Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 26/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 26/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Học tập quý ở chỗ phải bền lòng. Cho nên phương pháp học tập chính là “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Huân tập rất quan trọng. Tôi nhìn thấy khí sắc của các vị rất là tốt, thể hiện rằng vỉ thuốc Trung Dược này cũng rất có tác dụng, sáng chiều đều đọc một lượt “Đệ Tử Quy”. Đến khi các vị đã thật thuộc thì trong quá trình bài giảng có nhắc đến những câu này, các vị sẽ chợt ngộ ra vấn đề. Cho nên đọc thuộc cũng rất là quan trọng.

Bài trước chúng ta đã nói đến: “Đấu náo trường, tuyệt vật cận. Tà tịch sự, tuyệt vật vấn” (Nơi ồn náo, không đến gần. Việc không đáng, quyết chớ hỏi).

Chúng ta cũng vừa phân tích rằng, con cái có thể sẽ kết bạn với những người bạn xấu, có thể sẽ đến những nơi không tốt, căn nguyên là bởi chúng không biết phân biệt được thị phi, thiện ác. Nếu phải giải quyết tận gốc thì tất nhiên là phải làm tốt căn bản đức hạnh của con cái từ khi còn nhỏ. Tự nhiên chúng sẽ không đi tiếp xúc với những người bạn xấu, không đi tiếp xúc với những nơi có hoàn cảnh hỗn loạn.

Có một thầy giáo thường xuyên dẫn con của mình đi trên đường. Đứa bé mới một, hai tuổi. Mỗi lần đi qua những nơi ồn ào, những nơi có trò chơi điện tử, vị thầy giáo này liền nói với con rằng: “Những nơi này sẽ làm ô nhiễm con người, làm cho con người học thói xấu. Cho nên con tuyệt đối không nên vào những nơi như vậy!”. Bởi từ bé đã được chỉ bảo, cho nên khi lớn lên thì những nơi này chúng có đi qua cũng không thèm nhìn. Đây được gọi là “tiên nhập vi chủ”. Cho nên giáo dục chân thật phải là “cấm ư vị phát chi vị dự”, nhất định phải ngăn cấm từ khi con cái chưa hình thành, chưa nhiễm phải thói hư, tật xấu. Khi chúng đã hình thành thói hư, tật xấu thì rất khó mà sửa lại. Đây được gọi là phương pháp phòng ngừa. Cho nên độ nhạy cảm đối với giáo dục của phụ huynh càng cao thì càng có thể nắm bắt được kỹ thuật, phương pháp phòng ngừa.

Ở Thẩm Quyến chúng tôi có mấy đứa bé sáu, bẩy tuổi cùng học tập Kinh điển. Có một buổi tối, thầy giáo hỏi chúng: “Thế nào là tâm tốt? Thế nào là tâm xấu? Thế nào là thiện? Thế nào là ác?”. Kể cả đứa bé sáu tuổi cũng đã trả lời được đáp án. Tôi đọc ra cho mọi người nghe năng lực phán đoán của những đứa bé học tập Kinh điển được một, hai năm để xem sự suy nghĩ của chúng ra sao nhé.

Đầu tiên nói đến tâm tốt:

  • Đứa bé thứ nhất nói: “Một thứ đồ mình rất muốn, nhưng người khác cũng muốn, cho nên mình nhường cho người khác”. Đây là thái độ lễ nhượng.
  • Đứa bé thứ hai nói: “Hiếu thuận cha mẹ, đi học chuyên tâm, cung kính đối với người khác đó là tâm tốt”. “Hiếu” và “kính” là căn bản lớn nhất của đức hạnh một con người.

Khi tôi dạy bọn trẻ, bài đầu tiên tôi nói với bọn trẻ, tôi vẽ một bức tranh rồi hỏi chúng: “Đây là cái gì?”. Từ ánh mắt của các vị nhìn thì biết! Từ ngày còn ở tiểu học, tôi vẽ đã không được đẹp. Tôi vẽ lại cho sinh động thêm một chút, hình như lại quá khen rồi. Thông qua bức tranh nhỏ này tôi nói với học sinh: “Cái này được gọi là núi băng, một góc của núi băng. Một góc của núi băng chiếm bao nhiêu phần trăm của núi băng?”. “Năm phần trăm (5%)”. Cho nên tôi hỏi chúng:

  • Các em đã nhìn thấy núi băng chưa? Nhìn thấy chưa?”.
  • Chúng em nhìn thấy rồi ạ!”.
  • Các em hãy xem! Đây là cái gì của núi băng?”.
  • “Là một góc của núi băng ạ”.
  • Thế cả núi băng ở đâu? Chín mươi lăm phần trăm (95%) còn lại của núi băng ở đâu? Ở dưới đáy biển chưa được khai thác. Cho nên tiềm lực của con người cũng như núi băng vậy, đại đa số là bị chôn vùi. Vậy thì phải làm sao để khai thác chín mươi lăm phần trăm (95%) còn lại? Thầy hôm nay sẽ tặng các em hai cái chìa khoá để mở nó. Là hai cái chìa khoá nào? Chìa khoá thứ nhất là “Hiếu thảo”, chìa khoá thứ hai là “Lễ phép.

Thật ra bản chất của “lễ phép” là “lòng cung kính”. Cho nên tôi nói với chúng: “Các em xem, thời vua Thuấn ngày xưa, bởi vì ông rất hiếu thảo cho nên mới có trí tuệ cao như vậy. Không những có trí tuệ cao, còn bởi vì ông có trí tuệ và đức hạnh cho nên mới được dân chúng cả nước yêu mến, tôn sủng và noi theo. Các em xem, ông đã phát huy được tiềm lực rất tốt”. Tiếp theo, tôi nói với bọn trẻ rằng: “Bởi vì thầy rất lễ phép cho nên mới quen được với chú Lô, cho nên mới học được rất nhiều kinh nghiệm và trí tuệ của chú để có thể khai thác năng lực của mình”.

