Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 24A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 24A

Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!

Khóa học “Liễu Phàm tứ huấn” của chúng ta, mục lớn thứ 3 rất quan trọng “Phương pháp tích thiện”. Chúng ta tiết trước nói tới “hành thiện”, đem nó quy nạp thành 10 cương lĩnh. 10 cương lĩnh này chúng ta có thể nắm chắc được, chỗ nào cũng có thể hành thiện, thời thời đều hành thiện, niệm niệm đều có thể hành thiện, do “phước điền nhờ tâm canh. Và bắt đầu điều thứ nhất “cùng người làm thiện”, có thể thấy rằng dẫn dắt người hành thiện, đây là công đức rất lớn. Chúng ta nếu như đời này có thể dẫn dắt trăm người, ngàn người, vạn người, cùng phát thiện tâm, cùng hành thiện sự, điều này đối với xã hội, quốc gia, cống hiến sẽ rất lớn, quả thật đời này sẽ rất có giá trị.

Trước hết, chúng ta “cùng người hành thiện”, phải khởi phát tâm thiện của ai trước? Bắt đầu làm từ gia đình, cho nên xã hội hòa hợp làm từ tâm mình, rồi làm từ nhà mình, tiếp đó từ khu phố mình, từ đơn vị mình ở, từ ngành nghề của mình, mình dẫn đầu, đây đều là “cùng người hành thiện”.

Chúng ta rất nhiều người đã nghe qua chủ tịch Hồ Tiểu Lâm học tập “Liễu Phàm tứ huấn”, chia sẻ học tập văn hóa truyền thống, kinh nghiệm của ông nói ra cảm động hết sức nhiều người, nhất là những ông chủ trong giới doanh nghiệp hết sức cảm động. Cho nên trong giới doanh nghiệp ông đã dẫn đầu phong khí hành thiện, nghĩ cho nhân viên, nghĩ cho khách hàng, thậm chí trong đơn vị của ông, mỗi năm dùng cho việc in ấn chánh pháp, in những sách vở giáo dục nhân quả đạo đức luân lý truyền thống này, số lượng đó quá nhiều, quá nhiều, cái này đều là “cùng người hành thiện”, làm hết sức tốt.

Như hệ thống nhà giam tỉnh Hải Nam, hồi đó trưởng ban Trương của chúng ta, một thiện niệm của ông, kết quả bây giờ hệ thống nhà giam cả Trung Quốc, dùng sách do tỉnh Hải Nam soạn ra, phổ biến trong cả nước. Cả nước đều dùng sách họ soạn ra để giáo hóa phạm nhân, vậy mọi người nghĩ coi, bao nhiêu người thọ ích? Bao nhiêu gia đình thọ ích? Chỉ từ một niệm thiện tâm của họ, họ hy vọng càng nhiều người phát thiện tâm, hành thiện sự. Cho nên đây đều là những tấm gương rất tốt.

Những tấm gương tốt này, chủ tịch Hồ Tiểu Lâm chúng ta bản thân cũng là hậu thế của Đại Thuấn, phải không? Mọi người lần trước đã nhận tổ quy tông rồi chứ? Có rồi. Mọi người ra về có lật lại tộc phổ không? Tôi đảm bảo với mọi người, tổ tiên quý vị nhất định là thánh hiền nhân, nếu không quý vị sẽ không tồn tại nữa, chỉ có hậu thế của thánh hiền nhân mới có thể kéo dài 5000 năm không suy, đây không phải điều ngẫu nhiên, “nhà tích điều thiện, ắt có niềm vui”. Dân tộc này chúng ta là luân lý đạo đức khởi gia, các ngành các nghề đều nói về đạo đức, trong ngành y nói y đạo, trong thương nghiệp nói thương đạo, trong giới chính trị nói quân đạo, trong ngành giáo dục nói sư đạo, đều là coi trọng đạo đức. Cho nên văn minh cổ thế giới chỉ còn lại dân tộc Trung Hoa, đây không phải điều ngẫu nhiên. Đây cũng là tổ tiên chúng ta đã làm ra tấm gương “cùng người làm thiện”, cho nên che chở hậu thế.

