Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 15A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 15A

Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!

“Liễu Phàm tứ huấn” chúng tôi trao đổi với mọi người phần thứ 2 “Phương pháp sửa sai”. Sửa sai phát 3 tâm: Phát sỉ tâm, tâm hổ thẹn, muốn thành tựu đạo đức của bản thân trở thành thánh hiền nhân, không muốn trôi theo dòng đời; phải phát úy tâm, tâm kính sợ. Ngẩng đầu 3 thước có thần minh. Con người đời này phải cố gắng ở những thứ đem đi được, tức là trí huệ của mình, tất cả những việc thiện, công đức mình làm được, đây là thứ đem đi được. Cho nên hễ có sai lầm liền kính sợ, ác có ác báo, thiện có thiện báo, phải kịp thời sám hối, sửa sai. Lỗi lầm bất luận xa gần, quan trọng nhất là có thể mau chóng sám hối, sửa lỗi. Giống như hang tối ngàn năm, ngàn năm luôn là hang núi tối tăm, 1 ngọn đèn vừa chiếu, ánh đèn này vừa sáng, bóng tối ngàn năm đã xóa mất, cho nên năng lượng sám hối thật sự của con người rất lớn. Trong sách có nói, có người cả đời tạo tác tội nghiệp, lúc lâm chung sám hối, sửa lỗi liền được thiện chung, có thể thấy năng lượng của sự sám hối, sửa lỗi này hết sức lớn. Nhưng nếu như không có tâm kính sợ này, kịp thời sám hối, tới lúc đó cuộc đời vô thường muốn sửa cũng sửa không được, không có cơ hội, tội nghiệp cả đời đều phải đi thọ quả báo không tốt, đây là úy tâm.

Còn phải có dũng tâm, phát tâm dũng mãnh sửa đổi chúng. Giống như rắn độc cắn tay, rắn độc cắn ngón tay quý vị, quý vị lúc nào cũng bị nguy hiểm tính mạng, cho nên mau mau rút bảo đao ra, chặt đứt ngón tay này đi, bảo toàn tính mạng của mình, đây là 1 so sánh. Thật ra cuộc đời chúng ta khi đối mặt với rất nhiều cám dỗ, rất nhiều cảnh giới, thật sự không có tâm dũng mãnh này sửa đổi, chặt bỏ, có lúc 1 lần sảy chân để hận thiên cổ, muốn sửa cũng không có cơ hội. Cho nên sự dũng mãnh này rất quan trọng, đối mặt tà niệm, ác niệm khởi lên, liền dũng mãnh chuyển đổi nó, mới không gây ra lỗi lầm nghiêm trọng. Phát “tam tâm”.

Tiếp theo kinh văn nói rằng, sau khi phát tâm, tiếp đó liền sửa sai. Có sửa từ sự tướng, hành vi này không tốt, từ trên hành vi đè nó xuống, “có sửa từ sự tướng”; thứ hai, có sửa từ lý, hiểu rõ đạo lý rồi, lý đắc tâm an, làm hết sức tự nhiên, không miễn cưỡng. Thật ra chúng ta khi bắt đầu tiếp xúc những kinh điển này, muốn làm theo, trong tâm mình cứ nghĩ có phải rất khó khăn. Theo sự lý giải đạo lý, cảm thấy thì ra làm theo kinh điển, tức là thuận theo bổn thiện, tánh đức của chính mình mà làm việc, làm rất tự nhiên, lý đắc tâm an.

Ví dụ tục ngữ thường nói “Giúp người là gốc của niềm vui”. Có thể khi mới đầu đọc được câu này, còn chưa làm đã nghĩ, mình vì người khác, vậy ai vì mình? Suy nghĩ ích kỉ này đã khởi ra trước. Nhưng nếu như thật sự đã làm rồi, thật sự đi giúp người, thật sự giúp người giải quyết vấn đề, nhìn thấy người ta vốn dĩ rất đau khổ, sau đó nhờ sự giúp đỡ của mình, họ giải quyết được vấn đề, khi họ nở ra nụ cười tươi tắn, bản thân chúng ta đều cảm thấy rất an lòng, thì ra giúp người cũng là thuận theo tánh đức của mình. “Học mà thực hành, chẳng phải vui lắm sao?”, những việc đã làm y chiếu kinh điển tức là thuận theo bổn thiện của mình mà làm, niềm vui này không phải kích thích bên ngoài, là niềm vui rất tự nhiên bên trong. Có cảm nhận này rồi, chúng ta lại đi thực hành kinh điển, sẽ không bị miễn cưỡng, sẽ cảm thấy cam tâm tình nguyện mà làm.

