Chia Sẻc “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 13) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 13: Cảnh duyên không tốt xấu, không có sự việc nào trong đời người là xấu cả.

Giảng ngày 15 tháng 09 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta cùng nhau học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, mở đầu sách đã nói “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu. Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”. Từ “báo” này nghĩa là chỉ cần nhân duyên đầy đủ, quả báo sẽ hiện tiền. Vận mệnh đời này của bản thân chúng ta ra sao, là tốt hay là không tốt? Nếu như không tốt thì bây giờ nên sửa thế nào? Tu hành “học quý chỗ tự biết mình”, chúng ta phải sáng suốt biết mình, sửa sớm một chút. Sửa sớm một chút thì mạng có thể trở thành tốt; nếu như nói ngày mai mới sửa, ngày mai rồi lại ngày mai, ngày mai đâu nhiều vậy, muốn ngày mai sửa, nhưng ngày nay vô thường đã tới rồi. Đường đến suối vàng không già trẻ, không phải nói người già mới chết, thọ mạng của con người thật đến rồi, thì quả báo hiện tiền, lúc này quý vị có tiền tới đâu cũng không mua được thọ mạng. Cho nên “nhớ đến vô thường, cẩn thận đừng phóng dật”, nhớ tới sanh tử vô thường, người ta sẽ tích cực, tinh tấn.

Bản thân tôi không tinh tấn là không được. Chúng tôi vào tháng 10 năm 2004 có cơ hội đến Hồng Kông chia sẻ Đệ Tử Quy, Hiệp Hội Giáo Dục Phật-đà Hồng Kông có quay phim, băng đĩa này đưa tới Australia, mở ra cho sư trưởng xem. Sư trưởng vừa nhìn thấy tôi liền nói, người này là tướng đoản mệnh. Học quý chỗ tự biết mình, tôi sáng suốt biết mình, bản thân tôi chính là đoản mệnh. Sư trưởng từ bi, biết được người học sinh này đoản mệnh, liền mau khẳng định, khích lệ chúng tôi phải đi theo con đường hoằng pháp lợi sinh. Cho nên tôi đã sống thêm được rất nhiều năm, đây là sự thật chứ không phải giả. Tôi nhớ hồi tôi khoảng 30 tuổi, hình như cả người đều không có sức sống gì, lái xe chạy trên đường cao tốc tới nỗi ngủ thiếp đi. Thật vậy, một người lái xe trên đường cao tốc có muốn ngủ gục không? Đó là không muốn sống rồi. Tôi cũng đã rất cố gắng, rất nỗ lực để nhắc nhở chính mình đừng ngủ gật, mà vẫn cứ ngủ. Tôi nhớ lại khi đó, tôi còn chở mẹ tôi đi thăm chị tôi, mẹ tôi ngồi bên cạnh tôi, sau đó thấy hình như có cái gì không ổn liền vỗ vỗ tôi nói có phải con ngủ rồi không? Tôi nói, hình như con ngủ thiếp đi rồi.

Con người thật sự là có vận mệnh. Đời này chỉ có thể sống tới 29 tuổi, nếu như không mau mau tu thiện, tới lúc 29 tuổi, thật là kêu trời trời không thấu, gọi đất đất chẳng thưa. Từ đây chúng ta cảm nhận được, sư công Lý Bỉnh Nam hồi đó nhìn thấy trong số học sinh của mình có người tướng đoản mệnh, liền mau khiến họ phát đại tâm cố gắng hoằng pháp lợi sinh. Nhìn từ góc độ Phật pháp, cảnh duyên không có tốt xấu, đối với người giác ngộ thì việc gì cũng đều là việc tốt. Biết rằng phước báo của mình không đủ, đoản mệnh nên mới dũng mãnh tinh tấn, mới có ý thức tới nguy cơ. Cho nên tôi nói với rất nhiều đồng tu, nếu như tôi không tinh tấn, không cố gắng sức hoằng pháp lợi sinh, quý vị phải nhắc nhở tôi, quý vị không nhắc nhở tôi, tôi sẽ bị mất mạng. Bản thân tôi biết, chỉ cần tôi không hoằng pháp lợi sinh, tôi chắc chắn sẽ mất mạng. Cho nên quý vị phải giúp đỡ tôi, những lúc thấy tôi giải đãi thì mau mau nhắc nhở sách tấn tôi một chút.