Sau buổi học hôm đó, bọn trẻ có tiến triển gì không? Bọn trẻ thời nay rất thực tế. Cho nên từ hôm đó trở đi, khi thấy thầy giáo, thấy các phụ huynh khác thì bọn trẻ đều cúi chào. Dạy người hướng thiện không nên yêu cầu quá cao. Các vị chớ có nói rằng: “Bọn trẻ sống rất thực dụng. Sống như vậy là không chân thành!”. Không phải vậy! Chỉ cần chịu cúi chào, cúi chào đến cuối cùng thì từ ngoài sẽ nội hóa vào bên trong. Có rất nhiều người đều nói rằng có một số người làm việc thiện chẳng qua cũng là muốn có quả báo tốt đẹp. Tôi nói: “Muốn có quả báo tốt đẹp thì có gì là không tốt! Ít nhất chính điều mà anh ấy làm ra cũng có thể giúp ích được cho người khác, cũng có thể “kiến nhân thiện, tức tư tề” (thấy người tốt, nên sửa mình), thấy người làm việc thiện thì mình cũng muốn noi theo. Hơn nữa, nếu anh ấy cứ tiếp tục làm việc thiện, lúc mới bắt đầu có thể có mục đích, nhưng sau này càng nhìn lại càng thấy có nhiều người rất đáng thương, thì từ từ lòng lương thiện “vốn có sẵn trong tự tánh” của anh ấy tự nhiên được khai mở”.

Nếu như chúng ta chỉ đứng bên ngoài mà nói rằng: “Anh ấy hành thiện có mưu cầu. Như vậy thì cũng như nhau cả thôi!”. Chúng ta chỉ là đứng nhìn người khác mà bản thân mình đứng tại chỗ không có tiến triển gì, vậy chúng ta lấy tư cách gì để phê bình người ta? Cho nên khi người khác đã làm việc thiện, bất kể anh ấy có mưu cầu hay không chúng ta cũng phải tùy hỷ mà khen ngợi, tùy hỷ công đức. Như vậy thì anh ấy càng ngày càng được khích lệ, tự nhiên càng làm sẽ càng thật hơn, càng mừng vui hơn. Cho nên tôi đã tặng cho bọn trẻ hai chiếc chìa khóa.

Bao giờ thì có thể mở? Hai chiếc chìa khóa này không hạn chế tuổi tác, tám mươi tuổi vẫn được. Cho nên khi tôi diễn giảng ở Hàng Châu thì có một vị trưởng bối bẩy mươi tuổi, sau khi tôi giảng đến ngày thứ tư, trong lúc nghỉ giải lao giữa giờ ông chợt đến nói với tôi một câu: “Thầy Thái à! Bài học đầu tiên về cuộc sống, tôi nay bẩy mươi tuổi mới được học Đạo hiếu! Nhưng đã có bắt đầu thì không bao giờ là muộn”.

Khổng Phu Tử có nói: “Triều văn đạo, tịch tử khả hĩ” (sáng nghe đạo, tối có chết cũng cam lòng). Chỉ cần hiểu được đạo lý và chân thật làm theo thì cuộc đời này tuyệt đối không bao giờ uổng phí!

Ngoài ra khi diễn giảng ở Thượng Hải, ngày đầu tiên khi tôi vừa giảng xong câu “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu), có một vị trưởng bối sáu mươi tuổi dẫn theo con trai cùng đến nghe. Ngày đầu tiên sau khi xong bài giảng, trước lúc ăn cơm, ông đã rất cảm kích đi lại chỗ bàn các thầy giáo của chúng tôi. Ông nói cuối cùng ông cũng hiểu tại sao ông tu thân, tu hành hơn mười năm mà đều có cảm giác là không có tiến bộ. Học như thế nào cũng cảm thấy trong lòng vẫn không thể chân thành, không thể cung kính được. Ông cứ tìm nguyên nhân mãi. Sau khi nghe xong “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) ông mới ngộ ra rằng thì ra ông xây nhà, tầng một xây chưa xong đã trực tiếp xây đến tầng ba rồi.

Có thể có người đã khuyên chúng ta: “Ông hãy xuống dưới xây cho xong tầng một đi”. Nhưng chúng ta lại nói rằng: “Tôi ở tầng ba rồi. Làm sao còn gọi tôi xuống?”. Thật ra khi chúng ta đang ở tầng ba nhưng là dùng hai cái sào tre để trèo lên. Chân thật là đang đứng ở tầng ba nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể làm sao? Người khác rất có lòng tốt nên mới nói: “Nào! Hãy xuống đây đi!”. Nhưng chúng ta lại nói: “Trình độ của anh còn kém tôi mà lại gọi tôi xuống”. Cho nên khi ông hiểu được tầm quan trọng của nền tảng thì cuối cùng cũng tìm ra nguyên nhân tại sao ông cứ bị đung đưa. Khi một người hiểu được đạo lý thì trong lòng họ mới được an. Và sau này mỗi một bước đi ông mới được vững vàng.

Cho nên khi tôi thấy em học sinh này nhắc đến là phải “hiếu thảo” với cha mẹ, đi học phải chuyên tâm, phải có lòng cung kính đối với người khác thì biết em đã trưởng dưỡng được cơ bản của đức hạnh. Đó là “hiếu” và “kính”.

  • Đứa bé tiếp theo nói rằng: “Tâm làm được như “Đệ Tử Quy” là tâm tốt”.
  • Đứa bé tiếp theo sau lại nói: “Làm theo “Đệ Tử Quy” từ chương một đến chương thứ mười tám, sau đó còn nghe thầy giáo nói làm theo “Thường Lễ Cử Yếu” là tâm tốt”. Chúng còn đọc thuộc được cả “Thường Lễ Cử Yếu”.

Có một đứa bé đến nhà bạn để tìm bạn nhưng người bạn không có nhà. Đứa bé đã tự mình gấp một con hạc giấy và để ở trước cửa nhà của người bạn, thể hiện rằng mình có đến. Cho nên chúng ta không nên xem thường năng lực vận dụng linh hoạt của bọn trẻ. Những điều chúng học được đều có thể dùng trong cuộc sống hàng ngày.

  • Đứa bé tiếp theo nói: “Tâm trí tuệ là tâm tốt”.
  • Tiếp nữa: “Tâm làm việc tốt là tâm tốt”.
  • Lại tiếp nữa: “Tâm không cần phải thúc giục mà làm việc là tâm tốt”.

Quý vị thân mến! Những tâm cảnh này đã đạt đến trình độ tự mình quán chiếu, xem xem tồn tâm của mình là thật hay là giả.

  • Tiếp đến là: “Biết được việc tốt mà đi làm thì đó là tâm tốt”.
  • Một đứa bé khác nói: “Tâm hiểu được đạo lý là tâm tốt”.

