Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 23/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 23/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Lập đoan chính” (đứng ngay thẳng)

Chúng ta hãy ôn tập lại một lần. Khi nữ giới đứng thì phải đứng như thế này, sau đó tay phải đặt trên tay trái. Nếu các vị mặc váy thì tay phải để thấp xuống một chút, nếu như mặc quần thì tay có thể để cao lên một chút, đây là nói về nữ giới. Cũng có thể trực tiếp đứng bằng như thế này, hai tay cũng có thể buông xuôi tự nhiên, chỉ cần động tác của chúng ta tao nhã là được, đứng như thế này cũng được. Nam giới phải có khí khái của bậc đại trượng phu, cho nên hai chân phải bằng hai vai, mắt nhìn về phía trước, đây là tư thế đứng.

Ngoài ra, ở bài giảng trước chúng ta có làm mẫu tư thế ngồi. Chúng ta cũng có nhắc tới, Tổ tiên đã hướng dẫn chúng ta phải “lập như tùng, ngọa như cung, hành như phong, tọa như chung(Đứng như cây tùng, nằm cong như cánh cung, đi như gió thoảng, ngồi vững như cái chung). Chúng ta mới nhắc đến tư thế ngồi của nữ giới, hai chân phải khép lại với nhau, tay phải đặt trên tay trái sau đó đặt trên chân trái, đây là tư thế ngồi của nữ giới.

Trong bài giảng này chúng ta sẽ làm mẫu tư thế ngồi của nam giới. Tư thế ngồi của nam giới thì hai chân có thể hơi dang ra, hai tay đặt tự nhiên trên đùi. Tư thế này các vị có cảm thấy quen thuộc không? Ba mươi năm trước, trong bức ảnh chụp tập thể cả gia đình thì tư thế của người cha đều như thế này. Thời đó ngồi như vậy rất là uy nghiêm. Khi tôi dạy học ở Sán Đầu, tôi cũng ngồi rất tiêu chuẩn như thế này, nhưng người thợ chụp ảnh thì cứ bảo tôi phải khép hai chân lại. Tôi không biết phải làm sao, thế là tôi từ từ khép hai chân lại, nhưng cũng không khép chặt. Các vị xem! Nếu như nam giới mà ngồi như vậy thì cảm thấy dường như rất hẹp hòi, không phóng khoáng. Đây là tư thế ngồi.

15.2. Ấp thâm viên, bái cung kính (Chào cúi sâu, lạy cung kính)

Khi cúi lạy, chúng ta phải cúi xuống, đây gọi là cúi xuống chín mươi độ (900) để lạy. Có một người bạn lần đầu tiên đến học, nhìn thấy mọi người đều chào hỏi lẫn nhau, anh ấy cũng gật đầu chào mọi người. Đến ngày thứ năm, khi học xong và phải về, anh ấy liền đến trước mặt thầy giáo của chúng tôi và nói rằng những lần cúi lạy trước đây của anh không được tính, bởi vì không phải là sự cung kính xuất phát từ nội tâm. Cho nên bây giờ anh phải chính thức cúi lạy ba lạy người thầy giáo, tự mình biết và người khác cũng cảm nhận được. Lễ nghi chân thật là không thể chỉ ở bề ngoài mà phải là “Thành ư trung, hình ư ngoại” (thành kính ở trong lòng thì biểu hiện ra ngoài). Đây là nói đến tất cả sự uy nghi của chúng ta.

************

15.3. Vật tiễn vực, vật bả ỷ. Vật ky cứ, vật diêu bệ (Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng. Chớ ngồi dang, không rung đùi)

Trong tư thế ngồi chúng ta cũng phải chú ý đến những tiểu tiết.

Vật tiễn vực” (chớ đạp thềm) là trong khi đứng hoặc ngồi thì không được dẫm lên đồ vật. Ví dụ như thời xưa có bậc cửa, các vị dẫm lên như vậy, cái tư thế này rất khó coi, cũng làm cho người ta cảm thấy các vị rất khinh khi, rất tùy tiện. Hơn nữa những đồ vật bị các vị dẫm lên lâu rồi sẽ rất dễ bị hỏng. Cho nên đây cũng là một thái độ yêu quý đồ vật.

Thời nay có rất nhiều đứa trẻ ngồi trên ghế tựa, chân nó có khi đạp vào chân ghế hoặc đạp vào chân bàn. Cho nên những điều này cũng nên kịp thời sửa chữa. Giống như ở lớp học Kinh văn của chúng tôi, xem ra thì học trò đều ngồi rất ngay ngắn, nhưng khi nhìn xuống dưới thì xuất hiện muôn hình vạn trạng sự kỳ quái. Có em vừa học vừa đung đưa chân sang bên phải, sang bên trái, còn miệng thì vẫn đọc: “Đệ Tử Quy, Thánh nhân huấn”. Có em lại đạp vào chân bàn, chân ghế. Còn có tình huống khi đang học được nửa chừng thì cái ghế của một em bỗng đổ ra. Tại sao vậy? Cái ghế đó bị học sinh đạp gãy chân cho nên ngã đổ ra. Cho nên trẻ nhỏ có rất nhiều động tác cần chúng ta cần phải đúng lúc đi uốn nắn, sửa chữa thì những hành vi tốt mới thành thói quen để trở nên tự nhiên. Cho nên mới nói: “Vật tiễn quắc(Chớ đạp thềm). Nếu như trẻ nhỏ đã có thói quen xấu thì các vị cũng phải không ngại phiền hà mà nhắc nhở chúng mới phải.

Vật bả ỷ” (không đứng nghiêng), đây là nói khi đứng thì đứng nghiêng một bên hoặc dựa vào một vật nào đó, như vậy đều rất không tốt. Khi trẻ nhỏ đứng mà còn tùy tiện như vậy thì các vị có dám giao những việc quan trọng cho chúng làm không? Tin rằng những việc nhỏ mà còn sơ xuất như vậy, đến khi làm việc lớn cũng không thể nào đột nhiên trở nên cẩn thận được. Cho nên “vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi” (đừng chê việc thiện nhỏ mà không làm, đừng cho việc ác nhỏ mà lại làm). Năng lực to lớn của một con người cũng bắt đầu từ những điều nhỏ bé mà nên. Hành vi không tốt của một người cũng đều bắt đầu từ sự sơ xuất trong những tiểu tiết của cuộc sống mà thành.

