Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 16B) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

Rất nhiều người lại nói, tôi không coi tin tức, rất nhiều việc tôi không biết. Nói mọi người nghe, thứ không nên biết quý vị đều không biết, thứ nên biết quý vị cũng sẽ biết. Việc lớn quý vị chắc chắn sẽ biết, người khác chắc chắn sẽ nói với quý vị. Ai bị giết, ai bị sao đó quý vị đều không biết, những chuyện thế gian rất đáng sợ đó quý vị đều không biết, biết những thứ đó làm gì? Đúng vậy, kiến nghị. Kể cả tới những chỗ ồn náo này, thật ra chúng ta bây giờ định công còn chưa chế phục được, con người phải sáng suốt biết mình, đừng khoe sức. “Những người ở đó rất tội nghiệp, mình phải đi độ họ, mình đi giúp đỡ họ”, sau cùng còn bị người ta độ đi mất. Những hoàn cảnh ô nhiễm chúng ta, hoàn cảnh ảnh hưởng chúng ta, kính nhi viễn chi là được. Tiếp theo kinh văn nói:

“Vì phát nguyện sửa lỗi”.

1 người đã phát đại nguyện: Cuộc đời họ phải sống có ý nghĩa, đối với quốc gia, xã hội, với gia tộc phải có cống hiến, trước hết họ phải sửa đổi sai lầm của mình trước, và trong quá trình dụng công này:

“Dương thế cần bạn tốt nhắc nhở, cõi âm cần quỷ thần chứng minh”.

Ở những nơi minh hiển, muốn sửa lỗi cần thầy tốt bạn hiền, bạn bè tốt nhắc nhở. Do “người trong cuộc mê, người ngoài cuộc tỉnh”. Tất nhiên chúng ta thật sự phải cảm được “bạn tốt nhắc nhở”, thật ra cuộc đời chiêu cảm được nhân duyên tốt, căn bản vẫn nhờ sự tu dưỡng của bản thân, thái độ của bản thân.

Ví dụ tục ngữ nói: “Long giao long, phụng giao phụng, con của chuột thì biết đào hang”. Cái này là nói với chúng ta “người nhóm theo loài, vật tụ theo bầy”, cảm ứng lẫn nhau. Chúng ta coi những sách không tốt, thì tâm chúng ta hư mất, chúng ta đi xem sách thánh hiền, là do tâm cầu thánh cầu hiền của chúng ta cảm ứng mà tới.

Rất nhiều câu kinh trong “Đệ tử quy”, dùng để bồi dưỡng 1 thiện tâm của chúng ta, 1 thái độ tốt. Tiếp đó họ chiêu cảm điều gì? Chiêu cảm cuộc đời, vận mệnh tốt. Mỗi 1 câu, mọi người coi “cha mẹ gọi, lập tức vâng”, đối với cả đời con cái có ảnh hưởng lớn không? Họ ngay cả cha mẹ gọi cũng không thưa, họ vào ngành nghề nào cũng khiến lãnh đạo tức chết, quý vị nói sau này họ sẽ có thành tựu gì? Tâm thái “lạnh làm ấm, nóng làm mát” này, đối với người hết sức chu đáo, quan tâm. Tâm thái này của họ, sau này họ làm bất kì ngành nghề nào nhất định đều là người thành công. Do mỗi ngành nghề đều phải thương người, đều phải đi phục vụ người, tâm cảnh này của họ sẽ làm hết sức dụng tâm, thâm nhập, họ chắc chắn làm ngành nghề nào cũng sẽ thành công.

Mọi người có tin không, quý vị nhìn 1 đứa nhỏ, đứa nhỏ năm sáu tuổi, quý vị có thể đoán ra thành tựu của nó sau này. Nếu như quý vị y theo “Đệ tử quy” mà coi thì rất chuẩn, chuẩn tới nổi người ta nói quý vị biết coi bói. Trong “Đệ tử quy” có nói “nghe khen sợ, nghe chê vui, người đạo đức, tới thân cận”, câu này đã nói với chúng ta, con cái quý vị sau này có gặp được bạn tốt nhắc nhở không, gặp được thầy tốt bạn hiền không, bây giờ đã nhìn ra được rồi. Nếu như quý vị phê bình nó 1 câu, miệng nó vểnh lên rất cao, liền nổi giận cả mấy ngày, thì phiền phức rồi, sau này còn ai nhắc nhở nó được? Nhìn thấy nó đã trốn cho xa, nếu không sẽ bị nó trừng mắt. Bây giờ nó có thái độ này, sau này quý vị không cần lo lắng cho nó, nó khiêm tốn tiếp thu lời khuyên của người khác. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, con cái tại sao có thái độ này? Nó học theo ai? Mọi người đừng có nói, bắt nó đọc 100 lần là nó tốt ngay, nó sẽ ghi nhớ, nhưng ảnh hưởng lớn hơn là thân giáo của chúng ta, đức hạnh đó cảm động nó, nó âm thầm ảnh hưởng hình thành thái độ đó. Cho nên “Đệ tử quy” chủ yếu nhất vẫn là người lớn chúng ta học, biểu diễn cho con cái coi, chúng coi rồi cảm thấy làm người phải nên như vậy, tự nhiên sẽ học theo.

