Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 30/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 30/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Nếu như chúng ta có thể làm cho nền nếp nói chuyện ở trong gia đình tốt đẹp, vậy thì không khí trong gia đình rất là tốt. Nếu như chúng ta là người phụ trách một đoàn thể, một xí nghiệp mà có thể luôn luôn nói những lời hay, ý đẹp, thì cũng làm cho tất cả những người cộng sự trong khi nói chuyện đều cảm thấy như được gặp gió xuân, đều có thể cổ vũ lẫn nhau, khẳng định lẫn nhau. Chúng ta phải đi đầu trong nền nếp nói chuyện như vậy. Nếu như là lãnh đạo của một đoàn thể, lãnh đạo của một chính phủ mà khi nói chuyện, họ đều khinh mạn đối với người khác, đào bới chuyện riêng tư của người khác, đều là những lời công kích như vậy, thì tuy được vui sướng một lúc, nhưng những ảnh hưởng không tốt của thói xấu đó về sau chân thật là không ước tính được.

Bởi vì trẻ nhỏ không có năng lực để phân biệt tốt xấu nên khi thấy những nhà lãnh đạo nói như vậy thì nghĩ mình cũng có thể giống như họ. Cho nên hậu quả về sau rất khó mà thu dọn được. Tục ngữ có câu: “Công môn hảo tu hành” (ở cửa công thì sự ảnh hưởng của nó rất rộng lớn). Một lời nói có thể làm hưng vượng đất nước, nhưng một lời nói cũng có thể làm mất nước. Cho nên chúng ta là những nhà lãnh đạo thì không thể không cẩn thận trong lời ăn, tiếng nói, phải suy nghĩ cho kỹ. Chỉ cần chúng ta có thái độ như vậy, tin rằng cũng có thể dùng lời nói làm cho xã hội có nếp sống tốt đẹp.

Gian xảo ngữ” (lời gian xảo), chữ “gian” ở đây có nghĩa là lừa dối, là tinh ranh. Vậy thì tại sao phải dùng “gian” với “xảo”? Là để che đậy những lời nói sai lầm của mình, che đậy sự không giữ chữ “tín” của mình. Cho nên nếu như trẻ nhỏ mà dùng lời nói gian xảo thì có thể chúng đang nói dối. Đứa bé biết nói dối có thông minh không? Không thông minh thì không biết nói dối. Có một học sinh trung học, bởi vì nó luôn luôn đua đòi theo bạn học, cho nên đều thích mua những đồ đắt tiền, nhưng mẹ nó lại không cho nó mua. Có một hôm nó đòi phải mua mắt kính hàng hiệu. Mẹ của nó không chịu và nói rằng: “Con đã có một đôi rồi còn mua làm gì?”. Người mẹ không mua cho nó thì nó tự mình đi mua. Nó đi một lúc thì mang kính về, sau đó nói với mẹ: “Mẹ đi trả tiền cho con!”. Nó có thông minh không? Nó có thể không mang theo một binh, một tốt nào, không mang theo đồng nào mà có thể nói để người ta tin rằng mẹ nó sẽ đến trả tiền. Cho nên có rất nhiều phụ huynh, thấy bọn trẻ có phản ứng như vậy thì họ liền nói: “Rất là thông minh!”. Tôi rất sợ trong trường hợp này mà phụ huynh lại nói: “Trẻ nhỏ rất thông minh”, bởi trẻ nhỏ cần phải thật thà, trung hậu. Bây giờ sự thông minh của bọn trẻ dùng để nói dối, dùng để đạt được mục đích.

Ví dụ như có một bé gái cùng đi với cha, trên đường về nhà có mấy quán kem. Khi nó đi đến quán đầu tiên thì bước chân đi chậm lại rồi nói với cha của nó: “Trời hôm nay sao mà nóng vậy!”. Cha của nó vẫn chưa có phản ứng gì. Đi đến quán thứ hai bé gái lại nói: “Lúc này mà có một que kem ăn thì tốt biết mấy!”. Và khi đi đến quán cuối cùng thì đứa bé nói: “Đây là quán kem cuối cùng rồi”. Sự thông minh đều không dùng vào lời giáo huấn của Thánh Hiền mà đều dùng để đạt được mục đích của nó. Cho nên trọng lợi, khinh nghĩa. Khi tư duy của trẻ nhỏ đều là ích kỷ tự tư, thì trong quá trình trưởng thành, đạo nghĩa sẽ biến mất từng chút, từng chút một. Cho nên sự thông minh của trẻ nhỏ phải dùng để làm một người con có hiếu, dùng để làm một người học sinh tốt, một công dân tốt, như vậy mới dùng đúng mục đích. Có rất nhiều đứa bé có những hành vi khôn vặt. Người lớn thấy vậy còn cười ha ha! Như vậy là không đúng.

Khi con cái nói dối thì có mấy khả năng xảy ra, chúng ta phải quan sát cho kỹ. Khi con cái vừa mới phạm phải sai lầm, chúng ta đã phải cẩn thận ngay từ lúc ban đầu, phải rất là cẩn thận.

Thứ nhất, con cái rất có thể chỉ vì ham muốn lợi ích, hư vinh mà nói dối.

Có một đứa bé về nhà xin cha cho hai đồng nhân dân tệ, kết quả là người cha thuận tay cho một tờ hai đồng. Nó liền nói với cha: “Cha! Con không muốn một tờ, con cần hai tờ một đồng”. Người cha cảm thấy rất khó hiểu: “Thì là hai đồng, sao lại còn phải chia ra như vậy?”. Nó nói với cha rằng: “Cha à! Chỉ cần con đem tiền nộp một lần cho sở giáo đạo là được mười điểm. Nếu cha cho con một tờ, thì con chỉ được có mười điểm. Nhưng cha cho con hai tờ tiền một đồng, con có thể mang đi và nói là con nhặt được. Vậy thì con có thể có hai mươi điểm”. Người cha của nó nghe thấy vậy liền nói: “Con trai tôi sao mà thông minh đến vậy!”.

Sau đó người cha này liền kể lại cho một người viên chức trong nghề giáo dục nghe. Người viên chức này nghe xong thì nổi da gà. Người cha này không có đủ sự nhạy bén về phương diện giáo dục, lại còn cảm thấy con mình rất thông minh. Con cái đã ngang nhiên nói dối, phụ huynh thời nay còn cảm thấy rằng nói dối là có bản lĩnh. Vậy thì có thể rất phiền phức đó. Cho nên đây là một tình huống.