Vật ky cứ” (chớ ngồi dang), “ky” là cái gầu, bởi vì cái miệng gầu rất rộng, cho nên “vật ky cứ” có nghĩa là khi ngồi hai chân không được dang rộng quá. Ở phần này tôi không làm mẫu nữa. Các vị dang rộng chân ra thì rất là không tao nhã. Nếu như lại là nữ giới thì có thể các vị sẽ bị người khác nói điều thị phi, sẽ bị người ta đàm tiếu.

Vật diêu bệ” (không rung đùi) đó là nói khi ngồi thì rung đùi. Có người không những đung đưa sang trái, sang phải mà còn đưa lên, đưa xuống. Chúng tôi đã từng tham gia một hội nghị, ngồi bên cạnh có mấy vị quản lý cứ đung đưa từ đầu tới chân làm cho chúng tôi có chút chóng mặt. Nếu như các vị đang ngồi học, trước mặt có người cứ đung đưa qua lại như vậy thì các vị sẽ cảm thấy rất khó chịu. Cho nên thói quen này phải sửa ngay.

Tại sao hành vi của con người lại như vậy? Tại sao một người đang nói lại cứ phải ở đó mà đung đưa qua lại như vậy? Điều đó chứng tỏ trạng thái nội tâm của anh ấy đang nóng ruột, bất an. Khi nội tâm anh ấy nóng ruột, bất an như vậy thì lúc nói chuyện với các vị, thật ra họ cũng là đang ứng phó mà thôi, bởi không làm thì không được. Có rất nhiều việc anh ấy cũng cảm thấy là những việc rất quan trọng, ví dụ như giáo dục con cái hoặc là quan hệ vợ chồng trong gia đình, nhưng anh ấy đều không có biện pháp giải quyết cho nên cứ để mãi ở trong lòng. Nhưng hàng ngày lại không thể không đi làm những việc cần phải nhanh chóng giải quyết này, và anh ấy lại không có biện pháp để hoàn toàn chuyên tâm giải quyết, cho nên khi nóng vội thì thân thể anh ấy bắt đầu đung đưa.

Cuộc sống của người thời nay thật không đơn giản, muốn cho lòng được yên thì đây quả là một công trình rất lớn. Cho nên thứ nhất là chúng ta phải nâng cao trí tuệ của mình, thứ hai là thường xuyên giữ được sự cảnh giác đối với hành vi ngoại tại. Chúng ta luôn luôn phải quán chiếu ngôn ngữ, lời nói của mình và cả tay chân cơ thể, động tác của mình xem có thích hợp hay không. Lâu dần thì tự nhiên những ngôn ngữ, lời nói, hành vi này được nội hóa, thì chúng ta sẽ luôn luôn giữ được chừng mực cung kính, giữ được lễ nghi. Cho nên mới nói: “Vật tiễn vực, vật bả ỷ. Vật ky cứ, vật diêu bệ” (Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng, chớ ngồi dang, không rung đùi).

  1. HOÃN YẾT LIÊM, VẬT HỮU THANH. KHOAN CHUYỂN LOAN, VẬT XÚC LĂNG. CHẤP HƯ KHÍ, NHƯ CHẤP DOANH. NHẬP HƯ THẤT, NHƯ HỮU NHÂN. SỰ VẬT MANG, MANG ĐA THÁC. VẬT ÚY NAN, VẬT KHINH LƯỢC. ĐẤU NÁO TRƯỜNG, TUYỆT VẬT CẬN. TÀ PHÍCH SỰ, TUYỆT VẬT VẤN.

Vén rèm cửa, chớ ra tiếng

Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc.

Cầm vật rỗng, như vật đầy

Vào phòng trống, như có người.

Chớ làm vội, vội sai nhiều

Không sợ khó, chớ qua loa.

Nơi ồn náo, không đến gần

Việc không đáng, quyết chớ hỏi.

Chúng ta xem đoạn Kinh văn trên, đại ý muốn nói chúng ta nên có thái độ táo bạo nhưng thận trọng. Chúng ta thường hay nói là phải táo bạo nhưng phải thận trọng. Cho nên khi làm rất nhiều động tác thì chúng ta đều phải cố gắng hết sức dịu dàng, cung kính, nhưng khi đối diện với những thách thức thì không được sợ khó khăn, cho nên mới nói: “Vật uý nan” (không sợ khó). Bởi thận trọng nên làm việc gì cũng rất là cẩn thận thì tự nhiên sẽ không xảy ra vấn đề. Cho nên táo bạo mà lại thận trọng đều bắt đầu được bồi dưỡng từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống.

************

16.1. Hoãn yết liêm, vật hữu thanh. Khoan chuyển loan, vật xúc lăng (Vén rèm cửa, chớ ra tiếng. Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc)

Khi chúng ta kéo rèm thì phải nhẹ nhàng, khi kéo rèm không được để phát ra tiếng động quá lớn. Bởi con người đều sống quần cư với nhau, cùng nhau làm việc, cùng nhau sinh hoạt. Cho nên nhất cử, nhất động của chúng ta liệu có gây phiền phức, gây rối cho người khác hay không? Điều này thì chúng ta phải có sự nhạy bén như vậy để đi quan sát. Ví dụ như người bên cạnh đang ngủ, bạn lại kéo rèm đánh xoẹt một cái. Anh ấy không chừng đã bị mất ngủ hai, ba hôm rồi, nay rất khó khăn mới ngủ lại được. Động tác này của các vị lại làm cho anh ấy ngủ không được và lại thức giấc. Hoặc là khi ở trong thư viện, các vị đi kéo rèm. Thư viện là nơi xem sách, mọi người đều rất yên lặng, nếu như các vị kéo rèm mà phát ra tiếng động lớn thì có thể làm cho người khác giật mình. Cho nên mới nói: “Hoãn yết liêm, vật hữu thanh” (Vén rèm cửa, chớ ra tiếng).