Tuân Tử có nói 1 đoạn rất hay, nói rằng “Phi ngã nhi đương giả, ngô sư dã; thị ngã nhi đương giả, ngô hữu dã; siểm mị ngã giả, ngô tặc dã”. “Phi ngã nhi đương giả”, “phi” tức là người chỉ ra sai sót, khuyết điểm của mình hết sức chính xác, họ là thầy tốt của mình. Họ vừa chỉ ra mình liền biết cách sửa, mình có thể nâng cao. “Thị ngã nhi đương giả”, từ “thị” này tức là khẳng định mình, khích lệ mình hết sức đúng mực, con người vẫn cần được khích lệ, họ sẽ cố gắng hơn, đây là bạn tốt của tôi. “Siểm mị ngã giả” tức là người nói những lời nịnh bợ, những lời hay ho cho mình nghe, dần dần mình sẽ đánh mất chính mình, không nhìn rõ chính mình, khi còn cảm thấy mình rất lợi hại, đức hạnh này sẽ mãi xuống dốc, trong những lời nịnh nọt, a dua này không hay không biết đã lấy trộm đức hạnh của họ, làm hại đức hạnh của họ.

Nhưng chúng ta bình tâm nghĩ lại, nếu như con người không có tính cảnh giác sáng suốt cao độ, vẫn thích tiếp xúc bạn rượu thịt, nói những lời hay ho để mình vui, ngược lại những lời phê bình mình, vừa nghe 1 câu đã nổi giận, hoặc là quay đầu bỏ đi. Thật ra con người có thể tiếp thu lời khuyên can còn có 1 căn bản, tức là có thể nghe lời khuyên của cha mẹ. Nếu như cha mẹ khuyên chúng ta, chúng ta liền không vui lòng, vậy muốn nghe người khác khuyên, thật sự là quá khó quá khó. Cái gốc của đức hạnh nằm ở hiếu đạo đối với cha mẹ, thái độ đối với cha mẹ có thể nhìn ra cái căn này có tốt hay không. Tất nhiên, những bạn tốt này nhắc nhở, khuyên bảo chúng ta rồi, càng quan trọng hơn không phải chỉ nói “Cảm ơn anh, anh là quý nhân của tôi”, phải tiến 1 bước là sửa, người ta sẽ cảm thấy rất cảm động, lần sau tiếp tục giúp chúng ta, khuyên chúng ta. Nếu như người ta nói rất nhiều lần, chúng ta vẫn như cũ, thì người ta cảm thấy quý vị không thọ giáo, thôi kệ không nói với quý vị nữa. Cho nên thái độ của 1 người rất quan trọng.

Mọi người có kinh nghiệm không, bạn bè người thân của mình thật sự khuyên mình rất nhiều lần, mình cũng cảm thấy họ khuyên rất đúng, rất quan trọng, nhưng mình vẫn phạm. Sau đó có thể bạn bè người thân sẽ thấy họ đã nói với mình rất nhiều lần rồi, sao mình vẫn không sửa? Chúng ta sẽ cảm thấy hơi ấm ức, “Tôi thật sự muốn sửa, sửa không được”, đồng nghiệp xung quanh chúng ta, có 1 số quan niệm rất quan trọng mấy năm trước đã nói với tôi. Nhiều năm sau này, tôi bây giờ mới cảm thấy lời họ nói rất quan trọng, rất có lý, trước đây đã nghe rồi, nhưng hình như lúc đó còn hơi ngu độn, bây giờ cảm thấy rất quan trọng. Cho nên không phải không muốn tiếp thu, căn tánh của mình quá độn. Cho nên về sau tôi thấy nói với người khác 1 lần, 2 lần, không thể hà khắc yêu cầu họ lập tức hiểu rõ, thậm chí không thể yêu cầu họ ghi nhớ. Do khoa học gia nói, 1 kiến thức phải giảng 21 lần mới có thể nhớ được. Mình còn chưa giảng 21 lần, không thể yêu cầu họ ghi nhớ. Cho nên sau này khuyên người ta 1 lần, quay về ghi trong sổ tay là 1, 2, ghi tới 21 lần. Nói mọi người nghe, 21 lần là remember, là ghi nhớ, không phải ngộ được, ngộ được vẫn chưa phải làm được. Cho nên phải “nghiêm khắc với mình, rộng rãi với người”.

