Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 27/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 27/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

17.5. Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan (Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó)

Khi mượn đồ của người khác chúng ta luôn luôn phải nhớ bao giờ thì phải trả lại. Điều này cũng phải rất cẩn thận. Bởi người ta cho mình mượn đồ là muốn giúp đỡ mình, có ân với mình. Nếu như chúng ta không trả đúng thời hạn thì thật là không có đạo nghĩa. Khi chúng ta đã xác định thời gian phải trả lại cho người ta, nhưng lại sợ mình sẽ quên thì nhất định phải ghi  vào lịch treo tường của các vị. Hàng ngày các vị đều xem lịch thì không bao giờ quên được. Hoặc các vị có thể ghi vào sổ tay, vào lịch làm việc của các vị. Đối với mỗi lần mượn đồ của người khác mà các vị đều cẩn thận như vậy, thì sau này người ta sẽ vui vẻ mà cho các vị mượn tiếp.

Vào thời nhà Minh, có một lần Tống Liêm mượn sách của người khác, mượn của một nhà giàu có. Người đó nói với ông rằng cho mượn quyển sách này mười ngày sau phải trả lại. Thời gian mười ngày rất là gấp rút. Nhưng người ta chịu cho mượn thì ông cũng rất là vui mừng. Kết quả đến ngày thứ mười thì trời đổ cơn bão tuyết lớn. Người chủ quyển sách nghĩ rằng ông ấy có thể sẽ không đến trả, nhưng Tống Liêm vẫn cứ đầu đội bão tuyết để đến. Tống Liêm đã khiến cho người chủ nhân này rất cảm động và cũng rất khâm phục ông. Cho nên người chủ đã nói với ông rằng sau này rất sẵn lòng cho ông mượn sách.

Cho nên khi chúng ta mượn đồ của người khác mà người ta có sắc mặt khó coi thì cũng đừng vội trách móc người ta, mà phải kiểm điểm lại mình. Niềm tin của xã hội đối với chúng ta phải do chính chúng ta gây dựng từng chút một. Chúng ta không nên hâm mộ kiểu: “Sao người này lại được người khác tin tưởng như vậy!”. Tất phải có nguyên nhân của nó. Tự chúng ta phải nỗ lực tiến về phương hướng này.

Thời nay, người mượn tiền là anh cả, còn người cho mượn tiền là em út. Người mượn tiền đều ở trên cao, còn người cho mượn tiền lại phải đến cầu khẩn người ta trả lại. Các vị xem, xã hội này có điên đảo không! Hơn nữa đã mượn tiền của người ta rồi, đến khi có tiền cũng không chịu trả. Điều này thật là xấu xa đến cực điểm! Họ không nghĩ đến buổi ban đầu, người ta có nghĩa khí mới cho mình mượn. Những người thời xưa rất thật thà, phúc hậu. Chỉ cần có tiền thì họ nhất định lập tức đem đến trả nợ. Hơn nữa sự tín nhiệm thời xưa so với bây giờ không giống nhau. Thời xưa người ta tin vào nhân cách, có cần phải ghi giấy nợ không? Cho nên sự thành tín của người xưa thể hiện cho nhân cách của một con người, không cần phải ghi giấy nợ.

Thật ra khoảng năm mươi, sáu mươi năm về trước, xã hội con người đất nước chúng ta vẫn còn có những phẩm đức này. Ví dụ như ông ngoại của tôi trước đây có mở cửa hàng bán gạo. Có rất nhiều người trong nhà họ chưa có tiền, ông đều cho vay gạo trước. Đến khi Tết đến, xuân về, đại đa số những người này đều đem tiền đến trả. Nhưng cũng có một số ít người không mang tiền đến trả vì không có tiền, và ông ngoại tôi cũng không đi đòi. Bởi vì giữa người với người đều rất tín nhiệm nhau, đều biết rằng đối phương có tiền thì nhất định sẽ đem đến trả. Thời nay thì khó được như vậy. Chúng ta phải đến nhà người ta để đòi nợ. Như vậy thật là không có đạo nghĩa. Cho nên các vị xem, thời trước giữa người với người đối xử với nhau là sự tín nhiệm.

Sự tín nhiệm của người phương Tây là giấy trắng, mực đen. Góc độ của người phương Tây là trước tiên anh ấy phải hoài nghi xem các vị có phải là người tốt hay không, có phải là người biết giữ lời hứa không. Các vị phải chứng minh cho anh ấy xem các vị có giữ lời không. Đây là thái độ của người phương Tây, không giống với chúng ta đối với chữ “tín”. Nhưng thời nay chúng ta xử lý vấn đề chữ “tín” là theo cách của phương Đông hay phương Tây? Thời nay đều nghiêng về phương Tây. Bởi nếu theo cách của phương Đông thì có thể sẽ không mấy ai dám làm, vì trong lòng sẽ có sự lo lắng, sợ người thời nay nói mà không giữ lời. Cho nên cuối cùng chúng ta tiến bộ hay là thụt lùi, chúng ta hãy bình lặng mà suy xét. Đáng lý các vị phải trả nợ cho họ thì các vị lại không trả, xem ra thì hình như đã chiếm được một chút của bở. Kỳ thực thì dần dần các vị đang làm tổn hao độ tín nhiệm của cả xã hội đối với chính mình.

