Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 9/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 9/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

2.2. Thần tắc tỉnh, hôn tắc định (Sáng phải thăm, tối phải viếng)

Chúng ta có nhắc tới Chu Văn Vương đã từng “thần tắc tỉnh, hôn tắc định” (Sáng phải thăm, tối phải viếng) với cha của ông là Vương Quý. Lòng hiếu này của ông cảm động mọi người, nhân dân cả nước đều noi theo. Lúc tôi đối diện với các thầy giáo, đã từng có một vị thầy giáo nói với tôi: “Trong Đệ Tử Quy có chỗ thừa”. Nếu như có người nói trong “Đệ Tử Quy” có chỗ thừa chúng ta có nên tranh luận với anh ấy không. Tranh luận có thể sẽ không có hiệu quả. Trước tiên chúng ta phải có thái độ khiêm nhường thỉnh giáo anh ấy: “Xin hỏi câu nào là câu thừa?”. Khi tôi hỏi anh ấy như vậy, anh ấy nói câu “Thần tắc tỉnh, hôn tắc định” (Sáng phải thăm, tối phải viếng) là câu thừa. Tôi lại hỏi anh ấy: “Tại sao anh lại cảm thấy đây là câu thừa?”. Anh ấy nói: “Một ngày phải hỏi thăm cha mẹ hai lần thì quá là phiền phức”. Tiếp đó tôi đã nói với vị thầy đó, tôi nói rằng sáng sớm khi trẻ em thức giấc liền cung kính đi đến hỏi thăm cha mẹ: “Chào ba mẹ! Chúc ba mẹ buổi sáng tốt lành!”. Người mẹ nhìn thấy trên trán con trai sáng láng, biểu hiện tối qua ngủ rất ngon lành. Cha mẹ thấy vậy thì rất là yên tâm. Sáng sớm con cái đã thăm hỏi làm cho tinh thần người mẹ rất phấn khởi, cả ngày làm việc đều cảm thấy có động lực, đó là lợi ích khi hỏi thăm cha mẹ buổi sáng. Buổi tối khi con cái về nhà báo cáo với cha mẹ: “Thưa cha mẹ! Con đã về rồi. Hôm nay cha mẹ khỏe chứ ạ?”. Khi con cái hỏi thăm cha mẹ, cha mẹ thấy khí sắc của con không tồi, biểu hiện hôm nay ở trường học tập rất tốt, có lẽ không có xung đột với bạn học. Cha mẹ cũng rất là yên tâm. Cho nên sáng hỏi thăm một lần, tối đến lại hỏi thăm lần nữa thì sẽ làm cho cha mẹ được yên lòng, được an ủi.

Chúng ta là con cái mà một ngày chỉ hỏi thăm cha mẹ có hai lần. Vậy xin hỏi: Cha mẹ một ngày nhớ mong ta bao nhiên lần? Có một bà mẹ từng nói với tôi, bà nói vào mùa xuân và mùa thu, bà đắp chăn rất mỏng cho con. Bởi đắp chăn mỏng thì nửa đêm con có thể sẽ bị lạnh mà tỉnh giấc. Lúc đó bà vội vàng đi xem con cái, chính xác là thấy con không đắp chăn, thế là lại kéo chăn đắp giùm con. Ngay cả khi đi ngủ cha mẹ cũng không quên quan tâm đến con cái thì có thể suy ra mà biết rằng cha mẹ một ngày nghĩ đến con cái bao nhiêu lần. Lúc nào cũng quan tâm.

Nói tới đây trong ký ức của tôi cũng là ấn tượng rất sâu đậm. Nửa đêm đột nhiên cảm thấy có người kéo chăn đắp cho tôi, mắt nhắm mắt mở, tôi mở mắt ra thì thấy lúc là cha tôi, lúc lại là mẹ tôi. Cho nên tôi nói với vị thầy giáo đó: “Chúng ta làm con cái, hơn nữa tuổi còn nhỏ, đừng nói là trong cuộc sống, trong công việc, thậm chí trong thu nhập chúng ta có giúp được gì cho cha mẹ! Chúng ta còn nhỏ, làm không được việc đó, nhưng ít nhất cũng phải làm cho cha mẹ ít phải bận tâm vì ta, để cha mẹ được yên tâm. Thực hiện “thần hôn định tỉnh” (Sáng phải thăm, tối phải viếng) là để cha mẹ được yên lòng”.

Vị thầy giáo này sau khi nghe xong lại nói: “Thầy Thái! Thầy học văn hóa Thánh Hiền thật không tồi”. Đương nhiên là tôi không dám nhận mà trong lòng còn cảm thấy hoang mang, lo sợ. Rồi anh ấy đột nhiên lại nói: “Thầy Thái! Vậy thì bản thân thầy cũng chưa thực hiện được”. Chúng ta là người đọc sách Thành Hiền, rất sợ bị người khác nói mình chưa thực hiện được. Đột nhiên cảm thấy căng thẳng, tôi liền hỏi anh ấy: “Tại sao anh cảm thấy tôi chưa thực hiện được?”. Anh ấy nói tôi cách xa nhà như vậy, làm sao mà tôi có thể sáng hỏi thăm một lần, tối hỏi thăm một lần được. Nhưng thời nay điện thoại cũng rất là tiện lợi, sáng có thể gọi, tối cũng có thể gọi. Anh ấy nói: “Thế mà tôi cũng không thực hiện được.” Tôi liền nói với vị thầy giáo đó: “Nếu như buổi sáng tôi gọi một cuộc điện thoại, buổi tối lại gọi một cuộc điện thoại về nhà, mẹ tôi nhất định sẽ mắng tôi. Bà sẽ nói, con có biết điện thoại đường dài đắt thế nào không?”.

Cho nên chúng ta học tập câu “Thần hôn định tỉnh” (Sáng phải thăm, tối phải viếng) thì quan trọng nhất là làm cho cha mẹ được yên tâm. Chỉ cần ta sắp xếp cố định có quy luật, ví dụ cứ tối thứ Bảy lại gọi điện về nhà, thì tin chắc mẹ nhất định đã ngồi ở đó. Thậm chí chuông điện thoại vừa reo một cái thì mẹ đã đoán đó là con trai gọi về. Và trong mỗi tuần khi gọi điện về, chúng ta phải kể tường tận cho mẹ tình hình công việc, cuộc sống của chúng ta để cho mẹ hiểu mà không phải lo lắng. Cho nên quan trọng nhất là phải làm sao để lời nói, hành vi, đức hạnh của chúng ta đáng tin, để cha mẹ khỏi phải bận tâm, đó mới là điều quan trọng nhất. Nếu như đối với công việc, đối với gia đình chúng ta không có biện pháp xử lý tốt, thì cho dù mỗi ngày có gọi về cho mẹ đến ba lần, liệu mẹ của chúng ta có yên tâm không? Bởi vậy khi học tập chúng ta phải nắm lấy bản chất của mỗi một câu giáo huấn mà thực hành chính xác. Cho nên gọi là “Thần tắc tỉnh, hôn tắc định(Sáng phải thăm, tối phải viếng).

