CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 45: Giữ tâm mềm mại và tinh tế, bồi dưỡng phước điền cho chính mình.
Ngày 10 tháng 11 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Tuần lễ này chúng ta vẫn chưa ra bài tập, tuần lễ này chúng ta ôn tập khai thị của Đại sư Ấn Quang, thứ Bảy sẽ kiểm tra, có vấn đề gì không ạ? Ai dám nói có vấn đề nào (cười), những nội dung này chúng ta đã học thuộc từ sớm rồi, hồi đó khi chúng ta còn đang học Liễu Phàm Tứ Huấn thì đã làm bài tập này rồi.
Chúng ta nói tới “côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” (chớ nên làm thương tổn côn trùng, thảo mộc) trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, câu giáo huấn này là trưởng dưỡng tâm từ bi của chúng ta, ông trời có đức hiếu sanh. Sách Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn cũng nói rằng: “Muốn mở rộng phước điền, phải dựa vào tâm địa, luôn luôn hành phương tiện, làm đủ các loại âm đức”. Lúc nào cũng giữ gìn tâm từ bi, yêu thương vạn vật, có tâm quý trọng vạn vật, đó tức là đang luôn luôn tu bồi phước điền của mình.
Hôm qua chúng ta xem trong phim tài liệu, số người thương vong trong cơn nắng hạn của Đông Phi, còn nghiêm trọng hơn so với các cuộc chiến tranh trong lịch sử. Trong cuộc sống chúng ta bây giờ ăn mặc không thiếu thốn, nguồn nước đều rất đầy đủ, chúng ta phải thường hay nhớ tới còn có rất nhiều nơi đang khô hạn, không thể chà đạp những tài nguyên, những nguồn nước này. Vạn vật là một thể, chúng ta thật sự biết quý phước, hồi hướng những phước báo này cho đông đảo chúng sanh, có lẽ đều sẽ có cảm ứng. Khởi tâm động niệm đều phải nên suy nghĩ cho chúng sanh thì sẽ không dễ dàng chà đạp đồ vật. Bản thân chúng ta tu được những phước báo này, về sau cũng là tận tâm tận lực mà giúp đỡ chúng sanh, tuyệt đối không phải chỉ mình mình hưởng phước, đó là đọa lạc.
Hôm đó đang ở lầu bốn, tôi đi vòng quanh văn phòng để tản bộ niệm Phật, nghe thấy trong nhà vệ sinh có tiếng nước chảy rất nhỏ, tôi liền đi vô xem. Lúc đó cái bồn dội nước đã đóng lại rồi nhưng nước vẫn cứ chảy, tức là hư rồi. Mọi người nghĩ xem, đã hơn 6 giờ chiều rồi, nếu như để nó tiếp tục chảy cả một đêm thì sẽ chảy bao nhiêu nước? Rất là khó nói. Tôi cũng cảm thấy rất kì lạ, mỗi lần tôi đi tuần tra nhà vệ sinh đều phát hiện vấn đề, có thể là thần hộ pháp nhắc nhở tôi mau mau vào đó xem một chút. Thật sự là người có tâm thì thần hộ pháp đều sẽ gia trì quý vị phát hiện một số việc. Bồn dội nước đó bị hư rồi tôi phát hiện, bồn cầu đó rỉ nước, tôi cũng phát hiện, chúng ta rất không đành lòng lãng phí những tài nguyên này, Phật Bồ-tát sẽ gia trì quý vị phát hiện ra một số tình hình này. Nếu như chúng ta đều không phát hiện thì có thể cái tâm này không đủ, chỉ lo việc nhà mình, không quản việc thiên hạ là không tốt. Cho nên mọi người nên tập thành những thói quen biết lưu ý đến mọi việc, khi mình đi vệ sinh xong cũng đừng có vội vội vàng vàng mà đi mất, hãy nhìn thử những dụng cụ này có bị hư hoại không, có hư tổn không, nếu có thì có thể kịp thời phát hiện.
