Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 1B) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa Trung Hoa Malaysia

5/3/2012 -23/1/2013

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

Tập 1B

Từ “dưỡng sinh” này, “sinh”, ý nghĩa thứ nhất là mưu sinh, tức là vấn đề sinh hoạt. Ông theo trung y, dụng tâm khám bệnh cho người, bệnh nhân cảm ơn, sẽ có 1 chút cúng dường. Người xưa có 2 ngành nghề, là không cho người ta nói làm rồi nhất định phải thu tiền của người khác, là người làm thầy và làm bác sĩ. Bởi vì thiên chức của họ là giáo dục anh tài, người làm thầy, thầy trò như cha con, đó không phải là quan hệ lợi ích; còn bác sĩ thì họ cứu tử chữa thương, tín niệm của họ là phải cứu sống người khác. Tôi nhớ hình như có 1 bộ phim, kể về 1 thần y, ông đã nói 1 so sánh rất hay. Ông nói ngày nay có 1 con chó bị bệnh, tôi phải giúp nó chữa trị, vì ông tôn trọng sanh mạng. Tôi chữa lành cho nó rồi, nó cắn tôi 1 cái, sau đó nó lại bệnh thì tôi vẫn phải chữa cho nó. Đó là tín niệm của ông, thiên chức của ông. Ông trời giao cho ông 1 chức trách, điều này đáng quý.

Ông có 1 kĩ năng trung y, có thể cuộc sống sau này không có vấn đề. Ý nghĩa thứ hai là, ông học được trung y bản thân cũng biết bảo dưỡng thân thể của chính mình. Cho nên có thể dưỡng sinh, có thể giúp người, có thể giúp những người trong cơn bệnh khổ cứu sống họ, giúp đỡ người khác.

Chúng ta coi tới đây cũng nghĩ tới, tiên sinh Phạm Trọng Yêm hồi nhỏ có gặp người coi bói, ông nói với thầy bói là: Ông coi cháu có thể làm tể tướng không? Thầy bói rất là kinh ngạc, đứa nhỏ như ngươi mới bây lớn đã muốn làm tể tướng, ăn nói thật là bạo dạn. Ông thấy thái độ của thầy bói này thì có đôi phần ái ngại, ông nói hay là thế này, ông coi cháu có thể làm bác sĩ không? Bỗng chốc biến thành bác sĩ, thầy bói này cũng rất kinh ngạc, sao ngươi lại từ tể tướng biến thành bác sĩ hả? Phạm Trọng Yêm tuổi còn nhỏ vậy đã nói: Bởi vì chỉ có lương y và tướng tốt mới có thể cứu người. Phạm Công nhỏ như vậy, ông đã lấy điều gì là giá trị cuộc đời? Chính là việc cứu người. Cho nên “Đệ tử quy” nói “Phàm là người, đều phải thương”.

Có 1 bé trai 5 tuổi, vừa hay mẹ nó cho nó coi phim tài liệu, có coi tới tình hình của cô nhi viện và tình hình của viện dưỡng lão. Em bé 5 tuổi sau khi coi xong, nó ở đó làm bộ lấy tiền, xếp tiền, nó xếp cho đầy. Nó nghĩ: “Mẹ”, vốn dĩ chị họ nó nói với nó là đem bỏ ngân hàng, nó nói “Đem tiền này đi giúp những bạn nhỏ cô nhi viện và các ông bà đi”, sau đó còn nói với mẹ nó: “Mẹ rảnh thì đưa con đi, con còn có thể giúp họ làm 1 số việc, lau bàn, nấu cơm cho họ ăn”. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Mẹ nó mua cho nó cái xe, nó nói con muốn chở những bạn nhỏ đó đi tìm cha và mẹ của các bạn, đây đều là thiên tính. Cho nên các em nhỏ từ nhỏ đã giúp các em coi việc cứu người là giá trị cuộc đời, sau này các em nhất định có tương lai. Phạm Công từ nhỏ đã nghĩ cho thiên hạ, tuyệt đối không tách khỏi sự giáo dục của mẹ ông.

