HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”
Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng
Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia
Luận về lập mệnh
Phương pháp sửa lỗi
Phương pháp tích thiện
Lợi ích khiêm cung
Tập 15B
Cho nên chúng ta có lúc nói năng “Ôi, người đó chính là người thế đó, tôi chắc chắn không nhìn nhầm đâu”. Thật ra mọi người nghĩ coi, quý vị nghe người ta nói câu này trong lòng có thoải mái không? Nghe có vẻ không thoải mái, do trong câu này đã có thành kiến, đã ngạo mạn, hơn nữa cũng là ngu si, chấp trước. Họ thật sự có gì không tốt, đó là tập tính. “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”, họ bị ô nhiễm, họ vốn dĩ không phải vậy, nhất định có thể bỏ được. “Tính bổn thiện”, vốn dĩ có, nhất định có thể khôi phục. Chúng ta tin tưởng mỗi người đều có thể khôi phục bổn thiện, đểu có thể thành thánh thành hiền. Quý vị thấy sai lầm của mỗi người, quý vị thương xót họ, phải giúp họ khôi phục trí huệ, khôi phục bổn thiện, do quý vị tin tưởng mỗi người đều vốn có. Tập tính bất thiện là nhiễm vào, quý vị phải giúp họ trừ bỏ, nhất định có thể bỏ được. Như vậy sẽ không có thành kiến với người ta.
Nhìn người phải nhìn nửa đời sau, đừng khắc nghiệt quá. Người ta bây giờ thể hiện rất khá, “Ồ, anh không biết trước đây anh ta làm những gì đâu, trước đây nhà anh ta ra sao ra sao…” nói những thứ đó, nghe xong muốn đau bụng. Con người phải hồn hậu, miệng là cánh cửa họa phước, phải nói cái tốt của người ta, nhớ cái tốt của người ta, cho người ta cơ hội sửa sai và khẳng định họ. Đừng thường nhắc lại chuyện cũ, sau đó những thành kiến này đi khắp nơi rêu rao, khiến người khác đối với họ cũng có thành kiến, đây là tổn hại âm đức của mình. Cho nên nhìn người phải nhìn nửa sau, con hư quay đầu vàng không đổi.
Tiếp đó, khi con người gấp gáp thì rất dễ nổi nóng. Hễ quý vị gấp, khí nóng rất dễ bốc lên, trong “Đệ tử quy” dạy chúng ta nhất cử nhất động phải vững vàng, chậm rãi, thì không dễ nóng vội, kế đó sẽ không nóng giận. Mọi người phải luyện sự ôn hòa, đừng gấp gáp. Nói năng “lúc nói năng, chỗ chủ yếu, đừng nói nhanh, phải rõ ràng”. Người nói nhanh, tính tính rất nóng nảy. Quý vị có thấy người nào nói nhanh mà tính rất dịu chưa? Nhất ngôn nhất hạnh của quý vị đều phản ánh tình hình tâm lý của quý vị, cho nên nói năng phải chậm 1 chút. Trước đây tôi nói cũng rất nhanh, thấy dáng người tôi là biết. Về sau nghe sư trưởng giảng kinh, sư trưởng nói năng rất chậm rãi, dần dần quý vị nghe mỗi ngày, quý vị nghe mấy năm, tốc độ đó quý vị sẽ quen theo, không hay không biết chính mình nói cũng chậm lại. Cho nên nói “được thân cận, rất lợi ích”, đức hạnh của ngài, khí chất của ngài đang ảnh hưởng chúng ta. Cho nên nói năng phải chậm, ăn cơm phải chậm, nhai kĩ nuốt chậm.
Đi đứng, “đi thong thả, đứng đoan nghiêm, đi trong phòng, phải chú ý”. Nhưng thời gian rất gấp, người bây giờ thật sự sống không dễ dàng, dậy sớm là được, nhưng dậy không nổi, không sao, chúng ta tiếp tục dùng kinh điển suy ngẫm như vậy, nhất định có thể tìm ra vấn đề căn bản. Dậy không nổi, ngủ không đủ, ngủ không đủ là do thể lực tiêu hao quá nhiều, thể lực tiêu hao chỗ nào? Vọng niệm quá nhiều, hơn 90% năng lượng con người tiêu hao trong vọng niệm. Vậy phải làm sao? Vọng niệm bớt dần dần. Vọng niệm bớt ra sao? Lát nữa chúng ta nói “sửa từ trong tâm”, lát nữa sẽ nói.
