CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 27: Tuổi trẻ đã hiểu rõ lẽ đúng sai thiện ác thì cục diện của cuộc đời sau này sẽ khác hẳn.
Ngày 15 tháng 10 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!
Trong một hai tiết học vừa qua chúng ta nói tới tiên sinh Liễu Phàm đã tổng hợp ra mười cương mục hành thiện tích đức. Chúng ta hãy ôn tập một chút, bắt đầu là “dữ nhân vi thiện, ái kính tồn tâm, thành nhân chi mỹ, khuyến nhân vi thiện, cứu nhân nguy cấp, hưng kiến đại lợi”, hôm qua chúng ta nói tới điểm thứ sáu là “hưng kiến đại lợi”.
“Hưng kiến”, nhìn từ câu chữ, nghĩa là kiến thiết, tất cả những công trình xây dựng đều là để con người có được lợi ích. Tất nhiên sự xây dựng này là hữu hình, ví dụ xây cầu đắp đường, ví dụ xây dựng một số công trình cho người sử dụng, làm lợi ích, thuận tiện cho họ, đây là hữu hình; còn vô hình thì ví dụ như hoằng dương giáo dục luân lý đạo đức nhân quả, đây cũng là hưng kiến đại lợi. “Hưng” có thể là phục hưng, kiến thiết, trùng kiến. “Đại” là mặt ảnh hưởng của nó càng lớn người nhận được lợi ích sẽ càng nhiều.
Chúng ta nhớ tới lời sư phụ nói, hiện nay có thể cứu thế giới này là hai loại người. Thứ nhất là lãnh đạo của quốc gia, của địa phương. Họ phụ trách một vùng, chính sách, giáo hóa của vùng này là do họ quản lý, cho nên họ có ảnh hưởng lớn. Chúng ta xem hiện nay người phụ trách hành chính thứ nhất trong rất nhiều khu vực, một khi họ xem trọng giáo dục luân lý đạo đức thì việc học trong cả khu vực của họ sẽ hết sức tích cực. Gọi là “công chức dễ tu hành”, “làm quan một kì, tạo phước một phương”, những quan niệm này, nếu như người thân hoặc là thế hệ sau của chúng ta từ nhỏ có chí nguyện là muốn làm quan thì những tâm trạng này phải được giáo dục từ nhỏ. Loại thứ hai là người làm công tác truyền thông. Nếu như họ là người phụ trách một đài truyền hình nào đó thì tiết mục họ chiếu ra có sức ảnh hưởng lớn đến mấy trăm ngàn, mấy triệu người đang xem, thậm chí có thể là cả trăm triệu người. Cho nên việc này sẽ khơi dậy sự giáo hóa cả nhân tâm, đều là “đại lợi”.
Chúng ta nhìn thấy tình hình cả xã hội, thế giới hiện nay, ví dụ hiệu ứng nhà kính, đây là vấn đề cả nhân loại cùng nhau đối mặt. Trong khoảng mười năm gần đây, thời tiết trong các vùng hết sức thất thường: Những vùng nên lạnh thì không lạnh, những vùng không nên lạnh thì rất lạnh; những vùng nên mưa thì không mưa, những vùng không nên mưa nhiều như vậy thì mưa mãi không ngưng. Hiện tượng dị thường hết sức rõ ràng, thật ra căn nguyên là do con người không quý trọng tự nhiên, nhân tâm hỏng rồi. Hiệu ứng nhà kính này nếu như không được giải quyết thì rất nhiều tiền của mà con người tích lũy được có thể tan thành mây khói trong một sớm một chiều. Rất nhiều người đang tính toán, nếu như hiệu ứng nhà kính tiếp tục phát triển, băng ở Nam Bắc cực đều tan chảy hết, các vùng ven biển sẽ bị nhấn chìm. Mọi người nghĩ thử xem, bây giờ khu vực nào có kinh tế phát triển nhất? Đều là khu vực ven biển. Đến lúc đại hồng thủy nhấn chìm hết tất cả, ai khống chế việc nước nên nhấn chìm chỗ nào, không nên nhấn chìm chỗ nào? Sau lưng nó