Mẹ của tiên sinh Liễu Phàm phân tích cho ông, học trung y “có thể dưỡng sinh, có thể giúp người. Khi y thuật tinh thông thành danh, là túc tâm của cha con vậy”. Cha con cũng có tâm nguyện này. Từ “túc” này nghĩa là hồi xưa, nghĩa là trước đây. Cha con khi còn tại thế, cũng có túc nguyện như vậy, hy vọng con có thể học tập 1 kĩ năng, giống như học được kĩ năng trung y này, sau này con trở thành danh y, thành danh rồi, trong xã hội cũng có địa vị. Từ “y thuật tinh thông”, có câu tục ngữ nói là, điều này cũng rất đáng để các phụ huynh thể hội đạo lý này, là “gia tài bạc triệu, không bằng 1 nghề tại thân”. Họ có 1 kĩ ngăng có thể phục vụ đại chúng, họ có thể mưu sinh. Nhưng nếu như họ không học thành kĩ năng, cho dù gia tài bạc triệu, cũng có ngày miệng ăn núi lở. Phụ huynh có kiến thức như vậy, vào thời đại Đông Hán Quang Vũ Đế, có 1 đại thần đã làm hết sức tốt, tên là Đặng Vũ. Đặng Vũ, ông sanh được 13 người con trai, 13 người con trai của ông đều có kĩ năng đặc biệt của mình để mưu sinh. Còn ông là đại thần, có bổng lộc rất cao, nhưng ông không để lại những thứ này cho con mình, để chúng có thể tự mình mưu sinh, độc lập. Điều này rất quan trọng.

Người xưa nhìn rất xa, quan lớn trước đây, nhà của họ đều không xây lớn lắm. Kết quả người ta nói, ông làm quan lớn như vậy sao cổng nhà mình lại nhỏ thế này chứ? Ông nói tôi làm quan lớn, con cái tôi chưa chắc đã làm quan lớn. Tôi bây giờ dẫn dắt chúng, cả cuộc sống đều trở nên rất xa xỉ, sau này chúng tập thành thói quen xa xỉ này, tôi chẳng phải làm lầm lạc đời chúng sao? Nhìn rất là xa.

Cho nên cần kiệm là gốc chăm lo gia đình. Sau này con cái quý vị có thể giữ gìn gia đình này cho tốt, nhất định phải có mỹ đức như vậy, nếu không cuộc đời chúng là 1 mớ hỗn loạn, rối bời. Thậm chí chúng gả đi đâu, ở đó liền có tai nạn, đúng chưa? Lấy 1 người vợ tốt thì thịnh 3 đời, lấy 1 người vợ không tốt thì sao? Thất bại thảm hại, không đứng lên được. Cho nên cả thiên hạ có an định không, quyết định bởi sự giáo dục của người nữ. An nguy của thiên hạ, người nữ nắm hơn 1 nửa. Sau này có sanh được nhân tài không đều phải coi mẫu giáo, giáo dục của người mẹ. Người mẹ nếu như xa xỉ, lãng phí, lười nhác, làm sao có thể dạy được thế hệ sau cho tốt chứ?

Cho nên các vị phụ huynh, quý vị nếu như sanh con gái, an nguy của thiện hạ nằm trong tay quý vị, việc này không phải nói đùa. Có người nữ hiền, mới có vợ hiền, mới có mẹ hiền, đây là logic tất nhiên. Cho nên chúng ta 5000 năm nay luôn hết sức coi trọng việc giáo dục người nữ, họ từ nhỏ đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ, bồi dưỡng mỹ đức. Đức hạnh người nữ bây giờ bị coi nhẹ, chỉ coi trọng học lực của họ, đi học đều học rất cao, nhưng có đào tạo ra mỹ đức chăm lo gia đình không, còn phải quan sát rất thận trọng. Tôi nghe nói bây giờ có rất nhiều người nữ là “nguyệt quang nữ thần”, tức là mỗi tháng tiêu xài hết sạch, còn quay về: Cha, con hết tiền rồi. Tới lúc đó muốn khóc cũng không có nước mắt, phải dạy từ nhỏ, thói quen thành tự nhiên, càng nhỏ dạy càng tốt. Đó không chỉ cha họ mệt, sau này họ gả cho ai người đó mệt, đúng chưa?

