Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 20/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 20/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Chúng ta có nhắc đến người thời xưa rất trọng tình nghĩa, đều biểu lộ đối với những người thân và trong tình bạn. Cho nên Lý Bạch viết bài thơ “Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng”, có nói rằng: “Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu. Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu. Cô phàm viễn ảnh bích không tận. Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận”, khi tiễn bạn, ông thường đợi đến khi không còn nhìn thấy bạn nữa thì ông mới luyến tiếc quay trở về. Tình nghĩa đối với bạn bè như vậy, tấm lòng lưu luyến như vậy được biểu lộ khi chia tay. Trẻ nhỏ thời nay rất khó có thể viết được những bài thơ như vậy, bởi vì trẻ nhỏ thời nay không có lòng cung kính và thường nông nổi, hấp tấp hơn. Cho nên chúng ta cũng phải dùng những lễ nghi này để bồi dưỡng lòng cung kính của bọn trẻ đối với người khác.

Mấy hôm trước, người anh kết nghĩa của tôi có đến nghe tôi giảng, ông từ Đài Trung đến. Ông nghe được hai tiết thì lại có việc cho nên buổi chiều đã phải đi rồi. Ông nói không đến nghe tôi giảng thì ông cảm thấy rất khó chịu. Sự ủng hộ của ông đối với tôi không nói cũng rõ, chân thật là rất ủng hộ tôi. Tôi tiễn ông một đoạn đường, tiễn ông lên xe lửa. Khi ông rời đi, tôi vẫn cứ đứng mãi ở đó để “quá do đãi, bách bộ dư(đợi người đi, hơn trăm bước). Đột nhiên nghĩ rằng quen biết ông đã mười năm nay, có rất nhiều quyết định của tôi, ông đều ủng hộ. Tuy có rất nhiều lần tôi thất bại nhưng ông vẫn cứ tin tưởng tôi. Ông nói: “Chỉ cần em vẫn giữ được tấm lòng đối với nhân loại, đối với xã hội như ban đầu thì nhất định sẽ làm được những việc có lợi cho người khác”. Cho nên, ông luôn luôn quan tâm tôi, thấy mấy năm nay tôi đi vào giáo dục, ông cũng rất vui, cũng được an ủi.

  1. TRƯỞNG GIẢ LẬP, ẤU VẬT TỌA. TRƯỞNG GIẢ TỌA, MẠNG NÃI TỌA. TÔN TRƯỞNG TIỀN, THANH YẾU ĐÊ. ĐÊ BẤT VĂN, KHƯỚC PHI NGHI. TIẾN TẤT XU, THOÁI TẤT TRÌ. VẤN KHỞI ĐỐI, THỊ VẬT DI.

Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi

Người lớn ngồi, cho phép ngồi

Trước người lớn, phải nói nhỏ

Nhỏ không nghe, không đúng phép

Đến phải nhanh, lui phải chậm

Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng

 

10.1. Trưởng giả lập, ấu vật tọa. Trưởng giả tọa, mệnh nãi tọa (Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi)

Đó là khi trưởng bối đứng thì chúng ta là những người hậu sinh không được ngồi, phải đợi trưởng bối bảo ngồi thì chúng ta mới được ngồi, đây là lễ nghi đi đứng, tiến thoái. Học lễ nghi thì cũng phải học cho linh động, không được cứng nhắc. Ví dụ như nhìn thấy người khác thì phải thi lễ, phải cúi chào. Nhưng khi đang ở trong thang máy rất là chật hẹp, đột nhiên gặp chú của các vị đi vào, các vị có thể cúi xuống chào ông không? Có thể người đứng cạnh các vị sẽ bị các vị hất qua một bên. Cho nên chúng ta học lễ nghi thì phải vận dụng linh hoạt. Vừa rồi giáo sư Trương cũng có nói: “Khi ở trong nhà vệ sinh có nên cúi chào để thi lễ không?”. Điều đó không nên. Đợi khi ra ngoài chào hỏi nhau là được rồi. Chúng ta phải thuận theo tình thế, tùy từng nơi mà làm.

Có một vị thầy giáo, ông cũng đã học “trưởng giả tọa, mệnh nãi tọa” (người lớn ngồi, cho phép ngồi). Cho nên khi đến một cơ quan khác để trao đổi với người phụ trách ở nơi đó, người phụ trách đó là nữ giới, ông đứng ở đó rất lâu. Người phụ nữ này đã ngồi xuống nhưng vị thầy giáo này vẫn cứ tiếp tục đứng. Bởi vì người thầy giáo coi cô ấy là trưởng bối, nên trưởng bối không nói thì vị thầy giáo này không dám ngồi. Vị trưởng bối nữ này khi nói chuyện tất nhiên là phải ngẩng đầu lên, bởi vì vị thầy giáo này rất cao, cô ấy lại ngồi nên đầu cứ phải ngẩng lên. Đột nhiên vị trưởng bối nữ này cảm thấy cổ tê cứng, cô ấy liền nói: “Anh ngồi xuống đi! Cổ tôi sắp chịu không nổi rồi”. Khi chúng ta nhìn thấy người khác ở đó mà ngẩng đầu lên nhìn thì không cần phải đợi trưởng bối nhắc, các vị cũng phải tự nhiên mà ngồi xuống. Học thì không được cứng nhắc.