Đây là sửa đổi từ lý, chúng ta lần trước vừa nói tới vấn đề sát sanh. Từ lý mà nói, trong kinh văn đều có nhắc tới:

“Thượng đế hiếu sanh, vật đều tiếc mạng”.

Tất cả động vật đều thương yêu sanh mạng của chính mình, kể cả loài kiến nhỏ như vậy, chúng cũng rất thương tiếc mạng mình.

“Giết chúng nuôi mình, sao an ổn được”.

Quý vị giết chết những động vật này, sau đó đem ra ăn, chúng nhất định sẽ rất oán hận. Kể cả loài kiến mặc dù nhỏ như vậy, chúng có oán không? Có không? Có. Quý vị không có kinh nghiệm sao? Ví dụ khi tôi còn nhỏ, chưa học “Liễu Phàm tứ huấn”, đi phá những con côn trùng, con kiến đó, kết quả khi tôi đang sát hại chúng, chúng chỉ cần tìm được cơ hội, chắc chắn sẽ báo thù rất dữ, có không? Lúc đó quý vị nhìn thấy chúng cắn quý vị nặng như vậy, có thể mạng chúng cũng không còn, nhưng chúng vẫn cứ phải báo cái thù này.

Theo ghi chép có 1 người nữ, cô hễ nhìn thấy kiến là giết, lấy lửa giết, rất khó tưởng tượng lâu ngày như vậy, những sanh mạng bị giết không chỉ hàng ngàn hàng vạn. Sau đó cô sanh được đứa con, có 1 hôm cô để con mình trong phòng, còn cô ra ngoài làm việc, sau đó quay lại, từ xa nhìn thấy trên giường là 1 khối đen thui. Cô hết sức kinh hãi, tới gần nhìn lại, con cô, đứa nhỏ còn quấn trong tã, bị kiến cắn chết mất. Tại sao những con kiến này lại cắn con cô? Trên mặt đứa nhỏ đó có dán giấy “Mẹ tôi rất thích giết kiến”, có không? Nhưng tại sao những con kiến này biết? Xuẩn động hàm linh giai hữu linh tri, chỉ cần là động vật đều có linh tánh, chúng đều có cảm giác. Chúng có ân, chúng sẽ báo đáp, trong “Nhị thập ngũ sử” trong lịch sử có rất nhiều ghi chép này.

Có 1 người trên đường nhìn thấy 1 con rùa trắng, con rùa vẫn còn nhỏ, ông không đành lòng, liền mua nó đem đi phóng sanh. Quý vị thương nó, nó cũng thương quý vị. Cho nên tục ngữ nói “Thương người thì được người thương”, người thương vật, vật cũng thương người.

Chúng ta coi những người thương yêu động vật, tôi nhớ có 1 cô gái rất thương yêu con tinh tinh. Mọi người đã thấy bức hình này chưa? Có 1 cô gái, cô bảo vệ những con tinh tinh sắp bị tuyệt chủng này, cho nên cô sống chung với tinh tinh, không có chướng ngại, không có khó khăn, có thể câu thông. Nếu là tôi thì không dám đi, quý vị coi tinh tinh rất dũng mãnh, chúng ta thông thường đều cảm thấy động vật rất hung dữ, nhưng tấm lòng đó của cô có thể cảm thông, những tinh tinh này đối với cô hết sức thân ái.

Kết quả sĩ binh này mua con rùa trắng đem đi phóng sanh. Rất nhiều năm sau, trong 1 trận chiến dịch toàn quân ông bị nhấn chìm, tất cả mọi người đều bị dồn xuống biển mà chết đuối, ông cũng rớt xuống biển. Vào lúc sắp chết chìm, ông cảm thấy thân thể mình hình như bị 1 vật gì đó đẩy lên, kết quả lên bờ nhìn lại, chính là 1 con rùa trắng, con rùa trắng rất nhiều năm trước ông đã phóng sinh.

