Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 12) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 12: Nhân quả chân thật không hư, phải sớm mà hành thiện.

Giảng ngày 7 tháng 09 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta lần trước nói tới “thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, trước hết phải hiểu được cái gì là thiện, cái gì là ác. Nếu như không phân biệt rõ ràng thiện ác thì không thể nào không tạo tác tội nghiệp. Thời đại này chúng ta thiếu sót giáo dục luân lý đạo đức nhân quả, cho nên người mấy đời nay đối với sự phán đoán đúng sai về thiện ác khá là thiếu sót. Trong lịch sử mấy ngàn năm nay đều có cha mẹ dạy, phong khí của cả xã hội đều đang dạy, cho nên người ta biết phán đoán. Đại thánh đại hiền, chư Phật Bồ-tát ở thế gian này việc quan trọng nhất là giúp đỡ chúng sanh chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Trước hết, cơ sở rất quan trọng là chuyển ác thành thiện, trước tiên phải biết phán đoán thiện ác. Chúng ta trong quá trình làm khóa học, rất nhiều người đã tiếp xúc Đệ Tử Quy, văn hóa truyền thống, họ mới biết trước đây họ đã làm sai rất nhiều điều. Làm không đúng, họ biết nên phản tỉnh thì lỗi của họ mới chuyển được, phước của họ mới tăng được.

Chúng ta vừa hay hôm qua mới làm xong khóa học, buổi chiều hôm qua đã bắt đầu lớp tiếng Anh tiếp theo, dùng một câu thành ngữ gọi là “khua chuông gióng trống”, đây là “tiễn cũ đón mới”, người cũ vừa mới đi, người mới lại tìm đến. Bởi vì hiện giờ là kì nghỉ của Malaysia, người bây giờ rất bận rộn, chỉ có kì nghỉ quý giá này mới có cơ hội đến tiếp xúc văn hóa truyền thống. Mọi người có mệt không? Quý vị không có phản ứng gì cả. Nói không mệt là gạt người, là thân mệt, tâm không mệt, tâm lý cảm thấy đầy đủ. “Thấy người được, như mình được”, có người sau khi tiếp xúc khóa học, có thể đoạn ác tu thiện, có thể nhận ra được lương tâm, chúng ta cảm thấy sự cống hiến này đã không bị uổng phí.

Lớp tiếng Anh lần này, có hiệu trưởng trường mẫu giáo dẫn theo rất nhiều giáo viên cùng tới đây, điều này rất hiếm có, thầy là người lãnh đạo dẫn đầu. Và hiệu trưởng này là người thuộc bang Sarawak. Năm ngoái chúng tôi có đi tới vùng Sarawak, thầy nghe xong cảm thấy rất được gợi mở, nên quay về đã phổ biến văn hóa truyền thống trong trường mẫu giáo của mình. Mọi người có nhìn thấy cảnh tượng đó không: Các em học sinh của họ đang đọc Đệ Tử Quy, đang kính lễ thầy cô. Chúng ta phải mau mau đi gieo rắc hạt giống này, hết thảy chúng sanh đều có thời điểm giai đoạn học tập, học lúc tuổi càng nhỏ càng sớm càng tốt; học càng trễ thì có thể họ đã đọa lạc rồi, thậm chí còn dưỡng thành tập khí, không dễ điều phục. Cho nên Lễ Kí – Học Kí nói, “đương kì khả chi vị thời”, phải nắm lấy điểm cơ hội quý báu đó, “thiếu thời như thiên tánh, thói quen thành tự nhiên”.

Lần này chúng tôi làm liên tiếp hai kì giảng tọa, chủ yếu vì hội công chức hiệu trưởng chọn ra bốn mô hình tiêu biểu của tiểu học Hoa văn để bồi dưỡng giáo viên. Các em từ năm lớp 1 tiểu học đã có thể học được thì đối với cuộc đời các em có lợi ích hết sức lớn. Không chỉ thầy cô đến rồi mà còn có rất nhiều phụ huynh cũng đến, những phụ huynh này đều nói gia đình của họ đều có thay đổi rất lớn. Những vị hiệu trưởng này quả thật đều lấy mình làm gương, làm đến nỗi phụ huynh cảm động. Cho nên một hiệu trưởng có đức hạnh thì học sinh trong cả trường họ cho tới gia đình của học sinh đều có phước khí.

