CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 12/40
Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005
Chúng ta vừa nói đến Thái Thuận đi hái quả dâu. Vì biết mẹ thích ăn quả ngọt cho nên ông dùng một giỏ để đựng quả ngọt, còn mình thì ăn quả chua. Lòng hiếu thảo này đã cảm động toán cướp. Chúng liền thả cho ông về, không những thả cho ông về, chúng còn mang lương thực trong sơn trại của chúng ra tặng cho ông.
Quý vị thân mến! Nếu như các vị là Thái Thuận thì có nhận hay không? “Không nên nhận!”. Người ta thành tâm, thành ý như vậy phải làm sao bây giờ? Chúng nói: “Làm ơn đi, mang về hiếu kính với mẹ đi!”. Vậy có lấy hay không? “Lấy!” (người nghe bên dưới nói). Các vị sao đã nhanh chóng thay đổi ý kiến vậy? Có lấy hay không? “Lấy!”. Thái Thuận nghe lời của các vị mang đồ đó về nhà. Vừa mang về đến nhà, còn chưa kịp ngồi xuống thì đột nhiên Quan Phủ từ đâu kéo đến nói: “Sao gạo của Trương Tam lại có ở trong nhà của ngươi? Sao đồ ăn của Lý Tứ lại ở trong nhà ngươi? Nào quân đâu! Hãy bắt hắn lại!”. Lúc đó phải làm sao? Lúc này dù có trăm cái miệng cũng không cãi lại được.
Cho nên Khổng Phu Tử mới nói: “Quân tử hữu cửu tứ”. “Cửu tứ” có nghĩa là khi các vị gặp phải những tình huống như vậy thì phải suy xét lại mình. Làm thế nào để kiểm điểm lại bản thân mình? Có một câu nói: “Kiến đắc tư nghĩa”. Khi chúng ta có được bất cứ đồ vật gì, đầu tiên phải suy xét xem nguồn gốc đồ vật đó có trong sạch không, có bình thường không. Những đồ vật trong sơn trại do cướp giật mà có, cho nên lúc này tuyệt đối không được nhận.
Nghe xong câu chuyện của Thái Thuận, các vị có ấn tượng sâu sắc không? Cho nên khi kể chuyện, chúng ta phải chú ý đến một điểm vô cùng quan trọng là phải đem được đạo lý ở trong đó để giảng giải cho bọn trẻ nghe. Như vậy chúng ta mới có thể kết hợp hài hòa giữa câu chuyện và đạo lý. Nếu như các vị chỉ kể sự việc, khi kể xong con cái các vị sẽ nói: “Câu chuyện này con nghe rồi!”. Còn như các vị chỉ nói toàn đạo lý, bọn trẻ nghe chưa đầy năm phút thì đã nói: “Mẹ ơi! Con buồn ngủ quá!”. Cho nên đạo lý và sự việc phải kết hợp cho tốt thì người nghe mới gặt hái được nhiều kết quả. Cho dù các vị là thầy giáo hay phụ huynh thì cũng đều có thể vận dụng một số đạo lý, một số nhắc nhở và gợi ý trong câu chuyện này.
Khi tôi kể cho bọn trẻ nghe xong câu chuyện này thì thường nói: “Các em thấy những người con hiếu thảo ngày xưa ý nghĩ đầu tiên đều nghĩ cho cha mẹ. Vậy còn các em? Các em có biết mẹ mình thích ăn gì không?”. Khi tôi hỏi như vậy, bọn trẻ phải suy nghĩ đến nửa ngày. Có đứa còn có chút lương tâm thì nhớ ra, còn có rất nhiều đứa nghĩ mãi cũng không ra. Thấy bọn trẻ trong tình thế lúng túng như vậy, tôi liền hỏi tiếp: “Vậy mẹ các em có biết các em thích ăn gì không?”. Chúng lập tức lộ ra nụ cười tươi rói: “Đương nhiên là biết ạ!”. Chúng còn có thể kể ra mấy thứ. Tôi liền nói với chúng: “Các em thấy không? Mẹ đều biết các em thích ăn món gì, nhưng các em lại không biết mẹ thích ăn gì. Như vậy có công bằng không? Các em thử nghĩ xem, mẹ yêu quý các em là vậy, vậy mà các em lại không biết yêu quý mẹ. Cho nên hôm nay về nhà chúng ta phải tìm hiểu xem mẹ thích ăn món gì. Như vậy các em mới có thể hoàn thành câu “thân sở hiếu, lực vi cụ” (Cha mẹ thích, dốc lòng làm). Sau này khi đi mua đồ ăn, chúng ta không được mua những món mình thích ăn trước, mà phải noi theo tấm gương Thánh Hiền là: “Vật tự bạo, vật tự khí. Thành dữ hiền, khả thuần trí” (Chớ tự chê, đừng tự bỏ. Thánh và Hiền, dần làm được). Chúng ta lấy họ là tấm gương, mua những món mẹ thích ăn trước, mua những món cha thích ăn trước.”
