Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 33/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 33/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Bài học của chúng ta mấy ngày hôm nay đều đàm luận về vấn đề phải cẩn thận trong lời nói, hành động. Có những chi tiết nhỏ nhặt của sự đối xử giữa con người với con người, chúng ta cũng phải rất là thận trọng, rất là cung kính.

Chúng ta có một câu cách ngôn nói rằng: “Thanh thiên bạch nhật đích tiết khí, tự ám thất ốc lậu trung bồi lai, toàn càn chuyển khôn đích kinh luân, tự lâm thâm bạc xứ đắc lực”. Ý nghĩa của câu này muốn nói với chúng ta rằng một người có khí tiết vô cùng thanh cao đều là vào thời gian họ ở một mình, ở nơi người khác không nhìn thấy mà họ vẫn có thể “lời nói đi đôi với việc làm”, thì mới có thể đào tạo ra được khí tiết như vậy. Cho nên, những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng chính là học vấn to lớn.

Toàn càn chuyển khôn”, căn bản của năng lực xoay chuyển càn khôn bắt đầu từ đâu? Từ “lâm thâm lý bạc”, từ chỗ họ đối với người khác, đối với mỗi một sự vật đều có thể cung kính, đều có thể cẩn thận để đối xử thì sau này họ mới có thể làm được việc lớn bởi thái độ cẩn thận này của họ đã từng chút một được tích lũy. “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” cũng có nhắc đến: “Khuất chí lão thành, cấp tắc khả tương y. Cho nên những người mà luôn luôn cẩn thận trong những chi tiết nhỏ nhặt như thế này thì họ mới có thể chân thật làm tốt những việc đại sự. Nếu như những việc nhỏ nhặt này mà không để tâm, thì rất có thể khi thật sự tiếp nhận một việc to tát, sẽ có rất nhiều vấn đề nhỏ nhặt xảy ra, thậm chí còn có thể làm rối loạn manh mối.

Cho nên chúng ta là những người làm cha mẹ, đối với những chi tiết nhỏ nhặt này cũng phải thường xuyên nhắc nhở con cái từ khi chúng còn nhỏ. Vậy thì chúng ta cũng phải luôn luôn quán chiếu, những khởi tâm động niệm của chính chúng ta đối với những việc nhỏ nhặt này, để tiến thêm một bước là sửa chữa sai lầm, chấn chỉnh lại cho đúng.

Nếp sống của xã hội thời nay rất phù phiếm, rất tôn sùng sự hưởng thụ vật chất. Rất nhiều người có thể là trong nhà rất nghèo, sắp không có cái để ăn, nhưng quần áo thì phải mua rất đẹp, bởi vì họ phải mặc cho người khác ngắm. Có thể vợ con ở nhà đều đói bụng, nhưng họ vẫn cứ phô trương quá sức của mình. Thật ra thái độ nhân sinh của những người này rất là giả dối, vô cùng giả tạo.

Một người tôn trọng các vị từ đáy lòng của họ thì tuyệt đối không phải bởi trong túi của các vị có rất nhiều tiền. Có phải vậy không? Tuyệt đối không phải vậy. Khi trong túi của các vị có nhiều tiền mà họ đối với các vị rất lễ phép, vậy là đối với tiền của các vị. Đợi tiền trong túi của các vị cho họ hết rồi thì thái độ của họ đối với các vị có thể sẽ lập tức thay đổi. Cho nên mới nói: “Quân tử chi giao đạm như thủy, tiểu nhân chi giao điềm như mật(Người quân tử kết bạn nhạt như nước, kẻ tiểu nhân kết bạn ngọt như mật). Tại sao kẻ tiểu nhân kết bạn lại ngọt như mật? Bởi vì họ có mục đích, cho nên họ sẽ hết sức nịnh bợ các vị, nịnh hót các vị. Rất nhiều người trong tình huống này còn cho rằng những người này đã xem trọng họ, tôn trọng như vậy. Nhưng đến cuối cùng thì họ lại bị trúng phải quỷ kế của tiểu nhân. Tại sao người quân tử kết bạn lại nhạt như nước? Bởi vì người quân tử lấy đức để giao lưu quan hệ với bạn bè. Trong quá trình giao lưu thì trong cái sự nhạt đó lại có mùi vị chân thật, hàng ngày nhất quyết sẽ không đeo bám các vị.

Bởi vì hai bên đều hiểu rất rõ rằng chúng ta còn có trách nhiệm của người làm con, trách nhiệm của người làm cấp dưới, trách nhiệm của người làm chồng, người làm vợ. Cho nên mỗi người đều có rất nhiều bổn phận phải tận tâm, tận lực đi làm, họ sao có thể suốt cả ngày lãng phí thời gian ở bên cạnh các vị được. Họ nhất định sẽ nói: “Đã hơn tám giờ rồi, không phải anh còn phải về để kể chuyện giáo dục đạo đức cho con cái anh nghe sao? Hãy mau về nhà đi!”. Cho nên đây là “mùi vị chân thật trong cái sự nhạt như nước”. Trong cái sự nhạt đó lại bao hàm sự quan tâm lẫn nhau của hai phía, trong đó có sự thông cảm lẫn nhau.

