HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”
Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng
Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia
Luận về lập mệnh
Phương pháp sửa lỗi
Phương pháp tích thiện
Lợi ích khiêm cung
TẬP 27B
Cho nên những nơi có kinh điển, tức là những nơi có thánh hiền, thậm chí kinh sách phải đặt ngay thẳng, quý vị không được để méo, không được để một nửa lơ lửng trên không, đây đều là không cung kính. Vậy chúng ta đối với những kinh sách này cung kính tức là thân giáo, bao gồm trên kinh sách có thể phủ vải lên, không để nó dính bụi, đây đều là cung kính, hoặc là quý vị làm một cái hộp nhỏ đựng tượng Phật, đây đều là cung kính. Tiếp đó nói:
“Về việc cử dương chánh pháp trên báo ân Phật, đều nên khích lệ”.
“Cử dương chánh pháp” tức là có thể tự mình biểu diễn chánh pháp, kế đó hoằng truyền nó, lợi ích càng nhiều người. Giống như kinh văn phía trước đã dạy “kính yêu đại chúng, tức là kính yêu thánh hiền, thông hiểu chí đại chúng, tức là thông hiểu chí thánh hiền”. Cho nên làm sao trên báo ân Phật, làm sao trên báo ân của thánh hiền tổ tiên, do họ đều là người vô tư bác ái. Cho nên người thời đại này thọ ích rồi, con cháu đời sau thọ ích rồi, chính là việc họ hoan hỉ nhất. Cho nên báo ân của thánh hiền Phật Bồ tát điều quan trọng nhất là lợi ích chúng sanh, lợi ích chánh pháp, đây là sự báo ân tốt nhất. Cho nên “Thế nào là chí thánh hiền, vốn muốn vì đời vì người, giúp như ý muốn. Lòng ta hợp với kính yêu, thì an ổn người một đời. Tức là vì thánh hiền mà an ổn người vậy”, vậy quý vị đã giúp thánh hiền Phật Bồ tát từ bi thương yêu tất cả chúng sanh, cho nên cái này tức là cách làm tốt nhất để báo ân.
Vậy chúng ta coi “cử dương chánh pháp”, bây giờ chánh pháp bị người ta hiểu lầm, cho là tôn giáo, cho là mê tín, cho là những thứ lỗi thời, hễ họ tri nhận sai, họ căn bản không chịu học, họ sẽ thọ ích không được. Cho nên muốn khôi phục bản chất giáo dục Nho Thích Đạo, phải khiến người thế gian sau khi học xong thọ ích cuộc đời họ, chứ không phải một đống mê tín mà thôi. Còn phải cầu thần bái Phật, cầu phước báo, đây đều không hiểu được bản chất của giáo dục, phải hiểu rõ trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, không phải không hiểu lý như vậy mà cầu phước báo. Cho nên thánh giáo bây giờ biến thành gì? Biến thành nghiên cứu học thuật, biến thành tham quan du lịch, biến thành doanh nghiệp, biến thành tà giáo, điều này đều khiến người đời không cách nào thọ ích chánh pháp.
Muốn khôi phục thánh giáo của giáo dục, thánh giáo Nho Thích Đạo bản chất giáo dục, cái này thật sự là “cử dương chánh pháp”, trên báo ân Phật, đều nên khích lệ”, từ “khích lệ” này là kì vọng chúng ta phải gánh vác trách nhiệm lịch sử này, làm đệ tử thánh hiền chân chính, lấy chí thầy làm chí mình, lấy chí thánh hiền tổ tiên làm chí hướng của mình.
Vậy chúng ta coi tiếp cương lĩnh hành thiện tiếp theo, là cương lĩnh thứ 9.
“Thế nào là kính trọng tôn trưởng”.
“Tôn trưởng này chính là đại phước điền, quý vị kính yêu thì có phước. Do quý vị kính yêu tôn trưởng tức là ân điền, tức là kính điền. Thế nào là “tôn trưởng”.
“Phụ huynh trong nhà, quân trưởng trong nước”.
Cho nên tại sao phải đọc kinh điển mới có thể hiểu rõ nghĩa lý, mói biết được làm sao thực hành. Cho nên tại sao nói mở sách là có ích, kinh điển tốt như vậy không thường đọc, chúng ta không hiểu lý, thậm chí độ sâu, độ rộng của sự hiểu không đủ, sẽ biến thành sống trong tri nhận của mình. Cho nên “Liễu Phàm tứ huấn” nói về giáo lý hết sức thấu triệt, ít nhất phải đọc 300 lần, bắt đầu từ hôm nay, đọc một lần vẽ một gạch, nhất định phải đọc 300 lần.
