ là cắm ba cái gốc, Đệ Tử Quy, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh. Chúng ta đến thọ trì, đến thực hành một cách vững chắc. Mọi người nghĩ, bây giờ mình còn làm chưa tốt, người ta tới xem thì phải làm sao đây? Ở tất cả mọi lúc, phải dụng tâm bình thường mà đối đãi với họ. Chúng ta phải thể hiện ra tình hình chân thực, người ta học tập đâu có chuyện đùng một cái nhảy tới chỗ thành thánh hiền được. Đâu thể nào được. Mặc dù chúng ta vẫn còn thiếu sót, vẫn còn tập khí, nhưng chúng ta phải thể hiện được thái độ không hề chùn bước, tận tâm tận lực, lấy chí thầy làm chí mình. Quý vị xem sư phụ đứng trước người trong thiên hạ tin tưởng chúng ta như vậy. Sư phụ nói: “Tôi tin tưởng họ có thể làm tốt”. Chúng ta hy vọng không cô phụ sự tín nhiệm của sư phụ, điều càng quan trọng hơn đó là không cô phụ sự tín nhiệm của chúng sanh đối với chúng ta. Chúng ta đã cùng nhau học tập Liễu Phàm Tứ Huấn, có một đoạn, tôi vẫn mãi đang lĩnh hội: “Yêu kính mọi người, tức là yêu kính thánh hiền; thông với chí của đại chúng, tức là thông với chí của thánh hiền”. Thế nào là chí của thánh hiền? Thế nào là chí của lão hòa thượng? “Vốn muốn vì đời vì người, giúp mỗi người được như ý muốn”, chính là hy vọng người trong thời đại này có thể an cư lạc nghiệp, gia đình hạnh phúc. “Lòng ta hợp với kính yêu thì an ổn người một đời, tức là vì thánh hiền mà an ổn người vậy”. Chúng ta tận tâm tận lực, làm sao khiến người đời an ổn? Nếu người đời có tư tưởng đúng đắn thì vận mệnh của họ sẽ chuyển biến.
Vậy muốn có tư tưởng tốt thì “dạy học là hàng đầu”, họ phải tiếp thu giáo huấn của thánh nhân tam giáo Nho Thích Đạo, thì có thể chuyển đổi lại. Mục đích thành lập của trung tâm chúng ta chính là hoằng dương giáo huấn của tam giáo Nho Thích Đạo. Chúng ta có tâm vì người đời cầu thoát khổ được vui, lúc nãy sư phụ cũng nói, thì sẽ được sự gia hộ của chư Phật Bồ-tát và chúng thần. Cho nên chúng ta không hề cô đơn, chúng ta thường xuyên đều có vô lượng vô biên các vị thánh triết, chư Phật Bồ-tát đang gia hộ, chúng ta phải có lòng tin. Cho nên việc hoằng dương chánh pháp trong thời đại này, trong Kinh Hoa Nghiêm thường nói rằng: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”, chúng ta phải làm ra tấm gương tốt thì mới dễ dàng xây dựng lòng tin của người khác. Có lòng tin rồi, họ mới có giải (tìm hiểu), chịu đi học, tiếp đó họ có thể hành, họ có thể giải hành tương ứng rồi thì sẽ có “chứng”, thế thì họ mới đạt được lợi ích.
Thật ra quá trình này, bản thân chúng ta kiểm điểm lại quá trình học tập của mình, có lẽ sẽ có thể hiểu được. Ví dụ, chúng ta đã đọc Luận Ngữ từ khi nào? Khi tôi học cấp hai đã đọc Luận Ngữ rồi. Vậy Luận Ngữ đã thay đổi cuộc đời của tôi chưa? Chưa. Tại sao? Rõ ràng tôi đã đọc được quyển kinh này rồi, sao tôi chưa được lợi ích? Bởi vì tôi chưa nhìn thấy ai đem Luận Ngữ làm ra [tấm gương] cả. Chúng ta sẽ cảm thấy, ồ, Tứ thư Ngũ kinh chỉ là đọc để đi thi, sau đó để trên kệ sách, không phải đem lại lợi ích cho cuộc đời của chính mình, huống hồ nói tới việc làm lợi ích cho người khác. Nhưng ngày nay tại sao cuộc đời chúng ta đã chuyển biến, sanh tín tâm đối với kinh điển? Bởi vì chúng ta nhìn thấy sư phụ đã làm được. Hoằng nguyện của một người có thể ảnh hưởng tới cả thế giới, còn đối với chính mình là thành tựu về mặt phước đức, thành tựu về mặt trí huệ. Ồ, sự thị hiện như vậy đã khiến chúng ta rất hâm mộ, nhờ đó mà sanh tín tâm, muốn noi gương.
