HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”
Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng
Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia
Luận về lập mệnh
Phương pháp sửa lỗi
Phương pháp tích thiện
Lợi ích khiêm cung
TẬP 23A
Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!
Khóa học “Liễu Phàm tứ huấn” của chúng ta, lần trước nói tới đại thiện và tiểu thiện. Khi nói về đại thiện và tiểu thiện này, tổng kết sau cùng hết sức sâu sắc: “Vì chí tại quốc gia thiên hạ, nên thiện tuy nhỏ mà lớn. Nếu tại một thân, tuy nhiều mà ít”, cho nên sự lớn nhỏ này, quyết định bởi tâm lượng của chính chúng ta, làm mỗi một việc chúng ta có tâm gì, tâm lượng lớn, phước sẽ lớn.
Ví dụ chúng ta nuôi dưỡng con cái, tâm cảnh chúng ta là muốn giáo dục chúng thành thánh hiền, nhân tài trụ cột, cống hiến cho quốc gia xã hội, tâm lượng như vậy nuôi con cái cũng là công đức vô lượng. Chúng ta coi trong lịch sử rất nhiều thánh triết nhân, cha mẹ họ đều có tấm lòng như vậy, mẹ Mạnh Tử chuyển nhà 3 lần, tại sao dụng tâm như vậy? Tức là muốn dạy ông thành thánh hiền.
Kể cả chúng ta làm một doanh nghiệp, làm một sự nghiệp, là muốn mình kiếm tiền nhiều một chút? Hay là vì mình làm sự nghiệp này có thể trở thành nhãn hiệu của dân tộc, chấn hưng lòng tự tin dân tộc, có thể chăm sóc tốt gia đình của nhân viên, có thể thực hành văn hóa truyền thống, trở thành tấm gương văn hóa truyền thống trong giới doanh nghiệp, khiến đại chúng đều có lòng tin với văn hóa truyền thống? Cho nên mỗi người làm doanh nghiệp nhận được phước báo không giống nhau, do tâm họ không giống nhau.
Thông thường trong giới thương nghiệp, chúng ta thường nghe nói, “trong thương nói thương”, ý nghĩa của câu này hình như là nói, nhất định phải đặt cái gì lên vị trí đầu tiên? Đặt tiền lên vị trí đầu tiên mới giống thương nhân. Thật ra, 5000 năm nay thương nhân thật sự tốt chưa từng nói như vậy, chỉ mấy chục năm nay giới thương nghiệp mới nói như vậy. Trong cả thương nghiệp Trung Quốc đặc biệt được khẳng định là có Tấn thương của Sơn Tây, Huy thương của An Huy, điều họ đều nhấn mạnh là đạo nghĩa. Họ nói rằng, như Huy thương nói rằng: Lợi duyên khởi nghĩa, từ nghĩa sanh lợi, nghĩa đứng trước lợi, tài sanh từ đạo. Đây là giáo huấn của lão tổ tiên, lão tổ tiên coi trọng đạo đức, cho nên các ngành các nghề đều có thánh hiền, do đều đặt đạo đức trong mỗi ngành nghề. Trong ngành giáo dục Khổng Tử là đại biểu, chí thánh tiên sư; trong giới chính trị, Nghiêu Thuấn Vũ Thang Văn Võ Chu Công là đại biểu; trong giới y học Tôn Tư Mạc, Hoa Đà những người này đều có tấm lòng thánh hiền, có tấm lòng từ bi. Các ngành các nghề, kể cả thương đạo cũng có thánh hiền.
Phạm Lãi thời Xuân Thu, thần tài là Phạm Lãi tức là Đào Chu Công. Hình như bây giờ khá ít bái Đào Chu Công, có thể số người biết chuyện này không nhiều, bây giờ đều bái Quan Công, cũng không sai, Quan Công đại diện điều gì? Nghĩa. Cho nên “nghĩa đứng trước lợi, từ nghĩa sanh lợi”, cái này không bái sai, Quan Công là nghĩa khí ngút trời.
