CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 24/40
Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005
Bài giảng trước chúng ta có nói đến năm trước tôi có dạy một em học sinh lớp 6, sau đó thành tích của em đó rất có tiến bộ, cũng là một lớp trưởng rất tốt. Cho nên vào hôm tốt nghiệp, khi tôi tặng phần quà cuối cùng cho nó thì nó rơi nước mắt. Tôi đứng trên bục giảng trong lòng nghĩ mình là người đã từng trải đời, cũng đã dạy học, cho nên không thể vì những việc đau lòng mà rơi lệ. Và tôi đã hứa với chính lòng mình: “Cuộc đời này chỉ nên rơi lệ vì cảm động chứ không được rơi lệ vì đau lòng, bởi rơi lệ vì đau lòng thì sẽ không giúp ích được gì cho mình và cho người”. Cho nên trong lòng tôi nghĩ nếu như đợi đến khi nó ra ngoài cổng trường rồi mà nó vẫn còn khóc thì tôi sẽ phải an ủi nó. Sau đó tôi chỉnh đốn lại hàng ngũ, rồi dắt tay các em học sinh đi ra ngoài cổng trường. Đi được nửa đường tôi quay lại nhìn thì vẫn thấy nó đang khóc. Tôi liền cho dừng hàng ngũ lại rồi đi đến trước mặt nó. Trong lòng tôi muốn dùng tay trái của tôi nắm lấy tay của nó, còn tay phải sẽ vỗ vỗ vào vai nó và nói: “Đừng khóc nữa!”. Nhưng khi tôi vừa nắm lấy tay trái của nó, tay phải đang định vỗ vào vai nó thì đứa bé này đã nắm chặt lấy tay tôi rồi ra sức nói với tôi: “Cảm ơn thầy giáo! Cảm ơn thầy giáo! Cảm ơn thầy giáo!”. Tôi lúc đó hình như bị điện giật, thì ra giữa nam giới với nam giới cũng có thể xảy ra tình trạng điện giật. Tấm lòng chí thành này của học sinh làm cho tôi vô cùng cảm động. Nước mắt đã chảy quanh khóe mắt tôi, nhưng tôi không thể mất kiềm chế bởi còn phải dẫn cả đoàn ra ngoài cổng trường. Sau đó tôi hít thở thật sâu hai lần rồi dẫn cả đoàn ra ngoài cổng trường và nói lời tạm biệt với chúng.
Khi một mình tôi quay trở lại sân trường thì chợt có một cảm nhận rất sâu sắc rằng không phải tôi đã dạy người học sinh này, mà là người học sinh này đã dạy cho tôi một bài học vô cùng quan trọng kể từ khi tôi theo nghề dạy học. Nó đã dạy cho tôi hiểu rằng: “Không có học sinh nào là không thể dạy bảo được”. Một học sinh bị nhà trường cho là có hành vi lệch lạc, cũng có thể trong vòng mấy tháng ngắn ngủi, dùng tấm lòng yêu thương của chúng ta để làm một cuộc chuyển biến lớn như vậy. Điều này chân thật đã ấn chứng được câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Cho nên phải hỏi chính chúng ta có tấm lòng chân thành như vậy không? Thông qua cảm nhận mà học sinh cho tôi, tôi cũng lĩnh hội được một điều: “Khi trong cuộc sống của một đứa bé mà nó cảm nhận được rằng có một người luôn yêu thương nó, thật sự quan tâm đến nó thì đứa bé này sẽ không bao giờ trở nên hư hỏng hoặc tự sát”.
Quý vị thân mến! Tỷ lệ trẻ em thời nay tự sát càng ngày càng cao. Nguyên nhân của việc này là do trẻ em cảm thấy trống rỗng, cảm thấy không có ai quan tâm đến chúng.
Chúng ta có nhắc tới trẻ em thời nay phóng xe bạt mạng. Thay vì để cho cảnh sát phải truy đuổi, phải bắt giữ chúng thì chi bằng chúng ta giáo dục cơ bản cho chúng ngay từ trong gia đình. Sự ổn định hay rối loạn của cả xã hội cũng đều do gia đình là cơ bản, là nguồn gốc. Cho nên tôi cũng tự hứa với mình khi đã dạy học ở một trường nào thì sẽ không bao giờ đổi trường khác, sẽ cứ dạy ở đó. Khi bắt đầu theo nghề dạy học tôi đã có ý nghĩ như thế. Tại sao vậy? Bởi tôi chỉ cần dạy ở đó mà không chuyển đi, ví dụ như tôi dạy hai mươi năm, ba mươi năm ở đó thì tất cả học sinh nhất định sẽ tìm được tôi. Giáo dục một đứa trẻ có phải chỉ cần hai năm là được? Tất nhiên là phải hướng dẫn và nhắc nhở trong một thời gian dài. Cho nên chỉ cần chúng trong một, hai năm này sâu sắc cảm nhận được những việc thầy giáo làm cho chúng không cần báo đáp, thì tin rằng sau này khi cuộc sống của chúng gặp phải vấn đề, chúng nhất định sẽ tìm thầy giáo. Tuyệt đối chúng sẽ không đi vào con đường sai lầm, càng không thể tự sát. Bởi một khi trong lòng của một người có được sự yêu thương, thì sẽ không tuyệt vọng như vậy.