Kể cả khi thân thể không thoải mái cũng dễ nổi nóng. Sự tu dưỡng của 1 người luyện trong những chỗ khó này, hôm nào quý vị bị bệnh, rất bứt rứt, khi nào muốn nổi nóng thì nghĩ rằng, lúc sanh bệnh chính là cơ hội tốt để rèn luyện mình không nổi nóng.
Hoàng đế Khang Hy thân làm thiên tử, có lần con trai ông, con trai ông đều là hoàng tử, bị bệnh, người bên cạnh phục vụ anh ta, con trai ông nổi nóng, có thể còn đánh người. Vừa hay hoàng đế Khang Hy nhìn thấy, nhìn thấy con trai đang nổi nóng với người bên dưới, hoàng đế Khang Hy liền bước vào, ông hết sức bình hòa, ông liền khuyên con trai mình rằng “Con trai, ta có lần sức khỏe không tốt, ngay cả đi 1 bước cũng cảm thấy rất đau, nhưng trong lòng ta nghĩ, ngày nay ta bị bệnh nặng thế này, là do tội nghiệp của chính ta, ta không nên giận lây qua người khác. Ngay cả ta bước đi cũng khó khăn, đều phải nhờ họ dìu ta đi, họ đã rất vất vả rồi, cho nên ta luôn nói cười vui vẻ với họ, nói cười tự nhiên, không khiến họ phải chịu áp lực lớn hơn”.
Chúng tôi đọc tới đây thì rất khâm phục hoàng đế Khang Hy, chả trách người ta gọi ông là “thiên cổ nhất đế” 1 hoàng đế tốt, đã làm hoàng đế 61 năm. Ông đã nói với con mình, con xem họ chăm sóc con chu đáo như vậy, con còn có họ chăm sóc, con còn nổi nóng. Khi họ thật sự bị bệnh thì ai chăm sóc họ? Họ đều là người rất vất vả, rất đáng thương, con phải thông cảm cho họ. Hoàng đế Khang Hy nói tới đây, những người hầu bên cạnh, những người hầu hạ ông, ai ai cũng chảy nước mắt. Ông rất nhân từ, không giận cá chém thớt. Thật ra mọi người nghĩ coi, họ chẳng phải đều là con cái của cha mẹ người ta sao? Chúng ta nghĩ coi, chúng ta nổi nóng bừa bãi với họ như vậy, cha mẹ, người thân bọn họ nhìn thấy, nghe thấy buồn biết mấy.
Thời Minh vợ của tiên sinh Dương Thành Trai là La Thị, mỗi ngày bà dậy rất sớm, vừa sáng đã dậy nấu cháo cho những bộc nhân này ăn. Con bà không đành lòng, đã nói: “Mẹ, mẹ tuổi cao như vậy, còn dậy sớm thế này, khổ cực quá”. Bà nói “Những bộc nhân trong nhà mình đều do cha mẹ sanh ra, trời lạnh như vậy họ đã phải dậy sớm làm việc, trong bụng không có chút đồ nóng làm ấm thân thể, làm việc như vậy hết sức tổn hại thân thể, cho nên mẹ tranh thủ nấu cho họ ăn”. Nhìn mỗi người đều thương yêu họ như người thân của mình. Kết quả phu nhân này, sanh được 4 con trai, có 3 người thi đậu tiến sĩ, con bà nhận được phước ấm rất lớn của bà.
Tục ngữ nói “quán đức ư nhẫn, quán phước ư lượng”. Nhìn đức hạnh của 1 người thì nhìn từ đâu? Từ sự nhẫn nhịn của họ, tập tính nhẫn nhịn của họ. “Quán phước ư lượng”, 1 người có phước không thì nhìn từ đâu? Tình thương của họ, sự độ lượng của họ, coi vãn bối đều như con mình, tâm lượng như vậy để phước cho đời sau. Chúng ta đều có thể tìm được, quan sát được nguyên nhân nổi nóng.
