Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 28A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 28A

Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!

Khóa học “Liễu Phàm tứ huấn” của chúng ta, hôm nay “Phương pháp tích thiện” hạ màn kết thúc, bước vào “Lợi ích khiêm cung”.

“Phương pháp tích thiện” lần trước nói tới cương lĩnh thứ 9 của hành thiện: Kính trọng tôn trưởng. Cho nên cha mẹ trưởng bối trong gia đình, lãnh đạo trong đoàn thể, kể cả đồng nghiệp lớn tuổi, chúng ta đều nên cung kính thương yêu. Sau đoạn giáo huấn này có nói tới, “sự quân như thiên, cổ nhân cách luận, chỗ liên hệ nhất tới âm đức”, thật ra mỗi người mỗi ngày, họ có thể cung kính trưởng bối, sẽ tích được rất nhiều âm đức. Nhưng nếu như lơ là thái độ xử sự quan trọng, chừng mực làm người này, thì có thể một ngày sẽ tổn rất nhiều phước báo, cho nên phải thận trọng tâm địa của mình.

Chúng ta là người làm cha mẹ, làm trưởng bối, đều hy vọng cho thế hệ sau một tấm gương tốt, tích được một vài âm đức gia hộ con cháu, tuyệt đối không muốn họa hại con cháu, nhưng nếu như không hiểu lý, có thể tự mình tích lũy tội nghiệp cũng không biết. Ví dụ trong rất nhiều chi tiết cuộc sống, sự “kính trọng tôn trưởng này” rất dễ bị lơ là. Như chúng ta bây giờ điện thoại rất phát triển, gửi một tin nhắn cho lãnh đạo, “Lãnh đạo, vừa hay hôm nay em họ cháu tới, buổi chiều dẫn nó ra ngoài dạo một chút, cho nên chiều này không tới được, nói với chú một tiếng”. Tin nhắn này nghe có vẻ hình như không sai, nhưng nghĩ kĩ lại đâu không phải xin phép, đây là báo cho biết. Việc chính mình đã quyết định, sau đó báo cho lãnh đạo biết, vậy không tôn trọng lãnh đạo. Họ ở trong một đoàn thể, họ phải sắp xếp công việc, họ phải phân phối nhân lực. Quý vị căn bản không chịu báo trước, đột nhiên… Sáng hôm nay họ vốn dĩ đã định sắp xếp những công việc gì, nhận được một tin nhắn “Em họ cháu tới, buổi chiều cháu muốn xin nghỉ, không tới được, nói với chú một tiếng”. Cho nên điều này trong tâm thái, thứ nhất chúng ta không thể thấu hiểu cho lập trường của lãnh đạo; thứ hai trong tâm thái cũng không đủ cung kính. Thật sự cung kính sẽ hiển lộ ra ngôn ngữ, phải nên là “Em họ cháu tới rồi, không biết chiều nay công việc có bận không? Cháu xin phép có tiện không? Nếu không được, cháu sẽ sắp xếp”. Như vậy mới là sự tôn trọng đối với lãnh đạo. Nếu như có mấy đồng nghiệp đều quyết định xong mới báo cáo lãnh đạo, vậy tôi thấy lãnh đạo này cũng đầu óc quay cuồng, tóc bạc sẽ mọc hết sức nhanh, việc đột xuất rất nhiều, khó mà ứng phó. Cho nên đối với lãnh đạo, chúng ta thái độ trong ngôn ngữ đều phải chú ý, không được thất kính.

