Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 7/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 7/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Tôi liền cảm thấy không khí là lạ nên ngồi xuống mà cứ như ngồi trên ổ kiến lửa vậy. Anh vội đến trước mặt tôi rồi nói: “Cả đời này tôi chỉ tôn thờ bố mẹ, chỉ tôn thờ thầy giáo”. Tôi thấy sự việc khác thường nên vội vàng đứng dậy. Kỳ thực là do năm ngày giáo huấn Thánh Hiền đã làm cho anh vô cùng cảm động, chứ chúng ta cũng không có công lao gì, cho nên không thể nhận đại lễ của anh được. Kết quả là người đàn ông 40 tuổi khỏe mạnh cứ túm lấy đôi tay bé nhỏ của tôi, làm cho tôi không biết phải làm sao nữa. Thấy anh có thành ý như vậy, lòng tôi cũng bình tĩnh trở lại và để cho anh được toại nguyện tấm lòng cung kính của anh.

Chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm trên vai của chúng tôi rất nặng nề. Hi vọng thông qua những bài giảng, chúng tôi có thể làm cho càng nhiều người hiểu được rằng cổ Thánh tiên Hiền phi thường vĩ đại. Các Thánh nhân nhất định muốn chúng ta thông qua những giáo huấn của các Ngài để làm cho thế kỷ 21 trong tương lai có thể đạt được gia đình yên vui, xã hội bình an.

Cho dù hiện nay bạn đã 40 hay 50 tuổi, cho dù con cái của bạn đã hai mươi mấy tuổi đi nữa bạn cũng không nên lo lắng điều gì, vì lòng thành thì sắt đá cũng phải mở lòng. Chúng ta chỉ tự hỏi mình rằng liệu đạo đức, học vấn của chúng ta có đầy đủ hay không, chứ chúng ta tuyệt đối không sợ người khác không thay đổi.

Tại sao trẻ em lại lười biếng?

Chúng ta lại xem xét vấn đề khác: Tại sao trẻ em lại lười biếng? Nguyên nhân ở đâu? Tôi thấy hiện giờ các vị cũng biết phân tích sự việc rồi. Sự lười biếng của trẻ em không phải là khi lớn lên chúng mới có thói quen đó. Cho nên nói: “Thiếu thành nhược thiên tính, tập quán thành tự nhiên”. Giáo dục tại sao lại phải từ lúc càng sớm càng tốt? Bởi vì khi đã thành thói quen thì rất khó sửa. Tôi còn nhớ đứa cháu trai gọi tôi bằng cậu. Lúc còn nhỏ, khi nó nhìn thấy mẹ nó lau bàn được một nửa thì lại có việc khác phải đi giải quyết ngay. Thế là nó liền chạy tới cầm khăn lau lên và bắt chước lau bàn. Một lúc sau chị gái tôi về. Gặp tình huống như vậy các vị sẽ xử lý ra sao? Chị gái tôi liền đến bên con trai và nói: “Vỹ Vỹ! Con vẫn bé thế này mà đã biết hiếu thảo với ba mẹ, còn biết giúp mẹ lau bàn, thật là ngoan!”. Thế là thằng bé càng lau càng thấy hứng thú. Cho nên trẻ em cần sự cổ vũ, tán thán của chúng ta mới có thể kích thích tiềm năng của chúng. Đợi thằng bé lau xong mẹ nó lại nói với nó rằng: “Tiểu Vỹ! Khi lau bàn nếu như con chú ý lau xung quanh bốn góc cũng sạch sẽ, thì công việc lau bàn của con đã hoàn thành mỹ mãn không chê vào đâu được!”. Động tác này của người mẹ một là để khẳng định lòng hiếu thảo của cậu bé, hai là dạy cho cậu biết cách làm việc. Cho nên người cháu của tôi rất thích sạch sẽ, mới ba, bốn tuổi đã tự gấp chăn màn, nhìn là thấy trắng tinh, sạch sẽ. Bởi vậy hướng dẫn thái độ sống cho trẻ em ngay từ nhỏ là rất quan trọng.

Nếu như lúc đó người mẹ lại bực mình chạy lại mắng: “Này! Con làm gì vậy? Mau tránh ra chỗ khác, không được nghịch ngợm ở đây”. Bạn chỉ cần làm thế hai, ba lần thì đứa bé có còn qua lau bàn nữa không? Đáp án là: Không. Cho nên làm cha mẹ phải nắm lấy cơ hội để giáo dục con cái, nếu không sẽ mất đi nhiều cơ hội tốt. Đến khi chúng không biết giúp bạn làm việc nhà nữa, lúc đó bạn có tức giận cũng vô ích mà thôi.

Có rất nhiều phụ huynh nói: “Con chỉ cần học cho tốt, những việc khác không cần quan tâm”. Như vậy có tốt không? Bạn xem, đứa bé chỉ biết có học, các việc khác đều không biết làm, đối với đứa nhỏ mà nói nó có tự tin vào năng lực làm việc của nó không? Đáp án là: Không. Nó càng không tự tin thì càng không dám đi làm, càng không đi làm thì liệu nó có ý thức trách nhiệm không? Đáp án là: Không.

Cho nên đây là quan hệ liên đới, chúng ta phải suy nghĩ chín chắn. Trẻ em cần phải hoạt động nhiều thì rất có ích đối với gân cốt của chúng. Trong quá trình làm việc, trẻ em sẽ cảm nhận được rằng mẹ chăm lo việc nhà thật không dễ chút nào, mình mới lau có phòng khách mà đã mệt lử rồi. Thế mà mẹ vừa phải đi làm, về nhà lại phải nấu cơm, còn phải làm bao nhiêu là việc khác nữa. Đứa trẻ vừa lau nhà mà trong lòng cảm thấy biết ơn. Cho nên tục ngữ nói: “Tập Lao”, những gì trẻ nhỏ thật sự bỏ ra, thật sự đi làm thì mới có lòng biết ơn, mới hiểu sự vất vả của người làm. Cho nên không thể để cho trẻ em không lao động, tuyệt đối không để chúng có thói quen lười biếng.

Chúng ta hãy xem quy luật của cuộc sống: Tại sao trẻ em sống mà không có quy luật? Tôi đã từng hỏi học sinh của tôi như thế này: “Hôm nay em nào không ăn sáng thì giơ tay?”. Có rất nhiều em, khoảng hơn một nửa lớp không ăn sáng. Tiếp đó tôi lại hỏi: “Có phải tại mẹ các em không nấu bữa sáng?”. Chúng nói: “Mẹ em còn đang ngủ”. Bữa sáng của chúng là mấy đồng tiền để trên bàn, bên trên có tờ giấy viết hai chữ: “Bữa sáng”. Phụ huynh chỉ biết đưa tiền. Xin hỏi những phụ huynh chỉ biết đưa tiền có bao giờ đi tìm hiểu xem mấy đồng tiền đó có chuyển thành bữa sáng hay không? Có hay không? Đáp án là: Không. Các vị làm sao mà biết được vậy? Chuyển thành cái gì ư? Nó sẽ chuyển thành đồ chơi điện tử, chuyển thành đồ ăn vặt có rất nhiều phẩm màu. Nếu như trẻ em ăn những thứ đó quanh năm suốt tháng thì tuyệt đối sẽ có hại cho cơ thể. Còn rất nhiều đứa thì đi chơi điện tử mà không ăn sáng.