Cho nên “thiện ác chi báo” từ “báo” này có nghĩa là lúc nào nhân duyên chín muồi thì đều có quả báo. Liễu Phàm Tứ Huấn, chúng ta đã cùng nhau học tập rồi, những giáo huấn đó đều là lời dặn dò vô cùng khẩn thiết, hộ niệm chúng ta. “Nếu còn một hơi thở, cho dù tội ác ngập trời, vẫn có thể hối cải. Xưa có người cả đời làm ác, lâm chung hối ngộ, phát một niệm lành, liền được thiện chung”, năng lượng sửa lỗi ngay từ sớm thật bất khả tư nghì, giống như phòng tối ngàn năm, ngọn đèn vừa chiếu thì bóng tối ngàn năm đều bị tiêu trừ. Một người có thể xoay chuyển vận mệnh hay không, có quan hệ rất lớn đối với việc họ có tôn trọng, có quý trọng Phật Bồ-tát cổ thánh tiên hiền, có quý trọng giáo huấn của sư trưởng hay không. Sư trưởng đã biểu diễn cho chúng ta rất triệt để: Ngài vốn không có thọ mạng, không có phước báo, nhưng ngài hiếu học, tôn sư trọng đạo, giáo huấn của ba vị thầy của ngài dạy ngài, ngài không dám quên, y giáo phụng hành, sư trưởng cả đời có thể tu tới vô lượng thọ, có thể tu được phước báo tự tại. Chúng ta nhìn thấy sự thị hiện của sư trưởng, chúng ta phải quý trọng nhân duyên này, phải nên khởi lên thái độ rằng sư trưởng có thể làm được thì chúng ta cũng có thể làm được. Nếu như sư trưởng đã làm cho chúng ta triệt để như vậy, chúng ta xem xong nhưng ý niệm vẫn là: “Đó chỉ có sư phụ mới làm được, mình làm không được”, cái này là chà đạp lên sự khổ tâm mà sư phụ biểu diễn cho chúng ta xem.

Câu cuối cùng trong Đệ Tử Quy rất quan trọng, “Chớ tự chê, đừng tự bỏ, thánh và hiền, dần làm được”. Chúng ta “thấy người thiện, liền học theo”. Thấy người thiện, nhưng ý niệm vẫn là “Họ có thể làm, mình không thể làm”, cái này chính là phân biệt chấp trước, cái này chính là không tin tưởng chính mình. Một người muốn cải tạo vận mệnh cho đến muốn có thể đạt được thành tựu trong đời này thì phải xây dựng trên nền tảng của tín tâm. Trước hết phải tin tưởng chính mình, cũng phải vững tin giáo huấn của Phật Bồ-tát và của sư phụ. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nói sức mạnh của việc mau chóng sửa lỗi là bất khả tư nghì. Nhưng “hơi thở hắt ra”, hơi thở tiếp theo không tới nữa, muốn sửa cũng không còn kịp, đến lúc này hối hận cũng không cách nào, kêu trời kêu đất cũng không cách nào. “Ở cõi dương gian trăm ngàn năm vẫn chịu tiếng xấu”, những việc ác đời này đã làm, để lại danh tiếng xấu xa; “ở cõi âm trăm ngàn kiếp trầm luân ngục báo”, chịu quả báo trầm luân trong ba đường ác. Gặp được Phật pháp mà sau cùng trầm luân trong ba đường ác là chuyện thật đáng tiếc, thật oan uổng. Có thể chúng ta sẽ cảm thấy rằng tôi đều luôn hành thiện, chắc không đến nỗi nào phải bị như vậy. Thật ra không phải tự mình nghĩ “Mình có phải người thiện không”, không phải là dùng tiêu chuẩn của chính mình mà phải đối chiếu với tiêu chuẩn của kinh điển mới được.