Tôi nhớ có 1 trưởng bối, ông nói với tôi, ông nói trước khi ông kết hôn, đưa bạn gái ra ngoài ăn cơm, cảm thấy sao chỉ ăn 1 chút xíu, người nữ thật là dễ nuôi. Sau khi kết hôn rồi, ông cũng khai ngộ, cho nên nói mọi người nghe, khai ngộ phải sớm 1 chút.

Người xưa hiểu được phải truyền thừa kinh nghiệm quý báu, như cách ngôn trước đây đều có nói rằng: “Lấy vợ phải coi mẹ vợ, mua trâu phải mua con đuôi dài”, đúng chưa? Thêm 1 câu tiếng Mân Nam nữa “Chọn ruộng phải chọn đất ruộng tốt, lấy vợ phải coi rõ mẹ vợ”, cùng 1 đạo lý đó. Quý vị ngày nay đi mua ruộng, quý vị phải coi chất ruộng có màu mỡ không; quý vị ngày nay đi mua 1 con trâu, quý vị phải coi đuôi của nó có dài không, đây đều là kinh nghiệm quý báu. Quý vị muốn tìm người yêu, tìm 1 người nữ tốt, quý vị nhất định phải coi mẹ cô ấy có đức hạnh không. Nói thì nói như vậy, tôi chưa từng gặp người nào, họ tìm người yêu mà đi coi mẹ vợ trước. Cho nên học thì học, vẫn phải sử dụng thì mới lợi ích cho cuộc đời quý vị.

Thật vậy, nhất định chịu ảnh hưởng từ người mẹ, mọi người để ý quan sát. Người nữ không chú trọng mua 1 đống những đồ trang điểm, những đồ bảo dưỡng này, khá là coi trọng vẻ đẹp tự nhiên, tức là họ chỉ trang điểm nhẹ mà thôi, không trang điểm lòe loẹt. Tôi nghe nói dạo này có 1 chương trình, là để vợ mình tẩy trang đi, sau đó nhận diện, thì có phần nhận không ra. Cho nên làm người nữ rất vất vả, khi nào mới được đi ngủ? Nhất định phải chờ chồng ngủ trước, sau đó mới có thể tẩy trang. Thật ra giữ gìn tâm cảnh vui vẻ bình hòa thì sẽ không dễ bị già.

Tôi kể mọi người nghe 1 chuyện có thật, chị của tôi hơn tôi 2 tuổi, 42 tuổi, chị hai của tôi hơn tôi 3 tuổi, 43 tuổi, tôi đều không đi ra ngoài với họ. Tại sao? Bởi vì ra ngoài, “A, đây là em anh à”, chị tôi không bao giờ trang điểm, bây giờ đeo 1 cai ba lô vào đại học giảng dạy, chị là giảng viên, chị là giảng viên đại học sư phạm, thường bị người ta nhầm tưởng là học sinh. Mẹ tôi không chú trọng trang điểm lòe loẹt, họ đều rất thanh tú, mặc quần áo cũng chỉnh tề đơn giản là được, tuyệt đối không mua đồ xa xỉ, quần áo rất đắt cũng không có.

