CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 1/49: Cắm Chắc Ba Nền Tảng Của Nho-Thích-Đạo
Ngày 19 tháng 07 năm 2010
Kính thưa chư vị trưởng bối, chư vị đồng học, xin chào mọi người.
Hôm nay, chúng tôi cùng học tập với mọi người về Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Sư phụ vẫn luôn nhấn mạnh, muốn thành tựu đạo đức học vấn đời này, nhất định phải cắm chắc rễ đức hạnh. Và trong việc cắm rễ, sư phụ ngài nhấn mạnh, phải học tập Đệ Tử Quy, Liễu Phàm Tứ Huấn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và cả Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh. Chúng ta bắt đầu làm từ bản thân mình, bắt đầu làm từ đơn vị làm việc của chính mình, từ trung tâm chúng ta, chúng ta cùng cắm chắc rễ đức hạnh này.
Chúng ta nhất định phải lập chí làm đệ tử tốt của Phật Bồ-tát, làm học sinh tốt của các vị thánh nhân của ba nhà Nho-Thích-Đạo, cũng phải làm học sinh tốt của sư trưởng. Sư phụ ngài nói cắm rễ, chúng ta liền thật thà chân thật cắm chắc rễ. Tất nhiên nếu danh nghĩa của việc tu học cắm rễ này tương ứng với thực chất của nó thì cái rễ này khi cắm xuống rồi, nó sẽ đứng vững không dao động. Cũng tức là trong lúc chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật, trong công việc, đều có thể y theo những bộ kinh điển này mà đối nhân xử thế, trong bất kì tình hình nào cũng không trái nghịch với ba tiêu chuẩn gốc rễ này, thì đây gọi là cắm rễ. Tất nhiên, muốn đạt đến tiêu chuẩn như vậy, cần có một quá trình nỗ lực.
Chúng ta bây giờ biết cắm rễ rất quan trọng, cho nên chúng ta thọ trì những bộ kinh điển này. Sau khi thọ trì phải đọc tụng, bởi vì sau khi đọc tụng thông thuộc, đến khi gặp phải cảnh giới, chúng ta có thể khởi sự quán chiếu. Nếu như số lần đọc không đủ thì có thể đến khi gặp phải chuyện, đa phần vẫn sẽ tùy thuận tập khí, vậy sẽ không xây dựng được căn cơ chắc chắn, cho nên việc đọc tụng là việc cần thiết . Khi chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của sự đọc tụng này rồi thì khi chúng ta đọc mới không bị hình như có phần không cam tâm, không tình nguyện. Thông thường con người sau khi đã hiểu lý, họ sẽ làm rất hoan hỉ, điều này thật sự có lợi ích đối với mình, thật sự là quá trình không thể thiếu khi tu học.
Phần mở đầu của sách Luận Ngữ, Khổng Phu Tử đã nói rằng “Học mà thực hành, chẳng phải vui lắm sao!”, học tập phải nên là một việc hết sức vui sướng. Nếu như chúng ta trong quá trình học tập, luôn cảm thấy không vui vẻ thì có một vấn đề rất quan trọng, thật ra chúng ta đã không hiểu rõ lý. Cho nên “lý đắc tâm an”, biết là làm như vậy có ý nghĩa, thì sẽ càng làm càng vui vẻ. Biết đọc tụng là không thể thiếu, mỗi ngày đọc tụng một cách chân thật. Người chân thật thì sẽ được lợi ích, bởi vì đọc mãi đọc mãi, tự nhiên họ sẽ tự nhiên khởi sự quán chiếu. Gặp phải người sự vật, đột nhiên câu kinh đó, bụp, sẽ hiện ra, lúc đó sẽ không tùy thuận phiền não, y giáo phụng hành, cảm thấy thân tâm khinh an, rất hoan hỉ. “Mình đã đột phá bản thân”, vậy sẽ có thể cảm nhận được lợi ích của sự đọc tụng, đã khởi sự quán chiếu. Pháp hỷ đó nhất định là từ “giải hành tương ứng” mà tới. Trong Đệ Tử Quy đã nói với chúng ta: “Không thực hành, chỉ học văn”, tức là có “giải”, đã hiểu rõ đạo lý kinh văn, nhưng vẫn chưa đi thực hành, “chỉ bề ngoài, thành người nào”. Hôm nay có quay phim, người căng thẳng phải là tôi, tại sao hình như quý vị còn căng thẳng hơn tôi? Quý vị phải phối hợp một chút, nếu như tôi đọc tới câu quý vị cũng thuộc, xin quý vị phối hợp một chút. Có thể do lúc nãy tôi chưa cầm cái máy ghi âm này lên, khiến cho mọi người căng thẳng. Cho nên quý vị xem, sự căng thẳng của tôi đã khiến mọi người căng thẳng, vẫn là vấn đề của tôi. Quả thật lời lão tổ tiên nói không sai: “Làm việc không thông, xét lại chính mình”.