Ví dụ nói, chúng ta góp ý với lãnh đạo, thật sự cũng là muốn tốt cho lãnh đạo, cũng là muốn tốt cho đoàn thể, tâm này là đáng quý, nhưng tâm này phải giữ gìn được. Ví dụ nói góp ý liến, lãnh đạo không tiếp thu lắm, thì chúng ta liền rất nóng vội, thậm chí bắt đầu oán trách, than thở cho đồng nghiệp nghe, than thở cho bạn bè người thân nghe. Điều này đã trái nghịch với sơ tâm muốn tốt cho lãnh đạo, muốn tốt cho đoàn thể. Không chỉ trái nghịch, sự oán trời trách người này còn tổn phước báo của mình, kế đó lại nói cho người khác nghe, nói cho bạn bè người thân nghe, đây là nói xấu trong nhà. Kết quả là gì? Khiến cho đồng nghiệp khác đối với lãnh đạo, đối với đoàn thể càng đối lập, điểm này không tốt chút nào. Cho nên người phải lý trí, phải rất bình tĩnh, mỗi một câu nói, mỗi một hành vi đối với chính mình, đối với đoàn thể là lợi hay hại, không thể làm việc theo cảm tính, việc nhỏ không nhịn ắt loạn đại mưu.

Mọi người nghĩ coi người trước đây công phu nhẫn nại mạnh hơn chúng ta rất nhiều, thật ra họ đã rèn luyện từ nhỏ. Đó là mấy trăm người chung sống với nhau, làm sao không có chuyện va chạm được, không có mâu thuẫn xung đột? Nhưng tại sao vẫn có thể chung sống hòa hợp? Có thể nhẫn nại, có thể bao dung, có thể ứng đối tiến thoái mềm mỏng, có thể không so đo, không để trong tâm, họ sẽ tập thành sự tu dưỡng như vậy, họ sẽ thời thời nghĩ cho đại cục. Mức trưởng thành của một người, sự độ lượng của họ đã rèn luyện ra như vậy. Bây giờ gia đình nhỏ, cha mẹ làm việc gì không như ý mình, nổi trận lôi đình. Vào trong đoàn thể rất khó nghĩ cho đại cục, rất khó thấu hiểu cho lập trường của lãnh đạo, cho nên thật sự nhân tài là từ gia đình giáo dục ra. Từ nhỏ tập thành sự cung kính này, những thái độ xử sự nghĩ cho đại cục này. Cho nên người kiểm soát được tâm trạng mới là trưởng thành.

Ngày nay góp ý với lãnh đạo, họ không thể tiếp thu, thì không thể có tâm trạng, , lúc này phải làm sao? Kinh điển chính là lý trí, kinh điển dạy chúng ta thế nào? “Tỏ ra vui, lời nhu hòa, khuyên không được, vẫn cố khuyên”. Quý vị nói cứ yêu cầu tôi không yêu cầu họ, thật không công bằng. Thật ra chúng ta phải hiểu ông trời rất công bằng, do phước điền nhờ tâm canh, sao không công bằng được? Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Lãnh đạo càng không hiểu quý vị, quý vị còn có thể một lòng trung thành, công đức này vô lượng vô biên.

Chúng ta coi Tỷ Can thời Chu, là người nhân từ, đó là thánh nhân, ngài khuyên hoàng đế tới sau cùng tim ngài cũng moi ra. Chúng ta tin rằng thánh nhân như vậy, ngài chắc chắn có phước lớn, phước dày phía sau, ít nhất là thăng thiên hưởng phước trời. Và nhìn vào con cháu đời sau của ngài, họ Lâm là hậu thế của Tỷ Can. Trong quá trình trưởng thành của chúng ta, nhất là người Phước Kiến chúng ta, có một câu nói là họ Lâm nửa thiên hạ, quý vị sẽ hiểu hậu thế của họ Lâm hưng thịnh thế nào. Điều này chứng minh gì? “Thử coi gia đình trung hiếu, con cháu không ai không thịnh vượng lâu dài”. Cho nên người thế gian không có chuyện bị thiệt thòi, cũng không có chuyện hám lợi. Thật sự gặp phải cảnh giới rất lớn khảo nghiệm, làm việc khó làm, nhẫn việc khó nhẫn, đức năng của mình tăng trưởng, phước báo tăng trưởng, trí huệ tăng trưởng, không thiệt thòi. Cho nên Thuấn vương đứng đầu nhị thập tứ hiếu, cảnh duyên cuộc đời chúng ta gặp phải, tuyệt đối không khó khăn bằng ngài, cha mẹ không chấp nhận ngài, còn muốn hãm hại ngài, ngài hoàn toàn kiểm điểm chính mình, như một em bé ở đó chảy nước mắt. Chúng ta nghĩ coi như một em bé một hai tuổi, hình như phạm sai lầm rồi, rất muốn tới ôm mẹ, mẹ không cho nó ôm, nó ở đó áy náy kính trọng, trong lòng không hề thấy mẹ có lỗi; thậm chí cha mẹ càng đánh nó, nó ôm càng chặt. Tâm trẻ thơ như vậy giữ gìn cả đời, sau cùng còn cảm động cha mẹ ngài. Cho nên những thánh vương này, những thánh nhân này họ hành trung, hành hiếu đều cho chúng ta nhắc nhở rất lớn. Cho nên người thời thời giữ gìn thiện tâm chân tâm này của mình ắt có thọ dụng lớn, ắt có hậu phước, không hề thiệt thòi chút nào. Người hiểu rõ điểm này, tâm sẽ bình ổn, cảnh duyên sẽ không tốt xấu, thuận theo nghịch cảnh, đều hoan hỉ đối mặt.