Có một bé gái khoảng hai, ba tuổi, một hôm cùng với cha mẹ và bà ngoại đi ra ngoài chơi. Khi đến công viên, người cha ngồi đó đọc báo, còn bé gái ngồi trên một chiếc ghế băng. Bất chợt bà ngoại đứa bé đi đến, kết quả thấy đứa bé đột nhiên nhẩy lên. Bởi vì chiếc ghế đó hơi cao, đứa bé nhẩy lên và đứng không vững cho nên nghiêng người về phía trước rồi ngã xuống. Bà ngoại và người cha của đứa bé cảm thấy rất kỳ lạ, vội vàng chạy đến nâng đứa bé dậy rồi hỏi: “Làm gì mà con nhảy lên thế?”. Đứa bé liền đáp: “Trưởng giả lập, ấu vật tọa” (người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi). Bởi vì bà ngoại đi đến cho nên nó phải nhanh chóng nhảy lên. Kết quả làm người cha ở đó xấu hổ đến toát mồ hôi. Bà ngoại đi đến nhưng người cha vẫn thờ ơ ở đó mà xem báo. Con anh ấy mới có hai, ba tuổi đã biết nhảy lên. Thật là hậu sinh khả úy! Đối diện với những đứa trẻ được học sách Thánh Hiền, chúng ta cũng phải noi theo chúng học tập cho thật tốt, thực hiện tốt “Đệ Tử Quy”.

************

10.2. Tôn trưởng tiền, thanh yếu đê. Đê bất văn, khước phi nghi. Tiến tất xu, thoái tẩt trì. Vấn khởi đối, thị vật di (Trước người lớn, phải nói nhỏ. Nhỏ không nghe, không đúng phép. Đến phải nhanh, lui phải chậm. Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng)

Đây cũng là lễ phép trong nói chuyện. Trước mặt trưởng bối thì phải nói nhỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm đạo của các bậc trưởng bối. Trẻ nhỏ thời nay đối với việc khi nào nên nói, khi nào không nên nói, đối với chừng mực này rất là kém. Thường thì khi bọn trẻ gặp nhau là không kiềm chế được, là cứ kêu gào, la hét loạn cả trời. Lúc này phụ huynh cần phải ngăn chặn đúng lúc. Nếu không, đợi đến khi chúng đã thành thói quen thì rất khó mà sửa đổi. Cho nên khi phát hiện bọn trẻ nói chuyện rất to, làm ảnh hưởng đến cuộc nói chuyện của trưởng bối thì chúng ta phải nhanh chóng nhắc nhở: “Các con hãy nói nhỏ đi một chút!”. Có một số trưởng bối nói: “Bé tiếng đi một chút!”. Bọn trẻ liền nói nhỏ đi, nhưng nói nhỏ được ba phút lại không kiềm chế được. Thế là vị trưởng bối lại nhắc: “Bé tiếng đi một chút!” nhưng ba phút sau lại không có hiệu quả. Vị trưởng bối này liền nói: “Thôi! Mặc kệ chúng vậy!”. Như vậy là không đúng. Cho nên giáo dục thì cần có sự kiên nhẫn mới được.

Thánh nhân rất nhấn mạnh đạo Trung Dung. Thực ra đạo Trung Dung là biểu hiện trong sinh hoạt hàng ngày của một người. Ví dụ như ăn mặc quần áo có cần phải như đạo Trung Dung không? Mặc nhiều quá thì sẽ nóng, mặc ít quá thì sẽ bị lạnh. Còn ăn cơm thì sao? Ăn nhiều thì bị đau dạ dày, ăn ít quá thì đói. Nói chuyện cũng cần Trung Dung. Cho nên “tôn trưởng tiền, thanh yếu đê(trước người lớn, phải nói nhỏ). Nhưng nếu như nói chuyện với trưởng bối mà lời nói không rõ ràng thì thật là thất lễ, cho nên “đê bất văn, khước phi nghi(nhỏ không nghe, không đúng phép). Nói chuyện với trưởng bối thì phải để cho trưởng bối biết rõ ràng chúng ta định nói gì. Hơn nữa còn phải chú ý rằng khi nói thì mặt phải nhìn đối phương, nhìn vào vị trưởng bối. Đó được gọi là: “Vấn khởi đối, thị vật di” (Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng).