Cho nên trong Đệ Tử Quy có nói: “Chỉ bề ngoài, thành người nào”, cái này là tập khí ngạo mạn khởi lên rồi. Mạnh Tử nói: “Người ta đều thích làm thầy”. Có “giải” mà không có “hành”, họ sẽ rơi vào chỗ sai lầm khi học tập, đã hiểu những đạo lý này, nhưng chính mình không làm, lại đi nhìn cái sai của người khác. Và khi một người bị ngạo mạn làm cho chướng ngại, họ có cảm thấy “chẳng phải vui lắm sao” không? Chắc chắn mỗi ngày rất không thoải mái, nhìn người này chướng mắt, nhìn người kia cũng không ưa, cho nên sẽ không có pháp hỉ. “Giải hành tương ứng”, thì chắc chắn có pháp hỉ. Cho nên, xét xem chúng ta học tập văn hóa truyền thống có thâm nhập được không, có nâng cao được không, dùng cái gì để xem? Số lần mình cười mỗi ngày có tăng lên không. Tại sao? “Phiền não nhẹ, trí huệ tăng”, sẽ vui vẻ. Nhìn thấy cái gì cũng có lĩnh ngộ, cũng có gợi mở, cũng có thu hoạch, mỗi ngày đều trọn vẹn, làm sao không hoan hỉ cho được? Nhưng “chỉ thực hành, không học văn”, đều chỉ đi làm, chưa hiểu rõ ràng đạo lý, có thể sẽ làm sai mất, “theo ý mình, mù lẽ phải”. Cho nên sau khi hiểu ra thì phải thực hành, hơn nữa, còn phải đột phá, đem nó sửa đổi lại. Vì vậy điều quan trọng nhất của việc cắm rễ là sửa đổi tập khí.
