HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”
Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng
Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia
Luận về lập mệnh
Phương pháp sửa lỗi
Phương pháp tích thiện
Lợi ích khiêm cung
TẬP 29A
Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!
Khóa học “Liễu Phàm tứ huấn”, chúng ta đã học tới đơn vị lớn thứ tư “Lợi ích khiêm cung”. Trong chương tiết này, tiên sinh Liễu Phàm hết sức thiện xảo, hết sức dụng tâm, đã lấy giáo huấn trong “Kinh dịch”, “Kinh thư” trước. Giáo huấn trong kinh điển chính là chân lý vĩnh hằng bất biến, tăng trưởng sự coi trọng, và lòng tin của chúng ta đối với khiêm đức. Không chỉ nêu ra đạo lý sâu sắc trong kinh điển, hơn nữa còn lấy những ví dụ thực tế nhờ khiêm đức mà thi đậu công danh, nhờ khiêm đức mà tăng trưởng phước huệ của mình. Cho nên nói “lợi ích khiêm cung”, lợi ích này là phước báo của họ hiện tiền, trí huệ của họ tăng trưởng, bao gồm đức năng của họ, đều nhờ khiêm tốn mà tăng trưởng toàn diện, cho nên lợi ích này là rất có ích. Trong kinh văn nói rằng:
“Ta nhiều lần cùng sĩ tử đi thi, mỗi lần thấy hàn sĩ sắp đạt, ắt có một sự khiêm quang khả cúc”.
Tiên sinh Liễu Phàm nhiều lần cùng bạn bè, một số đồng hương, bạn học, cùng vào kinh dự thi, mỗi lần nhìn thấy những người trí thức thanh hàn sắp sửa đỗ đạt, sắp sửa thi đậu công danh, đều sẽ từ bản thân họ, cảm nhận được sự khiêm hòa và sáng sủa của họ. “Khiêm quan khả cúc”, từ “cúc” này giống như là hiện ra, hết sức rõ ràng, khiến quý vị vừa tiếp xúc họ, liền cảm thấy họ hết sức bình dị, bình hòa, hết sức khiêm tốn. Hơn nữa từ “khả cúc” này là không phải giả vờ, hiển lộ hết sức tự nhiên. Ví dụ thứ nhất:
“Vào năm Tân Mùi”.
Năm Tân Mùi, tiên sinh Liễu Phàm 37 tuổi, ông đi cùng đồng hương.
“Đồng bào Gia Thiện ta, gồm 10 người”.
Cùng 10 người đồng hương, bạn học 10 cùng nhau vào kinh dự thi.
“Chỉ có Đinh Kính Vũ Tân, nhỏ tuổi nhất, cực kì khiêm tốn”.
Trong 10 bạn học đó, ông quan sát thấy, Đinh Tân, tự Kính Vũ, vị đồng hương này, tuổi ông nhỏ nhất, lại hết sức khiêm tốn. Tất nhiên, tiên sinh Liễu Phàm rất đáng quý, ở phía trước “luận về lập mệnh”, ông có nhắc tới, bản thân mình khắc bạc, sau đó thường “tài trí đè người, nói ngay làm thẳng, khinh ngôn vọng đàm”, tức là cũng khá ngạo mạn, có lúc ngôn ngữ không tha cho người. Ngoài việc ông sáng suốt biết mình, ông cũng rất biết tán thưởng sự khiêm tốn của người khác. Cho nên về sau thay đổi vận mệnh, chúng ta có thể nhìn thấy từ đây, ông thời thời lấy chỗ tốt của người khác nhắc nhở chính mình, ông không đố kị, luôn tán thưởng, học tập. Ông liền hoan hỉ nói với một người bạn bên cạnh, rằng:
“Ta nói với Phí Cẩm Pha”.
Nói với bạn Phí rằng.
“Huynh này năm nay chắc chắn đậu”.
Mặc dù nhỏ tuổi nhất, Đinh Kính Vũ Tân nhỏ tuổi nhất, nhưng vẫn dùng “huynh” để xưng hô, nói rằng, sư huynh này năm nay chắc chắn thi đậu tiến sĩ. Phí Cẩm Pha tiếp lời.