Cha mẹ, huynh trưởng, các chị trong nhà cho tới chú bác đều là tôn trưởng, bao gồm những trưởng bối láng giềng của quý vị đều tính trong đó.
“Quân trưởng trong nước”, người lãnh đạo quốc gia, kể cả người lãnh đạo đoàn thể doanh nghiệp, đơn vị quý vị phục vụ, kể cả trưởng bối trong đơn vị này, đây là “quân trưởng trong nước”.
“Phàm người tuổi cao, đức cao, vị cao, thức cao, đều nên đặc biệt phụng sự”.
Cho nên tôn trưởng này không chỉ là một góc độ tuổi tác mà thôi, tuổi tác ở vị trí đầu. Cho nên kính lão, thương lão, tôn lão, đây là đặc sắc của dân tộc Trung Hoa, tại sao? Do dân tộc Trung Hoa thận chung truy viễn, uống nước nhớ nguồn. Cái này là một đặc trưng đức hạnh hết sức quan trọng của dân tộc chúng ta, cái này từ thời của Nghiêu Thuấn Vũ Thang đều đã truyền thừa như vậy. Do các cụ đối với gia đình, với xã hội, thứ nhất là sự cống hiến của họ, mới có được gia đình và xã hội bây giờ. Cho nên chúng ta phải tri ân báo ân, uống nước nhớ nguồn, phải thương họ, phải tôn trọng họ, vậy xã hội này mới có phước báo.
một xã hội coi thường người già, khinh mạn người già, xã hội này không có phước báo. Mọi người bình tâm nhìn lại, bây giờ quốc gia gánh nợ nghiêm trọng nhất chắc chắn là quốc gia không tôn trọng người già nhất, gánh nợ là kết quả, đó là không có phước, nguyên nhân là gì? Vong ân phụ nghĩa, không tôn trọng người già.
Cho nên các cụ đối với gia đình, với xã hội là bảo vật, là phước điền, “nhà có người già, như có bảo vật”, cho nên trong nhà còn có tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, còn có người già để phụng sự, đây là phước báo của gia đình này. Được phụng sự không phải là các cụ có phước, con người có lúc tri nhận không nắm được trọng điểm, chúng ta có lúc thấy “Ôi chao, cụ thật là có phước, con trai đối với cụ hiếu thuận như vậy”. Thật ra quý vị phải đi nói với con cụ, với cháu cụ rằng, các cháu thật có phước, có phước điền lớn như vậy để canh tác.
Đạo diễn Trạch Tuấn Kiệt này hiểu, ông nói với con mình: “Bà nội con chín mươi mấy tuổi rồi, con có bà nội như vậy để phụng dưỡng, đây là phước khí của cuộc đời con”, biết và không biết giáo dục khác nhau quá xa. Quý vị coi đạo diễn Trạch, vợ ông khi cho con bú, ông đem sữa đó để dành lại, làm của hồi môn cho con gái, đó là bảo vật vô giá. Quý vị kiếm được một đống tiền, mua cho con mình cái nhà làm của hồi môn, đó là không có trí huệ, không sánh được với bình sữa này, là sự nhắc nhở cho cuộc đời con cái. Quý vị cho nó một căn nhà, không lâu sau, “Mẹ, con có thai rồi, cần một cái xe”, thì thành ra coi đó là điều tất nhiên, không có trí huệ. “Người cho con, vàng đầy rổ, ta dạy con, chỉ một kinh”, đây là giáo huấn quan trọng trong “Tam tự kinh”. Đứa con này kết hôn, về sau phải làm mẹ, nó biết uống nước nhớ nguồn, nó sẽ biết giáo dục thế hệ sau của mình. Cho nên các cụ có cống hiến cho gia đình, có cống hiến cho xã hội.
Tiếp đó, đất nước không tôn trọng người già là không có trí huệ, không chỉ không có phước còn không có trí huệ. Cho nên tục ngữ nói “không nghe lời người già, chịu thiệt ngay trước mắt”, biết nghe lời cha mẹ, biết nghe lời của tổ tiên thánh hiền, dân tộc này có trí huệ. Cho nên dân tộc chúng ta chính là truyền thừa lịch sử, chính là tôn trọng trí giả, lời của các cụ, cho nên các cụ có trí huệ, họ có trải nghiệm cuộc đời, bao nhiêu dân tộc, trước cửa bao nhiêu đền miếu đều có các cụ đang giảng lịch sử, đem sự trung hiếu tiết nghĩa truyền cho mấy đứa trẻ trong làng. Chúng tôi hồi nhỏ cũng đã được nghe các cụ già kể chuyện, kể những chuyện như “Tam quốc diễn nghĩa”,, “Dương gia tướng”.
