Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 10/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 10/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Học nghiệp, sự nghiệp, gia nghiệp chúng ta đều phải làm cho tốt để cha mẹ có thể yên lòng. Chúng ta cũng có nhắc tới nghề nghiệp thì cũng nên chọn cái mà mình thích hợp, sau đó tận tâm, tận lực phát triển, tuyệt đối không được theo đuổi mục tiêu cao xa không thực tế.

Ở vào thời nay, có rất nhiều người thường hay mong muốn giàu có nhanh chóng. Trong thiên hạ thật ra làm gì có bữa ăn nào là miễn phí. Khi có ‎ý muốn làm giàu nhanh chóng thì có một câu nói: “Dục tốc tắc bất đạt”. Thường thường khi một người thay đổi công việc, thì thật ra trong lòng anh ấy đang rất nóng lòng. Khi một người nóng lòng thì anh ấy rất khó đưa ra được sự lựa chọn chính xác. Hơn nữa khi anh ấy thay đổi công việc, rất có thể sẽ làm cho cha mẹ bắt đầu cảm thấy lo lắng.

Mặt khác, cứ mỗi lần anh ấy thay đổi công việc như vậy, chân thật sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của xã hội đối với anh ấy. Đáng lẽ đang có mối làm ăn rất tốt, đùng một cái anh ấy thay đổi. Ví dụ như mở bệnh viện, trong khi anh đang là bác sỹ có tiếng ở bệnh viện này, có rất nhiều người đến tìm anh để khám bệnh. Nhưng chúng ta hãy nghĩ xem, không phải bởi y thuật của chúng ta giỏi, mà còn vì bệnh viện có một người lãnh đạo rất giỏi, còn có Hội đồng quản trị đã tác thành cho chúng ta thì chúng ta mới có cơ hội để làm công việc này. Chúng ta cũng phải nghĩ rằng đã có một thời gian lâu dài làm việc ở cái bệnh viện này, trong khoảng thời gian này cũng có rất nhiều người tác thành cho chúng ta có được công việc ổn định. Cho nên không thể vì nghĩ rằng chúng ta rất giỏi, phải phát triển hơn nữa mà đi mở một cái bệnh viện khác đối diện ngay với bệnh viện cũ của mình, để tự mình được làm ông chủ. Làm như vậy có thể sẽ mất đi nhân hòa. Có khi chúng ta lại rủ thêm đồng nghiệp khác cùng đi mở bệnh viện. Chúng ta làm gì cũng phải làm đâu chắc đó, không được nóng vội. Hơn nữa vui vẻ khi gặp mặt thì cũng phải vui vẻ lúc chia tay. Nếu như chia tay không vui vẻ thì những oán khí này sẽ ngăn cản các vị phát triển sự nghiệp. Khi chúng ta làm đâu chắc đó, tự để cho những cơ hội này đến lúc chín muồi thì tự nhiên sẽ thành công.

Những của cải trong cuộc đời, tuyệt đối không phải các vị đi tranh cướp mà có được. Tục ngữ có câu: “Số có của thì trước sau gì cũng có, số không có thì có cầu cũng không được”. Muốn gặt được quả gì thì điều quan trọng nhất là ta trồng thứ gì? Trong bài giảng mấy ngày trước chúng ta cũng đã nhắc tới, nguyên nhân chân thật của sự giàu có là phải biết thường xuyên “bố thí”, làm nhiều việc có ích cho xã hội. Bố thí nhiều tự nhiên sẽ được giàu có. Giống như người giàu nhất Hồng Kông là Lý Gia Thành, hàng năm ông quyên hiến rất nhiều tiền. Tôi đã từng đến Sán Đầu diễn giảng. Ông là người Sán Đầu, ông quyên góp rất nhiều thiết bị công trình công cộng cho quê hương ông.

Cho nên, đối với công việc các vị cũng phải làm ăn chắc chắn, không nên theo đuổi mục tiêu cao xa không thực tế, và nhất là không được nóng vội, nếu không rất có thể sẽ ảnh hưởng đến cả những người thân ở xung quanh các vị. Các vị làm việc càng chắc chắn thì sẽ làm cho người khác càng yên tâm.

  1. SỰ TUY TIỂU, VẬT THIỆN VI. CẨU THIỆN VI, TỬ ĐẠO KHUY. VẬT TUY TIỂU, VẬT TƯ TÀNG. CẨU TƯ TÀNG, THÂN TÂM THƯƠNG.

Việc tuy nhỏ, chớ tự làm

Nếu đã làm, thiếu đạo con.

Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng

Nếu cất riêng, cha mẹ buồn.

3.1. Sự tuy tiểu, vật thiện vi. Cẩu thiện vi, tử đạo khuy (Việc tuy nhỏ, chớ tự làm. Nếu đã làm, thiếu đạo con)

Thật ra có rất nhiều việc thiện lớn đều từ việc thiện nhỏ góp lại mà nên, có rất nhiều việc ác lớn đều từ việc ác nhỏ tích lũy mà thành. Cho nên Lưu Bị đã từng khuyên con ông một câu rất quan trọng đó là: “Đừng nghĩ việc thiện nhỏ mà không làm, đừng tưởng việc ác nhỏ mà làm”. Một lời nói, một cử chỉ của trẻ nhỏ ở trong gia đình cũng không thể cẩu thả, không được tùy tiện, bởi sau này ra ngoài đời có thể sẽ phạm phải lỗi lớn. Đương nhiên khi muốn trẻ nhỏ “vật thiện vi(chớ tự làm) thì phụ huynh cũng phải “vật thiện vi(chớ tự làm) để làm gương cho con trẻ. Ví dụ như khi đang ngồi xem ti vi, cha mẹ có được để chân lên bàn không? Đây tuy là việc nhỏ nhưng sẽ làm cái gương tùy tiện cho trẻ nhỏ.

