CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 43: Cung kính người lớn tuổi thì được phước lớn.
Ngày 04 tháng 11 năm 2010
Quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Hôm qua chúng ta đã nói tới câu “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” (thương xót con côi, cứu giúp quả phụ, kính già, thương trẻ). Chúng ta học tập giáo huấn của thánh nhân Nho Thích Đạo tức là phải quay về bổn thiện, quay về tánh đức, tức là phải thức tỉnh lương tri vốn có của chúng ta. Cho nên “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu”, những thiện tâm “căng”, “tuất”, “kính”, “hoài” như vậy đều là thứ chúng ta vốn có, đều là thông qua kinh văn khiến chúng ta khởi lên một phần thiện niệm này.
Trong lịch sử có rất nhiều hiền thần, thánh hiền, gia cảnh của họ có thể có những cảnh túng quẫn như thế này. Triệu Khang Tịnh Công của triều Tống vào năm bảy tuổi, cha đã qua đời, mẹ của ông thì lập chí cố gắng nuôi dưỡng ông, giáo dục ông. Người nữ như vậy rất trinh liệt, rất thủ tiết, suy nghĩ cho con cái. Chúng ta có thể cảm nhận một chút, một người mẹ vĩ đại, không sợ gian nan như thế này, tất nhiên khí tiết của bà đã cảm động sâu sắc đến con cái của chính bà rồi. Cho nên về sau ông đã thi đậu tiến sĩ, trở thành hàn lâm học sĩ, đây đều là những học giả có trí huệ nhất của quốc gia. Kết quả Triệu Công liền thỉnh cầu sự phong thưởng cho mẹ của mình. Chúng ta nhìn thấy những tự thuật này đều cảm nhận được rằng người xưa lập thân xử thế chỉ có một thái độ là tri ân báo ân. Quý vị xem, ông hiển quý rồi, ông luôn luôn nghĩ rằng: “Không có mẹ của mình thì sẽ không có mình như hôm nay”. Ông nói với Tể tướng rằng: “Có thể nào sắc phong cho mẹ của tôi không?” Tể tướng nói với ông: “Cống hiến của ông đối với quốc gia, việc hoàng thượng đại phong cho ông cũng không còn xa nữa”. Có nghĩa là nói rằng, nếu như bây giờ ông cầu sắc phong cho mẹ của mình thì việc đại phong của ông sẽ không có nữa. Triệu Công nói: “Mẹ của tôi ở góa lâu như vậy, năm nay 82 tuổi rồi, bất kì lúc nào cũng có thể không giữ được sanh mạng nữa, hy vọng mau mau phong thưởng cho mẹ tôi, để thiên hạ được biết, đây đều là nhờ ơn dưỡng dục của mẹ tôi dành cho tôi, phải nên đem vinh dự này trao cho bà.”
Trong sách Trung Dung có một đoạn khiến chúng ta vô cùng cảm phục thái độ không quên cội nguồn của người xưa. Một người học trò, “phụ vi sĩ”, cha của ông là phần tử trí thức thông thường, nhưng “tử vi đại phu”, con trai làm đến đại phu. Khi cha của ông qua đời thì lúc mai táng dùng lễ của người trí thức thông thường. Nhưng mỗi năm tế tự ông ấy đều dùng lễ đại phu mà tế tự. Tức là chiêu cáo thiên hạ, vị lão nhân trưởng bối này đã vì thiên hạ mà giáo dục ra một vị đại phu, cho nên mỗi năm đều dùng lễ đại phu để tế ông. Cho nên mẹ của Triệu Khang Tịnh Công mặc dù là quả phụ, nhưng bởi vì có khí tiết, đã thành tựu được một nhân tài trụ cột.
Còn có một vị tên Lý Quân, người học trò này năm ông lên ba tuổi thì cha ông qua đời. Hơn nữa, bạn bè thân quyến xung quanh lại cứ một mực khuyên mẹ ông tái giá, bởi vì con trẻ mới ba tuổi, có lẽ mẹ của ông tuổi tác cũng còn rất trẻ. Mẹ của ông đã rất tức giận mà nói với người đó rằng, đạo nghĩa vợ chồng vốn dĩ chính là thiên luân, việc sống chết trong số mạng đã định sẵn, nhưng tôi thà bị chết đói chứ không đi tái giá. Cho nên bà giữ vững tâm ý, giữ gìn trinh tiết của mình, dạy dỗ con trai của mình, về sau người con trai của bà cũng thi đậu tiến sĩ, làm quan lớn.
