Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 19B) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 19B

Cho nên các vị trưởng bối, các vị phụ huynh, đừng coi thường 1 việc thiện quý vị làm, có thể sẽ ảnh hưởng cả đời con cái quý vị. Ngoài ra cô còn nói, khi bà nội cô qua đời, cha cô, tất cả chú bác cùng khiêng quan tài, đều phải coi giờ, kết quả giờ đó tới rồi, phải di chuyển quan tài của mẹ. Kết quả trong quá trình di chuyển, kẹt phải 1 vách tường, có thể nhất thời chưa tính chuẩn, nên bị kẹt vách tường. Sợ lỡ mất thời gian, anh em họ không có bất kì ai ngần ngại, chỉ có 1 khẩu lệnh, đập bức tường đó đi, liền dùng công cụ cạy chỗ tường bị kẹt đó đi, đập đi. Lúc đó chỉ có mẹ, không có ý nghĩ “Cái tường này đập rồi phải tốn bao nhiêu tiền”. Động tác này có chấn động tất cả các vãn bối của họ không? Rất chấn động, các bác, các chú trong tâm chỉ có ai? Chỉ có bà nội, đâu có nghĩ bức tường đó bao nhiêu tiền, liền đập đi ngay. Cho nên, quý vị coi cô kể những ví dụ này, chúng ta có thể cảm nhận được, hành vi của trưởng bối đối với nội tâm của vãn bối có ảnh hưởng hết sức sâu xa. Được, đây là giúp đỡ người đi đường.

“Phàm có lợi ích”.

Chỉ cần có ích cho người, chỉ cần những việc mình có thể làm được.

“Không gì không tận tâm”.

Không hề ngần ngại mà làm, tận tâm tận lực.

“Sau lại nghe quỷ hát ngoài cửa”.

Sau đó lại nghe thấy những quỷ này ca hát ngoài cửa, hát rằng:

“Ngàn không sai, vạn không sai, cử nhân họ Từ làm thẳng tới đô đường. Phượng Trúc sau cùng làm Lưỡng Triết tuần vũ”.

Lại nghe thấy những hồn quỷ thiện này nói ngoài cửa, những quỷ này rất có thiện căn, hễ họ hát thì lợi ích không ít người. Thứ nhất, cho họ Từ lòng tin, phải không? Thứ hai, hát xong mấy trăm năm sau, lại cho những người Hoa Malaysia chúng ta lòng tin, cho nên lời ca của họ không hát vô ích. Cho nên không chỉ họ Từ có lòng tin, tôi tin là trong vùng những người nghe thấy chuyện này, đều tăng trưởng lòng tin. Họ Từ vốn dĩ là con cái của tú tài, sau cùng trở thành cử nhân, lại thăng chức thành đô đường. Đô đường coi như là quan lớn trong đô sát viện, kết quả Từ Phượng Trúc sau cùng làm lên tuần vũ của Lưỡng Triết, đây là quan rất lớn, là quan cấp tỉnh.

Sự việc này, thiện hành rõ ràng nhất của họ Từ – chẩn tế người nghèo khổ. Chúng ta nghĩ rằng, thật ra thế gian này, những người còn ở ven vùng đói khát, có khoảng 1 tỉ người. Chỉ tính một hai năm nay, châu Phi gặp nạn hạn hán 60 năm nay hiếm gặp. Tôi nhớ hồi đó nhìn thấy “Quỹ hội Dấu chân voi”, lúc đó người sáng lập là pháp sư Huệ Lễ của Đài Loan chúng tôi. Thầy tới châu Phi, dạy dỗ những em bé châu Phi này, đều là những đứa trẻ sắp sửa tử vong, thầy chăm sóc cuộc sống của các em, sau đó còn dạy các em học văn hóa Trung Hoa. Cho nên lần trước những em này tới Kuala Lumpur chúng ta, xếp hàng ngay ngắn đọc “Đệ tử quy” cho chúng ta nghe, còn đọc “Tam tự kinh” nữa. Con cái chúng ta nếu như nhìn thấy sẽ khá là dụng công, các em da đen còn lợi hại hơn chúng, nghe nói các em còn hát tiếng Quảng Đông nữa. Vận mệnh những em bé này nhờ tâm từ bi của pháp sư Huệ Lễ mà được thay đổi.