Con người tại sao không thể thấu hiểu những sanh mạng này? Do cái tôi quá lớn, hình như chỉ có mình có cảm giác, những sanh mạng khác hình như không thể nào thấu hiểu cảm thông được. Thậm chí còn có người nói, động vật sanh ra là để cho con người chúng ta ăn. Xin hỏi mọi người, có câu kinh nào nói động vật sanh ra là để con người ăn không? Hơn nữa nhìn từ lý, mọi người nghĩ coi, động vật ăn thịt răng của chúng mọc ra sao? Hiện tượng tự nhiên, rất sắc nhọn, chúng xé thịt khá dễ dàng. Răng chúng ta thì ra sao? Răng cối đều rất bằng, động vật ăn cỏ có hàm răng đều bằng phẳng, phải không. Quý vị coi, trâu “ọ” tôi học rất giống, do tôi tuổi trâu, hiện tượng tự nhiên.

Chúng ta lại lấy ví dụ, quý vị về nông thôn dạo chơi, ở quê trồng rất nhiều trái cây, có chôm chôm, sầu riêng không dễ hái, những thứ dễ hái, quý vị rớt nước bọt, nhìn thấy những trái cây này tốt tươi như vậy, rất nhiều nước, lại đang khát nước, hái 1 cái lau sơ qua liền ăn được, đây là phản ứng tự nhiên của quý vị. Có người nào về nông thôn nhìn thấy mấy con gà đi bộ dưới cây, sau đó nói “Ồ, tốt quá”, bắt nó lên, không có chứ? Cho nên đây là phản ứng tự nhiên. Nhìn thấy trái cây, rau xanh, quý vị liền có thể ăn. Nhưng quý vị coi con cọp vừa nhìn thấy con gà thì sao? Nó liền nhảy qua bắt ăn, tập tính của nó là ăn thịt. Cho nên câu “thượng đế luyến mạng” này rất có lý. Cuộc đời là thiên địa nhân tam tài, trước tiên phải học sự nhân từ của thiên địa.

Trước đây coi 1 báo cáo khiến chúng tôi rất kinh ngạc, việc này ở mấy nơi tại đại lục đều có báo cáo. Có người đi kiến nghị người ta rằng “Sức khỏe của anh không tốt, ăn thịt con của chim ưng thì bệnh sẽ khỏi”. Kết quả con của con chim ưng đó bị ăn mất, con chim ưng đó liền tới tấn công người ăn, và cả người kiến nghị đó. Mọi người nghĩ coi, người cho ý kiến đó họ chỉ động ý niệm này, sau đó nói với đối phương, họ cũng không có ăn, tại sao con chim ưng đó lại công kích người kiến nghị? Quý vị coi, linh tri của động vật cũng rất nhạy bén, nó không trực tiếp nghe thấy người đó nói, tại sao nó biết được? Còn người cho ý kiến rồi bị công kích thì nói, thật kì lạ, khi tôi cho ý kiến thì con chim ưng không nghe thấy, sao nó nhìn thấy tôi lại tấn công tôi? Con chim ưng đó rất tức giận, nó vồ 1 cái đã túm lấy da họ. Chúng ta hiểu rõ vạn vật đều có linh tri, nó cũng có luân thường của nó, nó cũng có quan hệ cha mẹ và con cái, chúng ta dùng tâm đông cảm, không nhẫn tâm sát hại chúng, điều này là không sát sanh từ trên lý.

Tiếp theo chúng ta coi kinh văn:

“Như ngày trước nóng giận”.