Tại sao tôi lại biết được vậy? Bởi chúng ta là thầy cô giáo thì phải quan tâm đến trẻ, quan tâm đến học sinh. Tôi phát hiện ra điều này bởi vì tôi dạy lớp 6. Lớp 6 là lứa tuổi đang lớn, đặc biệt là mau đói, đến khoảng 10 giờ sáng thì bụng đã sôi ùng ục. Cho nên trong ngăn kéo của tôi lúc nào cũng để bánh quy. Chúng rất thích bánh quy của tôi, vậy là những đứa trẻ sẽ đến chỗ tôi. Có rất nhiều trường hợp mới hơn chín giờ hoặc mười giờ, bởi vì bụng chúng đói cho nên bạn có thể thấy gương mặt chúng tái mét. Tôi tìm hiểu thêm thì biết được mấy đồng tiền đó không biến thành bữa sáng mà được mang đi tiêu vặt. Cho nên chúng ta làm cha mẹ thì phải để cho con cái có quy luật, tự mình phải làm gương, phải cho chúng ăn ba bữa bình thường. Chúng ta cũng phải bớt chút thời gian công sức, vì chút thời gian công sức này của bạn sẽ ảnh hưởng cả cuộc đời của chúng. Cho dù là đối với cơ thể của chúng hay là tấm gương thì đối với chúng cũng đều rất quan trọng.

Bạn có tin rằng những thói quen xấu này chỉ cần có một chữ “thiện” là có thể giải quyết được hết. Chữ “thiện” đó là thiện gì? “Bách thiện hiếu vi tiên”. Các vị nghiên cứu sâu vào lời giáo huấn của cổ Thánh, tiên Hiền đối với câu nói này thì các vị hiểu được càng sâu sắc thêm. Câu nói này có hai ý nghĩa:

– Ý thứ nhất là: Chữ “hiếu” đứng đầu trong trăm cái thiện.

– Ý thứ hai là: Có được lòng “hiếu” thì tự nhiên có được trăm cái thiện khác.

Chúng ta thử xem, một người có lòng hiếu thảo thì có ích kỷ không? Không ích kỷ! Một người có lòng hiếu thảo có cãi lại không? “Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn. Phụ mẫu mệnh, hành vật lãn” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng). Đừng  xem thường “Đệ Tử Quy”, chỉ cần một câu: “Nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) là đã giải quyết được vấn đề.

Khi bọn trẻ biết được rằng: “Thân hữu thương, di thân ưu(Thân bị thương,  cha mẹ lo), tức là mình làm tổn thương đến thân thể của mình thì cha mẹ sẽ rất lo lắng. Vậy chúng sẽ không sống cuộc sống buông thả. Chúng sẽ không sống vô trách nhiệm. “Đức hữu thương, di thân tu(Đức tổn thương, cha mẹ tủi), tức là đức hạnh của chúng bị tổn thương thì cha mẹ sẽ cảm thấy xấu hổ. Chúng sẽ rất là chăm chỉ bởi vì “thân sở hảo, lực vi cụ” (cha mẹ thích, dốc lòng làm) tức là những điều cha mẹ mong muốn thì ta phải thực hiện bằng được để hy vọng cha mẹ được vui vẻ, được an ủi.

Cho nên khi đã có lòng hiếu thảo, ngoài việc phải hiếu kính với cha mẹ ra, đối với anh em thì chúng ta phải thân ái. Bởi nếu anh em xung đột thì chính cha mẹ sẽ đau khổ. Cho nên “Huynh đạo hữu, đệ đạo cung. Huynh đệ mục, hiếu tại trung” (Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó). Chúng ta có thể hiểu được rằng, một người chân thật có lòng hiếu thảo thì đối với cha mẹ của người khác anh ấy cũng có lòng kính trọng. Phát triển rộng ra, lòng hiếu thảo này, lòng kính trọng này của anh ấy là đối với tất cả các bậc trưởng bối. Vậy thì anh ấy sẽ không đi ức hiếp con cái của người khác. Bởi vì anh ấy hiểu được rằng con cái của người khác bị tổn thương thì cha mẹ họ sẽ là người đau khổ nhất. Sự đồng cảm này của anh ấy sẽ tự nhiên phát triển. Cho nên điểm xuất phát lòng nhân từ của một ngư­ời là từ cái điểm này, từ câu nói hiếu đạo “Phụ tử hữu thân” mà mở rộng ra. Cho nên học “nhập tắc hiếu(ở nhà phải hiếu) là điều đặc biệt quan trọng. Vậy thì chúng ta tiến vào chương “Nhập tắc hiếu”.

Muốn dạy con hiếu thảo, đầu tiên chúng ta phải giảng cho trẻ hiểu thế nào là “hiếu”. Cái gọi là biết ơn mới biết đư­ợc đi báo ơn. Chúng ta sẽ hư­ớng dẫn trẻ nhỏ nghĩ đến ơn đức của cha mẹ. Lúc bắt đầu chúng ta hãy kể: Hai, ba ngàn năm về trước có một vị thánh gọi là Phật Đà. Có một hôm Ngài dẫn đệ tử đi ra ngoại ô và nhìn thấy một đống xương khô. Phật Đà đem xương khô chia thành hai đống, một đống màu sắc trắng trẻo và một đống màu sắc xám đen. Đệ tử của Ngài rất hiếu học, họ đều biết rằng: “Tâm hữu nghi, tùy trát ký. Tựu nhân vấn, cầu xác nghĩa” (Tâm có nghi, thì chép lại. Học hỏi người, mong chính xác), biết đ­ược học là phải hỏi mới là học vấn, phải biết đi tìm hiểu. Tiếp đó Phật Đà giảng để họ hiểu rằng tại sao hai đống xương khô này một đống có màu trắng còn đống kia lại có màu xám đen. Đống xương khô xám đen là của nữ giới. Xương khô của nữ giới sao lại xám đen hơn vậy? Bởi khi làm mẹ phải mang thai 10 tháng, trong quá trình mang thai 10 tháng này, những dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho con đều từ trong huyết dịch của ngư­ời mẹ mà truyền sang. Khi chất canxi của con không đủ thì phải lấy từ xư­ơng tủy của người mẹ ra. Cho nên mang thai 10 tháng rất là vất vả.

