Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 6B) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

Tập 6B

Hơn nữa nếu như nói nhiều, lại là tổn thương người khác, đó lại bị tổn phước. Vừa hao khí, vừa tổn phước, chả trách không có con tốt.

“Thích uống tổn tinh. Nguyên nhân thứ 5 không con”.

Thích uống rượu, từ “tổn” này là tổn hại tinh khí của chính mình, thể lực của chính mình, từ “tổn” này cũng là tan biến, tức là hao tốn tinh khí của mình. Cho nên “nguyên nhân thứ 5 không con”. Người “thích uống tổn tinh”, người không quý nguyên khí, họ không có con, thậm chí cho dù họ có hậu thế, do họ không quý nguyên khí, con cái họ đa phần thân thể yếu đuối, rất yếu ớt, hoặc là có thể bị yểu mạng, thể chất quá kém, cho nên cái này phải chú ý. “Nguyên nhân thứ 5 không con”.

“Thường ưa ngồi suốt đêm, mà không biết bảo tồn nguyên thần. Nguyên nhân thứ 6 không con. Ngoài ra tật xấu còn nhiều, không sao kể hết”.

Điểm thứ sáu nói rằng, ông thích ngồi thiền cả đêm. Thông thường ngồi thiền là tu định, sau khi tu định ông sẽ không còn phiền não, tinh thần hết sức thảnh thơi, trí huệ sẽ tuôn trào, đây là tình hình nhập định. Nếu như ông ở đó ngồi thiền, sau đó đầu luôn thế này, đó là ngủ gật, không phải ngồi thiền. Ngồi thiền là nhập định, không phải cứ ở đó lúc lắc cái đầu. Cho nên nếu như quý vị nhìn thấy tình hình này thì tặng ông ấy 1 câu, là “Nằm xuống ngủ thoải mái hơn”, nằm xuống ngủ nhất định thoải mái hơn so với ngồi ngủ. Thật ra cái này chủ yếu là gì? Ưa sĩ diện cố làm ra vẻ, giống như rất có tu dưỡng, thật ra là đang ngủ gật, sau cùng còn tổn hại thân thể. Thật ra tu hành phải chọn phương pháp thích hợp với mình, không được gồng mình. Hơn nữa người ưa gồng mình luôn có 1 đặc trưng nhân cách là hiếu thắng, giống như luôn muốn cao hơn người khác rất nhiều, đè người ta xuống. Không cần thiết như vậy, tu thân phải nên càng tu càng khiêm tốn mới đúng. Và sự “bảo tồn nguyên thần” này rất quan trọng.

Tiên sinh Lâm Tắc Từ nói tới “10 điều vô ích”, đây đều là sự khai hiển triệt để đạo lý nhân sinh, là giáo huấn hết sức đáng quý. Trong đó Lâm Công có nói rằng “bất hiếu cha mẹ, thờ thần vô ích”, quý vị ngay cả cha mẹ cũng không hiếu thuận, mỗi ngày đi lễ bái cũng không ích gì. Cho nên người xưa nhắc nhở chúng ta “Hai cụ trong điện đường, cha mẹ già trong nhà chúng ta, là Phật sống”. Quý vị thật sự hiếu dưỡng cha mẹ, đó là thật sự nghe giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, nghe giáo huấn của Phật Bồ tát, bất hiếu cha mẹ lễ lạy tới đâu cũng không có phước báo. “Anh em bất hòa, kết bạn vô ích”, quý vị ngay cả anh em cũng không thương yêu, cho dù quý vị bạn bè 1 đống cũng đều là bạn bè rượu thịt, không phải bạn bè thật tâm. Còn có 1 điểm là “tồn tâm bất thiện, phong thủy vô ích”, tâm địa quý vị không tốt, phong thủy tốt tới đâu mà cho chúng ta ở, long huyệt biến thành hang chuột, phong thủy đều bị chúng ta phá hoại. Phong thủy là động, nó không phải bất biến. Thật vậy, rất nhiều người trí thức vốn dĩ đó là nơi đoạn tử tuyệt tôn, sau khi họ sống thì sau cùng 5 con đăng khoa, đã chuyển đổi.

