HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”
Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng
Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia
Luận về lập mệnh
Phương pháp sửa lỗi
Phương pháp tích thiện
Lợi ích khiêm cung
Tập 12B
Ông về tới quê mình, quê ông ở Lưu Dương Hồ Nam, chúc thọ mẹ ông 90 đại thọ. Mẹ ông 90 tuổi, ông cũng sáu bảy chục tuổi rồi. Ông quỳ trước mặt mẹ mình mà bật khóc, ôm lấy mẹ ông nói rằng “Mẹ khi mẹ 80 đại thọ, con vì công việc quá bận, lỡ mất dịp về nhà chúc thọ mẹ. Cho nên 10 năm trước con nhủ với lòng mình, khi mẹ 90 đại thọ, con có bất kì công việc gì cũng phải quay về với mẹ, chúc thọ mẹ”, tròn nguyện của ông, rất cảm động, mẹ con ôm nhau chảy nước mắt, bạn bè người thân bên cạnh nhìn vào cũng rất cảm động. 1 lãnh tụ giới học thuật, trước hết lấy thân làm mẫu biểu diễn hiếu đạo. Chúng ta nghĩ lại coi, tất cả học sinh đại học Bắc Kinh nhìn thấy cảnh này chắc chắn đều xúc động. Cát tường chỗ nào? Cát tường ở hiếu tâm của con người, thiện tâm của con người hiển lộ rồi. Trăm thiện hiếu dẫn đầu, hiếu tâm vừa mở, trăm thiện đều tiếp nối khai mở. Cho nên chúng ta coi rồi rất thấy ấm lòng.
Còn 1 đoạn nữa, trước đây chúng tôi cũng đã nói với mọi người, đoạn này cũng là trí huệ cao độ của Khổng Tử, có thể đoán sự cát hung của 1 người, 1 gia đình. Khổng Tử nói “tổn người hại mình, thân không cát tường”. Một người luôn nghĩ việc tổn hại người khác, lợi ích chính mình, người này cả đời sẽ gặp tai họa. Cho nên thật sự hiểu đạo lý này rồi, phải dạy con cái suy nghĩ cho người, chúng sẽ cát tường, suy nghĩ cho mình, ngược lại chúng ta lại dạy con cái cách rước họa vào thân.
“Bỏ già nuôi trẻ, gia đình không cát tường”, trong 1 gia đình đều không quản người già, chỉ lo trẻ nhỏ, gia đình này không cát tường. Mọi người nghĩ coi, bây giờ trong 1 gia đình lo cho các cụ trước hay lo mấy đứa nhỏ trước? Chúc thọ các cụ trước hay làm sinh nhật cho mấy đứa nhỏ trước? Mấy đứa nhỏ không thể nói chúc thọ được, chúc tới sau cùng thật sự hết thọ luôn, nhỏ như vậy, chưa cống hiến gì cho xã hội, quý vị đã xài phước của chúng, phước bị tổn hết. Thậm chí còn chúc thọ các cụ, trên danh nghĩa là chúc thọ các cụ, trên thực tế là chơi với mấy đứa nhỏ. Quý vị coi các cụ bảy tám chục tuổi rồi, được rồi, phải chúc thọ, đùa giỡn cả ngày với mấy đứa nhỏ, các cụ ở đó ngủ gật, chúc thọ gì đây? Cứ lo mấy đứa nhỏ. Cả nhà ra ngoài chơi, hỏi ai? Nói ra ngoài chơi, hỏi các cụ trước hả? Đều là hỏi mấy đứa nhỏ. Chú ý nhé, tại sao bây giờ gia đạo đều suy bại? “Bỏ già nuôi trẻ, gia đình không cát tường”. 2500 năm trước, Khổng Tử đã đoán như vậy, từ những điểm này có thể đoán được cát hung họa phước.
Cát hung họa phước trong 1 đoàn thể. Khổng Tử nói tiếp, “bỏ hiền mà dùng bất hiền, quốc gia không cát tường”, “bỏ hiền” là người hiền đức quý vị không dùng, cứ dùng những người a dua, xu nịnh, đất nước này, đoàn thể này không cát tường. Thật ra tức là nếu như người ta chỉ dùng người nghe lời họ, sự nghiệp người đó cũng sẽ sụp đổ, đều là a dua, xu nịnh, không nói cái không đúng của họ.
