Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 32) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 32: Thần tử nên làm thế nào để diễn tốt vai trò của mình trong đoàn thể.

Ngày 22 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng tu, xin chào mọi người!

Chúng ta nói tới “trung hiếu hữu đễ” trong kinh văn, “dụng trung” tức là dùng chân tâm đối nhân xử thế tiếp vật. Mục tiêu chúng ta tu học văn hóa truyền thống là khôi phục bổn thiện, khôi phục tánh đức, cho nên thường xuyên ở trong khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, chúng ta biết dùng lòng trung, dùng chân tâm thì thường xuyên đều là đang trở về với tự tánh.

Trong sách Trung Dung có nói rằng: “Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” (đạt tới Trung và Hòa thì trời đất được định vị (an vị), vạn vật sinh nở), dùng chân tâm có thể đạt được nhân hòa, có trung mới có thể có hòa. Không biết mọi người đã đến viện bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh chưa? Cố Cung có ba tòa kiến trúc chủ yếu: điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa. Thái Hòa là chỉ về bản tánh, tức là chân tướng “vũ trụ và ta đều là một thể”, mở rộng ra tức là ý nghĩa của hiếu đạo. Nhất thể, chữ “hiếu” này phía trên là chữ “lão”, phía dưới là chữ “tử”, thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa, quá khứ vô thủy, vị lai vô chung, là một chỉnh thể. Thái Hòa tượng trưng cho sự hiển lộ chân tướng nhất thể, “mười phương tam thế Phật, cùng chung một pháp thân”, tức là sư phụ gần đây có nói về “tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Một người nếu như khế nhập chúng sanh và tôi là một thể thì người này đã chứng pháp thân, đã khôi phục tự tánh rồi. Tất nhiên điều này là mục tiêu của chúng ta.

Sư phụ thường nói tới một ví dụ mà mọi người rất khó lý giải. Ở trong biển lớn, biển lớn là chỉnh thể, cái này là cái tôi vốn có của chúng ta. Vũ trụ đều là tự tánh chúng ta biến hiện ra. Nhưng trong biển lớn này lại có một bọt nước nhỏ, liền chấp trước bọt nước nhỏ này mới là tôi, không phải biển lớn là tôi. Chấp trước bọt nước nhỏ này rồi thì không gian hoạt động của nó chính là bọt nước nhỏ này, không bao la như biển lớn kia. Chúng ta bây giờ đang chấp trước thân thể này là tôi, cũng giống như bọt nước nhỏ này, không ra khỏi bọt nước nhỏ này được, nên mới ở trong lục đạo luân hồi. Bản lai diện mục của chính mình là biển lớn, là cả hư không pháp giới, cho nên sự chấp trước này rất oan uổng. Khi chấp trước cái thân này là tôi rồi thì phần lớn trí huệ, đức năng, phước phần đều không thể khởi tác dụng được, bị sự chấp trước, sự mê hoặc của chính mình làm chướng ngại mất. Có thể cái bọt nước này lại cùng với một bọt nước khác sanh đối lập, sanh xung đột. Ai đồng ý đem bọt nước này chọc thủng đi thì nó sẽ khôi phục lại pháp thân vốn có, tức là Thái Hòa. Tấm lòng của họ, khí thái hòa, tấm lòng của họ là tâm bao thái hư lượng châu sa giới. Họ đã chứng pháp thân nhất thể rồi, cũng giống như thân thể của con người, chỗ nào thấy không thoải mái, họ lập tức đồng cảm thấu hiểu đi giúp đỡ. Đây chính là Phật Bồ-tát khế nhập pháp thân, chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát có ứng, cứu khổ cứu nạn, đây là hiển lộ năng lực vốn có, tánh đức vốn có của các ngài, không hề miễn cưỡng chút nào.