Quả thật các ngành các nghề đều đi trong chánh đạo, mới được lâu dài. Không chỉ là các ngành các nghề, người làm mẹ cũng là thánh nhân. Diễn tốt mỗi một vai trò có thể thành thánh nhân. Đại Thuấn diễn người con tốt, ngài là chí hiếu, ngài trở thành thánh nhân. 3 người nữ thời Chu diễn tốt vai trò người mẹ, việc này lưu danh thanh sử, là tam thái, Thái Khương, Thái Nhâm, Thái Tự, 3 đời người nữ này đều là thánh nhân, cho nên thời Chu sanh nhiều thánh nhân nhất, đều do họ dạy ra.
Cho nên chúng ta gọi người nữ đã kết hôn và sanh con là thái thái, mọi người biết ý nghĩa đó không? Có nghĩa là người ta gọi chúng ta “Nữ thánh nhân, xin chào”. Chúng ta mỗi lần bị người ta gọi: “A, Trần thái thái”, tức là nhắc nhở chúng ta phải có đức hạnh của thánh nhân mà giáo dục tốt con cái. Mỗi một lần bị gọi, chúng ta mỗi lần phải khích lệ chính mình, kì vọng chính mình: “Đừng cam chịu, không thua kém, thành thánh hiền, đều đạt được”, cũng không uổng phí những tấm gương tốt tổ tiên chúng ta để lại, và thông qua tấm gương này, dùng xưng hô như vậy để nhắc nhở người nữ của cả dân tộc chúng ta, quý vị coi dụng ý này có trí huệ biết mấy, lại thương yêu con cháu đời sau.
Trong giới thương nghiệp hiện nay, tôi cũng gặp rất nhiều nhà doanh nghiệp thật sự có đạo. Như tập đoàn Goodark Tô Châu Giang Tô, chủ tịch Ngô Niệm Bác của họ. Tôi rất may mắn lần này tới Srilanka, từ ngày đầu tiên tới khi ra về đều được ở chung với chủ tịch Ngô, cho nên tôi thường đào kho báu từ ông. Ông thật sự là không có tâm tự tư tự lợi, doanh nghiệp ông làm, ông nghe giáo huấn của sư trưởng, phải biến doanh nghiệp thành một gia đình lớn, phải có ân nghĩa, phải có đạo nghĩa, ông nghe xong rất cảm động liền theo đó mà làm. Sau đó doanh nghiệp của ông tên là “Doanh nghiệp hạnh phúc”, tức là khiến tất cả nhân viên hạnh phúc, còn phải khiến tất cả khách hàng, kể cả cư dân trong vùng và cả chính phủ đều cùng nhau hạnh phúc, hơn nữa tham quan doanh nghiệp của ông, họ làm rất tốt, đã có hơn 1000 công ty đến học tập, con số hơn 1000 này có lẽ là từ 3 tháng trước, tôi thấy bây giờ không chỉ nhiêu đó.
Khi tôi liên lạc với chủ tịch Ngô, họ đều đang bận rộn tiếp đón, do rất nhiều người tán đồng văn hóa truyền thống đều tới đây tham quan học tập, ngay cả doanh nghiệp hết sức nổi tiếng Hàn Quốc, rất có ảnh hưởng trong giới doanh nghiệp cũng mời ông tới Hàn Quốc thuyết giảng, cả giới doanh nghiệp Hàn Quốc rất nhiều nhân vật quan trọng đã gặp gỡ ông, đối với tấm lòng đạo nghĩa của doanh nghiệp ông trong kinh doanh, chăm sóc tốt nhân viên, khiến gia đình họ, cuộc đời họ hạnh phúc đều hết sức cảm phục. Như thai phụ trong công ty của họ khi ăn cơm đều đặc biệt thêm thức ăn, đều đặc biệt chú trọng sức khỏe, dinh dưỡng của họ. Cho nên tôi thấy thai phụ trong công ty họ khi được phỏng vấn đã nói muốn sanh thêm mấy đứa nữa. Người thời đại này đều không muốn sanh con, tới lúc đó sự già hóa sẽ khá nghiêm trọng, cho nên tình thương này của họ giúp những đồng nghiệp mang thai này làm thai giáo rất tốt.