Kế đó, các cụ có thể sống tới 70, 80 tuổi, do họ tích đức hành thiện, họ mới có quả báo này. Cho nên nhìn thấy các cụ trường thọ, quý vị phải noi gương họ tích đức hành thiện, quý vị sao có thể coi thường họ? “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, họ có thể trường thọ như vậy, họ đã nhắc nhở cuộc đời chúng ta, quý vị quan sát cụ già này, tại sao họ được trường thọ, quý vị sẽ học được trí huệ cuộc đời. “Nhân giả thọ”, họ chắc chắn là nhân từ, họ chắc chắn tiết kiệm, người tiết kiệm có hậu phước. “Phước tận nhân vong”, họ vốn dĩ chỉ có thọ mạng 60 tuổi, họ rất tiết kiệm, phước báo chưa xài hết, thọ thêm 20 năm, 30 năm cũng có.
Cho nên có người trí thức tên Vương Tân, hồi ông còn nhỏ thì nhiều bệnh, nhìn thấy các cụ thì rất hâm mộ, các cụ không quen biết ông cũng cúi mình hành lễ với họ, rót trà rót nước cho họ, kết quả nhờ tôn trọng các cụ già như vậy, vốn dĩ thân thể bệnh nhiều đoản mệnh, ông sống tới 93 tuổi, cho nên điều này là nhờ tâm cung kính của ông tích hậu phước cho mình. Ngoài ra ví dụ về một người trí thức, Dương Đại Niên, 20 tuổi đã thi đậu trạng nguyên, rất thông minh, cũng rất có phước báo, nhưng không biết tôn trọng các cụ già, đều làm tổn hại hết phước báo. Cho nên hồi đó, các cụ rất có đức vọng trong triều đình, như Chu Hàn, Chu Ngang đều bị ông sỉ nhục. Chu Hàn đã nói rằng: Ngươi đừng cười chúng ta già cả, sau này ngươi cũng sẽ có ngày già đi. Chu Ngang liền nói với Chu Hàn: Thôi kệ thôi kệ, đừng nói hắn nữa, nếu không tới lúc đó lại bị hắn sỉ nhục. Kết quả ông mới bốn mươi mấy tuổi đã chết mất. Cho nên ví dụ chánh phản này, đều giúp chúng ta thông qua thông qua lịch sử này, những chuyện có thật trong thời Tống để lấy đó làm giới. Đây là “tuổi cao”.
Tiếp theo “đức cao”, người đức hạnh tốt chúng ta phải tôn trọng, gọi là tôn sư trọng đạo. Chúng ta tôn trọng họ, nói thẳng ra, đối với họ mà nói, họ không có lợi gì, lợi ích lớn nhất là bản thân chúng ta. Chúng ta cung kính họ, những giáo huấn thánh hiền họ giảng, chúng ta có thể hoàn toàn lãnh thọ; chúng ta không tôn trọng họ, thọ ích sẽ rất có hạn. Cho nên tôn sư, họ sẽ trọng đạo, họ sẽ từ tâm cung kính mà cầu học vấn, họ sẽ vạn phần cung kính, tự nhiên sẽ được vạn phần lợi ích.
Kế đó “vị cao”, địa vị của họ cao, trách nhiệm họ gánh vác sẽ nặng. Nguyên thủ quốc gia của quý vị, mỗi ngày họ phải xử lý trăm việc, tất nhiên chúng ta phải tôn trọng họ. Quý vị coi chúng ta bây giờ trong cả quốc gia xã hội không có biến động, không có chiến tranh, đều phải cảm ơn quốc chủ.
Cho nên giáo huấn của nhà Phật, trong “Phạm Võng Bồ tát giới kinh” có nói rằng “không báng quốc chủ, không làm quốc tặc”, quốc chủ này không chỉ là người lãnh đạo quốc gia, còn bao gồm người lãnh đạo mỗi một đoàn thể. Do quý vị hủy báng quốc chủ, hủy báng người lãnh đạo, khiến nhân dân, khiến người trong đoàn thể đánh mất lòng tin, đây là sự phá hoại lớn nhất đối với một đoàn thể, tạo tội nghiệp này sẽ rất nặng. Tội nghiệp nặng nhẹ của con người tỉ lệ thuận với bề mặt ảnh hưởng của họ, ảnh hưởng càng rộng, ảnh hưởng càng lâu, tội càng nặng. Cho nên những đạo lý này chúng ta đều phải hiểu. Lúc này ngôn ngữ sẽ thận trọng, không thể phóng túng, không thể động một chút là phê bình người lãnh đạo quốc gia, phê bình người lãnh đạo đoàn thể. Cho nên điểm này Khổng Tử hết sức nhấn mạnh, hết sức cảnh giác, Phu Tử nói 4 loại hành vi là tội ác rất lớn, là “cư hạ lưu nhi sán thượng giả”, người ở bên dưới hủy báng người bên trên; “dũng nhi vô lễ giả”, quý vị không cung kính với lãnh đạo, đây tức là, cái dũng này tức là một sự lỗ mãng, đây không phải sự dũng mãnh thật sự.