Vào thời Tống có một thư sinh tên là Phù Trọng Tín, ông thích làm việc thiện, hoan hỉ bố thí. Đến năm ông 35 tuổi thì sanh bệnh, lúc đó ông đến cõi âm. Những người đã từng được ông giúp đỡ nhìn thấy ông cũng rất kinh ngạc: “Ân công, sao ông giờ lại tới âm tào địa phủ thế này?”, liền thỉnh giáo minh quan bên cạnh, là quan viên của cõi âm, ông ấy rất thích bố thí, tại sao 35 tuổi đã tới cõi âm rồi? Kết quả minh quan này liền nói rằng, Phù tiên sinh này vốn dĩ là số cơ hàn, rất nghèo khó, bởi vì ông thích bố thí nên đời này ông có thể tay trắng mà lập nghiệp, có thể tích lũy một ít phước báo. Nhưng ông có hai thói quen không tốt: Thứ nhất là không thắp hương, thứ hai là ngủ khá là trễ. Những người này vừa nghe xong rất kinh ngạc, chỉ hai việc nhỏ này sao. Minh quan này lại nói rằng, vốn dĩ ông ấy có thể sống tới 59 tuổi, bây giờ chỉ có thể sống tới 35 tuổi, chính là vì hai việc này làm tổn hại hết phước báo, thọ mạng của ông.

Chúng ta hãy bình tâm phân tích kĩ lại điều này, từ việc nhỏ có thể nhìn thấy tâm địa một người, “tất cả phước điền, không rời tâm này”. Nếu như dụng tâm sai lầm ở một số phương diện nào đó nhưng lại khiến người khác thấy mình có dáng vẻ giống một thiện nhân, cái đó đều là ngụy thiện. Tâm chân thật thiện thì tất cả hành vi đều phải là thiện. Chúng ta tu hành rất sợ rơi vào ngụy thiện, “cổ chi học giả vi kỉ, kim chi học giả vi nhân” (người xưa học tập là vì mình, người ngày nay học tập là vì người khác), người bây giờ học tập chỉ vì để cho người khác coi, nhìn thấy tốt đẹp mà thôi chứ không âm thầm gột rửa từ nơi vi tế ẩn sâu trong tâm.

Không thắp hương, tức là trong tâm không có tổ tiên, không có thiên địa quỷ thần, sự hiếu kính này không đầy đủ. Dậy trễ, chúng ta nói “ấm no nghĩ dâm dục”, một người sau khi ngủ dậy trễ, tà tư tà niệm của họ sẽ vô cùng nhiều, cho nên ý ác sẽ rất nặng. Du Tịnh Ý Công là người có học, học vấn của ông nhiều hơn chúng ta không biết bao nhiêu lần, ông đã tu cả đời, đến trung niên khốn khó lao đao, vẫn không biết vấn đề của mình nằm ở đâu. Táo thần nói với ông: “Ý ác quá nặng, chỉ cầu hư danh”. Ý ác quá nhiều, tham sân si mạn nghi đều là ý ác.

Chúng ta ngày nay đối mặt với cấp lãnh đạo, vâng vâng, dạ dạ, trên bề ngoài nhìn có vẻ rất cung kính, sau lưng thì lười biếng, thậm chí còn mắng lãnh đạo của mình, điều này làm tổn âm đức, sự tổn hại hết sức lớn. Chúng ta học Liễu Phàm Tứ Huấn cũng biết, “phụng sự vua (lãnh đạo) như phụng sự trời, đây là cách ngôn người xưa, đây là âm đức then chốt nhất”. Quý vị sao đều không có phản ứng vậy? Chúng ta có nên học lại Liễu Phàm Tứ Huấn một lần nữa hay không? Quý vị cũng không phản ứng, không cảm thấy “Chúng ta đều đã học rồi” sao. Đã học rồi, quý vị coi, giống như cách cả một đời vậy, khi tôi đọc lên, quý vị giống như lần đầu tiên nghe thấy vậy. Việc học này, mỗi câu phải lãnh nạp trong tâm, khắc ghi trong lòng, nếu không đều chỉ có ấn tượng mà thôi, rất khó được lợi ích trong đời này. “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”, lãnh đạo không đúng đó là chuyện của họ, bản thân chúng ta không giữ luân thường, đó là bản thân chúng ta tạo nghiệp. Bản thân chúng ta thật sự giữ bổn phận, phước huệ song tu thì ai có thể làm chướng ngại chúng ta được? Lý này phải nghĩ thông, thì sẽ không oán trời trách người.

