Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 8/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 8/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Hôm nay mọi người đã đọc một lượt “Đệ Tử Quy” chưa? Đọc rồi à! “Hiếu học cận hồ trí” , chỉ cần mọi người duy trì được lòng hiếu học này thì đạo đức và học vấn nhất định sẽ được thành tựu. Socrates là nhà triết học phương Tây. Bài học đầu tiên ông giảng cho học sinh, ông nói với học sinh rằng: “Hôm nay thầy chỉ dạy một động tác rất đơn giản, tức là để tay ra đằng trước, rồi đưa về phía sau, cứ làm như vậy ba trăm lần”. Sau khi làm mẫu xong, ông nói với học sinh hàng ngày đều phải làm một lần. Học sinh cảm thấy việc đó quá đơn giản. Một tháng sau, ông liền hỏi: “Hiện nay ai vẫn còn làm động tác đó thì giơ tay?”. Có khoảng chín mươi phần trăm giơ tay, qua hai tháng sau lại hỏi thì chỉ còn ba mươi phần trăm. Một năm sau hỏi đến thì chỉ còn có một người vẫn duy trì làm động tác đó. Người đó là ai vậy? Là Plato, là nhà triết học quan trọng thứ hai truyền thừa từ Socrates.

Thực ra để cầu học vấn từ bài học của Socrates, chúng ta biết được rằng: Quan trọng nhất là phải kiên trì. Nếu hàng ngày chúng ta có thể chia Kinh điển Thánh Hiền ra thành từng phần nhỏ để thâm nhập nghiên cứu, giống như giọt nước có thể mài mòn đá thì nhất định sẽ có thành tựu. Chúng ta luôn phải có thái độ làm việc như vậy. Ví dụ như hàng ngày bạn có thể học thuộc lòng năm câu hoặc ba câu trong “Luận Ngữ”, như vậy một năm bạn có thể thuộc lòng cả quyển “Luận Ngữ” rồi. Cho nên chúng ta phải có thái độ kiên trì học tập như vậy.

Tôi thường hay giao lưu với những giáo viên đã học xong khoá học. Tôi hay hỏi họ rằng: “Thái độ học tập trong năm ngày này so với cả cuộc đời thì có khi nào còn chăm chỉ hơn năm ngày này không?”. Họ đều nói: “Không”. Họ đều cảm thấy trong cả cuộc đời họ, năm ngày này là thời gian họ chuyên tâm nhất. Tôi nói: “Đây là một sự khởi đầu, nhưng tuyệt đối không phải là kết thúc. Chúng ta phải duy trì thái độ học tập như vậy”. Có một chủ nhiệm giáo vụ sau khi nghe xong khóa giảng năm ngày của tôi thì mời tôi đến trường của ông để thuyết giảng. Ông nói, trong năm ngày này ông ghi chép còn nhiều hơn trong suốt bốn năm học đại học. Cho nên, tiềm năng học tập của con người thì chân thật là vô hạn. Nhưng tại sao thái độ học tập của họ trong năm ngày lại tốt như vậy? Bởi do họ cảm nhận được rằng tri thức về Thánh Hiền thì chân thật rất có lợi cho học sinh của họ, đã gắn cho họ cái sứ mệnh này. Cho nên chí hướng của con người cần phải có tiềm lực đi khai thông. Ngoài duy trì ra chúng ta còn phải ra sức đi thực hành.

Chúng ta đã học đến: “Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn. Phụ mẫu mệnh, hành vật lãn. Phụ mẫu giáo, tu kính thính. Phụ mẫu trách, tu thuận thừa” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng. Cha mẹ dạy, phải kính nghe. Cha mẹ trách, phải thừa nhận). Điều quan trọng nhất của cả đoạn Kinh văn này là phải có tấm lòng cung kính để đối xử với cha mẹ, bất kể là một lời nói hay một hành động. Đồng thời, lòng cung kính không chỉ riêng đối với cha mẹ, mà đối với những người xung quanh, ta cũng không mất đi sự cung kính. “Phụ mẫu hô”, tức là cha mẹ gọi mình, chúng ta phải lập tức chạy lại ngay. Đồng thời khi nói chuyện với cha mẹ, chúng ta cũng cần phải “Di ngô sắc, nhu ngô thanh(mặt ta vui, lời ta dịu).

Có những lúc biểu hiện của ta đang đối lập với cha mẹ, lời nói tuy không to tiếng nhưng trong lòng lại có cảm giác khó chịu. Khi đó chúng ta phải thường xuyên có thể quán chiếu lòng mình rằng lúc mà cảm thấy khó chịu thì ngay lập tức chúng ta phải sửa đổi ngay. Cho nên nơi căn bản để bắt tay vào rèn luyện đạo đức, học vấn chính là thường xuyên quán chiếu cho tốt tấm lòng mình. Khi có ý nghĩ không tốt phải lập tức sửa đổi ngay, thì lời nói, hành động của chúng ta sẽ không sai lệch mấy.

