Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 26A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 26A

Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!

“Liễu Phàm tứ huấn” của chúng ta nói tới đơn vị lớn thứ 3 “Phương pháp tích thiện”, làm sao tích lũy thiện tâm thiện hành, kế đó cải tạo bản thân, cải tạo gia đình, thậm chí cải tạo vận mệnh một khu vực, một quốc gia? Những phương pháp này, đều nhắc tới trong đơn vị này.

Trên thực tế một người hễ hiểu lý, gọi là lý đắc tâm liền an, an chỗ nào? An trong chân lý, an trong chánh đạo, an trong mỗi ngày không sống uổng phí, an trong cuộc đời rất có ý nghĩa, rất có giá trị, an trong việc hiểu rõ vận mệnh nằm trong tay chính mình. Phước điền nhờ tâm canh, đời này nhất định có phước lớn. Do tâm chúng ta thời thời đều đang tạo phước, các vị trưởng bối, các bạn, hôm nay các bạn đã tạo bao nhiêu phước? Phước điền phân làm 3 loại, chúng ta ôn tập một chút, ân điền, bi điền, kính điền. Vậy hôm nay 3 loại chủ yếu này, chúng ta đã gieo bao nhiêu hạt giống? Bón bao nhiêu phân? Hạ bao nhiêu công phu canh tác? Xin hỏi mọi người, quý vị hôm nay gặp được mấy người? Có gặp những bạn bè người thân đồng nghiệp này không, đều luôn cảm ân đức của họ, vậy hôm nay ân điền đã trồng được không ít. Bi điền, từ bi thương yêu người, hôm nay mọi người giả sử đã gặp 50 người, mỗi người quý vị sống chung với họ, tương tác, quý vị đều nghĩ cho họ, đều luôn nghĩ cho người, hôm nay đã có 50 cái thiện, có nhớ ân, có nghĩ cho người, có thể sẽ đạt tới trăm thiện. Và cả kính điền, tôn trọng mỗi người, tôn trọng những việc hôm nay chịu trách nhiệm, tận trung giữ chức, đây là kính điền, bao gồm quý trọng mỗi một vật phẩm, cái này cũng là kính điền.

Người cần kiệm có hậu phước, họ không chà đạp đồ vật, cho nên họ vốn dĩ chỉ có thọ mạng 60 tuổi, họ rất tiết kiệm, phước báo họ chưa dùng hết, họ có thể thọ thêm 20 năm. Bây giờ rất nhiều người rất trẻ, hồi nhỏ đã rất giàu có, nhưng đoản mạng. Vốn dĩ họ có thể sống tới 80 tuổi, nhưng họ quá xa xỉ, phung phí của trời, có thể 50 tuổi phước báo đã dùng hết. Cung kính mỗi người mỗi sự vật, đều đang tích lũy thiện hành phước báo của mình. Nếu như chúng ta biết rất rõ, chúng ta niệm niệm đều đang tích đức hành thiện, vậy làm sao không có lòng tin với tương lai chứ? Sao lo lắng chứ? Đó là làm chủ vận mệnh của mình, tâm rất an định.

Chúng ta coi tiếp phần “Xây dựng lợi ích” trong “Phương pháp tích thiện”. Trong kinh văn nói tới “Thế nào là xây dựng lợi ích”? Tiên sinh Liễu Phàm hết sức từ bi, hy vọng đem những lý này giảng rõ ràng cho chúng ta, thậm chí cụ thể thực hành ra sao ông đều nói rất chi tiết. Quý vị coi ông lấy ví dụ: “Nhỏ thì trong một thôn xóm, lớn thì trong một ấp”, nói theo địa phương, nói theo không gian, một hương trấn, thôn làng nhỏ, lớn thì một huyện thành, một đô thị, “Phàm có lợi ích, đều nên hưng kiến”, phàm những việc có thể lợi ích cho bá tánh một vùng này, phải nên, từ “ích” này là phải nên, phải nên đầu tư sức lớn mà làm, từ “hưng” này là có một tinh thần dẫn đầu đi làm.