Còn 1 điều liên quan tới sức khỏe, tiên sinh Lâm Tắc Từ cũng nói rằng “Không quý nguyên khí, phục dược vô ích”, không quý trọng thân thể, tinh khí thần của mình, cho dù quý vị có tiền tới đâu đi mua 1 đống thuốc bổ, thực phẩm rất quý giá thì vẫn vô ích, cái gốc rễ lớn của thân thể quý vị không được giữ gìn. Mọi người chú ý coi bây giờ rất nhiều người có tiền, nhưng người khỏe mạnh rất ít. Bệnh viện xây rất nhiều, nhưng chỉ số sức khỏe cứ luôn xuống dốc, nguyên nhân ở đâu? Câu nói này của Lâm Công nhắc nhở chúng ta, dự phòng quan trọng hơn trị liệu. Kết quả người bây giờ ngày đêm điên đảo, nguyên khí hao tổn hết sức lợi hại. Mọi người để ý coi người nữ bây giờ mười bảy mười tám tuổi sức khỏe đã rất kém, họ thật sự là gặp phải gió bão sẽ bị thổi bay, hình như cảm giác không có khí lực gì hết. Sau này còn phải sanh con, còn phải chăm sóc mấy đứa con, quý vị nói thể lực của họ có chống cự nổi không? Người nữ bây giờ rất nhiều người khi tới tháng thì đau tới nỗi không xuống giường được, cái đó đều là ăn uống, ngủ nghỉ không bình thường, sau cùng gây ra kết quả như vậy.

Cho nên các vị nam, quý vị tìm người yêu phải để ý coi sức khỏe họ có tốt không, quý vị đừng có tìm về 1 người vợ, quý vị thành ra mỗi ngày đều chăm sóc họ, họ thường ở đó sanh bệnh thì quý vị mỗi ngày đều phải chăm sóc. Tôi nói như vậy hơi bị tuyệt tình phải không? Không thể tuyệt tình như vậy, nếu như quý vị cảm thấy cô đó tốt, thì phải đem tri thức về sức khỏe nói cho họ, đem “Đệ tử quy” tặng cho họ. Họ chịu tiếp thu rồi, “Ồ, cô gái này rất biết thọ giáo”, vậy không chỉ sức khỏe của họ có thể cải thiện, đức hạnh của họ cũng có thể cải thiện. Do lấy vợ dù gì cũng là đại sự trong đời, lấy 1 người vợ tốt có thể thịnh 3 đời, lấy 1 người vợ không tốt thì sao? Sẽ thất bại thảm hại, bò dậy cũng không nổi. Cho nên quý vị thấy trước đây rất coi trọng việc lấy con dâu lấy vợ, người bây giờ coi hôn nhân như trò chơi, quá tùy tiện. Cho nên người trước đây “lấy vợ phải coi mẹ vợ, mua trâu phải coi con đuôi dài”, đúng chưa? Đó đều là kinh nghiệm thực tiễn.

Cho nên Mạnh Tử đã khuyên chúng ta rất thành khẩn, đạo lý lớn trong cuộc đời: “Sự, thục vi đại? Sự thân vi đại”. Chúng ta phụng sự người khác, cái gì lớn nhất? Phụng sự cha mẹ là lớn nhất. Do thân thể chúng ta tới từ cha mẹ, sanh mạng chúng ta tới từ cha mẹ, cha mẹ có ân đức lớn nhất với chúng ta, “sự thân vi đại”. Nếu như chúng ta là 1 cái cây, cha mẹ chính là rễ của chúng ta. Con người không thể ngay cả gốc rễ cũng quên, vậy sanh mạng của chúng ta sẽ thành xác chết biết đi, giống như cái cây không có rễ. “Thủ, thục vi đại? Thủ thân vi đại”, trước tiên phải chăm sóc tốt thân thể này, không thể khiến cha mẹ lo lắng, vậy phải thận trọng ở những phương diện nào?

Trước hết “cẩn thận sở thích”, điều cẩn thận thứ nhất, sở thích của mình không thể tổn hại thân thể, những sở thích của quý vị uống rượu quá nhiều, thức khuya đều là không đúng, “cẩn thận sở thích”. Con người còn thích đi tìm kích thích, leo núi mạo hiểm, những trò mang tính nguy hiểm rất cao có tốt không? “Mình muốn khiêu chiến cực hạn”, có tốt không? Quý vị khiêu chiến cực hạn, người trong nhà quý vị thấp thỏm lo âu, vậy niềm vui đó của quý vị căn bản đã là sai lầm. Niềm vui của chúng ta không thể xây dựng trên sự đau khổ và lo lắng của người nhà, điều này rất quan trọng.

Tiếp theo, “cẩn thận phẫn nộ”, tức là phải kiểm soát tốt tâm trạng, nếu không rất hại thân. “Cẩn thận ăn uống”, ăn uống phải biết vừa phải, thích đáng, cũng không được ăn uống quá độ. “Cẩn thận đông hè”, khi thời tiết thay đổi phải biết giữ ấm, biết điều chỉnh tốt thời gian biểu của mình. Ví dụ nói sáng nay có mát mẻ không? Có mặc thêm áo không? Có, đúng. Sáng tối phải mặc thêm áo. Thật ra chúng ta ở Đại Mã mặc dù 4 mùa đều là mùa hè, nhưng quý vị phải chú ý, người bị cảm của chúng ta không thua gì người có bốn mùa, tại sao? “Ôi, sao nóng thế này”, quá khinh suất thì lại dễ sanh bệnh.

