Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 14A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 14A

Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!

“Liễu Phàm tứ huấn” chúng ta đã bước vào đơn vị thứ 2 “Phương pháp sửa lỗi”. Lần trước chúng ta nhắc tới, muốn sửa lỗi trước hết phải phát tâm. Phát “sỉ tâm”, noi gương cổ thánh tiên hiền, “đừng cam chịu, không thua kém, thành thánh hiền, đều đạt được”. Phát tâm hổ thẹn này kế đó noi theo tâm của thánh hiền; phát “úy tâm”, tâm kính sợ, “ngẩng đầu 3 thước có thần minh”. Chúng ta nhất cử nhất động đều biết giữ mình, biết phải phù hợp đạo đức; kế đó, phát “dũng tâm”, phát tâm dũng mãnh để sửa đổi sai lầm, đối với tập khí của mình phải mau chóng sát tuyệt, không được ngần ngại. Tại sao? Bởi vì nếu như chúng ta thường nói ngày mai sẽ sửa, sau này sẽ sửa, thì không biết năm nào tháng nào mới có thể sửa được. “Ngày mai lại ngày mai, ngày mau đâu nhiều vậy, ta cứ đợi ngày mai, vạn sự thành dang dở”.

Chúng ta nhìn có vẻ, thời gian này thậm chí mấy năm nay đang học tập văn hóa truyền thống, thánh hiền nhân đều nói chúng ta sửa sai hướng thiện. Sửa sai rồi, đức hạnh của bản thân được nâng cao, về lý chúng ta đều có thể hiểu được. Sai không sửa, tập khí ngày càng nhiều, linh tánh này sẽ mãi trầm luân, xuống dốc, biến thành nô lệ của dục vọng, gọi là “học như lái thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi”. Cho nên 1 ngày cũng không được giải đãi. Nhìn có vẻ chúng ta đã học mấy năm rồi, nhưng bình tâm nghĩ lại, chúng ta hồi nhỏ có những thói quen, tập khí xấu nào, học nhiều năm vậy rồi, sửa được cái nào rồi? Bình tâm nghĩ lại, hình như chưa sửa được. Lý nghe rất nhiều, nhưng vẫn phải làm thật. Lý nghe rất nhiều mà không làm, có phải thật sự hiểu lý không? Thật sự hiểu lý nhất định làm ngay.

Lấy 1 so sánh, trên người quý vị mang 1 bao rác, đã mang 30 năm rồi, quý vị không thấy rõ nó là rác, nó mỗi ngày đang ô nhiễm thân tâm chúng ta. Đột nhiên 1 hôm, có người nói rõ cho quý vị, cuối cùng giúp quý vị nhìn rõ đây là 1 bao rác, quý vị lúc đó sẽ làm gì? Quý vị còn suy nghĩ lâu thế, tiếng phổ thông của tôi lúc nãy nói không chuẩn sao? Đây là 1 bao rác, đã mang 30 năm, có người nói rõ với quý vị rồi, quý vị thật sự biết nó là rác rồi, 1 giây tiếp theo quý vị sẽ làm gì? Vứt đi. Có người vứt đi rồi còn lôi nó lại không? “Bao rác này theo tôi lâu như vậy rồi, không có công lao, cũng có khổ lao”, đạo lý này không thể đặt ở đây. Quý vị thật sự biết tập khí này khống chế quý vị, quý vị sẽ biến thành nô lệ của nó, quý vị hiểu rõ rồi, quý vị còn muốn tiếp tục làm nô lệ thêm ngày nào không? Quý vị không có phản ứng, vẫn đang suy nghĩ.