Các bạn, quý vị thích người nói cái tốt quý vị hay người nói cái xấu quý vị? Hello, quý vị không phản ứng gì. Quý vị nói: “Ôi chao, họ nói khuyết điểm của tôi, tôi không vui”. Quý vị không cát tường, “nghe khen sợ, nghe chê vui, người đạo đức, tới thân cận”, cho nên là “phước tại nghe khuyên”. Quý vị tiếp thu lời khuyên của người ta quý vị mới có phước. Cho nên mọi người nghĩ coi, muốn có phước khí, phải chuyển biến trước, không được chỉ nghe lời a dua, xu nịnh, phải nghe lời chính trực mới được.
Tiếp đó Khổng Tử lại nói “người già không dạy, kẻ nhỏ không học”, thế hệ trước không dạy luân lý đạo đức, thế hệ sau không học, “tục lệ không cát tường”, phong khí cả xã hội này sẽ binh bại như núi đổ.
Tôi đã từng nghe có cụ già nói: “Ôi chao, người trẻ bây giờ đều có cách nghĩ của người trẻ, chúng ta không quản được nữa”, có lý không? Có? Quý vị còn có? Quý vị đem lời này đi nói với người khác là phiền rồi, tất cả các trưởng bối đều không quản thế hệ sau, xong luôn. Chữ “giáo” trong giáo dục viết thế nào? Dấu chéo thứ nhất là cha mẹ, thầy cô làm gương, con trẻ ở dưới trên làm dưới theo. “Nuôi không dạy, lỗi của cha”, sao có thể không dạy được? Có lỗi. Sanh rồi thì phải dạy, nếu không quý vị đừng sanh, có lý không? Có. Quý vị sanh rồi phải có trách nhiệm với tổ tiên, quý vị phải có trách nhiệm với xã hội quốc gia, không ai ép quý vị. Cho nên những đạo lý tưởng đúng hóa sai quý vị đừng truyền bậy, truyền rồi quý vị phải chịu trách nhiệm nhân quả. Người đó bị quý vị làm lầm lạc, nhà họ sau này không tốt, quý vị đều phải chịu trách nhiệm. Cho nên “1 lời hưng quốc, 1 lời vong quốc”, không thể nào nói bậy, hễ mở miệng thì tương ứng với kinh điển mới nói, nếu không thì không nói.
1 câu sau cùng nói rằng “thánh nhân ở ẩn, kẻ ngu nắm quyền”, thánh nhân không được trọng dụng, thậm chí giáo huấn của thánh nhân có người muốn học, còn bị nói là lỗi thời. “Thánh nhân ở ẩn, kẻ ngu nắm quyền”, người ngu muội, người cuồng vọng nói những thứ này vô ích, lỗi thời rồi, họ lại còn nắm rất nhiều nhân duyên quan trọng, vậy thì “thiên hạ không cát tường”.
Cho nên giáo sư Toynbee thật ra mấy chục năm trước, những năm 70 ông đã nhìn thấy nguy nan của thế giới này. Trưởng bối này không đơn giản, ba bốn chục năm trước đã nhìn thấy nguy nan, lớn tiếng kêu gọi 1 câu “Giải quyết thế kỉ 21…”, ba bốn chục năm trước thế kỉ 21 chúng ta còn chưa tới ông đã dự đoán rồi, “chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại thừa”. Ông đã chỉ ra rồi, ông đã biết cả xã hội công lợi này xuống dốc, không có sự nhân từ bác ái của văn minh Trung Hoa là không cứu được.
Cho nên chúng ta sanh ở thời đại lớn này, muốn xoay chuyển tai họa của cả thiên hạ, cần phải bắt đầu chuyển từ tâm của mình. Người bây giờ niệm niệm tự tư tự lợi, chúng ta làm sao? Niệm niệm suy nghĩ cho người, có được không? Tôi không ép quý vị nữa. “Đời người xưa nay ai không chết, để lại danh gì với núi sông”, phải làm được việc gì cho thế giới này. Bây giờ những giáo huấn của kinh điển chúng ta học được, đều là trí huệ có thể cứu vãn kiếp nạn thế giới. Cho nên nhìn thấy những cổ nhân này, nhìn thấy trí huệ của Khổng Tử, chúng ta thật sự phải cố gắng học tập. Tiếp theo kinh văn nói:
“Chí thành hợp thiên. Phước sẽ tới, nhìn cái thiện họ làm mà biết trước. Họa sẽ tới, nhìn cái bất thiện họ làm mà biết trước”.