Nhưng kết quả tôi mới dạy học được hai năm thì “người tính không bằng trời tính”. Cũng bởi vì lĩnh hội được rằng đạo đức của trẻ em là căn bản, cho nên tôi cũng hy vọng nhân lúc còn trẻ thì nhanh chóng đi sâu vào nghiên cứu giáo huấn của Thánh Hiền. Vì vậy tôi xin thôi việc. Nhưng cũng vì xin thôi việc mà tôi mới có cơ hội sang Đại Lục Trung Quốc để phát triển văn hóa ngàn năm của Tổ Tông. Và cũng trong quá trình này, tôi đã quen biết được rất nhiều thầy giáo, cô giáo, cũng trao đổi với nhau kinh nghiệm về giáo dục và thái độ giáo dục đối với bọn trẻ. Cho nên khi thấy bọn trẻ có những hành vi không tốt, chúng ta không nên chỉ biết nổi giận, mà phải bắt tay từ nguyên nhân để giải quyết.
Khi trong lòng của một người rất là cung kính, rất là cẩn thận thì tỷ lệ xảy ra tai nạn của người đó có thể giảm bớt. Mà tấm lòng cung kính này tuyệt đối không phải chỉ khi lái xe mới cẩn thận, mới cung kính, mà ở tất cả mọi lúc, mọi nơi đều nâng cao thái độ cẩn thận, cung kính. Bắt đầu từ hôm đi xem ôm với đầu tóc rối bù trở đi thì tôi mới biết: “Bất kinh nhất sự, bất trưởng nhất trí” (có trải qua mới biết). Bởi vậy, bây giờ khi muốn lên bục giảng thì trước tiên phải làm sao? Tôi là người không thích soi gương mà bây giờ cũng phải học được tính cẩn thận hơn một chút.
16.2. Chấp hư khí, như chấp doanh (Cầm vật rỗng, như vật đầy)
Chúng ta hãy xem động tác “chấp hư khí” (cầm vật rỗng) này. Ví dụ khi bưng một cái đĩa đã ăn hết thức ăn, đương nhiên trọng lượng của nó sẽ nhẹ hơn. Nhưng tại sao lại phải bưng với thái độ giống như bưng cái đĩa vẫn đang có đồ ăn vậy? Ý muốn nói có lúc các vị cầm những đồ vật nhẹ thì thường khinh suất không cẩn thận, rất có thể do sơ suất mà làm vỡ, làm hỏng. Đây cũng là để cho chúng ta phải cẩn thận hơn. Có rất nhiều sản phẩm kỹ thuật cao khi cầm lên rất nhẹ, nhưng mỗi một đồ vật này có giá mấy nghìn đến mấy chục nghìn tệ. Chúng ta hoặc con cái đối với những động tác này mà không cẩn thận thì rất có thể vì không cẩn thận mà đi đứt một tháng lương. Cho nên điều này cũng phải chú ý từ những chi tiết nhỏ này để nhắc nhở bản thân.
************
16.3. Nhập hư thất, như hữu nhân (Vào phòng trống, như có người)
Câu này ý muốn nói khi đến một nơi không có người thì chúng ta vẫn phải có thái độ như là bên cạnh đang có người khác. Điều này cũng được nhắc đến trong “Trung Dung” là phải có thái độ “thận độc” (một mình cũng phải cẩn thận). Thái độ đối nhân, xử thế của một con người tuyệt đối không phải chỉ bởi không có người khác nhìn thấy mà có sự sơ suất, thờ ơ. Điều này cũng rất là quan trọng. Cho nên điều này cũng mách bảo với chúng ta rằng đối nhân, xử thế phải thành quán tính, tuyệt đối không thể nói một đằng, làm một nẻo.
Có một vị thầy giáo nói với học sinh của ông rằng: “Không được tùy tiện nhổ đờm xuống đất!”. Nhưng có một hôm ông ấy thấy xung quanh không có ai, ông nghĩ rằng tuyệt đối không có sai sót nào, thế là ông nhổ đờm xuống đất. Bất chợt ở đằng xa có tiếng vọng lại: “Thầy giáo à! Sao thầy lại nhổ đờm?”. Vị thầy giáo đó toàn thân liền nổi da gà, không còn mặt mũi nào để gặp người thân.
Còn có một thầy giáo ở một lớp nọ rất dữ tợn, thường xuyên la mắng học sinh. Một hôm trường cử ông ấy lên diễn giảng cho toàn trường, thậm chí là cho những giáo viên trường khác đến tham quan dự giờ. Bởi vì bình thường, học sinh bị ông la mắng quen rồi, và cũng luôn có khoảng cách với ông ấy. Bình thường thì rất là hung tợn, nhưng hôm đó ông ấy lại chợt tỏ ra vui vẻ, hòa nhã. Và kết quả buổi học hôm đó người ngồi dưới nghe mà nổi cả da gà. Tôi nghĩ học sinh cũng rất không thoải mái. Làm người như vậy quá là mệt mỏi!
Cho nên làm người đã thành thói quen. Một số người sẽ cảm thấy rằng làm như vậy liệu có mệt mỏi quá không? Kỳ thật, làm người mà nhất quán (trước sau như một) thì càng làm càng nhẹ nhàng, càng làm lại càng để cho người khác thêm tôn trọng các vị.
Khi xung quanh không có người thì bọn trẻ luôn luôn nói rất lớn tiếng. Giống như khi chúng ta đi du lịch ở nơi nào đó, khi leo núi có rất nhiều trẻ nhỏ kêu gào ầm ĩ. Nếu là tôi, tôi sẽ nói với các em đó rằng: “Hôm nay chúng ta đi ra ngoài thiên nhiên để leo núi, vậy xin hỏi: Chủ nhân của quả núi này là ai? Là ai? Đương nhiên là cây cối, động thực vật ở trên núi rồi. Bởi vì chúng cư trú lâu năm ở đó, cho nên chúng là chủ nhân. Vậy còn các em là ai? Các em là khách, thỉnh thoảng các em mới đến nhà chúng chơi. Có ai là khách đến chơi nhà người khác mà lại kêu gào ầm ĩ lên không? Có hay không? Như vậy thì thật là xấu hổ, nhất định sẽ bị những động vật trên núi này cười cho: “Cái người này thật là không cóvăn hóa!”. Chúng ta phải biết tôn trọng tất cả vạn vật. Cho nên khi leo núi không được lớn tiếng, vì những âm ba này có thể sẽ làm chấn động đến những tảng đá. Đến lúc đó, nếu như vừa vặn có một tảng đá nào đó bị lỏng lẻo tuột ra, thì tiếng động quá lớn này có thể làm nó chấn động mà rơi xuống cũng không biết chừng”.
