CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 25/40
Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005
Có rất nhiều vị bạn hữu hỏi tôi rằng: “Thầy Thái! Thầy có thấy mệt không?”. Trong mấy tháng gần đây có rất nhiều giáo viên theo chúng tôi đi khắp nơi diễn giảng, họ đều thấy sức khỏe của tôi càng giảng thì càng có tinh thần. Cho nên không đáng có nhiều sự lo lắng như vậy. Tôi cũng nói với những vị bạn hữu này rằng con người không sợ mệt mỏi về thân thể mà chỉ sợ mệt mỏi về tâm. Thân mệt mỏi chỉ cần nằm xuống bẩy tiếng sau là lại khỏe như rồng, như hổ. Nhưng tâm mà mệt mỏi thì dù có những việc biết là rất quan trọng, cần phải làm nhưng cũng không có năng lực để làm. Lúc đó thì tâm rất là vất vả, khổ sở. Cho nên khi chúng ta có thể tận tâm, tận lực để làm những việc quan trọng, thì chân thật là trong lòng sẽ rất được an ủi.
Tôi còn nhớ hồi học cấp ba đã từng đọc qua một đoạn văn của Mạnh Tử, trong đó có nói: “Thiên tương giáng đại nhậm ư thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngã kỳ thể phu, không phạt kỳ thân, hành bật loạn kỳ sở vi” (trời giao trọng trách cho một người thì đầu tiên người đó phải lao tâm khổ chí, lao khổ thân thể, bỏ đói thân thể, nghèo túng). Tại sao vậy? Bởi vì: “Sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng” (để làm cho họ thay tâm đổi tính, có sự kiên nhẫn, tăng thêm năng lực mà trước đây họ không có). Khi tôi học cấp ba, đọc đến đoạn văn này thì trong lòng lúc đó tôi nghĩ tuyệt đối không nên học và làm theo Thánh nhân, bởi sẽ bị mệt mỏi mà chết, lại còn phải động tâm nhẫn tính, còn phải đói rét thân thể.
Lúc đó thầy giáo cũng không giảng giải cho chúng tôi hiểu những khí tiết đó. Tôi cứ theo văn mà dịch nghĩa cho nên mới nghĩ tuyệt đối không nên đi theo con đường của quân tử, Thánh Hiền. Nhưng sau này khi thật sự quảng bá và phát triển văn hóa ngàn năm của Tổ Tông thì tôi chợt có cảm nhận khác hẳn đối với câu này. Tôi bình tạm một câu gọi là: “Ngọt như mật”. Cho nên khi chúng ta biết được một việc là quá quan trọng thì trong lòng lại lo sợ rằng mình không đủ năng lực. Nhưng nếu chúng ta chỉ coi việc đó là thử nghiệm thì sẽ rất vui vẻ để tiếp nhận, và như vậy sẽ rất nhanh chóng có thể tăng thêm năng lực.
Khi chúng ta có được thái độ như vậy thì cũng nên cùng với những giáo viên đã từng tiếp xúc để tạo dựng tri thức chung như thế này. Cho nên khi tôi phải từ Hải Khẩu để đến Thẩm Quyến diễn giảng, những buổi đáng lẽ là tôi diễn giảng ở Hải Khẩu phải được giao cho thầy giáo khác. Khi những vị thầy giáo này nhận được thông báo của tôi: “Từ tiết sau anh bắt đầu diễn giảng” thì họ không nói: “Không được! Không nên” mà họ lại chợt nói một câu: “Gánh vác trách nhiệm là bắt đầu của sự trưởng thành”. Cho nên tuy tôi có rời Hải Khẩu nhưng những buổi diễn giảng vẫn không bị đứt quãng. Ngay cả buổi học vào mùng một Tết, những buổi học vào ngày Tết cũng không bị đứt quãng. Bởi họ nói rằng: “Học tập trí tuệ thì không được trì hoãn một giây phút nào. Nếu như bị trì hoãn thì chúng ta học tập sẽ bị ít đi một buổi, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với bọn trẻ”. Cho nên họ cũng rất kiên trì. Lần diễn giảng này tổ chức được hơn một năm.
Cho nên ở Hải Khẩu, ở Thẩm Quyến có rất nhiều giáo viên ngoài những buổi phải ở trường, phải lên lớp dạy học ra, còn lại thời gian của những buổi tối ngày thứ Bẩy và Chủ nhật, họ đều đến trợ giúp trung tâm chúng tôi diễn giảng làm công ích để gánh vác trách nhiệm. Sau khi học tập được hơn bốn tháng thì họ bắt đầu cùng tôi đi khắp nơi diễn giảng. Cho nên bắt đầu phải từ “tu thân”, sau đó đứng lớp để giảng dạy là “tề gia”, rồi sau đó chăm sóc cho tốt Hải Khẩu là “trị quốc”. Cuối cùng là đến Bắc Kinh, đến Thẩm Quyến, đến các tỉnh khác để diễn giảng thì đó được gọi là “bình thiên hạ”. Bốn việc thật ra là một việc. Chỉ cần các vị chân thật có quyết tâm, không ngừng khích lệ chính mình, không ngừng vượt lên chính mình thì tự nhiên sự ảnh hưởng của các vị, sự cống hiến của các vị sẽ: “Nước chảy tất thành sông”. Cho nên cần phải “vật uý nan” (không sợ khó khăn).
