Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 5A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 5A

Các vị trưởng bối, các bạn, chào mọi người!

Tôi thấy có mấy bạn hình như là mặc đồ đi làm tới đây, không biết đã ăn cơm tối chưa? Nếu như mọi người học tập tới nỗi cơm tối cũng quên ăn, thì rất không đơn giản. Cơm thì vẫn phải ăn, không ăn sợ hại sức khỏe. Khổng Tử nói ngài “nỗ lực quên ăn, vui vẻ quên sầu”, đọc sách tới nỗi quên ăn, quên ngủ. Có thái độ hiếu học như vậy, cách trí huệ không xa nữa. “Hiếu học gần với trí”, hiếu học là hết sức then chốt, bởi vì “học như lái thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi”, cho nên chỉ có thể nỗ lực, phấn đấu tiến lên, tuyệt đối không thể giải đãi, hễ giải đãi sẽ bị thoái lui. Người xưa có để lại 1 câu cho chúng ta, “ba ngày không đọc sách, mặt mũi khả ố”, khí chất sẽ cứ mãi tuột dốc. Chúng ta bây giờ không đợi được 3 ngày, nửa ngày không đọc sách, nửa ngày không nghĩ tới những giáo huấn kinh điển này, có thể tính nóng, tâm trạng sẽ kéo tới. Rảnh rỗi thì thường đọc kinh, đừng suy nghĩ lung tung. Thường đọc kinh, sau này những câu kinh này quen thuộc rồi, lúc nào cũng có thể khởi dậy quán chiếu.

Hiếu học quan trọng, có thể cách trí huệ ngày càng gần. Sớm 1 chút có trí huệ có tốt không? Tốt. Con cái quý vị không đợi quý vị, quý vị sớm 1 ngày có trí huệ, chúng liền có phước báo, chúng có thể hiểu lý, chúng sẽ biết hành thiện. Kể cả những người có duyên với quý vị, quý vị sớm 1 ngày có trí huệ, quý vị sẽ có thể lợi ích cuộc đời của họ. “Lực hành gần với nhân”, người rất nỗ lực, người rất dụng công động lực của họ tới từ đâu? Tâm từ bi, tâm lợi nhân.

Chúng ta coi trong “Liễu Phàm tứ huấn”, “Luận về lập mệnh” là phần chủ yếu nhất, lớn nhất, tức là tiên sinh Liễu Phàm gặp được thiền sư Vân Cốc. Chúng ta cảm thấy thiền sư Vân Cốc rất từ bi, tuần tự dẫn dắt, chỉ dạy tiên sinh Liễu Phàm, giúp ông hiểu được “tất cả phước điền, không rời gang tấc”, đều phải sửa sai từ trong tâm, mới có thể thay đổi vận mệnh của ông.

Tiếp theo dẫn dắt ông, hỏi ông: “Khổng tiên sinh tính số cho ngươi ra sao?”.

“Khổng tiên sinh lấy số chung thân ra sao. Ta thực tình nói rõ”

Tiên sinh Liễu Phàm đầu đuôi ngọn nguồn nói với thiền sư Vân Cốc. Thiền sư Vân Cốc nghe xong, biết được trong số mệnh ông không thi đậu cử nhân, không thi đậu công danh, trong số lại không có con trai, không con nối dõi, không có hậu thế. Tiếp theo hỏi 1 câu rất có trí huệ, ngài hỏi lại ông: “Ngươi cảm thấy số ngươi có thể thi đậu công danh không?”.

“Vân Cốc rằng: Ngươi tự xét có thể thành công khoa cử, có con nối dõi không?”

Mọi người nghe tới đây, có tự hỏi chính mình: “Mình có thể hạnh phúc, phú quý không? Mình có thể trường thọ không? Mình có thể khỏe mạnh không?”. Có hỏi chính mình không? Quý vị sao nhìn tôi 1 cách ngây ngô? Đọc sách, lúc nào cũng phải cảm thấy mỗi 1 câu nói đều đang nói về mình, như vậy thọ ích sẽ rất lớn.

“Ta xét mình khá lâu”

Cái này tiết trước chúng ta có nói tới, tiên sinh Liễu Phàm trầm lắng lại để suy ngẫm: Mình có thể đậu khoa đệ không? Có thể sanh con không?