Thật ra mà nói, chúng ta ngộ được chưa? Ngộ được rồi chúng ta đã làm được chưa? Vừa hay hôm nay ngày 10 tháng 9 là ngày nhà giáo Trung Quốc đại lục, có đồng nghiệp gửi tin nhắn cho tôi, chúc tôi ngày lễ vui vẻ. Thật ra sau khi tôi nhận được, trong tâm thấp thỏm bất an, trả lời tin “Hổ thẹn, hổ thẹn”, tôi nghĩ mình ngay cả học sinh còn làm không tốt, không làm thầy được, tôi chỉ muốn mình làm được sự không gạt người là tốt rồi. Do sư trưởng hồi cuối năm 2005 ở Thang Trì đã khích lệ chúng tôi rằng “Làm được mới nói là thánh nhân, nói được rồi làm được là hiền nhân, nói rồi làm không được là gạt người”. Thật sự không muốn gạt người, nhưng chưa làm được, thật sự sẽ khiến người ta khó chịu. Cho nên cũng phải thời thời sách tấn chính mình, còn thật sự phải cần bạn hiền nhắc nhở. Tất nhiên vẫn phải quay về thái độ của chính mình, mới bắt đầu cũng không dễ dàng, khi người ta khuyên, khi nghe người ta khuyên răn thì nét mặt cũng không dễ coi, dần dần, nghe người ta khuyên còn biết gật đầu, “cảm ơn, cảm ơn”, phải khắc phục quán tính của mình.

“Cõi âm quỷ thần chứng minh”, người xưa khi hạ công phu tu hành, trên thực tế là rất khiến chúng ta khâm phục. Ví dụ nói, Thang vương trong thau rửa mặt của ngài có viết “mỗi ngày mới, ngày ngày mới, không ngừng mới”. Thậm chí Nho Thích Đạo tam giáo chúng ta ngài đều nghệ thuật hóa việc dạy học, trong rất nhiều tác phẩm, vật phẩm nghệ thuật đều thể hiện những đạo lý làm người này, lúc nào chúng ta nhìn vào cũng được nhắc nhở.

Như kiến trúc tứ hợp viện thời xưa, ở cửa điêu khắc những thứ gì? Mai, lan, trúc, cúc. Nhắc nhở mỗi người hễ ra ngoài, kết bạn nhất định phải kết bạn gì? Quân tử, tứ quân tử, người xưa dùng mai lan trúc cúc so sánh với tứ quân tử, nhắc nhở chính mình. Vừa vào nhà, vừa vào phòng lớn thì 2 bên trái phải có cái gì? 1 cái bình, đồ gốm rất đẹp, còn đặt 1 cái gương, nghĩa là 1 người khi vào nhà thì phải bình tĩnh, đừng đem tâm trạng vào trong nhà. Nhìn thấy cái bình đó, phải bình đẳng đối đãi, không được thiên vị, đối với người nhà của mình, đối với con cái của mình không thể nào thiên vị. Lúc nào cũng không được nổi nóng, giữ bình tĩnh, giống như cái kính vậy. Có khâm phục tổ tiên chúng ta không? Phương tiện thiện xảo như vậy đang nhắc nhở mỗi người chúng ta.

Kết quả tôi phát hiện, phương Tây quý vị vừa bước vào thì khác, bên trái là tiêu bản con chim ưng, bên phải là con gấu, gọi là gì? “Anh hùng”. Mọi người tưởng tượng 1 chút, bước vô 1 căn phòng trong đó vừa là chim ưng, vừa là gấu, quý vị không thấy phòng đó sát khí rất nặng sao? Chả trách thanh niên thế hệ sau của họ tỉ lệ phạm tội rất cao, từ trường đó tức là ưa tranh cao thấp với người ta, hiếu thắng đấu đá.

Những đạo lý này tôi biết quá muộn, hồi tôi học cấp 2, thần tượng của tôi dán trước mặt tôi, Sylvester Stallone cầm 1 cây súng xung phong, quay bộ phim “Giọt máu đầu tiên”. Quý vị coi mỗi ngày tôi nhìn ông ấy, tôi được nhắc nhở điều gì? Hiếu thắng đấu đá. Cho nên tôi trước đây rất hay khoe sức, cử tạ đều là 10 kg, khiến những cơ thịt đó luyện thành từng cục từng cục, đi so với người ta ai mạnh hơn, thật sự kém rất nhiều. Nếu như hồi cấp 2 tôi dán hình của Khổng Lão Phu Tử, sau đó 2 bên viết rằng “Ôn, lương, cung, kiệm, nhường”, “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, khí chất tôi bây giờ nhất định sẽ khác, phải không? Khác xa lắm. Bạn tốt nhắc nhở, quý vị dán Khổng Lão Phu Tử, quý vị sẽ thời thời nhắc nhở chính mình, mình có tương ứng với “ôn, lương, cung, kiệm, nhường” không? Hễ sắp nổi nóng, ôn hòa, cung kính, khiêm nhường, không so đo, tính toán với người ta.