Chân thật dù vật chất có sung túc đến mấy thì người khác cũng chưa chắc đã tôn trọng các vị. Thậm chí chỉ vì theo đuổi vật chất mà mình có thể rơi vào cái vực không đáy. Cho nên mới nói “tham vọng vực sâu”. Chúng ta cũng đã nhắc đến: Bỏ ra một đống tiền để mua một bộ quần áo rất đắt tiền thì vui được trong ba ngày, nhưng đau khổ trong bao lâu? Có thể tháng đó đều phải ăn mỳ ăn liền, làm hủy hoại thân thể. Nếu như nhìn thấy một chiếc xe đua rất đắt tiền có tên tuổi, các vị liền động tâm và đi mua chiếc xe đắt tiền có tên tuổi đó thì vui được trong một tháng, vui trong hai tháng. Hơn nữa trong quá trình vui đó thì vợ của các vị sẽ bị đày vào lãnh cung bởi chiếc xe đó đã biến thành vợ của các vị. Hàng ngày các vị đều ở đó mà lau xe và coi vợ như là không thấy. Vui được một, hai tháng nhưng tiền vay lãi mua xe có thể trả trong hai năm, có thể ba năm. Cho nên trong thời gian này các vị có thể sẽ trả tiền lãi một cách đau khổ.

Hơn nữa, thực tế mà nói, một người thích theo đuổi những thương hiệu nổi tiếng, những món đồ đắt tiền, ví dụ khi họ đi được nửa năm, đi được một năm lại thấy xuất hiện kiểu mới, họ thấy người khác lái chiếc xe kiểu mới hơn của họ thì trong lòng họ có chút bất bình, lại động tâm muốn mua chiếc xe kiểu mới đó. Cho nên luôn luôn là chưa trả hết tiền vay thì đã lại phải chi ra một khoản tiền để mua chiếc xe mới, lại phải mua kiểu mới hơn. Có thể cả đời người này họ sẽ biến thành nô lệ cho vật chất. Không chỉ một mình mình biến thành nô lệ cho vật chất mà tất cả những người trong gia đình có thể cũng bị liên lụy.

Có người cảm thấy rằng: Phải mua bằng được tòa biệt thự lộng lẫy thì họ mới thể hiện được thân phận của họ. Có những người như vậy không? Có! Tổ tiên chúng ta có nhắc nhở rằng: “Vạn quán gia tài” (tiền muôn bạc vạn) thì hàng ngày cũng chỉ ăn mấy bữa? “Nhật thực tam xan” (ngày ăn ba bữa). Tại sao các vị phải khổ sở để đi theo đuổi những thứ phù phiếm? Tiền muôn bạc vạn thì ngày cũng chỉ ăn ba bữa. “Quảng hạ thiên gian”, cho dù nhà các vị có một nghìn căn phòng, buổi tối lúc đi ngủ các vị cũng chỉ cần bao nhiêu? Đêm nằm chỉ có sáu thước. Thật ra nhu cầu của con người đối với phương diện vật chất thì vô cùng ít. Cho nên mới nói: Biết thỏa mãn với cái hiện có thì sẽ luôn vui vẻ. Các vị biết thỏa mãn với cái hiện có thì cuộc sống sẽ rất dễ chịu, rất đơn giản. Đây là phương thức rất tốt đối với thân tâm của các vị.

Cho nên từ điều đó chúng ta cũng phải hiểu được rằng: Ví dụ như các vị chú trọng về ăn uống, phải ăn thật ngon. Chúng ta có thể suy nghĩ một chút. Ví dụ như hàng năm, trước Tết mấy tháng, chúng ta thường xuyên nhận được thiếp mời đám cưới. Bởi vì cho dù có tiền hay không có tiền thì anh ấy cũng cứ lấy vợ về để ăn Tết cái đã. Kết quả là chúng ta nhận được nhiều thiếp cưới đến như vậy. Tôi cũng đã từng một tuần lễ đi ăn cưới ba đám liền. Ăn đến ngày thứ ba thì các vị có cảm giác cũng sắp ăn không nổi nữa, đều đầy là thịt cá như vậy. Những món béo ngậy như vậy sánh không bằng với đậu phụ, rau xanh đạm bạc, ăn vào cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu.

Rất nhiều người theo đuổi nhà cao, cửa đẹp, vì rất có thể họ sợ rằng khi nói chuyện với người khác thì không thể nói được gì. Ví dụ như đối phương nói rằng: “Tôi ở tòa biệt thự lỗng lẫy ở chỗ nào đó”. Khi họ nghe thấy vậy, người khác có mà mình không có thì trong lòng rất khó chịu. Cho nên mình cũng phải cố gắng kiếm tiền, ngày làm, đêm cũng làm, cuối cùng cũng mua được một tòa biệt thự. Nhưng một năm họ có thể chỉ đến ở có ba lần, năm lần, mỗi lần cũng chỉ ở được có hai ba ngày rồi lại về. Nhưng họ lại phải thuê một, hai người đến trông coi tòa biệt thự đó. Xin hỏi: Những người này một năm ở đó bao nhiêu ngày? Hàng ngày họ đều ở trong tòa biệt thự đó. Cho nên, cuối cùng thì ai mới chân thật là người nhận được phước báo? Ai là người có phước báo? Những người được thuê đến ở được phước báo, còn người chủ tòa biệt thự thì phải vất vả kiếm tiền để trả khoản nợ mua tòa biệt thự. Cho nên, chúng ta phải suy nghĩ cho thật kỹ càng. Rốt cuộc, cuộc sống như thế nào mới chân thật làm cho thân tâm chúng ta có sự phát triển tốt nhất, có sự điều tiết tốt nhất? Đó là không nên theo đuổi hưởng thụ những vật chất phù phiếm.

Chúng ta có một câu thành ngữ là: “Đức tài kiêm bị” (đức tài vẹn toàn). “Đức” ở trước, “tài” phía sau, cho nên câu thành ngữ này muốn nói với chúng ta rằng: Giữa đức và tài thì điều gì quan trọng hơn? Đức tài vẹn toàn, cho nên, đức so với tài thì quan trọng hơn. Cận đại có một nhà thư pháp được tôn xưng là vị Thánh thư pháp chữ thảo của đương đại, tên là Lâm Tán Chi tiên sinh. Người Nhật rất tôn trọng đối với thư pháp của ông. Những nhà thư pháp Nhật Bản đến Trung Quốc đều đến nhà ông để thi lễ với ông. Họ vô cùng khâm phục thư pháp của ông, và cũng khâm phục con người ông. Lâm Tán Chi tiên sinh từng nói rằng: “Có đức, có tài mới yêu quý tài năng. Không đức, có tài thì đố kỵ người tài năng . Có đức, không tài mới biết dùng người tài. Không đức lại không tài sẽ hủy diệt tài năng”.