vẫn có sức mạnh đang khống chế, sức mạnh gì vậy? Nghiệp lực! Kiếp nạn đều là từ nghiệp lực mà tới, nhưng nghiệp từ đâu tới vậy? Từ tâm sanh ra. Cho nên vấn đề bảo vệ môi trường, trên thực tế vẫn là vấn đề nhân tâm, con người tạo ra những ác nghiệp tham sân si mới chiêu cảm những kiếp nạn này. Tâm tham chiêu cảm nạn nước, cho nên những vùng càng tham thì nạn nước càng nghiêm trọng. Ở những vùng kinh tế phát đạt, con người đều thấy lợi quên nghĩa, không nhấn chìm chỗ đó thì nhấn chìm chỗ nào? Sân hận chiêu cảm nạn lửa, ngu si chiêu cảm nạn gió, ngạo mạn chiêu cảm động đất. Những đạo lý này đều hiểu rõ rồi, “dựng nước quản dân, dạy học đứng đầu”, lợi ích lớn nhất này chính là làm giáo dục mới có thể giải quyết căn bản những vấn đề mà con người cùng đối mặt.
“Đại lợi” này là giáo dục. Thật ra, mỗi một người trong các ngành các nghề đều có thể phục hưng giáo dục luân lý đạo đức nhân quả. Nếu không, có người vừa nghe thấy giáo dục là quan trọng nhất, mình không phải làm ngành giáo dục vậy không liên quan tới mình. Không phải lý luận như vậy. Cái thứ nhất, từ gia đình mà nói, chúng ta có trách nhiệm giáo dục người thân, giáo dục thế hệ sau, đây là việc lớn, gia đình là một tế bào quan trọng của xã hội, chúng ta không thể thoái thác trách nhiệm. Tiếp đó, mỗi ngành nghề đều phải tuân theo đạo đức, thương nghiệp có thương đạo, giới y học có y đạo, giáo viên có sư đạo, còn có đạo gì nữa? Mỗi vai trò đều có đạo. Con dâu có đạo làm dâu, người cha có đạo làm cha, có đạo làm con, tất cả phải ở trong đạo đức mới có thể hóa giải tai họa. Cho nên chúng ta ở trong lĩnh vực nào, trong ngành nghề nào đều có thể tuân theo luân lý đạo đức nhân quả mà làm tốt thân giáo, khơi dậy phục hưng đạo đức, đây đều là “hưng kiến đại lợi”.
Một người muốn tích công lũy đức thì trong gia đình hiện tại, với công việc, ngành nghề hiện tại đều có thể làm được, phải xem mỗi người đó có sự nhận thức và sự gánh vác này không. Chúng ta xem tiến sĩ Bành Hâm, tiến sĩ Bành Hâm mới 30 tuổi, anh có sứ mệnh phục hưng Trung y. Trung y nếu không được phục hưng thì sự chi tiêu cho y tế sẽ là gánh nặng vô cùng lớn đối với quốc gia. Bởi vì trọng điểm của Trung y là không trị khi đã bệnh, mà trị lúc chưa bệnh, nhấn mạnh việc phòng ngừa. Có rất nhiều phương pháp dưỡng sinh có thể khiến bản thân chúng ta giữ tốt sức khỏe. Mỗi người cần nên hiểu về dưỡng sinh, giữ sức khỏe, thường xuyên phục vụ người nhà, nhất là cha mẹ trưởng bối của chính mình bảo dưỡng thân thể. Ai thường xuyên giúp cha mẹ trưởng bối của mình bảo dưỡng thân thể giơ tay lên? Tốt. Đây đều là việc chúng ta có thể làm, có thể học. Không thể để tới lúc trưởng bối trong nhà bị bệnh nghiêm trọng rồi mới lo lắng, sốt ruột, cần phải biết phòng ngừa khi chưa xảy ra. Bác sĩ Bành Hâm còn rất trẻ tuổi, nhưng anh cảm thấy mình có sứ mệnh, anh đã nói ra những kinh nghiệm về y học của mình, cũng khơi dậy sự phục hưng cả nền Trung y, thậm chí còn giúp đông đảo bá tánh có hiểu biết sâu hơn về Trung y, về dưỡng sinh. Cho nên người có sứ mệnh thì sức mạnh của họ có thể không ngừng được phát huy. Đây đều là “hưng kiến đại lợi”.