Chúng ta nói chuyện với bọn trẻ thời nay, ánh mắt của chúng chú ý đến các vị trong bao lâu? Rất khó có thể lâu được! Được mười giây là đã tốt lắm rồi. Trẻ nhỏ nói chuyện với người khác mà mắt không chuyên chú thì thể hiện trong lòng nó không có sự cung kính, rất nông nổi. Tại sao trẻ nhỏ thời nay lại nóng vội như vậy? Đó là vì có khiếm khuyết trong sự giáo dục về lễ phép, lâu dần thì thành ra: “Ta làm theo ý ta!”. Cho nên những chi tiết nhỏ này cũng cần có sự kiên nhẫn của chúng ta là những người trưởng bối để dạy bảo, từ từ sẽ để cho chúng đi vào khuôn phép, và mọi nơi, mọi lúc cũng nghĩ cho người khác.

Gặp trưởng bối thì phải nhanh chóng tiến lên, không để cho trưởng bối phải chờ lâu. Đợi khi đã nói chuyện xong với trưởng bối, chúng ta chuẩn bị rời đi thì phải từ từ lùi lại mấy bước, sau đó mới quay đi. Sau khi trưởng bối nói xong các vị không được “Vâng! Tạm biệt!”, rồi lập tức rời đi. Như vậy thì giống như nói với trưởng bối rằng: “Tôi hận là không thể bỏ đi ngay được, không thể ở lại thêm dù chỉ mấy phút”. Mọi nơi, mọi lúc chúng ta đều phải chú ý đến cái cảm nhận của người khác, cho nên gọi là “thoái tất trì(lui phải chậm).

  1. SỰ CHƯ PHỤ, NHƯ SỰ PHỤ. SỰ CHƯ HUYNH, NHƯ SỰ HUYNH

Việc chú bác, như việc cha

Việc anh họ, như anh ruột

Từ “chư phụ” và “chư huynh” này vào thời xưa nó có nghĩa là chỉ chú bác, có thể mở rộng ra là cậu, là trưởng bối. Hàng trưởng bối vai vế ngang hàng với chú, bác, cậu. “Chư huynh” là anh em họ nội, chị em họ nội, còn có anh em họ ngoại, chị em họ ngoại. Chúng ta hãy hồi tưởng lại một chút: Những người chú, bác này cũng đều chăm sóc chúng ta trưởng thành, cũng không biết đã từng bế ta bao nhiêu lần, và trong lòng luôn thầm nguyện cho chúng ta được khỏe mạnh, trưởng thành, cũng rất quan tâm chúng ta. Tục ngữ có nói: “Nhận của người một chút thì phải báo đáp trăm ngàn lần”. Có thái độ như vậy thì cuộc sống mới có phúc hậu, cuộc sống mới đầy ắp niềm vui.

Lần diễn giảng này tôi cũng gặp rất nhiều trưởng bối, rất nhiều bạn hữu, đều là những người tôi quen mấy năm gần đây, cũng có rất nhiều người đã một, hai năm nay tôi chưa gặp mặt. Khi gặp mặt, những vị trưởng bối này, những vị bạn hữu này rất vui vẻ. Họ cũng cầu chúc tôi có thể trong khoảng thời gian này có chút tiến bộ. Khi đối diện với lời cầu chúc chân thành của họ, tôi cũng đều ghi nhớ vào lòng: “Nhận của người một chút thì phải báo đáp trăm ngàn lần”. Tôi càng phải làm cho mình có nhiều tiến bộ hơn để cống hiến cho xã hội, để những người đã chúc phúc cho mình được vui vẻ.

Cho nên cũng giống như vậy, những người chú, bác, những người anh chị em, họ cũng đều đồng hành với sự trưởng thành của chúng ta, cũng có rất nhiều sự dìu dắt, rất nhiều sự quan tâm đối với chúng ta. Chúng ta cũng phải luôn luôn ghi nhớ tấm thâm tình này vào trong lòng để khi họ có nhu cầu thì chúng ta nhất định tận tâm, tận lực đi giúp đỡ.

Từ “chư phụ” (chú bác) này ngoài việc chỉ mối quan hệ thân thuộc ra, chúng ta cũng có thể mở rộng ra để giải thích nó. “Chư” có thể là số nhiều, nhiều người, cũng có thể là phụng dưỡng cha mẹ của bất kỳ người nào chúng ta cũng đều phải có lòng cung kính. Đối xử với anh chị em của bất kỳ người nào chúng ta cũng phải có lòng yêu thương, cũng phải quan tâm. Khi chúng ta giải thích như vậy thì cả tấm lòng sẽ rất là rộng lớn. Rộng lượng thì phúc cũng lớn.

Cụ Hứa Triết ở Singapore là quốc bảo của Singapore. Đã từng có phóng viên phỏng vấn cụ bởi vì mười mấy năm trời trong cuộc đời, cụ đều liên tục dốc sức chăm sóc bệnh nhân, chăm sóc người nghèo khổ. Phóng viên hỏi cụ: “Cụ giúp đỡ nhiều người như vậy, giúp đỡ người ngoài như vậy…”. Phóng viên mới hỏi được một nửa thì cụ đã nói: “Tôi đâu có giúp đỡ người ngoài! Người tôi giúp đều là anh chị em của tôi”.

