Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 35/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 35/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 -năm 2005

Chân thật là thời nay, nếp sống hành thiện cũng càng ngày càng thịnh hành. Điều này đáng để chúng ta khâm phục. Hơn nữa, chúng ta cũng phải hành thiện. Một là để nâng cao tấm lòng nhân từ của bản thân. Hai là có thể chân thật hiểu được rất nhiều việc, nhiều nơi mà không phải ai cũng biết được trong xã hội hiện nay. Khi chúng ta dẫn theo con cái cùng đi hành thiện thì tuyệt đối có thể nuôi dưỡng được tấm lòng nhân hậu của chúng. Vậy thì việc đầu tiên để chúng ta hành thiện là nhất định phải chăm sóc gia đình cho tốt trước đã. Không thể ra bên ngoài hành thiện mà trong gia đình thì cứ rối loạn cả lên, như vậy có thể sẽ có tác dụng phụ. Cho nên, việc đầu tiên phải tu thân, sau đó mới tề gia, tề gia rồi mới có thể phát huy sự ảnh hưởng của mình mà trị quốc, để có sự ảnh hưởng đến xã hội. Cho nên thứ tự như vậy chúng ta cũng cần phải cẩn thận để làm theo.

Ngoài việc phải tôn trọng những người kém thế ra, đối với những người xấu thì chúng ta rất cần phải yêu thương họ. Bài giảng trước, chúng ta có nhắc đến một vụ án rất nghiêm trọng đã xảy ra năm ngoái. Đó là sự kiện của Mã Gia Tước. Bởi bị bạn học chế nhạo, lăng nhục anh ta trong một thời gian dài, coi thường anh ta, khinh anh ta nghèo, cho nên anh ta đã manh nha động cơ giết người rồi giết chết mấy người bạn học. Trong quá trình này, có một người bạn học đáng lẽ cũng bị thương tổn, nhưng sau đó đã tránh được cái kiếp nạn này chỉ bởi người bạn học này đã từng giúp anh ta bưng khay cơm và lấy cơm nên người bạn học này mới hóa giải được kiếp nạn.

Chân thật khi con người có thiện tâm thì tự nhiên sẽ có thiện báo. Cho dù đối phương có hung ác bao nhiêu, chỉ cần chúng ta có thiện tâm, có đức hạnh thì đều có thể dần dần làm thức tỉnh lương tri của họ. Nếu như chúng ta công kích họ thì có thể cả hai bên đều bị thiệt thòi. Cho nên, mới nói “Dương nhân ác, tức thị ác. Tật chi thậm, họa thư tác” (Khen người ác, chính là ác. Ác cùng cực, tai họa đến). Rất có thể họ thẹn quá hóa giận thì sẽ không hay. Vậy thì tại sao họ lại đi vào con đường hư hỏng? Đó là do họ không được gia đình giáo dục tốt và không có sự giáo dục tốt của nhà trường. Cho nên một người đi vào con đường hư hỏng là bởi vì trong cuộc sống của họ đã không gặp được người thật sự yêu thương họ. Cho nên, những người xấu tất có những chỗ đáng thương. Chúng ta cũng phải thông cảm với họ.

Khi ở Hải Khẩu, tôi có gặp một giám thị trại giam. Tôi đã không ở Hải Khẩu trong một thời gian dài, mấy ngày gần đây mới trở lại Hải Khẩu. Khi ông biết tôi trở lại Hải Khẩu thì liền vội đến để cùng với các thầy giáo của trung tâm chúng tôi ăn một bữa cơm. Ông nói ông có một tâm nguyện, mong rằng có thể biến cái trại giam này thành một trường học. Tôi nghe xong rất là cảm động. Thật vậy! Một người lãnh đạo chính phủ mà chân thật có lòng làm việc thiện, như vậy thì sẽ có rất nhiều người, rất nhiều người được lợi ích to lớn.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tổ chức thuyết giảng ở Hải Khẩu, tổ chức trong năm ngày, Cục Trưởng Cục Giáo dục thành phố Hải Khẩu đã đích thân đến nghe. Đương nhiên bởi vì tôi ít tiếp xúc với bên ngoài, cho nên khi Cục Trưởng ngồi ở bên dưới nghe, tôi cũng rất căng thẳng. Sau đó Cục Trưởng cũng nghe hết bài giảng của buổi chiều hôm đó. Sau khi nghe xong, tan buổi học mấy vị thầy giáo chúng tôi tiễn Cục Trưởng về. Khi vị Cục Trưởng này vừa đi khỏi thì tôi chợt cảm thấy rất cảm động và nước mắt lã chã tuôn rơi. Bởi vì chúng tôi thường hay xem “Những câu chuyện giáo dục đạo đức”, nói mỗi một vị lãnh đạo tốt đều có thể làm cho cả một vùng được ích lợi, đều có thể làm cho sự sinh hoạt và tư tưởng của người dân có được sự phát triển rất tốt, gia đình của họ cũng sẽ có ảnh hưởng rất sâu sắc. Chỉ cần có một vị lãnh đạo tốt xuất hiện thì xã hội sẽ có nếp sống tốt, bởi nghĩ như vậy cho nên tôi rất cảm động. Những người bên cạnh không hiểu tại sao tôi khóc, cũng đều rất ngạc nhiên, nhưng tôi nói: “Không có gì!”.