Ở Thẩm Quyến có một thương gia đi đàm phán mua bán đất với nông dân. Đàm phán xong xuôi, người nông dân đồng ý bán mảnh đất của mình cho ông ấy. Kết quả sau khi mua xong, ông ấy lại chỉ trả một nửa tiền, còn một nửa không trả. Người nông dân này rất tức giận, vì đó là mảnh đất duy nhất của ông ấy. Vậy mà thương gia nọ còn thiếu đến sáu ngàn nhân dân tệ vẫn chưa trả. Nhiều người đều cảm thấy chiếm được của người khác thì mình có lợi. Kết quả là chưa đến mấy ngày sau, người nông dân này mang mìn đến nhà người thương gia để cùng sống chết với ông ấy. Báo chí có viết rằng: “Một mạng người đáng giá bao nhiêu tiền? Sáu ngàn tệ!”.

Cho nên chữ “tín” rất quan trọng. Một là chúng ta phải luôn luôn giữ được chữ “tín” của mình. Hai là chúng ta luôn luôn phải nghĩ rằng người ta cho mình mượn là đã giúp đỡ mình rồi. Chúng ta không nên quên đạo nghĩa, ân đức này. Vậy thì tự nhiên chúng ta sẽ có sự cảnh giác, sẽ biết “nói lời mà giữ lấy lời”. Cho nên lời giáo huấn của Khổng Phu Tử trong “Luận Ngữ” cũng luôn luôn nhắc tới sự quan trọng của chữ “tín”. Trong “Luận Ngữ” có nói: “Nhân vô tín bất lập”, người mà không có chữ “tín” thì không thể đứng vững trong xã hội, trong quần chúng. Bởi vì xã hội là một cuộc sống tập thể, nếu như mọi người đều không tin tưởng các vị, xa lánh các vị thì các vị rất khó mà phát triển được. Khổng Phu Tử cũng nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, nếu như một người không biết giữ chữ “tín” thì chúng ta chân thật cũng không biết người đó còn có thể làm được việc gì. Cho nên chữ “tín” đối với một người rất là quan trọng.

Chúng ta hãy xem chữ “tín”, nó là chữ hội ý, bên trái là chữ “nhân”, bên phải là chữ “ngôn” trong ngôn ngữ. Cho nên ý nghĩa của nó là lời nói của một người thì nhất định phải giữ chữ “tín”, phải nói lời giữ lời. Chúng ta thấy đó, người thời xưa có thái độ đối với lời nói đều là “một lời hứa đáng ngàn vàng” (nhất ngôn cửu đỉnh). Đây là chữ “tín”.

Ngoại trừ ý nghĩa phải giữ chữ “tín” ra, nó còn có một nghĩa khác đó là “tín nghĩa”. Tín và nghĩa kết hợp với nhau, chữ “tín nghĩa” tuy không nói ra nhưng mà là ở trong lòng người. Ví dụ tuy chúng ta không nói cho cha biết rằng chúng ta phải hiếu thuận với ông, nhưng trong lòng chúng ta đã luôn luôn giữ cái nghĩa này rồi. Cho nên chữ “tín” còn có một ý nghĩa mở rộng nữa đó là chỉ đạo nghĩa, tình nghĩa, ân nghĩa, và dùng từ của thời hiện đại ngày nay thì gọi là nghĩa vụ, bổn phận làm người, nghĩa vụ làm người. Cho nên từ điều này để lý giải chữ “tín”, các vị có thể giải thích ý nghĩa của nó rộng thêm. Chúng ta biết rằng học vấn của Thánh nhân không ngoài việc làm cho quan hệ giữa người với người tốt hơn. Đây là căn bản nhất. Đó là đầu tiên phải học cách làm người.

Làm người phải giữ chữ “tín” như thế nào? Làm người không ngoài năm quan hệ của luân thường đạo lý. Năm  luân gì vậy? Đây cũng là sát hạch lại. Các vị hãy bình tĩnh để bắt đầu trả lời. “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín, chúng ta cùng xem năm mối quan hệ này. Có bao giờ vua lại nói với các quan rằng: “Các ngươi phải trung thành với ta”. Có nói như vậy không? Không cần nói, bởi vì đó là bổn phận, nghĩa vụ của một người, là thái độ làm người, không cần nói là phải giữ lời hứa đó.

“Tín nghĩa” trong quan hệ cha – con

Chúng ta hãy xem mối quan hệ giữa cha con. Đương nhiên trước tiên các vị nói lời phải giữ lời thì mới có thể dạy bảo tốt được con cái, con cái mới có thể tin tưởng, kính phục các vị. Nếu như cha nói một đằng làm một nẻo, thì liệu con cái có tôn trọng các vị không? Không thể. Nếu như các vị cứ làm như vậy thì đảm bảo con cái sau này nhất định sẽ làm phản. Bởi vì chúng tích lũy sự bất mãn, sự bất phục ở trong lòng, rồi có một ngày sẽ như núi lửa phun trào. Cho nên đối với con cái, chúng ta cũng cần phải nói lời giữ lời.