Cho nên nếu như có tuyển công nhân thì chúng ta phải lựa chọn người vừa có đức vừa có tài, nếu không thì ít nhất cũng phải chọn người có đức không có tài. Bởi vì đức hạnh của họ biết cách bao dung thì họ mới biết yêu thích cái tài năng của người khác. Họ biết được “kiến nhân thiện, tức tư tề(thấy người tốt, nên sửa mình), họ sẽ biết cách quý trọng những nhân tài như vậy. Nhưng nếu như không có đức chỉ có tài, vậy thì tất nhiên họ sẽ đố kỵ với người khác. Còn nếu như ngay cả tài họ cũng không có thì họ sẽ hủy hoại tài năng.

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở nước Tần có một vị tể tướng tên là Lý Tư. Ông ấy không có đức chỉ có tài, cho nên thấy những người có tài thì ông ấy rất đố kỵ. Ông đố kỵ với người sư đệ của ông là Hàn Phi Tử, lại còn hãm hại Hàn Phi Tử đến chết. Không những hãm hại Hàn Phi Tử mà ông ấy còn hãm hại rất nhiều học giả. Cho nên ông đã đề nghị với Tần Thủy Hoàng cho đốt sách, giết học trò, đem đốt hết những điều giáo huấn của Thánh Hiền nhiều thế hệ. Cái tội nghiệp này rất lớn. Sau đó thì Lý Tư cũng không có kết cục tốt đẹp. Ông ấy và con trai đều bị đưa ra pháp trường chém ngang lưng. Đây là không có đức chỉ có tài thì sẽ đố kỵ tài năng.

Cho nên chúng ta dạy bảo con cái thì đầu tiên tuyệt đối phải xem trọng đức hạnh mới được. Nếu như không xem trọng đức hạnh, chúng ta có bồi dưỡng tài năng của con cái cao đến mấy đi nữa thì cuộc sống của chúng tuyệt đối sẽ không được hạnh phúc. Bởi vì một khi đã có tâm đố kỵ thì trong lòng chúng sẽ rất đau khổ. Hơn nữa, đố kỵ người khác cũng sẽ hình thành sự chướng ngại của người khác đối với chúng, người ta cũng sẽ đố kỵ chúng. Cho nên điều này chúng ta phải thật là cẩn thận.

Tôi có quen với một nhà thư pháp. Ông tên là Lý Truyền Quân. Vị thầy họ Lý này đã từng đảm nhiệm nhiệm vụ chấm bài thi thư pháp. Kết quả ông phát hiện tác phẩm của một số học sinh được thầy giáo làm giúp. Điều này có hay không? Vậy chúng ta là cha mẹ hoặc giáo viên mà làm ra những hành vi như vậy, trên thực tế không phải là giáo dục con cái mà đang làm hư con cái, cho chúng có cảm giác chỉ cần đạt được mục đích thì không cần phải giữ quy tắc, không từ một thủ đoạn nào. Như vậy là đã trồng những nhân ác không tốt đẹp trong tâm linh của bọn trẻ. Sau này chúng có thể bởi vì vi phạm quy định, vi phạm pháp luật mà bị vướng vào luật pháp. Cuộc đời chúng có thể vì thế mà bị hủy hoại.

Cho nên chữ “đức” mới là căn bản sự nghiệp của một đời, nếu không vun trồng cho tốt thì rất nguy hiểm. Điều này giống như một thân cây lớn mà gốc rễ không được vững chắc, thân cây càng cao, tán lá càng rộng ra thì sớm muộn gì cũng sẽ có một trận gió thổi qua là bật rễ lên. Những tình huống như vậy rất nhiều. Bởi vậy tội nghiệp của một con người thường tạo ra trong lúc họ đang đương thời, đương thế, đang lên cao như diều gặp gió. Nếu không có đức hạnh thì họ sẽ làm ra những việc rất sai lầm. Cho nên sau đó thầy Lý đã kiên quyết loại bỏ những tác phẩm mà giáo viên làm thay cho học sinh, để cho những em học sinh tự mình viết ra những bài thư pháp nhận được sự khen ngợi, để khẳng định mình.

Thầy Lý cũng từng nói với tôi rằng ông đã từng đi tìm rất nhiều thầy giáo về thư pháp, cũng tốn rất nhiều tiền để xin họ chỉ giáo nhưng kết quả ông cũng không học được bản lĩnh thật sự. Sau khi đi một vòng lớn, ông đã chán nản vì khốn khó và cũng không còn bao nhiêu tiền nữa. Cuối cùng vì ông cảm nhận rằng mình phải có sứ mệnh truyền thừa nghệ thuật mà Tổ tông để lại. Trời xanh đã không phụ người có tâm và ông cũng gặp được vị ân sư dạy ông thư pháp. Vị thầy dạy thư pháp của ông không những không thu học phí mà còn cho ông ở trong nhà để học tập.