Lão tổ tiên chúng ta đem những trí huệ giáo dục này dung nhập vào cuộc sống, thậm chí dung nhập vào tác phẩm nghệ thuật. Như Phật môn, mọi người vừa vào cửa, vào sơn môn, quý vị nhìn thấy tứ đại thiên vương, điện thiên vương. Chính giữa điện thiên vương có khắc 1 tượng hòa thượng Bố Đại, tức là Bồ tát Di Lặc. Quý vị nhìn thấy ngài liền được giáo dục, nhắc nhở chúng ta đối nhân xử thế nên ra sao? Miệng thường mỉm cười, bụng lớn bao dung, không tính toán với người ta, bao dung người ta. Mọi người nhìn 1 lượt hòa thượng Bố Đại có cảm thấy bụng mình lớn hơn 1 chút không? Vậy quý vị rất khéo học, tâm cảnh quý vị liền dung nhập được.

Kế đó tứ đại thiên vương cũng vậy, trong đại sảnh Heritage của chúng ta, khu kinh doanh trước trung tâm, tứ đại thiên vương rất trang nghiêm. Mọi người coi Đông phương Trì quốc thiên vương, tay ông cầm đàn tỳ bà, nói với chúng ta trị quốc ra sao, trị gia thế nào, dẫn dắt 1 đoàn thể ra sao. Tỳ bà là nhạc khí dây, quá căng dây đàn sẽ đứt, quá chùng đàn không nên tiếng. Tức là 1 gia đình không có gia giáo, rất bừa bãi, gia đình này không thành gia được; quý vị quản giáo con cái nghiêm tới nỗi chúng nhìn thấy quý vị là sợ muốn chết, run lên, không dám bước vô nhà, đó là quá nghiêm. Cho nên phải trung đạo, trung dung, đừng quá chùng cũng đừng quá căng. Ông ấy cầm đàn tỳ bà, chúng ta liền được thọ giáo, nhắc nhở được rồi, đây là Đông phương Trì quốc thiên vương.

Nam phương Tăng trưởng thiên vương, cuộc đời chúng ta phải tăng trưởng điều gì? Tăng trưởng trí huệ, tăng trưởng đức hạnh, tăng trưởng năng lực, như vậy mới có thể tạo phước cho xã hội. Cái gì cũng muốn tăng trưởng, “mỗi ngày mới, ngày ngày mới, không ngừng mới”, cho nên trong tay ông cầm 1 bảo kiếm, “huệ kiếm chém tình tơ, huệ kiếm đoạn phiền não”, thể hiện ý nghĩa này. Mọi người nhìn vào Tăng trưởng thiên vương, có thượng phương bảo kiếm đeo trên người không? Phiền não vừa tới bảo kiếm rút ra, chặt đứt những dục vọng này, chặt đứt những phiền não này.

Tây phương Quảng mục thiên vương, “quảng mục”, nhìn nhiều, nghe nhiều. Trên tay ông cầm 1 con rồng, còn có viên ngọc, nói với chúng ta phải nhìn nhiều, nghe nhiều, xã hội này rất nhiều biến đổi, biến hóa như 1 con rồng, nhưng trong sự biến đổi đó nhất định phải nắm vững nguyên lý nguyên tắc bất biến, nếu không quý vị sẽ đánh mất chính mình trong xã hội đa biến này, không biết phương hướng, ý nghĩa cuộc đời, không biết làm người thế nào. Tại sao? Quý vị đi hỏi người ta việc này nên làm sao, quý vị có thể hỏi 5 người, cách nói của 5 người đều không giống nhau, xin hỏi mọi người nghe theo ai? Nghe theo chân lý, nghe theo kinh điển, đó là 1 viên châu ngọc, tâm quý vị liền định lại, quý vị sẽ không mất chủ ý, quý vị sẽ không do dự lưỡng lự.