Trong câu “côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” này, tâm nhân từ không chỉ là Nho Đạo Thích chúng ta nhấn mạnh mà các tôn giáo khác cũng là như vậy. Tôi nhớ là đã từng nghe tiến sĩ Vĩnh Lạc Đa Tư, cô là tín đồ Hồi giáo, nhắc tới thánh nhân Muhammad trong tôn giáo của họ. Có một lần có một con mèo ở bên cạnh ông ngủ thiếp đi, lúc đó ông đang mặc một chiếc áo khoác, áo khoác giống như áo choàng dài vậy, con mèo đó nằm ngủ ngay trên áo choàng của ông. Vốn dĩ ông đang ngồi đọc sách, đọc xong rồi sắp rời đi, phát hiện con mèo này đang ngủ say, ông liền cởi chiếc áo choàng của mình ra, không đành lòng kinh động nó. Từ một động tác nhỏ như vậy cũng có thể nhìn thấy tâm từ bi luôn luôn được giữ gìn trong tâm ông. Vì người ta hễ nóng vội, thô lỗ, lơ là thì sẽ dễ dàng sát hại sanh mạng hoặc là sẽ chà đạp tài nguyên.
Trong Âm Chất Văn lại nói: “Bước chân thường nhìn côn trùng, cấm lửa đừng đốt núi rừng”. Khi mình đi đứng thì thường phải đừng để ngộ sát những côn trùng, động vật nhỏ này. “Cấm lửa đừng đốt núi rừng”, đi lên trên núi phải rất cẩn thận, lúc đó nếu chúng ta phải dùng đến những mồi lửa thì trước khi rời đi nhất định phải chắc chắn là đã dập tắt lửa hết rồi. Nếu không, lửa đó mà cháy lên thì số lượng sinh linh bị thương vong sẽ không đếm xuể. Cho nên gây ra hỏa hoạn trong rừng thì đọa địa ngục A-tỳ, sát nghiệp sẽ không biết bao nhiêu mà kể. Mọi nơi đều giữ tâm từ bi, phải cẩn thận. Ví dụ với các côn trùng, chúng ta rất có thể sẽ ngộ sát con kiến, khi mà quý vị tạt nước, có lúc sẽ dìm chết chúng, thậm chí có lúc sẽ làm chúng chết bỏng. Hoặc là trong nhà đang đốt một số thứ, lò lửa đó nếu đặt xuống, trước hết phải xem xung quanh có kiến hay không, nếu không có thể lại ngộ sát nữa.
Tâm con người phải rất nhu nhuyễn (tinh tế, mềm mại) mới thật sự có thể không sát hại sanh mạng. Tôi đã từng nghe chú Lô nhắc nhở tôi một điểm, chú nói chúng ta ăn những bánh kẹo, thức ăn ngọt, sau khi ăn xong thì cái bao bì đó phải rửa sạch sẽ rồi vứt, bởi vì bao bì đó nếu như quá ngọt, nhưng lại rất là dính, mấy con kiến đánh hơi được sẽ tìm tới, chúng sẽ bị dính chết ở đó. Lúc đó tôi nghe xong rất khâm phục, tâm từ bi phải tinh tế như vậy mới có thể thật sự thể hiện ra. Kể cả những thức ăn ở trong nhà, phải dọn sạch sẽ, nếu không dọn sạch sẽ, bị rớt dưới đất, rất nhiều kiến kéo tới, rồi chó mèo ăn chúng mất luôn, mấy con kiến đó bị thương vong sẽ rất nhiều. Cho nên nhìn thấy rồi, lĩnh hội được rồi thì phải tinh tế mà thực hành. Biết được rồi mà vẫn không làm, đó tức là biết rõ vẫn cố phạm.
Trong Vựng Biên có nhắc chúng ta rằng, phàm là những loài có huyết khí tất có linh tri, điều này trong Liễu Phàm Tứ Huấn cũng có nhắc tới. Loài có linh tri, cùng với chúng ta là một thể, cho nên Kinh Lăng-nghiêm nói: “Như Lai thường thuyết, chư pháp sở sanh, duy tâm sở hiện, nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần, nhân tâm thành thể”. Thật ra điều này tức là hữu tình, vô tình đều là một thể với chúng ta. Đã là một thể, làm sao có chuyện không thương yêu, không trân quý cho được. Chúng ta bây giờ vẫn chưa khế nhập nhất thể, khế nhập nhất thể cũng như Quan Thế Âm Bồ-tát, ngàn nơi khẩn cầu ngàn nơi ứng, ngài lập tức có cảm ứng, là một thể thì đâu có chuyện không thể cảm ứng?