Cho nên, các vị muốn con cái của các vị học được bản lĩnh thật sự thì tuyệt đối không phải là cứ phải bỏ ra rất nhiều tiền. Nếu như những nhà nghệ thuật này đều muốn thu rất nhiều tiền của các vị như vậy, thì thật ra đã thể hiện ra rằng họ có đức hay là chỉ có tài năng? Khi một người không có đức chỉ có tài năng thì tài năng của họ, cảnh giới nghệ thuật của họ sẽ gặp phải chướng ngại mà không tiến xa được nữa. Bởi vì nghệ thuật cũng là sự thể hiện tâm tính của một người. Tại sao có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật có thể làm cảm động lòng người rất sâu đậm? Bởi vì những tác phẩm đó đều là tâm cảnh của họ, lòng nhân từ của họ, có quan hệ trực tiếp đến sự tu dưỡng của họ.

Cho nên khi Thầy Lý gặp được vị thầy thư pháp này thì được dạy rất nhiều kỹ thuật tâm pháp vô cùng quan trọng. Khi thầy dạy ông xong, thầy giáo liền nói với ông rằng: “Nếu như trò không có đức hạnh thật sự mà ta lại dạy cho trò những tài năng này là ta đã hại trò cả cuộc đời này”. Thầy ông lại nói tiếp: “Bởi vì ta dạy cho trò những tài năng này, có thể trong một thời gian ngắn trò sẽ có được cả danh, lẫn lợi. Trong thời gian này có thể sẽ xuất hiện tình huống nguy hiểm đến cuộc đời của trò. Lúc này trò lại không biết khiêm tốn thì sẽ chuốc lấy rất nhiều sự đố kỵ. Trong sinh hoạt trò lại không biết tiết kiệm, cần kiệm thì rất có thể làm nảy sinh thói quen phung phí”.

Cho nên, chúng ta cũng nhìn thấy có rất nhiều người trong giới nghệ thuật, cũng đã từng nổi tiếng một thời, kết quả khi về già thì lại vô cùng buồn chán. Đó cũng là bởi vì có thói quen xa hoa. Cho nên thầy Lý cũng tiếp thu lời giáo huấn của thầy mình một cách sâu sắc, cũng làm theo lời giáo huấn của thầy mà khiêm tốn ở mọi nơi, mọi lúc. Ông mới 33 tuổi đã nhận được mấy giải thưởng rất lớn, hơn nữa cũng thường xuyên dạy học công ích. Tôi cũng từng mời ông đến Hải Khẩu giúp chúng tôi chỉ đạo viết thư pháp. Đi những một tuần lễ mà ông không nhận một đồng nào, thậm chí còn đem rất nhiều tiền tặng cho những vị giáo viên ở Hải Khẩu. Cho nên, “đức” là quan trọng, “đức” là căn bản của “vạn phúc”, thì chữ “phúc” này mới xây dựng được vững chắc.

Khi xưa, lúc Lão Tử bỏ đi thì gặp một vị quan viên. Vị quan viên này hỏi Lão Tử rằng: “Tôi có hai người con trai, tôi không biết sau này nên nhờ vả đứa nào?”. Lão Tử liền để một ít tiền lên trên bàn, sau đó nói với hai người con trai của vị quan viên, đầu tiên nói với người con trai cả rằng: “Chỉ cần cháu đánh cha cháu một cái thì số tiền này là của cháu”. Người con cả cũng tương đối chất phác, nó cúi gầm đầu mà nói: “Không được! Sao có thể đánh cha được!”. Nó thà chết chứ không chịu nghe theo. Tiếp theo Lão Tử lại nói tương tự với người con trai thứ. Đứa con này rất thông minh lanh lợi, đầu óc chuyển biến đặc biệt nhanh nhạy. Bình thường thì cha mẹ sẽ cảm thấy đứa con nào tốt hơn? Họ có thể còn đi khắp nơi mà khoe khoang rằng: “Các vị xem, đứa con này của tôi rất thông minh”. Kết quả khi Lão Tử nói với nó: “Chỉ cần cháu đánh nhẹ một cái thì số tiền này sẽ là của cháu”. Đứa bé lập tức đi đánh cha một cái, sau đó nhanh chóng đi lấy tiền đút vào túi. Lão Tử liền nói với người cha rằng: “Bây giờ ông biết lúc già phải dựa vào ai rồi chứ”.

Vị quan viên này lúc về già quả thật đã sống dựa vào người con trai cả, còn người con trai thứ của ông đến nơi khác làm ăn buôn bán. Sau này khi vị quan viên qua đời, khi tin tức người cha qua đời truyền đến tai người con trai thứ, người con trai thứ nghĩ: “Mình có về thì cũng phải mất một khoảng thời gian, trong khoảng thời gian này không biết sẽ không kiếm được bao nhiêu tiền”. Kết quả là ngay cả đám tang lễ của cha mình, người con này cũng không tham gia. Cho nên Lão Tử rất có trí tuệ, có thể từ hành vi của đứa bé mà suy luận được ý đồ của chúng, bởi vì kẻ coi trọng danh lợi thì sẽ khinh nghĩa, “trọng lợi giả tất khinh nghĩa”. Chỉ cần xung đột với lợi ích của họ là họ nhất định sẽ không quan tâm, nhất định để lợi lộc lên hàng đầu. Có một số người đặc biệt yêu thích đối với những đứa con mà họ cảm thấy rất thông minh, lanh lợi, nhưng khi về già luôn luôn lại là được những đứa con thật thà, chất phác chăm nom.