Mọi người một hai tuần này có ở nhà suy ngẫm 1 chút không, sau đó liệt ra, mình có thể đậu khoa đệ không? Có thể phú quý, trường thọ không? Thật ra động tác này, là 1 cơ sở quan trọng nhất để cải tạo vận mệnh, tức là biết lỗi. Lỗi ở đâu cũng không biết thì không sửa được. Mỗi ngày đều phạm lỗi lầm, đểu đang tổn phước, thì càng không thể nào có phước báo. Cái này là 1 quá trình biết lỗi, và thiền sư Vân Cốc dẫn dắt ông, gợi mở ông, để ông tự mình suy nghĩ.

Chúng tôi ở Đài Loan, thường nghe thấy cha mẹ trưởng bối nói 1 câu với con cái: Con phải khá biết nghĩ. Tôi dịch 1 chút “Con phải biết nghĩ 1 chút”, phiên dịch chút nữa là “Phải chững chạc 1 chút”, đừng có việc gì cũng không biết nghĩ, cứ làm liều 1 phen. Nhưng trọng điểm tới rồi, những người làm cha mẹ chúng ta đều dạy con cái phải biết nghĩ 1 chút, phải chững chạc 1 chút, phải suy nghĩ chu đáo 1 chút, đừng làm việc tùy tiện. Nhưng chúng ta hỏi lại mình, xin hỏi chúng ta có dẫn dắt con cái nên suy nghĩ, suy ngẫm, tư duy thế nào không? Có ở bên chúng không, khi chúng xảy ra chuyện có dẫn dắt chúng dùng lý trí, dùng trí huệ như thế nào để xử lý sự việc không? Cha mẹ chúng ta có phải bận tới mức căn bản không có thời gian trò chuyện với con cái? Không có thời gian tâm sự, quý vị làm sao dẫn dắt chúng suy nghĩ vấn đề càng chững chạc? Có người cha nói phải bầu bạn cùng con trưởng thành, ông ấy nghe xong thấy rất có lý, quay về nói “Được, tối nay ở cùng con mình nửa tiếng”, kết quả vừa vào phòng sách, điện thoại “reng…”, lại đi ra; quay lại ngồi 3 phút, “reng…”, lại đi ra. Sau đó con trai ông nói “Cha, cha khỏi ở cùng con nữa, cha ra ngoài gọi điện thoại đi”. Bầu bạn phải có thành ý, khi ở cùng người nhà điện thoại tắt đi hoặc để chế độ rung.

Tôi đã từng nghe qua 1 câu chuyện, tức là có 1 đứa nhỏ hỏi cha nó: “Cha 1 ngày cha kiếm được bao nhiêu tiền?”, kết quả cha nó nói, tính 1 chút 1 ngày mình kiếm bao nhiêu tiền, đứa con nghe xong, 1 ngày kiếm nhiều tiền như vậy. “Cha, vậy 1 tiếng đồng hồ cha kiếm bao nhiêu tiền”, người cha đem nó chia cho 8, là bao nhiêu tiền. Nó nghe xong, không nhiều như vậy nữa, nó liền rất vui. Kết quả 1 thời gian sau, cha nó cũng không hiểu rõ, thằng nhỏ hỏi mình 1 giờ kiếm bao nhiêu tiền để làm gì. Sau đó có 1 hôm, đứa nhỏ này rất vui, trong tay cầm 1 món tiền, nó nói: “Cha, thời gian này con để dành tiền lẻ, con có thể mua 1 tiếng đồng hồ của cha, nói chuyện cùng con không?”. Lúc đó tôi nghe được câu chuyện này, có thể hiểu được đứa con mong đợi sự bầu bạn của cha nó ra sao.

Điểm này tôi rất cảm kích cha tôi. Cha tôi làm việc ở ngân hàng, thật ra công việc cũng rất vất vả, có lúc công việc chưa làm xong, về tới nhà vẫn phải làm. Tôi quen thuộc cảnh ông ngồi tính tiền nhất: Giống như 1 cái quạt, xòe ra như vậy. Tới bây giờ tôi vẫn chưa học được, cho nên người không có số tính tiền. Cha tôi mặc dù rất bận, nhưng ông hết lòng cho chúng tôi có những hồi ức tốt đẹp khi trưởng thành. Điều đó đối với gia đình rất có lực hướng tâm, sẽ không lang thang bên ngoài nữa, thích về nhà, do cha mẹ đều luôn bầu bạn với chúng tôi. Nhà chúng tôi đều là công nhân viên chức, cũng không kiếm được tiền gì, nhưng cha tôi nhịn ăn nhịn mặc mua 1 cái xe, hơn nữa là xe người ta đã dùng 10 năm, mới mua xe second hand về. Cả nhà vui mừng hớn hở, mặc dù yên phía sau bị nghiêng, 3 chị em tôi ngồi vẫn rất vui. Mỗi lần ra ngoài, cha tôi đều bảo chúng tôi đi mua 1 ít đồ mình thích ăn, hoan hoan hỉ hỉ đi ra ngoài chơi.