Nếu như những việc con cái cần phải làm mà cha mẹ lại làm hết cho chúng, như vậy là cướp đoạt cơ hội rèn luyện, cơ hội học tập của bọn trẻ. Trước đây tôi cũng từng nhắc đến chuyện chú Lô không mang vở bài tập cho con gái. Nếu như ngày ấy chú mang vở bài tập cho con thì có lẽ đã có một cái kết quả khác. Kết quả gì vậy? Con gái chú sẽ vui mừng nói: “Cha! Cha thật là tốt! Đúng là cầu được ước thấy, như là Quan Âm Bồ Tát vậy”. Vậy thì trong lòng đứa bé sẽ có sự biến chuyển gì? Chỉ cần mình có việc là đã có cha mình, mẹ mình, ông nội mình, bà nội mình, còn có cả người làm của mình sẽ đến giúp, ủng hộ mình. Đằng sau nó có cả một loạt những chỗ dựa vững chắc như vậy, lúc nào cũng có thể thu dọn tàn cục cho nó.
Cho nên hiện nay chúng ta mới thấy có rất nhiều thanh thiếu niên, mới hơn hai mươi tuổi đầu nhưng lời nói của chúng làm cho các vị cảm thấy tức chết đi được, tức đến nôn ra máu. Đúng là như vậy! Hoàng Thượng không gấp thì Thái Giám gấp muốn chết. Cho nên cha mẹ và người thân giúp chúng muốn bở cả hơi tai nhưng chúng lại cảm thấy không có vấn đề gì. Ở Hải Khẩu tôi có gặp một trường hợp cha mẹ phải thông qua rất nhiều quan hệ để tìm việc cho đứa con trai. Nhưng anh ấy còn nửa muốn đi, nửa không muốn đi và nói: “Được rồi, con nể mặt cha mẹ mà đi thử xem sao”. Còn có một học sinh đại học bị buộc thôi học đến hai lần. Kết quả khi bạn bè hỏi anh ấy phải giải quyết làm sao, anh ấy nói: “Tôi cũng không biết”. Các vị xem, đều đã gần hai mươi tuổi đầu rồi mà hoàn toàn không có một chút trách nhiệm nào với bản thân. Đây là kết quả. Vậy nguyên nhân ở đâu? Anh ấy rất ít khi tự chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm.
Khi chúng ta giúp bọn trẻ thu dọn những lỗi lầm của chúng, thì chúng sẽ cảm thấy rằng cuộc đời chúng về sau cũng luôn có người giúp chúng. Cho nên sau này chúng có lấy vợ thì các vị cũng phải giúp chúng chuẩn bị tiền cưới. Chúng muốn mua nhà các vị cũng phải giúp chúng thu xếp. Các vị phải thu xếp cho chúng đến bao giờ? Cuộc sống như vậy sẽ cảm thấy mệt mỏi muốn chết. Có khi đến lúc nhắm mắt các vị vẫn còn phải nghĩ xem phải mua thứ gì cho cháu nội.
Báo chí vào ngày 19 tháng 10 năm ngoái ở đặc khu Thẩm Quyến có đăng bài phát biểu của một đôi vợ chồng, nhằm khuyến cáo những cha mẹ trẻ không nên nuông chiều con cái. Bởi họ về già mới có con trai, tuổi đã cao mới sinh được một cậu con trai cho nên họ rất cưng chiều nó. Khi đi mẫu giáo, giáo viên mẫu giáo nói: “Con của các vị có một số hành vi không tốt, các vị phải chú ý!”. Họ lại còn giải thích hộ con trai, giúp con trai che đậy khuyết điểm. Và cứ như vậy, con trai muốn gì là được nấy. Đến khi con trai tốt nghiệp xong đại học và có bạn gái, người bạn gái này yêu cầu: “Hãy bảo cha mẹ anh ra ngoài ở, để lại căn phòng cho chúng ta ở thì em mới lấy anh”. Và con trai của họ đương nhiên là sẽ làm sao? Bởi nó là một vị tiểu Hoàng Đế có đúng vậy không? Cho nên khi ra lệnh cho cả thiên hạ thì không ai là dám không nghe theo. Nó cứ nói với cha mẹ rằng: “Cha mẹ đi đi!”. Cha mẹ nó đã cảm nhận được tính nghiêm trọng của sự việc, cho nên hy vọng thông qua nỗi đau của mình có thể khuyến cáo cho nhiều người làm cha mẹ tuyệt đối không nên cưng chiều con cái, nuông chiều con cái.
Vào niên đại năm 1920 có một đứa bé mười một tuổi đá bóng vào nhà người ta, làm vỡ một tấm kính lớn phải đền mất 12 đô la rưỡi. Thời đó 12 đô la rưỡi có thể mua được 125 con gà mái có thể đẻ trứng. Cho nên số tiền đó rất là lớn, không phải là nhỏ. Cha của đứa bé nói với nó: “Con phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc này. Cho nên con phải tự kiếm tiền để trả nợ”. Điều này những người làm cha, làm mẹ như chúng ta có làm được không? Rất là khó. Căn cứ theo thống kê, tiền tiêu vặt của trẻ em Trung Quốc là nhiều nhất nhưng thời gian làm việc nhà lại ít nhất, cho nên trẻ em không có sự gánh vác gì. Đứa bé này từ lúc đó đã thật sự đi làm công, gom góp từng chút tiền một để trả cho cha mình. Kết quả là sau này sự nghiệp của đứa trẻ cũng rất là thành công, và sau này ông trở thành Tổng Thống Di Gân trước đây của Mỹ.
Các vị hãy xem, khi các vị để con cái rèn luyện là tăng thêm thái độ đúng đắn của chúng, trách nhiệm của chúng và lại tăng thêm năng lực làm việc của chúng nữa. Cho nên nuôi con cái phải dùng trí tuệ, không nên chỉ làm việc bằng cảm tính. Tuyệt đối không được nuông chiều. Điều này rất quan trọng. Cho nên mới gọi là “vật uý nan” (không sợ khó). Khi người làm cha mẹ đối mặt với mọi việc đều rất dũng cảm thì thái độ này của các vị nhất định sẽ ảnh hưởng đến con cái của các vị.