Quý vị đồng nhân, bây giờ giật một sợi tóc của quý vị lên, quý vị có đau không? Chỗ nào có cảm giác? Toàn thân đều có cảm giác vì đây là một thể. Vậy thì ngày nay chúng sanh có khổ nạn mà chúng ta không hề có cảm giác là chúng ta không bình thường, đã quên mất sự nhất thể rồi. Tại sao lại quên mất? Bởi vì có chấp trước, chấp trước cái thân thể này là tôi, thì chân tướng của nhất thể sẽ bị mê hoặc, năng lực của nhất thể sẽ bị giảm đi. Năng lực vốn có trong tận hư không khắp pháp giới của chính mình sẽ không khởi lên được, chỉ vì chấp trước vào cảm thọ, vào sự hưởng lạc của một cái thân này. Cho nên Phật môn dạy trước hết phải buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ cái “tôi” này mới có thể khôi phục được bản năng. Một người nếu càng có thể thông cảm thấu hiểu thì bản năng của họ đang dần dần khôi phục. Một người chỉ có thể nghĩ tới chính mình thì họ sẽ càng ngày càng mê hoặc điên đảo. Có tâm như vậy thì sẽ tạo nghiệp luân hồi, cho dù tu hành lâu tới đâu, nếu không buông bỏ tự tư tự lợi thì chắc chắn phải luân hồi. Cho nên sư phụ nói, muốn học Phật, muốn bước vào cửa, trước hết phải buông bỏ mười sáu chữ này: “Tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn”. Không buông bỏ mười sáu chữ này thì không thể nào thoát ly lục đạo, cũng không thể nào làm được lục hòa kính, đều tự tư tự lợi hết thì làm sao không so đo với người, không xung đột với người được?
Khổng Tử nói: “Phóng ư lợi nhi hành, đa oán”, nếu một người đối nhân xử thế thường có thái độ tự tư tự lợi thì nhất định sẽ kết oán với người khác. Cho nên nếu như chúng ta có quan hệ với mọi người không tốt thì đừng oán trách người khác, căn nguyên vẫn là do chính mình không thể nào mở rộng tâm lượng, không thể suy nghĩ cho người. Tất cả cảnh giới đều là do tâm mà hiện, chúng ta cần phải “làm việc không thông, xét lại chính mình”. Chúng ta ngày nay nhờ nghe Phật pháp mà biết được chân tướng nhất thể rồi, mặc dù vẫn chưa thể khế nhập, Phật là chân ngữ giả (bậc nói lời chân thật), sẽ không gạt chúng ta, chúng ta nhất định phải đi về phương hướng giác ngộ này để đối nhân xử thế tiếp vật.
Trong sách lại nhắc tới, “Sanh Công thuyết pháp, đá cũng gật đầu”, chúng ta có thể nói cục đá này không có tri giác sao? Quý vị đồng nhân, cục đá có tri giác không? Quý vị xem, loài người chúng ta đã dùng nhận thức của chính mình rồi cảm thấy như là họ đã hiểu rõ chân lý rồi. Loài người trong thời đại này là loài người cuồng vọng nhất trong lịch sử cho tới nay. Nhìn có vẻ khoa học rất phát triển, trên thực tế chỉ lấy những bộ phận mà khoa học có thể hiểu được, rồi cảm thấy là mình đã thâu tóm được toàn bộ rồi. Sai rồi, khoa học là tìm cầu chân lý, làm sao tới sau cùng khoa học lại biến thành ngạo mạn chứ?