Vào thời nhà Châu có câu chuyện “Tăng Tử giết lợn”. Câu chuyện này kể rằng vợ của Tăng Tử đang định đi mua thức ăn thì đứa con nói: “Mẹ cho con đi với”. Mẹ của đứa bé liền nói: “Thôi con đừng làm ồn nữa, nếu như con ngoan ngoãn thì tí nữa mẹ về sẽ giết lợn cho con ăn”. Kết quả Tăng Tử nghe thấy vợ định nói dối con trẻ, cho nên khi vợ ông về đến nhà thì nhìn thấy Tăng Tử đang mài dao. Vợ ông sợ quá liền chạy lại nói: “Tôi chỉ nói đùa với con thôi, thế mà anh lại nghĩ là thật?”. Tăng Tử lập tức nói với vợ: “Nếu như chỉ có một câu nói với con cái mà em cũng không biết giữ lời, thì cả đời này để cho con cái tin tưởng em là rất khó”.

Cho nên làm phụ huynh cũng phải cẩn thận với lời nói và hành vi của mình. Các vị nhất định phải làm được thì mới nhận lời làm. Hơn nữa, không chỉ làm được mới nhận lời mà chúng ta còn phải nghĩ xem sau khi đã nhận lời thì có giúp ích được gì cho con cái không. Các vị đừng nên nói rằng kinh tế của các vị rất dư giả cho nên không thành vấn đề, trẻ thích gì thì cho nấy mà phải xem chúng có thật sự cần không. Cho nên “Đệ Tử Quy” mới nói: “Sự phi nghi, vật khinh nhược. Cẩu khinh nhược, tiến thoái thố” (việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai). Các vị là phụ huynh thì phải suy xét đến sự cẩn thận trong lời nói.

Vậy thì giữa cha con, ngoài việc nói phải giữ lời ra thì cha mẹ còn nhất định phải yêu thương con cái, và con cái nhất định cũng phải hiếu thuận với cha mẹ. Cho nên chúng ta cũng thường nghe một số bạn bè nói rằng: “Đã sinh ra con thì cha mẹ phải tận tâm, tận lực nuôi dạy chúng cho tốt. Đây là bổn phận làm người”. Tôi rất thích được nghe những lời nói như vậy bởi vì khi nghe đều cảm thấy máu trong người tuần hoàn rất tốt và có hạo nhiên chính khí. Cho nên khi một người chân thật có đạo nghĩa, các vị sẽ cảm thấy nói chuyện với anh ấy rất thoải mái. Những người con hiếu thảo thời xưa chân thật là luôn luôn không quên  ân đức của cha mẹ, ân nghĩa của cha mẹ.

Vào thời nhà Tống có một thư sinh tên là Chu Thọ Xương. Khi ông bảy tuổi, bởi vì mẹ ông không phải là vợ cả của cha ông, người vợ cả của cha lại rất đố kỵ với mẹ ông cho nên đã ép mẹ ông đi lấy chồng khác. Thế nên mới bẩy tuổi mẹ con ông đã phải ly tán. Một đứa trẻ mới bẩy tuổi mà đã phải đối mặt với bi kịch to lớn, một sự thử thách lớn như vậy. Nhưng đứa bé này luôn luôn nghĩ rằng sau này nhất định phải tìm lại mẹ. Cho nên chúng ta thấy một đứa bé mới bẩy tuổi mà có thái độ như vậy đối với cha mẹ thì rất là cảm động. Các vị nói: “Bẩy tuổi thì hiểu được cái gì?”. Không phải vậy, chỉ cần từ nhỏ các vị đã dạy bảo chúng đạo lý làm người thì đứa bé bẩy tuổi cũng có thể làm cho các vị phải bội phục trong lòng.

Và sau đó, trong mấy chục năm trời ông vẫn cứ đi nghe ngóng tin tức của mẹ ông nhưng đều không có tin tức gì. Sự nghiệp của ông phát triển rất tốt. Vào thời Tống Thần Tông ông cũng đã làm quan. Sau đó khi ông năm mươi bẩy (57) tuổi, đã trải qua 50 năm, ông hạ quyết tâm, ông nói với người thân rằng: “Tôi phải đi tìm mẹ tôi, nếu như tìm không thấy thì tôi sẽ không về. Nhất định phải tìm thấy, tìm không thấy mẹ thì không trở về”.

Quý vị thân mến! Chu Thọ Xương có tìm thấy mẹ không? Sự thành khẩn có thể làm đá vàng cũng phải mở lòng. Một số người sẽ nghĩ rằng “mò kim đáy bể” nhưng thật ra giữa cha con, mẹ con tâm linh thường tương thông. Cho nên ông đã tìm đến một nơi hẻo lánh ở vùng Thiểm Tây, đến một nơi có tên gọi là Đồng Châu. Khi đó vừa lúc trời mưa, đây cũng là điều cảm ứng cho nên ông phải dừng chân ở đó. Rồi do nhân duyên đưa đẩy nên cuối cùng ông đã thám thính được tin tức của người mẹ. Trời đất không phải là vô tình, cho nên phải nhờ vào tấm lòng của chúng ta để cảm ứng.

Chúng tôi đi Ôn Châu để diễn giảng. Ở đó đã mấy tháng không có mưa, kết quả là hôm chúng tôi đến thì trời mưa. Chúng tôi đi Đảo Tần Hoàng cũng vậy, mấy tháng trời không có mưa, kết quả đúng vào đêm hôm chúng tôi đến thì trời rơi tuyết lần đầu tiên của năm đó. Cho nên hoàn cảnh thiên nhiên chân thật cũng hòa với lòng người làm một. Tâm của con người lương thiện thì quốc thái dân an, tâm của con người ác thì tai họa liên miên. Nếu chúng ta muốn xoay chuyển tình trạng của xã hội hiện nay thì không nên đi oán trách, mà phải từ căn bản, từ tấm lòng của chúng ta. Chính bản thân chúng ta phải bắt đầu trở nên lương thiện, rồi tiếp theo là tạo ảnh hưởng đến càng nhiều tấm lòng của những người khác, thì tất cả những tai nạn của cả xã hội sẽ từ từ được hóa giải.