Chúng tôi cũng từng bày một trò chơi cho bọn trẻ. Chúng tôi bảo chúng mang một quả trứng gà đến sau đó để trong người. Đây là trò chơi: “Bảo vệ trứng trong một ngày”. Chúng tôi nói với chúng rằng: “Hôm nay các em hãy cảm nhận cảm giác bảo vệ một quả trứng, xem các em trong một ngày có thể bảo vệ được hay không”. Kết quả là bọn trẻ rất cẩn thận, nhưng qua một, hai tiếng đồng hồ thì quên mất nhiệm vụ. Thế là có rất nhiều tiếng kêu: “Á!”. Đến cuối tiết học, còn lại rất ít trứng không bị vỡ. Người thầy liền nói với bọn trẻ: “Các em thấy không? Các em chỉ mới có một ngày mà không làm nổi. Nếu nh­ư mẹ của các em cũng giống các em bây giờ, hàng ngày đều chạy nhảy thì chắc khi sinh ra các em không bị sưng bên này cũng bị sứt xát bên kia. Các em xem, trong 10 tháng mẹ đã rất cẩn thận bảo vệ các em như thế nào, hơn nữa trọng lượng cơ thể của các em ngày càng nặng hơn. Trong khi mang thai,  người mẹ thường có phản ứng sinh lý, sẽ buồn nôn, không ăn được cơm. Dẫu không ăn được nhưng mẹ vẫn miễn cư­ỡng bắt mình ăn. Các em à! Tại sao mẹ không muốn ăn mà vẫn cứ phải ăn? Tại sao? Bởi vì mẹ muốn có dinh dư­ỡng để truyền sang cho các em. Cho nên dù vất vả, khổ sở thế nào mẹ vẫn cứ miễn cưỡng ép mình ăn. Vậy thì bây giờ các em có được biếng ăn không? Các em thấy đó, mẹ đã vì mình mà phải ăn thức ăn thì chúng ta cũng phải báo đáp mẹ, không đư­ợc biếng ăn chứ, cần phải ăn chứ. Những thứ dinh dưỡng thì cần phải ăn để cơ thể được khỏe mạnh, để cho mẹ được an lòng”. Chúng ta hướng dẫn như­ vậy thì bọn trẻ mới cảm thấy chính bản thân chúng cũng cảm nhận đư­ợc.

Mang thai 10 tháng cơ thể rất nặng, đi đứng không dễ dàng. Chúng tôi cũng để cho bọn trẻ mang quả bóng rổ trên ngư­ời, để chúng có cảm nhận, bởi vì có rất nhiều thứ phải tự mình thử mới có đ­ược cảm nhận. Tiếp đó tôi lại hư­ớng dẫn học sinh, tôi nói: “Thầy đã tìm hiểu và được biết trong phòng sản khoa có hai cột sắt, to như­ vậy này. Cột sắt to như vậy mà cũng bị cong. Các em! Sức mạnh nào làm cho cột sắt bị cong?”. Bọn trẻ nói: “Đó là sức mạnh của sự đau đớn”. “Bởi khi sắp sinh con, người mẹ rất đau, đau quá nên túm lấy cái cột. Lâu ngày hai cái cột bị sức mạnh đó kéo cong đi. Cái đau khi sinh con còn đau hơn khi bị bệnh ung thư­. Tại sao rất nhiều người bị bệnh ung thư­ lại tự sát? Bởi đau quá nên họ chịu không nổi. Thế mà mẹ phải chịu sự đau đớn còn đau hơn cả bệnh ung thư­. Khi người mẹ sinh ra đứa con thì câu đầu tiên, ý nghĩ đầu tiên của mẹ là gì? Là đứa con có khỏe mạnh không? Mẹ yêu các em đến nỗi có thể hoàn toàn quên hết đau đớn. Ơn đức nh­ư vậy chúng ta phải ghi nhớ trong lòng suốt cả đời này. Tiếp theo đó cha mẹ phải nuôi nấng, giáo dục, như­ vậy lại càng vất vả hơn.

Có một chị bạn tôi đã nói khi ch­ưa sinh con ra thì rất muốn nhanh chóng sinh nó ra, nhưng sau khi sinh xong lại muốn chưa sinh. Quả thật công lao dưỡng dục còn lớn hơn cả công lao sinh thành. Bởi vì có biết bao đêm cha mẹ phải thức cùng với con. Nếu như­ đứa trẻ buổi đêm không ngủ thì cha mẹ phải trực luân phiên, phải thi tiếp sức. Tôi cũng đã từng trải qua. Khi cháu tôi không ngủ, tôi cũng từng phải trông, nhưng bế được khoảng 20 phút thì chịu không nổi, tay như rã rời ra. Tôi vừa bế đứa cháu vừa nói với nó: “Sau này cháu mà bất hiếu với cha mẹ thì cậu là ngư­ời đầu tiên sẽ trách phạt cháu”. Bởi vì có biết bao đêm đều do mẹ đã vất vả ru nó ngủ, cùng nó trải qua đêm dài. Có biết bao nhiêu lần ốm đau đều do cha mẹ giữa đêm hôm khuya khoắt đư­a con đi khám bệnh. Biết bao nhiêu ngày cha mẹ phải lo bữa ăn tiếp theo của nó sẽ ra sao. Những áp lực của cuộc sống nh­ư vậy, trọng trách giáo dục như­ vậy đều nằm trên vai của người làm cha mẹ. Cho nên Đức Phật đã dạy các đệ tử của mình: “Ân đức của cha mẹ cả đời này chúng ta cũng không thể báo đáp nổi”. Chúng ta phải làm sao để tận tâm, tận lực làm người con hiếu đạo.

Chúng tôi nói với bọn trẻ sự vất vả của cha mẹ. Trong quá trình này, có những đứa trẻ cũng biết cảm động đến rơi lệ. Chúng tôi tiếp thêm một bước nói với bọn trẻ sự vất vả, khó nhọc của cha mẹ đã làm chúng ta cảm động đến rơi lệ. “Vậy sau khi rơi lệ chúng ta phải làm sao? Các em thật sự biết ơn cha mẹ thì phải làm những việc hiếu thảo. Khi các em có thể thực hành được một câu trong “Đệ Tử Quy” thì các em cũng có chút lòng hiếu thảo rồi. Và khi các em thực hiện được hết cả cuốn “Đệ Tử Quy” thì lòng hiếu thảo của các em đã thật viên mãn”. Khi bọn trẻ đã có lòng biết ơn, chúng ta nên tiến thêm một bước là hướng dẫn chúng đi báo ơn. Bắt đầu từ đâu để thực hiện đạo hiếu? Chúng ta hãy xem đoạn văn sau của “Đệ Tử Quy”.

  1. PHỤ MẪU HÔ, ỨNG VẬT HOÃN. PHỤ MẪU MẠNG, HÀNH VẬT LÃN. PHỤ MẪU GIÁO, TU KÍNH THÍNH. PHỤ MẪU TRÁCH, TU THUẬN THỪA.

Cha mẹ gọi, trả lời ngay

Cha mẹ bảo, chớ làm biếng.