Cho nên Thái Hòa là dạy về nhất thể, dạy về hiếu; Trung Hòa là dạy về trung, dụng trung mới có thể tận lòng trung; Bảo Hòa là có thể giữ gìn trung hiếu, phải giữ gìn được, phải tiếp tục nâng cao lên. Cho nên Thái Hòa là bản tánh, Trung Hòa, Bảo Hòa là khởi dụng của tánh đức. Tánh đức vừa khởi dụng thì họ sẽ không lệch lạc, sẽ chí công vô tư, họ sẽ lấy đại cục làm trọng. “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”, họ sẽ nhẫn nhục gánh vác, cái này là Bảo Hòa. Cho nên tâm có thiên lệch thì sẽ không thể nào không tự tư tự lợi, sẽ không thể nào không đối lập với người, thì không đạt được hòa. Cho nên có trung mới có hòa, có hòa mới có bình, có bình mới có an, có an mới có lạc. Cho nên muốn đạt được hòa bình an lạc, điều quan trọng nhất là tâm địa của chúng ta phải chân thành, phải phù hợp với trung đạo. Cho nên tại sao nói “y báo tùy theo chánh báo chuyển?” Vẫn phải hạ công phu từ trong tâm địa của chính mình.

Cả thế giới là do tâm của chính chúng ta biến hiện ra, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Đã là do chính chúng ta tâm hiện thức biến thì bản thân chúng ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, không phải do người khác biến mà tự mình biến ra. Cảnh giới biến ra đó có rất nhiều đối lập, xung đột, mâu thuẫn, tất nhiên là phải điều chỉnh tâm địa của chúng ta. Cũng giống như một người gặp ác mộng, xin hỏi mọi người, phải kiểm điểm thế nào? Có thể nào kiểm điểm trong giấc mộng đó đều do người nữ đó hại mình, cô ấy thật quá xinh đẹp, hại mình khởi tà niệm? Có phải là đi kiểm điểm người trong giấc mộng đó không? Không phải, phải kiểm điểm người nằm mộng đã có ý niệm bất chánh.

Cùng đạo lý này mà tiếp tục mở rộng ra, quý vị đồng tu, chúng ta bây giờ cũng đang nằm mộng, mọi người có cảm thấy không? Những cảnh hiện tại này chính là cảnh mộng do tâm của chúng ta biến hiện ra. Chúng ta làm thế nào để khiến cảnh mộng này có thể càng ngày càng tốt? Có thể ở trong cảnh mộng này mà mượn giả tu tâm của chính mình? Mộng cảnh là huyễn tượng, người sự vật chúng ta hiện nay tiếp xúc đang biến hóa trong từng sát-na, sao là thật được? Cái gì cũng không giữ được. Mọi người ngồi đây, xin hỏi đã nửa tiếng đồng hồ trôi qua rồi, bao nhiêu tế bào của mọi người đã thay cũ đổi mới rồi? Có rất nhiều. Chúng ta có phải vẫn là chính mình nửa tiếng đồng hồ trước đây không? Huyễn tướng đang biến hóa trong từng sát-na. Chúng ta ở trong những huyễn tướng này, có thể nào không tham chấp thân thể này, có thể nào không tham ái những cảnh giới này không? Người hễ tham ái cảnh giới thì họ lại đối mặt với cảnh giới tiếp theo, sẽ bắt đầu so sánh, anh xem trước đây lãnh đạo đó đối với tôi tốt biết mấy, trước đây đồng nghiệp đó đối với tôi tốt biết mấy, họ hiện tại liền sanh phiền não. Phiền não từ đâu mà tới? Từ nhiễm chấp mà tới, từ tham cầu mà tới. Hễ có tham chấp, tâm sẽ bất trung, sẽ lệch lạc. Ở trong mỗi một cảnh giới, phải không có tham chấp, vô trụ, sanh khởi tâm chân thành, sanh khởi tâm từ bi, đây là biết dụng công phu.