Tôi nhớ tôi ở Australia hồi mùa đông, nhiệt độ đó có lúc là âm một hai độ, bình thường khoảng sáu bảy độ là rất lạnh rồi, 2 tháng đó tôi đều không bị cảm, bởi vì trước đây tôi chưa tới nơi lạnh như vậy, lần đầu tiên đi, gói ghém rất an toàn. Cho nên 9 người nam chúng tôi ở chung với nhau, có 1 số trưởng bối thấy tôi hơi ốm yếu, kết quả họ đều bị cảm hết, chỉ có tôi không bị cảm. Họ nói sao chỉ có anh không bị cảm, chúng tôi đều bị cảm? Thật ra đã chứng minh 1 điểm: Tức là người càng cẩn thận thì lại càng an toàn, người càng cảm thấy không vấn đề gì thì mới là thật có vấn đề, họ sẽ sơ suất lơ là. Cho nên cho dù chúng ta ở Malaysia, sáng tối đều phải chú ý giữ ấm, đừng để khí lạnh thâm nhập, nhất là khi vào chỗ có máy lạnh, phải đem 1 áo khoác mỏng, đúng chưa? Nếu không quý vị ở phòng lạnh đó ra ra vào vào rất dễ bị cảm, lỗ chân lông vừa nở ra khí lạnh liền chui vào.

“Cẩn thận suy nghĩ”, rất nhiều việc làm hết sức là được, đừng cứ ở đó suy nghĩ, nghĩ tới nỗi không ngủ được, dần dần sẽ tổn hại sức khỏe, đừng nghĩ nhiều quá. “Há có thể luôn như ý người, chỉ cầu không thẹn lòng ta”, lương tâm an ổn là được, nên buông bỏ thì buông bỏ. Quý vị nếu như hôm nay không ngủ được, ở đó nghĩ Đông nghĩ Tây, trằn trọc thao thức, ngay cả 1 nửa kia cũng ngủ không được, sau cùng cả nhà đều lo lắng cho quý vị. Bây giờ người mắc bệnh trầm cảm rất nhiều, có liên quan tới điều này không? Suy nghĩ lung tung 1 đống, dần dần thần kinh não suy nhược, cho nên cuộc đời phải luyện 1 công phu – buông bỏ. Nên đi ngủ thì đi ngủ, nên ăn cơm thì ăn cơm. Đừng có khi đang ăn cơm cũng nghĩ, khi đi ngủ cũng nghĩ, khi nghe kinh thì ngủ gật, tinh thần khí lực phải dùng đúng chỗ.

Tiếp theo, “cẩn thận lao tác”, suy nghĩ sự việc chu đáo, nhưng đừng quá mức, thường ở đó sanh phiền não. Kể cả lao động cũng không được quá sức, tổn hại thân thể, công việc có thể lên kế hoạch, mỗi ngày mỗi ngày đều làm cho đầy đủ vững vàng như vậy. Quý vị đừng nên nóng vội, “Bữa nay mình phải làm cho xong”, kết quả làm tới nửa đêm canh ba sức khỏe tổn hại nghiêm trọng, như vậy là không tốt. Cho nên khi người nhà nói “Được rồi, được rồi, ngày mai làm tiếp, đi ngủ thôi”, phải tiếp nhận thiện ý của người nhà. “Đừng làm phiền, đi đi đi”, cái này rất không thỏa đáng. Kế đó, những điều này nhắc nhở chúng ta cụ thể phải cẩn thận ở những điểm này, mới có thể giữ gìn sức khỏe của mình.

Cuộc đời chúng ta có 1 việc rất quan trọng, Mạnh Tử nói “Bất hiếu có 3 tội, vô hậu lớn nhất”. Từ “vô hậu” này nghĩa là quý vị không có hậu thế tốt, đây là có lỗi với tổ tiên, bởi vì cả gia tộc phải thông qua con cháu đời đời truyền thừa lại. Quý vị ngày nay muốn cầu được con cháu tốt phải có 3 điều kiện rất quan trọng. Mọi người chú ý, “Dịch kinh” có nói với chúng ta, “người nhóm theo loài, vật tụ theo bầy”, giữa vạn vật đều giao cảm với nhau, “long giao long phụng giao phụng, con của chuột thì biết đào hang”. Xin hỏi mọi người, quý vị có cảm tới con cháu thánh hiền được không? Quý vị không có phản ứng? Vậy “Liễu Phàm tứ huấn” học kiểu gì vậy? Phải có lòng tin, đợi lát nữa sẽ nói tới, “người có đức trăm đời, sẽ gia hộ con cháu trăm đời”, quý vị lúc nãy cũng có đọc rồi hả? Đúng mà.