Chúng ta cũng từng nghe nói, có một người mẹ sinh ba đứa con. Người con cả và người con thứ hai đều tốt nghiệp đại học, người con thứ ba tốt nghiệp cấp ba. Kết quả là người con nào chăm nom người mẹ? Ngược lại, người con cả và người con thứ hai càng học nhiều thì lại càng ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình. Chúng ta cũng thấy có rất nhiều cha mẹ cho con ra nước ngoài du học. Con cái họ học đến cuối cùng cũng không trở về để chăm sóc cha mẹ lúc về già, luôn luôn là “một đi không trở lại”. Còn có người lấy vợ ở nước ngoài, cha mẹ còn phải đi ra nước ngoài để thăm nom. Thậm chí cha mẹ ở một thời gian, khi sắp ra về thì con dâu còn đem cái gì ra? Hóa đơn thanh toán. Như vậy thì cha mẹ chân thật có thể sẽ ho ra máu. Sớm biết có ngày này thì ngày xưa việc gì phải vậy, thà rằng không sinh còn hơn. Con cái không có đạo đức thì chân thật sẽ làm cho cha mẹ tức chết, chân thật là sẽ gieo hại cho gia đình, di hại cho xã hội. Cho nên giáo dục con cái, chúng ta phải biết nhìn xa, trông rộng, phải lấy đức làm căn bản.

  1. VĂN QUÁ NỘ, VĂN DỰ LẠC. TỔN HỮU LAI, ÍCH HỮU KHƯỚC. VĂN DỰ KHỦNG, VĂN QUÁ HÂN. TRỰC LƯƠNG SĨ, TIỆM TƯƠNG CẬN.

Nghe lỗi giận, nghe khen vui

Bạn xấu đến, bạn hiền đi.

Nghe khen sợ, nghe lỗi vui

Người hiền lương, dần gần gũi

Trong nội dung của chương chữ “tín” này, chúng ta có thể hồi tưởng lại một chút. Bắt đầu là “phàm xuất ngôn, tín vi tiên(phàm nói ra, tín trước tiên), thể hiện chữ “tín” trong lời nói. “Gian xảo ngữ, uế ô từ(lời gian xảo, từ bẩn thỉu), những điều giáo huấn này cũng nhắc chúng ta thái độ khi nói chuyện. Khi thái độ nói chuyện của chúng ta rất thô lỗ thì sẽ không có cách gì để cho người khác tin tưởng. Cho nên trong nội dung về phần chữ “tín” này, khi các vị làm được thì sẽ khiến cho người khác có cảm giác tin tưởng, tín nhiệm rất cao. Họ đối với các vị sẽ rất khâm phục. Ví dụ như: “Kiến vị chân, vật khinh ngôn. Tri vị đích, vật khinh truyền(Thấy chưa thật, chớ nói bừa. Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền), các vị đều có thể làm được thì bạn bè của các vị nhất định sẽ cảm thấy các vị rất có sự tu dưỡng, rất có chừng mực. Sự tin tưởng trong xã hội đối với các vị sẽ không ngừng tăng cao.

************

22.1. Văn quá nộ, văn dự lạc. Tôn hữu lai, ích hữu khước (Nghe lỗi giận, nghe khen vui. Bạn xấu đến, bạn hiền đi)

Giống như chúng ta vừa đọc đến câu: “Văn quá nộ, văn dự lạc(Nghe lỗi giận, nghe khen vui), đây là nói khi chúng ta nghe được người khác nói đến lỗi lầm của mình thì liền nổi nóng, người khác khen ngợi chúng ta thì chúng ta liền dương dương đắc ý. Nếu như chúng ta có thái độ như vậy thì rất khó có thể nhận được sự tín nhiệm của bạn bè. Chúng ta sẽ tạo thành hậu quả: “Tổn hữu lai, ích hữu khước(bạn xấu đến, bạn hiền đi). Tại sao bạn xấu lại đến? Bởi vì họ hiểu rất rõ rằng chỉ cần nói mấy câu khen ngợi các vị thì các vị đã điên đảo thần hồn. Lúc đó họ sẽ có cơ hội để lợi dụng. Cho nên bạn xấu sẽ đến, bạn tốt sẽ tránh xa.

Bạn tốt tại sao lại tránh xa? Bởi những người có đạo đức  hiểu rất rõ bổn phận của một người bạn là nhất định phải nói thẳng không kiêng nể. Các vị có khuyết điểm thì họ nhất định sẽ thẳng thắn nói ra giúp các vị. Khi các vị không thể tiếp thu thì trước tiên họ chỉ có thể cứ tránh xa đã. Bởi vì nếu như họ không tránh xa, các vị thường xuyên thấy họ thì họ cũng sẽ làm cho các vị thấy buồn phiền. Vì không muốn các vị phiền muộn cho nên họ chỉ có thể tránh xa một thời gian. Đợi đến khi các vị thật sự tiếp thu được, chịu thu nạp lời khuyên chính đáng của họ thì họ mới lại quay về bên cạnh các vị.

Con người thích nghe lời khen hơn là thích nghe lời chính trực. Vậy cái thói quen này có từ khi nào? Cho nên chúng ta phải có thái độ “văn dự khổng, văn quá hân(nghe khen sợ, nghe lỗi vui). Điều này đòi hỏi chúng ta phải nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ. Bởi vậy các thầy giáo ở trung tâm chúng tôi khi dạy đến câu này đều nhắc nhở các em nhỏ rằng: “Hôm nay người khác có nói ra những khuyết điểm của các em, thì cũng giống có một vệt bẩn đang bám ở trên mặt của các em, lúc này người ta nói cho các em là để các em lau cái vệt bẩn đó đi. Vậy thì các em có nên cảm ơn họ không? Đương nhiên là nên. Vậy khi người khác chỉ ra khuyết điểm của các em thì cũng giống như họ giúp các em lau đi cái vệt bẩn trên mặt của các em rồi. Vậy thì đương nhiên là các em cần phải cảm ơn họ”.

