Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 10A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 10A

Kính chào các vị khách quý, các vị huynh trưởng, các bạn, chào mọi người!

Chúng ta cùng học “Liễu Phàm tứ huấn”, đây cũng là học làm quân tử như thế nào.

Trong “Luận ngữ” có nói rằng, “không tri mệnh, không phải quân tử”. “Tri mệnh” này là biết được làm sao thay đổi vận mệnh đời này của mình, biết được làm sao thành tựu huệ mạng đời này của mình, cái này là “tri mệnh”. Mở rộng ra, biết được sứ mệnh của mình đối với gia tộc mình là gì, nhiệm vụ của bản thân mình trong dân tộc Trung Hoa đời này là gì, đều rất rõ ràng. Mỗi ngày không sống oan uổng, không phí thời gian, cái này đều là “tri mệnh”.

Học “Liễu Phàm tứ huấn” phải thay đổi vận mệnh, chúng ta nghĩ coi, thay đổi vận mệnh cơ sở quan trọng nhất là thay đổi tập tính của mình trước. Lúc nãy vừa bắt đầu, đồng nghiệp chúng tôi thông báo 1 xe nào đó đèn xe chưa tắt, xin hỏi điều này có liên hệ gì với thay đổi vận mệnh không? Có liên hệ không? 1 cái đèn chưa tắt có liên quan với vận mệnh không? Nhìn từ hiện tượng, hình như không liên quan, từ tâm tính căn bản của 1 người, nó có liên quan mật thiết. Mọi người nghĩ thử coi, đèn xe tại sao chưa tắt? Do trong nhà có tiền tôi thích mở, quý vị thích mở tới sau cùng thì hết điện, quý vị phải đẩy xe về nhà, có tiền cũng không phải xài như vậy. Đèn xe chưa tắt nhìn từ tâm tính, quá là gấp gáp, quá là vội vàng, nên dễ quên đông quên tây.

Mọi người nghĩ thử coi, hít thở vội vàng có phải hơi bị gấp gáp không? Đúng chưa? Nói mọi người nghe, 1 người càng gấp thì càng đoản mạng, quý vị càng gấp nhịp tim đập càng nhanh, từ góc độ khoa học, 1 người đời này số lần tim đập là có số nhất định, quý vị sớm đập tới con số đó, sẽ phải đi báo danh. Cho nên 1 người càng gấp thì tim đập càng nhanh, thọ mạng ngắn. Nếu như gấp thân tâm đều luôn căng thẳng, thân tâm đều bị tổn hại. Quý vị coi người sống lâu họ hành động ôn hòa, không gấp không chậm, người càng ôn hòa thì càng nhu hòa càng không dễ gì nổi nóng, càng gấp gáp thì càng dễ nổi nóng, đúng chưa? Cho nên người biết học, người biết cải tạo vận mệnh, từ mỗi chi tiết trong cuộc sống của mình phát hiện ta những thói quen không tốt của mình, sửa chúng lại. Sự gấp gáp này, nếu như khi đang làm việc lớn, vội vàng căng thẳng làm mất những thứ quan trọng, vậy là phiền phức, vậy là lỡ việc. Cho nên 1 người họ có năng lực xoay chuyển càn khôn, có thể xoay chuyển càn khôn, năng lực này từ đâu mà tới? Lúc nào ở đâu cũng rất cẩn thật, rất cung kính mà luyện ra được. Vậy chúng ta bây giờ nghĩ coi, con cái chúng ta có phải lúc nào cũng cung kính cẩn thận không, quý vị có thể nhìn ra sau này chúng có phải là nhân tài thành tựu đại sự không, bây giờ nếu như gấp gáp hoang mang thì sau này rất khó thành đại sự.

Thời xưa có 1 câu chuyện, có 1 đứa nhỏ, vừa hay bạn của cha nó tới, cha nó lại không có nhà, người bạn ở đó đợi cha nó. Kết quả trong nhà rất lộn xộn, ông liền nói với đứa nhỏ: “Nhà của cháu sao không dọn dẹp 1 chút?”, đứa nhỏ đó nói: “Tay của cháu dùng để quét thiên hạ”, 1 đứa nhỏ nói lời như vậy, những người làm trưởng bối chúng ta phản ứng sao đây? Con của anh thật có chí khí, biết là phải quét thiên hạ, hoài bão thiên hạ. Nhưng trưởng bối này không nói vậy, trưởng bối này nhắc nhở đứa nhỏ: “Cháu trong nhà còn không quét được, sao có thể quét thiên hạ?”. 1 căn phòng quý vị còn chưa dọn dẹp được, quý vị còn có thể dọn dẹp thiên hạ? Rất có lý. 1 người những việc nhỏ còn làm không tốt thì sao làm việc lớn? Còn có phối hợp, đều có cảm ứng. Cho nên thật ra quý vị coi những đạo lý này, đối với sự tu hành tự thân chúng ta, kể cả giáo dục con cái đều rất quan trọng.