Phản ánh kiến nghị tốt cho lãnh đạo mà không được tiếp thu, thật ra mà nói rất bình thường. Mọi người nghĩ coi, các triều đại lịch sử mấy ngàn năm, mọi người tính coi có mấy Đường Thái Tông? Đổi một góc độ khác suy nghĩ, người khác khuyên chúng ta, chúng ta một lần là nghe sao? “Điều mình không muốn, không làm cho người”, chúng ta cũng không có không tái phạm, chúng ta cũng không phải người ta khuyên một lần liền nghe, sao lại biến thành yêu cầu lãnh đạo, yêu cầu người xung quanh phải một lần liền nghe? Cho nên chúng ta luôn luôn rất nhiều phiền não không buông được, luôn luôn do tâm thái của mình trái xa với văn hóa truyền thống, trái xa với lý trí, thuận theo tập tính của mình thì sẽ bị kẹt.

Văn hóa truyền thống thường nói, “nghiêm khắc với mình, rộng rãi với người”, chúng ta đối với mình yêu cầu nghiêm khắc, đối với người phải bao dung khoan thứ. Lãnh đạo một lần không thể tiếp thu rất bình thường, “gián bất nhập, duyệt phục gián”. Thật ra đều là tự mình thọ ích, “duyệt phục gián” từ “phục” này là nuôi dưỡng sự kiên nhẫn của chúng ta; từ “duyệt” là thấy lãnh đạo tâm trạng khá vui vẻ rồi hãy khuyên, rèn luyện khả năng quan sát nhạy bén của chúng ta. Cái này không thiệt thòi, đều là nâng cao phước báo và đức năng của mình. Kế đó chúng ta tin chắc rằng “chí thành cảm thông, đá vàng cũng mở”, trong thời đại bây giờ, người niệm niệm nghĩ cho đối phương không hề dễ. Chúng ta nghĩ coi, nếu như đời này trong những người quý vị gặp, có một người niệm niệm luôn nghĩ cho quý vị, tôi tin là có một ngày quý vị thật sự hiểu ra, quý vị sẽ hết sức cảm động, sẽ hết sức quý trọng họ. Do tim người đều làm bằng thịt, họ có cảm giác, họ nhất thời không thấu hiểu, rất thường tình, đợi tới khi họ hiểu ra, họ sẽ hết sức cảm động, họ sẽ quý trọng nhân duyên khó được này. Cho nên tục ngữ nói “chí thành cảm thông, đá vàng cũng mở”.

