Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 38) | Thầy Thái Lễ Húc

 

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 38: Anh em thương yêu nhau, người vui lòng chính là cha mẹ. Hãy làm tấm gương tốt cho con cháu.

Ngày 27 tháng 10 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Trong mấy tiết học này chúng tôi đã cùng mọi người học tập câu kinh văn “trung hiếu hữu đễ”. Thật ra “trung hiếu” và “hữu đễ” là nền tảng của việc làm người, cả bộ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên quan trọng nhất chính là câu kinh văn này. Chúng ta đã trao đổi qua mấy tiết học rồi, thật ra tấm lòng “trung hiếu hữu đễ” này phải nên là “không thể xa rời giây lát”, chúng ta mỗi ngày trong khi làm việc đều đang phụng hành tận trung. Như Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn nói về tận trung: “Xa thì nêu đức của tổ tiên, gần thì bù đắp lỗi của cha mẹ. Trên thì báo ân quốc gia, dưới thì tạo phước gia đình. Ngoài thì cứu người nguy cấp, trong thì đề phòng khắc phục tà kiến của mình”. Câu nói này tức là phải tận trung đối với chính mình, đối với văn hóa dân tộc, đối với quốc gia xã hội, đối với gia đình, người thân của mình, đều phải nên làm tròn bổn phận của mình, dốc sức mà cống hiến, thành tựu cho đối phương.

Chúng ta đã học văn hóa truyền thống, hiểu được căn nguyên của tai họa là ở lòng người bất thiện thì chúng ta dốc sức hoằng dương văn hóa dân tộc, dốc hết lòng trung của con cháu dân tộc Trung Hoa. Đồng thời, chúng ta hiểu rằng sức mạnh của thiện niệm, ý niệm của con người là rất lớn. Nhà nghiên cứu vật lý học cận đại có một cách nói, thiện niệm do tám ngàn người chí thành phát ra, nếu như chúc phúc trái đất tiêu trừ họa hoạn thì họa hoạn này sẽ được hóa giải. Rất nhiều đồng nhân sau khi nghe xong đã gắng sức làm thời khóa niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh để hồi hướng, chúng ta hiểu được tận tâm tận lực thì công đức sẽ viên mãn. Nói về Hiếu, nếu thật sự hiếu thuận thì đối với sức khỏe của mình, từng lời nói, việc làm của mình đều hết sức cẩn thận, bởi vì trong tâm luôn luôn không dám quên cha mẹ, không dám quên lời giáo huấn của cha mẹ, thậm chí là cho dù đã khởi một ý niệm không tốt, cũng cảm thấy có lỗi với cha mẹ, đây là tâm của người con hiếu. Tại sao động một ý niệm không tốt cũng cảm thấy bất hiếu? Bởi vì đức hạnh bị tổn hại, bản thân họ cảm thấy có lỗi với cha mẹ, có lỗi với sư trưởng của mình.

Tiếp theo là “hữu đễ”, thật ra sự hữu đễ này ở trong gia đình, “hữu” là chỉ tình yêu thương của anh chị đối với các em, mở rộng ra là lòng yêu thương của trưởng bối với vãn bối. Bao gồm các chị em dâu, cùng được gả vào một gia đình, giữa những người con dâu này cũng phải người lớn yêu thương người nhỏ; kể cả những người cùng lấy chị em trong một nhà, cái này ở Malaysia thì xưng hô ra sao? Giữa những người nam như vậy, chúng tôi ở Đài Loan gọi là anh em cột chèo, cái này đều thuộc về phạm vi của sự hữu đễ, duyên phận này đều là rất sâu. Kể cả quan hệ giữa chị dâu và em chồng, chị dâu cũng nên thân ái với em chồng. “Đễ” ở đây chuyên chỉ về sự kính yêu, cung kính, tôn trọng của các em đối với anh chị. Mở rộng ra, cũng là sự cung kính, tôn trọng của vãn bối đối với trưởng bối. Cho nên phạm vi của đạo đễ hết sức rộng lớn.

