Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 10) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 10: Không chọn lựa hoàn cảnh, chỉ mở rộng tâm lượng.

Giảng ngày 1 tháng 09 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Mấy ngày trước chúng ta đã làm xong một khóa giảng tọa, quá trình làm giảng tọa cũng là đang thực hành Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Chúng ta nhìn thấy những thầy cô giáo này và cả con cái của họ, trong khóa học hai ba ngày nay họ rất có pháp hỉ, cho nên chúng tôi nhìn vào cũng hết sức vui mừng. Sứ mệnh giáo dục, tình thương giáo dục của các thầy cô có thể khiến người thức tỉnh, đều sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của bản thân họ và cả tư tưởng, vận mệnh học sinh của họ sau này. Chúng tôi thấy họ vui mừng, tôi thấy đồng nhân cũng rất vui mừng, cho nên Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói rằng: “Thấy người được, như mình được”, chúng ta chính là đang thực hành vậy.

Tôi nhớ hồi còn ở Lô Giang, Thang Trì, có một lần giảng tọa, có một cô gái khoảng 20 tuổi, có lẽ từ lâu đã chung sống với mẹ của mình không tốt, khóa học bốn ngày kết thúc, cô gái này cũng hết sức phản tỉnh về hiếu đạo của mình có thiếu sót. Khi em lên chia sẻ, đứng trên bục sám hối thì mẹ của em sau khi nghe xong cảm thấy chính mình làm không đúng, cũng đứng lên phản tỉnh. Sau cùng hai mẹ con ôm nhau mà chảy nước mắt, tất cả các đồng nhân chúng tôi lúc đó đều rất cảm động. Có đồng nhân đã nói rằng, khóa học năm ngày này cho dù chỉ làm cho hai mẹ con người này thôi cũng rất là đáng. Cái tâm này hiếm có, quả thật là “người đói như mình đói, người chìm như mình chìm”, nhìn thấy người khác có phiền não, trong nhà không hạnh phúc, chúng ta còn sốt ruột hơn họ, hy vọng mau mau giải quyết vấn đề của họ.

Chúng ta tu hành pháp môn niệm Phật, đây là cơ hội hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay. Cơ hội hiếm có như vậy mà bỏ lỡ mất, đó là nuối tiếc lớn nhất đời người. Vậy muốn vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc không phải là nói “Tôi rất nắm chắc việc vãng sanh” thì chúng ta liền có thể vãng sanh. Tôi rất nắm chắc việc vãng sanh có thể là chúng ta đánh giá mình quá cao. Việc gì cũng y chiếu kinh điển, y giáo phụng hành, điều này rất quan trọng. Kinh Vô Lượng Thọ phẩm 24 nói về ba bậc vãng sanh, chánh nhân vãng sanh, đây là giấy đảm bảo có được vãng sanh hay không, viết rất rõ ràng. Trong ba bậc này có tám chữ là “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. “Phát Bồ-đề tâm” là phát tâm đại từ đại bi, nếu như hiện tại có người đến trước mặt chúng ta, chúng ta vẫn không cách nào làm được “người đói như mình đói”, chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người thì chúng ta rõ ràng vẫn chưa phát ra được tâm Bồ-đề. Khi gặp pháp môn niệm A-di-đà Phật, chúng ta cảm thấy rất dễ dàng tiếp nhận, không bài xích chút nào, nghĩa là sao? Nghĩa là đời quá khứ chúng ta đã tu pháp môn này rồi. Nhưng tại sao đã tu pháp môn thù thắng như vậy rồi mà chúng ta vẫn chưa có thành tựu? Là vì chúng ta tuy niệm Phật nhưng vẫn chưa có phát tâm [Bồ-đề]. Cho nên quá trình chúng ta phục vụ đại chúng là cơ hội tốt nhất để quán chiếu tâm của chính mình. Chúng ta có thể phục vụ đại chúng, có thể làm lợi ích cho đại chúng, sanh đại hoan hỉ, trong khi chúng ta làm việc, tâm lượng không ngừng mở rộng.