Có một lần tôi đi gặp một người bạn, đúng vào lúc anh phải đối diện với sự chọn lựa của đời người. Đó là anh chuyển từ đại học tư thục sang đại học công lập. Anh đang báo cáo với cha anh về sự lựa chọn của mình, và hy vọng cha sẽ ủng hộ anh về việc này. Vừa lúc tôi đến, anh đang trình bày được một nửa. Khi tôi vào nhà anh liền nói: “Mời anh ngồi! Tôi phải nói cho xong câu chuyện với cha tôi đã”. Lúc đó tôi đã ngồi xuống bên cạnh và thấy anh cung kính báo cáo tình hình công việc hiện tại của anh. Lời nói rủ rỉ như vậy, thái độ kính cẩn như vậy làm tôi có một ấn tượng sâu sắc. Tôi tin rằng con cái anh sau này cũng được hun đúc trong hoàn cảnh gia đình như thế này, và sau này cũng sẽ trở thành những người quân tử đứng đắn, đàng hoàng. Chúng ta hãy hồi tưởng lại: Khi chúng ta còn trẻ và phải quyết định cho cuộc đời mình thì chúng ta có hỏi qua ý kiến của cha mẹ không? Có nói rõ cho cha mẹ biết tình trạng của mình để cha mẹ khỏi phải lo lắng không? Nếu như trong lòng cha mẹ thường xuyên không biết con cái mình đang làm gì thì không biết cha mẹ phải lo lắng biết bao! Cho nên, khi một người thật sự hiếu kính với cha mẹ thì nhất định sẽ cảm động những người xung quanh.

Ở nhà, ngoài việc tôn kính cha mẹ ra, trên thực tế khi vợ gọi, bà xã gọi thì chúng ta cũng phải “ứng vật hoãn” (trả lời ngay). Khi vợ chồng nói chuyện với nhau mà hết mực tôn trọng, tôn kính nhau nh­ư khách thì đã là tấm g­ương tốt nhất cho con cái học tập. Thời nay khi vợ chồng nói chuyện với nhau có chú ý đến điểm này không? Người mà ta càng thân quen thì ta lại càng tùy tiện. Người càng thân lẽ ra ta phải càng tôn trọng mới đúng. Cho nên “lễ bất khả thất”, dù thân quen đến mấy thì bao giờ cũng vẫn phải lịch sự, lễ phép.

Có một đứa bé nghe mẹ nói chuyện qua điện thoại, khi mẹ nói xong vừa bỏ ống nghe xuống đứa bé liền hỏi mẹ: “Mẹ à! Có phải mẹ vừa nói chuyện với ba không?”. Các vị thấy không? Con cô ấy chỉ nghe giọng điệu của mẹ khi nói chuyện thì liền biết được là mẹ đang nói chuyện với cha nó. Tại sao ư? Khi mẹ nói chuyện với cha đã nói với giọng điệu như­ thế nào? Tốt hay không? Cho nên ngư­ời mẹ này nghe con nói vậy thì trong lòng không khỏi giật mình. Các vị xem thái độ của chúng ta đối xử với chồng, trẻ nhỏ cũng có thể nhận thấy. Cho nên chúng ta cần phải điều chỉnh lại.

Có lúc chuông điện thoại di động reo và màn hình hiển thị là chồng gọi, bạn liền nhấc máy lên: “A lô! Sao thế?”. Các vị xem, giọng điệu như­ vậy, con cái nghe thì biết liền là cha gọi điện về. Cho nên người mẹ này liền sửa đổi ngay, vừa vặn hôm đó chồng cô ấy gọi điện, cô rất lễ phép nói: “A lô! Chào anh!”. Người chồng nói: “Xin lỗi! Tôi nhầm máy” rồi cúp điện thoại. Sau đó anh ấy lại gọi lại và hỏi: “Có phải em không?”. Khi thái độ của chúng ta sửa đổi tốt lên thì gia đình cũng theo đó mà thay đổi tốt lên. Bởi vậy không thể xem thư­ờng thái độ, lời nói.

Có một lần Tết đến, mấy vị giáo viên có mang bốn m­ươi tập “Hạnh Phúc Nhân Sinh” mà tôi giảng ở Hồng Kông về quê cho học sinh của họ xem. Trong đó có một vị, khi anh ấy về đến Ninh Ba thì tìm cô bạn học của anh. Chồng cô bạn học của anh không về nhà vì công ty có việc bận nên vào đêm ba mư­ơi Tết đã quên không gọi điện về nhà. Người chồng lại sợ bị vợ mắng cho nên kéo dài thời gian thêm hai ngày, đến mùng hai Tết muốn gọi điện nhưng lại nghĩ nhất định sẽ bị mắng, thế là lại thôi. Mãi đến hôm mùng năm Tết chồng cô mới gọi điện về. Vừa đúng lúc cô đang xem đ­ược một nửa bộ “Hạnh Phúc Nhân Sinh” thì chồng gọi về. Khi nhận điện thoại, chồng cô ấy có vẻ sợ hãi vì nghĩ rằng thế nào cũng bị vợ mắng, cho nên vội nói với cô: “Cho anh xin lỗi vì bây giờ mới gọi điện về”. Người vợ liền đáp: “Thật vất vả cho anh, ngay cả Tết cũng không được về nhà. Cả nhà rất biết ơn vì anh đã phải làm việc vất vả”. Người chồng nghe xong cảm thấy là lạ liền cúp máy, không lâu sau anh ấy lại gọi lại rồi nói: “Em cứ mắng anh mấy câu trong lòng anh còn cảm thấy nhẹ nhõm hơn”. Cho nên vợ chồng đối xử với nhau ảnh h­ưởng trực tiếp đến không khí của gia đình. Nếu như­ quan hệ vợ chồng không tốt thì nhất định là bắt đầu từ thái độ, lời nói.