Được, cho nên quả thật sau khi hiểu ra, không có ai không chịu buông bỏ tập khí. Chúng ta nghe nhiều lý như vậy, không buông bỏ, có thể công phu của chúng ta dùng ở đâu rồi? Hiểu được rất nhiều đạo lý, biến thành nhìn cái sai này, cái sai kia của người khác, sau cùng cứ nhìn người khác, không nhìn thấy ai? Chỉ không nhìn thấy chính mình. Đây là 1 cạm bẫy tu hành, phải rất thận trọng, không hay không biết sẽ rớt vô đó, tại sao? Ai cũng thích làm thầy. Người ta có tập khí ngạo mạn, khi chưa học thì rất khách sáo, do thấy mình chưa hiểu. Sau khi học rồi thấy mình hiểu rồi, cái này rất là thâm trầm, tập khí thích làm thầy sẽ được điều động lên. Chúng ta bây giờ bình tâm nghĩ lại, trước khi quý vị học nhân duyên khá tốt, hay là sau khi học xong nhân duyên khá tốt? Chúng ta suy nghĩ 1 chút, trước khi học hình như còn khá khá, sau khi học rồi mỗi người nhìn thấy mình, “Ôi, người đó tới rồi, tôi đi trước đây, anh ta lại đọc kinh trong “Liễu Phàm tứ huấn” cho tôi nghe nữa”. Có phải biến thành người khiến người ta sợ hãi không, có phải biến thành người gây áp lực cho người xung quanh không, cái này phải bình tâm. Khiến người ta áp lực, thành ra chúng ta yêu cầu người, khống chế người càng tăng, “ngã mạn” gia tăng. Tu hành phải nên buông bỏ tập khí mới đúng, khiến người như tắm gió xuân mới đúng. Cho nên học phải học đúng, tâm thái phải đúng; học sai rồi, rất dụng công chưa chắc đắc lực. Tôi nói đoạn này cảm thấy mình đã rơi vào cạm bẫy này quá nhiều năm rồi, dạo này hơi có chút phản tỉnh.

Đột nhiên nhớ tới tôi từ nhỏ đã rất dễ nóng vội, việc gì cũng quên đông quên tây, nếu không thì đụng đông đụng tây, hình như chưa sửa. Lại nghĩ thêm, bản thân thường hay lề mề, có hẹn với người ta, thời gian hẹn đều vào 30 giây sau cùng bắt kịp, sau đó thở hồng hộc, “không bị trễ”, mặc dù không trễ, có tập khí trong đó không? Tôi không bị trễ, tới trước 30 giây. Vậy tôi học văn hóa truyền thống học được gì? Học ở trên tướng, trên bề mặt không tới trễ, trên thực tế tâm rất loạn, tại sao loạn? Coi đồng hồ mãi, chạy cho mau. Nếu như thời gian hẹn là sau khi ăn cơm xong, quý vị trên đường đều tiêu hóa không tốt, do thời gian bị quý vị ép rất gấp, cả thân tâm đều căng thẳng, tiêu hóa không tốt. Cho nên tôi thon thả thế này, có liên quan với thói quen không? Liên quan mật thiết. Đột nhiên phản tỉnh 1 chút, tập tính, thói quen xấu 20 năm trước, 30 năm trước, học lâu như vậy rồi, vẫn chưa trừ bỏ. “Một ngày không biết sai, thì 1 ngày an nhiên tự thị; 1 ngày không sửa sai, thì 1 ngày không tiến bộ”. Quý vị sao không có phản ứng gì? Đoạn này là đoạn tổng kết sau cùng của “Luận về lập mệnh” rất là ý nghĩa, cho nên chúng ta phải nên biết sai hàng ngày .

Đoạn này đọc qua rồi, thật sự có thể hàng ngày biết sai sao? Mỗi đạo lý rất hay, sao đem đạo lý này thực hành được, phải có phương pháp thao tác cụ thể. Ví dụ mỗi ngày viết nhật kí, tâm lắng đọng lại là 1 phương pháp. Đột nhiên nhận ra hôm nay ánh mắt nào không đúng, câu nói nào nói sai rồi, ý niệm nào không đúng, thì có thể quán chiếu được. Nhưng nếu như mỗi ngày rất bận, lúc nằm xuống đi ngủ đầu óc còn rất hỗn loạn, thì muốn biết sai không hề dễ, thậm chí khi ngủ còn suy nghĩ lung tung, tâm không lúc nào yên tĩnh được.

Các bạn, hôm nay quay về viết nhật kí được không? Tôi không yêu cầu mọi người quá nhiều, hôm nay quay về có 3 việc gì, hoặc ý niệm, hoặc ánh mắt, hoặc ngôn ngữ, hoặc động tác không đúng, tìm 3 điểm là được. Nếu như quý vị tìm không ra, xin quý vị tới tìm tôi, do quý vị đã gần với cảnh giới thánh nhân rồi, chúng tôi phải mời quý vị tới dạy dỗ chúng tôi. 1 ngày ý niệm nhiều như vậy, ngôn ngữ, hành vi nhiều như vậy, quý vị hầu như không có sai sót, rất ghê gớm.

Kế đó, còn có phương pháp gì có thể giúp chúng ta nâng cao khả năng phản tỉnh, quán chiếu này? Quý vị không thể nhìn tôi 1 cách ngây ngô, phải tự mình có cách. Hễ nhận ra khuyết điểm của mình, liền cụ thể mình phải đối trị nó ra sao, phải sửa nó thế nào. Quý vị có thể kể ra 3 phương pháp, 5 phương pháp, right now, từ bây giờ bắt đầu chấp hành. Just do it, câu quảng cáo của giày thể thao Nice. Tôi không phải bán giày, tinh thần tốt thế này chúng ta phải học hỏi.