Tiếp theo “thức cao”, kiến thức của họ hết sức rộng lớn, con người có lúc đọc rất nhiều sách, quý vị còn phải đi vạn dặm đường, những kiến thức đó rất đáng quý. Cho nên quý vị coi một câu tục ngữ nói rằng “thà lấy nô đại gia, không lấy nữ tiểu gia”, họ thà lấy vợ là nô tỳ của gia tộc lớn cũng không lấy thiên kim của gia tộc nhỏ. Tại sao? Thiên kim của gia tộc nhỏ được nuông chiều hư, quý vị lấy về phải cung phụng một tiểu công chúa; nô tỳ gia tộc lớn, họ từ nhỏ đã phục vụ gia đình mấy trăm người, họ hết sức hiểu sự ứng đối tiến thoái, hết sức cẩn thận, họ tuyệt đối không nổi nóng, họ kiến thức rất quảng bác.
Cho nên kiến thức này rất quan trọng, người không có những kiến thức này, tự mình làm sai việc cũng không biết rõ. Nếu như không có kiến thức, muốn giúp đỡ lãnh đạo cũng rất khó khăn, ngay cả đối nhân thế nào, tiến thoái ra sao cũng không biết, thì việc xấu thì nhiều, việc tốt thì ít. Cho nên người có kiến thức, chúng ta tôn trọng, họ sẽ rất hoan hỉ chia sẻ trải nghiệm cuộc đời với chúng ta.
Cho nên “đều nên đặc biệt phụng sự”, từ “đặc biệt” này là đặc biệt thành kính mà phụng sự. Nhìn một cách cụ thể:
“Trong nhà phụng sự cha mẹ”.
Đặc trưng nhân cách, thói quen hành vi mỗi một người đều là từ trong nhà bồi dưỡng ra, gọi là “thiếu thành như thiên tánh, thói quen thành tự nhiên”, cho nên người hiểu những đạo lý này, nói thẳng ra, nhân tài tìm từ đâu? Tìm từ gia giáo mà ra. Cho nên quý vị muốn dùng một cán bộ quan trọng, tuyệt đối phải phỏng vấn gia đình họ; quý vị muốn bồi dưỡng nhân tài truyền pháp quan trọng, phải phỏng vấn gia đình họ; quý vị muốn lấy vợ, muốn lấy chồng, cũng phải phỏng vấn gia đình. Bây giờ hình như người làm việc này khá là ít, cho nên lựa chọn quan trọng như vậy cũng không thận trọng, sau cùng hối hận, oán người không được. Cho nên phụng sự cha mẹ, họ sẽ hình thành một thái độ của người làm con, thái độ gì?
“Thâm ái uyển dung, nhu thanh hạ khí. Tập quen thành tính, bèn là hòa khí cách thiên chi bổn”.
Từ “thâm ái” này, từ “thâm” này rất tốt, thâm ái tức là họ đã 30 tuổi, 50 tuổi rồi, ánh mắt nhìn cha mẹ như nhìn em bé vậy. Mạnh Tử tán thán Đại Thuấn “đại hiếu chung thân mộ phụ mẫu”, sự ngưỡng mộ cha mẹ của ngài, ánh mắt cảm ân cha mẹ của ngài hoàn toàn giống với hồi nhỏ, 50 tuổi rồi vẫn như vậy, cho nên Mạnh Tử nói, Đại Thuấn cả đời đều đối đãi với cha mẹ ngài như vậy. Thật ra đây là người hạnh phúc nhất, người không cung kính cha mẹ tức là không cung kính tự tánh của chính mình, tức là tổn hại phước báo của mình,
Cho nên đạo diễn Trạch không đơn giản, lời người sáu mươi mấy tuổi nói ra, nghe xong ai cũng cảm động. Ông nói ông thấy hạnh phúc nhất trong đời, mở cửa ra còn được gọi một tiếng mẹ, ông vẫn là con của mẹ, tình cảm tôn trọng thân thiết của ông, cho nên ông vẫn thương sâu sắc mẹ già chín mươi mấy tuổi của mình.