Thời xưa chúng ta có câu chuyện Mạnh Khương Nữ khóc đổ Vạn Lý Trường Thành. Điều này có vẻ hơi khoa trương, nhưng chân thật là năng lượng âm ba tiếng động do con người phát ra có thể làm chấn động mà rơi đá xuống. Điều này là có thể. Cho nên “nhập hư thất, như hữu nhân” (vào phòng trống, như có người), cần phải cẩn thận.
Có rất nhiều đứa trẻ thời nay khi đến nhà người khác chơi, có thể chủ nhà còn đang bận ở trong bếp, thế là bọn trẻ cứ tự nhiên đi thăm quan khắp nơi. Như vậy có đúng không? Như vậy là không đúng. Như vậy là không tôn trọng chủ nhà. Hơn nữa nếu là phòng ngủ của chủ nhà thì càng không được tự tiện vào. Cho nên những điều này cũng phải được nhắc nhở bọn trẻ. Ví dụ như chúng tự tiện đi vào rất nhiều phòng, đến khi chủ nhà phát hiện mất đồ thì người bị nghi ngờ đầu tiên là ai? Tôi có một người bạn khi còn nhỏ, anh ấy có đến nhà bạn học chơi. Kết quả là trong phòng của cha người bạn học này bị mất một số tiền. Ngày hôm sau người bạn học liền nói anh ấy là kẻ trộm. Tất cả học sinh trong lớp cũng đều nghĩ như vậy. Lúc này các vị có muốn biện hộ thì dù có trăm cái miệng cũng không thể biện bạch được. Các vị cũng chẳng có cách gì để chứng minh rằng mình không lấy, vì thật sự là các vị có vào đó một lúc rồi mới đi ra. Cho nên cũng phải luôn luôn cảnh giác, cũng phải tránh để bị hiềm nghi, không nên để người khác hiểu lầm. “Nhập tư thất, như hữu nhân” (vào phòng trống, như có người), đây là để tránh bị nghi ngờ.
Trong “Thường Lễ Cử Yếu” của Trung Quốc cũng có một câu là: “Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan”. Ý của câu này muốn nói khi đi qua ruộng dưa của người khác, các vị không nên cúi xuống buộc dây giầy. Bởi vì họ ở đằng xa mà nhìn thì thấy các vị đang cúi xuống ruộng dưa của họ, trông bạn giống như đang ăn trộm dưa của họ. Nếu như các vị đứng dưới cây mận mà đưa mũ lên đầu đội thì cái tay của các vị giống như đang vặt mận của người ta vậy. Đây cũng là để tránh khỏi tình trạng “tình ngay lý gian”. Cho nên phần sau của “Đệ Tử Quy” cũng có nói: “Tương nhập môn, vấn thục tồn, tương thượng đường, thanh tất dương” (sắp vào cửa, hỏi có ai. Sắp vào nhà, cất tiếng lớn). Các vị khi vào nhà của người khác thì không được tùy tiện đi thăm quan khắp nơi, khi thấy không có người thì nhất định phải cất tiếng hỏi xem có ai ở nhà không. Cái chừng mực tiến thoái này chúng ta cũng phải cẩn thận. Đây là “nhập hư thất, như hữu nhân” (vào phòng trống, như có người).
************
16.4. Sự vật mang, mang đa thố (Chớ làm vội, vội sai nhiều)
“Mang” (vội vàng) thì sẽ bị rối loạn. Cho nên phương pháp đối trị với rối loạn là phải “hòa hoãn”. Hòa hoãn thì tránh được ân hận về sau, lùi một bước thì tránh được tai họa. Luôn luôn gọn gàng, ngăn nắp thì cũng không dễ gì mà làm ra những việc lầm lỗi. Sau đó lại biết tiến thoái, khi cần lui cũng không nên miễn cưỡng ra mặt thì có thể tránh được tai họa cho bản thân.
Câu “sự vật mang” (chớ làm vội) này cũng cần kết hợp rất nhiều giáo huấn về phương diện chữ “cẩn” thì các vị mới có thể làm tốt được mọi việc. Ví dụ như trước đây có nhắc tới “trí quan phục, hữu định vị. Vật loạn đốn, trí ô uế” (nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn), đây là thói quen quy nguyên của những đồ vật bị mang đi chỗ khác. “Động vật quy nguyên, vật hữu định vị”, đồ vật phải để vào những nơi quy định, khi nào cần lấy thì các vị sẽ không bị loạn. Sau khi lấy và dùng xong thì phải để lại chỗ cũ.
Ví dụ khi chúng ta tắm xong, các vị dùng vòi hoa sen khi tắm xong nhất định phải chỉnh đường nước về vị trí đường ra của vòi nước phía dưới. Nếu không, mấy tiếng sau có thể có người khác vào sử dụng, khi họ mở vừa nước ra thì các vị sẽ nghe thấy một tiếng kêu thất thanh. Toàn thân họ sẽ ướt hết. Cho nên có rất nhiều việc chúng ta phải cẩn thận, thận trọng. Trước khi rời đi, các vị phải kiểm tra kỹ lưỡng thì mới không làm cho mình và người khác bị khốn đốn. Chúng ta phải thận trọng từ lúc ban đầu và cho đến lúc cuối cùng cũng vẫn phải cẩn thận.