Thứ nhất là gì? Tiếp theo trọng điểm lúc nãy, “bảo thân tiết dục, dĩ bồi tiên thiên”, sức khỏe vợ chồng rất khỏe mạnh, con cái sanh ra thể chất mới tốt được. Nếu như bản thân vợ chồng sức khỏe không giữ gìn tốt, còn phóng túng dục vọng, thì đứa con đó bẩm sinh sẽ rất không tốt, thậm chí căn bản là sanh con không được. Chúng ta trước đây coi 1 số phim lịch sử, có 1 số người rất có địa vị hoặc thương nhân lớn, sau đó con cái rất phung phú, kiêu xa dâm dật, sau cùng không có con nối dõi, rất có liên quan tới điều này.

Mọi người bình tâm lại, chúng ta bây giờ rất nhiều quan niệm thời đại gần đây đều hết sức sai lệch, hết sức sai lệch. Ví dụ sự túng dục này, Tây phương nói không sao, không ảnh hưởng sức khỏe thân thể, người nam túng dục, đó cũng chỉ là vật chất mà thôi, là protein gì đó thôi. Mọi người phải hiểu tinh dịch đó của người nam, nó có thể biến thành 1 thân thế, những protein khác có biến ra được không? Cho nên bây giờ rất nhiều cách nói đều là nói bậy, hơn nữa còn có trong sách giáo khoa, thật sự hại chúng ta thảm thê. Sách giáo khoa đó là nghe ai? Nghe những người gần đây, những người nghiên cứu mấy chục năm nay nói ra, lời của thánh nhân lão tổ tiên 5000 năm thì không nghe, chả trách người bây giờ chịu khổ nhiều như vậy, chỉ 1 câu là nói xong “không nghe lời người già, chịu khổ ngay trước mắt”.

Thật vậy, chúng ta cảm thấy bây giờ những sách giáo khoa đó rất nhiều chỗ đều sai, làm lầm lạc mấy đời người. Kể cả người nữ sanh con xong phải ở cử, rất nhiều cách nói bây giờ: “Quý vị coi Âu Mỹ người ta, vừa sanh con xong là nhảy xuống đi bơi, rồi cũng có sao đâu”. Lúc đó họ không có sao, quý vị đi nghiên cứu 10 năm sau họ có sao không? Người bây giờ chỉ nhìn cái trước mắt, chịu khổ rất nhiều. Mọi người để ý coi, chỉ cần không hiểu những đạo lý này, người nữ Âu Mỹ 40 tuổi đã già tới giật mình, quý vị chú ý coi nếu họ rất túng dục, 40 tuổi nhìn vào hết sức già. Nhưng quý vị chỉ cần là người biết dưỡng sinh, thì 40 tuổi nhìn giống như 18 tuổi. Tôi không gạt quý vị, quý vị không tin, quý vị đi mua quyển tự truyện của nữ sĩ Hứa Triết đã viết. Hồi đó tôi còn chưa coi nội dung, chỉ mới nhìn hình cô ở phía trước: Cô Hứa Triết hồi còn trẻ dung mạo rất trang nghiêm, tôi mới khởi lên suy nghĩ này, hình chụp hồi 70 tuổi, hồi 70 tuổi mặc đồ vest nhìn giống như 1 thiếu nữ. Quý vị tự mua coi, quý vị sẽ tin lời tôi nói. Cho nên cô biết dưỡng sinh, thật sự là không dễ bị già. Chú ý nhé, đây là chuyện lớn, quý vị sanh con ra đứa nào cũng phẩm chất tốt, lại có đức hạnh.

Điểm thứ hai “đôn luân tích đức, dĩ lập phước cơ”, “nhà tích điều thiện, ắt có niềm vui”, hơn nữa bản thân chúng ta trong “đôn luân tích đức” cũng là xây dựng tấm gương tốt nhất cho hậu thế.

Điểm thứ ba “thai ấu thiện giáo”, thai giáo, khi con cái còn nhỏ, gọi là “3 tuổi thấy trưởng thành, 6 tuổi thấy về già”, “thai ấu thiện giáo”, lúc này phong phạm của người mẹ hết sức quan trọng. Con cái trước khi 3 tuổi thường ở bên cạnh cha mẹ, nhất là người mẹ. “Thai ấu thiện giáo”, cắm chắc rễ đức hạnh cho chúng; “dĩ miễn tùy lưu”, chúng sẽ không trôi theo dòng đời. Đây là 3 trọng yếu để cầu con.