Bắc phương Đa văn thiên vương, phải nghe nhiều, trên tay cầm 1 cái dù, cái dù để làm gì? Bảo vệ chính mình, khi trời mưa không bị mưa ướt. Mặt trời lớn quá, 38 độ, 39 độ, ngăn tia bức xạ, ngăn ngừa ô nhiễm, bảo vệ tốt chính mình, cũng bảo vệ tốt tâm thanh tịnh của thế hệ sau. Cái dù đó có ý nghĩa rất tốt, chúng ta nhìn thấy cái dù đó liền biết lúc nào cũng phải hộ niệm tâm từ bi, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình, không bị ô nhiễm, không ngạo mạn, không ích kỉ, không so đo. Cho nên càng hiểu rõ văn hóa Trung Hoa, càng cảm kích lão tổ tiên, càng quý trọng văn hóa của mình. Hơn nữa đây cũng là 1 nền văn minh cổ duy nhất trên toàn thế giới.

“Cõi âm quỷ thần chứng minh”, cõi âm tức là trong cõi vô hình, mặc dù quý vị không nhìn thấy, nhưng họ thật sự đều đang bảo vệ, gia hộ. Gọi là “nhà tích điều thiện ắt có niềm vui”, rất nhiều tổ tiên quý vị đều đang gia hộ quý vị.

Bản thân tiên sinh Liễu Phàm đã ấn chứng điểm này. Hồi đó ông phát nguyện làm 1 vạn việc thiện, hồi đó ông đã làm huyện thái gia, vợ ông cảm thấy thường không ra khỏi nhà, cũng không làm được việc thiện gì thì rất khổ não, “Một vạn việc thiện đó lúc nào mới làm xong đây?”, kết quả vừa nói, tối về ông nằm mơ thấy thiên thần, cõi âm quỷ thần chứng minh. Thiên thần nói với ông, ông không cần lo, vạn điều thiện của ông đã hoàn thành. Ông làm việc giảm bớt tô thuế cho nông dân, ông đã làm đầy đủ vạn điều thiện rồi. Vùng đó vốn dĩ thuế là 2 phân 3 ly 7 hào, ông giảm nó xuống còn 1 phân 4 ly 6 hào. Ông liền rất kinh ngạc, tôi mới lo lắng mà thôi, sao tối về lại nằm mơ thấy ngay? Sau đó ông còn đi thỉnh giáo cao tăng, chuyện này tin được không, tôi giảm lương 1 nút, vạn điều thiện đã đầy đủ. Cao tăng nói với ông, ông giảm lương vạn dân đều được lợi ích, đều giảm bớt rất nhiều áp lực cuộc sống. Cái này là tiên sinh Liễu Phàm đích thân gặp được quỷ thần chứng minh. Mọi người có khi nào nằm mơ thấy thần tới nói với quý vị, hoặc là sờ đầu quý vị “Con thơ dạy được” không?

Có, danh tướng Vương Tăng thời Tống, ông là tể tướng hết sức có đức hạnh, mọi người lật lại sử Tống đều có đặc biệt ghi lại. Cha ông hết sức cung kính thánh nhân, chỉ cần kinh điển hư mất, giấy rớt dưới đất, ông đều cung kính nhặt lên, dùng bột thơm rửa lại, rửa cho sạch, sau đó đem đi đốt. Tâm cung kính đó của ông cảm động nửa đêm gặp được Khổng Tử, Khổng Tử xoa lưng ông nói rằng: “Ngươi cung kính giáo huấn của thánh hiền như vậy rất hiếm có. Nhưng ngươi tuổi đã cao, ngươi muốn nỗ lực học hành để có thành tựu, ngươi tuổi đã khá cao, ta cho Tăng Tử tới làm con ngươi”. Kết quả vợ ông liền có thai, sanh ra đứa nhỏ đặt tên là Vương Tăng, đó là Tăng Tử tới nhà họ. Quý vị coi “Cõi âm quỷ thần chứng minh”, tâm cung kính của ông chiêu cảm phước báo lớn như vậy, sau đó con ông thật sự là danh tướng 1 thời.

Mọi người nghe kể chuyện xong rồi, có được khơi mở gì không? Quý vị cứ dùng thái độ này để cung kính kinh điển, Khổng Tử vào giấc mơ của quý vị “Ta cử 1 người nào đó trong 72 hiền nhân tới làm con ngươi”, có tốt không? Quý vị hình như không muốn lắm, bây giờ văn hóa truyền thống sắp đoạn rồi, quý vị phải phát tâm, có cha mẹ tốt như vậy, coi trọng giáo dục luân lý đạo đức, coi trọng truyền thừa văn hóa truyền thống, cổ thánh tiên hiền muốn đầu thai cũng mới có môi trường. Họ là người sáng suốt, “Ồ, vừa hút thuốc, vừa uống rượu, chỗ này không xuống được”, “Người mẹ này còn đánh mạt chược, không xuống được”, có phải không? Họ cần 1 môi trường tốt, nếu không họ không bảo vệ mình được, cho nên vợ chồng phát nguyện, sanh ra đứa con phải vì vãng thánh kế thừa tuyệt học, nhất định sẽ có quỷ thần chứng minh, nhất định có cảm ứng.