Thầy nói rằng, thời gian ở Đông Phi, năm ngoái khoảng thời gian 1 năm, năm ngoái, năm nay, khoảng mấy chục giây, sẽ có 1 em bé châu Phi bị chết đói, và thống kê toàn thế giới, cứ 6 giây sẽ có 1 đứa trẻ bị chết đói. Pháp sư Huệ Lễ rất cảm thán, thầy nói, những khu vực châu Á chỉ cần xuất hiện những đứa trẻ bị đói, liền có người bỏ tiền ra đi cứu tế. Cùng là trẻ em, tại sao những đứa trẻ châu Phi hình như lại bị đối xử sai biệt, không có ai lo. Lúc đó nghe xong, bản thân cũng cảm thấy rất hổ thẹn, đã cùng sống trên mảnh đất của người mẹ Trái Đất chúng ta, lại còn có những em nhỏ và nhóm người khốn khổ như vậy.

Cư sĩ Lý Kim Hữu ở Đại Mã chúng ta, tiên sinh Đan Tư Lý, ông cũng hưởng ứng “Quỹ hội Dấu chân voi”, chỉ cần 1 người góp 600 đồng, sẽ nuôi được 1 em bé châu Phi trong 1 năm, ăn uống không có vấn đề, còn có thể cho em học tập những sách thánh hiền này. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng tới, thật ra trong thời đại này còn có bao nhiêu người đói khát, người nghèo khổ cần giúp đỡ. Đây là khó khăn về vật chất, còn có về tinh thần. Thống kê trên thế giới, mỗi 40 giây sẽ có 1 người chết vì tự sát, sự thê thảm này còn hơn bất kì cuộc chiến nào, 40 giây, cho nên bây giờ người bị khốn đốn về tinh thần hết sức nhiều.

Các vị trưởng bối các bạn, trong xe hơi, xe máy của quý vị lúc nào cũng có đem kinh điển chứ? Có đem “Liễu Phàm tứ huấn” không? Lúc nào hễ có cơ hội liền tranh thủ tặng sách này cho họ, sẽ thay đổi cuộc đời của họ, có không? Có, bắt đầu từ hôm nay sẽ có. Chúng tôi hồi đó gặp được giáo huấn của lão hòa thượng, gặp được giáo huấn của sư trưởng, thật sự cảm thấy bản thân mình rất may mắn, hy vọng càng nhiều người có thể học được, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sách. Tất nhiên quý vị đừng gặp phải 1 người, liền đem mười mấy quyển cho họ, họ sẽ bị quý vị dọa chết. Họ còn chưa hiểu rõ, quý vị cho họ 1 đống, họ rất bị áp lực. 1 lần cho một hai quyển là được rồi, hoặc là cho 1 bộ “Hòa hợp cứu vãn nguy cơ”, những băng đĩa gợi mở họ, “Giáo dục thánh hiền cải tạo vận mệnh”, những băng đĩa này đều rất hay, sẽ giúp họ suy nghĩ về cuộc đời. Quý vị đừng 1 lần cho quá nhiều, họ sẽ không lý giải. Tôi luôn luôn nói 1 đoạn, thấy mắt họ sáng lên, thời cơ tới rồi, tranh thủ giới thiệu sách cho họ. Tận tâm tận lực giúp đỡ sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần của người khác.

Chúng ta coi ví dụ tiếp theo:

“Đồ Khánh Hy công Gia Hưng, ban đầu làm chủ sự bộ hình”.

“Đồ Khánh Hy công Gia Hưng”, chữ “công” này là tôn xưng đối với ông, rất có cống hiến với xã hội quốc gia. Trên con đường làm quan của ông, lúc bắt đầu đã từng làm tới quan chủ sự bộ hình. Ông không chỉ ban ngày dụng tâm làm việc.

“Tối ở trong ngục, hỏi han tình hình tù nhân, biết nhiều người vô cớ bị tội”.

