CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 22: Trong không lừa mình, ngoài không gạt người, trên không dối Trời.
Ngày 09 tháng 10 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!
Tiết học trước chúng ta nói về đoạn kinh văn dạy về nên tu thiện tích đức như thế nào trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, đó là đoạn thứ ba. Mở đầu đã nói “Thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái” (chuyện hợp đạo thì hành theo, chuyện chẳng hợp đạo thì hãy nên tránh). Câu này là tổng cương lĩnh của tất cả việc hành thiện tích đức. Như trong Luận Ngữ có câu kinh văn: “Kiến thiện như bất cập” (thấy việc thiện thì vội vàng như không theo kịp), nhìn thấy tấm gương tốt, “dù kém xa, cố theo kịp”, mau chóng noi gương họ, đây là “tắc tiến”. “Phi đạo tắc thoái”, “kiến bất thiện như thám thang”, nhìn thấy hành vi bất thiện hoặc là ý niệm, lời nói, việc làm của mình không đúng, giống như dùng tay sờ nước canh nóng sôi vậy, lập tức mau mau rút tay lại, không để ý niệm, lời nói, hành vi sai lầm này tiếp tục sai tiếp, “phi đạo tắc thoái”, mau mau kìm cương ngựa bên bờ vực, nếu không thì một lần sảy chân để hận thiên cổ, phải mau mau lui trở về. Điều này chính là đối với mình thì phải mau đuổi cùng diệt tận, không thể có tơ hào cẩu thả, phóng túng. Tâm trạng này phải cẩn thận như vậy.
Câu kinh văn phía sau nói rõ về một số đức hạnh cụ thể trong cuộc sống, trong việc xử sự mà chúng ta phải nên chú ý. Chúng ta lần trước đã nhắc tới từ “thị đạo” (con đường đúng đắn) này, đạo của Nho gia, đạo của Đạo gia, đạo của Phật gia, trên thực tế đều là tương thông với nhau. Ngũ thường của Nho gia “nhân nghĩa lễ trí tín”, cùng ngũ giới của nhà Phật “không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu” là tương ứng với nhau, còn tất cả các giáo huấn trog Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo gia tuyệt đối không tách rời ngũ thường này. Lão Tử nói: “Ta có ba bảo bối: Một là từ, hai là kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ”. Nhà Nho cũng có ba bảo bối, đó là “quân thân sư”. “Quân thân sư” là đạo. “Quân” là lấy thân làm mẫu, không yêu cầu người khác, chúng ta trước tiên yêu cầu chính mình, “thân” là tình thương; “sư” là có thể tuần tự dẫn dắt, hữu giáo vô loại, trưởng thiện cứu thất (dạy học không phân hạng người, trưởng dưỡng điều thiện, sửa chữa điều quấy). Một người xử thế thường có tâm trạng quân thân sư, khi họ diễn một vai trò nào đó thì đều có thể diễn tốt bổn phận đó. Ba bảo bối của nhà Phật là giác, chánh, tịnh. Ba bảo bối của Đạo gia là từ, kiệm và không dám đứng trước thiên hạ. Chúng ta xem chữ “từ”, nhân từ có phải tương ứng với ngũ thường không? Cần kiệm, “kiệm” thì tương ứng với lễ, lễ là quy tắc chừng mực xử sự làm người. Một người khi đã xa xỉ thì họ sẽ đánh mất chừng mực, cho nên xa xỉ cũng là không giữ lễ, không giữ nguyên tắc xử sự làm người. Trong Luận Ngữ cũng có nói đến: “Lễ đó là thay vì xa xỉ, hãy nên tiết kiệm”, thế nên xa xỉ là phi lễ, cần kiệm mới là giữ lễ. Nhưng nếu như cần kiệm rồi trở nên rất keo kiệt thì cái này là sai rồi. Cần kiệm là không lãng phí đồ vật, nhưng đối với người vẫn phải có tình thương, phải rộng rãi. “Không dám đứng trước thiên hạ”, điều này tức là nhún nhường, là biết lễ nhường, biết khiêm nhường.