Thứ bảy là “xả tài tác phúc” (xả tài làm phúc). Về vấn đề tiền tài, thật ra mà nói, người ở vùng nào có phước báo lớn nhất? Nơi ở của họ có phước báo lớn nhất, quý vị phải noi gương họ. Chúng ta đã đọc Kinh A-di-đà, Kinh Vô Lượng Thọ, đều biết là đất đai ở thế giới Tây phương Cực Lạc là làm bằng gì? Đất bằng vàng ròng. Chúng ta bây giờ cảm thấy vàng rất quý hiếm, tới bên đó, vàng là dùng để trải đường. Phước báo đó lớn tới mức độ nào? Có thể cúng dường tận hư không khắp pháp giới tất cả chư Phật. Quý vị xem phước báo của họ có lớn không? Vấn đề là phước báo của họ từ đâu mà tới? Nhờ họ khôi phục tánh đức mà có được. Cái đó gọi là thật báo trang nghiêm độ, nhất chân pháp giới.
Thật sự muốn khôi phục phước báo lớn nhất thì phải khôi phục tánh đức. Cho nên mục đích tu học của chúng ta chính là khôi phục tánh đức của chúng ta. Mãi luôn nỗ lực theo phương hướng này để đời này có thể vãng sanh, có thể trở về cố hương vốn có của mình, cố hương tự tánh. Đây là mục tiêu rất quan trọng. Bởi vì tâm tham làm chướng ngại phước phần vốn có. Mọi người đều có trí huệ, đức năng tướng hảo của Như Lai, tướng hảo này chính là phước báo, bây giờ vẫn chưa khôi phục vì có chướng ngại, nhưng chúng ta phải có niềm tin rằng có thể khôi phục được. Không ngừng buông xuống phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì có thể khôi phục được. Nhưng trước khi khôi phục được thì chúng ta vẫn cần phải tu phước, phước khí của chúng ta phải nhờ tu mà có. Bố thí tài được tài phú, bố thí pháp được thông minh trí huệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Hơn nữa lão tổ tiên của chúng ta thường nói: “Có nước sẽ có tài”, tại sao dùng nước để so sánh tiền tài? Để chúng ta cảm nhận rằng nước phải lưu động, nước không lưu động thì sẽ bốc mùi thối, sẽ sanh muỗi mòng. Cho nên tích tài sẽ hại đạo, tiền tài nếu cứ tích lũy mãi, còn xung quanh có rất nhiều người đang chịu đói, đang gặp tai họa, chúng ta đều nhìn mà không thấy, không đi giúp đỡ họ, như vậy sẽ làm tổn hại tâm nhân hậu, tổn hại lương tâm của chúng ta, sẽ tổn hại đạo.
Chúng ta phải bình tâm phân tích, rất nhiều người kiếm được tài phú rồi thì họ có một khái niệm đây là tiền của tôi. Thật ra cái tự ngã này quá nặng. Chúng ta thấy một nhà doanh nghiệp, tiền này làm sao kiếm được? Cái thứ nhất, nhìn từ góc độ quốc gia, quốc gia nếu có môi trường an định thì họ mới có thể kinh doanh. Nếu không mọi người bây giờ tới Trung Đông mà xem, quý vị tới chiến trường mà xem, quý vị làm ăn cách nào? Thoát thân còn chưa kịp nữa là. Cho nên tại sao phải nhớ ơn quốc gia? Quốc gia có nhiều đơn vị chính phủ như vậy, bao gồm quân đội bảo vệ quốc gia, có đủ thứ cơ chế mới khiến quốc gia này an định. Chúng ta làm sao chỉ nghĩ là kiếm được tiền đều là công lao của mình? Trong cả quá trình sản xuất cũng phải có sự hỗ trợ của rất nhiều đơn vị chính phủ và cả sự nỗ lực của nhân công, bao gồm sự phối hợp của các đồng nghiệp hợp tác làm việc và cả sự ủng hộ tín nhiệm của đại chúng thì sự nghiệp của chúng ta mới làm được.