Tiếp đó kể ra những việc nào lợi ích một phương, “hoặc khai mương dẫn nước”, dẫn nước sông về tưới ruộng đồng, công trình thủy lợi này nếu làm tốt, thì khi hạn hán cũng không tới nỗi mất mùa. Do thời xưa là xã hội nông nghiệp, cho nên công trình thủy lợi rất có liên quan với cuộc sống của lão bá tánh thậm chí sự an toàn sanh mạng. Kế đó nói “hoặc xây đê phòng họa”, nếu như những vùng ở vị trí khá thấp thì dễ bị lụt lội, xây đê điều có thể phòng chống xảy ra nạn lụt. Có thể chúng ta bây giờ đều là xã hội thương nghiệp, những việc này bản thân chúng ta hình như không dễ làm được, trên thực tế bây giờ lũ lụt cũng rất nghiêm trọng. Mọi người có phát hiện không, bây giờ hễ trời mưa, vùng nào đó liền lụt lội, ngập nước, cho nên bây giờ lụt lội không ít hơn trước đây.

Chúng ta làm sao phòng ngừa nạn nước? Thứ nhất, ít ăn thịt, thường ăn rau xanh, thường ăn lương thực. Quý vị nói nạn nước liên quan tới việc ăn gì? Bây giờ tại sao rất nhiều nơi vừa mưa xuống đều là mưa lớn? Đó là hiệu ứng nhà kính. Khí CO2 của cả trái đất quá nhiều, khí hậu mất cân bằng, có một số vùng mưa xuống, có một số vùng lũ lụt. Mất cân bằng, có một số vùng lạnh không chịu được, có một số vùng nóng không chịu nỗi. Do con người ăn thịt quá nhiều, thì phải nuôi rất nhiều súc vật, rừng rậm tất thảy đều bị chặt hết, không có cây cối chuyển CO2 thành oxi, cho nên CO2 ngày càng nhiều, rừng rậm là phổi của trái đất, phổi ngày càng nhỏ, tất nhiên CO2 bài tiết không được, sau cùng nhiệt độ cả trái đất tăng cao, cả nhiệt độ sẽ mất cân bằng. Cho nên nạn nước có liên quan tới chúng ta không? Liên quan tới việc ăn của chúng ta.

Xin hỏi mọi người, ai đã đưa con mình đi trồng cây mời giơ tay. Đây là việc người trái đất này chúng ta nên làm, người mẹ trái đất bât giờ vấn đề lớn như vậy, chúng ta phải dốc chút tâm lực để cải thiện nó. Được, chủ nhật này có thể làm rồi, nếu không chúng ta học “Liễu Phàm tứ huấn”, vận mệnh vẫn không sửa được, tại sao? Học rồi không đi làm, nó là tri thức; học một câu làm một câu, câu nào cũng có đại thọ dụng, đó là trí huệ. Mỗi một câu kinh, nếu như đều có thể quay về bản thân mà suy ngẫm, quay về nhu cầu xã hội hiện tại mà suy ngẫm, mỗi một câu đều có thể thực hành.

Quý vị nói bây giờ chúng ta ở đây cũng không có sông lớn, phòng nạn nước gì? Lại không có xây đê điều, không có lũ lụt, có sự tràn lan của tư tưởng tà ác không? Có cần xây dựng bức tường chính nghĩa không, không ô nhiễm tiếp thế hệ sau, có cần không? Đừng nói gì thế hệ sau, có cần xây một bức tường chính nghĩa, không để những thứ tà ác ô nhiễm chính mình? Có cần không? Quý vị chưa cảm nhận được, lương tâm chúng ta đang ở đó help me, mỗi ngày những thứ ô nhiễm quá là nhiều. Thật ra thời đại này không có định công tương đối, mỗi ngày không biết phải chịu bao nhiêu ô nhiễm. Quý vị lên mạng, những thứ lộn xộng lung tung toàn bộ đều xuất hiện, quý vị không xây một bức tường thì không cách nào ngăn chặn, cho nên bây giờ phải luyện công phu, luyện tới nỗi những thứ không tốt xuất hiện, chỉ nhìn thấy dấu chéo góc trên bên phải, cái gì cũng không nhìn thấy, tức là nhìn thấy cái đó liền “cạch” tắt nó đi, quý vị sẽ không bị ô nhiễm. Tất nhiên nếu như quý vị ở trong đơn vị, đồng nghiệp quản lý mạng, vị trí này công đức vô lượng, họ nắm được tốt, mấy trăm mấy ngàn đồng nghiệp đều không bị ô nhiễm, công đức đó rất lớn, mỗi ngày họ có thể làm trăm thiện. Những việc càng có lợi cho người, công đức sẽ càng lớn; càng nguy hại cho người, chúng ta tạo nghiệp sẽ nhiều.