Cho nên bất cứ đồ vật gì khi sử dụng xong, các vị cũng phải kiểm tra lại một lượt xem nó đã được để lại vị trí cũ chưa. Có vậy khi mình hoặc người khác cần dùng thì mới tránh được tình trạng không tìm thấy. Khi chúng ta rời khỏi nhà, ví dụ như đi một tuần mới về, trước khi đi chúng ta phải kiểm tra hết một lượt các van ga, công tắc điện. Nếu không, nếu như có một vòi nước không khóa, đến khi chúng ta trở về thì không biết đã bị chảy mất bao nhiêu, lãng phí bao nhiêu là nước sạch. Cho nên sau khi sử dụng xong phải trả nó về vị trí cũ thì mới không gây ra những lãng phí không đáng có.
Còn nhớ có một lần mất điện, vì tôi sử dụng bình nước nóng bằng điện, lúc đó mất điện nhưng tôi tiện tay ấn thử công tắc bật bình nước nóng. Tôi ấn một cái như vậy rồi quên mất không trả lại vị trí cũ cho nó. Sau đó tôi lại phải đi diễn giảng, giảng cũng phải hơn ba tiếng đồng hồ. Đến khi quay về, bởi vì sau đó có điện cho nên nước cứ thế chảy. Tôi quay về nhìn thấy cảnh tượng như vậy thì trong lòng rất đau xót, bởi chỉ một sơ suất nhỏ của mình mà làm lãng phí bao nhiêu là nước của con cháu chúng ta sau này. Cho nên sự cẩn thận này là phải “sự vật mang, mang đa thố” (chớ làm vội, vội sai nhiều). Khi đã bật công tắc lên thì cũng phải tắt nó đi thì mới không bị lãng phí, thậm chí mới không gây nguy hiểm khi đường dây điện chẳng may bị chập. Đây là “sự vật mang, mang đa thố” (chớ làm vội, vội sai nhiều).
Chúng ta có thể dùng một số công cụ để nhắc nhở mình không quên những việc cần làm. Cho nên khi hứa với ai làm việc gì chúng ta phải lập tức ghi lại vào trong lịch làm việc. Hàng ngày đều phải xem lịch làm việc một lượt, việc nào đã làm xong thì đánh dấu vào, việc nào chưa làm xong chỉ cần nhìn vào là biết để còn thực hiện. Nếu như trẻ nhỏ từ bé đã có thái độ như vậy thì nó sẽ rất cẩn thận và rất có trách nhiệm.
Quý vị thân mến! Hiện nay con cái của các vị có đang học lớp 1 không? Nếu như con cái của các vị học lớp 1, một hôm nó gọi điện về nói với các vị rằng: “Mẹ à! Con quên mang vở bài tập ngữ văn rồi. Hôm qua con đã làm xong bài, tiết sau thầy giáo sẽ kiểm tra vở, mẹ mang cho con ngay đi”. Quý vị thân mến! Các vị sẽ làm gì? Các vị là cha, là mẹ khi nghe câu: “Mẹ! Mẹ còn suy nghĩ gì nữa? Mang đến đây cho con!”, có rất nhiều vị phụ huynh sẽ mang đến cho con. Tuy chỉ là một hành động rất nhỏ, nhưng làm đúng hay làm sai, đối với tâm lý bọn trẻ thì có thể sẽ khác nhau một trời một vực. Chú Lô có kể tôi nghe, khi con gái chú lần đầu tiên quên không mang theo vở bài tập và gọi điện về nhờ cha mang đến, kết quả chú Lô liền nói: “Tự mình không mang đi là tự mình phạm lỗi. Cho nên con phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, đáng bị phạt thì sẽ bị phạt”. Và thế là “cạch” một cái, cúp điện thoại.
Quý vị thân mến! Trong trường hợp này các vị có cúp được máy điện thoại không? Cho nên giáo dục con cái thì phải vừa rộng lượng, vừa nghiêm khắc. Khi cần nghiêm thì phải nghiêm, cần có nguyên tắc thì phải nguyên tắc, bất kể lý do gì cũng không thể động đến cái nguyên tắc ấy được. Buổi chiều khi con gái chú về nhà thì vẻ mặt làm sao? Sao các vị cũng biết vậy? Vẻ mặt rất là khó coi. Lúc này con gái vừa bước vào cửa, có nên tiếp tục mắng nữa không? Có nên không? Giáo huấn một trận nữa thì thật là quá đáng quá. Cúp điện thoại như vậy là đã nghiêm khắc rồi, tiếp theo là phải rộng lượng ban ơn. Cho nên chú Lô nói với con gái: “Con có bị thầy giáo mắng không? Có bị trách phạt không?”. Đứa bé gật đầu nói: “Có ạ!”. Chú liền nói tiếp với nó: “Cha sẽ dạy con một phương pháp để từ nay về sau con không bị trách phạt vì quên không mang vở bài tập nữa”. Lúc đầu nó có vẻ buồn bã, nhưng khi nghe cha nói vậy nó liền có tinh thần ngay. Chú liền nói với con gái: “Chỉ cần con sử dụng sổ ghi chép, ngày mai có tiết gì, cần phải mang theo thứ gì thì ghi lại. Trước khi đi ngủ thì soạn sách vở, những thứ gì đã để vào cặp sách rồi thì đánh dấu lại, khi đã đầy đủ thì có thể ngủ ngon được rồi”.
Khi con cái phạm lỗi, nếu như các vị nổi giận thì cơ hội giáo dục sẽ biến mất. Cho nên phải để cho con cái ngay từ nhỏ đã biết cách dùng vở ghi chép để nhắc nhở mình, khi đi học cần phải mang theo những thứ gì, thì chúng sẽ không dễ dàng mà quên thứ này, quên thứ kia. Đến lúc phải đi mà còn ở đó để tìm đồ thì có thể sẽ làm hỏng rất nhiều việc.