Tiên sinh Liễu Phàm phản tỉnh ngoài 6 điểm này ra, ông cảm thấy còn rất nhiều việc khác không thể nào tính hết, tính hết tức là hoàn toàn, toàn bộ đều nói ra. Tất nhiên bản thân ông đã suy ngẫm được, kế đó phải nghĩ làm sao để thay đổi. Ngày nay chúng ta thấy tiên sinh Liễu Phàm suy nghĩ cuộc đời ông tại sao không có phước báo, không con nối dõi, cũng là đoạn này chúng ta có thể quay về bản thân chúng ta: Cuộc đời của mình bây giờ có phước không? Con cái mình bây giờ không nghe lời phải làm sao? Giống như tiên sinh Liễu Phàm vậy, trước tiên phải làm sao? Phản tỉnh chính mình! Hơn nữa trong sự phản tỉnh còn phải có điều gì? Còn phải có dũng khí, phải đối mặt với bản thân, phải thừa nhận lỗi lầm. Khổng Lão Phu Tử dạy chúng ta “tam đạt đức” trong cuộc đời, quý vị ngày nay có trí huệ muốn thành tựu, sự nghiệp gia nghiệp muốn thành tựu, nhất định phải có tam đạt đức này, “trí, nhân, dũng”, tam đạt đức.

Trí, quý vị có trí huệ, trí huệ trước tiên thể hiện ở đâu? Sáng suốt biết mình, cho nên Lão Tử nói biết người, quý vị biết người thì trí, “biết mình thì sáng suốt”, quý vị trước hết phải làm 1 người sáng suốt không hồ đồ đã, quý vị hồ đồ hàng ngày đều đang tạo tội nghiệp thì sao có thể có phước được? Cho nên trí huệ trước hết phải tự biết mình. Và trí huệ thể hiện ở đâu? Gặp bất kì việc gì trước tiên đều phản tỉnh vấn đề của mình. Lão tổ tiên để lại 1 câu nói cho chúng ta là “làm việc không thông, phản cầu chính mình”. Tiếp đó quý vị phải có dũng khí thừa nhận sai lầm, sửa đổi sai lầm. Các bạn, sửa đổi tập khí xấu của mình có dễ dàng không? Không dễ dàng, giống như lột da vậy, lột da thì rất đau, nhưng đau dài không bằng đau ngắn, phải có dũng khí sửa đổi. Khi đang xử lý vấn đề trong cả gia đình, từ “nhân” này rất quan trọng, nhân ái từ bi, trong gia đình của mình bất luận là lỗi lầm của con cái, hay là 1 nửa kia, hay là trưởng bối, chúng ta đều dùng tâm nhân ái từ bi để giúp đỡ họ, ở bên họ, chứ không phải chỉ trích họ.

Ở đây có 1 ví dụ, vừa hay có người bạn nhắc tới vấn đề này, chúng ta cũng từ sự phản tỉnh của tiên sinh Liễu Phàm mà phản tỉnh lại tình hình của bản thân mình. Người bạn này nói rằng: “Con gái tôi năm nay 9 tuổi, trước giờ luôn không thích học hành”. Mọi người có để ý câu này không? “Trước giờ luôn không thích học hành”, quý vị sao để nó không thích học hành tới nỗi trước giờ như vậy? Mọi người có nhận ra người bây giờ đều là đợi bệnh rất nghiêm trọng mới biết phải trị, nếu như quý vị 1 chút bệnh vặt đã biết phải mau mau điều chỉnh, thì quý vị sao bị bệnh nặng được? Cho nên “người không lo xa, ắt sẽ lo gần”, quý vị phải nhìn cho xa, phải hiểu “phòng ngừa khi bắt đầu”, người làm lãnh đạo phải có trí huệ này, làm cha mẹ thầy cô cũng phải có trí huệ này.

“Không thích học hành, ở trên trường lên lớp không chuyên tâm, thường tay chân không yên, còn có hiện tượng ra tay đánh bạn học, dạy mãi không sửa. Gần đây có 3 giáo viên tìm tôi phản ánh vấn đề của con bé, nếu như nó không cải thiện sẽ đối mặt với vấn đề bị đuổi học hoặc là chuyển trường. Giáo viên trong trường nói thật sự không tin đứa nhỏ này học Đệ tử quy”.

Tôi hơi bị toát mồ hôi lạnh, đứa nhỏ này nếu như tới trung tâm để học, thì tôi có lỗi với gia đình của em lắm.

“Tôi hết cách dạy rồi, cô giáo này nói, hay là anh đi tìm giáo viên dạy Đệ tử quy đi”. Xin hỏi thầy đối diện với vấn đề này tôi phải làm sao?

Phải bình tĩnh trước, phải lắng mình lại, phải phản tỉnh mình. Thật ra trí huệ, chúng ta vừa nhắc tới mấy điểm phải tự biết mình. Kế đó, trí huệ thể hiện ở chỗ, đối mặt với bất kì vấn đề nào cũng không dày vò trong kết quả và hiện tượng trước mắt, hoặc là ão não, không dám tiếp nhận, trốn tránh, đều không phải cái này. Là cái gì? Đối mặt với kết quả bây giờ, tìm cho ra nguyên nhân, sau đó tùy bệnh cho thuốc thì sẽ giải quyết được.