Chúng ta lần trước nói về Thuấn vương, ngài ở Lôi Trạch, ngài thương xót người vùng này tranh đoạt lẫn nhau. Thánh triết nhân họ không chỉ nhìn thấy một hành vi của người khác mà thôi, họ nhìn thấy vận mệnh của người này, họ nhìn thấy vận mệnh của cả khu vực, chắc chắn sẽ ngày càng thê thảm. Xã hội tranh đoạt, con người sẽ không có phước báo, xung đột không ngừng. Cho nên hy vọng có thể cải thiện phong tục vùng này, chuyển tranh đoạt thành lễ nhường, thành khiêm nhường, thành nhẫn nhường. Thuấn vương rất có đức hạnh, nhưng ngài không dùng ngôn giáo để thuyết phục những người này, ngài lấy thân làm mẫu. Ngài ẩn ác dương thiện, nhìn thấy người làm không tốt không nêu ra, không nói họ không tốt; nhìn thấy tấm gương tốt thì tán thán họ, sau đó tự mình dẫn đầu làm lễ nhường. Cho nên sự tu dưỡng ẩn ác dương thiện này, và cả thái độ lấy thân làm mẫu của ngài, hơn nữa phải rất kiên nhẫn. Đã làm bao lâu? Một năm, tâm ngài rất nhu nhuyễn, rất kiên nhẫn.

Vậy mọi người nghĩ coi, người 4000 năm trước, dùng một năm cảm hóa, xin hỏi mọi người, người bây giờ phải dùng bao lâu để cảm hóa? Chúng ta đừng nói chuyện gì khác, xin hỏi mọi người, chúng ta đã dùng bao nhiêu thời gian để cảm hóa chính mình? Phải đem tâm khá là ích kỉ, khá là cứng rắn, khá là kiên cường này, biến thành lúc nào cũng nghĩ cho người, tràn đầy sự nhu hòa, phải dùng bao nhiêu thời gian cảm hóa? Cho nên thật sự người kiên nhẫn với người, trước hết nhất định phải kiên nhẫn với mình, trước hết nhất định mình đã đi qua rồi “Ồ, muốn sửa một thói quen xấu không hề dễ!”. Họ đối với người sẽ không hà khắc. Hà khắc với người, nhất định là chưa sửa đổi thói quen xấu, họ không biết sửa thói quen xấu rất vất vả, cho nên nói ra thì rất đơn giản, “ngay cả cái này cũng không biết, ngay cả cái này cũng sửa không được”. Thật ra có thái độ này, đều không phải thật sự có công phu buông bỏ tập khí. Mọi người nghĩ coi, khi bản thân chúng ta nói, “ngay cả cái này cũng không biết”, xin hỏi trong ý niệm này chúng ta có tập khí gì? Ngạo mạn rồi mà. Có lúc chính mình còn đang nói “Tức chết mất, người đó sao ngạo mạn như vậy”, thật ra khi mình đang nói, thái độ này cũng là ngạo mạn rồi.

Cho nên trước khi muốn nhìn rõ người khác, trước hết phải nhìn rõ ai? Chính mình. Lão Tử có một đoạn giáo huấn “biết người thì trí, biết mình thì minh”, phải có cái sáng suốt biết mình, mới có thể giúp được mình, kế đó mới có thể nhìn rõ ràng người khác. Và mục đích nhìn rõ ràng là gì? Nhìn rõ vấn đề của họ, kế đó giúp đỡ họ, tuyệt đối không phải đi phê bình họ.

Cho nên Thuấn vương khổ tâm này của ngài chúng ta phải lý giải được. Tấm lòng của ngài chúng ta cảm nhận được rồi, sẽ có thể noi gương tấm lòng ngài, trong gia đình hiện tại của chúng ta, trong đơn vị chúng ta công tác, làm như vậy, nhất định có thể cảm động người xung quanh, người có duyên.

Tiếp đó tiên sinh Liễu Phàm đã phân tích tấm gương của Thuấn vương cho chúng ta một vài gợi mở, nói rằng:

“Bọn ta thời mạt thế, đừng lấy sở trường của mình mà ép người, đừng lấy cái thiện của mình so với người, đừng lấy thế của mình mà khốn khó người”.