Lần này lớp tiếng Anh có một vị tiên sinh cũng tới, tối qua ông đã giới thiệu về chính mình, ông nói tại sao ông tới đây, bởi vì vợ ông tới đây học xong rồi quay về có thay đổi rất lớn. Từ đây có thể hiểu được việc“vì người diễn nói” rất quan trọng, nhân duyên nghe chánh pháp của người xung quanh chúng ta có tương quan mật thiết với chúng ta. Chúng ta có thay đổi lớn, thay đổi rất nhiều tập khí, họ sẽ cảm thấy rất hiếu kì. Người chồng này nhìn thấy vợ mình thay đổi lớn như vậy, liền hỏi vợ mình: “Dạo này em rất là khá, là do nguyên nhân gì vậy?”. Người vợ nói: “Anh muốn biết thì hãy tự mình đi đến lớp”. Cho nên chồng cô đã đến để làm rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?

Chúng ta ngày nay hy vọng đem chân tướng sự thật về nhân quả báo ứng nói với người thế gian, bản thân chúng ta cũng phải biểu diễn rất tốt, sau khi học xong, chúng ta đoạn ác tu thiện, phước báo càng ngày càng tốt, những việc cần làm càng ngày càng thuận lợi, khiến người xung quanh tin sâu việc “thiện hữu thiện báo”, chúng ta làm ra một tấm gương nhân quả cảm ứng. Thời cổ đại, những người y giáo phụng hành đều có quả báo hết sức thù thắng.

Vào thời Tống có một đại tướng tên Tào Bân. Tào Bân đối với người hết sức nhân hậu, lại vô cùng khiêm tốn, chưa từng kể công. Người chưa từng kể công thì đáng là phước báo của họ vẫn sẽ là phước báo của họ. Người thế gian nếu như hiểu lý rồi thì sẽ không tranh với người, không cầu với đời. Khởi tâm tranh giành tức là tạo nghiệp, tâm tranh giành tức là đối lập xung đột với người, phước vốn có bị tổn hại hết, còn phải chịu quả báo. Cho nên đạo lý nhân quả báo ứng này, chúng ta không thể không hiểu rõ, nếu không thì sẽ “tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”.

Tào Bân quan sát từ rất nhiều chỗ vi tế, thông cảm với khổ đau của người khác cũng hết sức vi tế. Từng có một sĩ binh phạm sai lầm, bị phán quân côn mấy chục hèo lớn, một năm sau mới chấp hành. Những thuộc hạ xung quanh đều rất thắc mắc, tại sao mấy chục hèo này phải cách một năm mới chấp hành? Họ thấy không hiểu lắm. Sau đó Tào Bân nói, bởi vì năm ngoái sĩ binh này vừa kết hôn, nếu như lúc đó ta đánh ngay, người trong nhà anh ấy sẽ nói: “Là do lấy cái sao chổi này về, con trai mình mới bị như vậy”, vậy thì vợ anh ấy có thể cả đời sống trong gia đình này sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ. Đối với gia đình của một người cũng tinh tế như vậy. Không chỉ ở một chỗ này, mà tất cả mọi nơi ông đều nhìn thấy được, bao gồm khi ông đi đánh trận, chưa từng giết oan một người nào.