Ông không về nhà, ban đêm thường ở trong ngục, tranh thủ thời gian ban đêm hỏi han chi tiết phạm nhân, tìm hiểu những chân tướng, tình tiết phạm tội của họ, hy vọng sẽ không bắt giam oan uổng người vô tội. Đây chính là thân nhân dân như người thân của mình, có ai muốn người thân của mình bị bắt oan chứ? Quả nhiên hỏi ra có rất nhiều người vô tội, biết có không ít người vô tội, nhiều người.

“Ông không lấy làm công mình”.

Ông Đồ Khánh Hy không tự cho mình có công lao.

“Mật sớ chuyện này, báo lên đường quan”.

Liền mau chóng âm thầm đem những tình hình này viết sớ văn trình lên, bẩm báo cho lãnh đạo của ông, tức là bộ trưởng bộ hình, hình bộ thượng thư. Động tác này rất đáng quý, tức là “nhường danh lên trên”. Chúng ta quan trọng nhất là thà làm việc lớn, không tham cái danh đó, không đi tham cái quan vị đó. Làm được 1 số cống hiến, cảm ơn lãnh đạo, do họ có ơn tri ngộ, trọng dụng mình, đem công lao nhường cho họ, “nhường công lên trên”. Kế đó, quý vị nhường công lên trên, người phía trên càng hoan hỉ, càng ủng hộ, việc này sẽ làm càng tốt. Quý vị đừng công cao chấn chủ, khiến người bên trên quý vị hình như cảm thấy công lao đều của quý vị, họ sẽ rất khó chịu, điều này không hợp với nhân tình thế sự. Cho nên làm rất nhiều việc công đức đều phải nghĩ rằng, nhờ quốc gia, chính phủ, lãnh đạo cho mình cơ hội này để làm, người ta sẽ không háo danh tham công nữa.

“Nhường vị cho hiền”, đây cũng là công đức lớn. Chúng ta nhớ lại thời Xuân Thu, Bào Thúc Nha tiến cử bạn của mình là Quản Trọng, sau khi tiến cử, chức quan của Quản Trọng còn lớn hơn ông, ông nhường vị cao cho người hiền đức. Hễ người hiền đức tại vị, lợi ích cho nhân dân cả nước. Cho nên Bào Thúc Nha nhường như vậy, công đức quá lớn, con cháu hậu thế của ông mười mấy đời, đều làm danh đại phu của nước Tề, phước báo đều rất lớn, đây đều là “nhà tích điều thiện, ắt có niềm vui”.

Cũng vậy, bây giờ trong đơn vị, đố kị đồng nghiệp, lãnh đạo nào đó, cái này đều là tội lỗi. Cho nên tùy hỉ, tiến cử, tán thán, đây là công đức rất lớn; phỉ báng, đố kị, thì kém rất nhiều, giữa 1 niệm, công và tội khác nhau trời vực.

Tôi vừa mới đọc “nhường danh lên trên”, hay là “nhường công lên trên”? Công cũng phải nhường, danh cũng phải nhường, nhường công danh lên trên, nhường công lao cho đại chúng, “nhường công cho chúng”, mỗi 1 việc, đều nhờ sức lực của đại chúng mà thành tựu. Đối với mình mà nói, mình có những chỗ nào làm chưa đúng mực, chưa đủ thì mình kiểm điểm, nhưng đều luôn nhìn thấy cống hiến của người khác, tán thán, tùy hỉ cống hiến của người khác, thái độ xử sự như vậy hết sức đáng quý. Chính mình có thể kiểm điểm chi tiết, chính mình không ngừng nâng cao, sau đó lại có thể tùy hỉ tán thán công lao của người khác, mọi người đều rất được cổ vũ, sẵn sàng hành thiện.

