CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 7/49: Phước là do chính mình tu mà có, xin đừng oán trời trách người.
Giảng ngày 31 tháng 07 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Chúng ta học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thật ra chính là thương mình, thuận theo tánh đức của chính mình để đối nhân xử thế tiếp vật. Theo đó mà thâm nhập học tập, đối với chân tướng sự thật về cảm ứng, về nhân duyên quả báo, chúng ta có thể càng nhận thức, càng hiểu rõ, tiếp đó khẳng định chân tướng của nhân duyên quả báo. Khẳng định đến mức độ nào vậy? Bất kì tình huống nào xảy ra, chúng ta cũng không nghi ngờ đạo lý cảm ứng. Ví dụ chúng ta cả đời đã làm việc tốt nhưng về già sanh bệnh thì chúng ta còn tin tưởng đạo lý cảm ứng nữa không? Rất nhiều người gặp phải tình huống này, họ liền cảm thấy lời của thánh hiền, của Phật Bồ-tát không có đạo lý. Cho nên, có nhận thức đủ sâu thì khi gặp phải cảnh giới mới không bị sanh phiền não, sanh nghi ngờ, thậm chí oán trời trách người.
Tôi đã từng gặp một người bạn, cuộc đời của cô đã gặp rất nhiều trắc trở. Cha cô bị ung thư, cô nói với tôi rằng cô ra vô bệnh viện hình như cũng quen thuộc như phòng bếp của nhà mình vậy. Sau đó cô mang thai, khi sanh con thì thai chết trong bụng. Vì chăm sóc cho cha của mình nên không cách nào lo liệu cho cuộc sống hôn nhân, sau đó còn ly hôn. Tiếp theo còn có những chuyện bất hạnh hơn nữa cũng xảy ra cho bản thân cô. Tôi biết được hoàn cảnh này của cô, thật sự cảm thấy mình so với cô thì quá là hạnh phúc. Nhưng một điểm rất đáng quý là mặc dù cô trải qua nhiều trắc trở như vậy nhưng cô không có một câu oán trách, cô chỉ cảm thấy là vấn đề của chính mình, chính mình làm không tốt. Chúng tôi là bạn thân của cô, đều cảm thấy nếu không tận tâm tận lực giúp cô thì thật sự rất ái ngại. Cô không oán trời, không trách người là bởi vì cô không nghi ngờ về nhân duyên quả báo, cô có thể chấp nhận, kế đó, cô có thể đoạn ác tu thiện. Cho nên về sau cô đã cải tạo vận mệnh của mình, bây giờ cô cũng đang dạy học trong trường, gia đình cũng rất hạnh phúc.
Cho nên trên con đường tu học, tín giải hành chứng, cái tín này càng sâu thì giải hành mới có thể càng tiến. Nếu như tín tâm này có hạn thì việc thâm nhập lý giải sẽ rất khó đắc lực. Một người muốn khế nhập cảnh giới thì tín, giải, hành của họ phải dung nhập thành một thể, không có tơ hào nghi ngờ, lý giải rồi thì hãy mau chóng đi làm, người như vậy có thể khế nhập cảnh giới. Cho nên, chúng ta phải hỏi chính mình, tự mình tin sự cảm ứng, tin nhân quả báo ứng tới mức độ nào, có thể vững vàng không dao động chưa? Tất nhiên, Đức Phật từ bi, đem đạo lý nhân duyên quả báo khai giải cho chúng ta trên nhiều phương diện. Ví dụ: “Muốn biết nhân đời trước thì coi quả đời này”. Rất nhiều người cảm thấy đời này họ không làm việc gì xấu, tại sao họ gặp những tình cảnh không tốt? Cho nên những chân tướng sự thật về cảm ứng và nhân quả là thông ba đời, không phải chỉ nhìn vào một đời này. Ngày nay chúng ta gặp phải những chuyện không tốt, gặp phải những người, những sự việc, những hoàn cảnh, môi trường vật chất không tốt, chúng ta phải nhớ lại đạo lý này, “phải coi quả đời này”, đó là do đời trước đã tạo tác nghiệp bất thiện mới chiêu cảm đến quả báo này. Người thật sự hiểu rõ đạo lý này thì đối với bất kì việc gì cũng tuyệt đối không oán trách. Tại sao mình lại gặp phải việc này? Bởi vì “duy nhân tự triệu”, đó là đời trước mình đã tạo nghiệp bất thiện.