Tiếp đó làm sao điều phục sự nóng tính này? Ý niệm quý vị sai rồi, khí nóng sắp bốc lên, mau mau chuyển hóa nó, đều liên quan với nhẫn nhịn. Cho nên có mấy phương pháp có thể đối trị tính nóng này:
Thứ nhất “lực nhẫn”, sự “lực nhẫn” này tức là “Liễu Phàm tứ huấn” nói sửa từ sự tướng. Lúc sắp nổi nóng, thì mau mau đè xuống, giống như cục đá đè cỏ, đè nó xuống. Nhổ cỏ không nhổ gốc, gốc nó vẫn còn, đè tới sau cùng đè không nổi, nó vẫn sẽ bùng phát, cho nên sự lực nhẫn này là nhẫn 1 chút. Nhưng tạm thời dùng nó cũng rất quan trọng, thật sự khởi lên, thì dùng nó đè xuống 1 chút. Vẫn không đè được, thì mau đi tìm 1 quyển “Liễu Phàm tứ huấn”. Không kịp nữa, bỏ đi trước. Lúc bỏ đi phải có phong độ, “Tôi đi toilet đã”, cái này phải sáng suốt biết mình, thật sự nhẫn không được thì phải bỏ đi. Do có lúc quý vị thật sự nhẫn không được, nổi nóng lên, “phẫn tư nan”, sau khi nổi nóng rồi thì rất khó thu dọn. Gọi là “Nhẫn được khí nóng nhất thời, tránh được nỗi lo trăm ngày”. Quý vị nổi nóng ở những nơi không nên, với những người không nên, quý vị sẽ không cách nào níu kéo, cứu vãn, quý vị sẽ hối hận, nản lòng, thậm chí bạn bè tốt 3 năm, 5 năm, 10 năm, quý vị đè nén không được, giao tình 10 năm cũng có thể trôi theo dòng nước, sự “phẫn tư nan” này, rất khó cứu vãn. Thứ nhất là “lực nhẫn”.
Thứ hai “vong nhẫn”. Thôi kệ, không so đo, bụng tể tướng có thể chèo thuyền. Cái này có thể học ngay, mọi người bây giờ trong bụng còn có ai không phải, liền xóa đi, chỉ nhớ điều tốt. “Để tử quy” nói “ân phải báo, oán phải quên”, tất cả xóa hết. Tâm địa thuần tịnh, hành vi thuần thiện là đúng rồi.
Kế đó, “phản nhẫn”. Khi sắp xung đột với người ta, trước tiên nghĩ lại mình có sai không. Con người sở dĩ ngày càng cưỡng thế, tính tình ngày càng khống chế không được, ý niệm đó tức là “đều do đối phương sai”, không cảm thấy mình có lỗi, khí thế sẽ ngày càng mạnh. Ngoài ra chỉ cần nghĩ, việc này mình có sai không, mình có chỗ nào làm chưa đúng mực, chỗ nào chưa chi tiết không, quý vị vừa phản tỉnh, khí nóng này sẽ hạ xuống.
Ví dụ quý vị ngày nay cho người ta mượn đồ, kết quả sau khi mượn xong họ không trả cho quý vị, có giận không? Quý vị đều không giận, “Họ cần gấp mình cho họ mượn, họ còn không trả mình, tức chết được”, quên mất là ai cho họ mượn, chưa trả lại liền rất giận. Nhưng lúc này nếu như quý vị nghĩ, lúc đó nếu khi họ muốn mượn mình ghi chép lại, mình tra 1 chút là biết được, mình sẽ không ở đây tức giận nữa. Thật ra rất nhiều khi, rất nhiều việc đều đang nhắc nhở chúng ta, hoặc là tu dưỡng chưa đúng mực, hoặc là làm việc chưa chi tiết. Họ cũng đang nhắc nhở mình làm việc tỉ mỉ hơn, sẽ không có những tình hình này. Việc gì quý vị cũng có thể kiểm điểm từ những thiếu sót trong sự làm người làm việc của mình, quý vị sẽ được nâng cao. Nếu như quý vị không kiểm điểm, sau đó lại mượn cơ hội này bắt đầu mắng người, phê bình người, sau khi biết là ai thì ngang nhiên “Anh coi người này thật quá đáng!”, lại tạo khẩu nghiệp.
Thứ tư, “quán nhẫn”, từ “quán” này chủ yếu là, người nóng giận tức là họ chấp trước trên hành vi đó, “Sao họ có thể đối với mình như vậy?”, quý vị không chịu được. Ví dụ chúng ta dạy học ở trường, thái độ học sinh không tốt, tức cả mấy ngày. Đó là chấp tướng, đó là ngu si, chấp trước. Học sinh có hành vi này, nguyên nhân chỗ nào? Quý vị không chấp trước vào động tác này của nó. Chúng ta đi tìm hiểu, đứa nhỏ có hành vi không tốt này đều thiếu thốn tình thương của cha mẹ, quý vị quan sát quá trình cuộc đời nó như vậy, tâm quý vị liền trở nên từ ái, bao dung, đúng chưa? Cùng là người, cũng là học sinh đó, tại sao chúng ta vốn dĩ rất nóng giận, sau cùng biến thành từ ái? Chẳng phải là có thể đặt mình vào chỗ thiếu sót, chỗ bất hạnh trong cuộc đời người khác sao, tâm bao dung của quý vị sẽ xuất hiện.