************

2.3. Xuất tất cáo, phản tất diện (Đi phải thưa, về phải trình)

Khi cần đi ra ngoài, phải nói với cha mẹ chúng ta đi đâu, khi trở về cũng phải thưa với cha mẹ là mình đã trở về. Kỳ thực những thói quen này của con cái rất là quan trọng, không được xem thường những tiểu tiết này. Khi con cái biết được “thần hôn định tỉnh” (sáng phải thăm, tối phải viếng) thì mỗi một câu hỏi thăm của chúng đối với cha mẹ cũng đều tăng thêm tình cha con. Mỗi một lần “xuất tất cáo, phản tất diện” (đi phải thưa, về phải trình) đều là để cho cha mẹ hiểu, tất cả những hành vi của chúng ta đều không được tăng thêm sự lo lắng cho cha mẹ.

Đã từng có một học sinh, sau khi tan học về nhà thì không chào hỏi ai, về đến nhà là lập tức chạy vào thư phòng chơi trò chơi điện tử. Hơn một tiếng sau người mẹ cứ tưởng nó chưa về liền gọi điện thoại đến trường học, hỏi xem có phải con bị thầy giáo bắt ở lại trường không. Lúc người mẹ gọi điện đến, tôi nhận điện thoại. “Đã tan học hơn một tiếng đồng hồ rồi tại sao con vẫn chưa về đến nhà?”, người mẹ rất lo lắng, liền hỏi tôi có phải báo cảnh sát không. Tôi nói chưa cần báo vội, hãy tìm kỹ trong nhà xem. Sau đó người mẹ đã tìm thấy. Hóa ra con mình đang trốn ở đó chơi điện tử mà để cho cha mẹ phải lo lắng như vậy. Cho nên, một thói quen tốt thì nhất định phải được nuôi dưỡng.

Ngoài đối với cha mẹ, chúng ta phải “xuất tất cáo, phản tất diện” (đi phải thưa, về phải trình) ra, thì đối với người nhà, ví dụ như đối với vợ, chúng ta cũng cần phải “xuất tất cáo, phản tất diện” (đi phải thưa, về phải trình). Đối với những người quan tâm đến ta, chúng ta đều phải để cho họ yên tâm mới đúng! Đây là làm người thì phải thông cảm lẫn nhau. Cho nên khi cần đi đâu, người chồng cũng phải nói với vợ. Nhưng thời đại hiện nay giữa vợ chồng có thành thật, thẳng thắn với nhau không? Nếu như vợ chồng với nhau mà không thẳng thắn, chân thành, vẫn phải che giấu như vậy thì mấy mươi năm sống với nhau sẽ rất đau khổ. Xây dựng tổ ấm gia đình có một nguyên tắc rất quan trọng. Đó là không có bí mật, ăn ở với nhau chân thành, cùng bao dung lẫn nhau. Như thế thì cuộc sống rất ung dung, tự tại. Cho nên đi đâu cũng cần nói với bà xã. Khi chúng ta đích xác là không về nhà ăn cơm thì cũng phải thông báo sớm để bà xã biết. Chúng ta đừng nói là đã quyết định không ăn cơm nhưng đến tận mười hai giờ mới gọi điện về, vì lúc đó bà xã ở nhà đã chuẩn bị xong cơm nước cho chúng ta rồi. Chúng ta không nên chà đạp lên sự quan tâm của người khác đối với chúng ta, mà phải biết quý trọng, phải thông cảm. Cho nên cũng phải sớm gọi điện về thông báo cho mẹ hoặc cho bà xã, thông báo cho người nhà để họ khỏi phải mất công mà không được việc gì. Người nhà với nhau thì phải cùng thông cảm, đó là gia đình hoà thuận thì việc gì cũng thành công.

Ngoại trừ trong gia đình phải “xuất tất cáo, phản tất diện” (đi phải thưa, về phải trình) ra thì trong công việc, trong công ty, thật ra chúng ta cũng phải “đi phải thưa, về phải trình. Ví dụ như bạn có việc phải ra ngoài nhưng không nói với ai, đến lúc có việc cần nhất định phải tìm bạn mà người ta lại không biết bạn đi đâu. Như vậy bạn sẽ làm người ta rất sốt ruột, cấp trên nhất định sẽ trách mắng bạn. Đến lúc đó, họ sẽ có cảm giác không tin tưởng bạn vì bạn làm việc không cẩn thận. Cho nên chúng ta phải biết nói: “Bây giờ tôi cần đi đâu đó, hai mươi phút sau sẽ trở về” hoặc nói: “Bây giờ tôi có việc phải đi làm. Nếu như có việc gì cần tôi giải quyết, xin hãy gọi điện thoại di động cho tôi”. Và chúng ta phải mở máy điện thoại di động, nếu không đến lúc cần kíp người ta lại không tìm được bạn thì sẽ rất không tốt.

Cho nên nói “đi phải thưa, về phải trình” là để chúng ta hiểu biết được một điều là phải để cho những người xung quanh chúng ta không phải lo lắng, sốt ruột vì không biết chúng ta đi đâu. Sau đó chúng ta cũng phải thường xuyên nhận thức xem một lời nói, một hành động của chúng ta có trở thành gánh nặng cho người khác không để từ đây phải lưu tâm, phải nỗ lực.

2.4. Cư hữu thường, nghiệp vô biến (Ở ổn định, nghề không đổi)

Chữ “” này chúng ta có thể xem xét ở nhiều góc độ. Trong học nghiệp (thời kỳ học sinh là học nghiệp), sự nghiệp (ra xã hội là sự nghiệp) và gia nghiệp (kết hôn là gia nghiệp) mà không có quy tắc thì không thành tiêu chuẩn. Cho nên cuộc sống của chúng ta phải rất có quy luật thì học nghiệp của chúng ta, sự nghiệp của chúng ta, gia nghiệp của chúng ta mới có thể đứng vững được.