Ví dụ đọc kinh, quý vị đọc rất chuyên chú, đột nhiên quán chiếu thấy, “điều này chưa làm được”. Tiếp theo, nghe kinh, nghe sư trưởng giảng “Ôi chao, đang nói về mình”, liền phát giác vấn đề của mình. Kế đó, lúc nào tâm cũng không được nóng vội, quý vị tâm rất bình tĩnh, rất mềm mỏng, quý vị rất dễ quán chiếu. Quý vị có thể lời còn chưa nói ra, quý vị đã biết mình sai rồi, nhưng tâm quý vị phải rất bình tĩnh mới được. Cho nên muốn khiến tâm tính bình tĩnh, quý vị phải hành động chậm rãi, vững vàng. Đi đứng, “đi thong thả, đứng đoan nghiêm”; ăn cơm, nhai kĩ nuốt chậm. Mỗi động tác của quý vị, tất cả ngôn động đều phải an tường, nếu không hễ quý vị nóng vội thì hết cách quán chiếu. Cho nên thật ra mà nói, những câu kinh trong “Đệ tử quy” đều giúp chúng ta định tâm lại, không được nóng vội.

Kế đó, người trong cuộc mê, người ngoài cuộc tỉnh. Bản thân mình không biết sai, có thể nhờ bạn bè người thân giúp đỡ. Nhất là những người gần nhất, do họ ở ngay bên cạnh, nhìn thấy khuyết điểm trước nhất, phải không? Họ cách chúng ta gần nhất, chúng ta mỗi ngày nhất cử nhất động họ đều nhìn thấy được. Cho nên quý vị có thể hỏi người thân nhất của mình, ví dụ quý vị nói “Chào phu quân”, phải cung kính, quý vị cung kính người ta mới muốn nói, có phải không? Nếu như quý vị nói: “Ê ê ê, dạo này em có chỗ nào không tốt, anh nói đi”, người ta sợ chết mất, không dám nói. Quý vị rất cung kính, rất chân thành, người ta sẽ dám nói. “Em dạo này hoặc là ngày nay anh nhìn thấy em có chỗ nào không thỏa đáng, anh giúp em nói ra”, vậy vợ chồng quý vị là quyến thuộc đạo pháp thành tựu đức hạnh cho nhau, gọi là “dẫn vợ thành đạo, giúp chồng thành đức”. Cho nên những cách làm cụ thể này, bản thân mình phải bình tâm viết chúng ra, sau đó thật sự đi thực hành. Cho nên những kinh điển này là gì? Sư phụ dẫn vào cửa, tu hành phải dựa vào chính mình thật sự hạ công phu mới được. Cho nên phải phát dũng tâm, không thể dây dưa nữa, không thể phóng túng tập khí của mình nữa.

Dũng tâm này so sánh với “Lỗi nhỏ như gai đâm vào thịt, mau chóng rút bỏ”, tập khí lớn “như rắn độc cắn tay”, bảo kiếm rút ra, ngón tay này lập tức chặt đi, nếu không sẽ mất mạng, “mau chóng chặt bỏ”, đây là dũng tâm. Phát tâm rồi, tiếp theo là đi đối trị, sửa đổi. Sự sửa đổi này, “có thể sửa từ sự tướng, có thể sửa từ lý, có thể sửa từ tâm”.

Kinh văn lần trước chúng ta nói tới, lỗi của 1 người có 3 chỗ bắt tay vào sửa. Công phu khác nhau, hiệu quả hiện ra cũng khác nhau, ví dụ sửa từ sự tướng, “ngày trước sát sanh”, ngày nay nhắc nhở mình không được giết nữa. “Ngày trước nóng giận”, nổi nóng rồi, ngày nay nhắc nhỏ mình không được nổi nóng bừa bãi.

Đây là từ sự tướng nhắc nhở chính mình, từ hành vi bên ngoài yêu cầu chính mình. Thật ra cố ép chưa chắc có thể ép được. Thật ra chúng ta đều biết nóng giận không tốt, xin hỏi mọi người quý vị có gặp người nào nói: “Bữa nay tôi nổi nóng 1 trận, tâm thần thoải mái”, có không? Nhất định là gì “Bữa nay tôi nổi nóng 1 trận, cơ thịt đau nhức”, thật vậy, hễ quý vị nổi nóng, thì độc tố đó lập tức phát ra, cơ thịt đau nhức. Không muốn nóng, khống chế không được. Đều biết là không tốt, nhưng nén không được. Cho nên ở đây nói với chúng ta:

“Nhưng gốc bệnh vẫn còn, đông diệt tây sanh, không phải đường lối cứu cánh hoàn toàn”.