Cho nên thật sự hiểu rõ đạo lý rồi, cuộc đời sẽ không còn oán trách bất kì việc gì, thậm chí còn cảm thấy mọi việc đều là việc tốt. Tại sao? Sau khi nhận rồi, quả báo này chẳng phải được tiêu trừ rồi sao, hóa đơn này chẳng phải được thanh toán xong rồi sao, món nợ này chẳng phải trả rồi sao? Tục ngữ có nói: “Nợ tiền trả tiền là đạo lý muôn thuở”, hơn nữa lại nói “không nợ thì thân nhẹ nhàng”. Mọi người có muốn “không nợ thân nhẹ nhàng” không? Muốn, phải không? Vậy thì chuyện nên trả hãy mau mau trả, đừng đợi tới lúc tôi lâm chung mới tới đòi, vậy là phiền phức rồi. Người như vậy, khi đối mặt tất cả ác duyên, ác báo vẫn được an nhiên, thậm chí còn cảm ơn, còn kì vọng chính mình chuyển ác duyên thành pháp duyên, mình phải vì người diễn nói, không chỉ trả nợ họ mà còn kết pháp duyên với họ, đây chính là tấm lòng Bồ-tát. Tại sao? Nếu như mình không kết pháp duyên với họ thì họ lại đòi nợ mình, họ lại tạo nghiệp, lại đọa xuống ba đường ác, vậy có liên quan tới mình. Nếu mình không kết ác duyên với họ thì sao họ lại làm những chuyện ác này? Sao họ lại đến gây rắc rối cho mình, tạo những tội nghiệt này chứ? Cho nên không chỉ phải trả nợ mà còn phải giúp đỡ đối phương ở trong đời này đừng bị đọa lạc nữa, nhất định phải chuyển thành pháp duyên. Đây là người có trách nhiệm, là người hiểu biết nhân quả, đây là tư duy mà người từ bi nên có.
Vậy làm sao có thể thật sự chuyển ác duyên thành pháp duyên? Chúng ta phải tu dưỡng cho tốt, khiến đối phương khâm phục đức hạnh của chúng ta. Hòa Thượng Bố Đại nói: “Nước bọt phun trên mặt, để cho nó tự khô, ta cũng đỡ tốn sức, họ cũng không phiền não”. Mọi người đọc xong bài kệ này, có quán tưởng một chút không? Tự mình biểu diễn trước một chút, có người phun nước bọt vào quý vị, quý vị có giận không? Lại giận rồi, đó là oan oan tương báo không bao giờ hết. Lập ra mục tiêu: “Cùng tất cả chúng sanh kết pháp duyên, dát vàng lên mặt Phật Bồ-tát”, phải có chí khí. Có mục tiêu kiên định như vậy thì phải luyện công phu, luyện tập tâm bình khí hòa trong tất cả cảnh duyên. Thật ra, chúng ta đừng thường nghĩ về “cái tôi”, hãy thường nghĩ về đối phương thì sẽ được tâm bình khí hòa. Quý vị coi họ phun nước bọt vào chúng ta, họ rất tức giận, trong chốc lát sự sân hận tràn ngập thân tâm của họ, họ có khó chịu không? Họ khó chịu. Cho nên mình chỉ nghĩ làm sao khiến họ nguôi giận trở lại, thì chẳng phải mình sẽ không tức giận nữa sao? Mình tức giận là bởi vì “sao anh có thể đối với “tôi” như vậy?”. Đó là vẫn còn có cái “tôi”.