Hiện nay trường học thường hay có những hoạt động quyên góp. Chúng ta cũng nên đúng thời điểm hướng dẫn bọn trẻ có quan niệm đúng đắn. Có một lần, trường học đưa ra một hoạt động cứu trợ những trường hợp nghèo khó. Có một đứa bé rất muốn quyên góp. Mẹ của nó hỏi nó muốn quyên góp bao nhiêu tiền. Đứa bé nghĩ một lúc rồi nói: “Bảy nhân dân tệ hai hào”. Có nhiều không? Không nhiều. Nhưng đó là toàn bộ số tiền nó tích cóp được và đều đem quyên góp hết, tự mình quyên góp. Trong khi đó, những bạn đồng học khác thì đều do cha mẹ quyên góp cho, đều là ba trăm, năm trăm. Kết quả trong lòng đứa bé này cảm thấy thế nào? Mình chỉ quyên góp được bẩy nhân dân tệ hai hào. Không có người nào nhìn thấy lòng chân thành của nó. Và kết quả là người này quyên góp năm trăm, người kia một nghìn. Năm trăm thì được đeo một bông hoa đỏ nhỏ, một nghìn thì được đi châm một ngọn nến. Cho nên rất có khả năng đáng lý ra chúng ta làm việc thiện, nhưng trong quá trình làm như vậy thì sẽ để cho bọn trẻ cảm thấy có thể tăng thêm sự hư vinh. Hơn nữa số tiền đó lại không phải tiền của mình mà lấy tiền của cha mẹ. Mục đích để làm gì? Không chỉ có trẻ nhỏ mới sĩ diện, rất có khả năng cha mẹ chúng cũng sĩ diện.

Trong đó có một phụ huynh đã quyên góp mấy nghìn đồng. Kết quả là trường học phát cho cô ấy một bông hoa đỏ nhỏ nhưng cô không đeo. Cô nói: “Lòng thiện là do mình tự nguyện làm, chứ không phải để được biểu dương hay khoe khoang mà còn ban phần thưởng”. Người mẹ này cũng rất nhạy cảm. Nếu như cô ấy hiên ngang đeo bông hoa này, vậy thì cô ấy làm sao có thể giáo dục được con cái làm việc thiện mà không cần người khác biết đến, bởi vì làm việc thiện là bổn phận của mỗi một con người chúng ta. Cho nên hiệu quả của giáo dục rất cần những người làm cha mẹ, những người làm giáo viên phải kỹ càng, tỉ mỉ đi xem xét mới đúng. Nếu không, việc làm đó sẽ bị nhiễm phải thói hư vinh. Như vậy thì thật là không tốt!

Thứ hai, trẻ nhỏ nói dối cũng rất có thể vì cảm thấy thú vị.

Lúc trẻ nhỏ mới bắt đầu lừa dối các vị một chút thì các vị cũng buồn cười, và chúng cũng buồn cười. Vậy thì chúng cảm thấy rất là thú vị. Các vị xem: Có rất nhiều tiết mục nghệ thuật biểu diễn trêu chọc người khác, mọi người đều cười phá lên. Cho nên trẻ nhỏ cảm thấy lừa dối người khác thật thú vị. Như vậy đều là ngộ nhận.

Chúng ta cũng rất quen thuộc với câu chuyện “Sói đến rồi”. Câu chuyện này các vị kể cho bọn trẻ học mẫu giáo thì rất có hiệu quả. Các vị kể với chúng rằng có một đứa bé chăn cừu, vì nó cảm thấy rất nhàm chán cho nên đã kêu to: “Chó sói tới! Có chó sói tới!”. Những người nông dân cũng rất là thật thà, cũng rất muốn giúp đỡ người khác, cho nên đều chạy đến giúp chú bé đuổi sói đi. Nhưng kết quả họ không nhìn thấy một con sói nào cả. Đứa bé nhìn thấy mọi người vội vã như vậy lại còn ở đó mà cười lớn. Sau đó thì những người nông dân ra về. Lần thứ hai đứa bé lại lừa dối mọi người, lần thứ hai thì không có nhiều người chạy đến nữa, nhưng cũng có một vài người đến. Lại nhìn thấy đứa bé đùa cợt với mọi người, cho nên dân làng lại bỏ về hết. Đến lần thứ ba thì chân thật là sói đến thật. Lúc đó đứa bé hô to: “Có sói đến! Có sói đến!”. Nhưng có ai đến không? Không ai cả. Các em nhỏ! Không có người đến thì sau đó sẽ ra sao? Bầy cừu sẽ làm sao? Và đứa bé sẽ làm sao? Bị ăn thịt thì chúng ta không nói mà để cho bọn trẻ tự suy nghĩ. Bọn trẻ sẽ cảm nhận được hậu quả rất là ghê sợ, ký ức sẽ sâu đậm. Cho nên nếu như bọn trẻ vì chơi đùa mà nói dối, thì chúng ta nhất định phải ngăn chặn đúng lúc, không nên để cho tái phạm.

Thứ ba, bọn trẻ có thể do muốn khoe sự tài giỏi mà nói dối.

Cho nên chúng ta cần phải kịp thời quan sát. Khoe khoang sự tài giỏi là do chúng muốn khoe khoang cho nên mới nói khoa trương thêm. Các vị chú ý để nghe xem có một số đứa trẻ mới tám tuổi, chín tuổi, mười tuổi mà đã biết đua đòi: Nhà của tôi có vi tính, có máy ảnh kỹ thuật số, vv… Càng nói lại càng khoa trương thêm. Chúng ta là giáo viên cũng nên cẩn thận ngăn chặn đúng lúc.

Vào thời nhà Tống có một vị danh thần tên là Tư Mã Quang. Có một lần ông và chị gái thi nhau bóc hạt đào nhưng ông bóc được rất chậm. Người hầu của gia đình ông liền hướng dẫn cho ông một cách là dùng nước nóng ngâm qua thì rất dễ bóc. Tư Mã Quang liền lấy nước nóng để ngâm. Vừa lúc người chị có việc phải đi ra ngoài, một lúc sau mới quay lại, nhìn thấy em bóc rất nhanh thì liền hỏi: “Em trai! Sao em lại giỏi như vậy! Ai dạy em thế?”. Tư Mã Quang nói: “Tự em học đấy”. Vừa lúc đó, cha của ông đi ngang qua.