Dạo này không chỉ tôi không dám ra ngoài với chị tôi, vừa hay vào dịp tết, tôi ra ngoài với mẹ tôi, gặp phải 1 đồng tu Nhật Bản, 1 bạn người Nhật, anh nói: “A, đây là mẹ anh? Tôi cứ tưởng là chị anh chứ”. Cho nên đều không dám nhận. Sau khi tôi nghe xong, thứ nhất là vui, tại sao vui? Mẹ tôi nhìn rất trẻ đó là phước khí lớn nhất của tôi, sức khỏe tốt; thứ hai là buồn, tất nhiên không thể buồn, buồn khiến người nhanh già, tôi bây giờ đã già thành như chị em với mẹ tôi rồi.

Cho nên con người chú trọng sự lành mạnh tâm linh thì không dễ già, mặc quần áo gì cũng có khí chất, dễ nhìn, cái áo 20 tệ nhìn vào người ta tưởng 2000 tệ; người không có khí chất, 2000 tệ người ta nói là mua bên vỉa hè, sẽ làm quý vị tức chết.

Cho nên trưởng bối đó của tôi nói là, trước khi kết hôn cảm thấy người nữ rất dễ nuôi, sau khi kết hôn thì ngộ ra, nói là đồ ăn rất rẻ, quần áo rất đắt. Cho nên mỗi lần ra ngoài với vợ, đều là người Mân Nam, vợ ông nhìn thấy cái nhãn hiệu đó thì đứng ở đó khá lâu, ông đứng bên cạnh bắt đầu nhịp tim tăng nhanh, ở bên cạnh: “Thôi thôi, thôi thôi! Vợ ông trừng ông 1 cái: Mua thôi, mua thôi! Tôi phiên dịch 1 chút, tiếng Mân Nam “thôi thôi, thôi thôi” là đừng mua nữa, đừng mua nữa đừng có mua nữa.

Cho nên từ việc này chúng ta có 1 cảm nhận, tức là cuộc đời có 1 thái độ quan trọng, đừng đem niềm vui của mình xây dựng trên sự đau khổ của người nhà, phải có lương tâm. Con cái bây giờ xài tiền rất ghê, người vất vả nhất là cha mẹ, đó đều là đồng tiền xương máu, con người phải có lương tâm mới được. Cho nên những quan niệm này rất quan trọng, người nữ phải có đức, phải cần kiệm, phải biết giáo dục thế hệ sau. Còn chúng ta vừa mới nói, quý vị làm cha mẹ cũng phải có trí huệ sâu xa, quý vị mới có thể khiến cuộc đời con cái quý vị không bị thất bại.

Đại thần Đặng Vũ của Hán Quang Vũ Đế, ông không vì mình có địa vị và tài phú cao như vậy mà biến thành chỗ dựa cho con cái ông, mà để mỗi người bọn họ đều có khả năng mưu sinh. Cho nên con cái có 1 năng lực tốt, đời này quý vị sẽ không cần lo lắng con đường của chúng nữa; hơn nữa con cái lại hiếu học, lại chịu học, năng lực của chúng sẽ không ngừng nâng cao.

Chúng ta giáo dục con cái, người xưa có 1 câu nói là “sĩ tiên khí thức, nhi hậu văn nghệ”, trước khi có 1 sở trường, hoặc trước khi có 1 ngòi bút viết văn hay, trước tiên đức hạnh quan trọng, đức tài đầy đủ, đức vẫn phải xếp phía trước. Và đức hạnh cụ thể nhất, chữ “sĩ” này là người trí thức, 2 chữ cụ thể nhất, “khí”, độ lượng, tấm lòng phải lớn; “thức” là kiến thức, trí huệ. Có trí huệ, lại có độ lượng, lại có tâm từ bi, vậy họ sau này có thể viết văn hay hoặc có kĩ năng giỏi, nhất định là người nổi bật trong ngành nghề này.

Mọi người nghĩ thử coi, tâm lượng con trẻ bây giờ có thể suy nghĩ cho ai? Có suy nghĩ cho khu phố mà mình sống không? Có suy nghĩ cho trường học của mình không? Việc này đều phải được dẫn dắt. Có suy nghĩ cho quốc gia của mình không? Cho nên tấm lòng của cha mẹ lớn bao nhiêu, con cái họ nuôi dạy ra sẽ có tấm lòng lớn bấy nhiêu. Các em rất đơn thuần, quý vị coi mình nên thành tựu, đẽo gọt chúng ra sao.