Những giáo huấn này thật ra đều không tách rời ngũ giới, ngũ thường. Chúng ta nếu như có thể nắm vững những cương lĩnh giáo huấn quan trọng nhất này trong việc tu học Nho Đạo Thích thì sẽ có thể thường xuyên quán chiếu chúng ta có đang ở trong đạo không. Không thể tu hành tu tới sau cùng, tự mình có ở trong đạo hay không, có đang tiến bộ hay không mình cũng mơ hồ không hay biết, đó là bán rẻ chính mình rồi. Phải tu hành một cách rõ ràng minh bạch. Sư phụ thường nói, tu hành là phải làm một người sáng suốt. Chúng ta mỗi ngày đọc tụng Đệ Tử Quy, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, tức là dùng giáo huấn cương lĩnh quan trọng nhất của Nho Đạo Thích để quán chiếu chúng ta có còn ở trong đạo không. Sư phụ có một trích đoạn quan trọng trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo gồm hơn 600 chữ, rất dễ thọ trì. Mỗi ngày đọc ba cái gốc này một lần thì sẽ có thể biết quán chiếu lời nói và hành vi của bản thân trong một ngày. Quán chiếu vững vàng rồi, gặp phải cảnh giới, khi đột nhiên khởi lên ý niệm không tốt chúng ta liền có thể chuyển niệm, đó là “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Khởi lên chánh niệm tức là “tiến”; khởi lên tà niệm tức là “thoái”. Cho nên sự “tiến thoái” này, trên căn bản vẫn là dựa vào ý niệm.
Vào thời Tống, một vị thánh hiền nhân chúng ta rất quen thuộc là tiên sinh Triệu Duyệt Đạo, ông sau được phong làm Triệu Thanh Hiến Công. Ông mỗi ngày đều thắp hương cáo thượng đế, hôm nay mình đã làm những việc gì, báo cáo với ông trời. Việc không phù hợp với giáo huấn thánh hiền, ông không dám làm. Bởi vì mỗi ngày đều phải chiêu cáo thượng đế, nếu đã làm những việc không nên làm thì sẽ vô cùng hổ thẹn, không chỗ dung thân. Người xưa tu học đều phải có thái độ này. Vậy chúng ta có học không? Mỗi ngày đến lúc chúng ta đọc về “Ba cái gốc”, hãy giống như tiên sinh Triệu Duyệt Đạo thắp hương báo cáo thượng đế vậy, kiểm điểm lỗi lầm của bản thân chúng ta.
Tử Lộ có một lần chăm sóc Phu Tử bị bệnh. Tử Lộ nói: “Mình hãy mau hướng lên trời cầu nguyện, cầu phước”. Khổng Tử nói: “Ta đã cầu nguyện rất lâu rồi, không phải bây giờ mới cầu nguyện đâu”. Ý của Phu Tử tức là nói, ngươi phải y chiếu giáo huấn của trời cao mà xử sự thì lúc nào ngươi cũng là đang cầu phước, cầu nguyện, không phải tới lúc kiếp nạn hiện tiền rồi mới cầu, bởi vì lúc đó sự việc đã muộn màng rồi. Chúng ta có thể cảm nhận được, người bây giờ phản ứng khá là trì trệ, thân thể bị tổn hại đến mức không chịu được nữa rồi mới bắt đầu chăm sóc, hoặc là đã tạo tội ác ngập trời rồi mới bắt đầu sám hối, luôn luôn không kịp nữa. Thậm chí người tu hành chúng ta, đợi thân thể suy nhược rồi mới chịu tinh tấn thì sẽ luôn rất vất vả. “Sao chẳng nhân lúc còn mạnh khỏe, mà nỗ lực tu thiện” tức là đạo lý này. Chúng ta ngày nay sớm đã được nghe thánh giáo, nếu như còn dây dưa qua ngày, thật ra mà nói, so với người chưa học còn phải thêm một tội, đó là hiểu rồi mà không làm, biết rõ mà cố phạm. Người khác nói về chúng ta: “Người đó học thánh hiền, là đệ tử Phật đấy”, thế thì chúng ta còn mang một giả danh, là danh không hợp với thực. Cho nên không thể đùa cợt Phật pháp, tiêu khiển Phật pháp mà chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở bản thân.