Đối với học nghiệp

Chúng ta hãy xem, học sinh, trẻ em thời đại này có “cư hữu thường” (ở ổn định) không. Thường vào ngày thứ Sáu, học sinh được nghỉ học, thế là bắt đầu phóng túng, buông thả. Có em xem ti vi đến nửa đêm, có em còn đi nhảy đầm suốt đêm, sáng ngày thứ Bẩy và Chủ nhật thì ngủ. Ngủ mà bù lại được sức khỏe thì còn đỡ, nếu không bù được thì sức khỏe sẽ ngày càng hao tổn. Chúng ta là cha mẹ khi thấy hành vi của con cái như vậy thì không thể để chúng buông thả mà phải kịp thời chấn chỉnh ngay. Phải ngay từ khi chúng còn nhỏ, chúng ta đã không cho chúng xem ti vi vào đêm thứ Sáu một cách tùy tiện không biết kiêng nể, sợ sệt ai. Bởi chỉ cần có lần đầu thì sẽ có lần thứ hai, nhưng không có lần thứ ba thì không thành lệ.

Chúng ta cần hiểu rõ, thói quen xấu của một người khi đã thành lệ thì rất khó bỏ. Cho nên nói: “Trò chơi làm mất ý chí”. Hơn nữa trẻ em thời nay lại không có chí hướng. Vậy thì đối với trò chơi chúng thật đã bị mê muội tâm trí, chân thật bị đắm chìm trong những trò chơi này mà không thể tự thoát ra được. Cho nên thời nay chúng ta thấy có rất nhiều báo đưa tin rằng có một số học sinh bởi vì lên mạng cả đêm cho nên đã phát sinh vấn đề. Chúng ta sống vào thời nay, là phụ huynh thì phải đặc biệt cẩn trọng, bởi vì có rất nhiều thiết bị khoa học công nghệ cao, chúng ta chưa thu được lợi ích thì đã bị nó hại rồi.

Như chúng ta đã thấy, học sinh tiếp xúc quá sớm với mạng internet. Vậy xin hỏi: Tinh thần nghiên cứu, học vấn của học sinh có nâng cao lên không? Đạo đức, học vấn của chúng có nâng cao lên không? Không. Bởi vì năng lực xác định vấn đề của chúng không đủ. Chúng ta lại không quan tâm đến việc chúng vào mạng như thế nào. Cho nên rất có thể chúng sẽ giao lưu với những người bạn xấu trên mạng. Chúng lại không có năng lực phán đoán, lại không có lý trí bởi chưa có kinh nghiệm. Cho nên bạn trên mạng chỉ cần nói mấy câu ngon ngọt là chúng sẽ đi vào con đường sai lầm, cuộc sống rất có thể sẽ là: “Vấp ngã một bước thành ân hận ngàn đời”. Khi con cái chân thật phạm phải cái sai lầm khó có thể cứu vãn, lúc ấy thì cha mẹ sẽ phải ân hận cả đời, cho nên không thể không thận trọng.

Có một sinh viên người Sơn Đông thường hay chơi điện tử đến nửa đêm, toàn là chơi những trò chơi bạo lực đâm chém, đánh giết. Kết quả sinh viên này chơi đến nỗi đầu óc có vấn đề, thường xuyên cảm thấy có rất nhiều người muốn giết mình. Anh ta liền nói với thầy giáo tình trạng này của mình. Thầy giáo anh ta nghe xong cảm thấy vấn đề rất nghiêm trọng liền cấp tốc thông báo với cha mẹ của anh ta. Cha mẹ anh ta mau chóng đến đón anh, nhưng chưa đón được thì người sinh viên này đã vác dao ra ngoài đường chém rất nhiều người bị thương, trong đó có mấy người bị mất mạng. Các vị xem, trò chơi làm mất hết ý chí, chỉ sai lầm một bước là có thể hủy hoại cả một đời.

Cho nên các vị phụ huynh phải để cho việc học hành của con cái đi vào quỹ đạo, phải để cuộc sống của chúng có quy luật, phải có thói quen học hành một cách cố định. Có rất nhiều phụ huynh lại nghĩ rằng: “Rất khó! Trẻ em thời nay ham chơi quá!”. Hình như chúng ta thường hay nghĩ đến mặt không tốt, chúng ta thường nghĩ đến cái xấu, đương nhiên trẻ em sẽ trở thành đúng như điều mà chúng ta nghĩ. Tôi nhớ lại trước đây hồi còn bé, tôi và hai chị gái tôi thường không xem ti vi. Vào thời đó ti vi rất phổ biến nhưng tại sao chúng tôi lại không xem? Cha mẹ chúng tôi cũng không bao giờ nói: “Các con không được xem ti vi!”. Sau khi ăn cơm xong thì cha mẹ hai người đều vào phòng xem sách. Lúc đó tôi còn nhỏ tuổi, khi mở cửa phòng của cha mẹ thì thấy cha mẹ đang xem sách. Tuổi còn nhỏ như vậy, liệu tôi có dám ngồi ở trước ti vi mà xem một cách không kiêng dè sợ sệt không? Có dám không? Không dám. Cho nên tự nhiên tôi và hai chị tôi đều lên lầu xem sách. Tôi còn nhớ vào hồi học cấp hai, cấp ba, khi ba chị em chúng tôi đang ở trên lầu xem sách thì mẹ tôi đi lên, không phải bảo chúng tôi xem sách mà là nhắc chúng tôi: “Đi ngủ đi! Thôi không đọc sách nữa!”.

Cho nên thói quen thành tự nhiên. Thật ra để giáo dục con cái không khó khăn như chúng ta tưởng tượng. Quan trọng nhất là chúng ta phải làm gương. Cha mẹ học tập “cư hữu thường” (ở ổn định) thì con cái cũng sẽ noi theo.

Đối với sự nghiệp

Sự nghiệp cũng phải “cư hữu thường(ở ổn định). Nếu như công việc của chúng ta không ổn định, thường thường thay đổi, thì người lo lắng nhất không ai bằng cha mẹ. Nói đến đây thì thật là xấu hổ bởi vì tôi tốt nghiệp ra trường khoảng một, hai năm nhưng đã thay đổi đến gần mười công việc, cho nên bây giờ phải sám hối. Nhưng kính thưa quý vị! Các vị cũng phải thông cảm cho tôi. Tại sao tôi phải thay đổi công việc đến mười lần? Là bởi ngày ấy tôi phải đi lần mò tìm hiểu, cảm thấy không biết ngành nghề nào là ngành nghề mà mình thật sự muốn theo đuổi. Nói ra thì thật là đáng buồn! Học hành, học hơn mười năm mà tôi cũng chưa biết cuộc sống nhân sinh đi về hướng nào. Cha tôi là người rất tuyệt vời! Ông luôn ôm ấp một thái độ, ông nói với tôi: “Con cứ đi tìm tòi! Chỉ cần trong phạm vi cha có thể chịu đựng được thì cha sẽ ủng hộ con”. Có người cha tốt như vậy cho nên tôi cũng mạnh dạn đi thử nghiệm. Đương nhiên trong quá trình này, tôi cũng đã từng làm kinh doanh buôn bán, tiêu tốn của ông một ít tiền. Nhưng cha tôi vẫn nói: “Tốt rồi! Cứ coi như đó là tiền học thêm của con!”.