Tôi nhớ có 1 lần tới Quan Tử Lĩnh ở Đài Nam, cái dốc đó quá cao, tính năng xe không tốt, lên dốc mà bị tuột xuống, cả nhà la lên. Bây giờ nói tới chuyện này, đó đều là kí ức đẹp đẽ. Cha tôi mua cái xe cũ, nhưng anh chị em chúng tôi hoàn toàn hiểu được tâm cha mình, tức là để chúng tôi có thể hòa hợp vui vẻ, hoan hoan hỉ hỉ ra  ngoài chơi, đều là muốn để lại cho chúng tôi những hồi ức tốt đẹp. Điều này cha tôi không có nói với tôi, nhưng chúng tôi cảm nhận được những điều này. 1 chút dụng tâm của cha mẹ, tâm con cái rất nhạy cảm, đều có thể cảm nhận được.

Chúng ta người làm cha mẹ, người làm lãnh đạo, và cả người làm thầy, giống như thiền sư Vân Cốc là người thầy rất tốt, ngài rất kiên nhẫn dẫn dắt tiên sinh Liễu Phàm, tìm ra vấn đề của ông, cải tạo vận mệnh của ông. Hơn nữa thiền sư Vân Cốc công đức vô lượng, ngài không chỉ lợi ích cuộc đời của tiên sinh Liễu Phàm, ngài còn lợi ích cho ai? Mọi người bây giờ chẳng phải đều đang đọc “Liễu Phàm tứ huấn” sao? Không có trí huệ của thiền sư Vân Cốc, hậu thế chúng ta làm sao truyền lâu vậy được? Kể cả không có tiên sinh Liễu Phàm thật sự đoạn ác tu thiện, để lại 1 quyển kinh điển này, hậu thế chúng ta sẽ không cách nào thọ ích. Thiền sư Vân Cốc có huệ nhãn, biết người này sẽ làm thật, cho nên dạy ông nhiều 1 chút, nếu không bình thường thiền sư Vân Cốc là cứ lấy bồ đoàn “ngồi”, rất ít nói.

Nếu như trong cuộc đời chúng ta có quý nhân xuất hiện, họ muốn nói nhiều với chúng ta 1 chút, đều là do chúng ta có thái độ muốn thọ giáo. Thiền sư Vân Cốc hỏi tiên sinh Liễu Phàm, ông nghe mỗi 1 câu đều suy nghĩ hết sức thận trọng, không lơ là. Sau đó không che đậy, nói hết toàn bộ, mới để thiền sư Vân Cốc chỉ đạo dễ dàng. Những thái độ này đều đáng cho chúng ta học hỏi.

Tiếp theo, sau khi tiên sinh Liễu Phàm phản tỉnh, nói rằng:

“Không thể vậy”

Ông cảm thấy mình không thể có được. Tiếp theo ông đem những suy nghĩ của mình nói ra, đem sự phản tình của chính mình nói ra.

“Người trong khoa đệ, đều có phước tướng”

Người thi đậu công danh, nhìn có vẻ đều rất có phước báo. Tôi đã từng gặp 1 ông chủ lớn, mặt ông rất tròn, dáy tai rất lớn. Dạo này tôi luôn rất cố gắng kéo nó ra, mọi người coi có lớn thêm chút nào không. Đây là cách làm không có trí huệ. Tướng do tâm sanh, phải hạ công phu từ căn bản mới có trí huệ. Còn 1 điểm nữa, tay ông rất mềm, giống như sờ vào bông gòn vậy, người có phước báo, tay rất mềm lại dày, bắt tay ông 1 lần, rất muốn bắt thêm lần nữa, tại sao? Quý vị bắt tay người ta, người ta rất muốn bắt tay quý vị thêm lần nữa, quý vị rất có duyên. Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Tất nhiên cái đó đều là người có phước báo mới có tướng mạo như vậy. Tướng mạo có thể thay đổi, có thể tu được.