Chúng tôi nhớ tới “Đại học” có nói, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ không phải lý luận. Chủ tịch Ngô không có tư lợi, cho nên ông tu thân; cả doanh nghiệp của ông là một đại gia đình, ông tề gia; bên dưới ông có hơn 400 người làm nghĩa công, một đoàn thể rất lớn phục vụ cho xã hội, hơn 400 nghĩa công, đây là trị quốc; ông làm rất nhiều việc phục vụ xã hội, thêm vào đó cả nước có hơn 1000 doanh nghiệp học tập theo ông, công này là ở quốc gia, bây giờ Hàn Quốc, và cả công ty trên quốc tế cũng học tập theo ông, đây là bình thiên hạ. Khiến tất cả giới doanh nghiệp đều coi trọng đạo nghĩa, không tranh quyền đoạt lợi, thế giới này mới được an định. Cho nên người làm doanh nghiệp cũng có thể “chí tại thiên hạ quốc gia”.
Tất nhiên chủ tịch Ngô và cả đoàn thể của ông công đức vô lượng, nhưng còn có một người công đức càng lớn, mọi người biết là ai không? Mẹ của chủ tịch Ngô, phải không? Bà nuôi dưỡng ra đứa con này. Cho nên người xưa rất hiểu, nhân tài trụ cột của một quốc gia, cha họ qua đời, mỗi năm đều dùng lễ của đại phu, đại quan để cúng cha họ. Điều này nói với người thiên hạ rằng, người này vì quốc gia nuôi dưỡng một nhân tài trụ cột, mỗi năm đều cúng tế họ. Cho nên văn hóa của người xưa đều là uống nước nhớ nguồn, tri ân báo ân, cho nên “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”, từ “truy viễn” này là ân đức xa tới đâu cũng không được quên, mỗi một người đều nhớ ân, xã hội này tất nhiên lòng người sẽ hậu đạo.
Giống như thời Đông Hán, hoàng đế cử sứ giả tới Ấn Độ đem về rất nhiều giáo huấn kinh điển của Phật gia, hồi đó có một con ngựa trắng, lặn lội mấy vạn dặm, sau cùng chở kinh sách về tới nơi, sau khi chở về thì mệt chết mất, cho nên ngôi tự viên đầu tiên tên Bạch Mã tự. Cho nên tổ tiên Đông Hán chúng ta ngay cả ân đức của con ngựa cũng hy vọng tưởng niệm lâu dài, không quên cái gốc này, ngay cả với ngựa cũng cảm ân như vậy, huống hồ là với cha mẹ, với người có ân với mình? Cho nên thái độ nhân sinh tri ân báo ân này, nhất định phải cắm sâu trong tâm chúng ta, lấy thân làm mẫu, dùng thân giáo để ảnh hưởng con cái.
Chúng ta coi tiếp sự phân biện về thiện. Phân biện về thiện có 8 góc độ, đã tới góc độ thứ 8 rồi. Chúng ta khi bắt đầu nói thiện “có chân, có giả; có ngay, có khuất; có âm, có dương; có thị, có phi; có lệch, có chánh; có vơi, có đầy; có lớn, có nhỏ”, sau cùng “có khó, có dễ”.
“Thế nào là khó dễ. Tiên Nho muốn khắc kỉ thì bắt đầu khắc phục từ chỗ khó”.
Nho gia rất nhiều vị tiên triết đều nói rằng, công phu điều khắc mình phải làm từ đâu? Khắc phục từ tập khí khó nhất mà hạ công phu.
“Phu Tử luận về nhân, cũng nói khó trước”.
Khổng Tử trong “Luận ngữ” khi nói về “vi nhân” cũng nói phải “tiên nan”, trước hết khắc phục từ tập khí khó nhất. Do người ta tùy thuận tập khí, họ sẽ tự tư tự lợi, họ sẽ rất khó thấu hiểu người khác. Chúng ta thấy chữ “nhân” này, đây là chữ hội ý, bên trái là một người, bên phải là chữ nhị, tức là 2 người, nghĩ tới mình liền nghĩ tới người khác, thật ra tức là lúc nào cũng đặt mình vào hoàn cảnh đó.