“Nhường vị cho trưởng bối, nhường thức ăn cho trẻ”, trong cuộc sống, nhất định phải cho những vị trưởng bối, những người lớn tuổi, nhường rất nhiều phương tiện sinh hoạt cho trưởng bối, điều này phải quan sát, cảm nhận tỉ mỉ. Kế đó, nhường thức ăn cho trẻ nhỏ, do chúng đang phát triển thân thể, đem những thức ăn này cho chúng ăn. Thật ra trong quá trình trưởng thành của chúng ta, cha mẹ đều thương yêu chúng ta như vậy, họ luôn ăn ít 1 chút, cho chúng ta phát triển tốt hơn.

Chúng ta coi tiếp, kinh văn nói rằng:

“Sau triều thẩm, đường quan theo lời của ông, tra lại tù nhân, không ai không phục, giải oan ức hơn 10 người. Nhất thời liễn hạ hàm tụng thượng thư công minh”.

Ông đem những sự tình này bẩm báo cho hình bộ thượng thư. Sau đó triều đình khai tòa thẩm xét, quan viên chủ sự này,căn cứ theo những thực tình ông tìm hiểu được để thẩm tra án kiện, kết quả những phạm nhân này không ai không tâm phục khẩu phục. Sau cùng phóng thích người oan ức, “oan ức”, “ức” là bị áp bức, có thể là người bị đánh bức cung, người bị uy hiếp, sau cùng đều giúp họ rửa sạch tội. Có hơn 10 người, hơn 10 người. Cho nên tin này truyền ra, lan rộng ra, từ “liễn hạ” này là chỉ kinh thành nơi hoàng đế ở, tức là thủ đô. Cho nên Kuala Lumpur cũng là “liễn hạ”, ở đại lục, Bắc Kinh gọi là “liễn hạ”. Trong kinh thành “hàm tụng”, “hàm” tức là cùng nhau, ca tụng sự minh sát tường tận, công chánh liêm minh của hình bộ thượng thư Thật đáng quý, giúp rửa sạch oan khuất cho nhiều người như vậy.

“Ông lại bẩm báo”.

Chúng ta thấy, ông Đồ Khánh Hy không phải nói là làm được 1 số việc thiện, ông liền vừa lòng, ông thời thời đều đang để ý làm sao khiến càng nhiều người được lợi ích. Tiếp theo liền tranh thủ thừa thắng xông lên, lại bẩm báo với lãnh đạo của mình:

“Ở ngay kinh thành.

Ở ngay khu vực thủ thiện mà hoàng thượng cai trị.

“Còn nhiều oan dân”.

Vẫn còn không ít lão bá tánh chịu oan khuất.

“Bốn bể bao la, triệu dân chi chúng, sao khỏi người oan ức”.

Cả đất nước rộng lớn như vậy, “triệu dân” tức là chỉ nhân dân cả nước, đông đảo như vậy, sao có thể không có người oan uổng chứ? Cho nên, lại nêu ra kiến nghị cụ thể. Chúng ta người làm cấp dưới, 1 là đem vấn đề nói cho rõ ràng, kế đó, không chỉ phải nói rõ ràng vấn đề, còn phải làm gì? Kiến nghị tốt, không thể chỉ phê bình vấn đề, không có xây dựng mang tính tích cực. Tiếp đó ông đề ra kiến nghị rất tốt:

“Cứ 5 năm cử 1 giảm hình quan, điều tra xét lại án kiện”.

Phải nên cứ 5 năm lại cử 1 nhóm giảm hình quan, đi thẩm tra trong cả nước, tức là tra xét lại tất cả án kiện, tìm hiểu án tình chân thật của họ, sau đó những điều không hợp lý liền mau chóng chỉnh lý lại. Thượng thư coi xong rất khẳng định, liền phê chuẩn tấu sớ của ông, cho phép, phê chuẩn kiến nghị của ông, hơn nữa ông cũng nằm trong hàng ngũ giảm hình quan. Có thể ông làm như vậy, được lợi ích không chỉ hơn 10 người, quá 10 người. Chúng ta nghĩ cũng sẽ biết, ông tạo phước có lẽ cho cả trăm ngàn vạn người cũng có.

“Mơ thấy 1 thần nói rằng”.

Mơ thấy 1 thần minh tới nói với ông.

“Số ngươi không con, nay đề nghị giảm hình, rất hợp ý trời”.

