Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 11/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 11/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Câu “Thân sở hiếu (cha mẹ thích) của đoạn Kinh văn này, chúng ta đã nhắc tới rằng những điều cha mẹ yêu thích thì con cái phải làm theo. Khi cha mẹ yêu thích cuộc sống có giá trị, con cái cũng phải lập chí theo đuổi phương hướng này. Còn nếu như cha mẹ theo đuổi cuộc sống xa hoa, con cái có thể nghe quen tai, nhìn quen mắt mà bị ảnh hưởng. Chúng ta thường nói cuộc sống phải theo đuổi phú quý. Vậy phú quý chân thật là gì? Chúng ta là cha mẹ, là trưởng bối phải nhận biết rõ ràng cái gì mới là phú quý thật sự.

Cái gì được gọi là “phú”? Nếu như bảo học sinh trung học trả lời câu hỏi này, chúng sẽ trả lời ra sao? “Có rất nhiều tiền gọi là phú”. Câu trả lời của chúng tại sao lại tiêu chuẩn như vậy? Chúng bị ảnh hưởng của ai? Nếu như chúng ta lại hỏi chúng: “Cái gì gọi là “quý”?”. Chúng sẽ trả lời ra sao? “Làm quan chức vụ rất lớn được gọi là quý”. Bởi vậy chúng ta phải chỉ dẫn cho chúng rằng tuyệt đối không phải có rất nhiều tiền thì gọi là phú. Ví dụ như chúng không tự biết đủ thì cho dù cho chúng có bao nhiêu tiền đi nữa thì chúng cũng không cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn. Một người thực sự cảm thấy đã đủ thì trong lòng họ sẽ thường cảm thấy rất sung túc. Người biết thỏa mãn với cái hiện có thì sẽ luôn vui vẻ. Cho nên cái “phú” chân chính là “biết thỏa mãn”.

Không biết xung quanh các vị có vị nào có rất nhiều tiền? Vậy họ có cảm thấy họ đã thỏa mãn chưa? Hay họ có rất nhiều thì lại muốn có nhiều hơn? Bởi vì con người khi đã mở lòng dục thì rất khó thu về. Cho nên gọi “lòng dục là vực thẳm”, mà cái vực thẳm này lại không có đáy. Bởi vậy chúng ta không nên theo đuổi cuộc sống xa hoa, phù phiếm mà phải theo đuổi cuộc sống chân thật, biết thỏa mãn mới là giàu có thật sự. Và khi chúng ta chỉ dẫn bọn trẻ như vậy, thì cả đời này chúng sẽ biết tự cho là đủ, mới không bị trở thành nô lệ của vật chất, mới không tôn sùng sự xa hoa, phù phiếm.

Cái gì gọi là “quý“? Thông thường trẻ em sẽ nói làm quan chức vụ rất lớn là “quý“. Thật ra khi làm quan, nắm được quyền trong tay thì sự việc nào là quan trọng nhất? Khi họ có cơ hội làm lãnh đạo của nhân dân, làm lãnh đạo của công nhân, tuyệt đối họ sẽ không đem cái quyền lực này ra áp bức người khác hay thậm chí mưu lợi cho riêng mình. Nếu như những người cấp trên và lãnh đạo dùng quyền lực để làm như vậy, sau khi họ mất chức thì tất cả mọi người sẽ phỉ nhổ họ. Cho nên chữ “quý” ở đây chúng ta phải hiểu cái nghĩa chân chính là: “Được người khác kính trọng là quý”. Khi mọi người nhìn thấy các vị đều cảm thấy vui vẻ, trong thâm tâm cảm thấy tôn kính các vị, bội phục các vị thì đó mới là cái “quý” thật sự.

Khi chúng ta có cơ hội là lãnh đạo của công ty hoặc chính quyền, điều mà chúng ta nhắc tới không phải là “quyền lực” mà phải nhắc tới “bổn phận“. Người làm lãnh đạo thì càng phải chú trọng “bổn phận”. Ví dụ như làm ông chủ một xí nghiệp, chúng ta thường xuyên phải nghĩ làm sao để cho công nhân có được một cuộc sống tốt hơn. Không những dẫn dắt ở phương diện kinh tế, mà chúng ta cũng phải cùng công nhân phát triển về phương diện tinh thần. Khi chúng ta có được định hướng như vậy, tin rằng nhân viên của chúng ta sẽ rất tôn trọng chúng ta.

Làm lãnh đạo chính phủ càng phải chú trọng hơn, bởi vì mỗi một quyết định của chúng ta có ảnh hưởng rất lớn đến các tầng lớp. Cho nên người ngồi ở vị trí càng cao thì càng phải dè dặt, thận trọng từ lời nói đến việc làm, bởi vì một lời nói, một việc làm của chúng ta đều có ảnh hưởng rất lớn. Khi chúng ta có thể lúc nào cũng nghĩ cho cấp dưới, nghĩ cho nhân dân, tin rằng khi chúng ta rời bỏ chức vị này thì họ vẫn sẽ cảm ơn cái ân đức của chúng ta. Sự kính yêu đối với chúng ta như thế này tuyệt đối sẽ không như câu nói: “Vua nào triều thần nấy!”.

Có phải khi người ta có quyền, có chức vị thì mới được quý phái, mới được người khác kính trọng? Chưa chắc là như vậy! Mạnh Tử nói: “Ái nhân giả, nhân hằng ái chi. Kính nhân giả, nhân hằng kính chi”. Ở Singapore có một nữ sĩ tên là Hứa Triết, năm nay bà 106 tuổi. Mỗi ngày bà chỉ ăn hai bữa. Về phương diện thực phẩm, ham muốn của bà rất ít. Có phải sự ít ham muốn này do ta luyện tập mà thành chăng? Không phải! Thật ra mọi người đều nói mỗi ngày ăn ít nhất ba bữa, có người còn ăn tới bốn bữa, năm bữa. Ăn cơm rất lãng phí thời gian. Các vị có cảm thấy như vậy không? Tại sao con người phải ăn cơm? Bởi vì tiêu hao rất nhiều năng lượng cho nên phải ăn rất nhiều cơm. Khi con người càng có nhiều phiền muộn thì lại ăn càng nhiều thực phẩm. Phiền muộn ít thì nhu cầu cần thực phẩm sẽ ít đi.

