Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 1A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

5/3/2012 -23/1/2013

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 1A

Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!

Hôm nay chúng ta vừa ăn tết xong, lần đầu tiên chia sẻ với mọi người khóa trình “Liễu Phàm tứ huấn” này. Năm nay mọi người ăn tết thế nào? Rất tốt! Rất trọn vẹn, hay là ngủ rất ngon, ăn rất ngon? Tốt nhất là phước huệ tăng trưởng, trí huệ tăng trưởng. Đặc biệt thứ đáng quý trọng nhất cuộc đời là thời gian, chúng ta sớm 1 ngày quý trọng thời gian, có trí huệ liền có thể lợi ích gia đình, lợi ích người bên cạnh. Cho nên phải trân trọng thời gian có hạn, không ngừng nâng cao trí huệ của mình. Như bây giờ buổi tối rất nhiều người đều đang coi phim truyền hình, mọi người không chỉ tự mình hiếu học, còn dẫn dắt con cái cùng nhau học. Trong “Cách ngôn biệt lục” có nhắc tới “Kinh sách là gốc để lập nghiệp”, cha mẹ, trưởng bối trong 1 gia đình, biết từ nhỏ giúp con cái hiểu tri thức biết lễ nghĩa, hiểu rõ đạo lý làm người, gia đạo của gia đình này sẽ hưng khởi, sẽ hưng thịnh. Cho nên kinh sách là gốc để lập nghiệp.

Chúng ta tiết đầu tiên cùng nhau học “Liễu Phàm tứ huấn”, học tập trước hết phải lập chí. Tôi học bộ “Liễu phàm tứ huấn” này mục đích là gì? Mục tiêu là gì? Mục đích của chúng ta, quyển này là 4 giáo huấn trong gia đình, thời Minh tiên sinh Viên Liễu Phàm truyền cho con mình, cho nên là 1 quyển gia huấn rất hay. Có gia huấn giáo huấn hay như vậy, chỉ cần chúng ta chịu thâm nhập học tập, chịu phụng hành, vậy gia đạo của chúng ta nhất định có thể hưng thịnh. Cho nên phải có ý chí, từ bản thân chính mình có thể xây dựng gia đạo ngàn năm không suy. Mọi người có ý chí này không? Quý vị đều không có phản ứng, tôi sắp không đóng kịch tiếp được rồi. Người ta thường nói “thành tắc linh”, chí thành sẽ cảm thông. Quý vị bây giờ phát 1 tâm chí thành, muốn phù hộ con cháu đời sau, đây là chân tâm. Con cháu ngàn năm sau sẽ cảm ứng được, đều sẽ nhận được sự gia hộ và giáo huấn của quý vị. Cho nên gia đạo ngàn năm không suy là thật có, là tổ tiên phát tâm chân thành mà cảm được.

Vào thời Tống, thời kì Bắc Tống, tiên sinh Phạm Trọng Yêm khi còn tại thế, cửa nhà họ trồng 2 cây, cây tùng. Chúng ta hễ nghĩ tới cây tùng liền biết, tùng bách thường xanh trong đông lạnh, “đông lạnh, mới biết tùng bách vẫn thường xanh”. Cây tùng và cây bách vào lúc mùa đông đều không bị khô héo, đây là so sánh. So sánh với người có đức hạnh, quân tử có đức hạnh trong bất kì hoàn cảnh khắc nghiệt nào cũng không thay đổi khí tiết của họ, cho nên chúng đại diện quân tử. Đã trồng 2 cây quân tử, cũng là kì vọng con cháu đời sau của ông, ai ai cũng đều là người trí thức có khí tiết. Hơn nữa trên cây này còn viết “Bóng râm che phủ, kì vọng ngàn năm”, phong phạm đức hạnh của ông, có thể khiến con cháu ngàn năm sau vẫn lấy ông làm gương. Hậu thế của Phạm Công nhất định đều học theo giáo huấn của ông, tấm gương của ông, ông quả thật đã làm được.