Sự nóng giận này là dễ nổi nóng. Hôm nay vừa hay bắt đầu giảng từ câu kinh này. 1 người từ những điểm nào có thể nhìn thấy người này có phước? Trước tiên, ví dụ quý vị đột nhiên có một hôm không muốn làm theo “Đệ tử quy” nữa, hôm nay làm biếng 1 chút, phạm quy 1 chút, kết quả vừa phạm, người bên cạnh liền nhìn thấy “Ồ, sao anh có thể như vậy?”, mọi người có kinh nghiệm này không? Muốn lén lén phạm quy liền bị nhìn thấy, sau đó liền giải thích “Tôi bình thường không phải như vậy”, càng nói càng hỏng. Hoặc là trong tâm nghĩ, sao mà xui quá vậy, bình thường mình không như vậy, mới lén làm 1 lần thôi mà, đã bị phát hiện rồi. Thật ra người như vậy là có phước nhất, bình thường quý vị không phạm, hễ phạm lỗi liền có người nhắc nhở quý vị, có phước. Người không có phước báo nhất là, làm việc sai cũng không có ai nhìn thấy, sau đó còn cảm thấy mình rất lợi hại, là xong luôn. Cái này là thông minh dùng sai chỗ, thông minh dùng vào việc che đậy lỗi lầm của mình thì phiền lắm.

Tôi rất có phước, do hôm nay vừa bắt đầu đã giảng “Như ngày trước nóng giận”, tôi không phải ngày trước nóng giận, tôi mới 1 tiếng đồng hồ trước đã nóng giận rồi, lúc nãy đã nổi nóng rồi. Rõ ràng hôm nay sẽ giảng vấn đề nóng giận, cho nên vừa nổi nóng, tôi liền cảm thấy đầu có đôi chút không ngẩng lên nổi, sự nhắc nhở này rất sâu sắc, cho nên tôi có tổ tiên gia hộ, liền nhắc nhở tôi công phu còn kém nhiều lắm.

Cái giận này, chúng ta muốn thay đổi thói quen không tốt này, phải tìm được nguyên nhân. Tại sao lại giận? Điều này rất quan trọng. Trên thực tế, từ chữ này mà nhìn, “nộ” phía trên 1 chữ nộ, phía dưới 1 chữ tâm, hễ chúng ta nổi nóng liền biến thành nô lệ của tính khí xấu, chính mình căn bản là làm chủ không được, bị tập khí này dắt mũi đi, là không thương mình, thậm chí phẫn nộ hại gan, khiến thân thể mình bị tổn hại. Và cả “Một niệm sân tâm khởi, thiêu cả rừng công đức”. Khiến những công đức mình tích lũy được bị 1 ngọn lửa thiêu hết. Cho nên bây giờ tôi không còn chút công đức nào, 1 tiếng đồng hồ trước đã nóng giận, phẫn nộ, thì không còn công đức nữa.

Tại sao lại nổi nóng? Trước tiên, cảm thấy mình đúng thì dễ nóng. Việc này tôi đúng, người ta có ý kiến không giống với mình liền không chấp nhận được, dễ nổi nóng, cho nên ngạo mạn cũng rất dễ nổi nóng. Hơn nữa bình tĩnh nghĩ kĩ lại, chúng ta và người xung quanh, đồng nghiệp, cấp dưới, khi đang thảo luận vấn đề, nếu như chúng ta dễ nổi nóng, thì rất khó câu thông với người ta, người ta có suy nghĩ hết sức tốt liền rất không muốn nói với chúng ta, hoặc là họ suy nghĩ những góc độ quan trọng khác, chúng ta chưa cách nào nghĩ tới được, chưa cách nào tiếp thu được. Cho nên người chức càng cao, khi họ ra quyết sách thì ảnh hưởng đoàn thể rất lớn. Nếu như họ ngạo mạn, nóng tính, lại không tiếp thu được những kiến nghị tốt, rồi quyết định sai, họ sẽ chịu trách nhiệm nhân quả rất lớn, sẽ phải chịu tội nghiệp rất lớn.