Cha mẹ dạy, phải kính nghe

Cha mẹ trách, phải thừa nhận.

************

1.1. Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn (Cha mẹ gọi, trả lời ngay)

Đây là nói đến thái độ nói chuyện của con trẻ đối với cha mẹ rất là quan trọng. Thực ra từ cử chỉ, lời nói có thể nhìn thấy đạo đức, học vấn của một con ngư­ời.  Cho nên thái độ con cái nói chuyện với cha mẹ, đối với trẻ em sẽ có ảnh hưởng rất sâu sắc, những gì chúng hình thành đ­ược là lòng hiếu thảo, lòng tôn kính, vậy thì học vấn của chúng đã có đư­ợc nền tảng vững chắc. Khi chúng không có được lòng hiếu thảo, lòng kính trọng này thì trong lòng chúng sẽ có thể là ngạo mạn, có thể không kính trọng, như­ vậy rất có thể hủy hoại đạo đức, sự nghiệp cả đời của chúng. Tôi nói như­ vậy không ngoa chút nào.

Nếu một ngư­ời muốn cống hiến cho xã hội, cho Quốc gia, trước tiên thì phải làm sao? Trong “Đại Học” có nói đến một câu: “Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc. Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm”. Cho nên đứa trẻ phải có lòng thành, lòng ngay thẳng thì nó mới có thể tu thân, tề gia. Nuôi d­ưỡng lòng hiếu thảo, lòng kính trọng của trẻ là làm cho lòng chúng đư­ợc ngay thẳng.

Thế nào gọi là lòng thành, lòng ngay thẳng? Phải “cách vật trí tri”. “Cách vật” là loại trừ lòng ham muốn vật chất của trẻ, loại bỏ thói quen xấu của chúng như­ là bực mình, ngạo mạn, và những thói quen xấu khác. Từ nhỏ đã phải loại bỏ những thói quen xấu này thì đ­ược gọi là “cách vật trí tri”. Vậy thì trẻ mới có thể có lòng thành tâm, thành ý. Cho nên học vấn to lớn cũng là sinh ra từ những chi tiết bé nhỏ.

Chúng ta hãy đi xem xét trẻ em thời hiện đại. Ví nh­ư bạn gọi nó: “Tiểu Minh!”. Nó sẽ trả lời ra sao? Đáp án tiêu chuẩn là: Nếu nh­ư lúc này có một đứa trẻ, bạn gọi nó, nó liền chạy lại nói: “Dạ thưa chú! Chú có việc gì ạ?”. Đối với đứa trẻ này mà nói, bạn sẽ cảm thấy khâm phục: “Thời đại này mà vẫn còn có những đứa trẻ lễ phép như vậy!”. Cho nên trẻ em cần được giáo dục. Tôi nói, trẻ em từ nhỏ, chúng ta đã phải dạy cho chúng lễ phép. Thấy người lớn, trẻ nhỏ phải chào hỏi. Có rất nhiều phụ huynh nói: “Chào hỏi ư? Chỉ cần nó cười với anh là tốt lắm rồi, còn chào hỏi cái gì!”. Thái độ như vậy đối với con trẻ có đúng hay không? Bạn hãy xem, hiện nay chúng ta đã đem tiêu chuẩn giáo dục trẻ em giảm thấp đi, sẽ tạo thành kết quả như thế nào? Đời sau sẽ càng không bằng đời trước. Bạn xem, kết quả không phải đã bày ra trước mắt đó sao?

Bởi vậy tiêu chuẩn để giáo dục trẻ em không thể vì thời đại mà thay đổi. Bạn phải nắm lấy nguyên tắc thì trẻ em mới học được trình độ như vậy. Chúng ta phải hướng dẫn trẻ, khi cha mẹ gọi thì mau chóng chạy lại hỏi: “Ba mẹ! Có chuyện gì ạ?”. Nhưng là cha mẹ thì đương nhiên chúng ta phải làm gương cho con trẻ xem. Khi cha mẹ của chúng ta gọi chúng ta, chúng ta cũng phải cung cung kính kính để diễn cho con trẻ xem. Cho dù hiện tại chúng ta chưa làm được thì cũng phải cố gắng tập để thói quen thành tự nhiên. Khi chúng ta có những thái độ như vậy thì bầu không khí hiếu thảo, cung kính sẽ được lan tỏa, hình thành nếp sống trong nhà bạn.

Ngoài lòng cung kính “Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay) đối với cha mẹ ra, chúng ta còn phải cung kính đối với huynh trưởng. Chúng ta cũng phải: “Huynh trưởng hô, ứng vật hoãn” (Huynh trưởng gọi, trả lời ngay). Còn nữa không? “Trưởng bối hô, ứng vật hoãn” (Trưởng bối gọi, trả lời ngay), “Cấp trên hô, ứng vật hoãn” (Cấp trên gọi, trả lời ngay). Ví dụ sáng mai bạn đi làm, cấp trên của bạn gọi bạn, bạn liền chạy lại hỏi: “Thưa giám đốc! Có việc gì không ạ?”. Giám đốc của bạn sẽ nói: “Hôm nay anh có bị bệnh không đấy?”. Nhưng không sao! Bắt đầu thay đổi từ bản thân chúng ta thì cả thế giới sẽ thay đổi, đừng xem thường sức mạnh của bản thân.

Cho nên học tập thì phải: “Nhất cử phản tam thiên”, cần phải từ nội tâm của chúng ta. Cho nên mới nói: “Tâm hành nhất như”, tâm là căn bản, cho nên hành vi là từ tâm của bạn xuất phát ra. Khi nội tâm một người thật sự cung kính thì anh ấy đối với tất cả mọi người đều cung kính. Cho nên thiên thứ nhất của “Lễ Ký” là “Khúc Lễ” mở đầu có nói: “Khúc Lễ Nhật, Vô Bất Kính”. Đối với tất cả mọi người, mọi sự việc, mọi sự vật ta đều phải kính cẩn. Một người cung kính đối với cha mẹ, đối với anh em, người lớn tuổi hơn mình thì đối với những việc cha mẹ dặn dò anh ấy sẽ tận tâm, tận lực. Khi anh ấy kính trọng người khác thì đối với sự việc anh ấy cũng sẽ kính cẩn. Khi anh ấy cung kính với cha mẹ, thì những thức ăn cha mẹ phải vất vả kiếm tiền để mua về anh ấy có lãng phí không? Tất nhiên là không rồi! Khi trẻ em biết cung kính đối với người khác, thì đối với sự việc, sự vật tự nhiên cũng có lòng cung kính. Lòng cung kính là rất cần thiết.