Nếu như các vị là người cha thì sẽ làm sao? Rất nhiều lần do chúng ta có thể không để ý nên quên hết những điều này. Đó có thể là bước đầu của nói dối, và rồi sau này có lần thứ nhất thì sẽ có lần thứ hai. Bởi khi chúng khoe khoang mà không bị phát hiện, chúng còn cảm thấy mình rất giỏi. Như vậy mới thật là phiền phức. Cho nên người cha lập tức nói với con trai rằng: “Giỏi chừng nào thì nói chừng ấy, không phải tự mình biết cách bóc thì tuyệt đối không được khoe khoang”. Lần đầu tiên nói dối đã bị cha nghiêm nghị khiển trách, thì đây là một sự giáo huấn đúng đắn. Sau này cả đời Tư Mã Quang rất thẳng thắn, vô tư. Cho nên ông cũng từng nói rằng: “Bình sinh sở vi chi sự, vô hữu bất khả ngữ nhân giả”. Đây là kết quả. Chúng ta cũng cần đi xem nguyên nhân là bởi vì cha mẹ đúng đắn, hướng dẫn con đúng lúc, chứ tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên. Đây là nói về tình trạng khoe tài.

Thứ tư, trẻ nhỏ nói dối để che đậy lỗi lầm.

Có rất nhiều đứa bé khi phạm sai lầm thì chúng sẽ có một chút căng thẳng, căng thẳng vì sợ bị người lớn phát hiện. Một lần, có một đứa bé làm méo cái giá quần áo. Thật ra, giá quần áo bị méo thì rất dễ sửa, chỉ cần nắn lại là được. Nhưng đứa bé không biết cho nên rất căng thẳng, vì sợ sẽ bị phạt. Nó liền nói với bạn học ngồi ở bên cạnh rằng không được mách với thầy giáo. Kết quả thầy giáo lại vừa vặn ở gần đó liền lập tức tiến lại. Nó giật nẩy mình. Đứa bé vẫn còn nhỏ, chỉ cần các vị hướng dẫn chúng đúng lúc thì quan niệm của chúng sẽ chuyển đổi. Sau đó người thầy lập tức nói với nó: “Vô tâm phi, danh vi thố. Hữu tâm phi, danh vi ác” (lỗi vô ý, gọi là sai. Lỗi cố ý, gọi là tội). Làm méo giá quần áo thì không nghiêm trọng, nhưng không thưa lại với thầy mới là nghiêm trọng. Sau này các em sẽ không được thầy giáo tín nhiệm nữa”.

Cho nên sai thì phải nhận, “quá năng cải, quy ư vô” (biết sửa lỗi, không còn lỗi). Rồi thầy lại nói tiếp với nó: “Em phạm sai lầm cũng có thể sửa đổi, hơn nữa lại có thể học được cách làm thế nào để sửa chữa đồ dùng bị hỏng”. Người thầy này cũng rất kiên nhẫn cùng với đứa bé sửa lại giá quần áo. Những cơ hội giáo dục như thế này chúng ta phải nắm lấy, như vậy bọn trẻ mới có thể kiến lập được thái độ đúng đắn. Cho nên khi bọn trẻ có hành vi che giấu tội lỗi, chúng ta phải tỉ mỉ mà quan sát, không thể để cho chúng trở thành thói quen, bởi đã thành thói quen thì sẽ rất là phiền phức.

Thứ năm (cuối cùng), trẻ nhỏ nói dối là do bị ảnh hưởng của cha mẹ.

Có một bộ phim tên là “Điện thoại di động”. Trong bộ phim “Điện thoại di động” có thống kê một con số, nói rằng: “Mỗi ngày, một người lớn nói dối hai mươi lăm (25) lần”. Mỗi ngày người lớn nói dối nhiều như vậy, vậy thì trẻ nhỏ cũng sẽ bị ảnh hưởng một cách vô hình. Ví dụ như khi người mẹ nghe điện thoại, con cái đang ở bên cạnh, người cha cũng ở bên cạnh. Khi nghe điện thoại, người mẹ lại nói rằng: “Chồng tôi không có nhà”. Vậy thì con cái sẽ nghĩ: “Cha ở nhà mà sao mẹ lại bảo là không có nhà?”. Bọn trẻ nghe mà không hiểu gì cả. Cho nên những nơi có trẻ nhỏ thì người lớn tuyệt đối không nên nói dối. Nơi không có bọn trẻ, chúng ta cũng không được nói dối.

Trước đây tôi cũng có nói đến một sự quan sát là phải học được cách từ chối. Các vị không học được cách từ chối, người ta lại không biết chừng mực làm người của các vị như thế nào, nguyên tắc sinh hoạt của các vị ra sao. Nhưng chỉ cần những gì đáng từ chối các vị nhất định phải từ chối, thì bạn của các vị sẽ phải theo nguyên tắc của các vị mà giao lưu với các vị. Làm sao lại phải ở đó mà che che, đậy đậy! Vừa mệt mình, sau đó lại làm cho người khác hiểu lầm nói rằng: “Sao các vị không biết giữ chữ tín!” hoặc là: “Sao lại phải trốn tránh tôi!”. Thế là đem cái sự việc đáng lẽ là rất đơn giản làm thành rất phức tạp. Đây là “gian xảo ngữ” (lời gian xảo).

Chúng ta phải chú ý đến những tình huống trẻ nhỏ nói dối. Trong lời nói, hành vi mà giữ được chữ “tín”  thì điều này sẽ đặt cơ sở rất tốt cho sự phát triển sau này của bọn trẻ ở trong xã hội. Tôi có một người bạn. Khi nhỏ, người bạn này nhìn thấy người khác ăn kem que, chịu không nổi cơn thèm muốn liền ăn cắp một ít tiền của cha để đi mua kem ăn. Mắt người cha của anh bạn này cũng rất sắc bén. Khi nhìn thấy, người cha liền lập tức theo sau anh ấy để xem sự thể ra sao. Kết quả khi anh ấy vừa mua xong, đang định ăn cho thỏa thích, ngẩng mặt lên thì nhìn thấy cha của mình. Thế là anh ấy run lẩy bẩy. Cha của anh ấy không nói không rằng, dẫn thẳng con về nhà treo lên và đánh cho một trận nhừ tử. Bị đánh mắng một trận, anh bạn này về sau không còn thế nữa. Lần đầu tiên đã làm cho anh ấy nhớ đời, cả một đời cũng không dám quên. Người cha đánh anh đau đến nỗi, chỉ cần đi qua chỗ ăn cắp tiền là anh đã run lên cầm cập. Từ đó về sau thì anh không còn dám có những hành động thiếu suy nghĩ như vậy nữa.