Đối với sự “hữu đễ” này, thiền sư Pháp Chiêu có một bài kệ thuật lại tình cảm giữa anh em vô cùng sâu sắc, mọi người chắc là đã quen thuộc: “Đồng khí liền cành tự sum suê, lời ăn tiếng nói chớ thương tổn, gặp nhau mới đó nay đã già, bao giờ lại được làm anh em? Anh em chung sống nhẫn liền an, chớ vì chuyện nhỏ mà tranh cãi; trước mắt sanh con lại anh em, để lại gương tốt cho con cháu”.

Thật ra mỗi câu này đều chất chứa tình nghĩa rất sâu bên trong, không chỉ là tình nghĩa đối với anh em mà còn là một phần hiếu tâm đối với tổ tiên, cha mẹ. Đồng khí liền cành, liền tới chỗ nào đây? Liền tới chỗ tổ tiên, cha mẹ. Cho nên anh em bất hòa, cha mẹ là người buồn lòng nhất; anh em hòa thuận là việc cha mẹ an lòng nhất. Có tiền nhiều tới đâu, nếu như anh em bất hòa thì cha mẹ chắc chắn không thể nào an tâm.

Có ba chị em, hai người chị và một người em trai, cha mẹ rất thương yêu các con, sau đó để lại chút tiền, hy vọng giúp cho ba con của mình sống dư dả một chút. Cha mẹ hỏi người chị cả, người này liền nói, con không cần số tiền này, cha mẹ cứ cho hai em là được. Hỏi tới người con gái thứ hai, con gái thứ hai nói: Con không cần tiền, cha mẹ cho chị và em trai là được. Hỏi người con trai về chuyện tiền bạc này, người con trai này nói, con không cần số tiền này, cha mẹ cứ cho hai chị của con là được. Khi cha mẹ hỏi xong ba người con này, thái độ của ba người con đều là “cho chị em của con là được rồi”. Tôi tin là cha mẹ họ sẽ rất an lòng, cho dù họ không còn nữa, chị em chắc chắn sẽ hết sức thương yêu bảo bọc nhau, chăm sóc lẫn nhau.

Và “tự sum suê”, cũng là nhất thể, cho nên anh em như tay chân, đâu có chuyện tay và chân không vui liền đối lập rồi đánh nhau đâu. Cho nên anh chị em cãi nhau, oán hận, cuộc đời như vậy gọi là điên đảo. Nếu như vẫn còn không lĩnh hội được thì chúng ta chính là lấy tay đi đánh chân, lấy chân đi đá tay, mọi người cảm nhận việc này có phải là điên đảo không? Những ví dụ này của người xưa đều giúp chúng ta lĩnh hội rất tốt những đạo lý nhân sinh, mỗi người đều có sự phát triển, nhưng vẫn chăm sóc lẫn nhau. Người trong đời này, người ở bên chúng ta lâu nhất chính là anh chị em của mình. Cha mẹ lớn gấp đôi chúng ta, còn anh em rất có thể sẽ ở bên cạnh cuộc đời chúng ta đến bảy tám chục năm. Có người sống lâu, anh em chín mươi mấy tuổi vẫn còn tụ hội, đó là may mắn của gia tộc họ.

Những thánh hiền thời xưa họ hết sức quý trọng tình cảm giữa các anh chị em, thậm chí những lúc đối mặt với nguy nan, đều có thể vì anh chị em mà hy sinh tánh mạng, quyết không chối từ. Câu chuyện về Triệu Hiếu, Triệu Lễ thời Hán, người em bị bắt đi mất, giặc cướp muốn nấu người em lên ăn, người anh chạy tới hiện trường nói: “Em của tôi rất nhiều bệnh, tôi khỏe hơn, hãy ăn tôi đi”. Hai anh em cứ ở đó giành nhau được chết. Chúng ta nhìn thấy những việc như thế này mà xúc động, người thời xưa ngay cả tánh mạng cũng có thể hy sinh vì anh em, chúng ta bây giờ chỉ vì một chút việc nhỏ mà mấy tháng liền không nói chuyện, thậm chí mấy năm không nói chuyện thì thật là quá hổ thẹn.