Chúng ta vừa nói tới “trung”, chúng ta cảm thấy làm cấp dưới thì phải trung. Trên thực tế, mỗi người đều phải tận trung, mỗi người đều có bổn phận của thần tử. Ví dụ chúng ta là cấp dưới, Ồ! thầy Thái mấy ngày nay đều nói về trung, đều là nói chúng ta, đều không nói những lãnh đạo đó, có phải như vậy không? Nếu như mọi người khởi lên ý niệm này thì tôi đã giảng cả nửa ngày, quý vị một câu cũng không nghe vô. Có ai không phải là thần tử? Sư phụ là thầy của tôi, cũng là lãnh đạo của tôi, nếu như tôi làm những việc gì, không xin ý kiến của sư phụ, tự mình quyết định thì tôi bất trung bất hiếu. Tại sao vậy? Đều có quan hệ của ba cấp bậc ở đây. Xét về vai trò của người thân thì lão hòa thượng là vai vế ông nội của tôi; xét về vai trò công việc thì lão hòa thượng là quân của tôi, là lãnh đạo của tôi; trong sự tu học thì lão hòa thượng là sư phụ của tôi. Nếu như mình không tôn trọng, không báo cáo, tự mình quyết định thì đó là bất trung, bất hiếu, toàn bộ đều có hết! Cho nên bản thân tôi, tôi phải tận trung với lão hòa thượng, tôi phải tận trung với hộ pháp của mười phương. “Một hạt gạo của thí chủ, lớn như núi Tu-di. Đời này không thành đạo, mang lông đội sừng trả”.

Hơn nữa chúng ta phải hiểu, một người có vị trí càng cao thì nhân quả mà họ phải gánh càng nặng. Trong Hiếu Kinh đã nói rất rõ ràng như vậy rồi: “Ở trên cao mà không kiêu, tuy cao mà không nguy, tiết chế cẩn thận, tuy đầy nhưng không tràn”. Đời này họ làm lãnh đạo kiêu ngạo xa xỉ, phóng túng tập khí của mình thì không thỏa đáng, họ sẽ không làm tròn trách nhiệm hộ niệm cho quốc gia, họ sẽ có lỗi với hàng ngàn hàng vạn nhân dân. Làm lãnh đạo là phước báo, phước báo có thể tạo phước cho người, phước báo cũng có thể tạo nghiệp lớn. Thời bây giờ, người có phước báo lớn, có quyền lực lớn nếu không tu hành đều là đọa địa ngục A-tỳ. “Lộng quyền một thời, thê lương vạn cổ”, người thế gian hâm mộ người có địa vị, có quyền lợi rất tốt, tốt chỗ nào? Đó là người không hiểu nhân quả mới ái mộ những hư vinh này. Hiếu Kinh đã chỉ ra, làm người lãnh đạo của một đoàn thể của một quốc gia, “cẩn thận dè dặt, như trước hố sâu, như giẫm băng mỏng”.

Thiên tử, thời xưa là hoàng đế, họ là lớn nhất, họ tức là quân, họ không phải thần. Nói lời này là hoàn toàn không hiểu được chức trách của hoàng đế và cái khó của hoàng đế, điều này chúng ta đã không dụng tâm lĩnh hội. Hoàng đế đâu có dễ làm vậy! Mọi người xem thử hoàng đế Ung Chính, ngài đã phê rất nhiều tấu sớ, làm hoàng đế mười mấy năm, rất là mệt. Ngài không phải làm hoàng đế rồi mới nghiêm túc như vậy, thuở nhỏ ngài ba bốn giờ đã thức dậy đọc sách, đó là sự bồi dưỡng đối với hoàng tử, ngài đâu có sống nhẹ nhàng thoải mái. Mọi người xem Thượng Dụ do hoàng đế Ung Chính viết, đối với sự giáo dục của Nho Thích Đạo ngài đều rất thông đạt, vậy ngài đã phải hạ bao nhiêu công phu. Hoàng đế được gọi là “thiên tử”, họ là con trai của ông trời, họ là thay trời hành hóa, cho nên ông trời, chân lý, thiên lý chính là quân của họ. Hơn nữa “trời nghe là dân ta nghe”, trời xanh trên cao luôn có đức hiếu sanh, thế nào là nghe lời của ông trời? Thương yêu chúng sanh, thương yêu nhân dân là nghe lời của ông trời. Cho nên một hoàng đế, một lãnh đạo, nếu họ không nhân từ đối với nhân dân thì họ sẽ là bất trung, họ lừa gạt ông trời, họ không phải người con tốt, thiên tử là thay trời chăm sóc lão bá tánh. Mọi người nhìn những hoàng đế tốt đó, thường xuyên đều luôn sách tấn bản thân như vậy.