Chúng ta nhìn thấy sư phụ ngài sanh tử tự tại, một vị trưởng lão 84 tuổi, thân thể khỏe mạnh như vậy, không già, không bệnh, không chết; tài phú tự tại, những khi không cần tiền thì không có tiền, khi cần dùng tiền, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Tôi nói đến đây cảm thấy rất vui sướng, còn quý vị tại sao không có phản ứng gì vậy? Mọi người phải biết, chân lý đều có thể được chứng minh trên bản thân mỗi người thì đó mới là chân lý. Chỉ có chứng minh trên bản thân một ai đó thì đó gọi là ngẫu nhiên. Cho nên, chúng ta biết Phật là “chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả”. Mỗi câu nói của Phật, chúng ta đều tin chắc không nghi ngờ. Cho nên, bởi vì có sư trưởng thị hiện cho chúng ta tấm gương tốt, chúng ta đối với kinh Phật, đối với kinh điển của thánh hiền sanh khởi tín tâm. Và sư trưởng lúc nãy nói rằng, thí nghiệm ngài làm ba năm ở Lô Giang, người đời cũng phải nhìn thấy rằng có một khu vực thông qua việc học tập luân lý đạo đức, và Đệ Tử Quy, tỉ lệ phạm tội thật sự đã giảm xuống, tỉ lệ ly hôn giảm xuống, lòng người lương thiện. Họ vừa tới thị trấn nhỏ đó, cảm nhận bầu không khí đó, cả đời khó quên. Rất nhiều khu vực của chúng ta, kể cả những nơi chúng ta rất quen thuộc, một số bạn bè tới từ Tân Cương, Thanh Đảo, họ đã phân thành từng nhóm tới Lô Giang học tập. Họ quay về đều nói: “Phải xây tiếp một Thang Trì nữa”, xây dựng lên ở khu vực của họ. Tín tâm đều nhờ việc nhìn thấy tấm gương tốt mà được xây dựng lên. Có “tín” mới có “giải hành”, cái “tín” này rất quan trọng.
Cho nên, trong Luận Ngữ có nhắc tới, “người có thể hoằng đạo”. Tại sao “người có thể hoằng đạo, không phải đạo hoằng người”? Không phải cứ cầm Tứ thư Ngũ kinh là có thể giáo hóa người, mà là người có thể thực hành cái đạo đó để khiến người khác sanh tín tâm, khiến người khác cảm động. Thời đại hiện nay, người ta không nhìn thấy cái chân thật, không nhìn thấy tấm gương tốt, quý vị muốn họ tin tưởng thì không hề dễ. Người bây giờ tâm nghi ngờ khá là nặng, nhưng quý vị không thể trách họ, họ từ nhỏ trong quá trình trưởng thành, thứ mà họ cảm nhận được thì ra đạo đức là nói một đường, mà làm một nẻo. Quý vị không chỉ không được trách họ, còn phải thương xót họ. Thời đại này, bởi vì người đọc sách chúng ta không có ngôn hành đồng nhất, khiến cho đại chúng không tin tưởng đạo đức học vấn. Cho nên không thể trách họ, đó là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta ngày nay phải cắm ba cái rễ này. Chúng ta trước mắt cắm cái gốc nhân quả, cái gốc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Bản thân chúng ta có lòng tin không? Thậm chí, chúng ta phải kì vọng chính mình, chúng ta phụng hành Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, phải cho đại chúng tin rằng: Thọ trì Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, sức khỏe không tốt, biến thành sức khỏe tốt; cầu không được con trai, đã sanh được đứa con trai trắng trẻo mập mạp lại có trí huệ. Tâm người rất là thú vị, quý vị đem những câu chuyện cảm ứng cho họ xem: “Anh xem chuyện vào thời Minh, thời Tống”. Họ vừa xem xong rồi nói: “Không có chuyện ở thời hiện