Cho nên cũng như vậy, hôm nay những người bên cạnh chúng ta hễ xuất hiện hành vi không tốt, thật ra họ đã bị tập tính xấu dắt đi, thật ra họ đã đang nói với chúng ta, trong quá trình trưởng thành của họ thiếu tình thương, quý vị nhìn từ những góc độ này, quý vị sẽ không chấp trước hành vi của họ. Ngay cả ngủ cũng ngủ không ngon, cứ ở đó nghĩ về câu họ mắng mình, nghĩ mãi, sau đó còn phải uống thuốc ngủ, đó là không bỏ qua cho mình, chính là như vậy.
Kế đó, “từ nhẫn”, “hỉ nhẫn”, quý vị có thể đối với bất kì ai cũng luôn từ bi, thậm chí coi họ như bản thân mình, do cổ thánh tiên hiền nói với chúng ta, chúng sanh và chúng ta là 1 thể. Là 1 thể! Giống như thân thể này, bộ phận nào quý vị không thương yêu, không chăm sóc? Quý vị có tấm lòng như vậy, quý vị sẽ thời thời nghĩ rằng mình nên giúp họ ra sao, ý niệm của quý vị đều nằm ở việc giúp đỡ họ thế nào, sự từ ái của quý vị lúc nào cũng có thể khởi lên. Hơn nữa quý vị sẽ dùng phương pháp họ có thể chấp nhận để giúp họ, ý niệm của quý vị đều ở đây, quý vị sẽ không nghĩ rằng động tác của họ khiến quý vị không chịu được. Thật ra mà nói, đời người chớp mắt là trôi đi. Mọi người có coi phim điện ảnh trước đây không, 1 giây 24 tấm phim, mộng huyễn bào ảnh, chớp mắt là qua, đều là huyễn hoặc lại không có thật, mượn từng huyễn tướng trong cuộc đời này để tu dưỡng chân tâm của mình. Những việc đã qua còn dùng để dày vò bản thân, chi khổ vậy?
“Từ nhẫn”, bắt đầu luyện từ hôm nay, quý vị nhìn thấy mỗi người, họ cùng mình là 1 thể, giống như họ là tay phải của mình, bây giờ ở đây chảy máu phải làm sao? Quý vị mau đi chăm sóc nó, để nó không chảy máu nữa, phải không? Quý vị có thấy ai tay đang bị chảy máu, sau đó họ dùng tay trái đập nó “Chảy máu chết mày đi!”, cho nên quý vị phải dùng sự từ ái đồng thể này, linh tánh quý vị đời này sẽ viên mãn, thật sự thương mình rất đáng quý!
“Hỉ nhẫn” tức là đối mặt tất cả cảnh giới, luôn cảm thấy là tới nhắc nhở mình còn nóng tính, nhắc nhở mình còn có những tập khí nào, mỗi người đều là tới thành tựu mình, mỗi người đều là quý nhân của mình, mỗi người đều là thầy của mình. Mỗi người đều là quý nhân, là thầy của mình, vậy quý vị còn thấy ai không thuận mắt? Gặp ai cũng cảm ơn họ, họ tới thành tựu cuộc đời mình, “hỉ nhẫn”. Không chỉ không nóng tính, hoan hoan hỉ hỉ tiếp nhận sự khảo nghiệm của những người, sự, vật này.
Cụ thể mà nói, kinh văn tiếp theo cũng nói tới. Chúng ta coi kinh văn “như ngày trước nóng giận”, tức là thói quen bình thường trước đây dễ nổi nóng.
“Phải nghĩ rằng”.
Phải tư duy, quán chiếu.
“Người có bất cập”.
Người này có những chỗ làm không tốt, những chỗ làm không đúng mực.
“Tình sở nghi căng”.
