Chia Sẻ tâm đắc “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 9/49) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 9/49: Từ trong tâm mà xét lại chính mình, sửa lỗi, vun trồng điều thiện

Giảng ngày 19 tháng 08 năm 2010

Quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Đệ Tử Quy nói rằng, phải “gắng dụng công, thời gian dài, công phu đủ, liền thông đạt”. Cho nên việc cầu học vấn vẫn phải dựa vào công phu nước chảy đá mòn. Chúng tôi hôm qua phát cho mọi người sổ ghi công tội, mỗi ngày mọi người đối chiếu ba nền tảng Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mà suy ngẫm phản tỉnh, làm được một tháng, hai tháng thì năng lực quán chiếu của chính mình sẽ trở nên rất mạnh, sẽ không bị tập khí sai khiến một cách hoàn toàn vô tri, mỗi ngày đều trôi qua lãng phí thì rất đáng tiếc. Cho nên chúng ta chịu khổ công, chịu lão thật, nhất định có thể có được lợi ích.

Phương pháp công quá cách dựa trên ba cái gốc này của chúng ta phải từ tâm tánh mà suy ngẫm phản tỉnh. Ví dụ mọi người đọc câu thứ nhất, “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”, nói cái gốc này không liên quan với tôi, bây giờ cha mẹ không ở bên cạnh tôi, câu này sẽ không cần thọ trì nữa. Thứ nhất, cha mẹ không ở bên cạnh, nhưng những giáo huấn mà cha mẹ đã dạy chúng ta từ nhỏ tới lớn, chúng ta có lãnh nạp trong tâm chưa? Luôn luôn đem những giáo huấn này của cha mẹ thực hành trong công việc xử sự của bản thân, điều này chính là “cha mẹ gọi, trả lời ngay; cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Việc này chính là không chà đạp giáo huấn của cha mẹ, tâm trạng này chính là tâm của người con hiếu chỉ có cha mẹ, nhớ đến nhu cầu của cha mẹ, nhớ đến giáo huấn của cha mẹ, cái này là tánh đức.

Tiếp đó mở rộng ra, trong trường học gọi là sư phụ, trong đơn vị gọi là quân phụ. Thời đại này của chúng ta, quan hệ quân thần hết sức thiếu sót. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn nói về một điều mà sẽ không thay đổi với thời gian, đó là “phụng sự lãnh đạo như phụng sự trời, là lời thánh nhân dạy, việc này hết sức quan trọng đến âm đức”. Lãnh đạo trong một đoàn thể có trách nhiệm rất lớn, họ làm không đúng thì có nhân quả của họ, họ phải gánh vác. Chúng ta ở trong đoàn thể, nếu có tâm trạng đúng đắn thì là đang trồng phước điền, còn như có tâm trạng không đúng thì là tạo tác tội nghiệp. “Tất cả phước điền, không rời tâm này”. Thế gian này rất công bằng, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Cho nên chúng ta ở trong đoàn thể, nếu người lãnh đạo làm việc không đúng thì nghiệp mà họ tạo sẽ càng lớn. Chúng ta phải sanh khởi tâm thương xót, làm sao để làm tốt, làm sao để khuyên răn họ, giúp họ, chứ không phải đi kể tội hoặc nhìn chăm chăm vào cái sai của họ, lúc nào phước huệ cũng ở trong tâm của chúng ta. Cho nên trong xử sự đối với mọi người, chúng ta phải luôn luôn giữ được tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi mà sư phụ thường nói thì tất cả cảnh đều là cảnh giới tốt, tôi tin rằng với tấm lòng như vậy, trong quan hệ ngũ luân, chúng ta luôn có thể đem ác duyên chuyển thành thiện duyên, thậm chí nâng cao chuyển thành pháp duyên.