Vậy mọi người bây giờ phát chân tâm như vậy, 1000 năm sau phong phạm quý vị để lại, hậu thế quý vị cũng sẽ học tập. Vậy xin mọi người ghi lại ngày tháng hôm nay, ngày 5 tháng 3 năm 2012, một ngày rất tốt. Có chí hướng, sứ mệnh này, học tập sẽ có động lực, rất tích cực. Không chỉ đối với gia đình mình như vậy. Gia đình là tế bào của xã hội, chúng ta cũng mong đợi trong thời đại lớn thiếu hụt đạo đức luân lý này, bản thân mình nghiêm chỉnh phụng hành những giáo huấn này, gia đình của mình là tấm gương tốt cho xã hội. Có tấm gương tốt này, con người đối với luân lý đạo đức mới có lòng tin, có lòng tin họ sẽ chịu đi học. Cho nên đối với gia đình cho tới đối với xã hội dân tộc, đều nên có 1 phần sứ mệnh.

Tôi nhớ cả xã hội thiếu hụt phong khí hoằng dương văn hóa truyền thống Trung Hoa, đều là công lợi khá mạnh. Bản thân tôi cũng là hồi 25 tuổi mới có cơ duyên này, theo sư trưởng học tập văn hóa Trung Hoa. Rất đáng tiếc, sau khi trưởng thành mới bắt đầu học tập, cho nên cơ sở rất không tốt. Bây giờ nhìn thấy các em nhỏ học thì rất vui mừng, bởi vì các em sẽ tốt hơn chúng ta, đây là điều chúng ta hoan hỉ nhìn thấy. Chúng ta hai mươi mấy tuổi còn không hiểu chuyện, đã làm rất nhiều việc cả đời tiếc nuối. Ví dụ cự cãi với cha mẹ, làm 1 số việc khiến cha mẹ tối về ngủ không được, những việc này đều rất không nên, cũng rất tổn phước. Những em nhỏ này được học trước, chúng ta rất được an ủi.

Nhưng trong xã hội bây giờ, còn có rất nhiều người cảm thấy đó là thứ lỗi thời, đó là thứ của quá khứ. Bạn bè người thân của quý vị có nói như vậy không? Có. Quý vị sau khi nghe thì có phản ứng gì? “Anh thật là không có trí huệ, không có tầm nhìn, thứ tốt như vậy 5000 năm nay anh cũng coi không hiểu!”, Thời đại này không có người dạy nữa, không thể trách móc bất kì ai, cho nên tiên nhân bất thiện, tiên nhân vô tri, người đời trước không hiểu, người đời trước nữa không hiểu.

Tôi bây giờ nói người đời trước không hiểu, quý vị có thừa nhận không? Định công của quý vị rất mạnh. Không thừa nhận thì không tính nữa sao? Vẫn phải thừa nhận, nếu không xã hội bây giờ sao biến thành bộ dạng này? Coi nhẹ luân lý đạo đức chính là loạn tướng bây giờ, đây không phải điều ngẫu nhiên. Nhìn có vẻ hình như không coi nhẹ, trên thực thế chúng ta không hay không biết, đã dẫn dắt giá trị quan của con trẻ về hướng công lợi rồi. Ví dụ nói các em vừa vào phòng thi, công bố kết quả vừa về nhà, vừa bước vào “Con thi mấy điểm? Thi đứng thứ mấy?”, quý vị từ nhỏ đã rất để ý tới những thứ này, chứ không phải để ý tâm thái của các em, để ý đức hạnh của các em.

Quý vị coi sinh viên bây giờ ở trên mạng viết những gì? Các em nói: Thi không gian lận, sang năm ở lại lớp. 1 em khác lại viết: Thà không có nhân cách, không thể không lên lớp. Bây giờ trong đại học những sinh viên không gian lận không nhiều nữa, đại học còn gian lận, sau này các em có bảo đảm mình có đức hạnh không? Quý vị khi nên cười thì có thể cười, khi nên nghiêm khắc… Mọi người nghĩ coi câu này có nghiêm trọng không? Nghiêm trọng. Câu này là nói với mọi người, sinh viên bây giờ đi học 17 năm, học thành bộ dạng gì? Học thành trong cuộc đời các em, cuộc đời các em có 1 cái cân, 1 cái cân, bên trái là điểm số, bên phải là nhân cách, các em đi học 17 năm, học thành thái độ nhân sinh gì? Đem điểm số và nhân cách để lên cái cân, cái nào nặng hơn? Điểm số. Đi học như vậy rất đáng suy ngẫm.