Trong “Liễu Phàm tứ huấn” có nhắc tới 1 ví dụ, nhưng tình hình thực tế thì không nói rõ. Tức là trong lúc phân tích cái thiện, có chân thiện, có giả thiện, có thị thiện, có phi thiện, thiện còn có khó có dễ. Có cái rất dễ làm được, có cái rất không dễ làm được, tất nhiên càng khó công đức càng lớn.

Trong đó có kể về Thư Ông Giang Tây, đã bỏ ra tiền bạc dành dụm 2 năm, tức là ông làm thầy dạy học, thật ra tiền lương cũng không cao lắm. Ông đã dạy học 2 năm, tới vùng Hồ Quảng dạy học, ở khu vực Hồ Nam, ông muốn quay về nhà mình ở Giang Tây, do khu vực quê họ số người ra ngoài dạy học không phải ít, đồng hương bọn họ cùng về quê, ngồi cùng 1 chiếc thuyền, vừa hay trên đường về nhà thuyền có dừng nghỉ, ông bước lên bờ đi dạo, nghe thấy 1 người phụ nữ khóc rất đau lòng. Ông liền hỏi cô: “Cô gái kia tại sao cô đau lòng như vậy?”. Cô nói, chồng tôi nợ quan phủ 13 lượng bạc, sau cùng quyết định đem tôi đi bán để trả nợ người ta, nếu tôi đi khỏi rồi, con tôi vẫn còn đang bú mớm, có thể đứa con này sẽ chết đói mất. Cô cảm thấy hình như đã tuyệt vọng rồi, cho nên mới khóc đau thương như vậy. Thư Ông Giang Tây nghe xong, liền nói cô đừng lo lắng, cả thuyền của tôi đều là người dạy học, đều là đồng hương của tôi, tôi mau quay về thương lượng với họ 1 chút, mỗi người lấy ra 1 lượng, có thể sẽ giải quyết được chuyện của cô. Ông liền quay về thuyền thương lượng với những đồng hương dạy học này, kết quả ông vừa nói với tất cả những người đồng hành xong, không 1 ai muốn làm.

Tôi coi tới đây, đột nhiên nghĩ rằng những người làm ngành giáo dục như chúng ta, nếu như nói rất hay, trên thực tế đều không làm được, thật sự sẽ khiến người ta đánh mất lòng tin, cho nên coi tới đây cũng là cảnh giác chính mình.

Kết quả ông cũng không nhẫn tâm nhìn người phụ nữ này, thậm chí con nhà họ sắp chịu kết cuộc bi thảm như vậy, ông liền đem toàn bộ số tiền dành dụm 2 năm ra, giúp người phụ nữ đó. Các vị đồng bào nữ, chồng quý vị nếu làm việc này, quý vị sẽ có phản ứng gì? Phản ứng là ngay cả nói cũng nói không nổi.

Mọi người coi tiếp, ông còn chưa tới nhà, từ “xá” này là 30 dặm, còn cách nhà 90 dặm, trên người ông đã không còn đồng nào. Không có đồ ăn, những người bên cạnh còn chê cười ông, chế nhạo ông, “Đáng đời, ai bảo ông làm bộ người tốt”, cứ nói những lời chế nhạo ông. Tất nhiên còn 1 số người có lòng trắc ẩn, cảm thấy ông rất đáng thương, “Nào nào nào, cùng ngồi đây, cùng ngồi đây”, lấy đồ cho ông ăn, nhưng ông chưa bao giờ dám ăn no. Tôi đọc tới đây thì rất cảm phục sự tu dưỡng của người trí thức này, ông biết người ta mưu sinh cũng không dễ dàng, mặc dù người ta nhiệt tình mời ông cùng ăn, ông cũng không dám ăn no, không dám ăn nhiều của người ta.

Sau đó thật sự tới nhà rồi, vừa vào cửa “Bà xã, tôi đói bụng mấy ngày rồi, mau đi nấu cơm cho tôi ăn”, vợ ông nói: “Gạo đâu? Đợi ông đem gạo về đây”. Ông nói: “Bà qua hàng xóm mượn đi, tôi không có gạo”. Vợ ông nói: “Mượn rất nhiều lần rồi, đang đợi ông về trả gạo cho người ta, tôi không dám đi mượn nữa đâu”. Kết quả chồng bà đem chuyện 13 lượng bạc toàn bộ đều quyên góp đi kể lại cho bà nghe. Vợ ông nói, ồ, thì ra là vậy, không sao, tôi có cách, nấu 1 bữa đặc sản nhà mình. Bà nói nhà mình có thức ăn thường ngày vẫn ăn no được, để đó tôi lo. Vợ ông không chỉ không nổi giận, nghe xong còn vui mừng, bưng lên 1 bữa đặc biệt. Vào trong núi đi đào rau đắng, cả gốc cũng đào lên, ăn luôn gốc sẽ no bụng, nấu nhừ nó ăn hết luôn, ăn rất no. Hai vợ chồng cũng rất hoan hỉ.