Gần đây sư phụ dụng tâm lương khổ, trong khi giảng kinh, nhiều lần nhắc đến tấm gương tốt của người niệm Phật chúng ta – nữ sĩ Lưu Tố Vân. Dạo này chúng ta ở giảng đường Hoa Nghiêm, mười mấy ngày rất hạnh phúc có cơ hội nghe sư phụ giáo huấn chúng ta, ngài đã nhiều lần nhắc tới tấm gương của cư sĩ Lưu Tố Vân. Trong quá trình tu học của cư sĩ Lưu, cô hồi hướng đều là hồi hướng tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh, cô trước giờ chưa từng riêng biệt vì chính mình, vì người nhà của mình mà hồi hướng. Cho nên sự chia sẻ của cô khiến chúng ta cảm nhận được sự niệm Phật của cô, tâm lượng đó là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Bản thân cô là trưởng ban của một tỉnh, chức quan không nhỏ, nhưng cô không có tâm tư lợi sử dụng quan hệ để giúp con trai và con gái cô tìm việc làm, sắp xếp cơ hội, không có việc đó, không hề tư lợi, luôn luôn cô đều suy nghĩ cho người. Cho nên tâm này tương ứng với tâm của Đức Phật, tương ứng với tâm từ bi. Đây là một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật.

Chồng của cô bị bệnh tâm thần, cô và chồng cô kết hôn 44 năm. Tại sao lại nhắc đến đoạn này? Bởi vì các bạn đồng tu khi nói chuyện với cô có nói rằng, ôi chao, cư sĩ Lưu, cô là nhờ rất may mắn, trong nhà lại không tệ. Chúng ta thấy người khác niệm Phật rất tốt, lập tức sẽ nói là nhờ trong nhà của họ việc gì cũng rất thuận lợi, không giống nhà mình khổ sở như vậy, duyên không tốt như vậy. Chúng ta quá dễ dàng tìm cớ cho bản thân mình. Cư sĩ Lưu đã nêu ra, thật ra những sự khảo nghiệm trong cuộc đời cô còn lớn hơn bất kì người nào trong chúng ta, vậy mà cô trước giờ chưa từng thoái thác, trước giờ cũng chưa từng oán trách bất kì một việc gì, một người nào. Đây là thiện nam tử, thiện nữ nhân chân chánh, hết sức lương thiện. Vì sao cô kết hôn với chồng của cô? Vì chồng cô là bạn học thời cấp ba của cô, các bạn học của cô nói với cô, trong lớp chúng ta bạn là người lương thiện nhất, cậu bạn đó không có ai chăm sóc, bạn lấy cậu ấy đi. Cô nói được. Đích thân cô đến nhà chồng của mình, cha mẹ chồng của cô lúc đó đã chăm sóc chồng cô, chăm sóc tới nỗi đều bệnh hết rồi, hai ông bà cụ không biết những ngày sau này phải sống ra sao. Cô nói với hai cụ rằng, cháu sẽ lấy con trai bác. Hai cụ lúc đó khóc mà nói, bác làm sao có thể để cháu nhảy vào trong hố lửa chứ? Người trước đây rất đôn hậu, nhìn thấy con trai của mình có tình hình như vậy, không muốn tiếp tục để người con gái này bị liên lụy, đều rất là nhân hậu.

Cho nên trên con đường tu học, không thể tham chấp cảnh giới, chọn những cảnh giới nhẹ nhàng, thuận theo ý muốn của mình, càng tu càng tham chấp. Điều quan trọng nhất trong việc tu hành là muốn nâng cao cảnh giới thì phải không kén chọn cảnh giới, phải ở trong cảnh giới buông bỏ phân biệt, buông bỏ chấp trước, cái này là thực học, thực tu. Người quá dễ dàng thuận theo ý muốn của chính mình, hơn nữa muốn thuận theo ý muốn của chính mình, còn phải đem rất nhiều sự việc suy nghĩ cách này cách kia mà đi thuyết phục người khác. Trên thực tế tức là tùy thuận sự phân biệt chấp trước của mình, không muốn an trú trong hiện tại, đột phá chấp trước và tập khí của mình. Chúng ta tu học nhiều năm như vậy mà không thể nâng cao cảnh giới bởi vì không thể an trú trong hiện tại để trải sự luyện tâm, hay kén chọn, chùn chân, hợp lý hóa, tìm cớ. Cư sĩ Lưu trong bất kì cảnh giới nào cũng chưa từng chùn bước, tận trung giữ chức. Bệnh của cô đã rất nghiêm trọng rồi, cô cũng chưa từng xin nghỉ phép, luôn trong đơn vị của chính phủ tận tâm tận lực làm việc. Một ngày trước khi vào nằm viện cô vẫn đang làm việc. Chúng ta đều phải từ trong quá trình cuộc đời của cô mà nhìn thấy lối đi, đó là người rất lương thiện, rất trung, rất hiếu. Nếu không đem những luân thường làm người này cắm vững thì niệm Phật không dễ gì tương ứng.