Chữ “trung” này là tất cả mọi người đều luôn giữ gìn bổn phận của họ, đang tận trung. Trong sách Đại Học có nói: “Nghiêu Thuấn dùng đức nhân dẫn dắt thiên hạ, mà dân thuận theo”, họ làm tấm gương tốt, dẫn đầu hành đạo nghĩa, lão bá tánh học tập theo họ. Đây là thành tựu đức hạnh của lão bá tánh, nên họ thật sự khiến xã hội an định, khiến nhân dân hạnh phúc. Lòng “trung” này đều tương ứng với sự chí công vô tư. Sự chí công vô tư của Phật môn phải làm tới mức độ nào? Ngài A-nan trong hội Lăng-nghiêm, sau khi khai ngộ đã nói: “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân” (đem thâm tâm này phụng sự cõi nước nhiều như bụi, đó mới gọi là báo ơn Phật), câu nói này có thể mọi người đã nghe qua rồi, tức là đem “thâm tâm” của chính mình, chữ “phụng” này tức là phụng sự, phục vụ, “trần sát” tức là hư không pháp giới tất cả chúng sanh. Nguyện mà ngài phát ra là tận tâm tận lực phục vụ cho hư không pháp giới tất cả chúng sanh, đây là thái độ tận trung của một pháp thân đại sĩ, một người đại tu hành.

Chúng ta ngày nay có cơ hội học được kinh điển Đại thừa. Bài Kệ Khai Kinh do Võ Tắc Thiên viết, cảm ngộ của bà cũng rất sâu, “Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu, trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu, con nay nghe thấy chuyên trì tụng, nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu”. Kinh Phật là cơ duyên trăm ngàn muôn ức khó được gặp, nhất là Phật pháp Đại thừa. Không có Đức Phật nói ra những chân tướng của vũ trụ nhân sinh này thì chúng ta dùng đầu óc nghĩ cũng không thể nào nghĩ được những chân tướng này. Chúng ta làm sao nghĩ được rằng vũ trụ này là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”? Cảnh giới của Bồ-tát Đại thừa, nếu như chúng ta không thể nào trong chốc lát liền khế nhập được thì nhất định phải hướng về phương hướng đó mà nỗ lực. Tất nhiên, muốn thành tựu Bồ-tát đạo thì trước hết phải xây dựng trên cơ sở luân lý đạo đức của thế gian, ngay cả cơ sở làm người cũng không có thì càng không thể nói tới sanh thiên, thành Phật, thành Bồ-tát.