“Mạt thế” này là Phật pháp đối với trạng thái chánh pháp của cả thế gian chia thành 3 giai đoạn, cũng có nghĩa là Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa ở Ấn Độ, sự ảnh hưởng của ngài chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là “thời kì chánh pháp”, mặc dù Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ, nhưng các đệ tử được ngài chân truyền đều tận tâm tận lực, giáo hóa một cách vô tư, cho nên cái “chánh” này tức là tương đương với thời kì ngài còn sống, chánh pháp 1000 năm. Kế đó lại 1000 năm là “thời kì tượng pháp”, tức là rất giống hồi thời chánh pháp, rất giống, nhưng đã hơi bị thoái lui, gọi là “thời kì tượng pháp”. Giai đoạn thứ 3 là “thời kì mạt pháp”, có một vạn năm, cho nên giáo hóa của Đức Phật có pháp vận một vạn 2 ngàn năm. Vậy bây giờ Đức Phật diệt độ bao lâu rồi? Theo lịch sử người Trung Quốc chúng ta, đã hơn 3000 năm một chút, cho nên đã bước vào thời kì mạt pháp. Mạt pháp tức là càng không bằng tượng pháp, căn cơ của mọi người càng kém.

Thật ra đối với thời đại chúng ta bây giờ, đọc được câu ở thời mạt thế này, chắc là rất có cảm xúc. Người trước đây hễ nói tới luân lý đạo đức, mọi người đều đưa ngón tay trỏ lên, “làm người phải nên như vậy”. Thời đại bây giờ quý vị nói luân lý đạo đức, người ta nói “Anh có phải cổ lỗ sĩ không, anh có phải theo không kịp thời đại không, sao cứ nói những thứ đã cũ này?”.

Tôi kể cho mọi người nghe một chuyện có thật của tôi. Hơn 9 năm trước, tôi còn dạy học ở Đài Loan, tôi cùng một đồng nghiệp, cô là giáo viên, tôi nói chuyện với cô một chút, mắt cô trợn rất to, nhìn tôi. một cô giáo mắt trợn rất to, cô nói: “Tôi thấy thầy giống như đi sai thời không rồi”, cô nghe tôi nói chuyện hình như cảm thấy tôi không phải người thời đại này. Kể cả cũng là khoảng 11 năm trước, một em lớp dưới học viện Sư phạm Đài Nam của tôi, tôi thật ra tốt nghiệp cùng một năm với em, nhưng em nhỏ hơn tôi tới mấy tuổi, vừa hay tôi tặng em mấy quyển sách, có lẽ cũng có “Liễu Phàm tứ huấn”. Tôi tặng em sách, em tất nhiên đã tiếp nhận, coi một chút mấy quyển sách tôi tặng em, em nói “Anh thật sự chỉ coi những thứ này thôi sao?”, tức là cảm thấy chỉ coi những thứ này, cuộc sống có phải rất vô vị không? Tôi nhớ còn có một năm, một người bạn tốt của tôi, hình như ngày 1 tháng 1 nguyên đán, tôi nói chuyện với cô. Cô nói “Hôm qua anh đang làm gì?”. Tôi nói “Hôm qua tôi nghe kinh, rất hay, sư trưởng tôi giảng về đạo lý nhân sinh rất sâu sắc. Vậy hôm qua cô đi đâu?”. “Hôm qua, ngày cuối cùng của một năm, tôi cùng chồng tôi đi coi pháo hoa. Ồ, thức xuyên đêm coi pháo hoa”. Sau đó cô nói tiếp “Ôi chao, cuộc đời anh sao sống vô vị thế này?”. Hình như cô thấy những kích thích như vậy mới có mùi vị.

Thật ra mà nói, họ đều đã lập gia đình, coi pháo hoa cũng không dạy con tốt được. Quý vị có nghe thấy người nào sau khi coi pháo hoa thì làm sự nghiệp càng tốt, con cái dạy càng tốt, tốn một mớ thời gian hình như đều không có liên quan gì tới tương lai, chỉ kích thích một chút. Hơn nữa còn thức khuya, nghe nói phải 10 ngày trở lên mới bù lại được, đây là chưa đọc “Hiếu kinh”, “thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám hủy thương, khởi đầu của hiếu”. Cho nên nói với mọi người, “cuộc đời đều do ngộ duyên bất đồng”. Quý vị chưa gặp được thánh giáo, và gặp được thánh giáo, đó là sống trong 2 thế giới khác biệt nhau.