Lại thấy vị giám thị này có tấm lòng như vậy, khi họ có tâm như vậy thì chúng ta nhất định phải hỗ trợ hết lòng. Tôi nói: “Chỉ cần sắp xếp được thời gian, thầy giáo trung tâm chúng tôi nhất định sẽ ủng hộ, thậm chí chúng tôi sẽ phát tâm cung cấp sách vở”. Thật ra trong thời đại này, chỉ cần các vị muốn làm việc tốt thì nhất định sẽ có người giúp đỡ các vị. Cho nên mới nói “Nhân hữu thiện nguyện, thiên tất tùng chi”. Vì vậy khi đối diện với người xấu thì chúng ta cũng hướng dẫn con cái trước tiên phải làm cho tốt bản thân, thì tự nhiên sẽ có thể cảm hóa được người khác. Khi bọn trẻ có được thái độ như vậy, thì chúng sẽ luôn luôn có thái độ đối xử thân thiện với mọi người, và sẽ không gây xung đột với người khác.

Ngoài việc phải yêu thương con người ra, chúng ta cũng  cần phải yêu thương động vật. Bởi vì động vật cũng có linh tánh như chúng ta, cũng có cảm giác, cũng biết đau, cũng biết đau lòng, cũng biết khó chịu. Có một người thợ săn ở Tây Tạng, một buổi sáng nhìn thấy ở đằng xa có một con linh dương. Người thợ săn này khi nhìn thấy con mồi thì theo bản năng nhanh chóng nâng súng lên và đã ngắm chuẩn con linh dương. Kết quả đã xuất hiện một màn làm ông ấy vô cùng kinh ngạc, bởi vì từ trước tới giờ ông chưa từng thấy. Đó là khi con linh dương vừa nhìn thấy ông thì nó liền quỳ hai chân xuống. Ông cảm thấy rất kỳ lạ nhưng vẫn cứ bắn con vật. Sau khi bắn xong, ngày hôm sau ông đem nó ra mổ lấy thịt thì thấy trong bụng của nó có một con linh dương con. Người thợ săn chợt hiểu ra tại sao con linh dương này lại quỳ lạy ông như vậy, là để cầu xin ông tha mạng cho con của nó. Người thợ săn này cũng là người làm cha nên khi thấy con linh dương vì con cái mà cũng có thể làm ra hành động như vậy thì ông rất cảm động và cũng rất hổ thẹn. Vì ông hiểu được rằng tất cả mọi loài động vật cũng đều có tình thân. Cho nên từ đó ông từ giã khẩu súng săn và không bao giờ đi săn nữa.

Ngoài ra còn có một người thợ săn khác, ông chuyên môn đi bẫy chồn, dùng bẫy để kẹp con mồi. Có một hôm ông phát hiện bẫy có kẹp một con chồn. Nhưng khi đến gần xem thì ông chỉ thấy có mỗi tấm da chồn, thân thể không thấy đâu. Người thợ săn này lần theo vết máu con chồn để lại và đi đến hang của nó. Hóa ra con chồn này đã dùng toàn lực để tự lột da của nó mà thoát ra, chạy về hang và đang cho con nó bú sữa mẹ. Thật ra con chồn mẹ này cũng đã chết, nhưng con nó thì vẫn đang bú sữa nó. Cho nên, các vị thấy đó, một con chồn cho dù có mất mạng thì ý niệm của nó vẫn là vì con. Tình mẫu ái của nó cũng không thua kém gì so với con người chúng ta. Cho nên người thợ săn khi nhìn thấy cảnh tượng như vậy thì từ đó trở đi ông cũng không còn săn bắn nữa.

Từ điều này chúng ta hãy suy ngẫm bài thơ của Bạch Cư Dị: “Mạc đạo quần sinh tính mệnh vi, nhất ban cốt nhục nhất ban bì! Khuyến quân mạc đả chi đầu điểu, tử tại sào trung vọng mẫu quy. Đối với động vật chúng ta cũng phải có tấm lòng đồng cảm như vậy. Tuyệt đối không nên chỉ vì sở thích của mình mà phân tán, chia cắt gia đình động vật.

Không chỉ có động vật cần được chúng ta quan tâm, thực vật với chúng ta cũng cùng một thể, đều là những sinh mệnh cùng sống chung trên trái đất này. Tôi đã từng thấy bọn trẻ trèo lên cây và cứ thế mà đung đưa cành cây, cứ muốn bẻ gãy cành cây. Chúng cảm thấy như vậy là rất thú vị. Nếu như ngay từ nhỏ, bọn trẻ đã cảm thấy rằng, muốn được thú vị thì phải nghịch ngợm, vậy thì có thể chúng sẽ bắt đầu từ việc làm tổn thương thực vật. Tiếp đến nếu như chúng muốn được thú vị hơn, chúng lại có thể đánh giết động vật. Như vậy thì có thể từ việc làm tổn thương thực vật, tiếp đến sẽ tổn thương động vật. Lớn hơn chút nữa, nếu chúng cảm thấy thú vị, chúng có thể sẽ đi đánh người.

Cho nên người lớn chúng ta phải thật cẩn thận, làm sao để bọn trẻ đều phải dùng tấm lòng để đối xử với tất cả, không kể là động vật hay thực vật. Nếu như bất kính đối với vật, thì sau này đối với con người, chúng có thể kính trọng được không? Chúng thấy thức ăn là nói: “Không ăn!”. Chúng lãng phí đối với thức ăn thì đảm bảo rằng đối với người cũng khó mà kính trọng cho được bởi vì “nhất chân nhất thiết chân”. Điều này ý nói là ý niệm của một con người khi sự cung kính của họ, sự chân thành của họ có thể nội hóa vào trong, thì những hành vi họ biểu hiện ra ngoài tự nhiên cũng sẽ là chân thành, cung kính. Khi đối với vật, trẻ nhỏ không chân thành, đều lãng phí, đều làm theo lòng ham muốn của mình, vậy thì tâm của chúng đã mất đi sự cung kính. Đợi đến khi chúng đối xử với con người, liệu có thể điều chỉnh để lấy lại sự cung kính được không? Không thể!

