Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 16/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 16/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Có rất nhiều vị bạn hữu đã quen mặt, tối nào cũng đến nghe giảng. Chứng tỏ là nhiều vị đã tan sở, đã ăn cơm, thậm chí có người còn chưa ăn cơm đã vội vàng đến nghe giảng. Khổng Phu Tử có nói, một người cầu học vấn có ba pháp bảo, đó là “trí, nhân, dũng“, “hiếu học cận hồ trí, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng”.

Chỉ cần hiếu học thì không xa với trí tuệ. Khi chúng ta cố gắng thực hiện lời giáo huấn của Thánh Hiền thì từ từ sẽ cảm nhận được ý định của Thánh Hiền, và cũng cảm nhận được những điều mà mọi người cần, thì sẽ xuất hiện lòng nhân từ, lòng thông cảm của chúng ta. “Tri sỉ cận hồ dũng” là chân thật có thể hiểu được sai lầm của chính mình, thêm một bước nữa là sửa chữa sai lầm của mình, có thể hàng phục phiền muộn, thói quen xấu của mình. Như vậy mới chân thật là người dũng cảm. Có rất nhiều vị bạn hữu đã làm được “hiếu học cận hồ trí” và sự hiếu học của các vị sẽ mang lại sự cọ sát rất tốt cho gia đình.

Tôi còn nhớ hồi cha tôi năm mươi mấy tuổi thì ông tiếp quản trung tâm chứng khoán của ngân hàng nơi ông làm. Bởi vì tiếp quản trung tâm chứng khoán cho nên trong đơn vị phải có một người thi lấy được bằng, cho nên đơn vị đã cử rất nhiều đồng nghiệp cùng đi thi. Cha tôi là người cao tuổi nhất, đã năm mươi mấy tuổi mà vẫn phải đi thi. Tôi thấy tối tối cha tôi ở đó xem sách. Kết quả thi chỉ có một người thi đậu, những người trẻ tuổi hơn cha tôi đều không đậu, thế mà cha tôi lại thi đậu. Tôi thấy cha tôi không nói gì, nhưng chỉ nhìn vào hành động là chúng ta đã đủ khâm phục ông rồi. Vậy chúng ta là những người con thì có thể không hiếu học được không? Có thể thua cha của mình không? Cho nên trên làm dưới noi theo. Khi lòng hiếu học của chúng ta có thể duy trì không ngừng, tin rằng nhất định sẽ là một khởi đầu tốt cho gia đình của các vị.

CHƯƠNG THỨ HAI

XUẤT TẮC ĐỄ

Xuất tắc đễ”, chữ “xuất” ở đây có nghĩa là khi ra ngoài thì phải học tập “đễ”. “Đễ” bao hàm thái độ anh em thương yêu, kính trọng lẫn nhau, bao hàm thái độ lễ phép, tôn kính trưởng bối. Bởi vì anh em trong nhà mà có thể tương thân, tương ái, có thể đối xử lễ phép như vậy thì đương nhiên khi ra ngoài xã hội cũng sẽ mang theo thái độ này để đối nhân, xử thế. Nếu như trong nhà anh em thường xuyên cãi cọ với nhau, không giữ lễ nghĩa, vậy khi ra ngoài xã hội thì không thể có quy củ, phép tắc được. Cho nên để nhận biết một con người thì phải trực tiếp đến nhà của họ mới nhìn thấy rõ. Đó gọi là “không vào hang cọp thì làm sao bắt đ­ược cọp con”. Thật ra chúng ta có rất nhiều thói quen, hành vi đối nhân, xử thế của con người đều được nuôi dưỡng từ trong gia đình. Cho nên tại sao sự giáo dục trong gia đình lại mang tính chất quan trọng nh­ư vậy! Bởi vậy mới có câu “môn đăng hộ đối”. “Môn đăng” là cái gì? “Hộ đối” là cái gì? Quan trọng nhất là gia giáo, là đức hạnh. Nhưng hiện nay “môn đăng hộ đối” là gì? “Là tiền tài”! Sao các vị cũng biết vậy? Tôi thì ít kinh nghiệm hơn các vị. Bản chất là sai thì kết quả sẽ rất phiền phức. Cho nên “đức hạnh” mới là căn bản của gia đình, mới là căn bản của quốc gia, tuyệt đối không phải là tiền tài.

Trong “Hiếu Kinh” có một đoạn giáo huấn rất quan trọng: “Giáo dân thân ái, mạc thiện ­ư hiếu. Giáo dân lễ thuận, mạc thiện ­ư đễ”. Cho nên chữ “đễ” còn bao hàm giáo huấn về lễ nghĩa. Khổng Phu Tử có nói: “Bất học lễ, vô dĩ lập.

Trong những bài giảng trước, tôi cũng đã báo cáo với các vị rằng do ngay từ nhỏ tôi đã hình thành một thói quen là chỉ cần có tr­ưởng bối đến nhà tôi, khi tôi nghe được tiếng của họ thì cho dù đang làm bất kể việc gì, tôi cũng nhất định phải đi đến trước mặt họ, sau đó nói với họ rằng: “Cháu chào chú ạ! Cháu chào dì ạ!”. Nụ cười của họ rất giống chú tôi. Trẻ nhỏ có lễ phép thì người lớn tuyệt đối vô cùng vui. Bởi vậy khi ngẩng đầu lên tôi thấy họ rất vui vẻ, và tôi cũng rất sung sướng. Bởi khi một người làm được một việc có đức hạnh thì kỳ thực niềm vui của họ đã từ trong nội tâm mà biểu lộ ra bên ngoài. Ở đây là do thái độ có lễ phép. Tôi đột nhiên hiểu được rằng vốn dĩ một người có gặp được quý nhân hay không thì ngay từ nhỏ đã được quyết định rồi. Các vị có tin không?