Tuy chỉ là một động tác kéo rèm nhưng cũng là để nói với chúng ta rằng: Mỗi một lời nói, hành động của chúng ta ở mọi nơi, mọi lúc có làm cho người khác cảm thấy bất an không? Tiếng động như vậy có lớn lắm không? Khi chúng ta luôn luôn biết nghĩ cho người khác thì tấm lòng càng ngày càng dịu mềm hơn. Khi tấm lòng của các vị càng ngày càng dịu dàng hơn thì các vị đã chân thật có được tấm lòng nhân từ.

Trong cuộc sống, còn có khi nào do tiếng động của các vị quá lớn mà gây phiền phức cho người khác? Khi nào? Ví dụ như mấy hôm nay chúng ta đều ở cùng nhau, nếu như buổi tối bước chân đi gây nên tiếng động rất lớn thì sẽ làm ồn người khác. Tiếp nữa là ban đêm đi vệ sinh, khi mở cửa mạnh tay quá thì có thể các vị làm cho rất nhiều người sẽ bị tỉnh giấc. Tôi còn nhớ khi tôi học ở Úc, chú Lô thường nói với tôi rằng ban đêm khi vào nhà vệ sinh thì nhất định phải nhẹ nhàng. Hơn nữa khi xả nước bồn cầu thì phải xem cửa đã đóng chưa, nếu không âm thanh xả nước bồn cầu sẽ làm cho rất nhiều người không được yên tĩnh.

Để biết một người có học vấn hay không thì nhìn thấy ở đâu? Chúng tôi nói rằng: “Biết nghĩ cho người khác là học vấn đệ nhất”. Hơn nữa biết nghĩ cho người khác không phải chỉ nói suông, mà phải thực hành từng li, từng tí một. Ví dụ, ngoài lúc đi đường và khi đóng cửa không được gây tiếng động lớn ra thì khi mọi người cùng nhau ăn cơm, khi ăn cũng không được gây ra tiếng động quá lớn. Nếu như các vị ăn cơm mà có tiếng động lớn thì tất cả những người khác đang ăn sẽ cảm thấy không thoải mái. Tại sao khi ăn cơm lại có tiếng động rất lớn? Bởi vì miệng không ngậm lại. Cho nên tôi cũng khuyên rất nhiều vị bạn hữu khi ăn cơm thì phải ngậm miệng lại. Bởi chúng ta không chỉ đại diện cho bản thân chúng ta, chúng ta còn đại diện cho công ty, đại diện cho đoàn thể. Thậm chí khi đi du lịch nước ngoài thì các vị đại diện cho dân tộc của mình. Cho nên các vị phải luôn luôn chú ý những động tác của các vị.

Lần trước tôi có nói đến Điện Thánh Mẫu ở Pari có viết một dòng chữ Trung Quốc. Dòng chữ Trung Quốc đó viết gì vậy? “Xin đừng lớn tiếng gây ồn!”. Họ viết cho ai xem? Thanh danh người ta thì bay xa, còn chúng ta sao lại có kết quả như vậy! Bởi vì người Trung Quốc ngày nay khi đi đến những nơi công cộng thì đều gây ồn ào, lớn tiếng. Điều này cũng nói lên rằng các vị ở nhà cũng vậy. Cho nên sự tu dưỡng của một người tuyệt đối là được bồi dưỡng từ trong gia đình, tuyệt đối là từ chỗ không người mà tạo thành. Cho nên chúng ta đặc biệt nhấn mạnh bản lĩnh khi “thận độc” (cẩn thận khi chỉ có một mình). Khi chúng ta chỉ có một mình thì động tác của chúng ta, ngôn ngữ, lời nói của chúng ta cũng phải nhẹ nhàng, phải hòa hoãn, từ tốn. Như vậy, thói quen sẽ thành tự nhiên, thì tự nhiên khi đến nơi công cộng, các vị cũng có thể làm ra những động tác tao nhã như vậy.

Cho nên chúng ta ở sân bay mà thấy bọn trẻ kêu gào, gọi to, chạy qua, chạy lại thì chúng ta cũng phải kịp thời ngăn chặn hành vi này của bọn trẻ. Các vị có thể kể câu chuyện Điện Thánh Mẫu ở Pari cho chúng nghe, nói với chúng rằng: “Thể diện của chúng ta không thể để mất mặt với cả thế giới. Các cháu thấy đó! Sân bay này có rất nhiều người nước ngoài. Họ thấy các cháu như vậy thì sẽ nói: Trẻ em Đài Loan của các vị sao lại giáo dục thành ra như thế? Người Trung Quốc của các vị sao lại giáo dục thành ra như vậy? Như vậy thì thật là không tốt!”

Khi chúng ta có được sự nhạy cảm, thì có thể từng li, từng tí trong cuộc sống các vị cũng bắt đầu cảm nhận sâu sắc đối với câu Kinh văn này. Ví dụ như nửa đêm về nhà, lấy chìa khoá ra mở cửa thì các vị cũng hết sức nhẹ nhàng. Nửa đêm khi chúng ta lái xe về nhà thì các vị cũng phải nhanh chóng tắt máy. Khi sự nhạy bén của các vị đối với những âm thanh đó càng ngày càng cao thì năng lực quán chiếu đã thành hình.

Hoãn yết liêm” (Vén rèm cửa), ngoài việc không gây tiếng động làm ảnh hưởng đến người khác ra thì còn là một biểu hiện yêu quý đồ vật. Bởi khi các vị dùng đồ vật mà nhẹ nhàng thì chúng sẽ không dễ gì mà bị hỏng. Nếu như thường ngày các vị dùng đồ vật gì cũng thô lỗ, cũng rất mạnh tay, như vậy thì đáng lẽ ra cái đồ vật này có thể dùng được năm năm, mười năm, nhưng chỉ dùng một năm thì đã hỏng rồi. Cho nên trong quan niệm yêu quý đồ vật, chúng ta cũng phải luôn luôn nhắc nhở bản thân không được quá thô lỗ. Ví dụ như lúc mặc quần áo, nếu như các vị rất là thô lỗ thì quần áo rất dễ bị xé rách.