Cho nên nói tới đây, mọi người liền hiểu được nguyên nhân tôi ăn không mập là gì. Thật vậy, lúc đó coi được “Hệ từ truyền” trong “Kinh dịch” có 1 đoạn, tôi cảm thấy thật sự là chảy mồ hôi lạnh, cảm thấy điều này quả thật là miêu tả chính mình “đức bạc nhi vị tôn, trí tiểu nhi mưu đại, lực tiểu nhi nhiệm trọng, tiên bất cập hĩ”. Đoạn này ở trong “Đỉnh quái”. Chúng ta coi “đỉnh” là nhớ tới 1 câu thành ngữ là “tam túc đỉnh lập” nó có 3 cái chân. Đoạn này chúng ta sẽ nhìn thấy, 1 người muốn thành tựu 1 việc, có 3 cơ sở rất quan trong mà họ phải có đủ. Thứ nhất là đức hạnh, thứ 2 là trí huệ, thứ 3 tức là năng lực của họ, khả năng của họ. Chúng ta thường nói trí, nhân, dũng là tam đạt đức. Quý vị có những ưu điểm này, quý vị mới có thể đảm nhận trách nhiệm. Còn người có dũng khí gánh vác, họ sẽ không ngừng nâng cao bản thân, đột phá rất nhiều khảo nghiệm.

Đọc tới 3 câu này, đức hạnh của mình nông kém, nhưng công việc làm lãnh đạo, “tôn vị”. “Trí tiểu”, trí huệ, kiến thức không đủ, nhưng làm những việc có ảnh hưởng khá lớn. Năng lực không đủ, nhưng gánh vác trách nhiệm nặng nề. “Tiên” là rất ít, “bất cấp” tức là rất ít khi thành tựu, rất ít khi không gặp nạn. Vậy chúng ta coi 3 câu này thật ra là đang nhắc nhở chúng ta, càng khiến chúng ta tích cực nâng cao đức hạnh, nâng cao trí huệ, nâng cao năng lực. Nếu như chúng ta ngạo mạn, tính lại nóng nảy, rất khó thỉnh giáo trí huệ, thỉnh giáo kinh nghiệm người khác, thỉnh giáo năng lực, khả năng của họ. Khi ngạo mạn, rất khó “người hành thiện, ta học theo”. Kì lạ, đức hạnh trí huệ, năng lực của mình đều không đủ, sao còn chưa có chuyện? Đó là chúng ta đang xài phước báo của tổ tiên, xài uy đức của sư phụ, lúc này phải “biết hổ thẹn gần với dũng”, phải mau mau nâng cao công phu 3 phương diện này.

Chúng ta thấy Đường Thái Tông tại sao có thể lập ra “Trinh Quán thịnh thế”? ông rất biết tiếp thu lời khuyên của người khác, ông không chỉ không nóng giận, người ta nói sai ông cũng không cải chính. Kết quả người bên cạnh nghe xong thấy bất bình thay cho ông, “Hoàng thượng, ông ta nói thật quá đáng, đều không phải sự thật, sao ngài không ngăn ông ta lại?”. Thái Tông nghĩ rằng, nếu như ta ngăn ông ta, ông ta ra ngoài nói mình mới nói 1 nửa hoàng thượng đã không cho mình nói tiếp, vậy sau này có thể sẽ rất ít người dám thẳng thắn nói ra những lời trong tâm, những lời ngay thật với ta. Mọi người có thấy hình của Đường Thái Tông chưa? Trong sách lịch sử quý vị không có hình của Đường Thái Tông? Quý vị lên mạng coi 1 chút, sự khoan hồng đại độ của hoàng đế Thái Tông, dáng vẻ rất có phước báo. Khuôn mặt to rộng, dáy tai rất dài, rất độ lượng, tâm rộng người mập. Cho nên như tôi ốm như vậy muốn mập, trước tiên phải bắt tay từ tâm, tâm lượng phải rộng mở mới mập được, việc gì cũng phải hạ công phu từ căn bản.

Chúng ta lại thâm nhập tìm hiểu tâm cảnh hoàng đế Thái Tông, ông đặt điều gì lên đầu tiên? Đặt cuộc sống hạnh phúc của lão bá tánh, lão bá tánh được lợi ích đặt lên đầu tiền. Ông biết tiếp thu khuyên can, suy nghĩ của ông sẽ chu đáo, ông sẽ không làm sai quyết sách. Nếu như đặt mình lên vị trí đầu tiên, ta thấy ta đúng, ngươi không nể mặt ta, hễ nổi nóng, người ta sẽ không thể cho chúng ta những ý kiến tốt hơn, tới lúc đó tổn thất chính là người trong đoàn thể mình, những người xung quanh, những người phục vụ. Người khác tổn thất rồi, chính mình có lợi ích không? Cũng không có. Do tùy thuận tập khí và sự ngạo mạn của mình, đức hạnh của mình hạ thấp, phước báo tổn hại.