Cho nên Lưu Bị giáo dục con mình “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”, cho dù việc nhỏ tới đâu, chỉ cần là tình thương, có thể lợi người thì tận lực làm. “Đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”, đừng thấy đây là việc ác nhỏ, quý vị việc ác nhỏ đã làm rồi, dần dần tâm tính này cứ mãi đọa lạc rồi sẽ tạo cái ác lớn. Cho nên có câu tục ngữ nói “lúc nhỏ trộm kim, lớn lên trộm vàng”, đọc lên hình như còn gieo vần, tôi đọc thêm 1 câu tiếng Mân Nam cũng là gieo vần “lúc nhỏ trộm bầu, lớn lên trộm trâu”, hồi nhỏ phạm sai lầm không sửa chữa, lớn lên sẽ phạm sai lầm lớn. Tiếng Mân Nam rất hay, tại sao? Tiếng Mân Nam cũng là tiếng Hà Nam chúng ta. Ngôn ngữ hồi thời Đường, do nó là văn tự mấy ngàn năm, nó có chữ thanh nhập, cho nên thơ Đường dùng tiếng Mân Nam đọc ra mới có hương vị, quý vị dùng tiếng phổ thông đọc không ra. Do thơ Đường dùng tiếng Mân Nam đọc nó mới gieo vần, thi ca thi ca, từ “thi” này đọc mãi đọc mãi, do nó âm vận rất đậm đà, quý vị không hay không biết sẽ hát lên. Quý vị coi người trước đây đọc 1 bài thơ, vừa đọc vừa hát lên, sao mắc bệnh trầm cảm được? Họ hát lên như vậy chẳng phải thể hiện tình cảm rồi sao: “Thôi kệ thôi kệ, không so đo với họ nữa”, xong chuyện, không cần uống thuốc trấn tĩnh, phải không?

Hôm nay trước khi tôi lên lớp, đồng nghiệp chúng tôi nhắc nhở tôi hôm nay nhất định phải hát 1 bài mới được, Lễ Húc hơi bị ngu độn, tôi không biết mọi người vỗ tay là có ý gì. Tôi khoan không hát, ngâm thơ trước, ví dụ chúng ta rất quen thuộc bài “Bạch nhật y sơn tận, Hoàng hà nhập hải lưu, dục cùng thiên lý mục, canh thượng nhất tầng lâu”. Câu thơ này cũng nhắc nhở chúng ta, con người nên có chí khí, giúp trí huệ của mình không ngừng nâng cao, trong thế giới tự nhiên cảm ngộ cuộc đời rất quan trọng, phải nâng cao trí huệ đem đi được. Mọi người coi, “bạch” tiếng Mân Nam là “bịch”, tiếng phổ thông quý vị coi có cái này không? Đọc 1 cái là không có, nào quý vị đọc thử coi? “Hoàng hà nhập hải lưu” từ “nhập” này đọc thế nào? “Chíp”, không có hả? Cho nên quý vị coi người cổ đại, sao tôi nói chuyện khích động thế này? Quý vị coi nói tới tiếng mẹ đẻ của mình, lão tổ tiên rất vui, đứa trẻ này không có mất gốc, tiếng mẹ đẻ mấy ngàn năm vẫn còn nhớ.