Bà Hứa Triết ăn ít như vậy thật ra cũng là lẽ đương nhiên, bởi bà không mưu lợi cho bản thân. Bà thường nghĩ làm cách nào để giúp đỡ người khác. Cho nên bà ít phiền muộn và tăng thêm trí tuệ, tự nhiên không cần ăn nhiều thực phẩm như vậy nữa. Từ bản thân của bà Hứa Triết chúng ta có thể cảm nhận được, khi Nhan Uyên theo học Khổng Phu Tử, cho dù ăn uống đạm bạc nhưng ông vẫn “pháp hỷ sung mãn“. Người bình thường đều không chịu nổi cuộc sống như vậy. Khi tinh thần của một người càng tăng thì nhu cầu vật chất đối với họ tự nhiên sẽ từ từ giảm bớt.

Bà Hứa Triết ăn rất ít. Bà nói quần áo bà mặc không phải mất tiền mua, đều là nhặt từ trong thùng rác. Tôi nghĩ, bởi bà là người Singapore, cho dù bà có nhặt quần áo trong thùng rác thì cũng không đến nỗi bị rách nát. Có thể do lỗi mốt nên người ta vứt bỏ, bà cảm thấy tiếc rẻ nên nhặt lại đem về mặc. Bà mặc những bộ đồ này, ngoài việc tiếc của, quý trọng đồ vật ra thì còn có ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là vì một mình bà chăm sóc mấy chục người già. Bà thường mang đến một số vật dụng hàng ngày như đồ ăn, quần áo đến để tặng cho họ. Tại sao bà ăn mặc quần áo lại giản dị như vậy? Bởi vì những nơi bà đến đều có cuộc sống rất nghèo khó. Nếu như bà ăn mặc đẹp đẽ, lộng lẫy và đem bao gạo đến, người nhận nhất định sẽ bị áp lực: “Mình có làm bẩn quần áo của bà không đây?”. Khi bà mặc giống như họ thì họ sẽ cảm thấy gần gũi.

Cho nên bà đến nhà những người bạn này, tôi thấy thái độ vui mừng, hớn hở của họ khi gặp bà như thể họ gặp được người thân của mình vậy. Cho nên, Singapore tôn thờ bà là “Quốc bảo”. Không chỉ có người Singapore mà rất nhiều nước trên thế giới cũng rất tôn kính bà và thường mời bà đến thuyết giảng. Cho nên tôi nói rằng bà Hứa Triết mới đích thực là người phú quý. Phú quý như vậy mới thật có ý nghĩa, cuộc sống của mình cũng cảm thấy phong phú hơn. Khi chúng ta có được sự phú quý như vậy, thì con cái chúng ta cũng sẽ đi theo hướng chính xác trong cuộc sống của chúng.

Tôi thường hỏi các bậc phụ huynh: “Các vị mong muốn con cái các vị có cuộc sống như thế nào?”. Quý vị thân mến! Các vị mong muốn con cái các vị sau này có cuộc sống như thế nào? Các vị chưa từng nghĩ đến câu hỏi này. Các vị là người dẫn đầu, vậy hàng ngày các vị dẫn đoàn đi về hướng nào? Có vị nào ngồi đây nói thử xem? “Hướng về sự bình an, yên vui!”. Tốt rồi! Chúng ta hãy tặng cho vị này một tràng pháo tay. Hàng ngày chúng ta đều nghĩ đến bình an, yên vui, mong con cái được yên vui. Quý vị thân mến! Các vị có yên vui không? Bởi có rất nhiều vị bạn hữu phản hồi với tôi rằng: “Tôi chỉ mong chúng được yên vui là được, chứ không mong sau này chúng kiếm được bao nhiêu tiền”. Tôi nói rằng yêu cầu của các vị nghe qua thì rất đơn giản, nhưng trên thực tế khi thực hiện thì rất khó khăn. Bởi vì nếu như chính các vị cũng không được yên vui, thì làm sao các vị có thể dẫn dắt con cái sống cuộc sống yên vui được.

Điều gì mới gọi là yên vui thật sự? Các vị đã nghĩ kỹ chưa? “Đó là biết thỏa mãn với cái hiện có thì sẽ được vui vẻ. Tốt quá rồi! Xin hãy cho một tràng pháo tay. Lập tức chúng ta đã hiểu được rằng một người chân thật biết bằng lòng với cuộc sống hiện tại thì khi anh ấy kết giao với người khác sẽ biết cảm ơn người khác. Thái độ của anh ấy như vậy thì càng làm cho bạn bè và người thân yêu mến anh ấy hơn.

Điều gì được gọi là sự vui vẻ thật sự? “Không vướng bận gì cả, không ưu tư, lo nghĩ. Đích thực là phải thông hiểu đạo lý của cuộc sống thì chúng ta mới có thể đạt đến trình độ không ưu tư, lo nghĩ. Cho nên mới nói “lý đắc tâm an” thì mới không ưu tư lo nghĩ. Cái gì là đạo lý ở đây? Ví dụ như người xưa có câu nói: “Con cháu tự có phúc phận của con cháu”. Chúng ta không lo nghĩ cho chúng thì chúng ta không phải lao tâm, khổ trí. Đây không phải bảo các vị mặc kệ con cái, mà khi chúng chưa trưởng thành, khi chúng còn nhỏ thì chúng ta phải dạy bảo chúng có căn bản vững chắc. Sau khi chúng đã có được đạo đức và đức hạnh, thì nhân duyên cuộc sống của chúng về sau, chúng ta không cần phải điều khiển chúng nữa. Nếu không chúng ta sẽ mệt mỏi và chúng cũng sẽ mệt mỏi.