Đức hạnh thật sự nằm ở đâu? Cha mẹ cho dù không tốt, mình vẫn là một hiếu tử; thầy cô dù không tốt, mình vẫn là học trò tốt của thánh hiền; lãnh đạo không tốt, mình vẫn là trung thần tận trung giữ chức, vậy mới thấy được chỗ đáng quý. Quý vị nói, phải có lãnh đạo tốt, phải có cha mẹ tốt, mình mới tốt được, đó là phân biệt chấp trước, đó là chọn cảnh giới, không có chút quan hệ gì với việc tu hành, đó là ở trong thuận cảnh, trong phước báo sanh ra tham cầu. “Những người sự vật mà tôi thích, thì tôi mới chấp nhận”, đó không phải tham cầu thì là gì nữa? Thuận cảnh không dễ tu, hễ thuận rồi, thích người này, thích việc này, không chấp nhận người đó, không chấp nhận việc đó. Thuận cảnh đào thải người, bản thân chúng ta không hay không biết rằng tâm tánh của mình đang sanh ra chỗ chấp trước, chúng ta nếu như không bình tâm quán chiếu thì không phát giác được. Cho nên, táo thần nhắc nhở Du Công, do bị tập khí sai khiến, nên hoàn toàn vô tri, không biết rõ vấn đề của mình nằm ở đâu.

Câu chuyện trong Vựng Biên lúc nãy về Phù Trọng Tín này, cả đời ông cũng là thích bố thí, nhưng trong cuộc sống lại phóng túng bản thân, đều đang bị tổn phước mà chính mình không hề hay biết. Cho nên những người đã từng được ông giúp đỡ hiểu được tình hình này thì hết sức kinh ngạc, một người thích bố thí như vậy, chỉ vì không chú trọng những sự hành trì này trong cuộc sống mà có thể khiến thọ mạng bị tổn giảm chỉ còn 35 tuổi, vậy chúng ta sao có thể dám khinh suất phóng túng tập khí và dục vọng của chính mình chứ? Những đạo lý, những câu chuyện này, chúng ta phải học nhiều coi nhiều, nếu không tới lúc đó cảm thấy bản thân mình tu khá lắm, kết quả quả báo lại không tốt, còn mắng Phật Bồ-tát, mắng cổ thánh tiên hiền thì tội lại càng thêm nặng. Điều này tuyệt đối là chân lý, chúng ta không thể nghi ngờ. Cho nên lão tổ tiên nhắc nhở chúng ta: Bất kì việc gì không như ý, không có kết quả tốt, đều phải quay về thái độ “làm việc không thông, xét lại chính mình” mới được.

Chúng ta khi xem quả báo thế gian cũng phải hiểu rằng quả báo thông cả ba đời. Đã từng có một số đồng tu cùng chúng tôi thảo luận về một số tình hình xảy ra, người đó rất là lương thiện, tại sao cuộc đời không thuận lợi như vậy? Thật ra khi hỏi về vấn đề này, chúng ta có đang nghi ngờ về nhân quả báo ứng hay không? Mọi người học Phật mấy năm nay, nhìn thấy một số hiện tượng, có bao giờ bị đau đầu nhức óc không? Có bao giờ từng nghi ngờ rằng tại sao lại là như vậy không? Cho nên hiểu rõ lý là điều rất quan trọng, lý đắc thì tâm mới được an. Nếu không thì sẽ gặp phải rất nhiều sự việc, tự mình sẽ sanh phiền não.