Cho nên trong thái độ của cụ thì cả vũ trụ đều là nhà của bà. Phóng viên lại hỏi cụ: “Cụ chăm sóc người ta, vậy thì ai chăm sóc cụ?”. Các vị xem, con người đều có rất nhiều phiền muộn. Chăm sóc người khác lại còn sợ không ai chăm sóc mình. “Ông trời sẽ chăm sóc cho tôi”. Các vị xem, thái độ đối với cuộc sống của cụ khoáng đạt biết bao! Thái độ đối với cuộc sống như vậy so với Kinh điển Thánh Hiền thì hoàn toàn tương ưng với nhau.

Lão Tử có nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Cho nên trong tủ lạnh của cụ Hứa Triết không biết tại sao lại có rất nhiều rau xanh, hơn nữa cũng không biết ai đã biếu. Quý vị thân mến! Tại sao lại không biết ai biếu? Khi người thi ân không cần báo đáp thì người báo đáp cũng không muốn cụ biết.

Nếu như hôm nay chúng ta mang quà đi tặng là có mục đích, khi mang quà ra tặng còn phải nói với đối phương: “Cái này là tôi mang đến”. Khi cho đi mà chúng ta có mục đích thì đối phương nhận cũng sẽ thành gánh nặng, giống như nợ các vị một món ân tình. Như vậy giữa người với người sẽ có nhiều áp lực. Cụ Hứa Triết cho đi mà không cầu báo đáp. Cụ lại còn cảm thấy đó hoàn toàn là những việc bà cần phải làm. Cho nên những người được cụ giúp đỡ đều có sự cảm động phát ra từ nội tâm. Có cơ hội là họ lại giúp bà làm một số việc. Mọi người cũng rất là chủ động, cho nên đều mua rau để vào trong tủ lạnh của cụ.

Khi Cô giáo Dương dạy bọn trẻ học sách Thánh Hiền, viết thư pháp, mỗi lần học xong, khi học sinh đều đã về hết, cô giáo đi vào bếp thì cũng đều phát hiện ra có một số đồ. Bên này là túi rau, bên kia là túi hoa quả, cũng chẳng biết là ai biếu nữa. Cho nên, khi chúng ta chân thật dùng tấm lòng thành của mình để tương giao với người khác, khi các vị coi người thiên hạ đều là anh em, thì người thiên hạ cũng sẽ coi các vị là anh em. Cho nên mới có câu: “Tứ hải chi nội giai huynh đệ”. Đó là một kết quả. Vậy nguyên nhân phải gây dựng như thế nào? Chúng ta nhất định phải coi người thiên hạ như người thân. Chúng ta phải chủ động cho đi thì mới có thể có được kết quả như vậy.

Trong “Hiếu Kinh” có một đoạn: “Kính kỳ phụ tắc tử duyệt, kính kỳ huynh tắc đệ duyệt, kính kỳ quân tắc thần duyệt, kính nhất nhân nhi thiên vạn nhân duyệt”. Thực ra quan hệ giữa con người với con người hoàn toàn không phức tạp, chỉ cần các vị có một tấm lòng thành thì nhất định sẽ có được nhân duyên tốt đẹp.

Kính kỳ phụ”, khi đối mặt với cha của người khác, chúng ta đều rất cung kính thì con của người đó cũng sẽ vui vẻ, tin rằng các vị cũng có thể sống rất tốt đẹp với những người thân trong gia đình họ.

Kính kỳ huynh” là các vị tôn trọng huynh trưởng của họ, thì những người em trai, em gái này sẽ rất vui sướng.

Kính kỳ quân”, các vị tôn trọng cấp trên của họ, hoặc tôn trọng công ty của họ, vậy thì những người nhân viên trong công ty này cũng sẽ rất tôn trọng các vị.

Khi chúng ta luôn luôn có lòng cung kính thì tự nhiên sẽ có được tình hữu nghị với mọi người.

Ngoài những điều tôi vừa nêu trên là đối với cha mẹ, đối với anh chị đều phải cung kính, tiếp đến chúng ta mở rộng ra là “yêu ai yêu cả đường đi lối về”, phải kính trọng “chư phụ”, kính trọng “chư huynh”, ví dụ như con của anh trai, con của em trai, hoặc là con của bác, con của chú chúng ta cũng đều yêu thương.