Cho nên đằng sau công lợi, con người bất kì nơi nào ở đâu đều có thể xả bỏ đạo đức này. Đã là bộ dạng này, vậy chúng ta còn có thể tin tưởng thế hệ sau có thể đưa xã hội tới tương lai tốt hơn sao? Cho nên mọi người không coi trọng đạo đức, không coi trọng sự thành tín, người và người chung sống rất mệt, không giữ tín nghĩa sẽ rất mệt. Vậy mọi người coi trên thị trường bây giờ, thực phẩm đen rất nhiều, có không? Người ta bây giờ đem đồ cho chúng ta ăn, trước tiên không phải nói cảm ơn, mà nói gì? Cái này sản xuất ở đâu? Làm ở đâu? Bây giờ ăn thứ gì cũng không an tâm, đều là đạo đức bị đánh mất. Sau đó vừa thấy, nơi này lần trước làm cái gì cũng không tốt. Cho nên tín nghĩa 1 vùng bị đánh mất, dẫn tới cả khu vực người ta đều không tin tưởng nữa.

“Đức hạnh kém, cha mẹ tủi”, quý vị học đại học nào, phẩm cách quý vị rất không tốt, cả thế giới đều biết, xã hội đều biết, sau này người ta nói sinh viên của đại học đó không dùng được. Cho nên hành vi của chúng ta đại diện gia đình, đại diện đoàn thể chúng ta, thậm chí đại diện đất nước chúng ta. Nhất là làm người Hoa phải càng tự ái 1 chút, hành vi không tốt tạo tội nghiệp rất lớn, phải không? Quý vị là người Hoa, làm không tốt, người ta nói người đó chính là Chinese, có phải không? Vậy 1 tỉ mấy người đều bị chúng ta lôi xuống nước. Nói mọi người nghe, làm người Hoa tích lũy công đức cũng dễ dàng. Đức hạnh quý vị rất tốt, người ta nói người Hoa chính là phẩm chất như vậy, vậy 1 tỉ mấy người đều thơm lây. Cho nên chúc mừng mọi người, làm người Hoa chỉ có thể dũng mãnh tiến lên, không còn đường để lui nữa. Đối với đạo đức mà nói, nhất định phải thành tựu chính mình mới được.

Bản thân tôi ấn tượng hồi còn nhỏ, hình như các vị trưởng bối rất quan tâm tới khoa ngành chúng tôi học, “Cháu học ngành này rất tốt, sau này ra kiếm rất nhiều tiền”. Sau đó trưởng bối có lúc nói chuyện với nhau “Cháu coi nhà bên cạnh, cái hẻm đó, thằng Minh đó sau khi làm bác sĩ, 1 tháng kiếm bao nhiêu tiền, cháu có biết không?”. Công việc quan trọng nhất của bác sĩ là làm gì? Cứu người? Tôi từ nhỏ tới lớn đều chưa nghe qua. Ai chịu trách nhiệm? Phong khí xã hội này ai chịu trách nhiệm? Quý vị từng hỏi người ta “Anh 1 tháng kiếm bao nhiêu tiền” đều phải có trách nhiệm. Cuộc đời lấy phục vụ làm mục đích, các ngành các nghề cao quý chỗ nào? Cao quý chỗ nó phục vụ con người, đó là giá trị của nó. Tiền là gì? Là cảm ơn sự cống hiến của mỗi ngành nghề, thể hiện 1 lòng cảm ơn. Còn sự phục vụ con người đó, sự cứu người đó, sự thành tựu người đó, không thể dùng tiền để đo lường được.

Cho nên “quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”. Quân tử, “dụ” là hiểu rõ đạo nghĩa làm người; tiểu nhân, tâm tư của họ chỉ đặt vào chuyện làm sao mưu cầu tư lợi cho chính mình, lấy mình làm trung tâm. Mọi người bình tâm nhìn lại, con cái chúng ta bây giờ lúc nào cũng biết đề khởi đạo nghĩa, hay lúc nào cũng chỉ nghĩ tới mình? Nhìn từ hiện tượng này, chúng ta rốt cuộc đang dùng đạo quân tử dạy con cái, hay dùng đạo tiểu nhân dạy con cái? Sự giáo dục này không có ngẫu nhiên, không có may rủi, quý vị dùng tư tưởng gì dạy chúng, sẽ có kết quả như vậy.