tại, đó là người xưa làm được, bây giờ làm không được.” Cho nên tại sao chúng ta phải kế thừa phát huy? Nếu mỗi thời đại đều có người thật sự làm được chuyện cảm ứng thì đời đời mới có thể có tín tâm. Thưa quý vị đồng nhân, đời này ai làm? Sao quý vị lại không phối hợp một chút? Ồ, tôi biết rồi, do quý vị mới học xong chương “Lợi ích của sự khiêm tốn” trong Liễu Phàm Tứ Huấn nên quý vị chỉ nói trong tâm: “Được, để tôi làm cho”, nhưng quý vị khá là khiêm tốn, không nói ra, việc này tôi có thể hiểu được.
Trong lịch sử, người phụng hành Thái Thượng Cảm Ứng Thiên có được cảm ứng rất nhiều. Vào thời Nam Tống Cao Tông, tiên sinh Vương Tương huyện lệnh huyện Nga My Tứ Xuyên, ông đọc xong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì hết sức cảm động, ông liền phát nguyện phải thực hành các câu giáo huấn trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, phải làm cho được. Kết quả, ông phát nguyện không bao lâu sau vẫn còn chưa làm xong, đột nhiên bạo bệnh, liền chết mất. Sau khi chết rồi, ông cảm thấy thần thức của mình bay trong không trung, sau đó tiếng khóc của người thân giống như tiếng ong kêu, rất nhỏ. Khi ông đang bay trong không trung, đột nhiên nghe thấy từ không trung truyền lại, nói Vương Tương phát nguyện thực hành Cảm Ứng Thiên, cho nên phước đức của ông ấy tăng trưởng, thọ mạng có thể kéo dài, rồi cho ông hồi dương, quay về lại. Cho nên một người phát nguyện, một niệm đó tận khắp hư không pháp giới, đều sẽ có cảm ứng. Sau khi quay về, ông quả thật đã tận tâm tận lực thực hành, hơn nữa còn thường khuyên răn người khác kịp thời hành thiện, kịp thời thực hành hạnh nguyện mình đã phát. Chúng ta thường nói: “Cuộc đời có hai việc không thể đợi, một là hành hiếu, hai là hành thiện”. Chúng ta sớm hành thiện thì nghiệp lực trong đời chúng ta sẽ nhanh chóng có thể được chuyển đổi. Nếu như chúng ta muốn hành thiện nhưng không tận tâm đi làm, thì “một ngày vô thường tới, mới biết người trong mộng”. Đối với người tu hành, điều đáng sợ nhất là tử ma (thần chết). Cái chết vừa tới thì sự tu hành của chúng ta lại phải thoái lui, lại phải bắt đầu lại. Đời đời kiếp kiếp không thể thành tựu là vì có liên quan tới thần chết này. Người có thể sớm hành thiện, có thể trường thọ, hãy lợi dụng thọ mạng đời này mà đoạn ác tu thiện, chân thật niệm Phật thì đời này sẽ không chết. Cho nên phải kịp thời thực hiện cái nguyện này. Hơn nữa, nguyện lực phải lớn hơn nghiệp lực. Sư phụ thường nói, thế nào là người tái lai? Nguyện lực của họ có thể lớn hơn nghiệp lực, vậy thì được, có thể thật sự làm lợi ích cho người khác. Chúng ta nói cụ thể một chút, thế nào là nguyện lực lớn hơn nghiệp lực? Ở mọi lúc mọi nơi đều nghĩ tới người khác trước, không nghĩ cho mình. Niệm niệm đều nghĩ cho người trước thì nguyện lực này của họ dần dần sẽ vượt qua nghiệp lực. Chúng ta hiện tại sống chung với mọi người phải thường xuyên giữ gìn thái độ như vậy. Niệm niệm suy nghĩ cho họ, lúc này chúng ta phải nên làm thế nào? Nếu có thể niệm niệm suy nghĩ cho người thì tâm tham của mình, tâm sân, si mạn của mình sẽ bị nhạt bớt một cách tự nhiên. Đây là một tấm gương thời Nam Tống.