Cho nên Chu Thọ Xương đã thuận lợi tìm được mẹ ông. Mẹ của ông lúc đó đã hơn bẩy mươi tuổi. Mẹ con gặp nhau vô cùng cảm động, ôm nhau mà khóc. Chu Thọ Xương không chỉ đón mẹ về nhà để phụng dưỡng, mà còn đón về nhà tất cả những em trai, em gái mà mẹ ông đã sinh ra. Xin hỏi những người em cùng mẹ khác cha này của ông có cần phải ký khế ước không? Có hay không? Không cần. Người xưa nói đến tín nghĩa, đến tình nghĩa. Cho nên ông đã đón hết về để ở cùng, “huynh đạo hữu, đệ đạo cung. Huynh đệ mục, hiếu tại trung(Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó). Đây là tình nghĩa của Chu Thọ Xương đối với mẹ ông.

Ngoài ra, vào thời nhà Tống còn có một thư sinh tên là Hoàng Đình Kiên. Văn của ông rất giỏi. Lúc đó ông đã làm tới Thái Sử, một chức quan tương đối cao. Hàng ngày ông nhất định phải tự mình rửa bô cho mẹ, rửa bô nước tiểu. Không phải ông không có người hầu, nhưng ông nhất định kiên quyết tự mình làm những việc mà con cái đáng phải làm cho cha mẹ. Ngay cả bô nước tiểu cũng rửa, thể hiện rằng những việc khác ông cũng làm tận tâm, tận lực. Hoàng Đình Kiên tuy làm quan to, tuy danh lợi đều đã có đủ, nhưng tấm lòng hiếu thảo chí thành đó của ông không bị danh lợi làm cho ô nhiễm, không bị vẩn đục.

Chúng ta hãy trở lại quan sát xã hội hiện nay của chúng ta. Khi một người kiếm được nhiều tiền thì tấm lòng hiếu thảo của anh ấy có thay đổi không? Rất có khả năng anh ấy sẽ trở thành một người tuy lắm tiền, nhiều của nhưng thô lỗ, ngang ngược, đều dùng tiền để báo hiếu. Có thể là lòng cung kính sẽ không còn đủ nữa. Cho nên chúng ta đối chiếu với cổ nhân thì cũng phải học tập theo họ. Trong quan hệ cha con, chúng ta nói lời thì phải giữ lấy lời, phải có tín nghĩa, phải làm tròn bổn phận.

“Tín nghĩa” trong quan hệ thầy – trò

Còn có một quan hệ có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của một người, tuy rằng nó không có trong ngũ luân. Đó là quan hệ thầy trò. Thật ra quan hệ thầy trò có trong ngũ luân không? Có hay không? Trong quan hệ nào? “Một ngày làm thầy cả đời là cha”. Đây cũng là quan hệ cha con, không có khác biệt gì. Chúng ta từ lễ nghĩa thời cổ có thể thấy được khi cha mẹ qua đời thì con cái phải giữ tang ba năm, thầy giáo qua đời thì trong tâm học trò cũng giữ tang ba năm, hoàn toàn giống nhau. Cho nên chúng ta hãy xem thầy trò ngày xưa giữ chữ “tín” như thế nào. Khi dạy bảo học sinh, chúng ta nhất định phải giữ chữ “tín”, thì các vị mới có thể làm cho học sinh tâm phục, khẩu phục. Khi đó học sinh có nhận lời làm việc gì cho thầy giáo thì nhất định cũng sẽ tận tâm, tận lực để làm.

Ngày đó Khổng Phu Tử có ba nghìn (3000) đệ tử, và phải có tới bẩy mươi hai (72) Thánh nhân. Khi Khổng Phu Tử qua đời, những người đệ tử này đều dựng nhà ở cạnh mộ của Khổng Phu Tử và kiên quyết thủ hiếu ba năm. Pháp luật không quy định như vậy. Đó là biểu đạt tấm lòng đạo nghĩa, ân nghĩa đối với thầy giáo. Trong số đó có một đệ tử đã giữ tang đến sáu năm. Ông tên gọi là Tử Cống. Bởi khi Khổng Phu Tử qua đời thì ông còn đang làm ăn, buôn bán ở nước ngoài, cho nên ông cứ ân hận không được tự mình tiễn đưa thầy. Bởi vậy sau khi giữ tang được ba năm thì tự mình lại tăng thêm ba năm nữa. Đạo nghĩa thầy trò này, chúng ta là người thời nay thì chân thật rất khó có thể thấu hiểu được sâu sắc, không thể thấu hiểu được cái tồn tâm giữa thầy và trò.