Vốn dĩ trong số mạng ngươi không có con, nhưng kiến nghị giảm hình này, nghị quyết này của ngươi, tương ứng với đức hiếu sanh của trời cao, cho nên:

“Thượng đế ban cho ngươi 3 con”.

Ông trời ban cho ngươi 3 người con trai.

“Đều y cẩm đai vàng”.

“Y” có 1 nghĩa là động từ, tức là mặc. “Y” có 1 nghĩa là danh từ, quần áo, y là danh từ. Y là động từ, tức là mặc quan phục màu tím. Quan phục màu tím thông thường là lãnh đạo cấp trung ương, giai cấp bộ trưởng mới mặc. “Đai vàng”, trên lưng có đeo dây đai vàng, đều là thân phận quan lớn, quan cao lộc dày.

“Đêm đó phu nhân thụ thai. Sau sanh Ưng Huyên, Ưng Khôn, Ưng Tuấn, đều là hiển quan”.

Sau đó vợ ông quả nhiên mang thai, sanh được 3 người con trai, đều làm chức quan rất lớn, “hiển quan”, cả gia tộc hết sức hiển hách, hết sức hưng thịnh. Đây là thiện báo của việc xử lý oan ngục.

Mọi người coi xong nói: “Tôi không phải trưởng quan giám ngục, cái phước này có tu được không?”. Quý vị không trả lời, lúc nãy trao đổi với mọi người rồi, không có câu nào không thể dùng trong cuộc sống chúng ta, phải không? Vậy quý vị không trả lời, tức là đối với câu tôi vừa nói, cũng chưa chắc có lòng tin, quý vị coi đoạn này chúng ta không làm được rồi. Mọi người phải hiểu, không phải chỉ nhìn vào hành vi này, nhìn tâm địa. Người xung quanh quý vị bị người ta oan uổng uất ức, bị người ta phỉ báng, quý vị biết nói lời chánh trực, trả lại thanh bạch cho họ, tức là công đức này. Nhất là trong đoàn thể, người chánh trực, người tận tâm tận lực, lại bị người ta phỉ báng, phê bình, có không? Có, những người khác đều rất lười nhác, đối với người rất dụng công thì họ ganh ghét, mắng chửi. Cho nên “Việc thiện dễ thất bại, người thiện dễ phỉ báng”.

Mọi người coi trong lịch sử, nhìn thấy cả quốc gia đều sắp diệt vong rồi, người đứng ra lập chí muốn xoay chuyển nó, có bị rất nhiều người hủy báng không? Có. Quý vị coi Trương Cư Chính thời Minh, cả nền “cải chính lại trị”, đừng nói rất nhiều người mắng ông, thậm chí rất nhiều người muốn giết ông. Do những người có lợi ích, họ đều tác oai tác quái, không làm việc cho quốc gia, chỉ tham lam, còn những người chính trực này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của họ, họ tất nhiên sẽ phê bình ông. Thậm chí nói thẳng ra, mỗi người chúng ta đều sẽ có quán tính, đã quen với mô thức này, ai nói sửa là không thoải mái đã, chứ không phải tìm hiểu trước những chỗ lợi ích nếu sửa như vậy, lợi ích chỗ nào. “Ôi trời, sửa làm gì, thế này chẳng phải rất tốt sao?”. Mọi người có nói qua những lời như vậy không? Đừng nói năng bừa bãi, quý vị còn chưa tìm hiểu đầy đủ đã không muốn. Hơn nữa quý vị vừa nói vậy, người bên cạnh nghe thấy lại ủng hộ quý vị, vốn dĩ là 1 mình quý vị tạo nghiệp, thành ra 10 người tạo nghiệp. Bình tĩnh tìm hiểu trước dụng ý, lợi ích, cái tốt lâu dài nằm ở đâu khi làm như vậy, đều tìm hiểu rồi, cho dù vẫn có chỗ không tốt, cũng không phê bình công khai, mà phải góp ý với đương sự, giúp những cách làm này càng viên mãn, càng hoàn thiện. Đối với những người làm việc vô tư cho đại chúng, càng phải nên ủng hộ, khích lệ họ mới đúng.