Tiên sinh Quản Ninh ở thời kỳ Tam quốc, sự tu dưỡng của ông cũng vô cùng tốt. Có một lần ông đi thuyền qua biển thì gặp sóng to gió lớn, nhìn thấy tất cả các thuyền cá trên mặt biển đều đang kêu trời kêu đất, bởi vì sắp bị nước biển dìm chết. Những người khác trên thuyền lúc đó bắt đầu sám hối, khẩn cầu ông trời tha tội. Lúc đó Quản Ninh hết sức bình tĩnh, khi ông đối mặt với kiếp nạn thì vẫn ung dung tự tại: Nếu như mình phải chịu tội này thì mình cũng không sợ hãi. Thế nhưng Quản Ninh nói rằng, lần này nếu như không thoát được thì có thể là bởi vì đời này mình có một lần thức dậy không đội mũ ngay ngắn, ba lần ngủ quá trễ, một lần đi vệ sinh không đội mũ, có thể là có liên quan tới mấy lần này. Mọi người chú ý, Quản Ninh cả đời chỉ phạm những lỗi lầm này. Chúng ta nhìn thấy sự hành trì như vậy, lỗi lầm mà chính mình phạm phải trong ngày còn nhiều hơn lỗi lầm ông phạm phải trong cả đời. Kết quả tất cả thuyền khác đều bị chìm hết, chỉ có thuyền của ông không bị chìm. Trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, ông thật sự làm được “thị đạo tắc tiến”.
Những tác phong mô phạm của các thánh hiền này, chúng ta khi tiếp xúc được thì phải noi gương, không thể chà đạp sự biểu diễn làm mẫu của các ngài dành cho chúng ta. Lúc nãy tôi nói câu kinh văn “thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái” là tổng cương lĩnh, tiếp theo là chúng ta làm sao để tu thiện tích đức, câu kế tiếp đã nói rõ: “Bất lý tà kính, bất khi ám thất” (chẳng đi theo nẻo tà, chẳng lừa dối khi ở trong phòng tối).
Muốn tu thiện tích đức, trong nhà Phật gọi là “tu hành”. Đã là tu hành, điều quan trọng nhất là phải tu từ căn bản. Nho gia nói: “Quân tử trọng gốc, gốc lập thì đạo sanh”. Cái gì là căn bản? Tâm chính là căn bản. Chúng ta trước đó có nói đến tiên sinh Viên Liễu Phàm, tiên sinh Du Đô, họ đều là những người có học, hiểu biết không ít đạo lý, nhưng vận mệnh vẫn chưa được thay đổi, thậm chí là vận mệnh của Du Công càng ngày càng sa sút. Đây là bởi vì không nắm được cái căn bản. Du Đô mỗi ngày viết sớ hướng lên trời bẩm báo: “Tôi đã làm nhiều việc thiện như vậy, tại sao càng ngày càng khốn khó lao đao?” Sau đó Táo thần phân tích cho ông” “Ý ác quá nặng, chỉ cầu hư danh”, hơn nữa “sớ toàn những lời oán trách”, trong tâm ông không biết mỗi ngày đã tạo bao nhiêu tội ác.
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên khi bắt đầu đã nhắc nhở chúng ta là tu thiện tích đức cần hạ công phu từ trong tâm, hơn nữa là bắt tay làm từ tâm chân thành. “Bất lý tà kính, bất khi ám thất” phải dùng tấm lòng chân thành mới không lừa dối, không tà vạy. Cho nên chúng ta đều hạ công phu thực hành mỗi câu kinh từ trong tâm mình. Nhìn từ câu chữ, “bất lý tà kính”, chữ “lý” này, là chúng ta tuyệt đối không thể đi theo tà đạo, đây là nhìn từ câu chữ, từ trên tướng là nói như vậy. Nhưng nói từ trong tâm, chữ “lý” này mở rộng ra tới việc khởi tâm động niệm, mỗi lời nói hành vi, đều được bao hàm trong chữ “lý” này. “Tà kính” đại diện cho khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, tuyệt đối không được rơi vào tà niệm, tà ngôn, tà hạnh. “Tà kính” bao gồm ý niệm, lời nói, hành vi đều không thể tà.