Vào thời nhà Minh có một vị quan, thầy của ông tên là Tả Trung Nghị Công, có câu chuyện kể về Tả Trung Nghị Công. Thầy của ông khi đó đang làm đại thần của triều đình (tạm thời tôi quên mất tên của ông là gì. Cảm ơn các vị, xin cho một tràng pháo tay). Người thầy tên là Tả Trung Nghị Công, người học trò tên là Sử Khả Pháp. Lúc đó Tả Trung Nghị Công chủ trì một kỳ thi lớn của triều đình, thi tiến sĩ. Đa số người có học có một sứ mệnh đối với đất nước, đó là phải tuyển cử người hiền tài cho đất nước. Cho nên trước ngày thi, thầy của ông đã mặc áo thường dân để đi vi hành, bỏ quan phục mặc áo thường dân đến những nơi chùa chiền để xem tố chất của những người tham gia cuộc thi ra sao. Tại sao thầy của ông không vào tửu điếm để xem mà lại đến chùa chiền? Bởi vì học trò ngày xưa rất khắc khổ. Mười năm đầu đèn sách không ai hỏi han, đến khi thành danh thì thiên hạ đều biết đến. Cho nên những người có tiền để ở tửu điếm thì có thể thi không đậu. Bởi vậy thầy của ông mới đến tuần tra ở những chùa chiền nổi tiếng.

Vừa lúc đi vào phòng của Sử Khả Pháp, khi đó Sử Khả Pháp vừa viết xong một bài văn và đi ngủ. Thầy ông thấy bài văn của ông lời văn chặt chẽ, thông suốt, trong câu văn có thấu lộ ra khí tiết vì dân, vì nước. Cho nên sau khi thầy giáo nhìn thấy thì rất  cảm động, lập tức lấy áo khoác của mình đắp lên người Sử Khả Pháp. Sau đó khi chính thức thi, khi thầy của ông chấm bài và xem đến một bài văn thì tinh thần lập tức phấn chấn, liền phê cho đứng thứ nhất. Làm như vậy có gian dối không? Thời xưa cũng không biết bài văn đó là của ai. Nhưng tại sao thầy của ông vừa xem thì liền biết ngay là của Sử Khả Pháp vậy? Lời nói và văn chương là tiếng nói của một người. Cho nên thầy giáo lập tức cảm nhận được là văn của Sử Khả Pháp và đã cho ông đứng đầu làm trạng nguyên. Thời bấy giờ những học trò thi đậu đều phải bái quan chủ khảo làm thầy. Cho nên, Sử Khả Pháp liền chọn ngày lành, tháng tốt đến nhà Tả Trung Nghị Công để hành lễ bái sư. Khi Sử Khả Pháp đến nhà thì thầy của ông nói đã với mẹ rằng sau này người kế thừa chí nghiệp cả cuộc đời ông không phải là con cái ông mà là người học trò này.

Thật ra thời xưa, người chân thật học sách Thánh Hiền không sợ rằng mình không có con nối dõi, mà chỉ sợ không tuyển cử được người hiền tài cho đất nước, không truyền thừa được những học vấn Thánh Hiền cho đời sau. Tại sao tôi có thể cảm nhận được sâu xa như vậy? Bởi cô giáo Dương và chú Lô đều không phải là họ hàng thân thích với tôi, nhưng họ đối với tôi rất là yêu thương, đều dạy cho tôi tất cả những kinh nghiệm trong cuộc sống của họ, còn sợ tôi không thể tiếp thu hết. Cho nên từ tấm lòng của họ, tôi đã cảm nhận sâu sắc rằng người học sách Thánh Hiền ngày xưa chân thật là luôn luôn vì nhân dân, luôn luôn đang truyền thừa trí tuệ của Thánh Hiền.

Cho nên sau đó, Sử Khả Pháp và thầy của ông cùng làm quan trong triều. Thật bất hạnh là vào cuối thời nhà Minh thì hoạn quan chấp chính. Thầy của ông đã bị hãm hại, bị nhốt vào trong ngục. Người làm học trò rất là căng thẳng, muốn nghĩ cách vào trong ngục thăm thầy. Bởi thầy của ông bị nhốt trong ngục, bị hành hạ, tra tấn rất là tàn nhẫn, bị lấy sắt nung đỏ rồi dí vào mắt. Thật là tàn khốc! Người thầy còn bị cắt từ đầu gối chân trở xuống. Cho nên Sử Khả Pháp rất là nóng lòng liền cầu xin ngục tốt cho ông được gặp thầy. Tấm lòng chân thành của ông đã làm cảm động ngục tốt. Ngục tốt dặn ông rằng: “Ông phải đóng giả làm người nhặt rác, chở rác trong ngục, phải ăn mặc bẩn thỉu, như vậy thì mới mong trà trộn vào trong ngục”. Cho nên hôm đó Sử Khả Pháp đã làm như vậy để vào trong ngục thăm thầy. Khi ông nhìn thấy thầy thành ra bộ dạng như vậy thì không cầm lòng được, đã khóc lóc thảm thiết và chạy lại ôm lấy chân thầy. Mắt của thầy không mở được nữa, chợt nghe thấy tiếng nói của Sử Khả Pháp thì liền lập tức dùng hai tay của mình để vạch mắt ra, dùng hai mắt nhìn thẳng vào Sử Khả Pháp rồi hỏi: “Thân phận của con là gì? Con là lương đống của đất nước sao lại đi vào nơi cấm địa nguy hiểm như thế này? Như vậy có thể để cho kẻ gian làm hại con, chi bằng bây giờ ta giết chết con còn hơn”. Nói xong thầy liền nhặt viên đá ở dưới đất lên ném vào đầu Sử Khả Pháp. Sử Khả Pháp thấy thầy tức giận như vậy thì liền vội vàng rời đi.