Thật ra chúng ta bình tâm cảm nhận một chút, những thứ khiến chúng ta không vui nhất, khiến chúng ta nổi nóng nhất là những việc gì? Trong đó có một việc, đó chính là bản thân hết lần này tới lần khác phạm cùng một sai lầm, tức giận chính mình không chịu được, thậm chí ngủ không được. Cho nên đột phá tập khí của chính mình, thì mới có thể cắm chắc gốc rễ. Cắm rễ tuyệt đối không phải là “được rồi, mình đã xếp xong thời gian, [đọc] Thái Thượng Cảm Ứng Thiên mấy tháng, [đọc] Đệ Tử Quy mấy tháng, [đọc] Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh mấy tháng”. Sư phụ nói ba năm cắm chắc rễ, sắp xếp thời gian xong rồi, mỗi bộ kinh đọc mấy chục lần. Tất nhiên, có quy hoạch như vậy, thật sự là điều cần thiết. Bởi vì nếu chúng ta không huân tập đủ, một là, không thấu triệt đạo lý; tiếp đó, huân tập không đủ thì không khởi lên được sức quán chiếu. Quán chiếu không đủ thì đừng nói tới thực hành. Cho nên số lần phải đủ, gọi là trường kì huân tu. Cổ thánh tiên hiền có nói rằng: “Ba ngày không đọc sách, mặt mũi thật đáng ghét”. Chúng ta từ nhỏ đã không có căn cơ, bây giờ đã lớn tuổi, đã trưởng thành rồi, lúc này đây vẫn không dốc sức huân tập, muốn điều phục phiền não, đâu có dễ vậy. Hơn nữa, học như lái thuyền ngược dòng, không tiến ắt thoái, thời gian chúng ta huân tập không đủ thì thời gian khởi phiền não sẽ nhiều; khởi phiền não càng nhiều thì sẽ thoái lui càng nhiều. Chúng ta phải cảnh giác: “Một ngày đã qua, mạng cũng giảm dần, như cá thiếu nước, có gì vui đâu!”. Nếu chúng ta không nghiêm chỉnh cắm vững cái gốc này thì lúc nào mới có thể thành tựu đạo đức của chính mình, mới có thể thành tựu đạo nghiệp một đời này? Chuyện đó còn xa xôi lắm. Cho nên, nhất định phải hạ đại quyết tâm mới được. Tại sao phải hạ đại quyết tâm? Bởi vì điều chúng ta đối mặt là sự luân hồi trong vô thủy kiếp, là tập khí trong vô thủy kiếp, nếu không hạ đại công phu thì rất khó khắc phục. Thế nào là đại quyết tâm? Chết cũng không sợ, chỉ sợ không giữ được chánh niệm, phải có khí khái như vậy. Thà rằng thịt nát xương tan, cũng không đánh mất chánh niệm này. Người có quyết tâm rồi thì gọi là “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.
Việc huân tập rất quan trọng, nhưng nếu chúng ta huân tập mãi thì lại sanh ra chấp trước. “Nghe kinh là học tập”, nhưng nếu vừa nghe vừa chấp trước, sau đó thời gian làm việc cũng muốn nghe kinh, không toàn tâm toàn ý chuyên chú làm việc thì việc làm đó là không thỏa đáng. Huân tập là “giải”, giải xong phải thực hành, mới là “tương ứng”, giải hành tương ứng rồi, lúc này tâm cảnh sẽ không ngừng nâng cao, gặp bất kì cảnh giới nào cũng không bị dao động. Cho nên chúng ta phải hiểu rằng, cắm rễ là giải hành đồng tiến. Thực hành ở đâu? Nhất định thực hành trong cuộc sống, công việc, trong đối nhân xử thế tiếp vật, cái này mới là học vấn sống động. Học một câu, làm một câu; học một câu, sửa [mình theo] một câu đó. Ví dụ, chúng ta trước đây cùng học tập Liễu Phàm Tứ Huấn. Có phải chúng ta đã học xong rồi không? Tất nhiên không phải, chúng ta đã nghe một lần giảng giải Liễu Phàm Tứ Huấn rồi, giảng giải của sư phụ. Vậy trong quá trình này, chúng ta khi đang làm việc, có khi nào đem một câu giáo huấn nào đó trong Liễu Phàm Tứ Huấn để chỉ đạo mình không, để sửa đổi một tập khí nào của mình không? Nếu như không có, làm rất ít, vậy đã học xong Liễu Phàm Tứ Huấn chưa? Chưa có giải hành tương ứng, nền tảng của việc học tập Liễu Phàm Tứ Huấn này chưa được coi là đã cắm xuống.