Tôi thường hay lấy một ví dụ, ví dụ như chúng ta dạy con cái lái xe. Trước khi chúng ngồi bên tay lái, chúng ta đã phải dạy cho chúng tính cẩn thận rồi. Đến khi chúng ngồi vào điều khiển tay lái, chúng ta không thể đứng bên cạnh mà kéo cái tay đang điều khiển của chúng. Nếu làm như vậy thì xe sẽ đảo qua, đảo lại, và cuối cùng có thể kết thúc bằng một tiếng “bùm”.

Cho nên trước tiên chúng ta phải dạy con cái biết được “đạo làm người”, dạy cho con cái biết cách chọn lựa đối tượng cuộc đời của chúng. Nếu chúng ta không dạy dỗ chúng, đợi đến khi chúng trưởng thành, khi chúng đã chọn lựa đối tượng để kết hôn, chúng ta không thể ở đó mà cản trở. Nếu làm thế thì chúng ta đau khổ và chúng cũng sẽ đau khổ. Cho nên, “không ưu tư lo nghĩ” chân thật cần phải nhìn thấu đáo rất nhiều việc của thế gian. Đương nhiên đây là một cảnh giới rất tốt, chúng ta có thể theo đuổi chiều hướng này.

Còn có điều gì gọi là yên vui thực sự nữa? “Thân thể khoẻ mạnh”. Sức khỏe cũng không thể cầu mà có được. Đối với phương diện ăn uống và cả đối với tâm trạng của mình, chúng ta cũng phải quản lý cho tốt thì mới có thể khỏe mạnh. Chúng ta có câu: “Ngũ phúc lâm môn”, trong đó có một cái phúc là thân thể khỏe mạnh. Nếu như người đến tuổi già mà không có sức khỏe, cho dù con cháu có ngoan hiền đến mấy đi nữa thì chúng ta cũng không thể vui vẻ được.

Còn có điều gì nữa không? Giúp đỡ người khác”. Hãy vỗ tay tán thưởng! Giúp đỡ người khác là một niềm vui. Điều này cũng rất quan trọng. Khi con người ta lúc nào cũng nghĩ đến bản thân mình, chỉ sống cho sự suy tính hơn thiệt, vậy đối với đạo lý “Giúp đỡ người khác là một niềm vui” thì liệu chúng ta có thể chỉ dùng lời nói để dạy con cái không hay là phải do chính bản thân chúng trải qua và cảm nhận. Nếu như có cơ hội đi làm việc từ thiện trong bệnh viện, chúng ta nên dẫn con cái đi theo để chúng tận mắt nhìn thấy khi chúng ta giúp đỡ những bệnh nhân, và được những bệnh nhân này cảm tạ chúng ta, thậm chí người thân của họ cũng cảm tạ chúng ta, thì nhất định con cái chúng ta sẽ đứng cạnh mà học tập, và cũng có thể vui vẻ cảm nhận được thiện ý của người khác.

Có một vị thầy giáo, sau khi học văn hóa Thánh Hiền, ông thường lấy “Đệ Tử Quy” ra giáo huấn các học sinh. Ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3 vừa rồi, học sinh của ông liền tiến đến bục giảng để bàn bạc với ông. Chúng nói: “Thưa thầy! Chúng em đã quyết định, ngày mai là ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3 nên chúng em sẽ mua hai bông hoa”. Thầy giáo rất bối rối bởi ông là nam giới, ông hỏi: “Mua hai bông hoa làm gì?”. Chúng nói: “Một bông tặng cho tất cả các cô giáo trong trường, còn một bông mang về tặng mẹ”. Thầy giáo nghe xong liền khen ngợi: “Thật tốt quá! Thầy ủng hộ các em”. Các vị coi, thầy giáo còn không nghĩ ra, bọn trẻ sau khi học xong lại có thể nghĩ đến những đạo lý mà thầy đã dạy: “Phải tôn kính thầy cô giáo, phải hiếu thuận với cha mẹ”.

Hôm đó bọn trẻ mang hoa đến trường tặng cho tất cả các cô giáo. Có một học sinh nam sau khi trở về thì mặt mũi rất tươi tắn, vui vẻ. Thầy giáo liền đi đến hỏi: “Sao mà em vui vẻ vậy?”. Đứa bé liền nói với thầy: “Khi em tặng hoa cho cô giáo, cô giáo cười rất tươi, còn nói cảm ơn em nữa”. Thầy giáo liền hỏi: “Lúc ấy em cảm nhận được điều gì?”. Đứa bé trả lời: “Cho còn hạnh phúc hơn nhận”. Phải để cho bọn trẻ biết “bố thí” thì chúng mới cảm nhận được niềm vui khi cho đi. Chúng ta lấy việc giúp mọi người làm niềm vui. Từ khi bọn trẻ còn nhỏ, chúng ta cũng nên dẫn chúng đi thể nghiệm những kinh nghiệm này. Đây là “giúp đỡ mọi người là một niềm vui”.

Còn gì nữa không? Chúng ta đã đưa ra bao nhiêu ví dụ về sự yên vui rồi nhỉ?

  • Biết thỏa mãn với cuộc sống hiện tại thì sẽ được vui vẻ
  • Giúp đỡ người khác sẽ có niềm vui
  • Có sức khoẻ tốt

Những điều này đều rất cần chúng ta nỗ lực chứ không phải tự nhiên mà có. Còn gì nữa không?

  • Không ưu tư lo nghĩ

Tại sao các vị lại nghĩ đến “không ưu tư lo nghĩ” vậy? “Không ưu tư lo nghĩ” cần phải có trí tuệ. Cho nên chúng ta cần phải không ngừng nâng cao học vấn.