Sau này khi anh ấy lớn lên, khi đến một nơi khác làm việc, cũng cách xa nhà một chút, nên anh phải tạm trú trong ký túc xá của nhà ông chủ. Lúc anh ở trong ký túc xá, buổi sáng thức dậy anh cũng thường giúp đỡ dọn dẹp. Trong lúc dọn dẹp chợt phát hiện trên nền nhà có tờ một trăm đồng, hai trăm đồng, anh liền nhặt lấy rồi đem đưa cho bà chủ. Một thời gian sau, thật là kỳ lạ: “Sao lại có ba trăm, năm trăm đồng rơi như vậy?”. Anh cũng lại nhặt lên và đưa cho bà chủ. Anh nói có lúc nhặt được nhiều nhất phải đến mấy nghìn đồng.

Sau đó khi anh làm việc ở công ty này, học lực của anh tuy không cao, nhưng ông chủ lại cho anh rất nhiều cơ hội đi tu học, đều phá lệ để cho anh tham gia. Có rất nhiều khóa tu học chỉ có sinh viên đại học mới được tham gia, nhưng ông chủ vẫn cho anh đi học. Anh đã ở trong công ty này phục vụ rất nhiều năm, biểu hiện cũng rất tốt. Sau đó, anh tự mình ra mở cửa hàng riêng và cũng đến từ biệt với ông chủ. Ông chủ có mời anh ăn cơm để chia tay anh. Sau khi ăn cơm xong, anh liền hỏi ông chủ một thắc mắc: “Tôi có một việc rất muốn hỏi ông”. Anh nói: “Tại sao tôi lại thường xuyên nhặt được tiền ở nhà ông vậy?”. Ông chủ liền cười và nói: “Anh là người ngoài đến nhà tôi ở. Tôi làm sao biết được đức hạnh của anh ra sao. Cho nên số tiền đó là do tôi cố ý để ở đó”.

Khi một người không có đức hạnh tốt, thì rất có thể làm mất đi những cơ hội tốt ở một thời điểm nào đó. Vì vậy chữ “tín” so với tính mệnh của một người là quan trọng như nhau. Cho nên nói: “Gian xảo ngữ, uế ô từ. Thị tỉnh khí, thiết giới chi(Lời gian xảo, từ bẩn thỉu. Thói tầm thường, phải trừ bỏ).

  1. KIẾN VỊ CHÂN, VẬT KHINH NGÔN. TRI VỊ ĐÍCH, VẬT KHINH TRUYỀN. SỰ PHI NGHI, VẬT KHINH NẶC. CẨU KHINH NẶC, TIẾN THOÁI THÁC. PHÀM ĐẠO TỰ, TRỌNG THẢ THƯ. VẬT CẤP TẬT, VẬT MƠ HỒ. BỈ THUYẾT TRƯỜNG, THỬ THUYẾT ĐOẢN. BẤT QUÁN KỶ, MẠC NHÀN QUẢN.

Thấy chưa thật, chớ nói bừa

Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền.

Việc không tốt, chớ dễ nhận

Nếu dễ nhận, tiến lui sai.

Phàm nói chuyện, nói trọng điểm

Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ.

Kia nói phải, đây nói quấy

Không liên quan, chớ để ý.

 

************

19.1 Kiến vị chân, vật khinh ngôn (Thấy chưa thật, chớ nói bừa)

Khi chúng ta chưa nhìn rõ chân tướng sự việc, chỉ là nghe những lời nói phiến diện thì tuyệt đối không được truyền những lời này đi. Đây là một thái độ rất quan trọng. Nếu như các vị chưa xác định được, có thể đó chỉ là những tin nhảm, vậy mà các vị lại truyền đi như vậy thì tự mình đã biến thành đồng lõa của kẻ xấu. Cho nên trong đoàn thể thì phải “dĩ hòa vi quý”, tuyệt đối không được gây điều thị phi. Việc cùng chung nhận thức này rất quan trọng. Bởi vì điều cần thiết trong đoàn thể là sự bao dung chứ không phải là công kích, không phải là lăng mạ. Cho nên thời cổ xưa đối với lời nói thì rất cẩn thận. Bởi vì dường như lời nói luôn luôn giống như chiếc cầu nối sinh ra sự hỗn loạn, từng lời nói gièm pha sẽ từ từ trở thành sự bạo loạn.

Cho nên “quân thính thần đương chu”, Vua mà nghe lời gièm pha thì người làm quan sẽ bị tai ương. “Phụ thính tử đương quyết”, cha nghe lời gièm pha của mẹ kế, nghe lời gièm pha của người ngoài thì con cái có thể cũng bị tai ương, tình cốt nhục có thể sẽ bị phân tán. “Phu thê thính chi li”, vợ chồng nghe lời gièm pha, vợ chồng có thể sẽ phân ly. “Bằng hữu thính chi sơ”, bạn bè nghe lời gièm pha thì từ từ sẽ xa cách. Cho nên đối với lời gièm pha, chúng ta phải rất cẩn thận, phải chú ý.

Khi một người đến để nói lời thị phi thì một người có tu dưỡng có cùng nói chuyện thị phi không? Bởi điều mà người có tu dưỡng hy vọng là con người sống hòa thuận với nhau. Rất có thể giữa các vị và một người nào đó có những điều không vui, người có đạo đức có thể sẽ đến để nói với các vị: “Thật ra lần trước đối phương đã rất khen ngợi các vị” để cho cái tức khí của các vị bớt đi. Lùi một bước thì trời cao biển rộng. Thật ra khi nhẫn nại được một lúc tức bực thì những sự bực tức đó đều là hư không. Chỉ cần chúng ta biết điều tiết, điều tiết để nhượng bộ lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau thì sẽ không có việc gì xảy ra. Sợ nhất là đổ thêm dầu vào lửa thì rất là phiền phức.