Có một lần ở Thành Đô đánh thắng trận, sau đó bắt được rất nhiều phụ nữ, ông liền tìm một căn phòng, đem tất cả những phụ nữ này gom hết vô căn phòng đó, sau đó tìm người đặc biệt canh giữ. Dặn dò những sĩ binh đó, đây là những người phải dâng cho cấp trên, tuyệt đối không thể nào vọng động khinh suất, có điều gì sơ suất thì sẽ hỏi tội các ngươi. Những sĩ binh này liền rất cảnh giác: “Đây là người phải nộp cho cấp trên”. Bởi vì chiến tranh loạn lạc, người ta dễ dâm loạn, làm ra những việc tổn hại tới người khác. Sau đó chiến tranh kết thúc, Tào Bân đã lần lượt hỏi han những phụ nữ này là người ở nhà nào, mau mau đưa họ về. Nếu như là người chưa kết hôn, không có nhà quay về, cha mẹ cũng không còn nữa, ông còn giúp họ tìm gia đình mà gả họ đi. Quý vị coi chỗ tinh tế như vậy, nếu ông có thể làm được thì ông đã tận tâm tận lực mà làm. Sau đó, khi tấn công Nam Kinh, ông còn nói với tất cả đại tướng rằng, ta bị bệnh rồi, chỉ có các ngươi có thể giúp ta trị bệnh này. Tào Bân cũng rất thấu hiểu lòng người, lời nói ra những tướng quân này đều nghe hiểu được. Quý vị nói với những tướng quân này “Khổng Tử nói”, chưa chắc gì họ nghe hiểu được. Quý vị nói với họ những lời nghĩa khí này, ai ai cũng đều hiểu, lập tức nhận lời, cắt máu ăn thề, tuyệt đối không giết oan một ai.

Cho nên trong các tướng quân, số người được thiện chung, con cháu hưng thịnh trong lịch sử thì cực kì ít ỏi. Mọi người coi, thời Hán, Lý Quảng đánh trận với Hung Nô không ai có thể giỏi hơn ông, nhưng chức quan của ông mãi không thăng tiến, vì ông sát sanh quá nhiều. Sau cùng tới cháu của ông là Lý Lăng khi đi đánh Hung Nô, bị Hung Nô bắt, sau đó giả hàng, mặc dù giả hàng, vẫn bị nhà vua giết hết cả nhà. Cho nên nhân quả báo ứng tơ hào không sai sót. Về sau con cháu của Tào Bân đều hết sức hiển hách, một cháu gái của ông sau cùng được làm hoàng hậu, đều nhờ thiện hạnh âm đức của ông chiêu cảm.

Ông có một người em họ, tên Tào Hàn, vô cùng thông minh. Hai câu chuyện này có một trọng điểm, một người là hết sức nhân hậu, một người là vô cùng thông minh. Người em họ này thăng quan hết sức nhanh, bởi vì đầu óc rất giỏi, nhiều lần lập kì công, đương thời không ai không biết đến Tào Hàn. Có một lần khi Tào Hàn tiến công Giang Châu, Giang Châu là một vùng của Giang Tây, đánh rất lâu mới công phá được. Sau khi vào cổng, ông đã giết sạch toàn bộ binh sĩ [của phe bại trận], là vì ông nổi giận. Kết quả là con cháu của ông chưa tới 30 năm sau đã có người trầm luân làm ăn mày.

“Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, vốn dĩ là người có phước báo rất lớn, chỉ vì đã tạo đại ác mà bản thân họ và con cháu lập tức gặp ác báo hiện tiền. Cho nên hành thiện nhất định phải làm cho sớm, đợi đến lúc quả báo hiện tiền rồi muốn đi hành thiện, xoay chuyển vận mệnh thì e rằng đã muộn rồi. Người bây giờ chủ nghĩa tranh danh đoạt lợi khá là nặng, nhìn sự việc không nhìn xa như vậy, quý vị nói với họ có quả báo, họ sẽ nói “Ở chỗ nào? Anh chỉ tôi xem”, họ không tin.