Như bộ trưởng Cao Xương Lễ của chúng ta, khi ông chia sẻ hiếu đạo, ông cũng có sự “thâm ái uyển dung”, ông nói ông ở Sơn Đông, ông đã là cán bộ cấp tỉnh, khi ra ngoài đội mũ, thỉnh an, vấn an cha của mình: “Cha, con đi làm đây”, có lúc cha ông còn chỉnh lại mũ giúp ông “Được, đi được rồi”. Nghe ông kể lại đoạn này, đều cảm thấy giống như một em bé mang ba lô đi học vậy. Sự cung kính của ông đối với cha ông không vì ông đã lớn tuổi, không vì ông đã là cán bộ cấp tỉnh trung ương mà có tơ hào giảm bớt. Cho nên người như vậy là đáng quý nhất, ông không bị danh lợi, không bị quyền thế ô nhiễm, còn giữ được tâm thơ trẻ của mình.
Như tiên sinh Hoàng Đình Kiên, ông đã làm thái sử, cũng là quan rất lớn, nhưng ông thương sâu sắc mẹ mình, về nhà liền vén tay áo lên giúp mẹ rửa bô. Nếu như ông bị quan vị làm ô nhiễm, “Mình làm quan lớn như vậy, đi đi đi , để người bên dưới làm là được rồi”. Bao gồm Hán Văn Đế, đã là hoàng đế rồi, sự thương yêu mềm mỏng của ông đối với mẹ không có tơ hào hao tổn, cho nên “cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước”, chính là nói về Hán Văn Đế, “đêm ngày chăm, không xa rời”, chính là Hán Văn Đế.
Và sự “uyển dung” này tức là rất nhu nhuyễn, rất mềm mỏng, mỗi câu nói với cha mẹ đều sợ khiến cha mẹ buồn lòng. Thật ra người chỉ cần nhớ ân cha mẹ, họ sẽ cảm thấy, đời này báo ân còn không kịp, sao đành lòng khiến cha mẹ có chút gì không hoan hỉ, lúc này ngôn ngữ sẽ mềm mỏng. Cho nên “sắc mặt vui, lời nhu hòa”, thái độ này họ không phải miễn cưỡng, người nhớ ơn sẽ làm ra một cách tự nhiên.
Cho nên Khổng Tử nói, tận hiếu, “tiên nan”, sắc nan, sắc nan tức là dùng sắc mặt vui vẻ phụng sự cha mẹ, cho nên “tiên nan” bắt tay từ đâu? Bắt tay từ sự nóng tính, đối với cha mẹ không thể có tâm trạng, không thể để lầm lỗi của cha mẹ trong tâm, điều này là không cung kính. Cha mẹ dù có lỗi lầm, niệm niệm nghĩ sao cho cha mẹ sửa lỗi, còn sốt ruột hơn họ, càng không thể nhìn vào lỗi lầm của họ. Phương tiện thiện xảo khuyên cha mẹ, nhu thanh hạ khí, hết sức dịu hòa, sau đó không khí này rất bình hòa, hơn nữa để tâm từ những chỗ chi tiết, không thể coi thường mỗi câu nói và mỗi nét mặt của mình, đều nên dịu dàng mềm mỏng. Lâu ngày sẽ tập quen thành tính. Sự tập quen thành tính này là rất tự nhiên không có chút miễn cưỡng, do sự nhu hòa cung kính này đã hoàn toàn kết hợp với linh hồn của họ rồi.
Tôi có một người bạn, anh làm giáo sư trong đại học, rất trẻ đã làm giáo sư rồi, anh có sự nhắc nhở rất lớn với cuộc đời tôi, “Hiếu kinh” đó anh có thể thuộc từ đầu tới đuôi, “Địa Tạng kinh” trong nhà Phật cũng thuộc được, tướng mạo anh rất trang nghiêm, rất có phước báo. Tôi nhớ có một lần tôi đến nhà anh tìm anh, vừa hay khi tôi đi, anh đang có một sự lựa chọn trong đời, anh phải từ một trường tư lập chuyển tới một trường công lập, có lẽ là làm phó giáo sư, anh cung cung kính kính đem nhân duyên này bẩm báo với cha mình. Bẩm báo là với người trên. Tôi vừa bước vào, thấy anh quỳ bên cạnh cha mình, anh vừa nhìn thấy tôi, không chút vội vã, “Lễ Húc, xin lỗi, tôi vừa hay đang bẩm báo một chuyện với cha tôi, anh ngồi chơi một chút, tôi bẩm báo xong đã”. Tôi rất có phước báo, nhìn thấy một người bạn tốt của mình làm tròn bổn phận và thái độ của người làm con ra sao. Tôi thấy anh đem nhân duyên này nói rất tỉ mỉ rõ ràng, nghe cha anh dạy bảo, anh không dám tự quyết, anh sợ làm rồi sẽ khiến cha anh buồn. Bẩm báo xong rồi, cha anh “Được, vậy con tới trường công lập này đi”.