Vậy chúng ta nhìn thấy đứa nhỏ này biểu hiện ở trường là 1 kết quả, em tập thành như vậy ở đâu? Ở nhà đấy! Cho nên chúng ta phải kéo cái trường đó về đâu? Trong gia đình nguyên nhân tập thành thói quen đó của em là ở đâu? Ví dụ em không chuyên tâm, thì chắc chắn là trong nhà đã không chuyên tâm rồi, đâu phải ở nhà thì chuyên tâm tới trường thành ra không chuyên tâm, quý vị có gặp đứa nhỏ nào như vậy không? Không có hả? Cho nên chúng ta làm cha mẹ, làm thầy cô khi đối mặt với những hành vi không thỏa đáng của con trẻ, thật ra các em chỉ biểu hiện ra cái kết quả, em đang nhắc nhở chúng ta, chúng ta giáo dục các em sai rồi. Em cũng đang nhắc nhở chúng ta phải mau mau làm việc cho đúng, cho nên đó cũng không phải việc xấu. Con trẻ đang nhắc nhở chúng ta sự sai lệch trong giáo dục, con trẻ đang nhắc nhở chúng ta, chúng ta luôn bận rộn công việc, không dùng tình thương để bên cạnh cùng các em trưởng thành.

Tiếp theo còn nói thường tay chân không yên, ra tay đánh bạn học. Ở trong gia đình, có phải đứa nhỏ phải làm những động tác này mới có thể khiến cha mẹ chú ý không? Bây giờ tôi đang phân tích, chưa chắc như vậy, bởi vì nguyên nhân có thể có rất nhiều loại, cái này phải chính quý vị suy nghĩ. Nhất định là ở nhà đã tập thành thói quen này, tới trường mới như vậy, hoặc là ở nhà có người thích đánh người khác nên bị em học theo.

“Dạy mãi không sửa”, thứ nhất là phương pháp dạy đúng không? Khi quý vị dạy em mà còn rất nóng tính, thì không có hiệu quả gì, quý vị phải rất kiên nhẫn mà dẫn dắt, mà cùng em sửa đổi. Cho dù quý vị không có nóng tính, quý vị đã dùng tình thương dạy em, quý vị cũng đừng nghĩ dạy 1 lần là sửa được, đây cũng là tham nhanh. Nếu như quý vị dạy 1 lần, dạy 2 lần, đứa nhỏ chưa sửa được, sau đó quý vị tâm khí nóng nảy liền nổi giận, thì quý vị dạy không được.

Cho nên chữ “giáo” mọi người chú ý, bên trái 2 dấu chéo, bên dưới 1 đứa nhỏ. Tôi thấy rất nhiều người ánh mắt mơ hồ, do mỗi lần đều có bạn tới lần đầu cho nên phải “thị tư minh”, phải nhìn cho rõ. Người ta đã mơ hồ rồi, thì quý vị không thể giảng tiếp được, bản thân quý vị giảng rất hăng, người ta thì nghe hồ đồ mơ hồ, vậy cũng không đúng. Đây là cách viết hồi xưa của chữ “giáo”, bên trên 1 dấu chéo, bên dưới 1 dấu chéo, ở đây có đứa nhỏ, trên làm dưới theo. Cha mẹ, thầy cô, trưởng bối, lãnh đạo làm rồi, người bên dưới bắt chước, bên trái dạy chúng ta cái gì? Thân giáo, lấy thân làm mẫu. Bên phải 1 cái tay cầm 1 cây gậy là “ân cần dạy bảo, không biết mệt mỏi”, cái này là kiên nhẫn. Quý vị từ nhỏ đã dạy con cái đạo đức luân lý, chúng khai hoa kết trái ít nhất cũng phải 10 năm tới 15 năm, quý vị mới giảng 1 lần, lần sau đã bắt nó sửa? “10 năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Cho nên bữa nay con cái không thọ giáo, về cơ bản không phải vấn đề của nó, là thân giáo chúng ta làm chưa đúng mức, hoặc là không đủ kiên nhẫn, 2 điểm này quý vị thật sự làm triệt để rồi, quý vị đừng lo, con quý vị từ từ sẽ ngày càng tốt.