Bốn phần trong Liễu Phàm Tứ Huấn : Luận về lập mệnh, phương pháp sửa lỗi, phương pháp tích thiện, lợi ích của việc khiêm cung. Ví dụ, trong chương Phương Pháp Sửa Lỗi có nói rằng: “Một ngày không biết sai, là một ngày an bởi cho là mình đúng. Một ngày không sửa sai, là một ngày không tiến bộ”, làm sao thực hành câu nói này trong cuộc sống công việc? Mỗi ngày phải tĩnh tâm lại, hôm nay mình có những việc gì không thỏa đáng, có những khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác gì không đúng, mau mau đem nó viết ra, viết ra rồi ấn tượng sâu, hơn nữa nhắc nhở chính mình sau không tái phạm. Ấn tượng rất quan trọng, tự mình nhắc nhở chính mình, tự mình sách tấn chính mình, đây là việc hết sức then chốt. Tại sao vậy? Người khác nhắc nhở có hạn, nhưng nếu chính mình có thái độ này rồi thì trong 24 tiếng đồng hồ đều nhắc nhở chính mình. Nếu như công phu đạt rồi, ngay cả ngủ nằm mơ cũng có thể nhắc nhở chính mình. Mọi người học Liễu Phàm Tứ Huấn có học tới nỗi trong giấc mơ cũng niệm Liễu Phàm Tứ Huấn không? Vậy là không đơn giản, vậy là đã hết sức chuyên chú vào việc học rồi đấy.
“Hôm qua tôi có những ý niệm và ngôn hành gì không đúng? Hôm nay tôi có giữ gìn sự cảnh giác cao độ chưa?”. Thật sự có thái độ như vậy rồi, mỗi ngày đều có thể phát hiện sai lầm để đối trị, để sửa sai. Ví dụ, hôm nay tôi đã phạm đến mấy sai lầm. Thứ nhất, quá căng thẳng, ngay cả thiết bị ghi âm này cũng quên đem lên. Căn nguyên của căng thẳng nằm ở đâu? Chúng ta “như chặt cây độc, chặt ngay gốc rễ”, chúng ta phải tìm được tất cả căn nguyên của phiền não. Có lúc chúng ta suy nghĩ, tại sao tôi lại có tập khí này? Suy nghĩ cả buổi, nửa ngày liền trôi qua mất, nhưng vẫn chưa suy nghĩ thấu triệt. Phải tìm cho được căn nguyên. Căn nguyên của sự căng thẳng, chính là do có cái tâm được mất, không có tâm bình thường. Nói có tâm được mất còn dễ nghe một chút, thật ra là tâm hư vinh, tâm danh văn lợi dưỡng, cố ý muốn nói cho hay, nhưng lại nói không hay. Muốn nói hay, quan trọng nhất là chân thành, “một niệm không sanh gọi là thành”. Nếu còn có một đống ý niệm, phiền não thì không phải tình trạng chân thành. Cho nên, hôm nay tôi đã phát hiện ra, cảm thấy rất hổ thẹn, đã bao nhiêu năm trôi qua rồi, tâm được mất này vẫn nặng như vậy, tôi nghĩ phải nên đi tham gia lại kì thi đại học, xem thử có còn bị mất ngủ không, còn phải uống thuốc ngủ không? Cái này là chủ động kiểm nghiệm, ở trong cảnh giới, quán sát bản thân có trừ bỏ tập khí chưa. Sửa tập khí thì mới thay đổi vận mệnh được. Phần sau sách Liễu Phàm Tứ Huấn có kể về mấy nhân vật. Tiên sinh Viên Liễu Phàm nhìn thấy tiên sinh Phùng Khai Chi, “đại biến kì ấu niên chi tập”, những tập tính hồi nhỏ của ông đều đã được sửa đổi, tiên sinh Liễu Phàm nói, năm nay ông ấy chắc chắn thi đậu. Cho nên người muốn thay đổi vận mệnh của chính mình, tiếp một bước có thể vì người diễn thuyết, cảm hóa người khác, đều là xây dựng trên cơ sở tập khí của chính mình.