Cho nên những người nữ như vậy, thần minh và người đời đều hết sức tôn trọng họ, thiện báo họ nhận được cũng rất hậu. Bởi vì những người phụ nữ như vậy tôn trọng đạo lý nhân luân, tuyệt đối không phải vì sự phú quý về sau của con cái, mà bởi vì sự tiết nghĩa này của họ, con cái của họ chắc chắn cũng sẽ là người có khí tiết, chắc chắn cũng là người trọng đạo nghĩa, cho nên sau này sẽ được hiển quý. Tôi kể về ví dụ này là để giúp tất cả những quả phụ có thể y theo những đạo lý nhân luân này, hơn nữa còn có thể tự lực tự cường.
Thân là cô nhi cũng không thể tự ruồng bỏ mình. Chúng ta lúc nãy nói tới ví dụ về những thánh hiền trong lịch sử, rất nhiều người đều là cha qua đời từ khi họ còn nhỏ, nhưng họ lại có thể thành danh thành tài. Rất nhiều danh nhân như Trương Sĩ Tốn của triều Tống, đã khổ tâm lập chí tiến thủ, về sau làm tới Tể tướng. Lữ Hối hồi còn nhỏ thì cha ông đã qua đời, lại chuyên tâm tu dưỡng học hành, làm đến Ngự Sử Trung Thừa. Kể cả tiên sinh Âu Dương Tu, đã mất cha từ nhỏ, sau cùng đều làm tới Tể tướng. Cho nên gặp phải trắc trở trong đời sống gia đình cũng đừng nên nản chí, tự lực tự cường, để báo cáo với linh hồn của cha mẹ và trưởng bối ở trên trời.
Chúng ta xem tiếp câu kinh văn sau: “Kính lão hoài ấu”. Chữ “lão” này là chỉ chung những trưởng bối tuổi tác đã cao. Chúng ta hiểu rằng sự từng trải của các trưởng bối đều khá lâu, trải nghiệm khá là nhiều, cho nên cuộc đời của họ có rất nhiều kinh nghiệm, trên thực tế rất đáng để chúng ta học tập, tiếp thu.
Trong thời đại này, do thái độ kính lão không đủ nên rất nhiều trí huệ, năng lực trong các ngành các nghề chưa nhận được sự truyền thừa rất tốt. Thật ra người trẻ bây giờ không có phước, đều do không kính lão, nên không nhận được kinh nghiệm trí huệ quý báu. Tại sao không kính lão? Người trẻ thì ngạo mạn, cứ tưởng mình ghê gớm lắm, bùng nổ tri thức rồi, biết được một số tri thức, người lớn tuổi thì không biết, tự mình cảm thấy mình khá là lợi hại. Thật ra những đạo lý làm người làm việc quan trọng nhất đó, không phải từ trong tri thức mà có thể học được mà đều là lĩnh hội sâu sắc từ trong cuộc đời mới có thể ngộ ra được.
Cho nên đối với chữ “kính” này, điều quan trọng là phải dùng tâm chí thành để thương yêu trưởng bối, khiến trưởng bối có thể tận hưởng sự an dưỡng, vui vẻ sống hết quãng đời còn lại. Chữ “kính” này là tới mức độ nào? Mỗi ý niệm, mỗi sự việc đều không dám xao nhãng lơ là. Kể cả khi nói một câu với các cụ, không được có tâm trạng; bưng một ly nước, hai tay phải cầm cung kính.
Thọ mạng đứng đầu trong ngũ phước, chúng ta nói “ngũ phước lâm môn”, trường thọ xếp vị trí đầu tiên. Hơn nữa các cụ đại đa số là vai cha chú thậm chí tuổi tác là vai ông bà chúng ta. Người có thể trường thọ, trường thọ là quả báo, nếu họ không có tu vô úy bố thí thì sẽ không được mạnh khỏe trường thọ. Cho nên nhìn thấy các cụ, chúng ta có thể nghĩ rằng do đời trước họ có thiện căn, có căn khí, đời này lại chịu tích đức nên họ mới có thể trường thọ. Huống hồ họ tuổi đã cao, việc gì cũng khá là rành rọt, thật sự có thể để cho chúng ta học tập noi gương, hơn nữa bản thân chúng ta có thể nhận được lợi ích rất lớn, cho nên làm sao có thể thờ ơ với các cụ được chứ? Tôi nhớ lại lúc tôi còn ở lớp luyện thi, lúc đó vẫn chưa tới trường để dạy học, tôi có cơ hội thân cận cô giáo Trần Chân. Cô dạy học hơn 30 năm rồi. Nghĩa là sao? Lúc cô đang dạy học, tôi vẫn còn chưa ra đời. Những trí huệ và kinh nghiệm giáo dục đó nhiều như vậy, vãn bối như chúng ta có thể thỉnh giáo cô là vào được núi báu rồi. Cho nên cung kính được lợi ích lớn, ngạo mạn sẽ tổn hại rất nhiều phước báo.