Sau đó nhân duyên đưa đẩy thế nào tôi lại đi dạy thay hai tháng, dạy học sinh lớp 1, chiều cao của chúng đứng chưa đến bụng tôi. Nhưng bởi từ trước tới giờ chưa có ai bảo tôi đi dạy học, và tôi cũng không biết tôi có thích hợp hay không. Cho nên tôi rất lo ngại và nói với họ rằng: “Anh tìm người khác đi. Đừng tìm tôi! Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi làm thầy giáo”. Cuộc đời thật là kỳ diệu! Thường những việc chúng ta không bao giờ nghĩ đến thì lại xảy ra với chúng ta. Chúng ta bình tâm mà suy xét thì có lẽ đó là duyên phận. Sau khi tôi từ chối, một tuần sau họ lại đến và nói là không tìm được thầy giáo dạy thay. Lúc đó trong lòng tôi nghĩ, không nên từ chối lời mời của người từ nơi xa đến tìm mình. Cho nên tôi phải miễn cưỡng nhận lời đi dạy thay. Kết quả dạy được mấy hôm tôi thấy rất vất vả. Làm thầy giáo quả thật chẳng dễ chút nào! Hơn nữa thầy giáo lại bị gánh nặng tâm lý, ngày ngày đều mong cho bọn trẻ được trưởng thành và yên ổn. Nhưng vất vả mấy hôm thì lại cảm thấy rất vui sướng, tôi nói cuối cùng tôi cũng tìm ra một công việc thật sự có đóng góp cho xã hội. Cho nên tôi đã yên lòng dạy cho xong hai tháng. Về đến nhà, tôi lập tức chuẩn bị để thi vào trường sư phạm. Và rồi mọi việc cũng rất thuận lợi đi qua như vậy.

Đương nhiên trong đó cũng có lòng tự tin đồng hành với tôi. Bởi mục đích tôi làm không phải vì thu nhập, mà vì sứ mệnh giáo dục mà làm. Tôi tin tưởng Đức Thánh Khổng Phu Tử, Đức Thánh Mạnh Tử sẽ ủng hộ tôi. Hơn nữa, tôi không có bạn gái, rất nhiều bạn cùng học có bạn gái cho nên họ không chuyên tâm. Khi con người có chí hướng thì sẽ tìm ra phương pháp, cho nên khi đó tôi học còn chăm chỉ hơn hồi học cấp hai, cấp ba. Mục tiêu của tôi khi đó là sau khi học xong tiết học thì tuyệt đối phải hiểu hết, biết hết chứ không được lùi bước. Cho nên tâm trạng học tập của tôi rất tốt. Thật đúng là chí hướng đối với một con người rất quan trọng. Cho nên tôi đã thi đỗ một cách thuận lợi và bắt đầu theo nghề dạy học. Cũng bởi tôi tự tìm được hướng đi cho cuộc đời, mà cũng có thể “cư hữu thường, nghiệp vô biến” ( ổn định, nghề không đổi) tức là an cư lạc nghiệp. Cho nên cha mẹ đã rất yên tâm về tôi.

Tôi làm ở Hải Khẩu được hơn bốn tháng, vừa rồi vào dịp Tết năm ngoái tôi về nhà. Vừa vào đến cửa tôi liền nói với mẹ: “Mẹ à! Công phu tu hành của mẹ thật tốt!”. Mẹ tôi nghe xong ngơ ngác không hiểu: “Con nói gì vậy?”. Tôi nói trong hơn bốn tháng công tác, trong lòng tôi không thấy lo lắng điều gì mà cũng rất tích cực làm việc. Chứng tỏ rằng trong hơn bốn tháng qua, mẹ đã không phải lo lắng, bận tâm cho tôi, để cho tôi không có nỗi lo về gia đình. Kỳ thực khi cha mẹ lo lắng cho chúng ta, chúng ta có cảm nhận được. Nếu như chúng ta không cảm nhận được, chứng tỏ rằng lòng quan tâm đến cha mẹ của chúng ta chưa đủ.

Vào thời xưa, đệ tử của đức Khổng Tử là Tăng Sâm, có một lần ông lên núi kiếm củi thì bạn ông ở phương xa đến tìm ông. Mẹ ông nghĩ, người ta ở mãi phương xa đến tìm mà lại để cho người ta phải đợi, có khi lại không gặp được thì thật là thất lễ. Nhưng không biết Tăng Sâm đến bao giờ mới về, cho nên mẹ ông liền lấy kim đâm vào tay mình. Tăng Sâm đang ở trên núi lập tức cảm thấy đau nhói ở tim. Ông nghĩ rằng nhất định ở nhà có chuyện nên liền lập tức trở về nhà. Vừa gặp mẹ ông liền quỳ xuống nói: “Mẹ à! Có chuyện gì không mẹ? Mẹ có khỏe không?”. Lúc đó mẹ ông mới nói với ông là bởi vì có bạn tới tìm, trong tình thế cấp bách không biết phải làm sao nên mới lấy kim đâm vào tay mình. Cho nên, đích thực là giữa mẹ và con có mối liên kết tâm linh.

Khi tôi ở Hải Khẩu, có một hôm vào lúc mười hai giờ đêm đột nhiên cảm thấy tim không được khỏe. Bởi tôi không bị bệnh tim cho nên tôi cảm thấy là lạ. Nhưng đã quá nửa đêm rồi, gọi điện về nhà vào giờ này thì không tiện, cho nên hôm sau tôi mới gọi điện về. Kết quả hôm sau gọi điện thì mẹ tôi kể lại là đêm hôm qua bà uống thuốc để dễ ngủ, ai ngờ uống nhầm thuốc giãn huyết quản cho nên cả đêm rất khó chịu. Bởi vậy chúng ta là người làm con thì chân thật có thể cảm nhận được. Học nghiệp của chúng ta, sự nghiệp của chúng ta cần phải để cho cha mẹ yên tâm.