“Phí nói, sao thấy vậy”.
Sao ông quan sát thấy vậy? Sao nói một cách chắc chắn vậy?
“Ta nói, duy khiêm thọ phước”.
Tiên sinh Liễu Phàm nói rằng, chỉ có khiêm tốn mói được phước báo. Thật ra nếu như không khiêm tốn, thọ phước báo có thể là họa chứ không phải phước. Cho nên Lão Tử nói “phước họa đi đôi”. Chúng ta bình tâm nhìn lại, thời đại bây giờ, hễ người ta có tiền, tài lớn khí thô, kiêu xa dâm dật, đây chưa chắc là phước. Không chỉ là tài phú, không có sự tu dưỡng khiêm tốn là họa; bao gồm có địa vị, có học lực rất cao, nếu như không khiêm tốn cũng là họa hoạn. Cho nên “đức giả”, đức hạnh, căn bản của sự nghiệp, nếu như không có căn bản đức này, sự nghiệp sớm muộn gì cũng sụp đổ, đức hạnh này sớm muộn gì cũng bại vong. Cho nên “duy khiêm thọ phước”.
“Huynh coi trong 10 người, có ai tuân tuân khoản khoản, không dám trước người, như Kính Vũ? Có ai cung kính thuận thừa, cẩn thận khiêm úy như Kính Vũ? Có ai bị nhục không đáp, nghe báng không biện, như Kính Vũ?”.
Nói tới đoạn này, có thể thấy tiên sinh Liễu Phàm rất tinh tế, rất dụng tâm quan sát ưu điểm của vị huynh trưởng Đinh này, chúng ta có lúc nghĩ coi, người ta hỏi bạn bè tốt chung quanh chúng ta có ưu điểm gì? Có lúc chúng ta nhất thời nghĩ không ra, nhớ không ra, rất khó học được ưu điểm của đối phương. Thậm chí có lúc, người ta hỏi tôi, anh học với sư trưởng lâu như vậy rồi, trên người ngài có ưu điểm gì? Anh học được mấy điểm? Có lúc bị người ta hỏi như vậy, thật sự trong đầu một vùng trống rỗng. Có nghĩa là chúng ta đối với người mình tôn kính, người xung quanh, không thời thời thấy thiện liền theo? Nếu không rất có thể những thiện tri thức và bạn bè này, ở bên chúng ta lâu tới đâu, chúng ta cũng không học được ưu điểm của họ. Cho nên người muốn nâng cao đạo đức học vấn, đều phải luôn chủ động, đều phải luôn hạ công phu, coi hiểu rồi mới noi gương được.
Tiên sinh Liễu Phàm nhìn rất chi tiết, nói rằng, ông coi trong 10 người, “tuân tuân khoản khoản” tức là hết sức chân thành, thật lòng, lại hậu đạo; hơn nữa “không dám trước người”, ông rất khiêm tốn, không tranh với người ta, đều luôn lễ nhường, tôn trọng người khác. “Có ai cung kính thuận thừa, cẩn thận khiêm úy như Kính Vũ ?”, ông chung sống với người khác rất cung kính, điều này thể hiện ở nét mặt, thái độ của ông, cho tới trong nhất ngôn nhất hạnh. “Thuận thừa” tức là rất ôn hòa, rất thuận hòa. Có thể người khác góp một số ý kiến, mặc dù ông không tán đồng lắm, nhưng ông biết thuận theo trước. Do dù sao 10 người sống chung với nhau, rất khó nói có lúc quyết định một số việc, suy nghĩ mọi người đều giống nhau, ông biết hằng thuận mọi người, những điều này thật ra đều rất mềm mỏng mới làm được. Quý vị coi thời đại bây giờ, 2 người sống chung cũng cãi nhau, càng chưa nói tới “cung kính thuận thừa”. “Cẩn thận khiêm úy”, ông hết sức cẩn thận, trong từ “úy” này còn có một thái độ cung kính, sợ hành vi của mình khiến người ta không thoải mái, khiến người ta phiền não, cho nên ông khiêm tốn, cung kính, cẩn thận. Tiên sinh Liễu Phàm cảm thấy đều là huynh trưởng Đinh làm hết sức tốt, bình thường những đồng hương khác không sánh bằng ông.