Đại sư Ấn Quang là một cao tăng có trí huệ cao độ, cao tăng đệ nhất trong 300 năm nay. Lời của Ấn Tổ, chúng ta không thể không bình tâm mà suy ngẫm, mà thọ trì. Ẩn Tổ nhắc nhở chúng ta phải “làm tròn bổn phận”, làm tròn ngũ luân, trong gia đình làm tròn bổn phận của “cha con, vợ chồng, anh em”; trong xã hội chung sống với người, phải làm tròn mối luân thường giữa“quân thần”“bạn bè”, như vậy mới có cơ sở của thiện nam tử, thiện nữ nhân. Ấn Tổ tại sao đặc biệt coi trọng việc làm tròn bổn phận? Sau khi ngài xuất gia không lâu, vừa hay đến nhà của một cư sĩ. Trong nhà cư sĩ này mọi người đều tin Phật, người mẹ chồng tin Phật, con dâu cũng tin Phật. Điều rất thú vị là mỗi người cúng một tượng Phật, tượng Phật này là của mẹ chồng cúng, tượng Phật kia là của con dâu cúng, cúng Phật lại cúng trên một chiếc bàn dài. Chiếc bàn rất dài, đặt trên đó mấy tượng Phật. Ngài nhận thấy cô con dâu này khi đi lau chùi tượng Phật, chỉ lau chùi vị trí trước mặt tượng Phật của cô, phần bàn trước mặt tượng của mẹ chồng, cô không lau chùi giúp. Ấn Tổ nhìn rồi nói, học Phật như vậy có thành tựu được sao? Việc này không tạo nghiệp đã là tốt lắm rồi. Tại sao? Trên danh tướng là đệ tử Phật, còn trên thực tế là con dâu bất hiếu. Đại chúng sẽ nghĩ rằng, thì ra người học Phật mà ngay cả hiếu thuận mẹ chồng cũng làm không được, thế thì họ sẽ không học Phật. Đây là dùng thân báng Phật pháp.

Cũng như vậy, nếu như đối với ngũ luân chúng ta không thể tận tâm tận lực đi làm, bất luận là trong gia đình hay trong công việc, chúng ta không cách nào làm tròn bổn phận. Người ta nhìn vào nói, người học Phật, người học văn hóa truyền thống ngay cả công việc cũng làm không tốt, vậy thì không thể học Phật và văn hóa truyền thống này. Cho nên nền tảng làm người không vững chắc thì rất khó tránh khỏi việc dùng thân báng pháp. Những đạo lý này nếu như chúng ta không hiểu rõ, chúng ta cảm thấy mình đang tu công đức, nhưng trên thực tế là đang đọa lạc, đang tạo nghiệp, điều này rất có thể chính mình cũng không biết. Rất nhiều người động một chút là nói tôi muốn xuất gia. Sư phụ luôn nói: “Quý vị cắm tốt ba cái gốc rồi hãy tính”. Ồ, người ta muốn xuất gia là việc tốt, tại sao sư phụ chưa nhận lời họ? Đó là ngài thật sự thương yêu họ. Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều, quý vị đồng nhân, câu nói này không dễ nghe, nhưng vẫn phải nói ra. Người tu hành điều quan trọng nhất là phải nghe lời nói thật, không được nghe lời nói dễ nghe (êm tai).

Đài Loan có một vị Pháp sư khiến tôi hết sức khâm phục. Thầy có một lần chủ pháp tam thời hệ niệm, đủ các điềm lành, ngay cả thính chúng ở trên mạng, không ở hiện trường cũng nhìn thấy điềm lành, gọi điện gửi lời tán thán vị Pháp sư này. Khi các đồng tu đem những lời tán thán đó nói với vị Pháp sư này, họ vừa mở miệng, Pháp sư liền nói với họ: “Tất cả những điều tốt, một điều anh cũng không cần nói với tôi; tất cả những lời phê bình, anh hãy mau nói cho tôi”. Tâm trạng này, đối với việc tu hành mà nói là vô cùng vô cùng quan trọng. Giống như Đệ Tử Quy nói: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui”, mới có thể trong các cảnh duyên thật sự tìm được vấn đề của mình, nâng cao cảnh giới của mình.