Tiếp đó chúng ta coi “hoặc sửa cầu cống tiện việc đi lại”, nhìn từ chữ viết, rất nhiều đường đi không dễ. Ví dụ nói sông suối chảy xiết, không có cầu thì rất nhiều người gặp rủi ro, bị chết chìm, thời cổ đại thậm chí thời bây giờ đều có tình hình này. Năm 2011 bình chọn mô phạm đạo đức lần thứ 3, chủ đề là “Đức diệu Trung Hoa”, đức hạnh chiếu sáng cả Trung Hoa đại địa, số người tham gia cuộc bình chọn đạo đức này vượt quá 100 triệu người. Trong đó ở vùng Tây Bắc Tây Nam, có lẽ là vùng Vân Nam, có một bác sĩ tên Đặng Tiền Đôi, con sông ở vùng họ chảy rất xiết, họ đều nắm dây thừng mà đi qua, rất nhiều người bị chết đuối. Kết quả ông hành y mấy chục năm, sau cùng đức hạnh của ông được khẳng định, bình chọn làm mô phạm đạo đức, sau đó chính phủ liền chú ý tới vùng đó, xây một cây cầu. Đức hạnh của ông tạo phước cho vùng đó, sau này sẽ không có người chết đuối nữa.

Vào thời Tống có một người trí thức tên Thái Hương, mẹ ông khi mang thai ông, vừa hay đi thuyền, bà phải băng qua một con sông lớn tên là Lạc Dương, qua được một nửa sông, đột nhiên sóng gió hết sức lớn, nhìn thấy con thuyền đó sắp lật, người trên thuyền sắp mất mạng. Vào lúc ngàn cân treo sợi tóc đó, đột nhiên giữa không trung truyền lại một âm thanh, nói đừng tổn hại Thái học sĩ, sau khi không trung truyền lại câu này, cả con sóng lập tức yên bình lại, người trên thuyền từ quỷ môn quan được kéo về, tâm còn lo sợ, liền bắt đầu hỏi, ai họ Thái? Hỏi ra, không có người họ Thái, chỉ có một người là con dâu nhà họ Thái, vừa hay mang thai chưa sanh ra, cho nên hỏi ra thì không ai họ Thái. Nhưng mẹ của Thái Hương tự mình biết, kết quả bà liền âm thầm phát một nguyện trong tâm, rằng “Nếu như con tôi sau này sanh ra thật sự có thể làm tới đại học sĩ quốc gia, tôi nhất định sẽ bảo nó xây một cây cầu trên sông này”, đã phát nguyện này. Kết quả con bà thật sự lớn lên thi đậu trạng nguyên, lên làm học sĩ. Mẹ ông liền kể cho con mình nghe chuyện trước khi ông ra đời, người con hết sức hiếu thuận, muốn viên mãn lời hứa của mẹ, làm tròn tâm nguyện của mẹ. Nhưng sông Lạc Dương đó cách biển rất gần, mỗi ngày đều có thủy triều lên xuống, khi thủy triều lên thì trụ cầu không cách nào làm được, vậy làm sao xây cầu? Sông lại lớn như vậy. Có xây không?

Khi quý vị nghe kể chuyện, phải coi mình như nhân vật chính mà nghe, như vậy mới có thể thấu hiểu được tâm cảnh của người đương sự. Khó khăn tới đâu cũng phải làm tròn nguyện của mẹ, nếu không chẳng phải mẹ sẽ nuối tiếc cả đời sao? Kết quả Thái Hương đã viết một bài văn cầu nguyện, sau đó rất thành khẩn mà viết cho thần sông, thần biển, cầu cho họ có thể phối hợp làm viên mãn việc này, kết quả 8 ngày thủy triều không dâng, chí thành cảm giao.