Tâm chí thành là chân tâm. “Hợp thiên”, trời bao dung vạn vật, đất chứa đựng vạn vật, cho nên tâm chí thành, tấm lòng rộng lớn giống như trời đất, bao dung tất cả người, sự, vật, thương dân thương vật. Và chúng ta sở dĩ xưng là thiên địa nhân tam tài, tức là phải dùng tâm chí thành thương yêu vạn vật, nếu không chúng ta xưng là tam tài, tức tự xưng chúng ta là tam tài, thiên địa nhân. Nhưng người không hiểu lý, sau khi tự tư tự lợi, bây giờ biến thành sát thủ của vạn vật. Thế giới tự nhiên bị loài người phá hoại, động vật hoang dã, sanh mạng trên cả trái đất đối mặt với sự tuyệt chủng ngày càng nhiều, đều là bị con người hại. Vạn vật chi linh biến thành sát thủ của vạn vật, đây là càng sống càng thoái hóa, có thoái hóa không? Tôi không phải nói quý vị, tôi nói người bây giờ.
Nhưng mọi người chú ý, tại sao chúng ta từ nhỏ khi đọc sách giáo khoa nói, chúng ta là nền văn hóa văn minh nhất trong lịch sử nhân loại? Có đọc qua chưa? Tôi nhớ trước đây khi đọc sách giáo khoa, hình như “Uh, người trước đây đều lỗi thời rồi, mình văn minh nhất”. Sau cùng đọc kinh điển mới biết, mình không văn minh nhất. Văn minh không phải toilet quý vị rất sạch gọi là văn minh, văn minh là tâm quý vị có đạo đức mới là văn minh. Cho nên chúng ta bây giờ biến thành gì? Bên ngoài rất đẹp đẽ, bên trong đều đối nghịch với “nhân, nghĩa, lễ, trí” của con người. Cho nên chúng ta không cẩn biểu hiện bề ngoài, sau đó người nào cũng đau khổ không chịu nỗi. Phải sống dựa vào lương tâm, thương người, thương vật là đúng rồi. Cho nên dùng tấm lòng giống như trời đất, thiện tâm như vậy là “phước sẽ tới”, tại sao? Nhìn vào thiện tâm của họ, và cả thiện hành của họ, sẽ có thể biết trước được.
Trong “Văn Xương Đế Quân âm chất văn” có 1 câu là “Cứu kiến trúng tuyển trạng nguyên”. 1 người đang trên đường vào kinh dự thi đã cứu 1 tổ kiến, sau cùng thi đậu trạng nguyên. Xin hỏi mọi người, 1 tổ kiến có bao nhiêu sanh mạng? Đếm không hết. Tâm từ bi của ông, cho nên “nhìn cái thiện họ làm mà biết trước”. Câu tiếp theo, “Chôn rắn hưởng vinh hiển tể tướng”. Tức là Tôn Thúc Ngao nước Sở, địa phương ông có truyền rằng, tức là người nhìn thấy con rắn 2 đầu thì sẽ mất mạng. Kết quả ông nhìn thấy rắn hai đầu, ông liền mau chóng đem chôn nó đi, ông sợ người phía sau lại nhìn thấy thì sẽ mất mạng. Sau đó ông về nhà mình, thì rất buồn lòng mà khóc nức nở, mẹ ông nói: “Sao con buồn như vậy?”, ông nói “Mẹ à, con nhìn thấy rắn hai đầu, con sợ người khác thấy tiếp nên đã chôn nó đi, còn con thì sắp chết rồi, sẽ không thể hiếu dưỡng mẹ được nữa”. Tâm ông lúc đó là hiếu tâm, là thiện tâm. Mẹ ông cười mà nói, con à, con có tâm niệm này, về sau con sẽ rất có phước, sẽ không gặp tai nạn, yên tâm. Quý vị coi người mẹ hồi xưa cũng biết coi bói, coi thấy con mình sau này có phước lớn, sau cùng thật sự đã làm tể tướng nước Sở.
“Văn Xương Đế Quân âm chất văn” mọi người đọc kĩ lại, trong quyển sách này chúng ta không có, tất nhiên không phải đọc bây giờ. Mọi người lần sau tới sớm 1 chút, đọc 1 lần 3 phút là xong, không dài lắm. “Họa sẽ tới, nhìn cái bất thiện họ làm mà biết trước”, nhìn thấy tâm họ bất thiện, hành vi bất thiện có thể suy đoán tai họa của họ không còn xa. Có câu tục ngữ nói rằng “Người làm thiện, phước tuy chưa tới, họa đã cách xa; người làm ác, họa tuy chưa tới, phước đã cách xa”. Cho nên họa phước thật sự ở giữa 1 niệm mà chiêu cảm. Kế đó nói:
“Nay muốn được phước mà xa họa”.
Chúng ta ngày nay muốn nhận được phước báo, cát tường, tránh xa tai họa.
“Chưa bàn làm thiện, trước phải sửa lỗi”.