Ví dụ như khi lái xe ra ngoài, còn nhớ có một thầy giáo ở Thẩm Quyến, hôm đó anh ấy chở theo một đứa bé hơn năm tuổi. Khi lái xe và gặp đèn đỏ anh liền dừng xe lại. Đứa bé thấy thầy giáo dừng xe lại liền nói: “Thầy giáo! Thầy không phải dừng lại. Thầy cứ cho xe chạy thẳng, sau đó cho xe quay lại!”. Đứa bé học ở đâu vậy? Mẹ của đứa bé là cảnh sát. Cho nên “Sự tuy tiểu, vật thiện vi” (việc tuy nhỏ, chớ tự làm). Người thầy sau khi nghe xong cũng rất nhạy cảm, việc này nhất định phải trao đổi với phụ huynh mới được. Khi trẻ chưa xác lập được phán đoán đúng sai, chúng ta lại toàn làm ra những gương sai lầm cho trẻ học theo. Thế thì làm sao được? Người thầy này cũng rất có nghệ thuật nói chuyện. Ông đến nói chuyện với phụ huynh của đứa bé, ông nói: “Hôm nay con trai cô dạy tôi lái xe”. Mẹ của đứa bé lập tức cười, vì trong lòng đã biết là việc gì rồi.

Quý vị thân mến! Chúng ta là phụ huynh thì không thể biết sai mà cứ phạm, như vậy rất không tốt. Chúng ta cũng phải nhạy cảm với những chi tiết bé nhỏ, phải làm gương cho trẻ em noi theo. Khi chúng ta có thái độ như vậy, đảm bảo chúng ta sẽ đột nhiên cảm thấy đức hạnh, học vấn của mình ngày càng tăng trưởng.

Đối với trẻ nhỏ, có rất nhiều việc chúng ta phải nhắc nhở thường xuyên, nhất là về phương diện an toàn. Chỉ cần những hành động có thể nguy hiểm đến tính mạng thì chúng ta nhất định phải thường xuyên nhắc nhở trẻ nhỏ. Hơn nữa có lúc không chỉ là nhắc nhở một lần, mà phải nhắc nhở đi, nhắc nhở lại nhiều lần.

Phương diện nào phải nhắc nhở? Khi đi qua đường, điều thứ nhất là vì an toàn, thứ hai là phải có thái độ tuân thủ phép tắc. Cho nên chỉ cần là những vấn đề về an toàn và vấn đề tuân thủ phép tắc thì chúng ta tuyệt đối phải tuân thủ. Như trong thời gian nghỉ hè hoặc nghỉ đông thường hay xảy ra tai nạn. Trẻ nhỏ đốt pháo gây nên cháy nhà, hoặc trẻ em hẹn nhau đi bơi, khi đi lại không “xuất tất cáo, phản tất diện” (đi phải thưa, về phải trình). Bởi vậy Tổ tiên mới thường nói: “Lạc bất khả cực, lạc cực sinh bi”. Những điều này phải được dặn dò ngay khi trẻ còn nhỏ. Nếu như trẻ thường xuyên được dặn dò thì sự nhạy bén của chúng đối với vấn đề an toàn sẽ rất cao. Ví dụ như khi đang bưng nước sôi, chúng ta dặn chúng phải thật cẩn thận. Như vậy có thể tránh xảy ra tai nạn.

Ngoài việc phải chú ý sự an toàn của bản thân, chúng ta cũng phải nhắc nhở trẻ nhỏ tuyệt đối không được làm những động tác có thể gây nguy hiểm cho người khác. Khi chúng có thái độ như vậy thì chúng sẽ thường xuyên quán chiếu xem: “Lời nói, hành động của mình có gây nguy hại cho ai không?”. Tôi còn nhớ có xem một bài báo. Có một đứa trẻ do nghịch ngợm, khi bạn học đang định ngồi xuống ghế, nó liền kéo chiếc ghế ra chỗ khác. Bạn học không để ý cứ thế mà ngồi xuống, thế là bị ngã, xương sống lưng đập rất mạnh xuống đất, gây ra bại liệt cả đời. Mượn những ví dụ này chúng ta có cơ hội để giáo dục, nói cho học sinh biết: “Các em thấy không? Chỉ là một động tác nho nhỏ mà gây ra đau khổ cho người khác nhiều đến vậy! Có bao nhiêu người phải đau khổ? Các em nghĩ xem, không biết người bạn học này phải nằm ở trên giường chịu đựng, trải qua mấy chục năm? Các em, các em hãy nằm thử xem, chỉ cần nằm ba ngày thì toàn thân đã cảm thấy chịu hết nổi rồi. Không những người bạn đó đau khổ mà còn có những người khác còn đau khổ hơn. Chính là cha mẹ của người bạn đó. Nhìn thấy đứa con nuôi lớn đến mười mấy tuổi rồi nay bỗng nhiên lại biến thành như vậy, thử hỏi làm sao cha mẹ không bị dằn vặt mỗi khi nhìn thấy con? Cho nên đây cũng là vết thương cả đời đối với cha mẹ. Không chỉ có cha mẹ của đứa bé quan tâm đến nó, mà tất cả những người thân yêu quý nó cũng đều rất đau lòng. Cho nên các bạn nhỏ yêu quý! Các em luôn phải ghi nhớ: Chỉ một hành động nho nhỏ cũng có thể gây đau khổ cho biết bao nhiêu người. Các em tuyệt đối không được làm những việc như vậy!”. Cho nên, “Sự tuy tiểu, vật thiện vi” (Việc tuy nhỏ, chớ tự làm), đây là vấn đề về phương diện an toàn.