Thời xưa có một bài thơ nhắc chúng ta phải cẩn thận đối với lời gièm pha rằng: “Đường đường thất xích khu”, “mạc thính tam thốn thiệt”, “thiệt thượng hữu Long Tuyền, sát nhân bất kiến huyết”. Một gia đình, một đoàn thể, thậm chí là một quốc gia cũng phải sống với nhau hòa thuận. Chúng ta là một trong những phần tử ở trong đó thì nhất định phải phân biệt được những lời gièm pha. Cho nên “kiến vị chân” (thấy chưa thật), nếu như họ đang nói điều thị phi về một người, mà các vị cũng có giao hảo tốt với người này thì đương nhiên lúc đó các vị cũng không thể đem những lời này truyền ra ngoài được. Vậy thì chúng ta nên làm như thế nào? Rốt cuộc thì các vị cũng đã nghe rồi, không thể coi như không nghe thấy. Cho nên các vị có thể nói với người bạn này rằng: “Hiện nay bên ngoài đang có những lời đồn về anh như vậy”. Chúng ta dùng tấm lòng chân thành để nói với họ. Sau khi nói xong, nếu như không có chuyện như vậy thì chúng ta sẽ an ủi anh ấy rằng: “Những chuyện đó không phải do anh làm thì sớm muộn họ cũng sẽ biết được lòng người”. Nhưng nếu như những lời đồn đại đó có mấy phần là sự thật thì chúng ta cũng nên khuyên can anh ấy một cách thích đáng: “Danh dự của một con người trong đoàn thể rất là quan trọng. Chúng ta cần phải giảm bớt phóng túng một chút”.

Cho nên dù là những lời gièm pha hay những lời nói xấu người khác, khi đến chỗ chúng ta thì phải dừng lại. Cho nên đối với những người hiểu biết có học thì cho dù câu chuyện nghe được là sự thật, nhưng câu chuyện có thật này có liên quan đến sự hòa thuận của đoàn thể, liên quan đến danh tiết của một người thì họ cũng sẽ lái sang chuyện khác mà không nói đến. Cho nên mới nói: “Xấu che tốt khoe”. Khi các vị biết “xấu che tốt khoe”, người khác có một chút tốt đẹp thì các vị liền khen ngợi họ và những điều không tốt của họ thì các vị lại không nói. Từ uy nghi của các vị thì họ cũng hiểu được là các vị có biết. Cho nên lúc này họ cũng sẽ cảm nhận được rằng: “Mình làm một chút việc tốt thì người ta khen ngợi mình, nhưng mình làm việc xấu người ta cũng không chỉ trích mình”. Cứ như vậy từ từ họ sẽ đi về phương hướng tốt. Cho nên những điều này đều là những chừng mực của tình người.

Chúng ta cũng phải luôn luôn nâng cao năng lực phán đoán sự việc. Bởi vì nếu như các vị phán đoán không đúng, rất có thể các vị sẽ trở thành có tấm lòng tốt nhưng lại làm việc xấu. Ví dụ hiện nay, có rất nhiều tổ chức lấy danh nghĩa từ thiện, lấy danh nghĩa vì công ích để lừa tiền. Nếu như các vị không hiểu được tổ chức này có tốt hay không, các vị chưa biết được sự thật đã lập tức dẫn theo một số đông người đến giúp đỡ, đến quyên tiền, nhưng đến cuối cùng thì lại là lừa gạt người ta. Vậy thì các vị cũng rất khó để mà giải thích với những người bạn này. Cho nên chúng ta phải cẩn thận, đầu tiên phải quan sát cho rõ ràng.

Giống như chúng tôi đi phát triển văn hóa Thánh Hiền, có rất nhiều người nói chúng tôi là “treo đầu dê bán thịt chó”, là để kiếm tiền của họ. Bởi có thể có một số người cũng đi giảng, khi nói chuyện một, hai tiếng đồng hồ, trong đó sẽ có người nói rằng văn hóa ngàn năm của Tổ Tông rất tốt, nhưng tiếp theo là nói những lời của họ. Vậy thì những người ngồi bên dưới nghe giảng, khi nghe xong sẽ cảm thấy rất là tốt và sau đó bắt đầu đi tuyên truyền ra ngoài, bởi vì tâm tình của quần chúng rất dễ bị lôi kéo. Các vị khen ngợi nói rằng người kia giảng rất hay, thì có thể mọi người còn hiểu lầm rằng anh ấy giảng hay thật, và có thể còn mua rất nhiều đồ của anh ấy nữa. Thế là anh ấy đạt được mục đích.

Thật ra chúng ta cần phải biết phán đoán: Nếu như anh ấy chân thật muốn kế thừa và phát triển văn hóa Thánh Hiền thì nhất định anh ấy phải nắm bắt được nòng cốt của những lời giáo huấn trong văn hóa ngàn năm của Tổ Tông ở đâu và từ đâu để thực hiện. Từ “Nhập Tắc Hiếu” (Ở nhà phải hiếu), “phù hiếu đức chi bản dã”, nếu như nói hai tiếng đồng hồ mà không có nhắc tới chữ “hiếu”, không nhắc tới chữ “đức hạnh” mà các vị lại còn nói anh ấy giảng thật là hay, như vậy mà truyền ra ngoài thì có thể sẽ làm cho người khác hiểu lầm theo. Cho nên chúng ta phải dùng lý trí để phán đoán. Như vậy chúng ta mới không bị “lấy tấm lòng thiện để làm việc xấu”, cũng sẽ không bị một số người xấu có cơ hội lợi dụng. Cho nên lúc này chúng ta cũng phải nghĩ đến việc phải phán đoán cho kỹ càng một tổ chức, sau đó sẽ đàm luận với họ. Như vậy chúng ta mới tránh được những sự việc không tốt xảy ra. Đây là “kiến vị chân, vật khinh ngôn” (thấy chưa thật, chớ nói bừa).

