CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 34/40
Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005
Đối với những hành vi, lời nói, chúng ta cũng thường phải quán chiếu xem có chỗ nào bị sơ suất không. Ví dụ như chúng ta đi xe đạp cùng với các bạn thì cũng không nên đi song song. Thứ nhất là rất nguy hiểm. Thứ hai là có thể sẽ ảnh hưởng đến người đi phía sau. Tục ngữ có nói: “Vui quá nên quên hết tất cả”. Chúng ta cũng phải thường xuyên quán chiếu.
Nếu như chúng ta đã biết như vậy là sai mà vẫn cứ làm thì đó là làm việc xấu. Vậy thì hiện giờ chúng ta hãy xem xem, có rất nhiều việc mọi người đều hiểu rằng không nên làm nhưng vẫn có người làm. Ví dụ như hút thuốc lá nơi công cộng, hoặc đã có biển đề rằng: “Cấm câu cá!” nhưng vẫn có người câu cá, hoặc biển đề: “Cấm đổ rác ở đây!” nhưng vẫn có người vứt rác ở đó. Những điều này đều thuộc phạm trù nếp sống xã hội. Nếp sống xã hội này ai là người phụ trách? Mỗi một phần tử của xã hội đều chịu trách nhiệm. Nếu như cả xã hội đều không có đạo nghĩa chung, khi người khác làm sai, chúng ta cũng không đi uốn nắn sửa chữa, vậy là đã để cho những người làm việc xấu này càng ngày càng hung hăng, càn quấy. Cho nên, mới có câu nói: “Nuông chiều quá sinh hư, nể quá hóa hỏng”.
Hoặc là khi xếp hàng, chúng ta thấy có người chen ngang thì lúc đó chúng ta cũng phải đi khuyên giải. Đương nhiên khi khuyên giải, chúng ta cũng cần phải chú ý “Di ngô sắc, nhu ngô thanh” (Mặt ta vui, lời ta dịu). Cho nên chữ “thân” của câu “thân hữu quá” (cha mẹ lỗi) trong “Đệ Tử Quy” chúng ta không phải chỉ là cha mẹ, không chỉ là người thân, mà là “tứ hải chi nội giai huynh đệ dã”, cả xã hội đều là một thể. Mỗi một phần tử của xã hội đều là đồng bào của chúng ta. Chúng ta phải có nghĩa vụ đi khuyến cáo họ, nhưng phải chú ý có thái độ thích hợp để tránh xảy ra xung đột.
Thực ra, tại sao có một số người biết là sai nhưng vẫn cứ làm? Bởi trong lòng họ luôn luôn nghĩ rằng người khác cũng như vậy. Đây cũng chỉ là viện cớ. Nhưng điều này cũng không phải là không có lý. Bởi vì những tấm gương làm việc tốt quá ít, cho nên họ cảm thấy rằng phạm lỗi dường như là việc rất bình thường. Cho nên chúng ta phải thực hiện một sứ mệnh là khi xã hội có những việc sai trái thì chúng ta nhất định phải làm gương để uốn nắn, sửa chữa. Ví dụ như người trong xã hội không biết báo đáp ơn nghĩa, vậy thì chúng ta phải làm ra những việc tri ân, báo ân. Người trong xã hội không có lễ nghĩa, chúng ta phải rất có lễ nghĩa để cho họ sinh lòng hổ thẹn.
Thời nay, ví dụ như có rất nhiều người lấy của công để sử dụng vào việc riêng. Đây cũng là một khuynh hướng. Như vậy thật ra họ đã phải chịu thiệt thòi. Lấy của công thì phải thiếu nợ của toàn bộ những người trong đoàn thể. Như vậy rất khó mà trả hết nợ. Đây là: “Tiểu nhân chịu thiệt thòi mới là tiểu nhân”. Cho nên chúng ta cũng nên thương hại họ vì đã không hiểu đạo lý “Vật tuy tiểu, vật tư tàng” (Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng). Chúng ta càng phải thể hiện sự liêm khiết của chúng ta trong công ty, trong tập thể. Bất kỳ một đồ dùng công cộng nào cũng tuyệt đối không tơ hào một chút. Khi các vị có những hành vi như vậy thì cả tập thể cũng sẽ có được sự hạn chế. Người ta nhìn thấy các vị như vậy thì bản thân họ cũng sẽ bớt phóng túng đi. Quý vị thân mến! Chớ có xem thường sự ảnh hưởng của các vị trong gia đình hoặc trong công ty! Chỉ cần các vị làm đúng thì người bên cạnh không dám lỗ mãng, khinh suất. Cho nên chúng ta chân thật phải là tấm gương tốt.
Có rất nhiều người biết rõ rằng như vậy là hoàn toàn sai lầm, nhưng bởi vì họ không kìm chế được tính khí của mình, thế nên vẫn cứ làm. Ví dụ như biết được rằng xung đột với người khác là sai, nhưng khi nổi nóng lên thì không kìm nén được. Cho nên chúng ta phải tìm cách để đối trị với tình trạng này.
Có một đôi vợ chồng, hễ chồng có một chút chuyện thì người vợ này liền không vui và nghĩ rằng: “Anh ta lại dám như vậy thì mình cũng làm điều xấu cho coi”. Trạng thái tâm lý như vậy được gọi là làm việc bằng cảm tính. Như vậy không giúp ích gì đối với bản thân, mà càng làm thì càng phức tạp, rắc rối thêm.
Tôi cũng từng nghe nói, có một người chồng rất muộn mới về nhà. Thế là người vợ không được vui và người vợ cũng đi chơi rất muộn mới về. Vậy thì người bị tổn thương nhiều nhất không ai ngoài những đứa con của họ. Cho nên, người khác có đúng hay không, điều này không quan trọng. Quan trọng là chúng ta đã làm đúng chưa và nhất định phải luôn luôn nhắc nhở mình. Khi chúng ta đã làm đúng rồi thì mới có tư cách để nói người khác. Hơn nữa khi các vị chân thật đã làm đúng thì độ tín nhiệm các vị trong con mắt của người khác nhất định tương đối cao. Cho nên phải giải quyết sự việc một cách viên mãn, phải có tính kiên nhẫn. Đầu tiên phải từ chính bản thân mình mà tu thân, bắt đầu “tu thân, hành đạo” từ chính bản thân mình.