Tôi và phụ huynh học sinh từng có một buổi tọa đàm giữa thầy giáo và phụ huynh. Tôi nói với họ: “Con cái của các vị sau này có gặp được quý nhân hay không, bây giờ tôi có thể đoán được”. Họ tròn mắt lên nhìn tôi, bởi vì người thời nay rất thực tế, khi nói đến con cái có thể gặp được quý nhân thì họ liền chú tâm ngay. “Con cái biết lễ phép thì đi đến đâu cũng được mọi người yêu mến. Ngược lại, con cái nếu như không biết lễ phép thì không những không gặp được quý nhân, không những không được giúp đỡ mà trong lời nói, hành động còn có thể gặp rất nhiều sự cản trở. Chúng sẽ cảm thấy rất kỳ lạ, tại sao họ thấy mình lại cảm thấy ngứa mắt, tự chúng cũng không hiểu ra sao.”. Cho nên, lễ phép là rất quan trọng.

Quý vị thân mến! Lễ phép quan trọng như vậy, vậy thì chúng ta phải dạy từ khi nào? Tôi thường hỏi phụ huynh học sinh rằng đi thi được thêm hai, ba điểm quan trọng hay dạy con cái có thái độ làm người, làm việc là quan trọng. Họ đều đáp: “Thái độ làm người, làm việc là quan trọng”. Phụ huynh đều cảm thấy làm người, làm việc là quan trọng nhưng đại đa số thời gian của con cái lại tập trung vào điểm số, vào thành tích. Cho nên việc quan trọng thì không được trì hoãn nữa! Trì hoãn nữa, khi con cái lớn lên rồi thì thói quen đã trở thành tự nhiên mất rồi. Cho nên có rất nhiều việc không thể trì hoãn được. Mặc dù chưa có con nhưng tôi cũng thấy lo lắng thay cho các vị. Cho nên chúng ta nhất định phải coi trọng bồi dưỡng những đức hạnh quan trọng nhưng có ảnh hưởng đến cả cuộc đời của con cái. Có vậy chúng mới nhận được nhiều sự giúp đỡ.

Chúng ta hãy suy xét xem, nếu như giữa con người với con người không có sự lễ phép thì sẽ xuất hiện tình huống gì? Ví dụ như lần trước tôi đi leo Trường Thành, bên trên Trường Thành có ghi một dòng chữ: “Không lên Trường Thành không phải là hảo hán”. Cho nên muốn làm hảo hán thì phải leo lên trên Trường Thành. Trên Trường Thành có một số cửa ải rất hẹp, chỉ có thể một người ở phía bên kia đi qua và một người của chúng tôi ở phía bên này đi lại. Nhưng có rất nhiều người không giữ quy củ, thế là cứ đi sang đường của người phía bên kia. Kết quả đã xảy ra là cả đám đông bị ách tắc trong cửa ải. Mấy vị thầy giáo trong trung tâm của chúng tôi thấy vậy thì biết là không được rồi, bởi vì người phía sau không biết được tình hình ở đây và họ cứ thế tiến lên, và phía bên kia cũng vậy, cứ thế tiến đến. Tới lúc đó chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề. Mấy thầy giáo chúng tôi lập tức đứng ra bắt đầu chỉ huy phân luồng giao thông. Người nào chen ngang thì được yêu cầu quay lại phía sau xếp hàng. Mấy người đó nhìn chúng tôi vì tưởng chúng tôi là nhân viên quản lý Trường Thành. Có những lúc cần chúng ta đứng ra để giải quyết vấn đề thì chúng ta phải đứng ra liền. Nếu không, đến lúc có vấn đề xảy ra, chúng ta có muốn đứng ra cũng không đứng ra được nữa. Cho nên nắm bắt đúng thời cơ là một điểm rất quan trọng. Sau đó thì cũng hết tắc nghẽn. Cho nên giữa con người với con người nếu như không biết giữ lễ phép, lịch sự thì rất dễ sinh ra sự ích kỷ, chỉ muốn lợi về mình, và rất có thể sẽ xảy ra xung đột.

Vừa rồi tôi có đến Thiên Mục Sơn ở Hàng Châu giảng năm ngày. Khi xe chúng tôi đang lên núi thì phía bên kia có hai xe chạy lại. Chúng tôi thấy vậy liền chủ động tránh sang một bên để nhường cho họ đi trước. Chúng tôi thấy một trong hai chiếc xe này, chiếc thứ nhất vừa chạy qua, người trên xe rất vui vẻ, vẫy tay với chúng tôi. Chúng tôi cũng vẫy tay lại. Cho nên khi một người lịch sự, lễ phép nhất định sẽ làm cho người khác cảm thấy như được tắm trong gió xuân. Biết như vậy cớ sao lại không làm? Chúng tôi đợi một lúc vẫn không thấy chiếc xe thứ hai đi qua. Cảm thấy rất khó hiểu nên chúng tôi cử người đi xem sao. Kết quả là chiếc xe thứ hai cũng dừng lại tránh sang một bên để đợi xe của chúng tôi đi qua. Thế là chúng tôi cho xe chạy qua, và người trên hai xe đều nở nụ cười rất tươi. Khi người với người đều lễ phép, lịch sự như vậy thì sẽ cảm nhận được rất là khoan khoái. Trước khi lên núi chúng tôi đã khảo sát dân tình, biểu hiện của người dân trên núi Thiên Mục Sơn rất đôn hậu và chất phác. Cho nên, chúng ta từ trong sinh hoạt có thể hiểu được rằng phải biết lễ phép, biết nhường nhịn thì mới có thể thuận lợi đi trên con đường đời, mới không bị tắc xe, không bị xung đột. Bởi vậy “giáo dân lễ thuận, mạc thiện ư đễ”, chúng ta hãy bắt đầu từ trong gia đình để thực hiện tình hữu ái, thực hiện lễ phép.