Cho nên từ trong những lời này, chúng ta có thể cảm nhận được tác giả biên tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên quả thật chỗ nào các ngài cũng hiển lộ sự tận tình khuyên bảo, hy vọng chúng ta có thể thay đổi tâm trạng, luôn luôn tương ứng với đạo, tích công lũy đức. Người thế gian bởi vì thường hay thấy các cụ có những hành động khá là bất tiện, có lúc quên cái này quên cái kia mà sanh tâm chán ghét, thậm chí sỉ nhục các cụ, ai chịu tự nguyện phụng sự đối đãi cẩn thận với các cụ chứ? Nhưng có một câu tục ngữ nói rằng “kính lão đắc thọ”, chúng ta tôn kính các cụ, sau này chúng ta già rồi cũng sẽ được người ta tôn kính. Nhân quả báo ứng, tơ hào chẳng sai.
Thời xưa, có một người học trò tên là Dương Đại Niên, mới đến tuổi “nhược quán” mà đã thi đậu tiến sĩ. Nhược quán là hai mươi tuổi. Hai mươi tuổi đã thi đậu tiến sĩ rồi, vô cùng tài hoa. Nhưng ông cậy tài khinh người, cùng các lão thần đương thời là Chu Hàn, Châu Ngang đều đang làm việc trong cung đình. Bởi vì hai trưởng bối này tuổi tác đều khá cao, Dương Đại Niên tuổi trẻ ngạo mạn, thường hay nói lời không cung kính, sỉ nhục hai vị. Lão tiên sinh Chu Hàn liền nói: “Quân mạc vũ ngô lão” (anh đừng chê tôi già), quý vị xem vị trưởng bối này có tu dưỡng, trong lúc khuyên anh ta, vẫn rất là tôn trọng anh, dùng “quân” để tôn xưng anh. Anh đừng có chê cười chúng tôi già, “lão chung luân đáo quân”, anh rồi cũng sẽ già thôi. Lão tiên sinh Châu Ngang nói rằng, không được không cung kính, ông nói: “Mạc dữ, mạc dữ”, không được không cung kính, đã lặp lại hai lần. Nếu như anh có thái độ này sẽ chiêu cảm tới việc sau này sẽ có người sỉ nhục anh đấy. Kết quả Dương Đại Niên sống tới ba bốn chục tuổi thì qua đời.
Quý vị xem, có năng lực tài hoa như vậy, tâm trạng không đúng, tổn hết phước khí. Cho nên tác giả nói: “Ngô nguyện thiếu niên khinh bạc tử”, tôi hy vọng các thiếu niên hay hiếu thắng, những người dễ khinh mạn người khác đọc được công án này, hãy mau quay đầu là bờ, phản tỉnh thái độ của bản thân, phải nên giữ tâm đôn hậu, giữ tâm cung kính đối với người già, đối với người khác. Phàm gặp các vị trưởng bối thì phải giữ tâm bình đẳng, bất luận họ là phú quý hay bần tiện, đều phải biểu lộ thái độ kính yêu. Chỉ cần có sự cung kính như vậy, tin là những điều chúng ta chiêu cảm được sẽ là quả báo trường thọ.
Trong sự truyền thừa của cả dân tộc Trung Hoa, tinh thần kính lão trải qua các triều đại từ Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang đều là như vậy, được nhấn mạnh trong sách Thượng Thư và trong các kinh điển. Sư trưởng cũng thường hay nói, tánh đức của một người đều được khởi phát từ sự hiếu kính. Không có cung kính thì sẽ trái nghịch với đạo. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói: “Thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái” (Chuyện hợp đạo thì hành theo, chuyện chẳng hợp đạo thì hãy nên tránh né). Cái gì là “đạo”? Cung kính, kính lão tức là “đạo”.