Quý vị thân mến! Khi chúng ta học xong khóa giảng này, các vị về nhà thì cũng không nên yêu cầu người khác phải thực hiện ngay. Quan trọng nhất là yêu cầu bản thân mình thực hiện trước. Tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với một số vị bạn hữu. Ngày đầu tiên họ đến nghe giảng, nghe xong liền nói: “Người bạn đó của tôi cần được nghe giảng nhất. Con trai của tôi cần được nghe giảng nhất”. Chẳng bao giờ thấy nói: “Bản thân mình cần được nghe giảng nhất”. Bởi vậy khi con người chỉ nhìn thấy lỗi lầm của người khác, đều thấy người khác cần phải học thứ gì đó, vậy thì sự chú ý đã không quay về chính bản thân mình rồi. Sự tiến bộ của mình có thể vì thế mà bị hạn chế. Cho nên để chuyển đổi cả một cuộc đời, bước thứ nhất vẫn cần phải bắt đầu từ chính mình.
************
23.3. Quá năng cải, quy ư vô. Thường yểm sức, tăng nhất cô (Biết sửa lỗi, không còn lỗi. Nếu che giấu, lỗi chồng thêm)
Đối với cuộc đời một người mà nói, sửa chữa lỗi lầm chân thật là rất quan trọng. Cho nên mới nói: “Nhân phi Thánh Hiền, thục năng vô quá”. Trong lịch sử mấy nghìn năm trở lại đây, có thể tìm được một người mà từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi chưa bao giờ gây ra một lỗi lầm nào hết không? Không thể. Con người đều có thiện và ác. Vậy thì trong cái ác, chúng ta hiểu được thì phải khuyên can, tự mình biết được thì phải sửa chữa. Như vậy chúng ta mới có thể “đức nhật tiến, quá nhật thiểu” (đức tiến dần, lỗi ngày giảm).
Cho nên, Khổng Phu Tử đã tặng cho chúng ta ba pháp bảo để tu thân rất hay:
Thứ nhất: “Hiếu học cận hồ trí”
Học tập nhất định phải không ngừng tiến bộ. Bởi vì sự học giống như đi thuyền ngược dòng nước, “không tiến lên ắt sẽ bị lùi bước“. Cho nên khi chúng tôi tổ chức khóa giảng năm ngày tại Đại Lục, cũng có một số vị bạn hữu đã liên hệ với chúng tôi và họ nói rằng: “Thầy Thái à! Trong năm ngày nghe giảng trạng thái của tôi vô cùng tốt”. Trạng thái trong năm ngày nghe giảng rất tốt. Cái tâm cũng vô cùng thuần khiết, rất lương thiện. Còn có một vị bạn hữu sau khi nghe xong khóa giảng, anh ấy tiến lại và nói với chúng tôi rằng: “Từ trường trong khóa giảng này rất khác thường. Đáng lẽ ngày nào tôi cũng phải hút thuốc lá, nhưng trong năm ngày này thì một điếu cũng không hút”. Bởi vì anh ấy cảm thấy trong không khí như vậy hình như không nên có những ý tưởng xấu.
Cho nên tập thể cùng nhau học tập thì chân thật là điều rất quan trọng. Tôi hy vọng sau khi khóa học này kết thúc, các vị cũng nên tìm năm, ba người bạn thân để cùng nhau duy trì, rèn luyện, phải trường kỳ huân tập mới được. Vừa rồi họ cũng có nói đến trạng thái trong năm ngày đó rất tốt, nhưng sau khi trở về thì từ từ giảm xuống. Điều đó cũng chứng minh được rằng: “Học như nghịch thủy hành châu, bất tiến tắc thoái” (sự học giống như đi thuyền ngược dòng nước, không tiến lên ắt sẽ bị lùi bước). Cho nên, cầu học vấn có thể dựa vào người khác được không? Tuyệt đối quan trọng nhất là phải chủ động dựa vào chính mình, dựa vào sự hiếu học của mình. Phải hiếu học thì mới có thể không ngừng tiếp cận với trí tuệ.
Thứ hai: “Lực hành cận hồ nhân”
Chúng ta chỉ có thể chân thật thực hiện lời giáo huấn của Thánh Hiền thì mới không ngừng tăng thêm tâm nhân từ của chúng ta, mới có thể không ngừng thấy được con cái chúng ta cần gì, nhìn thấy gia đình cần gì, nhìn thấy xã hội cần điều gì, nhìn thấy bổn phận của mình. Đó là “lực hành cận hồ nhân”.
Thứ ba: “Tri sỉ cận hồ dũng”
Một người thật sự dũng cảm có phải vác được mấy trăm cân thì được gọi là dũng sĩ không? Như vậy chưa được coi là dũng sĩ, đây chỉ được coi là dũng lực chứ không phải trí dũng trong nhân cách. Người chân thật có dũng khí là phải có thể hàng phục được thói quen xấu của mình, như vậy mới chân thật là dũng sĩ. Cho nên, khi chúng ta đi vào trong chùa, bước vào cửa chúng ta thường thấy trên cao có treo tấm biển ghi bốn chữ: “Đại hùng bảo điện”. Vậy cái gì mới chân thật là đại anh hùng? Cho nên tục ngữ mới có câu: “Chiến thắng người khác một nghìn lần không bằng chiến thắng được chính mình một lần”. Cái “dũng” thật sự là có thể đối trị được những thói hư, tật xấu của chính mình, thêm bước nữa là sửa đổi chúng. Cho nên mới nói: “Tri sỉ cận hồ dũng”. Một khi dũng khí của các vị có thể duy trì được hai năm, ba năm, thì thói quen của các vị sẽ từ từ chuyển đổi, đảm bảo rằng cuộc sống sau này của các vị nhất định sẽ pháp hỷ sung mãn.