Chúng ta đời này đã nghe được Phật pháp Đại thừa, hy vọng dùng tâm đại từ đại bi của Bồ-tát để đối nhân xử thế, tùy duyên tiêu nghiệp cũ, không tạo thêm nghiệp mới. Cái gì là nghiệp mới? Tâm chúng ta tách khỏi sự chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì có thể sẽ sanh nghiệp mới. Tu học muốn đắc lực thì không ngoài việc khéo quán sát tâm mình. Khéo léo dụng tâm phát giác chỗ lệch lạc trong tâm của mình, hễ phát hiện được thì ngày nay không bị uổng phí. Phát hiện được sai lầm của chính mình, sư phụ gọi là khai ngộ, sửa đổi sai lầm của chính mình thì gọi là chân tu hành. Cho nên phát hiện sai lầm không phải việc xấu, mọi người khi phát hiện ra vấn đề của mình có vui mừng không? Ngày nay cuối cùng tôi cũng tìm ra được vấn đề, thì ra tôi có ý niệm khống chế, thì ra là tôi quá tham chấp, quá tình chấp. Phát hiện rồi chúng ta sẽ hoan hỉ, sẽ có thể đối trị nó cho tốt, sẽ không che đậy, sẽ không tiêu cực, sẽ không thoái lui.

Sư phụ vẫn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của “quân thân sư”, bởi vì vị trí của quân thân sư trong gia đình, trong trường học, trong đoàn thể là hết sức quan trọng. Mọi người phải khởi lên một tinh thần trách nhiệm rất cao độ thì mới có thể diễn tốt vai trò của mình. Người làm quân thì phải có phong cách của người làm quân, người làm thần phải hết lòng với thân phận của thần tử. Điều rất quan trọng để vãng sanh Tây Phương là chúng ta nhất định phải làm tròn bổn phận mới có thể được gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Quý vị ở trong đoàn thể không làm tròn bổn phận thì đã gây thêm loạn cho đoàn thể rồi, làm sao còn có phước đức được chứ? Cho nên mục tiêu đời này thành Phật đã rõ ràng rồi, trước hết chúng ta phải phù hợp với tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân thì mới có thể vãng sanh được, như thế nguyện mà chúng ta phát sẽ không sáo rỗng.

Dựa trên Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, chúng ta hãy từ tâm tánh mà phản tỉnh, chúng ta phản tỉnh từ quan hệ ngũ luân. Cho nên câu “cha mẹ gọi” này, cũng có thể là “sư phụ gọi”. Quý vị đồng nhân, nếu như là sư phụ gọi, xin hỏi trong Đệ Tử Quy có câu nào không phải là sư phụ dặn dò chúng ta phải làm? Có câu nào tách rời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền không? Câu này quý vị thật sự đặt trong tâm rồi, đem những giáo huấn này khắc ghi mãi trong tâm mình, quý vị hạ quyết tâm như vậy thì tính cảnh giác sẽ rất cao. Cha mẹ gọi, lập tức vâng; sư phụ gọi, lập tức vâng; lãnh đạo gọi, lập tức vâng; nếu như mọi người mở rộng tâm lượng hơn, thì chúng sanh gọi, lập tức vâng.

Thật vậy, động lực tu học là từ bi làm gốc. Trong rất nhiều cảnh giới, chúng ta không khởi lên được tinh thần là do cái tôi quá nặng, nên tâm từ bi không khởi lên được. Tâm từ bi khởi lên được rồi thì việc gì cũng không thành vấn đề. Thủ phạm cầm đầu chi phối các tâm trạng đều là cái “tôi”, tôi không vui, tôi chán ghét, tôi muốn có, tôi không thoải mái, căn nguyên của tất cả tâm trạng này đều ở “tôi”. Chỉ cần buông bỏ cái tôi, luôn luôn nghĩ cho chúng sanh thì những phiền não này sẽ không còn. Cho nên chúng ta nghe Phật pháp, điều đáng quý nhất chính là có thể hiểu rõ những đạo lý thấu triệt nguồn căn thì đời này sẽ không mịt mù hồ đồ nữa, đời này sẽ không “ai bảo cũng theo” nữa. Đời này chúng ta sẽ không dùng nhiều đạo lý không triệt để để an ủi chính mình, lừa gạt chính mình nữa, mà đều dùng những đạo lý triệt để. Căn nguyên của phiền não là ngã chấp. Chúng ta có thể từ sự đối nhân xử thế mà dần dần buông bỏ cái “tôi”, có thể suy nghĩ cho đối phương. Cho nên từ “cha mẹ gọi” cho đến “chúng sanh gọi”, chúng ta có thể thọ trì “chúng sanh gọi”, đây chính là y theo tâm trạng “tất cả người nam là cha mình, tất cả người nữ là mẹ mình” mà làm thì sao có thể giải đãi được? Đây đều là những việc của cha mẹ ruột thịt của mình thì mình sẽ không giải đãi. Trong quá trình tu học, điều nghiêm trọng nhất là đối trị sự giải đãi. Phật pháp Đại thừa nói, thiện căn duy nhất của Bồ-tát tu hành chính là tinh tấn, không giải đãi.