Đặt mình vào hoàn cảnh đó, phải buông bỏ ích kỉ trước mới làm được, có một câu tục ngữ nói là “nuôi con mới biết ơn cha mẹ”, có lý không? Quý vị sao không có phản ứng? Quý vị đều là người làm cha làm mẹ, câu này còn chưa cảm nhận được thì không xong, hơi bị tê dại rồi. Câu này thông thường chính mình làm cha mẹ rồi, cảm nhận được rồi. Chính mình có nhớ lại không, hồi mười bốn mười lăm tuổi, mình muốn làm gì là làm, cũng không nghĩ tới tình hình của cha mẹ, ví dụ nói xài tiền rất hoang phí, tim của cha mẹ đang nhỏ máu, còn mình hồi đó một chút cảm giác cũng không có; bây giờ mình đã thành gia, mới biết củi lửa cơm dầu mắm muối, tất cả đều cần tiền.
Tôi cũng khá là thuần, không nhạy cảm lắm. Khi tôi lãnh phần lương đầu tiên, tôi nhớ là Đài tệ 18 ngàn đồng, cũng không nhiều, rất ít, tôi cầm tiền lương đó mà nghĩ, nếu như tôi cầm tiền lương này, đại học tôi cũng không học được. 3 chị em chúng tôi đều học đại học, cha mẹ cũng không chau mày chút nào, không muốn gia tăng gánh nặng trong lòng chúng tôi, rất nhiều sự khổ cực, rất nhiều sự khiêu chiến trong cuộc sống đều do cha mẹ gánh vác. Chúng ta có cảm nhận này rồi, có thể thời thời nhắc nhở chính mình, không thể đợi tới 10 năm, 20 năm sau mới biết sự khổ cực của cha mẹ, mới biết người thân mình không dễ dàng, phải là bây giờ đã luyện tập sự thấu hiểu này.
Cho nên Nho gia nói “thứ đạo”, “thứ” như kì tâm, đặt mình vào vị trí đó, dần dần quý vị có thể cảm thông người khác, dần dần sẽ khế nhập nhân đạo, đại đạo nhân ái. Cho nên Mạnh Tử nói “cưỡng thứ nhi hành”, từ “cưỡng” này tức là lúc bắt đầu không ngừng nhắc nhở chính mình phải ở vị trí đó, không thể chỉ đứng trên lập trường của mình, dùng cảm nhận của mình mà suy nghĩ. “Cầu nhân mạc cận yên”, ví dụ vợ quý vị nấu cơm, nấu đồ ăn ra, mấy ông chồng có biết trong bếp rất nóng không? Trừ phi mình đi nấu một thời gian là biết ngay. Khi không biết, nấu ra rồi có lúc chê đông chê tây. Cho nên làm vợ không hề dễ, công phu nhẫn nhịn phải mạnh, có người chồng không biết thông cảm, chê luôn 20 năm, sau cùng cũng bãi công, “anh tự nấu đi”. Cho nên người thật sự trải nghiệm qua, như bản thân tôi đã từng trồng rau, sau khi trồng xong, tôi ăn rau chưa bao giờ lãng phí, nhất định phải ăn cho sạch sẽ.
Thứ đạo này có dễ không? Ai làm chủ quản mời giơ tay? Quý vị đều khách sáo như vậy. Mọi người coi khi chúng ta làm cấp dưới, nhìn thấy chủ quản đó, sao mà không làm việc? Cái này cũng không đúng, cái đó làm cũng không tốt, phê bình rất lợi hại. Đột nhiên mình thăng quan rồi, thăng lên vị trí chủ quản, ôi chao, thật là không phải việc của người làm. Cho nên phải thường đổi vị trí suy nghĩ, thật sự không hề dễ. Cho nên sự “thứ” này, phải làm sao? Phải miễn cưỡng chính mình, thời thời suy nghĩ sự việc trên lập trường của họ, phê bình sẽ không khắc nghiệt như vậy, nếu không người ta không phát giác ra điểm này, càng phê bình người càng ngạo mạn, càng khắc nghiệt là không tốt.