Có một người học trò tên là Vương Bân, thuở còn niên thiếu sức khỏe rất không tốt, ốm đến da bọc xương, chính ông cũng nghĩ là sức khỏe không tốt như vậy có lẽ thọ mạng cũng không dài. Nhưng ông rất có thiện căn, cảm thấy thọ mạng của mình không dài, chỉ cần nhìn thấy các cụ già, ông đều hết sức cung kính hâm mộ. Khi có cụ già nào đi qua nhà ông mà ông nhìn thấy được, cho dù cụ già này gia cảnh rất nghèo, ông đều sẽ đứng lên để lễ kính họ. Đi trên đường gặp phải các cụ, chắc chắn sẽ cung cung kính kính nhường họ đi trước. Về sau bệnh của Vương Bân được thuyên giảm, ông sống tới 93 tuổi.
Chúng ta nghe được câu chuyện này thì rất được khích lệ, ông đổi số mạng, sống tới 93 tuổi. Tôi tính một chút, nếu như tôi sống được tới 93 tuổi, thì còn hơn 50 năm nữa, hơn 50 năm còn có thể nghe sư phụ giảng kinh, đời này phải nắm chắc cơ hội này. Nhưng trước tiên phải kính lão thì mới có thể có quả báo tốt như vậy. Tại sao? Sự tu hành của chúng ta luôn luôn bởi vì thọ mạng không dài, phí công nhọc sức. Con ma lớn nhất đối với sự tu hành là tử ma (thần chết), chết rồi sẽ hình thành chướng ngại rất lớn.
Quý vị huynh trưởng, quý vị đồng nhân, xin hỏi mọi người kiếp trước có phải là người tu hành không? Các vị không có lòng tin như vậy sao? Đời này quý vị hoằng pháp lợi sinh, đâu thể nào nói kiếp trước không phải người tu hành được? Nhất định là vậy. Xin hỏi mọi người, ai nhớ được kiếp trước thì giơ tay? Quý vị xem chớp mắt đã hai mươi mấy năm, ba mươi mấy năm trôi qua, mới nghe Phật pháp, sau đó mấy chục năm đã nhiễm phải nhiều tập khí như vậy, chỉ đối trị thôi cũng mệt gần chết. Quý vị xem “cái chết” có lợi hại không? Cho nên không thể chết nữa, gọi là “bất thọ hậu hữu”, nghĩa là sẽ không đầu thai nữa. Đời này phải là không già, không bệnh, không chết nữa, phải sống mà vãng sanh. Vãng sanh không phải là chết, mà là di dân tới cõi Tây phương Tịnh độ thù thắng mà thôi. Cho nên đời này không thể hồ đồ nữa, không thể chết tiếp nữa, phải tinh tấn dụng công đến mức không già không bệnh, có thể biết được lúc nào thì ra đi. Việc này có khó không?
Quý vị lúc nãy mới đọc qua Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông Chương, phải nên trả lời là “chẳng nhờ phương tiện, tâm được mở mang”, “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Hơn nữa, mọi người phải thấy “cùng với 52 vị Bồ-tát đồng tu”. Số 52 này nghĩa là gì? Một người từ khi tu Phật pháp Đại thừa, bắt đầu từ quả vị Sơ Tín cho tới quả vị Diệu Giác, có 52 quả vị, không cần phương pháp khác, chỉ một câu A-di-đà Phật này lão thật mà niệm thì liền có thể khế nhập 52 cấp bậc này. Thù thắng biết mấy! Thẳng tắt, chí viên, chí đốn, rất thuận tiện, rất trọn vẹn, rất nhanh chóng! Vạn đức hồng danh tốt như vậy chúng ta được gặp rồi mà chúng ta vẫn không chân thật niệm, chẳng phải phước báo lớn nhất cả vũ trụ đã rớt xuống trước mặt chúng ta, sau đó chúng ta vẫn tiếp tục mê ngủ, vẫn tiếp tục tùy thuận tập khí của chính mình? Vậy là hết cách, phước báo lớn như vậy đã bị chà đạp mất.