Về phương diện phép tắc, chúng ta cũng phải yêu cầu trẻ nhỏ tuân thủ phép tắc, “sự tuy tiểu, vật thiện vi” (việc tuy nhỏ, chớ tự làm). Ví dụ như không được vứt rác bừa bãi. Vứt rác xem ra giống như là một việc nhỏ, nhưng khi vứt rác đã thành thói quen thì nó không những làm mất mặt người trong gia đình có khi còn làm mất mặt cả quốc gia. Tôi đã từng nghe nói khi leo núi, nếu như không biết đường để leo núi, thì cứ phải leo theo những nơi có rác. Xem ra rất tiện lợi. Nhưng chúng ta hãy nghĩ sâu xa xem, đó là sự đáng thương của hành vi con người, không những không có lòng xấu hổ lại còn không biết bảo vệ môi trường thiên nhiên. Người của mấy ngàn năm trước có như vậy không? Có hay không? Người của mấy ngàn năm trước học theo giáo huấn của Thánh Hiền: “Trời là cha, đất là mẹ”, phải yêu quý mảnh đất đã nuôi dưỡng chúng ta. Cho nên, cho dù là việc nhỏ như vứt rác, chúng ta cũng không thể tùy tiện.

Ở trên mạng đã từng đăng ba bản tin tức. Thứ nhất, Trân Châu cảng của nước Mỹ, trên thùng rác ở Trân Châu cảng có ghi một hàng chữ Trung Quốc, trong khi Trân Châu cảng dùng tiếng Anh. Trên thùng rác ghi là: “Xin vứt rác vào đây!”. Họ viết cho ai xem?

Thứ hai, Hoàng Cung Thái Lan cũng là trọng điểm du lịch có tính chất quốc tế. Trong nhà vệ sinh ở đây có ghi hàng chữ: “Khi vệ sinh xong xin hãy xả nước!”, cũng ghi bằng chữ Trung Quốc. Viết cho ai xem? Viết cho người Trung Quốc xem.

Thánh Mẫu Viện ở Pa-ri cũng có ghi một hàng chữ Trung Quốc: “Xin đừng nói to, làm ồn!”. Những việc này đều là việc nhỏ: Một là nói chuyện, một là xả nước nhà vệ sinh và một là vứt rác. Ba chuyện nhỏ đã trở thành một chuyện lớn. Chuyện lớn gì vậy? Bộ mặt của người Trung Quốc đã bị những việc nhỏ này làm mất mặt với cả thế giới. Khi tôi kể chuyện này cho các em nhỏ, các em bảo: “Thầy ơi, lau nó đi là xong”. Tôi hỏi: “Lau như thế nào?”. Một người làm sai, người khác nhắc nhở, ta lại đi bịt miệng người đó lại thì người ta có còn nói nữa không? Mình bịt được miệng một người, nhưng không thể bịt được miệng của tất cả mọi người. Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ, không được làm Tổ quốc của mình bị mất mặt. Chúng ta phải bắt đầu từ chính bản thân mình, không được vứt rác bừa bãi, phải bảo vệ vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ an ninh nơi công cộng.

Các vị đã đến Hoàng Cung Thái Lan chưa? Ồ! Các vị đều có phước báo như vậy, đều đã đến! Các vị đã đến Pa-ri của nước Pháp chưa? Tôi tin rằng đại đa số chúng ta chưa từng đến. Có thể người đến đó đều là những người như thế nào? Du học sinh, người rất giàu có, địa vị xã hội không kém cỏi. Có bao giờ chúng ta thấy nông dân ở thôn quê đến Thánh Mẫu Viện ở nước Pháp không? Rất ít. Cho nên người có cơ hội đến nước Pháp đều là những người có địa vị xã hội, có học thức cao. Thế mà ngay đến những hành vi như nề nếp, cuộc sống thường ngày họ cũng làm không tốt.

Điều này cho thấy học lực không đại diện cho giáo dưỡng, học lực không biểu hiện cách học làm người. Mà điều quan trọng nhất của giáo dục là phải dạy một người có thái độ đúng đắn để làm người, làm việc. Cho nên, nếu trong nhà trường mà không có biện pháp dạy những điều này, thì quan trọng hơn là sự giáo dục ở gia đình phải có nền tảng vững chắc mới phải. Thực ra thầy giáo ở trường cũng đều tận tâm, tận lực dạy bảo. Nhưng bởi một mình thầy phải dạy mấy chục học sinh nên thật không dễ dàng gì. Chỉ có phụ huynh rất tích cực kết hợp với thầy giáo thì hành vi, cuộc sống của trẻ mới có thể dễ dàng đi vào quỹ đạo.

Cho nên trong phương diện an toàn, phương diện giữ phép tắc đều phải cẩn trọng ghi nhớ: “Sự tuy tiểu, vật thiện vi” (Việc tuy nhỏ, chớ tự làm). Nếu như đã làm những việc “cẩu thiện vi, tử đạo khuy” (nếu đã làm, thiếu đạo con) thì đối với chức trách, trách nhiệm của con cháu Diêm Hoàng chúng ta đã bị thất trách rồi. Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt sợ bị người khác mắng: “Hành vi này của anh thật không có gia giáo!”. Thường khi nghe câu “thật không có gia giáo”, cho dù là tôi đang làm gì cũng sẽ lập tức trở nên bớt phóng túng, bởi vì sợ hành vi của mình sẽ làm cho cha mẹ bị xấu hổ lây. “Thân hữu thương, di thân ưu. Đức hữu thương, di thân tu” (Thân bị thương, cha mẹ lo. Đức tổn thương, cha mẹ tủi). Cho nên có lòng biết hổ thẹn là điều rất quan trọng đối với một người.

************

3.2. Vật tuy tiểu, vật tư tàng. Cẩu tư tàng, thân tâm thương (Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng. Nếu cất riêng, cha mẹ buồn)

Trẻ chưa biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái, có lúc chỉ là tiện tay trộm đồ vì thấy nó hay hay. Cho nên làm cha mẹ xác thực là khi dưỡng dục con cái thì phải để tâm nhiều.  Khi bọn trẻ có hành vi không tốt sẽ biểu hiện trên gương mặt. Chúng sẽ có tật giật mình. Có một bà mẹ khi thấy biểu hiện trên gương mặt con hôm nay khi đi học về có vẻ khác thường, bà liền mở cặp sách của đứa bé, kết quả đã phát hiện trong cặp có mấy quả táo. Thật kỳ lạ! Sao lại có mấy trái táo? Bà lập tức hỏi con. Đương nhiên đứa bé lúc đó không biết trả lời làm sao, nó rất căng thẳng, cứ ấp a, ấp úng mãi. Cuối cùng nó cũng chịu khai ra là khi cùng với mấy bạn học đi ngang qua hàng hoa quả liền tiện tay lấy. Thực ra không phải là nó muốn ăn, chỉ là thấy các bạn học nhao vào như bầy ong, cái không khí đó làm cho nó cảm thấy hay hay nên bắt chước.