Chúng ta lãnh hội tới đâu, thọ trì tới đó. Những việc đã hiểu rõ rồi thì nhất định phải đốc thúc bản thân đi làm, đừng thoái lui, đừng sống cho qua ngày. Từ tâm tánh mà thọ trì một câu nói này chính là tâm thành kính, chân thành cung kính. Làm được như vậy rồi, khi cha mẹ gọi, “Mẹ, có chuyện gì vậy?”, rất là cung kính. Sư phụ lại thường nói “lễ kính chư Phật”, “tất cả đều cung kính”, chúng ta thực hành điều này trong cuộc sống, bất kì ai đến tìm chúng ta có việc, chúng ta sẽ không thờ ơ lạnh lùng, sẽ không bực bội, lề mề mà mau mắn hỏi: “Có việc gì vậy ạ?”, không thất lễ với người, đây chính là thọ trì một câu này. Cho nên nếu như chúng ta từ trong tâm tánh mà thọ trì mỗi một câu, bao gồm việc“đi phải thưa, về phải trình” thì điều này sẽ khiến cha mẹ an tâm, vì cha mẹ biết rất rõ tình hình của chúng ta. Cũng như vậy, khi gặp sư trưởng, chúng ta “về phải trình”, sư trưởng tới rồi, chúng ta có cơ hội thân cận thiện tri thức, cũng phải đem tình hình tu học của bản thân chúng ta báo cáo một chút, để sư trưởng biết được tình hình của chúng ta thì mới dễ chỉ đạo chúng ta. Cho nên, chúng ta có thể báo cáo tình hình tu học với lãnh đạo của mình, có thể báo cáo với cấp trên của mình. Sư phụ có nói, quý vị tin tưởng ai nhất thì người đó chính là thiện tri thức của quý vị, quý vị có thể đem tình hình và tình trạng tu học nói chân thật với họ, họ sẽ nói cho quý vị một số kiến nghị, đây cũng là “về phải trình”.

Nếu như chúng ta tu học, vừa nhìn thấy sư phụ liền trốn cho thật xa, thấy ái ngại, thì đó là “nếu che giấu”, không có dũng khí đối mặt với vấn đề. Kể cả trong công việc, đối mặt với những việc mà lãnh đạo giao phó, hiện tại tiến độ đã tới đâu, phải báo cáo thích đáng, để họ biết rõ tình hình, họ sẽ không lo lắng, đó là “về phải trình”. Từ trên tâm tánh mà nói, chính mình không thoái thác, chính mình luôn luôn thấu hiểu nỗi lo của cha mẹ và người khác, giải quyết hết sự lo âu của họ, đây là bố thí vô úy. Đặt mình vào hoàn cảnh đó để thấu hiểu tâm của người khác, khiến trưởng bối, lãnh đạo đều cảm thấy rất an tâm đối với việc mà chúng ta làm. Chứ không phải nói: “Công việc đã bàn giao xuống dưới rồi”, một ngày trước khi hết hạn mới gọi điện thoại tới: “Tôi làm không được, anh coi sao thì coi”, điều này là không có “về phải trình”. Cho nên mọi người dụng tâm thể hội mỗi một câu, từ tâm tánh mà thể hội, đều có thể dùng tâm trạng này mở rộng đến tất cả mọi việc đối nhân xử thế tiếp vật, thì sẽ nhận được lợi ích. Khổng Tử nói “học một biết mười”, tức là từ trong tâm trạng này mà mở rộng ra. Chúng ta nghĩ xem tâm của con người khi nào không cần chân thành, không cần cung kính, không cần từ bi, không cần tinh tế, không cần nhu nhuyễn, không cần bình đẳng, không cần giác ngộ chứ? Cho nên, người khéo học sẽ từ trong tâm tánh mà lĩnh ngộ mỗi một câu kinh văn, sau đó quán chiếu tất cả hành vi xử sự của mình.