  1. HUYNH ĐẠO HỮU, ĐỆ ĐẠO CUNG. HUYNH ĐỆ MỤC, HIẾU TẠI TRUNG. TÀI VẬT KHINH, OÁN HÀ SANH. NGÔN NGỮ NHẪN, PHẨN TỰ MẪN

Anh thương em, em kính anh

Anh em thuận, hiếu trong đó.

Tiền của nhẹ, oán nào sanh

Lời nhường nhịn, tức giận mất

************

7.1. Huynh đạo hữu, đệ đạo cung (Anh thương em, em kính anh)

Anh em là anh em ruột thịt, là máu mủ ruột rà, là cùng cha mẹ sinh ra, cho nên anh chị em có thể là người đi chung lâu nhất với chúng ta trên con đường đời. Thiền sư Pháp Chiếu đã từng viết một bài “Từ” miêu tả tình huynh đệ gọi là: “Đồng khí kiên chi các tự vinh, ta ta ngôn ngữ mặc thương tình, nhất hồi tương kiến nhất hồi lão, năng đắc kỷ thời vi huynh đệ. Đệ huynh đồng cư nhẫn tiện an, mạc nhân hào mạt khởi tranh đoan, nhãn tiền sinh tử hựu huynh đệ, lưu dữ nhi tôn tác dạng khán”.

Đồng khí liên chi các tự vinh”, anh em cũng giống như những cành cây của một thân cây.

Ta ta ngôn ngữ mạc thương tình”, sự đi lại tương giao giữa người với người, sự trao đổi giữa người trong một gia đình thường dùng nhất là ngôn ngữ. Cho nên khi nói cần phải nhẹ nhàng, phải hài hòa, tuyệt đối không được nói quá đà. Cho nên “Đệ Tử Quy” của chúng ta mới nói: “Ngôn ngữ nhẫn, phẫn tự mẫn” (lời nhường nhịn, tức giận mất). Sự xung đột giữa người với người đại đa số là lời nói không hợp.

Nhất hồi tương kiến, nhất hồi lão” chân thật là sau khi đã ba, bốn mươi tuổi thì mỗi khi nhìn thấy anh chị em là lại có  cảm giác như thế này: “Tóc của anh lại bạc hơn nữa rồi”.

Cho nên “năng đắc kỷ thời vi huynh đệ”, chúng ta càng già đi thì biểu hiện rằng đường đời của chúng ta sắp đến phần cuối rồi, cho nên phải biết trân quý tình nghĩa này.

Đệ huynh đồng cư” là cùng ở chung với nhau, “nhẫn tiện an” phải biết được nhẫn nhịn nhau, khiêm nhường với nhau.

Mạc nhân hào mạt khởi tranh đoan”, không nên vì những việc nhỏ nhặt mà tranh chấp với nhau.

Nhãn tiền sinh tử”, bây giờ anh chị em đều đã có con cái rồi, chúng đều cũng có anh chị em. Chúng ta phải làm tấm gương em kính, anh nhường cho đời sau noi theo. Như vậy mới có thể “lưu dữ nhi tôn”, làm tấm gương tốt cho con cháu xem.

Bài “Từ” này của Thiền sư Pháp Chiếu đáng để chúng ta thưởng thức một cách tỉ mỉ. Bài “Từ” này làm cho tôi nhớ đến lời cô giáo Dương Thục Phần từng nhắc nhở tôi rằng anh chị em chân thật giống như những nhánh của một thân cây. Cho nên, cô thường nghĩ phải làm sao để cha cô được hoan hỷ, vui sướng. Cô nói duy nhất chỉ có con cháu ngoan hiền, hiếu thảo, con cháu đều phát triển tốt đẹp mới có thể làm cho cha cô được an ủi, vui sướng. Tấm lòng này của cô lúc nào cũng mong muốn cha cô, mẹ cô là thân cây càng ngày càng xum xuê, xanh tốt. Cho nên khi cô còn rất trẻ đã dạy cháu trai học thuộc Kinh điển của Thánh Hiền, và còn viết thư pháp nữa.

Cô giáo Dương có mười tám người cháu, tất cả mười tám người cháu này đều được cô dạy bảo. Bởi cô có tấm lòng như vậy cho nên đời con cháu của cô rất ưu tú, có rất nhiều người là giáo viên, còn có mấy người là bác sỹ. Thật muốn có một gia tộc tốt đẹp thì trưởng bối phải dẫn đầu làm gương, phải chân thành bỏ công sức ra. Cho nên em kính, anh nhường không phải chỉ trong một đời của họ mà còn kéo dài đến đời con cháu sau này nữa. Cô Dương không có con, nhưng mỗi lần đến ngày của mẹ, ngày của cha thì nhà cô rất đông vui, bởi vì cô có tới mười tám người cháu, có thể còn nhiều hơn con cái của các vị một chút. Tôi đã từng ở nhà cô nửa năm. Vào những ngày này gia đình cô đặc biệt đông vui. Những người cháu đã từng được cô dạy bảo thì chân thật rất hiếu thảo với cô.