Vào thời nhà Minh ngày xưa có một vị nữ sĩ tên là Chương Quế Anh. Cha của cô mất sớm cho nên từ nhỏ cô đã mồ côi. Cô có ba người anh trai, nhưng ba người anh trai sau đó cũng mất sớm. Cho nên cô và các chị dâu cùng chăm sóc các cháu. Nhưng thật không may, ba chị dâu của cô cũng lục tục rủ nhau qua đời. Trong tình cảnh này, Chương Quế Anh quyết định gánh vác lấy trách nhiệm phải nuôi dạy cho những đứa cháu trưởng thành. Khi cô có thái độ như vậy thì đó đúng là: “Sự chư phụ như sự phụ, sự chư huynh như sự huynh” (Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột). Cô làm như vậy nhất định sẽ làm cho các anh cô ở nơi chín suối được nguôi ngoai. Các anh trai được an ủi thì cha mẹ cũng được an ủi. Cho nên chúng ta thường phải “yêu ai yêu cả đường đi lối về”. Cả đời cô đã không đi lấy chồng, nhưng liệu cô có bị thiệt thòi không? Tin rằng khi dùng tấm lòng chân thành để yêu thương những đứa cháu này thì cuối đời cô cũng được những đứa cháu này phụng dưỡng.

Trong quá trình tôi dạy học cũng từng gặp phải trường hợp cha mẹ học sinh đều đã qua đời và người cô phải nuôi dưỡng. Khi người cô này tìm hiểu đối tượng thì cũng nói thẳng với người yêu rằng: “Em lấy chồng thì cũng phải mang theo hai đứa cháu”. Lúc đó, khi nói chuyện với cô ấy (cô của học sinh) tôi cũng rất cung kính và nể phục. Chân thật khi nói chuyện với cô ấy, nói đến nửa chừng nếu như không kìm nén được thì thiếu chút nữa tôi đã rơi nước mắt, rất cảm động trước ý muốn chân thành, trung nghĩa của cô.

Khi mỗi một vị phụ huynh đều có thể yêu thương con cháu mình như vậy, tin rằng trong cái gia đình không được viên mãn ấy cũng sẽ phát triển rất tốt. Đây là nói đến: “Yêu ai yêu cả đường đi lối về”. Cho nên đối với trưởng bối phải kính trọng, đối với người hậu sinh phải yêu thương.

Vừa nãy chúng ta có nói đến cụ Hứa Triết, cụ đã coi người trong thiên hạ như người nhà để đối xử. Vào thời nhà Tấn có một học trò tên là Tổ Thích. Khi đó nước Tấn không được ổn định, phía Bắc có Ngũ Hồ làm loạn. Bất đắc dĩ ông dẫn người của mấy trăm hộ gia đình, bao gồm người thân của ông và còn có những người hàng xóm trong thôn cùng nhau chuyển đến một nơi gọi là Hoài Tứ. Bởi vì từ nhỏ ông đã có nghĩa khí, rất biết chăm sóc người khác, cho nên dọc đường tất cả những ngựa xe ông đều nhường cho những người già cả đi, còn ông thì đi bộ. Ông cũng đem tất cả tài sản, thuốc men trong nhà ra cho mọi người dùng, dọc đường luôn chiếu cố cho mọi người như vậy. Lúc đó Tấn Nguyên Đế cũng rất bội phục đức hạnh của ông nên đã phong cho ông làm quan, và ông làm cũng rất tốt. Hơn nữa ông thường ôm ấp ý định là nhất định phải lấy lại những mảnh đất mà Tổ quốc đã bị mất, rất là hùng tâm, tráng chí. Quả nhiên trong cuộc đời của ông cũng lấy lại được rất nhiều mảnh đất mà nhà Tấn bị mất.

Trong thời gian đi lánh nạn, Tổ Thích cũng luôn luôn lo liệu cuộc sống cho tất cả mọi người, giúp đỡ họ làm thế nào để canh tác, làm thế nào để có sự gặt hái tốt đẹp. Khi gặp phải những bộ hài cốt, bởi vào thời chiến loạn thì thường gặp phải rất nhiều hài cốt ở khắp mọi nơi trên mặt đất. Tổ Thích liền tổ chức mọi người mang những bộ hài cốt này đem chôn, và còn tổ chức cúng tế cho họ. Những hành động này đều làm cho những người đi theo ông rất cảm động. Có một lần khi mọi người cùng nhau ăn cơm, có rất nhiều trưởng bối trong khi nói chuyện đã nói: “Chúng ta đã già cả như vậy rồi, nay có thể gặp được Tổ Thích thật giống như là cha mẹ tái thế của mình vậy. Chúng ta có chết cũng không ân hận”. Tấm lòng nhân nghĩa của Tổ Thích như vậy không biết đã cảm động biết bao nhiêu người. Cho nên khi Tổ Thích qua đời thì mọi người đều đau buồn giống như cha mẹ họ mất vậy. Tổ Thích chân thật đã thực hiện được câu: “Sự chư phụ như sự phụ, sự chư huynh như sự huynh(Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột).