Chúng ta coi ví dụ kế tiếp:

“Gia Hưng Bao Bằng, tự Tín Chi. Cha ông là thái thú Trì Dương, sanh 7 người con. Bằng nhỏ nhất, gởi rể họ Viên Bình Hồ”.

Vùng Gia Hưng này, có người tên Bao Bằng, tự là Tín Chi. Cha ông làm thái thú vùng Trì Dương, cũng là quan phụ mẫu, phụ huynh của vùng Trì Dương này, Trì Dương ở An Huy. Sanh được 7 người con, Bao Bằng là con út, sau cùng ông gả cho nhà họ Viên ở Bình Hồ. Vậy là cùng 1 gia tộc với tiên sinh Liễu Phàm, là bà con của ông, quan hệ thông gia.

Chúng ta coi tới đây, thấy nhà họ Bao đã sanh được 7 người con trai, “ở rể” tức là nhà họ Viên này không có con trai, cho nên xin con rể về ở rể, về nối dõi tông đường nhà họ Viên. Đem 1 đứa con trai tặng cho người ta, gửi rể, sau đó nối dõi tông đường cho nhà họ, làm như vậy thật ra cũng rất hậu đạo, phải không? Quý vị lại không có phản ứng, chúng ta coi mỗi câu chuyện lịch sử phải đặt mình vào đó, đúng chưa? Con trai nhà mình cho gửi rể nhà người ta, đây cũng là rất hào phóng, phải không?

“Cùng cha ta là chỗ thâm giao”.

Bao Bằng và cha của tiên sinh Liễu Phàm quan hệ hết sức thân thiết, giao tình rất thân.

“Bác học tài cao”.

Bao Bằng học vấn rất tốt, lại rất nhiều tài năng, nhưng:

“Mãi không đậu cử nhân”.

Mỗi lần thi cử nhân đều thi không đậu, không thi đậu công danh.

“Để tâm học tập hai họ”.

Rất dụng tâm thâm nhập nghiên cứu, “hai họ” là chỉ học vấn của Phật gia và Đạo gia. Vừa hay có 1 hôm:

“Đông du Mão Hồ”.

Tới du ngoạn ở Mão Hồ Giang Tô.

“Tình cờ tới 1 chùa trong làng”

Tới 1 thôn làng, trong thôn làng có xây 1 ngôi chùa.

“Thấy tượng Quan Âm, dầm mưa loang lổ”.

Nhìn thấy ngôi chùa này mái chùa đã hư, nước mưa nhỏ xuống thánh tượng Quan âm, đều đẫm ướt hết. Bao Bằng nhìn thấy rất đau lòng, do nhìn thấy thánh tượng, ông hết sức cung kính, ngưỡng mộ, không đành lòng để thánh tượng bị dầm mưa.

“Thì mở đãy lấy 10 lượng, cúng chủ tăng, để tu sửa mái chùa”.

Phản ứng đầu tiên của ông là không cần suy nghĩ, mau mau mở đãy của mình ra, cái đãy này là chỉ cái túi ông đeo, lấy ra trong đó 10 lạng bạc, cúng thầy trụ trì trong chùa, hy vọng họ có thể mau chóng sửa lại mái chùa cho tốt, sửa lại tốt lành, mới không để thánh tượng bị dầm mưa. Tăng nhân này chuyển cáo ông:

“Nói rằng công lớn bạc ít, khó mà hoàn thành”.

Công trình này quá lớn, 1 chút tiền như vậy, không thể nào hoàn thành việc này. Ông tiếp đó:

“Lại lấy bốn tấm vải Tùng, từ rương tre lấy ra bảy bộ áo”.

Ông lấy ra 4 tấm vải Tùng, đây đều là vải rất tốt, lại từ rương tre của ông, cái rương này là hành lý của ông, tức là 1 cái rương dùng tre đan thành bên trong có đặt 7 bộ đồ.

“Áo kép vải gai”.

Bộ đồ này đều bằng vải gai.

“Còn mới tinh”.