“Có ai bị nhục không đáp, nghe báng không biện như Kính Vũ?”. Huynh trưởng Đinh này, người khác sỉ nhục ông, ông không đáp trả, đây là biết nhẫn nhục. “Nghe báng không biện”, người ta phỉ báng ông, ông cũng không biện giải, không tranh biện với người ta, không tranh biện miệng lưỡi. Tất nhiên, bị người ta sỉ nhục, bị người ta phỉ báng, điều này dễ khiến con người khởi tâm trạng nhất, ông có thể tâm bình khí hòa bao dung, đây là biểu hiện của người có học vấn, gọi là “học vấn sâu thì ý khí bình”. Chúng ta nghĩ coi, nếu như không làm vậy sẽ ra sao? Ông rất có tu dưỡng ông làm được. Có thể không làm được không? Làm được rồi, người khác kính phục ông, cả tiên sinh Liễu Phàm, nhiều tuổi hơn ông như vậy cũng khâm phục ông. Hơn nữa có hậu phước, có phước lớn, thi đậu công danh, trẻ tuổi như vậy. Nếu như bị nhục liền tranh, nghe báng liền biện thì sao? Chúng ta có thể tiếp tục suy đoán tiếp, người ta sỉ nhục chúng ta, chắc chắn do chúng ta có thể đắc tội họ hoặc có chỗ họ nhìn không thuận mắt, chúng ta liền không vui, đáp trả, có thể sẽ cãi nhau, có thể cãi dữ lắm, cái oán đó chẳng phải càng kết càng sâu sao? Hơn nữa người xung quanh nhìn vào, 2 người này, chấp nhặt nhau, một bàn tay vỗ không nên tiếng. Thật ra trong đoàn thể, người ta cũng rất khó kính trọng chúng ta. Người thường xuyên nổi nóng, tôi nghĩ lãnh đạo không dám trọng dụng. Tất nhiên người độ lượng, biết nhẫn nhịn, mới thành tựu việc lớn.
Cho nên mỗi một góc độ, quý vị dùng 2 mặt chính phản để nhìn nó, cũng nhắc nhở chính mình vẫn phải rất lý trí đi về hướng khiêm tốn, đức hạnh này, để yêu cầu bản thân mới đúng. Do rất nhiều người, họ không bình tĩnh, sẽ nhất thời vì một sự cảm nhận, tâm trạng “Tại sao cứ bắt tôi nhẫn? Tại sao cứ bắt tôi mà không phải người khác?”. Thật ra khi chúng ta nói như vậy, đã không nhận ra được, không phải gió động cũng không phải phướn động, là tâm của mình sớm đã động. Không kiểm soát được tâm trạng mình, tương lai mình càng không thể nắm bắt. Cho nên tiên sinh Liễu Phàm quan sát từ mấy góc độ này, sự tu dưỡng của huynh trưởng Đinh, hiển nhiên làm tốt hơn mọi người rất nhiều. Tiếp đó, ông nói rằng:
“Người có thể như vậy”.
Một người có thể có những ưu điểm, những tu dưỡng vừa phân tích.
“Thì thiên địa quỷ thần, đều trợ giúp họ”.
Tất nhiên sẽ cảm động trời đất quỷ thần tới gia hộ người này. Trời đất quỷ thần đều gia hộ.
“Sao không phát đạt được”.