Trong tình lý, luôn có thể, từ “căng” này là xót thương họ, bao dung họ, chứ không nên chỉ trích họ. Câu này trong thời đại chúng ta cảm nhận hết sức sâu. Chúng ta nổi giận, chẳng phải là thấy người này làm người làm việc không đúng, không thỏa đáng thì dễ nổi giận. Người thời đại này, xin hỏi quá trình họ trưởng thành, đi học mười mấy năm, học được bao nhiêu cách làm người làm việc? Họ tốt nghiệp tiến sĩ cũng chưa chắc học được cách làm người. Mọi người nghĩ coi, 1 người học tới tiến sĩ chưa học cách làm người, quý vị nói họ có oan uổng không? Tôi thấy rất oan uổng. Người có bất cập, “tình sở nghi căng”, người bây giờ thật đáng thương.
Sư trưởng thường dùng 1 câu giúp chúng ta trưởng dưỡng tâm khoan thứ này, chữ thứ có thể dùng cả đời. 1 người có thể thời thời giữ vững 1 chữ “thứ”, đạo đức quý vị sẽ không ngừng nâng cao. Sư trưởng nói: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái tha”. Cha mẹ họ, tổ tiên họ không dạy họ, cho nên họ không hiểu, quý vị đừng trách họ. Người không học, thì không biết, không biết nghĩa. Quý vị nói cha mẹ họ không dạy, là cha mẹ họ không đúng, quý vị đi tìm cha mẹ họ, cha mẹ họ nói cha họ cũng chưa dạy, lại đi tìm ông bà họ, kết quả tìm ông bà họ, lại nói cha mẹ mình không dạy. 1 nhóm người đi tới trước mộ, kết quả mọi người đều là người bị hại, tại sao? Văn hóa truyền thống đứt đoạn cả mấy đời người.
Con cháu dân tộc Trung Hoa chúng ta có trí huệ cao độ 5000 năm, nhưng lại không học được, rất đáng thương. Cho nên chúng ta bây giờ nhìn thấy 1 điểm, đứa nhỏ hai tuổi ngồi đó đọc “Đệ tử quy”, rất ấm lòng, các em không giống chúng ta mấy chục năm sau bị đầu u trán mẻ, mới biết những thứ này tốt. Người bây giờ sai đều không thể trách họ, chưa học quý vị còn trách họ, chẳng phải thành ra chúng ta rất khắc nghiệt sao?
Có người nói, họ có học, học còn sớm hơn mình, học còn nhiều hơn mình, vậy không tha cho họ được phải không? “Người có bất cập, tình phải xót thương”. Nhưng họ đã học rất lâu. Học càng lâu, họ còn làm không tốt, thì họ càng đáng thương, có phải không? Trước hết, họ rơi vào 1 cái hố là tự mình thấy mình đã hiểu, lôi ra không được. Kế đó, họ học càng lâu, người ta đều nói, người đó là học “Đệ tử quy”, học “Liễu Phàm tứ huấn”, học thành như vậy. Tấm biển đó của họ không tốt, mỗi ngày đang tổn phước. Rất nhiều người vì họ mà “Văn hóa truyền thống không học được”, họ đang tổn phước. Quý vị phải mau chùi sáng tấm biển này 1 chút, quý vị mới từ bi. Cho nên vẫn là “bất yếu đạo, bất yếu tình”. Đừng đi yêu cầu họ phải tốt, quý vị gặp người như vậy có lẽ là có duyên với mình, phải nên nghĩ cách làm sao giúp họ, từ cái hố tu tập này lôi họ ra, cho nên người ta không hiểu.
“Sai quấy trái lý”.
Họ làm những việc trái nghịch đạo lý, thậm chí còn mạo phạm chúng ta vô lý.
“Liên can gì tới ta”.
Sai ở hành vi của họ, mình nên bao dung họ, không nên nổi giận, thậm chí nên thông cảm. “Quán nhẫn”, thông cảm họ; “từ nhẫn”, cảm hóa họ, giúp đỡ họ.
“Vốn dĩ không gì đáng giận”.
Tiếp theo kinh văn lại nói:
“Lại nghĩ thiên hạ không ai tự nhận mình hào kiệt, cũng không có học vấn nào oán người. Làm việc không thông, do đức mình chưa tu, cảm thông chưa được”.
Lại có thể nghĩ tới thiên hạ không ai cho rằng mình đúng, cho mình là hào kiệt. 1 người cho mình là đúng, họ sẽ ngạo mạn. Người ta thường khởi ý niệm: Mình cao, người ta thấp; mình có trí huệ, người ta không có trí huệ; mình có thể, người ta không thể. Đây đều là cao nhìn thấp, đều là thái độ ngạo mạn. Cho nên những tập khí này rất vi tế, chúng ta có lúc cảm thấy hình như mình đã sửa rồi, đó là sửa trên bề mặt, cái càng sâu còn phải càng đào càng sâu.