Có 2 bà cụ ngồi nói chuyện với nhau, trong đó một người than thở rằng: “Ôi chao, số tôi thật không tốt, con dâu tôi cái gì tốt trong nhà nó cũng đem về nhà mẹ nó, tôi già rồi mà còn xấu số!”. Một người bạn kia thì nói, 2 bà cụ mà, “Ôi chao, chị thật đáng thương, nhìn thoáng một chút đi”. Tiếp đó người đáng thương này liền hỏi đối phương: “Dạo này chị thế nào?”. “Dạo này tôi rất tốt, sau khi con gái tôi gả đi, đồ gì tốt cũng đem về nhà”. Quý vị coi lúc đó cụ cũng không thấy không đúng, không tốt, người ta không buông bỏ sự tư lợi, hám lợi của người khác cũng cảm thấy không có gì, chịu thiệt một chút đã nhảy cẫng lên.
Cho nên khó trước, phải buông bỏ tự tư tự lợi, niệm niệm nghĩ cho người khác thật sự không dễ dàng, nhưng cũng chỉ có thể niệm niệm nghĩ cho người mới có thể mở rộng tâm lượng của chúng ta, mới có thể là người thật sự có phước, người lúc nào cũng nghĩ cho mình chắc chắn không có phước khí đó. Quý vị nói người này bây giờ rất ích kỉ lại rất có phước, đó là lão tổ tiên để lại cho họ, họ sớm muộn gì cũng xài hết, cho nên nhìn sự việc không thể nhìn quá nông cạn.
Vừa nói tới sự khó dễ này, trong Phật môn có nói rằng “bần cùng bố thí khó”. Họ đã rất nghèo rồi bảo họ bố thí, quả thật là khó. Họ sinh sống rất khó khăn rồi, quý vị còn nói họ bố thí, giống như muốn cắt thịt họ, nhưng khó như vậy vẫn làm được, ông trời giáng phước báo cho họ hết sức lớn, hơn nữa hết sức nhanh. Chúng ta trong kinh văn tiếp theo có lấy ví dụ:
“Như Thư công Giang Tây, xả hết tiền lương góp nhặt 2 năm, đền thay tiền quan, mà giúp vợ chồng người”.
Ở vùng Giang Tây này có lão tiên sinh họ Thư, từ “công” này là người khá có tuổi. Ông vừa hay theo nghề giáo dục tư thục, dạy học vốn dĩ thu nhập không phải nhiều lắm, ông ở vùng Hồ Quảng dạy học 2 năm, những gia tộc này, phụ huynh gia đình họ cúng dường cho ông, cúng dường vẻn vẹn 2 năm nay, tức là học phí, cúng dường cho thầy.
2 năm, hẹn với những thầy dạy học Giang Tây này cùng nhau đi thuyền về quê, về Giang Tây, kết quả trên đường đi, do Trung Quốc có rất nhiều sông lớn, họ đi thuyền về quê. Lúc đó, nghỉ giữa đường, đi dạo trên bờ, nghe thấy một người phụ nữ khóc rất thê lương, ông liền hỏi cô rốt cuộc là duyên cớ gì, cô nói: “Chồng tôi nợ quan phủ 13 lạng, kết quả đem tôi đi trả nợ. Nếu tôi rời đi, đứa con này của tôi không được bú mớm chắc chắn sẽ chết, cho nên tôi đau lòng khó mà kiềm chế”. Tất nhiên Thư công này nghe tới đây tâm trắc ẩn cũng khởi lên, ông không thể thấy chết không cứu, ông liền an ủi người nữ này, rằng “Cô đừng lo lắng, trên thuyền chúng tôi có rất nhiều đồng đạo, đều là người Giang Tây, đều đang dạy học, mỗi người chúng tôi bỏ ra một lạng, việc của cô sẽ được giải quyết”.
Ông liền mau quay về kể cho tất cả bạn bè nghe, mọi người bỏ ra một lượng, cô ấy bây giờ đau khổ như vậy, thậm chí còn có khuynh hướng tự sát, mọi người phát tâm từ bi. Kết quả không một ai hưởng ứng ông, do kiếm tiền cũng không nhiều, xa nhà lâu như vậy, mọi người đều không muốn bỏ ra. Kết quả ông cũng không cách nào nhẫn tâm mà không quản, ông liền đem toàn bộ sự cúng dường trong 2 năm đều cho cô, giúp cô giải quyết vấn đề này. Kết quả cách nhà họ còn 90 cây số, tất cả tài vật trên người ông đều không còn nữa, kết quả bạn bè xung quanh liền mắng ông: “Đáng đời, ai bảo ông rỗi việc?”, liền nói những lời chế giễu này, có một số người khá có lương tâm, cũng tội nghiệp ông, gọi ông lại cùng ăn cơm, do ông không có tiền, hơn nữa Thư công này rất hậu đạo chỗ nào? Người ta mời ông ăn cơm, ông không dám ăn no, do ông thấy những người bạn này cũng không giàu có gì, chỉ ăn một chút đỡ đói là được.