Lãnh đạo này chúng ta kiến nghị rồi, kiến nghị tốt, kiến nghị xong cũng phải buông bỏ, trong tâm mình đừng vấn vương. Kiến nghị là bổn phận của mình, quyết sách là bổn phận của lãnh đạo. Nếu như quyết sách không thuận theo ý mình, mình rất tức giận, chúng ta cũng cướp mất chức quyền của họ. “Quân tử suy nghĩ không vượt chức trách”, bổn phận mình đã làm tròn, mình tâm an lý đắc. Nếu như lãnh đạo không làm theo kiến nghị của mình, mình liền rất nóng giận, biến thành ý niệm khống chế, ý niệm chiếm hữu của chúng ta, thậm chí biến thành đối lập, đối lập với lãnh đạo, nhìn họ thế nào cũng không thuận mắt. Cho nên những bổn phận, đạo lý này đều phải hiểu rõ ràng, hiểu không rõ ràng một ý niệm sai rồi có thể tự mình tâm trạng một hai tháng sẽ rất không tốt, rất có thể tự mình chướng ngại chính mình, tự mình chuốc khổ cũng có thể. Cho nên lý đắc tâm an, người thế gian sao có thể mỗi một việc, việc gì cũng như ý, cũng thuận theo ý chúng ta, không thể nào. Nhưng làm sao trong cảnh cuộc đời thường có tám chín phần việc không như ý vẫn có thể lý đắc tâm an, tức là hiểu rất rõ bổn phận và chừng mực xử sự của chính mình. Tròn bổn phận liền buông bỏ, đừng vấn vương nữa. Lúc nãy vừa trao đổi với mọi người thái độ của người làm thần tử.

Nói thẳng ra, không chỉ cấp dưới phải tôn trọng lãnh đạo, lãnh đạo cũng phải tôn trọng cấp dưới. Rất nhiều người học văn hóa truyền thống, có lúc trong tâm có phần không quân bình. Ví dụ, cái này sao cứ luôn yêu cầu người nữ chúng tôi, không yêu cầu người nam? Sao cứ yêu cầu cấp dưới chúng tôi, không yêu cầu lãnh đạo? Sao cứ yêu cầu em trai, không yêu cầu anh trai? Sao cứ yêu cầu con cái, không yêu cầu cha mẹ? Thật ra kinh giáo là viên dung, đối với mỗi người đều có yêu cầu, hơn nữa tâm thái học tập phải nên nhìn thấy yêu cầu chính mình, cải chánh mình mà không cầu người, không thể đi yêu cầu người khác. Nếu không hễ yêu cầu người khác, chính mình lại làm không tốt, lại bị người ta oán, bị người ta bất mãn. Khổng Tử cũng đã nói “thân mình chánh, không lệnh cũng làm”, phải nên yêu cầu chính mình làm tốt, người khác tự nhiên sẽ khâm phục, cảm động, noi gương. Đạo gia cũng nói “chánh kỉ hóa nhân”, sự hóa đó là cảm hóa tự nhiên, không phải khống chế, không khắt khe yêu cầu.

Chúng ta coi trong “Giáo khoa đức dục” có nhắc tới, người nữ yêu cầu 4 đức: Phụ đức, phụ công, phụ ngôn, phụ dung. Người nam yêu cầu 300 lễ nghĩa, 3000 uy nghi, cho nên đối với người nam yêu cầu cũng rất nhiều. Kể cả quan hệ quân thần, nếu như bây giờ lãnh đạo thật sự noi gương cổ thánh tiên vương, người làm lãnh đạo còn yêu cầu nhiều hơn thần tử. Chúng ta coi trong lịch sử một hoàng đế một thiên tử, sử trái ghi sự, sử phải ghi lời, một câu nói cũng không được nói bừa, toàn bộ đều ghi chép lại, rất nghiêm khắc. Kế đó, hoàng đế ba bốn giờ đã lên triều sớm, mỗi ngày như vậy, dậy sớm như vậy để phục vụ chúng sanh thiên hạ. Không chỉ họ, con cái họ tất cả đều phải dậy sớm đọc sách. Cho nên làm vua khó, không hề dễ. Cho nên trên làm dưới theo, thật ra một câu này cũng đã thể hiện ra sự yêu cầu càng nghiêm khắc đối với người lãnh đạo, bao gồm chúng ta học “quân đạo”: Thang vương nói, vạn phương có tội, tội tại trẫm đây”. Cho nên người lãnh đạo đều phải có những tâm thái này, họ mới có thể thật sự e dè lo sợ thận trọng đối với việc họ phụ trách mà làm cho viên mãn, không lạm dụng quyền lực, không dùng tập khí của họ để làm việc.