Mọi người có kinh nghiệm không, đột nhiên khởi ý niệm: Dạo này mình không có nổi nóng. Nhưng mới khởi, hôm đó cảnh giới vừa tới, nhịn không được. Nghĩa là còn kém rất xa, tổ tiên quý vị đều đang gia hộ quý vị, liền nhắc nhở quý vị còn kém rất xa. Bên cạnh quý vị có thầy tốt bạn hiền cũng nhắc nhở quý vị.
Tử Cống, hôm nay thường nhắc tới Tử Cống. Tử Cống một hôm nói mình không muốn người ta đối với mình như vậy, mình cũng không đối với người ta như vậy. Nghĩa là ông cảm thấy ông có thể làm được “điều mình không muốn, không làm cho người”. Kết quả Khổng Tử liền nói với ông, không phải cảnh giới của ngươi, không phải công phu của ngươi, còn kém xa lắm, đừng nói nhanh như vậy.
Sự “thứ” này là tất cả mọi người, tất cả hành vi người ta làm, quý vị đều bao dung được, vậy quý vị mới thật sự khoan thứ. Cho nên tập khí ngạo mạn này, phải thời thời quán chiếu được.
“Cũng không có học vấn nào oán người”, “oán người” tức là oán trách người, xuất hiện thái độ oán trời trách người. Chúng ta coi “học vấn”, cái “học” này tức là học giác ngộ, tâm này là trạng thái giác ngộ, người oán trời trách người tâm họ không ở trong sự giác ngộ. Người xưa nói “học vấn sâu thì ý khí bình”. Thấy 1 người học vấn có đạt chưa, thì coi họ tiếp xúc tất cả người, sự, vật có thể tâm bình khí hòa không, cho nên không có học vấn nào oán người, còn oán trách người khác thì không tính là học vấn. Chúng ta dễ dàng khoan thứ người khác, thì sẽ không chỉ trích người khác. Nhưng sự “thứ” này, khoan thứ người khác không dễ dàng, khoan thứ chính mình rất dễ dàng. Cho nên chúng ta vừa nói học vấn là gì? Giác ngộ. Quý vị lúc nào cũng dùng chánh niệm của mình, chứ không phải dùng tập khí mà sống.
Tiên sinh Phạm Thuần Nhân có nói, chúng ta có điều phục được sự hà khắc với người khác không, thái độ chỉ trích là 1 phương thuốc tốt. Tiên sinh Phạm Thuần Nhân là con trai thứ hai của tiên sinh Phạm Trọng Yêm, ông làm chánh tể tướng, thành tựu về chính trị không thua gì cha ông, cha ông là phó tể tướng, ông là chánh tể tướng, tất nhiên cũng do cha ông bồi dưỡng. Ông nói rằng: “Người tuy chí ngu, trách người ắt sáng; tuy có thông minh, tha thứ mình ắt mê. Nếu có thể dùng tâm trách người mà trách mình, tâm tha thứ mình mà tha người, thì không sợ không tới được địa vị thánh hiền”. Lúc nãy nói cầu học vấn, cái học này là giác. Mọi người thấy tôi viết đoạn này, sau cùng còn sót 2 chữ không viết đủ, tình hình này nói với tôi rằng, tôi làm việc hết sức không khéo sắp đặt. Nhét tới sau cùng 2 chữ này, quý vị coi, phải biết kế hoạch, không gian sẽ nắm được tốt. Những chỗ nhỏ này đều thể hiện sự thiếu sót của mình.
“Người tuy chí ngu”, họ không phải người rất thông minh, nhưng khi họ nhìn khuyết điểm người khác, chỉ trích người khác thì rất lợi hại, “trách người ắt sáng”. Trước đây khi tôi chủ nhiệm lớp, mấy em nhỏ rất nghịch ngợm, thường phạm lỗi, khi người khác sai thì chúng có thể nói ra vấn đề của người khác, nói rõ ràng nhất, thật ra chúng cũng thường phạm lỗi, “trách người ắt sáng”. “Tuy có thông minh”, 1 người khá thông huệ, nhưng nếu như họ thường tha thứ cho mình, tìm lý do, tìm cớ cho mình, “tha thứ mình”, sự thông minh trí huệ của họ sẽ dần dần giảm xuống. Thường ở đó tìm cớ, che đậy lỗi lầm, họ sẽ càng ngày càng không có trí huệ, “ắt mê”.