  • Ăn được ngon, ngủ được yên

Chúng ta thấy có nhiều người rất buồn phiền, hoặc người bị bệnh nặng thì mấy điều này đều làm không được. Ăn được ngon, ngủ được yên là người có phước báo. Người hiện nay muốn ăn ngon, ngủ yên không phải chuyện đơn giản, vì có rất nhiều việc phiền muộn. Cho nên muốn ăn ngon, ngủ yên thì đầu tiên phải bớt phiền muộn đi, đầu tiên phải có thêm trí tuệ.

Mạnh Tử đã từng nhắc tới con người có ba niềm vui. Niềm vui thứ nhất là “Cha mẹ song toàn, anh em không vấn đề gì”. Niềm vui thứ hai là “Ngửa mặt lên không hổ thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn thùng với người khác”. Niềm vui thứ ba là “Gặp được nhân tài trong thiên hạ để giáo dục, dạy bảo”.

Niềm vui đầu tiên: “Trong nhà có một người già như là có một bảo vật” và “Anh em không vấn đề gì

Trong nhà có một người già như là có một bảo vật”. Đây đúng là một sự thật. Từ bé chúng ta đã ở cùng với ông bà nội. Nếu như không ở cùng với ông bà nội, vậy khi cha mẹ muốn dạy hiếu đạo thì thật là không dễ dàng. Vì khi ở cùng với ông bà nội, khi cha mẹ thường xuyên chăm sóc cho cha mẹ của mình thì con cái có thể nhìn thấy. Cho nên chúng ta còn có cha mẹ để phụng dưỡng thì đó là phước điền lớn nhất của con người. Khi chúng ta báo đáp ân đức của cha mẹ, chúng ta sẽ cảm thấy đời người thật là phong phú, thật là vui sướng. Các vị thầy giáo thân mến! Nếu như hiện nay các vị được ở cùng với cha mẹ thì nhất định phải trân trọng. Có một lần, có một vị thầy giáo nói ông thường gội đầu cho cha. Tôi nghe xong rất hâm mộ, bởi hiện nay tôi không thường xuyên ở nhà, muốn gội đầu cho cha cũng không có cơ hội. Cho nên các vị có cơ hội thì nên trân trọng nó.

Anh em không vấn đề gì” là cuộc sống, sự nghiệp của anh em phát triển tốt, không xảy ra tai nạn hoặc tử vong. Anh em là người thân đi cùng chúng ta lâu nhất trong cuộc đời. Cha mẹ song toàn, anh em không vấn đề gì, gia đình hòa thuận, mọi sự đều phát triển, đây là niềm vui thứ nhất của đời người.

Niềm vui thứ hai: “Ngửa mặt lên không hổ thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn thùng với người khác”.

Hàng ngày chúng ta đều tận hết bổn phận và nghĩa vụ của mình cho nên mới có cuộc sống phong phú, như vậy mới có thể đạt được đến trình độ ăn được ngon, ngủ được yên. Nếu như thường xuyên làm những việc trái với lương tâm, lại sợ người khác phát hiện cho nên chúng ta cứ phải che che, giấu giấu. Cuộc sống như vậy tuyệt đối không thể nào vui vẻ được. Nhưng “không biết không có tội”, trước đây chúng ta phạm lỗi là do chưa học “Đệ Tử Quy” cho nên không tính. Từ nay bắt đầu phải làm sao để khi “ngửa mặt lên” cũng như lúc “cúi mặt xuống”, chúng ta đều không phải hổ thẹn. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta phải tận tâm, tận lực để hành vi của mình thuận theo lời giáo huấn của Khổng Phu Tử. Tin rằng với thái độ như vậy, các vị nhất định sẽ được những người xung quanh ca ngợi kính trọng. Đây là niềm vui thứ hai.

Niềm vui thứ ba: “Gặp được nhân tài trong thiên hạ để giáo dục, dạy bảo”.

Niềm vui này không phải chỉ những người làm thầy, làm cô mới có. Nếu như hôm nay các vị biết hỗ trợ, quan tâm người khác, các vị biết vui vẻ giúp đỡ người khác thì các vị cũng sẽ có niềm vui này. Ví dụ trong công ty có đồng nghiệp mới vào. Một người đến một nơi có hoàn cảnh mới mẻ trong lòng sẽ cảm thấy bối rối, bất an. Lúc này các vị đưa tay ra giúp đỡ họ đúng lúc để cho anh ấy quen với hoàn cảnh, quen với công việc mới của mình, hỗ trợ anh ấy về phương diện năng lực công việc. Tiếp đó tiến thêm một bước, có thể gia cảnh anh ấy có một số vấn đề. Tuổi tác chúng ta lại lớn hơn anh ấy một chút, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi quan niệm về cuộc sống gia đình với anh ấy. Tin rằng những gì chúng ta làm, anh ấy sẽ rất cảm động. Có thể trước mặt người khác, anh ấy sẽ nói: “Cả đời tôi mới gặp được một người đồng nghiệp tốt, người cấp trên tốt như vậy. Cho nên cuộc sống của tôi mới được thuận lợi như hiện giờ”. Lúc này vị trí của chúng ta ở trong lòng anh ấy giống như một người thầy vậy. Khi có rất nhiều người xung quanh các vị đánh giá các vị như vậy, thì tin rằng các vị sẽ có cảm giác mình đã không sống uổng một đời này.