Có 1 lần hoàng đế không biết sự khác biệt của “bằng thượng khứ nhập” nằm chỗ nào, liền hỏi 1 đại thần, “bằng thượng khứ nhập” 4 thanh này khác nhau chỗ nào? Đại thần này cũng rất lợi hại, ông đã nói 4 chữ “thiên tử thịnh trạch”, thiên, thanh bằng; tử, thanh thượng; thịnh, thanh khứ; cái này là thanh nhập, trạch. Ông đem “bằng thượng khứ nhập” dùng 1 câu là nói hết luôn, những người trí thức hồi xưa đầu óc rất linh hoạt, tại sao đầu óc tôi bây giờ không linh hoạt bằng họ. Cho nên chữ thanh nhập này cũng đọc 1 cách ngắn nhanh gấp, để tôi đọc cho mọi người nghe, dùng tiếng Mân Nam đọc bài “Đăng Quán Tước Lâu” này “Bạch nhật y sơn tận, Hoàng hà nhập hải lưu, dục cùng thiên lý mục, canh thượng nhất tầng lâu”. Mọi người coi đọc 1 bài thơ đọc mãi đọc mãi thành hát luôn, còn mắc bệnh trầm cảm được không? Quý vị coi họ theo tiếng hát đó, theo dòng suối đó, theo vách núi đó mà bộc bạch ra, không thấy u uất nữa, cho nên thơ ca rất hay.

Hát xong rồi, chúng ta phải quay về đọc. Sao tôi lại giảng tới đây rồi? Lúc nãy là nhắc tới với mọi người về cải tạo vận mệnh, người ta có lúc quá vui vẻ, quên mất lúc nãy vừa nói gì, lúc nãy là nhắc tới với mọi người là bắt đầu từ việc nhỏ, người xưa nhắc nhở con cái họ đều rất có trí huệ. Cho nên tôi vừa mới nói với mọi người về chuyện cái đèn xe chưa tắt có liên quan tới cải tạo vận mệnh, do quý vị hết sức ôn hòa. Cho nên cơ sở của cải tạo vận mệnh là thay đổi tập khí, làm từ những chỗ nhỏ, việc nhỏ này.

Hôm nay vừa hay chúng ta giảng về “Liễu Phàm tứ huấn”, là tiên sinh Liễu Phàm nghe thiền sư Vân Cốc nói về những đạo lý cải tạo vận mệnh này hết sức viên mãn, ông cũng hết sức thọ giáo. Cho nên kinh văn hôm nay chúng ta thâm nhập vào quá trình tiên sinh Liễu Phàm đổi mệnh như thế nào, tất nhiên khi mọi người đang đọc đoạn này, phải quán chiếu chính mình, dùng ông làm gương, dùng ông làm 1 năng lượng sách tấn, ông đổi được chúng ta cũng đổi được. Chúng ta coi kinh văn:

“Dư trước đây hiệu Học Hải”.

Từ “Dư” này là xưng hô chính mình, ban đầu hiệu của ông là gì? Học Hải. Lúc đầu có nói với mọi người, đèn xe có liên quan với cải tạo vận mệnh, 1 người hiệu Học Hải có liên quan tới vận mệnh không? Có. Từ cái hiệu này của ông là biết ông có tập tính gì? Tập tính ngạo mạn, “mãn thì vơi, khiêm thọ ích”. Học Hải, học vấn của ông như biển cả, đó là hơi bị kiêu rồi. Cho nên ông không đơn giản, ông quán chiếu được vấn đề của mình, ông quán chiếu không được thì sẽ không làm như vậy, ông biết bản thân mình ngạo mạn.

“Ngày đó đổi hiệu Liễu Phàm”.

Từ hôm đó sau khi hiểu đạo lý, ông đã đổi hiệu của mình, không gọi Học Hải nữa, quá cuồng vọng. Liễu Phàm, hiểu rõ, thấy rõ trình độ mình tới đâu, phàm phu, vẫn còn rất nhiều tập khí chưa sửa, cho nên cái hiệu này, sẽ thời thời nhắc nhở chính mình phải dụng công cho tốt, phải chuyển phàm thành thánh. Cho nên câu này cũng nói với chúng ta, 1 người cải tạo vận mệnh quý ở chỗ sáng suốt biết mình. Biết mình chỗ nào thiếu sót, biết mình thói quen xấu ở đâu, sửa được thì mệnh cũng đổi.

“Cảm ngộ về thuyết lập mệnh”.

Ông đã cảm ngộ rồi, những đạo lý viên mãn về cải tạo vận mệnh này, đã hiểu rõ lý luận.

“Không muốn rơi vào khỏa cữu phàm phu xưa”.

