HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”
Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng
Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia
Luận về lập mệnh
Phương pháp sửa lỗi
Phương pháp tích thiện
Lợi ích khiêm cung
TẬP 6A
Các vị trưởng bối, các bạn, chào mọi người!
“Liễu Phàm tứ huấn” nói rằng, thiền sư Vân Cốc đã hỏi tiên sinh Liễu Phàm: “Ngươi tự xét có thể thành công khoa cử, có được con nối dõi không?”, ngươi có thể có phước báo, có công danh không? Ngươi có thể có con cháu tốt không? Hỏi ngược lại như vậy, để tiên sinh Liễu Phàm trầm lắng tâm tư, suy ngẫm lại cách đối nhân xử thế của mình. Cho nên con người biết phản tỉnh thì có thể bắt đầu thay đổi vận mệnh.
Lần trước chúng ta nói tới, tiên sinh Liễu Phàm có nói rằng bản thân mình không thể có công danh, vì ông ngẫm lại bản thân mình vốn dĩ phước bạc, không có phước báo lắm, lại không biết nỗ lực tích đức hành thiện. Con người nếu như biết mình phước bạc, phải sáng suốt biết mình, phải mau mau hành thiện. Người thế gian có 2 việc không thể đợi, 1 là hành hiếu, bởi vì cha mẹ lớn hơn chúng ta 1 thế hệ, nếu như cha mẹ không còn nữa, đó là việc nuối tiếc cả đời chúng ta; bởi vì hành hiếu là tánh đức, là sự hiển lộ thiên tánh của mình, đó là việc làm vui vẻ nhất. Cho nên người xưa để lại 1 câu nói nhắc nhở chúng ta sâu sắc, hy vọng chúng ta đừng có việc nuối tiếc lớn, việc nuối tiếc nhất trong đời như vậy, “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn dưỡng mà cha chẳng đợi”. Thứ nhất, hành hiếu không thể đợi.
Thứ hai hành thiện không thể đợi. Con người thời đại chúng ta, mọi người cũng đều rất nỗ lực làm sự nghiệp, tích lũy tài phú. Những tài phú chúng ta tích lũy được là hữu hình, ở trong ngân hàng nhìn thấy được; còn có 1 món tài phú vô hình, không nhìn thấy được. Các bạn, xin hỏi mọi người, người gặp sự cố ngoài ý muốn là người có tiền hay người không có tiền? Hay là đều có? Cho nên người có tiền cũng sẽ gặp họa. Chúng tôi đã từng nhìn thấy 1 người rất có tiền, người thân của ông mắc ung thư, bản thân ông đã xây 1 bệnh viện ung thư, ông có tiền. “Tôi nhất định phải chữa lành cho người thân nhất của tôi”, bệnh viện đã xây rồi, chuyên môn nghiên cứu ung thư, người thân của ông vẫn ra đi. Cho nên người có phước báo, họ khám bác sĩ là duyên, có phước báo này sẽ gặp bác sĩ giỏi, tai họa của họ được hóa giải; nhưng nếu như họ không có phước, cho dù có bác sĩ giỏi nhất tới khám, cũng chưa chắc khám được, cho nên những đạo lý này chúng ta đều phải hiểu cho rõ ràng.
Dạo này tôi vừa hay có bạn bè nói tới, quả thật hành thiện không thể đợi, phước quý vị phải tích cho dày. Có 1 tác gia viết văn cũng thường hay nhấn mạnh “trung hiếu tiết nghĩa”. Điểm này rất quan trọng, chúng ta viết ca khúc, ca khúc ca hát viết văn chương là điều thiện, những thứ thiện này ảnh hưởng thế gian này càng lâu, phước báo người này càng lớn, thậm chí gia hộ con cháu hậu thế của họ. Mọi người coi trong lịch sử để lại văn chương thiên cổ, hậu thế đều rất tốt.