Tôi còn có một người anh kết nghĩa, anh ấy cũng sống ở Đài Trung. Anh chị em của anh ấy cũng rất thương yêu nhau. Cứ thứ Bẩy, Chủ nhật khi có thời gian là không cần hẹn trước, họ đều chủ động về bên cạnh mẹ. Bởi cha anh mất sớm, cho nên nửa đời còn lại của mẹ đều là anh chị em của anh thường xuyên bên cạnh để bầu bạn với mẹ. Mấy năm trước mẹ của anh cũng qua đời, lúc bà qua đời tôi cũng tham gia tang lễ. Sau khi đi tôi rất cảm động vì thấy được tố chất của con cháu anh rất tốt. Cũng bởi anh chị em của anh ấy thương yêu nhau như vậy nên đã là tấm gương tốt cho con cháu học tập.

Tôi có thói quen khi nhìn thấy kết quả là phải tìm hiểu nguyên nhân. Anh ấy có nói với tôi rằng dù mẹ anh đã qua đời nhưng trong lòng anh cũng rất mãn nguyện, bởi vì trong mười mấy năm trời này anh đã rất cố gắng để từ chối những lần giao tiếp rượu chè vô vị, để được về bên cạnh mẹ bầu bạn với mẹ. Lúc mẹ qua đời, anh cũng cảm thấy được an ủi vì cảm thấy sự chọn lựa của mình là đúng. Cho nên, em kính, anh nhường nhất định sẽ là tấm gương cho con cháu noi theo.

Tình anh chị em vào thời ngày xưa cũng làm cho rất nhiều người phải cảm động rơi lệ. Vào thời nhà Tấn có một đứa bé tên gọi là Sưu Cổn. Trong thôn ngày ấy đang có bệnh dịch, anh chị em của Sưu Cổn đã chết mất mấy người, còn lại một người đang ốm nằm trên giường. Tất cả trưởng bối của đứa bé muốn đem theo bọn trẻ còn khỏe mạnh để rời đi nơi khác. Nhưng kết quả Sưu Cổn không muốn bỏ đi. Sưu Cổn nói: “Cháu không thể bỏ anh ấy lại một mình mà không có ai chăm sóc”. Trưởng bối của Sưu Cổn tiếp tục khuyên can: “Ở lại như vậy là rất nguy hiểm, chúng ta hãy đi thôi”. Sưu Cổn liền nói với trưởng bối: “Trời sinh cháu ra đã không sợ bệnh tật, các bác hãy để cháu ở lại!”. Các vị trưởng bối không khuyên được Sưu Cổn liền bỏ đi. Đứa bé này tự mình đi nấu thuốc cho anh, và vào ban đêm thường xuyên đứng trước linh vị của mấy người anh khác để khóc, để thương cảm. Bởi tấm lòng thương yêu đối với anh chị em như vậy, người anh của Sưu Cổn giống như là có kỳ tích xuất hiện đã khỏe trở lại. Tại sao bệnh dịch như vậy lại có thể bình phục được? Đó là tình thương yêu, sự quan tâm này đã làm cho hệ thống miễn dịch của người anh trai tăng thêm. Chúng ta đối với virus thì không phải là đánh nhau không đội trời chung với chúng, cho nên gọi là “giải độc” chứ không gọi là “tiêu độc”. Khi tâm niệm của chúng ta thuần chánh thì tự nhiên virus sẽ từ từ chuyển hoá. Cho nên, lòng yêu thương có thể giải được độc, lòng từ bi cũng có thể giải độc. Sau đó thì các vị trưởng bối của Sưu Cổn quay trở về. Khi cha mẹ của Sưu Cổn quay về, nhìn thấy anh em Sưu Cổn vẫn còn sống thì cảm thấy rất vui mừng.

Từ câu chuyện Sưu Cổn chúng ta có thể thấy được rằng tuy Sưu Cổn tuổi còn nhỏ nhưng đã được đọc sách Thánh Hiền. Cho nên trong nhân sinh quan của Sưu Cổn có một điều còn quan trọng hơn mạng sống. Đó là đạo nghĩa. Có thể hy sinh vì chính nghĩa, xả thân vì nghĩa lớn, bởi ý muốn của các vị Thánh Hiền là đạo nghĩa còn hơn cả mạng sống. Bởi vì ý niệm của các Thánh nhân là như vậy, cho nên mới có thể viết ra được những câu chuyện làm cảm động lòng người mà mãi đến tận mấy ngàn năm sau vẫn còn được ca tụng, và cũng phát triển để được viên mãn. Đây là thái độ đối với anh chị em của Sưu Cổn vào thời nhà Tấn, tình anh em còn hơn tính mạng của mình.