Vào thời Xuân Thu có một vị Tể Tướng hiền tài tên là Án Anh. Án Anh có rất nhiều gương tốt. Khổng Phu Tử đối với ông cũng vô cùng tôn trọng, cũng rất khen ngợi ông. Án Anh mặc một chiếc áo khoác ngoài tới ba mươi (30) năm mà cũng chưa thay. Đương nhiên chiếc áo đó xem ra vẫn chỉnh tề, bởi vì “ái vật giả, vật hằng ái chi”. Các vị yêu quý đối với bất kỳ vật dụng gì thì chúng cũng sẽ đền đáp lại các vị, cũng sẽ để cho các vị sử dụng được rất lâu. Khi một vị Tể Tướng mặc một chiếc áo khoác ngoài mà mặc tới ba mươi năm, xin hỏi rằng: Ngoài việc sẽ ảnh hưởng đến gia đình ra, thì còn ảnh hưởng đến ai nữa? Đúng! Tất cả văn võ bá quan, tất cả nhân dân. Cho nên khi một vị đại thần mà vô cùng liêm khiết, thì có thể khiến cho cả một tập thể lớn có được nếp sống liêm khiết.
Án Anh có một người mã phu. Người nô bộc này hàng ngày đánh xe ngựa chở ông đi ra ngoài, đi làm việc công. Kết quả người mã phu này mỗi lần gặp người khác thì đầu ngẩng cao, ưỡn ngực ra một cách rất cao ngạo. Tại sao anh ta lại cao ngạo? Bởi vì anh ta đánh xe ngựa cho Tể Tướng, cho nên có vẻ ta đây. Dùng thành ngữ mà nói thì là: “Cáo mượn oai hùm“. Kết quả khi vợ của anh ta thấy vậy, có một hôm mới nói với anh ta rằng: “Tôi phải rời xa anh thôi. Tôi phải đi đây”. Người mã phu này rất căng thẳng liền hỏi: “Tại sao vậy? Tại sao nàng lại bỏ ta?”. Người vợ liền nói: “Người ta đều tôn trọng đức hạnh của Án Anh. Anh không có đức hạnh như Án Anh. Tể Tướng Án Anh lại rất khiêm tốn, người ta vừa có đức hạnh lại vừa khiêm tốn. Anh không những không có đức hạnh mà lại còn kiêu ngạo như vậy, cho nên tôi không muốn dựa vào anh nữa. Tôi phải rời xa anh”. Kết quả người mã phu khi nghe vợ nói như vậy thì rất căng thẳng, rất hổ thẹn liền nói với phu nhân của mình rằng: “Ta nhất định sẽ sửa chữa khuyết điểm, xin nàng đừng bỏ đi”.
Vợ của anh ta chân thật cũng rất có trình độ, biết cách khuyên can chồng của mình. Đương nhiên người chồng của cô cũng rất độ lượng, có thể tiếp thu ý kiến của vợ. Nghe nói rằng, nghe lời vợ thì có thể làm sao? Phải nghe lời đúng đắn của vợ thì sẽ đại phú, đại quý. Kết quả người mã phu này sau khi đã rút ra được bài học xương máu thì bắt đầu học tập chăm chỉ. Và sau đó, Án Anh cũng cảm thấy đức hạnh của anh tiến bộ rất nhanh, liền tiến cử người mã phu này làm đại phu cho nước Tề. Cho nên, con người chỉ cần chịu sửa sai thì sẽ có tương lai, tiền đồ tốt đẹp. Bởi vậy mới nói: “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán” (người chơi bời, phóng túng mà biết hối lỗi quay về thì còn quý hơn vàng).
Chúng tôi ở Đại Lục có một vị bạn hữu. Chúng tôi đều gọi anh ấy là: “Kim Bất Hoán”, “lãng tử hồi đầu kim bất hoán” (người chơi bời, phóng túng mà biết hối lỗi quay về thì còn quý hơn vàng). Tại sao lại gọi anh ấy như vậy? Bởi vì khi chúng tôi diễn giảng ở Thượng Hải, vị bạn hữu này đã từ Sơn Đông đi thông đêm đến Thượng Hải để nghe giảng. Nguyên do bởi chị gái của anh có một lần tham gia khóa giảng ở Lư Giang, An Huy và biết được tiếp đó chúng tôi sẽ đến Thượng Hải để diễn giảng. Chị gái anh ấy lập tức gọi điện thoại cho anh ấy: “Cho dù mấy ngày này em có kiếm được bao nhiêu tiền thì cũng bỏ đó, phải lập tức đến Thượng Hải nghe giảng”. Khi người em trai của cô nghe xong thì chân thật đã bỏ lại hết tất cả công việc, khiến cho vợ anh ấy rất là giận dữ nói: “Sao anh nói đi là đi ngay vậy! Còn cái công ty này phải làm sao đây?”. Nhưng anh ấy vẫn cứ kiên định là phải đi. Và kết quả sau khi đến nghe giảng, anh ấy ở bên dưới ngồi nghe với duy nhất một vẻ mặt là hai mắt nhìn không chớp, còn miệng thì há hốc ra. Tất cả những thầy giáo thuyết giảng chúng tôi đều thấy rất rõ có một người đàn ông ngồi ở đó, nhưng chúng tôi thực sự cũng không biết lai lịch của anh ấy.
Sau khi học mấy ngày, đến lúc phải về thì anh đến gặp chúng tôi và nói: “Các vị có thể cho tôi mười phút để nói chuyện với thầy Thái được không?”. Những người trong ban tổ chức chúng tôi thấy anh ấy thành khẩn như vậy, cho nên đã sắp xếp một buổi tối để tôi gặp gỡ anh ấy một lúc. Anh nhìn thấy tôi thì rất xúc động, anh nói: “Thầy Thái! Tôi không phải dùng tai để nghe thầy giảng bài, mà tôi dùng cuộc đời của tôi để ấn chứng những đạo lý này”. Anh nói tiếp: “Chân thật phải hiểu được, phải lĩnh ngộ được và phải làm được thì mới có thể đạt được. Cho nên chỉ biết thôi thì chưa đủ, mà phải thật sự đi thể nghiệm, đi thực hành mới được”.