Và bản thân ông phản tỉnh người ta “đều có phước tướng”, nhưng ông phước bạc. Nếu người khắc nghiệt, phước sẽ bạc. Khắc nghiệt, quý vị coi vách núi, nó không mọc được 1 số loại thực vật, cũng đều là khá hiểm trở. Giống như người nói chuyện luôn rất khắc nghiệt, cái đó là phước bạc. Vậy sẽ có tướng mạo thế nào? Tướng mạo cũng giống giống như tôi, tức là không có thịt gì hết, mặt cũng khá là ốm. Tôi đang nói tôi, không phải nói mọi người, nếu như sau khi nói rồi chúng ta cũng cố gắng, tất nhiên, tất cả những đạo lý chúng ta nói đều là cho chính mình nghe, quý vị đừng có ngày mai tới công ty “Anh phước bạc, mặt ốm o thế này, đó là Thái Lễ Húc nói”. Quý vị đừng bán đứng tôi, chúng ta hôm nay đóng cửa lại, người trong nhà kiểm điểm lại 1 chút.

Còn 1 số người họ ốm là vì sao? Người như Khổng Minh, gọi là “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, tức là những việc họ lo nghĩ quá nhiều, tiêu hao tinh khí quá nhiều, đây cũng là 1 tình hình. Mọi người không được vơ đũa cả nắm. Cho nên nếu như chúng ta rất là ốm, có thể phản tỉnh 1 chút có phải là quá khắc nghiệt. Khắc nghiệt hay không hỏi người bên cạnh là biết, nếu như người ta nhìn thấy chúng ta là bị áp lực, chắc chắn là khắc nghiệt.

Có 1 câu cách ngôn nói rằng: “Tạo vật sở kị, viết khắc viết xảo. Vạn loài tương cảm, dĩ thành dĩ trung”. Tạo vật, trời đất, những điều chúng kiêng kỵ là gì? Khắc nghiệt. Ông trời có đức hiếu sanh, quý vị không thể nghịch trời hành động. Từ “xảo” này là gì? Giở trò láu cá. Nói năng chua chát, khiến người ta không có chỗ dung thân. Đây đều rất không tốt. Khắc nghiệt trong công việc, sự xử sự của chúng ta, phải thường đi quán chiếu chính mình, tức là “nịnh trên đè dưới”. Nịnh bợ người phía trên, làm 1 số công phu bề mặt, hoặc là muốn làm cho xong việc, khiến người bên dưới mệt muốn chết, bản thân mình không màng tới tình hình của người bên dưới. Đó đều lấy danh lợi của mình mà làm động lực, đây cũng không tương ứng với lòng nhân từ của ông trời. “Nịnh trên đè dưới”, như vậy là rất khắc nghiệt. Cho nên lão tổ tiên dạy chúng ta “nghiêm khắc với mình, rộng rãi với người”, không được khắc nghiệt.

Điều này rất không hay không biết, tôi đã từng nhìn thấy, tôi đang nói chuyện với 1 người, ông là chủ quản, khi ông nói chuyện với tôi, cười tươi như hoa nở vậy. Sau đó đột nhiên ông quay đầu lại, nhìn người bên dưới “Anh làm gì đó”, làm tôi hết hồn. Ông tương đương với tốc độ trò đổi mặt của Tứ Xuyên, lập tức biến ra 1 khuôn mặt, sau khi ông mắng xong, quay lại tiếp tục cười với tôi, tôi liền nổi da gà. Cho nên cổ thánh tiên hiền giáo huấn chúng ta, cũng như trong “Lễ kí” mở đầu đã nói “không bất kính”, đối với tất cả mọi người đều phải cung kính. Tại sao? Người ta do cha mẹ sanh ra, sao có thể không cung kính chứ? Như vậy sẽ khiến cha mẹ, người nhà người ta rất buồn lòng. Tiếp theo, mỗi 1 người đều có bổn thiện, đều có minh đức, sau này họ dụng công có thể thành thánh hiền, sao quý vị không cung kính họ được, đúng chưa?

Kế đó, vạn loài tương cảm, bất luận giữa người và người, thậm chí giữa người và tất cả sanh mạng, thậm chí khoáng vật cũng có thể giao cảm, huống hồ là động vật? Tiến sĩ Giang Bổn Thắng Nhật Bản làm thí nghiệm nước đã chứng minh, tôi đã từng gặp rồi, vừa hay đang làm giảng tọa, hoa bên ngoài đều nở rồi, hơn nữa khi hoa nở, đóa hoa còn hướng về nơi lên lớp. Sanh mạng thật sự đều có thể cảm nhận được từ trường, đây là từ trường tốt. Từ trường không tốt, chỉ cần vùng này chiến tranh vừa qua, vùng đó sẽ xuất hiện cảnh mất mùa đói kém. Quý vị coi những vạn vật này đều có thể cảm nhận được, sát khí quá nặng.