Cho nên điều này cũng phải nhắc nhở con cái từ chi tiết nhỏ nhặt đã phải biết yêu quý đồ vật. Khi động tác của các vị có thể nhẹ nhàng, thì trong cuộc sống sẽ không thường xuyên xuất hiện tình trạng làm rách đồ vật, làm rơi hỏng đồ vật, hoặc là xô hỏng đồ vật.

Khi còn nhỏ, tôi rất hay bị thương, không phải chỗ này bị một vết thương thì cũng lại bị ngã rụng răng. Cho nên tôi thường xuyên bị thương tích. Tôi còn nhớ có một lần chạy vào trong bếp bị trơn và ngã xuống, thế là tôi gãy mất mấy cái răng. Và cứ như vậy cho mãi đến khi vào đại học thì tôi mới bắt đầu chăm chỉ học tập. Sau đó tôi lại được đọc một số Kinh điển thì tình trạng này mới từ từ giảm bớt. Bây giờ thì rất ít khi chỗ này bị rách thành lỗ, chỗ kia bị một vết thương rồi. Chân thật là tại sao con người lại bị thương tích nhiều như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là bởi cái tâm, bởi sơ suất, cẩu thả thì mới biểu hiện thành những hành vi va đập này.

Cho nên một người muốn sửa chữa bản thân mình thì phải bắt đầu từ căn bản. Đó là phải bắt đầu điều phục cái tâm này. Mà để điều phục cái tâm này thì phải dụng tâm, phải học tập trong những chi tiết nhỏ của mọi sự việc trong cuộc sống. Cho nên mới nói: “Hoãn yết liêm, vật hữu thanh. Khoan chuyển loan, vật xúc lăng” (Vén rèm cửa, chớ ra tiếng. Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc).

Trong trường học của chúng ta thì đây là những điều mà bọn trẻ hay phạm phải, đó là luôn luôn do không để tâm, mắt không biết nhìn đi đâu, thế là bị va vào góc bàn. Cái cảm giác khi va vào góc bàn thì rất đau, đảm bảo là sẽ bị bầm tím, sẽ bị thương.

Cho nên từ câu Kinh văn này chúng ta có thể mở rộng nghĩa ra, để nhắc nhở học sinh phải chú ý đến sự an toàn của bản thân. Nếu như chúng ta đi tìm hiểu kỹ lưỡng xem tại sao tỷ lệ trẻ em thời nay bị tử vong do tai nạn lại càng ngày càng cao thì thấy đó là bởi vì chúng không có được sự nhạy cảm đó. Cho nên  người lớn, thầy giáo cũng như  phụ huynh đều phải luôn luôn nhắc nhở chúng. Nếu không, đến khi xảy ra tai nạn thì đã muộn rồi.

Hiện nay có rất nhiều trẻ nhỏ thích đi xe với tốc độ rất nhanh. Như vậy chúng đều không có sự nhạy cảm về sự an toàn đối với bản thân mình. Chúng ta tiến một bước để suy xét xem tại sao trẻ nhỏ lại thích phóng xe nhanh như vậy. Tại sao? Chúng ta chân thật không thể dừng ở kết quả, mà phải tìm ra nguyên nhân thì mới cải thiện được tình trạng này. Đó là do nội tâm trống không. Cho nên khi thanh thiếu niên không biết mục tiêu của cuộc sống ở đâu, bổn phận con người ở đâu thì chúng sẽ thành ra du thủ, du thực, chơi bời lêu lổng, đến cuối cùng thì sa chân vào con đường sai lầm. Tại sao chúng lại cảm thấy trống rỗng? Bởi vì chúng cảm thấy chúng không có giá trị gì. Nếu như chúng ta tiến thêm một bước nữa, tìm hiểu về gia đình của những đứa trẻ này, thì biết rất nhiều trường hợp là do thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Cho nên chúng ta là những người làm thầy giáo thì cũng phải lĩnh hội một cách sâu xa rằng các vị càng quan tâm đến những đứa trẻ này thì sự tiến bộ của chúng càng lớn.

Tôi còn nhớ hai năm trước tôi có dạy một lớp, lớp học này là khó quản lý nhất, ồn ào nhất trường. Vị thầy giáo của chúng đã dạy học bốn mươi năm, cảm thấy thật là khó dạy. Cho nên vào học kỳ một, ông đã xin nghỉ hưu, và đến học kỳ hai thì ông không còn dạy lớp 6 này nữa. Cho nên học kỳ hai cần phải có một vị thầy giáo để dạy thay. Lúc đó tôi vừa từ Úc về, bạn đồng học của tôi có gọi cho tôi một cuộc điện thoại. Ông ấy nói: “Trường của tôi có một lớp rất khó dạy, anh có muốn dạy không?”. Nếu ông ấy không nói là khó dạy nhất thì chưa chắc tôi đã đi dạy. Nhưng vì ông nói là khó dạy nhất, cho nên tôi liền nói: “Được!”. Tục ngữ có câu: “Không vào hang hổ làm sao bắt được hổ con”. “Đệ Tử Quy” cũng có nói: “Vật uý nan” (không sợ khó khăn). Bởi tôi làm thầy giáo cho nên cũng hy vọng năng lực của mình có thể nhanh chóng hoàn thiện, để sau này học sinh của mình càng có nhiều lợi ích. Nếu như mới dạy mà đã dạy cái lớp khó dạy như thế, thì nhất định tôi sẽ tiến bộ không ít. Cho nên thông qua cơ hội như vậy mà tôi đi dạy lớp học này.

Kết quả vị thầy giáo dạy trước bắt đầu giới thiệu cho tôi từ học sinh đầu tiên đến người cuối cùng. Học sinh số một thì làm sao làm sao. Học sinh số hai thì bà nội nuôi, rất khó quản lý. Học sinh số ba thì cha mẹ ly hôn. Và thầy giáo cứ thế giới thiệu một lượt.