Đối với gia nghiệp

Vợ chồng ăn ở với nhau hòa thuận thì cha mẹ mới yên lòng. Thế hệ sau được giáo dục tốt thì cha mẹ cũng yên lòng. Mạnh Tử có câu nói: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Cái gì gọi là “vô hậu vi đại”? Sinh được đứa con ra thì gọi là không vô hậu ư? Giải thích như vậy thật là nông cạn. Nếu như sinh ra đứa con phá gia chi tử, ông bà nội cảm thấy thà rằng không sinh còn hơn, vì có khi còn bị nó làm cho tức đến chết dở, sống dở. Cho nên ý nghĩa sâu xa của “Vô hậu vi đại” là không dạy dỗ tốt con cái, để nó làm mất mặt cha mẹ, Tổ tông. Đó mới thật là “vô hậu vi đại”. Cho nên, để cho cha mẹ có thể yên lòng với gia đình của chúng ta, chúng ta phải có trí tuệ, ăn ở hòa thuận với bà xã. Chỉ cần vợ chồng hòa thuận thì cũng có thể dạy tốt con cái.

Vợ chồng ăn ở với nhau như thế nào mới hòa thuận? Thời nay sự thật không cần phải tranh luận rằng tỷ lệ ly hôn rất cao. Tôi còn nhớ lần đầu ở Hải Khẩu, trong lúc cùng ngồi ăn cơm với bạn bè, tôi biết được bốn người đồng nghiệp nữ ngồi cùng bàn với tôi thì ba người đã ly hôn, còn một người. Người đồng nghiệp đó có con mới hơn một tuổi và cũng đang chuẩn bị ly hôn. Khi thấy tình cảnh như vậy thì chúng ta chân thật không nhẫn tâm nhìn đứa con chỉ vì cha mẹ ly dị mà tạo thành mối hận cả đời của nó. Cho nên tôi mới tìm cơ hội, muốn nói chuyện về cuộc sống chung giữa vợ và chồng, mong rằng có thể cứu vãn tình thế, làm thay đổi ý muốn ly hôn của cô ấy.

Rút cuộc vừa ăn cơm tôi vừa chuyển đề tài câu chuyện, tôi nói: “Vợ chồng sống với nhau chỉ cần tuân thủ một lời khuyên thì đảm bảo sẽ sống với nhau đến đầu bạc răng long”. Khi nói, chúng ta phải tự tin mà nói. Kết quả là người đồng nghiệp nữ này liền mở to mắt ra, tai vểnh lên lắng nghe lời tôi nói. Tôi nói: “Từ lúc kết hôn đến khi già, chỉ nên tìm thấy cái ưu điểm của người phối ngẫu, không nên tìm khuyết điểm của người phối ngẫu!”. Khi tôi vừa nói xong, người đồng nghiệp nữ này nhíu chặt lông mày lại. Các vị đã bao giờ nhìn thấy lông mày nhíu chặt chưa? Chặt đến nỗi có thể kẹp chết ruồi. Cô ấy nói một câu: “Thầy Thái à! Rất khó!”. Khó hay không khó? Hâm mộ người khác, hâm mộ chồng hay vợ thì khó đến vậy sao!

Có một lần tôi giảng ở Châu Hải, sau khi tôi nói xong câu: “Chỉ nên tìm ưu điểm của người phối ngẫu”, tôi vừa dứt lời thì có một người phụ nữ nói: “Thầy Thái à! Không có ưu điểm nào!”. Tôi liền nói với bà ấy: “Tôi thật sự khâm phục bà. Chồng bà không có một ưu điểm nào mà bà dám lấy ông ấy!”. Các vị thấy đó, con người thì rất chóng quên, toàn làm việc bằng cảm tính.

Tôi chỉ dẫn cho họ, tôi nói: “Các vị hãy trở về cái thời các vị còn đang yêu. Thời kỳ đang yêu các vị có bao giờ thấy người đang yêu say đắm lại nói rằng “tôi rất đau khổ” không? Có hay không? Không! Tại sao trong thời kỳ yêu đương say đắm lại có thể thấy trong mắt mình, người yêu là người đẹp nhất?”. Ý nghĩa của câu này chắc các vị hiểu rõ bởi vì lúc đó đều nhìn thấy ưu điểm của người yêu, cho nên lúc nào các vị cũng nghĩ mình có thể làm gì cho họ.

Khi xem báo thấy ở đâu có phim hay, ở đâu có triển lãm sách, hoặc có tiết mục gì đó, thế là ta lại có thể dẫn bạn gái cùng đi xem. Vào thời kỳ đó, trong thời gian đi làm thì ta hay nóng ruột xem đồng hồ: “Sao bây giờ mới có bốn rưỡi? Thời gian trôi qua sao lại chậm vậy? Năm giờ là ta có thể đi ăn cơm tối cùng bạn gái”. Cho nên vào thời kỳ đó chỉ có một ý nghĩ: “Ta có thể làm gì cho người yêu?”. Thái độ như vậy phù hợp với chữ “Tình Yêu” mà tôi đã nói. Dùng tấm lòng chân thành để cảm nhận nhu cầu của người yêu. Khi người yêu đối xử với các vị như vậy, trong lòng các vị đương nhiên là rất vui mừng. Tốt rồi! Đây là thời kỳ yêu đương say đắm: “Ta phải làm gì cho người yêu?”.

Đến khi kết hôn rồi, khi giấy đăng ký kết hôn được đóng dấu thì sự suy nghĩ của ta đã thay đổi. Từ ý nghĩ “Ta phải làm gì cho người yêu?” ban đầu, sau khi giấy đăng ký kết hôn được đóng dấu đã biến thành: “Họ phải làm gì cho ta?”. Và thế là ta yêu cầu đủ thứ. Cho nên sau khi kết hôn, áp lực ngày càng tăng, sống với nhau lâu dài thì sẽ phát sinh cọ sát, dần dần không biết cảm ơn sự hy sinh của người phối ngẫu, không biết khoan dung, rộng lượng với nhau. Cho nên, chỉ cần suy nghĩ sai đi thì ta sẽ từ thiên đường đến địa ngục. Cho nên từ thiên đường đến địa ngục không phức tạp chút nào, chỉ trong một ý niệm.