Sao có thể không phát đạt chứ? Tôi nghĩ dân tộc Trung Hoa chúng ta, tổ tiên mỗi một dòng họ đều là thánh nhân, hơn nữa coi trọng sự truyền thừa gia đạo, đều có gia phổ. Thông thường gia phổ sẽ không bị hư hoại, tra gia phổ đều tra ra được là con cháu đời thứ mấy của Hoàng đế, giống như sư trưởng chúng ta đã tra ra, là con cháu hơn 130 đời. Việc này nói với chúng ta điều gì? Trước hết, thủy tổ chúng ta là thánh nhân, hơn nữa đời đời sanh thánh hiền. Quý vị tra ra, trong hơn 100 đời này, bao nhiêu thánh triết nhân lưu danh thanh sử. Cho nên “nhà tích điều thiện, ắt có niềm vui”. Chúng ta tại sao là nền văn minh cổ duy nhất trên thế giới, có thể truyền thừa văn hóa mà không suy? Đây không phải ngẫu nhiên, đây là sự gia hộ của thánh đức thánh phước. Tổ tiên chúng ta dùng đạo đức khởi gia, cái này mới là then chốt nhất. Lão tổ tiên có phước lớn như vậy, mọi người nghĩ coi, phước báo của Nghiêu Thuấn Vũ Thang, Văn Võ Chu Công để cho ai? Chắc chắn cho con cháu khiêm tốn, chắc chắn cho con cháu của quan phụ mẫu tốt có sứ mạng, chắc chắn cho con cháu có sứ mạng truyền thừa đạo thống, điều này là lý tất nhiên, những đạo lý này không phức tạp.
Ví dụ, ngày nay quý vị là cha mẹ, quý vị có 3 đứa con, quý vị sẽ đem gia đạo truyền cho ai? Sẽ đem phước báo truyền cho ai? Chắc chắn là truyền cho đứa khiêm tốn hiểu chuyện nhất, nó mới chăm sóc tốt những anh chị em khác, mới chăm sóc tốt gia tộc. Người đồng tâm này, tâm đồng lý này, tổ tiên cũng không ngốc hơn chúng ta. Cho nên, hoằng dương văn hóa Trung Hoa, ông chủ đằng sau là Nghiêu Thuấn Vũ Thang, Văn Võ Chu Công. Cho nên “đều trợ giúp họ, sao không phát đạt được”.
“Khi khai bảng, Đinh quả nhiên trúng cử”.
Quả nhiên huynh trưởng Đinh đã thi đậu. Ví dụ thứ 2 nói rằng:
“Đinh Sửu tại kinh thành, cùng ở với Phùng Khai Chi”.
Năm Đinh Sửu ở kinh thành, vừa hay gặp một hàng xóm thời nhỏ là Phùng Khai Chi, họ có thể ngẫu nhiên gặp phải, sau đó cùng chuẩn bị đi thi. Kết quả ông nhìn thấy vị hàng xóm hồi nhỏ này:
“Thấy ông khiêm kỉ liễm dung”.
Ông rất khiêm tốn, nhún nhường. Từ “liễm dung” này tức là cả nét mặt của ông rất hòa ái, thân mật, không hề có chút khí chất kiêu ngạo.
“Thay đổi thói quen thơ ấu”.
Vừa hay tiên sinh Liễu Phàm sau khi nhìn thấy, cảm thấy hết sức kinh ngạc, do trong ấn tượng của ông, người hàng xóm này khá là ngạo mạn, nhưng bây giờ thấy ông khiêm tốn thu mình, “thay đổi thói quen thơ ấu”, biến đổi quá lớn so với tập khí hồi nhỏ. Cho nên tục ngữ nói “đọc sách quý ở thay đổi khí chất”. Đọc sách có được thọ dụng không, có nhập tâm không, từ cả khí chất nét mặt của họ mà nhìn ra. Vì tướng do tâm sanh, tâm địa họ tu dưỡng tốt rồi, tự nhiên khí chất trên mặt sẽ khác.
“Lý Tễ Nham, trực lượng ích hữu, thời diện công kì phi”.