Chữ “thuận” trong “tu thuận thừa(phải thừa nhận) ở đây có phải chúng ta phải hiểu như thế này: Tất cả những sự trách phạt, yêu cầu của người cha, chúng ta đều phải nghe theo và làm theo. Bởi trong mấy mươi năm nay, có rất nhiều người hiểu lầm văn hóa mà Thánh Hiền để lại. Họ cảm thấy rằng: “Nhà Nho chúng ta lúc nào cũng nói hiếu thuận, hiếu thuận, đó là cái gì cũng phải thuận theo, và đó là hiếu thuận một cách ngu xuẩn”. Nói vậy có đúng không? Thực ra người nói như vậy, có thể anh ấy chưa từng đọc từ đầu đến cuối cả quyển “Kinh thư”. Thánh Hiền tuyệt đối không bao giờ dạy như vậy. “Thuận” có hai tình huống. Khi cha mẹ trách ta là đúng thì chúng ta phải ghi nhớ và thực hiện, lúc này phải thuận theo. Nhưng khi cha mẹ trách mắng hoặc yêu cầu không đúng sự thật, thì chúng ta cũng không nên cãi lại ngay, mà phải biết thuận theo tình thế. Nếu như ta lập tức cãi lại sẽ chỉ làm cho sự xung đột giữa cha con càng thêm lớn. Cho nên phải lùi một bước rồi tính tiếp, đợi khi có cơ hội thuận tiện chúng ta sẽ nói chuyện tiếp với cha mẹ.

Cho nên câu sau của “Đệ Tử Quy” có nói: “Thân hữu quá, gián sứ cánh. Di ngô sắc, nhu ngô thanh” (Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu). Tức là khi cha mẹ có lỗi lầm thì phải can gián để cha mẹ sửa đổi, nhưng ta phải dùng sắc mặt vui vẻ, lời nói nhẹ nhàng để can gián. Chữ “thuận” trong hiếu thuận tuyệt đối không phải tất cả những yêu cầu của cha mẹ chúng ta đều phải thực hiện, mà phải biết phân biệt đúng sai, phải dùng lý trí để hiếu thuận. Cha mẹ có sai sót mà chúng ta không can gián, khuyên giải, đó là đã để cho cha mẹ rơi vào tình trạng bất nghĩa. Đó không phải là thái độ của người làm con.

Ngoài việc phải kính trọng, nghe lời cha mẹ ra, chúng ta còn phải biết nghe lời thầy giáo. Một người có thể nào có được đạo đức tốt, học vấn cao mà không có sự dạy dỗ của một thầy giáo tốt? Và còn có một nhân tố rất quan trọng nữa là thái độ học tập của mình. Cho nên phải có lòng thành, lòng cung kính đối với thầy giáo, tuyệt đối không nên có thái độ “bằng mặt, không bằng lòng”. Học vấn có thể có được thành tựu to lớn hay không chính là từ lòng không ngừng cung kính mà ra: “Một phần thành kính đạt được một phần lợi ích, mười phần thành kính đạt được mười phần lợi ích”. Bởi mỗi một việc mà thầy giáo giao phó, ủy thác rất có thể chúng ta vẫn chưa hiểu hết được hoàn toàn.

Học vấn giống như tòa nhà hai mươi tầng, thầy giáo ở tầng thứ mười mấy mà chúng ta chỉ ở tầng thứ hai, thứ ba. Những cảnh vật ở tầng mười mấy chỉ có thấy giáo mới có thể nhìn thấy. Chúng ta có thể nhìn thấy không? Không nhìn thấy. Những điều mà thầy giáo chỉ dạy đều là những mục tiêu xa hơn. Nhưng ta lại nói: “Thưa thầy! Em không nhìn thấy, em không cảm nhận được tại sao phải làm như vậy”. Lúc này mà chúng ta không thực hiện một cách trung thực thì không nhận được lợi ích.

Tại sao người thời nay rất khó thành tựu trong học vấn? Đều mắc phải một lỗi rất nghiêm trọng, đó là chúng ta thường dùng “cái dạ của tiểu nhân để đo lòng của người quân tử”, hiểu đạo lý trong “Luận Ngữ” theo cách suy nghĩ của mình. Chúng ta kéo cái cảnh giới cao hai mươi tầng của Khổng Phu Tử xuống thấp bao nhiêu tầng vậy? Kéo xuống tầng thứ hai, tầng thứ ba. Thậm chí có lúc chúng ta còn cảm thấy lời nói của Khổng Phu Tử không đúng. Cho nên khi bắt đầu theo thầy học tập, tuyệt đối không được phê phán, mà phải thực hành một cách trung thực. Khi thực hành một cách trung thực thì ta sẽ cảm nhận được một phần. Và khi cảnh giới của ta đã cao hơn thì ta sẽ từ từ hiểu được những lời dạy của thầy là chân thật không hề giả dối chút nào. Cho nên, thầy giáo dạy, chúng ta cũng phải cung kính lắng nghe.