Anh nói trong bài giảng tôi có nhắc tới, trong Kinh Dịch có nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”. Anh nói câu này đúng thật không sai chút nào. Bởi vì hồi còn thanh niên, tính khí của anh rất xấu, bị nhiễm phải thói hư tật xấu cho nên vác cả dao đi chém người ta. Anh vác dao đi trên đường, với khí sắc sát khí đằng đằng. Kết quả là bị người bạn thân của cha anh nhìn thấy. Người bạn thân của cha anh lập tức kéo anh về nhà trong khi anh còn đang rất giận dữ như vậy. Hơn nữa đao kiếm lại không có mắt. Nhưng người bạn thân của cha anh vẫn cương quyết kéo anh về. Nhờ vậy anh mới không làm ra cái chuyện mà có lẽ cả đời anh cũng không có cách nào cứu vãn nổi. Tại sao người bạn của cha anh lại quyết chí làm như vậy? Bởi cha anh làm bên thông tin, luôn luôn đêm hôm đi giúp đỡ mọi người, thậm chí mưa to, gió lớn cũng làm việc mà không ngại khó. Cho nên hình tượng của ông trong mắt hàng xóm vô cùng tốt, mọi người đều rất kính trọng cha anh. Cũng nhờ đức hạnh của cha mà cứu được anh thoát khỏi cái kiếp nạn lần ấy, và người bạn của cha đã kéo anh về nhà. Anh cũng nhắc đến mấy lần cũng nhờ vào đức hạnh của cha anh mà anh đều gặp hung hóa cát.
Sau đó thì anh nghiện ma túy. Chúng ta là những người không nghiện ma túy thì không thể hiểu được nỗi khó khăn của người cai nghiện. Khi đã nghiện rồi mà họ muốn cai nghiện thì vô cùng khó khăn. Nhưng anh còn có hiếu với mẹ. Anh kể rằng trong quá trình cai nghiện, sức mạnh giúp anh cai nghiện chính là “sự hổ thẹn, ân hận đối với mẹ của anh“. Nếu như anh không cai được thì không biết sẽ làm cho mẹ phải đau khổ đến bao giờ. Cho nên, một người có động lực để sửa chữa lỗi lầm thì động lực đó thường xuất phát từ sự hiếu thảo, từ tình thân, từ lòng yêu thương.
Cho nên khi bên cạnh chúng ta có người gặp khốn đốn, thì chúng ta cũng phải chân thành khuyến khích họ, quan tâm họ. Anh ấy có thể đến tham gia khóa giảng này thì điều chủ yếu nhất cũng là do anh đối với chị gái rất có lòng cung kính. Anh nói chị gái anh chưa bao giờ dùng giọng điệu này để nói chuyện với anh, mà chị gái đối với anh đều dùng “di ngã sắc” (mặt ta vui), đều nhân nhượng với anh. Chưa bao giờ anh nghe thấy chị gái mình nói rằng: “Em nhất định phải”. Cho nên anh cảm thấy chị gái luôn muốn tốt cho anh, khiến anh biết rằng việc này là rất quan trọng.
Rồi anh lại kể tiếp, mới mười mấy tuổi đầu anh đã ra ngoài làm ăn buôn bán. Kết quả làm ăn buôn bán cũng rất thành công, kiếm được rất nhiều tiền. Anh nói, khi anh mười chín tuổi thì đã có di động để dùng. Thời đó kích thước của điện thoại di động vừa to, vừa dài, lại vừa thô. Anh kể rằng khi anh về quê thì tất cả mọi người đều khen ngợi: “Sao anh lại giỏi vậy! Biết kiếm tiền như vậy!”. Ai ai cũng hâm mộ, đều tâng bốc làm cho anh càng ngông cuồng, tự cao, tự đại.
Quý vị thân mến! Như vậy có đúng không? Kiếm được nhiều tiền thì đáng được tôn trọng ư? Kiếm tiền thì phải nhờ vào cơ hội. Tiêu tiền thì phải dựa vào trí tuệ. Nếu như anh không có trí tuệ, không có đức hạnh, khi kiếm được nhiều tiền thì nguy cơ của cuộc sống sẽ xuất hiện. Sau đó cũng bởi vì có tiền, anh cảm thấy có tiền thì việc gì cũng có thể làm được. Bởi vậy, mọi thói hư tật xấu mới anh đều nhiễm phải. Anh cũng đã làm những việc rất nguy hiểm, cho nên sau đó thì phải trả cái giá tương đối lớn.
Sau khi nghe xong bài giảng thì anh vô cùng cảm khái. Anh nói nếu như hồi anh mười chín tuổi mà có cơ hội nghe được những lời giáo huấn này của Tổ tiên, của Thánh nhân thì cuộc đời của anh tuyệt đối không thể gập ghềnh, chông gai đến vậy. Cho nên từ câu nói này, chúng ta có thể hiểu được rằng không phải anh không chịu tiếp thu lời chỉ bảo, mà là không có cơ hội. Mấy hôm đó, chúng tôi thấy thái độ nghe giảng của anh cũng rất nghiêm túc, rất cố gắng. Sau đó chúng tôi cũng đến nơi quê hương anh để tổ chức thuyết giảng. Anh cũng cùng với vợ đi thông đêm đến để nghe. Hành động này rất đúng đắn, bởi vì trong một gia đình tuyệt đối không thể chỉ có một người trưởng thành, mà phải cùng nhau trưởng thành.
Vị bạn hữu này nói với tôi rằng: “Thầy Thái không nên chỉ giảng cho những người này nghe. Những người đến đây học tập đều là những người tốt. Những người như chúng tôi mới càng cần nghe giảng hơn”. Tôi liền nói với anh rằng: “Chỉ cần anh thu xếp ổn thỏa công việc của công ty, thì có thể theo tôi cùng đến trại giam, đến những nơi ít có cơ hội có được những sự giáo dục tốt để thuyết giảng. Bởi vì con đường mà những người này đi qua thì anh cũng đã đi qua, cho nên khi anh nói cho họ nghe thì nhất định họ cũng có sự tương đồng, có cùng chung cảm nhận”. Đương nhiên là chúng tôi hướng dẫn cho anh như vậy, quan trọng nhất cũng là để cho anh học cách lập chí, như vậy sẽ thúc đẩy anh cố gắng trưởng thành. Đây là câu chuyện về “kim bất hoán”.