Không chỉ quan sát khí chất ông đổi khác, còn nhìn thấy một người bạn tốt của ông, “trực lượng ích hữu” nghĩa là chính trực, thành khẩn, hoặc biết thông cảm người khác, đây là “trực lượng”. “Ích hữu” người bạn này có đặc trưng này, tức là đặc trưng “trực lượng”, chắc chắn có ích cho đức hạnh đạo nghiệp của chúng ta. Đây là căn cứ vào điển cố “Luận ngữ”, Phu Tử có nói “ích giả tam hữu”, bạn bè thế nào thì có ích nhiều cho đức hạnh, cuộc đời của chúng ta? “Hữu trực”, chính trực, chính trực sẽ khuyên gián chúng ta, nhắc nhở chúng ta; “hữu lượng”, “lượng” tức là thành khẩn, cũng hết sức thông cảm người, thấu hiểu người; thứ ba “hữu đa văn” tăng trưởng trí huệ kinh nghiệm của chúng ta. Tiên sinh Lý Tễ Nham rất chính trực, thẳng thắn nói ra khuyết điểm của Phùng Khai Chi, “thời diện công kì phi”, thẳng thắn chỉ ra sai lầm của ông. Nhận thấy tiên sinh Phùng Khai Chi, không hề nổi giận chút nào.
“Nhưng thấy ông an hòa thuận theo”.
Bình tâm tĩnh khí tiếp thu. Hơn nữa:
“Chưa từng có một lời phản đối”.
Chưa từng thấy ông đáp trả biện bạch, đều là “Ồ, cảm ơn sự nhắc nhở của anh”, thuận theo. Tiên sinh Liễu Phàm nói với Phùng Khai Chi:
“Ta nói với ông ấy”.
Ông nhìn vào chắc rất cảm động, nói với tiên sinh Phùng Khai Chi rằng:
“Phước hữu phước thủy, họa hữu họa tiên. Tâm này thực khiêm, trời sẽ tương trợ. Huynh năm nay chắc chắn đậu. Sau quả nhiên như vậy”.
Nói rằng, một người có đại phước báo, trước tiên sẽ có một số điềm báo; một người phải chịu đại họa, cũng sẽ có một số điềm báo. Ông có điềm báo của đại phước báo, là điềm báo gì? Khiêm tốn. Cho nên tâm này của ông, sự khiêm tốn này là khiêm tốn thật sự thật tâm, tin là ông trời, và cả thiên địa quỷ thần chắc chắn sẽ giúp ông. Sự tương trợ này nghĩa là trợ giúp, giúp đỡ. Cho nên năm nay ông chắc chắn có thể thi đậu, tiên sinh Liễu Phàm quả quyết nói vậy. Quả nhiên đã thi đậu, “sau quả nhiên như vậy”.
Trong đoạn này, tiên sinh Phùng Khai Chi, người ta phê bình ông, sau đó ông không dùng ngôn ngữ để phản bác. Thật ra từ góc độ này, lại có 2 mặt chính phản để nhìn. Ví dụ không phản bác, trưởng bối, thiện tri thức thực sự tốt, bạn bè chính trực, sau này họ càng dám khuyên quý vị, quý vị càng thọ ích; nếu như phản bác, người ta nói một câu quý vị nói 3 câu, người ta nói không rảnh mà đắc tội quý vị, sau này không nói nữa. Cho nên chúng ta vừa đáp trả, có thể người ta lần sau sẽ không nhắc nhở chúng ta nữa, vậy chúng ta sẽ không cách nào thọ ích được.
Tiếp theo câu chuyện thứ 3:
“Triệu Dụ Phong Quang Viễn, người huyện Quán Sơn Đông, lúc trẻ thi hương, mãi không đậu”.
Tiên sinh Triệu Dụ Phong tên Quang Viễn, thời xưa đều gọi tự của một người, không gọi tên của họ, thông thường cha mẹ thầy giáo gọi tên họ, thể hiện sự tôn trọng họ, chỉ có cha mẹ thầy giáo trực tiếp gọi tên họ. Ông là người huyện Quán tỉnh Sơn Đông, “lúc trẻ thi hương”, tức là chưa được 20 tuổi đã thi đậu cử nhân, thiên tư này cũng khá là thông huệ, “mãi không đậu” mặc dù thi đậu cử nhân, nhưng tiếp đó phải tiên tiến sĩ, thi rất lâu rồi vẫn không đậu.
“Cha ông là Gia Thiện tam doãn, cùng cha nhậm chức”.