Nhưng nếu như cái này không phải những thứ tốt, giống như bây giờ rất nhiều ca khúc âm nhạc lả lướt, mọi người để ý coi rất nhiều nhân vật, minh tinh quần chúng, họ rất nổi tiếng, rất nhiều người đều quen biết họ, thậm chí rất nhiều người sùng bái họ, nhưng hành vi của họ hết sức lệch lạc, khiến phong khí cả xã hội nhất là người trẻ thế hệ sau đều bị lầm lạc. Mọi người bình tâm nhìn lại, những nhân vật công chúng này rất nhiều người đoản mạng. 1 buổi biểu diễn của họ, 5000 người tới nghe, 1 vạn người tới nghe, họ có phước báo không? Có không? Tôi đi hát, 50 người cũng chưa chắc sẽ tới, quý vị còn đi phát vé cho người ta, còn tặng kẹo cho người ta, còn chưa chắc tới nghe. Những người này lớn tới mức độ nào? Quý vị phải tốn 1000 tệ, 2000 tệ để đi nghe, xếp hàng mua vé còn chưa chắc mua được. Cho nên quý vị coi cuộc đời có phước lớn như vậy, nếu như họ dùng “trung hiếu tiết nghĩa” giáo dục đại chúng, những ca khúc hay hát cho đại chúng nghe, công đức đó là vô lượng vô biên; cũng có phước lớn như vậy, hát những loại nhạc lả lướt, thì sẽ tạo nghiệp lớn.
Cho nên người có phước lớn, càng quan trọng hơn là phải có trí huệ dùng phước báo của chính mình, có thể thành tựu đức hạnh của chính mình, lại có thể tạo phước cho con cháu đời đời thế thế của mình. Như tiên sinh Phạm Trọng Yêm, ông có phước báo làm tới tể tướng, nhưng ông không tiêu xài bừa bãi những tiền bạc này, ông có trí huệ, ông đi hành đạo nghĩa bồi phước cho con cháu đời sau, làm tấm gương tốt, kết quả hậu thế của ông bây giờ tám chín trăm năm sau vẫn rất hưng thịnh. Nếu như vừa có phước báo đã bắt đầu phung phí, thì 1 đời cũng qua không nổi, thời đại chúng ta nhìn thấy hết sức rõ ràng.
Dạo này tai họa khá là nhiều, và tác gia này ở Indonesia hôm có sóng thần, vừa hay ông cũng ở chỗ đó, ở ngay bên bờ biển, ông đi nghỉ mát. Kết quả ông đã đặt 1 vị trí ở trên núi, khá là cao, sau đó khi họ tới thì căn phòng đó chưa dọn dẹp xong. Con gái ông liền rất nóng, nói: “Cha, chúng ta xuống núi là có phòng ngay, đừng ở đây đợi cả ngày nữa”, liền giục cha mình trả phòng, đi xuống dưới. Kết quả tác gia này tu dưỡng rất tốt, không gấp gáp sốt ruột mà khuyên con gái mình “Đã đặt xong rồi, thì đừng làm vậy nữa”, cứ ở đó an ủi con gái mình, sau đó quyết định không đi xuống. Cứ ở đó đợi mãi đợi mãi, đột nhiên sóng thần tới luôn. Nếu như ông nghe lời con gái, lái xe đi xuống, vừa hay gặp ngay sóng thần. Việc này không phải ngẫu nhiên, thế gian này không có 1 chuyện gì là ngẫu nhiên hết.
Đài Loan có 1 lần hỏa hoạn, 60 mạng người trong mấy chục giây ngắn ngủi đã bị thiêu cháy, do dây điện bốc cháy thì thiêu hết sức nhanh. Và trong vụ hỏa hoạn này, những người ra đi có người còn ẵm trong lòng, lại có người rất lớn tuổi, lứa tuổi nào cũng có. Có 1 số người là gì? Đột nhiên phải vào đó, bị 1 cú điện thoại gọi vô đó; có 1 số người căn bản không muốn đi, 5 phút trước vừa hay có bạn gọi họ vào đó. Việc như vậy rất là nhiều. Cho nên từ những chỗ này, chúng ta phải rất bình tâm, 2 việc không thể đợi, hành hiếu không thể đợi, và hành thiện không thể đợi. Quý vị bây giờ tích cực đi hành thiện, rất có thể sẽ hóa giải tai họa của bản thân, và cả gia đình, người nhà quý vị, đều có thể được hóa giải.
Cho nên chúng ta cải tạo vận mệnh trước hết phải phản tỉnh, biết lỗi, kế đó là sửa lỗi. Tiên sinh Liễu Phàm đã nhận ra lỗi lầm của mình, ông nói rằng bản thân mình không có phước, lại không biết chăm chỉ tích lũy công đức. Phải sáng suốt biết mình, như tôi nhìn có vẻ đã là phước bạc, cho nên tôi phải sáng suốt biết mình, mau mau đi làm nhiều việc thiện.