Cho nên nhân quả thông ba đời, đời thứ nhất là hiện báo, quả báo của đời này đã hiện tiền. Bất luận là quả báo thiện hay ác, nếu họ rất tích cực hành thiện thì vận mệnh đời này sẽ chuyển biến. Nếu đời này họ phóng túng dục vọng thì có thể ác báo của họ sẽ nhanh chóng hiện tiền. Chúng ta thấy nước Anh đã làm một thống kê, tỉ lệ tử vong của ca sĩ nhạc rock và ca sĩ nhạc trẻ gấp đôi người cùng tuổi, những ca sĩ châu Âu đó tuổi bình quân là 42 tuổi thì chết mất. Ngoài việc cuộc sống của họ không biết kiểm điểm ra, thật ra một điểm càng quan trọng hơn là, ca khúc họ đã hát làm nhiễu loạn phong khí của cả xã hội, dẫn đến lòng người suy thoái, cái ác này đã tạo ra rất lớn. Cho nên Khổng Tử nói, “thủy tác dõng giả, kì vô hậu hồ” (người làm việc cực ác sẽ đoạn tử tuyệt tôn), họ đã khơi dậy ảnh hưởng không tốt nhất, việc này sẽ tổn phước rất lớn, quả báo hiện tại của họ đã cho chúng ta thấy rồi. Quý vị coi, nhiều nhân vật chính trị, lúc họ nắm quyền thì tham ô phạm pháp, không lâu sau đã bị pháp luật chế tài, đây là “lộng quyền một thời, thê lương vạn cổ”, cho nên đây gọi là hiện báo.

Còn có sanh báo, tức là quả báo sẽ hiện tiền vào đời sau, đây là loại thứ hai. Loại thứ ba là hậu báo, tức là đến đời thứ ba mới báo. Từ chân tướng sự thật này, chúng ta lại quan sát, nếu như có người tạo ác mà họ bây giờ phước báo vẫn còn tốt, đó là vì dư phước từ đời trước của họ vẫn còn, sau khi hưởng hết phước báo thì ác nghiệp của họ sẽ hiện tiền. Cho nên tục ngữ đã nói “không phải không báo, thời giờ chưa tới”. Nhưng có một số người tâm thiện hạnh thiện, đức hạnh rất tốt nhưng tại sao bản thân họ, thậm chí gia đình của họ gặp rất nhiều hung họa? Đó là vì đời trước ác báo còn sót lại của họ vẫn chưa báo hết. Chỉ cần họ chịu tiếp tục hành thiện, đợi đến khi trả xong ác báo thì phước báo sẽ hiện tiền, điều này là làm thiện quả viên mãn, thiện quả có thể viên thành.

Cho nên bất luận chúng ta đối mặt bất kì cảnh giới nào, đều phải vững tin “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”. Đức Phật đã đem đạo lý này nói với chúng ta, chúng ta biết được, không thể chỉ nhìn trước mắt mà phải nhìn rốt ráo, nhìn ba đời, mới có thể hiểu rõ nguyên lý nhân quả báo ứng. Cho nên sau khi hiểu rõ quả báo ba đời, đối với bản thân chúng ta mà nói, chúng ta đời này bất luận đối mặt với nghịch cảnh ác duyên như thế nào, chúng ta cũng không oán trách, đó là do bản thân chúng ta chiêu cảm tới, hiểu lý rồi thì tâm bình khí hòa.