Con người chân thật muốn làm được “ngửa mặt lên không hổ thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn thùng với người khác” thì quan trọng nhất là phải “trung thực, tận hết bổn phận”. Vậy con người có những bổn phận gì? Trong cuộc đời ngắn ngủi này, chúng ta nhất định phải vững vàng tận tâm thực hiện những bổn phận trong đời. Văn Thiên Tường có một câu danh ngôn nổi tiếng là: “Con người từ cổ chí kim có ai là không chết, nhưng lưu lại lòng này với sử xanh”. Các vị coi, một câu có khí phách như vậy, có đối xứng với câu “ngửa mặt lên không hổ thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn thùng với người khác” không? Chúng ta đều thuộc lòng câu này. Vậy câu này có ảnh hưởng gì đến cuộc đời của các vị? Mỗi một câu giáo huấn của Thánh Hiền đều thôi thúc các vị hoàn thiện cuộc đời của chính các vị, nếu không thì việc học này cũng chỉ để học thuộc lòng mà thôi.

Lưu lại lòng này với sử xanh”, hồi học cấp ba tôi đã học câu này nhưng không có cảm giác gì. Bởi vì thầy giáo nói với chúng tôi: “Nào! Các em hãy học thuộc câu này, khi thi giữa kỳ nhất định sẽ có câu này”. Còn nữa, “sử xanh” có nghĩa gì? “Sử xanh” có nghĩa là sử sách. Nếu thi giữa học kỳ mà thi không tốt thì cứ sai một điểm sẽ đánh một roi. “Lòng này” thật ra là để chỉ lòng chân thành của chúng ta. Con người khó tránh khỏi cái chết, trong cuộc đời ngắn ngủi này phải làm sao để cho nó huy hoàng, rực rỡ. Phải dùng tấm lòng chân thành soi chiếu với lịch sử, soi chiếu sử sách. Soi chiếu quyển sử sách nào vậy? Tuệ căn của chúng ta tốt như vậy sao? Nhất định là trước tiên phải soi chiếu cái lịch sử của bản thân mình rồi. Cuộc đời của chúng ta đã đi qua mấy mươi năm, bây giờ quay đầu nhìn lại xem các vị có mãn nguyện hay không mãn nguyện. Các vị được an ủi hay kinh sợ? Chúng ta đều đã lớn tuổi như vậy rồi mà còn có rất nhiều việc chưa làm được, cho nên đầu tiên phải không có lỗi với chính bản thân mình.

Ngoài việc phải soi chiếu lịch sử của mình, đương nhiên lịch sử cuộc đời của các vị đều do chính các vị trải qua, các vị còn có thể dùng tấm lòng chân thành của mình để soi chiếu lịch sử của những người xung quanh. Chúng ta phải biết “có trước có sau”, chúng ta không thể đùng một cái soi chiếu đến tận nước Mỹ, mà phải soi chiếu người xung quanh trước. Đầu tiên chúng ta phải soi chiếu người nhà trước. Chúng ta thường nói: “Trăm cái thiện chữ “hiếu” đứng đầu”. Cho nên đầu tiên phải dùng tấm lòng thành của mình để thực hiện hiếu đạo, để cho lòng hiếu, sự hiếu hạnh của các vị ghi trong lịch sử cuộc đời của cha mẹ, để cha mẹ khi gặp người khác có thể hãnh diện nói: “Cuộc đời này, tôi nuôi đứa con này thật có giá trị”. Khi người mẹ nói ra những lời như vậy thì tin rằng bà rất đỗi vui mừng. Tốt rồi, chúng ta dùng tấm lòng chân thành của mình để soi chiếu lịch sử của cha mẹ.

Tiếp đến là soi chiếu lịch sử của con cái. Chúng ta phải dùng lòng chân thành, tình yêu thương của người cha, người mẹ để nuôi nấng con cái thành người, để cho căn bản đạo đức của chúng có cơ sở vững chắc, để chúng có được nhân sinh quan đúng đắn, để cho chúng khi đi ra xã hội so sánh với người khác thì chúng cảm thấy chúng rất may mắn: “Cuộc đời này ta đã có được người cha, người mẹ như thế này, nên ta mới có được quan niệm sống đúng đắn như hôm nay”. Khi con cái lúc nào cũng nghĩ về người làm cha mẹ như chúng ta với những ý nghĩ như vậy thì chúng ta mới có thể thành tựu được cuộc đời của chúng. Vậy là tấm lòng chân thành của người làm cha mẹ như chúng ta, trí tuệ của chúng ta, sự yêu thương của chúng ta đã được ghi vào trong  lịch sử của con cái.

Ngoài cha mẹ và con cái ra, còn có anh em. Tại sao vợ lại xếp ở sau anh em vậy? Duyên phận của anh em cũng rất khó mà có được. Anh em có thể hòa thuận thì cha mẹ sẽ được an ủi nhất, vui sướng nhất. Tình cảm của hai chị tôi với tôi rất tốt. Khi tôi từ bỏ công việc công chức để đi quảng bá giáo huấn của Thánh Hiền thì chị tôi nói với tôi: “Em cứ yên tâm mà đi, mỗi tháng chị sẽ ủng hộ em mười ngàn đồng để em khỏi có nỗi lo cho gia đình”. Tấm lòng thành của chị đã ghi sâu vào trong tâm khảm của tôi. Đương nhiên các vị không cần quan tâm tôi có lấy mười ngàn đó hay không. Có rất nhiều người hỏi: “Thầy Thái! Thầy có nhận không?”. Tấm lòng là quan trọng nhất. Tấm lòng đó của chị Hai sẽ đi cùng tôi suốt cả cuộc đời và trong lòng tôi cảm thấy rất ấm áp. Cho nên chị đã soi chiếu vào sử xanh của tôi. Chị tôi đã ủng hộ tôi như vậy đương nhiên tôi nhất định phải tận tâm, tận lực đi làm. Bởi vậy sau khi tôi làm được hơn một năm, chị tôi rất vui vẻ. Hôm đầu tiên đến nghe tôi thuyết giảng, chị đã ngồi ở hàng ghế trên cùng. Chị nói chị đại diện cho gia đình đến nghe tôi giảng. Về sau chị nói với mẹ rằng: “Thật tự hào khi con có người em như vậy!”. Cho nên tôi cũng báo đáp lại, dùng tấm lòng chân thành của tôi soi chiếu vào lịch sử của chị.