Bản thân ông không muốn rơi vào khuôn mẫu cũ, đường cũ thông thường không cách nào thay đổi vận mệnh của phàm nhân, cho nên ở đây cũng nói với chúng ta, thế gian ít người có thể cải tạo vận mệnh. Cho nên rất nhiều người đi bói toán đều nói, bói thật đúng, 1 người bị người ta bói đúng gọi là sống uổng 1 chuyến, tại sao? Tập khí không sửa thì tất nhiên sống uổng rồi. “Đệ tử quy” nói, “tăng đức hạnh, ít lỗi lầm”, nhất định thay đổi vận mệnh. Từ “khỏa” đó là chỉ tổ chim; “cữ” là chỉ cái cối giã gạo. Mấy cái cối giã gạo đều nhìn giống nhau, cho nên “khỏa cữu” có nghĩa đều là những lề lối cũ đó, đều là con đường người bình thường đi, thậm chí còn là gì? Không muốn đi con đường cũ phàm phu trước đây mình đi nữa. Từ đây chúng ta cảm nhận được điều gì? 1 người có chí khí, có mục tiêu, có quyết tâm, “không muốn rơi vào khỏa cữu phàm phu”, đời này tôi phải làm thánh hiền nhân. Cho nên trong cách ngôn có 1 câu nói “Đặt thân vào hàng thánh hiền thiên cổ, không muốn làm kẻ trôi theo dòng đời”. “Không muốn làm kẻ trôi theo dòng đời” này tức là “không muốn rơi vào khỏa cữu phàm phu”, không muốn trôi theo dòng đời. Học quý ở lập chí, lập ra chí hướng dũng mãnh tiến lên, chắc chắn có thể cải tạo vận mệnh của chính mình. Tiếp theo kinh văn nói rằng:

“Từ đó trở đi”.

Người hễ hạ quyết tâm thì trạng thái cũng khác nhau.

“Cả ngày cẩn thận”.

Cả ngày ông luôn biết cẩn thận cảnh giác, tức là hết sức thận trọng, không dám phóng túng tập tính.

“Và thấy không giống trước đây”.

Cảm thấy trạng thái thân tâm của mình không giống với cuộc đời trước đây lắm. Các vị trưởng bối các bạn, chúng ta học tập “Liễu Phàm tứ huấn” mấy tháng nay, mọi người có cảm giác “và thấy không giống trước đây” không? Có. Cảm ơn mọi người ngày làm 1 việc thiện để tôi được an ủi 1 chút. Nhưng rất hiếm có, mọi người ngày làm 1 việc thiện đã biến thành thói quen rồi, con người chỉ cần “ngày làm 3 việc thiện, 3 năm chắc chắn được giáng phước”, vận mệnh này chắc chắn sẽ đổi. Ông suy ngẫm rằng:

“Trước kia chỉ hồ đồ phóng túng”.

Ngày tháng trước đây của ông, muốn làm gì thì làm, rất tùy tiện.

“Đến giờ tự nhiên thấy dịch lệ dè dặt”.

Nhưng từ hôm đó sau khi hạ quyết tâm, cảm thấy mình rất cẩn thận, dè dặt kính sợ. Từ “dịch” trong “dịch lệ” có nghĩa là trong tâm thời thời kính sợ, kính sợ trời đất, kính sợ người khác, kính sợ tổ tiên, tôi nhất cử nhất động không dám làm tổ tiên mất mặt, cái này đều là trạng thái cảnh giác. “Lệ” là đối với bên ngoài rất uy nghi, không khinh suất, không phóng túng bản thân, “thấy dịch lệ dè dặt”.

“Ở nơi ám thất ốc lậu”.

Một mình trong phòng tối tăm, “ốc lậu” là góc tây bắc của 1 căn phòng, tức là nơi ít người chú ý tới, ông cũng không phóng túng bản thân. Cái này trong Nho gia nói là “thận độc”, khi ở 1 mình cũng rất cẩn thận, không khởi tà niệm, không có ngôn hạnh không tốt. Cái này là “trong không gạt mình, ngoài không gạt người, trên không gạt trời, nên quân tử thận trọng khi ở 1 mình”. Khởi 1 ác niệm tổn hại chính mình, không phải đang thành tựu chính mình; khởi 1 ác niệm, “ngẩng đầu 3 thước có thần minh”, cho nên người thận độc là “trong không gạt mình, ngoài không gạt người, trên không gạt trời, nên quân tử thận trọng khi ở 1 mình”. Cho nên ở phòng tối ít người biết:

“Thường sợ đắc tội thiên địa quỷ thần”.