Bản thân tôi khi trao đổi với các phụ huynh về văn hóa truyền thống, tôi càng giảng càng cảm thấy may mắn về sự giáo dục cha mẹ dành cho tôi. Bản thân tôi chưa lập gia đình, chưa từng làm cha, tất nhiên khi làm thầy, chúng ta ở trường cũng phải rất dụng tâm dạy các em nhỏ. Bản thân không có kinh nghiệm, nhưng tôi là con của cha mẹ tôi, cứ giảng cứ giảng mãi, cứ nhớ lại mấy chục năm cuộc đời, cha mẹ đã giáo dục chúng tôi khôn lớn ra sao. Đột nhiên cảm nhận được, cha mẹ trước giờ chưa từng dạy chúng tôi tự tư tự lợi, chưa từng như vậy.

Tôi ấn tượng rất sâu, cha tôi đặc biệt coi trọng đạo nghĩa, ông bà nội trong nhà sống với chúng tôi, cha tôi là con trưởng. Làm gì có chuyện “4 anh em thay phiên ở, ở nhà mỗi người bao lâu, cứ vậy thay phiên”, có tốt không? Tốt hay không không phải coi bề mặt, có tốt không phải nghe cha mẹ nói, “Cha, bây giờ đều là ở thay phiên, cha coi làm sao thì làm”. Quý vị muốn hiếu thuận cha mẹ tất nhiên phải cảm nhận tâm của họ. Nếu như là tôi, tôi cảm thấy đổi đi đổi lại rất là vất vả, người lớn tuổi rồi chỉ sợ phiền phức, có không? Đúng rồi. Nếu như họ có 4 con trai phải đổi qua 4 chỗ, hàng xóm chỗ đó mới hơi quen, ngày mai tôi phải đi rồi. Quý vị coi các cụ mỗi ngày đều đang nghĩ có phải sắp chuyển đi không? Người thật sự hiếu thuận lúc nào cũng suy nghĩ tới tâm của cha mẹ, suy nghĩ cho cảm nhận của cha mẹ, vậy mới là tận hiếu, tận hiếu không phải làm trên bề mặt cho người ta coi. Ông nội tôi người hồi đó đều cảm thấy: Con trưởng mà, sống ở nhà con trường. Chúng tôi từ nhỏ sống chung với ông bà nội rất tốt, hết sức hạnh phúc.

Việc của ông bà nội, cha tôi trước giờ chưa từng nói tất cả anh em đều phải cùng nhau hợp sức, cùng nhau bỏ tiền mới làm được, việc của ông bà nội tự mình gánh vác được thì gánh vác, lúc nào cũng là các em phát hiện ra: Không được, không thể nào 1 mình anh hiếu thuận cha mẹ được, bọn em cũng phải nên dốc sức vào. Không nói những thứ công lợi này, nên gánh vác cho dù áp lực mình lớn tới đâu, cũng dũng cảm gánh vác lấy. Cho nên con cái từ nhỏ tới lớn đã không có ý niệm tự tư tự lợi rồi.

Xin hỏi mọi người, 1 người không tự tư tự lợi thì vui vẻ hay đau khổ? Âm thanh vui vẻ hình như… không giống như vậy lắm. Quý vị có sống những ngày không suy nghĩ cho mình chưa? Nếu như quý vị sống rồi, quý vị sẽ biết được mùi vị trong đó “như người uống nước, ấm lạnh tự biết”. Quý vị khi không nghĩ tới mình, thân tâm hết sức nhẹ nhàng. Hơn nữa quý vị sẽ chiêu cảm 1 cảnh giới cuộc đời rất tốt, tức là “thương người thì được người thương; kính người thì được người kính”.