Đương nhiên để trẻ nhỏ “sự vật mang, mang đa thố” (chớ làm vội, vội sai nhiều), làm được đến mức không vội vàng, không rối loạn, thì trước tiên chúng ta làm việc gì cũng phải làm gương tốt mới được. Tôi còn nhớ tôi thường xuyên đi nhờ xe của cha tôi, thời đó mới khoảng hơn mười tuổi. Cha tôi luôn luôn có một câu nói quen thuộc, khi ông đang lái xe thì thường nói rằng: “Làm gì mà phải vội vàng thế! Có vội vàng cũng không hơn kém tới năm phút đồng hồ”. Tuy chỉ là một câu nói nhẹ nhàng của cha, nhưng đối với tôi mà nói nó có ảnh hưởng rất lớn. Sau này tôi cũng biết lái xe, khi muốn lái xe nhanh thì tôi lại nhớ đến câu nói này của cha. Cha tôi từ trước tới giờ không bao giờ bóp còi xe, bởi ông cảm thấy không cần thiết phải đi gấp như vậy. Cho nên khi lái xe tôi cũng không bóp còi. Đương nhiên có trường hợp cũng phải bóp còi, khi ở chỗ khuất, lúc các vị không nhìn thấy xe ở phía đầu kia chạy lại thì đầu tiên cũng phải báo hiệu một cái, còn bình thường có thể nhường được người khác thì nên nhường.
************
16.5. Vật úy nan (Không sợ khó)
Câu “vật úy nan” (không sợ khó) là nói không nên ngại khó khăn. “Trung Dung” trong “Tứ Thư” của chúng ta có một câu giáo huấn rất quan trọng là: “Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi, nhân thập năng chi, kỷ thiên chi”. Đó là nói rằng người ta làm một lần là biết, cho dù chúng ta có chậm chạp thì làm đến một trăm lần rồi chúng ta cũng sẽ làm được. Người ta làm mười lần là được, cho dù phải làm một nghìn lần mới được thì chúng ta nhất định cũng phải có nghị lực để làm. Nếu như ai cũng có thái độ như vậy để đối diện với sự việc “tuy ngu tất minh” thì cho dù lẽ ra là có đần độn, nhưng cũng sẽ có ngày mở mang trí tuệ, đó là “tuy ngu tất minh”. “Tuy nhu tất cường” là khi chúng ta dùng thái độ như vậy để ứng phó với sự việc thì có nhiều lúc sẽ không bị mình đánh bại mình, sẽ không bị sợ mà rút lui.
Cô giáo Dương Thục Phần cũng thường nói rằng cô thường xuyên tự khích lệ bản thân. Mạnh Tử có nói: “Thuấn hà nhân dã? Dư hà nhân dã? Hữu vi giả diệc nhược thị”. Cho nên cô nói: “Nhất định mình làm được!”. Bởi vì người đi cùng với các vị lâu nhất là chính các vị. Cho nên phải tự mình khích lệ mình, tự mình cổ vũ mình. Điều này rất quan trọng.
Trong hai năm dạy học tôi cũng lĩnh hội được rằng: “Đức hạnh chính là căn cơ cả cuộc đời của bọn trẻ”. Cho nên nhân lúc còn trẻ thì phải đi sâu vào nghiên cứu văn hóa ngàn năm của Tổ Tông, và tôi liền xin nghỉ việc. Cha tôi nói: “Giáo dục là kế hoạch lâu dài, làm việc này rất khó khăn, con phải suy nghĩ cho kỹ”. Tôi đã nói với cha, tôi phân tích cho ông thấy trong lịch sử, người chân thật có cống hiến to lớn tuyệt đối đều không phải là người có rất nhiều tiền, hoặc là rất có quyền lực.
Chúng ta hãy xem xem Khổng Phu Tử có giàu có không? Không! Mà chỉ dựa vào tấm lòng chân thành. Thầy của tôi là Hòa Thượng Tịnh Không cũng không giàu có, không có quyền lực, nhưng chỉ có một tấm lòng chân thành để đem chánh pháp, đem “Đệ Tử Quy” hoằng dương khắp thế giới. Cho nên chúng ta phải hiểu rằng sự thành bại của một việc đều không phải là do những thứ ngoại tại, mà lòng chân thành mới là căn bản. Khi tôi có được sự hiểu biết như vậy thì không dễ gì mà lùi bước. Sau đó cha tôi có nói: “Giáo dục chân thật là phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải đến một trăm năm thì mới thấy được hiệu quả”. Tôi liền nói với cha tôi rằng: “Thế hệ chúng ta không phải là ôm ấp thái độ muốn xem văn hóa ngàn năm của Tổ Tông khai hoa kết trái ra sao. Thế hệ của chúng ta chỉ cần văn hóa ngàn năm của Tổ Tông không bị mất đi thì con cũng rất được an ủi rồi”.
Sau đó thì tôi đi học tập ở Úc và khởi lên hai ước muốn. Ước muốn thứ nhất là hy vọng có được một người thầy giỏi về văn hóa ngàn năm của Tổ Tông. Cũng bởi vì đức hạnh của tôi quá kém, có rất nhiều thói quen xấu cho nên ước muốn thứ hai là hy vọng có một vị trưởng bối, một vị thầy giáo tốt ở bên cạnh tôi. Được như vậy thì tốt quá! Cho nên tới Úc, khi đi học có cô giáo Dương Thục Phấn ngồi trên bục giảng để giảng về “Những Câu Chuyện Giáo Dục Đạo Đức” cho tôi nghe. Lại có chú Lô ngồi bên cạnh tôi, thế là cả hai điều ước đều đã thành sự thật.