Quý vị thân mến! Thầy của ông thân đã rơi vào tình cảnh “cửu tử nhất sinh”. Nhìn thấy người học trò thân như vậy đến thăm thì ý nghĩ đầu tiên của thầy không hề nghĩ cho mình mà nghĩ đến sự an nguy của đất nước, nghĩ đến sự an toàn của học trò. Sau đó thì thầy ông bất hạnh qua đời. Còn Sử Khả Pháp thì đảm nhiệm nhiều chức vị quan trọng trong triều đình, cũng từng đem quân đi phòng thủ bên ngoài. Khi đem quân đi phòng thủ, Sử Khả Pháp cùng với binh lính luân phiên nhau canh gác, nửa đêm ông cũng cùng tựa lưng với quân lính mà nghỉ ngơi chứ không chịu đi nằm ngủ. Quân lính của ông thấy vậy không nhẫn nại được liền nói với ông: “Đại nhân! Nếu Ngài còn tiếp tục như vậy nữa thì cơ thể nhất định sẽ chịu không nổi”. Sử Khả Pháp trả lời quân lính rằng: “Nếu như ta đi ngủ, vừa lúc quân giặc đến xâm phạm, đất nước bị tổn hại, như vậy ta có lỗi với đất nước, càng có lỗi hơn đối với thầy của ta”. Sử Khả Pháp đã chân thật luôn luôn ghi nhớ lời giáo huấn của thầy.

Cho nên học trò ngày xưa trả ơn thầy bằng cách làm theo lời dạy, chân thật đã làm theo học vấn Thánh Hiền. Mỗi lần Sử Khả Pháp trở về quê hương, việc đầu tiên không phải đi thăm người thân của mình mà đầu tiên là đi thăm mẹ của thầy. Cho nên Sử Khả Pháp cũng tận tâm, tận lực chăm sóc người thân của thầy mình. Đây là tình nghĩa thầy trò, đạo nghĩa thầy trò. Điều này không cần phải dùng lời để dặn dò. Đây là tín nghĩa giữa thầy và trò vào thời xưa mà chúng ta được thấy.

“Tín nghĩa” trong quan hệ vua – tôi

Trong năm quan hệ, còn có đạo nghĩa giữa Vua tôi là quan hệ thứ hai. Cho nên người làm Vua, bởi vậy mới nói “quân vô hí ngôn” (Vua không được nói đùa), nói thì nhất định phải thực hiện. Vậy khi hạ thần hứa với Vua làm việc gì thì nhất định cũng phải tận tâm, tận lực để hoàn thành. Nếu như hứa với Vua rồi mà không giữ lời hứa thì có thể sẽ bị mất đầu bởi phạm tội khi quân. Trong lời nói ngoài giữ chữ “tín” ra, quan hệ giữa Vua tôi vào thời hiện tại thì chúng ta đổi cách gọi thành “Quan hệ giữa người lãnh đạo và người cấp dưới”, trong đó cũng đều có nghĩa vụ, đạo nghĩa, tình nghĩa như vậy.

Chúng ta hãy xem vua Nghiêu ngày xưa đối xử với thần dân của ông như thế nào. Có một hôm, vua Nghiêu đi trên đường thì gặp hai người bị bắt vì tội ăn cắp và đang được giải đi chịu tội. Kết quả khi vua Nghiêu thấy vậy thì rất lo lắng. Vua lập tức đi đến và hỏi: “Hai người này đã phạm phải tội gì? Sao lại bị bắt vậy?”. Hai tội nhân liền nói: “Bởi hạn hán lâu ngày không có mưa, chúng tôi không có gì để ăn, cũng không có thức ăn cho người nhà, cho nên bất đắc dĩ phải đi ăn trộm đồ ăn của người khác”. Vua Nghiêu nghe xong rất lấy làm hổ thẹn, ông liền nói với binh sĩ rằng: “Các khanh hãy thả hai người này ra và hãy bắt ta lại”. Binh sĩ rất lấy làm ngạc nhiên: “Tại sao lại bắt Vua lại?”. Vua Nghiêu liền nói: “Bởi vì ta không có đức hạnh cho nên trời mới hạn hán lâu như vậy mà không có mưa, đây là lỗi lầm thứ nhất của ta. Lỗi lầm thứ hai là ta đã không dạy bảo tốt dân chúng của ta. Cho nên ta đã phạm phải hai trọng tội, người bị bắt là ta mới phải”. Vua Nghiêu vừa nói xong câu đó thì lập tức trên trời mây đen kéo đến, không bao lâu thì hạn hán lâu ngày như được gặp nước cam lồ.

Cho nên khi một người yêu thương nhân dân chí thành, thì tấm lòng của người đó nhất định sẽ làm cảm động nhân dân cả nước, đều noi theo gương của người đó. Khi ý muốn của nhân dân đều như vậy thì tất cả tai họa nhất định sẽ biến mất. Viên Liễu Phàm tiên sinh ngày đó làm huyện trưởng tại huyện Bảo Để. Huyện Bảo Để cũng bị hạn hán lâu ngày. Ông cũng tự mình trai giới tắm rửa sạch sẽ để cầu mưa, và quả nhiên khi đọc xong lời cầu khấn thì trời đổ mưa xuống.