Trước khi nói tới việc tích đức hành thiện như thế nào, trước tiên phải hiểu rõ sửa sai ra sao, làm sao sửa được tập tính xấu, thói quen xấu của mình. Điểm này tức là sửa sai phải đặt trước hành thiện. Trước hết, nếu như hành thiện mà xen lẫn những sai lầm này, cái thiện này sẽ không thuần, công tựu hành thiện không thể hiển hiện, công đức này sẽ không hiện ra, đây là ý nghĩa thứ nhất; ý nghĩa thứ hai, tức là trước đây chúng ta cũng nói tới, giống như 1 thùng nước, không sửa sai, cái sai này giống như lỗ thủng, nước đều chảy hết, quý vị đổ thế nào nó cũng không giữ được; thứ ba, thiện giống như bột sữa vậy, ác giống như thuốc độc vậy, quý vị đem cái ác này, cái độc này trộn trong bột sữa, bột sữa cũng có độc. Cho nên mọi người nghĩ coi, 1 người không sửa sai, cứ luôn hành thiện, thật ra cái đó đều là họ làm cho người khác coi. Trong tâm vẫn còn rất nhiều ý niệm không tốt, nếu không họ sẽ đi sửa nó, tại sao vẫn không sửa?
Cho nên chúng ta vẫn phải nỗ lực về hướng thuần thiện vô ác. Cho nên chúng ta hiểu rằng, muốn được phước mà xa họa, đây là mục tiêu của chúng ta, đây là nguyên nhân sửa sai, muốn được phước mà xa họa. Cụ thể muốn sửa sai cần đến những cơ sở gì? Kinh văn nói rằng:
“Người muốn sửa lỗi”.
Cơ sở để sửa sai, trước hết phải phát 3 loại tâm.
“Thứ nhất phải phát sỉ tâm”.
Tâm hổ thẹn.
“Nhớ thành hiền hồi xưa, cùng ta đều là phàm phu”.
Chúng ta suy nghĩ rằng, những thánh hiền nhân lưu danh thanh sử này, cũng là người, cũng là đại trượng phu như mình.
“Họ có thể làm thầy vạn thế. Sao mình chịu thân sành ngói”.
Họ có thể để danh thơm vạn thế, lưu danh thanh sử, ảnh hưởng tới con cháu hậu thế trăm năm, ngàn năm, thậm chí là cả nhân loại, cả dân tộc, đời này thật có giá trị. Còn tôi sao lại “chịu thân sành ngói”, sành ngói này rớt xuống, nó sẽ không dùng được nữa, nghĩa là nói đời này không còn cống hiến gì nữa, thậm chí còn biến thành gánh nặng của gia đình, của quốc gia xã hội, như vậy rất đáng thương. Cho nên “Sao mình chịu thân sành ngói”, cùng là người, sao có thể sống thành như vậy?
“Lại nhiễm trần tình”.
Từ “nhiễm” này tức là nhiễm chấp, tham chấp. Tức là cam chịu trôi theo dòng đời, nhiễm phải rất nhiều thói xấu thế gian, “lại nhiễm trần tình”, 1 số trần tình nào? Tài, sắc, danh, thực, thùy, những dục vọng này, đều hết sức tham chấp. Tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn. Quý vị coi bệnh tùng khẩu nhập, người bây giờ nhiều bệnh như vậy, thật ra đều là do dục vọng khống chế không được. Còn ngủ, người bây giờ có lúc ngủ nửa ngày là ngủ thẳng luôn, người xưa 1 tấc thời gian 1 tấc vàng, rất nhiều người ngủ hết luôn.
“Tư hành bất nghĩa”.
“Tư” là chỉ âm thầm, khi không có ai nhìn thấy, làm 1 số việc trái với lương tâm.
“Tưởng người không biết”.
Cho rằng người ta không biết.
“Cao ngạo không hổ thẹn”.
Tự mình còn cảm thấy làm việc xấu không bị ai phát hiện, liền rất ngạo mạn, tự mình còn thấy mình dương dương tự đắc, đều không bị phát hiện, rất lợi hại, liền “cao ngạo không hổ thẹn”. Thật ra 1 người khi làm việc bất nghĩa, đó là tự mình làm giặc lương tri của chính mình. Tình hình như vậy nếu như vẫn không xoay chuyển.
“Ngày càng sa đọa vào vòng cầm thú mà không hay”.