Tôi nhớ chúng tôi hồi đó ở Lô Giang, cuối năm 2005, vừa bắt đầu vẫn chưa ra ngoài dạy học, kì huấn luyện thứ nhất, một ngày lên lớp học tập bao lâu? 10 tiếng đồng hồ. Buổi sáng đã dậy rất sớm, học tới 9 giờ tối, 10 tiếng đồng hồ. Tôi hồi đó buổi sáng có tiết, buồi trưa có tiết, buổi tối có tiết, đã rất nhiều năm về trước rồi, hồi đó còn khá trẻ, thể lực còn rất mạnh. Chúng tôi có đồng nghiệp, một hai tháng đều như vậy, mỗi ngày học tập 10 tiếng đồng hồ trở lên. Kết quả gọi điện cho bạn học của anh, bạn học anh hỏi trước “Bây giờ anh đang sống ra sao?”. “Buổi sáng bốn năm giờ thức dậy đọc kinh điển, sau đó bắt đầu học tập, mỗi ngày 10 tiếng đồng hồ”. Kết quả bạn anh nói “Ngày tháng như vậy anh cũng sống nổi sao?”. Tiếp đó đồng nghiệp này của chúng tôi hỏi bạn học của anh “Vậy anh sống ra sao?”. “Buổi sáng, ví dụ sáng chủ nhật sẽ ngủ tới 10 giờ, ra ngoài mua đồ, uống trà buổi chiều, đi xông hơi”, kể lại một ngày anh ta hưởng lạc ra sao. Kết quả đồng nghiệp của tôi nói “Ngày tháng như vậy anh cũng sống nổi sao?”.

Cho nên cuộc đời gặp duyên khác nhau, cả phương hướng của họ, ý nghĩa giá trị cuộc đời cũng khác biệt hết sức lớn, cho nên thời đại này chúng ta, nhìn thấy từ “mạt thế” này, nhất là thời đại chúng ta, luân lý đạo đức trong 30 năm nay đọa lạc nhanh chóng. Mọi người có cảm thấy không, hồi nhỏ rất có tình người, bây giờ sống trong đô thị lớn, ngay nhà đối diện cũng không chào hỏi. Hồi nhỏ còn nhìn thấy rất nhiều trưởng bối hiếu thuận cha mẹ, tới thời chúng ta, rất khó tìm được hiếu tử, mới 30 năm! Cho nên sống trong thời đại này, nhìn thấy đủ thứ người tạo ác, không thể trách họ. Do chánh pháp, đạo thống của Trung Quốc đã lơ là 100 năm, năm cuối Mãn Thanh, trước sau đã lơ là gần 100 năm. Rồi sau thời Dân quốc, lại có phong trào bài xích văn hóa truyền thống, lại đoạn mất 100 năm. 100 năm này, ngay cả người giảng cũng rất ít, một hai trăm năm như vậy, cho nên người bây giờ không nói luân lý, không nói đạo đức, là tình hình bình thường, không thể trách họ, họ không hiểu.

Cho nên người hiểu được là người có phước báo, người hiểu được có lẽ là người có trách nhiệm. Chúng ta làm sao từ bản thân mình dẫn dắt mọi người hướng thiện, hướng về phương hướng cuộc đời đúng đắn, bắt đầu làm từ đâu? Bắt đầu từ bao dung người, khiêm tốn với người, không thể nào ngạo mạn, không thể nào chúng ta học rồi thì coi thường người khác, khiến người ta phản cảm, không thể chỉ trích người khác.

Cho nên tiếp theo những câu dặn dò này hết sức quan trọng. Do chúng ta nếu không chú ý những lời dặn dò này, rất có thể sau khi học văn hóa truyền thống, nhân duyên càng kém. Sau khi học xong, bạn bè người thân thấy chúng ta đi tới “Ôi, cái người học “Liễu Phàm tứ huấn” tới rồi, tôi đi toilet đã, nếu không lại bị anh ta kể tội”. Họ giống như cảnh sát vậy, nhìn cái này cũng không đúng, nhìn cái kia cũng không đúng, vậy sau này người ta làm sao dám học văn hóa truyền thống? Đó không chỉ không thể khuyên người học tập, lại là giáo trình phản diện, cho nên những dặn dò này rất đáng quý.