Quả thật chuyện của hoàng đế thái tông, tôi cũng chắc đã giảng trên 10 lần, kết quả bữa nay nghĩ lại, bản thân mình khi tiếp thu 1 số lời khuyên của người khác lại còn nổi giận. Cho nên nói người khác rất dễ, thật sự muốn quay đầu quán chiếu chính mình thì không dễ. Tôi cảm thấy bục giảng là nơi very dangerous, liền nghĩ tới câu “hay đàm luận người khác, sẽ sơ suất chính mình”. Người rất biết nhìn vấn đề của người khác, nói người khác, tinh lực con người là có hạn, tinh lực đều dùng để nhìn cái sai người khác, tất nhiên quán chiếu chính mình càng không đủ, càng yếu.

Trong “Luận ngữ”, Phu Tử dạy đệ tử của ngài, khẩu tài của Tử Cống tốt nhất. Người giỏi ăn nói đền rất thông minh, sức quan sát cũng hết sức nhạy bén. Trong “Luận ngữ” nói “Tử Cống phương nhân”, từ “phương nhân” này là đang phê bình người khác, kết quả Khổng Tử biết được, liền nắm lấy cơ hội giáo dục Tử Cống, nói với ông “Thứ dã hiền hồ tai?”, Đoan Mộc Thứ ngươi rất hiền đức sao? “Phu ngã tắc bất hà”, nếu như là ta, trong đức hạnh của mình ta hạ công phu đối trị tập tính xấu của mình, đã cảm thấy thời gian không đủ dùng. “Hà” tức là có thời gian rảnh rỗi, “bất hà” tức là căn bản không có thời gian đi nhìn lỗi của người khác. Phu Tử đã thật sự làm được.

Chúng ta thấy Phu Tử khi ngài tự học đã nói 1 đoạn “đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩ bất năng tùng, bất thiện bất năng cải, thị ngã ưu dã”. Đây là chỗ Phu Tử mỗi ngày đang quán chiếu, đang hạ công phu, mỗi ngày ta có nâng cao đức hạnh không? Nếu như đức hạnh ngày nay không được nâng cao, đây là điều ngài buồn lo nhất. “Học chi bất giảng”, những đạo lý tốt đã học được, có thâm nhập suy nghĩ chưa, có đem nó dùng trong cuộc sống, trong công việc chưa? “Học chi bất giảng”, có chú trọng những học vấn học được này không?

Điều này chúng ta nghĩ kĩ lại, ưu điểm của những người xung quanh chúng ta đã nhìn thấy rồi, chúng ta đã học theo chưa? “Người làm thiện, ta học theo”, chúng ta đã học theo chưa? Mọi người nghĩ coi, làm “Đệ tử quy” có dễ không? Quý vị đều không phản ứng, hình như rất vô tội, chúng ta phải đối mặt với tình hình thực tế. Chúng ta không phải học tri thức, mỗi câu này phải thực sự thực hành trong cuộc sống, công tác, xử sự của chúng ta. Thật vậy, mọi người bình tâm suy nghĩ, người mà chúng ta tôn kính nhất, những ưu điểm của họ chúng ta đã thực hành được gì rồi? Rất quý báu, quý vị gặp người có đức hạnh bên cạnh, rất đáng quý. Quý vị không học theo ưu điểm của họ, chẳng phải đã chà đạp duyên phận này rồi sao? Chúng ta đừng nói chi xa, sư trưởng chúng ta rất có đức hạnh, chúng ta đã theo ngài học mấy năm, chúng ta học được điểm nào của ngài? Nếu như không có, đó chẳng phải là chỉ dùng lời giáo huấn của ngài ra tiêu khiển thôi sao, chẳng phải rất tiếc sao? Thọ ích không được.