Câu tiếp theo nói với chúng ta: “Lời ăn tiếng nói chớ thương tổn”, đừng vì những chuyện nhỏ như hạt mè mà tổn hại đến tình nghĩa anh em khó có được trong cuộc đời này. Vào thời xưa, anh em chung sống biết nhẫn nhường, biết lễ nhường, họ không vì những chuyện nói năng mà xảy ra xung đột. Vào thời Minh, em trai của Trần Thế Ân có hành vi không được tốt lắm nhưng ông vô cùng mềm mỏng, vô cùng thấu hiểu, dùng một tâm chân thành mà cảm động đến em trai của mình, ông không dùng ngôn ngữ để chỉ trích. Chúng ta phải hiểu là giữa các anh em với nhau, đừng thường đem đạo lý ra yêu cầu nhau, nói lý sẽ làm tổn thương tình cảm. Thật ra mà nói, tình cảm bị tổn thương rồi thì không ở trong đạo lý nữa. Cho nên, trọng điểm không phải ở chỗ nói có lý hay không mà ở chỗ tâm trạng có đúng không. Những lời nói ra đều là đạo lý, cưỡng chế người khác, yêu cầu người khác, chỉ trích người khác thì sẽ phản tác dụng. Cho nên trong câu “lời ăn tiếng nói chớ thương tổn” này, cần phải điều phục được sự ngạo mạn của mình, điều phục tâm trạng của mình.

Nhất là, nếu như chúng ta là bậc đàn em mà nói năng còn ngạo mạn thì chắc chắn trưởng bối, anh chị càng không chịu được, đây là thường tình của con người. Tại sao vậy? Trưởng bối, các anh các chị từ nhỏ nhìn chúng ta lớn lên, đã giúp chúng ta, thậm chí việc tiểu tiện phân uế cũng đã từng giúp chúng ta thay tã, tình cảnh như vậy, thế mà bây giờ chúng ta lớn rồi, chúng ta lại dùng quyền thế để chèn ép anh chị mình, ngạo mạn rồi, học lực cao rồi, chèn ép họ thì điều này không hợp với tình người. Cho nên, giữa anh chị em sống chung với nhau, phải nên biết cung kính, biết lễ nhường, biết không nên yêu cầu đối phương, quan trọng là chính mình phải làm tốt trước tiên.

Đã có người hỏi thầy giáo của họ rằng: “Tôi đã dốc sức phụng sự anh trai của mình rồi nhưng vẫn không nhận được sự hoan hỉ của anh ấy, phải làm sao đây?” Thầy nói với anh ấy: “Anh phải chí thành hơn nữa mà phụng sự thì mới đúng, anh cũng không cần phải nhấn mạnh tâm ý, bộc bạch tâm ý của anh”. Lời nói này rất đáng cho chúng ta suy ngẫm. Khi bản thân chúng ta cảm thấy mình đã rất tận lực rồi mà rất có thể chúng ta vẫn chưa tận lực. Việc sự phụng sự đó đối với anh chị thật ra vẫn còn mang theo điều kiện: Tôi tốt với anh, anh cũng phải tốt với tôi mới được. Đây không phải tình nghĩa, đây vẫn là lợi hại, vẫn là cái tôi rất nặng. Khi không nhận được thứ mình muốn thì tâm trạng sẽ khởi lên, sẽ khó mà giữ gìn sự cung kính. Còn dùng chân tâm thì chân tâm sẽ không bị thay đổi. Điều này không chỉ phải biết nhẫn nhịn trong ngôn ngữ, “đừng thương tổn”, mà kể cả tài vật cũng phải nhẫn, phải nhường, đừng có tranh giành. Cho nên Đệ Tử Quy mới nói: “Tiền của nhẹ, oán nào sanh”. Ngôn ngữ nhẫn được rồi, tài vật nhường được rồi, thậm chí là có thể chủ động gánh vác những công việc trong nhà, không đùn đẩy lẫn nhau thì không khí trong gia đình sẽ tốt lên.