Nói về Thái Thượng Cảm Ứng Thiên này của chúng ta, lấy một đoạn ví dụ nói về gia đình, mọi người vừa nhìn thấy gia đình thì nói: “Tôi bây giờ không sống trong nhà, đang sống ở trung tâm”. Trung tâm có phải là nhà không? Học Phật là phá phân biệt, phá chấp trước. Nữ sĩ Hứa Triết nói: “Vũ trụ là nhà tôi!”, tâm niệm này của bà đã phá hết phân biệt chấp trước, chúng ta phải khéo học theo. Cái gì là công phu? Giảm thiểu được bao nhiêu chấp trước và phân biệt chính là công phu thật sự. Nếu như xem một ngày có thể niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, có thể đọc bao nhiêu kinh thì đó là phương pháp, không phải công phu. Công phu thực chất là buông bỏ được bao nhiêu phân biệt chấp trước. Chấp trước của con người càng ít thì những tập khí tham sân si mạn sẽ không còn, sống với người nhất định sẽ ngày càng vui vẻ; còn nếu càng sống chung với người mà tâm trạng càng không tốt thì chắc chắn là do chấp trước càng ngày càng nhiều, đây là điều tất nhiên. Cho nên, chúng ta không phân biệt nữa. Chúng ta là người thọ tam quy y, còn có ai chưa thọ tam quy y nữa không? Quý vị coi, lại chấp trước rồi. Quý vị nghe sư phụ giảng kinh, nghe lâu như vậy rồi quý vị vẫn còn chưa quy y sao? Tâm quý vị vẫn chưa quay về giác chánh tịnh sao? Sư phụ luôn đang phá chấp trước của chúng ta, bản thân quý vị ở trước Phật Bồ-tát chí thành mà niệm “Tam quy y văn” là đúng rồi, trọng thực chất không trọng hình thức. Có điều lúc nãy những người giơ tay rất tốt, rất chân thật. Quý vị đừng bị tôi dọa, lần sau đều không dám giơ tay.