Cho nên, lúc nãy chúng ta nhắc tới quán chiếu. Chúng ta đã học Liễu Phàm Tứ Huấn qua một lần rồi, một lần đã đủ chưa? Rõ ràng là vẫn chưa đủ, chúng ta vẫn chưa nhớ được. Cho nên cái này là “học quý tự tri” (học quý ở chỗ tự biết mình), học tập không phải như nộp bài tập, trong chốc lát là viết xong. Giống như hồi còn nhỏ, cô giáo ra 30 dòng bài tập, sau đó vừa hay có bạn học cùng lớp cũng là hàng xóm, hai đứa ngồi ở đó thi xem ai viết nhanh, thật sự là viết rất cẩu thả, rồng bay phượng múa. Dùng tâm gấp gáp như vậy để học tập thì không thể nào có hiệu quả tốt được. Cho nên, đây không phải làm bài tập, mà là học mỗi một câu đều phải để lại trong tâm chúng ta, đi quán chiếu, đi thực hành. Kí ức của tôi nhớ rất sâu 10 điều hành thiện trong Liễu Phàm Tứ Huấn, như là “Ái kính tồn tâm”, lúc nào cũng khởi lên tình thương, tâm cung kính. Như hôm nay ăn sáng, tôi đã không có tâm kính yêu, chưa cúng dường mà tôi đã ăn rồi. Đây là đang dấy khởi tâm tham. Cho nên, một người nên dụng công phu ở đâu? Ở trong mỗi cảnh giới, mỗi giây phút hiện tại, trong lúc ăn cơm cũng có thể luyện công phu. Ngày nay, một hiếu tử khi nhìn thấy bất kì thức ăn gì thì rất tự nhiên sẽ nghĩ tới ai trước? Cha mẹ. Người ta thì hiển lộ tánh đức, còn bản thân tôi nhìn thấy thức ăn, như nhập vào cảnh không người, ai cũng không nhớ tới. Đã huân tập nhiều năm như vậy, mà vẫn chưa đặt Tam Bảo vào trong tâm mình, vẫn chưa đặt chúng sanh vào trong tâm mình.
Chúng ta học tập pháp môn Tịnh Độ, chúng ta cùng thâm nhập đại kinh, Kinh Vô Lượng Thọ, lúc mới bắt đầu đã nói rằng: “Đều cùng tuân tu đức của đại sĩ Phổ Hiền”, mục tiêu của chúng ta đã rất rõ ràng rồi, “đời này vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới”, tôi nhắc tới mục tiêu này cảm thấy rất là vui, quý vị hình như sao nét mặt không vui cho lắm? Đừng nghĩ là nó quá khó, Kinh Vô Lượng Thọ nói: “nước ấy chẳng trái nghịch”, “đạo thù thắng vô cực, dễ đi mà chẳng người theo”, không phải rất khó đi. Thế nhưng tại sao rất ít người đi? Vì nghĩ nó quá khó, không tin tưởng, “thật sự như vậy là có thể vãng sanh làm Phật sao?” Nếu hiểu rõ rồi, thì sẽ có chân tín, thiết nguyện. Làm sao vãng sanh? Hãy làm cho tốt tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân,. Tức là sư phụ có nói: “Cắm vững ba cái gốc”, sẽ phù hợp với tiêu chuẩn. Sau đó lại không mong cầu, không tham luyến phước báo của thế gian, nhất tâm niệm Phật thì liền có thể thành tựu, không phải là việc rất phức tạp.