Thêm nữa, cấp trên dạy bảo, chúng ta cũng phải cung kính lắng nghe. Học vấn, sự nghiệp của một người có được thành tựu hay không đều do lòng cung kính, khiêm nhường mà có được. Cho nên làm người phải biết co, biết duỗi. Chúng ta cũng phải biết dạy con cái biết cung kính, biết khiêm nhường, biết được học hỏi ở mọi nơi, mọi lúc. Khi gặp phải hoàn cảnh mới lạ, đầu tiên không được trách móc hay oán thán! Phải nhìn nhiều, nghe nhiều và học nhiều! Cấp trên dạy làm sao, chúng ta cứ thực hiện như vậy. Đợi đến khi có thêm nhiều học vấn, hiểu sâu sắc thêm về công ty thì lúc đó chúng ta mới có kiến nghị hợp lý đưa lên cấp trên. Làm như vậy thì mới thích hợp.

  1. ĐÔNG TẮC ÔN, HẠ TẮC SẢNH. THẦN TẮC TỈNH, HÔN TẮC ĐỊNH. XUẤT TẤT CÁO, PHẢN TẤT DIỆN. CƯ HỮU THƯỜNG, NGHIỆP VÔ BIẾN.

Đông phải ấm, hạ phải mát

Sáng phải thăm, tối phải viếng.

Đi phải thưa, về phải trình

Ở ổn định, nghề không đổi.

 

2.1. Đông tắc ôn, hạ tắc sảnh (Đông phải ấm, hạ phải mát)

Đây là một điển cố, là nói vào thời Đông Hán có một đứa bé chín tuổi tên là Hoàng Hương. Do mẹ mất sớm nên đứa bé và cha sống dựa vào nhau. Sức khỏe của người cha không được tốt. Cho nên vào mùa đông đứa bé sợ cha lạnh, trước khi đi ngủ đứa bé nằm trong chăn để ủ ấm chăn chiếu sau đó mới mời cha lên giường ngủ. Mùa hè thời tiết nóng nực, đứa bé dùng quạt để quạt giường chiếu cho mát rồi mới mời cha lên giường ngủ. Từ câu chuyện này chúng ta có thể thấy lúc nào Hoàng Hương cũng quan sát để biết những cái cha mẹ cần. Tin rằng Hoàng Hương không chỉ làm có mỗi việc ủ ấm chăn khi mùa đông và quạt mát khi mùa hè. Khi đứa bé có lòng quan tâm đến cha mẹ như vậy, thì tôi tin rằng cả quá trình sinh hoạt ngủ nghỉ của cha mẹ, đứa bé cũng sẽ dốc lòng chăm sóc.

Đứa bé mới chín tuổi mà đã có lòng tận hiếu như vậy, quan địa phương biết được thì rất là cảm động. Khi Hoàng Hương đến tuổi có thể làm quan, quan địa phương liền tiến cử anh làm Hiếu Liêm. Sau này làm quan, Hoàng Hương làm đến chức Thượng Thư. Cho nên người chân thật có lòng hiếu thì đồng thời cũng có thể tận trung với quốc gia, tận trung với nhân dân. “Trung thần xuất ư hiếu tử chi môn” quả thật là không sai. Bởi vì tấm lòng của người con hiếu thảo thì nhất định có thể mở rộng ra để đi yêu thương cha mẹ của tất cả mọi người, yêu thương con cái của tất cả mọi người. Lúc đó Hoàng Thượng ban cho Hoàng Hương một lời khen rất hay là: “Giang Hạ Hoàng Hương, Thiên Hạ Vô Song”. Câu chuyện Hoàng Hương đã lưu truyền thiên cổ. Tin rằng khi Hoàng Thượng làm việc này thì đã có ảnh hưởng đến nhân dân. Ông đã dẫn dắt nhân dân học theo tấm gương Hoàng Hương. Cho nên một lời nói, một hành động của người lãnh đạo sẽ kéo theo nếp sống của cả nước.

Như chúng ta là phụ huynh, là thầy giáo, sở thích của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến con em chúng ta, ảnh hưởng đến học sinh của chúng ta. Cho nên, làm cha mẹ mà chú trọng đức hạnh thì con cái sẽ chú trọng đức hạnh. Làm thầy giáo mà chú trọng đức hạnh thì con trẻ cũng sẽ noi theo.

Từ câu chuyện Hoàng Hương, chúng ta không chỉ biết học: “đông ôn, hạ sảnh” (đông ấm, hạ mát), quan trọng hơn là phải hiểu được dụng tâm của Hoàng Hương. Dụng tâm mới là bản chất của ông. “Đông ôn hạ sảnh(đông ấm, hạ mát) chỉ là hành vi, là hình thức của ông mà thôi. Bản chất tuyệt đối không thể vì thời đại mà thay đổi, hình thức thì có thể thay đổi. Bởi vì phương thức sinh hoạt của người và người có thể vì thời đại mà thay đổi.

Ví dụ như ngày xưa khi gặp vua chúa, mọi người phải hành lễ quỳ ba lần, lạy chín lần. Bản chất của việc hành lễ là lòng cung kính. Bởi vì người lãnh đạo quốc gia một ngày có tới hàng trăm việc, lúc nào cũng lo nghĩ cho dân. Chúng ta cung kính sự cống hiến đối với nhân dân của người lãnh đạo, cho nên chúng ta hành lễ với họ. Trước đây phải lễ tam quỳ, cửu khấu, nhưng vào thời nay nếu như gặp Bí thư, Tổng thống ở sân bay, ta lập tức hành lễ tam quỳ, cửu khấu. Hành lễ như vậy có được không? Người lãnh đạo quốc gia sẽ nói: “Ai dạy như thế? Sao lại dạy như thế này?”. Đó là không phù hợp với thời đại. Nhưng bản chất thì không thay đổi. Có rất nhiều người nói, thời đại thay đổi thì mọi cái đều phải thay đổi! Đó chỉ là hình thức thay đổi còn bản chất thì không hề thay đổi.