Tục ngữ của chúng ta thường nói: “Nhà nào cũng có vấn đề khó giải quyết”. Vậy các vị đã giải quyết được chưa? Thời nay tỷ lệ ly hôn rất nghiêm trọng. Hướng đi của hôn nhân là ly hôn. Đó là một sự tổn thương đối với mình và đối với con cái. Cho nên khi đối diện với những bất lợi trong cuộc sống, đối diện với những bất lợi trong hôn nhân thì chúng ta phải dũng cảm để khắc phục. Vừa qua, ở Hải Khẩu có một hôm tôi đi diễn giảng, trên đường đi có một vị bạn hữu gọi điện cho tôi nói: “Chồng của bạn đồng nghiệp tôi ngoại tình. Bây giờ phải làm sao?”.
Quý vị thân mến! Các vị đã bao giờ nhận được một cuộc điện thoại như vậy không? Kết quả tôi là một người chưa kết hôn nhưng đã nhận được một cuộc điện thoại như vậy đấy. Tuy tôi chưa kết hôn, nhưng đảm bảo câu trả lời để giải quyết cho vấn đề cuộc sống đều nằm trong Kinh điển. Cho nên ngay lập tức tôi bắt đầu nói với cô ấy: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, khi trong cuộc sống xảy ra vấn đề thì tuyệt đối không thể chỉ người khác là sai, còn mình là đúng. Có thể như vậy không? Không thể như vậy bởi một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Cho nên:
- Khi vợ chồng gặp phải những vấn đề rắc rối thì ý nghĩ đầu tiên của chúng ta phải là: “Mình sai ở đâu?”. Đương nhiên ý nghĩ này là rất khó, nhưng nếu chúng ta không chuyển thành ý nghĩ này thì tuyệt đối trong lòng của chúng ta không thể lắng dịu xuống được. Khi chúng ta lúc nào cũng nghĩ rằng người chồng hoặc người vợ của mình không đúng ở điểm này, không đúng ở điểm kia thì nhất định sẽ nổi cơn lên, rất có thể sẽ làm việc bằng cảm tính để rồi làm cho sự việc ngày càng xấu đi.
Tiếp đó tôi lại nói: “Ví dụ người ta có sai bẩy, tám phần thì chúng ta cũng phải sai một, hai phần. Chúng ta cũng phải lắng dịu xuống để nghĩ xem một hai phần đó chúng ta sai ở đâu, sau đó tiến thêm một bước để sửa chữa. Đây là một thái độ rất quan trọng”. Đó là: “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Tiếp theo tôi lại nói với cô ấy: “Không có lửa làm sao có khói”. Quý vị thân mến! Lửa ở đây là gì? Là xung đột, là không khoan dung, không bao dung. Gia đình không xảy ra vấn đề thì làm sao mà có khói được.
- Cho nên tuyệt đối không nên đi trách cứ người khác! Nhất định là mình sai trước! Bởi vậy, không nên đem sự tức giận trút lên thân người khác! Đây là thái độ quan trọng thứ hai.
- Thứ ba là khi người chồng đúng thì các vị phải đối xử với họ như đối với người cha. Lúc bình thường thì các vị phải đối xử với chồng như với bạn bè. Khi người chồng có lỗi thì các vị phải đối xử với họ như với trẻ nhỏ, vẫn chưa đủ, phải đối xử như với con cái. Khi con cái có lỗi, các vị có nói với chúng rằng: “Từ nay trở đi chúng ta không còn có quan hệ gì nữa” hay không? Có hay không? Không. Tại sao vậy? Các vị như vậy là không công bằng! Đối với con cái các vị không như vậy nhưng đối với chồng thì các vị lại như vậy. Tại sao thế? Các vị có nhìn thấy sự không công bằng của con người không?
Cho nên chướng ngại, phiền muộn không phải ở bên ngoài mà là ở trong bản thân mình. Ai khiến cho các vị phiền muộn? Ví dụ hôm nay các vị đang đi đường thì chợt có một người lạ mặt đi đến tát cho các vị một cái. Các vị còn chưa kịp định thần thì người này đã chạy mất. Các vị ở đó mà xoa xoa mặt và nói: “Sao lại xui vậy! Thôi bỏ qua, bỏ qua vậy!”. Thế là các vị bỏ đi. Khi về đến nhà thì “họa vô đơn chí”! Vừa đúng lúc chồng của các vị có uống chút rượu cho nên khi về vừa nhìn thấy các vị thì liền tát cho các vị một cái. Cùng là một cái tát nhưng kết quả có giống nhau không? “Tôi sẽ sống chết với anh!”. Thật là kỳ quái! Cùng là một cái tát nhưng kết quả không giống nhau.
Ai làm ra như thế? Khổ sở đều là tự mình chuốc lấy. Bởi vì chúng ta không có tấm lòng bao dung, không đứng ở góc độ của người khác để nhìn, mà đều dùng thái độ thích và không thích để giải quyết sự việc. Mình thích thì cái gì cũng đều được, mình không vui thì cái gì cũng không được, cho nên tạo thành rất nhiều chướng ngại phiền muộn trong tâm lý của chính mình.
Có rất nhiều người nói rằng: “Anh ấy đã lớn như vậy rồi mà ngay đến cái đạo làm người anh ấy cũng không biết”. Anh ấy đã lớn như vậy nhưng lớn ở thân thể to lớn. Có đúng vậy không? Đúng! Sống ba mươi mấy tuổi, bốn mươi mấy tuổi, nhưng thân thể cao lớn không có nghĩa là có thêm trí tuệ. Các vị nói: “Anh ấy phải hiểu”. Nhưng anh ấy không hiểu. Có người nào dạy cho anh ấy đạo nghĩa vợ chồng không?