Vậy ông biết rõ sự tồn tại của thiên địa quỷ thần, ông sẽ không phóng túng nữa, ông sẽ giữ mình.

“Gặp người ghét tôi hủy tôi, có thể điềm nhiên dung thứ”.

Câu này tại sao ông viết ra? Nghĩa là ông đã thay đổi thói quen của mình, từ thói quen xấu biến thành thói quen tốt. “Ghét tôi, là chán ghét tôi, ghét bỏ tôi; “hủy tôi” là hủy báng tôi. Trước đây khi gặp người ghét bỏ ông hủy báng ông, ông chắc chắn sẽ trả thù, chắc chắn sẽ gây phiền phức cho người đó, nhưng bây giờ đã chuyển đổi lại. Cho nên ông có thể “điềm nhiên”, tức là hết sức an nhiên, không hề miễn cưỡng, có thể bao dung, không so đo. Những ngày như vậy rất tốt, bất kì người nào cũng không thể khiến quý vị tức giận, có tốt không? Cái này gọi là biết sống tốt đẹp, người ta nói 2 câu đã tức muốn chết, là chuốc khổ vào thân, cái này phải hiểu lý. Còn chúng ta hiểu được “điềm nhiên dung thứ”, nghĩa là sự độ lượng của ông đang mở rộng. Lượng lớn phước sẽ lớn, thay đổi vận mệnh không có gì khác, tâm lượng phải không ngừng mở rộng. Trước đây không biết bao dung người, bây giờ biết bao dung; trước đây những việc hay so đo, bây giờ không so đo nữa; trước đây những thứ không thể xả, bây giờ xả được, mệnh sẽ đổi.

Hơn nữa chúng ta nghĩ lại coi, người ta ghét chúng ta, người ta hủy báng chsng ta, đây là kết quả. Nguyên nhân ở đâu? Tại sao họ không tìm người khác? Cứ tìm chúng ta? Các bạn, vấn đề này sao quý vị nhìn tôi ngơ ngác? Quý vị chưa từng gặp việc này sao? Có. Đã nghĩ ra chưa? Hay là mỗi tối đều nghiến răng nghiến lợi, “tức chết đi mất, thật là vô lý, ông trời sao bất công như vậy”, ôi trời, quý vị ngay cả ông trời cũng lôi xuống nước, niệm này tạo tội nghiệp, là oán trời trách người. Ai không oán trời? Người hiểu rõ đạo lý nhân sinh vũ trụ mới không oán trời. Nếu không căn bản đều sẽ tạo tội nghiệp này, oán trời. Ông trời rất công bằng, sao lại gây phiền phức cho quý vị chứ. Nguyên nhân căn bản Đức Phật vào 3000 năm trước đã nói với chúng ta: “Muốn biết nhân đời trước, thì coi quả đời này”. Trước đây chúng ta mắng họ, hủy báng họ, kiếp này lại gặp phải, oan gia ngõ hẹp, vừa hay gặp phải, món nợ này tất nhiên phải trả cho họ. Mắc nợ phải trả nợ, nợ tiền phải trả tiền, đúng chưa? Nợ tiền trả tiền đạo lý muôn thuở, làm gì có chuyện nợ tiền người ta mà không trả? Cho nên ngày nay quý vị nợ người ta tình cảm quý vị vẫn phải trả, 1 giọt nước mắt cũng phải trả lãi suất cho người ta. Mọi người có thấy 1 người nam đối với 1 người nữ tốt muốn chết, người nữ đó vẫn không tiếp nhận, sau đó người nam mỗi ngày cứ ở đó khóc thôi là khóc, khóc tới 1 hôm không khóc nữa, tức là trả xong rồi, ngộ ra rồi. Nếu không thì là họ gặp được thánh giáo, không làm việc hồ đồ nữa. Việc hồ đồ gì? Cưỡng cầu, nhìn không thoáng, và cả bất hiếu. Nước mắt sẽ tổn hại sức khỏe, nước mắt và máu huyết đều không được dùng bừa. “Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn hại, bắt đầu của hiếu”.