Quý vị thân mến! Đừng xem thường tấm lòng chân thành của chúng ta! Lòng thành có thể làm đá vàng cũng phải mở lòng. Tại sao những vị Vua, Hiền, Thánh thời cổ có thể lưu danh trong sử xanh, có thể làm gương cho đời sau? Đều là từ đạo nghĩa vì nhân dân của họ.

Vào thời nhà Hạ, vị Vua đầu tiên của triều đình nhà Hạ là Đại Vũ. Chúng ta nhất định biết đến câu chuyện Đại Vũ chống lũ lụt, và cũng biết chuyện ba lần ông đi qua cửa nhà mình mà không vào. Tại sao ông ba lần đi qua cửa nhà mình mà lại không vào? Bởi vì lũ lụt rất cấp bách. Nếu như một hôm nào đó ông không cẩn thận thì lũ có thể sẽ tràn vào. Vậy thì không chỉ một người bị hại, không phải một nhà bị hại, mà hàng ngàn, hàng vạn gia đình của nhân dân sẽ bị tai ương. Cho nên ông luôn luôn nơm nớp lo sợ. Đại Vũ kết hôn được bốn ngày đã phải đi xa. Từ đó cho đến tám năm sau mới quay về nhà, bởi cả tám năm liền phải phòng chống lũ lụt. Sau đó ông chân thật đã dùng được phương pháp rất tốt, dùng phương pháp khơi thông. Phương pháp này của Đại Vũ thời nay chúng ta có thể dùng được không? Đây không phải bảo các vị đi phòng chống lũ lụt, mà ý nói là các vị dạy bảo con cái cũng có thể dùng phương pháp khai thông, thuận theo tình thế mà dạy bảo. Tuyệt đối không nên giống như cha của Đại Vũ dùng cách ngăn chặn. Cứ ngăn chặn mãi thì có lúc phải tức nước vỡ bờ. Chúng ta cũng phải dạy theo năng khiếu, dạy theo trình độ, thuận theo tính tình của bọn trẻ để mà chỉ bảo chúng.

Chúng ta từ Vua Nghiêu, từ Đại Vũ mà có thể thấy được đạo nghĩa của một nhà lãnh đạo đối với nhân dân. Dân chúng đối với nhà lãnh đạo cũng phải nhớ ân nghĩa. Cho nên mới nói: “Quân nhân thần trung” (Vua nhân từ thì quần thần trung thành). Vậy, làm nhà lãnh đạo thì phải nhân từ, luôn luôn nghĩ đến cuộc sống của nhân dân, thì cấp dưới cũng sẽ cảm ơn ân đức của nhà lãnh đạo đã cho họ có được cuộc sống tốt đẹp. Nếu như không có được một công việc tốt như thế này thì gia đình họ có thể sẽ lo lắng, sẽ ngày ăn không đủ ba bữa. Cho nên làm hạ thần cũng sẽ tận tâm, tận lực trung thành với Vua. Hơn nữa, khi Vua có lỗi lầm thì họ nhất định sẽ thẳng thắn để can gián.

Bởi vậy đoạn Kinh văn nói về chữ “hiếu” của chúng ta cũng đã giảng giải một cách tỉ mỉ rằng: “Thân hữu quá, gián sứ canh. Di ngô sắc, nhu ngô thanh. Gián bất nhập, duyệt phúc gián. Hiệu khấp tùy, thát vô oán” (Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu. Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận). Trong đó có lấy những vị trung thần như Ngụy Trưng, Bỉnh Cát làm ví dụ.

Chúng ta hãy xem xét xem, quốc gia hiện nay chúng ta cũng có thể xem như một xí nghiệp. Điều hành một xí nghiệp cũng giống như đang điều hành một quốc gia nhỏ. Cho nên ý nghĩ đầu tiên của nhà lãnh đạo phải là tạo phúc lợi cho công nhân, chứ tuyệt đối không thể chỉ vì cái túi tiền của mình. Khi các vị chỉ biết đến cái túi tiền của các vị mà không tôn trọng, chăm lo cho công nhân, thì nhất định sẽ giữ không nổi công nhân.

Cho nên đối với mối quan hệ Vua tôi, Mạnh Phu Tử có một đoạn giáo huấn rất quan trọng, trong đó có nhắc đến: “Quân chi thi thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quan như quốc nhân. Quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù”. Đoạn văn này của Mạnh Phu Tử rất có ý nghĩa. Nếu nhà lãnh đạo yêu thương cấp dưới như chân tay, thì cấp dưới đối với họ sẽ như là tâm phúc. Nếu nhà lãnh đạo coi cấp dưới như chó ngựa thì lấy chó ngựa để sử dụng mà thôi. Các vị chỉ sử dụng và trả tiền cho công nhân, chỉ coi công nhân như là một công cụ, thì cấp dưới cũng chỉ coi các vị như những người công dân khác mà thôi, không có tình cảm qua lại, không có tình cảm gì. Cho nên chỉ cần làm thêm một phút cho các vị thì nhất định cấp dưới phải đòi tiền thêm giờ, một đồng một hào cũng tuyệt đối không làm hơn cho các vị. Câu sau là: “Quân chi thị thần như thổ giới”, các vị coi người làm là thứ không quan trọng, trong lòng còn muốn nói: “Tôi có tiền thì ở đâu cũng kiếm được người làm”. Nếu như các vị khinh khi đối với người làm như vậy, thì cấp dưới đối với các vị có thể là cắn răng, bậm môi.