Chúng ta đối với chữ “trung” này, trước hết, làm người phải làm sao tận trung với quốc gia, với đoàn thể, với gia đình. Cho nên chữ trung này rất rộng lớn: phải trung với chính mình, phải trung với một nửa kia, đối với cha mẹ, với con cái chúng ta đều phải tận trung. Tận trung tức là tròn bổn phận, tận tâm tận lực, làm tròn đạo nghĩa. Mở rộng ra đến mỗi người chúng ta, sống trong xã hội hiện nay là cuộc sống đoàn thể, cuộc sống đoàn thể có các ngành các nghề. Cho nên xã hội, quốc gia là đoàn thể hỗ trợ nhau, chúng ta làm tròn bổn phận của mình trong mỗi ngành nghề để phục vụ xã hội này, đây cũng là tận trung. Tất nhiên, năng lực, sở trường của mỗi người không giống nhau, chọn lựa một ngành nghề nào trong sĩ nông công thương thì hãy dụng tâm mà làm. Ngành nào cũng sanh trạng nguyên, đối với sự vất vả lao động của mỗi một ngành nghề, chúng ta đều phải nên cảm ơn sự trung thành của họ đối với xã hội. Lòng “trung” này đã nhấn mạnh một điều khá là quan trọng: Chúng ta ở trong xã hội này, ở trong đoàn thể của mình, làm sao để tận trung? Nếu chúng ta không nhận thức trung thì vào đoàn thể có thể không tận trung, có thể sẽ mưu tư lợi, có thể sẽ tùy thuận tâm trạng, tùy thuận tính khí, hoặc là tùy thuận chấp trước mà làm việc, cho nên ngoài việc không thể tận trung còn gây thêm loạn. Chúng ta hãy bình tâm mà suy ngẫm, từ nhỏ tới bây giờ, đối với việc làm sao tận trung trong đoàn thể, bản thân chúng ta có suy nghĩ đến chưa? Điểm nào là then chốt nhất? Cha mẹ của chúng ta có dạy cho chúng ta không? Hôm qua có nói với mọi người về chủ tịch Lưu Phương, khi cô sắp đi lấy chồng, cha của cô cho cô ba câu nói. Thật ra, khi chúng ta phải ra ngoài đi làm, cha mẹ của chúng ta đều có lời nhắc nhở tương tự. “Những việc người ta không làm, tự mình hãy chủ động nhận lấy mà làm”. “Thường cống hiến, học chịu thiệt, đừng có so đo”. Người làm trưởng bối có dạy những điều này thì mới là trưởng bối thật sự từ ái. “Đừng vô đoàn thể gây thêm loạn cho người ta, đừng để mất mặt, đừng gây thêm phiền phức”.

Nếu như chúng ra làm trưởng bối, vãn bối của mình ở trong đoàn thể xuất hiện một số tình hình, còn chạy tới tìm đoàn thể nói: “Tại sao anh chị bắt nạt con của tôi? Tại sao anh chị khiến nó đau buồn như vậy?”. Có tình hình như vậy không? Có. Trưởng bối không mượn cơ hội này để nhắc nhở thái độ của con cái mình cho tốt lại còn chạy đến đoàn thể mắng người ta. Hiện tượng này, vạn pháp do tâm, nhân tâm lệch lạc thì hiện tượng này sẽ càng ngày càng nhiều. Bao gồm điều gì? Cha vợ, mẹ vợ dẫn con gái mình đến nhà chồng để mắng cha mẹ chồng, mắng chồng của con mình, mắng con rể. “Thiên kim tiểu thư nhà tôi, anh dám đối với nó như vậy sao?”, thậm chí còn đánh con rể, có không? Đánh đến gãy tay, gãy chân cũng có. Quý vị nói bây giờ những đạo luân thường này họ đều không hiểu. Điều này đối với người tu hành chúng ta là một nguy cơ cao độ, nguy cơ gì vậy? Học Phật pháp Đại thừa mả ngay cả làm người cũng không biết, sau đó còn cảm thấy mình rất không đơn giản, thiện căn sâu dày. Nói ra những lời đều là Bồ-tát đạo, làm ra những việc thì ngay cả quan hệ ngũ luân, quan hệ quân thần cũng không cách nào giữ được. Cho nên sư phụ vẫn luôn nói, phải cắm cái gốc, cắm cái gốc, không phải không có lý.