Cho nên những thứ chúng ta mặc, những thứ chúng ta ăn đều là sự quan tâm của cha mẹ, là dùng đồng tiền mà cha mẹ phải vất vả lắm mới kiếm được để mua. Khi chúng ta có thể quý trọng những đồ vật này, thì cũng là quý trọng sự hy sinh của cha mẹ. Những điều này không ngoài tâm lý của con người.

Cho nên khi nhìn thấy bọn trẻ làm tổn hại đến thực vật, thì tôi cũng không lập tức chỉ trích ngay mà đợi đến khi lên lớp, tôi liền nói với bọn trẻ rằng: “Các em! Xin hỏi, con người thiếu cái gì chỉ trong năm phút thì sẽ mất mạng? Khí ô xy. Ví dụ hôm nay thiếu thức ăn, các em vẫn có thể sống được tám ngày, mười ngày. Các em thiếu nước uống thì hai hôm, ba hôm vẫn không sao. Nhưng chỉ cần các em không có ô xy trong năm phút thì làm sao? Chết là điều chắc chắn, có thể não sẽ hoại tử. Vậy xin hỏi ô xy từ đâu mà có”. Bọn trẻ trả lời rất nhanh, bởi vì chúng đã học môn tự nhiên: “Tác dụng quang hợp, là từ thực vật mà có”. “Cho nên thực vật là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của các em. Bởi vì nếu không có thực vật thì các em không sống nổi năm phút. Cho nên thực vật là ân nhân cứu mạng của các em. Chúng cung cấp điều cần thiết nhất cho các em. Vậy thì các em lấy gì để đối đãi với chúng? Cho nên chúng ta phải quý trọng thực vật. Thực vật không chỉ cung cấp khí ô xy cho các em mà chúng còn giúp chúng ta rất nhiều, rất nhiều nữa”.

Chúng ta mượn cơ hội này để giảng giải cho bọn trẻ hiểu được sự quan trọng của thực vật đối với chúng, sự cống hiến của thực vật đối với tính mệnh của chúng. Thực vật đã cống hiến cho chúng ta nhiều như vậy, thế nhưng chúng chưa bao giờ mở miệng ra để nói với chúng ta rằng: “Xin anh trả cho tôi ba trăm đồng, xin anh trả cho tôi năm trăm đồng”. Chúng cống hiến vô tư cho chúng ta thì càng đáng để cho chúng ta tôn trọng chúng.

Bởi vì con người không tôn trọng thực vật, cho nên đã xảy ra rất nhiều vấn đề. Ví dụ như mỗi lần trời mưa cũng gây nên lở đất. Thật kỳ lạ là ba mươi (30) năm trước, năm mươi (50) năm trước làm gì có lở đất nhiều như vậy! Mấy chục năm sau này sao lại nhiều đến thế? Các vị có phát hiện ra rằng thời đại của chúng ta hiện nay có rất nhiều danh từ mới? Đều cũng do con người thời nay làm ra những việc gì đó thì mới gây ra những hiện tượng mới như thế này.

Bởi vì chúng ta chặt cây vô tội vạ. Những cây to có thể giữ đất, các vị lại chặt nó đi thì đất sẽ bị lỏng ra. Khi mưa xuống và mưa quá to thì sẽ gây ra lở đất. Cho nên, các vị cứ suy xét cho kỹ, cái được gọi là thiên tai thời nay  đều là tai họa do con người tạo ra.

Bởi tán cây có thể điều hòa nhiệt độ không khí, cho nên một thành phố chỉ cần càng có nhiều cây cối, thì nhiệt độ khí hậu ở đó càng ổn định. Nếu như chặt hết cây cối thì thành phố đó sẽ bị ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào và nhiệt độ sẽ rất cao. Con người sống dưới hoàn cảnh như vậy thì cơ thể rất dễ bị thương tổn. Cho nên cây cối luôn luôn điều tiết nhiệt độ cho chúng ta. Tiếp đến, cây cối có thể ngăn không cho ánh nắng trực tiếp chiếu xuống đất, cho nên điều tiết được nhiệt độ rất tốt.

Mặt khác con người lại thải ra khí các bon, các bon điôxít và một số khí thải khác, cũng đều cần thông qua sự hấp thụ của cây cối để chuyển hóa. Kết quả, thời nay vì cây cối bị chặt hết, những khí thải này cứ ngưng tụ ở tầng không, khi có quá nhiều khí các bon, các bon điôxít thì sẽ gây ra hiệu ứng nhà kính. Nhiệt độ của trái đất không thải đi đâu được mà càng ngày càng cao lên, gây ra sự bất thường về khí hậu toàn cầu, ví dụ như khu vực nhiệt đới lại có tuyết rơi.

Những hiện tượng này là thiên tai ư? Có phải là thiên tai không? Đều không phải. Bởi vậy con người phải suy nghĩ cho kỹ lưỡng để chung sống với thiên nhiên. Chúng ta nên bảo vệ thiên nhiên để có thể cùng chung sống. Nếu như chúng ta làm tổn hại thiên nhiên thì tuyệt đối sẽ là hai bên đều bị tổn thương.

Cho nên Tổ tiên đã mong muốn chúng ta có thể làm được “thiên- địa- nhân”, tam tài. Có một con số nhắc đến rằng: Trước đây một vạn (10.000.000) năm, cứ mỗi một trăm (100) năm thì có một loài vật bị tuyệt chủng. Một nghìn (1.000.000) năm trước thì cứ mười (10) năm lại có một loài vật bị tuyệt chủng. Một trăm (100) năm trước thì mỗi một (1) năm đều có một loài vật tuyệt chủng. Hai mươi (20) năm trở lại đây thì mỗi năm lại có đến năm trăm (500) loài vật bị tuyệt chủng. Và năm (5) năm trở lại đây thì mỗi năm phải có tới một vạn (10.000.000) loài vật bị tuyệt chủng.