Điều này không đơn giản, người vợ cũng hảo thiện hảo đức như vậy, thấy chồng mình làm được 1 việc hiếm có, không chỉ không chỉ trích mà còn cho ông ăn no, hoan hỉ. Sau đó buổi tối vợ chồng họ đi ngủ, kết quả khi còn chưa ngủ đã nghe có tiếng nói ngoài cửa sổ vọng vào, rằng “Tối nay ăn rau đắng, sang năm sanh trạng nguyên”. Tối hôm nay ăn rau đắng, sang năm sẽ sanh được 1 trạng nguyên. Mọi người đừng khích động, kết quả sau khi ông nghe xong, 2 vợ chồng liền đứng dậy, khấu đầu bái tạ trời cao. Sang năm thật sự sanh được 1 đứa con, sau đó thi đậu trạng nguyên. Cõi âm quỷ thần chứng minh. Cho nên nếu như quý vị học văn hóa truyền thống tới nỗi cửa sổ có người nói vọng vào, đừng giật mình, cảm tạ trời đất là được. Tiếp đó:

“Nhất tâm sám hối”.

Những lời nhắc nhở này quý vị phải quý trọng, không thể khiến người ta uổng công, nhất tâm sám hối sau không tái phạm.

“Ngày đêm không giải đãi”.

Không chỉ ban ngày rất tinh tấn, ban đêm cũng không thể để tà niệm tiến vào. Dù có tà niệm, hôm sau phải càng phản tỉnh, kiểm điểm, hạ công phu lớn hơn để giữ gìn chánh niệm này.

“Qua 1 thất, 2 thất, cho tới 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, ắt sẽ hiệu nghiệm”.

Quý vị thật sự dùng quyết tâm, nghị lực “nhất tâm sám hối, ngày đêm không giải đãi” đi làm, sẽ cảm thấy có thể 7 ngày, 14 ngày, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, cả tình hình thân tâm quý vị sẽ hoàn toàn khác, thậm chí trong nhà quý vị rất nhiều điều cát tường, phước khí sẽ tới. Chắc chắn sẽ xuất hiện hiệu quả rõ ràng. Những hiệu quả nào? Trong kinh văn nói:

“Hoặc thấy tâm thần điềm khoáng”.

Vui tươi thanh thản, từ “điềm” này là trong lòng rất an định, rất an tường, “khoáng” tức là tâm rất rộng mở, không có việc gì không bao dung được.

“Hoặc thấy trí huệ khai mở”.

Hình như gặp phải việc gì, lập tức liền có ý niệm nghĩ đến những phương pháp giải quyết này.

“Hoặc gặp nhũng đạp mà xúc niệm giai thông”.

Từ “nhũng đạp” này tức là khi sự việc hết sức rối ren, lại không thấy phiền toái. Hoặc tới 1 môi trường rất nhiễu loạn nhưng tâm quý vị rất định, không bị nó ảnh hưởng. “Xúc niệm giai thông”, từ “xúc” này giống như nghe thấy lời gì, nghe đạo lý gì cũng rành rọt thông suốt, gặp phải việc gì, hình như liền có thể biết nên xử lý thế nào, trình tự ra sao, làm việc sẽ không nóng vội, rất có thứ tự.

“Hoặc gặp oán thù mà chuyển sân thành hỉ”.

Gặp phải oan gia kẻ thù thì lúc đó có thể chế phục tâm trạng, chuyển thành tâm hoan hỉ mà đối mặt, họ đang nhắc nhở mình, mình vẫn còn những tập khí này, họ đang nhắc nhở mình bụng dạ hẹp hòi, mình phải cảm ơn họ giúp mình nâng cao.

“Hoặc mơ ói ra vật đen”.

Ói ra những vật đen, đây tức là những đồ dơ bẩn trong nội tâm đã được thải ra, thân tâm sẽ khá thanh tịnh.

“Hoặc mơ vãng thánh tiên hiền, dẫn dắt tiếp đón”.

Như Khổng Tử mơ thấy Chu Công, thậm chí ban ngày khi đang uống rượu, trong chén canh nhìn thấy Nghiêu đế, trên tường nhìn thấy Đại Vũ, đây đều là điềm lành tu học tinh tấn, nghiệp chướng tiêu trừ.

“Hoặc mơ bay bổng thái hư”.

Trong mơ bước chân nhẹ bổng, bay bổng trên hư không.