Chúng ta suy nghĩ về tâm trạng liên quan đến tận trung, từ những sự hành trì của cổ thánh tiên hiền, chúng ta cùng cảm nhận thử xem. Thứ nhất, “phục tùng là gốc của trách nhiệm”. Mỗi người có chức trách riêng của bản thân họ, “tại chức đó, quản việc đó”; “không tại chức đó, không quản việc đó”. Lãnh đạo có quyền quyết sách, cấp dưới có thể cung cấp ý kiến. Nhưng cấp dưới sau khi đề xuất xong ý kiến mà lãnh đạo chưa nghe theo, cấp dưới này chạy đi mắng lãnh đạo thì cấp dưới này bị gọi là “phạm thượng”. Quý vị nói lãnh đạo làm sai, họ làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm nhân quả, còn quý vị muốn làm tròn trách nhiệm của mình thì quý vị phải buông bỏ sự chướng ngại này. Tại sao vậy? Tu hành là tu tâm của chính mình! Không buông được, thì tâm sân hận khởi lên, ý niệm khống chế khởi lên. Chúng ta hãy mượn cảnh duyên trong đời người này để nâng cao linh tánh của chính mình, không phải đi tranh đúng sai với người khác.

Hơn nữa lãnh đạo trong bộ phận của chúng ta đại diện cho ai? Họ đại diện cho vị chủ nhiệm cao nhất trong đoàn thể của chúng ta. Như hội tư vấn bên trên chủ tịch chúng ta, những người lãnh đạo này cũng đại diện cho hội tư vấn, cũng đại diện cho sự chấp hành của tôi và mọi người khi làm công tác hành chính này. Bất kính đối với họ cũng là bất kính đối với lãnh đạo tối cao, bởi vì họ đại diện cho lãnh đạo tối cao. Lại mở rộng ra nữa, những lãnh đạo này đại diện cho lão hòa thượng. Cho nên quý vị bất kính với họ, tức là bất kính với lão hòa thượng; quý vị kính họ, thì quý vị tánh đức viên mãn. Họ làm không tốt thì bản thân họ chịu nhân quả, không phải lỗi lầm của quý vị, điều này chúng ta phải rất rõ ràng.

Vậy nếu như họ làm không thỏa đáng thì sao? Họ làm không thỏa đáng, chúng ta trước hết phải làm cho đúng. Chúng ta làm được “cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”, chí thành cảm giao, đá vàng cũng mở. Chúng ta cứ luôn nhìn vào lỗi lầm của lãnh đạo thì tâm của chúng ta sẽ không trung thành nữa, đều luôn mang cặp mắt kính màu để nhìn họ, họ nói có lý tới đâu đi nữa cũng là có tâm trạng, ai chấp nhận được? “Lời tôi nói đều là đúng”, thái độ đã không đúng rồi, người ta căn bản là nghe không vô, mà còn chấp trước mình đúng, không quán chiếu được tâm của mình, cứ mang tâm trạng, mang sự sân hận. Người làm việc không thông, hãy xét lại chính mình. Lãnh đạo này có chỗ nào không đúng, mình không nhìn lỗi của họ, mình tận tâm tận lực mà khuyên. Tận tâm tận lực là tận trung ở trong nhân đạo, cách Bồ-tát đạo vẫn rất xa, chúng ta cứ không buông bỏ được tập khí của mình như vậy thì sẽ uổng phí mục tiêu đời này của chúng ta là vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc.

Trong Hiếu Kinh cũng nói: “Tiến thì tận trung, thoái thì sửa lỗi, hỗ trợ việc tốt, cứu chữa điều xấu”. Chúng ta làm thần tử của người, từ đầu tới cuối đều là làm sao để khiến lãnh đạo, khiến đoàn thể tốt đẹp, tấm lòng này hoàn toàn không có bất kì thay đổi, cũng hoàn toàn không có bất kì tâm trạng gì ở trong đó, như vậy mới là tận trung.