Câu “kiến vị chân, vật khinh ngôn” (thấy chưa thật, chớ nói bừa) này, tôi có một người bạn, anh ấy cũng nghe người khác nói rất nhiều điều về một người bạn của mình, đều là nói người bạn của anh không tốt. Nhưng đương nhiên anh không truyền những điều này ra ngoài mà trực tiếp đi gặp và hỏi chính người bạn của mình. Anh ấy đem những điều đồn đại bên ngoài nói hết cho người bạn này nghe, sau đó hỏi xem có đúng vậy không. Và trực tiếp để cho bạn mình giải thích tình hình lúc đó như thế nào. Người bạn của tôi làm như vậy là rất có lý trí, không hùa theo người khác nói gì thì nói theo như vậy. Cho nên khi con người biết dùng lý trí để đối phó, thì sẽ làm cho những lời đồn nhảm không còn cơ hội để phát tán nữa.

************

19.2. Trí vị đích, vật khinh truyền (Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền)

Câu này có rất nhiều đạo lý chúng ta hiểu chưa thấu triệt. Đối với những sự thật mà chúng ta hiểu chưa rõ ràng thì không thể nói với người khác một cách tùy tiện bởi vì sợ rằng khi nghe xong, người ta sẽ ghi tâm và khi chúng ta nói sai thì sẽ hướng dẫn họ đi vào con đường sai lầm. Như vậy là không tốt! Ví dụ như hiện nay chúng ta đang học Kinh điển, lúc này có người hỏi các vị học Kinh điển nên bắt đầu từ quyển nào để học? Các vị nên nói: “Đệ Tử Quy”. Bởi vì thời nay mười người có mười cách nhìn khác nhau, cho nên chúng ta làm sao mà xác định được cách nhìn của chúng ta là đúng. Nhưng chúng ta có thể tìm đáp án ở trong Kinh điển.

Tại sao lại gọi là Kinh? Chúng ta đều biết địa cầu có kinh tuyến, vĩ tuyến. Điểm quan trọng của kinh tuyến, vĩ tuyến là có thể làm tiêu chuẩn mà không bao giờ bị thay đổi. Cũng như vậy, Kinh điển là chân lý từ cổ xưa đến nay không bao giờ thay đổi. Chỉ cần các vị tìm ở trong Kinh điển thì các vị sẽ có lòng tin. Chân thật là như vậy. Cho nên, nếu một người nói với các vị căn bản của đức hạnh không giống với chữ “hiếu” thì các vị có thể phán đoán lời nói của họ là sai.

Thời đại hiện nay chúng ta phải “y pháp bất y nhân. Nếu không các vị sẽ phải nghe những điều lung tung, rối loạn. Cho nên khi chúng ta, ví dụ như căn cứ theo những lời giáo huấn của “Tam Tự Kinh”, thì sẽ lập tức loại bỏ được rất nhiều quan niệm tưởng là đúng nhưng lại sai. Ví dụ như nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”. Đó là nói rõ đáp án: Tính của con người vốn lương thiện, nhưng nếu không được giáo dục tốt thì rất dễ nhiễm những thói hư tật xấu. Chúng ta không cần phải đi biện luận triết lý tính thiện, tính ác, biện luận nửa ngày thì ra được tiêu chuẩn này: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”.

Các vị xem: Ngày nay một sự học mà có đến bốn kiểu, năm kiểu. Học có được không? Người thời nay không nghe theo Kinh điển, không nghe theo Thánh Hiền mà đều nghe theo ai? Cho nên thời đại hiện nay chỉ ưa nghe lời lừa dối chứ không nghe lời khuyên bảo, coi những điều giả dối là sự thật.

Thật vậy! Tôi cũng có cảm nhận như thế. Ví dụ như lúc này, có một vị phụ huynh đến thảo luận với tôi làm sao để giáo dục tốt con cái. Khi anh ấy nói xong tình huống như vậy thì nhất định tôi sẽ nói với anh ta rằng: “Băng đông tam xích, phi nhất nhật chi hàn”. Đối với con cái, các vị phải dùng sự kiên nhẫn, dùng lòng yêu thương của các vị kết hợp với thầy giáo, phải mất thời gian khoảng nửa năm, một năm để từ từ đưa chúng vào quỹ đạo. Những phụ huynh khi nghe thấy là nửa năm, một năm thì lông mày luôn luôn nhíu lại: “Sao lâu quá vậy!”. Lúc ra về họ còn nói: “Thầy Thái à! Cảm ơn thầy, có cơ hội lại đến thỉnh giáo thầy”. Sau khi đi rồi thì vị phụ huynh này từ đó không quay trở lại nữa.

Có khả năng trên báo lại có đăng tin: “Khóa trình trong ba ngày đảm bảo các vị sẽ đào tạo ra một thiên tài”. Khóa trình cũng rất đắt tiền. Anh ấy lập tức chạy đến ghi danh tham gia, và mọi người sẽ đua nhau kéo đến. Cũng từ điểm này chúng ta nhìn thấy được: Nói cho anh ấy chân lý chân thật thì anh ấy không tin. Người thời nay chỉ vì cái lợi ích trước mắt, đều rất muốn “một bước là lên đến trời”. Như vậy là đi ngược lại với học vấn “dục tốc bất đạt”. Cho nên phải biết phán đoán mới phải.

Trong “Tam Tự Kinh” có câu nói: “Vi học giả, tất hữu sơ”. Đầu tiên phải học cái gì? “Tiểu Học chung, chí Tứ Thư”. Cho nên các vị có thể yên tâm mà nói:  Bắt đầu học từ quyển “Tiểu Học”. Hiện nay sâu sắc thấu đáo nhất của “Tiểu Học” là “Đệ Tử Quy”. Quyển “Đệ Tử Quy” đã được căn cứ theo cương lĩnh của “Tiểu Học” để biên soạn ra. Như vậy các vị cũng không sợ là mình nói sai. Sau khi học xong “Tiểu Học” thì học “Hiếu Kinh”, học “Tứ Thư”. Hơn nữa khi bọn trẻ đã có căn bản của “Đệ Tử Quy”, vậy khi chúng học “Hiếu Kinh”, học “Tứ Thư” thì mùi vị không giống nhau.