Quý vị thân mến! Các vị đã học mười mấy năm học, vậy có bao giờ được học bài học nói về đạo nghĩa vợ chồng? Bài nào vậy? Đạo nghĩa vợ chồng rất quan trọng đối với cuộc sống. Trong “Ngũ Luân” chỉ cần làm đúng đạo nghĩa vợ chồng thì tự nhiên cũng làm đúng những luân lý khác. Các vị xem, một điều quan trọng như vậy cũng không được dạy.
Cho nên tôi có nói chuyện với một vị trưởng bối, ông nói: “Giáo dục của chúng ta cái gì cũng dạy, chỉ thiếu có một thứ.”. Là thiếu thứ gì vậy? Các vị không biết sao? Thiếu “Đức”. Thật vậy, cái gì cũng có, nhảy múa, ca hát đều có, chỉ thiếu mỗi một điều này, thiếu cách làm sao để đối nhân, xử thế với người khác. Cho nên chồng của các vị cũng là người bị hại. Chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ họ. “Nhân phi Thánh Hiền, thục năng vô quá” (con người đâu phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi lầm), cho nên các vị cũng phải xem anh ấy như con cái thì mới có thể khoan dung cho anh ấy. Mà cũng nhờ thái độ của các vị như vậy thì anh ấy mới biết từ đường mê mà trở về, bởi vì ở bên ngoài chỉ là gặp dịp mua vui, đều là giả dối. Người ta luôn luôn phải phạm sai lầm thì mới biết như thế nào là đúng. Cho nên kẻ thứ ba ở bên ngoài tuyệt đối không thể nào là một người phụ nữ tốt. Người phụ nữ tốt không bao giờ đi phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác. Bởi người chồng này không đủ định lực cho nên mới dễ bị mê mệt bởi lời đường mật.
Cô giáo Dương theo nghề giáo dục và đọc sách Thánh Hiền với thời gian khoảng mười năm. Ngoài những giờ chính khóa dạy học sinh, cô luôn luôn dạy các em đọc Kinh sách, dạy Thư Pháp phải đến hơn mười giờ. Đến khi bọn trẻ về hết thì thay vào là người lớn phải đến lớp. Bởi có rất nhiều vấn đề về gia đình, những người phụ nữ này không tìm được biện pháp giải quyết cho nên rất đau khổ. Cô giáo Dương thường nói với tôi rằng làm phụ nữ rất là vất vả, cho nên phải quan tâm chăm sóc cho họ nhiều hơn. Có rất nhiều người trong nhà có vấn đề về gia đình, vấn đề về giáo dục họ đều tìm đến để hỏi cô. Và cô cũng tận tâm, tận lực để giúp đỡ cho họ. Cho nên cô thường về đến nhà thì đã hơn một giờ đêm. Bởi vậy lúc nào cô cũng mặc áo khoác ngoài, bên trong áo thường mang theo một cái ô để đề phòng khi cần thiết. Ban đêm thường nguy hiểm cho nên phải trang bị vũ khí, sau đó lại phải quấn chặt người lại để người ta không biết cô là trai hay là gái. Từ động tác nho nhỏ này có thể nhìn thấy được rằng trong giá trị quan của cô thì giúp đỡ người là đứng thứ nhất. Còn sự sống chết của mình thì đương nhiên là không nghiêm trọng như vậy.
Có một người vợ bảo rằng chồng cô ấy ngoại tình. Phải làm sao bây giờ? Cô giáo Dương trầm tĩnh một lúc. Khi cô trầm tĩnh một lúc thì người kia cũng tĩnh tâm lại. Rồi cô nói: “Cô thật sự có muốn giải quyết vấn đề hay không?”. Cô giáo muốn xem cô ấy có đủ quyết tâm không. Người phụ nữ này nói: “Thật ạ!”. “Cô đã hạ quyết tâm thì tôi cũng sẽ nói cho cô. Tốt rồi! Cô thật sự phải hành động. Trong tình trạng như vậy cô nhất định phải mang bảo bối của phụ nữ ra”. Đó là cái gì vậy? Sự dịu dàng. Sao các vị lại biết vậy? “Phải mang sự dịu dàng của cô ra. Cho nên bắt đầu từ hôm nay, anh ấy có làm gì sai thì cô cũng gác điều đó lại đứng thứ hai. Quan trọng là tự cô đã làm đúng chưa? Đã chăm sóc tốt cho con cái chưa? Đã phụng dưỡng tốt cho cha mẹ chồng chưa? Đây mới là quan trọng. Phải làm tốt bổn phận của mình trước để lấy đức hạnh của mình đánh thức lòng hổ thẹn của anh ấy”.
Cho nên ngày hôm sau người phụ nữ này ăn mặc rất chỉnh tề. Có thể ăn mặc lôi thôi được không? Có rất nhiều nam giới bị sự ăn mặc lôi thôi của nữ giới dọa cho sợ chết khiếp. Chúng ta vẫn phải ăn mặc đoan trang. Cô ấy trang điểm rất đoan trang rồi dạy con làm xong hết bài tập, đến giờ ngủ thì cho con đi ngủ, còn cô ngồi ở đó chờ chồng về. Nhìn từng giờ, từng phút trôi qua, hơn mười một giờ, rồi hơn mười hai giờ. Trong khoảnh khắc đó cô chợt cảm nhận được một đạo lý, đó được gọi là: “Tất cả các pháp đều thành công ở chữ “nhẫn”. Nếu như lúc đó mà cô nổi nóng lên thì bao nhiêu công sức từ trước tới giờ đều đổ sông, đổ biển hết. Cho nên cô tiếp tục đợi. Hơn một giờ thì nghe thấy có tiếng mở cửa. Làm sao bây giờ? Người vợ đó liền tươi cười chạy lại, hai tay đỡ lấy cặp công tác của chồng rồi nói: “Anh thật vất vả, bây giờ mới được về. Chắc anh đói lắm rồi, để em đi nấu mỳ cho anh ăn”. Và thế là đi nấu mỳ. Thần hồn của chồng cô ấy chưa kịp định, không biết xảy ra chuyện gì. Kết quả từ hôm đó trở đi, ngày nào cô cũng chờ chồng về.