Cho nên, cảnh giới mà các vị cảm ứng được, quan hệ xã giao mà các vị cảm ứng được căn bản thật sự nằm ở trong lòng các vị. Cho nên “tâm” là “năng cảm”, còn “cảnh giới” là “sở cảm”. Nếu như tâm của chúng ta có rất nhiều sự đối lập, có rất nhiều sự phân tranh thì quan hệ xã giao của chúng ta sẽ không ngừng xung đột. Nhưng nếu như tâm chúng ta luôn luôn hy vọng có thể cống hiến cho xã hội, thì tự nhiên sẽ cảm ứng được rất nhiều người đến giúp đỡ chúng ta. Cho nên không sợ khó khăn, chỉ cần các vị có được lòng chân thành này thì những sự trợ giúp sẽ nối đuôi nhau mà đến.
Vào tháng chín năm kia, cô giáo Dương dẫn tôi đến Hải Khẩu. Kết quả chỉ ở được một tuần thì chúng tôi lại đi Khúc Phụ ở Sơn Đông. Cũng bởi muốn phát triển văn hóa ngàn năm của Tổ Tông cho nên chúng tôi nhất định phải đi lạy Đức Khổng Tử trước, bởi Khổng Tử là Thánh nhân có sự cống hiến lớn nhất đối với văn hóa của dân tộc chúng ta. Lần này, khi chúng tôi đến Khúc Phụ ở Sơn Đông, cô giáo Dương đã rất bùi ngùi khi nhìn thấy có rất nhiều di tích đều bị hư hỏng hết. Mộ bia ca ngợi Khổng Tử cũng bị phá vỡ. Cho nên cô giáo Dương nói với tôi rằng cô thấy vậy mới càng hiểu được văn hóa Thánh Hiền đã suy bại nghiêm trọng đến mức độ nào. Cho nên chúng ta không thể không làm. Cô quyết định thành lập một trang mạng nói về văn hóa ngàn năm của Tổ Tông có tính toàn cầu tại Bắc Kinh. Đó là trang mạng:“Công ích văn hóa Đại Phương Quảng”. Rồi cô nói với tôi: “Em về một mình đi!”.
Khi tôi đến Hải Khẩu, cha tôi còn đặc biệt dặn dò rằng tôi nhất định phải theo sau cô giáo Dương để học tập cho tốt. Nhưng kết quả, “người tính không bằng trời tính”, được một tuần thì tôi lại phải một mình mình làm, hơn nữa lại “tứ cố vô thân”. Cho nên khi cô giáo Dương bảo tôi: “Thôi em về một mình đi” thì trong lòng tôi chợt nhớ đến câu giáo huấn của Khổng Phu Tử là: “Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhậm trọng nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỷ nhậm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?”. Thật ra chúng ta làm nhiều việc cũng không nên tưởng tượng đến quá nhiều điều phiền muộn. “Khỉ năng tận như nhân ý, đãn cầu vô quý ngã tâm”, chỉ cần là phương hướng đúng đắn thì các vị cứ tận tâm, tận lực để làm là được rồi.
Cho nên sau khi trở lại Hải Khẩu, tôi liền bắt đầu diễn giảng khắp nơi. Tôi có hỏi cô giáo Dương rằng: “Em phải học tập làm sao đây?”. Cô giáo liền nói rất ngắn gọn rằng: “Hiện giờ mục tiêu đầu tiên của em là phải diễn giảng ba trăm buổi”. Sau này có rất nhiều người cũng hỏi tôi rằng: “Thầy Thái à! Phải diễn giảng như thế nào?”. Tôi cũng trả lời rất ngắn gọn là: “Cứ giảng ba trăm buổi”, vì tôi cũng được cô giáo Dương huấn luyện cho như thế.
Kết quả lần đầu tiên diễn giảng ở Hải Khẩu, khi đối diện với hơn ba trăm vị giáo viên ở đó, các vị có nhận thấy tôi rất dễ bị căng thẳng không? Có thấy không? Các vị nhìn thấy tôi gầy ốm như vậy thì sao mà không căng thẳng cho được! Người gầy ốm thì dạ dày và đường ruột thường không tốt. Cho nên, tôi còn nhớ khi còn học ở trường đại học, khi đi thi tôi đã căng thẳng đến mất ngủ, phải uống hai viên thuốc an thần mà vẫn không có tác dụng. Thật ra không phải là không có tác dụng, sáng ngày hôm sau thì có tác dụng. Cho nên lần đó tôi thi mà đầu óc cứ choáng váng. Sau này đi sâu vào nghiên cứu Kinh điển thì mới biết được rằng: “Lý đắc tâm an”, có rất nhiều việc không thể cưỡng cầu mà phải từ từ điều chỉnh tính cách của mình.
Cho nên trước hôm phải diễn giảng, tôi đã quỳ lạy ba lạy trước Thánh tượng của Khổng Phu Tử, rồi xin các vị Thánh Hiền phù hộ cho tôi hôm nay ngủ được ngon giấc thì ngày mai mới có tinh thần để diễn giảng. Kết quả đã rất có hiệu quả, tôi ngủ một mạch đến sáng. Và bắt đầu từ buổi đó thì liên tục “ngựa không ngừng vó”, chỉ cần có cơ hội là tôi đi diễn giảng. Bởi chân thật là ở trong gia đình cũng vậy, ở trong đoàn thể hay ở nhà trường cũng vậy, điều khiếm khuyết nhất chính là vấn đề giáo dục về đạo đức. Và cũng nhờ có những buổi rèn luyện như vậy tôi mới có được năng lực để tiến bộ thêm.