Đời nhà Tùy có một người xuất gia, đã hơn một trăm tuổi rồi, hiểu sâu diệu nghĩa trong kinh Pháp Hoa, đã từng nói với đại chúng rằng: “Bần tăng kính các cụ già như cha mẹ, xem các cụ như phụng sự Bồ-tát, phàm là những việc ta làm được thì không gì không tận tâm tận lực mà phụng sự các cụ. Đời này ta có thể thông Phật pháp, hưởng thọ hơn một trăm tuổi, đều là do công đức kính lão mà chiêu cảm được”. Đây là lời của người đã từng trải. Cho nên đại chúng, tứ chúng đệ tử chúng ta không thể nào ô nhục khinh mạn các cụ mà tổn hại phước thọ của bản thân. Trong trường danh lợi, những sự truy cầu danh lợi trong thế gian trôi qua trong khảy móng tay, thoáng chốc thoảng qua như mây khói, điều quan trọng trong cuộc đời là nên hạ công phu nhiều hơn cho đức hạnh của bản thân, thường nâng cao bản thân, nếu không sẽ uổng công đến nhân gian này, lãng phí những năm tháng trong cuộc đời này. Nguyện của chư Phật đều là hy vọng chúng ta có thọ mạng lâu dài. Thọ mạng dài thì có thể tu hành chứng quả, cho nên điều thù thắng thứ nhất của vãng sanh là vô lượng thọ, như vậy đời này chắc chắn có thể thành tựu. Phật Bồ-tát đều hy vọng chúng ta thọ mạng lâu dài, hy vọng chúng ta chăm làm tất cả việc thiện, mong chúng ta phước đức dồi dào, rộng cứu tất cả mọi người, giúp đỡ tất cả mọi người, sau đó giới thiệu cho họ về Phật pháp.
Cho nên, vị tăng nhân này đã khuyến cáo người trẻ tuổi đừng nên cậy tài khinh người, ngạo mạn đối với các cụ già, không biết thọ mạng là do trời ban cho, thật ra đó là phước báo mình do tu được. Hơn nữa các cụ đều được các thiên tử trong lịch sử tôn trọng. Cho dù rất tài hoa, chưa chắc có thọ mạng lâu dài. Có một câu nói là “tráng niên chết yểu”. Nếu như chúng ta nghiên cứu sâu nguyên nhân của câu nói này, đều là bởi vì người rất tài hoa nhưng lại hết sức ngạo mạn, xem thường người khác nên làm tổn hại phước báo của chính mình. Lúc này tài hoa sẽ biến thành tai họa. Cho nên “chữ tài liền với chữ tai một vần”, phải cẩn trọng. Đây là chúng ta đang nói tới phần “kính lão”.
Còn có “hoài ấu”. Đối với trẻ nhỏ, các em cần có người chăm sóc giáo dục, cho nên bên trong chữ “hoài” này còn có ý bảo hộ. Thời đại hiện nay, con trẻ nếu như không được tiếp nhận giáo dục luân lý đạo đức nhân quả thì rất dễ dàng nhiễm phải thói quen xấu từ truyền hình và môi trường xung quanh, những đứa trẻ này có được thân người nhưng lại không thể hiểu được đạo lý làm người, đây là một việc hết sức đáng buồn. Thế gian có những giáo huấn thật sự tốt này mới có thể giúp những em bé này thành người tài, trụ cột. Phục hưng văn hóa truyền thống thì phải phục hưng giáo dục “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (đạo của việc dạy học quý ở chỗ tinh chuyên), điều này rất quan trọng, mới có thể cứu được thế hệ sau, mới có thể khiến thệ hệ sau có nhân tài. Từ gia đình của bản thân chúng ta, “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, đối với cả xã hội và dân tộc, nếu như không có thế hệ sau tốt thì người đời này chúng ta cũng hổ thẹn với bổn phận.
Tôi thấy hiện nay tối thứ Hai, thứ Tư, có rất nhiều bạn nhỏ tới học tập, như tối hôm qua ở lầu hai, hình như có mấy em nhỏ nhìn thấy tôi, đã chủ động chạy tới cúi mình 90 độ, tôi thật sự vui mừng khôn xiết, rất vui mừng, rất hoan hỷ, hơn nữa rất ấm lòng.
Chúng ta thì hơn hai mươi tuổi mới bắt đầu học, các em nhỏ như vậy đã có thể học rồi. Nỗi khổ của người đời này chúng ta không thể lại để các em đi con đường vòng này nữa. Từ tháng Ba sang năm, buổi sáng chúng ta sẽ còn mở lớp tư thục nửa ngày, (cho các em từ ba tới sáu tuổi). Chúng ta cùng cố gắng thực hành cho tốt những trí huệ giáo dục mà lão tổ tiên đã để lại, phải làm ra một thành quả rất tốt khiến đại chúng tin tưởng sự giáo dục luân lý đạo đức của chúng ta. Hễ họ có lòng tin rồi thì dần dần cả ngành giáo dục sẽ được khôi phục lại, nền giáo dục “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” sẽ được phục hưng. Như vậy mới là “hoài ấu”, cứu được nền giáo dục của thế hệ sau, khiến thế hệ sau sanh ra được nhân tài thật sự. Cho nên những thầy cô dạy học này phải gánh nặng đường xa, cái “nặng” này không phải nặng về trọng lượng, mà nặng về tầm quan trọng.
Hôm nay trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!