Bà mẹ này không nói câu thứ hai, lập tức dẫn đứa bé đến hàng bán hoa quả. Khi đến thì đầu tiên là bà cúi chào ông chủ quán, sau đó xin lỗi ông. Ông chủ quán còn đang bận, cũng không biết là đã xảy ra việc gì. Bà liền nói: “Con tôi lấy mấy quả táo của ông“. Ông chủ quán cảm thấy không vấn đề gì. Bà mẹ liền lấy tiền trả cho ông, sau đó bắt đứa con xin lỗi ông. Khi lần đầu nó phạm sai lầm mà chúng ta có thể ngăn cấm kịp thời, thì suốt đời nó sẽ ghi nhớ và sẽ không phạm sai lầm nữa. Khi nó nhìn thấy mẹ cúi đầu xin lỗi người ta, thật ra trong lòng nó sẽ cảm thấy hổ thẹn. Cho nên, bà mẹ lấy bản thân làm gương đã làm thức tỉnh lòng xấu hổ, lòng hổ thẹn của đứa con. Trẻ em không phải là không có sai lầm. Nhưng khi nó làm sai mà chúng ta dạy bảo đúng lúc thì ngược lại sẽ là một cơ hội giáo dục rất tốt.

Còn có một bà mẹ dẫn con đi dạo trong cửa hàng sách. Trong lúc đi dạo, thấy có rất nhiều quyển bút ký có đính kèm một chiếc chìa khóa nho nhỏ, đứa con của bà liền lấy chiếc chìa khóa. Sau khi đi ra, bà mẹ phát hiện con mình lấy chiếc chìa khóa của người ta thì liền quay lại trả cho cô thu ngân. Cô thu ngân nói: “Có lấy lại cũng không biết để ở chỗ nào, thôi tặng cho chị vậy!“. Lúc đó bà mẹ cũng không để ý, thế là mang về. Sau đó khi đứa con đi học, bà bất chợt phát hiện con mình hay tiện tay lấy những món đồ nho nhỏ của các bạn học đem về nhà. Cho nên, khi trẻ chưa biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái, chúng làm những việc sai lầm thì người lớn chúng ta phải kịp thời chấn chỉnh lại, nếu không có thể sau này chúng sẽ thành thói quen. Trẻ em năm, sáu tuổi cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn. Nếu được cẩn thận dạy bảo, tin rằng chúng sẽ có nền tảng để hiểu được những điều xấu tốt, đúng sai.

Cho nên những bà mẹ thời xưa đều ghi nhớ là phải giáo huấn con cái: “Nhất qua nhất quả chi phất tham”, tức là một trái dưa, một trái cây cũng không được tham, “nhất ti nhất hào chi bất cẩu”, tuyệt đối không để cho trẻ em có hành vi thói quen tham những lợi nhỏ. Tục ngữ có câu: “Khi nhỏ ăn trộm cây kim, đến khi lớn lên có khi ăn trộm vàng“. Cho nên phải dạy dỗ con cái “vật tuy tiểu, vật tư tàng” (vật tuy nhỏ, chớ cất riêng). Không được lấy đồ của người khác, bởi về lâu dài thì sự ảnh hưởng sẽ rất sâu rộng. Một đứa trẻ khi đã có lòng tham, nếu nó muốn có món đồ gì thì sẽ không từ thủ đoạn nào để ăn trộm, ăn cướp.

Cho nên dạy dỗ trẻ nhỏ không tham lam là dạy dỗ chúng sau này có lòng liêm khiết. Sự liêm khiết rất là quan trọng. Người đời xưa thường nói “cử hiếu liêm”. Tại sao lại phải dùng “hiếu” và “liêm” để nhận định một con người có thể phục vụ cho quốc gia hay không, có thể làm quan hay không? Chúng ta hãy xem câu “Hiếu, đức chi bản”. “Hiếu” là căn bản của đạo làm người. “Liêm” là căn bản đạo đức khi làm việc. Có lòng liêm khiết thì khi làm việc người ta mới không mưu toan tư lợi cho riêng mình, mới chí công vô tư làm tốt công việc. Cho nên, căn bản của đạo làm người, làm việc là “hiếu” với “liêm”. Chính trị của một quốc gia có tốt hay không phải dựa vào liêm khiết hay không liêm khiết. Cho nên, “liêm” là căn bản của chính trị. Ví dụ hôm nay chúng ta thấy người chấp chính không liêm khiết thì cuộc sống của nhân dân nước này sẽ rất khổ sở.

Xã hội hiện nay có rất nhiều hiện tượng, chúng ta hãy quay đầu nghĩ lại xem căn bản đầu tiên là vấn đề giáo dục. Bởi vì giáo dục đã bị lơ là mất một thời gian, bây giờ chúng ta có đi oán trách cũng vô dụng. Cho nên phải bắt đầu từ chính chúng ta, bắt đầu từ mỗi phụ huynh, từ mỗi một vị thầy giáo dạy dỗ con trẻ không được tham lam, nuôi dưỡng lòng liêm khiết của chúng. Như vậy sau mấy chục năm nữa xã hội chúng ta mới có thể càng ngày càng tốt lên. Mấy mươi năm sau xã hội càng ngày càng liêm khiết, con cái càng ngày càng biết hiếu kính cha mẹ, hiếu kính trưởng bối. Khi ấy con cháu chúng ta mới  có tiền đồ đáng kể. Cho nên công sức bỏ ra của mỗi vị phụ huynh và thầy giáo ngày hôm nay tuyệt đối sẽ không phí công vô ích.