Chúng ta đời này phải quý trọng pháp duyên này, còn phải luôn luôn y giáo phụng hành, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Vậy khi nào chúng ta mới chịu phát Bồ-đề tâm? Tâm trạng của chính mình so với Bồ-đề tâm chân chánh còn khoảng cách bao lớn vậy? Nếu như chúng ta thâm nhập suy ngẫm những vấn đề này thì sẽ cảm ơn mỗi cảnh duyên nhắc nhở tâm trạng của chính mình vẫn còn cách xa. Ví dụ chúng ta đang phục vụ đại chúng, chúng ta có thấy không kiên nhẫn không, có thấy không vui không? Trong Bồ-đề tâm không có sự không kiên nhẫn, không có sự không vui. Chúng ta cùng đồng tu phối hợp làm việc, có tâm trạng hóa không, có ý niệm khống chế không, có đối lập không, có chỉ trích không? Hễ có tình hình này thì đồng tu này, đại chúng này chính là thiện tri thức của chúng ta, nhắc nhở chúng ta khoảng cách [đối với Bồ-đề tâm] vẫn còn rất lớn. Sư phụ vẫn luôn nói người tu hành muốn đắc lực thì phải trải nghiệm mà luyện tâm của mình. Chỗ nào là đạo tràng? Hết thảy khởi tâm động niệm đều là đạo tràng.

Chúng ta học Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, sự thể hội về những đạo lý, về những câu kinh nhất định phải để trong tâm, hiện tại thực hành trong sự đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên câu thứ nhất nói: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”, đây là đạo lý. “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”. Chúng ta mỗi ngày đều niệm Tâm Mệnh Thi, trong đó có câu:“Tâm tốt mệnh không tốt, họa chuyển thành phước báo”. Chúng ta tu hành nhiều năm như vậy rồi, mọi người cảm thấy vận mệnh đã chuyển chưa? Thật ra mà nói, vận mệnh có chuyển chưa thì phải coi tập khí chuyển bao nhiêu. Đây là vấn đề quan trọng nhất, căn bản nhất. Chúng ta học Liễu Phàm Tứ Huấn, cũng đã học 20 tiết rồi. Điều quan trọng nhất của cải tạo vận mệnh chính là sửa đổi tập khí, sửa tập khí là cơ sở quan trọng nhất để lập mệnh. Tập khí sửa rồi thì họa sẽ biến thành phước. Điều này không cần hỏi người khác, cũng không cần coi bói, tự mình ắt biết rõ. Cho nên trên con đường tu hành, sự khảo nghiệm rất quan trọng, khảo nghiệm bản thân đang tiến bộ hay là thoái lui, tập khí của mình đang tăng hay giảm, phát tâm của mình đang tăng hay giảm? Điều này phải luôn luôn nhắc nhở quán chiếu, lập tức lý trí, chánh niệm liền được khởi lên.

Nữ sĩ Lưu Tố Vân mắc bệnh hồng ban (lupus), đây là bệnh hiểm nghèo, còn nghiêm trọng hơn ung thư. Nhưng tâm địa cô lương thiện, cô nói rằng, nếu như phải đi thì tôi trở về quê nhà, trở về thế giới Tây phương Cực Lạc; nếu như A-di-đà Phật cảm thấy tôi còn có thể làm gương cho người niệm Phật, thì tôi sẽ nghiêm chỉnh làm gương cho người niệm Phật. Người ta có nguyện lực, cho nên bệnh không trị mà khỏi, bây giờ trở thành tấm gương tốt cho người niệm Phật chúng ta. Quý vị đồng nhân, mắc bệnh hồng ban có tốt không? Đối với người giác ngộ thì có tốt xấu không? Không có, phải không? Sự việc càng xấu, đối với họ mà nói chính là lúc cúng dường đại chúng tốt nhất. Quý vị đồng nhân, quý vị bây giờ có khổ không, có vất vả không? Không khổ không thể rộng tu cúng dường. Đều rất nhẹ nhàng thoải mái, có gì ghê gớm đâu. Cho nên bây giờ cho quý vị mắc hồng ban được không? Không được phải không, quý vị chẳng phải cúng dường thay chúng sanh mà chịu khổ sao? Chúng ta cứ chọn cảnh giới, nhưng mọi người phải chú ý muốn khiến người bây giờ khởi tín tâm, có dễ không? Quý vị phải làm được điều khiến họ khâm phục chứ.