Tôi không phải bịa chuyện, mọi người mở “Câu chuyện đức dục” ra, đây đều là chuyện có thật 100% trong lịch sử, cho nên bất kì chuyện gì không thể, đó là người ta thấy không thể nên tự mình hình thành chướng ngại. Tục ngữ nói “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, sau đó 8 ngày không dâng triều, đã xây xong cây cầu này, tên là cầu Vạn An, ở Tuyền Châu. Mọi người khi về Tuyền Châu, cây cầu này vẫn còn, mọi người có thể lên đó tản bộ, ôn lại câu chuyện này. Mọi người nghĩ coi, tám chín trăm năm rồi, người xưa xây cây cầu này, tám chín trăm năm vẫn còn dùng được, xin hỏi bây giờ một cây cầu dùng bao lâu là bắt đầu tu sửa? Quý vị coi giờ đắp đường, nửa năm trước đắp, nửa năm sau đã bị ổ gà ổ voi, cho nên người xưa làm việc nghiêm túc có trách nhiệm thật sự chúng ta phải học.

Cho nên “sửa cầu cống tiện việc đi lại”, không chỉ thuận tiện cho người đi bộ, có thể còn cứu được rất nhiều sanh mạng. Ví dụ một người nam bị chết chìm, người nhà họ sau này làm sao sống? một người gặp bất hạnh, rất có thể gây ra bất hạnh cho cả nhà, ví dụ nói người này là bộ trưởng quốc gia, họ có vấn đề thì có thể ảnh hưởng rất lớn.

Kế đó “hoặc thí cơm trà cứu người đói khát”, thật ra những câu kinh này không chỉ là chúng ta phải học theo hành vi này, phải càng thâm nhập, thật ra hành thiện điều quan trọng nhất là niệm niệm nghĩ cho người, họ có đói không? Họ có khát không? Họ có lạnh không? Có quá lạnh không? Thân thể họ có nhu cầu gì? Tâm linh họ có nhu cầu gì? Chúng ta thời thời đặt mình vào đó, đối với nhu cầu thân tâm của tất cả mọi người sẽ hết sức nhạy bén. Cho nên quý vị coi “Đệ tử quy” nói “lạnh làm ấm, nóng làm mát”, từ nhỏ học thánh giáo, con cái biết hiếu thuận cha mẹ, tâm chúng sẽ trở nên tinh tế mềm mỏng, thói quen thành tự nhiên. Tôi đọc tới câu này, nhớ lại hồi nhỏ, trưởng bối, hàng xóm đều nấu một ấm trà đặt ở bên đường, người đi đường có thể uống được ly nước. Có lúc chúng ta nhìn thấy người đi đường mồ hôi nhễ nhại, có thể một ly nước cũng không uống được, suy nghĩ cho họ, nếu như chúng ta đang đi đường, thật sự khát tới nỗi khó chịu được, có hy vọng được uống ly nước không? Tất nhiên là cần, đồng cảm thấu hiểu. Hơn nữa có tâm này, “trồng dưa được dưa trồng đậu được đậu”, người thường cho người khác uống nước đi tới đâu cũng có nước uống, người thường cho người khác ăn cơm đi tới đâu cũng có cơm ăn. Tôi có một trưởng bối, ông rất thích bố thí, kết quả có lúc ông đi ăn cơm không có tiền trả, luôn có người giúp ông trả, thiện quả đó đều hiện trên thân ông bây giờ. Quý vị có khi nào ăn cơm không có tiền trả người ta giúp quý vị trả chưa? Cuộc đời rất nhiều nhân quả, quý vị có thể cảm nhận chi tiết. Cho nên, thời thời khi sống chung với người, có thể cho người ta sự quan tâm kịp thời, thuận lợi đúng lúc.

Tôi nhớ có một người bạn sự nghiệp của anh làm rất tốt, người cũng rất hào phóng. Có một hôm anh chia sẻ với tôi, anh nói hồi nhỏ bà nội anh, lần đầu tiên thấy bà nội nấu một ấm nước để bên đường muốn mời người ta uống, trẻ con hiếu kì, có người uống không? Cho nên mấy anh chị em họ của anh đều nấp sau cái cây, đợi coi ấm nước đó có người uống không. Cuối cùng có người thứ nhất uống, mấy đứa nhỏ nhìn thấy có người uống rồi, giống như trúng số vậy, cả đám liền chạy về “Bà ơi, bà ơi, có người uống rồi”. Khi tôi nghe thấy, cảm thấy sự giáo dục của bà nội anh rất thành công, hơn nữa mọi người có nghĩ tới không, các em phấn khích như vậy, việc tốt này anh nhớ bao lâu? Anh nhớ cả đời. Cái gốc giúp người làm vui đó, đã trồng cho anh trong ly nước đó. Cho nên thân giáo rất quan trọng, hơn nữa từ nhỏ anh đã hình thành thái độ như vậy.