Tôi nhớ năm 29 tuổi sức khỏe đã rất không tốt, lái xe trên đường cao tốc còn bị ngủ gật, hơn nữa không phải chỉ 1 lần. May mà tôi đi trên đường cao tốc Đài Loan, những vùng khác thì tôi không biết, hai bên đường cao tốc ở Đài Loan đều có đèn, tức là buổi tối xe quý vị vừa chiếu đèn thì nó sẽ phát sáng. Nhưng những cái đèn đó bản thân chúng đều có độ cao nhất định, cho nên khi tôi đè lên chúng thì sẽ cảnh giác, sau khi đè lên thì liền tỉnh dậy. Nếu như không tỉnh dậy thì không thể gặp mặt mọi người được. Thật ra mà nói, ngoài sự nhắc nhở của cái đèn xe đó, trong vô hình có rất nhiều tổ tiên đang phù hộ, đây là chân tướng chúng ta có thể cảm nhận được.
Năm đó sức khỏe của tôi đã rất yếu, và lúc đó vừa hay lại nhận lời 1 việc, 1 bạn học của tôi gọi điện cho tôi, có 1 lớp trong 1 trường nọ học sinh hết sức nghịch ngợm, lớp khó quản nhất trong trường, hỏi tôi có muốn đi nhận lớp này không, nhận 1 học kì. Các bạn, quý vị có nhận không? Quý vị có tình thương như vậy, liền nói nhận ngay, tôi còn phải suy nghĩ 1 lúc, quý vị không hề do dự đã nhận ngay. Thật vậy, tôi nhận lớp này rồi, vốn dĩ sức khỏe rất yếu còn bị ho, sau đó thì không ho nữa. Cho nên hành thiện không thể đợi, về sau thời gian đó sức khỏe tôi dần dần được điều chỉnh lại.
Được, cho nên sau khi ông suy ngẫm, tiếp đó lại kiểm điểm những nguyên nhân mình không thể có con, trong kinh văn có nói:
“Chỗ đất ô uế thường sanh vật. Chỗ nước trong trẻo thường không cá”
Đại địa bao dung vạn vật, cảm giác thì thấy hình như rất dơ bẩn, nhưng trên thực tế là nó độ lượng, nó có thể tưới tẩm vạn vật, từ bi bình đẳng. “Chỗ nước trong trẻo thường không cá”, nước sông quá trong sạch, lại không thể nuôi dưỡng những sanh mạng, cá tôm này. Lại có 1 câu nói rằng “nước quá trong thì không cá, người quá xét thì không bạn”. Cho nên tiên sinh Liễu Phàm lại nói rằng, ông quá ưa sạch sẽ, sau cùng thành bệnh sạch sẽ, khiến người khác rất áp lực. Ví dụ nói lau nhà lau nhà, người ta hơi làm bẩn 1 chút, liền mắng người ta rất ghê gớm, người ta nhìn thấy quý vị liền rất căng thẳng, dần dần trở nên hà khắc. Cho nên “nước quá trong thì không cá”, không thể quá sạch sẽ; “người quá xét thì không bạn”, từ “xét” này là hà khắc, 1 người nếu như nhìn khuyết điểm của người khác luôn dùng kính phóng đại mà nhìn, khi người đó xuất hiện, người xung quanh liền không tự tại, hình như trong mắt quý vị 1 điểm tốt cũng không có, đây là “quá xét”. “Không bạn” là không có bạn bè, không có người thích ở chung với quý vị. Cho nên chúng ta nhân duyên có tốt không, thì quan sát 1 chút, phải có tính bao dung, đừng có khắc nghiệt.
Tất nhiên bạn bè có khuyết điểm cũng phải biết khuyên răn họ, gọi là “khuyên hướng thiện, hành đạo đức; nếu không khuyên, đều sai lầm”. Vẫn phải biết khuyên can, nhưng không được hà khắc, thậm chí không được nói khuyết điểm của họ trước mặt người khác, vậy họ sẽ rất buồn lòng. “Điều mình không muốn, không làm cho người”, điều này rất quan trọng. “Đối với người, hỏi mình trước”, người thân bạn bè quý vị ở trước đông đảo đại chúng nói ra khuyết điểm của quý vị, quý vị có chịu được không? Có chịu được không? Tất nhiên sĩ diện không giấu được rất buồn lòng, cho nên chúng ta không muốn như vậy, cũng không thể đối với người khác như vậy.