Vào thời nhà Đường có một vị quan tên gọi là Lý Tích. Thật ra ông không phải họ Lý mà là họ Từ, nhưng bởi ông có rất nhiều công lao với đất nước cho nên Lý Thế Dân ban cho ông theo họ của vua và gọi là Lý Tích. Bài giảng trước chúng ta cũng có nhắc tới Lý Thế Dân. Ông là một vị vua rất tôn trọng người hiền tài, cho nên ông cũng rất thành công. Có một lần Lý Tích bị bệnh, ngự y nói rằng: “Phải kiếm một bộ râu người để làm thuốc dẫn”. Đường Thái Tông (tức Lý Thế Dân) nghe xong liền lấy dao cắt một đoạn râu rồi đưa cho ngự y. Chuyện này đến tai Lý Tích. Lý Tích rất cảm động, lập tức quỳ trước mặt vua để cảm tạ sự thành tâm đối đãi của nhà vua đối với ông. Đây chân thật có thể nói rằng: “Anh hùng quý trọng anh hùng”. Lý Tích vừa là một vị trung thần lại là một người con hiếu thảo, và cũng rất yêu thương anh chị em. Tôi biết được như vậy là bởi đức hạnh của một người đều được xây dựng từ nền tảng “hiếu” và “đễ”.

Khi đó Lý Tích cũng đã lớn tuổi, ông có một người chị. Chị ông bị bệnh, ông đi thăm chị ông. Thấy chị đang nấu cháo ông liền bảo người hầu tránh ra và tự mình giúp chị nấu cháo. Tướng mạo của người làm quan thời xưa đều có râu dài tới rốn. Lý Tích ở đó nấu cháo, bởi gió to lại không cẩn thận nên lửa cháy vào râu, ông vội vàng dập tắt lửa. Chị ông ở bên cạnh thấy vậy liền nói: “Em trai à! Sao em phải khổ sở vậy! Trong nhà có rất nhiều người hầu như vậy, em chỉ cần bảo người hầu nấu là được rồi, không cần tự mình phải vất vả như vậy”. Lý Tích trả lời rằng: “Chị à! Tuổi của chị đã lớn như vậy, không biết em còn có bao nhiêu cơ hội để chăm sóc cho chị”. Khi Lý Tích nấu nồi cháo này thì trong lòng tràn đầy sự biết ơn, luôn luôn ghi nhớ rằng trong quá trình trưởng thành, chị đã dìu dắt ông bao nhiêu lần, và ông đều ghi nhớ ở trong lòng.

Tôi cũng rất may mắn, tôi có hai người chị gái cũng luôn chăm sóc cho tôi. Người chị lớn cùng học một trường đại học với tôi. Còn nhớ có lần tôi không khỏe và phải uống thuốc Bắc. Gói thuốc Bắc đó rất to, và lại còn phải nấu hơn một tiếng đồng hồ, nấu từ một nồi nước to thành một bát nước nhỏ. Hồi đó tôi đang học đại học năm thứ nhất và sống trong ký túc xá. Trong ký túc xá không được sắc thuốc vì nhất định sẽ phá hoại quan hệ giao tiếp với người khác. Tất cả mọi người sẽ mang bảng kiến nghị đến trước cửa phòng ngủ của tôi để phản đối. Cho nên tôi không có cách gì để sắc thuốc. Chị gái tôi sống ở bên ngoài trường. Hàng ngày đều giúp tôi sắc thuốc hai lần, sáng một lần và tối một lần. Sau khi sắc thuốc xong, chị phải đi một đoạn đường khá xa từ ngoài cổng trường vào, bởi vì ký túc xá nằm ở sâu trong sân trường. Đi đường xa như vậy mà chị còn phải bưng một bát thuốc nóng như thế đi đến ký túc xá của nam sinh. Trên tường lại còn viết một dòng chữ: “Nữ khách xin dừng bước!”. Chị không được vào cho nên đi đến bên cửa sổ phòng tôi gõ mấy cái rồi ra hiệu bảo tôi: “Ra uống thuốc!”.

Tôi nhìn thấy tình cảnh như vậy thì bệnh cũng khỏi được một nửa, vội vàng chạy ra uống bát thuốc mang đầy sự quan tâm của người chị. Cho nên tình chị em rất là sâu đậm. Cũng bởi tình chị em sâu đậm như vậy cho nên chân thật đã làm cho cha mẹ tôi cảm thấy rất yên lòng. Cho nên “huynh đệ mục, hiếu tại trung” (anh em thuận, hiếu trong đó). Bởi vì cha mẹ sẽ nghĩ sau khi mình mất đi mà anh chị em chúng có thể thương yêu nhau như vậy thì cha mẹ cũng rất là yên tâm.

Cho nên gia đình chỉ cần có được em kính, anh nhường như thế này, tin rằng cả gia tộc nhất định sẽ có sự phát triển rất tốt. Hơn nữa, nếp sống “hiếu – đễ” như vậy không chỉ cảm động lòng người mà còn cảm động những loài vật nuôi trong nhà. Các vị có tin như vậy không?

Vào thời nhà Tống có một người học trò tên là Trần Phưởng. Con cháu mười ba đời của ông đều sống chung trong một mái nhà, trong nhà có hơn bảy trăm nhân khẩu. Họ rất tôn kính lời di huấn của Tổ tiên nên đều không ra ở riêng. Hơn nữa họ cũng không thuê người ở, cho nên mọi việc nhà đều phải tự mình làm. Làm như vậy rất tốt! Bài trước chúng ta cũng từng nhắc đến rằng phải để con cái tập lao động thì chúng mới cảm nhận được sự biết ơn. Cho nên tập lao động là rất quan trọng. Nếu như hiện nay con cái tiêu tiền bạt mạng, vậy thì chúng sẽ rất xa hoa, phung phí. Hơn nữa chúng lại không chịu làm việc nhà thì chúng sẽ trở thành lười biếng. Như vậy là vừa xa hoa, phung phí và lười biếng. Lười biếng sẽ tạo thành tính ỷ lại, sau đó lại không có lòng biết ơn. Một người không chăm chỉ lao động dẫn đến sẽ có rất nhiều thói quen xấu. Những vị trưởng bối có kiến thức thì sẽ nhìn thấy trước những sự việc này sẽ ảnh hưởng đến con cái của họ về sau. Cho nên họ sẽ kiên trì giữ vững quy tắc.