Trong thời đại này chúng ta đi yêu cầu, chỉ trích người khác, thật ra mà nói là chúng ta không đủ hậu đạo, quá hà khắc, tại sao? “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức”, người mấy đời nay học văn hóa truyền thống không đầy đủ, thậm chí chưa từng học. Chưa từng học chúng ta còn khắt khe yêu cầu, chúng ta sẽ không hậu đạo, tại sao ngay cả cái này cũng không hiểu? Họ nói cha họ chưa dạy, quý vị nói đi tìm cha họ. Kết quả cha họ nói, cha họ cũng chưa dạy. Được, đi tìm ông nội họ. Ông nội họ nói, tôi cũng chưa từng học, vậy đi tìm ông cố của họ. một nhóm người chúng ta đứng trước mộ, còn phải tiếp tục lý luận sao? Cho nên thời đại này người nghe thánh giáo là người có phước báo, cũng là người có trách nhiệm, quý trọng phước báo này và tạo phước cho càng nhiều người xung quanh, giúp họ nghe thánh giáo, giúp tất cả bi thương gia đình xã hội của cả dân tộc chúng ta do chưa được học thánh giáo sẽ được ngăn lại từ chúng ta, sẽ không tiếp tục ác hóa, sẽ không khiến lão tổ tiên chảy nước mắt nữa, mau mau coi giáo huấn của họ như bảo vật mà kính trọng, mà thâm nhập, là đúng rồi.

Mạnh Tử nói rằng “thương người thì được người thương, kính người thì được người kính”, cho nên lãnh đạo phải nên kính trọng người bên dưới. Trong “Trung dung” có nói rằng, cai trị thiên hạ quốc gia có 9 cương lĩnh quan trọng, trong đó chúng ta thấy rằng “kính đại thần, thể quần thần, tử thứ dân, lai bách công, nhu viễn nhân, hoài chư hầu”. Quý vị coi trong cách làm đó đều là thương, đều là cung kính, đều là tâm kính yêu. Khi cấp dưới cho chúng ta kiến nghị, đúng hay không thì chưa nói vội, lòng thương yêu chúng ta, tâm thương yêu đoàn thể của họ, cái đó hết sức quý giá, trước tiên phải khẳng định lòng trung của họ. Tục ngữ nói “sĩ nhân chết vì tri kỉ”, quý vị có thể thấu hiểu lòng trung của họ, trung thần đó sẽ giao tâm, sẽ thành một thể, sẽ một lòng mưu phước vì đoàn thể, vì quốc gia xã hội. Thứ nhất phải khẳng định lòng trung của họ. Kế đó, cấp dưới kiến nghị chắc chắn là việc tốt lớn. Trước tiên họ góp ý không đúng, mình không phạm lỗi, đoàn thể không tổn thất, cảm ơn họ; thứ hai họ góp ý đúng, cách nghĩ của mình cũng không sai, 2 người hợp lại, mấy người hợp lại tham khảo ý kiến chẳng phải càng viên mãn sao? Không có gì xấu! Đối với bản thân người lãnh đạo lại tập thành sự tu dưỡng tiếp nạp khuyên gián. một đoàn thể một triều đại sắp hưng thịnh nhất định sẽ có một khí tượng, có một điềm báo, tức là một lãnh đạo khiêm tốn thọ giáo, chắc chắn là điềm báo hưng thịnh; lãnh đạo không thể tiếp thu khuyên gián, chắc chắn là điềm báo suy bại. Điều này trong ví dụ lịch sử chắc chắn thời thời đều như vậy. Trong “Quần thư trị yếu” nói “Thang Vũ vì ngay thẳng mà hưng, Kiệt Trụ vì a dua mà vong”. Thương Thang Vũ vương tại sao hưng thịnh? Thần tử bên dưới họ vì mưu phước trạch quốc gia, có thể thật sự nêu ra vấn đề, Thương Thang đều có thể bao dung, cũng không thấy họ không nể mặt ngài, cho nên đã hưng thịnh. Kiệt Trụ, Hạ Kiệt, Thương Trụ, thiên tử triều Hạ và những năm cuối triều Thương, a dua mà vong, người bên dưới không dám nói, người nói đều bị họ giết, cho nên sau cùng là vận mệnh vong quốc.