Là sắp bị trầm luân, sa đọa, trở thành người đội lốt thú mà mình không biết. Chúng ta nhìn thấy người đội lốt thú, hình như cảm thấy rất nghiêm trọng, từ này. Thật ra bình tâm nhìn lại, chúng ta nếu như không nhận sự giáo dục luân lý đạo đức, người không đội lốt cầm thú cũng khó. Trong xã hội bây giờ dục vọng quá mạnh, chúng ta không nói việc gì khác, nhân loại bây giờ 1 năm phá thai có đăng kí là 50 triệu ca, không có đăng kí có thể nhiều gấp đôi. Cầm thú còn không làm những chuyện sát hại cốt nhục thân sinh của mình, nhưng vạn vật chi linh lại đang xảy ra rất nghiêm trọng. Hơn nữa trong số 50 triệu đó có rất nhiều thiếu nữ chưa kết hôn, số người mười mấy tuổi chiếm tỉ lệ lớn. Cho nên nhìn thấy hiện tượng xã hội bây giờ, nghĩ tới hơn 2000 năm trước, 1 câu nói của Mạnh Tử nhắc nhở chúng ta: “Bão thực” ăn no; “noãn y” mặc ấm; “dật cư nhi vô giáo”, mỗi ngày chơi bời lêu lỏng, không có mục đích cuộc đời, “dật cư nhi vô giáo”, tức là không có giáo dục luân lý đạo đức; “tắc cận ư cầm thú”. Quý vị nói bây giờ học lực đều rất cao, là họ học tri thức, không phải học đạo đức.
Cho nên “thánh nhân ưu phiền”, tổ thiên chúng ta Nghiêu Thuấn những thánh vương này, vào mấy ngàn năm trước đã nhìn thấy vấn đề này, cho nên gấp rút gọi bộ trưởng giáo dục lúc đó, dạy cái gì? “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín”. Chúng ta nhìn thấy đoạn này, ngày nay nếu như không dạy họ đạo nghĩa, dạy họ làm người, sao họ có thể không “lại nhiễm trần tình” chứ? Sao họ có thể không “tư hành bất nghĩa” chứ? Cho nên “người không học, thì không biết”, không thể trách những người phạm lỗi này, quý vị dạy họ mới được. Ai dạy? Cha mẹ phải dạy, giáo viên trong trường phải dạy, tất cả những người làm trưởng bối đều phải dạy, làm quan như quý vị càng phải dạy, người làm lãnh đạo cũng phải dạy. “Thiên địa quân thân sư”, “quân” là người lãnh đạo”, “thân” là cha mẹ, “sư” là người làm thầy.
“Thế gian không gì lớn hơn sự tự biết hổ thẹn”.
Đời người thế gian hổ thẹn lớn nhất là gì? Cam chịu đọa lạc, tự mình chà đạp chính mình, đây là điều đáng buồn nhất, không có việc gì càng đáng buồn hơn nữa. Cho nên con người nhất định phải tự trọng, tự ái, tự lập, tự cường. Đọc sách chí ở thánh hiền, đời này đọc sách thánh hiền là phải làm 1 người cha tốt, làm 1 lãnh đạo tốt, làm 1 người con tốt. Không hổ với cha mẹ, không hổ với anh em, không hổ với thê tử, thê tử tức là vợ và con cái, như vậy mới xứng đáng với gia đình mình. Không phụ đất nước, không phụ nhân dân, không phụ những điều mình học được trong đời này, “quân tử sở dĩ dụng sự dã”, đời này mới sống có giá trị, có ích cho thế giới này.
Tiếp theo dẫn ra:
“Mạnh Tử nói: Hổ thẹn là điều lớn lao”.
Tâm hổ thẹn đối với cả đời 1 người vô cùng trọng đại, là 1 thái độ quan trọng nhất.
“Có tâm sỉ ắt thành thánh hiền”.
1 người thời thời sanh khởi tâm hổ thẹn của mình, họ có thể thành thánh thành hiền.
“Mất nó ắt thành cầm thú”.
Không có tâm hổ thẹn, cái gì cũng dám làm, vậy sẽ trầm luân thành đội lốt cầm thú.
“Đó là căn bản của sửa sai”.
Đây là 1 trọng điểm then chốt nhất của việc sửa sai, tức là phải phát tâm hổ thẹn. Vậy chúng ta tiếp theo phải nghĩ, căn nguyên của tâm hổ thẹn là ở đâu? Tâm hổ thẹn xuất phát từ đâu? Từ hiếu đạo. Trăm thiện hiếu dẫn đầu. Tâm hổ thẹn cũng là thiện. Cho nên “Đệ tử quy” nói “đức hạnh kém, cha mẹ tủi”, cái đó là nguồn cội gốc gác của tâm hổ thẹn. Cho nên hiếu không thể nào không dạy. Người chúng ta bây giờ tại sao không có tâm hổ thẹn? Do không tìm được nguồn gốc tâm hổ thẹn. Người trước đây từ nhỏ đã lập chí quang vinh tổ tiên, không thể khiến tổ tiên, khiến cha mẹ mất mặt, cái này tức là tâm hổ thẹn. Người ta vừa nói “Cái anh này sao mà không có gia giáo?” chúng ta liền thấy rất hổ thẹn, liền sửa đổi ngay, cái này tức là tâm hổ thẹn. Kế đó chúng ta coi phải phát tâm thứ 2:
“Thứ hai phải phát úy tâm”.