Vừa hay cha ông tới huyện Gia Thiện làm tam doãn, “tam doãn” ở Trung Quốc đại lục chúng ta bây giờ là chức vụ thứ 3. Chức thứ nhất là huyện trưởng, chức thứ 2 là huyện thừa, chức thứ 3 là chủ bộ. Nghĩa là cha ông làm tới chủ bộ huyện Gia Thiện. Ông theo cha tới Gia Thiện, cha phải đi nhậm chức. Có lẽ là biết được trong vùng có một vị có đức, tiên sinh Tiền Minh Ngô, một là đi theo cha, cùng cha đi nhậm chức, hai là muốn thân cận vị thiện tri thức này. Tiếp theo kinh văn nói:
“Mộ Tiền Minh Ngô, đem văn tới thỉnh giáo. Minh Ngô gạch bỏ nhiều chỗ. Triệu không những không giận, còn tâm phục liền sửa theo. Sang năm liền đăng khoa”.
Ông rất ngưỡng mộ tiên sinh Tiền Minh Ngô, cho nên đem bài văn mình viết tới bái kiến tiên sinh, xin ông chỉ giáo. Kết quả, tiên sinh Minh Ngô cầm bài văn của ông viết lên, “gạch bỏ nhiều chỗ”, có nghĩa là chỉnh sửa rất nhiều trong bài của ông. “Gạch bỏ” là bỏ đi rất nhiều câu, đối với bài văn ông viết, có rất nhiều chỗ không tán đồng. Đáng quý là khi bài mình viết bị sửa nhiều như vậy, tiên sinh Triệu Dụ Phong “không chỉ không giận, còn tâm phục liền sửa theo”, không chỉ không có không vui không có khởi tâm trạng nổi nóng, ngược lại hết sức vui mừng thành phục, “sửa thật tốt quá”, sau đó mau chóng điều chỉnh, mau mau đem nó sửa lại. Tất nhiên tôi tin là, tiên sinh Minh Ngô chắc chắn chỉ đạo ông rất nhiều, “liền sửa theo”, tức là đối với mỗi một câu nói của thiện tri thức, in sâu trong tâm, quay về làm theo.
Chúng ta ở điểm này, cũng phải noi gương, kế đó quán chiếu. Ví dụ chúng ta thấy rất khâm phục người này, vừa hay có cơ hội nghe họ nói chuyện, quay về trầm lắng trầm lắng, nghĩ lại còn nhớ được bao nhiêu. Nếu như chỉ nhớ được một hai phần, thì tâm chân thành cung kính, hiếu học này sẽ rất không đủ. Chúng ta nghe sư trưởng học với thầy Lý Bỉnh Nam, có thể nhớ bao nhiêu? Trên 95%, đây là chỗ thọ ích, còn ở thái độ thành kính. Cho nên có thái độ như vậy, văn chương của ông chắc chắn tiến bộ rất nhanh. “Văn dĩ tải đạo”, đạo khí của văn chương cũng là từ chỗ đức hạnh, nội công chính mình tu dưỡng thể hiện ra. Tâm chuyển, vận mệnh cũng chuyển theo, quý nhân này đối với cuộc đời ông đã khai mở rất lớn, sang năm liền thi đậu tiến sĩ. Cho nên tục ngữ nói “phước tại thọ gián”. Người nào có phước báo lớn? Người chịu tiếp thu sự khuyên gián của người khác, là người có phước báo lớn.
Tiếp theo chúng ta coi:
“Năm Nhâm Thìn, ta nhập cận, hội ngộ Hạ Kiến Sở, thấy ông khiêm hư ý hạ, khiêm quang gần người”.
Năm Nhâm Thìn, tiên sinh Liễu Phàm 58 tuổi. Ông vào kinh yết kiến hoàng đế, từ “cận” này tức là đi gặp hoàng thượng. “Hội ngộ Hạ Kiến Sở”, thông thường nói hội ngộ tức là gặp mặt, gặp được tiên sinh Hạ Kiến Sở. Thấy ông “khiêm hư ý hạ”, “khiêm hư” tức là rất mực khiêm tốn, “ý hạ” là hết sức nhún nhường, không hề có chút ngạo mạn. “Khiêm quang gần người”, ánh sáng khiêm tốn, khiến người ta thấy gần gũi bình dị.