Cho nên giữa những em nhỏ này với nhau, chỉ cần có người bạn học chỉ ra khuyết điểm của chúng thì tiếp theo đó chúng ta sẽ nghe được một câu nói rất hay. Chúng sẽ cúi đầu chào và nói với bạn học rằng: “Cảm ơn bạn đã chỉ ra khuyết điểm của mình”. Khi đứa bé này có thể sửa chữa khuyết điểm của nó thì giáo viên chúng tôi sẽ đúng lúc khen ngợi nó rằng: “Quá năng cải, quy ư vô(Biết sửa lỗi, không còn lỗi). Như vậy thì đứa bé lại càng vui vẻ để sửa chữa khuyết điểm của mình. Cho nên từ nhỏ, trẻ đã nuôi dưỡng thái độ như vậy thì đối với cả cuộc đời của nó sẽ có rất nhiều lợi ích.

Văn quá nộ, văn dự lạc(nghe lỗi giận, nghe khen vui), đọc câu này chúng ta liền nghĩ đến một câu chuyện vào thời nhà Tống. Thời nhà Tống có một vị đại văn hào tên là Tô Đông Pha. Ông là bạn thân với thiền sư Phật Ấn. Hai người thường xuyên cùng nhau rèn luyện học vấn. Có một hôm Tô Đông Pha cảm thấy cảnh giới của ông rất đẹp liền viết một bài thơ, bài thơ viết rằng: “Khể thủ thiên ngoại thiên, hào quang chiếu đại thiên; Bát phong xuy bất động, đoan tọa tử kim liên”. Ông cảm thấy cảnh giới hiện tại của ông rất tốt, ngay cả gió bát phong cũng không thể ảnh hưởng đến tâm thanh tịnh của ông.

Quý vị thân mến! “Gió bát phong” là gì vậy? “Gió bát phong” này là cảnh giới để thử thách rất nhiều cuộc đời chúng ta. Đó là lợi, suy, khổ, lạc, xứng, cơ, hủy, dự:

Lợi” là lúc các vị rất thuận lợi, rất thông thuận.

Suy” là bị suy bại.

Khổ” là lúc bị khổ sở.

Lạc”, lúc rất hoan hỷ, lúc rất vui vẻ. Thường thì khi con người đau khổ một chút liền sẽ oán hận khắp trời, người mà vui vẻ một chút thì có thể sẽ vui quá hóa buồn. Cho nên những cảnh giới này cũng là để thử thách sự tu dưỡng của một người.

Xứng(tán thưởng) thì dương dương tự đắc.

”, người khác trách móc chúng ta thì chúng ta rất tức giận, rất không phục.

Hủy” là bôi nhọ, là phỉ báng chúng ta.

Dự” là lúc danh dự của chúng ta rất tốt đẹp thì có thể chúng ta lại khởi tâm ngạo mạn.

Tô Đông Pha cảm thấy gió bát phong cũng không thể ảnh hưởng đến tâm cảnh của ông, ông đều có thể giữ được sự thanh tịnh, cho nên viết ra bài thơ này để tặng cho thiền sư Phật Ấn.

Kết quả, khi thiền sư Phật Ấn xem xong liền viết lên phong thư một chữ “rắm” và bảo ông mang về. Lúc đầu Tô Đông Pha mong đợi thiền sư Phật Ấn trả lời ông như thế nào? Có thể ông nghĩ rằng: “Mau mà khen ngợi tôi đi!”. Thật ra “gió bát phong” đã động chưa? Đã động, bởi vì muốn người khác khen ngợi, muốn nghe lời khen ngợi là đã động. Kết quả sau khi xem xong, Tô Đông Pha rất tức giận, vô cùng tức giận, liền lập tức đi đến nơi ở của thiền sư Phật Ấn. Nhưng kết quả khi đến cửa nhà thiền sư thì thấy cửa đóng, và có viết hai hàng chữ rằng: “Gió bát phong không thể lay động, thế mà chỉ một phát “rắm” đánh ra đã vội chạy đến”. Tô Đông Pha thấy vậy thì rất là hổ thẹn liền bỏ đi mất.

Cho nên chúng ta phải luôn luôn kiểm điểm lại bản thân mình xem có phải “gió bát phong” thổi không lay động hay không? Luôn luôn từ khởi tâm, động niệm để loại trừ những thói quen xấu của chúng ta thì mới không phạm phải sự sai lầm “văn quá nộ, văn dự lạc(nghe lỗi giận, nghe khen vui) như thế này.

************

22.2. Văn dự khổng, văn quá hân. Trực lượng sĩ, tiệm tương thân (Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi)

Chúng ta cũng thấy rằng khi một vị vua mà có thể luôn luôn rộng lượng, khoan hồng, có thể tiếp thu lời can gián của quần thần, nếu như họ có thể độ lượng, rộng rãi như vậy, thì tất nhiên là có thể để những vị trung thần này, những vị hiền thần này chỉ ra khuyết điểm của họ, để cho chính sách của họ chân thật có thể giúp ích đối với nhân dân. Giống như vậy, chúng ta là cha mẹ, là thầy giáo, khi học sinh hoặc con cái chỉ ra cái khuyết điểm của chúng ta, chúng ta cũng phải khiêm tốn mà tiếp thu.

Khi các vị nhận lỗi với con cái, có rất nhiều phụ huynh trong lòng sẽ nghĩ: “Như vậy thì mình sẽ kém đi một chút!”. Thật sự thì lại ngược lại, khi chúng ta là giáo viên mà chân thật có lỗi lầm, ví dụ như đã vi phạm câu nào đó trong “Đệ Tử Quy”, chúng ta lập tức nói với học sinh rằng: “Chỗ này thầy đã sai, thầy phải sửa chữa, thầy sẽ cùng với các em học tập”. Thường thì khi thầy giáo biết nhận khuyết điểm thì sẽ nhìn thấy trong mắt bọn trẻ là sự tôn trọng đối với thầy giáo.