Tăng Quốc Phiên tiên sinh là người thời nhà Thanh, cũng được coi là một người làm quan to nhất trong các vị quan của người Hán, làm đến Tổng đốc của bốn tỉnh, Tổng đốc quản lý bốn tỉnh. Chức vị rất cao nhưng gia quy của ông, những việc nhà đều do con cháu đảm nhiệm. Những việc thuộc bổn phận của mình thì phải tự tay đi làm. Quyết định như vậy rất quan trọng! Cho nên con cháu đời sau của Tăng Quốc Phiên tiên sinh đến nay đã mấy trăm năm rồi mà vẫn không suy bại. Ở Đài Loan chúng tôi có một người là con cháu của ông cũng rất thành công tên là Tăng Sỹ Cường, cũng thường xuyên đi khắp nơi để diễn giảng. Cho nên sự truyền thừa nếp sống gia đình là rất quan trọng.

Khi con người có rất nhiều tiền, lại rất có quyền thế, chỉ cần anh ấy không có nguyên tắc thì gia đạo trong mấy đời về sau sẽ bị suy bại. Chúng ta đi nghiên cứu con cháu đời sau của Lâm Tắc Từ, của Tăng Quốc Phiên, của Phụng Trọng Yêm, nhất định các vị sẽ hiểu được, gia quy của họ chân thật là nhìn rất xa, trông rất rộng. Còn gia phong của những nhà chỉ hai ba đời sau đã suy bại thì thường là gia phong của các thương nhân. Bởi khi có tiền, con người ta sẽ cảm thấy cái gì là lớn nhất? “Có tiền mua tiên cũng được”. Câu nói này sai hoàn toàn! Bởi khi có tiền, họ sẽ coi thường những người có học: “Anh học nhiều như vậy có gì là giỏi chứ, anh lại không có cuộc sống thoải mái như tôi”. Cái thái độ có lắm tiền, nhiều của rồi đi ức hiếp người khác này thì con cháu họ sẽ hấp thụ triệt để.

Có một quyển sách viết rất hay gọi là: “Bảo Phú Pháp”, là phương pháp để cho tiền tài kéo dài đến đời con, đời cháu. Chỉ một mình các vị giữ được thì không phải là giỏi gì. Bởi các vị có thể giữ được nhưng có mang theo được không? Hai bàn tay trắng cũng không mang được gì. Chỉ khi con cháu thật sự có phúc phần, có trí tuệ thì mới là có bản lĩnh.

Cháu ngoại của Tăng Quốc Phiên tiên sinh tên là Nhiếp Vân Đài tiên sinh. Ông sống trường kỳ ở Thượng Hải. Thượng Hải là một nơi rất phồn hoa, có rất nhiều thương nhân giàu có. Ông ở đó mấy chục năm và chứng kiến có rất nhiều người giàu có được một đời, hai đời là suy bại. Ông liền đi tìm hiểu nguyên nhân do đâu. Trong số đó có một thương nhân họ Châu. Ông ấy mở ngân hàng tư nhân, mở ở rất nhiều nơi, có rất nhiều tiền, tiền của có đến mấy trăm vạn ngân lượng. Có một lần xảy ra nạn lũ lụt tại nơi ông đang mở ngân hàng, nơi đó rất nghèo khổ. Cho nên người quản lý (quản lý chi nhánh ngân hàng ở nơi đó) có quyên góp năm trăm lượng. Sở hữu mấy trăm vạn lượng mà chỉ quyên góp có năm trăm lượng thì không nhiều. Nhưng người quản lý này bị ông chủ Châu mắng cho một trận: “Sao anh lại lấy tiền của tôi để quyên góp?”. Ông chủ Châu này nói ông chỉ có một phương pháp để giữ tài sản, đó là tiền chỉ cần vào túi của ông thì không cho nó chảy ra ngoài nữa, đó là một chữ “tích”, tích góp tiền của”.

Quý vị thân mến! Tích góp tiền của thì sẽ tổn thương đạo lý, tổn thương bổn phận làm người. Cho nên mới nói: “Tích tài táng đạo”. Tục ngữ có câu: “Một nhà no ấm thì nghìn nhà oán thán”. Nhà của các vị có lắm tiền, nhiều của như vậy, nhà hàng xóm sắp chết đói mà các vị lại không đi cứu tế thì họ sẽ oán thán các vị. Mấy ngày sau nếu như nhà các vị có hỏa hoạn thì họ sẽ đứng đó để xem: “Các vị thấy chưa! Điều mà mọi người mong muốn đã thành sự thật”. Họ nhất định sẽ đứng đó mà nói: “Tốt quá rồi! Trời xanh có mắt!”. Nhưng nếu như các vị nơi nơi đều có thể bố thí cho họ và nếu các vị đều có thể tận lực trong cuộc sống, thậm chí trong sự giáo dục con cái của họ thì họ sẽ luôn luôn cảm ơn các vị. Nếu đột nhiên nhà các vị bị hỏa hoạn thì họ nhất định cũng sẽ chạy tới, và tranh nhau xem ai là người tạt gáo nước đầu tiên vào đám cháy. Có đúng vậy không? Bởi khi các vị bỏ công sức ra cho họ một cách chân thành thì họ sẽ cảm nhận được. Hơn nữa họ còn ghi nhớ mãi ở trong lòng, chỉ cần có cơ hội là sẽ báo đáp cho các vị. Đây gọi là “Ái nhân giả nhân hằng ái chi, kính nhân giả nhân hằng kính chi”. Cho nên chúng ta nhất định phải lĩnh hội trí tuệ của các vị Thánh Hiền ngày xưa. Cho nên tiền thì phải lưu thông, người xưa có câu: “Có nước là có tài”. Nếu như nước không lưu thông thì sẽ bốc mùi hôi. Tiền mà không lưu động thì sẽ xảy ra tác dụng phụ.