“Khi về nói với bạn bè, phàm trời giúp người nào, vị phát kì phước, tiên phát kì huệ. Huệ này vừa phát, người phù phiếm sẽ thực chất, phóng túng sẽ giữ mình. Kiến Sở là người ôn lương, trời sẽ ban phước”.
Đây lại là tiên sinh Hạ Kiến Sở tiên sinh Liễu Phàm quan sát được, “khiêm hư ý hạ, khiêm quang gần người”. Như phía trước có nói “phước hữu phước thủy, họa hữu họa tiên, tâm này thật khiêm, trời sẽ tương trợ”. Cảm nhận được tiên sinh Hạ Kiến Sở thật sự khiêm tốn, cho nên sau khi ông quay về đã nói với các bạn. Nói đoạn này cũng là đạo lý hết sức sâu sắc, “phàm trời giúp người nào”, ông trời sắp giáng phước cho người này, “vị phát kì phước”, trước khi phước báo hiện tiền, “tiên phát kì huệ”, điều này rất quan trọng, người không có trí huệ đã có đại phước, có thể là họa. Nhất là trong thời đại này chúng ta kinh tế phát triển nhanh chóng, rất nhiều người đức hạnh, trí huệ không đủ, bỗng chốc trong tay có một đống tiền, đối với họ mà nói, đây có thể là si phước, phước khí này khiến họ ngày càng ngu si. Cho nên cái phước thật sự là mở trí huệ trước, rồi phước mới tới, đây là ân huệ của trời cao.
Mà “tiên phát kì huệ”, huệ phát ra từ đâu? một người có trí huệ, họ chắc chắn thời thời quán chiếu chính mình. Thời thời quán chiếu chính mình, nghĩa là họ không gạt mình, họ phát giác ý niệm mình không đúng, nhất ngôn nhất hạnh không đúng, họ biết sám hối sửa lỗi, họ mới có thể dần dần có trí huệ. Cho nên quay trở lại, vẫn nhờ khiêm tốn, khai mở trí huệ của mình, để chiêu cảm phước báo lớn. Cho nên có đoạn giáo huấn hết sức hay “thiên giáng kì phước, tiên khai kì họa”, “thiên giáng chi phạt”, người này ông trời sắp giáng tội họ, “tiên đoạt kì phách”, dần dần trở nên mù mịt lơ mơ, với việc gì cũng rất ngu muội, sau cùng họa sẽ tới. Tục ngữ thường nói “họa vô đơn chí”, đây là kết quả, nhân, nhất định do bản thân dần dần ngày càng hồ đồ. Tại sao hồ đồ? Gạt mình, sai rất nhiều vẫn không nhận lỗi, dần dần không có trí huệ không còn phước báo.
Cho nên, thế nào là “thiên khai kì huệ”? Còn chưa giáng phước đã mở trí huệ, “hổ thẹn, quyết chí, sửa lỗi”, người có thái độ này, trí huệ của họ dần dần tăng trưởng. Biết hổ thẹn, biết sửa lỗi, “tăng đức hạnh, ít lỗi lầm”, phiền não nhẹ, trí huệ sẽ tăng; hơn nữa quyết chí, không cam chịu tự bỏ. Nhìn ngược lại, người không hổ thẹn, không tự lực tự cường, không sửa lỗi, họ sẽ không thể có trí huệ.