“Đừng lấy sở trường của mình mà ép người”, đừng dùng sở trường của mình đi ép người, đi phơi bày đoản trường của người khác. Nói tới đây, tôi cũng phải sám hối trước đây, ví dụ học được mấy câu tiếng Anh, liền lấy ra khoe khoang, for example, in general, cứ ở đó mà đọc, người ta nghe tới nỗi chau mày, do nghe không hiểu lắm. Dùng sở trường của mình ép người. Cho nên không nghe thánh giáo, mỗi ngày tạo nghiệp chính mình cũng không biết. Cho nên “Gặp người thất ý, không nói lời đắc ý”, rõ ràng biết trong nhà họ dạo này có chuyện, hoặc là dạo này sự nghiệp hơi bị trắc trở, khó khăn, quý vị còn ở đó nói rất dương dương đắc ý, khiến người ta rất khó xử. Kể cả gặp người thân thể tàn tật, ngôn ngữ cũng phải rất cẩn thận; gặp người lớn tuổi, quý vị không thể ở đó khoe khoang thể lực trẻ trung của mình. Kể cả thậm chí trước mặt trưởng bối, đừng thường nhắc tới chữ “già”. Cái này đều là tâm nhu nhuyễn, cảm thông người khác, quan trọng! Lúc nào cũng nghĩ cho người, là học vấn đệ nhất trong trời đất.

Cho nên Tử Cống hỏi Khổng Tử, có một câu nói nào, có thể cả đời phụng hành? Khổng Tử chỉ nói một chữ, là “thứ”. “Là thứ vậy! Điều mình không muốn, không làm cho người”, tức là “Đệ tử quy” đã nói “muốn cho người, hỏi mình trước”, khi chúng ta thất ý, người khác ở đó nói lời đắc ý, chúng ta nhất định cũng buồn mà, chúng ta buồn rồi, thì đừng dùng thái độ này đối với người khác.

Cho nên chữ “thứ” này, chúng ta coi tạo chữ rất hay, bên trên một chữ “như”, bên dưới một chữ “tâm”, như kì tâm, đây là đặt mình vào cảnh đó, đồng cảm thấu hiểu. Thật ra thời đại này, người không có lòng tin chiếm tỉ lệ rất lớn. Mọi người có đồng ý sự phân tích của tôi không? Quý vị không có phản ứng, tôi nói tiếp không được, do tôi cũng rất không có lòng tin. Quý vị không phản ứng, lòng tin của tôi bị dao động. Quý vị có gặp người rất có lòng tin chưa? Tôi thấy rất ít, rất có thể quý vị cảm thấy người có lòng tin, là người tự ngạo. Tự ngạo không phải tự tin, người tự ngạo cũng tự ti. Người tự ngạo thường phải khoe khoang, tại sao? Che đậy sự tự ti trong tâm. Hồi nhỏ quá trình trưởng thành của họ, nếu như người ta thường bắt nạt họ, đè họ xuống, so sánh hơn họ, họ sẽ muốn chứng minh cho người ta thấy, họ sẽ biến tốt lên, dần dần thành hiếu thắng, ngạo mạn, sẽ không tốt.

Cho nên quý vị hồi nhỏ nghèo, khiến người ta coi thường, thật sự có tiền rồi phải làm sao? Không so sánh với người ta nữa, không phải đi đè người hồi trước cười mình xuống, mà quý vị đồng cảm với sự đau khổ của người nghèo khó, quý vị nghĩ cho họ, đi giúp càng nhiều người nghèo khó đứng lên, đây mới là chuyển bi phẫn thành sức mạnh, chuyển phiền não thành trí huệ. Ý niệm này chuyển đúng rồi, cuộc đời này sẽ tràn ngập ánh sáng; ý niệm chuyển sai rồi, cuộc đời sẽ là bóng tối. Trước đây bị người ta bắt nạt, bây giờ có quyền có thể, bèn đi bắt nạt người khác, cuộc đời này chẳng phải điên đảo rồi sao? Cho nên trước đây mẹ chồng rất dữ với quý vị, quý vị bây giờ làm mẹ chồng phải ra sao? Quý vị phải rất dịu dàng thấu hiểu con dâu mình, cho nên đạo khoan thứ này quan trọng. Từ trong những lời này thực hành thứ đạo, chúng ta không hy vọng người ta dùng sở trường chê cười chúng ta, chúng ta sẽ không nên đối với người như vậy; cho nên phải giữ thể diện cho người ta, đừng khiến người ta đánh mất lòng tin.