Người thương nhân họ Châu này đến cuối đời của ông, lúc đó vào năm đầu Dân Quốc, tài sản của ông đổi được ba mươi triệu đồng. Có nhiều tiền không? Rất nhiều tiền. Ông có mười người cả con lẫn cháu. Ông chia ba mươi triệu đồng thành mười phần, mỗi người được ba triệu đồng. Kết quả qua sự quan sát của Nhiếp Vân Đài tiên sinh thì thấy rằng trong vòng có mấy chục năm trời, mười người con cháu của ông đều suy bại. Tất cả tiền của đều tiêu pha phung phí hết, thậm chí có người còn phải đứng đường xin ăn. Trong số đó cũng có một hai người còn có chút tu dưỡng, nhưng tiền tài cuối cùng cũng tiêu tán hết, đã có chút tu dưỡng như vậy rồi mà vẫn không giữ nổi tiền của.

Từ câu chuyện này chúng ta mới hiểu được lời nói trong “Kinh Dịch” quả không ngoa chút nào. “Kinh Dịch” có nói rằng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, nhà không tích thiện thì sẽ có tai ương giáng xuống. Từ điều này chúng ta có thể nhìn thấy có người cũng rất tốt, nhưng tại sao tai họa cứ dồn dập xảy đến với người này. Có lẽ là tai ương của Tổ tiên để lại chưa trả hết. Lúc đó các vị phải động viên họ kiên trì hành thiện thì nhất định sẽ xoay chuyển được tình thế, đợi đến khi tiêu tan hết tai ương thì nhất định sẽ có thiện báo xuất hiện. Có kiến thức như vậy thì mới có thể có được những người con cháu tốt.

Cho nên Tăng Quốc Phiên cũng vậy, Trần Phưởng cũng thế, họ đều hiểu biết được một điều nhất định phải để con cháu tập lao động, cho nên không thuê người làm. Mỗi lần ăn cơm cũng là hơn bẩy trăm người cùng ăn, rất là đông vui, nhộn nhịp. Trong nhà của họ nuôi khoảng một trăm con chó, một trăm con chó này phải tập trung đông đủ thì mới được ăn cơm. Có một câu nói tả về tình trạng này là: “Một con chưa đến cả đàn không ăn”. Nếp sống “hiếu – đễ” này cảm động đến cả đàn chó trong nhà của họ. Nếu các vị là hàng xóm của họ, khi nhìn thấy cảnh tượng này các vị sẽ cảm thấy rất cảm động. Ngoài cảm động ra thì còn cảm thấy chúng ta không thể không bằng mấy con chó này, bởi trong nhà mình vẫn còn cãi nhau ầm ĩ.

Cho nên sự việc này đã đến tai Hoàng Thượng. Hoàng Thượng cũng rất cảm động, lập tức miễn cho gia đình họ mọi lao dịch. Đó là những lao dịch mà nhân dân phải làm như đi xây dựng một số công trình cho đất nước. Bởi vì Hoàng Đế cảm thấy gia đình này của họ sẽ là tấm gương tốt cho nên miễn lao dịch cho họ. Các vị xem, đức hạnh của con người có thể cảm động được loài động vật như chó, nhưng có người lại nói: “Tôi không tin”. Người thời nay thì rất khó để tin những điều cảm ứng như vậy. Tại sao ư? Bởi vì họ toàn lấy bụng dạ của người tiểu nhân để nói: “Tôi không có cảm ứng. Tại sao họ lại có?”. Đó là họ không đi nghĩ ý niệm của những vị Thánh nhân, Hiền triết này.

Vào thời nhà Minh có một người học trò tên là Bao Thực Phu. Ông dạy học ở một trường tư thục, được một thời gian ông phải về nhà thăm cha mẹ. Trên đường về gặp một con cọp, con cọp ngoạm lấy ông và tha ông đến một nơi khác để chuẩn bị ăn thịt ông. Bao Thực Phu không sợ hãi gì cả, bởi người tri thức thời xưa đều biết rằng: “Sống chết có số, giàu sang do trời”. Cho nên đối diện với sự sống chết họ không sợ hãi, nhưng rất thành khẩn, ông quỳ xuống nói với con cọp rằng: “Tôi bị ngài ăn thịt là số mệnh của tôi như vậy, nhưng bởi hiện nay tôi còn có cha mẹ già hơn bẩy mươi tuổi phải phụng dưỡng, có thể để cho tôi phụng dưỡng xong cho cha mẹ rồi tôi lại đến để ngài ăn”. Tấm lòng hiếu thảo này làm cho con cọp hung ác nhất cũng phải cảm động, con cọp liền đi mất.