Cho nên cấp dưới khuyên đều là việc tốt. Khuyên đúng thì chúng ta không phạm lỗi. Góp ý đúng nhưng chúng ta cũng không sai, mọi người tham khảo ý kiến. Kế đó, họ thật sự nhìn nhận sai lầm, cũng là việc tốt, do họ nêu ra chúng ta mới biết những suy nghĩ nào của họ cần nhắc nhở, dẫn dắt họ, chẳng phải đã mượn việc này mà đào tạo cấp dưới của mình sao. Thật ra một lãnh đạo giá trị lớn nhất của họ nằm ở đâu? Không ở chỗ họ làm được rất nhiều việc, đây là bề mặt mà thôi, ở chỗ họ ở vị trí này đào tạo ra mấy nhân tài như họ, đây mới là cống hiến lâu dài cho đoàn thể. Cho nên tục ngữ nói “bất hiếu có 3 tội, vô hậu lớn nhất”, một người làm cha mẹ đời này địa vị thành tích xã hội rất huy hoàng, kết quả thế hệ sau không dạy tốt, bại gia, thành tựu của họ không chỉ bằng 0, mà có thể còn bị âm, có thể còn làm bại hết những thứ mấy đời gia tộc để lại, thì thân phận địa vị đó của họ mấy chục năm nay rất có thể còn biến thành trò cười cho người ta. Cho nên một việc quan trọng nhất trong gia đình và đoàn thể, đào tạo thế hệ sau, đào tạo người tiếp nối. Nếu không quốc gia chúng ta ghi lại chúng ta đã làm rất nhiều việc, kết quả dưới cương vị tể tướng của quý vị không có người làm tể tướng tiếp được, quốc gia liền bại, vậy những thành tích trước đó 5 năm một0 năm của quý vị có ý nghĩa gì? Cho nên người xưa nhìn sự việc không phải nhìn trước mắt mà thôi, nhìn rất sâu xa. Cho nên nhờ những cấp dưới này trực tiếp nêu ra, quý vị có thể nhìn thấy tài tánh của một người, nhìn thấy lòng trung của một người, nhìn thấy tư duy thiếu sót của một người, liều nâng đỡ họ. Cho nên chúng ta coi mấy góc độ phân tích này, cấp dưới góp ý đâu có gì xấu, tất cả đều là việc tốt.

Cấp dưới góp ý, phản ứng của lãnh đạo chính là tu dưỡng. Họ góp ý, tốt tốt tốt, đóng góp tốt lắm, tôi về suy nghĩ kĩ lại, coi một chút. Nói xong đá chìm đáy biển không có phản ứng gì, thành ứng phó. Mỗi ngày họ ở đó ngóng trông, sau cùng có thể họ sanh tâm nghi ngờ chúng ta, nói sẽ trả lời cho mình mà không thấy tăm hơi. Bản thân chúng ta sẽ thành ra thờ ơ với việc này, thờ ơ với cấp dưới. Cho nên tâm cung kính của lãnh đạo cũng rất then chốt, quý vị tôn trọng họ, có hồi ứng, họ hễ được tôn trọng sẽ càng tích cực làm tròn bổn phận của họ, quý vị đã khơi dậy sĩ khí của họ. Góp ý quý vị phải hồi ứng, khi hồi ứng phần tốt phải khẳng định, phần họ sai lạc thì mau chóng dẫn dắt họ, nói rõ cho họ. Hơn nữa thời đại bây giờ lúc nào cũng phải nhắc nhở lẫn nhau, ví dụ cũng nói với cấp dưới, ý kiến của anh rất tốt, nhưng bây giờ còn những góc độ khác anh phải suy nghĩ, xin anh tôn trọng chức quyền của tôi, quyết định của tôi, nhắc nhở lẫn nhau một chút. Không thể lãnh đạo ra quyết định, không hợp ý họ, họ lại không hoan hỉ. Cho nên sự kính trọng tôn trưởng này đều phải thực hành trong mỗi việc trong cuộc sống, bao gồm trong mỗi khởi tâm động niệm của chính mình.