Tiếp theo chúng ta hãy xem trẻ nhỏ nói về tâm xấu:

  • Đứa bé thứ nhất nói: “Tâm không giúp đỡ người khác là tâm xấu”.
  • Tiếp đến là: “Lừa dối người khác, tâm lãng phí, ví dụ như lãng phí điện, nước, lãng phí tính mệnh, lãng phí vật chất, lãng phí cuộc sống, lãng phí thời gian, đây đều là tâm lãng phí, là tâm xấu”.

Cho nên từ đáp án của những học sinh này chúng ta cũng có thể hiểu được chúng học được điều gì là tốt nhất. Học “Đệ Tử Quy” là tốt nhất. Từ thời gian, cuộc sống đến tính mệnh đều thể hiện rõ như vậy.

  • Tiếp đến: “Lăng nhục người khác là tâm xấu”.
  • Đứa tiếp theo lại viết: “Đùa quá trớn cũng là tâm xấu”, và còn giải thích thêm trong ngoặc đơn “họa từ khẩu xuất” (họa từ miệng ra).

Trẻ nhỏ đã bắt đầu biết quan sát, quán chiếu tâm từ việc giao tiếp của chính mình với người khác trong cuộc sống, kiểm điểm lại bản thân xem có hậu quả gì.

  • Đứa tiếp theo: “Tâm oán hận người khác là tâm xấu”.
  • Tiếp đến là: “Tâm vì mình không vì người là tâm xấu. Người khác đối xử tốt với mình mà mình đối xử không tốt với họ, không báo ơn, không đền ơn người ta là vong ơn bội nghĩa”. (Tôi đã chép theo nguyên văn của chúng không thêm không bớt một từ nào).
  • Tiếp nữa là: “Tâm ghi nhớ thù hận là tâm xấu

Ân dục báo, oán dục vong” (ân phải báo, oán phải quên).

  • Đứa nhỏ tiếp theo: “Tâm nhỏ mọn, tâm vạch ra khuyết điểm của người khác, tâm cố chấp cái sai lầm là tâm xấu

Tâm nhỏ mọn, trong “Đệ Tử Quy” có dạy; “Kỷ hữu năng, vật tự tư” (mình có tài, chớ dùng riêng).

  • Đứa tiếp theo lại nói: “Không có tấm lòng yêu thương, tâm hại người khác là tâm xấu”.
  • Tiếp nữa: “Tâm không từ bi, biết việc tốt nên làm mà không làm là tâm xấu”.
  • Đứa tiếp theo nói: “Trước thánh tượng của Khổng Phu Tử mà không cung kính là tâm xấu”.

Bởi vì trong phòng học của chúng có treo một bức ảnh của Khổng Phu Tử. Ví dụ hôm nay đi dã ngoại ngoài công viên, khi về, vào cửa phòng học thì phải nói với bức ảnh của Khổng Phu Tử rằng: “Thưa Khổng Phu Tử! Con đã về”. Đây là thực hành câu “sự tử giả, như sự sinh” (đối với người đã mất cũng như lúc còn sống).

Ở Hải Khẩu có một đứa bé, khi đó Hải Khẩu đang cử hành diễn tập phòng không, để cho bọn trẻ biết được rằng khi diễn tập phòng không thì cần phải làm gì để chuẩn bị. Bởi thầy giáo cũng muốn nắm lấy cơ hội này để giáo dục bọn trẻ nên đã nói: “Lúc này các em có thể chọn một số đồ dùng cần thiết. Các em không được mang theo quá nhiều”. Tiến thêm một bước nữa, thầy giáo hướng dẫn chúng: “Các em có thể sẽ bị khát vì thế nên mang một ít nước uống”. Thầy giáo thấy mỗi một đứa trẻ mang theo những đồ dùng đều không giống nhau. Những đứa bé trong lòng không có cảm giác an toàn thì sẽ mang theo rất nhiều thứ. Nhưng có một đứa bé không mang theo thứ gì cả, chỉ chạy đến bàn học mở ngăn kéo và lấy ra một bức ảnh, bức ảnh còn đóng cả khung. Đứa bé lấy ra bức ảnh của Khổng Tử rồi nói với thầy giáo của nó rằng: “Thầy giáo! Cái này cần phải mang theo!”. Thầy của nó lập tức rơi nước mắt. Ngay trong tình trạng nguy ngập như vậy mà ý niệm đầu tiên là nghĩ đến ảnh của Khổng Tử. Đứa bé như vậy, sau này khi đối diện với những cơ ngộ trong cuộc sống thì tin rằng những lời giáo huấn của Khổng Tử nó tuyệt đối sẽ nhớ hết được.

  • Tiếp theo một đứa bé khác nói: “Tâm sợ vất vả, khó nhọc là tâm xấu”.

Bởi vì thầy giáo của chúng mỗi tuần lại dạy chúng một câu giáo huấn rằng: “Sợ vất vả thì cả đời sẽ vất vả, không sợ vất vả thì chỉ vất vả một lúc”. Nhân lúc còn nhỏ, còn trẻ thì phải cố gắng làm cho tốt, đến khi già sẽ được hưởng phước báo.

  • Đứa tiếp theo nói: “Bên ngoài làm việc tốt nhưng trong lòng nghĩ việc xấu là tâm xấu”.

Chúng cũng biết được rằng lời nói và hành động phải đi đôi với nhau.

  • Đứa tiếp theo nói: “Tâm không hiếu thảo với cha mẹ là tâm xấu”.
  • Tiếp nữa: “Tâm phá hoại là tâm xấu”.
  • Đứa bé tiếp theo nói: “Mẹ không biết, con nói mẹ là ngu dốt. Đây là tâm xấu”.
  • Đứa tiếp theo lại nói: “Những việc đáng lẽ là làm được nhưng cứ nghĩ là không làm được là tâm xấu.

Đây là “vật uý nan” (không sợ khó), phải biết rằng: “Thuấn hà nhân dã? Dư hà nhân dã? Hữu vi giả diệc nhược thị”.

  • Đứa tiếp theo nói: “Những thứ gì mình không muốn mà lại đem cho người khác là tâm xấu”.