Trước đây tôi cũng rất không có lòng tin, mọi người có nhìn thấy không? Quý vị hôm nay ngày làm một việc thiện, đều không dám nói thật, sợ tổn thương tâm hồn nhỏ bé của tôi. Trước đây tôi thật sự rất không có lòng tin, chạy đi hỏi bạn học: “Bạn thấy con người mình thế nào?”, bạn học nói: “Bạn muốn nghe nói thật, hay là nói giả?”, sợ nói thật sẽ tổn thương tôi. Còn làm trắc nghiệm tâm lý, không tự tin, làm trắc nghiệm tâm lý. Kết quả trắc nghiệm ra nói là: Cá tính của bạn giống con gấu túi. Trong bài trắc nghiệm đó còn có con cọp, con công. Kết quả sau khi làm ra chạy đi nói với bạn học “Ồ, mình rất giống con gấu túi”. Quý vị nói người không đọc kinh điển, không tự tin tới nỗi đi so với súc sanh, so xong còn rất vui mừng, quý vị nói con cháu Viêm Hoàng sao sống thành thế này, lão tổ tiên đều đang chảy nước mắt. Họ rõ ràng dạy chúng ta “người đều có thể thành Nghiêu Thuấn”, phải không? “Thuấn là ai, ta là ai, có thành tựu đều như vậy”, “thánh và hiền, đều đạt được”. Kết quả chúng ta không tự tin tới nỗi đi so với súc sanh.

Hơn nữa “Tam tự kinh” còn nói với chúng ta, “tam tài giả, thiên địa nhân”, con người có thể đồng đẳng với trời đất, một trong tam tài. Con người chỉ cần thông qua học tập, nâng cao linh tánh của mình, có thể có đức hạnh vô tư, nhân cách hoàn mĩ như đất trời, cho nên là vạn vật chi linh. Cho nên sự tự ti của tôi hơn 20 năm nay ảnh hưởng tôi rất lớn, nhưng đọc kinh điển rồi không tự ti nữa, cũng sẽ không tự ngạo, tâm sẽ khá bình hòa, tại sao? “Tam tự kinh” nói với chúng ta “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, đây là chân lý, mỗi người đều có bổn thiện, đều có minh đức, giống hết với thánh hiền nhân, vậy còn gì để tự ti nữa? Chúng ta biết chúng ta có thể thành thánh hiền, còn có gì để tự ti nữa? “Tam tự kinh” lại nhắc nhở chúng ta “cẩu bất giáo, tính nãi thiên”, chúng ta bây giờ nhiễm vào rất nhiều tập khí, phải mau chóng sửa đổi chúng, không thể tiếp tục chà đạp mình. Cho nên không tự ngạo, bởi vì tự mình biết vẫn còn rất nhiều tập khí phải mau chóng sửa đổi. Không thấp không cao, tâm lý lành mạnh.

Cho nên đọc kinh điển, người ta sẽ mở mắt trí huệ của mình, sẽ không tự tìm rất nhiều phiền não. Cho nên lão tổ tiên lại nhắc nhở chúng ta, đừng tự tìm phiền não, đừng tự chuốc khổ vào mình, đừng tự đào mồ chôn, đừng cam chịu đọa lạc, đây đều là nhắc nhở chúng ta, cuộc đời vui vẻ và đau khổ, đều do tâm mình quyết định.

Tiếp đó, kinh điển nói rằng, “đừng lấy cái thiện của mình so với người”, đừng lấy thiện hành của mình, so với người là giống như thể hiện cho người khác coi “Tôi làm rất tốt, tôi làm được bao nhiêu công đức”, thật ra tâm ngạo mạn như vậy, thì một chút công đức cũng không có. Bên trong đã dương dương tự đắc, không còn công đức nữa. Hơn nữa đối với bản thân chúng ta mà nói, hành thiện là đạo nghĩa chúng ta làm người, việc nên làm. Sau khi làm xong tâm an lý đắc, sẽ không khoe khoang. Nếu không sẽ đi khoe khoang, biến thành đều dùng tâm danh lợi mà làm thiện hành này, cái thiện này sẽ không thuần nữa. Chúng ta phía trước đã nói “thiện có chân, có giả”, quý vị ngày nay muốn ngày làm một việc thiện, phải phối hợp một chút, nếu không ngày nay tôi ngủ không được, vừa mới giảng xong mà thôi. “Có ngay, có khuất”, quý vị không thể xen tạp những ngạo mạn này, tâm tham danh văn lợi dưỡng, quý vị phải có tâm công lợi, cho nên cái này “đừng lấy cái thiện của mình so với người”.