Quy y Phật môn, Phật môn là một đại gia đình, xin hỏi gia đình Phật môn này có bao lớn? Tận hư không khắp pháp giới. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Quý vị coi sư phụ giảng: “Quý vị đừng nói quy y tôi, quý vị nói quy y tôi là phá hòa hợp Tăng, Tăng là một chỉnh thể, quý vị lại phân ta, phân người”. Cho nên chúng ta gặp được sư phụ là quá may mắn, ngài luôn nói cho chúng ta đạo lý chân thật, không cho chúng ta chấp trước, không để chúng ta càng học càng chấp trước. “Kinh sư dễ đắc, nhân sư khó cầu”. Cho nên, nếu như chúng ta dùng tâm lượng như vậy, dùng tâm lượng của dân tộc, của Tăng đoàn, của đệ tử Phật, thì chỗ nào không phải là nhà? Đều xem tất cả mọi người như huynh đệ sư muội của mình. Theo tiêu chuẩn của Phật pháp Đại thừa, đây không phải là một nhà, mà là gì? Là nhất thể. Nhất thể là cảm giác gì? Bữa nay, chân quý vị bị chảy máu, quý vị sẽ làm gì? Còn chưa chảy 500 cc, còn sớm, không sao, chảy thêm chút nữa, dù sao cũng không chết được. Thì đó không phải nhất thể. Nhất định là nó vừa mới đau thì quý vị lập tức cảm nhận được, đó mới là nhất thể, đồng cảm thấu hiểu người khác chính là hướng về cái mục tiêu khế nhập nhất thể đó. Nhà Phật nói luân lý không phải nói đến một nhà mà thôi, mà là nói nhất thể. Cho nên Phật Bồ-tát đạt tới cánh giới khế nhập nhất thể rồi, Quán Thế Âm Bồ-tát ngàn nơi khẩn cầu ngàn nơi ứng, các ngài đã khế nhập nhất thể thì sẽ khôi phục năng lực như vậy. “Tham lam vô độ” tức là nhắc nhở chúng ta không thể tham cầu bất kì thứ gì, buông bỏ tâm tham trong mọi cảnh giới. Tất nhiên cái tham này, thỉnh thoảng cũng sẽ phạm, nhưng tính cảnh giác phải cao. Ví dụ nói hôm qua ăn bánh bao, vừa thấy bánh bao, tôi rất thích ăn, tôi gắp một cái lớn một cái nhỏ, gắp một cái lớn một cái nhỏ xong đến ngồi ở ghế, tôi liền thấy tôi sai rồi, bởi vì tôi vừa thấy phía sau còn có một số đồng tu, số bánh bao đó sắp hết rồi. Cho nên tôi đã khởi tâm tham. Người vừa khởi tâm tham sẽ không cảm nhận được nhu cầu của người khác, “dục khiến trí mê, lợi khiến trí mờ”. Mọi người có cảm giác này không? Khi trạng thái quý vị rất tốt, nghe xong pháp hỉ sung mãn, liền cảm thấy trạng thái đó, cười với người ta một cái sẽ rất tự nhiên, quan tâm đến người ta một chút, sẽ làm được rất tự tại, hơn nữa hết sức nhạy bén, quan sát được nhu cầu của người khác ở đâu? Có việc này không? Những lúc đó tức là chúng ta đã buông bỏ cái tôi, rất vui sướng, tánh đức này của mình đã hiển lộ ra. Nhưng đột nhiên có tâm trạng khởi lên, tự tư tự lợi sẽ cùng tới, ánh sáng đó sẽ dần dần tối lại, sẽ chỉ nghĩ tới chính mình, không nghĩ tới người khác. Cho nên trong lúc xử thế phải luôn luôn quán chiếu tâm của chính mình.

“Thề thốt để người khác tin là mình chánh trực ”, rõ ràng tâm sân hận của mình khởi lên rồi, vẫn còn nói với chính mình “Mình rất là chính trực”, đó chẳng phải là dối mình dối người sao? Hơn nữa người phải cảm nhận được, chỉ cần chúng ta xuất hiện ngôn ngữ khích động thì toàn bộ từ trường giữa người và người sẽ không tốt, đều đã đang phá hoại sự hòa hợp của đoàn thể, còn nói mình là chính trực, đó là không thỏa đáng.

“Ham nhậu nhẹt, quậy phá” tức là không thể khống chế dục vọng, phóng túng dục vọng, không kiểm soát được hành vi của thân tâm chính mình, biến thành nô lệ của dục vọng. Câu nói này nhắc nhở chính mình “Việc gì mà mình không làm, mình sẽ đau khổ không chịu được”, từ đó bắt đầu đối trị. Mình bị nghiện rồi, bị dục vọng khống chế rồi, cho nên nếu như chúng ta không uống cà phê là chịu không được thì có thể bắt tay làm từ đây. Tôi không phải nói không uống, ví dụ nói một ngày uống 6 ly, bây giờ buông từ từ, một ngày uống 3 ly là được rồi. Thật vậy, tâm tánh tham chấp, không phải là tham chấp ở thứ này mà thôi, còn sẽ tham chấp ở những chỗ khác nữa. Cho nên vãng sanh Tây phương, tâm thanh tịnh quan trọng nhất, tâm thanh tịnh tức là không nhiễm, không tham. Tất cả mọi thứ, có thì tốt; không có cũng tốt, như vậy mới tự tại. Nếu có được thì hãy đem tâm biết ơn mà hưởng thụ, đem tâm báo ơn mà hưởng thụ. Quý vị coi, ly cà phê trắng này là do cô giáo Tống về quê mang tới đây. Cái này có công phu, uống vào bằng sự biết ơn, buông bỏ tham chấp. Như vậy là được, đây là mục tiêu. Quý vị đừng có ngày mai không uống nữa, cái miệng ở đó run run, chạy tới tìm tôi. Công phu tự mình tu hành còn tùy vào mỗi người, hãy điều chỉnh chính mình cho tốt, hãy hạ công phu.