Sự hoàn toàn này là rất viên mãn, tức là nhổ bỏ sạch sẽ, triệt để sửa đổi. Rất khó đạt được hiệu quả này, do “tham, sân, si, mạn, nghi”, tham tâm, sân hận, phẫn nộ, ngu si, ngạo mạn, mạn nghi, cái gốc của những tập khí này chưa nhổ bỏ, lại gặp phải 1 vài cảnh giới, tâm phẫn nộ này, tâm sân hận này lại nhẫn nhịn không được. Cho nên điều này nói với chúng ta, sửa trên sự, đè nén rất khó giải quyết gốc rễ. Tiếp đó nói:

“Người khéo sửa lỗi”.

Người thật sự khéo léo sửa đổi lỗi lầm.

“Chưa phạm cấm giới, đã hiểu rõ lý”.

Tức là sai lầm này, sự việc này còn chưa xảy ra, họ đã hiểu rõ ràng sự lý để điều chỉnh tâm thái chính mình. Không đợi sự việc xảy ra rồi, tâm thái, lý trí họ xây dựng rồi, họ sẽ không bị cảnh giới này chuyển. Chúng ta thường nói thời bình như thời chiến, thật sự khi đánh nhau, có thể đánh thắng là nhờ vào đâu? Nhờ quý vị huấn luyện thường ngày. Cũng vậy, bình thường quý vị luôn đọc kinh, luôn nghe kinh, công phu quý vị sẽ luyện được khá tốt, thật sự cảnh giới tới rồi, quý vị mới ứng phó được. Bình thường không dụng công, nước tới chân mới nhảy, thành tích sẽ không tốt. Hiểu rõ đạo lý trước, lý đắc tâm an.

Một trong những lỗi nghiêm trọng nhất của tôi từ nhỏ, “một trong” nghĩa là có quá nhiều, lấy 1 cái trao đổi với mọi người trước, là sợ được sợ mất, rất dễ bị căng thẳng. 1 ngày trước khi thi cấp 3 tôi sẽ không ngủ được, hết sức dễ bị căng thẳng. 1 ngày trước khi thi đại học cũng ngủ không được, kết quả cô tôi đem 2 viên thuốc an thần cho tôi uống, biết tôi rất dễ bị căng thẳng, sợ ngày mai ảnh hưởng việc thi. Kết quả tôi vốn dĩ muốn coi thử mình có ngủ được không, vẫn không ngủ được, sợ thi không tốt. Hơn 11 giờ uống 1 viên, vẫn không ngủ được. Khoảng 1 giờ lại uống viên thứ 2, vẫn cả đêm không ngủ, thì đã đi thi rồi. Từ việc này mọi người sẽ thấy, công phu căng thẳng của tôi tới mức độ nào. Tất nhiên đây là không tốt, công phu này không tốt, phải bỏ công phu này đi.

Kết quả tôi đi thi, còn chưa vào trường thi gặp phải mẹ của bạn tôi, bà ấy rất nhiệt tình, bà thấy cả nhà tôi tổng động viên, do tôi dễ bị căng thẳng, cho nên cả nhà đều căng thẳng theo tôi, tất cả đều đi với tôi. Cho nên 1 người dễ căng thẳng, mệt lây cả nhà, cái tính này nhất định phải sửa. Nếu không biến thành không hay không biết là mình đi thi đại học, hay là mẹ mình đi thi đại học. Người trong nhà bị chúng ta khiến cho càng căng thẳng. Thật sự cả nhà đi thi với tôi. Gặp phải mẹ của bạn tôi, bà ấy vừa thấy tôi đã rất nhiệt tình: “Ôi chao, Lễ Húc à, cháu thật có phước, 2 em gái cũng tới thi với cháu”. Tôi còn chưa vào trường thi, tâm trạng đã hết sức rầu rĩ, 2 chị gái biến thành em gái. Thật ra quý vị coi, bây giờ nghĩ lại chuyện cũ của mình thì cảm thấy rất buồn cười, rất ngu si. Tại sao? Nếu như có đọc kinh rồi, người ta vừa nói 2 em gái tới thi với mình, tôi liền nghĩ rằng “u sầu khiến người bị già”, mình không được sầu. Ý nghĩ này vừa chuyển, sẽ buông bỏ tập khí hay lo đó. Lúc đó không có công phu này, không khởi lên được câu này, ngược lại tâm trạng rất không tốt. Mọi người biết, tâm trạng càng không tốt thì có 1 câu thành ngữ đợi chúng ta “họa vô đơn chí”.