Ngày nay nếu như chồng quý vị nổi giận, quý vị liền nói với anh ấy: “Xin lỗi, xin lỗi, là em không đúng, anh đừng giận nữa, anh đừng giận nữa, anh giận rồi sanh bệnh là tổn thất lớn nhất của em”. Quý vị nói những ngôn ngữ nhu hòa này, chồng quý vị còn giận được nữa không? Quý vị còn chưa thử qua, phải không? Phật pháp phải chính mình đi thực hành, đi ấn chứng thì mới biết là chân thật không giả. Chuyển tâm của chính mình thì liền có thể chuyển cảnh giới, đó là “y báo theo chánh báo mà chuyển”, chánh báo chính là tâm, chính là duy nhân tự triệu, là do tâm niệm của chính mình. Cho nên một người hiểu được “muốn biết nhân đời trước thì xem quả đời này”, họ sẽ không còn oán trách bất kì ai, họ cảm thấy mỗi sự việc, ví như gặp ác duyên thì trả nợ là việc tốt, gặp thiện duyên thì làm tròn bổn phận thành tựu cho đối phương. Mọi việc đều là việc tốt, mọi người đều là người tốt. Đức Phật tiếp theo lại nói: “Muốn biết quả tương lai, hãy xem nhân gieo hiện tại”. “Mệnh do ta tạo, phước tự mình cầu”, trong Kinh Thi có nói: “Vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phước”, cát hung họa phước đều là tự mình cầu được.
Tất nhiên phước lớn nhất mà đời này chúng ta cầu chính là đời này làm Phật, vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc. Phước lớn như vậy thì phải dựa vào gì để chiêu cảm? “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật”, cái này là sự chiêu cảm quan trọng nhất. Thật sự đời này kiên định cầu vãng sanh thì phải thường xuyên quán chiếu tâm của chính mình có phải là tâm Bồ-đề không, có phải tương ứng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi không? Tâm tịnh thì Phật độ tịnh, liền được cảm ứng. “Muốn sanh thì nhất định được sanh”, nếu tâm của mình thường xuyên đều tương ứng với năm loại tâm này, tương ứng với tâm thanh tịnh thì nhất định có thể vãng sanh, tần số đó đã sớm được kết nối. “Hết thảy tuân tu đức của Phổ Hiền Đại Sĩ”, vì thế giới Tây phương Cực Lạc là pháp giới Phổ Hiền, nếu tâm và lời nói, việc làm của chúng ta đều tương ứng với Phổ Hiền thập nguyện thì nắm chắc phần vãng sanh.
Cho nên chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật hãy dùng năm tâm này để quán chiếu, dùng Phổ Hiền hạnh nguyện để đối chiếu chính mình. Thường xuyên đối mặt với tất cả chúng sanh, không chỉ là người, bao gồm những việc chúng ta phụ trách, những việc phải đối mặt, đều có thể cung kính đối đãi, tận tâm tận lực yêu thương, quý trọng thì đều là lễ kính, chúng ta tiết kiệm cũng chính là lễ kính vạn vật. “Xưng tán Như Lai”, đối mặt bất kì người sự vật nào cũng nhìn thấy ưu điểm của người, cũng nhìn thấy cống hiến của người, đây là tán thán Như Lai. “Rộng tu cúng dường”, tâm niệm đều là tâm làm lợi ích cho người, tâm thành tựu cho người, có thể xả thân vì người, đây là rộng tu cúng dường. Thường xuyên có thể quán chiếu chính mình không cung kính, chính mình không tán thưởng ưu điểm của người khác, không thể xả thân vì người. Tâm niệm luôn suy nghĩ cho người, vừa phát giác ý niệm lệch lạc liền lập tức phản tỉnh sửa lỗi, đây chính là “sám hối nghiệp chướng”.