Cuối cùng cũng tới nhà, vừa đẩy cửa vô: “Bà xã, tôi đã chịu đói 2 ngày rồi, mau mau nấu cơm đi”. Vợ ông nói: “Gạo đâu? Đợi ông đem gạo về đây!”. Ông nói: “Đi mượn hàng xóm”. Vợ ông nói: “Không biết mượn người ta bao nhiêu lần rồi, chỉ đợi ông về trả đây, không mượn tiếp được”. Ông kể với vợ mình, chuyện ông đem 13 lạng bạc quyên góp. Quý vị làm vợ, nghe kể chuyện phải khế nhập cảnh giới, khi nghe kể chuyện quý vị là người vợ này, chồng quý vị bây giờ nói với quý vị, toàn bộ quyên góp hết, quý vị sẽ làm sao? Ngất xỉu? Hay là đuổi chồng mình ra đường? Kết quả, quý vị coi người vợ này ra sao: “Ôi chao, thì ra là vậy, tướng công đã làm một việc tốt lớn, không sao, tôi có phương pháp cũng có thể giúp ông ăn no bụng”. Tôi có đồ trong nhà có thể cho ông ăn no, bà liền lên núi đào rau đắng và gốc rau đắng đem nấu nhừ, vẫn ăn no được. Cho nên Thư công này không đơn giản, vợ ông càng không đơn giản, cho nên vợ chồng ông là “dẫn vợ thành đạo, giúp chồng thành đức”.
Có nhớ lại chuyện trước đây chúng ta kể không, người ấp Ngân Dương Tự Trừng, ông làm việc trong giám ngục, có một phạm nhân bị đánh đến nỗi máu phun ra, ông quỳ xuống xin tha cho: Đại nhân, đừng đánh nữa, người phía trên không dạy tốt lão bá tánh bên dưới, không thể nghiêm khắc trừng phạt lão bá tánh như vậy, “bên trên thất đạo, dân tán loạn đã lâu”, không thể trách lão bá tánh. Rất nhiều phạm nhân đã chịu đói nhiều ngày, trong nhà ông cũng sắp hết gạo, quay về thương lượng với vợ mình, vợ ông vẫn đem gạo ra cho những phạm nhân sắp chết đói này. Cho nên vợ chồng này cũng rất không đơn giản.
Ăn no xong, buổi tối đi ngủ, đột nhiên nghe thấy ngoài cửa sổ có tiếng truyền vào, rằng “Kim tiêu thực khổ thái”, tối hôm nay ăn rau đắng”, nói “kim tiêu thực khổ thái”, “minh tuế sản trạng nguyên”, sang năm có thể sanh một trạng nguyên lang. Quý vị có ăn không? Vợ chồng ông đồng thời nghe thấy, đây là cảm ứng rất cát tường, 2 người khoác áo lên bái tạ trời cao, sang năm sanh được con trai Phân, quả nhiên đậu trạng nguyên. Đây là Thư công Giang Tây.
Tiếp theo chúng ta coi chuyện phía sau:
“Như Hàm Đan Trương ông, bỏ tiền tài tích lũy 10 năm, giúp trả hết nợ, cứu sống vợ người, đều gọi là chỗ khó xả mà xả được”.
Tiền để dành 10 năm đều quyên góp hết. Hàm Đan này là ở Hà Bắc, tỉnh Hà Bắc. Trương tiên sinh này nhà rất nghèo khó, hơn nữa không có con trai, điều này nghĩa là sao? Trong mạng không có phước, vừa không tiền, vừa không con nối dõi, không có con. Sau đó ông lấy một hũ rượu mỗi ngày để dành tiền như vậy, dành tiền, dành tiền, 10 năm để dành đầy hủ rượu đó.