Từ “úy” này tức là kính sợ, tâm cẩn thận dè dặt, không phải phóng túng, không phải không biết trời cao đất dày, cái gì cũng không sợ, rất cuồng vọng, không thể nào như vậy, “úy tâm”. Tại sao phải phát úy tâm? Kế đó nói:
“Thiên địa phía trên”.
Những thiên địa quỷ thần này ở trên, cho nên “Thái thượng cảm ứng thiên” nói: “Họa phước không cửa, do người tự chiêu, thiện ác quả báo, như hình với bóng, giữa trời đất có tư quá chi thần”. “Tư quá chi thần” này tức là giữa đất trời đều có những quan viên này, những thiên thần, địa thần này đang khảo sát, giám sát thiện ác con người. Nhân gian có cảnh sát, giữa trời đất cũng có cảnh sát giữ gìn trật tự. Cho nên Lão Tử mới nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà không sót”, người chúng ta bây giờ rất cuồng vọng, không nhìn thấy tức là không có. Những thứ con người nhìn thấy được là bộ phận hết sức nhỏ trong cả vụ trụ. Trong lịch sử chúng ta nhìn thấy quá nhiều ví dụ, đều là chứng minh có thiên địa quỷ thần, kể cả “Lễ kí”, đây là kinh điển trong Thập tam kinh của chúng ta, trong đó có đoạn tên là “Tế nghĩa”, ý nghĩa của cúng tế, trong đó có nói rằng, mỗi quốc gia đều có quốc thần chuyên môn bảo vệ quốc gia, những con đường quan trọng đều có thần trấn thủ, kể cả cửa cũng có thần cửa, nhà bếp có gì? Táo thần, ngày cuối tháng âm lịch mỗi tháng, ông phải lên trời bẩm báo, người nhà này đã làm việc tốt gì, đã làm việc xấu gì. Sao lại không có thiên địa quỷ thần chứ?
Người bây giờ không hiểu những chân tướng này, cái gì cũng dám làm, việc ác tạo ra khiến người ta nghe xong rợn cả gai ốc. Trời không sợ, đất không sợ, nhưng sau cùng quả báo đó rất ghê gớm, lát nữa sẽ nói tới.
Thiên địa bên trên, quỷ thần khó gạt. Ở Đài Loan xảy ra 1 số chuyện có thật, có 1 người trẻ đã làm những chuyện thật sự vô nhân đạo, kết quả mộ phần tổ tiên của nó bị nứt ra, đều có điềm báo. Con cháu của mình đã làm những việc vô nhân đạo, sỉ nhục tổ tiên, mộ phần tổ tiên nứt ra, kết quả sau khi nứt ra chưa được mấy ngày sau nó đã bị bắt. Bị ai bắt? 1 thời gian dài không bắt được, vừa hay hôm đó đi ngang miếu Quan Công, đột nhiên đi tới cửa miếu Quan Công, cả người nó bắt đầu phát run, nằm ở đó không động đậy được, sau cùng bị cảnh sát bắt lại, chính là hung thủ. Hôm sao báo chí đưa tin “Quan Công hiển thần uy”, bắt được phạm nhân nghiêm trọng đã từ lâu vẫn chưa bắt được, bắt nó lại.
Mọi người có rảnh thì tới Đài Loan chơi, thần minh của Đài Loan rất linh nghiệm. Tất nhiên sự linh nghiệm đó quan trọng là thiện nhân thiện quả, ác nhân ác báo. Quý vị 1 tâm hướng thiện, thần minh sẽ bảo hộ quý vị, không nhất định phải tới Đài Loan. Nhưng Đài Loan có rất nhiều văn hóa Trung Hoa, đáng để mọi người đi tham quan. Như viện bảo tàng Cố cung có từ thời Hạ, Thương, Chu là những bảo bối trấn quốc của chúng ta, bảo bối trấn quốc lịch sử, chúng đều rất có văn hóa, quý vị coi xong sẽ hết sức cảm động. Sự dụng tâm của người xưa, đều vì giáo dục tốt thế hệ sau.