Khi các vị dạy đến: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dữ?”, bọn trẻ đọc đến “hiếu đễ dã giả”, vậy thì chữ “hiếu” và chữ “đễ” sẽ không còn là một chữ, mà là cái gì? Chúng sẽ giơ tay và nói: “Thưa thầy! Chữ “hiếu” này có phải là chỉ “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) không?”. Chữ “hiếu” của chúng không phải là trống rỗng. Chữ “hiếu” của chúng đã kết hợp với cuộc sống. Chúng biết được học vấn thì “học” phải đi đôi với “hành”, nhất định phải nỗ lực thực hiện những gì đã học. Thái độ này mà đúng đắn thì hướng đi sẽ không bị sai lệch. Cho nên “kiến vị chân, vật khinh ngôn(thấy chưa thật, chớ nói bừa), sự kiến giải của chúng ta phải chính xác, tất nhiên là phải tìm hiểu từ trong Kinh văn, phải từ những lời giáo huấn của Thánh nhân mà tích lũy năng lực phán đoán của chúng ta.

19.3. Sự phi nghi, vật khinh nặc. Cẩu khinh nặc, tiến thoái thố (Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai)

Thời nay con người hứa hẹn một cách dễ dàng có nhiều hay không? Cho nên lúc đang vui, lúc chúng ta đang rất cao hứng thì không nên hứa với người khác bất cứ điều gì. Bởi rất có thể đến khi đó chúng ta lại không thực hiện được thì chúng ta sẽ thất tín với người khác. Cho nên người lớn thường hay phạm phải một sai lầm là khi các vị rất vui thì trẻ nhỏ sẽ thăm dò ý tứ mà đòi hỏi thứ này, thứ nọ của các vị. Các vị liền nói “Được! Được!”, để rồi sau đó lại hối hận. Các vị xem, chúng ta là những người lớn, vào lúc nào thì dễ dàng hứa với bọn trẻ nhất? “Khi bọn trẻ thi được điểm cao”. Câu trả lời này rất hay, rất chân thật. Khi thi được điểm cao, chúng thường đòi phải thưởng cho thứ gì đó. Cho nên mục đích học tập của bọn trẻ là ở đâu? Vô hình trung khi chúng ta hứa với bọn trẻ một điều gì đó, thì đã nuôi dưỡng thói hư vinh của chúng, làm cho cái mục đích học tập của chúng bị sai lệch đi.

Cho nên tình trạng hiện nay là: Học sinh cấp một thi được điểm cao thì sẽ được ăn kem. Cấp hai thi được điểm cao thì được mua xe đạp. Còn cấp ba thi được điểm cao thì sẽ có thể đàm phán và còn được chọn lựa: “Con thích máy nghe nhạc MP3 hay thích cái gì?”. Động lực học tập của con trẻ cũng đều vì những món đồ này. Cho nên tại sao có rất nhiều cha mẹ bị con cái đuổi ra khỏi nhà, bởi vì chúng cảm thấy rằng những thứ chúng muốn thì các vị đều phải làm thỏa mãn chúng. Cho nên khi thói quen ham muốn tài vật đã hình thành, thì dục vọng của bọn trẻ sẽ ngày càng tăng thêm.

Ham muốn là vực thẳm. Từ nhỏ bọn trẻ đã mở rộng lòng ham muốn thì có đóng lại được không? Từ tiết kiệm chuyển sang phung phí thì dễ, từ phung phí chuyển sang tiết kiệm thì rất khó. Cho nên, khi đòi hỏi của bọn trẻ đã trở thành thói quen rồi, và khi có một hôm các vị không cho chúng nữa thì chúng sẽ làm sao? Tôi đã nghe nói, rất nhiều học sinh cấp hai đánh lại mẹ, mẹ không cho tiền là đánh. Đến lúc đó những người làm cha mẹ có kêu trời, trời cũng không thấu, kêu đất, đất cũng không thưa. Cho nên trong sự dễ dàng mà hứa hẹn này cũng đều do quá yêu chiều mà ra.

Có một vụ án hình sự, một thanh niên khi nhỏ được cha thường xuyên cho rất nhiều tiền. Cho nên người thanh niên này tiêu tiền thành thói quen. Sau khi lớn lên, một tháng phải tiêu hết mấy vạn tệ, một, hai vạn nhân dân tệ, tiêu rất nhiều. Một ngày nọ, người cha không chịu nổi nữa, ông không cho anh ta tiền và còn sắp xếp cho người con đi lính. Đi lính được hai năm, hai năm sau trở về thì cái thói quen tiêu tiền đó có thay đổi không? Rất khó, chân thật là khi đã nhiễm phải thói ham muốn hư vinh, xa hoa, chỉ cần anh ấy bước vào hoàn cảnh như vậy thì anh ấy chịu không nổi mà phải cố gắng để giữ thể diện. Cho nên sau khi đi lính về, anh ấy cũng không có thay đổi gì, tính vẫn như xưa. Cha của anh ấy nói thẳng với anh ấy rằng ông không cho anh ấy tiền nữa. Kết quả người thanh niên đó đã thuê sát thủ để giết cha mẹ mình. Hắn đứng trước cửa nhà nói với tên sát thủ được thuê rằng: “Đợi chút nữa có một người cao như thế này này đi ra”. Nói chung là anh ấy nói rõ đường đi nước bước. Tên sát thủ hỏi anh ấy rằng người đó là ai? Anh ấy nói là cha củamình. Và thế là người cha bị giết chết. Sau đó, bởi vì mẹ anh ấy giữ chìa khóa tủ đựng tiền, cho nên anh ấy cũng giết luôn cả mẹ.

Thời nay giết cha, giết mẹ không còn là việc hiếm nữa. Nguyên nhân do đâu? Trọng tiền tài, khinh nghĩa. Ham muốn tiền tài không ngừng tăng thêm thì sẽ trở thành dục vọng, trở thành ác ma điều khiển hành vi của anh ấy. Anh ấy có muốn thoát ra cũng rất khó. Bởi vậy chúng ta phải cẩn thận với điều: “Sự phi nghi, vật khinh nặc” (việc không tốt, chớ dễ nhận), không thể để cho con cái có thói quen xa hoa, phung phí.