“Gặp nhau mới đó nay đã già, bao giờ lại được làm anh em?” Chúng ta đều đã là người lớn, câu nói này khi đọc lên thì rất có ý nghĩa. Sau khi trưởng thành, có thể mỗi người có sự nghiệp và gia đình riêng, cơ hội để anh chị em sum vầy bên nhau thì khá là ít ỏi, có lúc một năm chưa gặp được một lần. Cho nên mỗi lần gặp mặt cảm thấy hai bên hình như tóc đã bạc màu rồi, hoặc là nếp nhăn cũng nhiều rồi. Chúng ta những người làm em thường hay nhớ tới, trong quá trình trưởng thành của chúng ta, thường phải đặt trong tâm sự chăm sóc thương yêu của anh chị đối với chúng ta, hễ có cơ hội nên thể hiện sự biết ơn này, thậm chí còn thể hiện trong sự quan tâm đối với các con, với hậu thế của anh chị.

Bản thân tôi cảm nhận điều này rất sâu sắc, bởi vì cha của tôi là con trưởng, khi chúng tôi còn nhỏ thì cùng nhau chung sống với tất cả các cô và các chú, cảm giác hết sức hòa thuận, vui vẻ. Bây giờ nhớ lại hồi còn nhỏ, cả gia đình mười người như vậy, sống trong ngôi nhà nhỏ như thế này, thật kì lạ, sao mà chen chúc vô được? Bây giờ nhớ lại, cảm thấy hơi bất khả tư nghì, hồi đó mặc dù chật chội nhưng lại cảm thấy rất ấm cúng. Bây giờ tôi trở về quê mình, bước vào phòng của mình, lúc đó là ba chị em tôi ở chung với nhau, thật là nhỏ hẹp vô cùng, nhưng trong kí ức của tôi, ba người chúng tôi còn ở trong đó chơi trốn tìm. Khi trong nhà cảm thấy ấm áp, bất luận là ăn cái gì, dùng cái gì cũng cảm thấy rất vui vẻ. Trong nhà nếu như cứ tranh qua tranh lại, cứ không biết đủ, cho dù tất cả điều kiện đều tốt nhất thì cũng cảm thấy thiếu thốn. Các chú các cô sau đó đều ra ngoài thành gia lập nghiệp nhưng chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được rằng, mỗi lần về tới quê hương mình, các cô các chú đều đối với chúng tôi vô cùng tốt. Họ cảm thấy phải báo đáp anh trai và chị dâu của mình. Nhất là chị dâu, tại sao vậy? Chị dâu không có quan hệ huyết thống mà vẫn chăm sóc họ như vậy, gia phong như thế tức là trọng tình nghĩa, trọng ân nghĩa. Khi tôi đọc được câu chuyện “Lý Tích phẫn tu” thời Đường, Lý Tích làm cháy râu của mình chỉ vì muốn nấu cháo giúp chị của ông, vì chị đã lớn tuổi rồi, không biết có thể giúp đỡ chị mình làm những việc như thế này tới khi nào.

Ở Hoài Âm, Giang Tô có hai người con trai của một quan viên nọ, từ nhỏ họ đã không hòa hợp. Về sau, họ đã lớn tuổi rồi, người anh sanh bệnh nặng, có thể thọ mạng không còn bao lâu, ông liền gọi em trai tới trước mặt. Ông cảm thán mà nói với em trai mình, ông 19 tuổi đã kết hôn, sau khi kết hôn, sống chung với vợ mình cũng không được tốt lắm. Năm 38 tuổi, cha mẹ đã qua đời, cho nên cũng không còn tình thương của cha mẹ; còn anh em thì từ nhỏ đã không hợp. Bây giờ ông rất cảm khái vì đã không biết quý trọng tình cảm anh em, khi tỉnh ngộ rồi thì sanh mạng cũng không còn dài nữa, có thể sắp phải ra đi. Khi ông nói ra những lời này, những bạn bè người thân xung quanh nghe xong đều xúc động. Câu chuyện này cũng nhắc nhở chúng ta “vật dĩ tiểu hiềm sơ chí thân”, đừng vì những chuyện nhỏ nhặt không vui đó mà xa cách người thân, xa cách anh chị em của mình. Cho nên “bao giờ lại được làm anh em?”.