Cho nên chúng ta hiểu được “muốn biết quả tương lai”, cuộc đời sau này của chúng ta sẽ đi về đâu là do tự mình quyết định, xem nhân gieo hiện tại. Hiểu được duy nhân tự triệu thì sẽ không mê tín, bởi vì đã hiểu được chân tướng của nhân duyên quả báo trong vũ trụ nhân sinh rồi. Rất nhiều người đi đến chùa khẩn cầu Phật Bồ-tát, thần minh ban phước cho họ, đây là mê tín. Phước khí dựa vào chính mình tu mà có được, chiêu cảm mà tới, không phải thần minh, Phật Bồ-tát có thể cho chúng ta. Phật Bồ-tát cũng không thể thay thế bất kì ai chịu bất kì tội gì, bởi vì tội báo duy nhân tự triệu, đó là tự mình chiêu cảm tới. Cho nên thật sự hiểu rõ đạo lý này, y chiếu giáo huấn của Phật Bồ-tát nghiêm chỉnh đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ thì sẽ có thể chuyển phàm thành thánh, đây mới là phương hướng, mục tiêu chúng ta đời này cần nỗ lực.
Cho nên “muốn biết quả tương lai, xem nhân gieo hiện tại”. Hễ hiểu rõ đạo lý này thì đời này tận tâm tận lực tích công lũy đức, cuộc đời như vậy sẽ không hối tiếc. Nếu như hiểu rõ những đạo lý này mà không thật sự đi làm thì sớm muộn sau này sẽ hối hận. Cho nên Kinh Vô Lượng Thọ nhắc nhở chúng ta một câu: “Sao chẳng ngay lúc khỏe mạnh nỗ lực tu thiện, còn muốn đợi khi nào?”. Bây giờ còn trẻ, tinh thần đều rất tốt, qua hai mươi năm nữa, tóc bạc rồi, thể lực suy yếu, nếu muốn dũng mãnh tinh tấn sẽ không dễ dàng. Tu hành phải dụng công trong hiện tại, phải tranh thủ lúc còn trẻ mà dụng công.
Tôi nói tới đây, quý vị trưởng bối đừng nói: “Vậy mình tiêu rồi”. Bất kì lúc nào chúng ta cũng hạ quyết tâm thì sẽ được cái gọi là “duy nhân tự triệu”. Một người thật sự hạ chắc quyết tâm “thật vì sanh tử, phát Bồ-đề tâm” thì cái tâm này sẽ chiêu cảm điều gì? Chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần giúp đỡ. Đây cũng là chiêu cảm mà tới, chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, tại sao có thể chiêu cảm chư Phật đến hộ niệm? Bởi vì một niệm này tận khắp hư không pháp giới. Sư phụ trong hai năm nay đã giảng hai lần Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, đã đem chân tướng của nhân sinh vũ trụ nói với chúng ta, mỗi niệm của chúng ta tận khắp pháp giới, mọi người hễ động một ý niệm thì sẽ trùm khắp pháp giới. Đạo lý này suy ngẫm kĩ lại sẽ cảm thấy sởn gai ốc. Ồ! Chúng ta khởi một ác niệm, hư không pháp giới Phật Bồ-tát đều biết. Chúng ta sau này còn muốn tới thế giới Tây phương Cực Lạc, tới lúc đó những Bồ-tát đó liền nói: “Vào ngày 31 tháng 7 năm 2010 ngươi đã khởi những ý niệm không tốt, ôi chao, ngươi coi ngươi còn nói muốn vãng sanh Tây phương nữa sao?”. Lúc đó mình sẽ rất mất mặt. Thường phải nghĩ rằng hễ động một ý niệm thì tất cả Bồ-tát trong Liên trì hải hội đều biết hết, ái ngại lắm, phải sanh tâm hổ thẹn, sanh tâm sám hối. Cho nên năng lực sám hối có thể khiến người ta không ngừng nâng cao. Người vãng sanh Tây phương là người tích lũy công đức, là người biết sám hối nghiệp chướng, có thể vãng sanh.