Tiếp theo là đến vợ chồng. Vợ và chồng là đồng thất, cùng sống chung trong một căn phòng, phải nói là người thân nhất. Vậy tại sao lại nói soi chiếu lịch sử của chồng? Soi chiếu lịch sử của vợ? Chiều nay không phải chúng ta đã nói rồi sao. Vậy phải soi chiếu như thế nào đây? Chúng ta thường xuyên phải nhìn nhận ưu điểm của người phối ngẫu, khẳng định họ, cổ vũ họ thì họ mới phát huy hết tiềm năng của mình. Chúng ta cũng phải tận tâm, tận lực mà hỗ trợ họ, ví dụ như để cho họ khi làm việc thì không có nỗi lo về gia đình. Và khi chồng của các vị nói chuyện với bạn bè, chồng bạn nhất định sẽ nói: “Tôi may mắn lấy được người vợ này nên cuộc đời của tôi mới tốt đẹp và phát triển được như ngày hôm nay”. Lúc đó trong lịch sử của chồng, các vị đã ghi lại được cái ân nghĩa, cái tình nghĩa. Tuyệt đối sẽ không giống với câu nói: “Tôi đã lấy nhầm phải người vợ như vậy nên cuộc đời tôi mới bị đen đủi như thế này”. Như vậy thì thật không tốt. Cho nên chúng ta phải định vị cho rõ ràng, phải có thể dùng tấm lòng chân thành soi chiếu đến tâm điểm của mỗi con người, soi chiếu cuộc đời của mỗi con người.

Còn phải soi chiếu lịch sử của ai nữa? “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ”. Chúng ta cũng phải để thầy giáo của chúng ta chân thật có được cảm nhận rằng dạy dỗ những học sinh như chúng ta thật đáng giá. Quan trọng nhất là phải “y giáo phụng hành”. Hồi tiểu học tôi có một thầy giáo, ông thường xuyên chiếu cố cho tôi. Thật ra những người bên cạnh các vị đều có duyên phận rất sâu xa với các vị. Chỉ cần các vị dụng tâm thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Khi tôi lên lớp 5 thì người thầy này dạy tôi. Ông hỏi mẹ tôi rằng: “Đứa bé này phải dạy dỗ ra sao?”. Mẹ tôi nói: “Nó không thích học”. Họ có thể nhìn thấy được tôi không thích học chăng? Rồi bà lại nói: “Nhưng nó rất sợ mất thể diện”. Thầy của chúng tôi liền nói: “Vậy thì tôi đã biết rồi”. Hôm sắp xếp lớp, mười hai vị thầy giáo đứng đó, còn tất cả học sinh lớp 4 lên lớp 5 đều đứng ở giữa sân trường. Và thầy giáo bắt đầu đọc tên người nào về lớp nào, lập tức học sinh đó phải về lớp đó, và tôi về lớp 5A7.

Thầy giáo của chúng tôi dẫn chúng tôi về lớp, sau đó ông nói: “Thái Lễ Húc! Dẫn theo hai bạn học đi lĩnh chổi”. Học sinh tiểu học khi được thầy gọi giao cho việc làm thì rất phấn chấn, cho nên nhanh chóng đi làm ngay. Sau khi lấy chổi về thì thầy lại nói: “Thái Lễ Húc! Em dẫn theo năm bạn đi lĩnh sách”. Tôi lại cùng với bạn học đi lĩnh sách. Sau khi làm xong những việc cần làm, mọi người đều đã ngồi hết xuống, thì thầy giáo của chúng tôi mới nói: “Nào! Bây giờ chúng ta chọn lớp trưởng. Thầy đề cử em Thái Lễ Húc, còn người khác thì các em cứ đề cử”. Đúng là rất dân chủ. Có đúng vậy không? Các vị có biết kết quả ra sao không? Những bạn khác đều không quen biết tên tuổi của nhau lắm, cho nên chỉ nghe có mỗi cái tên đó thôi. Thế là cuối cùng tôi lần đầu tiên trong những năm học tiểu học được chọn làm lớp trưởng. Tâm lý của học sinh tiểu học thì đẳng cấp của lớp trưởng phải hơn người. Cho nên thầy giáo của chúng tôi không cần mất nhiều công sức đã khiến cho thành tích học tập của tôi có tiến triển. Từ lúc đó trở đi, bảng xếp hạng của tôi không thấp hơn ba vị trí đứng đầu lớp.

Cho nên vị thầy giáo này đối với tôi rất tốt, đối với tôi có ân tri ngộ. Sau này tôi thi đậu trường sư phạm, và cũng bắt đầu dạy học, tôi có gọi điện thoại cho ông và hẹn ông cùng ăn cơm ở Thái Cân Hương (Thái Cân Hương ở Cao Hùng). Khi ngồi xuống nói chuyện với thầy thì thầy rất vui vẻ, bởi vì tôi tiếp tục sự nghiệp của thầy, cũng đi dạy học. Ông đem rất nhiều kinh nghiệm dạy học tận tình chia sẻ, nói cho tôi nghe. Trong lúc nói chuyện, nhân viên phục vụ thấy chúng tôi nói chuyện rôm rả như vậy bèn chạy lại hỏi tôi: “Vị này là ai?”. Tôi nói: “Đó là thầy giáo của tôi”. Người nhân viên phục vụ nghe xong cũng rất cảm động.