Hơn nữa, chúng ta thật sự dùng cái thiện của mình đi so sánh, so đo với người ta, như vậy sẽ khiến người ta cảm thấy chúng ta rất ngạo mạn, thậm chí khi ở đó khoe khoang, người ta rất khó tán đồng, cho dù việc chúng ta làm đều là việc tốt, thái độ đó cũng khiến người ta không thể tán đồng. Nếu như học văn hóa truyền thống, học xong đều ngạo mạn như vậy, thái độ cao như vậy, thì tôi cũng không học. Vậy cái này biến thành dùng hành vi mà chướng ngại người khác học văn hóa truyền thống, như vậy cũng không tốt.

Càng không thể dùng thiện hành của mình, hình như muốn đi phơi bày cái ác của người khác, như vậy không tốt. Do “Đệ tử quy” nhắc nhở chúng ta “nói người ác, là việc ác, tổn hại nhiều, tự chuốc lấy”. Quý vị ghét bỏ quá đáng ác hạnh của họ, khuyết điểm của họ, họ sau cùng chịu không nổi, núi lửa bùng nổ, ngày càng thậm tệ, có thể chính mình không chừng cũng phải gặp họa.

“Đừng lấy thế của mình mà khốn khó người”, đừng vì chính mình có khá nhiều tài năng, từ “khốn khó” này giống như đi dày vò người khác, bỡn cợt người khác, thể hiện năng lực của mình rất mạnh, đè người khác xuống, khiến người ta không có chỗ dung thân, cái này không tốt. Cho nên có câu nói rằng, quân tử có 2 hành vi hổ thẹn, “quân tử hữu nhị sỉ”. Hổ thẹn thứ nhất, khoe khoang tài năng của mình. Khoe khoang tài năng của mình, đây không phải đệ tử của thánh hiền, quá ngạo mạn, cho nên đây là điều hổ thẹn, “căng sở năng”; “sức sở bất năng”, “sức sở bất năng” là che đậy cái kém của mình, che đậy sai lầm của mình, đây cũng là điều hổ thẹn, không thành thật, không biết sửa lỗi còn đi che giấu, cứ ưa sĩ diện. Cái này tức là tập khí của bản thân quân tử, cái này phải cảm thấy hổ thẹn mà sửa đổi, biết hổ thẹn, “biết hổ gần với dũng”, mới khơi dậy dũng khí của mình mà sửa. Thật ra chúng ta nói, khoe khoang năng lực của mình, thì phải dần dần dùng sự khiêm tốn mà điều chỉnh. Thật ra một người hễ ngạo mạn, khoe khoang, năng lực của họ không lên cao được, quan hệ nhân tế của họ chắc chắn rất kém, ai thích ở chung với người ngạo mạn đâu?

Chúng ta phải hiểu, “phước điền tâm canh”, quý vị có tình thương, là phước điền; quý vị có tâm tự tư tự lợi, quý vị tổn hại tâm người khác, nó không phải phước điền, là cái gì? Là họa. Quý vị có tâm cung kính là phước điền. Ngạo mạn là đang tổn phước của mình, là gây họa cho mình. Cho nên “ân điền”, tình thương này, thương người có ơn với mình là ân điền; thương người đáng thương, người cần giúp đỡ, đây là “bi điền”. Tiếp đó, cung kính người khác, cung kính tất cả người sự vật, đây là “kính điền”, mới có phước, đều không rời cái tâm này. Chính mình có thiếu sót, hiếu học là được, sao phải che đậy chứ? Cho nên “Đệ tử quy” dạy chúng ta “nếu che đậy, càng thêm tội”. Quý vị không thể nào học “Liễu Phàm tứ huấn”, quên mất “Đệ tử quy”, phải thường xuyên ôn tập, “ôn cố tri tân”, thường xuyên có thể thọ dụng. Đây là 2 điều hổ thẹn.

“Quân tử hữu nhị ác”, là 2 ác hạnh nào? “Tật nhân chi năng”, đố kị tài năng của người khác, kế đó là đi hủy báng, còn đi làm hại họ, sỉ nhục họ, tội này sẽ càng lớn, “tật nhân chi năng”. Sau đó “hình nhân sở bất năng”, cái này tức là ác hạnh. Đừng đố kị người khác, phải làm sao? Giúp người thành tựu. Họ làm được việc tốt, quý vị vui mừng như họ, quý vị còn vui hơn họ, quý vị tùy hỉ công đức, tâm này của quý vị hết sức đáng quý, có phước báo. Việc người ta không làm được, quý vị phơi bày nó ra, khiến người ta rất khó xử. Chúng ta vừa nói, “nói người ác” tức là như vậy. Phải nên thế nào? Người ta không làm được, phải bao dung, kế đó là gì? Giúp đỡ họ. Cho nên, người ngạo mạn làm sao sửa? Người quý vị coi thường, quý vị đi giúp họ, sự ngạo mạn này dần dần sẽ thay đổi, tâm lượng quý vị sẽ ngày càng rộng mở.