Tuy người chồng này đã vượt khỏi quỹ đạo nhưng vẫn còn có một điểm tốt là còn có một chút hổ thẹn. Cho nên sau đó, trong khoảng thời gian một, hai tháng, có một hôm chồng cô ấy về rất sớm. Kết quả khi vừa bước vào cửa, người chồng không nói lời nào liền quỳ xuống rồi nói: “Em tha thứ cho anh! Anh sẽ khai hết với em”. Rồi chồng cô ấy nói: “Khoảng thời gian này anh bị lương tâm cắn rứt ghê lắm. Anh sắp chịu không nổi nữa rồi”.
Cho nên để hóa giải sự bất lợi của cuộc sống, sự khốn đốn của cuộc sống thì vẫn phải dùng tấm lòng chân thành, còn phải dùng đến đức hạnh thì mới có thể làm được. Cho dù cuộc sống có đối diện với thách thức gì đi nữa, chúng ta cũng nhất định phải sinh lòng “vật uý nan” (không sợ khó), cũng phải như Mạnh Tử từng nói: “Thiên tương giáng đại nhậm ư thị nhân dã”, phải sinh lòng đi gánh vác trách nhiệm.
Tôi sắp không nói tiếp được nữa rồi. Chúng tôi là giáo viên thì hay có một thói quen xấu, thường hay đặt câu hỏi. Gánh vác trách nhiệm, đó là tôi sai rồi, phải là: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Câu này phải được viết ra là: “Gánh vác trách nhiệm là bắt đầu của sự trưởng thành”. Các vị hãy hồi tưởng lại cuộc sống của mình xem trong khoảng thời gian nào các vị tiến bộ đặc biệt nhanh chóng. Đều là những lúc có sự thách thức, những lúc trong nghịch cảnh. Cho nên chúng ta phải cảm ơn sự thách thức, cảm ơn nghịch cảnh. Đây được gọi là “Vật uý nan” (không sợ khó).
************
16.6. Vật khinh lược (Chớ qua loa)
Chữ “khinh” ở đây được xem là khinh thường, chữ “lược” là chỉ sự sơ suất. Khi chúng ta khinh thường, sơ suất đối với một việc nào đó thì trong tâm sẽ mất đi sự cung kính, mất đi sự cẩn thận. Đối với việc gì chúng ta dễ bị sơ suất, dễ xem thường nhất? Ví dụ như hôm nay chúng ta phải tặng một món quà cho người khác, cho dù là tặng quà cho người ta thì chúng ta cũng phải có thái độ cung kính.
Thời xưa có một câu chuyện kể rằng có một người thấy rất nhiều người bị đói rét thì liền mang thức ăn cho họ ăn. Nhưng anh ấy lại tiện miệng nói: “Nào, nào, nào, lại đây ăn đi!”. Kết quả có một người trong đám đói rét đã nói: “Không thèm ăn của bố thí! Thái độ của anh như vậy căn bản đã không coi chúng tôi là con người”. Cho nên người đó thà chết đói cũng không ăn. Thái độ của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận của người khác. Cho nên hôm nay cho dù chúng ta có bố thí, có cho đi cũng không được quên mất sự cung kính, sự cẩn thận của chúng ta. Vì thực ra đối phương đang để cho chúng ta tạo phước điền, để cho chúng ta tích đức, chúng ta phải cảm ơn họ.
Giống như tôi diễn giảng hơn một trăm buổi ở Hải Khẩu, có một số bà cụ bẩy mươi mấy tuổi vẫn thường xuyên đến nghe tôi giảng. Tôi còn nghi ngờ rằng không biết họ nghe có hiểu không, bởi vì họ chỉ biết nói tiếng Hải Nam. Nhưng thật là kỳ lạ, tôi thấy họ ngồi ở bên dưới và thường xuyên mỉm cười. Có rất nhiều người cảm nhận được lời nói. Những điều chúng ta giảng có ích lợi đối với những người này. Cho nên tôi thường nói với các vị giáo viên diễn giảng: “Chúng ta đều phải cảm ơn những người ngồi nghe ở bên dưới. Họ đều đang giúp cho chúng ta hoàn thiện hơn. Bởi ánh mắt của các vị bạn hữu đó rất là từ ái, đều rất nhân từ”. Nếu như các vị ngồi ở bên dưới mà sắc mặt khó coi thì chúng tôi có thể sẽ không giảng tiếp được nữa.
Cho nên có rất nhiều người như vậy cho chúng ta cơ hội thì chúng ta mới có thể trưởng thành. Cho nên người diễn giảng, người giảng Kinh cũng phải đi cảm tạ mọi nơi và phải khiêm nhường. Như vậy thì cho dù chúng ta có cho đi cũng không quên phải chú ý giữ cho tốt cái tâm này. Nếu không, khi tâm không còn sự cung kính, đến khi có nhiều sự cống hiến thì tâm ta bắt đầu ngạo mạn. Như vậy thì đạo hạnh sẽ bị hủy hoại.