Cho nên ở Hải Khẩu vào tháng tám năm đó tôi có diễn giảng một chủ đề được gọi là: “Tổ tiên chúng ta bốn nghìn năm trăm (4500) năm trước đã dạy bảo hậu duệ mình như thế nào?”. Tôi giảng bài này tổng cộng đã giảng trong tám tiếng đồng hồ, đó là vào giữa tháng bẩy. Sau đó, bài này tôi cũng giảng gần mười lần, giảng đến giữa tháng mười một thì tôi đến Hồng Kông để thu hình. Kết quả là cùng một chủ đề nhưng lần đầu tiên là tám tiếng, ba tháng sau thì giảng thành bốn mươi tiếng đồng hồ, gấp năm lần. Cho nên con người có tiềm năng rất lớn, chỉ cần các vị bằng lòng tiếp nhận sự rèn luyện, tiếp nhận sự tôi luyện. Năm trước, lần đầu tiên tôi diễn giảng là vào ngày 11 tháng 10. Năm ngoái ở Hải Khẩu tôi cũng giảng một khóa trình năm ngày, đó là ngày 13 tháng 7. Có mấy vị bạn hữu trong thời gian gần một năm tôi không gặp mặt, cho nên lần ấy khi lên giảng tôi thấy họ rất quen mặt. Tôi liền mời họ phát biểu xem lần đầu tiên tôi giảng so với một năm sau có khác gì không. Kết quả vị thầy giáo đó liền nói: “Khác rất nhiều! Đều không giống lần trước chút nào”.
Con người chúng ta chân thật là có một tiềm lực rất lớn. Cho nên các vị đừng lo sợ. Hơn nữa khi các vị chân thật có được sự quyết tâm và tâm nguyện, thì sẽ có rất nhiều sự trợ giúp tự nhiên đến. Lần đó, khi tôi đang tìm nơi để làm trung tâm dạy học ở Hải Khẩu, lần đầu tiên đến nhà của một người Sán Đầu, chủ nhà là một phụ nữ, tôi nói chuyện với cô ấy hai tiếng đồng hồ. Người Sán Đầu rất đề cao đạo hiếu. Cho nên khi nghe nói chúng tôi phải kế thừa và phát triển văn hóa Thánh Hiền thì trong lòng cô ấy rất đỗi vui vẻ, liền lập tức đồng ý cho chúng tôi sử dụng sân bãi miễn phí. Buổi tối hôm đó khi trên đường về nhà, nước mắt tôi cứ tuôn rơi. Chúng ta phải thật sự tin rằng có chân lý: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Mặc dù tôi ở đó một mình nhưng cũng chưa bao giờ phải tiếp xúc với những người của chính quyền địa phương, đều là có rất nhiều người bạn tại địa phương cùng giúp đỡ. Cho nên khi chúng ta có tấm lòng chân thành thì có thể kêu gọi lòng chân thành của mỗi con người.
Chúng tôi ở đó có mấy tháng nhưng cũng phát triển được rất nhanh. Sau này vào ngày 15 tháng 3 năm ngoái ở Thẩm Quyến có một vị thầy giáo mời tôi đến diễn giảng. Cho nên tôi lại đi Thẩm Quyến, và ngày 15 tháng 3 tôi bắt đầu diễn giảng. Sau ba tháng thì tôi cứ một tuần ở Thẩm Quyến, một tuần lại ở Hải Khẩu, và thế là cứ bay qua bay lại giữa hai nơi. Đến giữa tháng bẩy năm ngoái, bởi vì là nghỉ hè, cô giáo Dương nói rằng thời gian nghỉ hè các thầy cô giáo sẽ có nhiều thời gian để học hỏi hơn, chúng ta nên tổ chức bốn buổi nghiên cứu học tập của giáo viên với quy mô lớn, lần thứ nhất là năm ngày. Cho nên chúng tôi đã tổ chức ở Hải Khẩu lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 7. Vào ngày 11 tháng 7 trên bầu trời Hải Khẩu tự nhiên xuất hiện tám ngôi sao. Hơn nữa các vị có cảm giác như tám ngôi sao này được treo trên nóc nhà của các vị vậy, cảm giác rất là gần. Tôi không chính mắt nhìn thấy, nhưng ngày hôm sau thầy giáo của trung tâm chúng tôi mang bài báo nói về việc này cho tôi xem. Bài báo nói rằng tất cả những nhà thiên văn đều không tìm được lai lịch của tám ngôi sao này, bởi chỉ mấy tiếng sau thì những ngôi sao này cũng không thấy nữa.
Cho nên khi xem bài báo này trong đầu tôi chợt hiện lên tám chữ: “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ”. Chúng ta hãy cùng suy xét xem hiện nay tất cả gia đình cũng vậy, xã hội cũng vậy, quốc gia cũng thế, vấn đề của nó là ở đâu? Đều thiếu hụt sự giáo dục về những đức hạnh này. Cho nên chỉ cần những đức hạnh này được giáo hóa để phát triển, thì tin rằng chúng ta có thể tái tạo được một thế giới phồn thịnh.
Cho nên buổi diễn giảng vào giữa tháng 7 đó chúng tôi tổ chức trong năm ngày, tổ chức tại một khách sạn cao cấp. Tại sao lại tổ chức ở một khách sạn cao cấp như vậy? Bởi vào cuối tháng 6 tôi có về Đài Loan, bạn bè ở đó có mời tôi ăn bữa cơm chia tay, ăn xong cơm thì hôm sau tôi sẽ đi. Khi ăn cơm ở đó thì ông chủ đến và ngồi ăn cùng với chúng tôi. Ông ấy cũng rất thích văn hóa Thánh Hiền. Lúc đó tôi đang giảng “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”, ông ấy nghe xong rất là vui thích. Ông nói: “Lần sau sang diễn giảng phải báo để tôi đi nghe”. Khổng Tử nói: “Đức bất cô, tất hữu lân”. Bởi vì nói chuyện rất vui vẻ cho nên ông ấy nói: “Tối nay tôi đưa anh về, sáng ngày mai tôi tiễn anh ra sân bay”. Đây mới là lần đầu gặp mặt.