Chúng ta lấy ví dụ văn hóa Thánh Hiền là một cây cổ thụ 5000 năm. Mọi căn nguyên bản chất giống như thân cây. Cái cây này đứng vững đã bốn, năm nghìn năm không đổ, nhưng hàng năm nó đều mọc cành mới, lá mới. Cành mới, lá mới này đều dựa vào ánh nắng của năm đó, dựa vào không khí, nước của năm đó mới có thể mọc thành cành, thành lá. Cho nên những cành này, lá này nhất định thích hợp với khí hậu của năm đó. Chúng ta học tập bất kỳ Kinh văn nào cũng phải nắm lấy bản chất của nó mà học thì chúng ta mới học được cách nắm được cương lĩnh.

Cho nên, từ “đông ôn, hạ sảnh” (đông ấm, hạ mát), chúng ta nhận thức được rằng một đứa bé cũng có thể thường xuyên biết được những cái cha mẹ chúng cần. Vậy phương diện nào cha mẹ cần chúng ta phải thường xuyên quan tâm? Đó là sức khỏe. Chúng ta quy nạp nó như sau: “Dưỡng phụ mẫu chi thân, dưỡng phụ mẫu chi tâm, dưỡng phụ mẫu chi chí”. Chữ “chí” ở đây có thể hiểu là tâm nguyện.

“Dưỡng phụ mẫu chi thân”

Dưỡng phụ mẫu chi thân” là tất cả sinh hoạt cuộc sống như ăn, uống, y phục, nơi ở của cha mẹ đều phải quan tâm. Nếu như chúng ta ở cùng cha mẹ, hoặc ở rất gần, về phương diện ăn uống, chúng ta có thể khi về thì mang theo hoa quả, rau cỏ về nhà. Khi tôi còn nhỏ thường thấy mẹ cứ khoảng hai, ba tuần lại về nhà ông bà ngoại. Vì tôi là đứa hay bám đuôi cho nên mỗi lần đều theo mẹ về. Thứ nhất là tôi có thể học được lòng hiếu của mẹ. Thứ hai là khi về ông bà ngoại rất vui mừng, thường lấy rất nhiều đồ ra cho tôi ăn. Tôi cứ uống hết một lon nước, ông ngoại lại lấy ra một lon khác. Có lúc uống liền một lúc hai, ba lon. Trong quá trình ăn uống này tôi cũng có thể cảm nhận được sự yêu thương của ông bà đối với tôi. Thực ra, để trẻ em thường xuyên tiếp xúc với ông bà nội, ngoại thì chúng sẽ cảm nhận được niềm vui gia đình. Đây cũng là việc rất quan trọng. Thường xuyên về nhà thì có thể từ thực phẩm trong nhà mà biết được có khi là gạo sắp hết, dầu sắp hết, chúng ta đều chủ động giúp cha mẹ đi mua. Cha mẹ nhất định sẽ cảm thấy rất hài lòng.

Ngoài ra, khi già cả thì cha mẹ hay lo sợ không còn sức khỏe. Cho nên chúng ta cũng phải thường xuyên trao đổi những quan niệm về sức khỏe với cha mẹ. Bởi có tri thức về sức khỏe thì chúng ta mới đưa ra được sự chọn lựa và quyết định đúng đắn. Chúng ta khi gặp mặt, người ta thường nói với người già khi gặp mặt là ăn ít đi một chút mới không bị cao huyết áp, không bị ung thư. Bởi người già ăn càng thanh đạm thì cái gánh nặng của thân thể càng ít đi. Nhưng chúng ta cũng phải trao đổi với cha mẹ, từ từ khuyên cha mẹ, ăn thanh đạm mới tốt. Bởi vì đời trước đời của chúng ta đói nghèo quá rồi, cho nên họ cảm thấy không ăn thịt, ăn cá sẽ không đủ dinh dưỡng. Thậm chí hiện nay còn đề xướng ăn gạo lứt, gạo chưa xay kỹ mới có nhiều dinh dưỡng. Đó toàn là chất dinh dưỡng, còn gạo trắng chỉ toàn là bột đường. Nhưng nếu như chúng ta đem gạo lứt, thậm chí là khoai lang (những thứ này có rất nhiều dinh dưỡng) cho cha mẹ ăn thì cha mẹ sẽ có cái cảm giác: “Cuộc sống hiện tại của mình đã tốt hơn, thế mà còn bắt mình ăn những thứ này. Mình phải ăn cơm trắng”.

Quan niệm của cha mẹ nhất thời không thay đổi được. Chúng ta cũng phải từ từ trao đổi với cha mẹ, phải tạo quan niệm đúng đắn cho cha mẹ và cho cả gia đình để họ có được sức khỏe tốt. Tạo lập quan niệm này không phải một sớm, một chiều mà được, “dục tốc bất đạt”. Chúng ta không thể nôn nóng, không thể bắt ép người khác. “Cứ cho tôi ăn là được, đừng có nói nhiều nữa!”. Cha mẹ như vậy, người nhà như vậy thì trong lòng họ có khó chịu không? Rất khó chịu. Khi trong lòng đã khó chịu thì dù họ ăn những thứ có dinh dưỡng đến mấy cũng tiêu không nổi.