Cho nên động một ý niệm vãng sanh kiên định, thật sự cảm được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần trợ giúp. Chúng ta từ trong Kinh A-di-đà cũng có thể hiểu được đạo lý này. Thập phương chư Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài, “nói lời chân thật rằng tất cả chúng sanh nên tin vào kinh xưng tán bất khả tư nghị công đức được tất cả chư Phật hộ niệm này”. Người đọc Kinh A-di-đà, đọc kinh Tịnh độ lại niệm Phật thì thập phương chư Phật đều hộ niệm, bởi vì pháp môn này quá thù thắng. Pháp môn này có thể ở trong đời này thành tựu, pháp môn này là đem công đức trên quả địa thành Phật của A-di-đà Phật mà tu trên nhân địa của chúng ta, cho nên lợi ích chân thật chỉ có Phật mới nói rõ được. “Chỉ Phật với Phật mới biết nổi, Thanh Văn ức kiếp suy trí Phật, trọn hết thần lực chẳng lường xong”. Cho nên sự thù thắng của pháp môn này chỉ có Phật mới hiểu triệt để, gọi là pháp khó tin, người bình thường nói không rõ hết. Chúng ta nếu như chân thật niệm thì sẽ đắc lực.
Chúng ta chỉ nghĩ đến vấn đề của ông Trương Thiện Hòa thời Đường là được rồi, ông cả đời giết bò, lâm chung những con bò tới đòi mạng, ông sợ gần chết, kêu khóc. Một người xuất gia đi ngang qua, lập tức thắp một nén hương, bảo ông lớn tiếng niệm A-di-đà Phật, ông niệm được 10 tiếng liền vãng sanh. Chúng ta nghĩ thử coi, vạn đức hồng danh của A-di-đà Phật có công đức bao lớn, năng lượng bao lớn, khiến một người trong chốc lát sắp sửa đọa địa ngục A-tỳ, sau khi niệm được 10 tiếng thì đời này đi làm Phật. Cho nên nhân duyên thù thắng này, chúng ta chịu quyết một lòng nắm lấy mà niệm thì đời này tuyệt đối sẽ không hối hận, sẽ không uổng phí. Nếu như bỏ lỡ cơ hội hy hữu khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay thì thật là sự hối hận lớn nhất của đời người.
Cho nên đời này muốn không để lại tiếc nuối thì phải hiểu được chân tướng của sự cảm ứng. Biết được là do chính mình tạo tác cảm tới ác báo nên không oán; biết được nắm chắc cơ hội thành Phật trong đời này, đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức thì đời này có thể thành tựu, đời này sẽ tuyệt đối không bị hối hận. Chúng ta hiểu được thiện tâm, thiện hạnh sẽ cảm thiện quả, ác tâm, ác hạnh sẽ cảm ác báo. Người tạo tác ác nghiệp căn nguyên là bởi vì họ mê hoặc, mê hoặc rồi mới tạo nghiệp, mới cảm đến những ác báo. Cho nên người chỉ cần không mê hoặc nữa, giống như một người từ nhỏ có sự giáo dục gia đình tốt, họ biết đối nhân xử thế ra sao, họ biết thường xuyên phải nghĩ cho người khác, phải hậu đạo (đôn hậu), họ sẽ không tạo nghiệp nữa. Bây giờ thế gian này tại sao thiên tai nhân họa nhiều như vậy? Là vì từ nhỏ không có giáo dục tốt, họ mê hoặc nên mới tạo nghiệp. Phật Bồ-tát tại sao thương xót chúng sanh? Bởi vì chúng sanh đánh mất tự tánh, tạo tác ác nghiệp, đó cũng không phải họ muốn làm như vậy, bởi vì họ không hiểu nên nhiễm phải thói ác. Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ đã nhắc nhở chúng ta: “Người trước bất thiện, không biết đạo đức, chẳng có người dạy, không nên trách họ”. Phải bao dung, kế đó thương xót, vì người diễn nói, phải giúp đỡ chúng sanh có được nhân duyên đối với chánh pháp. Chúng ta làm tốt rồi sẽ có thể cảm động, có thể giáo hóa người khác. Cho nên đối mặt với tất cả người tạo ác, chúng ta phải thương xót, tuyệt đối không thể chỉ trích, không thể đối lập.