Cho nên sau khi hiểu rõ rồi, đời này quý vị không có việc xấu, tại sao? Người đó đối với tôi không tốt, nợ trả xong rồi, hết nợ thân nhẹ nhàng. Việc tốt hay xấu? (Đáp: Việc tốt). Đúng rồi, ngộ ra rồi. Cho nên ngày mai người ta mắng quý vị, quý vị rất vui: “Ôi, trả nợ rồi”, đảm bảo 3 tháng sau người bên cạnh quý vị đều nhìn quý vị bằng cặp mắt khác, người này sau khi học xong bất kì cảnh giới nào cũng không thể khiến họ tức giận, việc gì họ cũng hết sức vui vẻ, mau mau hỏi thăm thử, thì ra đều là thứ hai đi học “Liễu Phàm tứ huấn”. Sau khi học rồi thì làm thật, quý vị cho người thế gian cảm giác chắn chắn khác nhau. Người thế gian là gì? 1 việc nhỏ như hột mè cũng không bỏ qua cho người ta, cứ phải đòi sự công bằng với người ta, cho nên không việc gì cũng thành có việc, việc nhỏ cũng thành việc lớn; người có tu dưỡng việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không. Hơn nữa người thật sự bình tâm trở lại, ngày nay họ hủy báng quý vị, quý vị mắng họ lại, đã giải quyết vấn đề chưa? Chưa. Sau cùng là gì? Oan oan tương báo, không bao giờ hết. Cho nên thật sự rất bình tâm, rất lý trí, oan gia nên hóa giải, không nên kết oán thù nữa.

Cho nên tại sao người phải hiểu lý, hễ hiểu lý, chúng ta sẽ lý đắc tâm an, không đi đối lập, không đi so đo, buông bỏ sự đối lập xung đột này. Từ đó ngày tốt đẹp của mình sẽ tới, “điềm nhiên dung thứ”. Trong khắp thiên hạ không có người chúng ta không thể tha thứ, không thể bao dung.

“Đến sang năm”.

Ông bắt đầu sửa sai, hướng thiện, qua 1 năm mà thôi. Hồi 35 tuổi ông bắt đầu sửa, năm ông 36 tuổi.

“Lễ bộ thi khoa cử”.

Lễ bộ là bộ giáo dục, tham gia kì thi khoa cử.

“Khổng tiên sinh tính ra thứ 3”.

Đã tính giúp ông là thi xếp hạng 3.

“Bỗng thi thứ nhất”.

Tính không chuẩn nữa.

“Lời này không nghiệm”.

Tất nhiên, vừa thi đứng thứ nhất lòng tin của ông càng đầy đủ, đã thay đổi, lời của ông ấy đã không đúng nữa.

“Trường thi mùa thu năm ấy”.

Đến mùa thu tham gia kì thi cử nhân này, sau khi thi đậu cử nhân mới thi tiếp tiến sĩ. Cử nhân thông thường là thi ở tỉnh, tiến sĩ là thi trong cả nước, tiến sĩ tức là công danh cao hơn 1 tầng. Nhưng thi đậu cử nhân là có thể phân công làm công nhân viên, làm quan. “Trường thi mùa thu năm ấy”, mặc dù tiên sinh Khổng tính không chuẩn, ông đã thay đổi vận mệnh của mình, nhưng chỗ rất đáng quý của ông là ở đâu? Ông vẫn cảm thấy bản thân mình rất thiếu sót, chúng ta từ đoạn này nhìn thấy sự kiểm điểm của ông, điều này hết sức đáng quý, tại sao? Con người nếu như không gạt mình mới có thể không ngừng đối mặt với thiếu sót của mình mà nâng cao. Ông nói rằng:

“Nhưng hành nghĩa chưa thuần”.

Thiện hành của ông, nghĩa cử của ông, còn chưa được hết sức chân thành. “Chưa thuần” nghĩa là trong ý niệm của ông còn xen tạp rất nhiều suy nghĩ không tốt. Việc này mình làm thật sự sẽ có quả báo tốt sao? Vẫn còn xen tạp những nghi ngờ này hoặc là ý niệm không muốn cống hiến, vẫn ở đó còn 1 chút tranh đấu với thói quen xưa cũ, cho nên là “chưa thuần”, vẫn chưa được thuần nhất chân thành.

“Kiểm thân đa ngộ”.

Ông kiểm điểm hành vi của mình vẫn còn rất nhiều sai trái, cái “ngộ” này nghĩa là thiếu sót. “Đa ngộ” tức là vẫn còn rất nhiều thiếu sót, sai lầm, những cái nào?