Trong lịch sử, cũng rất nhiều người bố thí cơm trà cho người, sau cùng cứu mình một mạng, thiện giả thiện báo. Quân vương Triệu Tuyên Tử của nước Triệu thời Chiến quốc, ông có một lần nhìn thấy một người xỉu trên đường, sau đó biết là đói quá ngất xỉu, ông liền gọi anh ta dậy, lấy đồ cho anh ta ăn, kết quả người này không dám ăn lắm, còn đem thức ăn để qua một bên. Ông thấy rất ngạc nhiên “Anh đói như vậy rồi, tại sao không ăn?”, anh nói “Mẹ tôi không có đồ ăn”. Triệu Tuyên Tử nói “Anh mau ăn đi, tôi lại để phần cho mẹ anh”. Người đó mới yên tâm mà ăn. Người xưa thật sự để cha mẹ ở vị trí đầu tiên, quý vị nói đã ngất xỉu rồi, có đồ ăn còn nhớ tới cha mẹ, thật sự không đơn giản. Sau đó Triệu Tuyên Tử gặp phải một lần người ta muốn mưu sát ông, một nhóm người, lúc ngàn cân treo sợ tóc, nhìn thấy sắp mất mạng rồi, đột nhiên có một người giúp ông giải vòng vây, sau cùng mới biết người này là người hồi trước ông đã ban cho một bữa cơm.

Thời xưa như vậy, bây giờ cũng như vậy. Ở Đài Loan có một cặp vợ chồng bán quán ăn. Thời đại đó, mấy chục năm trước, rất nhiều sinh viên trong nhà không có tiền, cơm cũng không dám ăn, thức ăn cũng không dám gọi. Cặp vợ chồng này cũng biết mưu sinh không dễ, thấy sinh viên đó mỗi lần tới đều rất xấu hổ, họ múc cơm cho em luôn múc rất nhiều, hơn nữa còn đè ém xuống để không cho em thấy mình đang bố thí em, rất thiện xảo mà cho em thêm nhiều cơm, thêm chút tương canh đều cho em. Sau đó mười hai mươi năm trôi qua, vợ chồng họ vừa hay khu vực đó không cho họ dùng nữa, họ không mở tiệm được nữa, con họ còn học ở nước ngoài, làm sao đây? Không thể tiếp tục kiếm tiền, việc học của con cũng có vấn đề. Khi 2 vợ chồng ở đó lo lắng thật sự tối cũng không ngủ được, đột nhiên có một người bước vào, nói chuyện với họ, nói ông chủ chúng tôi mời 2 vị tới công ty, nói chuyện hợp tác. Ông chủ này muốn mời vợ chồng họ tới công ty giúp làm căng tin, mặt bằng đều không cần, đều do họ sắp xếp, họ xử lý sắp đặt là được rồi. Sau đó rất kinh ngạc, ông chủ này tại sao tốt với chúng ta như vậy? Chúng ta cũng không quen người này. Kết quả đi rồi mới nhận ra, chính là sinh viên năm đó, bây giờ đã là ông chủ một công ty, cho nên người phải rộng kết thiện duyên, con đường đời càng đi càng rộng mở.

Tiếp đó, “tùy duyên khuyên bảo, chung sức xây dựng, chẳng màng tỵ hiềm, chẳng màng gian khổ”. Theo những duyên gặp được, chúng ta tận tâm tận lực đi làm là sẽ viên mãn. Và lời khuyên này trước hết cái thứ nhất, tự mình dẫn đầu, lấy thân làm mẫu hiệu quả tốt nhất. Giống như chúng ta lúc đầu có nói, “cùng người làm thiện”, Đại Thuấn dẫn đầu làm ra sự lễ nhường, sau cùng nhân dân vùng này đều được ngài cảm hóa, đây đều là khuyên bảo. Kể cả người khác làm tốt, chúng ta khẳng định tùy hỉ tán thán, cái này cũng là tùy duyên này mà khuyên. Trên thực tế chúng ta gặp người khác cần giúp đỡ, chúng ta không tùy duyên giúp đỡ họ, thật ra lương tâm chúng ta sẽ bất an, vậy chúng ta sẽ không có niềm vui chân thật. Thật ra con người là lý đắc tâm an, người ta thấy xứng đáng với lương tâm, xứng đáng với trời đất, xứng đáng với người khác, đây là người tự tại hạnh phúc nhất. Buổi tối ngủ cũng rất ngon, nằm xuống trong vòng 3 phút là ngủ rồi. Nếu như quá nhiều việc lương tâm đều bất an, việc nên làm thì không đi làm, ngược lại tối sẽ khó ngủ, ngược lại sẽ thấy trong tâm bất an, lo sợ vô cớ.