Cho nên phụ huynh chúng ta học tập bài văn ngôn văn đầu tiên là bài nào? “Đại Thuấn”, có không? “Voi giúp cày bừa”, câu tiếp theo? Quý vị rất dụng công “chim giúp nhổ cỏ”, đúng chưa? Đọc tới đây. Có 1 số người bắt đầu, người bây giờ học lực quá cao, có 1 tâm hết sức nặng, tức là tâm nghi ngờ hết sức nặng, “Cái này là thần thoại, không thể nào làm được”. Mọi người tin là có làm được không? Quý vị cũng không ủng hộ tôi 1 chút, không có phản ứng gì? Tổ tiên chúng ta đều là thánh nhân, họ gạt chúng ta sao? Tôi không tin. Chúng ta người có đạo đức chút xíu, cũng không muốn lừa gạt người khác, huống hồ là thánh nhân? Hơn nữa có ghi chép trong lịch sử, đó đều do sử quan ghi lại, sử quan trước đây rất có khí tiết.

Nước Tề hồi đó có 1 người tên Thôi Trữ, giết quốc quân của mình. Kết quả sử quan ghi chép lại chuyện lịch sử này. Thôi Trữ thấy ông viết xuống, liền giết ông. Sử quan là do gia tộc kế tục lại, do cả gia đình của họ đều ở trong môi trường học lịch sử đó, họ sanh rất nhiền nhân tài, đều có thể đi làm sử quan. Kết quả giết ông mất, em trai ông tới, tiếp tục viết “Thôi Trữ giết quốc quân”. Loạn thần này lại rất tức giận, lại giết ông đi. Người thứ ba có lẽ là anh em họ của họ lại tới, tiếp tục viết “Thôi Trữ giết quốc quân”. Ông giết người cũng run tay rồi, sau đó ông muốn giết sử quan đó, sử quan nói: “Ông giết đi, người thân nào đó của tôi đã trên đường tìm tới rồi”. Đây là tổ tiên của chúng ta, họ đối với văn hóa hậu thế, người ghi chép lịch sử như họ không dám ghi điều hư ngụy, thứ giả tạo. Ngay cả mạng sống cũng không sợ, họ chỉ sợ mình dối lừa hậu thế.

Hồi đó tôi đọc được những chuyện lịch sử thời Xuân Thu này, hết sức cảm phục. Chúng ta động 1 tâm niệm nghi ngờ tổ tiên, tạo nghiệp đấy! Không chỉ tạo nghiệp, học vấn không học được. Vừa đọc “Luận ngữ” vừa nói: “Thật vậy sao?”, vậy quý vị còn đọc được sao? 1 phần thành kính được 1 phần lợi ích, 10 phần thành kính được 10 phần lợi ích.

Cho nên tục ngữ có nói: “Quân tử dĩ kì sở bất năng úy nhân”, quân tử có tu dưỡng nhìn thấy tấm gương của thánh hiền nhân, họ làm không được, họ kính sợ khâm phục người ta, họ sẽ không nghi ngờ những thánh hiền này. “Tiểu nhân dĩ kì sở bất năng”, nhìn thấy tấm gương thánh hiền nhân, bản thân họ không làm được, “cái đó là thần thoại, là giả thôi”, “dĩ kì sở bất năng bất tín nhân”, cái này là xa lệch tánh đức, nghi ngờ người khác.

Cho nên tôi nhìn thấy Đại Thuấn, voi giúp ngài cày bừa, chim giúp ngài nhổ cỏ, tôi muốn học hỏi ngài. Hồi đó tôi ở Lô Giang, ra khỏi phòng tôi là tới 1 vườn hoa. Kết quả tôi đi chưa được mấy bước, chim trong vườn tất cả đều bay mất. Tôi liền nhớ tới 1 câu, “biết hổ thẹn gần với dũng”. Do khoảng cách quá lớn, người ta thì có động vật tới giúp đỡ, còn tôi mới xuất hiện, động vật đều sợ chạy hết.

Sau đó nghĩ lại, tôi còn sánh không bằng sự tu dưỡng của những đồng nghiệp ở 29 mẩu đất ở Lô Giang. Chúng tôi canh tác 29 mẩu đất, có 1 hàng rau là chuyên cho sâu ăn. Hoan hoan hỉ hỉ để chúng tới ăn, chúng sẽ không đi ăn những rau bên cạnh. Có lúc rau bên cạnh vẫn bị đục vài lỗ, điều này khó tránh, tại sao vậy? Đó là những con sâu mới tới, chúng chưa hiểu quy củ, không thể nào trách chúng. Những con hiểu quy củ liền “Bạn qua đây, đừng làm chúng tôi mất mặt”.