Có 1 câu nói rằng, “khen thiện giữa công đường”, việc tốt thì nói cho mọi người biết, học hỏi; “khuyên sai trong phòng riêng”, khuyên răn lỗi lầm của người khác thì phải nói riêng, khi người khác không biết thì hãy khuyên, nhất là chúng ta đều là người trưởng thành, phải để ý sự tự tôn của người ta. Đừng có “con người tôi là rất thẳng”, bốp bốp bốp nói hết ra, đó là súng liên thanh chứ không phải nói thẳng, không màng tới cảm giác của người khác mà cứ nói.
Hơn nữa cho dù là khuyên, cũng không thể khuyên quá nhiều lần. Khổng Tử lại nhắc nhở chúng ta “khuyên vua nhiều, bị sỉ nhục; khuyên bạn nhiều, bị xa cách”. Lão tổ tiên chúng ta thông đạt nhân tình thế sự, người và người có 5 loại quan hệ, có 3 loại là quan hệ thân thuộc: cha con, vợ chồng, anh em. Ngày nay mẹ quý vị càm ràm mấy câu, quý vị mặc dù rất bực, trong tâm quý vị có nghĩ “Sau này không gặp mẹ mình nữa, bực chết đi được”? Họ sanh quý vị nuôi quý vị, cả đời luôn là mẹ quý vị. Còn quan hệ quân thần và bạn bè không phải quan hệ huyết thống, ngày nay người bạn nào nói chuyện quý vị nghe rất bực, “tránh xa 1 chút, sau này không gặp anh ta nữa”, có thể sẽ phát triển như vậy.
Cho nên ngày nay quý vị phụng sự lãnh đạo, quý vị khuyên lãnh đạo của mình quá nhiều lần, họ nghe xong thực sự hơi phản cảm, sắc mặt của họ đã khó coi lắm rồi, quý vị còn tiếp tục nói mãi nói mãi, sau đó có thể lãnh đạo đó không kiềm chế nỗi khí nóng, liền mắng quý vị 1 trận. Vậy cái này có thể biến thành sỉ nhục, do bản thân chúng ta không biết thăm dò ý tứ, tự mình chiêu cảm. Cho nên nếu như lãnh đạo khuyên mấy lần không nghe, thì trước hết làm tốt việc của mình là được. Trừ phi việc này có liên quan tới sự tồn vong của cả công ty, thì quý vị có thể “thì nên khóc, đánh không giận” cũng không sao, cho dù ngồi dưới đất khóc cũng không sao, bởi vì việc này liên quan tới sự tồn vong của cả đoàn thể. Thông thường những việc không gây ra tổn hại quá lớn, 1 số vấn đề tu dưỡng của cá nhân họ, 1 số chi tiết nhỏ, khuyên mấy lần họ vẫn không nghe, có thể từ từ, đừng khiến đối phương thẹn quá hóa giận, thì không tốt.
Vậy bạn bè chung sống cũng là như vậy, quý vị khuyên họ mấy lần, họ không biết tiếp thu, thì quý vị cứ từ từ, làm tốt việc của mình trước, dùng đức hạnh của mình cảm động họ là được, đừng quá gấp gáp, nếu không người bạn đó sau này không muốn gặp quý vị, cơ hội quý vị lợi ích họ cũng trôi qua mất.
Tiếp đó, tiên sinh Liễu Phàm phân tích điểm thứ hai, nguyên nhân ông không có con.
“Hòa khí dưỡng dục vạn vật. Tại hạ nóng tính. Nguyên nhân thứ hai không con”.
Chúng ta thấy chữ “hòa” này, nhớ tới “gia hòa vạn sự hưng”, “hòa khí sanh tài”, vậy mặt trái của hòa? Trong đó có 1 điểm là phẫn nộ, nộ là mãnh hổ, 1 người khi nổi nóng thì rất dữ, giống như 1 con cọp khiến người ta sợ hãi. Cho nên người làm cha mẹ tính khí nóng nảy, có nghĩa là đứa con từ nhỏ bị dọa tới lớn, đúng chưa? Thì làm sao sức khỏe và nhân cách lành mạnh được? Điểm này rất quan trọng. Cho nên thật sự thương yêu con cái, thành tựu nhân cách lành mạnh của chúng, tuyệt đối không nổi nóng bừa bãi trước mặt con cái.