Chúng ta nhìn từ lịch sử, Phạm Trọng Yêm “Lo trước nỗi lo thiên hạ, vui sau niềm vui thiên hạ”, trở thành vĩ nhân. Tào Tháo tâm lượng rất nhỏ, “Thà ta phụ người thiên hạ, không thể để người thiên hạ phụ ta”, ý là không thể hám 1 chút lợi của ông. Quý vị coi sau cùng khi về già, đau đầu không chịu nổi, mỗi ngày đều ở đó so đi tính lại, làm gì có chuyện không đau đầu cho được? Kết quả sau đó gặp được Hoa Đà, Hoa Đà nói có thể trị giúp ông, bắt buộc phải xẻ đầu ông ra. Kết quả ông còn đem Hoa Đà ra đánh 1 trận, Hoa Đà chết trong nhà ngục, ông tạo nghiệp này rất lớn, Hoa Đà có thể cứu bao nhiêu người. Cho nên tâm lượng nhỏ, lại không tin người, tạo rất nhiều nghiệp, quý vị coi so sánh hai nhân vật lịch sử này khác nhau rất lớn.

Kế đó “kiến thức”, thời Chu có kiến thức. Thời Chu có 1 số người lãnh đạo khai quốc có tấm lòng lớn, có kiến thức. Chu Công chế lễ tác nhạc, cho nên thời Chu là triều đại lâu nhất trong cả lịch sử Trung Quốc, hơn 800 năm, rất có kiến thức. Chu lễ của Chu Công đã ảnh hưởng tới xã hội người Trung Quốc, xã hội người Hoa mấy ngàn năm sau. Có kiến thức không? Có. Nước Tần không có kiến thức, họ dùng vũ lực, bạo lực thống nhất thiên hạ, 15 năm liền vong quốc. Cho nên “khí” và “thức” đối với nhân cách của 1 con người có ảnh hưởng rất lớn. Còn chúng ta từ câu lúc nãy, cũng có thể thấy được tiên sinh Liễu Phàm vốn dĩ muốn làm chính trị, làm chính trị cũng là mưu phước trạch cho nhân dân, đây đều là khí độ. Sau đó theo ngành y, mẹ ông cũng kì vọng ông có thể giúp người, cứu người. Mọi người coi, dẫn dắt con nhỏ đều khiến chúng biết phục vụ người khác, sau đó cống hiến cho xã hội, chứ không phải tự tư tự lợi, chỉ vì tiền lương của mình mà nghĩ tới mình mà thôi. Tiếp theo chúng ta coi câu sau có nói:

“Sau đó tại chùa Từ Vân, gặp một lão nhân, râu dài tướng tốt, tiên phong đạo cốt. Ta lễ kính ngài”.

Sau đó, tiên sinh Liễu Phàm khoảng 15 tuổi, ông tới chùa Từ Vân. Chúng ta coi chữ “từ” này là từ bi, nhân từ. Chữ “chùa” này, ý nghĩa ban đầu là chỉ đơn vị hoàng đế trực tiếp cai quản, gọi là chùa. Điều này rất nhiều người không biết, hễ nhìn thấy chùa là nghĩ tới gì? Chùa Phật. Thật ra chùa Phật, chùa Phật nói với chúng ta, giáo dục của Phật giáo vốn dĩ do ai quản? Do hoàng để trực tiếp quản. Cho nên những chùa Phật mấy trăm năm đó, đều do hoàng đế kí tên, ngự sắc, hoàng đế đích thân hạ lệnh xây dựng. Đơn vị cấp 1 hoàng đế trực tiếp quản lý gọi là chùa, ví dụ bộ ngoại giao gọi là hồng lư tự. Chúng ta từ chữ này có thể thấy rõ Phật giáo vốn dĩ là giáo dục, hơn nữa nó là sự giáo dục do hoàng đế trực tiếp nắm lấy.