“Bất khi ám thất”, chữ “khi” này tức là “biết rõ vẫn cố phạm”. Ngày nay chúng ta không hiểu đạo lý nên làm sai, đó không phải “khi”, “lỗi vô ý, gọi là sai; lỗi cố ý, gọi là tội”. Chữ “khi” này là “cố ý phạm”. Chúng ta nói người không biết thì không có tội nghiêm trọng, họ chỉ một lần lầm lỡ mà thôi. Nhưng nếu như sau khi hiểu rồi vẫn còn phạm, vậy thì không thỏa đáng. “Ám thất” tức là chỗ người ta không nhìn thấy. Có nghĩa là, chúng ta xử thế thì lời nói và hành động phải như nhau, ở chỗ có người, ở chỗ không người đều phải như nhau, đó chính là công phu thận trọng khi ở một mình. Tu hành thật sự phải luôn dụng công trong những cảnh giới này. Một người thường xuyên luôn cảm thấy hình như có mười con mắt đang nhìn họ, “mười mắt đang nhìn, mười tay đang chỉ”, thì họ sẽ không phóng túng. Đoạn kinh văn thứ hai phía trước đã nhắc nhở chúng ta rằng “ngẩng đầu ba thước có thần minh”, người như vậy mới có thể cẩn thận dè dặt, sẽ không phóng túng tập khí, nếu không thì sẽ rất khó khống chế tập khí.
Có một đoạn cách ngôn giải thích rất hay hai câu kinh văn này. Câu thứ nhất là: “Tâm bất vọng niệm, thân bất vọng động, khẩu bất vọng ngôn, quân tử sở dĩ tồn thành dã”, tức là thân khẩu ý đều không vọng động, luôn khởi lên chánh niệm, khởi sự quán chiếu, đây là chính là sự thành tâm của người quân tử. “Nội bất khi kỉ, ngoại bất khi nhân, thượng bất khi thiên, quân tử sở dĩ thận độc dã”, người có thái độ không gạt mình, không gạt người, không gạt trời, họ thường xuyên biết y giáo phụng hành thì sẽ không có những lúc vi phạm những quy củ làm người này.
Người đọc sách thời xưa đặc biệt chú trọng công phu thận trọng khi ở một mình. Vào thời Hán có một vị quan tên Dương Chấn, ông đã tiến cử một thư sinh tên Vương Mật, sau đó Vương Mật đã đem vàng đến tặng cho ông, ông không hề tiếp nhận, còn nhắc nhở Vương Mật: “Bởi vì ta cảm thấy ông đã rất hạ công phu trong nghiệp học, trong đức hạnh, ta mới tin tưởng ông, sao ông lại không tin tưởng ta, lại đem vàng đến đây hối lộ ta?”. Vương Mật nói: “Dù sao cũng không ai biết”. Dương Chấn nói “Trời biết, đất biết, ông biết, ta biết, sao lại không có người biết?”
Dương Chấn chưa chắc đã biết đạo lý trong Phật pháp nhưng ông cũng có thể thận trọng lúc ở một mình như vậy, còn chúng ta đã học Phật pháp Đại thừa rồi, đã hiểu rõ chân tướng của cả vũ trụ nhân sinh, công phu thận trọng khi ở một mình của chúng ta phải cao hơn họ mới đúng. Ví dụ sư phụ giảng “Vọng tận hoàn nguyên quán”, mỗi người khởi một ý niệm không phải chỉ có trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết mà thôi, mà là khắp hết pháp giới, nhất là Bồ-tát ở thế giới Tây phương Cực Lạc, chúng Bồ-tát ở Liên Trì hải hội, năng lực của các ngài rất cao, trong vũ trụ này bất kì chúng sanh nào khởi tâm động niệm, các ngài đều biết hết.
Sư phụ nói, khi ngài đọc đến đoạn này thì thấy nổi hết gai ốc! Cẩn thận dè dặt. Quý vị đồng tu, tôi vừa mới nói tới đây, mọi người có thấy nổi gai ốc không? Đều không có à? Thế thì thấy được chúng ta và sư phụ có sự khác biệt rất lớn. Không sao, không nổi gai ốc cũng không sao, nghe thêm mấy lần thì sẽ nổi thôi. Thiện căn phước đức không đủ không sợ, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, chúng ta huân tập tới lúc thường xuyên đều có thể khởi lên quán chiếu, như vậy là đúng rồi. “Người một lần biết, tôi trăm lần mới biết; người mười lần biết, tôi ngàn lần mới biết”, người ta nghe một lần là biết rồi, chúng ta nghe 100 lần, người ta nghe 10 lần là biết, không sao, chúng ta nghe 1000 lần. Có quyết tâm như vậy, tiềm năng đều có thể kích phát ra được. Những thánh hiền nhân và cả sư phụ đều là tấm gương tốt nhất cho chúng ta, chúng ta phải noi gương.