Tiếp theo, sống chung với người, phải nên tán thưởng năng lực của người khác, quý vị sẽ học được điểm mạnh của họ, phải không? Cho nên quý vị coi, tâm cảnh này đối với thọ dụng của bản thân khác biệt quá lớn. Và chúng ta nói “tật nhân chi năng”, làm sao sửa? Quý vị đố kị năng lực họ tốt hơn mình, tóc đen hơn mình, lại có mắt hai mí, rất ganh tỵ, quý vị chi bằng ra sao? Tán thán cái tốt của họ, tán thán cống hiến của họ, quý vị từ từ tán thán, từ từ tán thán, tâm giúp người thành tựu vốn có của quý vị sẽ được thức tỉnh. Tất nhiên, quý vị lúc đầy, đối với người mình đố kị, quý vị tán thán họ sẽ thấy toàn thân nổi da gà, nhớ xong việc phải đi quét dọn cho sạch là được.

Cho nên muốn sửa một thói quen xấu, nó là một quá trình, không phải một lần là sửa được. Có thể khi tán thán lần thứ nhất, rất ngượng ngùng, muốn bị chuột rút, nhưng dần dần từ từ quý vị sẽ rất tự nhiên. Điều này đối với sự mở rộng tâm lượng mình có thọ dụng rất lớn. Cho nên “tật nhân chi năng”, tức là cái tốt của người cũng vui mừng như cái tốt của mình vậy. Còn “hình nhân sở bất năng”, tức là biến thành tán thán, khẳng định thế mạnh của người khác, sau đó đi giúp đỡ điểm yếu của họ. Thật ra nếu như người ta bình tâm lại, khi tâm chúng ta đi cùng sự ngạo mạn, đố kị, làm sao hạnh phúc vui vẻ được? Ngược lại tâm thái chúng ta tương ứng với sự lương thiện, tương ứng với bổn thiện của chúng ta, tương ứng với sự khiêm tốn, với kính yêu, thì lúc đó bản thân mình sẽ rất vui vẻ. Gọi là “làm thiện vui nhất”, “giúp người là vui”.

Tiếp theo tiến một bước nói rằng:

“Che đậy tài trí”.

Khiêm tốn, không khoa trương, không khoe khoang tài hoa và sự thông minh trí huệ của mình. Trên thực tế chúng ta nghĩ coi, con người thật ra cũng không có gì để ngạo mạn. Thánh hiền nhân rất khiêm tốn, chúng ta so với họ còn kém xa như vậy, sao còn dám ngạo mạn chứ? Kế đó, bản thân chúng ta bình tâm nghĩ lại, ngày nay đã khởi mấy ý niệm sai lầm, ngày nay đã nói sai mấy câu, ngày nay đã làm sai mấy việc? Khi nên cười thì không cười, khi không cười thì lại cười, là sai rồi. Thật sự như vậy, cho nên có lúc nói đùa quen rồi, không khí đó không thích hợp để nói đùa, họ còn ở đó đùa, khiến người đương sự rất khó xử.

Ví dụ có lần, có đồng nghiệp giúp tôi rót nước, đó là nước nóng, kết quả rót rót rót không cẩn thận rót trúng tay tôi, rất là nóng, vừa nóng vậy thì bắt đầu đau, rất tê. Kết quả một đồng nghiệp khác bắt đầu nói một số chuyện cười, cho người làm phỏng tay tôi nghe. Khi anh làm phỏng tay tôi, anh đã rất khó xử rồi, phải không? Anh kia còn ở đó nói chuyện cười. Sau đó tôi hỏi đồng nghiệp nói đùa kia, tối hôm đó tôi liền hỏi anh, tôi nói “Hôm nay anh nói sai rồi, có biết không?”, anh nhìn tôi một cách rất ngu ngơ. Cho nên người ta mỗi ngày nói lời gì sai, làm việc gì sai, đều không biết.