Từ câu này chúng ta có thể thấy được rằng đứa bé này học ngữ văn không tồi. Những đứa trẻ này đã có thể thay nhau giảng giải “Bài Học Giáo Dục Đạo Đức”. Cho nên chúng ta không nên xem thường ngộ tính của trẻ nhỏ. Thật ra khi học ngôn ngữ tiếng Trung cổ thì không khó như tưởng tượng. Để đến cuối bài tôi sẽ báo cáo với các vị tâm đắc khi học ngôn ngữ tiếng Trung cổ.

Có một hôm mẹ đứa bé này nói với nó: “Học như nghịch thủy hành châu, bất tiến tắc thoái” (sự học như thuyền gặp nước ngược dòng, không tiến bộ sẽ bị thụt lùi). Đứa bé nghĩ một lúc rồi nói với mẹ: “Mẹ! Con hiểu rồi, sự học như đi xe đạp lên dốc, không tiến lên thì sẽ bị thụt lùi”. Cho nên trẻ nhỏ có thể lĩnh hội được một số đạo lý trong cuộc sống của chúng.

  • Đứa bé tiếp theo nói: “Nói to, ồn ào, gây mất trật tự, làm phiền người khác là tâm xấu”.
  • Đứa bé cuối cùng nói: “Thường yểm sức, tăng nhất cô” (nếu che giấu, lỗi chồng thêm) là tâm xấu”.

Chúng ta từ cách nhìn của bọn trẻ đối với tâm tốt, tâm xấu cũng có thể hiểu được rằng trong lòng chúng cũng có một thước đo thị phi, thiện ác. Đợi cho chúng hun đúc như vậy trong ba năm, năm năm thì tin rằng căn cơ của chúng đã vững chắc. Lúc đó chúng ta là cha mẹ mới chân thật có thể không lo nghĩ, vô tư lự về chúng. Cho nên phải biết tính toán tỷ lệ đầu tư và thu về của cuộc sống.

************

16.8. Tà tịch sự, tuyệt vật vấn (Việc không đáng, quyết chớ hỏi)

Câu này dạy chúng ta không nên quan tâm chú ý đến những việc hạ lưu, bỉ ổi vì những việc này sẽ làm ô nhiễm tâm linh của mình. Cho nên những người mà bọn trẻ tiếp xúc, hoàn cảnh mà bọn trẻ tiếp xúc, thậm chí là tiếp xúc với ti vi, phim ảnh chúng ta cũng nên cẩn thận. Bởi vì trước khi bọn trẻ trưởng thành, cha mẹ là hai vị giáo viên quan trọng nhất. Hai vị Bồ Tát phải bảo vệ con trẻ cho tốt, không để cho chúng tiếp xúc với sự ô nhiễm. Sau khi đã tiếp xúc với ô nhiễm rồi thì dù muốn rửa sạch cũng phải tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Cho nên chúng ta phải cẩn thận ngay từ lúc ban đầu, phải ngăn cấm từ khi chưa xảy ra. Điều này là rất quan trọng.

Thời nay không chỉ người lớn mới theo mốt. Trẻ nhỏ có theo mốt không? Hiện nay bộ phim nổi tiếng nhất là gì? Có nhiều bộ phim khủng bố hay không? Có rất nhiều bộ phim quay cảnh khủng bố, con cái sau khi xem xong về nhà đi ngủ đến nửa đêm thì làm sao? Cho nên các vị xem, con người bây giờ ăn no xong lại làm một loạt những việc không có ích lợi gì cho cuộc sống, mà còn tự ngược đãi chính mình. Đây gọi là tiền mất tật mang. Cho nên con người thời nay sống cuộc sống không phải của con người.

Bởi vậy ngay cả sở thích của con cái, chúng ta cũng phải hướng dẫn một cách thích đáng, thậm chí chúng ta còn phải định hướng cho chúng. Khi các vị cho con cái chơi những trò chơi tốt cho sức khoẻ, có ích đối với thân tâm thì lâu dần chúng cũng sẽ tự nhiên tiếp nhận một cách vui vẻ. Ví dụ như đi leo núi, đi cắm trại ngoài trời để cho chúng có một số sinh hoạt, một số kinh nghiệm, những điều này là tương đối tốt. Thông qua những trò chơi có ích này, bọn trẻ sẽ có lòng yêu thích đối với thiên nhiên, rèn luyện nghị lực cho bọn trẻ, đều có thể trong những lần vui chơi này mà tích lũy từng chút một để trưởng thành. Cho nên chúng ta phải tiên phong dẫn dắt con cái đi đúng hướng.

  1. TƯƠNG NHẬP MÔN, VẤN THỤC TỒN. TƯƠNG THƯỢNG ĐƯỜNG, THANH TẤT DƯƠNG. NHÂN VẤN THÙY, ĐỐI DĨ DANH. NGÔ DỮ NGÃ, BẤT PHÂN MINH. DỤNG VẬT NHÂN, TU MINH CẦU. THẢNH BẤT VẤN, TỨC VI THÂU. TÁ NHÂN VẬT, CẬP THỜI HOÀN. HẬU HỮU CẤP, TÁ BẤT NAN.

Sắp vào cửa, hỏi có ai

Sắp vào nhà, cất tiếng lớn.

Người hỏi ai, nên nói tên

Nói ta – tôi, không rõ ràng.

Dùng đồ người, cần mượn rõ

Nếu không hỏi, tức là trộm.

Mượn đồ người, trả đúng hẹn

Sau có cần, mượn không khó.

 

17.1. Tương nhập môn, vấn thục tồn” (Sắp vào cửa, hỏi có ai)

Chúng ta muốn vào nhà của người ta thì đầu tiên nhất định phải gõ cửa. Nếu các vị lỗ mãng xông vào thì đối với người ta rất là vô lễ, cho nên phải gõ cửa ba cái. Chúng ta xem trong phim Hàn Quốc thì thấy họ không gõ cửa mà đứng ở ngoài cửa. Ví dụ bên trong phòng là cấp trên của họ thì họ sẽ nói: “Cấp trên à! Tôi là Thượng Ốc đây”. Đầu tiên, chúng ta phải đứng ở bên ngoài thông báo cho người ta biết. Nếu như người trong nhà đang bận thì sẽ nói với anh ấy rằng: “Chờ một chút!”. Nếu như không bận thì họ sẽ nói: “Được rồi! Anh có thể vào được”. Cho nên lễ nghi là cự ly tốt đẹp nhất giữa người với người. Lễ nghi giúp chúng ta sống chung với nhau sẽ rất thoải mái, sẽ không cảm thấy bị đường đột. Đây là động tác chúng ta phải làm trước khi bước vào cửa.