Việc sửa chữa lỗi lầm không chỉ ảnh hưởng đến một con người mà thậm chí có thể ảnh hưởng đến một gia đình, một quốc gia. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc có một vị Tể Tướng danh tiếng tên là Lạn Tương Như. Chúng ta đều biết câu chuyện: “Châu về Hợp Phố”. Lạn Tương Như vô cùng cơ trí, có thể hóa giải được nguy cơ lần ấy và hoàn trả ngọc lại cho chủ cũ. Cũng bởi vì ông có biểu hiện như vậy, vua nước Triệu đã phong cho ông chức vị cao nhất so với các vị quan khác. Nhưng nước Triệu cũng có một vị tướng tên là Liêm Pha. Liêm Pha cũng là một lão tướng rong ruổi trên sa trường, đối với nước Triệu cũng có những chiến công hiển hách. Cho nên vị võ tướng này rất coi thường quan văn: “ Lạn Tương Như chỉ dựa vào một cái miệng, còn ta vào sinh ra tử”, cho nên rất không phục. Kết quả trên đường đi, Liêm Pha luôn luôn cố ý cho xe đi ngang hàng với Lạn Tương Như, để có thể đối mặt mà trợn mắt với ông. Nhưng mỗi lần Lạn Tương Như phát hiện thấy xe của vị tướng quân này thì lại tránh đường đi chỗ khác, không muốn xung đột với ông ấy. Nhiều lần Liêm Pha đi tìm Lạn Tương Như nhưng Lạn Tương Như đều cáo bệnh mà từ chối gặp mặt, đều giải quyết một cách nhún nhường.
Những người hầu, người nhà của Lạn Tương Như rất không vui, sau đó đã nói với Lạn Tương Như rằng: “Tại sao Ngài lại nhát gan như vậy? Sao lại phải nhẫn nhịn cầu toàn?”. Trong lòng họ đều cảm thấy không phục. Lạn Tương Như liền nói với người nhà rằng: “Hiện giờ nước Tần là một nước mạnh như vậy, tại sao họ lại không dám tiến đánh nước Triệu chúng ta? Nguyên nhân vì nước Triệu có tướng quân Liêm Pha, và còn có ta thì mới khiến cho nước Tần không dám khinh khi manh động. Thể diện của cá nhân ta bị nhục là chuyện nhỏ. Nếu như chỉ vì ta và tướng quân Liêm Pha xảy ra xung đột mà làm cho nước nhà bị lâm nguy thì đây là nỗi nhục của đất nước. Như vậy thì ta khó mà ăn nói với đất nước, khó mà ăn nói với lịch sử”. Cho nên Lạn Tương Như đã nhịn nhục để gánh vác trọng trách.
Kết quả khi những lời nói này đến tai tướng quân Liêm Pha, vị tướng quân này tuy nóng tính một chút nhưng cũng là người thông tình, đạt lý. Cho nên sau khi nghe xong thì rất hổ thẹn, ông nói: “Ta cũng chỉ là nóng giận nhất thời, Tể Tướng lại có thể nghĩ cho đất nước”. Bởi vậy vị tướng quân này dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cởi bỏ áo ngoài của mình rồi mang theo roi gai đến tạ tội để biểu hiện sự thành tâm của ông. Kết quả khi đến nhà của Lạn Tương Như, Lạn Tương Như nghe nói vị tướng quân này đến thì cũng nhanh chân chạy ra và nhanh chóng đỡ vị tướng quân này dậy. Từ đó về sau, hai người trở thành bạn rất thân, sống chết có nhau. Cho nên chỗ mà tướng quân Liêm Pha đáng để cho chúng ta khâm phục chính là biết lỗi mà chịu sửa chữa, lập tức có thể nghĩ đến đất nước. Còn Lạn Tương Như thì rất độ lượng, lại có tầm nhìn xa cũng làm cho chúng ta rất cảm phục.
Cho nên khi chúng ta biết rõ là mình đã phạm sai lầm thì tuyệt đối không được che đậy. Bởi vì “thường yểm sức” (nếu che giấu) thì sẽ “tăng nhất cô” (lỗi chồng thêm). Mấy chục năm trong cuộc đời của chúng ta đối với chính bản thân mình cũng phải có sự ủy thác. Lịch sử không thể viết lại, cho nên một khi đã thiên lệch thì chúng ta phải nhanh chóng sửa chữa, để lưu lại cho con cháu đời sau tấm gương tốt.
Kỳ nghỉ đông lần này chúng tôi cũng không ngừng thuyết giảng ở Hải Khẩu. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức nghiên cứu học tập văn hóa cho thanh thiếu niên. Thực ra là do chúng tôi chưa tổ chức bao giờ, cho nên nghĩ chỉ khoảng hai mươi người đến học tập là đủ. Nhưng kết quả số lượng người đến ghi tên lên tới con số tám mươi người. Con số này đã cho chúng ta thấy rõ một điều: Làm cha mẹ thời nay có dễ không? Không dễ. Cha mẹ cũng vì giáo dục con cái mà đau đầu. Tin tức của chúng tôi mới công bố ra mà đã có nhiều người đăng ký như vậy. Đương nhiên họ có thể đến được cũng là một duyên phận. Thanh thiếu niên mà chịu đến chỗ chúng tôi để học tập, chúng tôi cũng rất khâm phục họ. Kết quả trong năm ngày học tập, những đứa trẻ này cũng lên bục giảng để chia sẻ kiến thức, trong đó có một cô gái hai mươi tuổi. Khi cô lên bục giảng, cô nói thực ra trước đây cô rất oán hận mẹ cô. Nhưng trong mấy ngày nghe giảng này, cô cũng cảm nhận sâu sắc được sự vất vả khi sinh thành dưỡng dục, sự giáo dục của người mẹ. Cho nên cô gái này ngay tại chỗ đã nói với chúng tôi rằng sau này cô sẽ hiếu thảo với mẹ của cô. Hơn nữa cô cũng sẽ thúc đẩy phát triển văn hóa ngàn năm của Tổ Tông. Con người đích thực ai cũng có tấm lòng lương thiện, chỉ cần có duyên phận làm thức tỉnh, tin rằng cũng sẽ có sự trưởng thành rất tốt.