Vật tư tàng” (chớ cất riêng), ý thứ nhất ở đây muốn nói là không tham lam. Thứ hai là có những lúc tuy là đồ của mình nhưng cũng không nên chỉ biết một mình mình dùng, một mình mình hưởng thụ mà phải biết chia sẻ với người khác. Sau nữa là bồi dưỡng thái độ khẳng khái của trẻ nhỏ. Nếu không khi trẻ thích món gì thì chỉ muốn một mình mình ăn, thế là lòng dạ nó càng ngày càng hẹp hòi, ích kỷ. Còn nhớ, có mấy đứa nhỏ học cùng với nhau và ở cùng với nhau. Có một bà mẹ của một đứa trẻ trong số đó mang mấy hộp sữa tươi cho con mình, mang đến đưa cho đứa con. Người mẹ dẫn vào trong phòng rồi nói với đứa con: “Cái này là để con uống. Đừng cho những bạn học khác nhìn thấy!”.

Khi con bà uống những hộp sữa này thì lén lút, vụng trộm. Những thứ bổ dưỡng như vậy thì phải cho con uống, nhưng đối với nhân cách của nó sẽ ảnh hưởng ra sao? Tôi tin rằng đứa bé khi uống mấy hộp sữa đó cũng không được vui sướng. Vậy thì trạng thái hấp thụ cũng không được tốt, bởi vì phải che che giấu giấu.

Người thầy của chúng rất cẩn thận, khi quan sát biết được vấn đề này, tối hôm đó liền nói với đứa bé: “Em có nhiều sữa như vậy, một mình hưởng thụ không bằng cho mọi người cùng hưởng thụ, có món ngon phải biết chia sẻ với bạn bè. Em có đồng ý mang ra cho mọi người cùng uống không?”. Kết quả là đứa bé rất đơn thuần, nó nói: “Vâng!”. Thế là nó mang sữa ra đổ chung vào một cái bình. Các bạn đồng học khác đều rất vui vì đứa bé mời mọi người cùng uống sữa. Sau đó mỗi một người chỉ rót có một chút. Ở đây lại nảy sinh ra một cảnh tượng rất tế nhị. Khi một người bằng lòng chia sẻ một thứ gì đó thì sẽ làm thức tỉnh lòng rộng lượng của rất nhiều người và mọi người cũng sẽ nghĩ cho người khác. Cho nên khi đứa bé này rót sữa nhiều quá thì những bạn nhỏ khác liền nói: “Đủ rồi! Đủ rồi! Còn phải để cho các bạn khác!”. Khi mọi người đã rót xong sữa thì cùng uống với nhau.

Cho còn hạnh phúc hơn nhận, bởi vì khi uống sữa xong các bạn đều nói lời cảm ơn với đứa bé. Cho nên đứa bé rất vui sướng. Đêm đó đứa bé viết nhật ký, đứa bé nhắc đến việc hôm nay mời mọi người uống sữa, cảm thấy ly sữa đó đặc biệt thơm, đặc biệt ngon. Khi mẹ đứa bé mở nhật ký của đứa bé ra xem, thấy con mình khẳng khái như vậy, và thấy con mình nhận ra rằng mời người khác là một việc rất vui sướng, thì người mẹ đột nhiên cảm thấy dường như mình đã làm một chuyện không thích đáng. “Tài tán tắc nhân tụ” , con người phải khẳng khái thì mới có được nhân hòa, thì cuộc sống và sự nghiệp mới phát triển được. Sự khẳng khái của chúng ta, chúng ta không tham lam cũng là một tấm gương tốt để cho trẻ em noi theo.

Vào thời xưa có một người tên là Dương Chấn. Dương Chấn sống vào thời nhà Hán. Ông làm quan rất thanh liêm, hơn nữa còn thường xuyên tiến cử những nhân tài để cùng phục vụ cho đất nước. Khi làm Thái Thú ở Đông Lai, ông có tiến cử một người học trò tên là Vương Mật làm một chức quan là Xương ấp lệnh. Người này rất lấy làm biết ơn, cho nên một tối nọ đã mang một số vàng đến tặng ông. Dương Chấn nhìn thấy Vương Mật mang vàng đến tặng thì liền nói: “Ta hiểu anh như vậy mới tiến cử anh ra làm quan. Thế sao anh lại không hiểu ta, còn mang vàng đến tặng?”. Kết quả Vương Mật nói với ông: “Không sao đâu ạ! Đó chỉ là tấm lòng của tôi. Tuyệt đối là không có ai biết!”. Dương Chấn nói: “Sao lại không có ai biết? Trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết”. Cho nên ở đâu mới biết phẩm đức của một con người? Ở nơi không có người nhìn thấy thì sẽ thấy được bản chất của một con người. Vương Mật nghe xong cảm thấy rất hổ thẹn liền ra về.

Bởi Dương Chấn rất đỗi thanh liêm cho nên tấm gương của ông đã truyền lại cho con cháu ông. Con ông là Bỉnh, cháu ông là Tứ, chắt của ông là Bưu đều làm quan, làm đến chức Tam công, đều là quan lớn của triều đình. Tuy không tham số vàng này nhưng ông đã tích được công đức to lớn và phước phận. Cho nên: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, ngoài sự hồi hướng của phước báo ra thì quan trọng hơn là tấm gương đạo đức. Cho nên, chúng ta cũng cần phải làm gương tốt cho trẻ em, và hướng dẫn trẻ em cũng phải quý trọng của công, không được lấy của công làm của riêng mình. Đây cũng là một điểm rất quan trọng.