Trong kinh nói với chúng ta, tuân tu đức của đại sĩ Phổ Hiền, không khó thuộc, nhất định phải đọc thuộc Phổ Hiền Thập Nguyện. Nếu vẫn chưa đọc thuộc thì hôm nay chỉ có 59 điểm, không đạt yêu cầu. Tại sao vậy? “Tuân tu đức của đại sĩ Phổ Hiền”, chúng ta đã đọc câu kinh văn này từ rất sớm, sao giờ vẫn chưa đọc thuộc? Có nghĩa là chúng ta cầu học vấn không đủ chủ động. Người không chủ động sẽ dễ bị thoái lui. Học vấn thành tựu, không thể nào dựa vào người khác mà phải dựa vào chính mình hạ công phu. Chúng ta ngay cả việc thực hành đức của đại sĩ Phổ Hiền cũng không đọc thuộc, vậy chúng ta làm sao quán chiếu? Được rồi. Ngày mai chúng ta làm kiểm tra, sáng mai chúng ta học xong tiết học Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, sẽ cùng đồng thanh đọc Phổ Hiền Thập Nguyện. Bây giờ tôi ra bài tập cho mọi người, thật ra tôi cũng không cảm thấy nhẹ nhàng, bởi vì sau khi ra bài tập xong thì tôi cũng phải cùng mọi người đọc chung, thật ra cũng là sách tấn bản thân tôi. Bây giờ tôi đang dạy cổ văn, thật ra tôi rất dè dặt lo sợ, mỗi lần bảo mọi người đọc một bài, tôi sẽ phải đọc theo một bài. Tôi rất thích cảm giác như vậy, tại sao? Bởi vì tôi dễ bị giải đãi, mượn nhân duyên này, khiến tôi không thể nào giải đãi. Cho nên, tôi rất cảm kích nhân duyên đã dìu dắt tôi.
Trong Phổ Hiền Thập Nguyện có nói “rộng tu cúng dường”. Sự cúng dường này, tâm lễ kính này, có thường xuyên khởi lên được không? Những lúc chúng ta ăn cơm, liền y theo giáo huấn của sư phụ mà niệm ba lần: “Cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng, cúng dường pháp giới nhất thiết chúng sanh”. Lúc đó chúng ta có vui mừng không? Quý vị xem, chúng ta đã khôi phục tâm lượng vốn có, nên rất vui mừng. Khi nào mới không vui mừng? Mê mất chân tâm của chính mình, những lúc so đo tính toán là không vui nhất. Khi chúng ta thật sự hiểu rồi thì đó chính là “không chịu sống những ngày tốt đẹp, tự chuốc lấy khổ vào thân”. “Sự khác biệt giữa thánh và phàm chỉ ở trong một niệm”, khi chuyển thành Phổ Hiền Thập Nguyện, chuyển thành chánh niệm thì liền vui mừng. Tất nhiên, khi chúng ta cúng dường trước khi ăn cơm thì đảm bảo chén cơm này sẽ kết tinh rất đẹp, ăn vào rồi chúng ta càng khỏe mạnh. Chúng ta có đem thí nghiệm nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng ở Nhật Bản nghiêm túc vận dụng trong cuộc sống của chúng ta không? Trước tiên hãy đọc ba lần cúng dường. Cúng dường xong rồi đọc “thử thực biến thập phương, nhất thiết quỷ thần cộng”, nguyện thức ăn này đến khắp mười phương hết thảy chúng sanh, chúng ta hy vọng họ đều có thể tiếp nhận sự cúng dường này, niệm bảy lần. Sau cùng niệm mười câu Phật hiệu. Ăn cơm chính là tu hạnh Phổ Hiền, rất trọn vẹn, mỗi ngày đều không sống uổng phí.