Tiếp theo chúng ta coi cương lĩnh tích thiện thứ một0:

“Thế nào là thương tiếc vật mạng”.

Sự “thương tiếc vật mạng” này, chúng ta hiểu được phước điền tâm canh của một người, thương tiếc vật mạng đã bao gồm bi điền, cũng bao gồm kính điền. Phước điền chia thành 3 loại, thương tức là từ bi, bi điền; tiếc là trân trọng, họ sẽ không chà đạp nữa, cái này cũng là cung kính, sự cung kính với tất cả người sự vật, nhất là tiết kiệm vật phẩm, không chà đạp, cái này cũng là kính điền; thật ra cũng là có ân điền, do họ rất quý trọng, đó chính là tri ân báo ân, giống như cha mẹ anh chị em tặng đồ cho chúng ta, chúng ta hết sức cảm niệm ân đức đó, cho nên thương tiếc vật mạng tức là một thái độ xử sự hết sức tương ứng với cả phước điền

Tiếp đó kinh văn nói:

“Phàm người sở dĩ được gọi là người, chỉ vì có tâm trắc ẩn mà thôi”.

Chỗ khá khác biệt giữa con người và tất cả sinh linh, động vật, tức là con người có đức hạnh, và then chốt có thể liệt thành thiên địa nhân tam tài là ở chỗ tâm trắc ẩn mà thôi. Chúng ta thường nói “ông trời có đức hiếu sinh”, con người noi gương mới có thể thành tam tài. Cho nên người tu nhân đạo, hợp với lòng trời, hợp với đạo trời, có thể khế nhập cảnh giới thánh hiền trời người hợp nhất. Bắt tay từ đâu? Tức là từ thương tiếc sanh mạng, bồi dưỡng tâm trắc ẩn. Cho nên tiếp đó kinh văn nói:

“Cầu lòng nhân hậu tại đây”.

Thật sự đời này người trí thức muốn khế nhập đại đạo nhân ái, tức là thời thời nâng cao tâm trắc ẩn, giữ gìn tâm trắc ẩn.

“Tích đức cũng tại đây”.

Người rất nỗ lực tích lũy công đức cũng là hạ công phu tại đây. Tiếp theo cụ thể trong kinh văn nói rằng:

“Chu lễ, mạnh xuân chi nguyệt, hy sinh vật dụng tẫn”.

Trong “Thập tam kinh” nói về phần lễ có 3 kinh, “Chu lễ”, “Nghi lễ” và “Lễ kí”, “Chu lễ” là hiến pháp đầy đủ nhất, có trí huệ nhất toàn thế giới. Cả nền văn minh mấy ngàn năm của chúng ta, hiến pháp mỗi một triều đại, đại pháp của quốc gia, đều y chiếu nguyên lý nguyên tắc mà “Chu lễ” đặt ra. Trong đó nói rằng mạnh xuân chi nguyệt, mạnh xuân là tháng giêng âm lịch, gọi là mạnh xuân, như anh em xếp vị trí anh cả thì dùng chữ Mạnh, Mạnh Trọng Thúc là cái này, hoặc là Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Lý Tôn, đều là xếp theo thứ bậc. Mạnh Thúc Lý cái này là thứ bậc trước sau, Mạnh là xếp thứ nhất, cho nên tháng giêng âm lịch. Cúng tế trong tháng giêng, “hy sinh” tức là chỉ vật cúng, vật dụng tẫn, khi cúng tế không dùng súc vật giống cái, từ “tẫn” này là chỉ giống cái. Tại sao? Vì gia súc giống cái có thể đang mang thai, cho nên thương xót nó có thể đang mang thai, một con giống cái mang thai, bên trong nó có thể có 3 sanh mạng, 5 sanh mạng cũng không chừng, đây cũng là một lòng trắc ẩn. Tiếp đó:

“Mạnh Tử nói, quân tử viễn pháo trù. Để giữ tâm trắc ẩn của mình vậy”.