Rất nhiều nhà doanh nghiệp khi bắt đầu học tập văn hóa truyền thống, họ từ chỗ chỉ nghĩ đến tiền tài là của mình, rồi dần dần mới nghĩ rằng do nhờ sự nỗ lực ủng hộ của rất nhiều người mà họ mới có thể kiếm được tiền tài. Cho nên họ bắt đầu đem tiền tài này mà báo đáp lại nhân viên của mình, báo đáp lại cả xã hội. Việc này cũng là “xả tài tác phúc”. Hơn nữa trong quá trình báo đáp đó, họ nhớ ơn, tâm của họ là đang trồng ân điền; họ cung kính sự cống hiến của tất cả mọi người, đây là kính điền; họ lại báo đáp xã hội, hy vọng xã hội tốt hơn, đây là bi điền. Cho nên họ càng xả thì phước báo sẽ càng lớn. Tục ngữ nói rằng “xả đắc xả đắc”, có xả sẽ có đắc. Bởi vì họ xả ra rồi nên tâm lượng của họ càng ngày càng lớn, phước điền tâm sanh, phước điền tâm canh. Chúng ta nhìn thấy các nhà doanh nghiệp đang hoằng dương văn hóa truyền thống, họ càng xả càng nhiều, chúng ta nhìn thấy một sự tuần hoàn rất tốt, sự nghiệp của họ càng làm càng tốt. Cho nên chúng ta phải tin tưởng “nhân nào quả nấy”, tin tưởng chân lý, y giáo phụng hành, rất có tín tâm. Hơn nữa sau khi xả rồi sẽ đắc, đắc rồi vẫn phải xả tiếp, giống như nước chảy phải lưu động vậy, không thể sau khi đắc rồi thì biến thành kẻ giữ của, như vậy lại tích tài hại đạo.
Sự “xả tài tác phúc” này, sư phụ chúng ta đã làm rất triệt để. Tất cả các pháp bảo, những việc bố thí lợi ích cho đại chúng nghe pháp, ngài chưa từng xin người ta một xu nào, kết quả nhận được quả báo thù thắng nhất, càng xả thì càng có nhiều. Điều này biểu diễn cho chúng ta rất triệt để, tăng trưởng tín tâm của chúng ta. Mọi người để ý quan sát đồng tham đạo hữu, những người có phước báo đến càng nhanh thì họ chính là người buông bỏ tự tư tự lợi càng tích cực, họ đều không nghĩ cho mình, luôn nghĩ cho người khác, phước báo của họ sẽ nhanh chóng hiện tiền. Sư phụ nói, cái gì quý vị cũng không cần nữa thì cái gì quý vị cũng có được.
Trong quá trình tu đạo, trước hết phải buông xuống mười sáu chữ “tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn” thì mới có thể tới trước cửa Phật được. Rất nhiều người nghĩ, mình xả hết rồi gia đình mình không có cơm ăn phải làm sao đây? Chúng ta còn chưa làm mà đã lo lắng rồi, cho nên “niềm tin là mẹ các công đức”, Phật sẽ không gạt chúng ta đâu. Khi chúng ta đang hỏi câu hỏi này, điều quan trọng hơn đó là phải quán chiếu chính mình, bản thân vẫn chưa buông xả được tự tư tự lợi. Người thật sự buông bỏ, quý vị có thể đi thỉnh giáo họ, giống như nữ sĩ Hứa Triết, cô chưa bao giờ vì chính mình. Người ta có lần hỏi cô, cô luôn vì người khác, vậy ai sẽ chăm sóc cô? Nữ sĩ Hứa Triết nói, ông trời sẽ chăm sóc tôi. Cô tin tưởng ông trời, tin tưởng chân lý.