Chúng ta nhìn thấy những con số này mà giật mình. Chỉ trong vòng mấy mươi năm ngắn ngủi mà toàn cầu đã có hàng vạn loài vật kề cận với đại nạn, sắp bị tuyệt chủng. Đó là kiệt tác của nhân loại. Khi một loài động vật trên trái đất bị tuyệt chủng thì loài động vật nào sẽ mở tiệc ăn mừng tới những bẩy ngày, bẩy đêm không ngủ? Đó là loại động vật nào? “Loài người”. Sao các vị biết vậy? Cho nên chân thật đã đến lúc con người phải nghĩ lại.

Nếu như lấy bệnh ung thư làm ví dụ, nhân loại là tế bào ung thư của trái đất. Các vị có thấy tế bào ung thư phát triển rất nhanh và đi chèn ép các nội tạng khác không? Nó phát triển rất nhanh chóng, nó cho rằng nó càng ngày càng lớn mạnh. Kết quả là có một hôm nào đó khi cơ thể chết đi, thì số phận của tế bào ung thư cũng sẽ chết theo. Tuy rằng nó không ngừng phát triển, đến cuối cùng khi cả cơ thể của người chết đi, thì nó cũng sẽ cận kề với cái chết, nó cũng sẽ chết theo. Nhân loại cũng vậy, tranh cướp không gian sinh tồn của biết bao nhiêu là động vật và thực vật. Hình như con người càng ngày càng lớn mạnh có phải vậy không? Đợi đến khi cả trái đất bị phá hủy không thể sinh tồn được nữa, trái đất không thể sinh tồn được thì nhân loại cũng sẽ bị hủy diệt theo.

Bởi vậy, con người không nên chỉ thấy cái lợi trước mắt mà nhất định phải bắt đầu từ quan tâm đến con người, sau đó tiến mở rộng thêm bước nữa là tôn trọng đối với tất cả vạn vật. Chúng ta biết tôn trọng tất cả vạn vật, và cũng giáo dục cho con cháu đời sau của chúng ta biết tôn trọng tất cả mọi sinh mệnh, nuôi dưỡng tấm lòng nhân từ của chúng. Khi đời sau có được tấm lòng nhân từ thì ai sẽ là người được lợi nhiều nhất? Đương nhiên là cha mẹ chúng và gia đình của chúng rồi. Cho nên con người phải hiểu biết, không hiểu biết thì có thể sẽ làm ra rất nhiều chuyện sau này phải ân hận cả đời. Cho nên chúng ta cần phải “phiếm ái chúng” (yêu thương tất cả chúng sinh).

  1. PHÀM THỊ NHÂN, GIAI TU ÁI. THIÊN ĐỒNG PHÚC, ĐỊA ĐỒNG TẢI

Phàm là người, đều yêu thương

Che cùng trời, ở cùng đất

Chúng ta cùng sống chung trên trái đất, cùng ở chung một không gian trời đất, cho nên “có phúc phải cùng hưởng và có họa thì cùng chia“. Có một vị thầy giáo nói với tôi rằng: “Có thể yêu thương tất cả vạn vật thì có thể thực hiện được đạo hiếu đễ”. Ông nói tiếp: “Trời là cha, đất là mẹ. Mỗi một con người đều là con cái của trời đất, đều là đất đã nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành. Nếu như không có đất thì chúng ta sẽ lấy gì mà ăn? Bởi vì mặt đất luôn nuôi dưỡng chúng ta, chúng ta phải nhớ cái ơn này. Đất là mẹ, vạn vật mà mẹ đất đã nuôi dưỡng cũng đều là anh chị em. Cho nên chúng ta không nên tàn sát động vật. Như vậy là không có thái độ hiếu đễ”. Vị thầy giáo này đã mở rộng tấm lòng của ông.

Chân thật thì đất là mẹ nên khi nhân loại chúng ta không biết tôn trọng động vật thì không khí trong đại gia đình này sẽ hỗn loạn. Cho nên chúng ta đã thấy có rất nhiều động vật bị tuyệt chủng. Những động vật này khi nhìn thấy con người thì đều chạy trốn. Nghe nói khi gặp người Trung Quốc, chúng lại còn chạy trốn nhanh hơn. Điều này chúng ta nên kiểm điểm lại mình. Bởi vì người Trung Quốc đối với tất cả các loài động vật bay trên trời hay bò dưới đất, hoặc bơi dưới nước thì cũng đều “giải quyết”. Cái ham muốn về ăn uống này cũng phải nên tiết chế, nếu không thì không biết phải giết bao nhiêu là sinh linh. Có rất nhiều động vật đều do bị con người ăn thịt mà dẫn tới tuyệt chủng. Cho nên mới nói: “Thiên đồng phúc, địa đồng tái(Che cùng trời, ở cùng đất).