Cho nên thật sự là “tập quen thành tính, bèn là hòa khí cách thiên chi bổn”, sự cung kính với cha mẹ này, từ “cách” này là gì? Cảm cách, cảm động trời đất, cảm động mỗi một người, chí thành cảm thông, cảm thông thiên địa vạn vật, cảm thông người khác, cảm thông tất cả sanh mạng có linh tánh. Chúng ta coi hiếu tử, Thái Thuận, và rất nhiều hiếu tử, khi họ đang phục tang, cả cây cỏ cũng cảm động, cả những sanh mạng này cũng cảm động, cây cỏ đều bi thương, việc này có ghi lại trong lịch sử. Cho nên thật sự “bèn là hòa khí cách thiên chi bổn”.
Từ gia đình mở rộng ra, xã hội đoàn thể, cho tới viên chức quốc gia, trong “Hiếu kinh” cũng nói “quân tử chi sự thân hiếu, cố trung khả di ư quân, sự huynh đễ, cố thuận khả di ư trưởng”, cho nên “hiếu đễ dã giả, kì vi nhân chi bổn dữ”, người biết thương người, biết tôn trọng người, gốc rễ của họ là hiếu thuận cha mẹ, tôn trọng sư trưởng, tôn trọng anh, chị, tôn trưởng. Cho nên tiếp đó nói rằng, từ gia đình mà ra, phụng sự quốc quân, phụng sự lãnh đạo.
“Làm một việc”.
Dặn dò chúng ta một việc.
“Không vì vua không biết mà làm càn”.
Không thể cảm thấy quân vương lãnh đạo không biết mà tự mình làm càn làm quấy. Sự “làm càn” này là mình muốn làm gì thì làm, không tôn trọng, không xin phép, tự mình quyết định.
Thật ra một người trong đơn vị tự mình quyết định, rất có thể trong nhà cũng có thói quen này. Cho nên tất cả vấn đề về đức hạnh, gốc đều nằm ở hiếu đạo, đều ở gia đình. Cho nên vì tương lai tốt đẹp của con trẻ, bây giờ phải dạy chúng cho tốt. Quý vị bây giờ không dạy nghiêm khắc, sau này chúng ra ngoài bị người ta dạy, chắc chắn bị người ta chỉnh sửa đông xiêu tây vẹo, tới lúc đó quý vị nuối tiếc cũng không kịp. Cho nên có một người mẹ dạy con rất nghiêm khắc, cô nói với chúng tôi: Tôi bây giờ giáo huấn con trai tôi còn biết nặng nhẹ, nó là cốt nhục của tôi, sao tôi có thể đánh nó cho nặng, nhưng nó ra ngoài bị người ta dạy, người ta sẽ không biết nặng nhẹ. Quý vị coi người mẹ có trí huệ như vậy, cô nhìn rất xa.
Cho nên từ đoạn này, chúng ta sẽ hiểu được người làm con, người làm đệ tử, học trò, người làm cấp dưới phải có tướng đệ tử, đều phải có đủ thái độ của một người làm đệ tử, thái độ gì? 4 sự chủ động. 4 sự chủ động này không xa rời “Đệ tử quy”, chủ động thỉnh giáo, chủ động tham gia, chủ động báo cáo, chủ động hỏi ý kiến.
Chúng ta coi chủ động thỉnh giáo “có nghi hoặc, phải ghi chú, gặp người hỏi, cầu giải thích”, không hiểu giả vờ hiểu, đó là ngu si, làm bậy, hơn nữa còn “mình chưa thấy, đừng nên nói, chưa hiểu rõ, đừng tuyên truyền”, quý vị còn chưa hiểu rõ, nghe lời đồn đại, nhân quả phải chịu rất lớn, làm đoạn huệ mạng của người là không được. Cho nên điều mình không hiểu nhất định phải thỉnh giáo, không thể nói bừa với người ta. Do quý vị thật sự có trí huệ, thật sự có năng lực phán đoán này, quý vị mới thành tựu được sự việc. Cho nên sự chủ động thỉnh giáo này tức là nâng cao năng lực trí huệ của chúng ta trước, không có thái độ này không nâng cao được.
Thứ hai là chủ động tham gia. Trong đoàn thể, trong gia đình phải “cha mẹ thích, tận lực làm”. Cha mẹ đã lo lắng hết sức, quý vị khoanh tay đứng nhìn; chủ quản sắp bị áp lực đè sập, quý vị còn ngoảnh mặt làm ngơ, vậy là không được. Thậm chí cha mẹ, lãnh đạo còn chưa mở miệng, thầy cô còn chưa mở miệng, “cha mẹ gọi, lập tức vâng”, câu này là cảnh giới càng cao, cha mẹ, thầy cô, lãnh đạo còn chưa gọi, tâm linh cảm thông, chủ động gánh vác, đó chắc chắn là trợ thủ tốt của cha mẹ, lãnh đạo, trong tiếng Mân Nam nói “được người thương”, đáng được người ta thương yêu, người như vậy nhìn có vẻ gánh vác rất nặng, bên trong chắc chắn rất được thương yêu.