Có một vị nữ sĩ, cô ấy nghe xong tôi giảng giải thì hiểu được ăn uống nên ăn ít thịt, ăn nhiều rau thì mới tốt cho sức khỏe. Sau khi nghe giảng xong cô rất vui vẻ, về nhà cô liền nói với chồng: “Bắt đầu từ hôm nay, em không nấu thịt cho anh ăn nữa, cũng là vì sức khỏe của anh. Anh phải biết được như thế!”. Ngay hôm đó về, cô ấy rất là quyết đoán. Nhưng làm gấp quá sẽ có kết quả ngược lại. Cho nên một, hai tuần sau cô ấy đến trung tâm tìm tôi, vẻ mặt không vui. Cô nói với tôi: “Chồng tôi thật không biết nghe lời. Tôi muốn tốt cho anh ấy, mong anh ấy khỏe mạnh hơn cho nên mới không nấu thịt cho anh ấy ăn. Thế mà anh ấy không chịu, lại còn bực tức với tôi nữa!”.

Tôi rót cho cô ấy một ly nước, trong khi cô uống nước tôi nói với cô rằng: “Nếu như chồng cô có ngoại tình thì trách nhiệm ấy thuộc về cô”. Cô ấy giật mình, tôi nói tiếp: “Nếu chồng cô bị cao huyết áp cô cũng phải chịu trách nhiệm. Con cái cô càng ngày càng ít có cơ hội ở cùng cha chúng, quan hệ của cha con bị ảnh hưởng thì cô cũng phải chịu trách nhiệm”. Tôi càng nói, cô ấy càng buồn phiền: “Tại sao lại như vậy chứ?”. Tiếp đó tôi lại hỏi cô ấy: “Hôm nay cô không nấu thịt cho chồng ăn, vậy xin hỏi chồng cô có ăn không?”. Cô trả lời: “Có! Nhưng đi ăn ở bên ngoài”. Tôi nói: “Đúng rồi! Đi ăn ở bên ngoài, có khi đến khách sạn ăn cơm, ở đó có rất nhiều phụ nữ,  lại vừa vặn gặp phải duyên phận không tốt thì có phải là sẽ xảy ra chuyện lớn rồi không? Cho nên nếu có ngoại tình thì cũng do cô. Ra ngoài ăn cơm, món ăn bên ngoài đều nhiều dầu, nhiều mỡ, có khi ăn ba, bốn năm thì huyết áp tăng cao, thế là bị bệnh cao huyết áp, và cô cũng phải chịu trách nhiệm. Chồng cô hàng ngày ăn ở bên ngoài, sẽ ít có cơ hội giao lưu với con cái, dần dần không quan tâm đến con cái nữa, cho nên quan hệ cha con thành ra xấu đi và cô cũng phải chịu trách nhiệm”.

Nghe tôi nói vậy cô có vẻ rất tủi thân. Tôi lại nói với cô: “Mục đích ban đầu khi cô làm việc này là gì? Có phải là vì muốn chồng cô, người nhà của cô đều khỏe mạnh không? Vậy xin hỏi, bây giờ cô đã đạt được mục đích chưa?”. Có nhiều khi mục đích của con người là chính xác, nhưng đi đến nửa đường lại quên mất, đi đến nửa đường thì họ lại làm việc bằng tình cảm. Tôi nói với cô: “Cô muốn người khác tiếp thu ý kiến của cô thì không phải một sớm, một chiều mà được. Cô phải làm nhưng không để lộ rõ ý định của cô. Ví dụ như tuần này nấu ba món thịt, tuần sau chỉ nấu hai món thôi, đến tháng sau chỉ nấu một món, từ từ giảm đi để chồng cô không phát hiện được. Nhưng khi cô không nấu món thịt nữa thì món rau cô mang lên phải rất ngon. Cho nên cô phải đi học xem chế biến như thế nào để món chay ăn ngon hơn món thịt. Lúc đó chồng cô sẽ vừa ăn vừa hỏi: Món này là món gì vậy? Sao ăn ngon thế? Thì cô mới nói đó là món chay, tên gọi là gì đó, thì chồng cô sẽ càng có thể chấp nhận khi ăn đồ chay.

Ngoài ra, những quan niệm chính xác về ăn uống này cô cũng phải thường xuyên từng chút, từng chút một trao đổi với chồng. Ví dụ như chúng ta là phụ nữ thì có thể phát huy sự dịu dàng của chúng ta để nói với chồng: Sức khỏe của anh là hạnh phúc cả đời của em, cho nên sức khỏe của anh cực kỳ quan trọng. Quyển sách của tiến sỹ Lôi Cửu Nam viết rất hay, ăn uống như thế nào để có sức khỏe. Hoặc là vị chuyên gia nào đó viết rất hay, bên trong có quan niệm nội dung gì”.