Tôi cảm thấy xã hội bây giờ rất nhiều cách nói tưởng đúng hóa sai, vì khi tôi sắp ra xã hội, rất nhiều bạn học tôi đều nói, tôi ra ngoài sẽ bị người ta bắt nạt. Quý vị có thấy tôi giống người ra ngoài sẽ bị người ta bắt nạt không? Họ mười hai mươi năm trước đã tiên đoán như vậy, tôi năm nay tuổi Trung Quốc, tuổi ta cũng 40 tuổi rồi, tôi cũng không bị ai bắt nạt. Cho nên con người hồn hậu vẫn là tốt, chịu thiệt là tốt, đừng đi so đo. Thật ra người hay so đo bất luận họ có bao nhiêu, tâm thái họ lúc nào cũng đang so đo, làm sao họ là người vui vẻ được? Không thể nào. Chả trách bây giờ người bị trầm cảm, người uống thuốc ngủ càng ngày càng nhiều. Mọi người đều ở đó tranh, đều ở đó so đo, sẽ xuất hiện kết quả này. Cho nên hy vọng đời sau hạnh phúc, thì phải có 1 nhân cách hết sức lành mạnh, tâm cảnh xử thế đúng đắn, tâm cảnh là then chốt của việc có hạnh phúc hay không.

Cho nên thời đại này mọi người đối với văn hóa truyền thống có không ít hiểu lầm, chúng ta cũng có 1 phần sứ mệnh, mình học cho tốt, mình làm tấm gương, khiến mọi người đối với người học văn hóa Trung Hoa, đều đưa ngón tay cái lên. Nói tới đây tôi hơi chột dạ, nhưng các bạn, sự tu dưỡng, tâm lượng của quý vị khá lớn. Quý vị nghe người ta nói đúng, cho dù họ chưa làm tốt quý vị cũng tin theo, bởi vì quý vị thiện căn sâu dày, không hà khắc. Tôi tại sao lại nói như vậy? Bởi vì trước tết, tôi vừa hay có may mắn này, được tới bên cạnh sư trưởng thân cận ngài, thường nghe giáo huấn của ngài. Nếu không tôi ở Malaysia xa xôi, sư trưởng ở Hồng Kong, bình thường không cách nào giáo huấn tôi được, người trẻ như tôi vẫn rất là nguy hiểm, dạy người trẻ như tôi, hết sức không dễ là gì? Cách xa quá, gặp mặt cũng không dễ mắng, mắng rồi lại sợ không vui, “Hay là con không làm nữa!”, lại sợ nổi nóng, lại sợ quý vị buồn lòng, nhưng có 1 số vấn đề không thể không nói. Cho nên như những học sinh chúng ta không ở bên cạnh ngài, 1 thái độ rất quan trọng, là khi nghe sư phụ giảng kinh, câu nào cũng đang nói về mình thì mới có thu hoạch.

Và giữa trời đất không có việc gì là ngẫu nhiên, đều có thể gợi mở cho cuộc đời. Kết quả tôi đi nghe hòa thượng giảng dạy, từ tiết đầu tiên tới tiết sau cùng, trước tết, nhiều tiết học như vậy, chỉ giảng 1 chủ đề, rất chuẩn. Chủ đề gì? “32 tướng”. “32 tướng” này tức là người, ngài rất lương thiện, rất có phước báo, thường tích công lũy đức, tướng mạo của ngài chính là tướng phú quý.

Sư trưởng có mấy lần ở cùng với Malaysia chúng ta, hoặc là cùng 1 số lãnh tụ tôn giáo, tôn giáo khác nhau, như tới Va-ti-căng, tới Ai Cập, họ ra ngoài tham quan du lịch, hòa thượng lớn tuổi nhất, những đại biểu tôn giáo khác tuổi không lớn bằng sư trưởng. Kết quả mấy ngày đó, hòa thượng cầm cái quạt, đi đứng nhìn hết sức phóng khoáng, đều không có dáng vẻ mệt mỏi. Những người nhỏ hơn ngài mười hai mươi tuổi, phù phù thở dốc. Người ta liền hỏi: Khí sắc của ngài tốt như vậy, ngài bảo dưỡng làm sao? Lúc này liền có thể khuyên họ phải có tâm từ bi, phải ăn chay, phải đoạn ác tu thiện, người ta liền có thể tiếp thu.