Kết quả, trên đường về nhà, người lãnh đạo công ty này nói: “Thầy Thái! Ngày xưa Khổng Phu Tử có thể giảng bài là bởi có một đệ tử tên là Tử Cống rất giàu có làm hậu thuẫn. Cho nên Khổng Tử mới có thể giảng dạy mà không phải lo mối lo về sau”. Ông nói câu này là có ý gì vậy? Chúng tôi nghe ông nói như vậy thì rất là cảm động. Kết quả ông ấy nói tiếp: “Trên khách sạn của tôi có một phòng chuyên về hội nghị, có thể ngồi được hơn trăm người, hơn nữa máy điều hòa rất khỏe”. Bởi vì ở Hải Khẩu rất nóng, trung tâm chúng tôi lại không có máy lạnh. Tôi cứ lo mãi là khi tổ chức, mọi người sẽ phải lấy khăn tay mà lau mồ hôi. Chợt thấy ông ấy nói vậy tôi liền nói: “Vậy ông có thể cho chúng tôi mượn nơi của ông được không?”. Ông nói: “Không thành vấn đề”. Cho nên tôi về Đài Loan mà không còn phải lo nghĩ gì nữa.
Sau khi quay lại thì chúng tôi tổ chức vào ngày 13 tháng 7 và đến ngày 17 thì xong. Sau khi xong việc tôi đi thanh toán thì cô thu ngân nói rằng: “Tiền đã được trả đầy đủ, không phải trả nữa”. Chúng tôi giật mình, ăn uống trong năm ngày liền tại sao không phải trả tiền? Kết quả đi tìm hiểu thì mới vỡ lẽ là bà chủ ngồi ở dưới đã nghe trọn năm ngày diễn giảng. Trong khi nghe, bà chủ trong lòng rất cảm động. Bà nói: “Con của tôi đã mười mấy tuổi rồi, khi học tiểu học đã không được học điều này”. Bởi vì đến nghe giảng đều là giáo viên dạy tiểu học. Bà mong rằng buổi diễn giảng này tổ chức thật tốt để có thêm càng nhiều học sinh được ích lợi. Cho nên chi phí hàng ngày đều do bà thanh toán. Vì vậy chúng ta phải thông qua cuộc sống của mình để thể nghiệm chân lý: “Chân thật chỉ cần có tấm lòng thiện tâm, thì nhất định sẽ có rất nhiều lực lượng đến giúp đỡ các vị”.
Quý vị thân mến! Các vị có lòng tin như vậy không? “Có!”. “Tín vi đạo nguyên công đức chi mẫu, trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn”, sự thành bại của một việc đều ở đức tin. Nếu như các vị không tin rằng con cái của các vị là “nhân chi sơ, tính bản thiện” thì các vị khó có thể dạy dỗ tốt con cái. Nếu như các vị không tin chồng các vị là “nhân chi sơ, tính bản thiện” thì có thể các vị sẽ xung đột với chồng. Nếu như các vị không tin lời nói của Thánh Hiền rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” thì chúng ta sẽ xa cách với Kinh điển Thánh Hiền. Cho nên đức tin là rất quan trọng.
Chúng tôi liên tiếp tổ chức các khóa học ở Thẩm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Lư Sơn An Huy, còn nữa là ở Sán Đầu, Hạ Môn và ba nước Đông Nam Á. Cả khóa trình khi tổ chức đều không phải mất tiền. Bởi vì trong quá trình diễn giảng đều có rất nhiều người cảm động, họ đều chủ động lấy tiền ra để hy vọng có thể trợ giúp được khóa trình. Họ còn bỏ tiền ra với hy vọng chúng tôi cho in sách để đẩy mạnh và phát triển. Cho nên đáng lẽ chúng tôi chỉ tổ chức bốn kỳ, nhưng sau khi tổ chức xong bốn kỳ thì các nơi đều yêu cầu chúng tôi đến diễn giảng. Thế là cái duyên đã được mở ra.
Cho nên khi các vị có tấm lòng muốn cống hiến thì cũng đừng lo lắng. Chúng ta hãy nâng cao năng lực của mình thì từ từ duyên phận sẽ sắp đặt một cách tự nhiên. Hơn nữa sự sắp đặt tuyệt đối sẽ không làm cho các vị cảm thấy không thể làm được. Thượng Đế rất là từ bi. Khi Ngài biết các vị chỉ vác được hai mươi cân thì Ngài chỉ cho các vị vác hai mươi cân, nhưng hàng ngày các vị phải rèn luyện thể lực mới được. Đợi đến khi các vị có thể vác được năm mươi cân thì Ngài sẽ cho các vị vác năm mươi cân, sẽ không đè bẹp các vị. Các vị xem tôi nhỏ bé như thế này mà cũng chưa bị đè bẹp. Khi chúng ta quay đầu lại xem thì đúng là như vậy. Năm thứ nhất không cho tôi làm chủ nhiệm lớp bởi kinh nghiệm vẫn còn nông cạn, cho nên chỉ làm giáo viên bộ môn lớp 4. Năm thứ hai thì dạy lớp 6, lớp hết cấp, trình độ lại khó hơn một chút. Sau đó thì tôi dạy lớp khó dạy nhất trường. Cho nên độ khó càng ngày càng từ từ tăng thêm. Sau khi dạy xong lớp này thì được điều đến Hải Khẩu, cũng là để cho tôi từ từ tôi luyện. Cho nên các vị chỉ cần có lòng, không cần phải bận tâm. Trời cao sẽ có sự sắp xếp.
HẾT TẬP 24. XIN XEM TIẾP TẬP 25!