Khi tôi đi học ở Úc, có một vị trưởng bối, so ra ông còn lớn tuổi hơn cha tôi. Trong thời gian ở Úc, dạ dày ông bị xuất huyết, nôn ra rất nhiều máu cục. Khi ông đến trường của chúng tôi, tôi gặp ông thì thấy mặt ông nhợt nhạt, trắng bạch. Tôi liền đi thông báo cho nhân viên công tác bản địa nhanh chóng đưa ông đi bệnh viện, may mà không có vấn đề to tát xảy ra, chỉ cần điều dưỡng cho tốt trong một thời gian. Bởi vì chúng tôi sang đây là để đi học nên hàng ngày phải học rất nhiều bài. Vị trưởng bối này lại cần có người chăm sóc. Tôi liền xung phong, tôi nói: “Để tôi chăm sóc”. Tôi phải lĩnh hội được cảm nhận khi hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, bởi vì tôi có ở với cha mẹ một thời gian.

Có rất nhiều vị bạn hữu nói: “Anh thật là hiếu thảo!”. Tôi cảm thấy rất hổ thẹn, bởi cha mẹ tôi còn khỏe hơn tôi. Bề ngoài thì là tôi chăm sóc cho cha mẹ, nhưng kỳ thực họ chăm sóc cho tôi rất nhiều. Bây giờ có cơ hội như vậy, vị trưởng bối này bị bệnh thì tôi có thể thực hiện được câu: “Thân hữu tật, dược tiên thường” (Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước) rồi. Những việc này thì đều có thể làm được. “Thần tắc tỉnh, hôn tắc định” (Sáng phải thăm, tối phải viếng), luôn luôn chú ý đến nhu cầu của ông. Tôi rất vui, tuy rằng không thể lên lớp được nhưng tôi có thể thông qua việc chăm sóc trưởng bối để thực hành những gì mình đã học.

Bởi dạ dày của ông bị tổn thương cho nên không ăn được những thức ăn khó tiêu hóa, phải ăn những thức ăn dạng bột giống như cho trẻ sơ sinh ăn, hơn nữa cứ hơn hai tiếng lại ăn một lần. Tôi bắt đầu học cách chăm sóc trưởng bối, hai tiếng lại nấu một bát bột mạch cho ông ăn. Trong quá trình này, tôi đã nâng cao được trình độ cẩn thận, tỉ mỉ của mình. Vị trưởng bối đó cũng rất vui khi tôi chăm sóc ông dưỡng bệnh. Cũng bởi nhân duyên này mà tôi học được ở vị trưởng bối này rất nhiều đạo lý đối nhân, xử thế. Vị trưởng bối này tuy là công nhân, và công việc của ông cũng rất bận rộn, có lúc ông phải xuống cống ngầm thoát nước, xuống rất sâu dưới cống ngầm thoát nước để làm việc. Nhưng đều là ông dẫn đầu rất nhiều người Ấn Độ, bởi vì ở Singapore có rất nhiều di dân của các nước khác đến. Ông nói rằng ông dẫn đầu những người nước khác và ông đều là người xung phong xuống trước. Vì xuống đó rất nguy hiểm cho nên ông không bao giờ để công nhân của ông xuống trước, mà đều là ông xuống trước. Khi cuộc sống công nhân của ông bị túng thiếu ông đều khẳng khái lấy tiền ra giúp đỡ họ mà không bao giờ đòi lại.

Cho nên trong thời gian này tôi lại được thân cận với một người nhân đức. Tuy công việc của ông là dùng sức lực nhưng ông lại rất thích văn hóa Thánh Hiền, và còn viết được chữ Tiểu Triện rất đẹp. Cho nên chúng ta chân thật phải kính trọng, lễ phép với tất cả mọi người, bởi có rất nhiều nhân tài tiềm ẩn ở xung quanh mà chúng ta không biết. Nếu như các vị có thể không ngừng duy trì tấm lòng cung kính thì ở đâu các vị cũng chân thật gặp được quý nhân, và có thể lĩnh hội được: “Năng thân nhân, vô hạn hảo. Đức nhật tiến, quá nhật thiểu” (Gần người hiền, tốt vô hạn. Đức tiến dần, lỗi ngày giảm).

Bởi vì chúng tôi cùng ở chung một chỗ nên đều chăm sóc lẫn nhau. Đến lúc tôi phải ra đi thì người bác họ Trần này và mấy người nam giới ở chung với chúng tôi tập trung với nhau vào buổi tối hôm trước. Sau đó họ tiễn tôi đi, tôi cũng thể hội rất sâu sắc đối với tình cảm lưu luyến giữa nam giới với nam giới này. Cho nên tôi nói rằng không chỉ có tình cảm chân thật giữa nam giới với nữ giới, mà giữa nam giới với nhau cũng rất có chân tình, chân nghĩa. Quan trọng nhất là chúng ta phải có tấm lòng chân thành để đối xử với người khác. Cho nên mới nói: “Sự chư phụ như sự phụ, sự chư huynh như sự huynh(Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột).