Quý vị coi “đức chi bất tu”, nhìn thấy tấm gương tốt, người hiện đại, cho tới cổ thánh tiên hiền đều phải lấy ra học hỏi, lấy ra tu sửa mình. “Đức chi bất tu” rất tốt, chúng ta ngày nay mỗi việc mình làm, mỗi câu mình nói, trong tâm đều nghĩ Khổng Tử sẽ làm sao, thánh nhân sẽ làm sao, chúng ta cứ vậy mà tu sẽ rất được lợi ích. Học vấn phải chú trọng, phải thông đạt đạo lý, kế đó đi thực hành.

“Văn nghĩa bất năng tùng”, nghe được những việc đạo nghĩa này liền làm theo, nếu như không lập tức làm theo, lương tâm trong lòng bất an. “Văn nghĩa bất năng tùng”, từ “tùng” này tức là lập tức đi thực hành, đi làm tròn đạo nghĩa này, nếu như không thể làm tròn đạo nghĩa, đây là việc buồn lo nhất của ngài. “Bất thiện bất năng cải”, phát hiện khuyết điểm của ngài, không đủ, không thể sửa ngay, ngài rất lo buồn. Mọi người thấy Phu Tử dụng công như vậy, thật sự đâu có rảnh rỗi đi nhìn cái sai của người ta, đi phê bình người ta.

Chúng ta vừa phân tích nguyên nhân nổi nóng: Ngạo mạn, dễ không tiếp thu người khác, khí nóng này sẽ bốc lên. Kế đó, cái tôi quá lớn, bản thân mình nghĩ sao, người ta không tiếp thu, không thuận theo ý mình liền nổi nóng. Mọi người nghĩ coi, coi mấy đứa nhỏ bây giờ, quý vị không theo ý chúng chúng sẽ lăn lộn dưới đất, rất nóng tính, từ nhỏ tất cả mọi người đã xoay quanh chúng, cả nhà chúng là lớn nhất, cái tôi rất lớn, tính tình hết sức nóng nảy. Nếu như chúng niệm niệm đều vì cha mẹ, vì ông bà, chúng sẽ không nóng tính. Thậm chí luôn vì cha mẹ, chúng sẽ rất chu đáo; luôn vì cha mẹ, có lúc cha mẹ nổi nóng, chúng thuận theo, chúng rất mềm mỏng. Cho nên 1 người tính cách tốt thì bồi dưỡng từ đâu? Bắt đầu từ hiếu thuận cha mẹ, phụng sự trưởng bối trong nhà. Nhưng bây giờ gia đình nhỏ rất khó, cha mẹ lại không diễn hiếu đạo cho chúng coi. Ở đại lục lại là con một, chúng không có anh chị em, không có chú bác, không có anh chị để phụng sự, thái độ cung kính của chúng sẽ không tập được.

Chúng ta có lúc khi sắp nổi nóng phải nghĩ rằng, lại là tham niệm của mình, cưỡng cầu người khác chấp nhận mình, không thuận theo mình mình liền nổi nóng, chúng ta đều có thể bình tĩnh khách quan phân tích chính mình, mỗi lần nổi nóng thì tâm niệm đó sai chỗ nào. Quý vị biết tâm niệm này sai chỗ nào, điều chỉnh lại, kết quả này có thể cải thiện.

Tiếp theo, trong những đạo lý Vương Thiện Nhân giảng có nói rằng “Bất yếu đạo, bất yếu tình”. Từ “yếu đạo” này, “đạo” là đạo lý, con đường, từ “yếu” này là gì? Yêu cầu, yêu cầu người khác phải làm tốt làm đúng. Ví dụ chúng ta ngày nay học tập “Đạo làm vợ” phải làm ra sao, “Đạo làm chồng” phải làm thế nào. Khi đang nghe “Đúng, vợ mình đều không làm được”. Quý vị coi học 1 đống, tất cả đều dùng để yêu cầu người khác hành đạo, không yêu cầu chính mình, tâm thái này, học xong sẽ phản tác dụng. Khổng Tử nhắc nhở “chánh kỉ nhi bất cầu ư nhân, tắc vô oán”, nâng cao mình trước, yêu cầu chính mình, chứ đừng yêu cầu người khác, đừng cầu ở người, người ta tâm phục khẩu phục, bị quý vị cảm được, cho nên không oán trách, liền làm theo, cho nên sửa mình chứ không cầu ở người.