Cho nên có lỗi thì phải sửa, muốn sửa lỗi thì trước tiên phải biết hối lỗi, muốn hối lỗi thì trước hết phải biết lỗi. chúng ta phải hiểu đạo lý thì mới phán đoán được thị phi. Sự khiếm khuyết nhất của thanh niên thời nay là không hiểu tiêu chuẩn về thị phi. Sau khi học “Đệ Tử Quy” rồi thì chúng ta sẽ có được tiêu chuẩn về thị phi, về đối nhân, xử thế. Các vị nhất định phải mang quyển “Đệ Tử Quy” về làm gia quy cho gia đình các vị, làm nội quy trong lớp của các vị và còn làm nội quy cho công ty của quý vị. Điều này rất quan trọng.
Quý vị thân mến! Những vị nào đã từng truyền thừa gia quy trong gia đình thì xin hãy giơ tay! Các vị xem, những gia tộc ngày xưa đều có gia quy. Vậy mà chúng ta thời nay đều không có gia quy. Vậy thì xin hỏi: Trong gia đình tuân thủ theo quy định gì? Người cha có quy định của người cha. Người mẹ có quy định của người mẹ. Con cái có quy định của con cái. Vậy thì không phải là gia đình đang rối loạn cả lên hay sao!
Cho nên đầu tiên phải xây dựng được gia quy thì chúng ta mới có tiêu chuẩn về thị phi để tuân theo. Như vậy, chúng ta mới biết được lỗi lầm, mới biết hối lỗi và mới đi sửa lỗi. Có sửa lỗi thì mới tiến bộ được. Nếu như không sửa chữa lỗi lầm thì chúng ta hàng ngày trong lòng đều cảm thấy nơm nớp lo sợ, rất sợ bị người khác hiểu rõ mình. Bởi vì nếu như các vị bị người khác hiểu rõ rồi thì các vị không còn đáng giá một xu, thậm chí còn làm cho người ta từ đó mà coi thường các vị và không tín nhiệm các vị nữa. Nếu che đậy thì tăng thêm một lỗi nên chúng ta cần phải dũng cảm để nhận lỗi. Như vậy thì đường đời chúng ta mới đi được một cách thẳng thắn, vô tư.
CHƯƠNG THỨ NĂM
PHIẾM ÁI CHÚNG
(Bình đẳng thương yêu tất cả chúng sinh)
Tiếp theo chúng ta tiến vào chương thứ năm. Đó là “phiếm ái chúng” (bình đẳng thương yêu tất cả chúng sinh). Chữ “phiếm” ở đây là chỉ sự đông đảo, rộng khắp. “Phiếm ái chúng” là yêu quý rộng khắp tất cả mọi người, mọi vật. Chữ “chúng” ở đây không phải để chỉ riêng con người. Chúng ta hãy mở rộng nghĩa của nó ra là tất cả mọi người, mọi sự vật chúng ta đều phải yêu thương. Bài trước chúng ta cũng có nói đến khái niệm “yêu thương“. Ở giữa chữ “yêu” có chữ “tâm“, ở bên ngoài có chữ “nhận“. Dùng tâm để cảm nhận người khác cần gì, chứ không nên bắt buộc người khác nhất định phải đi theo con đường các vị chỉ định. Điều này chúng ta phải hiểu cho rõ. Nếu như các vị bắt ép người khác phải nghe theo lời của mình, như vậy đã biến thành khống chế. Như vậy gọi là ham muốn chứ không thể gọi là yêu thương. Cho nên chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác, đồng cảm với hoàn cảnh của người khác mới được. Chúng ta phải giáo dục cho con cái có tấm lòng nhân từ như vậy.
- Việc đầu tiên của chúng ta là phải giáo dục con cái yêu thương ai trước tiên? Đương nhiên là phải yêu thương người thân thiết nhất của mình là cha mẹ. Khi con cái biết yêu thương cha mẹ, thì chúng mới có thể đem lòng yêu thương này tiếp tục hướng ra bên ngoài. Cho nên, Mạnh Phu Tử có một đoạn giáo huấn rất quan trọng có nhắc tới “thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật”.
- Chúng ta nhất định phải bắt đầu yêu thương từ người thân nhất của mình là cha mẹ, sau đó tiến thêm một bước là yêu thương cha mẹ của người khác, con cái của người khác. Đó là nhân ái với nhân dân.
- Tiếp đến là từ lòng nhân ái đối với nhân dân, sẽ tiếp tục phát triển để yêu mến tất cả vạn vật, bao gồm cả động vật, thực vật, khoáng vật. Đây là ái vật.
Chúng ta chỉ cần thuận theo thứ tự như vậy thì lòng yêu thương của con cái sẽ không ngừng phát triển.
Vậy thì phải làm sao để giáo dục con cái hiếu thảo, yêu mến cha mẹ? Giáo dục như thế nào? Dùng “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) để giáo dục, còn phải do cha mẹ và thầy giáo kết hợp để giáo dục. Điều này rất quan trọng. Bởi vì trung tâm chúng tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều trẻ nhỏ, mỗi lần chúng lên lớp thì cũng đều có thói quen quan sát để học tập những điều tốt đẹp của nhau. Thói quen quan sát học tập lẫn nhau này được gọi là “quan ma pháp“, “tương quan nhi thiện chi vị ma”. Chữ “ma” này là phương pháp quan sát học tập lẫn nhau vào thời nay. Phương pháp “quan ma pháp” này vào mấy nghìn năm trước đã được dạy trong “Lễ Ký”.