Tiếp theo, ở trong này cũng có nhắc tới, giáo viên trong trường nói, sẽ bị đuổi học hoặc chuyển trường. Tôi nghĩ nếu như chúng ta là giáo viên trong trường, chúng ta có 1 sứ mệnh là phải chấn hưng sư đạo, sư đạo đáng quý chỗ nào? Tuyệt đối không từ bỏ con người, giáo dục là thành tựu con người, không phải từ bỏ con người. Hơn nữa chúng ta phải tự hỏi mình đã làm hết sức chưa? Đã dùng đúng phương pháp chưa? Kế đó, chúng ta đã câu thông nghiêm túc với phụ huynh các em, tiếp theo cùng phụ huynh giúp đỡ đứa trẻ này chưa? Cái này là thêm vào, do bản thân tôi cũng từng phục vụ ở tiểu học, chúng ta thầy cô giáo thời đại này có trách nhiệm này, từ bản thân mình mà chấn hưng sư đạo.

Tiếp theo, ở đây lại nhắc tới việc học “Đệ tử quy”, trọng điểm này tôi không thể không nhắc, nếu không người ta nói, anh chọn việc nhẹ tránh việc nặng. Tôi đã từng làm điều tra dân ý, cho ai làm điều tra dân ý? Cho các em nhỏ làm điều tra dân ý. Các em rất không muốn học “Đệ tử quy”, sau đó em sẽ nghĩ, tại sao mẹ mình phải học “Đệ tử quy”? Tại sao mẹ mình là giáo viên dạy “Đệ tử quy”. Mọi người “thính tư thông”, nghe được cái gì? Mẹ dạy “Đệ tử quy”, mẹ dạy “Đệ tử quy” là người có đức mới đúng, mới khiến các em như tắm gió xuân, tại sao các em lại đau khổ như vậy? Mọi người ngộ ra chưa?

Tôi phải lấy cho mọi người 1 ví dụ, tôi có 1 lần ở trước trung tâm thương mại Thâm Quyến, có 1 người mẹ học “Đệ tử quy”, nhìn thấy tôi giống như thấy cái gì? Giống như nhìn thấy kho báu, liền chạy lại rồi kêu 2 đứa con của mình tới “Thầy Thái! Cúi chào, cúi chào!”, đè đầu các em xuống. Sau đó nói 2 đứa con tôi có chỗ nào không tốt, chỗ nào không tốt, nhờ thầy Thái giúp tôi dạy 1 chút. Tôi nhìn cô, nhìn con của cô, tôi nói con của cô khá lắm rồi, cô coi chúng còn cười với tôi thân thiết như vậy, 2 cháu tới chỗ kia chơi trước đi. Lúc này nếu như tôi nói đạo lý cho 2 đứa nhỏ nghe, cả đời này chúng không muốn gặp lại tôi nữa, tôi phải nghĩ xa 1 chút, “người không lo xa, ắt phải lo gần”, đúng chưa? Trước mặt đông đảo mọi người mà nói chúng như vậy, lòng tự tôn của chúng bị tổn thương, tôi bảo 2 em đi qua chỗ khác trước, câu thông nghiêm túc với người mẹ, đúng chưa? Quý vị phải giữ sĩ diện cho các em, hơn nữa giáo dục phải nước chảy thành mương, không phải cưỡng bách như vậy, quý vị làm trước cho chúng coi.

Cho nên có người mẹ đã rất cảm thán, con của cô vừa mới học “Đệ tử quy” đã rất đau khổ, sau cùng cô phát hiện là do cô cứ luôn yêu cầu nó, rất bị áp lực. Sau đó cô không yêu cầu con mình nữa, tự mình làm trước. Kết quả cô phát hiện có 1 lần khi phải đi qua đường, con cô liền chủ động đi năm tay 1 cụ già, giúp cụ già đó qua đường, lúc đó cô pháp hỉ sung mãn. Cô nói thời gian này tôi đều tự mình làm trước, làm tới khi khiến con cái tự nhiên đi hành thiện, không phải tôi đi yêu cầu nó.

Cho nên điểm này cũng đáng để cha mẹ chúng ta suy ngẫm, nhìn có vẻ là tốt cho chúng, trên thực tế đều là khống chế, yêu cầu, sẽ phản tác dụng. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, chỉ cần chúng ta dùng thân giáo thực hành “Đệ tử quy”, con cái sẽ cảm nhận được chúng ta có đức hạnh, thay đổi rất lớn, tự nhiên chúng sẽ rất phục. Cho nên sư trưởng có 1 câu nói đáng để chúng ta suy ngẫm, nói là “Đệ tử quy” không phải để mấy đứa nhỏ học, “Đệ tử quy” là người làm cha mẹ phải làm cho con cái coi, con cái âm thầm ảnh hưởng sẽ thay đổi thói quen xử thế của chúng, câu nói này là thật.