Hơn nữa chánh kỷ mới có thể hóa nhân. Bản thân chúng ta làm chưa tốt, khiến tất cả những lời nói đạo lý đều rất khó có được hiệu quả, thậm chí còn càng nói càng không có hiệu quả. Tại sao vậy? Nói thì rất có lý, nhưng bản thân không làm tốt, tính khí nóng nảy, lúc này người ta sẽ nói, nói thì hay như vậy, làm thì không làm được, ngược lại càng phản cảm. Đây đều là việc thuộc về nhân tình sự lý. Ngày nay chúng ta tận lực làm tốt, chúng ta hết sức trung thành, lãnh đạo có điều không thỏa đáng thì họ có lãnh đạo bên trên quản họ, lãnh đạo của họ sẽ tìm hiểu đầy đủ tình hình rồi điều chỉnh thích đáng. Nhưng mà lãnh đạo ở bên trên nhìn thấy quý vị là cấp dưới có thái độ không tốt như vậy, vậy quý vị nói lãnh đạo bên trên sẽ tín nhiệm quý vị, nghe theo quý vị sao? Bản thân quý vị làm không chánh thì sao có tư cách nói người khác. Vậy thì căn bản không có cách nào khiến lãnh đạo tin tưởng. Bất luận là lãnh đạo thuộc cấp bậc nào, nếu chúng ta tâm trạng hóa, nếu chúng ta hết sức tùy thuận sự chấp trước của mình mà không lấy đại cục làm trọng thì không ai có thể tiếp thu ý kiến của chúng ta. Tiếp thu ý kiến của chúng ta chẳng phải sẽ thuận theo tính cách, thuận theo tập khí của chúng ta mà làm việc hay sao? Lãnh đạo càng cao cấp thì phương diện họ nhìn sẽ càng hoàn chỉnh. Ví dụ, có một số người giảng dạy, vừa nghe sư phụ nói hoằng hộ (hoằng pháp hộ pháp) phải chia ra, có đạo lý không? Quý vị đồng tu, có đạo lý không? Có đạo lý. Nhưng đạo lý phải xem tình hình thực tế. Ồ! Đem đạo lý của sư phụ đi đè lãnh đạo. Anh xem, sư phụ giảng như vậy, tại sao anh không chia hoằng hộ ra? Đạo lý là tuân theo một nguyên tắc, nhưng tình hình thực tế khách quan, chúng ta phải tùy việc mà xét. Nhân lực không đủ, quý vị còn chia hoằng hộ ra!

Tôi đã từng gặp phải một tình hình: “Anh dùng người này là không thích hợp, anh ta thế nào thế nào đó, chỗ nào đó có vấn đề”. Tôi hỏi họ một câu: “Vậy anh nói phải dùng ai?” Họ nghĩ cả nửa ngày mà không nói gì. Lúc phê bình thì rất khoái chí, bảo họ tiến cử một người thì không có. Trước mắt chúng ta chính là tình hình như vậy đó. Phê bình cả nửa ngày nhưng một ý kiến mang tính xây dựng cũng không có. Đó là gì vậy? Đó là càu nhàu cằn nhằn. Mọi người nghĩ xem, đây chẳng phải là cơ hội giúp chúng ta bao dung, cùng khắc phục khó khăn sao? Một người ngay cả thái độ bao dung, cùng khắc phục khó khăn cũng không khởi lên được thì đứng trên bục giảng giảng những thứ đó đều là hư giả. Phước báo của đại chúng bây giờ đâu có đầy đủ vậy! Việc gì cũng đều là thuận cảnh, điều kiện gì cũng đầy đủ. Cho nên người ta “gây dựng gia đình mới biết gạo đắt, nuôi con mới biết ơn cha mẹ”, trong đoàn thể cũng cùng một đạo lý đó, phê bình thì rất sảng khoái, hỏi họ thật sự phải làm sao thì bản thân họ không biết.