Cho nên lúc nãy mới nói với mọi người, chúng ta học văn hóa truyền thống phải để người ta giơ ngón tay cái lên, trước tiên dung mạo phải phát sáng. Người ta nhìn vào lập tức “Khí sắc của anh rất là khác, dạo này anh đang bận chuyện gì vậy?”. Quý vị liền nói học văn hóa Trung Hoa, họ liền có hứng thú ngay, tướng mạo quý vị sẽ biến thành nhãn hiệu của văn hóa Trung Hoa. Mọi người bình tâm quan sát, năm 2007, thầy Hồ Tiểu Lâm lần đầu tiên tới Malaysia, có thể có vài bạn đã gặp rồi, khi thầy mới học, bây giờ đã 5 năm trôi qua. Quý vị coi thầy mỗi 1 giai đoạn đều không giống nhau, tướng mạo đó càng ngày càng viên mãn. Hồi năm 2007 thì hơi ốm, cả con người bây giờ, mặt thì tròn tròn. Thầy đã giúp rất nhiều người, phước báo đó rất lớn. Kể cả bác sĩ Bành Hâm trong giới trung y, mọi người để ý coi bọn họ, họ cách vài tháng lại quay 1 đĩa quý vị để ý coi, tướng mạo đó thay đổi hết sức lớn, đó là đệ tử thánh hiền thật sự.

Như tướng mạo của tôi không thay đổi gì nhiều, năm nay bắt đầu đạo đức muốn nâng cao, trước tiên phải phá vỡ cánh cửa gạt mình, không thể nào gạt mình. Còn có gì chấp trước không buông bỏ được, mới tạo thành tướng mạo không viên mãn này? Cái này phải tri nhận rõ ràng trước. Cho nên tu hành chính là sửa đổi cá tính, cá tính nhất định phải đổi. Đức hạnh nâng cao lên, vận mệnh mới chuyển được, lượng lớn phước mới lớn. Cho nên tôi cảm ơn sư trưởng, những cổ thánh tiên hiền của chúng ta trong vô hình vẫn rất thương yêu tôi, luôn đang nhắc nhở tôi. Trước tết tiết học đầu tiên tới tiết học cuối cùng, tất cả là học về 32 tướng, tức nói với tôi năm nay nếu không tu cho tốt gương mặt này thì không được, cho nên trước tết tôi nghe 32 tướng, sau tết vẫn phải nghe, cho nên tiết học này là bắt buộc.

Chúng ta vừa bắt đầu, đối với gia đình, đối với quốc gia xã hội, thậm chí đối với thánh giáo, văn hóa Trung Hoa chúng ta đều có 1 phần trách nhiệm, chúng ta học tập nó cho tốt. Chúng ta tiếp theo sẽ bước vào phần kinh văn “Liễu Phàm tứ huấn”, mở đầu là:

“Luận về lập mệnh”

Quyển sách này ở Nhật Bản, thiên hoàng coi nó như bảo điển trị quốc. Và trong giới thương nghiệp Nhật Bản, thánh nhân kinh doanh giới doanh nghiệp, có xưng hô như vậy, bây giờ chỉ còn lại 1 mình Inamori Kazuo, những người lớn tuổi khác đều đã qua đời. Matsushita chúng ta quen thuộc, những nhà doanh nghiệp này đều đã qua đời. Inamori Kazuo tám mươi mấy tuổi, ông vẫn còn, hơn nữa sức khỏe vẫn rất tốt. Ông giới thiệu cho thế giới, nhất là giới thiệu cho người trẻ thế hệ sau, muốn có cuộc đời hạnh phúc thì cuốn sách đầu tiên bắt buộc đọc, chính là “Liễu Phàm tứ huấn”.

Tôi rất khâm phục vị trưởng bối này, ông không chỉ vận mệnh của mình đã thay đổi, ông còn tận tâm tận lực thay đổi vận mệnh thế hệ sau, thay đổi vận mệnh của trái đất, tương lai của thế giới. Ông là 1 nhà doanh nghiệp, ông đề xuất ra, cho dù sự trưởng thành kinh tế đứng im toàn diện, đều phải nên cùng nhau đối mặt với vấn đề phá hoại thế giới tự nhiên. Ông là người có sức ảnh hưởng như vậy, nói ra những lời có lương tâm như vậy, không đơn giản. Cho nên người thành công như vậy đều coi trọng bộ sách này, kể cả sư trưởng chúng ta cũng có sức ảnh hưởng trên thế giới như vậy, cũng nhắc tới hồi ngài còn trẻ, cũng nhận sự ảnh hưởng của bộ sách này, đã thay đổi vận mệnh.