Thời Minh có một tiên sinh tên là Dương Thủ Nghiệp, ông hết sức thành kính đọc tụng Cảm Ứng Thiên. Ông 60 tuổi vẫn chưa có con. Kết quả, 60 tuổi ông bị bệnh, cũng đã tắt thở, lúc đi đến cõi âm, có một vị quan viên cõi âm nói với ông, bởi vì ông trì tụng phụng hành Cảm Ứng Thiên nên mạng của ông đã được kéo dài, sau này ông sẽ có con trai. Kết quả sau đó ông đã sanh được một con trai, còn thi đậu tiến sĩ, còn giúp ông lo liệu tuổi già. Phước báo của ông chuyển rất là nhanh, hơn nữa ông còn sống tới 102 tuổi. Điều này mọi người phải hiểu, thật sự là người có đạo nghĩa, có tình nghĩa thì phải sống thêm mấy năm, tại sao vậy? Bạn bè người thân xung quanh quý vị, đời này có duyên với quý vị, đời sau thì không biết [còn có duyên hay không]. Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Thiện ác biến hóa, theo đuổi từng kiếp, đường lối bất đồng, không dịp gặp gỡ”. Đời này hết thọ mạng rồi, mỗi người một hướng, đời sau đâu còn nhớ đời trước ai là cha mình, ai là mẹ mình? Ai là anh mình, ai là chị mình? Đều không hay biết. Nhưng nếu như quý trọng duyên phận thân quyến trong đời này, chúng ta tận tâm tận lực tu hành, sau đó tự mình dung thông kinh giáo, mau mau đem đạo lý của ba nền tảng này giảng rõ ràng cho người thân bạn bè, đem sự thù thắng lợi ích của việc niệm Phật cầu sanh nói rõ với họ, đời này đã kết pháp duyên này thì đời sau này sẽ không có việc không nhận ra nhau. Sẽ như thế nào? Đồng sanh Cực Lạc quốc. Sau này sẽ như thế nào? Sau này quý vị sẽ là người một nhà, gọi là gia đình Phật hóa, sau này cả nhà quý vị có thể cùng lên đài diễn xuất. Sau khi quý vị vãng sanh Tây phương rồi nói rằng: “Bây giờ chúng ta hãy quay về Kualar Lumpur, anh diễn vai cha, tôi diễn vai mẹ.” Phân công xong việc thì sẽ vì người mà diễn thuyết như thế nào. Lúc đó quý vị đã là A-duy-việt-trí Bồ-tát, không bị nghiệp lực làm ảnh hưởng. Rất tốt! Các vị đã hiểu rõ những đạo lý này rồi thì phải có chí khí, hãy cố gắng nắm lấy duyên phận hiếm có là được làm người thân với nhau trong đời này. Đây chính là chân thật báo ân người thân của chúng ta, quý vị sống càng lâu thì sự ảnh hưởng tốt của quý vị đối với vãn bối của mình sẽ càng nhiều. Phải khiến người trong thời đại này nhìn thấy được quả báo thù thắng của sự phụng hành ba cái gốc này, của sự phụng hành Cảm Ứng Thiên.