Trong giáo huấn của Mạnh Tử có nói rằng “quân tử viễn pháo trù”, viễn là tránh xa, pháo trù là bếp núc, nhà bếp khó tránh việc nấu thịt. Thật ra trong gia đình thời xưa, một năm có thể ăn thịt khoảng ba lần hai lần vậy thôi, tết xuân, và tết trung thu hoặc những dịp tết lớn, bình thường thì không ăn thịt, đâu có như chúng ta bây giờ bữa nào cũng có rất nhiều thịt để ăn. Đoạn này Mạnh Tử nói rằng, quân tử này không đành lòng nghe thấy, nhìn thấy cảnh tượng sát sanh. Những giáo huấn này “để giữ tâm trắc ẩn của mình”, là bảo toàn tâm trắc ẩn của bản thân.

Tôi đã từng phục vụ trên núi, có một hôm trường học có một con heo đen, vừa hay sắp bắt giết nó. Con heo đen đó có thể cảm giác được, khi còn chưa giết nó đã gào khóc. Tôi vừa hay dạy học trong trường, hôm đó nghe thấy tiếng kêu đó, cả ngày đều rất đau buồn. Cho nên đọc được đoạn này của Mạnh Tử thật sự có cảm giác, “quân tử viễn pháo trù, giữ tâm trắc ẩn của mình”.

Tiếp đó kinh văn nói:

“Tiền bối có 4 giới không ăn”.

Các vị tiền bối nhắc nhở những hậu bối chúng ta, trong những tình hình này không được ăn thịt, đây đều là cách bảo toàn tâm trắc ẩn của mình. Bốn cảnh nào không ăn? Thứ nhất:

“Là nghe giết không ăn”.

Nghe thấy tiếng kêu nó bị giết thì không đành lòng ăn. Nó là tứ bất thực, cái này so với Phật môn tam tịnh nhục nhiều hơn một điều, nhiều hơn điều nào?

“Không ăn thứ mình nuôi”.

Tự mình nuôi lớn nó thì không ăn, cái này tôi hết sức có cảm xúc. Từ nhỏ tôi thích nuôi bồ câu, bồ câu mẹ sanh bồ câu con, vừa sanh ra lông cánh không có, trần như nhộng, nhìn nó từ từ lông cánh đầy đủ, học bay, cậu chủ nhỏ tôi đây cùng nó tập bay, có con linh tánh rất cao, nó bay bay bay bay còn đậu trên vai quý vị, rất thân với quý vị. Lúc đó tôi học tiểu học lớp 2, lớp 3 gì đó, tự mình nuôi nó lớn khôn, kết quả các cụ trong nhà nói muốn tẩm bổ, liền nhắm trúng bồ câu tôi nuôi. Các cụ trong nhà cần, chúng tôi cũng không dám nói không, liền bắt đi hầm thật. Thật ra mà nói lúc trước cũng không hiểu, nếu là bây giờ thì có thể câu thông, những thực vật này dinh dưỡng còn phong phú hơn nó, hà tất gì nhất định phải sát hại những sanh mạng này chứ? Kết quả đi tẩm bổ, rồi hỏi tôi ăn một chút nhé? Thật sự ăn không nổi, đã dùng tình thương nuôi chúng lớn khôn, sao có thể đành lòng ăn chúng chứ? Cho nên đây là “không ăn thứ mình nuôi”.

“Thấy giết không ăn”.

Khi giết nó quý vị nhìn thấy, không đành lòng ăn. Cái này tôi vừa nói tới đây liền nhớ lại hồi nhỏ, nhìn thấy giết gà, thật sự không đành lòng ăn. Cho nên đã từng chia sẻ với mọi người chúng ta là “muốn cho người, hỏi mình trước”, muốn cho vật, hỏi mình trước. Vậy chúng ta không muốn người ta giết chúng ta, chúng ta cũng không nên đi giết người ta; chúng ta không muốn người ta làm hại sanh mạng chúng ta, chúng ta cũng không nên làm hại sanh mạng động vật.