Có 1 cặp vợ chồng cũng rất dụng tâm, 2 người đồng lòng xây dựng 1 gia đình hạnh phúc, cho nên ngày kết hôn đã giao hẹn với nhau: Chúng ta sau này có con, chỉ cần khi có mặt con cái, bất kì người nào có tâm trạng, người kia phải mau mau bỏ đi, đừng ở trước mặt con cái nổi nóng. Điều này rất có lý, nửa bên kia bỏ đi, thì không cãi nhau được, 1 bàn tay vỗ không nên tiếng. Luôn do 1 người nổi nóng, 1 người kia cũng nhịn không được mới cãi nhau, cho nên họ giao hẹn điểm này. Kết quả vợ chồng cả đời đều chưa đỏ mặt với nhau, cãi nhau. Khi cặp vợ chồng này 90 tuổi, còn làm lễ kỉ niệm sáu mươi mấy năm ngày cưới, vãn bối thấy họ cả đời cũng không cãi nhau, cho nên mới thỉnh giáo họ về đạo vợ chồng chung sống, tức là niệm niệm suy nghĩ cho gia đình này, cho con cái đời sau, sẽ không nổi nóng bừa bãi.
Hơn nữa lão tiên sinh này, chồng tôi là người đáng để nương tựa, dẫn dắt vợ thành đạo, dẫn dắt vợ con mình thành tựu đạo đức. Cho nên hai cụ nói với những người trẻ này rằng “Vợ chồng chúng tôi giao hẹn không cãi nhau trước mặt con cái, hơn nữa tôi nói các cháu nghe, hơn 60 năm nay đều là tôi bỏ đi trước, tôi ra ngoài trước”. Các vị nam, khi quý vị nghe tới đây, trong tâm có cảm nhận gì? Hơn 60 năm nay mỗi lần khi vợ mình nổi nóng đều là mình bỏ đi trước, “như vậy chẳng phải mình rất ấm ức sao?”, hay quý vị vừa nghe xong “ồ, người đàn ông này rất có tu dưỡng, rất coi trọng đại cục”. Tất nhiên chúng ta dụng tâm cảm nhận mà coi, hơn 60 năm nay đều do người chồng thấy người vợ có tâm trạng, liền mau mau cúi đầu bỏ đi, ra ngoài đi dạo, lúc đó người vợ ở trong nhà có cảm giác gì? “Lại là mình”, nếu như bà có ghi lại, mỗi 1 lần nổi nóng, 1 gạch, 2 gạch, 3 gạch, chồng người ta không ai làm vậy. Dần dần tâm hổ thẹn sẽ khởi lên, sau này sẽ ái ngại không nổi nóng nữa. Cho nên lúc đó, người vợ này sẽ cảm thấy chồng rất có tu dưỡng, niệm niệm suy nghĩ cho đại cục, cho nên sẽ rất khâm phục chồng.
“Cậy quyền thế, họ không phục; dùng lý khuyên, họ mới phục”. Xã hội chúng ta bây giờ có 1 tri nhận rất sai lầm, hình như cảm thấy dùng ngôn ngữ, dùng khí thế ép người ta xuống tức là “Mình rất lợi hại, mình thắng rồi”, đó là ngu muội vô tri, đó là thua rất thảm, thắng chỗ nào? Ví dụ các bạn, quý vị ở trong công ty nhìn thấy 2 đồng nghiệp đang xung đột, có 1 người rất dữ, lấy lý đè người, mắng té tát vào mặt người ta, 1 người kia không nói tiếng nào, thậm chí còn xin lỗi họ. Xin hỏi quý vị ở bên cạnh, người ngoài cuộc tỉnh táo, quý vị sẽ khâm phục người nào? Quý vị sẽ thấy người nào không có tu dưỡng? Đúng rồi, cho nên người dùng ngôn ngữ đè ép người khác, trên thực tế họ đã đánh mất sự tin tưởng của cả đoàn thể đối với nhân cách của họ rồi. Tính nóng như vậy, lấy lý đè người, ngược lại khi va chạm có thể nhận lỗi, thậm chí có thể không so đo, nhận được sự thương yêu và thừa nhận của những đồng nghiệp này. Cho nên sự thắng và thua này, người ngu muội không nhận ra được, người ngu muội chỉ thuận theo tập tính xấu của mình mà thôi.