Mạnh Tử nói “Cuộc đời có 3 niềm vui, cha mẹ đều còn, anh em vô sự”, niềm vui thiên luân. Thứ 3 là có được anh tài thiên hạ mà dạy dỗ, niềm vui thứ 3. Chúng ta bây giờ các vị phụ huynh cùng học tập “Liễu Phàm tứ huấn” khá là nhiều, có được anh tài thiên hạ không liên quan tới mình, tôi không phải dạy học trong trường, làm sao không liên quan tới quý vị? Con cái quý vị chính là anh tài thiên hạ, có phải không? Quý vị không có phản ứng, quý vị không hy vọng dạy con cái thành anh tài sao? Không dạy thành anh tài sẽ biến thành xuẩn tài, không tiến ắt thoái, lúc kết hôn đều phải bái thiên địa, đều phải triệu cáo thiên hạ, tại sao? Do thế hệ sau là chủ nhân của cả xã hội, là việc quan trọng nhất. Cho nên kết hôn là việc lớn, phải xứng đáng với gia tộc, xứng đáng với quốc gia, xã hội, quan trọng nhất là phải bồi dưỡng nhân tài trụ cột. Niềm vui thứ 3 của Mạnh Tử là “ngẩng lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với đất”, ngay thẳng hiên ngang, xứng đáng với lương tâm.

“Chung sức xây dựng” tức là mọi người cùng đồng tâm hiệp lực, có tiền góp tiền có sức góp sức mà làm, thật ra con người chỉ cần biết hiệp lực, biết đồng tâm, thì sức mạnh đó rất ghê gớm. “Hai người đồng tâm, đất cũng hóa vàng”, 3 người 5 người không phân ta người đều có thể vì đất nước, xã hội làm ra cống hiến rất lớn. Tất nhiên trong quá trình đang làm, cũng không chướng ngại khi người khác không lý giải, thậm chí còn nói nặng nhẹ, còn phỉ báng. Người đang làm trời đang coi, xứng đáng với lương tâm, xứng đáng với trời đất, và xứng đáng với đông đảo người thọ ích là được.

Chúng tôi tiếp xúc rất nhiều bạn bè làm về hoằng dương văn hóa truyền thống, họ khi bắt đầu làm cũng không hề dễ. Họ là làm công ích, rất nhiều người sẽ nghi ngờ những người này nhất định là có mục đích gì đó, “thời đại này làm gì có người làm việc gì không có mục đích? Không thể nào”. Nếu như quý vị làm sự nghiệp công ích, quý vị dùng thứ 7 chủ nhật chia sẻ với người ta về “Đệ tử quy” và “Liễu Phàm tứ huấn” và kinh điển văn hóa Trung Hoa. Sau khi tan học việc trong nhà làm xong xuôi, 9 giờ rưỡi bắt đầu soạn bài, bận rộn một tuần lễ còn phải đi dạy một buổi, dạy được nửa năm, dạy được một năm còn có người nghi ngờ quý vị có mục đích khác, quý vị có buồn không? Có làm nữa không? Khi tôi hỏi mọi người mọi người chính là người đương sự, như vậy mới đồng cảm. Thật ra mọi người nghĩ coi, quý vị cống hiến nhiều như vậy, người ta còn không tin quý vị, quý vị không thấy là họ đáng thương chứ không phải chúng ta đáng thương sao? Phải không? Chúng ta sao lại đáng thương? Chúng ta đã làm nhiều việc tốt như vậy sao lại đáng thương? Nhưng họ còn nghi ngờ mình, họ càng nghi ngờ, công đức quý vị càng lớn, càng không đáng thương, phải không? “Làm việc khó làm, nhẫn việc khó nhẫn”, công đức viên mãn nhất, đáng thương nhất là họ, đáng thương tới mức độ nào? Đáng thương tới nỗi người ta vô tư phụng hiến họ cũng không thể tin tưởng, sự nghi ngờ đó đã nghiêm trọng tới nỗi chướng ngại lương tri của họ rồi, họ là người rất đáng thương, người đáng thương chúng ta phải thương yêu, thương yêu ra sao? Làm tới khi họ tin tưởng, là quý vị thật sự thương họ.