Có một người tên là Đồ Phan Kì, một hôm chết bất đắc kì tử, kết quả lại được sống lại. Người này trong đời đã tạo rất nhiều ác nghiệp: Miệng thì mắng người, thậm chí mắng cả thần Phật; sau đó thường chia rẽ ly gián, khiến cha con anh em người ta đều đi kiện tụng; ánh mắt thường nóng giận, trừng mắt nhìn cha mẹ của chính mình, trừng mắt nhìn tiên Phật, trừng mắt nhìn người khác; thường sát hại rất nhiều sinh linh; lại còn bắt nạt rất nhiều người nữ, tạo đủ các ác hạnh. Sau khi ông ấy đột tử lại được tỉnh lại, tại sao được tỉnh lại? Vì những thần minh cõi âm này cảm thấy con người không tin có quả báo địa ngục, cho ông hoàn hồn thị hiện. Trước tiên ông móc mắt mình moi ra ngoài, ông nói: “Cái này chính là quả báo tôi đã trừng trợn cha mẹ, giận dữ nhìn tiên Phật”; lại chặt đứt hai tay, “Đây là quả báo tôi đã sát hại sinh linh”; lại cắt bỏ lưỡi mình: “Đây là quả báo tôi vọng ngữ, chia rẽ ly gián”; lại moi trái tim của mình ra: “Đây là quả báo tôi âm hiểm với người”. Tất cả những cơ quan tạo ác này đều bị ông cắt bỏ hết, cứ vậy mà thương tích đầy mình, 6 ngày sau mới chết đi. Cho nên thần minh từ bi, nói với chúng ta không thể nào tạo tác ác nghiệp, quả báo địa ngục thật sự tồn tại. Cho nên “y chánh trang nghiêm”, người này đã đem quả báo hiển hiện ra, đây thật sự là y chánh trang nghiêm, mới có thể cảnh tỉnh người tạo ác.

Lịch sử chính là một bộ nhân quả báo ứng. Chúng ta đều biết vào thời Chiến Quốc, sự tàn sát hết sức nghiêm trọng, mọi người có nghe chuyện Bạch Khởi của nước Tần chưa? Bạch Khởi khi đánh trận với liên quân Hàn Ngụy, đã giết hai mươi mấy vạn binh đầu hàng. Đến khi đánh trận với nước Triệu, đã giết 40 vạn binh đầu hàng, đem họ đi chôn sống. Hai ngàn năm rồi, vùng đất đó âm hồn vẫn chưa ly tán. Cho nên người có phước báo quyền thế lớn như vậy, kết quả đem ra tạo sát nghiệp. Thế gian này tội nghiệp nghiêm trọng nhất là sát nghiệp và dâm loạn, quả báo này là nhanh chóng [trổ ra] nhất. Trong lịch sử có ghi lại, có một người giết heo, trên thân con heo đó có viết ba chữ “Tần Bạch Khởi”, lúc đó đã cách thời của ông qua đời hơn một ngàn năm rồi. Đó đều là lời cảnh tỉnh thế nhân. Ông không chỉ làm heo mà thôi, ông còn xuống địa ngục chịu đựng rất nhiều núi đao rừng kiếm, cắt đứt thân thể bởi vì ông giết người, sau đó ông đầu thai làm súc sanh, thở dốc một hơi lại phải về địa ngục thọ báo. Cho nên “lộng quyền một thời, thê lương vạn cổ”, điều này phải rất cẩn thận.

Chúng ta nghĩ trong lòng bây giờ không thể giết người bừa bãi, chúng ta có lẽ sẽ không phạm quả báo sát sanh. Chúng ta không dễ gì phạm quả báo sát sanh, nhưng chúng ta có thể sẽ phạm quả báo giết huệ mạng. Chúng ta hoằng dương văn hóa, bản thân chúng ta phải lấy mình làm gương, đây là hoằng pháp; lời nói hành vi của chúng ta không đồng nhất sẽ thành báng pháp, có thể sẽ đoạn huệ mạng của người ta. Sư phụ nói, quả báo làm đoạn huệ mạng của người khác còn nghiêm trọng hơn đoạn sanh mạng người ta, bởi vì họ được nghe chánh pháp là việc trăm ngàn vạn kiếp khó được gặp. Cho nên chúng ta có chí hoằng pháp, nhất định phải cắm căn cơ đức hạnh của mình cho chắc, không phải gấp gáp đi làm lợi ích cho người khác, phải cắm vững căn cơ của mình trước, gốc vững thì thân mới mạnh. Sư phụ thường nói, chính mình không độ được mà đi độ người khác, không có chuyện đó. Sư phụ nói: “Mười năm thâm nhập một bộ kinh, sau này sẽ có năng lực diễn thuyết bộ kinh này, trở thành người chuyên giảng bộ kinh này”, đây là chí hướng rất tốt. Tiền đề là cắm vững ba cái gốc, có cơ sở đức hạnh thì mới có thể một môn thâm nhập, mười năm sau có thành tựu. Nếu như căn cơ đức hạnh không vững, tâm danh văn lợi dưỡng rất nặng, tâm ngạo mạn cũng rất nặng, lại có thể không cần làm việc, 10 năm chỉ để họ ở đó đọc sách, ở đó giảng cho người khác nghe thì làm sao có chuyện họ không cống cao ngã mạn được?