Có một đứa bé khi thấy thức ăn không như ý liền không vui, cho nên tức giận và không ăn cơm. Bình thường thì người mẹ sẽ chạy lại nịnh nó, có thể còn hứa với nó rằng nó mà ăn hết thì thứ Bẩy này sẽ đưa nó đi ăn ở tiệm ăn nhanh McDolnad. Đáng lẽ ra đứa bé không ăn, nhưng khi mẹ nói như vậy thì nó liền nuốt ngay. Bởi khi chúng ta không có nguyên tắc thì bọn trẻ cũng hiểu được chúng ta quá rõ ràng. Bọn trẻ biết chúng chỉ cần có thái độ như thế nào là người lớn phải chiều theo ngay, đồng ý ngay. Tình trạng này sẽ rất phiền phức. Cho nên khi đứa bé này không ăn cơm thì người cha cũng không nói năng gì, vẫn tiếp tục ăn cơm. Khi người vợ định chạy lại nịnh đứa con thì người chồng rất có sự nhạy bén trong giáo dục, liền lập tức dùng ánh mắt nói với người vợ: “Em để đó cho anh!”. Đương nhiên là không nói ra thành lời, chỉ là vợ chồng hiểu ngầm với nhau.

Cho nên nguyên tắc giáo dục con cái nhất định phải thống nhất giữa hai vợ chồng. Nếu không, con cái sẽ trốn ở sau lưng người cha hoặc người mẹ không có nguyên tắc.

Đợi sau khi cả nhà ăn xong cơm mà nó vẫn không chịu ăn, người cha liền nói: “Nào! Hãy dọn hết, dọn hết tất cả đi!”. Có lẽ đứa bé vẫn ở đó mà tức bực, nói chung cứ để cho nó tức giận. Kết quả bởi buổi tối hôm đó không ăn cơm, cho nên đến nửa đêm thì đói quá không ngủ được, nó liền thức dậy để lục tủ lạnh lấy đồ ra ăn, ăn toàn đồ lạnh. Sau lần đó liệu nó còn dám đe dọa nữa không? Còn dám yêu cầu nữa không? Không dám.

Cho nên từ mấy bài trước, chúng ta đã lĩnh hội sâu sắc được rằng: “Giáo dục thì phải cẩn thận ngay từ bước ban đầu”. Điều này đặc biệt quan trọng. Không chỉ quan trọng với trẻ nhỏ, mà ngay sự chung sống giữa người lớn với người lớn thì đầu tiên các vị cũng phải cho họ biết được cái nguyên tắc công và tư ở đâu. Bởi vậy mới có câu: “Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về”, cũng là cái đạo lý đó. Khi người vợ mới về thì không thể giở thói ngang ngược ở mọi nơi, mà phải tìm hiểu xem tình trạng trong gia đình chồng như thế nào, thì mọi người mới sống hòa thuận được.

Vật khinh nặc” (chớ dễ nhận), một là bởi vì quá yêu chiều, hai là không có nguyên tắc nên cha mẹ hứa với con cái đều dựa vào cái sở thích, thích thì hứa hẹn. Có thể sau khi hứa xong thì tâm tình cha mẹ lại thay đổi, lại không cho chúng nữa. Như vậy thì con cái sẽ không tín nhiệm với các vị nữa.

Ví dụ như khi các vị đang ở đó chơi mạt chược thì liền nói với đứa con rằng: “Được rồi! Con không được làm ồn, chút nữa con thích gì ta sẽ mua cho”. Cho nên sau này, khi chúng muốn mua thứ gì thì đều nhắm vào lúc bạn đang đánh mạt chược, hoặc vào lúc các vị đang bận việc. Chúng biết vào những lúc này có đòi hỏi thứ gì cũng đều được cả. Như vậy thì thật là rắc rối.

Bởi vậy cha mẹ không nên hứa hẹn một cách khinh suất. Cha mẹ làm gương không hứa một cách khinh suất, sau đó tiến thêm một bước là giáo dục con cái cũng không được hứa một cách khinh suất với người khác.

Có một đứa bé, nó vừa tặng bạn cùng học một cây bút chì. Người bạn rất là sung sướng liền nhận lấy, sau đó gọt đầu bút chì để viết. Hôm sau đi học, đứa bé liền hỏi người bạn mà nó tặng cho cây bút chì rằng: “Hôm nay bạn có chơi với tớ không?”. Người bạn cũng rất đơn thuần liền trả lời rằng: “Hôm nay tớ không chơi với cậu”. “Không chơi? Vậy thì trả lại cây bút chì cho tớ!”. Đứa bạn cũng rất đơn thuần nên lấy cây bút chì ra trả lại. Đứa bé nói: “Tớ không lấy cây bút chì đã bị gọt đầu”. Người bạn liền lấy một cây bút chì chưa gọt ra. Nó lại nói: “Không phải cây này mà phải là cây bút tớ cho bạn”.

Thầy giáo thấy vậy liền biết là cơ hội để giáo dục đã đến. Cho nên thầy liền bảo với nó rằng: “Phàm xuất ngôn, tín vi tiên” (phàm nói ra, tín trước tiên). Em đã cho người khác thì đồ vật đó không còn là của em nữa. Em không có tư cách để đòi người ta trả lại. Trước khi tặng bạn, lẽ ra em phải cân nhắc kỹ càng rằng em có thực lòng muốn tặng hay không. Hoặc là hôm nay khi em cho người ta cái gì đó, khi em nhận lời với người khác việc gì đó, thì đầu tiên em phải cân nhắc xem năng lực của em có làm được không. Nếu như năng lực của em không đủ mà lại nhận lời với người ta, thì đến lúc đó nhất định em sẽ thất tín. Hơn nữa khi nhận lời với người khác, ngoài việc phải cân nhắc xem mình có đủ năng lực không thì còn phải cân nhắc xem  việc mình nhận lời với bạn học đó có phù hợp với quy định của nhà trường hay không. Có khi nhà trường có quy định không được làm như vậy mà em vẫn nhận lời với bạn học thì như vậy là không đúng.

Cho nên làm việc gì cũng cần phải phù hợp với quy định, phù hợp với luật pháp nhà nước, phải suy nghĩ từ những phương diện này. Như vậy mới là hành vi đúng đắn. Chỉ khi chúng ta thấy mình thật sự có năng lực để làm thì mới nên nhận lời với bạn. Cho nên chúng ta cũng cần phải giáo dục cho học sinh thái độ “vật khinh nặc” (chớ dễ nhận).

HẾT TẬP 30. XIN XEM TIẾP TẬP 31!