Về phương diện thực phẩm, thậm chí là phương diện tiền tài, ví dụ như chúng ta quyên góp quần áo cho người khác, tặng quần áo cho người khác, có được mang quần áo bẩn ra cho người ta không? Vì vậy tặng đồ cho người khác cũng phải có thành ý. Đầu tiên phải giặt cho sạch. Tôi còn nhớ tôi tặng một chiếc xe cho bạn tôi. Cha tôi cứ nhắn nhủ với tôi rằng: “Tặng đồ cho người khác nhất định cũng phải khiến cho người ta nhận một cách vui vẻ”. Nhưng một số người chúng ta lại sơ suất nghĩ rằng: “Mình tặng cho anh ấy thì anh ấy phải biết vừa lòng”. Có đúng như vậy không? Chúng ta luôn luôn có ý niệm sơ suất, khinh thường này. Có thể các vị thật lòng muốn tặng cho họ món đồ, nhưng có khi cũng bởi món đồ này mà xảy ra rất nhiều vấn đề. Đến lúc đó trong lòng người nhận cũng không thoải mái. Cho nên tôi nghe theo lời dạy bảo của cha tôi, tôi bắt đầu kiểm tra chiếc xe một lượt, sau đó đã phát hiện bộ ly hợp do đi hơn mười năm cho nên rất khó lái. Vì tôi đã lái mấy năm rồi cho nên mới chinh phục được bộ ly hợp này. Dù có tặng cho anh ấy nhưng đến lúc anh ấy lái thì sẽ rất khó lái. Đáng lẽ là một chuyện tốt, nhưng đến lúc đó có thể lại xảy ra cho anh ấy rất nhiều phiền phức là sau đó lại phải đi sửa, lại phải tốn một số tiền lớn trong khi anh ấy lại đang khó khăn về vấn đề kinh tế.
Cho nên chúng ta phải luôn luôn nghĩ cho người khác, cho dù tặng họ món quà cũng phải nghĩ đến cảm nhận của họ. Bởi vậy sửa xong xe thì tôi mới tặng cho anh ấy. Anh ấy đi được một, hai tuần lễ thì gọi điện cho tôi nói rằng cái xe này tuy đã hơn mười mấy năm nhưng rất dễ lái. Sau đó không lâu thì vợ người bạn này của tôi sinh con. Vợ anh ấy sinh con mà cần phải đi xe máy thì sẽ rất nguy hiểm. Người bạn này quen với tôi cũng đã hai mươi năm, chính là người mà bạn gái anh ấy giới thiệu thầy giáo của cô cho tôi quen.
Cho nên các vị xem, duyên lành giữa con người sẽ càng ngày càng tốt hơn, chỉ cần chúng ta bỏ tâm sức ra để làm, để cống hiến. Ví dụ như có một người bạn đến chơi nhà, có thể phải dùng đến những đồ dùng hàng ngày. Cho dù anh ấy có mang theo hay không thì chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho họ. Bởi vì làm người thì khó tránh khỏi có lúc quên cái này, quên cái kia. Đến lúc đó nếu như anh ấy quên cái khăn tắm nhưng lại ngại không dám mượn các vị, lúc này có thể do không lau khô cơ thể đã vội mặc quần áo thì không chừng sẽ bị cảm lạnh. Cho nên khi chúng ta mọi nơi, mọi lúc đều có thể nghĩ cho bạn bè, để cho họ có cảm giác như ở nhà mình, thì tin rằng tình bạn của các vị sẽ càng ngày càng lâu bền.
Khi ở Úc, tôi đã từng đảm nhiệm một vị trí gọi là trưởng phòng ngủ, quản lý mọi đồ dùng sinh hoạt của phòng ngủ. Tôi cũng phải thường xuyên đi vào nhà vệ sinh kiểm tra xem giấy vệ sinh có còn hay không, và nếu thời tiết có thay đổi thì phải kiểm tra một lượt xem chăn màn có đầy đủ không. Chúng ta cẩn thận từng chút một để cống hiến như vậy thì tuyệt đối sẽ khiến cho tấm lòng của bạn bè càng thêm ấm áp, càng thêmvui vẻ. Cho nên về phương diện ăn uống, ngủ nghỉ, ăn mặc, đi lại chúng ta cũng phải tận tâm, tận lực cho đi, phải tận lực để quan tâm. Đây được gọi là “vật khinh lược” (chớ qua loa).
Về phương diện giáo dục con cái, ví dụ như chúng ta bảo con cái lau nhà, sau khi nó lau xong thì chúng ta phải làm động tác gì? Có thể trong tâm lý của con cái là: “Bảo mình lau nhà thì mình làm đại khái cho xong, để còn đi xem phim hoạt hình”. Có trường hợp như vậy không? Khi con cái lần đầu tiên làm việc cho các vị, chúng thường dùng thái độ ứng phó, qua quít cho xong việc. Nếu các vị lại không chấn chỉnh kịp thời thì sau này nó có thể sẽ qua quít, tắc trách. Bởi vậy con cái làm việc có trách nhiệm hay không, có cẩn thận hay không, đây cũng cần phụ huynh phải kiên nhẫn theo dõi.
Lần đầu tiên để con cái lau phòng khách, các vị phải kiểm tra xem chúng có lau sạch không, phải kiểm tra những ngóc ngách. Nếu như những ngóc ngách này vẫn còn bẩn thì thể hiện rằng nó làm việc rất sơ suất. Hơn nữa ngoài làm việc sơ suất ra, nó làm việc còn không đến đầu, đến đuôi. Điều cuối cùng con cái khi kết thúc một công việc là phải mời cha mẹ đến kiểm tra, phải mời cấp trên đến để xác nhận. Nếu không, các vị nghĩ: “Mình làm như vậy chắc là được rồi”, thì có thể còn khác xa với tiêu chuẩn của cấp trên hoặc của cha mẹ mình. Cho nên đây cũng là một thái độ có trách nhiệm. Khi người cha kiểm tra mà thấy không được thì lập tức phải chấn chỉnh lại ngay: “Qua đây, con trai hôm nay vất vả rồi, lau cũng được đấy chứ!”. Làm người thì ai cũng thích được khen ngợi cổ vũ. Đầu tiên phải cổ vũ một chút, sau đó lại nói với chúng: “Nếu như cái góc này mà con lau cẩn thận chút nữa thì thật là tuyệt vời đấy. Khi bằng tuổi con, cha làm công việc này không được tốt như con”. Lại khen ngợi chúng một lần nữa. “Lần sau cha giao cho con làm việc gì, sau khi làm xong con nhất định phải báo cho cha để xác nhận, rồi thì con có thể đi làm việc của con”. Phải để cho bọn trẻ hiểu được sự cẩn thận, sự cung kính đối với tất cả mọi người, tất cả mọi việc, tất cả mọi sự vật.