Thứ tám là “hộ trì chánh pháp”. Chúng ta, nhất là những đồng tu trẻ tuổi, có thể cảm nhận được rất rõ ràng, có được nghe chánh pháp hay không, cục diện cuộc đời của những người trẻ này sẽ có khác biệt rất lớn. Tuổi trẻ nhiệt huyết, không hiểu được đúng sai thiện ác, lúc họ còn trẻ đã tạo rất nhiều tội nghiệp rồi. Nếu như lúc họ còn trẻ mà đã biết hành thiện tích đức thì cục diện cả cuộc đời họ sẽ khác hẳn. Cho nên, chánh pháp giống như đôi mắt của người ta vậy, mới có thể thật sự nhìn rõ chân tướng cuộc đời, giá trị cuộc đời.
Nếu chúng ta có thể cảm nhận được điều này là tốt rồi, khi chúng ta còn chưa nghe Phật pháp, chúng ta có hiểu được chân tướng cuộc đời, giá trị cuộc đời, lẽ đúng sai thiện ác của cuộc đời hay không? Có thể đều không hiểu rõ, u mê mù mịt, cũng không biết cái gì là đúng cái gì là sai? Đã làm sai rất nhiều việc. Mê hoặc rồi, làm sai rồi sẽ tạo nghiệp, khổ báo sẽ tới. Cho nên tại sao mỗi gia đình đều có một quyển kinh khó đọc? Có một câu nói là: “Cuộc đời mười phần có tám, chín phần đã không như ý”, đó là kết quả, nguyên nhân là do mê hoặc, tạo nghiệp mới chiêu cảm tới những sự tao ngộ trong cuộc đời như vậy. Mọi người có gặp người nào cuộc đời mười phần thì có tám, chín phần như ý chưa? Có không? Không có sao? Quý vị đi Singapore tìm nữ sĩ Hứa Triết một chút, cô đều một lòng vì người khác, tâm địa lương thiện, cô chiêu cảm được rất nhiều trợ lực. Cho nên những đạo lý này nghĩ thông rồi thì sẽ biết được tầm quan trọng của chánh pháp đối với cuộc đời của một người. Làm sao để hộ trì chánh pháp, hộ trì bản thân, hộ trì đạo nghiệp của bạn bè, người thân có duyên xung quanh? Biết được rồi, phải hộ trì ra sao? Chúng ta tới chùa, đều có sơn môn, tứ đại thiên vương, đây chính là biểu diễn sự hộ trì chánh pháp.
Thiên vương thứ nhất là Đông phương Trì Quốc Thiên Vương. Phương Đông là nơi mặt trời mọc, có nghĩa là hộ trì chánh pháp phải bắt đầu từ đây. Đông phương Trì quốc, trì tức là hộ trì, trì quốc, trước hết phải tề gia. Trong Đại Học nói: “Người muốn trị quốc, trước phải tề gia trước; người muốn tề gia, phải tu thân trước”. Cho nên hộ trì chánh pháp, trước hết phải hộ trì sự tu hành, công phu tu thân của chính mình trước. Phật môn nói: “Cần (siêng) tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si”, bản thân có tu dưỡng tốt mới có thể chánh kỉ hóa nhân. Điều này là Trì Quốc Thiên Vương nhắc nhở cho chúng ta, trước hết phải làm từ trì gia, từ tu thân.