Sau này, mấy năm gần đây, do tôi tiếp xúc nhiều với Kinh điển Thánh Hiền, tôi cũng lấy mấy cuốn kính tặng thầy giáo. Kết quả sau khi xem xong mấy cuốn sách này, thầy liền nói với tôi, ông nói từ nay về sau ông phải gọi tôi là học trưởng (bạn đồng học). Tôi liền nói với thầy: “Một ngày là thầy, cả đời là cha. Thầy giáo vẫn là thầy giáo”. Tôi dạy học được hai năm thì nghỉ việc để quảng bá văn hóa ngàn năm của Tổ Tông. Tôi có gọi điện cho thầy, báo cáo với ông những việc tôi đã làm trong năm đó. Trong điện thoại, tiếng thầy tôi rất vui vẻ. Ông nói có được một học sinh như tôi thật đáng tự hào. Ngay lúc đó tôi đã cảm nhận được có hai người tuyệt đối sẽ không đố kỵ với thành tựu của mình, đó là cha mẹ và thầy giáo. Cho nên chúng ta cũng phải dùng cuộc đời của mình đi phụng sự cho xã hội để cho những người thầy của mình có được những vinh hạnh.

Hơn nữa, chúng ta đều là con cháu của Diêm Hoàng. Để có thể kế thừa sự nghiệp và không phải hổ thẹn với lời giáo huấn mấy nghìn năm của các vị Tổ tiên để lại, chúng ta phải kế thừa và truyền lại cho đời sau. Nếu không, mấy nghìn năm văn hóa vì chúng ta mà bị gián đoạn thì cái tội này của chúng ta không thể tha thứ được. Khi mới bắt đầu, tôi đã ôm ấp thái độ như vậy, mong rằng có thể trong tình trạng đạo đức băng hoại như hiện nay, chúng ta có thể đi quảng bá phát triển văn hóa và quảng bá giáo huấn của Thánh Hiền. Lúc đó cha tôi nói rằng giáo dục văn hóa là một việc rất khó làm, không có mấy người làm nổi. Tôi liền nói với cha tôi: “Ví dụ có mười ngàn người đi làm việc này mà chỉ có hai người thành công. Vậy xin hỏi: Chúng ta có nên làm hay không? Vẫn còn có hai người thành công, vậy biểu hiện rằng đã có thành công. Có đúng không ạ? Chúng ta không cần phải hỏi hơn chín ngàn người khác thất bại ra sao. Thà tìm phương pháp để được thành công còn hơn viện lý do để thất bại”. Nếu một người lùi bước thì có thể tìm ra trăm ngàn lý do, đầy rẫy lý do.

Nhưng chúng ta xem là xem hai người kia tại sao họ lại thành công. Nếu như hai người thành công này là do họ vô cùng giàu có, hoặc cha mẹ họ là quan to có quyền, có chức, vậy thì chúng ta không thể làm được bởi chúng ta không có những thứ này, chân thật là không có. Nhưng nếu như họ không có tiền, cũng không có quyền mà họ lại làm được, thì chúng ta phải xem tại sao họ làm được, phải đi học tập họ.

Tôi lấy ví dụ thầy của tôi là lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không. Thầy không có tiền và tất cả người thân thích cũng không ở cùng thầy, không có một sự giúp đỡ nào. Vậy mà thầy có thể hoằng dương những giáo huấn của Thánh Hiền, thậm chí còn hoằng dương đến khắp các nơi trên toàn thế giới. Thầy dựa vào đâu? Có rất nhiều việc thật ra rất đơn giản, đều do một trái tim “chân thành” mà ra. Bởi thầy có tấm lòng cung kính, chân thành, cho nên khi viết thư cho các giáo sư nổi tiếng, từ trong thư thầy viết, họ đều cảm nhận được tấm lòng hiếu học của thầy, nên họ đều viết thư trả lời đồng ý nhận thầy làm học trò. Cho nên trong cuộc đời của thầy đã có ba vị thầy giáo tốt, đó là bởi do thầy hiếu học. Những thầy giáo dạy thầy đều rất quan tâm đến thầy.

Bởi lòng chân thành cho nên thầy có được học vấn. Do bởi thầy có cảm nhận là mình có sứ mạng và cảm thấy cuộc đời này của thầy có được giáo huấn của Thánh Hiền nên thầy hy vọng nhiều người khác cũng nhận được lợi ích. Bởi thầy có tấm lòng như vậy nên nhiều người cảm động và ủng hộ, quý mến thầy. Thực ra thầy là người thực hành theo Kinh điển của Thánh Hiền. Lão Tử có nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân. Ông trời không bao giờ nói rằng người này đối xử tốt với tôi thì tôi phải yêu quý người đó hơn. Không có như vậy! Thiện báo của đạo trời luôn luôn báo đáp cho người thiện lương. Cho nên mới nói thiện có thiện báo.

Trong “Trung Dung” cũng nói: “Thành giả, vật chi thủy chung”. Sự thành bại của một sự việc chân thật chỉ ở một chữ “chân thành”. “Thành giả, vật chi thủy chung. Bất thành vô vật”, hai câu này rất có ý nghĩa. Những việc do sự “chân thành” làm ra có vì thời gian, không gian qua đi mà giảm bớt sự ảnh hưởng của nó hay không? Phạm Trọng Yêm rất chân thành, cho nên thái độ nhân sinh của ông ảnh hưởng đến người học sách Thánh Hiền mãi mấy trăm năm. Cũng vậy, lão Hòa Thượng Tịnh Không dùng tấm lòng chân thành để hoằng dương giáo huấn của Thánh Hiền, tin rằng tấm lòng của thầy sẽ lưu mãi trong lòng tất cả đệ tử của thầy. Cho nên nói: “Chí thành thông Thần”, lòng thành có thể cảm thông Thần Thánh. Điều này cũng có thể được chứng minh ngay trong cuộc đời này của các vị.