Mở rộng điều này ra, chúng ta đến nhà người khác làm khách, bởi vậy, sắp vào nhà của người ta đầu tiên phải hỏi xem anh ấy ở cùng với những người thân nào. Khi chúng ta đã biết rõ, ví dụ như anh ấy ở cùng với cha mẹ và còn có chị gái nữa, giữa bạn bè với bạn bè thì sẽ nói chuyện về tình trạng gia đình của mình. Tiến thêm một bước, chẳng hạn chúng ta tìm hiểu xem chị của anh ấy đi làm ở đâu, mẹ của anh ấy gần đây bị ốm như thế nào, hoặc là mẹ anh ấy thích ăn thứ gì. Sau khi nghe được thông tin này, các vị nghe thì phải nhớ lấy. Đến khi cơ duyên chín muồi thì phải đến thăm nhà anh ấy. Lúc này các vị có thể mua một ít món mà mẹ anh ấy thích ăn, mang đến nhà anh ấy làm quà và nói: “Bác gái, con nghe nói bác rất thích ăn quýt”, hay là còn thích ăn thứ gì khác nữa. Các vị xem, cái ấn tượng đầu tiên sẽ rất tốt.

Cho nên các vị đã biết làm sao để quen được bạn gái chưa? Làm quen bạn gái thì không phải chỉ quen một mình người bạn gái đó mà còn phải làm sao? Lời này không nên nói truyền ra ngoài, bởi vì cái được gọi là “môn đăng hộ đối” chân thật cũng thấu lộ ra rằng hôn nhân tuyệt đối không phải là việc của hai người mà là hai gia tộc, hai gia đình làm sao cho được hài hòa. Hôn nhân không được cha mẹ chúc phúc thì đại đa số sẽ không hạnh phúc. Thời nay có rất nhiều người kết hôn trên thiếp viết rằng: “Hôn lễ của hai chúng tôi được tổ chức vào…giờ, ngày….”. “Hai chúng tôi”. Vậy ai là người lớn nhất? Từ câu văn này thì có thể thấy được rằng những người trẻ tuổi của thời đại chúng ta thật không có sự cung kính. Việc đại sự như vậy mà cũng không biết ai là cha, ai là mẹ? Họ trực tiếp viết luôn “… Hai chúng tôi”. Điều này những người thanh niên như chúng ta cần phải kiểm điểm lại. Khi viết “hai chúng tôi” thì tỷ lệ thành công luôn luôn giống như là thích thì lấy nhau. Vậy không thích thì làm sao? Cho nên cung kính rất là quan trọng.

Vì vậy khi đến nhà bạn bè chúng ta cũng phải “yêu ai yêu cả đường đi lối về”. Phải quan tâm đến gia đình người ta, như vậy thì sẽ hòa hợp êm thấm. Khi kết bạn, tôi cũng có nguyên tắc như vậy. Bởi khi cha mẹ của anh ấy thường xuyên nghe thấy anh ấy nhắc đến tên của các vị, cha mẹ anh ấy có thể sẽ nghĩ: “Người này là người như thế nào? Tại sao con mình lại chơi thân với người bạn này?”. Họ có nghĩ không? Có lo lắng không? “Sao con của mình lại thân với Thái Lễ Húc như vậy? Nếu như Thái Lễ Húc là người xấu thì làm sao?”. Cho nên chúng ta phải chủ động làm yên lòng cha mẹ của bạn bè. Điều này rất quan trọng.

Tôi có thái độ như vậy từ hồi cấp ba. Khi đó tôi chơi thân với một người bạn học, chơi rất là thân, là một bạn nam. Tôi học ở trường Hùng Trung, một trường nam sinh. Kết quả là mẹ của anh ấy rất lo lắng. Bởi vì lúc đó đã nghe nói có tình trạng đồng tính luyến ái, cho nên mẹ của anh ấy rất lo lắng khi con của bà quá thân với tôi. Từ sự việc này tôi hiểu ra được rằng chân thật kết bạn thì không phải chỉ thân với người bạn đó, mà còn phải thân với người nhà của họ nữa.

Ở Đại Lục tôi cũng có hai người bạn rất thân, họ là hai vợ chồng. Tôi đến nhà của họ vì đã hẹn với họ đi phóng sinh. Bởi tôi nghĩ đến việc người trẻ tuổi thời nay thường hay kết bạn với người trẻ tuổi nhưng rất ít tiếp xúc với cha mẹ của đối phương. Tôi cảm thấy như vậy là không được tốt lắm. Cho nên tôi nghĩ họ sẽ không đợi tôi lên nhà họ mà họ sẽ xuống dưới nhà để đợi tôi đến là đi luôn. Bởi vậy tôi mới nảy ra một sáng kiến là mua một giỏ táo. Để làm gì? Tôi mang theo giỏ táo thì họ không thể không để tôi lên nhà ngồi chơi một lúc. Đầu óc của tôi có quái dị không? Chúng ta phải xem là ý định gì,  nếu ý định này là lương thiện thì tốt rồi. Và đúng như dự đoán, tôi chưa kịp lên nhà thì họ đã dắt ba chiếc xe đạp ra và chuẩn bị xuất phát rồi. Tôi liền nói: “Khó khăn lắm mới đến được nhà các vị, không lên nhà làm sao mà được, nhất định phải lên hỏi thăm cha mẹ của các vị”. Và tôi đã theo hai vợ chồng họ lên nhà. Khi gặp, cha mẹ của họ cũng rất là thân thiết, hỏi han này nọ. Nói chuyện được khoảng dăm, ba phút thì cha mẹ họ nói: “Các cháu có việc bận thì đừng làm lỡ việc, đi nhanh đi”. Thật ra người già cả cũng rất là khách khí, người già cả cũng rất biết nghĩ cho người khác. Cho nên chúng tôi ba người liền xuất phát.