Những thứ chúng ta hôm nay học được, mình còn chưa hạ công phu, đã yêu cầu người khác, là không sửa mình mà cầu ở người, thì oán thán ngập tràn. Rất kì lạ, những thứ tốt như vậy sao càng học trong nhà càng không hòa hợp, mọi người càng không chấp nhận mình? Có thể đã có “yếu đạo” trong đó. Sư trưởng thường nói phải buông bỏ ý niệm khống chế, buông bỏ ý niệm yêu cầu người khác. Thật ra chúng ta có thể nghĩ rằng, tất cả những việc yêu cầu người khác, bản thân chúng ta đã làm được chưa? Vẫn phải quay đầu lại nhìn. Những việc nhân tình thế sự này, bản thân chúng ta làm không tốt còn yêu cầu người, người ta không thể tiếp thu. Chúng ta hỏi chính mình, bạn bè người thân chúng ta làm không được, còn yêu cầu chúng ta, chúng ta chấp nhận được không? Cũng rất khó chấp nhận.

“Yếu tình” là gì? Tức là quý vị đối tốt với bạn bè người thân, đối tốt với người nhà đều để trong tâm, “trước đây mình đối với họ rất tốt, họ cũng nên đối tốt với mình”, đây tức là sự cống hiến của quý vị luôn cầu báo đáp, chỉ cần đối phương không báo đáp, quý vị sẽ oán trách, thậm chí oán xong sẽ sanh hận, từ yêu thành hận, tâm sân hận này rất nặng. Những ý niệm này rất vi tế, chính mình phải quán chiếu được, nếu không nó sẽ luôn tăng trưởng. Yêu cầu người khác hoặc là yêu cầu người khác báo đáp, chỉ cần cảnh giới đó không như ý quý vị, khí nóng sẽ bốc lên.

Người ưa so đo cũng rất dễ nổi nóng, người ưa sĩ diện cũng rất dễ nổi nóng, do thẹn quá hóa giận. Chúng ta đã đọc mấy câu rồi, được, cho nên nổi nóng luôn là có yêu cầu, có tham cầu, cầu không được, khí nóng khống chế không được. “Các điều khổ đều từ tham dục sanh”, cái gốc phiền não tức là chữ tham này. Chỉ trích, yêu cầu, dễ nổi nóng. Người hay đem lỗi lầm của người khác đặt trong tâm mình, họ sẽ mượn cớ kể lể, tính nợ cũ, cũng rất hay nổi nóng. Mượn 1 chuyện, 1 chuyện mười mấy năm nay tất cả đều lôi ra, cho dù người ta có tâm phản tỉnh, nói tới sau cùng cũng sẽ trở mặt với quý vị. Hơn nữa đối với mình mà nói, tâm chúng ta sẽ biến thành cái kho chứa tất cả rác rưởi của người ta. Cho nên tâm chúng ta phải nên thuần tịnh thuần thiện, không thể chứa rác của người ta được, không thể có thành kiến với người ta. Tâm người phải giữ gìn sự thanh tịnh từ bi, có thành kiến với người, quý vị sẽ thấy người đó không tốt, họ làm động tác gì quý vị đều thấy nó rất nghiêm trọng, đây đều là tác dụng tâm lý sản sinh.

Hình như thời xưa có câu chuyện, tức là có người bị mất 1 nông cụ, sau đó ông nghĩ nhất định là nhà hàng xóm lấy trộm của mình, ông khởi ý niệm này, càng nhìn người hàng xóm càng thấy giống trộm đồ của ông, sau cùng 1 thời gian sau nói, chắc chắn là ông ta, tuyệt đối không sai được. Kết quả đột nhiên có 1 hôm, tìm thấy món đồ đó rớt ở 1 góc trong nhà mình. Căn bản không có mất, ông quên mất đã cất ở đâu.

Mọi người nghĩ coi, trước đây ông nghĩ “Người này chắc chắc thế nào, chắc chắn thế nào”, cứ có thành kiến với người ta.