“Hoặc mơ tràng phan bảo cái”.

“Tràng phan bảo cái” này là cái dù để che khi thánh hiền Phật Bồ tát xuất hiện, tức là những thứ rất trang nghiêm.

“Những việc hy hữu, đều là cảnh tượng tội nghiệp tiêu trừ”.

Quý vị thật sự hạ quyết tâm đoạn ác tu thiện, những nghiệp ác, nghiệp chướng này được tiêu trừ, đều có những hiện tượng, điềm báo cát tường này xuất hiện.

“Nhưng đừng chấp đó mà tự cao, ngưng nghỉ việc tiến triển”.

Mặc dù có những điềm lành này, nhưng không thể sanh tâm chấp trước, tự cho đó là cảnh giới rất cao, tự mãn, sau cùng có thể sẽ thành vẽ vòng trói mình, không thể tiến bộ nữa. Tiếp đó lấy 1 ví dụ về thánh hiền, giúp chúng ta biết sửa lỗi, phải không ngừng hạ công phu.

“Xưa Cừ Bá Ngọc mới 20 tuổi, đã thấy lỗi lầm ngày trước, mà tận tâm sửa đổi”.

“Xưa” tức là trước đây, đây là 1 thánh hiền nhân thời Xuân Thu, ông làm quan ở nước Ngụy. Hồi ông 20 tuổi, đã biết phản tỉnh mình, thấy được những sai lầm, thiếu sót ngày trước, trước kia của mình. Hơn nữa thái độ của ông là chỉ cần biết được, sẽ nhất định toàn lực sửa đổi nó, “tận tâm sửa đổi”, hoàn toàn sửa lại. Không thể giải đãi, không thể gọi là dây dưa qua ngày.

Trong “Luận về lập mệnh”, tiên sinh Liễu Phàm đã nhắc nhở chúng ta, rất nhiều người có tố chất rất tốt, cơ sở rất tốt, nhưng đời này tại sao không thể thành tựu đạo đức, học vấn? “Thiên hạ thông minh tuấn tú không ít, cho nên đức không tu thêm, nghiệp không mở rộng”, đức hạnh, sự nghiệp của họ không thể nâng cao, “chỉ vì hai chữ dây dưa”, ngày nào hay ngày đó. “Ngày mai nói sau”, “sau này tôi sẽ sửa”. “Ngày mai rồi lại ngày mai, ngày mai đâu nhiều vậy, ta cứ đợi ngày mai, vạn sự thành dang dở”, năm tháng cuộc đời này đã tiêu phí hết. Sự “tận tâm sửa đổi” này tức là có thái độ không dây dưa qua ngày.

“Tới 21 tuổi, biết lỗi lầm sửa đổi năm trước chưa tận”.

Nhưng khi đến tuổi 21, ông lại thấy mặc dù cảm thấy lúc 20 tuổi ông đã “tận tâm sửa đổi”, nhưng nhưng sai lầm này quý vị có thể sửa rồi, độ sâu không đủ, càng sửa càng phát hiện trong sâu thẳm nội tâm còn rất nhiều tập nhiễm.

Cho nên 1 người trong quá trình sửa lỗi, hình như càng sửa càng cảm thấy sao mình lỗi lầm ngày càng nhiều, đây là việc tốt, không phải việc xấu. Nghĩa là sao? Sức quán chiếu của họ ngày càng mạnh, trước đây ý niệm sai lầm không nhìn thấy được, bây giờ nhìn ra. Không sao, càng nhìn ra được càng biết mau chóng đối trị ra sao.

“Tới 22 tuổi, nhìn lại 21 tuổi, tựa như trong mộng”.

22 tuổi nhìn lại 21 tuổi, lại thấy bản thân mình nhìn chưa rõ ràng, đối trị chưa triệt để, “tựa như trong mộng”.

“Năm nay qua năm khác, dần dần sửa đổi”.

Mỗi năm ông đều hạ khổ công này, hoàn toàn sửa đổi. “Dần dần sửa đổi” là sao? Tháng tháng sửa, ngày ngày sửa, thời thời sửa, niệm niệm sửa, điều này không đơn giản.

“Đến năm 50”.

Sống tới 50 tuổi.

“Còn biết được lỗi năm 49”.

Ông vẫn có thể phản tỉnh được lỗi lầm năm mình 49 tuổi. Cho nên người xưa hạ công phu sửa lỗi khiến chúng ta khâm phục, học vấn chân thực trong việc sửa lỗi tự tâm của người xưa hạ công phu tới mức này.

Tiết này tôi trao đổi với mọi người tới đây trước, lần sau “Phương pháp sửa lỗi” có thể viên mãn rồi. Được, cảm ơn mọi người!