Anh em chung sống nhẫn liền an”, chung sống với nhau, phải thường bao dung, thường thấu hiểu, phải biết nhẫn nhịn tính nóng nảy, biết nhẫn nhịn sự yêu cầu. Tại sao sau khi tề gia có thể trị quốc? Bởi vì ở trong một gia đình lớn, họ đã hình thành được thái độ xử thế vô cùng quan trọng, đó là thái độ nhẫn nhường, khiêm nhường nên họ ra ngoài xã hội tất nhiên có thể chung sống hòa hợp với người khác. Hoàng đế thời Đường nhìn thấy tiên sinh Trương Công Nghệ, gia đình ông là cửu thế đồng đường, chín thế hệ cùng chung sống với nhau, điều này rất không đơn giản, cũng có thể là một đại gia tộc tồn tại mấy trăm năm cũng nên, thậm chí còn lâu hơn. Hậu thế của Khổng Tử bây giờ đã là tám mươi mấy đời rồi, đại gia tộc như vậy của họ nếu như tụ hội lại với nhau, có thể sẽ có tình huống là mười thế hệ cùng chung sống với nhau. Tại sao? Bởi vì tôi đã gặp hậu thế của Phu Tử rồi, từ đời 73 tới đời 81, chúng tôi đều có thấy qua hoặc nghe nói qua rồi. Vì chúng ta rất ít tiếp xúc với nhau, chứ nếu như toàn bộ hậu thế của Khổng Tử tụ hội lại với nhau thì có thể sẽ có hơn 10 thế hệ. Trước đây khi chúng tôi tổ chức khóa học ở Nam Kinh, có một kỳ trong số học viên xuất hiện bốn người là hậu thế của Khổng Tử, có người là đời 74, đời 75, đời 76, đời 77. Họ gặp nhau rất vui mừng, họ cùng nhau chụp hình, tứ đại đồng đường, hơn nữa người đời thứ 74 thì nhỏ tuổi nhất, nhưng vai vế lại lớn nhất.

Hoàng đế thấy tiên sinh Trương Công Nghệ có thể lãnh đạo một đại gia tộc của mình hòa thuận như thế liền thỉnh giáo ông. Hoàng đế thỉnh giáo, thần tử tất nhiên rất cẩn trọng, ông đã viết ra một đoạn ở trên giấy, kính trình cho Hoàng thượng xem. Hoàng thượng xem ông đã viết những gì? Đã viết ra một trăm chữ, đều là chữ “nhẫn”. Điều này rất có học vấn, rất có triết lý, một trăm chữ này đã trả lời được tất cả vấn đề của hoàng thượng. Nếu gặp việc này thì phải làm sao? Nhẫn. Nếu như gặp việc kia thì phải làm sao? Nhẫn. Nếu như lại như vậy nữa thì làm sao? Nhẫn. Người ta gặp phải một sự việc, có thể nhẫn được một trăm lần thì tôi thấy cũng không còn nóng tính nữa, còn có gì đáng để so đo nữa chứ! Cho nên “Anh em chung sống, nhẫn liền an”.