Vậy thì đối với trẻ em chúng ta có cần: “Nhi tử hô, ứng vật hoãn” (Con cái gọi, liền lại ngay không chậm trễ) không? Bạn đừng có nói rằng: “Thầy Thái nói là phải cung kính với tất cả mọi người”. Hôm nay về nhà, con bạn gọi bạn thì bạn liền chạy lại hỏi: “Con à! Có việc gì không con?”. Như thế là bạn hiểu sai rồi. Chúng ta là phụ huynh, con chúng ta là hàng sinh sau, chúng ta phải để cho chúng cung kính với chúng ta, là ta đang thành toàn lòng cung kính của chúng. Cho nên phải là như vầy, nếu như con bạn gọi: “Bố ơi! Bố qua đây!” thì bạn có chạy qua không? Không nên, mà bạn phải nói: “Tại sao con không lại đây?”. Sau khi nó lại chỗ bạn thì bạn nói với nó: “Nào! Bố con mình cùng học Đệ Tử Quy”. Bạn cũng đừng mắng mỏ con. Không nên, bạn phải từ từ hướng dẫn, cùng học với con. Từ những câu chuyện Thánh Hiền này tự nhiên nó sẽ sinh lòng noi theo. Cho nên đối diện với những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta cũng phải biết vận dụng học vấn như thế nào cho linh hoạt.

Có một cô giáo, một hôm con cô gõ cửa, mẹ chồng cô (tức là bà nội đứa bé) liền chạy lại, có lẽ là giục đứa bé ăn cơm. Như­ng đứa bé lập tức đáp lại: “Bà đừng có phiền phức nữa!”. Vậy phải làm sao đây? Bạn có thấy đứa bé không cung kính với bà không? Cho nên giáo dục thì rất quan trọng, phải thận trọng ngay từ buổi ban đầu. Nếu như­ bạn phát hiện ra thì phải đi xử lý ngay, nếu không, đợi khi thành thói quen thì rất khó sửa.  Cô giáo này cũng rất nhạy bén, lập tức mở cửa và nói với con trai: “Xin lỗi bà ngay!”. Cô lập tức chấn chỉnh lời nói ngạo mạn, bất kính của đứa trẻ. Đứa bé ngang b­ướng không xin lỗi, không muốn xin lỗi. Thế là mẹ chồng cô liền nói: “Thời tiết nóng nực như­ vậy, thôi không xin lỗi gì cả”. Lúc này phải làm sao đây? Sự việc này đúng là đang thử trí tuệ của bậc làm cha mẹ.

Cuối cùng khi thấy đứa bé không nói lời xin lỗi, mẹ nó liền nói với mẹ chồng: “Mẹ! Không dạy dỗ con cái ngoan ngoãn là lỗi của con, con xin lỗi mẹ”. Ngư­ời mẹ vừa nói xong thì đứa bé òa khóc. Khóc là biểu hiện cho sự xấu hổ. Lúc này ngư­ời mẹ mới nói với đứa con: “Con xem, con đối xử bất kính với bà như­ vậy mà bà vẫn nghĩ cho con, sợ con nóng nực. Con có thấy trong lòng của bà lúc nào cũng nghĩ cho con không?”. Khi ngư­ời con dâu nói đỡ lời cho bà mẹ chồng, ng­ười mẹ chồng này rất cảm động và sau đó liền đi ra chỗ khác. Cho nên quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng từ sự kiện này mà phát triển tốt hơn, bởi vì ngư­ời mẹ chồng cảm thấy con dâu hiểu đ­ược lòng mình.

Sau đó mẹ đứa bé bảo nó đến tối phải viết nhật ký để tự kiểm điểm lại mình. Kết quả là buổi tối hôm đó đứa bé viết nhật ký, nói rằng nó có hai bản ngã. Một cái bản ngã thì lương thiện, một cái không lương thiện. Cái lư­ơng thiện đang giằng co với cái không lương thiện. Tuổi nhỏ nh­ư vậy mà đã có sự đấu tranh to lớn như­ thế, sau này lớn lên thì sự đấu tranh còn to lớn đến đâu? Nh­ưng nếu như­ lòng hiếu đã có căn bản từ nhỏ thì nhân sinh của nó sẽ không còn mâu thuẫn như­ vậy nữa. Nhân sinh của nó sẽ không bởi vì bất kính, không bởi vì xấu tính mà làm ra những sự việc phải hối hận về sau. Cho nên khi bọn trẻ phạm lỗi, chúng ta là cha mẹ thì cũng cần phải nhạy bén, nhanh chóng xử lý ngay. Câu giáo huấn của chúng ta như sau:

  • Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay), tức là phải kính trọng;
  • “Phụ mẫu mệnh, hành vật lãn” (Cha mẹ bảo, chớ làm biếng), cũng là phải kính trọng;
  • Phụ mẫu giáo, tu kính thính” (Cha mẹ dạy, phải kính nghe);
  • Phụ mẫu trách, tu thuận thừa” (Cha mẹ trách, phải thừa nhận), đều là lòng kính trọng đối với cha mẹ

Thực ra khi một người hiểu sâu xa về ơn đức của cha mẹ thì trong lòng anh ấy tự nhiên ôn hòa, mềm mại, tự nhiên kính trọng. Còn nhớ khi chị gái tôi lấy chồng, một mình tôi là con trai, cho nên tôi phải đi mở cửa cho anh rể tôi. Cả quá trình đám cưới có rất nhiều nghi lễ, thực ra những nghi lễ cưới hỏi này đều có ý nghĩa của nó. Trong đó có một nghi lễ làm tôi có một ấn tượng rất sâu đậm, đó là sau khi anh rể tôi chào cha mẹ vợ để đưa chị gái tôi đi, tôi đứng bên cạnh xem. Khi anh rể và chị gái tôi quỳ xuống lạy thì mắt cha tôi ngấn lệ, giọt nước mắt của cha vừa rơi ra thì lập tức tôi cũng rơi lệ. Trong khoảnh khắc đó tôi đã cảm nhận được tấm lòng của một người cha. Cha đã nuôi nấng chăm sóc con gái hơn hai mươi năm trời, không biết phải vất vả bao nhiêu, phải làm biết bao nhiêu việc để mong cho con được trưởng thành, học hành tử tế, có nơi chốn tử tế để trao thân gửi phận. Cho nên giọt nước mắt của cha khi ấy biểu hiện đã có một chút an ủi, cuối cùng hôm nay cũng tìm được cho con gái nơi chốn tử tế để gửi gắm. Đó là giọt nước mắt được an ủi, giọt nước mắt cảm động.