Mọi người có nhặt rác trong khu phố mình không, bên cạnh có người nào nói “Người đó là nhặt đồng nát đấy”, còn bị người ta chê cười? Khi tôi vừa đến Hải Khẩu, nhìn thấy rác cũng nhặt, nhặt tới nỗi còn có người đem rác qua cho tôi, tôi đổi nghề rồi, dạy tiểu học biến thành người thu dọn rác. Còn có lần đang nhặt, đột nhiên có một em bé quỳ xuống cùng tôi mà nhìn, sau đó nhìn được mấy giây thì em đi mất. Tôi nghĩ có thể em tưởng là tôi đang nhặt vàng, sau đó nhận ra tôi đang nhặt đầu thuốc, nhặt rác, sau đó em đi mất. Thật ra, nhặt rác cũng là nhặt vàng, nhặt vàng tức là nhặt rác, mọi người đã ngộ ra chưa? Tôi nói cái này là có căn cứ, trong “Câu chuyện đức dục” có, một người đàn ông nhặt được một cục vàng đem về, vợ ông đem cục vàng đó vứt đi, người vợ này không đơn giản. Các vị làm vợ, chồng quý vị nhặt được một cục vàng đem về, quý vị làm sao? “Ôi chao, giỏi quá, bữa sau chú ý nhìn nhé”, vậy là phiền rồi, sau này chồng quý vị đi đường đều cứ nhìn vàng, tới lúc đó còn bị tai nạn xe. Hơn nữa mỗi ngày đều muốn không làm mà hưởng, cho nên nhặt vàng là nhặt rác. Tâm đó họ không thể nào có chí khí lớn.

“Câu chuyện đức dục” người vợ đó không đơn giản, nhìn rất xa. Còn có người chồng đi học, học tới sau cùng nhớ vợ, chạy về. Các vị làm vợ, chồng quý vị đi học tới nỗi quá nhớ quý vị mà chạy về, quý vị sẽ ra sao? Thật là vui. Còn người vợ đó liền đem một tấm vải trên khung cửi đã dệt rất lâu, “rẹt” đùng một cái cắt đi mất. Người chồng rất chấn động “Em dệt lâu như vậy tại sao cắt nó đi?”. Người vợ nói “Chuyện học giống như dệt tấm vải này vậy, nửa đường dang dở, tấm vải này cũng bỏ đi. Anh đi học không kiên trì được, mấy năm trước đó anh học chẳng phải hoang phí hết sao?”. Người chồng này thấy vợ nói năng nghiêm khắc như vậy, quyết chí vươn lên, liền mau quay lại, sau đó có được thành tựu. một người nam muốn có thành tựu, sau lưng nhất định phải có một người mẹ thành công, phải có một người vợ trí huệ, quý vị không có mẹ hiền, không có vợ hiền, người nam muốn có thành tựu lớn cũng không hề dễ. “Vợ hiền chồng ít họa”, người vợ hiền đức, người chồng có thể tránh được rất nhiều tai họa trong đời. Cho nên nhặt vàng có thể là nhặt rác, nhưng nhặt rác tức là nhặt vàng.

Một em bé từ nhỏ đối mặt với rác trong trường, đối mặt với rác trong khu phố, đối mặt với rác trong khu vực em ở mà em nhìn thấy, em đều cảm thấy là trách nhiệm của mình, tấm lòng em có lớn không? Thành tựu của một người tỉ lệ thuận với tấm lòng của họ, họ nghĩ cho thiên hạ, thành tựu của họ chắc chắn có thể lợi ích thiên hạ; họ luôn nghĩ cho đời này của chính mình, thành tựu của họ là lợi ích đời này; họ ngay cả rác trong nhà mình cũng không quản, vậy họ tuyệt đối không thể nào có thành tựu lớn. Nếu như con cái chúng ta ngay cả khu phố này cũng không quản, sau này các em sẽ có thành tựu sao? Cho nên giáo dục là gì? “Giáo dục là trưởng cái thiện và cứu cái xấu”, rác cũng có thể trưởng dưỡng tâm thiện của họ, trưởng dưỡng trách nhiệm của họ.