Nhưng chúng ta là những người học trong trường sư phạm thì có rất nhiều lý luận giáo dục. Chúng ta còn cho rằng điều này là câu nói của một nhà giáo dục cận đại vào khoảng một trăm, hai trăm năm trước. Sau khi tôi bắt đầu xem Kinh điển thì mới biết được rằng câu nói này Tổ tiên của chúng ta đã nói cách đây mấy nghìn năm trước. Nhưng sau khi Tổ tiên chúng ta nói xong thì không in chữ: “Bản quyền sở hữu, nghiêm cấm sao in dưới mọi hình thức”. Bởi vì đây là chân lý của trời đất, mà chân lý thì thuộc về tất cả mọi người. Mục đích của họ viết ra là làm lợi ích cho đại chúng, lợi ích cho người đời sau, chứ tuyệt đối không phải để phô trương ta đây rất giỏi. Cho nên chúng ta có thể cảm nhận được văn chương của những Thánh nhân, Hiền triết thời xưa chân thật có xuất phát điểm là muốn cho người đời sau được lợi ích.
Chúng tôi cũng để những em nhỏ đến học lên bục để luyện tập câu: “Bộ thung dung, lập đoan chính” (đi thong thả, đứng ngay thẳng), và cũng để luyện tập nói chuyện thì phải: “Vật cấp tật, vật mô hồ” (Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ). Bọn trẻ cũng kể ra trong tuần đã làm được những việc gì hiếu thảo với cha mẹ.
Khi bọn trẻ nói xong, có một đứa bé mới đến học lần đầu tiên nghe thấy những người anh, người chị này kể về sự hiếu thảo của họ thì trong lòng đứa bé có nhiệt huyết rằng: “Khi về nhà, mình nhất định phải làm một việc hiếu thảo với cha mẹ”. Kết quả đứa bé vừa về đến nhà liền đi vào phòng tắm, bởi vì nó nghe có những anh, chị nói rằng đã bưng chậu nước ngâm chân cho mẹ. Các vị thấy đó, đứa bé đã có dự định trước, cho nên nó nhanh chóng đi bưng chậu nước. Nó rất tích cực chủ động để bưng chậu nước, nhưng lúc này lại không phải buổi tối. Người mẹ thấy động tác của nó thì liền biết được nhất định là nó đi bưng chậu nước, liền đi trước con trai một bước, đầu tiên là đem cái chậu giấu đi không cho nó tìm thấy. Tại sao vậy? Bởi vì nó còn bé, mới hơn ba tuổi nên người mẹ sợ nó làm đổ. Mẹ của nó đã nói với tôi như vậy. Tôi nói: “Có làm đổ mới tốt”. Người mẹ trợn tròn mắt lên: “Vì sao lại làm đổ mới tốt?“. Tôi nói: “Làm đổ mới tốt vì thứ nhất là chị không ngăn cản con, như vậy mới có thể thành toàn được lòng hiếu thảo. Hành động hiếu thảo của con, chị không để cho con làm thì con làm sao có thể nuôi dưỡng được lòng hiếu thảo! Tiếp đến, có làm đổ thì con mới biết làm cách nào để bưng được chậu nước. Vậy không phải là chị đã có cơ hội để chỉ dạy hay sao? Nếu không đến bao giờ mới rèn luyện được năng lực làm việc của con? Rốt cuộc chị còn yêu chiều con đến khi nào? Yêu chiều con đến khi con lấy vợ sao? Hay là yêu chiều đến khi con sinh con thì chị cũng giúp con chăm sóc con cái chúng?”. Khi tôi nói như vậy thì người mẹ này cũng tiếp thu.
Sau đó cũng có một người mẹ, đứa con bưng nước ngâm chân thì người mẹ cũng để cho con bưng. Từ ngày đầu tiên, người mẹ đã rất hân hoan để cho đứa con bưng chậu nước, sau đó cũng khen ngợi tấm lòng hiếu thảo của con. Đứa con bưng chậu nước cũng cảm thấy có thành tích. Một tuần sau, người mẹ nói với tôi rằng: “Cả một tuần tôi phải ngâm chân bằng nước lạnh”. Tôi hỏi: “Tại sao vậy?”. “Bởi vì sợ cháu làm đổ sẽ bị bỏng cho nên tôi đã giảm bớt nhiệt độ của nước xuống rất thấp”. Sau đó, khi thấy đứa con càng làm càng thuần thục thì người mẹ mới tăng thêm nhiệt độ nước một chút. Cho nên đây cũng là phương tiện thiện xảo, rất có trí tuệ. Thứ nhất là tác thành cho đứa con. Thứ hai là không để cho đứa con gặp phải nguy hiểm. Cho nên điều này được gọi là “cha mẹ và thầy giáo kết hợp cùng giáo dục”. Thầy giáo dạy ở trường, dạy trong giờ học. Ở nhà phụ huynh nhất định cũng phải để cho con cái thực hành, tuyệt đối không thể đem trách nhiệm giáo dục đùn đẩy hết cho thầy giáo. Như vậy là không thích đáng.
Giáo dục còn có những phương pháp gì? Các vị xem, tôi rất hay đặt câu hỏi, một thói quen xấu. Cũng đã có vị bạn hữu nói rằng: “Lấy mình làm gương!”, và còn nữa: “Vợ chồng phải kết hợp!”. Người chồng có sự cống hiến gì thì người vợ phải nói đến. Sự vất vả của người vợ thì người chồng cũng phải nhắc đến. Như vậy thì con cái mới có thể hiểu hết được sự vất vả, khó nhọc của cha mẹ. Khi con cái đã hiếu thảo rồi thì chúng ta tiến thêm một bước nói với chúng rằng: “Sự chư phụ, như sự phụ, sự chư huynh, như sự huynh” (Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột) thì chúng sẽ biết kính trọng đối với tất cả mọi trưởng bối. Rồi chúng ta nói tiếp với con cái rằng: “Tất cả những trưởng bối tuyệt đối không muốn con cháu của họ bị tổn hại, giống như các con bị tổn hại thì cha mẹ sẽ rất đau lòng. Vậy thì những em nhỏ khác bị tổn hại, cha mẹ của các em nhỏ cũng rất đau lòng. Cho nên chúng ta không nên bắt nạt những em nhỏ khác”. Chúng sẽ học được cách “suy bụng ta ra bụng người“.