Tôi đã từng nhắc qua với mọi người, trước khi tôi dạy tiểu học tôi có học với cô giáo Trần Chân, tôi tới lớp của cô coi cô dạy học trên lớp. Đầu năm ngoái cô bị ung thư đại tràng kì 4, khi vào phòng bệnh, cô không hề sợ hãi cái chết chút nào, sau đó cô tự nói với mình, nếu như thọ mạng đã hết thì đi theo A-di-đà Phật; mạng vẫn chưa hết thì sau này sẽ một lòng một dạ làm việc cho chúng sanh. Kết quả khi mổ xong, là ung thư thời kì cuối. Sau khi mổ xong, nửa năm sau, cô đứng trên bục giảng tiếp tục dạy học. Mấy tháng sau đi kiểm tra, bác sĩ nói ung thư hết rồi. Kì nghỉ hè năm nay, cô dạy học cho giáo viên tham gia “Giảng tọa hạnh phúc nhân sinh dành cho giáo viên”, năm nay cô đã dạy học 43 năm.

Chúng ta luôn nói phải hành Bồ-tát đạo, không thể nào một chút khổ cũng chịu không được. “Công phu thiết thực phải làm từ chỗ khó, học vấn thiết thực đều từ khổ mà tới”, chúng ta muốn chọn cảnh giới thì bản thân đã tham chấp. Trọng tâm của tu hành là tiêu trừ tham sân si, tâm trạng của chúng ta đã rơi vào tham sân si rồi, không thể ở trong đạo nữa, làm sao có được cảm ứng tốt được? Tâm là năng cảm, cảnh giới là sở cảm. Cho nên “thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, chúng ta phải khảo nghiệm, tình hình bây giờ của chúng ta là chiêu cảm cảnh giới tốt hay là cảnh giới không tốt, sự tu hành của chính mình là đang tiến bộ hay đang thoái lui.

Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một khảo nghiệm, không biết mọi người có còn nhớ không? “Hoặc thấy tâm thần khoáng đạt, hoặc thấy trí huệ đốn khai, hoặc gặp nhiễu nhương bỗng được rành rọt thông suốt, hoặc gặp oán thù mà chuyển hận thành vui, hoặc mộng ói vật đen, hoặc mộng thấy vãng thánh tiên hiền dìu dắt tiếp dẫn, hoặc mộng bay bổng thái hư, hoặc mộng tràng phan bảo cái”. Quý vị đồng nhân, quý vị trong tháng này, trong giai đoạn này có vị nào đã cảm nhận được xin mời giơ tay. Tôi bây giờ đang thống kê tình hình, quý vị đừng khiêm tốn nữa, quý vị khiêm tốn thì tôi không cách nào nói tiếp. Nhưng mà, “hoặc tâm thần hôn trầm, chớp mắt liền quên; hoặc vô sự mà thường phiền não; hoặc thấy quân tử mà e ngại mất tinh thần; hoặc nghe chánh luận mà không vui”. Ví dụ nói, bây giờ chúng ta đang đọc kinh, nghe giảng, thật sự nghe không nổi nữa, thế thì chúng ta phải cẩn thận, chúng ta đã nghe chánh luận mà không vui, nghe sự thật mà không thoải mái. “Hoặc làm ơn mà người lại oán; hoặc đêm mộng điên đảo; đến nỗi vọng ngôn thất chí. Đều là tướng tạo nghiệp vậy”. Mọi người phải bình tâm, không phải đang làm việc trong đoàn thể hoằng pháp tức là làm việc thiện. Thiện ác họa phước ở ngay tâm mình, không phải ở trên cảnh giới. Phía sau nói “vọng ngôn thất chí”, nếu như chúng ta thường xuyên khởi ý niệm “Hừm, mình không làm nữa”, đây chính là vọng ngôn thất chí, động một chút thì nguyện tâm ban đầu của mình liền bị dao động. Tu hành điều quan trọng nhất là nguyện lực phải lớn hơn nghiệp lực, nếu không sẽ theo nghiệp mà lưu chuyển.