“Hoặc thấy thiện mà không mạnh dạn làm”.

Thấy những việc thiện nên làm, nhưng khi đi làm thì không có thái độ rất tận tâm tận lực thấy nghĩa liền làm. Tất nhiên những cái này có thể là ích kỉ còn quá nặng, đi giúp người không được tự nhiên lắm.

“Hoặc cứu người mà tâm thường tự nghi”.

Khi muốn đi cứu người, đi giúp người, trong tâm thường còn có một vài nghi ngại. Mình đi giúp người như vậy có bị người ta nói ra nói vào không? Khởi những ý niệm này. Cứu người trong nhà Phật nói là “Cứu 1 mạng người, hơn xây tòa tháp 7 tầng”. Công đức cứu người là hết sức lớn. Vào thời đại Đức Phật, vừa hay có 1 thôn làng xảy ra hỏa hoạn, thế lửa hết sức hung hãn, kết quả người trong thôn này vừa hay đang hội họp, nhìn thấy rất nhiều người sắp bị thiêu chết trong biển lửa, két quả đột nhiên có người nói: Đức Phật ở ngay gần đây, chúng ta mau mau thỉnh cầu Đức Phật tới cứu chúng ta. Phật Bồ tát đã khế nhập đồng thể đại bi, bất kì người nào có khổ nạn họ cũng có thể cảm nhận được, họ sẽ đi giúp đỡ. Sự đồng thể đại bi này mọi người nghe qua chưa? Được, tôi lấy 1 so sánh, đồng thể tức là nhất thể, thân thể này là nhất thể. Xin hỏi mọi người, quý vị kéo 1 sợi tóc lên, chân của quý vị có biết không? Có biết không? Biết. Do đồng thể không phân chia, cho nên người khế nhập đồng thể, tất cả cái khổ của chúng sanh họ đều cảm nhận được, do họ là đồng thể; hơn nữa họ giúp quý vị vô điều kiện, do họ đồng thể. Xin hỏi tay trái quý vị đã giúp tay phải gãi ngứa mấy lần? Quý vị có nhớ không? Họ không tính toán cái đồng thể với họ, họ hết sức tự nhiên. Vậy xin hỏi tiếp mọi người, quý vị cho đồng nghiệp bên cạnh mượn tiền mấy lần quý vị có biết không? Biết, vẫn còn chưa trả. Đúng chưa? Nhớ rất rõ ràng. Do quý vị và họ phân chia rất rõ ràng, “tôi” và “họ”, cho nên đều nhớ hết. Xin hỏi người mẹ có nhớ mình đã cho con trai bao nhiêu tiền không? Mình đã nấu bao nhiêu bữa cơm cho con trai ăn? Quý vị có từng gặp người mẹ nào “Mẹ đã nấu 3221 bữa cho con ăn rồi, con phải trả cho mẹ”, do mẹ là đồng thể, đó là cốt nhục của mình, cảm nhận 1 thể với mình.

Cho nên chúng ta đang tìm hiểu những cảnh giới thánh nhân này, hành trì của họ, không thể nào tự mình làm không được còn nghi ngờ năng lực của họ. Cho nên “quân tử dĩ kì sở bất năng úy nhân”, quân tử những việc bản thân họ làm không được mà người khác làm được, họ sẽ hết sức cảm phục kính sợ người này. “Tiểu nhân dĩ kì sở bất năng bất tín nhân”, tiểu nhân bản thân không làm được, họ sẽ không tin những sanh mạng khác làm được, sanh mạng ở cảnh giới càng cao làm được họ không tin. Người hễ không tin, cái nghi này tức là 1 tập khí quan trọng, sẽ sản sanh chướng ngại đối với họ, những kinh giáo này họ đều không tin.