Và chúng ta tiến thêm một bước nữa để chỉ dạy con cái rằng đối với tất cả các trưởng bối làm các công việc khác nhau thì chúng ta đều phải tôn trọng, bởi vì xã hội và đất nước là một thể hỗ trợ lẫn nhau. Quan niệm này rất quan trọng bởi vì dưới chủ nghĩa chỉ biết có công danh và lợi lộc thì con người có thể sẽ có sự sai lệch và chỉ biết dùng tiền để đo giá trị thì lòng người sẽ lệch lạc. Cho nên ngay từ khi con còn bé, chúng ta đã phải chỉ bảo cho con rằng đối với bất cứ nghề nghiệp nào cũng phải tôn trọng, nghề nghiệp không phân biệt sang hèn.
Hồi tôi còn đang dạy học, buổi sáng hơn sáu giờ sáng thì lái xe đi làm. Khi ra đường thì tôi thấy đường phố rất sạch sẽ, ngăn nắp. Thật là kỳ lạ, những lá cây đã đi đâu hết. Cũng đều do những người công nhân môi trường không biết là bốn hay năm giờ sáng đã bắt đầu quét dọn. Cho nên tôi có nói với học sinh rằng: “Hôm nay chúng ta có được một môi trường sạch đẹp như vậy, để cho chúng ta có được tâm tình vui vẻ mà làm việc và học tập, thì đó là công lao của rất nhiều người. Cho nên chúng ta đối với những người thuộc các nghề nghiệp khác nhau cũng phải có thái độ biết ơn”. Khi bọn trẻ có thể tiếp thu được những điều này, thì khi chúng đến cửa hàng hay là đến hiệu sách cũng vậy, khi chúng gặp những nhân viên ở đó thì chúng cũng sẽ rất thân thiết chào hỏi mọi người, nói cảm ơn với mọi người.
Có một đứa bé học lớp bốn nói với thầy của nó rằng: “Thưa thầy! Có một chú hàng ngày đều giúp chúng ta thay nước”. Đó là người chú hàng ngày vẫn khiêng một thùng nước đến phòng học của chúng, sau đó đổi lấy thùng cũ, ngày nào cũng như vậy. Đương nhiên đây là công việc của người lao công. Người chú này trên mặt đầm đìa mồ hôi. Mà gương mặt của chú ấy không có một chút biểu lộ tình cảm nào cả, giống như là người máy vậy, cứ đều đặn làm như vậy. Em học sinh này liền đề nghị với thầy giáo: “Thưa thầy! Chú ấy rất vất vả. Chúng ta có nên cảm ơn chú ấy không?”. Khi học sinh đưa ra yêu cầu như vậy thì người thầy cũng rất vui và thấy được rằng bọn trẻ cũng rất chu đáo và có lòng kính trọng. Cho nên cả lớp rất vui vẻ đồng ý. Ngày hôm sau khi người chú đó đến thì chúng nhất định sẽ chào hỏi và nói lời cảm ơn với chú ấy.
Hôm sau khi người chú đó đến, khi đang khiêng thùng nước thì cả lớp đồng thanh nói: “Chúng cháu chào chú ạ!”. Kết quả là trên nét mặt người chú đó lộ ra vẻ kinh ngạc. Bọn trẻ lại nói tiếp: “Cảm ơn chú! Chú đã vất vả rồi”. Người chú đó từ nét mặt kinh ngạc chuyển sang nụ cười rạng rỡ. Cho nên từ đó về sau, khi người chú đó đi đến phòng học thì nét mặt lúc nào cũng rất hân hoan, rất vui vẻ. Cho nên chân thật là “Kính nhân giả, nhân hằng kính chi”, tất cả mọi người giống như tấm gương phản chiếu của chúng ta. Khi chúng ta nở nụ cười để tiếp đón họ, thì tất nhiên cũng là nụ cười sẽ hồi đáp lại chúng ta. Cho nên khi chúng ta kính trọng sự cống hiến của các nghành, các nghề, như vậy thì có thể có được bầu không khí hòa thuận, vui vẻ. Cho nên chúng ta đều phải yêu thương, kính trọng đối với các ngành, các nghề.
Tiếp đến, đối với những người không nhận được sự quan tâm, chăm sóc, chúng ta cũng phải tăng cường, hỗ trợ nhiều hơn. Ví dụ, những người thiếu sự quan tâm và cần đến chúng ta yêu thương chăm sóc là những người lang thang vô gia cư và những cô nhi, vì họ đều là những người kém thế và ít có năng lực.
Cho nên Khổng Phu Tử trong “Lễ Ký”, “Lễ Vận Đại Đồng Thiên” có nhắc đến: “Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công”. Tấm lòng đó thật là vĩ đại! “Nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử”, không phải chỉ yêu thương người thân của mình mà còn có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác để yêu thương, chăm sóc người thân của người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để mà yêu thương con cháu đời sau của họ.
“Lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trường, quan quả cô độc phế tật giả giai hữu sở dưỡng”. “Quan quả cô độc” là đoàn thể kém thế. “Quan quả cô độc phế tật giả”: “Quan” ở đây là chỉ người góa vợ, “quả” ở đây là chỉ người góa chồng, “cô” là người không có cha mẹ, “độc” là người không có con cái, “phế” là chỉ người tàn phế, “tật” là chỉ những người ốm đau, bệnh tật.
Những người này đều cần nhận được sự quan tâm của toàn thể xã hội. Thời nay chúng ta có rất nhiều tổ chức từ thiện xã hội cũng rất cố gắng để chăm sóc cho những người này. Cho nên khi có thời gian rỗi rãi, chúng ta cũng có thể đi làm công tác từ thiện, đi phục vụ những người như vậy. Nếu như không có thời gian, chúng ta có tiền bạc thì quyên góp tiền bạc, có sức lực thì góp sức lực.
HẾT TẬP 34. XIN XEM TIẾP TẬP 35!