Ở Hàng Châu có một tiên sinh tên Uông Nguyên, nhà rất nghèo, lại không có con cái, ông phát nguyện hỗ trợ in Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Hơn nữa, khi ông hỗ trợ in, đã thành tâm khẩn cầu mẹ của ông không sanh bệnh, được sống lâu; khẩn cầu có được con cái để xứng đáng với tổ tiên. Sau đó, quả thật mẹ của ông cũng được sống lâu. Cho nên, một người làm sao có thể cảm động đất trời? Hiếu tâm, thành tâm. Chúng ta đời này có từng khẩn cầu cho cha mẹ được mạnh khỏe sống lâu chưa? Chúng ta đoạn ác tu thiện, nhường phước báo cho cha mẹ của mình hưởng, nếu tâm như vậy cũng chưa từng phát ra thì chúng ta nói gì tới đại từ đại bi, làm lợi ích cho chúng sanh, đây là không có cơ sở. Hiếu tâm là cơ sở tồn tại của ái tâm. Cho nên chúng ta cũng cùng nhau phát nguyện, bản thân mình thật sự phụng hành Cảm Ứng Thiên, có thể khiến cho cha mẹ của mình khỏe mạnh, sống lâu. Người xưa đã cho chúng ta tấm gương rất tốt, chúng ta phải truyền thừa phát huy. Hơn nữa Cảm Ứng Thiên đối với sự tu học Phật pháp, đối với sự thành tựu đời này của chúng ta, là cơ sở hết sức then chốt.
Sự giáo hóa của Đức Phật có ba giai đoạn quan trọng nhất: Giai đoạn thứ nhất là giúp đỡ chúng ta chuyển ác thành thiện; giai đoạn thứ hai là chuyển mê thành ngộ; giai đoạn thứ ba là chuyển phàm thành thánh. Đối với việc thứ nhất, cơ sở làm người là chuyển ác thành thiện, nếu chúng ta từ trong kinh Phật mà tìm kiếm những kinh văn dạy về việc chuyển ác thành thiện, chúng ta thấy có rất nhiều. Xin hỏi mọi người phải tìm bao lâu? Cho nên Đại sư Ấn Quang rất từ bi [khuyến đọc] Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói về việc chuyển ác thành thiện, cái gì là thiện, cái gì là ác, đều được giảng hết sức chi tiết. Cho nên những bậc đại trí huệ, các ngài không có thành kiến môn phái, vì các ngài không có phân biệt, không có chấp trước, các ngài đem những điều đáng quý nhất, tinh hoa nhất trong văn hóa của dân tộc phò trợ sự hưng thịnh của Phật pháp. Phật pháp Đại Thừa khởi nguồn từ Ấn Độ, nhưng lại khai hoa kết trái ở Thần Châu đại địa. Bởi vì nó có cơ sở càng tốt hơn, cơ sở của Nho và Đạo, thay thế cho cơ sở của Tiểu Thừa. Cho nên Cảm Ứng Thiên là quyển kinh điển đoạn ác tu thiện hết sức hoàn chỉnh. Nếu quý vị thu thập từ kinh Phật thì phải thu thập rất lâu. Chuyển ác thành thiện rồi thì chúng ta liền có thể chuyển họa thành phước.
Cho nên, chúng ta học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, sẽ đem những câu chuyện và đạo lý trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên dung nhập vào trong khóa học của chúng ta. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên đã đem giáo huấn quan trọng của ba nhà Nho Đạo Thích hoàn toàn dung nhập vào trong đó. Thảo nào Đại sư Ấn Quang muốn đem ba quyển sách là Liễu Phàm Tứ Huấn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, An Sĩ Toàn Thư in ra hơn 3 triệu quyển, chẳng phải là vì để thành tựu đạo nghiệp của chúng ta sao? Cho nên chúng ta học quyển Thái Thượng Cảm Ứng Thiên này, cộng thêm giáo huấn và những câu chuyện kể của Vựng Biên, có nghĩa là đã đem tinh tủy của Nho Đạo Thích học một lượt rồi. Chúng ta hãy dùng tâm chí thành mà cầu thánh nhân tam giáo Nho Đạo Thích gia trì, chúng ta mỗi ngày cùng nhau cùng học, lấy các ngài làm tấm gương để phụng hành.
Được rồi, hôm nay tôi chia sẻ với mọi người tới đây trước, cảm ơn mọi người!