Tôi đã từng nghe, nhân viên ở một quán ăn thường xuyên động chân, động tay ở trong nhà bếp của ông chủ, để cho khách vào ăn đều xảy ra vấn đề. Sau đó thì tiệm ăn của ông chủ anh ấy không thể kinh doanh được nữa.

Từ câu giáo huấn này chúng ta có thể hiểu được rằng, nếu như một xí nghiệp, một đoàn thể không tốt thì nhà lãnh đạo là người chịu trách nhiệm nhiều nhất. Cho nên mới nói “trên bảo dưới nghe”, nếp sống tốt hay xấu của một xí nghiệp, một đoàn thể thì nhà lãnh đạo không tránh khỏi có trách nhiệm. Cho nên khi chúng ta là ông chủ, là chủ quản thì tuyệt đối không thể ở đó mà nói: “Sao nhân viên của mình lại kém cỏi như vậy!”. Không được có thái độ như vậy, mà phải “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Chúng ta là cấp dưới thì cũng phải nghĩ cho công ty, nghĩ đến ân đức của nhà lãnh đạo.

Còn nhớ tôi có thấy một công ty kinh doanh đã được mấy chục năm, rồi sau đó gặp khó khăn. Có rất nhiều công nhân lập tức lấy khăn trắng, sau đó buộc ở đâu? Họ đã vây chặt lấy công ty, công xưởng lại, kháng nghị biểu tình. Làm như vậy có tốt không? Khi tôi nhìn thấy vậy thì rất đau lòng.

Cuộc sống của một người, ở Đông Bắc có câu nói: “Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc sống của một người khó tránh khỏi những lúc lên xuống. Một con người, một gia đình còn như vậy, huống hồ là một xí nghiệp thì làm sao có thể thuận buồm xuôi gió mãi. Khi xí nghiệp phát triển tốt, chúng ta đã ở đó làm việc mấy chục năm trời. Tại sao sự ăn học của con cái trong mấy chục năm trời được ổn định? Tại sao gia đình được ổn định bình thường? Kinh tế ổn định là công lao của ai? Đương nhiên nhất định có công lao nỗ lực của các vị, nhưng không thể quên rằng phải có công ty, phải có ông chủ. Như vậy, họ đã phải gánh vác rủi ro. Các vị hàng ngày làm xong công việc của mình là có thể về nhà ngủ ngon giấc. Trong thời gian các vị ngủ ngon thì có thể ông chủ còn đang phải nghĩ, suy nghĩ đến tiền đồ của công ty, còn đang nỗ lực quay vòng vốn.

Bởi vì cha tôi làm ở ngân hàng, cho nên ông nói: “Các vị đừng nghĩ rằng những nhà kinh doanh này có vẻ rất nhàn rỗi. Thực ra từ ba giờ rưỡi chiều họ mới bận rộn”. Cho nên chúng ta không chỉ nhìn thấy kinh tế của những nhà làm kinh doanh có vẻ nhiều hơn, mà chúng ta còn phải nhìn nhận được sự đóng góp của họ đối với công ty nhất quyết không ít hơn chúng ta. Cho nên phải nghĩ đến những ân đức này, không thể gặp việc một cái là đã hành động theo cảm tính. Xin hỏi: Làm như vậy thì ai là người được lợi? Ai? Không có ai. Hơn nữa có thể công ty không đến nỗi phá sản, còn có thể đứng dậy được. Nhưng ngược lại, khi công nhân phản ứng như vậy thì ngay cả cái cơ hội đứng dậy cũng không còn.

Cho nên con người chân thật không được hành động theo cảm tính, phải đi kiến nghị với công ty một cách có lý trí, phải đàm phán để đạt được sự trao đổi tốt nhất. Khi người Nhật Bản bất mãn với công ty của họ thì họ không đi đình công rồi vây kín lấy xưởng của họ. Họ cũng lấy khăn trắng buộc trên đầu nhưng không nói gì, chỉ viết chữ: “Kháng nghị” và vẫn tiếp tục làm việc. Như vậy mới làm cho công ty hoạt động bình thường. Nhà lãnh đạo khi nhìn thấy có nhiều người buộc khăn trắng như vậy thì vội vàng đến để thương lượng. Họ sẽ tìm những người quản lý để tìm hiểu xem có những chỗ nào trong công ty cần phải điều chỉnh lại thì đi điều chỉnh. Khi nhà lãnh đạo xem trọng, nhà lãnh đạo có thành ý để sửa đổi thì nhân viên cấp dưới cũng sẽ rất vui vẻ. Lúc này được gọi là: “Dĩ hòa vi quý”. Gia đình hòa thuận thì vạn sự đều hưng vượng. Cho nên đối với quan hệ Vua tôi, chúng ta cũng phải luôn luôn nghĩ đến bổn phận của chúng ta, cần luôn luôn nghĩ rằng chúng ta phải làm tròn đạo nghĩa. Chúng ta phải tận hết cái ân nghĩa, tình nghĩa. Như vậy làm người mới hiền hậu và được người khác tán thành, được an ủi.

HẾT TẬP 27. XIN XEM TIẾP TẬP 28!