Sự quan tâm, vất vả của cha mẹ đối với con cái có phải là khi gả con xong là thôi không còn phải lo lắng nữa không? Không phải, mà đó là sự yêu thương cho suốt cả cuộc đời. Cho nên nói: “Mẫu hoạt nhất bách tuế, thường ưu bát thập nhi”, cho dù người mẹ có sống đến một trăm tuổi thì đứa con tám mươi tuổi trong mắt bà vẫn là đứa trẻ nhỏ của bà. Khi trong lòng tôi cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc của người làm cha thì tôi tự hứa với lòng mình: “Ơn đức của cha mẹ cả đời cũng không báo đáp hết được. Tuyệt đối không được nói với cha mẹ những câu nói ngỗ ngược, nói những lời bất kính!”. Bởi có nhận thức như vậy, tự nhiên nhìn thấy người cha của mình thì cảm thấy sinh lòng kính trọng, trong lòng sinh ra hoan hỷ. Cho nên điều này rất là quan trọng! Trong lòng chúng ta phải thường xuyên nhớ đến ân đức của cha mẹ, thì tự nhiên hành vi, lời nói cung kính của chúng ta sẽ biểu hiện ra ngoài: “Thành ư trung, hình ư ngoại” (trong lòng thành kính sẽ biểu hiện ra ngoài). .

*****************

1.2. Phụ mẫu lệnh, hành vật lãn (Cha mẹ bảo, chớ làm biếng)

Chúng ta nhận lời làm gì cho cha mẹ thì không được lười biếng, nhận lời là phải làm ngay. Như vậy chúng ta yêu cầu bọn trẻ thì rất hữu dụng. “Không phải con bảo là đi tắm hay sao? Đi tắm ngay đi! Cha mẹ bảo, chớ làm biếng!”. Khi bạn và bọn trẻ cùng có chung tiếng nói, chúng ta cùng tuân thủ lời giáo huấn của đức Khổng Tử. Khi bọn trẻ cùng có chung tiếng nói với bạn thì bạn rất dễ nói chuyện với chúng.

Vậy chúng ta cũng nên suy xét lại: Chúng ta trưởng thành như thế này rồi, vậy khi cha mẹ sai bảo, việc mà cha mẹ nhờ ta làm chúng ta có “hành vật lãn” (làm ngay không lười biếng) hay không. Đối với người thân quyến thuộc, những việc đã nhận làm rồi mà lại dễ dàng trốn tránh không làm là những việc gì? Việc của ai? Đó là việc của cha mẹ thân nhất của mình, thậm chí là việc của người vợ, người chồng thân thương nhất của mình. Người thân nhất của chúng ta đều là người có ân đức nhất, quan trọng nhất trong đời sống nhân sinh của chúng ta, nhưng chúng ta lại dễ dàng thất tín với họ. Nguyên nhân do đâu? Bởi nếu thất hứa với khách hàng chúng ta sẽ không kiếm được tiền. Còn thất hứa với cha mẹ thì chúng ta vẫn có thể viện lý do như là: “Gần đây con rất bận, con xin lỗi, con thật là xin lỗi”. Cho nên chúng ta phải nghĩ lại, đối với cha mẹ lẽ ra càng phải giữ chữ tín, như vậy mới là thái độ đúng đắn. Và đương nhiên rồi, khi giữ chữ tín với cha mẹ thì với người khác chúng ta cũng phải giữ chữ tín. Hôm nay sau khi nghe xong bài giảng này, mỗi chúng ta hãy suy xét lại ai đã từng hứa với cha mẹ điều gì mà chưa thực hiện thì phải nhanh chóng đi thực hiện.

Ở Thẩm Quyến có một thầy giáo, anh ấy nghe xong bài giảng thì liền nói: “Mấy ngày trước tôi về nhà, thấy ba tôi cầm chiếc bàn cạo râu đã cùn, tôi liền nói với ông: Ba à! Cái này cũ rồi, không dùng được đâu, để con mua cái mới cho ba”. Anh ấy lập tức vứt cái bàn cạo râu vào thùng rác, nhưng lại quên khuấy không mua cái mới cho cha. Kết quả làm cha anh tức giận mấy ngày liền. Sau khi nghe xong bài giảng thì đột nhiên nhớ ra, anh lập tức gọi điện về nhà xin lỗi người cha, rồi vội vàng đi mua và trở về nhà. Hóa ra không phải chỉ có một người mà còn có người khác cũng quên. Có một thầy giáo khác cũng vậy, hứa với cha sẽ mua bàn cạo mới nhưng cuối cùng cũng quên mất không mua. Cho nên, con người đích thực cần phải được nhắc nhở. Bên cạnh bạn luôn có người bạn tốt, bạn thường xuyên xem Kinh sách thì có thể thường xuyên nhìn thấy mình còn có những gì chưa hoàn thiện.

Đời xưa có rất nhiều người con hiếu thảo. Họ không đợi cha mẹ sai bảo mà họ có thể cảm nhận được những cái cha mẹ họ cần, và họ tự mình đi thực hiện. Vào thời Tam Quốc có một người con hiếu thảo tên là Mạnh Tông, có lẽ mọi người đã từng nghe qua chuyện “Mạnh Tông Khóc Măng”. Mạnh Tông thấy mẹ đã lâu không ăn uống được thứ gì, đột nhiên lại muốn ăn canh măng. Vì thấy mẹ đã lâu không muốn ăn uống, dạ dày đã yếu, nay đột nhiên lại muốn ăn và nếu như không được ăn thì mẹ sẽ rất đau khổ. Cho nên Mạnh Tông đi vào rừng tre và khóc ở trong đó, vì ông cũng không biết phải làm sao. Lòng hiếu thảo này, lòng chân thành này, những giọt nước mắt nhỏ xuống đã cảm động được cây tre. Nước mắt của chúng ta nhỏ xuống có thể cảm động không? Lúc đó là mùa đông, cơ bản là không có măng, nhưng lòng hiếu thảo của ông đã làm được câu: “Có được lòng thành thì vàng đá cũng mở lòng”.

Cây tre là thực vật, giáo sư Giang Bổn Thắng của Nhật Bản đã nghiên cứu được ý niệm của con người có thể ảnh hưởng đến khoáng vật, có thể ảnh hưởng đến nước. Đương nhiên khi người có ý niệm lương thiện nước sẽ kết tinh thành rất đẹp. Khi con người có tư tưởng lương thiện thì hồ nước dù nhơ bẩn mấy cũng biến thành trong sạch. Cho nên, thiên nhiên chuyển động theo lòng người mà hiện lên động thái. Đời xưa có bao nhiêu người con hiếu thảo như vậy? Tại sao họ lại có thể cảm động được cây tre, có thể cảm động được rất nhiều động vật, thậm chí còn có thể cảm động được loài hổ hung ác nhất? Dựa vào đâu? Đều dựa vào lòng hiếu thảo!

Câu chuyện hay như vậy, tổ tiên chúng ta đã thực hành mấy ngàn năm trước. Câu chuyện hay như vậy, ngày nay chúng ta có nên thực hành theo không? Đáp án là: Nên theo! Chỉ cần chúng ta có thể học theo lòng hiếu thảo của họ, thì nhất định trong cuộc sống của chúng ta cũng có thể trình diễn một câu chuyện cảm động lòng người đến rơi lệ. Mẹ của Mạnh Tông sau khi ăn xong bát canh măng thì lập tức khỏi bệnh. Những người con thật sự hiếu thảo có thể làm cho cha mẹ được an ủi, làm cho cha mẹ mạnh khỏe.