Xã hội Trung Quốc, 2 nền giáo dục rất quan trọng, 1 là giáo dục Phật giáo mà hoàng đế nắm lấy, 1 là bộ giáo dục, hồi đó gọi là lễ bộ, bộ trưởng giáo dục gọi là lễ bộ thượng thư, trực tiếp nắm lấy giáo dục xã hội Nho gia, 2 nền giáo dục lớn này. Không phải tôn giáo, vào thời Thanh hoàng đế Ung Chính, mọi người có lẽ đều nghe qua, ông đã viết 1 bài văn chiêu cáo thiên hạ, nói rằng tam giáo Nho Thích Đạo là nền giáo dục tốt, đã giáo hóa nhân dân Thần châu đại địa mấy ngàn năm. “Lý cùng xuất từ 1 nguồn, đạo cùng hành nhưng không nghịch”, sự giáo dục của 3 giáo này đều là khuyên người sửa sai hướng thiện, tu dưỡng tâm tánh, đều là giáo dục.

Và “Từ Vân” này cũng là nhắc nhở chúng ta, lúc nào cũng từ bi với người. “Vân” là vô tâm, tức là không có tư lợi, không có tự tư tự lợi, làm bất kì việc gì cũng không đem theo mục đích tư dục. Và chùa Phật này chủ yếu làm 2 công việc, thứ nhất, đem kinh điển Phạn văn phiên dịch thành Trung văn; tác dụng thứ hai là nơi để giảng kinh dạy học, đây là công dụng của chùa chiền.

Giáo dục của nhà Phật xuất phát từ Ấn Độ, Thích Ca Mâu Ni Phật đản sanh ở Ấn Độ, ngài là vương tử của 1 quốc gia, kết quả sau đó phát huy rộng rãi ở đâu? Trung Quốc. Bây giờ Ấn Độ không còn Phật pháp nữa, mọi người có cảm thấy rất kì lạ không? Trước tiên tại sao Phật pháp phát triển ở Ấn Độ? Thích Ca Mâu Ni Phật tại sao thị hiện ở Ấn Độ? Bởi vì trong Phật môn, những trí giả như Phật Bồ tát, họ là chúng sinh có cảm, Phật Bồ tát liền có ứng. Mọi người có lẽ đều nghe qua Quan Thế Âm Bồ tát chứ? Ngàn nơi cầu nguyện ngàn nơi linh ứng. Ở Đài Loan có 1 vụ “thủy tai 87” hết sức nghiêm trọng, có người trong lúc nguy cấp này đã niệm Quan Thế Âm Bồ tát, Quan Thế Âm Bồ tát đã thị hiện ra cứu bọn họ, cái đó là đã cứu trong lúc nguy cấp.

Còn sự thị hiện này của Thích Ca Mâu Ni Phật, đã thị hiện 79 năm, thời gian rất dài để giảng kinh thuyết pháp cho mọi người. Bởi vì người Ấn Độ hồi đó đã nhìn thấy lục đạo luân hồi, họ tu thiền định, không đơn giản. Trong thiền định nhìn thấy có trời, có cõi súc sanh, có cõi ngạ quỷ, còn có cõi địa ngục, còn có cõi người, tu la 6 cõi như vậy. Xin hỏi mọi người, bây giờ quý vị nhìn thấy được mấy cõi? Ít nhất là cõi người và cõi súc sanh nhìn thấy được. Vậy tôi lại xin hỏi mọi người, sanh mạng, linh tánh trong cõi súc sanh gấp mấy lần người? Xin hỏi có bao nhiêu kiến trong khu rừng nguyên thủy? Mọi người thử nghĩ coi, cõi súc sanh nhiều gấp mấy lần con người không cách nào tính được, con số thiên văn. Cho nên được làm người có dễ dàng không? Quá là khó. Phải quý trọng thân người này, đầu đội trời chân đạp đất, phải nâng cao linh tánh của chính mình cho tốt, không thể đọa lạc xuống nữa. Cho nên thân người khó được, chánh pháp khó nghe, con cháu dân tộc Trung Hoa khó làm. Quý vị đều đã làm rồi, đời này phải có chí khí, thành tựu trí huệ, đạo nghiệp của bản thân, cuộc đời phải phát huy rực rỡ.