Chúng ta từng câu, từng câu rót vào tai anh ấy thì anh ấy sẽ tiếp thu. Rồi tôi lại đưa ra một‎ ý kiến với cô, tôi nói: “Thỉnh thoảng cô nên đưa chồng cô đến đây cùng nghe giảng, nghe giảng xong thì ở lại ăn cơm cùng những giáo viên ở trung tâm của chúng tôi. Chồng cô sẽ nhận thấy rằng người này ăn chay, người kia cũng ăn chay và anh ấy sẽ không cảm thấy ăn chay là một việc rất kỳ lạ nữa. Khi anh đang ăn, người giáo viên bên cạnh sẽ nói với chồng cô: Đồ chay cũng không tồi đấy chứ! Chồng cô có thể sẽ trả lời: Không tồi! Không tồi! Từ từ sẽ có không khí của tập thể. Khoảng hai, ba tháng sau chồng cô tự nhiên cũng ăn chay”.

Cho nên khi chúng ta quan tâm cha mẹ, quan tâm người thân thì cũng không nên quá gấp gáp muốn làm ngay. Đương nhiên khi muốn quan tâm đến sức khỏe của người khác thì bản thân chúng ta phải có đủ tri thức. Bởi vậy mới nói “tri thức là sức mạnh”. Có rất nhiều người về phương diện nào đó tri thức rất phong phú, đó cũng là do lúc cần thiết trong cuộc sống phải tìm hiểu mà có được. Ví dụ như sức khỏe của mẹ mới có một chút vấn đề, chúng ta phải biết đi tìm hiểu nghiên cứu học vấn về phương diện này ngay, đừng để đến khi sức khỏe của người nhà có vấn đề nghiêm trọng thì mới học. Lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy rất vất vả. Chúng ta phải học trước rồi mang quan niệm này trao đổi với gia đình. Đây được gọi là “Dưỡng Phụ Mẫu Chi Thân”.

“Dưỡng Phụ Mẫu Chi Tâm”

Dưỡng Phụ Mẫu Chi Tâm” là để trong lòng cha mẹ được thường xuyên vui vẻ, tự tại. Ở đây có một tiền đề, đó là những việc chúng ta thực hiện phải làm sao để cho cha mẹ được yên tâm, bằng lòng. Nếu như đức hạnh của chúng ta không tốt, cho dù ngày nào chúng ta cũng cung phụng đồ ăn ngon cho cha mẹ, thử hỏi cha mẹ ăn xong có vui không. Cũng không vui! Có khi vừa ăn, cha mẹ lại vừa phập phồng lo sợ cho chúng ta. Cha mẹ chúng ta rất kín đáo, những cảm nhận trong lòng có khi không lộ ra trong lời nói. Cho nên chúng ta phải biết để hiểu thấu đáo tấm lòng của cha mẹ, những cái cha mẹ cần.

Trong “Luận Ngữ” có nói, người quân tử phải có “Cửu Tư”, phải có chín thái độ thường xuyên biết được để quán chiếu. Là chín thái độ nào? Thứ nhất là “Thị Tư Minh”, thứ hai là “Thính Tư Thông”, phải biết từ lời nói của cha mẹ, chúng ta nghe và hiểu được trong lòng cha mẹ đang cần gì. Ví dụ như đã rất lâu rồi chúng ta không gọi điện về cho cha mẹ, rồi mẹ gọi đến. Lại phải chờ đến khi cha mẹ gọi cho chúng ta thì chúng ta thật đã thất lễ rồi! Cha mẹ hỏi thăm tình hình công việc hiện tại của chúng ta, tuy là hỏi tình hình công việc nhưng trên thực tế chúng ta phải nghe và hiểu được rằng cha mẹ đang mong nhớ chúng ta, thậm chí là nhớ cháu. Chúng ta nghe ra thì không cần phải để cha mẹ mở lời, mà chủ động về nhà thăm. Kỳ thực, khi con người đến tuổi trên sáu mươi, già rồi thì càng ngày càng hay nhạy cảm. Khi chúng ta một, hai tháng không về thăm cha mẹ, đến khi về vừa nhìn thấy cha mẹ thì có cảm giác cha mẹ sao lại già đi nhiều như vậy! Cho nên chúng ta phải qu‎ý trọng những cơ hội được ở cùng cha mẹ, phải thường xuyên quan tâm, hỏi thăm. Đó là “Dưỡng Phụ Mẫu Chi Tâm”.

“Dưỡng Phụ Mẫu Chi Chí”

Dưỡng Phụ Mẫu Chi Chí” là tâm nguyện của cha mẹ. Trong “Hiếu Kinh” có một câu: “Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã”. (Tức là thân thể đầu tóc của ta là do cha mẹ ban cho, cho nên ta không được làm thương tổn, đó là điều đầu tiên của đạo hiếu). Bởi vậy chúng ta phải chăm sóc tốt thân thể của ta, đó là việc đầu tiên của đạo hiếu. “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã”, nếu như dùng đức hạnh của chúng ta cống hiến cho gia đình, cho xã hội thì người vui sướng nhất, mãn nguyện nhất là cha mẹ và thầy giáo. Đó là “Dưỡng phụ mẫu chi chí”. Bởi thật ra mỗi một con người đều có lòng thiện, đều mong có được sự cống hiến cho xã hội. Rất nhiều cha mẹ muốn tận tâm, tận lực bồi dưỡng con cái. Có nhiều phương diện xã hội cha mẹ muốn tận tâm, tận lực nhưng có lúc lực bất tòng tâm. Cho nên khi con cái họ có thể có những cống hiến to lớn cho xã hội thì cha mẹ sẽ cảm thấy được an ủi.