Có một người có duyên gặp được tiểu Thiên Thần. Tiểu Thiên Thần nói với anh ấy: “Tôi sẽ đưa anh đi xem thiên đường và địa ngục. Anh xem thiên đường trước hay địa ngục trước?”. Vị bạn hữu này nói: “Tôi xem địa ngục trước”. Cuối cùng khi đến địa ngục thì anh ấy thấy có một dãy bàn dài, rộng khoảng hơn một mét. Hai bên ngồi đầy hai hàng người đối diện với nhau, giữa bàn có rất nhiều thức ăn. Sau một tiếng hô: “Ăn cơm!”, bởi vì đũa ăn của họ dài một mét, cho nên khi có tiếng hô ăn cơm thì sự suy nghĩ của những người này chỉ nghĩ đến cái bụng đói của mình, gắp thức ăn liền đưa vào miệng mình. Nhưng kết quả là do đũa dài quá, đến nửa đường thì hai bên va chạm với nhau. Thức ăn rơi xuống và họ không gắp lên được. Rất tức giận, họ liền mắng đối phương. Họ càng mắng càng ác liệt, thức ăn rơi xuống càng đầy mặt đất. Họ đang sống ở đâu vậy? Ở địa ngục, đều là chỉ trích, trách mắng lẫn nhau.

Trong lòng người này cảm thấy khó chịu, nói: “Tôi không xem nữa đâu, tôi muốn xem thiên đường”. Thế là tiểu Thiên Thần dẫn anh ấy đến thiên đường. Anh ấy nhìn thấy vẫn là dãy bàn dài, đũa cũng dài như vậy, thức ăn cũng là những thức ăn như thế. Anh ấy bồn chồn khó hiểu lặng lẽ đứng xem. Kết quả khi có tiếng hô “Ăn cơm!” thì tất cả mọi người đều cầm đũa lên, thong thả không vội vàng, gắp thức ăn đưa vào miệng của người ngồi đối diện, giúp người đối diện gắp thức ăn. Có vị nhân duyên đặc biệt tốt, có đến ba người gắp hộ thức ăn. Vị ấy nói: “Từ từ thôi! Tôi sắp nghẹn đây này!”.

Các vị có thấy không, khi mỗi một người đều nghĩ cho người khác, miếng ăn đó sau khi ăn xong không những được no bụng mà tâm tình cũng được vui sướng. Cho nên câu chuyện này thể hiện thiên đường hay địa ngục cũng chỉ khác nhau ở một ý niệm mà thôi.

Có lần tôi đi về thôn quê ở Hải Khẩu để diễn giảng. Lần diễn giảng đó rất có ý nghĩa, khi đó còn phải đem phiên dịch theo. Bởi vì nơi đó toàn là dân Hải Nam, họ nói tiếng Hải Nam tôi nghe không hiểu. Cho nên trưởng thôn và người phó của ông cũng đến tham gia, quan phụ mẫu địa phương được như vậy thật là hiếm có. Trưởng thôn nghe tôi nói xong liền phiên dịch lại cho mọi người nghe. Cho nên khi tôi kể chuyện cười thì phải một lúc sau khi phiên dịch xong thì họ mới cười. Lần đó tôi cũng kể câu chuyện thiên đường và địa ngục này. Ngay tối hôm đó, bởi vì hơn bảy giờ tối còn có một buổi diễn giảng cho học sinh tiểu học trong thôn của họ. Tối hôm đó trưởng thôn và người phó của ông ăn cơm với chúng tôi. Rốt cuộc là trưởng thôn và phó trưởng thôn cứ gắp thức ăn vào bát của chúng tôi. Thầy Lý ngồi cạnh chúng tôi liền nói: “Chúng ta đã đến thiên đường rồi!”. Cho nên các vị coi khi chúng ta có thể học được cách đối nhân, xử thế như vậy, thì mọi người sẽ lập tức dùng để đối xử giữa người với người. Dùng trong cuộc sống, người và người xử sự với nhau như vậy thì sẽ rất vui sướng.

Tôi tin rằng bây giờ khi ăn cơm các vị sẽ cảm thấy rất vui, bởi vì có thể nghe thấy có vị bạn học nói: “Mời các vị dùng bữa!”. Khi người khác lịch sự lễ phép với chúng ta thì chúng ta sẽ rất vui sướng. Quý vị thân mến! Các vị chớ có xem thường những động tác này, bởi ngay một đứa bé từ nhỏ cũng đã biết lo lắng rằng hành vi của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác. Ví dụ nếu như hôm nay ăn cơm với bạn đồng nghiệp, các vị ăn no rồi không nói không rằng bỏ đi chỗ khác thì sẽ làm cho người có ấn tượng gì? Người bên cạnh sẽ nói: “Vừa rồi tôi có lỗi gì với cô ấy chăng?”. Người bạn đồng nghiệp khác lại nói: “Chắc hôm qua cãi nhau với bạn trai?”. Cho nên, lịch sự, lễ phép là khoảng cách tốt đẹp giữa người với người. Khi chúng ta đứng dậy mà còn có thể quan tâm đến người khác: “Các anh cứ dùng tự nhiên, tôi phải đi đây” thì con người sẽ sống hòa hợp với nhau. Cho nên từ những chi tiết nhỏ bé của cuộc sống cũng có thể giúp chúng ta biết cách đối xử lịch sự, lễ phép với người khác.

Tôi kể xong câu chuyện này chủ yếu nhất là muốn nói với các vị rằng thật ra vợ chồng sống với nhau quan trọng nhất là trạng thái tâm lý. Khi chúng ta thường xuyên biết hâm mộ ưu điểm của người phối ngẫu, người phối ngẫu sẽ cảm thấy mình càng ngày càng phải sống tốt hơn mới phải. Cho nên vấn đề vợ chồng chung sống với nhau, tuy tôi chưa kết hôn nhưng thường có yêu cầu tôi giảng về vấn đề chung sống giữa vợ chồng. Một người không nhất định phải trải qua mới có kinh nghiệm, chúng ta có thể học hỏi người khác.

Bởi vì tôi đã từng ở nhà cô giáo Dương nửa năm trời, thường xuyên nhìn thấy những bí quyết hai vợ chồng họ đối xử với nhau. Tôi còn nhớ, bất luận là cô giáo hay chồng của cô vừa về đến cửa là nhất định phải nói: “Anh (hoặc em) về rồi đây!”. Người ở trong nhà cho dù đang bận làm việc gì thì cũng nhất định bỏ dở công việc đang làm đi ra và nói: “Anh (hoặc em) đã về rồi à?”. Không nên xem thường những câu chào hỏi nhẹ nhàng này. Khi không còn những câu chào hỏi như vậy thì khoảng cách giữa người với người sẽ càng ngày càng xa. Có rất nhiều người, khi người nhà về đến nhà thì cái đầu của họ cúi gằm xuống, tiếp tục xem báo, không có một biểu hiện nào. Mặt trái của yêu thương không phải là thù hận mà là lạnh nhạt! Lạnh nhạt có tính sát thương còn lớn hơn cả thù hận. Các vị thù hận thì có lúc còn tức giận, mắng mỏ mấy câu, tình cảm còn có thể giao lưu, có đúng không? Nhưng nếu coi như không đối với sự hy sinh của người khác, sự lạnh nhạt đó sẽ làm cho người ta thất vọng, đau khổ.