Cho nên Ấn Độ nhìn thấy lục đạo, họ lại khởi lên ý niệm này, con người nhiều sanh mạng như vậy đều ở trong lục đạo xoay chuyển trôi lăn, tất thảy đều ở trong đó chịu khổ, không ra được. Khởi lên ý niệm: Làm sao ra khỏi lục đạo? Ý niệm này chiêu cảm Đức Phật thị hiện ở Ấn Độ, đến nói với mọi người phương pháp, trí huệ xuất ly lục đạo ra sao, đã xuất hiện ở Ấn Độ như vậy. Chúng tôi có rất nhiều bạn cũng là cảm thấy cuộc đời quá khổ, sắp không sống nổi nữa, có phương pháp gì thoát khổ không? Vừa hay cơ duyên chín muồi thì gặp được giáo dục của Đức Phật. Cho nên cuộc đời rất nhiều nhân duyên đều có liên quan chiêu cảm với tâm niệm.

Vậy tại sao sau đó Phật pháp của Ấn Độ không còn nữa? Mà lại khai hoa kết trái ở Trung Quốc? Bởi vì Ấn Độ có 1 quan niệm thâm căn cố đế, tức là quan niệm giai cấp. Họ phân chia thành mấy giai cấp, không bình đẳng. Còn giáo dục của nhà Phật là nói với mọi người, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, đều là bình đẳng. Hơn nữa sự bình đẳng của thánh hiền, Phật Bồ tát làm tới mức độ nào? Tự mình thấp, tôn trọng người khác, mình thấp mà trọng người.

Tôi dùng mấy câu thành ngữ mọi người sẽ thể hội được, “Sanh Phật bất nhị”, quý vị coi, là bình đẳng, chúng sanh và Phật, họ là bình đẳng. Chúng sanh xếp ở phía trước có thấy không? Sanh Phật bất nhị. Kế đó “Oan thân bình đẳng”, quý vị có nghe qua oan thân bình đẳng chưa? Chưa phải không? Oan thân bình đẳng. Người có va chạm với quý vị đặt phía trước, quý vị coi tấm lòng bao dung đó, người thân đặt phía sau. Oan thân bình đẳng, sanh Phật bất nhị. Từ những thành ngữ này có thể nhìn thấy những chỗ tu dưỡng đó.

Bởi vì sự bất bình đẳng thâm căn cố đế của họ, sau đó lại quay về với tôn giáo truyền thống của họ, sự giáo dục của Phật giáo lại truyền ra khắp nơi trên thế giới. Nhưng truyền thừa suốt 2000 năm, không gián đoạn chỉ có Trung Quốc, bởi vì văn hóa Trung Hoa hết sức coi trọng hiếu thân tôn sư, hiếu thuận cha mẹ, tôn trọng sư trưởng. Còn nền giáo dục của nhà Phật, nó cũng là lấy cái này làm căn bản lớn, hoàn toàn tương hợp. Còn văn hóa Trung Hoa đặc biệt nhấn mạnh hiếu đạo, người Hoa hễ được chỉ rõ “Quý vị hiếu thuận cha mẹ quý vị đời này, hay là hy vọng họ đời đời kiếp kiếp đều được thoát khổ?”, các bạn, quý vị hy vọng hiếu thuận cha mẹ quý vị 1 đời này, hay là hy vọng họ đời đời kiếp kiếp thoát khổ? Tiếng nói của quý vị phải rất khẩn thiết chứ.