Cho nên cuộc đời trước tiên phải hiểu, thiệt thòi là phước, đừng có nổi nóng, đừng so đo với người khác, đây mới là người có phước. Tôi lấy 1 ví dụ cho mọi người, cha tôi là cháu trưởng, nhưng mỗi lần bà cố tôi phát đồ thì cha tôi luôn đứng phía sau không tranh với người ta. Kết quả mỗi lần cha tôi ở phía sau, sau cùng bánh kẹo người ta đều phát hết rồi ông không có nữa, có thiệt thòi không? Nhìn có vẻ hình như rất thiệt thòi. Như vậy mới là phong phạm của người làm anh cả, nhường cho em mình có gì đâu? “Cho các em đi, không sao không sao, con không sao”, nhìn có vẻ thiệt thòi. Kết quả bà cố mỗi lần thấy tất cả các cháu đều về rồi, sẽ từ giường của bà lấy ra chút đồ để dành, để dành cho đứa cháu trưởng thật thà nhất, tại sao tôi biết? Do bà cố tôi thường từ trong giường lấy đồ ra cho tôi, thương cây thương cả cành. Tiếng vỗ tay của quý vị là dành cho cha tôi, đúng không? Quý vị coi cha tôi hậu đạo, không tranh với người ta, ngay cả con trai ông cũng có phước khí. Cuộc đời phải tâm bình khí hòa mà cảm nhận những đạo lý này.
Kết quả người chồng đi ra ngoài trước, người vợ phản tỉnh được vẫn là chồng mình có tu dưỡng. Tất nhiên người chồng này ra ngoài đi dạo, không được lâu quá, 15 phút là nên quay về, tại sao? Lúc nãy vợ mình nổi nóng, cô ấy cũng không biết chồng mình tâm trạng có tốt không, ra ngoài quá lâu cô ấy sợ xảy ra chuyện gì? Do bây giờ mở báo ra tình trạng tự sát không hề ít, giữa vợ chồng, giữa người và người phải biết suy nghĩ cho nhau tới mức tinh tế như vậy. Đâu phải nói mỗi 1 chuyện nhỏ như vậy đều nghĩ cho người khác, đối phương lại không cảm nhận được sự thương yêu và mềm mỏng đó của quý vị? Có thể cảm nhận được.
Cho nên khoảng 10 phút, 15 phút là nên quay về rồi. Kết quả vừa quay về, người vợ lúc nãy nổi nóng trước, thấy ái ngại rồi, người nữ thì khá là dịu dàng, có vẻ đẹp uyển chuyển này, phải không? Các vị đồng bào nữ, quý vị sao không có phản ứng gì? Đây là vẻ đẹp trời sanh của người nữ chúng ta, đúng chưa? Cho nên sẽ thấy ái ngại, liền bưng 1 ly trà chồng mình thích uống, sau đó cũng ngại không dám nói, mặt cũng không dám nhìn, cứ để đó.
Các vị nam, quý vị nhìn vào phải biết thưởng thức vẻ đẹp của người nữ nhé, đúng chưa? Kết quả người chồng nhìn thấy tình cảnh này nên nói thế nào? Nên làm thế nào? Quý vị sẽ không phải nhìn thấy vợ bưng trà tới liền: “Sao rồi, lại là em nổi nóng trước chứ gì? Vẫn là anh có tu dưỡng hả?”. Nếu quý vị nói như vậy, căn bản là không nể mặt người ta, đúng chưa? Sau đó vợ quý vị trừng mắt lên: “Có gì ghê gớm chứ?”, thì quý vị không thể uống bằng miệng nữa, chỉ được uống bằng mắt. Các bạn, cuộc đời có rất nhiều tình cảnh tại sao người khác lại xung đột với quý vị? Tại sao người khác lại nhìn quý vị giận dữ? Có lúc là do thái độ của chúng ta làm đối phương giận, sau cùng thành ra tự sỉ nhục mình. Cho nên con người vẫn phải nên hậu đạo, đừng để người khác khó xử. Người chồng này không như vậy, ông thấy vợ mình ái ngại như vậy rồi, thấy người ta ái ngại rồi thì mau mau xuống nước với họ, đừng để sự ái ngại của họ cứ tiếp tục ở đó, quý vị coi người ta mềm mỏng tới mức đó.
Người xưa đã làm gương cho chúng ta, tấm lòng của người xưa tới mức độ nào? Có 1 người trí thức tên Thuần Vu Ý, người ta vào ruộng ông cắt trộm lúa, cắt lúa của ông, ông sợ người đó phát hiện ra ông, hàng xóm sẽ ái ngại, ông thấy người ta cắt trộm lúa của mình, ông liền quỳ xuống không để họ thấy. Mọi người cảm nhận được tấm lòng đó của người xưa chưa? Không đành lòng để người khác mất mặt: “Thôi kệ thôi kệ, không để họ phiền lòng như vậy”. Ông không nghĩ: “Ôi, lúa của tôi”. Quý vị coi người ta rất hào phóng: Cần thì cứ lấy đi, đừng để họ khó xử.