Tôi đã từng gặp rất nhiều người thành công, họ đều nói rằng khi xưa cha mẹ họ làm công chức, nếu không phải là việc của công ty thì tuyệt đối không bao giờ sử dụng xe của công ty để đi. Thậm chí điện thoại công để ở nhà cũng không lấy để dùng vào việc riêng, rất là liêm khiết. Cho nên họ để lại cho con cái ấn tượng sâu sắc.

Tôi thường hỏi học sinh: “Ghế trong trường của các em là do ai mua? Của công trong trường là ai mua?”. Bọn trẻ rất đơn thuần, chúng nói: Thầy Hiệu trưởng mua”. Tiếp đó tôi lại hỏi: “Thế thầy Hiệu trưởng lấy tiền ở đâu?”. “Tiền của thầy Hiệu trưởng đương nhiên từ….” suy nghĩ của bọn trẻ không nhanh nhạy như vậy. Tôi lại hỏi: “Tiền của Hiệu trưởng có từ đâu?”. Bọn trẻ nói: “Do chính phủ cấp”. “Thế tiền của chính phủ từ đâu mà có?”. “Từ những người nộp thuế mà có”. Tôi hỏi tiếp: “Có bao nhiêu người nộp thuế?”. Đứa trẻ người Đại Lục nói: “Một tỷ ba”. Tôi nói: “Không có nhiều như vậy!”. Tôi lại hỏi: “Các em có phải nộp thuế không?”. Bọn trẻ nói là không. Sau đó tôi nói: “Ít nhất là có mấy trăm triệu người phải nộp thuế. Cho nên của công trong trường như cái ghế này, thậm chí là tất cả các đồ vật, có bao nhiêu người là chủ của nó? Mấy trăm triệu người là chủ của nó. Cho nên khi ta lấy trộm món đồ này là ta đã nợ mấy trăm triệu người. Sau này dù có làm trâu, làm ngựa ta cũng trả không nổi”. Chúng ta phải hướng dẫn cho bọn trẻ mọi đồ vật đều có chủ, tuyệt đối không vì ý thích của mình mà lấy nó. Cho nên gọi là “Vật tuy tiểu, vật tư tàng. Cẩu tư tàng, thân tâm thương” (Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng. Nếu cất riêng, cha mẹ buồn).

CHƯƠNG THỨ NHẤT

NHẬP TẮC HIẾU (Ở nhà phải hiếu)

  1. THÂN SỞ HIẾU, LỰC VI CỤ. THÂN SỞ Ố, CẨN VI KHỨ. THÂN HỮU THƯƠNG, DI THÂN ƯU. ĐỨC HỮU THƯƠNG, DI THÂN TU. THÂN ÁI NGÃ, HIẾU HÀ NAN. THÂN TĂNG NGÃ, HIẾU PHƯƠNG HIỀN.

Cha mẹ thích, dốc lòng làm

Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ.

Thân bị thương,  cha mẹ lo

Đức tổn thương, cha mẹ tủi.

Cha mẹ thương, hiếu đâu khó

Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt.

************

4.1. Thân sở hiếu, lực vi cụ (Cha mẹ thích, dốc lòng làm)

Hy vọng của cha mẹ đối với chúng ta, ví dụ như mong thành tích học tập của chúng ta được tốt, mong bài tập của chúng ta được tốt, chúng ta phải tận tâm, tận lực để hoàn thành điều mong muốn của cha mẹ. Nhưng chúng ta hãy suy xét một chút: Cha mẹ thời nay thật ra “mong muốn” cái gì? Nếu như mong muốn của cha mẹ là hiếu danh, hiếu lợi, như vậy sẽ có ảnh hưởng gì đối với con cái? Có thể con cái cũng sẽ hiếu danh, hiếu lợi. Khi bọn trẻ hình thành thái độ như vậy, thì đối với cả cuộc đời của chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Cho nên sở hiếu của cha mẹ cũng phải có giá trị nhân sinh quan đúng đắn.

Vào thời xưa, Sở Vương rất thích những người con gái eo nhỏ. Kết quả là trong cung có rất nhiều cô gái bị chết đói. Người dưới quyền thường hay phụ họa theo sở hiếu của người trên, kéo theo cả một nếp sống sai lầm. Nếp sống một nhà sai lầm thì nhà sẽ sụp đổ. Vua của một nước lôi kéo nếp sống sai lầm thì nước sẽ sụp đổ. Cho nên gọi là: “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân. Nhất gia nhượng, nhất quốc hưng nhượng. Nhất nhân tham lệ, nhất quốc tác loạn“. Nếu như vua một nước tham lam tiền tài, kết cục có thể sẽ phát sinh xung đột với nhân dân.

Ngày xưa Trụ Vương sủng ái Đát Kỷ. Vào thời của Trụ Vương có hiền thần phò tá không? Có! Đương thời có rất nhiều hiền thần, đều rất có học vấn, trong đó có một vị gọi là Cơ Tử. Vị Cơ Tử nhìn thấy một sự việc thì ông liền biết được triều nhà Thương không giữ được nữa. Ông mới nhìn có một sự việc mà đã biết trước được sự việc về sau. Cho nên người học sách Thánh Hiền thời xưa đều có thể thấy mầm biết cây, nhìn thấy một số việc nhỏ là có thể liên tưởng đến sau này sẽ có những ảnh hưởng không tốt gì. Bởi ông nhìn thấy Trụ Vương tặng Đát Kỷ một đôi đũa làm bằng ngà voi. Tại sao Cơ Tử nhìn thấy đôi đũa ngà voi thì biết rằng nhà Thương sẽ bị diệt vong? Chúng ta sẽ nói: “Sự việc liệu có nghiêm trọng đến thế không?”. Vậy chúng ta hãy suy luận kỹ càng xem: Khi Đát Kỷ cầm đôi đũa ngà voi, vậy xin hỏi: Đát Kỷ sẽ dùng ly rượu gì? Có lẽ là ly ngọc tê giác. Tương xứng với ly ngọc tê giác, xin hỏi: Phải dùng khay làm bằng gì? Có lẽ là khay làm bằng vàng, bằng bạc. Khay làm bằng vàng, bằng bạc có phải là để đựng rau xanh, đậu phụ không? Có hay không? Mà phải đựng thứ gì? Đựng sơn hào hải vị. Đựng sơn hào hải vị, vậy chúng ta có thể mặc áo phông để ăn sơn hào hải vị không? Mà phải mặc thứ gì? Lụa là gấm vóc. Phải mặc lụa là gấm vóc để ăn sơn hào hải vị. Vậy có thể ở nhà gỗ chật hẹp không? Phải ở cung điện lộng lẫy. Những thứ này đều cần phải có tiền. Vậy tiền từ đâu ra? Không ngừng bóc lột nhân dân, bóc lột mồ hôi nước mắt của nhân dân. Cuối cùng thì nhân dân sẽ đứng dậy đối kháng với vua Trụ. Cho nên cái đó gọi là: “Một người tham ác thì một nước sẽ loạn”. Các vị coi, các bậc Thánh Hiền thời xưa đích thực là rất có trí tuệ. Họ biết cách kéo tơ bóc kén, có thể nhìn thấu được những ảnh hưởng không tốt về sau.