Đài Loan chúng tôi có 1 pháp y, tức là các vụ án mạng không biết ông đã đi hỗ trợ bao nhiêu lần. Ở Đài Loan nhắc người này, những người lứa tuổi ngang tôi không ai không biết ông, là pháp y Dương Nhật Tùng. Ông đã phá rất nhiều vụ án rất khó khăn, có tỉ lệ rất lớn là phá án ra sao? Là đương sự bị sát hại tới tìm ông, ví dụ này quá nhiều. Kể 1 chuyện được rồi. Có 1 người nữ bị sát hại, kết quả buổi tối hôm bị sát hại, người nữ đó tới nhà của Dương Nhật Tùng, gõ cửa nhà ông, quần áo cô mặc ông đều nhìn thấy. Hôm sau ông nghe thấy, liền mau chóng chạy tới hiện trường khám tử thi, tới hiện trường rồi bộ quần áo mặc lúc đó, hoàn toàn giống với cô gái tối hôm qua tới tìm ông. Cho nên quỷ thần khó gạt. Con người thân thể này hư rồi, không dùng được nữa, nó là công cụ, con người còn có linh hồn, linh hồn đang dùng công cụ này. Quý vị giết chết thân thể họ, linh hồn họ chắc chắn hận quý vị thấu xương, làm sao không báo thù được? Người hiểu rõ đạo lý này sao lại đi sát hại người chưa? Hễ sát hại người chắc chắn không kiếm chác được gì, không phải không báo, thời cơ chưa tới.
Chuyện này trong lịch sử, thời Hán Cảnh Đế có 1 đại thần, tên Triều Thác. Vừa hay lúc đó ông kiến nghị chính sách quốc gia, sau cùng xảy ra loạn 7 nước, lúc đó 7 nước chư hầu đều phản loạn. Sau cùng Viên Áng kiến nghị giết Triều Thác đi, họ sẽ không phản động nữa. Kết quả Triều Thác bị giết mất, do Viên Áng kiến nghị. Kết quả hồn ma của Triều Thác này đã theo Viên Áng suốt 10 đời. Tại sao theo 10 đời mà vẫn không đòi nợ được? Do Viên Áng 10 đời đều là cao tăng, bên cạnh đều có thần hộ pháp, ông không tới gần được. Kết quả tới đời thứ 10 làm tới việc gì? Làm tới quốc sư Ngộ Đạt, quốc sư của 1 đất nước. Hoàng đế phong cho ông 1 bảo tọa trầm hương, quốc sư Ngộ Đạt ngồi trên bảo tọa trầm hương đó hơi cảm thấy mình rất lợi hại, tâm ngạo mạn khởi lên, thần hộ pháp đi mất. Kết quả hồn ma Triều Thác liền chạy tới chân ông, mọc 1 vết lở mặt người, đau tới nỗi ông sắp mất mạng, chuyện này trong lịch sử đều có ghi chép. Sau đó do quốc sư Ngộ Đạt trước đây đã từng cứu 1 cụ già, cụ già đó là đệ tử Đức Phật, tôn giả Ca Nhược Ca, giúp ông hóa giải oan nghiệp này, cứu ông 1 mạng. Dùng nước từ bi tam muội trị lành cho ông. Cho nên Phật môn có 1 quyển kinh tên là “Từ bi tam muội thủy sám”, tới từ điển cố lịch sử này. Cho nên linh hồn sẽ không chết, thân thể là công cụ dùng hư rồi mà thôi. Cho nên phải kết thiện duyên với người ta, không thể kết ác duyên, quỷ thần khó gạt.
Điều này tôi rất tin, do tôi từ nhỏ có coi bộ phim tên “Thiên nhãn”, Đài Loan về những mặt này cũng rất khá. Bộ phim này đã nói với quý vị điều gì? Ông trời có mắt, nhìn rõ mọi việc. Quý vị còn làm việc xấu, chương trình đó đã diễn ra rất nhiều người làm việc xấu tới sau cùng đều bị bắt, còn có rất nhiều chuyện là người bị hại hiển linh, sau đó bắt được hung thủ đó. Đài Loan có 1 người tên Bạch Băng Băng, quý vị có biết không? Con gái của Bạch Băng Băng bị sát hại, khi hung thủ đó bị bắt, có lần xuống xe đã sùi bọt mép, cứ ở đó co giật. Đó đều là những chuyện thật sự xảy ra, họ sát hại sanh mạng 1 bé gái, bé gái đó tất nhiên sẽ tìm họ tính sổ. Cho nên con người thật sự hiểu rõ có linh hồn, sẽ cố gắng đoạn ác tu thiện, linh hồn này đời này được nâng cao, tới cảnh giới thánh hiền Phật Bồ tát, đời này là có giá trị nhất, tuyệt đối không thể tiếp tục tạo ác đọa lạc. “Thật giám lâm chi”, đều giám sát thực tế tình hình của người đời.