Tôi nhớ trong một lần giảng bài, giảng cho các em nhỏ nghe, có một số phụ huynh cũng cùng ngồi nghe. Có một em nhỏ ngồi ở giữa, cha và mẹ của em ngồi hai bên. Khi đó tôi đang nói đến, một ý niệm thiện sẽ làm cho kết tinh của nước trở nên rất đẹp. Chúng ta nói với nó: “Tôi rất cảm ơn bạn! Tôi rất yêu bạn!” thì kết tinh nước sẽ rất đẹp. Nhưng nếu chúng ta nói: “Ta rất ghét mày! Ta căm thù mày!” thì kết tinh nước đó sẽ trở nên rất xấu xí. Sau đó chúng tôi lại lấy quả táo để làm thí nghiệm để một quả táo ở cửa trước và một quả táo ở cửa sau. Quả táo ở cửa trước được khen ngợi, quả táo ở cửa sau bị trách mắng. Chân lý phải dựa vào bản thân đi chứng thực. Kết quả một tuần sau, quả táo ở cửa trước thực sự vẫn nhẵn bóng, còn quả táo ở cửa sau đã có mấy vết nhăn. Cuối cùng có một vị bạn hữu nói: “Nào! Hãy lấy quả táo bị trách mắng này cho các vị ăn. Các vị có muốn ăn không?”. Ăn quả táo đó thì có khác nào đã nuốt hết những lời mắng mỏ đó vào bụng ư!

Còn có một thí nghiệm là lấy cơm làm thí nghiệm. Đặt ba bát cơm, một bát được khen ngợi: “Nhờ có bạn mà thân thể tôi mới có được dinh dưỡng”. Bát thứ hai thì bị trách mắng: “Sao mày lại khó ăn như vậy!”. Bát thứ ba để nguyên không động đến, không nói chuyện với nó. Kết quả sau một tuần lễ, bát cơm thứ nhất lên men, thơm tho. Bát thứ hai có mùi hôi, xám đen. Bát thứ ba cũng có mùi hôi, thậm chí còn hôi hơn bát thứ hai. Tại sao vậy? Lạnh nhạt, các vị đã không thèm quan tâm đến nó. Chiến tranh nóng ác liệt hay chiến tranh lạnh ác liệt hơn? Chiến tranh nóng sẽ không bị bệnh ung thư nhưng chiến tranh lạnh rất dễ bị ung thư, bởi nó rất khó chịu, rất khổ sở.

Khi tôi giảng tới đây, đứa nhỏ có cha mẹ ngồi hai bên, người chồng nhìn người vợ rồi đưa tay ra vỗ vỗ vào vai vợ, sau đó lại nhìn vợ. Tuy tôi không biết họ nói gì, nhưng từ ánh mắt họ, tôi hiểu rằng người chồng muốn nói: “Đấy em xem! Thầy giáo đang nói em đấy”. Tôi đứng trên bục giảng mà toát mồ hôi hột thay cho anh ấy. Tôi thấy người vợ quay đầu lại trừng mắt với anh ấy một cái. Tôi đứng đó nghĩ: “Anh chàng này thật là thiếu nhạy cảm, thiếu thông minh. Anh ấy không hiểu được tại sao vợ lại chiến tranh lạnh với anh ấy”. Thật ra phụ nữ làm gì mà khó chung sống đến vậy. Tôi nghĩ chắc vợ anh ấy hy sinh cho anh ấy rất nhiều nhưng anh ấy không thèm nói một lời khen ngợi. Cho nên người vợ này thường xuyên buồn bực, buồn bực càng lâu thì càng trở nên nghiêm trọng.

Cho nên làm nam giới cần ghi nhớ một câu gọi là: “Một lời nói ngon ngọt thì có làm thân trâu, thân ngựa cũng cam lòng”. Phải thường xuyên khen ngợi vợ! Hôm nay ăn cơm khi ăn thì nhất định các vị phải khen: “Món này em nấu ăn ngon quá! Sao cơm em nấu thơm thế!…”. Lúc đó có khi bà xã của các vị sẽ nói: “Em lại nấu cho anh ăn nhé!”. Còn nếu như các vị ăn cơm, ăn gần đến khi no rồi mới buông ra một câu: “Sao lại khó ăn thế!”. Bà xã của các vị có thể sẽ đình công ba hôm. Cho nên phải thường xuyên khen ngợi người phối ngẫu.

Có một lần chồng cô giáo về đến cửa, cô giáo Dương chạy lại nói: “Anh về rồi à!”. Sau đó thấy chồng xách rất nhiều thứ, thế là cô lập tức chạy lại giúp anh ấy xách đồ và nói với anh ấy rằng: “Đến thì cứ đến, còn phải khách sáo như vậy, còn phải mang nhiều đồ như vậy”. Cho nên tôi nói, vợ chồng chung sống với nhau, người nhà chung sống với nhau còn phải thêm tính hài hước. Và người vợ còn phải ghi nhớ, cho dù chồng mua thứ gì về nhà cũng không được chê bai. Không chừng anh ấy phải chọn mất cả ngày mới mua được mấy cái ly đẹp. Đã không xách hộ thì thôi, nếu người vợ lại còn nói: “Sao anh lại mua một đống những thứ vô dụng này làm gì!” thì anh ấy sẽ thấy lòng nhiệt tình của mình bị dội một gáo nước lạnh.

Chồng cô giáo Dương rất khéo tay, biết nấu cơm lại biết pha trà. Tôi quan sát thấy, có khi cũng do cô giáo khen ngợi mà ra. Khi uống trà xong cô thường nói: “Sao lại có người pha trà thơm như vậy!. Có lúc chồng gọt hoa quả, cắt cam, ăn xong cô lại nói: “Miếng cam này cắt sao khéo thế! Ăn ngọt quá!”. Các vị thường xuyên hâm mộ phối ngẫu thì người phối ngẫu càng ngày càng cảm thấy mình có giá trị, càng ngày càng biết cách giúp đỡ các vị nhiều hơn.