Cận đại có tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản, ông đã phát hiện ra nước có thể nghe, nước có thể nhìn, nước có kiến văn giác tri (thấy nghe hay biết). Vậy những nhận thức trước đây của chúng ta chẳng phải là sự cống cao ngã mạn rồi sao? Phật sớm đã nói rằng: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”, đều là có kiến văn giác tri. “Sanh Công thuyết pháp, đá cũng gật đầu”, ngay cả đá cũng có thể bị cảm động, huống hồ là người. Cho nên công án này mọi người phải thường thường ghi nhớ, ngay cả đá cũng có thể cảm động, chúng ta tại sao là người mà không cảm động được. Vậy phải sanh tâm hổ thẹn, lấy thánh nhân làm mục tiêu.
Nhắc tới Điền Chân, Điền Quảng, Điền Khánh ba anh em muốn chia nhà, cây tử kinh ở trước cửa nhà cũng khô héo mà chết, về sau họ hối hận rồi. Ngay cả cây cỏ cũng có tình cảm như vậy, cũng bởi vì anh em muốn chia nhà mà thương cảm, chúng ta sao có thể ngay cả cây cỏ cũng không sánh bằng, sau cùng họ đã không chia nữa, cả nhà hòa thuận. Kết quả hôm sau cái cây đó lại khôi phục sự sống.
Lại nhắc tới chuyện cây liễu của Trung Thư Đường thời Đường. Trong thời kì Kiến An, bởi vì có binh biến Diêu Lệnh Ngôn, khi xe sắp xuất phát để đi dẹp loạn thì cái cây này liền khô chết mất. Đợi đến năm Hưng Nguyên khải hoàn quay về, vừa về đến thì cây đó lại khôi phục sinh khí. Cho nên vạn vật đều là có cảm giác. Chúng ta nghe xong những công án này rồi thì đối với chúng sanh hữu tình và chúng sanh vô tình đều nên khởi lên một phần tâm từ bi.
Tiếp theo có nhắc tới một câu chuyện, khi Thích-ca Như Lai trụ thế, có một con sò. Nó nghe Phật thuyết pháp rất hoan hỷ, bởi vì người đi nghe pháp quá là nhiều, có người chống gậy đi qua đã ngộ sát nó. Vì nó đã nghe pháp một lúc nên công đức rất lớn, sanh lên trời Đao-lợi làm thiên vương. Cho nên mọi người nghe kinh phải nghe nghiêm chỉnh, đừng có ngủ gật, nghe kinh có phước báo rất lớn, tâm lượng của quý vị bỗng chốc mở rộng ra, quả báo hiện tiền. Con sò sanh lên trời làm thiên vương, lại xuống dưới nghe Phật thuyết pháp, kết quả đã chứng quả Tu-đà-hoàn. Chúng ta đừng có xem thường những sanh mạng nhỏ này, chúng đều có Phật tánh, khi cơ duyên chín muồi sẽ có thành tựu lớn, chúng ta không thể sát hại, không thể khinh mạn. Một con sò như vậy có thể nghe Phật thuyết pháp rồi chứng quả Tu-đà-hoàn, chúng ta đã nghe lâu như vậy, tập khí hình như càng ngày càng nặng, còn không sánh được với nó, vậy chúng ta phải sanh tâm hổ thẹn, chúng ta khó được thân người, tại sao làm người mà không bằng những động vật này?
Lại kể tới một ví dụ khác nữa: Có một tăng nhân, đạo nhãn chưa sáng, tức là thầy ấy tu đạo chưa có thành tựu, nhưng trường kì tiếp nhận sự cúng dường của cha con Tịnh Đức. Về sau thầy mạng chung, đã sanh vào vườn của Tịnh Đức, làm một loài nấm ở trong vườn của gia đình thí chủ này. Núi có thần núi, cây có thần cây, ngay cả nấm cũng có cái linh tri này, mỗi ngày cung cấp cho nhà họ ăn. Người ta cúng dường cho quý vị, quý vị tu hành chưa có thành tựu đạo nghiệp thì phải trả nợ cho người ta. Người khác muốn lấy về ăn, lấy không được, chỉ có cả nhà của cha con Tịnh Đức mới lấy về được. Cho nên mọi người thấy vạn vật đều có linh tri.