Chúng ta không thể thất hứa với những việc cha mẹ giao phó, đồng thời đối với những việc đã hứa với vợ, với con, chúng ta cũng phải “nói lời thì giữ lời”. Khi chúng ta “nói lời, giữ lời” con cái sẽ rất tôn trọng chúng ta. Làm thầy giáo, chúng ta không nên không chú ý đến một lời nói, nhất định phải ghi nhớ, không được thất hứa với học sinh. Khi chúng ta đều thực hiện đư­ợc những gì mà chúng ta nói, học sinh sẽ rất tôn trọng bạn. Kỳ thực tr­ước đây khi tôi dạy học, tôi còn nhớ năm thứ nhất tôi làm chủ nhiệm lớp. Có một lần vừa vặn có cuộc thi thể thao, tất cả học sinh đều ra xếp hàng tại thao trường, đư­ơng nhiên tôi cũng đứng đó với học sinh. Lát sau tôi có việc phải về phòng học lấy đồ, vừa về đến phòng học thì gặp ngay phụ huynh của một học sinh (cha của học sinh) tay xách theo đồ uống đi đến phòng học của chúng tôi. Chúng tôi ở tầng bốn và người phụ huynh này muốn đến đó.

Ngư­ời phụ huynh này tại sao lại mang đồ uống vào lúc học sinh đã ra thao trư­ờng xếp hàng. Tại sao? Thật là ngại ngùng! Có thể thấy đ­ược rằng người phụ huynh này rất ít khi đến tr­ường, rất ít khi tới trư­ờng cũng thể hiện rằng ít giao l­ưu với giáo viên. Tại sao phụ huynh lại ít giao lư­u với giáo viên? Chúng ta làm giáo viên thì cũng phải suy xét lại chính mình. Khi chúng ta quan tâm đến con cái của họ thì có thể tạo cơ hội để họ chủ động liên hệ giao lư­u với chúng ta. Bởi vậy phải th­ường xuyên dùng sổ liên lạc để khen ngợi con cái họ, tự nhiên sẽ thành cầu nối giữa hai bên. Ngư­ời cha này cũng không có thói quen nói chuyện với giáo viên, cho nên đã nắm lấy cơ hội nhân lúc lớp học không có ai để biểu hiện lòng thành, mang đồ uống đến để trong phòng học rồi đi liền. Kết quả là vừa lúc tôi phải về lấy đồ thì gặp phải. Khi gặp mặt, ông liền lùi lại mấy bước, có vẻ rất lúng túng ngại ngùng. Tôi liền bắt chuyện với ông.

Chúng ta nói chuyện với bất kỳ ai cũng phải có một cái nguyên tắc là gặp ng­ười nào cũng phải khen ngợi. Chúng ta có thể khen ngợi con cái họ, hoặc cũng có thể khen ngợi ưu điểm của họ, bởi chúng ta cũng đều rất vui khi ng­ười khác khen ngợi mình. Khi chúng ta khen ngợi con cái họ, trong lòng họ sẽ rất vui, sẽ cảm thấy được tôn trọng. Nếu như­ vừa gặp một vị phụ huynh mà ta lập tức nói hết những vấn đề của con cái họ ra, chắc hẳn họ sẽ cảm thấy rất khó chịu. Cho nên khi nói chuyện với người khác thì tình ngư­ời không thể rũ bỏ. ­Chúng ta phải thuận theo tình người. Tôi bắt đầu nói về thành tích tốt đẹp của con ông trong thời gian gần đây cho ông nghe, cũng để cho ông hiểu.

Trong thời gian nói chuyện, người phụ huynh này nói: “Thầy giáo! Con tôi rất tôn trọng thầy, như­ng không tôn trọng vị thầy giáo dạy nó năm trước”. Bởi vì tôi dạy lớp 6, năm lớp 5 là một thầy khác dạy. Tôi tiếp tục nghe ông nói: “Người thầy năm tr­ước nói với học sinh khi đi ăn cơm trư­a thì phải chờ mọi ng­ười cùng ăn, nhưng khi một nửa học sinh còn chư­a ăn thì ngư­ời thầy đó đã ăn rồi. Thầy Thái à! Thầy thì ăn cơm cùng học sinh”. Kỳ thực tôi cũng không phải ăn cơm cùng lúc với học sinh, chỉ là lúc học sinh đã ngồi đầy đủ vào chỗ, tôi bắt đầu dạy học sinh những câu tục ngữ của địa phương. Bởi vì tục ngữ địa phương đều bao hàm triết học nhân sinh rất sâu sắc. Ví dụ như câu tục ngữ của Phúc Kiến: “Gốc cây có chắc thì không sợ gió to“, câu nói này phù hợp khi dùng trong giáo dục đức hạnh của chúng ta. Khi gốc đức hạnh của bọn trẻ không được vun trồng vững vàng thì tài năng của chúng càng cao lại càng nguy hiểm. Bởi vì bên ngoài có rất nhiều cám dỗ. Người càng có tài năng, đến khi không ngăn được sự cám dỗ, leo càng cao thì ngã sẽ càng đau. Những câu tục ngữ địa phương này có rất nhiều gợi ý cho cuộc sống. Cho nên tôi thường hay dạy chúng những câu tục ngữ.

Khi dạy xong thì chúng bắt đầu ăn cơm, tôi liền đi một vòng để kiểm tra, dùng “Đệ Tử Quy để nhấn mạnh quy phạm sinh hoạt của chúng, không được biếng ăn,“đối ẩm thực, vật giản trạch” (với ăn uống, chớ kén chọn). Thấy em nào ít gắp rau ăn là tôi liền hỏi: “Có cần thầy phục vụ em không?“. Học sinh nghe tôi hỏi vậy thì rất sợ, liền tự mình gắp thêm rau ăn, phải ăn uống như vậy mới cân bằng. Và thường là khi tôi trở lại bàn và bắt đầu ăn cơm thì đã có hai, ba em học sinh ăn no rồi. Cho nên khi chúng ta sơ xuất không để ý đến một lời nói thì học sinh đã ghi nhớ ở trong lòng, trong đầu chúng rồi. Bởi vậy lời nói và hành động của chúng ta phải tương ưng thì mới được học sinh tôn trọng.