Vào thời Chiến Quốc có một vị Tể Tướng nổi tiếng tên là Tôn Thúc Ngạo. Ông cũng là người tương đối có đức hạnh. Một hôm ông có việc đi ra ngoài, ông nhìn thấy có một con rắn hai đầu. Bởi nơi ông ở có lời đồn rằng: “Ai mà gặp rắn hai đầu thì sẽ không sống được bao lâu, có thể sẽ có tai nạn xảy ra”. Cho nên sau khi ông nhìn thấy thì lập tức cầm gậy đánh chết con rắn hai đầu. Sau khi đánh chết con rắn thì ông đem nó đi chôn rồi khóc lóc mà về nhà. Mẹ của ông thấy vậy liền hỏi ông: “Tại sao con khóc?”. Tôn Thúc Ngạo liền nói: “Con không thể phụng dưỡng mẹ được nữa bởi vì con đã nhìn thấy con rắn hai đầu, tính mạng của con không giữ được lâu nữa”. Chúng ta thấy đó, Tôn Thúc Ngạo tuổi còn trẻ nhưng khi nhìn thấy con rắn hai đầu thì không nghĩ đến tính mạng của mình sắp kết thúc mà nghĩ đến việc gì? Ông đem con rắn chôn cất tử tế, không để cho người khác gặp phải. Hơn nữa ông còn khóc lóc đi về nhà. Tại sao lại đau lòng? Vì ông sợ mình không thể phụng dưỡng mẹ được nữa. Mẹ của ông nghe xong cũng rất được an ủi, vì thấy con trai mình biết nghĩ cho người khác, cho nên mới nói: “Con không phải lo sợ, con có tấm lòng thiện như vậy thì sau này nhất định sẽ có nhiều phúc phần”. Sau này khi Tôn Thúc Ngạo trưởng thành thì ông quả nhiên đã làm Tể Tướng của nước Sở, và cũng có rất nhiều thành tích. “Thiện sẽ có thiện báo“, có một tấm lòng lương thiện thì nhất định có thể cảm ứng được phúc phần. Cho nên phải yêu thương hết thảy mọi người.

  1. HẠNH CAO GIẢ, DANH TỰ CAO. NHÂN SỞ TRỌNG, PHI MẠO CAO. TÀI ĐẠI GIẢ, VỌNG TỰ ĐẠI. HÂN SỞ PHỤC, PHI NGÔN ĐẠI.

Người hạnh cao, danh tự cao

Mọi người trọng, không bề ngoài.

Người tài năng, tiếng tự cao

Được người phục, chẳng do khoe

************

25.1. Hạnh cao giả, danh tự cao. Nhân sở trọng, phi mạo cao (Người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài)

Một người có đức hạnh thì danh tiếng của họ tự nhiên sẽ được truyền ra ngoài. Có cần họ phải ngồi trên xe đi tuyên truyền mà có được danh tiếng chăng? Tuyệt đối không phải. Bởi vì luồng gió đức hạnh sẽ thổi ra ngoài. Cho nên Khổng Phu Tử trong “Luận Ngữ” có nói: “Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong, tất yển.

Chữ “tiểu nhân” trong câu “quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo” là chỉ những người dân bình thường. Chữ “yển” trong câu thảo thượng chi phong, tất yển”, là chỉ cây cỏ cúi rạp mình xuống, thể hiện rằng khi luồng gió đức hạnh thổi qua thì tất cả những người dân bình thường cũng đều nhận được sự giáo hóa, đều cũng học tập theo, noi theo. Đương nhiên quan trọng nhất là những người có đạo đức nhất định phải thật sự có học vấn, đạo đức thì tự nhiên sẽ đạt đến hiệu quả “hữu xạ tự nhiên hương”. Cho nên khi đó Khổng Phu Tử thuyết giảng, giáo dục của Thánh Hiền phát triển cũng rất nhanh chóng và có rất nhiều học giả của các nước đều đến học Khổng Phu Tử.

Quý vị thân mến! Phu Tử luôn luôn nghĩ đến những việc gì? Vậy còn chúng ta thường xuyên nghĩ đến việc gì? Bởi vì “tướng do tâm sinh”, trong lòng nghĩ gì thì nhất định sẽ thể hiện ra trong những việc đối nhân, xử thế hàng ngày. Khi chúng ta có thể hiểu được rằng, những điều Thánh nhân nghĩ khác xa với những điều mà chúng ta nghĩ, thì chúng ta sẽ biết phải làm sao để theo cho kịp, “tung khứ viễn, dĩ tiệm tê(dù còn xa, cũng dần kịp).

Quý vị thân mến! Bình thường thì chúng ta nghĩ gì? Có phải nghĩ cổ phiếu phải lên hay phải xuống không? Hay là đang lo nghĩ lần thi toán của con cái mình sẽ ra làm sao?

Khổng Phu Tử trong “Luận Ngữ” có nói rằng hàng ngày ông đều lo nghĩ đến bốn việc. Đó là: “Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã.

  • Việc thứ nhất: “Đức chi bất tu”

Khổng Phu Tử hàng ngày cũng đều vô cùng tích cực rèn luyện đức hạnh của mình. Ông rất lo sợ có ngày bị lãng phí không làm gì, cho nên không thể không tu nhân tích đức.

  • Việc thứ hai: “Học chi bất giảng”

Đó là có những đạo lý mình lĩnh hội được thì nhất định phải đem nó ra giảng giải để cho càng có nhiều người được lợi ích, để cho càng có nhiều người có thêm trí tuệ.

  • Việc thứ ba: “Văn nghĩa bất năng tỉ”

Đó là chỉ cần biết được là việc chính nghĩa, thì nhất định phải làm mà không được chểnh mảng.

  • Việc thứ tư: “Bất thiện bất năng cải”

Luôn luôn suy xét xem mình còn những khuyết điểm nào thì phải mau chóng sửa chữa, không được lười biếng.

Bởi Khổng Phu Tử có những ý nghĩ như vậy, cho nên đức hạnh của ông, sự cống hiến đối với đại chúng của ông tự nhiên càng ngày càng nhiều hơn, tự nhiên dành được sự tôn trọng, sự kính yêu của tất cả những người dân thường đối với ông. Cho nên mới nói: “Hạnh cao giả, danh tự cao; nhân sở trọng, phi mạo cao” (Người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài), người có đạo đức thì tự nhiên có danh tiếng, mọi người đều kính trọng, chứ không phải do dung mạo đẹp. Tuyệt đối không phải là do ông đẹp lão, tuyệt đối không phải do dung mạo. Dung mạo cũng không thể làm cho lòng người khác có sự kính phục. Điều đó là không thể.