CHƯƠNG THỨ BA

CẨN

Chúng ta nhìn thấy chữ “cẩn” thì nghĩ đến điều gì? Phải rất cẩn thận, cẩn thận với lời nói, hành động. Thật ra, những điều được giảng trong chương “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) và chương “xuất tắc đễ” đều có liên quan đến cẩn thận. Những lễ nghi có nhắc đến trong “xuất tắc đễ”: “Trưởng giả lập, ấu vật tọa. Trưởng giả tọa, mệnh nãi tọa. Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu. Trưởng giả trên, ấu giả hậu(Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi. Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau) đều có chừng mực trong lời nói, hành động, chúng ta cũng cần phải cẩn thận để đối xử.

Có một Công ty đầu tư nổi tiếng ở Bắc Kinh cần tuyển nhân viên. Ứng viên cũng phải thông qua các đợt kiểm tra, phải làm một loạt bài thi, và còn phải thi tiếng Anh. Quá trình này đã loại rất nhiều người, cuối cùng chỉ còn lại một số người chuẩn bị thi vấn đáp lần cuối cùng. Vừa lúc đó thì người chủ của Công ty đi vào ngồi cùng với họ một lúc. Người chủ này nói: “Bây giờ tôi có việc phải ra ngoài khoảng mười phút, các vị đợi tôi một lát”. Và thế là người chủ đi ra ngoài. Tất cả những người ở bên trong phòng ngồi được một, hai phút thì đứng lên. Sau đó nhìn thấy trong văn phòng có một số tài liệu thì họ liền mở ra xem, người này xem xong lại còn đưa cho người kia xem, và người kia cũng mở ra xem. Sau mười phút người chủ quay lại và nói: “Các vị đều không trúng tuyển”. Bởi vì trong văn phòng có lắp máy quay phim, cho nên người chủ đã nhìn thấy mọi người đều động vào tài liệu. Cũng bởi họ chưa từng học câu: “Sự tuy tiểu, vật thiện vi. Cẩu thiện vi, tử đạo khuy” (Việc tuy nhỏ, chớ tự làm. Nếu đã làm, thiếu đạo con). Họ cũng chưa học qua câu: “Nhập hư thất, như hữu nhân” (Vào phòng trống, như có người), cho dù không có mặt chủ nhân, cho dù không có mặt người khác chúng ta vẫn phải giữ chừng mực không được giảm bớt chút nào.

Khi người chủ này tuyên bố họ đều không được tuyển dụng thì những người này rất phẫn nộ bất bình: “Sao lại có thể như thế được!”. Những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học này nói: “Từ nhỏ đến lớn không có ai dạy chúng tôi rằng không được tự ý mở xem tài liệu của người khác”. Những việc đối nhân, xử thế này rất là quan trọng, cho nên phải cẩn thận.

Chữ “cẩn” ở một góc độ nhỏ để xem xét, có thể chúng ta không cẩn thận sẽ làm trở ngại người khác. Ví dụ như các vị ngồi không đàng hoàng, chân duỗi ra phía trước, rất có thể làm cho người khác bị vấp ngã. Ở phương diện lớn, nếu các vị không cẩn thận thì có thể gây nên tai họa, bị thương vong. Gần đây ở Mỹ có một vụ rơi máy bay trực thăng. Sau đó người ta đã tìm ra được nguyên nhân. Đó là khi kiểm tra máy bay, thật ra là nó đã bị nứt nhưng không kiểm tra ra, kết cục là cả người lẫn máy bay đều bị nát bét. Cho nên khi chúng ta làm những công việc cần làm của mình thì phải luôn luôn cẩn thận, nếu không, có thể là do sơ xuất mà làm tổn hại đến tính mạng và tài sản của người khác.

Giống như tôi thường xuyên phải đi máy bay đến các nơi để diễn giảng. Nếu như không cẩn thận, ví dụ hôm nay phải đi Malaysia nhưng không tìm thấy hộ chiếu đâu, vậy thì sẽ xảy ra tình huống gì? Bởi vì đã không “trí quan phục, hữu định vị. Vật loạn đốn, trí ô uế” (Nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn), như vậy sẽ có kết cục là không chỉ có riêng mình mình bị căng thẳng, sốt ruột, đến giờ vẫn không đi được mà mình lại còn có lỗi với những người đang đợi mình. Cho nên cẩn thận tuy là một phương diện nhỏ nhưng sự ảnh hưởng của nó thật là to lớn. Nếu như một người lãnh đạo của một đơn vị không cẩn thận thì đều có thể chỉ vì một việc nhỏ mà tạo thành một lỗi lớn không thể bù đắp lại được. Cho nên nhất định phải để cho trẻ nhỏ ngay từ bé đã có thái độ cẩn thận.