Kết quả vừa ngồi xuống làm bài, bài thứ nhất Hoa văn, thi Trung văn. Bắt đầu làm bài, chưa được mấy câu, đột nhiên hoa mắt chóng mặt, thuốc an thần rất có tác dụng. Mọi người biết ngay kì thi đại học đó tôi thi ra sao, Trung văn không đạt. Thi cấp 3 tôi cũng thi môn Trung văn đầu tiên, 5 môn tôi trừ mất 88 điểm, 1 môn Trung văn trừ mất 44 điểm, tức là số điểm môn Trung văn của tôi bị trừ là tổng điểm 4 môn khác, lợi hại chưa? Mọi người có thể biết được Trung văn của tôi poor tới đâu, kém tới đâu mọi người biết rồi.

Hiểu rõ tập khí này rồi, có sửa không? Mệt mỏi chính mình, mệt mỏi cả nhà, sao không sửa được? Sau đó rất may gặp được sư trưởng, học “Liễu Phàm tứ huấn”. “Lập mệnh”, biết được vận mệnh thao túng trong tay mình. Quý vị căng thẳng, thứ không nhận được vẫn không nhận được;quý vị không căng thẳng, thứ của quý vị vẫn của quý vị, có gì mà căng thẳng, thật là không bỏ qua cho mình. Hiểu lý rồi, lý đắc tâm an. “Chỉ làm việc tốt, không hỏi tiền đồ”, chỉ hỏi mình có nỗ lực đoạn ác tu thiện không, phước báo đó sẽ tự tới, không cần lo lắng.

Những đạo lý này nông dân chưa đi học cũng biết, chúng ta đi học mười mấy năm cũng không biết, hơn nữa càng ngày càng nghiêm trọng, phải không? Muốn thu hoạch thế nào, thì canh trồng thế đó, điều này không phức tạp lắm. Tôi thấy con người đầu đội trời xanh, chân đạp đất vàng, rất nhiều đạo lý trong trời đất sẽ tự nhiên hiểu ra. Chúng ta bây giờ đầu đội bóng đèn, chân đạp bê tông cốt thép, hình như rất nhiều việc nghĩ không ra nữa. Cho nên xin mọi người thường ra ngoài tự nhiên dạo chơi, đi tản bộ, có thể con cái sẽ học được rất nhiều triết lý nhân sinh.

Nhưng con trẻ bây giờ nhốt trong nhà, thậm chí nhốt trước máy tính, chúng sẽ dần dần biến thành máy móc, chúng sẽ dần dần không sống chung với người, với thế giới tự nhiên, sẽ không thương yêu sanh mạng. Mỗi ngày chơi game giết người cứ chơi mãi, chơi tới sau cùng chúng tưởng đó là thế giới thật, đi sát hại người khác mà không có bất kì tri giác gì. Bây giờ rất nhiều cảnh sát, bắt được 1 số kẻ giết người như không có việc gì, họ cứ tưởng cái đó cũng giống như trong game. Cho nên chúng ta phải hiểu, giáo dục là trưởng thiện tâm, trưởng thiện cứu thất. Nhất định không phải quý vị bỏ chúng trước mặt ti vi, chúng sẽ học tốt được, rốt cuộc ti vi trưởng thiện tâm của chúng hay ác tâm, điều này chúng ta làm cha mẹ thì phải biết. Quý vị tặng chúng 1 cái điện thoại, quý vị tặng chúng 1 cái máy tính, quý vị phải quan sát những thứ này đối với chúng là trưởng thiện tâm hay ác tâm. Quý vị đừng thấy chúng cười rất vui sướng, nói là: “Cha, cha thật tốt, cha là người cha tốt nhất thế giới”, quý vị liền vui mừng.

Bây giờ tôi nghe nói nghiêm trọng tới mức độ nào, anh chị em sống chung dưới 1 mái nhà, không cùng phòng, bây giờ không nói chuyện, làm gì? Nhắn tin, cách cách cách, cứ ở đó coi, 5 bước chân có thể trao đổi 1 chút, họ cứ ở đó chơi thứ đó. Người bây giờ chỉ yêu đương với điện thoại, đêm ngày không rời nó. Cho nên những hiện tượng này đáng để những người làm cha mẹ, trưởng bối chúng ta phải bình tâm, sự chung sống giữa người và người, câu thông mới có được nhân cách lành mạnh.