Tôi tin là những người học qua văn hóa Trung Hoa khi nghe tới đây, trong cả tấm lòng, tư duy của họ liền suy nghĩ rất xa. Nhất là sanh mạng không có sanh tử, thân thể này là gì? Là công cụ, là thứ để linh hồn này dùng. Khổng Tử đã nói ra rồi, “tinh khí vi vật, du hồn vi biến”, linh hồn này của ngài, thân thể hư rồi, không dùng được nữa, ngài tất nhiên phải đi đổi 1 công cụ khác, tất nhiên ngài càng đổi càng tốt. Cho nên con người hễ hiểu rõ những đạo lý này, họ hiếu thuận cha mẹ sẽ nhìn rất xa, cha mẹ họ đã qua đời, làm nhiều việc tốt lợi ích đời sau của họ, sẽ không đi giết rất nhiều sanh mạng, việc đó đều biến thành gánh nặng của cha mẹ. Điều này là nguyên nhân cả xã hội Trung Quốc, đặc biệt coi trọng giáo dục Nho gia và giáo dục Phật gia.

Kết quả ông tới chùa Từ Vân gặp 1 lão nhân, tướng mạo là “râu dài tướng tốt”. “Râu dài”, cái “râu” này là quai hàm có râu tóc, có thể là để râu rất dài. “Tướng tốt”, “tốt” là chỉ tướng mạo rất không bình thường. “Tiên phong đạo cốt”, bộ dạng rất phóng khoáng, hình như không giống người thế gian lắm, có 1 khí chất hình như không vướng sương khói nhân gian, tức là người thanh tịnh quả dục. “Ta lễ kính ngài”, ông nhìn thấy lão nhân như vậy thì hết lòng cung kính. Tiên sinh Liễu Phàm hồi đó mới khoảng 15 tuổi, ông nhìn thấy trưởng bối đều biết đối xử cung kính, cũng rất mạnh dạn, cũng không vụng về lóng ngóng. Chúng ta mấy ngàn năm nay giáo dục con trẻ, dạy chúng vững vàng, dạy chúng mạnh dạn. Con trẻ bây giờ hết sức lao xao, nói rất nhiều, thật sự có khách tới thì rụt rè nhút nhát, điều này hơi bị điên đảo rồi. Cho nên con trẻ có thể vững vàng mạnh dạn không, đều phải dạy dỗ từ những chi tiết cuộc sống này.

“Y áo chỉnh tề”, từ những chi tiết nhỏ này đã rất cẩn thận; ngôn động, nói năng có bất kì động tác nào cũng rất đoan chánh, mạnh dạn. “Ngôn động đoan trang, hiểu được 2 chữ liêm sỉ, tự nhiên có khí chất quang minh chính đại”. “Hiểu được” tức là có thể phân biệt 2 chữ liêm sỉ. “Liêm”, chúng sẽ không đi ăn, đi tham đồ gì, lấy đồ của người ta. Chúng tôi hồi còn nhỏ tới nhà trưởng bối, đều không dám hành động thô lỗ. Trưởng bối cho đồ gì, “Nè cháu, lấy cái này ăn đi”, đều phải nhìn chỗ nào trước? Nhìn mẹ 1 cái, nhìn cha 1 cái, cha gật đầu rồi mới được lấy. Nếu như “E hèm” thì không được lấy. Sau đó có tâm hổ thẹn, hành vi của mình không thể làm ô nhục cha mẹ mình. Thái độ như vậy, nhất ngôn nhất động đều hợp với quy củ, đều mạnh dạn, lại hiểu sự liêm sỉ. Các em có diện mạo phi phàm, khí chất phi phàm, sau này sẽ có tấm lòng quang minh chính đại. Đều phải từ những chi tiết sinh hoạt đối nhân xử thế này mà dạy dỗ.

Hôm nay trao đổi với mọi người tới đây trước, cảm ơn mọi người!