Cho nên khi một người nhận lỗi thì đó là đức hạnh: “Nhân phi Thánh Hiền, thục năng vô quá. Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên(Người không phải là Thánh Hiền, có ai là không có lỗi, có lỗi mà biết sửa thì có cái thiện nào lớn bằng). Cho nên khi trưởng bối tự động sửa đổi, chủ động sửa chữa khuyết điểm thì cũng tạo cho cả đoàn thể có nếp sống dũng cảm nhận lỗi.

Khi bên cạnh chúng ta có rất nhiều người bạn có thể chủ động cho chúng ta những lời khuyên, như vậy thì cuộc đời của chúng ta giống như có thêm nhiều đôi mắt sáng chỉ đường cho chúng ta. Bởi chúng ta chỉ có hai con mắt, có lúc chỉ nhìn được phía trước mặt mà không nhìn được hai bên, không nhìn được phía sau. Khi chúng ta có thái độ khiêm tốn để tiếp thu lời khuyên can của người khác, thì tự nhiên sẽ có nhiều người đến giúp đỡ chúng ta.

Cho nên, chúng ta có nói đến bốn vị quân tử là Mai, Lan, Trúc, Cúc, là thể hiện đức hạnh của người quân tử. Tại sao cây trúc lại đại diện cho đức hạnh của người quân tử? Bởi vì ruột cây trúc trống rỗng, luôn luôn khiêm tốn, tiếp thu lời khuyên chính đáng. Cho nên, chúng ta “kiến nhân thiện, tức tư tề(thấy người tốt, nên sửa mình). Vậy khi “kiến vật thiện(thấy vật thiện) thì cũng “tức tư tề(nên sửa mình). Tổ tiên của chúng ta không chỉ học tập con người mà còn học tập vạn vật. Khi nhìn thấy cái đức của vạn vật thì cũng phản chiếu lại để sửa đổi bản thân mình.

Tôi cũng từng nói với học sinh rằng: “Cây trúc này có  đức hạnh gì? Các em có thể học được gì ở nó?”. Tôi để cho chúng tự mình đi quan sát. Quý vị thân mến! Các vị có thể học được gì từ cây trúc? Học tập thì phải cố gắng. Hơn nữa trong khi học tập có một then chốt rất quan trọng đó là con người phải có ngộ tính. Có ngộ tính thì mới có thể học một biết mười, đều có thể khi tiếp xúc với nhất thiết người hoặc sự vật thì luôn luôn có thể tự tu dưỡng mình, tự nâng cao mình.

Ngoài việc phải khiêm tốn ra, chúng ta còn cần có điều gì? Chúng ta nhìn dáng vẻ bề ngoài của cây trúc, mỗi một cây đều thẳng đứng, cũng giống như bên cạnh các vị có rất nhiều người chính trực. Vậy thì tin rằng các vị có muốn nghiêng ngả cũng không được. Cho nên đây cũng là tính chất quan trọng của một môi trường. Bởi thế nên mẹ của Mạnh Tử mới phải chuyển nhà đến ba lần. Bà cho rằng tuy Mạnh Tử có căn cơ như vậy, có tố chất như vậy nhưng cũng vẫn cần phải có hoàn cảnh hậu thiên tốt đẹp để bồi dưỡng. Cho nên chúng ta là cha mẹ cũng cần cho con cái có môi trường học tập tốt.

Chúng ta tiến thêm một bước để quan sát cây trúc. Nó mọc lên từng đốt, từng đốt một. Điều này thể hiện rằng con người không phải lúc nào cũng thuận lợi, tất nhiên cũng có lúc gặp phải những sự thách thức. Cho nên khi gặp phải những thách thức thì nhất định phải dũng cảm tiến lên phía trước để đột phá. Cây trúc cũng phải đột phá cửa ải từng đốt một. Cho nên chúng ta cũng phải có thái độ kiên nhẫn để đối diện với cuộc sống.

Có nhiều lúc học sinh đưa ra câu trả lời cũng làm cho chúng ta phải ngạc nhiên. Có một em học sinh nói rằng: “Thầy giáo! Cây trúc có tinh thần vì nhân dân phục vụ”. Tôi hỏi: “Tại sao em lại nói như vậy?”. Đứa bé nói: “Bởi vì măng trúc có thể ăn, thân trúc có thể xây dựng nhà ở, lá trúc có thể gói bánh trưng. Cho nên toàn thân cây trúc đều có thể cống hiến cho người khác dùng”.

Chúng ta nghe đến đây cũng cảm thấy rất hổ thẹn: Chúng ta có tinh thần hy sinh cống hiến cho người khác như cây trúc không? Cho nên chúng ta phải có thái độ cung kính, khiêm tốn đối với những người, những sự vật bên cạnh chúng ta, cũng phải tiếp thu những lời khuyên chính đáng của họ, đều phải học tập họ. Như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ có thêm nhiều sự trợ giúp. Đó chính là: “Văn dự khổng, văn quá hân. Trực lượng sĩ, tiệm tương thân(Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi). Khi các vị có thái độ như vậy thì cây cỏ cũng sẽ có tình cảm, cũng sẽ vui cười với các vị.

Văn dự khổng(nghe khen sợ), tại sao khi nghe người khác khen ngợi thì chúng ta phải có thái độ kinh sợ? Bởi vì tài năng của chúng ta, thậm chí thành tựu của chúng ta tuyệt đối không phải là năng lực của một người mà làm được. Ví dụ như quá trình trưởng thành của chúng ta cũng đều do sự nuôi dưỡng, giáo dục của cha mẹ, còn có rất nhiều vị trưởng bối chỉ bảo chúng ta, quan tâm chúng ta thì chúng ta mới hình thành được cái tài năng như vậy. Cho nên, khi chúng ta có được sự thành tựu thì đầu tiên nhất định phải nghĩ rằng những công lao này đều là của họ. Như vậy thì chúng ta mới không tự cho mình là tài giỏi.