Cho nên tướng đệ tử rất quan trọng, “cha mẹ thích, tận lực làm”, “cha mẹ gọi, lập tức vâng”, “có khả năng, đừng ích kỉ”, thường biết gánh vác, đây đều là chủ động tham gia, thậm chí còn biết phối hợp, thành tựu nhân duyên. Ví dụ quý vị cùng mọi người học tập, quý vị cảm thấy những đồng nghiệp, bạn học bên cạnh có nghi hoặc, họ lại không dám hỏi, quý vị hỏi giúp họ, họ sẽ được lợi ích. Trong sự tham dự này, có thể khiến một nhân duyên càng thù thắng, đây đều là chủ động tham dự. Chúng ta coi trong kinh điển, như A Nan hỏi, thật ra không phải ngài có nghi vấn, ngài biết người khác có nghi vấn, hễ hỏi ra, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ giải đáp, tất cả mọi người đều thọ ích, đây đều là chủ động tham gia. Quý vị không thể thấy người khác có nghi hoặc, còn phê bình họ không có thiện căn, cũng không giúp đỡ họ, là không tốt.
Tiếp theo chủ động báo cáo, bất luận là tình hình học tập, hay là tiến độ làm việc đều phải chủ động báo cáo. Không báo cáo, thầy cô, lãnh đạo sẽ không biết làm sao chỉ đạo chúng ta; không báo cáo, sự việc tiến triển tới đâu họ cũng không biết, họ sẽ sốt ruột, còn phải lo lắng. Chúng ta vốn dĩ muốn đi giúp đỡ, ngược lại những thái độ làm việc này đều không khiến người cấp trên an tâm. Quý vị làm tới đâu đều báo cáo, vậy họ sẽ không thất tín với người, sự việc này có lẽ sẽ không vấn đề gì, họ sẽ không lo nữa.
Kế đó là chủ động xin ý kiến. Câu này rất tương ứng với “Liễu Phàm tứ huấn”, “làm một việc, không vì vua không biết mà làm càn”, quý vị phải báo cáo, còn phải xin ý kiến, không thể tự mình quyết định. Do có thể quý vị không xin ý kiến, cái đó là then chốt quan trọng nhất của sự việc, sẽ hỏng việc mất, cho nên “việc tuy nhỏ, đừng tự quyết”, điều này đều phải thực hiện trong cả thái độ làm việc. Cho nên có thể có đủ 4 điểm này, tức là một đệ tử tốt, họ chắc chắn có thể truyền thừa những trí huệ và kinh nghiệm này, kế đó cũng sẽ khiến quân thân sư rất an tâm, đây chính là nhân tài trụ cột. Tiếp đó nói:
“Khi phạt người, không vì quân không biết mà tác oai”.
Quý vị xử phạt một người, đừng vì lãnh đạo không biết tới, quý vị ở đó làm trời làm đất, cáo giả uy cọp, dùng hình phạt nghiêm khắc bức ép người khác, không đúng.
“Đối đầy tớ, phải trang nghiêm, tuy trang nghiêm, phải hiền hòa”. Một người làm lãnh đạo, sự tôn quý của họ thể hiện ở đâu? Không phải dùng bừa quyền lực, địa vị của họ, mà là thông qua địa vị, quyền lực này thương yêu người bên dưới, tạo phước nhân dân, tạo phước người bên dưới, đây mới là tôn quý. Con người không vì thân phận mà tôn quý, mà vì hành động mới tôn quý.
Cho nên “khi phạt người”, ở đó cáo giả uy cọp, là có lỗi, nhất là viên chức quốc gia, quý vị có lỗi với sự tín nhiệm của quốc gia, quý vị có lỗi với sự trọng dụng của lãnh đạo, càng có lỗi với đối phương, cũng có lỗi với lão bá tánh. Hơn nữa quý vị “khi phạt người” mà tác oai, sẽ đánh mất lòng dân, đều không tin tưởng lãnh đạo. Quý vị là viên chức, họ không tin quý vị, sau cùng biến thành gì? Không tin tưởng quốc gia, chính phủ, tội nghiệp đó gây ra quá lớn. Cho nên một viên chức phải nên trở thành tấm gương tốt cho quốc gia, người ta hễ nhìn thấy quý vị, quý vị đại diện chính phủ, quý vị khiến đông đảo lão bá tánh tràn đầy lòng tin với chính phủ, đây mới là bổn phận của một viên chức.