Sau đó triều nhà Thương bị Chu Võ Vương lật đổ. Những vị Quân vương của quân khởi nghĩa ngày xưa trên thực tế đều rất nhân hậu. Khi ông ấy tiêu diệt triều Thương, ông không tiêu diệt con dân triều nhà Thương và không tiêu diệt con cháu Trụ Vương. Ông đều vạch đất chia cho một vùng để con cháu đời sau của họ tiếp tục sinh sống ở đó. Bởi vì điều chú trọng của các vị Quân vương thời xưa là tấm lòng yêu thương thiên hạ, phải dùng nhân đức đi chinh phục lòng người, đánh trận chỉ là việc bất đắc dĩ. Triều nhà Chu có tấm lòng như vậy cho nên rất nhanh chóng nhận được sự quy thuận của người trong thiên hạ.

Cho nên khi sở hiếu của người làm cha mẹ là danh và lợi, như vậy cũng sẽ có ảnh hưởng rất không tốt đến một gia đình. Người thế gian thường nói mục tiêu của nhân sinh là tìm cầu phú quý. Vậy thực ra phú quý là gì vậy? Cái gì là giàu có? Một người bận rộn cả đời vì muốn được hưởng phú quý. Rốt cuộc anh ấy có hưởng được phú quý đích thực không? Cuộc sống của người thời nay đều bị gây hiểu lầm. Chúng ta hãy xem những quyển sách có mặt trên thị trường. Cái gì được gọi là thành công? Có rất nhiều sách dạy cách làm thế nào để trong cuộc đời lần đầu tiên kiếm được năm triệu, lần đầu tiên kiếm được mười triệu, những quyển sách này bán rất chạy. Còn sách dạy làm thế nào để quan hệ vợ chồng trở nên tốt hơn, giáo dục con cái tốt hơn thì không bán chạy bằng. Cho nên sự chuyên chú của con người cũng đều ở nơi đồng tiền. Hình như họ có cảm giác khi có tiền thì cuộc sống sẽ tốt đẹp. Thật không ngờ một khi mở lòng dục vọng thì không nhìn thấy đáy. Cho nên mới nói dục vọng là vực thẳm.

Có rất nhiều người cảm thấy rằng có tiền thì được gọi là giàu có. Thực ra khi càng có tiền thì lại lo sợ tiền bị ít đi. Càng có tiền khi nhìn thấy người khác có nhiều tiền hơn mình thì lại cảm thấy mình rất nghèo. Ví dụ nhìn thấy người khác có năm mươi triệu mà mình chỉ có mười triệu, thế là anh ấy cảm thấy mình rất nghèo. Đợi đến khi đã có năm mươi triệu, lại thấy người khác có một trăm triệu, anh ấy vẫn có cảm giác mình rất nghèo. Cho nên người như thế này có giàu có không? Không! Bởi vậy ý nghĩa chân chính của sự giàu có là: “Tri túc giả phú(biết thỏa mãn với cái hiện có thì sẽ luôn vui vẻ). Khi anh ấy không biết thỏa mãn thì cho dù có nhiều tiền hơn nữa anh ấy vẫn cảm thấy rất nghèo túng.

Tôi đã từng tiếp xúc với những nhà kinh doanh. Họ nói nếu như những nhà kinh doanh không được nghe giáo huấn của Thánh Hiền thì cuộc đời này của họ thật là nghèo đến nỗi chỉ có mỗi tiền mà thôi. Khi cuộc sống có tiền mà không có trí tuệ thì tiền sẽ là tai họa. Khi có tiền, bên ngoài lại có rất nhiều cám dỗ, có khi họ cũng bởi vì tiền mà bắt đầu chà đạp cuộc sống của chính mình. Bởi vậy đã từng có nghiên cứu điều tra, những nhà kinh doanh lớn thường có mấy kiểu kết cục như sau:

Tình huống thứ nhất: Lao tâm, lao lực

Hàng ngày làm việc chăm chỉ, làm việc quá tám tiếng đồng hồ, thậm chí vượt quá mười tiếng đồng hồ, nhưng đến tuổi trung niên phát giác mình bị bệnh ung thư, bị bệnh nặng. Chăm chỉ vất vả mười mấy, hai mươi năm trời cuối cùng không mang theo được thứ gì, đó gọi là lao tâm, lao lực. Anh ấy nằm trong bệnh viện trong lòng thật không vui: “Đống của cải này của ta không biết sẽ rơi vào tay người đàn ông nào?”. Bởi vì vợ anh ấy còn trẻ, anh ấy nghĩ: “Mình vất vả cả nửa cuộc đời để kiếm tiền, đến cuối cùng cũng không tiêu được!”. Trong lòng anh ấy sẽ đấm ngực, giậm chân! Cái kết cuộc này thật không tốt đẹp! Nhưng thời nay có rất nhiều người đi theo con đường này.