Tôi cũng cảm thấy vấn đề của gia đình thời nay rất lớn, có thể nói một phần tư đều là gia đình đơn thân. Có một số trường hợp tuy không phải là gia đình đơn thân nhưng cũng không thấy có được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Tôi cũng từng gọi điện thoại cho một phụ huynh, ông ấy nói: “Thầy giáo à! Hàng ngày tôi rất bận để kiếm tiền. Buổi sáng tôi ra khỏi nhà còn sớm hơn con tôi. Buổi tối tôi về nhà còn muộn hơn con tôi. Tôi cũng không biết nó đang làm gì”. Bởi vì con ông lên mạng và đã học được rất nhiều điều xấu mà cha mẹ hoàn toàn không hay biết. Tại sao cha mẹ lại phải cố gắng kiếm tiền như vậy? Là bởi cái gì? Không phải là vì để có một gia đình càng tốt hơn hay sao? Để cho con cái tốt hơn hay sao? Các vị xem, kiếm tiền, kiếm đến cuối cùng thì mục đích chân chính cũng đã quên mất.

Cho nên tôi đứng cạnh nghe mà cũng cảm thấy rất xót xa trong lòng. Khi vị thầy giáo này giới thiệu xong 19 em học sinh (19 em là học sinh nam, còn 17 em là học sinh nữ) thì ông liền nói: “Học sinh nam chỉ có 4 đến 5 em còn ngoan ngoãn một chút, còn lại thì rất khó bảo”.

Quý vị thân mến! Nếu như các vị nghe như vậy thì sẽ làm sao? Có cảm thấy có chút căng thẳng không? Thời gian còn lại của năm học chỉ khoảng hơn bốn tháng thôi mà phải dạy một lớp như thế này. Nhưng cũng trong thời gian đó tôi nảy ra một ý niệm là trẻ em phạm sai lầm sẽ là cơ hội tốt để cho chúng ta dạy bảo chúng. Các vị phải nắm lấy cơ hội, tuyệt đối không thể tức giận vào lúc đó.

Khi tôi có thái độ như vậy thì tự nhiên tôi rất là hoan hỷ để tiếp nhận nhân duyên này. Hiện tại nếu như chúng ta là thầy giáo mà không có thái độ tâm lý như vậy, ví dụ khi trẻ nhỏ phạm sai lầm, các vị lại tức giận bốc hỏa lên: “Sao em lại như vậy! Nói với em bao nhiêu lần rồi!”, khi các vị có thái độ như vậy thì trong lòng học sinh chúng sẽ nghĩ thầy giáo rất ác. Chúng nghĩ rằng thầy giáo đã mắng chúng thì coi như không còn tình nghĩa gì hết. Cho nên lần sau tái phạm chúng chỉ cần không cho thầy giáo biết là được. Chúng sẽ không từ cái lỗi lầm này mà hối lỗi, mà sửa chữa. Bởi vậy có rất nhiều cơ hội để giáo dục, chúng ta là thầy giáo thì phải nắm bắt cho tốt.

Thái độ này của tôi học được từ đâu vậy? Tôi rất may mắn, trong mấy năm nay gặp được rất nhiều vị trưởng bối và thầy giáo rất tốt. Tại sao tôi lại gặp được nhiều vị trưởng bối và nhiều vị thầy giáo tốt đến vậy? Gặp được họ là kết quả. Vậy nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân không phải là cúng bái cho nhiều mà là nhờ thái độ cung kính, nhờ tấm lòng của chúng ta luôn mong muốn trong lĩnh vực giáo dục có thể làm lợi ích cho học sinh, lợi ích cho xã hội. Tục ngữ có câu: “Nhân hữu thiện nguyện, thiên tất tùng chi”, khi ý muốn chúng ta lương thiện thì nhất định trời cao cũng yêu mến, sẽ có nhiều vị trưởng bối rất có đạo đức đến giúp đỡ chúng ta.

Thời gian đó, tôi còn đang học ở lớp bồi dưỡng chứ chưa chính thức là thầy giáo. Khi đó có một bạn học thời tiểu học đến khoe với tôi rằng anh ấy có bạn gái. Người bạn học này của tôi rất thật thà, cho nên mãi hai mươi mấy tuổi mới có bạn gái, là người bạn gái đầu tiên của anh. Bởi tôi chơi với anh cũng mười mấy, gần hai mươi năm trời, cho nên khi anh nói muốn dẫn bạn gái đến nhà tôi chơi, tôi liền nói: “Được! Được! Thì để mọi người làm quen với nhau”. Kết quả trong lúc nói chuyện với bạn gái của anh, người bạn gái này cứ một câu lại nhắc đến: “Thầy giáo của chúng tôi nói như thế này, thầy giáo của chúng tôi nói như thế kia”.

Nếu như cô ấy còn ở mẫu giáo hoặc đang học tiểu học thì tôi không đến nỗi ngạc nhiên. Chúng ta hãy xem trong lời nói của những đứa bé ba, bốn tuổi thì đều kèm theo câu: “Bố tôi nói như thế này. Mẹ tôi nói như thế kia”. Cho nên trước khi đến tuổi đi mẫu giáo thì người chúng tôn kính nhất chính là cha mẹ. Trong thời gian này các vị cũng nên đem thái độ làm người, làm việc rất quan trọng này ra để dạy bảo cho chúng thì chúng sẽ ghi nhớ cả đời. Đến khi học tiểu học thì lời nói của bọn trẻ sẽ biến thành: “Thầy giáo của tôi nói như thế”. Lên cấp hai, cấp ba thì “Bạn học của tôi nó như vậy!”.

Các vị xem, trong cuộc sống của một con người, ảnh hưởng lớn nhất đối với họ sẽ tùy theo tuổi tác mà thay đổi. Sau khi ra xã hội thì chớ nên “người ca sỹ nào đó nói như thế”, mà phải là “cấp trên nói như thế”. Hoặc nếu chúng ta biết đi sâu vào nghiên cứu Kinh điển của Thánh Hiền thì có thể là: “Mạnh Tử nói” hoặc “Khổng Tử nói”. Như vậy thông qua lời nhắc nhở của Thánh Hiền chúng ta mới có thể không ngừng trưởng thành.