Bao gồm, nếu quý vị là người dạy học thánh giáo, quý vị phải làm được khiến mọi người có lòng tin với thánh giáo, quý vị phạt người bậy bạ, sau đó khiến người ta đau khổ muốn chết, còn nói với đối phương: Tôi muốn thành tựu anh, tôi muốn mài giũa anh. Đó là sai lầm, người ta không chấp nhận được, đó đâu phải mài giũa, đó là dày vò người, đó là bắt nạt người, đó không phải thành tựu người. Quý vị đánh họ, mắng họ, họ cảm ơn quý vị, đó mới là đúng; quý vị đánh họ, mắng họ, họ đã áp lực lớn tới nỗi sắp bị trầm cảm rồi, đó đâu phải thành tựu người, đó là cho mình nổi nóng, cho mình cái cớ hợp lý khống chế người khác, còn nói thành tựu người, đây là không đúng. “Dạy người làm thiện đừng quá cao, phải thích đáng làm được”, người ta có thể hoan hỉ tiếp thu, quý vị giáo dục như vậy mới thích đáng, nếu không đều là dùng tập khí làm việc. Rất nhiều việc đều phải bình tâm quán chiếu tâm mình, sau đó nhìn vào sự phát triển khách quan của sự việc, không thể đều là tự mình ở đó nghĩ, rốt cuộc đối phương có tiếp nhận được không, có thọ ích được không, cái này đều phải tùy việc mà xét, không thể tự mình làm trung tâm. Cho nên:
“Sự quân như thiên”.
Phụng sự lãnh đạo giống như phụng sự trời cao, ông trời vậy, không thể lừa dối. Ông trời lúc nào cũng đang quan sát chúng ta, gọi là “ngẩng đầu ba thước có thần minh”, sao có thể tác oai tác quái mà lừa gạt?
“Người xưa cách luận”.
Sự giáo huấn “sự quân như thiên” này, pháp ngôn hết sức khó đắc của người xưa, là chân lý vĩnh hằng bất biến. “Cách” tức là cách thức, tức là một pháp tắc.
“Chỗ liên hệ nhất tới âm đức”.
Quý vị phụng sự cha mẹ, phụng sự quốc quân, lãnh đạo liên quan nhất tới âm đức của mình. Nghĩa là âm đức, tức là tấm lòng chúng ta phải cung kính, quý vị không thể bề mặt thì thuận theo, trong lòng còn oán trách, đó cũng không đúng. Cho nên âm đức này, tấm lòng là âm đức, chỗ lãnh đạo không biết, quý vị đều hết sức cung kính mà làm, đây cũng là âm đức, cho tới làm rồi không kể công, đều là âm đức.
“Thử coi gia đình trung hiếu, con cháu không ai không thịnh vượng lâu dài”.
Cái này nhìn từ mấy ngàn năm lịch sử, người tận hiếu, như nhà Thôi đời Đường, nhà Thôi bọn họ lấy về một cô con dâu, họ Đường, cô gái này hết sức hiếu thuận, mẹ chồng cô không còn răng nữa, không cách nào ăn được, cho nên cô không cho con mình bú trước, mà cho mẹ chồng trước. Cho nên hiếu đạo này truyền gia, nhà Thôi là một gia tộc có nhiều quan viên tốt nhất thời Đường, cho nên thật sự là “gia đình trung hiếu, con cháu không ai không thịnh vượng lâu dài”, cả gia tộc của họ sẽ hưng thịnh, hơn nữa sẽ phát đạt lâu dài.
Hiếu là như vậy, trung cũng là như vậy. Ngụy Trưng rất trung, hậu thế của ông, chúng tôi có gặp, là phó hiệu trưởng trong trường, hơn nữa bọn họ mỗi năm tế tổ, đều do phó hiệu trưởng Ngụy này cầm bài “Gián Thái Tông thập tư sớ” đọc một lần cho người cả gia tộc nghe, không thể quên giáo huấn của lão tổ tiên họ. Luôn thời thời ghi nhớ giáo huấn và tấm gương của lão tổ tiên, gia tộc này chắc chắn sẽ có phước, không chỉ là âm đức gia hộ, còn có tấm gương giáo huấn đang gia hộ.
“Đều nên cẩn thận”.
Cho nên khi đối nhân xử thế, trong đoàn thể nhất định phải hết sức thận trọng khi làm mỗi một việc, khởi từng ý niệm, đều phải phù hợp với thái độ kính trọng tôn trưởng.
Được, tiết học hôm nay chia sẻ với mọi người tới đây. Cảm ơn mọi người.