Tất nhiên câu chuyện này cũng nhắc nhở chúng ta “một hạt gạo thí chủ, lớn như núi Tu-di, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Cho nên tôi đã nói rất nhiều lần, đời này tôi chỉ có hai con đường để đi, hoặc là phải vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc, nếu như không nghiêm túc tu hành, điên đảo rồi thì chỉ có thể đi địa ngục A-tỳ mà thôi. Đây là quyết đánh đến cùng, dũng mãnh tiến lên, không còn con đường để lui nữa rồi. Không phải hết đường để đi mà là không còn đường để lui, người không lui về phía sau mới có thể tiến lên, hơn nữa tiến lên trên con đường đó là đại đạo khang trang, hiện đời thành Phật.
Ngoài ra còn có một câu chuyện khác: Một phụ nữ ở Hàng Châu, tính tình hết sức hung dữ, gặp phải kiến đang đi trong nhà bếp cô liền dùng lửa đốt. Cứ vậy năm này tháng nọ tích lũy lại, giết chết không biết bao nhiêu là sanh mạng. Hơn nữa lại thường hay lấy đá vôi đi nhét vô hang của mấy con giun. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói “lấp hang lật tổ, phá thai hại trứng”, đây đều là sát nghiệp rất nặng. Kết quả cô ta sanh một đứa con trai, vẫn còn quấn trong tã, lúc người phụ nữ này đi ra ngoài, không lâu sau quay lại, nhìn thấy trên giường có một khối đen thui. Cô hết sức kinh ngạc, vừa nhìn lại, chính là con trai của mình đã bị cả một bầy kiến bu vào cắn chết rồi.
Cho nên những sanh mạng này đều có linh tri, chúng biết báo ân, cũng biết báo oán. Quý vị đã giết nhiều kiến như vậy, không chỉ những con kiến này muốn báo thù mà người nhà của chúng cũng ghi nhớ mối oán thù này. Đợi thời cơ chín muồi rồi, không phải không báo mà thời cơ chưa tới. Người tu đạo hiểu rõ chân tướng này rồi, phải cùng tất cả chúng sanh, không chỉ cùng tất cả mọi người mà thôi, mà phải kết thiện duyên cùng tất cả chúng sanh. Kết thiện duyên với chúng sanh, những lúc quan trọng chúng sẽ tới báo ân. Có người phóng sanh con rùa biển, về sau con trai của người đó gặp nạn trên biển đã được rùa biển này cứu về.
Trong lịch sử có rất nhiều chuyện khác. Vào thời kì Đức Phật tại thế, có một Tỳ-kheo chứng quả A-la-hán, ngài nhìn thấy một người đệ tử của ngài là một tiểu sa-di thọ mạng sắp hết rồi, chỉ còn sống được bảy ngày. Ngài không đành lòng nói thẳng với tiểu sa-di này, sau đó đã nói: “Lâu lắm rồi con chưa về nhà thăm cha mẹ”, liền để chú sa-di về nhà, bảo chú ngày thứ tám quay lại, thật ra ý là muốn cho chú vãng sanh trong nhà mình. Tám ngày sau đó, tiểu sa-di này đã quay lại. Rất là kinh ngạc, Ngài dùng thần thông xem thử, thì ra tiểu sa-di này trên đường đi về nhà, nhìn thấy một đàn kiến đang bị nước lớn tràn vào bên trong tổ của chúng, tình cảnh rất là nguy hiểm, tiểu sa-di này liền cởi áo cà-sa xuống, đã cứu được đàn kiến này, chú tích được hậu phước, liền chuyển được vận mệnh của mình. Sau khi chuyển xong, chú tiểu sa-di này về sau sống tới 80 tuổi, chứng quả A-la-hán.
Mọi người nghĩ thử xem khác biệt lớn không? Nếu tiểu sa-di chưa được mấy tuổi đã chết rồi, sau khi cách ấm phải tu hành lại từ đầu, vì đã cứu sanh mạng mà được thọ thêm, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu, sống tới 80 tuổi, có thể chứng quả A-la-hán, kết quả khác biệt trời vực. Cho nên con người phải biết thường tu những thiện hành này, mới có thể thành tựu phước báo, thành tựu đạo nghiệp.