29 mẩu đất của chúng tôi, do không phun thuốc sâu, hơn nữa đối với động vật hết sức lễ kính, chim đều tới 29 mẩu đất này của chúng tôi làm tổ. Hơn nữa cái tổ đó làm ở đâu? Làm rất thấp, tay quý vị cũng động tới được. Những vùng khác làm tổ đều rất cao, do sợ người ta tới phá hoại. Ở 29 mẩu đất này chúng làm rất thấp, tại sao? Chúng cảm nhận được chúng tôi sẽ không làm tổn hại chúng, sao chúng không cảm nhận được chứ? “Vạn loại tương cảm, dĩ thành dĩ trung”. Cho nên những con chim này đối với chúng tôi rất tốt, nước tốt không chảy ruộng người, phân của chúng đều đi vào ruộng chúng tôi. Sau đó làm tổ trong nhà chúng tôi, tôi phát hiện 1 chuyện rất cảm động, là gì? Trong tòa nhà chúng tôi có mấy cái tổ, nhưng trên mặt đất chúng tôi chưa từng thấy phân chim. Why? Làm tổ, nhiều chim như vậy bay trong nhà, bên trong không có phân chim. Tại sao? Bởi vì chim rất có tu dưỡng, chúng nói với con cái của chúng “Các con phải làm tốt cho mẹ, người ở đây đối với chúng ta rất tốt, chúng ta bây giờ làm tổ ở đây, họ cũng hoan hoan hỉ hỉ. Các con phải có gia giáo, đừng ngang ngược, đừng đi ngoài bừa bãi, muốn đi ngoài thì ra bên ngoài đi”.

Tôi còn nghe 1 vị hiệu trưởng Vương, hiệu trưởng Vương đã nghỉ hưu ở Malaysia chúng ta, ông có nói rằng, có chim yến làm tổ trước nhà họ. Họ rất thương yêu nó, cho nên họ đi vào nhà, con chim đó luôn rất an định, an tường. Chỉ cần có khách tới là nó bay đi, đều có thể cảm nhận được. Cho nên động vật còn có thể cảm động, huống hồ con người? Chúng ta ngày nay không thể cảm động người bên cạnh, có thể phải phản tỉnh bản thân chúng ta chưa được dịu dàng, chưa được hồn hậu.

Tiếp theo ông phải suy ngẫm rằng, tôi:

“Lại không biết tích lũy đức hạnh, để bồi phước dày”

Mỗi ngày đều không dụng tâm đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, “bồi”, từ “bồi” này là vun trồng, tích lũy, không có tích phước khí của mình.

“Lại không nhẫn phiền toái. Không biết bao dung”

Hơn nữa không chỉ chính mình không hành thiện, còn không kiên nhẫn, thường dễ gấp gáp, dễ nổi nóng, lại không thể bao dung lỗi lầm người khác, hoặc là bao dung khuyết điểm người khác. “Không biết bao dung”. Người xưa nói rằng “bụng tể tướng có thể chèo thuyền”, câu này ngoài việc nói với chúng ta tể tướng rất là độ lượng, còn nói với chúng ta, cũng chỉ có người độ lượng như vậy mới có thể có phước báo làm tể tướng. Tại sao? Lượng lớn phước lớn.

Trong lịch sử, vào thời Tống có 2 danh tướng: Hàn Kì, Phạm Trọng Yêm. Mọi người biết không? Phạm Trọng Yêm quý vị khá là quen, Hàn Kì quý vị không biết, thì nhất định phải làm quen với ông.

Hàn Kì, Hàn Công, ở trong quân đội ông làm chủ soái. Có 1 hôm sĩ binh giúp ông cầm nến, do lúc đó chưa có đèn điện, cầm nến ông mới viết chữ được, mới đọc sách được. Kết quả sĩ binh này đang cầm thì có phần bị phân tâm, không chú ý, lửa cháy bén mai tóc của ông. Quý vị là tướng quân, tiểu binh cầm nến làm cháy mai tóc quý vị, quý vị sẽ ra sao? Quý vị coi sự tu dưỡng là ở giây phút đó, Hàn Công liền đưa tay dập đi… tiếp tục đọc sách, tiếp tục làm việc. Không có bất kì sự không vui nào, tiếp tục đọc sách, giống như không việc gì xảy ra. Kết quả 1 lúc sau, hình như ông cảm thấy có chuyện gì đó, ông nhìn lại sĩ binh của mình – đổi người khác rồi, người lúc nãy bị đổi đi mất. Ông liền gọi cán bộ đó lại: “Sao ngươi đổi người đó đi rồi?”. “Hắn cầm lửa làm cháy nguyên soái”. Hàn Kì nói “Ngươi mau điều hắn lại đây, hắn đã học được cách làm sao không làm cháy ta nữa rồi”. Hơn nữa mọi người dụng tâm nghĩ 1 chút, nguyên soái, làm cháy nguyên soái, người bên dưới nếu muốn lấy lòng nguyên soái, có phải sẽ đánh anh ta mấy chục hèo không? Đánh tới nội thương luôn. Cho nên điều anh ta trở lại, anh ta sẽ không bị xử phạt, suy nghĩ rất xa.