Buổi tối hôm đó, người bạn của tôi gọi điện cho tôi, anh ấy nói: “Cha mẹ tôi muốn mời anh ăn cơm, hơn nữa còn đặc biệt chuẩn bị cơm chay cho anh”. Bởi vì năm, sáu năm về trước tôi hiểu được rằng ăn chay thì rất tốt cho sức khỏe và đã ăn chay từ đó. Cho nên bữa cơm hôm đó họ thết đãi tôi toàn đồ chay, và thế là tôi ăn cùng với họ. Người xưa có câu: “Gặp mặt thì có ba phần tình cảm”. Câu nói này rất có đạo lý. Cho nên ăn với nhau một bữa cơm thì cảm thấy gần gũi hơn. Sau đó bạn tôi giới thiệu, nói rằng tôi làm ở Trung Tâm Khai Sáng Quốc Học, chuyên đi sâu nghiên cứu giáo dục trẻ nhỏ. Mẹ của anh ấy đang trông con cho em gái anh, trông nom đứa cháu gái của anh. Bởi ông bà ngoại trông nom cháu thì khó tránh khỏi sẽ chiều chuộng, hai người họ luôn luôn góp ý nhưng người mẹ không chịu nghe. Cho nên hai người họ cũng cảm thấy rất ức chế.

Sau khi ăn cơm xong, mẹ của họ nói chuyện với tôi về vấn đề giáo dục con cái. Ví dụ như tôi nói với bà về việc gắp thức ăn thì phải gắp cho ai trước. Mẹ của họ đột nhiên tỉnh ngộ: “Đúng rồi!”. Tôi thảo luận với bà rất nhiều quan niệm, ví dụ như phải có thưởng, có phạt. Mỗi lần thảo luận đến những quan niệm này, mẹ của họ đều nói: “Đúng rồi! Đúng rồi!”.

Anh bạn của tôi ngồi bên cạnh liền nói: “Con đã nói với mẹ rồi mà mẹ không nghe”. Anh ấy ngồi bên cạnh cứ nhắc đi nhắc lại câu nói này. Quý vị thân mến, có nên chen câu nói này vào không? Không cần thiết. Lúc này không nói còn tốt hơn nói. Các vị cứ nói như vậy thì mẹ của các vị càng cảm thấy không thoải mái. Cho nên con người không được nóng vội, bởi vậy mới nói: “Im lặng là vàng”. Có khi các vị trầm lặng thì ngược lại, mẹ của các vị sẽ cảm thấy các vị không đơn giản chút nào.

Bữa cơm đó ăn rất là vui vẻ, tôi cũng từ đó mà lĩnh hội được câu: “Dịch tử nhi giáo”. Ý nghĩa của “dịch tử nhi giáo” là, ví dụ như con cái của các vị hàng ngày đều theo các vị, có một số đạo lý chúng nghe quá quen thành ra nhàm tai mà trở nên sơ suất. Và lúc đó vừa lúc người bạn thân của các vị cũng nhắc nhở chúng những đạo lý này, lúc đó chúng nhất định sẽ nghĩ: “Thì ra không chỉ có cha mình nói như thế, chú đây cũng nói như vậy”. Nhờ vậy mà thái độ của chúng sẽ vững chắc hơn. Cho nên các vị cần có những người bạn thân cùng chỉ dạy cho con cái các vị. Có được những người thầy tốt, bạn hiền này thì các vị dạy bảo con cái sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Khi ở Thẩm Quyến chúng tôi thường xuyên cùng với rất nhiều giáo viên cùng giảng bài, cùng nhau giao lưu, con cái của họ cũng cùng nhau học tập. Một hôm có một vị thầy giáo họ Lý hỏi những đứa bé này: “Nếu như các em có một trăm triệu, các em sẽ làm gì?”. Có một đứa bé nói sẽ làm bốn việc. Việc thứ nhất là xây một trường học, một trường học chuyên môn phát triển giáo dục theo Thánh Hiền. Điều này là chí nguyện đầu tiên của đứa bé.

Quý vị thân mến! Các vị có thấy đứa bé nào có ý nguyện như vậy chưa? Cho nên không phải đứa bé này là ưu tú mà nguyên nhân chủ yếu là có hoàn cảnh tốt. Ngoài cha mẹ ra, trẻ nhỏ tiếp xúc với những trưởng bối, với đồng học cũng đều có thái độ như vậy. Nhân sinh quan của đứa bé do được tiếp xúc thường xuyên với tư tưởng của Thánh Hiền nên tự nhiên tiếp nhận ảnh hưởng.

Khi tôi ở Thẩm Quyến giảng bài thì những đứa trẻ này không bao giờ nghỉ học. Các vị xem, chúng bé nhỏ như vậy nhưng ngồi ở bên dưới nghe giảng mà cũng biết cười ha ha. Sau đó còn nói: “Chúng ta học tập thì nhất định phải lập chí noi theo Thánh Hiền”. Trong số đó có một đứa bé còn nói: “Nếu như không noi theo Thánh Hiền thì học để làm gì!”. Cho nên các vị học Thánh Hiền thì phải noi theo Thánh Hiền. Cuộc sống phải có chí khí, bởi vì học Thánh Hiền và noi theo Thánh Hiền thì không phải cầu cạnh ai. Tục ngữ có nói: “Lên Trời khó, cầu cạnh người khác cũng khó”. Vậy học làm Thánh Hiền thì không như lên trời, cũng không như cầu cạnh người khác mà đều nằm trong bàn tay của mình.

Nguyện vọng thứ hai của đứa trẻ là xây một bệnh viện dành cho những người nghèo khổ, để những người bị bệnh có được sự chăm sóc thật tốt.

Nguyện vọng thứ ba là nó sẽ làm một kênh truyền hình bác ái, bởi vì tôi có mang chương trình: “Dắt tay nhau trong cuộc sống” của kênh truyền hình Bác Ái sang Đại Lục cho chúng xem. Chúng thấy Mã Văn Trọng tuy hai chân tàn tật nhưng cả đời vẫn tận lực làm giáo dục, xây dựng trường học. Các vị sẽ nói với anh ấy như thế nào? Cho nên khi một người có chí hướng tốt đẹp và có thể thực hiện chí hướng đó, thì ngoài cá nhân anh ấy, bên cạnh anh nhất định còn phải có bạn bè và người thân ủng hộ anh. Mã Văn Trọng có được một người cha rất tốt, không ngừng cổ vũ anh phải hoàn thành lý tưởng của mình. Và sau đó thì anh chân thật là đã thực hiện được. Cho nên Mã Văn Trọng đã dùng cả cuộc đời của mình để ấn chứng câu: “Thành giả, vật chi chung thủy” trong sách “Trung Dung”. Sự thành bại của một việc là ở chỗ từ đầu chí cuối cũng đều xoay quanh một tấm lòng chân thành. Nếu như không chân thành thì sao? Một con người không chân thành thì cả đời tuyệt đối không bao giờ làm được gì, “bất thành vô vật”.