Tôi đã từng ở nửa năm tại nhà cô giáo Dương, cô giáo rất quan tâm tôi. Cô cũng rất tỉ mỉ cẩn thận. Vì sợ tôi trong thời gian đó không có tiền tiêu, cho nên cô đã để một cái ví tiền trên mặt tủ lạnh, bên trong có để một ít tiền. Cô thuận miệng nói một câu: “Không có tiền thì cứ tự nhiên lấy nhé!”. Tôi cũng có thể cảm nhận được vị trưởng bối này luôn luôn nghĩ cho người khác. Cô sợ tôi không có tiền thì sẽ rất khó chịu, nhưng lại ngại không dám hỏi, cho nên rất là khéo để cho tôi có thể tiện lợi giải quyết được vấn đề này. Đương nhiên tôi cũng không lấy, bởi tôi ở nhà cô được hơn một tháng thì liền đi dạy học ở trường cho nên cũng có tiền tiêu. Tuy tôi không có tiền nhưng khi cần thì sẽ có cơ hội để cho tôi kiếm được.
Ngoài ra, khi ở cùng với chú Lô, tôi cũng lĩnh hội được rằng ông luôn luôn kính trọng đối với mọi người, không bao giờ khinh mạn. Tôi còn nhớ khi từ Úc trở về, chú Lô có đến Đài Trung thăm tôi. Chú còn mang theo một hộp nước rau mùi hữu cơ (rau mùi đường đỏ) cho tôi. Khi đến, cho dù tôi là hậu sinh nhưng ông đối với tôi rất khách khí, tuyệt đối không bao giờ có thái độ mình là trưởng bối, mình là bậc bề trên. Trong một lần vô tình ông nghe tôi kể rằng ngày trước suýt chút nữa là tôi đi làm công việc có liên quan đến chất hữu cơ. Cho nên khi đi mua nước rau mùi hữu cơ thì ông lập tức nhớ đến tôi. Chú Lô kết bạn với ai cũng đều rất tỉ mỉ tìm hiểu sở thích của họ, những cái họ cần là gì. Chỉ cần có cơ hội là ông nhất định sẽ thực hiện.
Ông cũng thường dạy bảo những hậu sinh như chúng tôi rằng: “Chúng ta phải có những hành vi để làm giảm đi sự lo lắng của người khác”. Ông cũng thường dặn dò, ví dụ như: “Nếu các vị rời khỏi nhà của bạn bè vào thời điểm đã muộn, khi về đến nhà mình thì nhất định phải gọi điện thông báo cho bạn bè mình biết là mình đã về đến nhà để họ khỏi phải lo lắng”. Cho nên luôn luôn phải đứng vào cương vị của người khác để làm giảm bớt sự lo lắng của họ. Chúng ta là con cái thì càng phải như vậy, ví dụ như nửa đêm mới từ nhà của cha mẹ trở về nhà mình, khi về đến nhà cũng phải nhớ gọi điện cho cha mẹ, hoặc cho người thân để họ không phải lo lắng cho chúng ta. Những việc nhỏ nhặt như vậy cũng không được sơ suất.
Tôi thường hay đi máy bay và cũng thường cùng cô giáo Dương đi máy bay. Cô giáo Dương có một thói quen là trước khi lên máy bay cô nhất định phải xác nhận xem máy bay có bay đúng giờ không. Hơn nữa còn biết tính thời gian, ví dụ như bẩy rưỡi (7h30’) máy bay hạ cánh, cô thường cộng thêm thời gian chênh lệch là hai mươi phút (20’) hoặc bốn mươi phút (40’), nếu bay tuyến quốc tế thì sẽ lâu hơn, còn bay tuyến nội địa thì ngắn hơn. Cô sẽ nói với người đi đón là bẩy giờ năm mươi phút (7h50’) thì đến đón (có hai mươi phút chênh lệch). Làm như vậy là để tránh cho người ta phải chờ lâu. Khi chúng ta luôn luôn nghĩ cho người khác thì người khác cũng sẽ luôn luôn nghĩ cho chúng ta. Cho nên được gọi là “vật khinh lược” (chớ qua loa).
16.7. Đấu náo trường, tuyệt vật cận (Nơi ồn náo, không đến gần)
Từ “đấu náo trường” này là chỉ những nơi ồn ào, phức tạp, xa hoa, con cái chúng ta không nên vào. Tại sao bọn trẻ lại thích vào những nơi như vậy? Tại sao? Bởi tâm lý trống rỗng, không có mục tiêu trong cuộc sống. Còn có một vấn đề rất quan trọng là con cái không có năng lực để phán đoán. Chúng không biết nên kết bạn với người như thế nào, ở vào những hoàn cảnh nào thì làm những việc gì mới là đúng, mới có ích đối với cuộc sống của chúng. Năng lực phán đoán này cần nuôi dưỡng từ khi nào? Cho nên có rất nhiều phụ huynh cũng rất căng thẳng với một việc, họ hay nói: “Tôi rất sợ con cái của tôi sau này kết bạn với những người bạn xấu”.
Quý vị thân mến! Các vị có mối lo như vậy không? Có hay không? “Có!”. Tiếp tục lo sợ thì không giúp ích được gì. Cho nên chúng ta phải suy xét làm thế nào để có thể để cho con cái có được năng lực phán đoán.