Chúng ta phải hiểu rằng “thiện ác chi báo”“như ảnh tùy hình”, giống như cái bóng đi liền thân thể vậy, hơn nữa, rất có thể họa phước chỉ cách nhau có một niệm. Ở An Huy có thương nhân tên là Vương Chí Nhân, ông 40 tuổi rồi, không có con trai, coi như là không có phước báo, gặp được một thầy bói, nói với ông rằng mấy tháng này ông sẽ có họa lớn không thể tránh được, ông mau mau xử lý xong công việc đi. Vì thầy bói này ở trong vùng của ông rất nổi tiếng, bói rất đúng, ông liền mau chóng đi thu một số nợ, để lại cho người nhà. Vừa hay đi tới một vùng, lúc đó trời đang mưa, nước sông chảy xiết, nhìn thấy một phụ nữ ôm đứa con nhảy sông tự sát. Ông vừa nhìn thấy liền kêu gọi dân chài, ai cứu được cô ấy lên ông sẽ tặng 20 nén vàng. Kết quả đã cứu lên được. Ông tìm hiểu được nguyên nhân vì sao người nữ này lại nghĩ quẩn, là bởi vì trong nhà cô ấy rất nghèo lại mắc nợ, nuôi được một con lợn, khó khăn lắm mới nuôi nó lớn, bán đi để trả nợ, sau khi đi bán lại nhận được tiền giả, trong lòng cô nghĩ chồng mình quay về chắc chắn sẽ đánh mình chết, cô liền nghĩ không thông, liền đem theo đứa con còn rất nhỏ mà đi nhảy sông. Sau khi được cứu lên, người nữ này sau khi quay về nhà, đem hết sự tình kể cho chồng mình nghe. Chồng cô không chịu tin, thời đại này làm gì có người tốt như vậy? Liền đưa vợ mình đi tìm tiên sinh Vương Chí Nhân này.

Lúc đó đã là đêm khuya rồi, người nữ này biết ông ở chỗ nào, liền đi tìm ông, gõ cửa mời ông ra ngoài một chút. Lúc đó ông nghĩ trong lòng, cô là thiếu phụ, tôi là khách qua đường, đã trễ vậy rồi còn mở cửa nói chuyện, còn ở bên trong phòng, để người khác nhìn thấy thì không tốt, danh tiết cả đời cô đều bị tổn hại, không phân bua được. Ông rất hiếm có, cứu mạng người lại còn luôn luôn suy nghĩ cho danh tiết của người ta, tâm này rất nhân hậu. Chồng của người nữ đó nghe xong hết sức cảm động, nói tôi và vợ tôi cùng tới đây, ông cứ yên tâm, xin mở cửa. Ông mới yên tâm mở cửa ra, bức tường bên cạnh giường ông ngủ, bởi vì trời mưa rất lâu nên sập xuống, đè nát hết cả giường của ông. Cho nên y theo số mệnh mà nói, ông lẽ ra phải chết vào lúc này đây. Nhưng vì đã cứu mạng người lại còn luôn luôn nghĩ cho người ta, kết quả ông đã thoát qua kiếp nạn này. Sau khi ông quay về, lại gặp được thầy bói đó nhìn ông và nói, diện mạo của ông nhìn có vẻ ông đã cứu được mấy mạng người, vận mạng của ông đã thay đổi rồi. Có thể mặt của ông đã tràn đầy đường âm đức rồi. Mọi người hãy quay về soi gương, trên mặt mình mấy đường âm đức đó có tăng thêm chút nào chưa. Vốn dĩ số ông không con, kết quả sau đó liên tiếp sanh 10 đứa con, sống tới 96 tuổi.

Cho nên thật sự là “thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, một niệm của ông chuyển đổi, cả vận mạng đã hoàn toàn đổi khác. Không chỉ ông chuyển, con cháu đời sau của ông cũng đều chuyển. Nếu như chúng ta tạo ác, không chỉ chúng ta phải chịu quả báo, mà vận mạng con cháu đời sau thảy đều bị ảnh hưởng. Tôi ngày mai kể một ví dụ vốn dĩ người này rất có phước báo, sau đó bị tổn hết phước, ngay cả con cháu cũng phải làm ăn mày, để trao đổi tiếp với mọi người. Cảm ơn mọi người.