************

25.2. Tài đại giả, vọng tự đại. Nhân sở phục, phi ngôn đại (Người tài năng, tiếng tự cao. Được người phục, chẳng do khoe)

Một người chân thật có tài thì danh vọng của họ tự nhiên sẽ được truyền ra bên ngoài. “Nhân sở phục, phi ngôn đại(Được người phục, chẳng do khoe), cái tài của một người tuyệt đối không phải tự mình khoe khoang, tự mình tâng bốc, mà phải thật sự có tài thì trong lòng người khác mới khâm phục. Hơn nữa, chữ “tài” tuyệt đối phải được xây dựng trên một nền tảng. Đó là nền tảng đức hạnh. Cho nên vế thứ nhất của câu đó nói đến “hạnh cao giả” (người hạnh cao), nhất định phải có đức hạnh. Bởi vì họ có đức hạnh, cho nên tài hoa, sở học của họ cũng xuất phát từ một mục đích là có thể làm lợi ích cho gia đình, cho xã hội. Cho nên những tài hoa của họ nhất định làm cho người khác phải kính phục, làm cho người khác được ích lợi. Mọi người sẽ kính phục đối với họ. Tuyệt đối họ không phải có cái tài hoa rồi thì chỉ vì lợi ích của một mình mình. Như vậy thì người có tài cũng sẽ không được người khác tôn trọng.

Chúng ta thường thấy có rất nhiều người có tài thì trong lòng chúng ta đều cảm thấy rất ngưỡng mộ. Bọn trẻ có thể cũng sẽ nói như vậy: “Sao mà giỏi quá vậy! Sao chữ này viết đẹp quá vậy! Sao hát hay đến vậy!”. Kết quả để viết được chữ đẹp thì nguyên nhân ở đâu? Cho nên chúng ta phải tiến thêm một bước để hướng dẫn bọn trẻ, không nên chỉ ngưỡng mộ người khác không thôi, mà còn phải xem xem đằng sau sự tài giỏi này cũng không phải dễ dàng mà có được. Cho nên “Nhược yếu công phu thâm, thiết chử ma thành tú hoa châm(có công mài sắt có ngày nên kim), tài năng không phải từ trên trời rơi xuống. Chúng ta phải để cho bọn trẻ xây dựng thái độ đúng đắn như vậy. Tuyệt đối phải kiên nhẫn thì mới thành công.

Cho nên khi nhìn thấy cô giáo Dương Thục Phần viết thư pháp về “Đệ Tử Quy” rất đẹp, xem xong tôi cảm thấy rất là đẹp, rất ngưỡng mộ cô. Cô đã viết trong bốn mươi mốt (41) năm rồi, từ lúc mới năm (5) tuổi cô đã bắt đầu viết thư pháp. Cô nói, ngày xưa cô luyện viết thư pháp, một ngày luyện viết một tập giấy, phải một tập giấy, cũng từng chút, từng chút một như vậy mà luyện thành. Cho nên bây giờ cô cầm bút lên thì có thể tùy ý viết mà không bị vượt ra ngoài quy tắc. Cho nên cô chân thật là phải chăm chỉ, phải bỏ công sức ra. Thêm vào nữa là phải kiên nhẫn, có tấm lòng phục vụ vì người khác thì tài năng của cô mới không ngừng tiến bộ, không ngừng có sự đột phá. Bởi vậy hiện nay cô viết rất nhiều bảng chữ mẫu, sau đó in thành sách và đưa lên mạng internet, bên dưới có ghi “Hoan nghênh sao chép, công đức vô lượng”. Mong rằng mình cũng có một gia đình tốt như vậy. Bởi vì cha cô là một nhà thư pháp. Năm hai mươi bẩy (27) tuổi cha cô mới bắt đầu học thư pháp. Cho nên, cha cô là tấm gương tốt cho cô, chỉ cần hiếu học thì không sợ đã bị muộn.

Quý vị thân mến! Sau khi nghe xong các vị có muốn đem thư pháp ra luyện tập không? Người cha có tấm gương như vậy, có một gia đình tốt như vậy cho nên tài năng của cô mới có sự thành tựu. Cho nên chúng ta học được của xã hội thì cũng phải dùng cho xã hội, tuyệt đối không được lãng phí. Đó là: “Tài đại giả, vọng tự đại, nhân sở phục, phi ngôn đại(Người tài năng, tiếng tự cao. Được người phục, chẳng do khoe).

 

  1. KỶ HỮU NĂNG, VẬT TỰ TƯ. NHÂN HỮU NĂNG, VẬT KHINH TÍ. VẬT SIỂM PHÚ, VẬT KIÊU BẦN. VẬT YỂM CỐ, VẬT HỶ TÂN. NHÂN BẤT NHÀN, VẬT SỰ GIẢO. NHÂN BẤT AN, VẬT THOẠI NHIỄU.

Mình có tài, chớ dùng riêng

Người có tài, không chỉ trích.

Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo

Chớ ghét cũ, không thích mới.

Người không rảnh, chớ não phiền

Người bất an, không quấy nhiễu.

 

************

26.1. Kỷ hữu năng, vật tự tư (Mình có tài, chớ dùng riêng)

Tự mình có tài cán, có năng lực thì chỉ cần giúp được người khác, mình nhất định phải giúp, không được ích kỷ mà không chịu đưa tay ra để giúp đỡ người khác. Về điểm này, tôi cảm nhận được rất sâu sắc bởi vì thời gian tôi ở lớp học bổ túc, chỉ cần có bạn học đến hỏi tôi điều gì thì tôi nhất định sẽ tận tâm, tận lực đi giúp đỡ họ. Khi một người dùng năng lực của mình để giúp đỡ người khác thì họ đã tu được cả ba loại bố thí.