Kết quả vừa hay hàng xóm ông thiếu tiền, muốn đem vợ mình đi thế số tiền này, còn 3 đứa con của họ đều rất nhỏ, nếu như người vợ thật sự đi rồi, có thể 3 đứa con này rất khó nuôi sống được. Trương công sau khi nhìn thấy rất không đành lòng, ông có một động tác rất đáng quý, “nói chuyện với phu nhân”, ông tìm phu nhân của mình thương lượng, đây là sự tôn trọng đối với vợ, có lúc chúng ta làm việc tốt rất khích động tự mình đi làm, không thương lượng với một nửa kia, vợ chồng là đồng thể, mình vui là được rồi, dù sao cũng là việc tốt, nếu như vợ mình không muốn làm, cô ấy không có thiện căn, vậy là không đúng, tôn trọng đều ở những chi tiết này.
Như chủ tịch Diệp công ty Cư Mỹ Hinh Nam Kinh, lúc đó ông đem mảnh đất rất lớn của công ty và cả vật kiến trúc ra để xây trung tâm văn hóa truyền thống, ông muốn quyên góp. Ý niệm tốt như vậy, điều ông suy nghĩ đầu tiên là tìm vợ mình thương lượng trước, tìm vợ xong rồi tìm cha thương lượng, đều lý giải rồi, đều ủng hộ rồi, ông mới đi làm. Người thân nhất đều phải nên đặt mình vào vị trí họ, biết tôn trọng đối phương. Không thể làm việc tốt liền tỏ ra cưỡng thế, như vậy sẽ khiến người ta phản cảm, không thể chấp nhận, cho nên những người vợ này đều không dễ dàng. Nhìn thấy một nửa của mình có đạo đức, đều dốc sức ủng hộ họ.
Vợ ông cũng tán đồng ông, kết quả muốn giúp đỡ đối phương, một hũ tiền cũng chưa đủ, sau cùng vợ ông tháo đồ trang sức ra, mới góp đủ tiền, vợ ông thật sự là có tâm nhân từ. Tối hôm đó mơ thấy có một thần tiên ẵm một em bé tặng cho nhà họ, sau đó đã sanh ra tiên sinh Hoằng Hiên, con cháu lần lượt đăng khoa. Mọi người chú ý, lần lượt đăng khoa, tức là hậu thế thi đậu tiến sĩ, mấy đời như vậy truyền lại.
Cho nên đồ trang sức quý vị có muốn lấy ra không? Ý của tôi là nên giúp người thì chúng ta phải giúp. Cho nên cái này là “xả được chỗ khó xả”. Đều là đem tất cả tiền tích cóp ra. Kế đó chúng ta coi tiếp:
“Như Trấn Giang Cận công, tuy tuổi cao không con, không nhẫn tâm nhận người trẻ làm thiếp, đã hoàn trả lại. Chỗ khó nhẫn này mà nhẫn được, thì trời giáng hậu phước”.
Việc càng khó mà làm được, phước ông trời giáng cho chắc chắn sẽ càng dày; việc dễ làm thì phước không lớn như vậy, việc khó phước sẽ dày.
Trấn Giang này ở Giang Tô, Trấn Giang có tiên sinh Cận, ông 50 tuổi rồi vẫn chưa có con trai. Người xưa rất nhấn mạnh “Bất hiếu có 3 việc, vô hậu lớn nhất”, đều hy vọng có được con cháu tốt kế thừa huyết mạch tổ tiên. Ông cũng là dạy học, ở vùng Kim Đàn này, vợ ông thấy ông 50 tuổi rồi, bà cũng cảm thấy không sanh được con cho nhà họ Cận, bà cũng thấy áy náy trong lòng, bà liền bán trang sức và vòng tay của mình, sau đó mua con gái của nhà hàng xóm về làm thiếp cho chồng.