Người Trung Quốc, người Hoa chúng ta rất có phước khí, rất nhiều thánh hiền nhân biểu diễn cho chúng ta coi. Thời Đường có Lục tổ đại sư Huệ Năng, mọi người có biết không? Mọi người chắc đều nghe qua câu này “Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng chẳng đài, xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”. Lục tổ đại sư không biết chữ, nhưng quý vị coi, ngài thật sự buông bỏ phân biệt, chấp trước, buông bỏ vọng tưởng, tánh đức của ngài khôi phục. “Lục tổ đàn kinh” tức là những đạo lý ngài nói ra, ghi chép chúng lại, đó đều là trí huệ cao độ. Câu chuyện chúng ta kể tới đây, có người nào lập tức khởi ý niệm: Thật vậy sao? Tôi thấy đó là thần thoại, là truyền thuyết hả? Quý vị coi, không tin người. Đây là kinh điển từ thời Đường truyền lại, người Trung Quốc chúng ta có 2 quyển kinh, kinh điển Phật gia mà Nho gia đều phải đọc: “Kinh Kim Cang”, “Lục tổ đàn kinh”, đều rất quen thuộc. Cho nên đừng có những nghi ngờ này.

Lúc đó nhìn thấy những người trong thôn này sắp bị họa ngập đầu rồi, họ liền xưng niệm danh hiệu Đức Phật “Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, kết quả Đức Phật liền tới chỗ đó, hóa giải nguy nan này. Mọi người đều được thoát sanh từ cõi chết, vốn dĩ sống chết trong sớm tối, bây giờ đã hóa giải, đều hết sức hoan hỉ, hết sức cảm kích. Kết quả Đức Phật đã nói với họ về chân tướng nhân sinh vũ trụ, lúc đó đã có người khai ngộ, trí huệ liền khôi phục. 1 lần Đức Phật giảng kinh cho mọi người rất thù thắng, kết quả học sinh bên cạnh nhìn vào liền cảm thấy nhân duyên này quá đặc biệt, giảng kinh thuyết pháp 1 lần lại khiến nhiều người như vậy đều chứng quả A la hán, đều biến thành thánh triết nhân, liền hỏi Đức Phật “Đức Phật, nhóm người này rốt cuộc có quan hệ gì với ngài?”. Đức Phật liền nói, tiền kiếp ngài có 1 lần làm chim, tên Hoan hỉ thủ, kết quả vừa hay khu rừng nó ở bị trận cháy lớn, nó thấy chỗ mình ở bị cháy rồi, nhiều động vật bạn bè như vậy có thể đều không còn chỗ nào để đi, có thể sanh mạng đều bị nguy hiểm, nó liền bay tới bên hồ, thấm ướt lông cánh của mình, rồi dùng tốc độ nhanh nhất bay về trận lửa, sau đó vung những giọt nước trên lông đó tưới hết cả đám cháy lớn. Sau đó lại dùng tốc độ nhanh nhất bay về cái hồ này, cứ như vậy hết lần này tới lần khác đi cứu đám cháy đó. Các bạn, quý vị nhìn thấy cảnh tượng này có cảm giác gì? Cứu được không? Thiên đế nhìn thấy 1 con chim Hoan hỉ thủ làm như vậy thì hết sức hiếu kì, nói con chim này sao cứu lửa được? Thiên đế liền hóa thân xuống hỏi nó: “Ngươi cứu đám cháy trong khu rừng lớn như vậy, ngươi không thể nào cứu được”. Hoan hỉ thủ nói: “Tôi chắc chắn cứu được! Cho dù lần này tôi không cứu được phải vùi thân biển lửa, kiếp sau tôi lại tới cứu đám lửa này tiếp”. Cho nên tâm cứu người của nó kiên định không đổi, bất kì khó khăn gì nó cũng không sợ. Cho nên lời vừa nói xong thiên đế hết sức cảm động, 1 sanh mạng nhỏ như vậy lại có tấm lòng cứu người thế đó, cho nên liền ban xuống 1 trận mưa lớn dập tắt đám cháy này.

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta, các bạn, bây giờ xã hội có loạn không? Có cứu được không? Mỗi 1 người cho dù chúng ta chỉ có sức lực mỏng manh, chúng ta đều tận tâm tận lực cống hiến, sẽ có thể cảm động người bên cạnh, tại sao? “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Cho nên 1 tay động chân tâm động, ngàn tay sẽ động theo. Chân tâm giữa người và người giao cảm với nhau. Cho nên tâm cứu người ở đây không có nghi ngại, kiên định không đổi, thiện hành như vậy sẽ được viên mãn. Kinh văn tiếp theo:

“Hoặc thân gắng làm thiện mà miệng còn chê bai”.

Thời thời nhắc nhở chính mình, khích lệ bản thân phải hành thiện, nhưng có lúc cái miệng này khống chế không được, nói năng quá nhanh, nói sai sót, hoặc là tổn hại người khác.