Tôi đã gặp hậu thế của Khổng Tử, 1 vị nữ sĩ, cô lần đầu tiên học “Đệ tử quy”, đọc “Đệ tử quy” cô nó rất thân thiết, cô cứ đọc cứ đọc, hồi nhỏ cha mẹ, các bác, các chú làm như thế nào đều hiện ra trong đầu cô. Xin hỏi mọi người cô lần đầu đọc “Đệ tử quy”, cô đã từng học “Đệ tử quy” chưa? Cô đã học rồi, cô từ nhỏ cha mẹ đã làm cho cô coi, cô cũng cảm thấy những hành vi này vốn dĩ nên là vậy. Chúng ta bây giờ con cái vừa học, chúng cũng chưa nhìn thấy tấm gương, liền cứ bị yêu cầu mãi, sau đó người lớn cũng còn chưa làm được, làm sao chúng không rầu rĩ cho được?

Tiếp theo, ở đây còn nói tới trường học có thể đề ra yêu cầu, có thể hành vi của đứa nhỏ ảnh hưởng tới quá nhiều người, trường học có thể hơi không ứng phó nổi, có thể phải đuổi học. Các vị phụ huynh, con quý vị gặp tình hình này bị đuổi học, quý vị có chịu được không? Có nói là sau khi đuổi học thì cuộc đời không thành công được? Không có hả? Đúng rồi. Tốt, vậy xin hỏi mọi người, đuổi học và nhân cách lành mạnh cái nào quan trọng hơn? (Đáp: Nhân cách lành mạnh). Đáp án chính xác. Nhưng quý vị coi rõ ràng đáp án chính xác là nhân cách lành mạnh, nhưng bao nhiêu người sau khi đuổi học có dũng khí cùng con mình điều chỉnh tốt tâm thái của chúng? Em sống chung với người khác lành mạnh trước, nếu không quý vị cứ không điều chỉnh những vấn đề nghiêm trọng này của em, những vấn đề này sẽ càng ngày càng theo em, em sẽ ngày càng khó điều chỉnh. Em bây giờ mới 9 tuổi còn dễ chỉnh, nếu như 19 tuổi thì độ khó càng lớn.

Chúng ta không chịu đối mặt với vấn đề, luôn luôn là sao? Không vứt được sĩ diện. Đuổi học rồi, bạn bè người thân đều hỏi mình, mình thật là mất mặt. Cho nên cuộc đời có rất nhiều lựa chọn quan trọng không chọn đúng được, đều là bị sĩ diện chướng ngại mất. Người khác nhìn ra sao không quan trọng, bản thân mình làm cho rõ ràng, minh bạch là được rồi, hơn nữa là thật sự muốn tốt cho con cái. Cho nên lúc này phải ở bên cạnh em, đưa em đi leo núi, đưa em đi dạo chơi non nước, hễ tâm trạng vui vẻ rồi, chuyện gì cũng nói với em được. Quý vị có thể từ lời em nói mà tìm hiểu tình hình nội tâm của em, kế đó dùng tình thương của quý vị xoa dịu sự tổn thương của em, sau đó dẫn dắt em.

Thật ra thế gian này không có đứa trẻ hư, chỉ có đứa trẻ thiếu tình thương, thiếu giáo dục. Tại sao? “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, đứa nhỏ này sống chung với người ta không tốt, nó muốn vậy không? Nó cũng không muốn, nó biến thành nô lệ của thói quen xấu này, khống chế nó. Nhưng sự bầu bạn này cần phải kiên nhẫn.

Còn nữa, trước tiên quý vị phải xây dựng sự tin tưởng không gì không nói được với con cái. Khi các em nói ra quý vị phải lắng nghe, các em vừa nói 1 chút, quý vị đừng “Cái này không đúng, “Đệ tử quy” không nói như vậy”, quý vị liền dùng 1 đống đạo lý ngắt ngang lời em, sau đó lại bắt đầu phê bình em, có thể trái tim các em sẽ bao bọc trở lại, sẽ không chịu đem tình hình chân thật trong lòng ra nói với quý vị. Do em cảm thấy lại bị chỉ trích, em sẽ tự bảo vệ mình. Cho nên con cái nói điều gì quý vị trước hết cũng đừng phê bình các em, trước hết để các em kể hết không che đậy việc gì với cha mẹ, sau đó dùng sự kiên nhẫn, tình thương để bầu bạn, dẫn dắt các em từng bước từng bước. Sau đó cả tâm thái các em điều chỉnh tốt rồi, mới đi học cũng không muộn, cuộc đời không thiếu nửa năm, 1 năm này.

Hơn nữa tôi nói mọi người nghe căn bệnh thật sự không ở bản thân các em, bệnh ở đâu? Có thể đứa nhỏ này sẽ giúp giá trị quan nhân sinh 1 đời quý vị điều chỉnh về phương hướng đúng đắn, họa phước đi kèm nhau, tình hình sức khỏe và cả tình hình hành vi của con cái trước 12 tuổi, là liên quan mật thiết với đức hạnh của cha mẹ, cái này phải tìm đáp án từ bản thân chúng ta.

Được, hôm nay trao đổi với mọi người tới đây. Cảm ơn mọi người!