Cho nên đã là của chúng ta thì là của chúng ta, có gì mà lo lắng, sợ hãi, thậm chí mỗi ngày ở đó nghĩ đi nghĩ lại, thậm chí khi ngủ cũng không ngủ yên, chi khổ vậy? Sau đó tôi hiểu rõ đạo lý này, thật vậy, quý vị có duyên với bất kì ai, quý vị sẽ nghĩ làm sao tốt cho đối phương. Thật sự chịu nghe lời, đổi số rồi, vốn dĩ công việc không thuận lợi, sau đó thi đậu lớp sư phạm, sau đó tới trường học làm giáo viên, rất thuận buồm xuôi gió.

Tâm sợ được sợ mất của tôi buông bỏ rồi, có phải buông bỏ triệt để rồi không? Rất khó nói. Buông có sâu có cạn, có thi sơ cấp, thi trung cấp, có thi cao cấp.

Hồi đó tôi dạy học trong trường, tôi nhận ra 1 việc. Tục ngữ nói, đời này không bằng đời trước, còn cảm nhận thực tế của tôi là năm này không bằng năm trước. Đã không phải 1 đời 30 năm không bằng đời trước nữa, không phải, học sinh năm này đã không bằng học sinh năm trước, đọa lạc rất nhanh. Tôi cảm thấy mặc dù bây giờ trường học phổ cập như vậy, nhưng trường học nếu như coi nhẹ giáo dục đạo đức, chỉ coi trọng tri thức, chỉ coi trọng thi cử, thế hệ sau chúng ta sẽ không có được nhân tài trụ cột.

Hiểu rõ rồi, hồi quang phản chiếu, không phải học sinh thiếu đạo đức, chính mình cũng thiếu đạo đức. Bản thân đọc tới đoạn Hàn Dũ “Sư thuyết”: “Thầy là người truyền đạo thọ nghiệp giải hoặc”. Đọc tới đây liền nghĩ, truyền đạo, thầy là truyền đạo, bản thân tôi ngay cả “đạo” cũng chưa làm rõ, sao tôi truyền được? Giải hoặc, giải mê hoặc của người khác, bản thân tôi còn rất nhiều việc nghĩ không thông, sao tôi giúp người khác giải hoặc được? Nếu như người làm thầy như tôi mà mỗi ngày mặt mày cau có, học sinh không bị tôi dọa chết là tốt rồi, tôi còn giúp chúng giải hoặc? Dạy dỗ con cái phải dạy mình trước, cha mẹ cũng vậy, chúng ta muốn làm công tác giáo dục cũng vậy.

Cho nên hồi đó tôi đã quyết định tới Australia học tập với sư trưởng. Thời gian báo danh là tháng 6, vừa hay lúc đó tôi dạy lớp 6. Nếu tôi báo danh bình thường, lên lớp bình thường, tôi phải rời khỏi trường sớm, có thể không cách nào học chung với những em học sinh lớp này tới ngày sau cùng. Tôi có thể xin nghỉ phép, do tôi sắp từ chức rồi, từ chức, nhưng sau cùng vẫn không ở cùng học sinh tới ngày cuối cùng được, tôi thấy hình như trách nhiệm này chưa làm tròn. “Thôi kệ, cơ hội này buông bỏ thôi, sau này còn có cơ hội”. Tôi liền buông bỏ, dạy xong rồi sẽ đi. Tới lúc đó Tịnh tông học viện đi không được nữa, do chưa báo danh, tôi đành ở tạm tại Tịnh tông học hội ở dưới núi để chờ cơ hội, dù sao cơ hội tới rồi cũng không chạy đâu thoát. Tôi liền an tâm dạy xong lớp đó, khắc phục sự phan duyên, tâm cưỡng cầu của mình, làm tròn bổn phận trước, không phan duyên.

Kết quả tôi còn chưa đi Australia, có người bạn gọi điện cho tôi, anh nói: “Lễ Húc, tôi đã nói với tổng cán sự rồi, ông ấy nói phá lệ cho anh vào. Anh yên tâm dạy học sinh cho tốt, anh có thể trực tiếp tới học viện”. Quý vị coi, chúng ta có đi phan duyên không? Không có, duyên phận chín muồi tự nhiên có người giúp quý vị. Kết quả khóa học lần đó chỉ có 2 người phá lệ, 1 người là tôi, 1 người là chú Lư. Quý vị coi tôi nhặt được 1 kho báu, 1 trí giả, 1 trưởng bối có tình thương như vậy cùng tôi trưởng thành. Cho nên của quý vị thì chạy không thoát. Don’t worry, be happy, đừng lo lắng, phải vui. Nhưng rất quan trọng, chỉ là việc tốt, quý vị phải đi canh tác, tự nhiên sẽ thu hoạch, đừng lo lắng kết quả.