Chúng ta hôm nay khi ăn cơm, cầm chén cơm lên, chén do ai rửa? Mọi người chúng ta tự mình rửa phải không? Chúng ta khi đang rửa chén, có tấm lòng kính yêu không? Mình rửa nó rất là sạch sẽ, sáng mai sẽ có một người may mắn lấy được. Hôm nay mình rửa chén rất cẩu thả, bề mặt vẫn còn dính chút bọt, “thôi kệ, không sao, ai ăn trúng thì liên quan gì tới tôi?”, đó là không có tâm kính yêu, cũng không có lễ kính chư Phật, cũng không có rộng tu cúng dường. Thật vậy, đạo ở đâu? Tất cả mọi lúc, tất cả mọi nơi, đều có thể kính yêu người khác, “học mà thực hành, chẳng phải vui lắm sao!”, làm mỗi việc đều rất vui vẻ. Hôm nay trong công việc đã tận tâm tận lực thì chúng ta đang rộng tu cúng dường, chúng ta làm tốt công việc rồi, khiến càng nhiều người tiếp xúc chánh pháp, nhận được lợi ích của chánh pháp thì làm công việc chính là thực hành hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền. Chúng ta không chỉ yêu kính người mà đối với tất cả sự vật cũng phải yêu kính. Chúng ta khâm phục Phật môn đến năm vóc sát đất ở chỗ nào? Nói pháp thấu triệt đến tận cùng, “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Từ “Chư Phật” này không phải chỉ người mà thôi, mà tất cả động vật, tất cả chúng sanh đều bao gồm trong đó, chúng duyên hòa hợp mà sanh thì đều là chúng sanh, cho nên sự “lễ kính chư Phật” này là sự cung kính hết thảy.
Sư phụ giảng kinh đã giảng rất rõ ràng, cái bàn đó quý vị cũng phải lễ kính. Tất nhiên quý vị lễ kính cái bàn, không phải cúi mình ba lần chào nó. Quý vị sử dụng rất quý trọng nó, lau chùi nó sạch sẽ, lễ kính, trưởng dưỡng tâm cung kính của chính mình. Bữa nay ăn cơm xong rồi, chúng ta xếp ghế ngay ngắn, đây chính là thực hiện Phổ Hiền Thập Nguyện. Nhất là chúng ta là người sau cùng rời khỏi thì nhất định phải đem 8 cái ghế xếp cho ngay ngắn chỉnh tề, chúng ta đã thực hiện lễ kính. Bữa nay chúng ta là người đi ra sau cùng, nhưng hoàn toàn không chú ý tới điểm này, nghĩa là tâm “kính” của chúng ta chưa được giữ gìn. Điều càng quan trọng là chúng ta đã lao xao, tâm khí lao xao, không quán chiếu được những sự vật trước mắt này. Hình như cảm thấy một ngày đã trôi qua rất nhanh nhưng cũng không biết mình đã bận rộn những việc gì, tâm không tĩnh lại được. Tĩnh lại rồi thì có thể lễ kính, sẽ biết được lúc nào nên thực hành, nơi nào cũng phải y giáo phụng hành, xếp đồ vật cho ngay ngắn, chỉnh tề ngăn nắp. Nói không chừng một vị đồng tu nào đột nhiên nói: “Nghe nói trung tâm giáo dục văn hóa Trung Hoa Malaysia đang phổ biến văn hóa truyền thống, mình xem thử họ đang làm thật hay là làm giả, tới phòng ăn của họ xem thử, tới nhà bếp xem thử”. Kết quả vừa nhìn, ghế thì lộn xộn bừa bãi. “Đừng đi nghe giảng nữa, chỉ nhìn cái ghế là biết rồi”. “Người trong ngành thì xem môn đạo”, họ vừa nhìn thì không muốn lên lớp nữa, như vậy chúng ta có lỗi lầm không? Có, chúng ta đã không biểu diễn tốt cho người ta xem, khiến người ta không có tín tâm, chúng ta đã chưa rộng tu cúng dường. Cho nên tấm lòng kính yêu này phải thực hiện được ngay ở hiện tại.
Hôm nay tôi trao đổi với mọi người về ba cái gốc này, ngoài việc hiểu rõ đạo lý ra, điều càng quan trọng hơn chính là thực hành trong cuộc sống, trong công việc, đối nhân xử thế tiếp vật, hiểu rõ được “giải hành tương ứng”, gặp bất kì cảnh giới nào, đều có thể y giáo phụng hành, không dao động, thì cái rễ này đã được cắm xuống. Rồi lại nhất tâm niệm Phật thì nhân duyên thành Phật trong đời này có thể viên mãn.
Được rồi. Hôm nay chúng tôi giảng cho mọi người tới đây trước, cảm ơn mọi người!