“Cốt nhục tranh giành”, thì phải buông bỏ tranh giành.

“Nam không trung lương”, sự trung thành, thái độ tận tâm tận lực của người nam phải xuất hiện. Phải khiến người khác thấy an toàn, biết gánh vác, lương thiện. Bất kì chuyện thị phi nhân ngã tới chỗ của chúng ta đều có thể biến thành bao dung thấu hiểu lẫn nhau, cái này là có lương tâm. “Nữ không nhu thuận”, người nữ thì đức dày tải vật, có thể bao dung. Đại địa bao dung tất cả những điều không tốt của vạn vật. Quý vị coi chúng ta hồi nhỏ những khi nổi nóng không vui vẻ, mẹ luôn luôn âm thầm chịu đựng. Đâu phải chúng ta nổi nóng xong rồi, mẹ nói: “Mẹ không quan tâm tới con, mẹ và con đoạn tuyệt quan hệ?” Có người mẹ nào nói với quý vị như vậy không? Chúng ta nổi nóng như thế nào, đã nói bao nhiêu lời tổn thương cha mẹ, cha mẹ đều bao dung. Đây chính là nhu hòa, “nhẫn nhục như đất, tất cả bình đẳng”. Người nữ nhu hòa có thể hóa giải rất nhiều tâm trạng và tranh chấp trong cả đoàn thể, cho nên người nữ có đức rồi thì được “an”, chữ “an” trong an lạc. Chúng ta coi chữ an này (安), tức là người nữ ở dưới mái nhà phát huy nữ đức của họ thì đoàn thể sẽ được an. Trong lịch sử, nếu như người nữ chuyên quyền, cưỡng thế thì quốc gia đó coi như xong luôn. Quốc gia đều tiêu vong, càng không cần nói tới gia đình. Cho nên sự “trung lương”, “nhu thuận” này đều là biểu pháp rất quan trọng của người nam và người nữ.

Phía sau có câu: “Thường thích khoác lác, kiêu căng ” tức là phải đối trị tâm ngạo mạn của mình. Con người phải biết khiêm thoái, không được khoa trương, càng khoa trương thì càng không nhìn thấy vấn đề của mình.

“Thường hay đố kị”, tâm đố kị không được khởi. Đệ Tử Quy có nói: “Người hạnh cao, danh tự cao, mọi người trọng, không bề ngoài. Người tài năng, tiếng tự cao, được người phục, chẳng do khoe”. Người ta đã thật sự hạ công phu ở đức hạnh và tài năng, chúng ta phải noi gương tinh thần của họ, sự hiếu học của họ, không nên khởi tâm đố kị. Đố kị là căn nguyên đọa địa ngục, nhất định phải trừ bỏ. Phải tùy hỉ công đức, xưng tán Như Lai. Nhất là chúng ta ở trong thời kì mạt pháp, tâm trạng này quá quan trọng. Vẫn còn đối lập với người, vẫn còn đố kị, vẫn còn phê phán thì rất khó không gây ra sự bất hòa trong đoàn thể.