Trái cây ông trồng người ta tới hái, người đó ông không quen biết, người ta tới hái trái cây, ông còn qua giúp, giúp họ hái. Thật ra người không so đo như vậy 1 lần, 2 lần, 3 lần, lương tâm của đối phương sẽ được thức tỉnh, tại sao? “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Rõ ràng họ sai rồi, không đi chỉ trích họ, khoan thứ họ; họ tốt, khích lệ họ. Con người dần dần cảm thấy mình không tốt, người ta cũng không nói; tốt, luôn khẳng định, người ta tôn trọng mình, khẳng định mình như vậy, thì mình không thể tự mình cam chịu, cho nên thiện căn của con người đều được thức tỉnh bởi những đức hạnh này.
Người vợ này bưng qua 1 ly trà, người chồng nhìn thấy rồi, phải xuống nước với vợ mình, liền thay đổi đề tài: “Ôi, vợ ơi, lâu lắm rồi không đi thăm cha mẹ vợ rồi, chiều nay vừa hay có thời gian, mau mau đi mua sầu riêng cha vợ thích ăn, măng cụt mẹ vợ thích ăn, 2 thứ này ăn chung khá là tốt, sẽ không bị nóng”. Quý vị coi lúc đó người vợ còn ở đó ngượng ngùng, quý vị liền nghĩ tới cha mẹ cô ấy, trong tâm người vợ nghĩ, quý vị không chỉ không so đo không để bụng, còn suy nghĩ cho cha mẹ cô ấy, cô ấy sẽ rất cảm động, từ ngượng ngùng biến thành cảm động. Xin hỏi mọi người cảm động bao lâu? Quý vị đều không có kinh nghiệm này sao? Cái này sẽ cảm động cả đời, phải không? 1 lần có thể cảm động cả đời, việc này thường xảy ra, sao có chuyện vợ chồng không tương thân tương ái được? Cho nên đối mặt với vợ chồng, khi người ta ái ngại, phải biết thay đổi đề tài, sau đó chuyển tới chuyện đều khiến mọi người khởi lên tình thương và sự quan tâm.
Cho nên đức phong này của người chồng cảm động người vợ, người vợ này làm sao báo đáp tình nghĩa và ân nghĩa này? Nhất định sẽ tận tâm tận lực hiếu thuận cha mẹ chồng, sau đó giúp chồng dạy con. Người nữ đối với không khí cả gia đình, và cả thế hệ sau có sức ảnh hưởng lớn nhất, cho nên gọi là bà chủ gia đình, họ là vai chính, không có họ không được. Còn người làm chồng chúng ta cũng phải yêu cầu chính mình, đức hạnh của mình có thể cảm động vợ mình, cống hiến cho gia đình đình này, cho tương lai gia đình 1 cách rất tự nhiên, điều này không phải yêu cầu mà có, là tình nghĩa giữa vợ chồng chiêu cảm lẫn nhau.
Cho nên tôi nhớ chú Lư đã từng nói rằng, vợ mình không thể đối tốt với cha mẹ của mình, đó là do đức hạnh của mình không đủ, phải làm cho vợ mình rất cảm động, rất cảm kích cha mẹ chồng đã sanh ra người con trai tốt như vậy để làm vợ chồng với mình. Kì lạ, tôi nghe xong rất cảm động, nét mặt của quý vị sao nghiêm khắc như vậy? Đây là tấm gương tốt phải học hỏi. Nét mặt của “người hành thiện, ta học theo” phải nên rất hoan hỉ, sao mọi người lại càng nghe càng “không thể nào, làm không được” thế này, “đừng buông bỏ, không thua kém, thành thánh hiền, đều đạt được”.
Cho nên ở đây nhắc tới “Hòa khí dưỡng dục vạn vật”, hòa khí sanh tài, sanh tiền tài và sanh nhân tài, dưỡng dục thế hệ sau có nhân cách lành mạnh.