Lần này không sợ được sợ mất, sau khi đi bài thi lại tới. Chúng ta có tâm noi gương sư trưởng làm công tác giáo dục, tất nhiên phải tự mình tích lũy trước. Đột nhiên có cơ hội có thể lên bục giảng Tịnh tông học viện của chúng tôi, chia sẻ với mọi người 1 chủ đề, là “Chứng minh nhân quả về luân hồi chuyển thế”. Do khoa học gia tây phương đã tập trung mấy năm, nghiên cứu luân hồi chuyển thế, hơn nữa đã dùng phương pháp khoa học. Ví dụ họ ở Ấn Độ phát hiện rất nhiều đứa trẻ, một hai tuổi, ba bốn tuổi đã có thể nói kiếp trước chúng sống ở đâu, có những người thân nào, đều nói hết sức rõ ràng.

Trong đó có 1 ví dụ rất thú vị. 1 cô gái đã nói kiếp trước là vợ của người nào đó. Khoa học gia bắt đầu dùng phương pháp khoa học ấn chứng, đem những lời cô nói đi hỏi gia đình đó, đều rất chuẩn. Sau đó đưa cô gái này tới gia đình đó, kết quả người chồng kiếp trước của cô đã lấy 1 người vợ khác, cô bé này còn nhỏ như vậy, nhìn lấy người vợ mới của chồng cô, vẻ mặt đó đã ghen tức. Cho nên quý vị coi tập khí trước đây người ta không buông bỏ, tình cảm trước đây không buông bỏ. Sau đó cố ý gọi đứa con hồi kiếp trước của cô ra, nói đây là người thân gì của cô , muốn đánh lạc hướng cô. Cô nói: “Không phải, đây là con trai tôi”. Vẻ mặt 1 cô gái nhỏ nhìn 1 chàng trai lớn, giống như ánh mắt của mẹ hiền, do kí ức trước đây của cô vẫn chưa quên đi. Kết quả càng thú vị hơn là gì? Khoa học gia hỏi cô gái đó, cô kể 1 chuyện chỉ có cô và chồng cô biết, 1 chuyện bất kì ai cũng không biết. Cô nói: “Chồng tôi mượn tôi 1 món tiền chưa trả tôi”, chồng cô vừa nghe “Quả thật là chỉ có cô ấy và tôi biết, tôi thật sự chưa trả cô ấy”.

Mọi người từ việc lúc nãy có nhìn thấu chưa, có nên buông bỏ chưa? Nghĩ thử coi trong thiên hạ có chuyện hám lợi được không? Không có. Quý vị mượn tiền người ta, nhất định phải trả, đạo lý muôn thuở. Không trả, kiếp sau còn thêm lãi suất, còn phải thêm vật giá, những tình hình lạm phát này tất cả đều phải cộng vào, cái này không dễ tính. Cho nên những đạo lý này hễ hiểu rồi, đời này học cách chịu thiệt, nhất định không hám lợi của người ta. Kế đó, tình cảm đừng có chấp trước, lấy được, phải buông được. Nếu không chỉ sẽ ra sao? Dày vò lẫn nhau, vương vấn lẫn nhau, bận lòng lẫn nhau, chi khổ vậy? Đây là điều khoa học gia phương tây nghiên cứu ra.

Hồi đó tôi coi rất nhiều tài liệu, còn đọc được 1 tài liệu, người châu Âu, ông chồng qua đời rồi, kết quả không lâu sau bà mua về 1 con vẹt, con vẹt biết nói tiếng người, kết quả con vẹt này đem tình hình của người chồng kiếp trước của bà đều nói ra hết. Tại sao? Mọi người ngộ ra chưa? Con vẹt đó chính là chồng bà chuyển sanh, 2 người duyên phận rất sâu, lại được bà mua về. Nhưng vấn đề nghiêm trọng rồi, chồng bà biến thành gì? “Tinh khí vi vật, du hồn bất biến”, lời của Khổng Tử nói. Linh hồn ông ấy không chết, thân thể là công cụ, dùng hư rồi, đổi 1 thân thể khác. Người chồng không có trí huệ, chuyển thành con vẹt. Có thể kiếp trước rất thích vẹt, đặc biệt ưa thích con vật này, thích vẹt thích tới chết, thương vẹt còn lợi hại hơn cả thương người, sau khi chết rồi không cẩn thận, “bụp” liền nhảy xuống. Cho nên nói mọi người nghe, đừng có ưa thích vật nuôi quá, very dangerous, rất nguy hiểm. Ngay cả nằm mơ cũng nghĩ tới những con vật đó, thì phiền rồi, linh hồn quý vị tất thảy đều bị ý niệm đó dắt đi mất.