Ở đất Thái Thương, có một người tên là Ngô Di, nửa đêm mơ thấy hai vị trượng phu mặc bộ đồ màu xanh lục tới cầu xin ông cứu mạng giúp họ. Sau khi ông tỉnh dậy, nghĩ là có thể có chúng sanh nào đó sắp chết. Người xưa tu hành rất tốt, không suy nghĩ lung tung nên nằm mơ đều có thể có một số điềm báo. Trời vừa sáng ông đã ra ngoài, nhìn thấy có mấy người đang cầm rìu muốn chặt hai cây ngân hạnh. Ông vừa nhìn thấy liền hiểu ra, liền mau đem tiền trả cho họ: “Cây này thôi không bán cho các anh nữa”. Bên trong hai cây ngân hạnh này đều có thần cây, họ không phải chịu ách nạn này nữa.
Những quân vương thời xưa của chúng ta cũng hiểu những đạo lý này. Triết Tông trong thời Tống là một vị hoàng đế rất tốt, đương thời đã dùng đại thần như Tư Mã Quang, Trình Di, những vị rất có học vấn. Có một hôm Tống Triết Tông ở trong cung, đi tản bộ đột nhiên bẻ lấy một cây liễu. Trình Di liền nói rằng, bây giờ đang là mùa xuân, vạn vật đang sinh trưởng, không thể nào cố ý đi bẻ những cành cây này. Ông trời có đức hiếu sanh mà, những vạn vật này đang sanh trưởng, đều không nhẫn tâm bẻ gãy chúng. Hoàng đế nghe xong rất là vui, liền hoan hỉ tiếp thu: “Đúng đúng, ta làm như vậy là không đúng”. Trình Di liền vô cùng hoan hỉ, chúc mừng Hoàng thượng: “Bệ hạ có thể dùng tâm như vậy, ngay cả cây liễu cũng không nỡ tàn hại, thì đối với người thiên hạ, vương đạo của đế vương chính là ở đây.” Vương đạo thật ra chính là nhân ái, nhân đạo.
Lại nữa, trong thời Xuân Thu, có một người học trò tên Cao Sài, là một trong 72 hiền nhân của Khổng Tử. Cao Sài là có thể làm được “phương trưởng bất chiết” (không tổn hại vật đang trưởng thành). Những sanh mạng này đang trưởng thành, ông không làm tổn hại chúng, hơn nữa ông còn không giẫm lên bóng của người ta. Tâm yêu thương và tâm cung kính này tinh tế như vậy. Hơn nữa Cao Sài thật sự nhân từ, có một lần trong lúc thẩm án, có một người bị xử tội phải bị chặt chân, ông đã tận tâm tận lực muốn giúp anh ta giảm tội, nhưng rốt cuộc vẫn không còn cách nào, sau cùng vẫn phải hành hình. Về sau nước Vệ gặp nguy nan, Cao Sài chạy nạn, kết quả đã được phạm nhân từng bị chặt chân này cứu sống. Cao Sài rất kinh ngạc, ta là người phán án, đây là lúc ngươi phải nên báo thù, tại sao ngươi lại còn cứu ta? Người này đã nói rằng, mặc dù sau cùng tôi vẫn bị hành hình, nhưng tôi nhận thấy ngài trong cả quá trình đó đều luôn muốn giúp tôi thoát tội. Ngay cả khi phải hành hình, tôi nhìn thấy sắc mặt của ngài vô cùng khổ sở, vô cùng đau buồn, tấm lòng nhân từ đó của ngài, tôi luôn luôn ghi nhớ trong tâm. Cho nên những người nhân từ sẽ gặp hung hóa cát.
Những công án này từ trong lịch sử đều có thể làm một tấm gương rất tốt cho chúng ta. Tu hành trong nhà Phật nhấn mạnh việc phải biết giới sát phóng sanh, không tổn hại sanh mạng, kế đó những lúc thấy cảnh sanh mạng gặp nguy nan, phải tận tâm tận lực giúp đỡ chúng thoát nạn, đây chính là một phần của phóng sanh.
Hôm nay tôi chia sẻ với mọi người tới đây trước nhé. Cảm ơn mọi người.