Cho nên chúng ta hãy thường đọc cho tốt Liễu Phàm Tứ Huấn: “Chúng ta trong thời mạt thế, đừng lấy sở trường của mình ép người, đừng lấy cái hay của mình xét người, đừng lấy năng lực của mình gây khốn khó người. Ẩn giấu tài trí, như hư như vô”. Bồi dưỡng tâm nhân hậu, “thấy người lầm lỗi, thì bao dung và che đậy cho, một là khiến họ sửa lỗi, hai là khiến họ cảm thấy e sợ mà không dám làm càn, đừng nên hà khắc. Nhưng nếu như việc làm của họ có ảnh hưởng đến cả đoàn thể thì phải nói với người phụ trách, để họ dùng phương thức thiện xảo đi khuyên đương sự. Chúng ta vẫn là một lòng muốn tốt cho đoàn thể, cho người khác là đúng rồi. Pháp này là pháp viên dung, “cùng khuyên thiện, cùng lập đức, lỗi không ngăn, đôi bên sai”, “thấy người có chút điều tốt thì nên học theo, dù là thiện nhỏ cũng ghi chép lại, mau chóng xả mình mà hành theo”, đây là tùy hỉ công đức, xưng tán Như Lai.

Tốt rồi, điều này là trao đổi với mọi người một chút, có thể từ phương pháp công quá cách (lập sổ ghi công tội), từ tâm tánh, từ vai trò quân thân sư, từ mối quan hệ ngũ luân, từ mấy góc độ này mà quán chiếu, từ mỗi câu đều có thể nhắc nhở chính mình từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống của bản thân.

Câu thứ nhất trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, lời giáo huấn này, không chỉ là giáo huấn của Đạo gia. Ung Chính Hoàng Đế Thượng Dụ nói rằng: “Tam giáo của ba nhà Nho Đạo Thích là sự giáo hóa đối với thần châu đại địa này của chúng ta, đều là những đạo lý xuất phát từ chung một gốc”, khuyên người về chân tướng sự thật của luân lý, đạo đức, nhân quả báo ứng; “không trái ngược mâu thuẫn nhau”, mà bổ trợ cho nhau, khiến bá tánh trong mấy ngàn năm nay được trị an trường cửu. Cho nên Nho gia có nói: “Nhà tích điều thiện, tất có thừa niềm vui; nhà tích bất thiện, tất gặp tai ương”, chúng ta coi chữ “tất” này trong kinh điển có nghĩa là tuyệt đối, không có tơ hào nghi ngờ, cũng sẽ không vì thời đại mà thay đổi.

Nho gia lại nói rằng, trong Thượng Thư – Hồng Phạm nói rằng: “Ngũ phước lục cực”, “ngũ phước” tức là thiện báo do tích thiện chiêu cảm đến, “lục cực” tức là ác báo do tích ác chiêu cảm. Mọi người khá là quen thuộc với Ngũ phước: Trường thọ, phú quý, an khang khỏe mạnh, có tâm thích làm việc thiện và thiện chung, tức là lúc lâm chung được tỉnh táo, chết một cách tự tại, thậm chí là chưa chết mà đã vãng sanh, biết rõ ràng mình sẽ về cõi tốt, sanh về nước Phật. “Lục cực” là “hung đoản chiết”, tức đoản mạng; bệnh tật; lo âu; bần cùng; luôn luôn không phục được ác niệm; yếu đuối. Nếu như có sáu tình hình này thì chúng ta phải cảnh giác, bản thân phải đột phá, không thể bị nghiệp lực này chi phối. Cho nên, “phàm phu nhận mệnh, kẻ trí tạo mệnh”, chúng ta phải chuyển biến vận mệnh của chính mình. Cơ sở chuyển mệnh quan trọng nhất là sửa đổi tập khí của bản thân. Sửa tập khí là căn bản lập mệnh, điều này rất quan trọng. Chúng ta cứ nói rằng: “Tại sao rất nhiều việc của tôi đều không thuận lợi? Tôi đã tu hành nhiều năm rồi”. Chúng ta hãy hỏi lại chính mình đã trừ bỏ bao nhiêu tập khí rồi? Trừ bỏ bao nhiêu tập khí thì vận mệnh sẽ chuyển biến bấy nhiêu.

Được rồi, chúng ta ngày mai lại lấy vài ví dụ về “nhà tích điều thiện, tất có thừa niềm vui; nhà tích bất thiện, tất gặp tai ương”, nói rõ hơn cùng mọi người. Buổi sáng hôm nay tôi chia sẻ với mọi người tới đây. Cảm ơn mọi người!