Sự cảm ứng đó là do tâm chiêu cảm, tâm con người trước khi có vọng động là thanh tịnh vô nhiễm, hết sức thanh khiết, chỉ vì một vọng động mà sanh ra niệm thiện ác. Niệm thiện hướng về việc tốt, niệm ác hướng về việc xấu, dần dần tập khí ác này càng tích càng dày, sau cùng cũng không phục được tập khí. Chúng ta phải hiểu được rằng, thật ra tất cả các ác hạnh cũng chỉ là do một ý niệm ban đầu không đúng mà thôi, ý niệm này sai rồi, nếu chúng ta không chỉnh sửa lại cho tốt thì càng tích càng dày, sẽ càng lệch càng xa. Trong Kinh Dịch nói: “Thiện không tích thì không đủ để thành danh; ác không tích thì không đủ để diệt thân”, quả báo thiện ác, thật ra đều do tích lũy qua ngày tháng mà hình thành. Người ta nếu như đối với tâm niệm này có sự quán chiếu hết sức nhạy bén thì họ sẽ dần dần có thể chế phục ác niệm, tăng trưởng thiện niệm.
Vào thời Tống có vị tiên sinh Triệu Khang Tĩnh, ông phát giác được phải từ căn bản của việc khởi tâm động niệm mà tu. Ông lấy một cái bình và đậu đen, đậu trắng, nếu như ông khởi một ác niệm, ông liền bỏ một hạt đậu đen vào; khởi một thiện niệm, ông liền bỏ một hạt đậu trắng vào. Khi vừa mới bắt đầu, mỗi ngày ác niệm khởi lên nhiều, cho nên đậu đen rất nhiều. Tất nhiên, đây là hiện tượng bình thường, mỗi người trong quá trình tu hành đều là dần dần chuyển đổi lại tập khí, đối trị ý niệm. Tiếp theo đó, ông hạ quyết tâm sửa lỗi, điều phục. Qua một thời gian sau, đậu trắng khá nhiều, đậu đen khá ít. Sau cùng, ngay cả thiện niệm ông cũng không chấp trước, ngay cả cái bình và đậu đen đậu trắng đều cất đi, tâm địa thanh tịnh, trong sáng, không nghĩ thiện, không nghĩ ác nữa. Cho nên chúng ta hành thiện, sau cùng cũng không được chấp trước thiện báo. Có cầu liền cảm ứng vào ba đường thiện, nếu không cầu, tâm thanh tịnh sẽ cảm đến thế giới Tây phương Cực Lạc. Cho nên phương pháp này của tiên sinh Triệu Khang Tĩnh đáng để mọi người tham khảo, bởi vì dùng phương pháp này, chúng ta sẽ không gạt mình, có thể hiểu được tình hình của chính mình.
Đại đế Đông Nhạc đã từng dạy bảo chúng ta: “Hành thiện như cỏ trong vườn xuân”, cỏ trong mùa xuân, “tuy không thấy nó lớn, nhưng mỗi ngày một cao”, người có thái độ hành thiện, dần dần cái thiện đó của họ sẽ càng ngày càng nâng cao. Làm ác thì sao? Như cục đá mài dao, mỗi ngày mài dao, cục đá mỗi ngày bị mài mòn, “không thấy nó mòn, mà mỗi ngày một khuyết”. Cho nên ngày nay nếu như chúng ta không đối trị ác hạnh của mình thì mỗi ngày phước báo của bản thân chúng ta đều bị tổn hại. Mỗi ngày ác niệm không được chế phục thì ba năm, năm năm sau phước bị tổn hao hết, như trong kinh có nói: “Nói ác, nhìn ác, làm ác, mỗi ngày có ba việc ác, sau ba năm trời ắt giáng họa”. Nhưng nếu chúng ta mỗi ngày đều luôn không ngừng yêu cầu chính mình hành thiện, năm ba năm sau thiện báo sẽ hiện tiền. Cho nên chúng ta phải cẩn thận hạ công phu trong mỗi ý niệm thiện ác này, đồng thời không ngừng tích lũy thiện hạnh và thiện tâm thì mới có thể cải tạo được vận mệnh của chúng ta.
Hôm nay tôi trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người.