Cho nên các vị nam không thể nào háo sắc, hễ háo sắc rất dễ biến thành Trư bát giới. Những chuyện này, người viết sách đều không phải người bình thường. Quý vị coi, Tôn ngộ không là ai? Đường tam tạng là ai? Trư bát giới lại là ai? Đều là chính mình. Cái gì của chính mình? Đường tam tạng là minh đức, bổn thiện, Phật tánh của chính mình. Tôn ngộ không là ai? Tôn ngộ không tức là vọng tâm của chính mình. 1 tiếng đồng hồ không biết có mấy ngàn, mấy vạn vọng niệm. 1 giây trước mới nói thương họ, 1 giây sau đã nói hơi hận họ, thay đi đổi lại, 72 biến. Tôi thấy không phải 72 biến, thiên biến vạn hóa. Cho nên người ta đều là giả tình giả nghĩa, đổi đi đổi lại, có phải không? Có chân ái, “chân” là không đổi, người không đổi mới có chân ái. Nói mọi người nghe “Anh yêu em” 3 chữ này không được nói bừa, trừ phi tâm quý vị không thay đổi, quý vị mới có tư cách nói câu này. Quý vị có nhận ra không, những nơi nói I love you nhiều nhất, tỉ lệ ly hôn cao nhất. Rất có lý, họ đem tình yêu đó đặt trên miệng, không phải thật sự gìn giữ trong tâm.

Trư bát giới tức là nói về điều nghiêm trọng nhất của chúng ta, nhất là người nam, háo sắc. Người nữ quý vị đừng có nói đúng đúng đúng, người nam có nhược điểm của người nam, người nữ có vết thương chí mạng của người nữ. Trong kinh điển giúp chúng ta nói ra, chúng ta tại sao vẫn cứ ở đó vấn vương, vẫn cứ ở đó đau khổ, vẫn cứ ở đó luân hồi, nhảy ra không được? Người nam, “Ngã ái nhữ sắc”, người nam yêu vẻ đẹp của người nữ; “nhữ liên ngã tâm”, người nữ tình chấp quá nặng không buông bỏ được tình cảm, vậy thì chỉ có thể tiếp tục tình duyên còn chưa dứt đó.

Tôi xin hỏi mọi người, tình có dứt được không? Có 1 bài hát tên gì? “Tình không dứt”. Người biết nghe thì sẽ ngộ ra, “không dứt”, tức là dứt không được, quý vị phải buông. Sao vậy? Yêu đi yêu lại yêu tới sau cùng biến thành gì? Hận, tôi hận anh. Tôi nói mọi người nghe, họ hận người đó chắn chắn là đã yêu người đó rồi mới hận, quý vị có hận người quý vị không quen biết không, “tôi hận anh”? Cũng không bị ấm đầu. Những việc này nghĩ kĩ lại, sẽ ngộ ra.

Khổng Tử trong “Luận ngữ” nói với chúng ta, “ái chi dục kì sanh, ố chi dục kì tử”, khi yêu họ, họ cái gì cũng tốt, moi tim moi phổi ra cho họ; “ố chi dục kì tử”, khi ghét họ, họ cái gì cũng không tốt, hàng ngày trù họ, cùng là 1 người. Chúng ta những thái độ, ý niệm này có phải rất ngu muội không? Con người tại sao lại từ yêu biến thành hận? Có cầu. Tôi cống hiến là có mục đích, có yêu cầu, cầu không được, hận sẽ tới. Cho nên không phải người đó khiến chúng ta hận, là tâm tham và tâm sân hận mong cầu của chúng ta có tác dụng.

Tôi vừa trao đổi với mọi người, “chưa phạm cấm giới, đã hiểu rõ lý”, mỗi đoạn này chúng ta nói tới những giáo huấn trong kinh điển, quý vị hiểu rõ rồi, quý vị sẽ không chấp trước.

Kết quả lúc đó, có có hội có thể lên bục trao đổi với mọi người về luân hồi chuyển thế, nhưng trong lòng tôi nghĩ, tất cả tài liệu đều là tiếng Anh, tiếng Anh của tôi lại không giỏi, dịch không được. Thôi kệ, người ta giỏi tiếng Anh để họ giảng được rồi, cơ hội này chưa chín muồi, không được cưỡng cầu.