Cho nên đoạn này nói tiếp, thế nào là “thiên đoạt kì phách”? “Lơ mơ, hôn đọa, gạt mình, giấu lỗi”, đây đều là “thiên đoạt kì phách”, người mơ mơ hồ hồ không có trí huệ, tiếp đó cũng không có phước báo. Từ “lơ mơ” này thật ra là cuộc đời không có mục tiêu, không có trách nhiệm, ngơ ngẩn lơ mơ. Người trẻ bây giờ nếu từ nhỏ không có hiếu đạo, không có giáo dục về trách nhiệm, thật sự sống ngày nào hay ngày đó, “lơ mơ”. “Hôn đọa”, lười nhác, sau đó tối tăm, mỗi ngày đều không có tinh thần. “Gạt mình” làm việc gì cũng không thừa nhận sai lầm, tự mình gạt mình. “Giấu lỗi”, làm sai còn che đậy, “Đệ tử quy nói “nếu che đậy, càng thêm tội”, càng che đậy họ tạo nghiệp càng lớn, phước đều tổn hết. Hơn nữa hễ che đậy, sẽ ngày càng không chân thành. Chân tâm, chân thành là chân tâm, chân tâm ngày càng mất đi, chẳng phải trời đoạt mất hồn phách họ sao?
Cho nên, quả thật, thật sự ông trời giáng phước báo, mở trí huệ của họ trước, rồi giáng phước cho họ. Huệ này vừa mở như vậy, “người phù phiếm sẽ thực chất”, người phù hoa sẽ thành thực chất, chất phác, khiêm tốn. Do người thường quyết chí, sửa lỗi, họ đối mặt với sự việc đều không cẩu thả, đi làm một cách thật tình. “Phóng túng sẽ giữ mình”, phóng túng ở đây là phóng túng dục vọng, nhưng do trí huệ họ đã mở, họ biết phải quán chiếu, kiểm điểm, sẽ trở nên giữ mình. Sự giữ mình này là biết thu mình, biết phản tỉnh, biết nghĩ về tiền nhân hậu quả, sẽ không quấy phá làm càn. “Kiến Sở là người ôn lương”, Hạ Kiến Sở ôn hòa lương thiện, có tu dưỡng như vậy, “trời sẽ ban phước”, ông trời chắc chắn sẽ khai mở trí huệ của ông, phước của ông sẽ liên tục kéo tới.
“Khai bảng quả nhiên trúng tuyển”.
Không lâu sau khai bảng, quả nhiên thi đậu tiến sĩ. Đây là ví dụ thứ tư. Chúng ta coi ví dụ thứ 5, ví dụ này là ví dụ phản diện, tất nhiên ví dụ phản diện, sau đó tiếp thu lời khuyên của người khác, cũng thay đổi vận mệnh.
“Giang Âm Trương Úy Nham, tích học công văn, hữu thanh nghệ lâm”.
Giang Tô Giang Âm có một người trí thức tên Trương Úy Nham, “tích học công văn” tức là ông rất bác học đa tài, văn chương cũng viết rất hay, “hữu thanh nghệ lâm” là văn chương của ông hết sức nổi tiếng. Rất nổi tiếng chưa chắc là việc tốt, tục ngữ nói, người sợ nổi tiếng lợn sợ béo, thịnh danh sở lụy. Do tự mình nếu như chấp nhập “Văn chương tôi viết rất khá”, chấp nhận như vậy là phiền phức. Tâm thái của ông, sự ngạo mạn từng chút từng chút đang tăng trưởng. Có tăng trưởng không? Coi phản ứng của ông bên dưới sẽ biết.
“Giáp Ngọ, thi hương ở Nam Kinh”.
Năm Giáp Ngọ ông tới Nam Kinh thi cử nhân.
“Ở trong một chùa”.
Người trí thức hồi xưa trong nhà khá nghèo khó, đều là 10 năm khổ công đèn sách, hy vọng cầu được công danh, có thể hiếu thuận cha mẹ, chăm sóc gia tộc, tiếp đó phục vụ quốc gia. Không có tiền, Phật môn có lòng từ bi, miễn phí cung cấp chỗ ở cho những người trí thức bần hàn này, cho nên ông tạm trú trong tự viện. Về sau, công danh được công bố, bảng vàng không có tên ông.
“Yết bảng vô danh”.
Danh sách vừa công bố, không có tên ông, bị thi trượt.
“La mắng khảo quan, cho là mắt không tròng”.
Ông liền nổi khí nóng lên, lớn tiếng la mắng quan khảo thí này, cảm thấy ông ta bị mù, có mắt không tròng.