Bởi người bạn gái của anh đã hơn hai mươi tuổi rồi mà vẫn luôn luôn nhắc đến thầy giáo cho nên cô ấy khiến tôi hết sức kinh ngạc. Hình như địa vị của vị thầy giáo này trong lòng cô ấy giống như cha mẹ vậy. Tôi càng nghe càng cảm động cho nên đã đưa ra một yêu cầu: “Tôi có thể làm quen với thầy giáo dạy tiểu học của cô được không!”. Kết quả cô ấy đã rất vui vẻ và nhận lời liền: “Được thôi! Tôi sẽ nói với thầy giáo của tôi”. Nhưng ngay buổi tối hôm đó, tôi cảm thấy mình quá vội vàng. Cô ấy còn không biết thầy giáo có thời gian hay không mà tôi đã vội đưa ra yêu cầu quá đường đột như vậy. Cho nên tôi gọi điện thoại nói với cô ấy rằng: “Hay là thôi đi, để ngày khác có thời gian hãy nói chuyện!”. Kết quả người bạn gái của anh bạn tôi nói: “Tôi đã nói chuyện với thầy rồi. Thầy giáo tôi nói muốn gặp anh. Ông nói người giống như anh thì phải nhanh chóng đưa vào phục vụ trong ngành giáo dục”. Thầy giáo của cô dạy học đã hơn 30 năm. Từ lời nói của người thầy giáo của cô mà tôi biết được rằng, ông không chỉ tự mình bồi dưỡng nhân tài mà còn luôn luôn hy vọng càng có nhiều nhân tài theo ngành giáo dục, và ông cũng rất vui lòng đi nâng đỡ lớp hậu bối.

Cho nên tuần đó, bạn học của tôi cùng với bạn gái đã lái xe đến đón tôi trước, sau đó đón thầy giáo tiểu học của cô. Kết quả là nhà thầy giáo của cô cách nhà tôi chỉ có năm trăm mét. Bởi vậy nhân duyên của cuộc đời rất khó nói, nhân duyên của con người tuyệt đối không phải tại cự ly xa hay gần, mà là ở trái tim. Khi ý nghĩ về mục tiêu cuộc sống giống nhau thì cho dù có xa vạn dặm cũng sẽ tương hội. Cho nên mới có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương hội”. Khoảng cách của người với người không phải ở bên ngoài mà là ở bên trong. Tại sao tôi lại nói vậy? Bởi vì tôi muốn kế thừa và phát triển văn hóa Thánh Hiền cho nên mới đi Úc học tập. Kết quả là ở Úc đã gặp được cô giáo Dương Thục Phần. Các vị xem đó, phải đi xa vạn dặm và kết quả là đã gặp được. Cho nên nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là ở tấm lòng. Khi tôi có một tấm lòng là phải học tập như thế nào để dạy bảo học sinh cho tốt, thì có thể sẽ gặp được người thầy tốt như vậy để nhận được sự hướng dẫn.

Cho nên tuy nhà cách nhau gần đến thế mà tôi vẫn không gặp được thầy. Rất khó khăn mới gặp được thì tôi cũng phải trân trọng cơ hội được học tập vị thầy này. Khi vị thầy họ Trần  lên xe, ông ngồi ghế trước còn chúng tôi ngồi ghế sau. Vị thầy giáo này quay đầu lại nói với tôi câu đầu tiên làm cho tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc, ông nói: “Trong cuộc đời dạy học mấy chục năm của tôi, học sinh của tôi đã dạy tôi rất nhiều điều”. Kinh nghiệm hơn 30 năm dạy học đã đúc kết ra một câu chân lý, được gọi là dạy và học đi đôi với nhau. Trong “Lễ Ký”,“Học Ký” có nhắc đến “Học nhiên hậu tri bất túc, giáo nhiên hậu tri khốn. Tri bất túc nhiên hâu năng tự phản dã, tri khốn, nhiên hậu năng tự cường dã”. Ví dụ như chúng ta đang trong giờ học, đang trần thuật một số đạo lý mà thấy học sinh ở bên dưới mắt cứ đờ đẫn như là buồn ngủ, thì chứng tỏ chúng ta giảng như vậy chúng không hiểu được. Lúc này chúng ta phải tự lập, tự cường, phải nghiên cứu xem nên hướng dẫn như thế nào, phải đưa ra những ví dụ nào để cho học sinh có thể lĩnh hội được. Hoặc là học sinh có rất nhiều câu hỏi, có rất nhiều nghi vấn muốn hỏi chúng ta, kết quả là khi hỏi thì chúng ta lại không biết. Điều này sẽ khích lệ chúng ta đi tra tài liệu, đi học tập người khác, học tập các vị trưởng bối và các trí giả để có thể không ngừng nâng cao kiến thức.

Cho nên có rất nhiều vị bạn hữu rất có lòng đều nói rằng: “Thầy Thái à! Tôi cũng muốn kế thừa và phát triển văn hóa ngàn năm của Tổ Tông nhưng tôi rất sợ không đủ năng lực”. Quý vị thân mến! Chúng ta không nên sợ không đủ năng lực. Nếu đợi chúng ta có đủ năng lực để làm thì đã không kịp nữa rồi. Gia đình, xã hội lúc đó đã bị rối loạn rồi, đến lúc đó các vị có muốn làm thì cũng không còn cơ hội nữa. Cho nên chúng ta phải ôm ấp thái độ: “Học trong lúc làm, làm trong lúc học”. Bởi thế hệ của chúng ta đã bị thất học rồi, không nên để thế hệ sau chúng ta cũng phải ân hận như chúng ta.

Khi những phụ huynh, những vị bạn hữu đến hỏi chúng ta một số vấn đề, chúng ta cũng không nên căng thẳng. Nếu như chúng ta biết thì chúng ta trả lời họ một cách chân thành. Còn nếu như không biết thì giống như tôi, tôi sẽ nói: “Để tôi đi hỏi cô giáo Dương”. Nếu như cô giáo Dương cũng không biết thì cô sẽ nói: “Để tôi hỏi sư phụ tôi là thầy Tịnh Không”. Các vị còn cái gì để mà phải sợ nữa? Hơn nữa khi đối diện với câu hỏi của người khác mà các vị không biết, các vị vẫn chủ động giúp họ tìm đáp án thì họ sẽ không xem thường các vị. Họ sẽ càng tôn trọng các vị, họ cũng rất cảm ơn các vị bởi các vị luôn luôn giúp đỡ họ. Cho nên trong tâm lý không nên có sự lo lắng, chân thật là dạy và học phải đi đôi với nhau.