Đều là quần áo vừa làm xong, tất cả đều lấy ra cúng dường, coi có quyên góp được thêm không.

“Bộc nhân ngăn cản”.

Bộc nhân của ông đều ngăn cản ông nhiều lần, những cái này ngài phải mặc mà, sao có thể quyên góp hết vậy? Cứ mãi ngăn cản ông, kết quả ông nói với bộc nhân:

“Bằng nói: Chỉ cần thánh tượng vô ương, ta dù ở trần cũng chẳng sao”.

Chỉ cần có thể khiến thánh tượng không bị ướt mưa, không bị tổn hại, cho dù ta ở trần thân thể, cũng có sá gì? Mọi người từ câu này có thể cảm nhận được tâm chí thành, tâm cung kính của ông. Đọc tới câu này, chúng ta cũng nhớ tới sư trưởng, khi dạy học ngài nhiều lần nhắc tới, chỉ cần có thể phục hưng văn hóa truyền thống, cho dù ngài đánh mất sanh mạng cũng không từ bỏ. Cho nên tâm chí thành của sư trưởng thân làm con cháu Trung Hoa đã cảm động đất trời. Cho nên quý vị coi, bảo thư “Quần thư trị yếu” đã tới tay của ngài, còn in được 1 vạn bộ. Kế đó bản thân còn ra lệnh cho học sinh của mình, đều phải tận lực hoằng dương bộ sách này, cho nên quả thật là có thể giao cảm. Mọi người nhìn thấy câu này, trong đầu có hiện lên câu nào nữa không? Chỉ cần văn hóa truyền thống phục hưng, ta tuy cúc cung tận tụy há đã sao?

Ở đại lục, câu chuyện của lão tiên sinh Bạch Phương Lễ, mọi người có lẽ nghe qua rồi? Ông cụ hơn 70 tuổi nhìn thấy mấy em nhỏ không được đi học, đem 5000 tệ dành dụm cả đời của mình đều quyên góp hết, đây là câu chuyện 30 năm trước. Không chỉ quyên hết tiền dành dụm 1 đời, 73 tuổi lại bắt đầu quay lại nghề cũ đi đạp xe xích lô, xe ba bánh, để chở khách. Mỗi ngày kiếm hai ba chục đồng, năm sáu chục đồng, toàn bộ đều đóng góp hết. Đạp khoảng 15 năm, quyên góp được mấy chục vạn đồng, giúp đỡ hơn 300 học sinh. Số km cụ đã đạp, có thể đi vòng xích đạo, tức là đi vòng chu vi trái đất 18 vòng. Tinh thần của cụ khiến cả Trung Quốc đều cảm động, lấy cụ làm tấm gương hành thiện, có thể nói là trụ cột của dân tộc, vì muốn giáo dục tốt thế hệ sau, tinh thần cống hiến không ngần ngại. Cho nên họ thật sự đã làm được, chỉ cần thế hệ sau được giáo dục tốt, họ khổ tới đâu, mệt tới đâu, cũng cảm thấy rất ngọt bùi.

“Thầy rơi lệ đáp”.

Thầy trụ trì này bị tâm niệm này của ông làm cảm động, chảy nước mắt nói rằng:

“Xả bỏ tiền bạc vải áo không phải việc khó”.

Thí xả ngân lượng, y phục, không phải việc hết sức khó làm.

“Chỉ 1 chút tâm này, đâu phải dễ có”.

Niệm cúng dường chí thành này, tâm niệm bố thí chí thành này, tâm niệm không nhẫn tâm để thánh tượng tổn hại này, là rất khó làm đáng quý, là rất hiếm có.

“Sau hoàn thành”.

Sau đó công trình tu bổ mái chùa hoàn thành.

“Đưa cha cùng đi chơi”.

Ông dẫn theo cha mình, cùng tới chùa này du ngoạn.

“Ngủ trong chùa”.

Tối hôm đó, ngủ lại trong ngôi chùa này.

“Ông mơ Già Lam tới cảm tạ”.

Tiên sinh Bao Bằng mơ thấy thần hộ pháp Già Lam tới cảm tạ mình.