Quý vị thân mến! Câu nói này là chân lý. Cho nên thời nay, khi các vị nhìn thấy có rất nhiều người không chân thành mà đi xe hơi sang trọng, ở nhà rộng lớn, như vậy có phải là chân lý không chuẩn xác chăng? Không phải vậy. Bởi có thể cha anh ấy, ông nội anh ấy để lại một chút cho anh ấy. Nhưng khi anh ấy không chân thành thì những phúc phần này của anh ấy cũng sẽ dần dần hao tổn từng chút một. Sau đó thói quen xa hoa của anh ấy lại trực tiếp truyền đến đời con cháu, và như vậy thì rất nhanh chóng mà suy bại. Cho nên khi nhìn sự việc thì chúng ta phải nhìn rõ chân tướng, phải dùng trí tuệ. Duy chỉ có những việc chân thành thì mới đứng vững không lay động, cho nên mới nói “chí thành cảm thông”. Bởi Mã Văn Trọng có tình thương yêu giáo dục đối với trẻ em như vậy, cho nên vợ của anh cũng từ nơi rất xa đi xe lửa đến để trợ giúp anh rồi kết hôn với anh. Và càng ngày càng có nhiều người ủng hộ anh thực hiện sự nghiệp này. Cho nên lòng chân thành của một người có thể làm thức tỉnh lòng chân thành của mọi người.

Bởi vì đứa bé này có xem chương trình: “Dắt tay nhau trong cuộc sống”, cho nên đặc biệt cảm thấy cần phải dùng một kênh truyền hình bác ái, xây dựng một kênh truyền hình để những tiết mục hay có thể giáo hóa được lòng người, cải thiện nếp sống của xã hội. Chúng ta không nên xem thường sự phán đoán của trẻ nhỏ, bởi chúng cũng từng nghe Hòa Thượng Tịnh Không giảng rằng: “Muốn cứu được xã hội hiện nay chỉ có hai người có sức mạnh nhất: Một là những nhà lãnh đạo đất nước, hai là giới truyền thông. Bởi chỉ trong thời gian rất ngắn, họ có thể chuyển tải những lời giáo huấn của Thánh Hiền đến toàn thế giới”. Ngay từ nhỏ, bọn trẻ đã tiếp thu được những lời giáo huấn như vậy thì sẽ luôn ghi nhớ ở trong lòng. Đây là nguyện vọng thứ ba.

Nguyện vọng thứ tư của đứa bé là nó muốn được như thầy Thái. Các vị phụ huynh không nên vui mừng quá. Nếu như đây là con trai của các vị, các vị có vui mừng không? Rất vui mừng. Nhưng mẹ của đứa bé khi nghe xong, bởi bà đi diễn giảng ở bên ngoài không có nhà cho nên đã gọi điện thoại cho con trai. Bà nói: “Con trai, những nguyện vọng này của con làm cho mẹ rất vui mừng. Nhưng những nguyện vọng này của con không cần phải có một trăm triệu mới có thể thực hiện được”. Sự nhạy bén của người mẹ này rất tốt. Bà không muốn con trai chỉ phát nguyện suông mà nguyện vọng nhất định phải từ trong sinh hoạt để từng bước bắt đầu thực hiện. Cho nên bà hỏi như vậy thì đứa con bắt đầu có sự suy nghĩ. Người mẹ tiếp tục nói với đứa con: “Thầy Thái có một trăm triệu không? Cho nên chỉ cần chúng ta có học vấn thật tốt, có một tâm tốt thì cho dù không có một trăm triệu chúng ta vẫn có thể làm được những việc cống hiến cho xã hội”. Người mẹ này đã làm cho chí hướng của nó trở về với hiện thực, trở về hiện tại để làm phong phú thêm bản thân mình.

Để trẻ em có được thái độ như vậy, có quan niệm giá trị cuộc sống như vậy thì điều chủ yếu là phải có được một hoàn cảnh tốt. Quý vị thân mến! Vậy thì chúng ta có thể tìm một số thầy tốt, bạn hiền có cùng một chí hướng để cùng nhau học tập. Hoặc chúng ta có thể cùng nhau đi leo núi để cho tình cảm vợ chồng càng thêm sâu sắc, để cho đời con cháu chúng ta cũng có được sự hỗ trợ tác động rất tốt, từ đó hình thành sự giáo hóa trong cùng một hoàn cảnh, để cùng nhau giáo dục tốt đời con cháu của chúng ta. Tôi tin rằng các vị sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, khác hẳn với việc chỉ có hai vợ chồng các vị dạy bảo con cái.

************

17.2. Tương thượng đường, thanh tất dương (Sắp vào nhà, cất tiếng lớn)

Điều này tôi cũng đã nhắc tới. Các vị đến nhà người khác, nếu như không thấy người ta thì trước tiên nhất định phải gọi xem người ta có nhà không. Tuyệt đối không tự ý đi vào nhà! Điều này nên cẩn thận. Nếu không, chẳng may trong nhà người ta mất đồ, họ đi ra lại gặp ngay các vị đang ở trong nhà của họ, lúc đó dù có trăm cái miệng các vị cũng khó mà biện bạch được. Như vậy thì rất là phiền phức. Cả đời người phải rất chú trọng đến danh tiết của mình, còn có lòng tín nghĩa và danh dự, không thể vì một chút không cẩn thận mà bị bôi nhọ. Như vậy là không tốt.