Hơn nữa, ví dụ như mình thành tựu một khóa học cũng là do có rất nhiều người hỗ trợ, giúp đỡ. Như khóa học mấy ngày hôm nay của chúng ta, đã có rất nhiều vị bạn hữu ban đêm đi ngủ rất khuya, sáng hôm sau lại phải thức dậy rất sớm để làm việc, để nấu cơm cho chúng ta ăn. Cho nên sự thành tựu của một sự việc đều do công sức của rất nhiều người bỏ ra mới hoàn thành được. Bởi vậy chúng ta cũng phải luôn luôn cảm ơn những người đã bỏ công sức ra để phục vụ cho chúng ta như vậy. Khi chúng ta có tâm ý như vậy, thì dù nghe người khác khen ngợi chúng ta cũng không cảm thấy vui, mà còn cảm thấy sợ hãi. Chúng ta phải nhanh chóng tận tâm, tận lực làm tốt bổn phận của mình để báo đáp rất nhiều người đã bỏ công sức ra cho mình như vậy.

  1. VÔ TÂM PHI, DANH VI THÁC. HỮU TÂM PHI, DANH VI ÁC. QUÁ NĂNG CẢI, QUY Ư VÔ. THẢNG YỂM SỨC, TĂNG NHẤT CÔ.

Lỗi vô ý, gọi là sai

Lỗi cố ý, gọi là tội.

Biết sửa lỗi, không còn lỗi

Nếu che giấu, lỗi chồng thêm.

************

23.1. Vô tâm phi, danh vi thố (Lỗi vô ý, gọi là sai)

Bởi vậy mới có câu nói: “Bất tri giả vô tội(người không biết không có tội). Cho nên khi người khác phạm sai lầm, không phải là do họ cố ý, chúng ta tuyệt đối phải bao dung, phải rộng lượng. Nếu không thì họ cũng rất buồn phiền, khó chịu. Vậy thì đối với chúng ta mà nói, chúng ta cũng luôn luôn phải quán chiếu bản thân mình xem lời nói, hành động của chúng ta có chỗ nào không thích hợp không. Ví dụ như khi đang đi trên đường, hai ba người đứng thành hàng ngang trên đường, làm cho người đi phía sau khó mà vượt qua. Bởi vì người ta, ví dụ như, khi gặp lại người bạn thân lâu ngày mới gặp thì thường nói chuyện đến nỗi quên mất cả thế giới xung quanh. Cho nên đây là “vô tâm phi(lỗi vô ý).

Hoặc có khi chúng ta gọi điện thoại cho bạn bè, thì đúng lúc đó họ đang định đi ra ngoài, nhưng chúng ta lại nói một thôi một hồi không ngừng nghỉ. Họ cũng không biết phải làm sao để ngắt lời các vị, hoặc là nói cho các vị biết họ phải đi. Kết quả là họ cứ phải ở đó mà chịu trận. Lúc đó nhịp tim của họ sẽ đặc biệt nhanh! Đây cũng là “vô tâm phi(lỗi vô ý). Cho nên khi chúng ta gọi điện thoại thì đầu tiên nhất định phải hỏi rằng: “Xin hỏi, bây giờ anh có tiện nói chuyện không?”. Phải luôn luôn nghĩ cho người khác.

Khi Khổng Phu Tử lần đầu tiên đến Thái Miếu thì cũng: “Nhập Thái Miếu, mỗi sự vấn”, gặp phải rất nhiều việc, ông cũng đi thỉnh giáo những người phụ trách ở Thái Miếu. Những người khác đều cảm thấy rất khó hiểu: “Học vấn của Khổng Phu Tử nhiều như vậy mà sao đến Thái Miếu cái gì Ngài cũng phải hỏi?”. Kết quả học sinh của Ngài thấy vậy liền hỏi Ngài. Khổng Phu Tử liền trả lời: “Hỏi đến mỗi một sự việc là thể hiện lòng tôn trọng đối với sự việc đó. Hơn nữa khi chúng ta đến một môi trường mới, có thể môi trường này có quy luật riêng của nó. Chúng ta không thể làm theo ý của mình, nếu không thì có thể sẽ có chỗ bị thất lễ”.

Cho nên khi đến một môi trường mới thì đầu tiên chúng ta cũng phải tìm hiểu lối sống, nếp sinh hoạt của môi trường đó, thậm chí là cách bày trí đồ vật chúng ta cũng không thể tự động thay đổi, biến đổi. Có thể là do lòng tốt của chúng ta, nhưng  động tác này có thể gây ra phiền phức cho những người làm việc ở nơi đó. Cho nên đây cũng có thể phạm phải “vô tâm phi, danh vi thố(lỗi vô ý, gọi là sai).

********

23.2. Hữu tâm phi, danh vi ác (Lỗi cố ý, gọi là tội)

Ý ở đây muốn nói: Rõ ràng biết được là sai trái mà vẫn cứ làm, đó được gọi là “minh tri cố phạm(biết là sai vẫn cứ làm), như vậy là ác, là không thể được. Hiện tượng như vậy thời nay có nhiều không? Rất nhiều! Tại sao vậy? Ví dụ như rõ ràng có biển đề chữ “Cấm hút thuốc lá”, nhưng họ vẫn cứ hút thuốc. Nguyên nhân ở đâu? “Chưa học Đệ Tử Quy”. Đáp án đúng! Họ không được giáo dục, chưa học tập tốt đạo lý làm người. Họ không được thầy giáo dạy bảo, cũng không được cha mẹ nhắc nhở, cho nên mới nói: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức”.

HẾT TẬP 33. XIN XEM TIẾP TẬP 34!