Mọi người ở trong chùa, nhìn thấy trong đại hùng bảo điện có 2 tôn thần hộ pháp, 1 bên là Vi Đà Tôn Thiên Bồ tát, 1 bên là Già Lam Bồ tát. Hơn nữa mọi người nhìn thấy Già Lam Bồ tát, khá là có ấn tượng ở chỗ tạo hình của Quan Công, nhìn rất giống Quan Công chính là thần Già Lam, thần hộ pháp. Cho nên mỗi người tận tâm tận lực hộ trì chánh pháp, đều sẽ cảm được sự gia hộ của thần hộ pháp. Cho nên người một lòng vì sự hoằng dương văn hóa truyền thống, không cần sợ không có cơm ăn, nhất định sẽ có tổ tiên, thần hộ pháp chăm lo.

“Con cháu ngươi được hưởng lộc đời”.

Nói với ông, hậu thế của ngươi, có thể hưởng thọ quan lộc, phước lộc đời đời thế thế.

“Sau con ông Biện, cháu Sanh Phương, đều đăng khoa, làm hiển quan”.

Con trai và cháu của ông, đều thi đậu tiến sĩ, làm quan lớn. Gia tộc trở nên rất có phước báo, trở thành gia tộc có danh vọng. Đây là công đức nhờ thành tâm sửa chữa Phật tự.

Trước tiên, điều quan trọng nhất là kính điền của ông. Chúng ta nói “phước điền tâm canh”, phước điền chia thành ân điền, bi điền, kính điền. Tất nhiên ông cảm niệm giáo huấn của thánh hiền Phật Bồ tát, đây là ân điền. Ông tôn trọng thánh tượng, không đành lòng để hư tổn, đây là kính điền. Người gây dựng phước điền phân thành 3 điểm này. Thật ra những chuyện chúng ta kể ở đây, đều không tách rời tâm tri ân báo ân, tâm từ bi nhân ái, tâm cung kính.

Kế đó, Phật tự là nơi tuyên dương thánh giáo, cho nên tu bổ Phật tự, kiến tạo tượng Phật, chủ yếu nhất là giúp đại chúng được nghe thánh giáo. Tượng Phật đó lập lên rồi đó là biểu pháp, nhìn thấy thánh tượng của Quan Âm Bồ tát thì nhắc nhở chúng ta điều gì? Nghe thanh cứu khổ, phải thức tỉnh tâm từ bi của mình, cũng noi gương Quan Âm Bồ tát đi lợi ích người khổ nạn. Không phải lập tượng lên, mỗi người đều đi bái, giúp mình sanh con trai, cho mình thăng quan phát tài, đó là thành mê tín. Cho nên thánh tượng là biểu diễn những ý nghĩa giáo dục này, đồng thời chùa chiền phải mở những khóa học thánh hiền, không ngừng giáo hóa lão bá tánh. Như vậy quý vị xây chùa chiền, xây thánh tượng sẽ có công đức. Nếu như sau khi xây xong quý vị đều không hành giáo hóa, khiến người ta không hiểu lý, đều đi mê tín cầu thăng quan phát tài, phước báo đó sẽ nhỏ lại, thậm chí còn lầm lạc lão bá tánh thì không tốt.

Cho nên người muốn tích lũy công đức, còn phải làm rõ ràng, làm minh bạch những đạo lý này, đây chính là trọng điểm tiếp theo của chúng ta, tuần sau sẽ trao đổi tiếp với mọi người. Cho nên “vi thiện nhi bất cùng lý”, làm thiện mà không hiểu rõ đạo lý, “tự vị hành trì”, tự mình cho rằng rất có công đức, làm được việc tốt lớn, “khởi tri tạo nghiệt”, không làm rõ ràng đạo lý, thật ra làm rồi có thể ảnh hưởng phiến diện về sau quá lớn, vậy là tâm tốt làm ra việc xấu, uổng phí khổ tâm, sẽ không có lợi ích nữa. Vậy điều này chúng ta tiết học sau, sẽ từ 8 góc độ trong kinh văn thảo luận cùng mọi người.

Được, vậy hôm nay trao đổi với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!