Ở Trung Hoa Đại Lục năm ngoái đã xảy ra một vụ án mà tất cả mọi người đều phải suy ngẫm, đó là vụ án “Mã Gia Tước”. Mã Gia Tước là một sinh viên đại học. Anh ấy chưa tốt nghiệp nhưng đã tham gia rất nhiều cuộc thí nghiệm vật lý, hóa học trên toàn quốc, cũng rất có tiếng tăm. Có ưu tú không? Rất ưu tú. Kết quả chỉ vì xung đột với bạn học mà anh ấy giết chết bốn người, cho nên bị truy nã toàn quốc. Sự việc này làm chấn động cả giới giáo dục khiến họ phải suy ngẫm về việc phải chú trọng đến giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên. Tôi cũng đã từng hỏi một số bạn bè rằng: “Anh có suy nghĩ gì khi thấy Mã Gia Tước gây ra những việc như vậy?”. Có một số người nói rằng: “Những người như thế này thì chỉ có xử tử hình”. Có một số người theo ngành giáo dục, có lẽ họ không có cái nhìn như vậy nên họ thấy Mã Gia Tước rất đáng thương. Anh ấy còn chưa bước chân vào xã hội, tại sao đã làm ra những chuyện tàn nhẫn như vậy, làm ra việc tày đình như vậy?

Cho nên thông qua câu chuyện này, gia đình phải tự xem xét lại, trường học cũng phải xem xét lại tại sao những thái độ làm người, đối nhân, xử thế này mà một sinh viên có thành tích ưu tú như vậy lại không học được. Hơn nữa, khi sự việc còn chưa xảy ra, có lẽ anh ấy là niềm kiêu hãnh của cha mẹ. Bởi vì anh ấy là người ở miền quê xa xôi mà thi đậu, thôn làng của họ có mỗi mình anh ấy là sinh viên đại học. Cho nên chúng ta chân thật không thể để cho danh lợi bên ngoài làm đắm chìm, phải càng thực tế để nhìn nhận, để cuộc sống của một người có thể được vững vàng, toàn vẹn. Không phải là “học lực” mà là “đạo đức”. Mã Gia Tước chưa từng học “Đệ Tử Quy”. Nếu như anh ấy đã học “phàm thị nhân, giai tu ái” (Phàm là người, đều yêu thương), thì anh ấy đã không gây ra những việc như thế. Nếu như anh ấy đã từng học “huynh đạo hữu, đệ đạo cung” (anh thương em, em kính anh), đã từng học “ngôn ngữ nhẫn, phẫn tự mẫn(lời nhường nhịn, tức giận mất), thì sẽ không có cái tai nạn đáng tiếc này xảy ra.

Tại sao anh ấy lại manh nha giết người? Bởi vì bạn học thường hay cười anh ấy vì anh ấy quá nghèo, anh ấy không có quần áo đẹp để mặc. Trong nhà tù, anh ấy còn nói với giám thị trưởng rằng: “Cái áo tù này là cái áo tốt nhất mà tôi từng mặc”. Khi tất cả mọi bạn học đều chế giễu anh ấy, thì lòng tự ti của anh ấy càng ngày càng không nhẫn chịu được, cũng bởi sự kích thích này mới làm mất đi lý trí. Từ câu chuyện này tôi cũng muốn cảnh báo với các bậc phụ huynh rằng, các vị phải đứng ở một góc độ khác để nhìn nhận sự việc là tại sao đám sinh viên này bị giết. Tại sao? Có phải là ngẫu nhiên không? Không phải! Bởi vì họ không có chừng mực trong cách làm người, họ chưa học được: “Vật siểm phú, vật kiêu bần(Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo). Họ chưa học được: “Nhân hữu đoản, thiết mạc kiết. Nhân hữu tư, thiết mạc thuyết(Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền). Họ lấy việc riêng tư của người khác ra mà giễu cợt thì khó tránh khỏi việc người ta không dùng lý trí để đối xử lại với họ. Còn có một câu nói rằng: “Dương nhân ác, tức thị ác, tật chi thậm, họa thả tác” (Khen người ác, chính là ác. Ác cùng cực, tai  họa đến). Người ta cũng giống như “con giun xéo lắm cũng oằn”.

Cho nên từ câu chuyện này chúng ta cũng phải xem xét lại. Chúng ta dạy bảo trẻ nhỏ tuyệt đối không để cho chúng đi làm hại người khác giống như Mã Gia Tước. Cũng vậy, chúng ta phải dạy bảo bọn trẻ không được vì người khác gây gổ mà đi tấn công họ. Khi trong lời nói của bọn trẻ đều là những lời cười nhạo người khác, đều là sự khinh miệt người khác thì chính chúng ta cũng phải cẩn thận. Bởi nó sẽ làm cho cuộc sống sau này của bọn trẻ đầy rẫy những nguy cơ. Từ câu chuyện này chúng ta cũng hiểu được rằng luôn luôn phải cẩn thận trong lời nói và hành động mới được.

HẾT TẬP 20. XIN XEM TIẾP TẬP 21!