Câu nói đầu tiên của vị thầy giáo này khiến tôi rất cảm động. Tiếp theo ông nói: “Khi bọn trẻ phạm sai lầm là lúc chúng ta cần dạy chúng, bởi vậy không nên hành động bằng cảm tính, không được nổi giận”. Bởi tôi chưa dạy học bao giờ cho nên ông mới dạy tôi những thái độ đúng đắn này. Cho nên sau này khi dạy học sinh cũng chưa bao giờ tôi nổi giận. Chưa từng xảy ra việc học sinh phạm sai lầm làm tôi thẹn quá hóa giận, chưa bao giờ. Thật ra đây là một phương pháp rất quan trọng, được gọi là “cấm ư vị phát chi vị dự”, đây là phương pháp dự phòng. Trước khi trẻ nhỏ phạm lỗi, các vị đã phải dạy chúng những quan niệm đúng đắn. Khi chúng ta chưa tham gia vào công việc này thì đã phải có được quan niệm đúng đắn này. Đây cũng là cẩn thận lúc bắt đầu, đây cũng là ngăn chặn khi chưa bùng phát, là thái độ dự phòng.

Cho nên khi vị thầy giáo giới thiệu hết một lượt các em học sinh thì trong lòng tôi liền xuất hiện câu nói này: “Tôi sẽ lấy tấm lòng hoan hỷ để đối đãi với tất cả các em học sinh của lớp này”. Học sinh trong lớp này cũng có “Tứ Đại Thiên Vương”, không phải là Lưu Đức Hoa, cũng không phải là Trương Học Hữu, mà là bốn em học sinh thường xuyên phải lên Ban giám hiệu để được răn dạy. Thật ra sau khi chúng ta đã thật sự tiếp xúc thì thấy đại đa số những đứa trẻ có hành vi sai lầm cũng rất lương thiện, chỉ là vì chúng không được quan tâm, quản lý mà thôi. Khi các vị đối xử rất tốt với chúng, rất có nghĩa khí với chúng thì chúng nhất định cũng đối xử với các vị rất có nghĩa khí.

Một trong “Tứ Đại Thiên Vương” của lớp có một em nhìn mặt trông rất dữ tợn, không có một chút tươi cười nào cả. Tôi liền gọi đứa bé đến. Phải tiếp xúc nhiều, giao lưu nhiều với chúng thì mới thân quen được. Tôi gọi đứa bé lại và nói với nó: “Vẻ mặt em dữ tợn như vậy, có phải thầy giáo đã làm gì có lỗi với em không?”. Đứa bé nói: “Không ạ!”. Tôi tiếp tục hỏi: “Vẻ mặt em như thế này, bắt đầu từ khi nào vậy?”. Nó nói với tôi: “Từ học kỳ một của lớp năm”. Các vị xem, vẻ mặt của nó biến thành dữ tợn từ lúc nào tự nó cũng biết. Cho nên chúng ta là cha mẹ, là thầy giáo thì phải luôn luôn có thể cảm nhận được trạng thái nội tâm của bọn trẻ, nếu không các vị sẽ không thể đúng lúc mà hướng dẫn, chỉ bảo cho chúng.

Sau đó tôi nói với nó: “Vẻ mặt em dữ tợn như vậy thì người khác rất dễ hiểu lầm em, còn tưởng rằng em có thù oán với họ, cho nên em phải thả lỏng cơ mặt ra”. Sau khi nghe xong nó liền nói: “Dạ!” nhưng vẻ mặt vẫn không thay đổi. Cho nên giáo dục một đứa bé cần có lòng kiên nhẫn. Các vị không thể nói với chúng rằng: “Thầy đã nói với em rồi, tại sao em vẫn không thay đổi?”. Muốn thay đổi một con người, không thể ngay lập tức mà làm được. Sau đó tôi tạo ra mấy cơ hội để rèn luyện nó. Ví dụ như ở trong trường sắp xếp một số em vào trong đội duy trì trật tự đứng ở hành lang, đứng ở sân  trường. Nếu như có học sinh nào ở lớp dưới chạy nhảy ở hành lang thì những người anh này sẽ đi đến nhắc nhở: “Không được chạy nhảy, như vậy là rất nguy hiểm, và có thể còn va vào người khác. Em học lớp nào vậy? Hãy cho anh biết tên! Lần sau không được tái phạm nữa!”. Khi một người làm cảnh sát thì hành vi của họ rất là cẩn thận. Một người là thầy giáo thì hành vi của họ cũng tương đối cẩn thận. Cho nên chúng tôi cử đứa bé làm cảnh sát thì hành vi của nó cũng tự nhiên bắt đầu thay đổi, bởi nó rất sợ bản thân mình có những hành động không tốt và bị học sinh lớp một nói: “Anh à! Tại sao bản thân anh cũng vi phạm vậy?”. Như vậy thì thật là mất mặt.

Vào lúc tan học, tôi nghe được các em học sinh có nhắc đến việc em học sinh này cũng từng đến chợ để giúp mẹ bán quần áo. Quý vị thân mến! Nếu như các vị nghe thấy tin tức này thì các vị sẽ nghĩ như thế nào? Một đứa con trai học lớp 6 mà chịu giúp mẹ bán quần áo thì thật là hiếm có. Cho nên, một đứa trẻ chỉ cần có lòng hiếu thảo thì tuyệt đối rất dễ quản lý, dạy bảo nó. Bởi vậy tôi càng thêm quan tâm đến nó hơn. Giống như khi ở trên lớp, nếu như nó trả lời câu hỏi về toán học rất tốt thì tôi khen ngợi nó ngay trước lớp. Tôi nói: “Các em thấy không, bạn học sinh này có tư duy rất nhạy bén, có thể từ góc độ này để tư duy”. Các vị thầy giáo! Quý vị thân mến! Chúng ta không nên xem thường sự khen ngợi chân thành của mình bởi nó đều đọng lại trong lòng của bọn trẻ. Và kết quả là đứa trẻ này vào lần thứ hai của kỳ thi tháng thì đã đứng vị trí thứ năm trong lớp, từ một trong “Tứ Đại Thiên Vương” trở thành đứng vị trí thứ năm trong kỳ thi của cả lớp.