Ngày nay chúng ta tu học pháp môn niệm Phật, phải nên nhắc nhở bản thân chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật là thực hành Kinh Vô Lượng Thọ, học pháp môn này thì phải y theo bộ kinh này. Sư phụ giảng Kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta phải biến Kinh Vô Lượng Thọ thành kịch bản của cuộc đời chúng ta. Đoạn này mọi người có nghe qua chưa? Rất nhiều người không có phản ứng. Quý vị mới đây đã nghe qua rồi đó, tôi vừa mới nhắc lại một lần lời của sư phụ nói rồi. Làm thế nào tu hành? Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Nhược tào tác thiện, vân hà đệ nhất?”, muốn tích lũy công đức, việc thứ nhất phải làm thế nào? “Đương tự đoan tâm, đương tự đoan thân, nhĩ mục khẩu tị, giai đương tự đoan”. “Đoan” tức là đoan chánh, cũng giống với câu “bất lý tà kính” này, tức là hoàn toàn chuyển đổi nó lại, từ tà chuyển thành chánh. Hôm qua, cô giáo Lý Việt đã nhắc mọi người tóc tai, quần áo, giày dép đều phải ngay ngắn, đây đều là thực hành Kinh Vô Lượng Thọ, “đương tự đoan thân, nhĩ mục khẩu tị, giai đương tự đoan”. Cho nên kinh điển là ở đâu? Ở ngay trong cuộc sống hiện tại. Con người phải thường xuyên làm được như tục ngữ thường nói “đường đường chánh chánh”, thì sẽ không tà.
Chúng ta nhìn thấy câu “bất lý tà kính, bất khi ám thất” là giúp chúng ta từ trong những ác niệm, ác hạnh rất vi tế, liền biết mau mau đoạn trừ chúng, là “phòng từ lúc ban đầu”. Người bây giờ tập thành thói quen xấu rồi mới muốn sửa thì sẽ không dễ dàng. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều người tu hành, họ cũng rất muốn nâng cao, nhưng cứ tiến tiến thoái thoái đều là bởi vì đã dưỡng thành tập khí (thói xấu) rồi mới muốn đối trị, thì độ khó rất cao.
Có một sa-di tu hành rất tốt, tám tuổi đã có thần thông đạo lực, chú bay vào trong vương cung. Hoàng hậu nghênh tiếp chú, chú mới tám tuổi, tướng mạo rất trang nghiêm, hoàng hậu giang tay ra muốn ôm chú. Sa-di lập tức lùi ra nói: “Vương hậu khoan đã, hành vi này không thỏa đáng lắm”. Vương hậu nói: “Chú tám tuổi cũng giống như con của ta vậy mà, việc này có gì mà không được chứ?”
Mọi người nghĩ xem có lý không? Mọi người chú ý, bây giờ có rất nhiều lời nói nghe có vẻ có lý, nhưng nếu quý vị dùng kinh điển mà tư duy thì sẽ thấy không có đạo lý. Cho nên chúng ta không thể nghe theo lời ai, quy y Phật môn thì phải nghe theo lời Phật, không nghe bất kì ngoại đạo nào khác thuyết pháp, “y pháp bất y nhân”. Mọi người thử nhìn xem, một vấn đề quý vị đi hỏi năm người, cách nói của năm người đều không giống nhau. Nên nghe theo ai? Nghe theo Phật, và nghe theo sư phụ. Một người khi vẫn còn chưa thành tựu căn bản trí thì không thể đi nghe quá nhiều người khác thuyết pháp, thành tựu căn bản trí rồi mới có thể học rộng nghe nhiều. Cho nên, Thiện tài đồng tử là sau khi nghe Bồ-tát Văn Thù, thành tựu được căn bản trí rồi mới ra ngoài 53 lần tham vấn. Chúng ta bây giờ căn cơ chưa vững, đi khắp nơi hỏi cái này hỏi cái kia, đầu óc đều loạn hết lên.