Thật ra người và người có xung đột là do cảm thấy mình có lý, muốn giành cái lý thì sẽ dễ tranh cãi. Cho nên một vị thư sinh là Mậu Đồng của thời Hán, từ nhỏ cha ông đã qua đời, bốn anh em ông sống chung với nhau. Về sau anh em của ông cãi nhau đòi phân chia nhà cửa, bản thân ông cảm thấy rất buồn lòng, đau buồn thương tâm, đi vào trong phòng của mình mà ngửa mặt lên trời nói: “Mậu Đồng ơi, ngươi tu thân, cầu học vấn như vậy là vì muốn thay thánh hiền nhân giáo hóa phong tục”. Từ lời nói này chúng ta có thể lãnh hội được tấm lòng của người đọc sách, chỉ cần đọc sách thánh hiền rồi thì phải nên thay cổ thánh tiên hiền giáo hóa nhân dân, bất kể là có làm quan hay không, đây là bản chất của người đọc sách. “Ngươi đã muốn giáo hóa phong tục, vậy mà ngay cả gia đình của mình cũng không quản được, đó là quá hổ thẹn với học vấn mà mình đã học được!”. Nói xong, liền tự mình đánh vào mặt mình.

Em trai và em dâu của ông phát hiện ra tình hình này liền hết sức hổ thẹn, vội quỳ xuống khẩn cầu: “Anh ơi, anh đừng làm như vậy mà, đều do bọn em sai rồi”. Chúng ta tin là sự hiển lộ tâm chí thành này của ông có thể làm cảm động người nhà của mình, trong tâm trí của người nhà, đức hạnh của ông từ xưa tới nay vẫn luôn là hết sức cao thượng. Chỉ là lúc đó anh em gặp phải một số việc có thể nhất thời bị mê hoặc, khởi lên niệm tham, khởi lên tranh chấp, và bản thân sự phản tỉnh chí thành này của ông đã thức tỉnh lương tâm của người trong gia đình.

Câu chuyện này đã giúp chúng ta lĩnh hội được một đạo lý trong cuộc đời là: Ở giữa đất trời, ngoài việc “tự trách”, tự trách là tự mình kiểm điểm, “tự tận”, chữ “tận” này tức là tận trung, tận tâm tận lực, người ta bất luận là chung sống với bạn bè người thân của mình, cho dù gặp phải bất kì tình hình nhân sự nào, đều có thể trước tiên phản tỉnh bản thân, trước tiên hỏi chính mình đã tận lực chưa, chứ trước tiên không chỉ trích, yêu cầu bên ngoài, tự trách tự tận rồi sẽ có thể giao cảm. Bởi vì y báo sẽ chuyển theo chánh báo, ngoài ra không có đạo lý nào khác. “Làm việc không thông, xét lại chính mình”, mình có điều gì nên phản tỉnh không? Mình có điều gì cần phải nâng cao, cần phải tận lực nữa không?

Anh em chung sống nhẫn liền an, chớ vì chuyện nhỏ mà tranh cãi; trước mắt sanh con lại anh em, để lại gương tốt cho con cháu”. Người xưa thật đáng quý, trong từng lời nói, hành vi đều muốn làm tấm gương tốt cho hậu thế, để lại ân trạch cho hậu thế. Cho nên dân tộc của chúng ta có thể năm ngàn năm không gián đoạn là vì người làm cha mẹ, trưởng bối có tấm lòng như vậy. Chúng ta bây giờ cái tôi quá nặng, làm việc gì cũng đều không suy nghĩ tới hậu thế, cho nên phong khí trong cả xã hội nhanh chóng tuột dốc. Những người khác chưa học kinh giáo, “người không học, thì không biết”, nên không thể trách họ, chúng ta đã học tập rồi, phải lấy thiên hạ làm trách nhiệm của mình, chúng ta phải làm tấm gương tốt để dẫn dắt phong khí. Giống như sư phụ đã thường nói, “giữ được uy nghi tức là đức”, hãy làm một tấm gương tốt cho xã hội. Bất luận là đối với gia đình hay là ở trong đoàn thể công tác của mình, chúng ta đều phải kì vọng bản thân như vậy.

Hôm nay tôi xin chia sẻ với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người.