Cho nên người ở trong vùng gọi nơi đó là: “Bái hổ cương” để tưởng niệm Bao Thực Phu đã ở đó cầu khấn cọp và được cọp tha cho về nhà phụng dưỡng cha mẹ. Ngay như loài cọp hung ác nhất còn biết cảm động, huống hồ những con chó trung thành thì có gì mà khó khăn! Không chỉ có động vật là cảm động, cũng không chỉ thực vật mới biết cảm động, mà trời đất vạn vật cũng có thể cảm động. Cho nên mới nói: “Vạn vật giao cảm, dĩ thành dĩ trung”, sự chân thành đến cực điểm thì trời đất cũng sẽ cảm động.

Vào thời nhà Nguyên có một người học trò tên là Lý Trung. Hiếu hạnh của ông nổi danh khắp nước. Lúc đó trong thôn nơi ông ở xảy ra động đất, tất cả nhà cửa đều đổ hết. Tâm chấn đi đến đâu thì nhà cửa đều đổ đến đó. Nhưng khi đến nhà ông tâm chấn chợt chia thành hai đường, sau khi đi qua nhà ông thì lại chập lại làm một. Đây là sự việc thật được lịch sử ghi chép lại. Chúng ta không thể không tin là có thật.

Cho nên trong “Trung Dung” có nói: “Họa phúc tương chí”. Họa phúc của một người, là họa hay là phúc khi đến với ta thì từ đâu để phán đoán được? “Họa phúc tương chí, thiện tất tiên tri chi, bất thiện tất tiên tri chi”. Nếu như là việc thiện thì biết là phúc, bất thiện là họa. Cho nên hiếu hạnh của ông đã giúp cho ông tránh khỏi kiếp nạn đó. Chúng ta phải tin tưởng chân lý này, để mình đi con đường đời của mình một cách quang minh, lỗi lạc. Các vị có lòng tin rằng cuộc đời của các vị có thể gặp hung hóa cát không? Có! Rất tốt! Nào! Chúng ta hãy vỗ tay tán thưởng.

************

7.2. Huynh đệ mục, hiếu tại trung (Anh em thuận, hiếu trong đó)

Người với người muốn sống hòa thuận với nhau thì phải như thế nào? Chúng ta hãy nghĩ xem ví dụ như nhà của Trần Phưởng có tới bẩy trăm con người mà còn có thể sống với nhau hòa thuận. Hiện giờ gia đình chúng ta có ba người là đã không hợp nhau rồi. Cho nên chúng ta chân thật là đã thụt lùi quá nhiều rồi. Thậm chí chưa sinh con mà hai vợ chồng đã cãi nhau đến không thể giảng hòa được. Các vị nghĩ lại xem người ta có thể bao dung được bẩy trăm con người thì quả là một học vấn to lớn! Sống với nhau hòa thuận là kết quả. Vậy nguyên nhân ở đâu? Nguyên nhân chính ở chỗ “đối xử bình đẳng” thì mới có được sự hòa thuận. Bình đẳng, “bình” thì lòng người sẽ bình yên. Lòng người bình yên thì mới không xảy ra tranh chấp. Cho nên dạy bảo con cái của mình thì nhất định phải nắm bắt được nguyên tắc “tuyệt đối phải chăm sóc một cách bình đẳng”. Tuyệt đối chúng ta không được đối xử với con trưởng thì tốt nhưng con thứ lại không bằng. Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc chúng ta, có rất nhiều trường hợp cũng vì thiên vị một đứa con nào đó mà cuối cùng tạo thành cái kết quả anh em cãi vã lẫn nhau, bởi vì lòng người bất bình thì sớm muộn cũng sẽ có tranh chấp.

Chúng ta lại đi sâu vào tìm hiểu, ví dụ hiện tại chúng ta đối xử tốt với người con này thì có giúp được gì cho nó không? Các vị đối xử tốt với chúng thì chúng nhất định sẽ đối xử tốt với các vị ư? Sai rồi! Các vị quá yêu chiều chúng, chúng sẽ càng ngày càng ích kỷ, là các vị hại chúng. Còn đứa con chúng ta không chú ý đến thì nội tâm của chúng sẽ không cân bằng, có lúc sẽ trở nên rất tiêu cực. Thế là các vị hại cả hai. Như vậy là không có lý trí. Cho nên “bình” là rất quan trọng. Tuy tôi là con trai độc nhất trong nhà, nhưng cha tôi đối xử với ba người con rất bình đẳng, khi thưởng đều thưởng như nhau, không cho tôi nhiều hơn. Nếu không, đến lúc đó tôi sẽ ỷ được cưng chiều mà trở nên kiêu ngạo mất.

Vào thời nhà Minh có một học trò tên là Trịnh Liêm. Gia tộc của ông có tới bẩy đời sống chung một mái nhà. Thời đại này của chúng ta nhiều nhất nghe nói tới là mấy đời? Ba đời? Ba đời là quá ít! Hồi tôi ở Đại Lục có nghe nói là có năm đời sống chung cùng một mái nhà. Trịnh Liêm là bẩy đời cùng một mái nhà. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương rất khâm phục ông, ban cho ông một tấm biển đề là: “Thiên hạ đệ nhất gia”, có hơn một nghìn người, khoảng một nghìn người ở chung. Ban cho ông tấm biển này còn tặng cho ông hai trái lê. Minh Thái Tổ cũng rất là thú vị, ông nghĩ: “Ta tặng hai trái lê, xem ông có một nghìn người thì phải chia như thế nào?”. Ông lại còn phái cẩm y vệ theo đằng sau để xem Trịnh Liêm xử lý việc này ra sao.

Quý vị thân mến! Các vị sẽ xử lý ra sao?

HẾT TẬP 16. XIN XEM TIẾP TẬP 17!