Chúng ta có một cô giáo ở Hải Khẩu, cô học “Đệ Tử Quy” được hơn ba tháng. Hơn nữa sáng tối hàng ngày cô đều đọc một lần. Sau hơn ba tháng cô chủ động tìm tôi và nói: “Thầy Thái! Những thứ tốt đẹp như thế này không thể chỉ để có tôi và học sinh của tôi có được lợi ích, cần phải cho càng nhiều trẻ em có thể nghe được lời giáo huấn của Thánh Hiền”. Cho nên cô quyết định về quê nhà của cô để phổ biến “Đệ Tử Quy”. Cô có chí hướng như vậy, tục ngữ có nói: “Người có thiện nguyện thì trời cũng chiều theo”. Người mà dũng cảm đi gánh vác, hy sinh, khi bước đi cô đã không sợ mình đứng không vững thì từng bước, từng bước đi của cô nhất định sẽ có người bên cạnh giúp đỡ. Bởi họ sợ cô làm hỏng việc, và bởi vì đó là việc tốt, cho nên khi cô chủ động đề xuất thì trong trung tâm của chúng tôi có rất nhiều thầy giáo lập tức chia sẻ kinh nghiệm dạy học với cô. Tôi cũng lập tức tặng cô quyển “Đức Dục Khóa Bản” nói về hơn bảy trăm câu chuyện Thánh Triết. Cô rất vui và bắt đầu đi dạy.

Trong “Xuất tắc đễ” có một câu Kinh văn gọi là: “Sự chư phụ, như sự phụ. Sự chư huynh, như sự huynh” (Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột). Cô giáo này bản thân làm việc ở trạm hàng không, chưa từng học qua lớp đào tạo của trường sư phạm nào cả. Nhưng bởi có lòng thiện tâm như vậy, có lòng yêu thích giáo dục cho nên tự cô đã đi nghiên cứu xem câu nói này phải dạy như thế nào. Có rất nhiều tâm cảnh phải thông qua hành vi thực tế mới có thể cảm nhận được. Cô mua một chùm vải sau đó về quê nhà của cô và dạy bọn trẻ câu “Sự chư phụ, như sự phụ. Sự chư huynh, như sự huynh” (Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột). Cô nói với học sinh: “Chúng ta học xong “Nhập tắc hiếu” (Ở nhà phải hiếu) thì đã hiểu người làm cha mẹ rất là vất vả, khó nhọc. Cho nên chúng ta phải kính trọng cha mẹ của chúng ta. Đồng thời, cha mẹ của người khác cũng vất vả, khó nhọc như vậy, cho nên đối với tất cả cha mẹ và trưởng bối, thậm chí không chỉ riêng các bậc cha mẹ mà tất cả những người già cả đã từng cống hiến cho xã hội này tuổi thanh xuân của họ, thì chúng ta đều phải kính trọng họ. Cho nên gọi là “Sự chư phụ, như sự phụ, sự chư huynh, như sự huynh” (Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột).

Giảng xong cô nói với học sinh: “Bây giờ chúng ta hãy mang chùm vải này đi biếu cho trưởng bối trong thôn. Khi mang biếu họ, các em phải thật lễ phép, phải hành lễ và hỏi thăm họ”. Bọn trẻ nghe xong rất vui mừng, chúng lập tức như một bầy ong chạy đi, chạy lại trong thôn, làm cả thôn tưng bừng cả lên. Trong thôn tràn đầy không khí kính trọng người già, tôn trọng người hiền, yêu trẻ kính già. Tin rằng mỗi vị trưởng lão, trưởng giả khi nhận được chùm vải, trong lòng nhất định rất vui mừng. Mà khi bọn trẻ nhìn thấy người già cả biểu lộ vui mừng như vậy thì nhất định sẽ in sâu vào tâm trí chúng. Sau này khi chúng cung kính với người khác, chúng sẽ cảm thấy rất vui thích.

Sau ngày hôm đó, cha của cô gọi điện cho cô, ông nói với con gái: “Con gái à! Cả thôn mình có rất nhiều trưởng bối gọi điện thoại đến nhà mình. Những vị trưởng bối này nói rằng những người con gái quê mình khi đi lấy chồng thì chưa bao giờ có ai lại yêu mến, gìn giữ quê hương như vậy. Con đã đi lấy chồng mà còn quan tâm đến quê hương như vậy. Cho nên những vị trưởng bối này rất cảm động”. Trong lòng cha cô có cảm giác rất vinh dự, đây chính là: “Dưỡng phụ mẫu chi chí“. Cha cô lại nói tiếp với cô: “Con gái! Con có thể tìm thấy giá trị của cuộc sống, cha cũng mừng cho con”. Hành vi này của con gái làm cho người cha vui mừng một ngày hay hai ngày? Hay bao lâu? Đó là sự an ủi cả cuộc đời, so với việc chúng ta mang một túi đồ ăn ngon cho cha mẹ ăn thì tuyệt nhiên không thể nào so bằng.

Cho nên khi chúng ta học tập: “Thần tắc tỉnh, hôn tắc định” (Sáng phải thăm, tối phải viếng), chúng ta phải hiểu được cách quan tâm cha mẹ như thế nào. Chúng ta phải phát triển đến từng li, từng tí một trong cuộc sống, phát triển lên đến “dưỡng phụ mẫu chi thân, dưỡng phụ mẫu chi tâm, dưỡng phụ mẫu chi chí“.

HẾT TẬP 8. XIN XEM TIẾP TẬP 9!