Khi chúng ta không chân thành thì “bất thành vô vật”. Ví dụ như các vị không chân thành với con cái, thì cái gia đình này nhất định sẽ suy bại. Các vị không chân thành với nhân viên của các vị, thì cho dù hiện tại các vị có lãi được ít tiền nhưng sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ. Cho nên các vị phải quan sát tỉ mỉ, phải đối xử chân thành với người trong nhà, với nhân viên thì sự nghiệp và gia nghiệp của các vị mới có thể bền vững lâu dài, nếu không sẽ chỉ là “giàu không quá ba đời”. Hiện nay câu nói này phải sửa lại. Các vị quan sát xem, có đến ba đời không? Không! Bởi vì con người càng ngày càng không có chừng mực, làm chiết giảm đi bao nhiêu là phúc phận, cho nên “giàu không quá một đời”. Chúng ta phải hiểu rằng sự chân thành có thể làm cho sự việc tốt hơn. Chúng ta đều muốn có một trái tim chân thành để đối diện với thời cuộc hiện tại. Vậy chúng ta nhất định phải “kế thừa tuyệt học của Thánh Hiền, phát triển thái bình muôn ngàn đời sau”.

Quý vị thân mến! Các vị có nghe thấy không? Hay là hình như cảm thấy nó quá xa vời, viển vông, hoặc là hai vai cảm thấy gánh vác quá nặng. Thật ra tôi luôn ôm ấp một thái độ: “Làm sao có thể mãn nguyện được hết tất cả mọi người, nhưng cầu không hổ thẹn với lương tâm”. Cho nên hiện nay chúng ta là cha mẹ thì nên dùng những giáo huấn của Thánh Hiền để dạy dỗ con cái, để dùng trong gia đình. Đó là các vị đã kế thừa và phát huy văn hóa của Thánh Hiền rồi. Các vị cũng có thể dùng trong giao tiếp giữa các vị và các đồng nghiệp. Khi các đồng nghiệp cảm thấy rất vui thích khi giao tiếp với các vị, thì lúc đó các vị mới nói với họ rằng những thái độ nhân sinh này tôi học được từ trong “Luận Ngữ”, từ “Đệ Tử Quy”. Các vị cứ tùy theo duyên phận, tùy theo sức để kế thừa và phát triển, thì đó cũng là công đức viên mãn.

Bây giờ chúng ta hãy đọc một lần câu nói của Văn Thiên Tường, xem các vị có cảm thấy ý nghĩa của nó khác trước không: “Con người từ cổ chí kim có ai là không chết, nhưng lưu lại lòng này với sử xanh”. Các vị đọc rất hào hùng! Khi chúng ta xác lập cuộc đời chúng ta đi về hướng có giá trị như vậy để phát triển, thì những việc các vị làm sẽ khiến cho con cái kính phục. Con cái các vị có các vị là những tấm gương tốt, tin rằng nhân sinh quan của chúng cũng sẽ đi theo phương hướng đúng đắn. Khi đã có phương hướng đúng đắn, tiếp theo chúng ta hãy thảo luận những chi tiết nhỏ. Ví dụ hiện nay con các vị học tiểu học, các vị phải làm sao để giải thích “thân sở hiếu, lực vi cụ(Cha mẹ thích, dốc lòng làm)? Giải nghĩa ra sao? Giống như chúng tôi là thầy giáo thì sẽ hướng dẫn bọn trẻ rằng: Ví như cha mẹ mong muốn các em khỏe mạnh, mong thành tích học tập của các em được tốt. Những yêu cầu này, chúng ta là con cái thì phải tận tâm, tận lực mà thực hiện. Cái đó gọi là “thân sở hiếu, lực vi cụ(Cha mẹ thích, dốc lòng làm).

Những người con hiếu thảo thời xưa thường đáp ứng yêu cầu của cha mẹ. Vào đời nhà Hán, có một người con hiếu thảo tên là Thái Thuận, vừa khéo cùng họ với tôi. Khi tôi thấy cùng họ với tôi, tự nhiên tôi cũng cảm thấy tự hào lây, bởi ông là Tổ tiên của tôi. Vị Thái Thuận này sống vào thời binh đao loạn lạc. Mẹ ông rất thích ăn quả dâu, cho nên ông đã mang theo hai cái giỏ để đi hái quả dâu. Trên đường trở về không may gặp bọn cướp, bọn cướp rất lấy làm kỳ lạ hỏi: “Đi hái dâu thì mang một giỏ là được rồi, sao còn chia ra làm hai giỏ?”.

Quý vị thân mến! Tại sao lại chia làm hai giỏ? Các vị chắc đều biết đến Thái Thuận. Bởi vì mẹ của Thái Thuận thích ăn ngọt, cho nên ông hái những quả đen hơn, tím hơn, chín hơn bỏ vào một giỏ, còn quả đỏ hơn, chưa chín thì bỏ vào giỏ kia. Cho nên các vị coi, đích thực là Thái Thuận đã thực hiện được câu: “Thân sở hiếu, lực vi cụ” (Cha mẹ thích, dốc lòng làm). Kết quả khi bọn cướp nghe xong rất cảm động. Tôi hỏi học sinh: “Các em! Bọn cướp có cảm động không?”. “Có!”. “Bọn cướp là những kẻ giết người, đốt nhà mà cũng cảm động ư? Chúng giết người, đốt nhà đã thành thói quen xấu, nhưng dù là người xấu đến đâu thì trong lòng chúng vẫn có trái tim lương thiện, bởi vì “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Chỉ là hiện giờ chúng đang bị thói quen xấu, bị dục vọng chi phối. Nhưng khi hành vi của chúng ta rất có đức hạnh thì có thể thức tỉnh lương tri của chúng. Cho nên các em à, khi gặp người xấu chúng ta có nên đánh họ không? Có nên mắng mỏ họ không? Không nên! Mà chúng ta phải học Thái Thuận dùng đức hạnh để cảm hóa bọn cướp. Không biết chừng khi Thái Thuận vừa nói là mang dâu về cho mẹ ăn thì có mấy tên cướp nhớ đến mẹ ở nhà mà ôm mặt khóc”.

HẾT TẬP 11. XIN XEM TIẾP TẬP 12!