Mạnh Tử đã nói: “Người ta đều thích làm thầy”, thời xưa là như vậy, chúng ta hai ba đời này không có cơ sở thì càng như vậy. Không thể mơ mộng viễn vông, chúng ta phải quay về đối trị tập khí của bản thân mình, đây mới là căn bản của căn bản. Hoằng pháp lợi sanh nhất định phải xây dựng trên cơ sở của việc cách vật (cách trừ vật dục). Thật sự hiểu rõ đạo lý này, trong tất cả sự đối nhân xử thế tiếp vật, khéo quán sát tâm mình, thật sự đối trị tập khí. Tất cả người tu hành nhất định phải phá vỡ cửa ải quan trọng nhất là không gạt mình, ý niệm của mình sai rồi nhất định phải đối trị, không thể sống cho qua ngày, không thể viện cớ.

Chúng ta tiếp theo nói tới câu:“Đến ngày cuối tháng, Táo thần cũng vậy”, Táo thần thị hiện giúp đỡ Du Tịnh Ý Công. Đạo đức học vấn của Du Tịnh Ý Công cao hơn chúng ta rất nhiều, vậy mà ông còn phải phá vỡ cửa ải gạt mình này, nếu không cũng không thay đổi được vận mệnh. Táo thần nhắc nhở ông: “Ý ác quá nặng, chỉ cầu hư danh”, ý niệm quá tà ác, làm ra đều là công phu bề mặt, làm cho người xem, muốn người tán thán. Còn sư phụ lại luôn nhắc nhở chúng ta phải tu thập thiện nghiệp. Thập thiện nghiệp chia thành “thân, khẩu, ý” ba nghiệp, căn bản nhất vẫn là ý nghiệp, thân khẩu đều là tùy theo ý niệm mà phát ra. Cho nên sự tu học của Du Công nhắc nhở chúng ta, nhất định phải khắc phục sự dẫn dắt của tập khí khiến chúng ta hoàn toàn vô tri. Làm sao khắc phục sự hoàn toàn vô tri? Những lúc đọc kinh, nghe kinh phải nghĩ rằng đó là nói với chính mình, không phải là nói với người khác, nếu chúng ta vừa nghe vừa nghĩ tới sai lầm của người khác thì rất khó nhận được lợi ích.

Tiếp đó, người khác thẳng thắn khuyên răn chúng ta, chúng ta nhất định phải tiếp thu. “Người ngoài cuộc thường tỉnh táo”, có thể cho chúng ta rất nhiều nhắc nhở, tấm lòng của chúng ta phải lớn, phải tiếp thu lời nói chánh trực. Không thể người ta mới nói mấy câu phê bình thật lòng thì chúng ta lại buồn phiền mất mấy ngày, như vậy rất khó tu đạo. Liễu Phàm Tứ Huấn nói: “Người khiêm tốn thọ giáo sẽ được lợi ích vô cùng”. Phê bình mấy câu đã rất buồn lòng thì người đó là quá ưa sĩ diện, sĩ diện đó khiến cho cơ hội hy hữu khó gặp từ vô lượng kiếp của chúng ta đều bị đánh mất. Một người thật sự suy nghĩ cho chúng sanh thì không sĩ diện, “không cầu có công, chỉ mong không tội”, người khác chỉ ra vấn đề của mình, mình đội ơn đội nghĩa, khiến tôi không làm lầm lạc chúng sanh, đây là tâm nguyện duy nhất của tôi!