Kết quả chồng bà quay về, người vợ đã giúp ông sắp đặt xong, còn ở trong phòng rót sẵn rượu, sau đó nói với chồng mình, ý là đã giúp ông tìm thiếp cho ông. Nói với chồng mình rằng: “Thiếp tuổi đã khá cao, có thể không cách nào sanh con nữa, cô gái này cũng rất lương thiện, thiếp mua cô ấy về làm thiếp cho ông, có thể sẽ tiếp nối huyết mạch họ Cận”. Chồng bà là người trí thức này cũng rất thành thật, nghe xong mặt đỏ lên, sau đó người vợ sợ chồng ái ngại, bà liền đi ra, chỉ để lại chồng mình và cô gái trẻ này trong phòng, bà còn khóa phòng lại, vợ ông còn khóa cửa phòng lại.
Kết quả một lúc sau, đột nhiên nghe thấy tiếng động, chồng bà từ cửa sổ nhảy ra, bà khóa cửa phòng rồi, chồng bà từ cửa sổ nhảy ra ngoài. Sau đó nói với vợ mình, đoạn này tôi cảm thấy rất cảm động lòng người. Ông nói với vợ mình “Tâm ý này của nàng hết sức sâu dày, không chỉ ta cảm ơn nàng, tổ tiên lịch đại của ta cũng cảm ơn nàng. Nhưng cô gái này từ nhỏ ta thường ẵm bồng, ta đã nhìn nó lớn lên, khi nó còn nhỏ ta thường chúc phúc nó, hy vọng nó gả cho nhà người tốt. Ta bây giờ già như vậy lại có bệnh, không thể lấy cô ấy, có lỗi với lương tâm của ta, cũng có lỗi với cô ấy”. Cho nên người trí thức này không muốn làm trái tâm ban đầu của mình, cũng không muốn làm dở dàng cuộc đời đối phương, mặc dù họ đã bỏ ra rất nhiều tiền mua cô về. Kết quả sau đó vợ ông thấy cũng không thể miễn cưỡng chồng mình, nên trả lại cô gái này về nhà.
Kết quả kì tích xuất hiện, vợ ông liền mang thai, sang năm sanh được một đứa con tên Quý. Tất nhiên, cha nó 51 tuổi mới sanh nó, đó là quý tử, 17 tuổi thi đậu cử nhân, lại liên tiệp, tức là tiếp đó liền thi đậu tiến sĩ, mười mấy tuổi đã thi đậu tiến sĩ, hơn nữa lên làm tể tướng, đây gọi là gì? “Nhẫn được việc khó nhẫn”, nhẫn được cái gì? Nhẫn được việc có thể mình sẽ đoạn tử tuyệt tôn, nhẫn được việc nữ sắc trước mắt mà vẫn giữ được tâm ban đầu, đây đều là việc rất không dễ dàng, cho nên “trời sẽ giáng hậu phước”.
Tiếp theo kinh văn tổng kết rằng:
“Phàm người có tiền có thế”.
Người có tiền tài, có địa vị.
“Họ lập đức đều dễ”.
Người có địa vị ảnh hưởng nhiều người, họ có một hành vi thiện, họ có một quyết sách thiện thì bá tánh thọ ích sẽ nhiều. Giống như tiên sinh Liễu Phàm làm huyện trưởng, huyện đó rất lớn, một chính sách giảm thu thuế của ông, bá tánh thọ ích có thể hàng ngàn hàng vạn, cho nên “lập đức đều dễ”, tích đức hành thiện khá là dễ dàng.
“Dễ mà không làm”.
Dễ dàng mà không đi làm.
“Là tự hủy mình”.
Dó là tự từ bỏ mình. Tại sao là tự từ bỏ mình? Họ nhìn thấy người ta nghèo khó khổ nạn khoanh tay không quản, lương tâm họ đã bị tư lợi, bị dục vọng chướng ngại mất, tất nhiên là tự từ bỏ mình. Cho nên tục ngữ thường nói “xả đắc, xả đắc, có xả mới có đắc”, sau khi đắc rồi lại xả. Do tiền là “thông hóa”, “thông” là phải để nó lưu động, nó không lưu động, cho nên là “có nước ắt có tiền”, nước sẽ lưu động, cũng giống như tiền phải lưu động, nếu như nước không lưu động, nó sẽ bị thối, tiền không lưu động sẽ làm sao? “Tích tài hại đạo”, tích lũy tiền tài tổn hại sự nhân đạo của mình, sau cùng biến thành gì? Kẻ giữ của.