************

1.3. Phụ mẫu giáo, tu kính thính (Cha mẹ dạy, phải kính nghe)

Khi cha mẹ giáo huấn, chúng ta phải cung kính lắng nghe, tuyệt đối không được “mẹ nói một câu, con cãi lại chín câu”. Nếu như cha mẹ trách mắng chúng ta, nói mười việc mà chúng ta cho rằng trong đó chỉ có hai việc là đúng sự thật, còn tám việc chúng ta cho là đã trách nhầm chúng ta, thì chúng ta có nên ngay lập tức nói lại không? Có nên không? Không nên! Bởi khi trách mắng chúng ta là lúc cha mẹ đang giận dữ. Lúc này chúng ta chỉ nên nói: “Vâng!”. Có thể người cha của bạn lúc đó rất tức giận, nhưng cơn giận từ từ sẽ giảm xuống. Đợi ông mắng xong, có thể ông sẽ chủ động đi gọt hoa quả và gọi chúng ta lại: “Nào! Lại đây cùng ăn hoa quả đi!” để làm hòa. Lúc đó bạn cũng phải thật là tự nhiên đi lại và làm như không có chuyện gì xảy ra. Bạn đừng có lập tức nói: “Bố à! Sao thế? Lại muốn giảng hòa với con à?”. Chúng ta phải thuận theo chứ không nên cứng đầu như vậy.

Cha mẹ trách mắng bạn, bạn cũng không nên nói lại. Có những hiểu lầm, bạn cũng có thể bình tĩnh tiếp nhận thì sự tôn trọng bạn, bội phục bạn của cha mẹ sẽ tăng thêm. Khi cha mẹ càng tôn trọng bạn thì sau này bạn càng dễ dàng nói chuyện với cha mẹ. Cha bạn sẽ cảm nhận được người nào đáng được ông tín nhiệm nhất? Đó là con trai của ông, hay đó là con gái của ông. Cho nên “Phụ mẫu giáo, tu kính thính” (Cha mẹ dạy, phải kính nghe). Nếu như cha bạn bị bệnh tim, bạn cũng cần phải xem tình trạng mà quyết định. Ví dụ cha bạn nhìn thấy bạn là mắng rất tợn, đến khi sắp lên cơn đau tim thì bạn có còn đứng ở đó mà “Phụ mẫu giáo, tu kính thính” (Cha mẹ dạy, phải kính nghe) hay không? Cho nên cầu học vấn thì phải học cho uyển chuyển, linh hoạt, phải nghĩ cho cha mẹ. Lúc đó bạn cũng phải biết làm sao để tiến thoái cho hợp lẽ.

************

1.4. Phụ mẫu trách, tu thuận thừa (Cha mẹ trách, phải thừa nhận)

Cha mẹ có trách phạt, thậm chí là đánh đòn, chúng ta cũng nên chấp nhận và nghĩ xem tại sao cha mẹ lại tức giận. Lỗi của chúng ta ở đâu? Có một lần cha của Tăng Tử vì Tăng Tử phạm lỗi mà rất tức giận, cầm cả khúc gỗ to đánh Tăng Tử. Bởi vì Tăng tử nghĩ: “Phụ mẫu trách, tu thuận thừa” (Cha mẹ trách, phải thừa nhận) cho nên không nhúc nhích đứng yên cho cha đánh. Kết quả người cha đã mạnh tay đánh ông ngất xỉu. Sự việc này đến tai Khổng Phu Tử. Ngài liền nói với đệ tử rằng Tăng Tử làm như vậy là bất hiếu. Tại sao vậy? Khổng Phu Tử nói rằng khi cha mẹ tức giận không kìm nổi mình, nếu như lỡ tay dùng gậy đánh lên đầu, chẳng may đánh chết con thì ai là người đau lòng nhất? Chính là cha mẹ. Đúng vậy! Cho nên Khổng Phu Tử nói: “Tiểu trượng tắc thụ”, cha mẹ cầm gậy nhỏ thì có thể ngoan ngoãn mà chịu đòn. Người đời xưa rất ý nhị: “Đại trượng tắc tẩu”, khi nhìn thấy cha mẹ cầm cây gậy có thể đánh chết mình thì phải chạy ngay, không được để cha mẹ rơi vào hoàn cảnh bất nghĩa. Học những học vấn Thánh Hiền thì chúng ta phải ứng dụng linh hoạt.

Có lần tôi hỏi học sinh: “Sau khi bị cha mẹ mắng xong, trong lòng các em sẽ nghĩ gì?”. Bọn trẻ trả lời như thế nào vậy? “Thật xui xẻo, bị bố bắt được, bị mẹ bắt được, lần sau không để bị bắt”. Chúng tôi quan sát bọn trẻ khi bị cha mẹ giáo huấn, thấy tâm lý của chúng không đúng đắn. Cho nên vào lúc thích hợp, bạn phải thay cha mẹ chúng giảng giải để tâm lý của chúng trở lại bình thường. Chúng tôi nói với học sinh: “Khi cha mẹ trách phạt các em là lúc cha mẹ đang rất bực mình, thì thật ra thân thể của cha mẹ lúc đó đã bị tổn thương. Mỗi lần bực mình như vậy thì phải mấy ngày sau cơ thể mới hồi phục trở lại? Cũng phải ba bốn hôm. Đó, các em xem, có ai thích mắng mỏ người khác không? Mắng người khác thì không tốt cho sức khỏe như vậy. Nhưng cha mẹ vì muốn các em phải nhớ bài học này, để từ lần sau các em không làm những việc không có lợi cho mình như vậy nữa. Cho nên cha mẹ thà để tức giận hại đến sức khỏe của mình còn hơn để cho các em học thói xấu. Các em phải hiểu được chủ ý của cha mẹ. Vì muốn các em có đạo đức, học hành tấn tới, không sa ngã, nên cha mẹ mới dạy dỗ các em, trách phạt các em. Vậy các em phải làm sao để xứng đáng với sự quan tâm, yêu thương này của cha mẹ.

Cách mà cha mẹ yêu thương các em, có lúc nhỏ nhẹ, có lúc lại tỏ ra rất giận dữ, nhưng cũng đều là lòng yêu thương các em mà thôi. Các em phải hiểu được như vậy. Chúng ta phải làm sao cho xứng đáng với sự dạy dỗ của cha mẹ, sự tức giận này không thể để phí công vô ích. Không thể để cho sức khỏe của cha mẹ bị tổn thương một cách vô ích. Cho nên chúng ta phải nhớ tới cái lỗi này, phải biết được bị mắng thì sẽ đổi được cái gì? Đó là sự tiến bộ. Phải học tập đức hạnh của đệ tử Ngài Khổng Phu Tử là Nhan Uyên, phải có thể: “bất nhị quá” (không được có lỗi hai lần). Lần này bị cha mắng xong nhất định phải nhớ kỹ, lần sau không được làm những việc để cha mẹ phải giận dữ, đau lòng”. Khi bọn trẻ có được tâm lý như vậy thì chúng sẽ cảm thấy không xui xẻo nữa, những gì chúng ghi nhớ thì lần sau sẽ không tái phạm.

HẾT TẬP 7. XIN XEM TIẾP TẬP 8!