1 tướng quân khai quốc triều Tống, tên Tào Bân, tướng quân này cũng rất đáng quý. Hồi đó khi ông sắp thu phục 1 thành trì, thì bị bệnh, ông giả bị bệnh. Sau đó những đại tướng bên dưới ông đều tìm tới: “Tướng quân ngài bệnh rồi”. “Bệnh của ta chỉ có các ngươi chữa được”. “Chữa thế nào?”. “Các ngươi phải nhận lời ta, vào trong thành không được cuồng sát người nào”, sau đó uống máu ăn thề. “Nào, uống! Tuyệt đối không được loạn sát bất kì sanh mạng vô tội nào”, đây là Tào Bân. Hậu thế của võ tướng đều không tốt, nhưng hậu thế của Tào Bân, cháu gái ông làm hoàng hậu. Do ông không giết người bừa bãi, hơn nữa còn cứu sống không ít người.

Có lần 1 tiểu binh của ông phạm lỗi, bị phán tội, cũng là phán mấy chục hèo. Kết quả ông dặn dò bên dưới, nói là sang năm sẽ phạt. Mọi người nghĩ tới việc này đều rất khó hiểu “Bây giờ phạm lỗi tại sao sang năm mới đánh?”, không hiểu được mới hỏi ông. Tào Bân nói: Sĩ binh này vừa mới kết hôn, lúc này mà đánh anh ta, người nhà họ sẽ nói “Là do cái sao chổi này vào mà hại, mới lấy chưa được mấy ngày con trai mình đã bị đánh rồi”, cô con dâu đó có thể cả đời sẽ không có ngày tháng an ổn. 1 tướng quân lại thông cảm cho sĩ binh của mình chi ly tới vậy, cái đó là nhân hậu. “Để bồi phước dày”. Cho nên Tào Bân này rất lợi hại.

Chúng ta thường nhìn thấy phong phạm của những thánh hiền nhân này, người thật sự tu dưỡng, sẽ rất độ lượng, biết nhiều lại độ lượng. Quý vị đọc những chuyện lịch sử này sẽ có kiến thức ngày càng nhiều, ngày càng độ lượng. Tại sao? Do con người có tâm hiếu thiện hiếu đức, muốn học hỏi họ. Đây là lời đại Nho Trình Hạo thời Tống đã nói “Thức cao tắc lượng đại”.

Lại có 1 lần, Hàn Công, vừa hay có người đem 2 chiếc ly ngọc, cả cái ly đều làm bằng ngọc, sau đó cho ông. Ông dùng ngân lượng rất hậu hĩnh trả cho người đó, ông tuyệt đối không hám lợi tơ hào của người ta, rồi thu lại 2 cái ly ngọc này, mỗi lần trong nhà có khách tới, ông rất nhiệt tình chiêu đãi khách khứa, lấy ly ngọc này ra đãi khách. Có lần khi đang chiêu đãi những tào vận này, tức quan viên liên quan tới hàng thủy, đột nhiên có 1 tiểu quan nọ không cẩn thận làm vướng khăn trải bàn, kéo theo 2 cái ly ngọc rớt xuống bể mất. Ông tốn rất nhiều tiền, bể ngay tại chỗ, tất cả khách khứa đều nhìn ngẩn ra, sau đó tiểu quan đó sợ tới phát run, liền quỳ xuống. Hàn Công không có hề chấn động, sau đó còn cười mà nói: “Phàm là vật phẩm đều có lúc phải hư, thời gian của nó tới rồi phải hư thì nó sẽ hư. Cho nên cái này rất bình thường. Ngươi do bất cẩn mà ra, ngươi lại không phải cố ý, ngươi không có tội gì hết, nào, mau mau đứng lên”. Tu dưỡng rất tốt. Tất cả những thứ bên ngoài này, những thứ vật chất này đều không đem theo được, tuyệt đối không để trong tâm, không biến thành gánh nặng trong tâm.