Con người phải tin tưởng mọi việc đều do Phật Bồ-tát an bài, sau đó quán chiếu tâm của mình có còn ở trong đạo không? Thật ra tu hành rất đơn thuần, chính là thái độ này. Nhưng chúng ta khiến nó trở nên quá phức tạp, hết thảy đều thuận theo tập khí của mình mà suy nghĩ, sau đó lại biết một chút kinh giáo, lại xen tạp kinh giáo trong đó, liền cảm thấy chính mình có lý. Nếu thật sự cảm thấy chính mình có lý, tôi kiến nghị mọi người dùng một phương pháp: Đem những lời mình nói ra ghi lại hết, mỗi câu phân tích một chút, có phải toàn bộ đều là giáo huấn của sư phụ, đều là giáo huấn trong kinh điển không? Nếu như trong mười câu có chín câu phải, một câu không phải, đó là đem chín câu đó ra che đậy một câu chấp trước này của mình. Điều này quá vi tế. Cho nên có mấy người tin tưởng, hiện tại chính là sự an bài của Phật Bồ-tát, chính là đang rèn luyện phần mà chúng ta thiếu sót nhất, phần chúng ta chấp trước nhất. Không phải tất cả điều kiện đều thuận theo chúng ta thì chúng ta mới có thể tu hành, mới có thể làm việc. Nếu như có tâm trạng như vậy thì không cần làm, hoàn toàn không đợi được tới lúc đó. Tại sao vậy? Nếu như là như vậy thì không phải Phật Bồ-tát an bài, tại sao? Đó là thuận theo tham niệm của chúng ta chứ đâu phải Phật Bồ-tát an bài.

Sư phụ nói, trong nghịch cảnh, trong ác duyên, không sân hận thì nghiệp chướng đều tiêu. Lời nói này không lẽ chỉ đem ra đọc thôi sao? Trong thuận cảnh, trong thiện duyên, không tham si thì phước huệ đều hiện. Chúng ta bây giờ còn trẻ, rất nhiều nhân tình sự lý còn rất thiếu sót, dưới sự gia hộ uy đức của sư phụ mới có cơ hội phục vụ đại chúng, đừng đánh giá sai năng lực của bản thân chúng ta hình như rất lớn. Không có những uy đức của sư phụ thì ai tin tưởng chúng ta mà cho đi làm việc? Cho nên, vẫn phải trong công việc, trong xử sự, trong khởi tâm động niệm, thường xuyên đối chiếu những tâm trạng này, “phục tùng là cái gốc của trách nhiệm”, không được xem thường cái “gốc” này.

Tiếp đó, phải tận trung, luôn luôn suy nghĩ cho đại cục. Hơn nữa là tâm báo ân chúng sanh, báo ân sự tín nhiệm của sư phụ, giống như Gia Cát Khổng Minh báo ân tri ngộ của Lưu Bị. Mọi người nghĩ thử xem, Gia Cát Khổng Minh quãng thời gian mấy chục năm đó của ngài có dễ dàng không, ngài đã nhận cái duyên này, đi phò tá Lưu Bị, lúc đó là “nhận chức giữa lúc bại quân, phụng mệnh trong cơn khốn đốn”. Ông đã gia nhập khi quân của Lưu Bị đang bị bại trận, phải trốn chạy. Hơn 20 năm đó ông cúc cung tận tụy, chỉ vì muốn báo một ân tri ngộ này. Chúng ta bây giờ không chỉ báo ân tri ngộ mà còn báo ân đức của Phật Bồ-tát, của sư phụ, của chúng sanh cho chúng ta cơ hội thành tựu pháp thân huệ mạng. Gia Cát Khổng Minh chưa được nghe Phật pháp mà còn tận trung, chỉ làm trọn cái ân tri ngộ mà đạt được tâm trạng như vậy. Còn chúng ta bây giờ gặp được duyên, so với ân tri ngộ của ngài thì ân đức còn lớn hơn, chúng ta càng đáng phải noi theo tâm trạng của ngài. Cho nên quyển Xuất Sư Biểu này, mọi người có cơ hội có thể xem thêm, sau này chúng ta trong “Văn ngôn văn” sẽ nói tới bài này.

Hôm nay xin trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!