“Tại hạ nóng tính. Nguyên nhân thứ hai không con”. Xử sự trước hết phải tươi cười với mọi người, khiến người ta như tắm gió xuân, cho nên có 1 câu cách ngôn nói “Dưỡng hỉ thần là cái gốc để chiêu phước”. Mọi người đều hy vọng có phước khí, bắt đầu từ bước nào? Miệng thường mỉm cười, “dưỡng hỉ thần là cái gốc để chiêu phước, bỏ sát khí là cách để tránh họa”. Thật ra mọi người nghĩ coi, nếu như quý vị là thần tài, quý vị đem phước báo cho ai? Quý vị vốn dĩ sắp giáng phước cho người này, kết quả quý vị vừa gặp họ, họ đã trừng mắt phẫn nộ, quý vị bị họ dọa sợ chết, đúng chưa? Hơn nữa quý vị lúc nào cũng cho người khác lòng tin, khích lệ người khác, tươi cười với người, cái này đều là tích phước. Cho nên gọi là “mặt không sân hận là sự cúng dường”, 1 người trên mặt họ không có chút tâm trạng, nóng nảy, luôn có thiện ý đối với người khác, đây tức là sự cúng dường cung kính đối với người khác. Cho nên tu phước rất đơn giản, lúc nào cũng tươi cười với người, vậy là đúng rồi. Mỗi ngày mặt mũi sa sầm dọa người khác, tổn phước.
Cho nên các bạn, mỗi ngày trước khi ra ngoài phải nhớ soi gương, nếu như quý vị vừa soi gương, chính mình bị mình dọa hết hồn, thì đừng ra ngoài, phải đọc “Đệ tử quy” 2 lần, đọc “Liễu Phàm tứ huấn” 1 lần, điều chỉnh tâm trạng cho tốt rồi mới đi. “Bỏ sát khí” tức là không có ác ý với người khác, niệm niệm luôn là tâm suy nghĩ cho người. Thật ra chỉ cần ác ý với người, đó là đang tạo nghiệp, cũng là đang trồng nhân ác, sau cùng sẽ cảm quả ác, oan oan tương báo lúc nào xong.
Tiếp theo điểm thứ 3 nói:
“Ái là gốc của sanh trưởng, nhẫn tâm là căn của vô sanh. Tại hạ trọng danh tiết, thường không biết xả mình cứu người. Nguyên nhân thứ ba không con”.
Sự sanh trưởng của vạn vật được sự hóa dục, thương yêu của đất trời, sự trưởng thành của mỗi người chúng ta, được sự thương yêu của cha mẹ, trưởng bối, sư trưởng, mà được trưởng thành, cho nên tình thương này là gốc của sanh mạng. “Nhẫn tâm là căn của vô sanh”, từ “nhẫn” này là tàn nhẫn hà khắc, ngược lại sẽ tàn hại sanh mạng. Hơn nữa “Tại hạ trọng danh tiết”, “tại hạ trọng danh tiết” này nghĩa là luôn nghĩ cho chính mình. Ví dụ nói quý vị ngày nay làm 1 việc tốt, nhưng người khác lại chế giễu quý vị, soi mói quý vị, nói những lời lạnh nhạt với quý vị, quý vị còn làm nữa không? Cho dù người khác không biết mà hiểu lầm quý vị, nhưng chỉ cần có thể lợi ích cho người, vậy mình không để ý tới những thứ này, vẫn phải làm, không “trọng danh tiết”. Hơn nữa phải xả mình vì người, ở đây ông không biết xả mình vì người, cái này là keo kiệt. “Nguyên nhân thứ 3 không con”.
Thứ tư:
“Nhiều lời hao khí. Nguyên nhân thứ tư không con”.
Ông nói quá nhiều, trước tiên thứ nhất là tổn hại nguyên khí; thứ hai, “nói nhiều lời, không bằng ít”, tại sao? Nói nhiều sẽ sai sót. Người nói nhiều thông thường đều là tâm tính lao xao, mới bla bla nói mãi không thôi. Cho nên “Kinh dịch” nói “cát nhân chi từ quả”, người cát tường ít nói, hễ mở miệng đều nói những lời lợi ích người khác, bình thường không nói lời vô ích, không nói chuyện phiếm, “táo nhân chi từ đa”, người hấp tấp nói rất là nhiều, sau đó quý vị nói rất nhiều, tâm quý vị lại lao xao, suy nghĩ không chu toàn, có thể lời nói đắc tội người khác. Chúng ta nói “suy nghĩ rồi mới làm”, “uốn lưỡi 9 lần trước khi nói”, cái này đều là 1 sự nhắc nhở quan trọng trong hành vi ngôn ngữ của chúng ta.