Cho nên tôi thường nói, nhân sinh là ba chữ: “bận rộn”, “đui mù”, “mù mịt”. Chữ thứ nhất là “bận rộn”. Trong chữ “bận rộn”, bên trái là chữ “tâm”, bên phải là chữ “vong”. Đây là biểu hiện cái tâm “chết”! Họ không thể cảm nhận được cha mẹ, vợ con bên cạnh cần gì. Ngày nào họ cũng rất là bận rộn, bận rộn nhiều quá sẽ tiến vào giai đoạn thứ hai là mắt không nhìn thấy gì. Cho nên họ quên hết bổn phận của mình, chỉ biết có mỗi một việc kiếm tiền. Đợi đến khi trung niên thì họ cảm thấy thật kỳ lạ: “Tại sao vợ không thèm nói chuyện với mình, con cái cũng không giao lưu với mình? Mình dốc hết sức lực cũng là vì họ mà! Tại sao cuối cùng lại có kết cục như vậy?”. Và rồi anh ấy cảm thấy cuộc đời mù mịt. “Cuối cùng mình đã làm  gì vậy?”. Đây được gọi là “bận rộn”, “đui mù”, “mù mịt”.

Có rất nhiều phụ huynh bận đến nỗi ngay cả con mình học lớp mấy cũng không biết. Thành Long có một hôm đi đón con trong lòng rất vui do hôm đó anh được rảnh, không phải đóng phim. Anh đến trường chờ con ra, đợi mãi nửa ngày vẫn không thấy con ra. Đột nhiên anh gặp ngay thầy giáo của con mình, người thầy nói: “Con anh đã lên cấp 2 rồi, anh còn đến trường cấp 1 đợi làm gì?”.

Cho nên chúng ta cần hồi tưởng lại: Mục đích chân chính của sự nỗ lực trong cuộc đời là ở đâu? Không phải là trò chơi tiền bạc. Đó không phải là mục đích chân chính ban đầu của chúng ta. Mục đích chân chính ban đầu là gì? Không phải là muốn có một cuộc sống tốt cho gia đình hay sao! Cho nên chúng ta phải ghi nhớ kỹ mục tiêu của mình, không nên đi được nửa đường thì không biết phương hướng nữa. Nhưng vấn đề này kỳ thực là không đơn giản, bởi vì xã hội hiện nay có rất nhiều hiện tượng so sánh khập khiễng. Quần áo của người ta đắt hơn đồ mình mặc, xe người ta xịn hơn xe của mình thì tâm ta bị ảnh hưởng. Cho nên đừng đi vào con đường “bận rộn” “đui mù”, “mù mịt”. Đây là tình huống đầu tiên.

Tình huống thứ hai: Tiếng xiềng xích gông cùm

Trong quá trình kiếm tiền, các nhà doanh nghiệp thường có lúc bí quá hóa liều, nên họ vi phạm luật pháp nhà nước. Tôi còn nhớ hồi đó khi đi máy bay từ Bắc Kinh về nhà, trên máy bay tôi có gặp người giàu nhất nước Nga. Người này tuổi vẫn còn trẻ, trông chỉ khoảng hơn bốn mươi tuổi mà thôi, nhưng bây giờ lại biến thành phạm nhân và phải ngồi tù. Bởi vậy con người tuyệt đối không được tham lam, phải thật thà để kinh doanh buôn bán. Khi làm ăn trung thực thì tin rằng sẽ có sự hồi báo tốt đẹp. Và đương nhiên sau này cũng đừng để con cái chúng ta phải bí quá hóa liều, quan trọng hơn là phải dạy chúng từ khi còn nhỏ rằng: “Vật tuy tiểu, vật tư tàng” (Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng), dạy chúng liêm khiết có quy củ, đó mới là căn bản.

Tình huống thứ ba: Hại đến sức khỏe

Nhà doanh nghiệp cũng kiếm được chút ít tiền, nhưng lại hại đến sức khỏe của mình, thường xuyên phải đi tiếp đãi khách nên sức khỏe kém đi. Khi một người đến tuổi trung niên mà không có sức khỏe thì anh ấy có hưởng được phúc hay không? Có khi cả nửa đời còn lại anh ấy phải làm bạn với thuốc men. Như vậy cũng không phải là một cuộc sống tốt đẹp.

Tình huống cuối cùng: Hình mẫu tốt đẹp

Nhà doanh nghiệp so ra thành công nhất là nhà doanh nghiệp có thể quan tâm đến cả sự nghiệp lẫn gia đình. Đây mới là hình mẫu tốt đẹp nhất. Tôi có một vị trưởng bối, ông họ Lô. Chúng tôi đều gọi là chú Lô. Trong giới doanh nghiệp ông cũng tương đối thành công. Ông đã từng có thời gian làm Tổng Giám Đốc công ty YAMAHA, công nhân có đến tám mươi ngàn người, là một nhà doanh nghiệp tương đối thành công. Nhưng ông làm việc rất có quy tắc. Ông nói, chỉ cần là trưa Chủ nhật thì ông nhất định phải ăn cơm với vợ con. Khi ông kiên trì làm như vậy thì khiến cho vợ con cảm nhận được sự ấm áp: “Cha của ta, chồng của ta rất là quan tâm gia đình”. Sức ngưng tụ của gia đình đó đặc biệt tốt. Tất cả tiệc tùng vào ngày hôm đó ông đều từ chối. Thực ra khi chúng ta nhận thấy gia đình là quan trọng, tự nhiên chúng ta sẽ tích cực đi thực hiện. Sự thành bại của mọi sự việc đều do nỗ lực của con người quyết định, tuyệt đối không thể viện cớ người ở trong xã hội có nhiều việc không thể làm chủ chính mình được. Chỉ cần ta kiên trì thực hiện thì những người bạn của chúng ta sẽ điều chỉnh theo nguyên tắc của chúng ta.

HẾT TẬP 10. XIN XEM TIẾP TẬP 11!