Trì Quốc Thiên Vương trên tay có cầm đàn tỳ bà, nghĩa là đối nhân xử thế tiếp vật phải giống như dây đàn này, không được quá chùng, chùng rồi sẽ đàn không nên tiếng, thật ra bị chùng tức là người và người không có quy phạm, loạn thành một mớ; dây căng quá sẽ đứt, cho nên xử sự phải nhu hòa viên dung, không được quá hà khắc. Đây là sự khai thị của cây đàn tỳ bà đối với việc đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta. Cho nên cần phải đúng chừng mực, phải có trung đạo, trung dung, biết dụng trung, từ “trung” này khá là trừu tượng, thật ra dụng trung tức là dùng chân tâm. Dùng chân tâm, tác dụng được thể hiện ra là có thể hòa, có thể đoàn kết nhân tâm. Dùng chân tâm như thế nào? Thường xuyên, bất kể đối mặt với người sự vật gì, đều giữ sự chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Chân thành sẽ không bị nhiễm ô. Người hễ bị nhiễm ô, lệch lạc, tham lam thì sẽ không trung nữa, đây là tư dục, “dục khiến trí mê, lợi khiến trí mờ”, họ sẽ không trung được nữa. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói, “thương ghét thiên lệch”, họ sẽ không thể dụng trung, càng không đạt được hòa. Một người có “thương ghét thiên lệch” thì lòng của người cấp dưới có thể sẽ bất bình. Dùng tâm chân thành là dùng trung, không thể đối phó, không thể hư giả, dùng thanh tịnh thì sẽ bất nhiễm, dùng bình đẳng thì không ngạo mạn, dùng giác ngộ thì không mê hoặc, dùng từ bi thì không tự tư.
Phương Nam là Tăng Trưởng Thiên Vương. Phương Nam tượng trưng cho lửa, cho trí huệ, tượng trưng trí huệ mỗi ngày tăng trưởng, mới có thể “hộ trì chánh pháp”, nếu không thì là “Bồ-tát đất qua sông, thân mình còn khó giữ”. Không ngừng tăng trưởng trí huệ, tăng trưởng kiến thức, tăng trưởng kinh nghiệm làm việc quý báu, mới có thể hộ trì.
Tiếp theo, Tây phương Quảng Mục Thiên Vương, Bắc phương Đa Văn Thiên Vương, đây là bảo chúng ta nhìn nhiều nghe nhiều.
Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương tay cầm bảo kiếm, tượng trưng cho kiếm trí huệ đoạn phiền não. Kiếm trí huệ chặt đứt sợi dây tình chấp, tình chấp hại người, hễ có chấp trước tình cảm thì tâm này sẽ không thể dùng trung, trí huệ sẽ bị chướng ngại.
Tây phương Quảng Mục Thiên Vương, tay cầm một con rồng và một viên ngọc, rồng tượng trưng cho tình hình xã hội nhiều biến động, viên ngọc đó tượng trưng cho nguyên tắc làm người làm việc bất biến. Nắm cái bất biến, mới có thể ứng biến với xã hội nhiều biến động.
Sau cùng là Bắc phương Đa Văn Thiên Vương, tay cầm một cây dù. Mặc dù nhìn nhiều nghe nhiều, vẫn phải phân biệt đúng sai, ngăn chặn ô nhiễm. Cho nên cái dù này mở ra hộ niệm bản thân, cũng phải hộ niệm gia đình của mình. Nếu như chúng ta ở trong đoàn thể là người lãnh đạo thì cũng phải hộ niệm tâm thanh tịnh của cả đoàn thể, đạo nghiệp của đoàn thể, đây là lời nhắc nhở của Bắc phương Đa Văn Thiên Vương dành cho chúng ta. Trong sự nhìn nhiều nghe nhiều phải giữ gìn thanh tịnh bình đẳng giác, nếu không, quý vị nhìn nhiều nghe nhiều trở thành trầm luân thì phiền phức rồi. Cần phải nâng cao tâm thanh tịnh bình đẳng giác, đây mới là trải sự luyện tâm, nâng cao cảnh giới của bản thân.
Hôm nay chia sẻ với mọi người tới đây trước, cảm ơn mọi người!