Nếu người ta có thể dùng tâm trách người khác để trách ai? Trách mình. Mọi người nghĩ coi chúng ta 1 ngày phạm bao nhiêu lỗi, 1 tháng phạm bao nhiêu lỗi, chúng ta đều không chỉ trích chính mình. Người bạn này quen chúng ta nửa năm, 1 năm, phạm lỗi 1 lần chúng ta không bỏ qua cho họ, con người rất là hà khắc, phải không? Cho nên đem sự trách người đó ra yêu cầu mình, “dùng tâm trách người để trách mình”. “Tâm tha thứ mình”, chúng ta mỗi ngày phạm nhiều lỗi như vậy, chúng ta chẳng phải đều tha thứ cho mình, qua được thì qua sao? Dùng tâm khoan thứ chính mình này khoan thứ người khác, tha thứ người, “thì không sợ không tới được cảnh giới thánh hiền”. Cho nên 2 câu này thường nhắc nhở chính mình, “dùng tâm trách người mà trách mình, tâm tha thứ mình mà tha thứ người”, tự mình nhớ lại hồi nhỏ có rất nhiều thói quen xấu, học nhiều năm vậy rồi còn chưa sửa, sao còn hà khắc yêu cầu người khác, tâm chỉ trích của quý vị sẽ nhạt bớt, tâm bao dung, khoan thứ người khác sẽ dễ khởi lên.
Ở đây nói tới “không tự nhận mình hào kiệt”, cũng không có “học vấn oán người”, bất kì tình huống gì xảy ra, không như ý mình, “làm việc không thông, đều do đức mình chưa tu, cảm thông chưa được”. Có việc không như ý xuất hiện, trước hết kiểm điểm nhất định do đức hạnh của mình còn chưa đủ, không thể cảm động đối phương. Câu này tương ứng với tinh thần của cổ thánh tiên hiền chúng ta “làm việc không thông, phản cầu chính mình”. Kinh văn tiếp theo nói:
“Ta tất tự phản tỉnh”.
Từ “tất” này nghĩa là tất thảy, gặp phải tất cả những việc này đều phản tỉnh chính mình. Trong kinh điển có câu nói rất triệt để, là “y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Tất cả những người việc hoàn cảnh quý vị gặp phải, kể cả trái đất của chúng ta, đây đều là môi trường vật chất, môi trường nhân sự chúng ta sống, đây là y báo, tùy theo cái gì? “Chánh báo chuyển”, tùy theo tâm chúng ta mà chuyển. Vùng này có tâm thiện, mưa thuận gió hòa; vùng này tâm người ác, họ sẽ tai họa không ngừng, cho nên tâm mới là căn bản. Nó lớn đến 1 khu vực thậm chí sự cát hung họa phước của 1 quốc gia, đều liên quan tới tâm người thiện hay bất thiện. “Thượng thư” có nói “làm thiện giáng trăm điều lành”, có rất nhiều điềm lành; “làm bất thiện giáng trăm điều tai ương”. Quay về tất cả môi trường người và vật, môi trường vật chất bản thân chúng ta sống là y báo, tùy theo tâm ta mà chuyển, đây là chánh báo. Có thể phản tỉnh như vậy.
“Khi có điều hủy báng”.
Những lời hủy báng, sỉ nhục này xuất hiện luôn cảm thấy đức hạnh của mình còn chưa thể cảm động họ.
“Đều như chỗ mài luyện thành ngọc”.
Đều là khảo nghiệm mình, nhắc nhở thiếu sót của mình. Từ “mài” này, mài kim, mài dao. Có câu thành ngữ là “có công mài sắt có ngày nên kim”, đây là mài. “Luyện”, luyện kim, thật ra cái này nghĩa là đang tu luyện. “Thành ngọc” tức là những cảnh giới này đều là tới thành tựu quý vị. Cái “ngọc” này có nghĩa là thành tựu, thương yêu quý vị.
“Ta sẽ hoan nhiên thọ nhận”.
Mình hết sức hoan hỉ những cảnh duyên người và việc này tới nhắc nhở mình còn thiếu sót, tới giúp mình đột phá bản thân. Cái này tức là hỉ nhẫn lúc nãy vừa nói. Họ hoan hỉ tiếp nhận khảo nghiệm.