Chúng ta đều biết rằng trong trời đất, nếu các vị làm đúng theo nguyên lý và phương pháp để cầu thì “có cầu tất có ứng“. Người thế gian thích tiền tài, nhưng lại không biết muốn có tài phải gieo nhân nào thì mới có được tiền tài. Người thế gian cũng muốn có được sự thông minh trí tuệ. Vậy cái nhân ở đâu? Nhân ở trong “pháp bố thí”. Người thế gian còn mong được mạnh khỏe sống lâu, nhưng đầu tiên phải gieo trồng cái nhân gì? Gieo nhân “bố thí vô uý” , luôn luôn làm giảm bớt sự đau khổ của người khác, thậm chí là của đại chúng thì tự nhiên cũng bởi họ đã làm được đức hiếu sinh, luôn luôn có thể quan tâm đến sự đau khổ của người khác, mà họ sẽ có được quả báo là mạnh khỏe, sống lâu.

Khi các vị đi chỉ bảo cho người khác, đem kinh nghiệm của mình chỉ bảo cho người khác, đó là dùng sức lực, dùng kinh nghiệm, thì các vị đã làm được việc “bố thí nội tài”. Tiếp nữa là bởi trong quá trình chỉ bảo cho người ta, thì bản thân cũng đã làm được “pháp bố thí”, cho nên các vị càng ngày sẽ càng thông minh, trí tuệ. Bởi những phương pháp các vị chỉ dạy cho họ, sau này họ có thể dùng vào trong công việc của họ, dùng vào trong sinh hoạt gia đình của họ. Vậy thì họ sẽ không còn phải lo sợ vì không học được những phương pháp hay mà thành ra làm việc gì cũng lóng ngóng. Nếu như họ không có tài năng thì có thể sẽ luôn luôn phải lo lắng rằng mình không có cách gì để có được thu nhập tốt. Vậy thì trong lòng của vợ họ, con cái họ sẽ không có cảm giác an toàn, luôn luôn phải lo sợ. Cho nên khi chúng ta đem những đạo lý đối nhân, xử thế, phương pháp làm việc dạy bảo cho họ để họ có được sự trưởng thành, như vậy có thể làm cho một gia đình ổn định. Cho nên đây cũng thuộc về “bố thí vô uý”.

Thật ra khi một người hành pháp bố thí, thì đồng thời đã làm đủ cả ba loại bố thí ở trong đó. Hơn nữa “bố thí pháp” căn bản đã giải quyết được vấn đề của một người. Trước đây chúng ta cũng có nói đến “cứu gấp chứ không cứu nghèo”. Các vị có thể giúp họ trong một lúc, nhưng nếu như tư tưởng, quan niệm của họ không thay đổi thì có thể các vị càng giúp họ, họ lại càng ỷ lại. Như vậy thì có thể sẽ có tác dụng phụ. Cho nên căn bản nhất để giúp đỡ người khác là phải để cho họ tiếp thu sự giáo dục đúng đắn, sửa đổi từ trong tư tưởng, từ trong quan niệm. Như vậy mới chân thật giải quyết được vấn đề. Cho nên chúng ta cũng phải chỉ bảo con cái rằng: “Kỷ hữu năng, vật tự tư(Mình có tài, chớ dùng riêng), rộng lượng thì phúc mới lớn.

Chúng tôi có một vị giáo viên, khi còn nhỏ, ông rất hay giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà. Những em trai, em gái cũng đều do ông chăm sóc, xem ra thì ông rất là vất vả. Nhưng sau này khi ông học tiểu học, học cấp hai, học cấp ba rồi học đại học, ông không hề nghĩ rằng mình phải làm cán bộ, làm lãnh đạo, nhưng tự nhiên những cơ hội cứ luôn luôn đến với ông. Giống như khi học đại học, công việc Chủ tịch Hội học sinh cứ đẩy cho ông làm. Bởi vì từ nhỏ ông đã được rèn luyện làm việc, cho nên năng lực làm việc rất tốt. Ông không muốn nổi tiếng nhưng danh tiếng cứ bám theo.

Cho nên khi bọn trẻ có ý nguyện làm rất nhiều việc, rèn luyện nhiều, bỏ công sức ra như vậy, tuyệt đối không sợ sẽ bị lãng phí, mà càng làm tăng thêm năng lực của chúng. Có một lần, mấy vị thầy giáo gói bánh cảo. Kết quả có một vị thầy giáo khi nhìn thấy vị thầy giáo họ Thôi gói bánh thì rất lấy làm kinh ngạc nói: “Tôi mới gói được một cái mà anh ấy đã gói được năm, sáu cái rồi”. Bởi vì từ nhỏ anh ấy đã làm rất nhiều việc, cho nên hiệu quả công việc cũng rất tốt. Làm người thì không sợ phải bỏ sức lao động ra, không sợ vất vả, bởi vì cuối cùng thì chính bản thân mình sẽ là người được lợi ích nhiều nhất. Cho nên mới nói “kỷ hữu năng, vật tự tư (mình có tài, chớ dùng riêng).

26.2. Nhân sở năng, vật khinh tỉ (Người có tài, không chỉ trích)

Khi chúng ta thấy người khác rất tài giỏi, rất có năng lực thì tuyệt đối không được khinh thường họ, không được bôi nhọ họ. Như vậy đối với bản thân mình cũng không tốt. Khi một người khởi lòng đố kỵ thì đức hạnh của họ sẽ bị hạ thấp xuống. Bởi vì một khi khởi lên lòng đố kỵ, thì tính lương thiện trong con người chúng ta đã bị nó khống chế. Như vậy thì các vị hàng ngày đều phải u sầu, buồn bã. Tại sao chúng ta lại không mở rộng tấm lòng ra để làm được “Đạo nhân thiện, tức thị thiện. Nhân tri chi, dũ tư miễn(Khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn)? Cho nên những học giả ngày xưa đều có tấm lòng anh hùng thì thương tiếc cho anh hùng, bởi rất khó có được những người tài giỏi ra đời để giúp ích cho xã hội. Hơn nữa thành công cũng không phải dễ dàng gì. Phải làm rất nhiều việc thì có dễ dàng không? Không dễ dàng! Bởi vậy chúng ta nên giúp người khác hoàn thành ước nguyện. Chúng ta có bao nhiêu khả năng thì cũng tận tâm, tận lực giúp đỡ họ để cùng nhau làm việc tốt.