Chuồng ngựa trong nhà Khổng Tử bị cháy, ngài không hỏi ngựa có sao không, trước hết ngài hỏi người có bị thương không. Những vật chất bên ngoài này ngài không để trong tâm, niệm niệm đều là tâm nhân từ, tâm khoan dung. Chúng ta học tập những tấm gương thánh hiền nhân để lại cho chúng ta, phải nhẫn nại, phải biết bao dung. Hơn nữa sự nghiệp cả đời của 1 người lớn hay nhỏ, tỉ lệ với sự nhẫn nại của họ, con cái quý vị càng nhẫn nại, sau này chúng thành tựu càng lớn; càng độ lượng, thành tựu cũng càng lớn. “Quán đức tại nhẫn, quán phước tại lượng”, nhìn đức hạnh của 1 người từ thái độ nhẫn nại, sự tu dưỡng nhẫn nhục của họ. Nhìn phước khí của họ thì sao? Từ sự độ lượng của họ mà nhìn.

Các bạn, 2 câu nói này quý vị đã từng chia sẻ với bạn bè người thân mình chưa? Quý vị đều bỏ nó trong rương hết rồi. Mọi người phải biết, tài bố thí được tài phú, pháp bố thí được thông minh trí huệ. Những giáo huấn này rất hay, có cơ hội thì mau nói với người khác, rất có thể quý vị ngày nay nói câu này với họ, vốn dĩ họ sắp đi sai đường, thì được quý vị kéo lại. Chúng tôi đã từng gặp 1 tiết học sau khi kết thúc, có 1 người nam đi tới, anh nói “Tôi vốn dĩ đã kiềm ngựa bên vực thẳm rồi, suýt chút nữa có thể hủy hoại luôn cuộc đời chính mình, hủy luôn gia đình mình. Bữa nay nghe xong, tôi biết mình không thể làm như vậy”. Có lúc 1 câu nói của quý vị, có thể cứu được 1 người hoặc cứu được 1 gia đình. Mọi người ghi lại không ít câu, không chỉ ghi trên giấy, còn phải ghi trong tâm, kế đó hết lòng chia sẻ với đại chúng, khiến họ đắc lực. Tiếp theo:

“Có lúc ỷ mình tài trí hơn người”

Dùng tài hoa, sự thông minh của mình để đè người, để khoe khoang, đàn áp người ta xuống, như vậy không tốt. Cho nên phải biết lễ nhường, nhẫn nhường, khiêm nhường. Sự khiêm nhường này là chừa lối thoát cho người ta, đừng để người ta khó xử. Biết khiêm nhường, chúng ta sẽ biết đặt mình vào vị trí người khác mà thấu hiểu họ, chứ đừng để người ta buồn phiền.

Chúng ta ngày nay coi, ông là người trí thức, nếu như dùng tài trí ép người, là làm hư hoại hình ảnh người trí thức. Chúng ta học văn hóa truyền thống, trong số người Hoa thì không phải là nhiều. Chúng ta học rồi, người thân bạn bè xung quanh người ta nói “Cái người đó là học văn hóa truyền thống đấy”, đúng chưa? Hello, sao lại nói tới đây, quý vị đều không dám thừa nhận quý vị là người học văn hóa truyền thống? Quý vị đã khiêm tốn tới mức độ này rồi sao? Đúng rồi, người xung quanh chúng ta chưa học, họ sẽ nhìn vào quý vị, quý vị là người học. Kết quả chúng ta sau khi học rồi, cầm theo mỗi 1 đạo lý thấy người là chém, sát, sát. Hễ chúng ta xuất hiện người ta liền căng thẳng: “Cái người học “Đệ tử quy” đó lại tới rồi, bữa nay không biết lại mắng mình chuyện gì đây”. Hễ chúng ta ngồi xuống, người ta nói “Tôi đi toilet 1 chút”. Như vậy là phá hoại hình tượng người trí thức, phá hoại hình tượng người học tập văn hóa truyền thống, cái này không chỉ là ngạo mạn, tạo nghiệp, phá hoại hình tượng cũng tạo nghiệp. Chúng ta càng nên phải làm thật, học thật, chân thành, nhu hòa đối đãi với người. Làm sao mới có thể vừa có học vấn, vừa không tài trí ép người? Tức là chỉ có bản thân mình là học sinh. Những giáo huấn này là để yêu cầu chính mình, không phải yêu cầu người khác. Nghiêm khắc với mình, đối với người phải rộng rãi mới đúng.