“Hà tất sân hận”.
Thì sẽ không nổi giận nữa, tiếp theo chúng ta coi kinh văn lại nói:
“Lại nghe phỉ báng mà không giận”.
1 người nghe những lời phỉ báng, họ không nổi giận.
Những lời gièm pha phỉ báng này giống như lửa thiêu rất lớn, khói phun mù trời, cũng không sao, tại sao? Trước sau gì nó cũng thiêu hết.
“Như lấy lửa đốt không trung”.
Sau cùng hết mất.
“Sau cùng tự tắt”.
Những lời phỉ báng này sau cùng sẽ tắt hết. Tiếp đó nói:
“Nghe báng mà giận”.
Nghe thấy người khác phỉ báng liền nổi giận.
Dùng hết tâm tư để biện giải, biện bác, có thể càng biện bác người ta càng phản cảm, càng không tin theo.
“Như tằm xuân kéo kén”.
Con tằm mùa xuân nhả tơ bao bọc mình lại, tự mình trói buộc chính mình.
“Tự mình ràng buộc”.
Lâu ngày hiểu lòng nhau, quý vị gấp gáp giải thích, giải thích tới sau cùng người ta còn nói những lời khó nghe, quý vị chẳng phải càng giận sao?
“Nóng giận chẳng những vô ích”.
Phẫn nộ không chỉ không tốt cho mình, tổn hại thân mình, tổn hại tâm mình, cũng tổn hại đức của mình, tổn hại phước của mình, có trăm hại mà chẳng có 1 lợi. Không chỉ chính mình không có gì tốt, còn tổn hại tới người khác, tổn hại tình thân, tổn hại tình bạn thậm chí tổn hại ảnh hưởng đại cục, làm hư đại sự cũng có thể, cho nên quả thật có hại.
“Những tội lỗi khác, đều theo đạo lý mà xử sự”.
Chúng ta có rất nhiều thói quen không tốt đều nên căn cứ theo những đạo lý tốt này mà suy nghĩ, những lý này đều rất rõ ràng rồi, lý đắc tâm sẽ an trú trong những tư tưởng quan niệm đúng đắn này.
“Lý này vừa rõ, lỗi sẽ tự ngừng”.
Những đạo lý này nhập tâm rồi, có thể chuyển biến tâm thái chúng ta, những sai lầm này từ từ sẽ chế phục được, không khởi lên.
Tiếp đó chúng ta coi kinh văn này nói tới điểm thứ 3, sửa từ trong tâm.
“Thế nào là sửa từ tâm. Lỗi có ngàn dạng”.
Lỗi lầm có trăm ngàn loại, các loại ngôn hành.
“Duy tâm sở tạo”.
Đều là từ tâm địa này khởi lên tà niệm, ác niệm sai lầm, sau cùng biến thành hành vi, cho nên tâm mới là căn nguyên của tất cả hành vi, “duy tâm sở tạo”.
“Tâm ta bất động, lỗi làm sao sanh”.
Tâm của mình không vọng động, không khởi những tà niệm này, thì không thể có hành vi sai lầm không tốt, cho nên “lỗi làm sao sanh”.
“Người học”.
Người học tập.
“Từ háo sắc, háo danh, tham tài, ưa giận, tất cả các lỗi, không cần phân biệt từng loại”.
Không cần tìm kiếm kiểm điểm từng cái 1, có thể từ tâm địa căn bản.
“Chỉ cần 1 lòng vì thiện”.
Tâm niệm này thời thời đều giữ gìn thiện niệm, giữ gìn trong thái độ thương người, kính người.
“Chánh niệm hiện tiền, tà niệm tự nhiên ô nhiễm không được”.
Tự mình phải bảo vệ tốt chánh niệm của mình, tà niệm sẽ không vào được. Lấy 1 so sánh:
“Như mặt trời trên không, yêu ma tiêu trừ”.
Ánh mặt trời rất sáng, chiếu khắp cả hư không, những “yêu ma” này là 1 số quỷ quái, ma quỷ toàn bộ đều tiêu trừ.
“Đây là chỗ chân truyền tinh vi”,
Sửa lỗi từ tâm địa, đây là phương pháp tốt hết sức tinh mật, thống nhất, có thể nhiếp thọ tâm này, không để nó vọng động, đây là sửa lỗi từ trong tâm.
Được, hôm nay trao đổi với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!