“Nặng thì giáng trăm ương”.
Nếu như nghiêm trọng, “trăm ương” là tất thảy tai họa đều giáng xuống. Thật ra mọi người bình tâm nhìn lại, bây giờ mở báo ra tai họa trên cả thế giới có nhiều không? Lão tổ tiên nhắc nhở chúng ta, “làm thiện giáng trăm điều lành, làm bất thiện giáng trăm điều tai ương”.
Có thể người Hoa Malaysia chúng ta hình như chưa có cảm giác gì, quý vị hễ nhắc tai nạn, hình như không có cảm giác gì, dạo này mưa thuận gió hòa. Tai nạn khắp thế giới hết sức nhiều, cho nên Malaysia là bảo địa. Tại sao là bảo địa? Tâm lương thiện, nhất là gì? Vì văn hóa của dân tộc Trung Hoa, người Hoa vùng này hết sức dụng tâm. Quý vị coi hơn 1000 trường Hoa văn, 60 trường tư thục, ai bỏ tiền ra? Người Hoa bỏ ra số tiền này rất khó đắc, đem tiền ra hỗ trợ điều gì? Truyền thừa văn hóa dân tộc Trung Hoa, quý vị coi tâm lượng này, phước báo sẽ rất lớn, cho nên phước báo đều do tâm chiêu cảm tới. Tất nhiên phải nhìn xa hơn, nền văn hóa này đối với sự giáo hóa nhân tâm quan trọng như vậy, cả sự phát huy giáo dục Hoa văn, mỗi 1 người đều có trách nhiệm. Phải lập ra mục tiêu, sau này con cháu quý vị tứ thư ngũ kinh đều có thể giảng giải cho toàn thế giới, còn có thể dùng English composition, có phải không? Phải lập chí lớn như vậy, quý vị lập chí trước, con cái quý vị mới lập được.
“Nhẹ thì tổn phước hiện tại”.
Sai lầm nhỏ nhẹ thì tổn hại phước báo hiện tại.
“Ta há không sợ hay sao”.
Sao có thể không lo sợ, không dè dặt đề phòng mà cẩn thận nhất ngôn nhất hành của mình chứ?
“Không chỉ có vậy”.
Không chỉ như vậy thôi.
“Ở nơi thanh nhàn”.
1 người khi bình thường ở nơi vắng vẻ không người biết.
“Chỉ thị chiêu nhiên”.
Từ “chỉ thị” này, chỉ là ngón tay, giống như cái gì vậy? 10 ngón tay chỉ vào chúng ta. “Thị” là mắt, 10 con mắt nhìn vào chúng ta, tức là thật ra đều nhìn thấy rất rõ ràng, “chỉ thị chiêu nhiên”. Từ “chiêu nhiên” này nghĩa là rất rõ ràng.
“Ta tuy che đậy kín đáo, văn từ khéo léo”.
Hình như mình rất biết che đậy hành vi của mình, thậm chí còn nói những lời nghe rất hay, đều “vẫn che giấu” rồi.
“Mà phổi gan sớm lộ”.
Chúng ta coi, phổi và gan là ở trong thân thể, bình thường không nhìn thấy, nhưng mắt thần như điện, thiên địa quỷ thần không có chướng ngại này, họ đều nhìn thấy rất rõ ràng. Cho nên giấu không được, phổi gan sớm đã hiển lộ ra. Cái này là hành vi không tốt, sớm đã bị thiên địa quỷ thần nhìn thấy.
“Khó mà lừa mình”.
Chính mình lừa gạt mình cũng rất khó, sao còn có thể lừa được thiên địa quỷ thần chứ?
“Bị người phát giác”.
Thậm chí hành vị không tốt của mình, sau cùng bị bạn bè người thân nhìn thấu, danh dự đời này coi như quét đi hết.
“Không đáng 1 xu”.
Có thể chỉ để lại tiếng xấu.
“Há không lẫm lẫm ư”.
Sao có thể không kính sợ dè dặt được? Từ “lẫm lẫm” này là lo sợ. Đây là nói với chúng ta phải giữ tâm kính sợ. Tiếp theo lại nói:
“Còn 1 hơi thở, tội ác ngập trời, có thể hối cải”.
Tại sao phải lo sợ? Chỉ cần chịu sửa sai, tội ác lớn tới đâu cũng có thể xoay chuyển, cho nên phải mau chóng đoạn ác tu thiện, không thể chà đạp nữa.
Được, hôm nay nói với mọi người tới đây. Cảm ơn mọi người!