Gặp được cơ duyên hoằng dương văn hóa, hoằng dương chánh pháp, tâm ban đầu của chúng ta chính là luôn luôn làm lợi ích cho chúng sanh, không có mong cầu khác, cũng không yêu cầu có quả báo gì. Thế gian “phàm hễ có tướng, đều là hư vọng”, không có gì để cầu hết, cũng cầu không được. Chỉ có vãng sanh Tây phương là điều chân thật bất hư, còn có gì để tham chấp nữa chứ? “Nhất tâm cầu Tịnh độ như vậy, quyết định vãng sanh Cực Lạc quốc”, tất cả những việc đã làm đều là việc nên làm, không cầu quả báo, hồi hướng Tây phương Cực Lạc thế giới, “nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh độ”. Tây phương Cực Lạc thế giới không phải sau khi tôi vãng sanh mới khiến nó càng trang nghiêm; tôi nghe thấy Phật hiệu A-di-đà Phật, biết được có thế giới Tây phương Cực Lạc rồi, hành vi của tôi phải khiến thế giới Tây phương Cực Lạc càng trang nghiêm. Phải tâm đồng với A-di-đà Phật, nguyện đồng với A-di-đà Phật, giải đồng với A-di-đà Phật, hạnh đồng với A-di-đà Phật, người phải có chí khí như vậy. Khiến Thích-ca Mâu-ni Phật an lòng, khiến A-di-đà Phật an lòng.

Lúc nãy chúng ta nói tới ví dụ về Tần Bạch Khởi, bao gồm quý tộc Lý Lâm Phủ thời Đường, cũng là người nhà họ Lý, lộng quyền một thời. Mọi người có nghe qua câu thành ngữ “Miệng nam-mô bụng một bồ dao găm” chưa? Nói năng nghe rất hay nhưng trong tâm chứa đựng một lưỡi kiếm, hãm hại rất nhiều trung thần, sau cùng cũng bị ban cho cái chết. Không chỉ đời này không có quả báo tốt, kết quả trải qua hơn ba trăm năm, đúng lúc sấm sét đánh chết một con trâu. Có một thư sinh nhìn thấy liền nói, thần thiên lôi không hướng về thế gian trừ yêu nghiệt, sao lại đánh con trâu cày ruộng làm gì? Lời ông vừa nói xong, sét lại đánh lên con trâu đó, lại đánh thêm một tiếng. Kết quả lần này đánh xuống, da con trâu này rách ra hiện lên một hàng chữ “Đây là Lý Lâm Phủ thời Đường, ba đời kỹ nữ bảy đời trâu”. Ông ấy đã ba đời làm kỹ nữ, bảy đời làm trâu để trả nợ, ông đã trả hơn ba trăm năm, tất nhiên cái đó còn chưa bao gồm quả báo ông phải chịu ở địa ngục. Cho nên chúng ta biết rõ ác giả ác báo, tuyệt đối từ nay về sau không tạo tác thêm bất kì tội nghiệp gì.

Sư phụ kì vọng chúng ta, “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, không tạo thêm nghiệp mới”. Đối mặt những nhân vật lịch sử này, chúng ta đều coi họ như người thầy của mình: Người thiện, thì noi gương họ; người ác, thì nghiêm chỉnh cảnh giác bản thân chúng ta. Cho nên Đại đế Đông Nhạc có hai hàng câu đối nhắc nhở người thế gian: “Những kẻ gian hùng trên dương thế nhẫn tâm làm trái đạo lý đều vì chính mình”, “Âm ty báo ứng”, những thần minh chủ quản ở cõi âm, “Sự báo ứng ở Âm ty, cổ kim xưa nay nào ai thoát”. Cho nên người tin sâu nhân quả có đại thiện căn, không tạo nghiệp nữa; không tạo nghiệp lại nhất tâm cầu Tịnh độ, không ai không được vãng sanh.

Được rồi. Hôm nay tôi trao đổi với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!