Hơn nữa trong quá trình này tôi còn bầu nó làm lớp trưởng. Tôi nghĩ có lẽ nó chưa bao giờ làm lớp trưởng. Cho nên khi bầu nó thì nó giật mình thon thót và cứ không chịu nhận. Sau đó tôi phải thương lượng với nó, tôi nói: “Em hãy thử làm một tuần lễ cũng được, chỉ một tuần lễ thôi!”. Phương pháp tôi đề cử học sinh làm lớp trưởng là học được từ thầy giáo dạy tiểu học của tôi. Bởi vì lớp trưởng thì học lực và hạnh kiểm phải ưu tú, cho nên phương pháp tốt như vậy thì phải truyền thừa lại. Đứa bé cũng miễn cưỡng đồng ý. Kết quả là sau khi làm được một tuần thì từ đó cho đến cuối học kỳ nó đều là lớp trưởng. Cho nên tiềm lực của một người phải trải qua rèn luyện thì mới xuất hiện.

Tôi ở Hải Khẩu cùng với rất nhiều giáo viên nghiên cứu văn hóa ngàn năm của Tổ Tông. Trải qua một, hai tháng tôi liền nói với những vị giáo viên này: “Lần sau các vị có thể lên bục để diễn giảng mười phút, lên đây giảng mười lăm phút?”. Những vị giáo viên này đều từ chối: “Không đâu! Không dám!”. Họ đều đùn đẩy nhau. Tôi nói: “Làm ơn đi, chỉ mười phút thôi mà!”. Họ liền miễn cưỡng mà nói: “Thôi được!”. Và kết quả khi đã lên bục giảng thì họ đều thao thao bất tuyệt, lại còn phải để cho tôi đứng bên dưới ra hiệu là: “Đã hết thời gian rồi, mời anh xuống đi!”. Tại sao lại như vậy? Khi một người có trách nhiệm để gánh vác thì anh ấy sẽ tiến bộ rất nhanh. Hơn nữa bởi vì dụng tâm học tập, dụng tâm để dạy học sinh, tình cảm chân thành chính là bài thơ hay nhất. Cho nên khi bước lên bục là họ không tự chủ được nên đã nói ra những cảm nhận này, những tình cảm này.

Việc để cho đứa bé này làm lớp trưởng cũng là kích thích ý thức trách nhiệm của nó, kích thích năng lực làm việc của nó. Khi nó thi và đứng vị trí thứ năm của lớp thì tôi cũng để khích lệ cho nên mới năng mời khách, năng tặng quà. Tôi đã mời một số học sinh có những cống hiến cho lớp, cho trường, trong đó có cả nó cùng ăn một bữa cơm. Kết quả khi chúng tôi đang đứng ở cổng trường thì mẹ nó đi xe máy đến đón nó, mẹ nó nói với tôi: “Thầy giáo à! Đứa con này của tôi học năm năm rưỡi rồi mà chưa có một vị thầy giáo nào nhận ra năng lực của cháu”. Tôi nghe phụ huynh học sinh nói như vậy cũng cảm thấy bất nhẫn, bởi vì mỗi đứa trẻ đều là máu thịt của cha mẹ. Năm năm rưỡi này tin rằng cha mẹ của nó cũng bị dằn vặt, bởi trẻ nhỏ không phải là không thể giáo dục.

Cho nên khi mẹ của nó nói mấy câu cảm khái này thì tôi liền nói với bà: “Bà Ngô à! Em học sinh này rất thông minh, thành tích học tập của cháu rất tốt, tài lãnh đạo của cháu cũng rất tốt, hơn nữa cháu làm việc cũng rất có trách nhiệm. Tôi giao cho cháu làm việc gì cháu cũng đều hoàn thành một cách cẩn thận”. Tôi liền kể ra những việc diễn ra gần đây cho mẹ nó nghe. Chúng ta khen ngợi người khác thì cũng phải cụ thể. Các vị càng cụ thể thì người nghe mới cảm thấy thật đúng là có chuyện như vậy. Nếu như các vị chỉ nói là: “Không tồi! Rất tốt!”, thì có lẽ mẹ của nó vẫn còn nghi ngờ. Cho nên tôi cứ như thế khen ngợi người học sinh này rất nhiều ưu điểm, và phải đứng ở đó đến mấy phút. Tuy tôi nói với mẹ nó nhưng trên thực tế là đang nói cho người học sinh này nghe. Tin rằng khi chúng ta là những thầy cô giáo mà có được sự khen ngợi chân thành thì lời khen sẽ đọng lại trong lòng chúng cả đời.

Khi kết thúc một học kỳ, chúng tôi có một quy định là phải dẫn học sinh cả lớp đi ra ngoài cổng trường, tận tay dắt chúng đi ra ngoài và tặng cho chúng rất nhiều quà. Sau khi hết học kỳ I, tôi cũng tặng quà cho học sinh theo quy định. Sau khi tặng quà cho hết tất cả học sinh thì vẫn còn thừa lại một gói quà. Phải làm sao đây? Tặng món quà này thì không thể tặng một cách vô ích, mà phải là cơ hội để giáo dục. Tôi liền nói: “Món quà cuối cùng này chúng ta sẽ tặng cho một học sinh có tiến bộ nhất trong học tập, trong hạnh kiểm của học kỳ này. Nào, các em hãy bình chọn!”. Kết quả ra sao? Người lớp trưởng này lại được bình chọn, và thế là món quà được tặng cho nó. Kết quả khi em học sinh này nhận quà và quay về chỗ ngồi thì bắt đầu rơi lệ. Bởi vì tôi là thầy giáo đứng trên bục giảng thì bất kỳ động tác nào của các em học sinh ở bên dưới tôi cũng đều nhìn thấy hết. Cho nên sau khi làm thầy giáo thì tôi mới biết được rằng trước đây mình là học sinh, ở bên dưới làm cái gì cũng tưởng rằng thầy giáo không biết. Thật là: “Lấy vải thưa che mắt Thánh”.

HẾT TẬP 23. XIN XEM TIẾP TẬP 24!