Hôm nay chồng các vị hứng chí muốn giúp các vị rửa chén bát. Các vị đi đến và nhìn thấy: “Sao có mấy cái chén mà rửa mãi vẫn không sạch vậy!”. Lúc đó các vị phải kìm nén sự không vui lại. Ví dụ rửa năm, sáu cái chén nhưng cũng có một vài cái rửa rất sạch, các vị cầm cái chén sạch lên và nói: “Anh xem này! Cái này anh rửa rất sạch, lần đầu tiên rửa chén em cũng không rửa sạch được như vậy”. Các vị hãy thử xem lần sau anh ấy có rửa chén giúp các vị nữa không? Anh ấy nhất định sẽ tiếp tục rửa chén giúp các vị, bởi anh ấy được khen ngợi mà. Cho nên cần bao dung hơn nữa, cần khen ngợi hơn nữa thì quan hệ vợ chồng sẽ trở nên rất tốt đẹp.

Người với người sống chung với nhau, chỉ cần các vị duy trì một phương pháp gọi là: “Tứ Nhiếp Pháp” thì nhất định có thể sống với người khác một cách hòa thuận. Đây là phương pháp dùng cho quan hệ giữa con người với con người.

Điều thứ nhất: “Bố thí”

Từ ngữ hiện đại gọi là thường xuyên mời khách, tặng quà cho người khác. Vợ chồng với nhau, nếu có thể thường xuyên tặng cho nhau những món quà nho nhỏ, trong lòng bà xã sẽ cảm nhận được rằng chồng mình dù đi đâu cũng nghĩ đến mình. Cho nên khi đi công tác, các vị tuyệt đối không được quên mua quà cho bà xã. Các vị không cần thiết khi mua thì phải mua châu báu hột soàn. Như vậy các vị nhất định chịu không nổi. Lễ mọn nhưng tình nghĩa nặng. Đến ngày sinh nhật của bà xã, hoặc là ngày kỷ niệm kết hôn thì dẫn bà xã đi ăn tiệm: “Hàng ngày em phải nấu ăn rất vất vả rồi, nhân ngày đặc biệt này chúng ta hãy đi tiệm ăn!”. Tấm lòng này của các vị sẽ làm cho bà xã cảm thấy sự hy sinh của họ là xứng đáng.

Điều thứ hai: “Ái ngữ”

Như vừa rồi tôi đã nói, đó là thường xuyên khen ngợi phối ngẫu, thường nói lời an ủi phối ngẫu. Đương nhiên lời nói “ái ngữ” này không hẳn chỉ toàn những lời lẽ bùi tai, vì yêu thương là thật tâm quan tâm phối ngẫu. Các vị là những người làm vợ thì phải có thể giúp chồng dạy con, và đối với sự sai sót của chồng chúng ta cũng phải khuyên nhủ. Nhưng khuyên nhủ cũng cần chú ý đến thái độ, chú ý đến phương pháp. Phải dùng thái độ nào? Đệ Tử Quy có đưa ra phương pháp dạy. Cho nên “Đệ Tử Quy” có thể giải quyết được vấn đề của vợ chồng.

Các vị xem: “Thiện tương khuyến, đức giai kiến. Kiến nhân thiện, tức tư tề” (Cùng khuyên thiện, cùng lập đức. Thấy người tốt, nên sửa mình), các vị luôn xem trọng ưu điểm của người phối ngẫu thì họ sẽ rất vui sướng. Hơn nữa “ân dục báo, oán dục vong” (ân phải báo, oán phải quên), các vị thường xuyên nghĩ đến sự vất vả của vợ, sự vất vả của chồng, thế thì cái quan hệ vợ chồng sẽ rất tốt đẹp. Răng có khi còn cắn vào lưỡi huống chi là vợ chồng. Làm sao mà tránh khỏi xô xát! Nhưng các vị không để ở trong lòng thì đó gọi là: “Oán dục vong” (oán phải quên). Cho nên, chúng ta không nên xem thường “Đệ Tử Quy”. Nó có thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của các vị. Cho nên “ái ngữ” cũng bao hàm phải khuyên nhủ người phối ngẫu.

Điều thứ ba: “Lợi hành”

Bởi vì con người thường có tính hay quên, các vị thường xuyên phải nhớ giúp người phối ngẫu những việc quan trọng. Họ sẽ đột nhiên có cảm giác: “May mà có chồng (hay vợ) nhớ giúp mình, không thì có thể đến lúc đó mình phải lãng phí biết bao thời gian và tiền bạc”. Các vị thường xuyên phải nghĩ đến sự tiện lợi, ích lợi cho người phối ngẫu. Ví dụ hôm nay chồng đi làm về muộn, các vị phải bày tỏ tấm lòng bằng cách bật điện hành lang lên để khi chồng về không cảm thấy nhà cửa tối đen, sau đó viết giấy để trên bàn: “Em đã nấu mỳ cho anh. Anh vất vả rồi, ăn xong đi ngủ nhé!”. Đây gọi là “lợi hành”, để cho chồng cảm thấy dù anh ấy làm việc vất vả đến mấy cũng có một người luôn đồng hành với anh.

Điều thứ tư: “Đồng sự”

Vợ chồng có cùng một sự nghiệp, đó là gia nghiệp: quản lý tốt gia đình, nuôi nấng, dạy dỗ con cái cho thật tốt. Cho nên vợ chồng phải thường xuyên trao đổi về cách giáo dục con cái. Thật ra vấn đề này là vấn đề mà có rất nhiều phụ huynh cảm thấy cần có sự đột phá. Chúng ta sẽ nói đến quan niệm chính xác về vấn đề này sau, quan trọng là thái độ cũng không thể quá cố chấp. Các vị không nên vừa về đến nhà thì liền nói với chồng: “Từ hôm nay trở đi việc dạy con cái anh phải nghe em”. Có nên như thế không? Không thể! Các vị không thể nói rằng: “Em đã nghe thầy Thái giảng, sau này anh phải nghe em”. Nếu các vị xử sự như vậy thì từ buổi sau có lẽ tôi sẽ không dám đến nữa. Bởi rất có thể tôi đang đi trên đường thì có người tìm đến tôi và hỏi: “Ông có phải là thầy Thái không?”. Tôi nhất định sẽ nói: “Không phải tôi!” bởi anh ta sát khí đằng đằng mà chạy lại. Cho nên “đồng sự” là cùng nhau xây dựng quan niệm chính xác. Các vị có thể thông qua câu chuyện cô giáo Dương dạy con, hoặc cách dạy con trong “Đệ Tử Quy”, hoặc bài “Dạy con” mà tôi đã giảng để từ từ có chung quan điểm.

HẾT TẬP 9. XIN XEM TIẾP TẬP 10!