Đức Phật đã nói “muốn biết nhân đời trước, thì coi quả đời này”, cho nên người học Phật, tôi xin mở ngoặc, là người học Phật chân thật thì nhất định phải tươi cười. Tại sao vậy? Bởi vì người chân thật học Phật, họ sẽ hiểu rõ một chân tướng: Cuộc đời không có một việc gì là việc xấu. Quý vị nói “ác báo tới rồi”, ác báo chẳng phải là trả nợ đó sao? Trả nợ có tốt không? Mình cứ không chịu trả, đó là trò vô lại. Trả nợ thì càng trả càng nhẹ nhàng, tiêu hết nghiệp chướng, hết nợ thân thể nhẹ nhàng, vậy thì không có việc gì xấu, tất cả mọi việc đều là việc tốt, làm gì có chuyện cười không nổi? Cho nên bất luận đối mặt với sự khảo nghiệm như thế nào, thiện tâm, thiện hạnh của chúng ta tuyệt đối không thoái lui, vẫn luôn tận tâm tận lực tích lũy công đức, đoạn ác tu thiện, vậy là đúng rồi, sau cùng nhất định sẽ có phước.

Chúng ta sau khi hiểu được quả báo ba đời, ngoài việc đây là sự giáo dục rất tốt cho bản thân, không oán trời không trách người, dũng mãnh tinh tấn hành thiện, khi đối mặt với người thế gian, chúng ta cũng sẽ càng tích cực đem văn hóa truyền thống nhất là giáo dục nhân quả tuyên giảng cho đại chúng. Chúng ta thông thường nói “người khổ nạn”, người khổ nạn này không thể chỉ là những người chúng ta nhìn thấy trước mắt, thông thường thì những người không có ăn không có mặc là rất đáng thương, đó là sự đáng thương trước mắt mà thôi, người càng đáng thương hơn là ai? Rất có thể là người làm tổng thống, người làm quan lớn. Họ có đáng thương không? Họ đáng thương. Quý vị nói những ca sĩ đó, bên dưới mấy ngàn người vỗ tay cho họ, tốn nhiều tiền như vậy đi nghe họ hát, có người còn xếp hàng cả một buổi tối, quý vị nói phước báo của họ có lớn không? Phước báo của họ lớn như vậy nhưng họ không quý trọng phước báo để làm lợi ích cho đại chúng, ngược lại còn khiến đại chúng đọa lạc, tạo ra nghiệp đó có thể họ sẽ trầm luân trăm ngàn kiếp ngục báo cũng không thể ra khỏi. Họ là người đáng thương. Đài Loan lần này khi mở khóa học, cũng có người trong giới văn nghệ đến, điều này đối với họ có một sự khai mở rất lớn, đối với cuộc đời của họ là một bước ngoặt rất quan trọng.

Cho nên đều là vì gặp duyên không như nhau. Duyên phận của chúng ta tương đối muộn, trưởng thành mới gặp được [chánh pháp], đã bị vấp ngã rất nhiều, sứt đầu chảy máu, đã tạo không ít nghiệp rồi. Cho nên khi tôi nhìn thấy những em nhỏ đến học, tôi vui mừng đến rơi nước mắt. Các em nhỏ như vậy đã được học giáo dục về luân lý đạo đức nhân quả, hơn nữa những em nhỏ đó đều rất lễ độ, cung cung kính kính cúi chào chúng tôi. Chúng tôi rất ấm lòng, không thể để thế hệ sau của chúng ta giống như chúng ta, làm sai nhiều việc như vậy. Phải thành tựu cho các em, như vậy mới là phong cách của bậc trưởng bối. Tôi thấy còn chưa tới 7 giờ rưỡi, đã có không ít người kéo đến. Tôi nói, mọi người sao lại đến sớm thế? Phụ huynh đó nói, chờ không được nữa! Quý vị coi bây giờ giáo dục luân lý đạo đức nhân quả là nơi lòng người hướng về.

Cho nên chúng ta cảm thấy điều rất hoan hỉ là chúng ta có thể làm công tác hoằng dương văn hóa truyền thống, làm công việc có ý nghĩa, hơn nữa còn có thể sống thọ, tạo phước. Hình như sống thọ đối với tôi rất là quan trọng. Cho nên chúng ta cảm kích sự gia hộ của tổ tiên, cảm tạ sự tín nhiệm của sư trưởng, chúng ta hãy cố gắng làm tốt công việc này. Cảm ơn mọi người.