Chú sa-di này nói với vương hậu: “Lời vương hậu nói trong tình người thì có thể nói thông được, nhưng trong sự tu học thì phải có thái độ rất điềm tĩnh, tức là phải phòng ngay từ ban đầu. Một đốm lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi cả một khu rừng, nhưng lúc ban đầu nó là cái gì? Chỉ là một đốm lửa nhỏ mà thôi. Giọt nước cũng có thể làm mòn đá trên núi Thái Sơn. Nếu như chúng ta không cẩn thận ở những chỗ vi tế thì muốn nâng cao cảnh giới của bản thân, muốn tiêu trừ tai họa sẽ không hề dễ”. Chúng ta bình tâm nhìn lại, nếp sống của xã hội hiện nay lệch lạc rất nhiều, điều này xảy ra trong thời gian bao lâu rồi? Tuyệt đối không phải là ba ngày, năm ngày, thậm chí là người mấy đời cũng không phát giác được vấn đề nên mới gây ra như vậy.
Quý vị xem hiện nay rất nhiều cha mẹ nói rằng: “Con cái có cách nghĩ của con cái, chúng ta không quản được”. Câu nói này có đạo lý không? Nói mọi người nghe, câu nói này không biết đã bao nhiêu người đã nói rồi. Rất nhiều người còn nói, đúng đúng. “Đúng” cũng không được nói, nói “đúng” xong sẽ tạo khẩu nghiệp. Tại sao? Quý vị nói đúng, đúng thì quý vị đã tán thành cách nói sai lầm đó rồi, đây gọi là cộng nghiệp. Tại sao cách nhìn lại bị lệch lạc nhiều như vậy? Vì tư tưởng của con người đều bất chánh, đều không phân biệt được, thế nên mới càng lệch càng lớn. “Nuôi không dạy, lỗi của cha”, làm gì có chuyện “con cái đều có suy nghĩ của con cái, chúng ta quản không được”?. “Dạy không nghiêm, lỗi của thầy”, cha mẹ, thầy cô có trách nhiệm, đâu phải một câu nói là thoái thác hết toàn bộ trách nhiệm được!
Sự thị hiện của chú sa-di tám tuổi tướng hảo này đã cho chúng ta một nhắc nhở rất quan trọng. Cho dù chú có thể như như bất động, xin hỏi người bình thường có làm được không? Một người có trí huệ sẽ không phải muốn làm thế nào thì làm thế đó, mà tất cả những việc họ làm đều là làm gương cho người thế gian, là khế hợp căn cơ của tất cả người thế gian. Quý vị nói người thế gian hiện nay căn bản không kháng cự nổi sự cám dỗ, mà họ còn đi dẫn đầu, “Không sao, tới kĩ viện mà tu hành”, thì tất cả mọi người nhìn vào, “Anh xem, ở kĩ viện cũng có thể tu hành”, toàn bộ đều đi theo, thì binh bại như núi đổ. Lúc này người tu hành thật sự có trí huệ, nhất định sẽ là “chỗ ồn náo, không đến gần”, “không phải sách Thánh, bỏ không xem”.
Người thật sự có trí huệ, họ sẽ không có cái tôi, họ là “thuận tâm chúng sanh, ứng hiện phù hợp”. Hơn nữa người hiện nay tâm nghi ngờ vô cùng nặng, đặc biệt dễ nghi ngờ, cho dù bản thân có thể như như bất động, cũng phải biết tránh sự nghi ngờ của quần chúng. Mọi người nghĩ thử xem, ngày nay một người nữ ôm lấy một người xuất gia, người ta nhìn thấy sẽ nghĩ ra sao? “Ôi trời!”. Đúng vậy, người ta đang nghi ngờ chúng ta. Khi chúng tôi đến Hồng Kông, người mở cửa xe cho sư phụ là nam giới. Đây là để tránh sự hiềm nghi. Tôi nhớ có một lần, tiến sĩ Giang Bổn Thắng người Nhật Bản vô cùng khâm phục sư phụ, đến khi nói chuyện xong, sư phụ sắp rời đi, tự nhiên ông ấy tình cảm bộc phát, liền ôm sư phụ một chút. Sư phụ hằng thuận chúng sanh, nên để ông ôm một chút. Tiếp theo đó có một phụ nữ đi qua đó cũng muốn ôm sư phụ, lúc đó hộ pháp liền la lên: “Ê này!”. Cho nên quý vị xem, chúng ta cần phải tránh sự hiềm nghi, luôn luôn đều nghĩ cho đạo nghiệp của chúng sanh, không thể khiến họ khởi tâm nghi ngờ, đánh mất tín tâm.
Hôm nay xin chia sẻ với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!