Và học vấn lập mệnh này chính là, “mệnh” là vận mệnh, sanh mạng mỗi người thật ra đều có vận mệnh. Chúng ta làm sao hiểu được vận mệnh cuộc đời từ đâu mà tới, rồi làm sao thay đổi nó, mới có thể khiến cuộc đời này, sanh mạng này sản sanh giá trị càng lớn hơn? Nếu không vận mệnh của chúng ta hoàn toàn bị đoán đúng hết, đều bị khống chế thì không còn ý nghĩa gì. Cho nên chữ “lập” này, có nghĩa là gây dựng, làm sao xây dựng cuộc đời này của chúng ta. Hơn nữa, từ “lập mệnh” này, “lập” cũng có nghĩa là quyết tâm, sau khi học xong nhất định phải làm, nhất định phải thay đổi vận mệnh. Cho nên có chí khí rồi, chúng ta nói “lập chí”, điều này đều mang ý nghĩa quyết định. Cuộc đời đều có vận mệnh, hơn nữa vận mệnh nằm trong bàn tay mình. Chúng ta đọc tiếp kinh văn là có thể hiểu được.

“Ta lúc nhỏ cha mất sớm, mẹ dạy không theo thi cử mà học y, vì có thể dưỡng sinh, có thể giúp người. Khi y thuật tinh thông thành danh, là túc tâm của cha con vậy”.

“Ta” là tiên sinh Liễu Phàm tự xưng hô chính mình, ông nói rằng, hồi ông còn nhỏ, cha ông đã qua đời. “Lúc nhỏ cha mất sớm”, người vất vả nhất là mẹ ông, mẹ ông phải nuôi dưỡng đứa con này, điều này thật sự là ngậm đắng nuốt cay. Mẹ của chúng ta nếu như cũng là như vậy, chúng ta từ nhỏ phải hiểu chuyện, lớn lên mau mau báo đáp ơn của mẹ, khiến mẹ sớm sống những ngày tốt đẹp. Giáo huấn của người xưa trong “Thái thượng cảm ứng thiên” cũng nói tới “quan cô tuất quả, kính lão hoài ấu”, đối với quả phụ, trẻ con thơ dại đều nên hết sức quan tâm, giúp đỡ. Nhất là trong xóm làng, phải đi giúp đỡ họ, như vậy mới là có tâm nhân ái.

“Mẹ dạy không theo thi cử mà học y”, mẹ của ông. (Tiếng trẻ con khóc), cuộc đời không có chuyện gì là ngẫu nhiên, cuộc đời không có 1 giây nào không phải cơ hội và đạo tràng nâng cao học vấn. Tôi vừa mới nói không có sự ngẫu nhiên, là nói tôi đang hồi tưởng, hồi nhỏ có khi nào tôi tới 1 nơi công cộng, người ta đang giảng dạy, kết quả tôi còn ở đó khóc, có thể tôi sẽ chịu quả báo như vậy. Nhân gian nói thẳng ra chỉ có 2 chữ, tức là nhân quả, tất cả mọi việc không tách rời nhân quả. Kế đó, bất kì cảnh giới nào cũng khảo định lực của mình, khi có những âm thanh này xuất hiện, quý vị có thể như như bất động, không bị ảnh hưởng không?

Cảnh ngộ của tiên sinh Liễu Phàm, tin là ông hết sức thấu hiểu cho mẹ của mình, nghe theo lời mẹ. Cho nên vốn dĩ ông muốn, sự “thi cử” này tức là cầu công danh, thi khoa cử, ông có tâm nguyện này. Nhưng mẹ nói, hy vọng ông bỏ nghiệp học mà theo trung y. Ông thấu hiểu tấm lòng của mẹ, cũng muốn thuận theo tâm ý của mẹ. Bởi vì mẹ ông nói rằng, học y có thể dưỡng sinh, có thể giúp người.