************

17.3. Nhân vấn thùy, đối dĩ danh. Ngô dữ ngã, bất phân minh (Người hỏi ai, nên nói tên. Nói ta tôi, không rõ ràng)

Câu này là đối đáp với người ta, ví dụ như khi gọi điện thoại, khi họ nhấc điện thoại lên thì các vị phải nói ngay: “Chào anh! Tôi tên là gì gì đó, tôi là Thái Lễ Húc chẳng hạn”. Như vậy thì người ta biết ngay là các vị gọi đến. Hiện nay có người gọi điện thoại như thế này: “A lô! Xin hỏi anh là ai?”. “Là tôi. Anh không nhận ra tôi sao? Anh quên tôi rồi à?”. Có thể chúng ta còn đang bận làm việc gì đó mà lại phải nói chuyện điện thoại với anh ấy, thì trong lòng cũng rất căng thẳng rồi. Đã vậy, nghĩ mãi mà chân thật cũng không nghĩ ra là ai, như vậy thì thật là quá thất lễ. Cho nên khi gọi điện chúng ta phải nói: “Chào anh! Tôi là Lễ Húc (chẳng hạn). Bây giờ anh có rảnh để nói chuyện điện thoại không?”. Luôn luôn nghĩ cho đối phương thì sẽ làm cho người ta cảm thấy thoải mái. Bởi vậy điều này cũng phải được chỉ dạy cho con cái. Ví dụ như có người bấm chuông cửa, người bên trong nhà hỏi: “Ai đấy?”. “Là tôi đây!”. Người ta làm sao biết được “tôi” là ai. Cho nên: “ngô dữ ngã, bất phân minh” (nói ta – tôi, không rõ ràng), những tiểu tiết như vậy cũng phải nhắc nhở thường xuyên.

************

17.4. Dụng nhân vật, tu minh cầu, thường bất vấn, tức vi thâu (Dùng đồ người, cần mượn rõ. Nếu không hỏi, tức là trộm)

Khi các vị không dạy bảo bọn trẻ, chúng sẽ không phân biệt được rõ ràng thị phi, thiện ác. Có khi chúng cảm thấy đồ vật này rất đẹp, thế là thuận tay cầm lấy xem. Cho nên chúng ta phải đúng lúc đem câu Kinh văn này ra chỉ bảo cho chúng. Có hai chị em gái trong một gia đình, một hôm người chị mắng người em. Vừa mắng xong thì người em uất ức khóc òa lên, vừa khóc vừa đi vào bếp tìm mẹ rồi mách với mẹ: “Mẹ ơi! Chị mắng con”.

Quý vị giải quyết như thế nào? Quý vị không phân biệt đen trắng, phải trái: “Chị ra đây! Làm sao lại mắng em gái?”. Việc gì cũng phải nói lý lẽ, đầu tiên phải làm rõ ràng phải trái, không thể mặc định đứa lớn là không đúng vì đứa lớn phải nhường đứa bé. Nếu các vị nói với con câu này thì hoàn toàn không đúng, mà đầu tiên phải phán đoán phải trái. Kết quả người mẹ này cũng rất bình tĩnh, vừa xào rau vừa hỏi đứa bé: “Vậy tại sao chị lại mắng con?”. Đứa bé nói: “Bởi vì con lấy đồ chơi của chị mà không hỏi, thế là chị mắng con”. Bởi vì đứa bé này có học “Đệ Tử Quy” cho nên người mẹ này tiếp tục nói: “Dụng nhân vật, tu minh cầu. Thảnh bất vấn, tức vi thâu” (Dùng đồ người, cần mượn rõ, nếu không hỏi, tức là trộm). Kết quả khi vừa nói xong chữ “thâu” (trộm) thì đứa bé bắt đầu khóc và nói: “Con không muốn làm kẻ trộm”.

Điểm quan trọng nhất là phải có tiếng nói chung, tiêu chuẩn làm người chung. Như vậy thì các vị rất dễ trao đổi, giao lưu với con cái. Đó là để con cái học thuộc “Đệ Tử Quy”. Cho nên chỉ cần dẫn ra một câu thì liền có tình huống như vậy ngay. Câu nói đó đứa bé sẽ ghi nhớ trong bao lâu? Các vị xem, đứa bé hai, ba tuổi sẽ ghi nhớ cả đời. Như vậy thì đối với cả đời của đứa bé không có gì ích lợi cho bằng.

Chúng ta phải dạy cho bọn trẻ biết được rằng: “Dụng nhân vật, tu minh cầu” (dùng đồ người, cần mượn rõ). Đồng thời người lớn chúng ta cũng phải làm được như vậy. Ở bài trước chúng ta có nhắc tới một công ty ngoại thương ở Đại Lục. Có rất nhiều người đến tuyển dụng và đã bị loại rất nhiều, chỉ còn lại mấy người được vào vòng trong để thi tuyển. Người chủ nói: “Tôi có việc, mười phút sau quay lại”. Nhưng khi người chủ vừa bước ra khỏi cửa thì những người thanh niên vừa mới trúng tuyển vòng sơ khảo đã mở tài liệu ra xem. Dùng đồ người thì phải “cần mượn rõ, nếu không hỏi, tức là trộm”. Sau đó thì toàn bộ những người này đều không được tuyển dụng. Kết quả là những người thanh niên này nói, từ bé đến giờ chưa có ai dạy bảo họ điều này. Họ cũng là bị oan uổng, bởi họ cũng chưa được học điều gì. Cho nên chúng ta phải có trách nhiệm truyền dạy cho con cái những giáo huấn của Thánh Hiền.

Hơn nữa, khi muốn dùng đồ của người khác, các vị cũng không thể lấy đồ vật trước rồi mới hỏi mượn sau. Ví dụ các vị cầm cây bút lên rồi mới nói: “Cho tôi mượn cây bút này được không?”. Nói không chừng cây bút đó là của bạn trai cô tặng riêng cho cô, chỉ có một mình cô ấy được dùng. Vậy mà các vị lại cầm lấy cây bút trên tay rồi. Như vậy có đúng không? Vậy thì cô ấy chỉ còn biết nói: “Cũng được!”. Cho nên mượn đồ thì không nên mượn kiểu như thế! Mượn đồ của người khác thì phải đợi cho người ta tự tay lấy đưa cho các vị. Như thế mới là lịch sự: “Có thể cho tôi mượn cây bút không?”. Anh ấy thích cho các vị mượn cây bút nào thì để anh ấy tự chọn. Cho nên cả những tiểu tiết này chúng ta cũng phải duy trì được tấm lòng biết nghĩ cho người khác. Đó là “Dụng nhân vật, tu minh cầu. Thảnh bất vấn, tức vi thâu(Dùng đồ người, cần mượn rõ. Nếu không hỏi, tức là trộm).

HẾT TẬP 26. XIN XEM TIẾP TẬP 27!