Thật ra chúng ta nếu như biết giáo dục, bất kì lúc nào cũng có thể trưởng dưỡng thiện tâm của con trẻ, đều có thể tăng trưởng trí huệ của con trẻ. Đường Thái Tông rất biết dạy con. Ví dụ có một hôm ăn cơm với con mình, ông liền mượn cơ hội này “Con trai, con biết cơm không?”, con ông nói “Không biết”. Ông liền nói với nó “Nông dân canh tác cực khổ cả mấy tháng mới có gạo để ăn, một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi”. Vậy con ông có chà đạp lương thực nữa không? Kết quả sắp đi ra ngoài, ngồi ngựa, lại là cơ hội giáo dục, liền hỏi con, con có biết ngựa không? Đứa con nói, không biết. Ngựa phục vụ con người chúng ta, con phải đối tốt với nó. Con không tốt với ngựa, con dùng nó khiến nó sức lực không chịu đựng nổi, ngựa sẽ chạy trốn. Nghĩa là bảo nó phải đối tốt với tất cả sanh mạng, kể cả đối tốt với người bên dưới, đây đều là thái độ đặt mình vào vị trí đó.

Mọi người có phát hiện không, bây giờ rất nhiều công ty, nhân viên 40 tuổi đột nhiên chết mất, 40 tuổi đột tử. Tôi nhớ hơn 10 năm trước khi tôi còn ở Đài Loan, liên tiếp mấy ngày nhìn thấy báo cáo này, nhân tài ưu tú của ngành khoa kĩ cao cấp bốn mươi mấy tuổi đột tử, đột nhiên chết mất, đó là sao? Mệt chết mất, thường thức khuya, ngày đêm điên đảo, đột nhiên có một thời gian quá lao lực mà chết mất, đó là tổn thất của xã hội quốc gia. Vậy phải trách ai? Trách ông chủ của họ, sao lại dùng nhân viên mệt mỏi tới mức độ đó? Có một số ngành rất tàn nhẫn, anh muốn tiền của tôi tôi muốn mạng của anh. Thật vậy, có một số ngành kiếm rất nhiều tiền, nhưng ở đó phục vụ 10 năm, 20 năm, cả thể lực hoàn toàn hao tổn hết, người 40 tuổi nhìn như năm sáu chục tuổi cũng có, thật ra số tiền đó sau khi kiếm được đều tặng hết cho bác sĩ.

1 người lãnh đạo phải nên bảo vệ sức khỏe của nhân viên, thậm chí không chỉ thương yêu sức khỏe của họ, còn thương yêu đức hạnh của họ, mượn môi trường làm việc này để nâng cao đức hạnh của họ, nâng cao trí huệ của họ, vậy lãnh đạo như quý vị công đức vô lượng. “Đệ tử quy” có nói “đối đầy tớ, phải trang nghiêm, tuy trang nghiêm, nhưng hiền hòa”. Sự tôn quý của một người lãnh đạo thể hiện ở đâu? Không phải họ có thân phận tôn quý, mà là hành vi của họ tôn quý, do sự nhân từ của họ mà tôn quý. Nhân từ thể hiện ở chỗ suy nghĩ cho cuộc đời người bên dưới, suy nghĩ cho gia đình của họ, điều này rất đáng quý. Bây giờ làm việc tốt dễ bị người ta nghi ngờ, lúc này cũng không nên ngại hiềm nghi, tận tâm tận lực mà làm, vô tư cống hiến, dù sao lâu ngày hiểu lòng nhau, sau cùng thành quả xuất hiện, tự nhiên tất cả sự nghi ngờ và phỉ báng sẽ tiêu theo mây khói, cũng không cần quái ngại những việc này.

“Không màng gian khổ”, cũng không được vì vất vả mà không muốn làm, phải chịu cực chịu khổ. Trên thực tế chỉ cần con người thật sự có thể vô tư mà làm, thật ra tương ứng với bổn thiện của chúng ta, càng làm sẽ càng vui vẻ, càng hoan hỉ. Matsushita, khi sự nghiệp ông gặp nút thắt, ông đã tới chùa để điều chỉnh trạng thái thân tâm của mình một chút.