Tôi từng xem một bài báo. Có một đứa bé phạm tội rất nặng, cảnh sát gọi điện thông báo cho mẹ của đứa bé. Mẹ đứa bé nghe điện thoại và nói trong điện thoại rằng: “Tuyệt đối không phải là con trai của tôi! Không thể như vậy! Con trai tôi không thể làm ra chuyện này”. Kết quả khi đến đồn cảnh sát, còn chưa vào trong thì người mẹ vẫn cứ nói: “Không thể như vậy! Nhất định là giống tên giống họ mà thôi”. Kết quả đợi đến khi mở cửa ra, nhìn thấy con trai của mình ngồi đó viết biên bản thì cô liền nói rằng: “Đều là bị những đứa bạn xấu xúi bẩy!”. Câu nói này đã đùn đẩy sạch sẽ trách nhiệm của bản thân. Như vậy có đúng không?
Thánh nhân thường dạy chúng ta rằng: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Nếu như chúng ta không có thái độ này, thì trong cuộc sống các vị có phạm bao nhiêu lỗi lầm chính mình cũng đều hoàn toàn không biết. Vậy thì cuộc sống này chân thật không còn có giá trị nữa!
Cho nên tôi có nói với rất nhiều vị bạn hữu rằng gặp được bạn tốt hay bạn xấu có liên quan rất lớn với chính bản thân con của chúng ta. Chúng ta không nên tư duy theo sự phiền muộn của chính chúng ta, cứ thường thường ở đó lo lắng mà phải thuận theo lý trí, thuận theo chân lý để đối diện. Trong “Kinh Dịch” có nói: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”. Thời nay thì lại nói rằng: “Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân”. Nguyên văn là “phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”, ý nói rằng người hiền lành thì sẽ kết bạn với người hiền lành, người ác thì sẽ thu hút những bạn ác. Cho nên khi con cái chúng ta rất hiền lành, rất trọng đạo đức thì tự nhiên sẽ cảm ứng được những người bạn tốt. Bởi vậy điều quan trọng nhất phải để cho con cái có được “tâm thiện”.
Cháu tôi khi được ba tuổi thì chị gái tôi là mẹ của cháu đã bắt đầu dạy cháu “Đệ Tử Quy”, sau đó còn diễn giải “Đệ Tử Quy” cho cháu hiểu. Kết quả khi cháu ba, bốn tuổi, được dẫn ra ngoài kết bạn với những đứa trẻ khác, khi thấy những đứa bé này mắng chửi người hoặc là đánh người, nó nhìn thấy liền kéo tay mẹ và nói: “Bạn này không được đánh người. Bạn này không được chửi mắng người khác”. Tại sao cháu lại phán đoán được như vậy? Khi các vị dạy “Đệ Tử Quy”, ví dụ như các vị dạy bọn trẻ “hiếu” là “đúng”, “hiếu” là “thiện”, thì chúng có biết cái gì là ác không?
Quý vị thân mến! Các vị có biết cái gì là ác không? Câu hỏi này không khó khăn như vậy, các vị đừng bị tôi dọa cho sợ. Đáp án là “bất hiếu” (Thật là xin lỗi vì đã làm cho mọi người phải căng thẳng). Khi các vị dạy trẻ nhỏ phải yêu thương anh chị em, tôn trọng trưởng bối, chúng biết đó là thiện thì chúng có biết cái gì là ác không? Bất kính, không “hiếu – đễ”. Khi chúng biết được rằng cẩn thận là rất quan trọng,việc của mình thì phải tự mình làm là thiện, thì đồng thời chúng cũng biết cái gì là ác. Khi chúng biết rằng yêu thương mọi người là thiện, chúng có biết cái gì là ác không? Đúng! Cho nên khi bọn trẻ biết rõ thiện và ác, thiện ác phân minh thì chúng sẽ có được sự chọn lựa.
Cho nên, khi con cái luôn luôn có tâm thiện thì khi vào những nơi náo nhiệt, ồn ào, đảm bảo chúng sẽ không thoải mái. Cho nên bây giờ nếu như có bảo tôi vào những nơi nhảy múa, ca hát, đứng ở đó một phút là tôi nhất định sẽ khó thở, sẽ bị đau đầu, vì từ trường ở đó không tốt. Bởi vì các vị “nhập chi lan chi thất, cửu nhi bất vấn kỳ hương”. Các vị đã tiếp thu sự hun đúc của Thánh Hiền, những ý nghĩ trong lòng, những việc làm đều là thiện thì khi đem các vị đến những nơi bất thiện các vị sẽ lập tức cảm thấy không thoải mái, tự nhiên sẽ tôn kính nhưng không dám lại gần. Cho nên thiện ác có phân minh thì con của chúng ta mới có sự lựa chọn. Phụ huynh thời nay có dạy con cái như vậy không? Khi con cái còn nhỏ mà thiện ác đã không rõ ràng thì lúc chúng lên cấp hai, lên cấp ba, nếu gặp phải những người bạn xấu, chúng ngay lập tức bị dụ dỗ.
Cho nên nhân duyên của vạn pháp có nguyên nhân mới sinh ra kết quả. Một người kết bạn với người xấu thì nguyên nhân là người đó không phân rõ thiện ác. Đó là duyên gì? Duyên ác thì mới có bạn ác xuất hiện, mới có kết quả ác. Nếu con người luôn luôn chỉ chú trọng vào kết quả, vào cái duyên thì sẽ không tìm ra nguyên nhân thật sự. Cho nên trong mấy nghìn năm lịch sử, có biết bao Thánh nhân đều sống trong thời loạn nhưng họ vẫn đứng vững không lung lay, bởi thước đo làm người trong lòng của họ rất rõ ràng, rất minh bạch.
Quý vị thân mến! Nếu như căn cơ thiện ác của con cái các vị vững chắc thì lúc về già các vị mới có thể bình yên, vô tư lự. Cho nên cuộc sống của chúng ta phải quy hoạch cho kỹ càng, thấu đáo.
HẾT TẬP 25. XIN XEM TIẾP TẬP 26!