Khi chúng ta ở trong quần chúng, đối xử với quần chúng, rất có khả năng phải đối mặt với quần chúng, nếu như không làm tốt công việc, rất có khả năng không chỉ ảnh hưởng đến một người, không phải một gia đình mà ảnh hưởng rất nhiều người. Cho nên khi chúng ta có cơ hội phục vụ quần chúng thì tuyệt đối không được khởi tâm đố kỵ. Bởi tâm đố kỵ không chỉ làm chướng ngại bản thân, mà có thể còn làm hỏng việc của đại chúng. Thế nên chúng ta phải có tâm “bất cầu hữu công, đãn cầu vô quá(không cầu có công lao, chỉ cầu không có lỗi). Trong tập thể thì nên tùy hỷ việc thiện của người khác, phải tác thành việc thiện của người. Dùng tấm lòng như vậy để làm, để tác thành cho họ, như vậy thì công đức của mình với họ cũng sẽ không hai, không khác biệt.

Khi chúng ta thấy người khác có tài năng mà chúng ta phê bình, khinh mạn, thì sẽ gây ra không khí bất hòa trong tập thể, rất có khả năng việc tốt sẽ bị chướng ngại. Nếu như việc này lại là việc của nhiều người, vậy thì tội của chúng ta rất nặng, bởi vì đã chướng ngại cả một tập thể. Cho nên chúng ta nên mở rộng tấm lòng, tùy hỷ với tài năng, với năng lực của họ, chung sức làm cho tốt công việc. Nói cho cùng, để thành công cũng không phải dễ dàng gì. Mấy năm nay các vị làm việc tốt có dễ dàng không? Chúng ta càng nên tích cực để hoàn thành những việc tốt như vậy.

************

26.3. Vật siểm phú, vật kiêu bần (Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo)

Đối với người giàu có, chúng ta không nên nịnh bợ. Đối với người nghèo khó, chúng ta cũng không được kiêu ngạo, xem thường. Tử Lộ từng hỏi Khổng Tử: “Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu, hà như?”. Tức là hỏi Khổng Tử rằng: “Người nghèo khó không đi nịnh bợ người giàu có và người giàu có cũng không kiêu ngạo có được coi là có tu dưỡng không?”. Khổng Tử nói cũng được coi là có, nhưng mà nên tiến thêm một bậc nữa là phải có thể “Bần nhi lạc, phú nhi hiếu lễ”.

Bần nhi lạc”, đó là nói cho dù có nghèo khó thì họ cũng không đi nịnh bợ, bởi họ hiểu rất rõ rằng tại sao bây giờ họ lại bị nghèo khó. Và họ phải gieo trồng hạt giống của cây phú quý, phải bố thí tiền tài thì tự nhiên về sau mới có thể làm được “mệnh là do mình tạo nên“. Người học giả hiểu rõ đạo lý cho nên họ có thể nghèo mà vẫn vui, có thể vui vẻ mà làm người quân tử.

Phú nhi hiếu lễ”, đó là nói một người cho dù giàu có nhưng họ vẫn khiêm cung, lễ phép. Không phải vì bây giờ họ có tiền của rồi thì thái độ đối nhân, xử thế trước đây thay đổi một trăm tám mươi (180) độ, sẽ không như vậy mà vẫn phải hiếu lễ, và đương nhiên cũng biết đi cứu tế những người nghèo khổ. Bởi vậy chúng ta cho dù là giàu hay nghèo, thì thực ra cũng có thể sống một cuộc sống yên tâm, thoải mái.

Trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có một câu nói rằng: “Kiến phú quý nhi sinh siểm dung giả, tối khả sỉ ”, nhìn thấy người có tiền của thì nịnh hót là điều đáng hổ thẹn nhất. Điều này sẽ làm cho người ta rất khó chịu. Thật là mất mặt! “Ngộ bần cùng nhi tác kiêu thái giả, tiện mạc thậm(thấy người nghèo khó mà ra vẻ ta đây, lại còn ức hiếp người ta thì thật là vô cùng ti tiện). Tuy rằng có tiền nhưng hành vi của họ không cao thượng mà rất hèn mọn.

Rất là thú vị khi tôi cho học sinh của tôi học “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”. Tất cả các câu khác bọn trẻ đọc rất bình thường, nhưng chỉ cần đọc đến hai câu này thì chúng đọc rất hùng hồn: “Kiến phú quý nhi sinh siểm dung giả, tối khả sỉ! Ngộ bần cùng nhi tác kiêu thái giả, tiện mạc thậm!”. Khi bọn trẻ đọc hùng hồn như vậy, thì tin rằng trong lòng chúng nhất định sẽ để lại một ấn tượng sâu sắc. Sau này khi đối nhân, xử thế chúng cũng sẽ tuân thủ theo lời giáo huấn này, không đến nỗi xem thường người nghèo khó, hay là đi nịnh bợ người giàu có. Thực tế mà nói, có nịnh bợ người giàu có thì người ta chưa chắc đã tiếp nhận. Bởi vì khi người ta có trình độ, thì những lời nói nịnh hót của các vị ngược lại sẽ làm cho người ta coi thường các vị.

HẾT TẬP 35. XIN XEM TIẾP TẬP 36!