Thật ra cha mẹ rất quan tâm đến tình trạng sức khỏe của chúng ta. Một người khỏe mạnh thì thân tâm phải điều hòa. Chúng ta có câu: “Họa từ miệng xuất, bệnh từ khẩu nhập”. Cho nên khi ăn uống phải thật chú ý, nếu không hiện nay có rất nhiều bệnh do văn minh mà phát sinh.
Quý vị thân mến! Các vị có chắc rằng các vị không bị bệnh văn minh không? Các vị sao không có người nào giơ tay hết vậy? “Tri thức là sức mạnh”, tri thức đúng đắn mới có thể cho ta lòng tự tin. Các vị cũng không nên lo lắng quá. Cho nên, “phải ăn uống thế nào để có được sức khỏe?”, tri thức này đã có rất nhiều người bỏ công sức mấy chục năm trời của cuộc đời họ để đi nghiên cứu. Các vị có cần phải nghiên cứu lại từ đầu nữa không? Có hay không? Không cần thiết! Cho nên người ta thường nói: “Đứng trên vai của người khổng lồ thì nhìn được xa, trông được rộng”. Vậy ai là người khổng lồ? Về phương diện dạy dỗ trẻ em có trí tuệ thì Khổng Phu Tử, Mạnh Phu Tử chính là người khổng lồ. Các vị có thể trực tiếp học những trí tuệ, kinh nghiệm của họ. Ví dụ về phương diện sức khỏe thì ai là người khổng lồ? Các vị có thể đến tiệm sách xem quyển sách nào nói về sức khỏe được bán chạy nhất thì chúng ta có thể theo tác giả, tác phẩm đó mà học tập.
Rất nhiều năm trước tôi sùng bái quyển sách “Sức Khỏe Toàn Thể Thân Tâm” của tiến sĩ Lôi Cửu Nam, trong đó có nhắc tới việc nên ăn ít thịt, nên ăn nhiều rau xanh, như vậy mới được khỏe mạnh. Tại sao phải ăn ít thịt? Chúng ta phải đi tìm hiểu. Sức khỏe của người thời nay không tốt là do không đủ dinh dưỡng hay là quá dư thừa dinh dưỡng? Do quá thừa dinh dưỡng! Các vị hãy nhìn lại xem, rõ ràng là dinh dưỡng quá dư thừa nhưng đầu óc con người vẫn dừng ở điểm nào? Có phát hiện ra rằng người thời nay hình như đi chậm với thời đại? Vẫn dừng ở chỗ sợ rằng không đủ cái này, không đủ cái kia. Các vị hãy xem, những thứ chúng ta sợ đó rất ít khi xảy ra.
Hiện nay muốn tìm thấy đứa trẻ suy dinh dưỡng là rất khó, nếu muốn tìm thì phải đi máy bay sang Phi Châu mới tìm thấy, chứ ở Đài Loan thì tìm không ra. Có chăng chúng ta chỉ tìm thấy toàn những người béo mập vào ngày nghỉ hè hoặc nghỉ đông phải tham gia lớp học giảm béo. Có đúng vậy không ạ? Tập ở lớp giảm béo cả ngày nhưng trong lòng đứa bé này nghĩ: “Chỉ cần qua ngày hôm nay thôi, đến mai lại có thể đến ăn ở tiệm ăn nhanh McDonald’s”. Như vậy thì giảm béo có tác dụng không? Bởi vậy nếu không bắt tay làm từ cơ bản thì dù có chảy mồ hôi ở nơi tập giảm béo cũng chỉ làm cho bụng của chúng càng đói thêm mà thôi. Cho nên vấn đề hiện nay không phải là suy dinh dưỡng mà là quá dư thừa dinh dưỡng.
Thật ra con người không cần thiết hấp thụ nhiều chất protein đến vậy. Một số người cảm thấy ở trong thịt mới có nhiều chất protein. Nhưng thật ra khi ăn nhiều chất protein sẽ có hại cho gan, có hại cho thận. Một ngày một người chỉ cần từ 40g đến 60g chất protein là đủ. Chất protein trong thực vật không kém so với động vật. Những món ăn như lạc, hoài sơn, rong biển đều có chất protein rất tốt. Khi chất protein trong cơ thể chúng ta quá dư thừa thì cơ thể của chúng ta sẽ xuất hiện chất axít. Có câu nói rằng “Thể chất của chất axít là căn nguyên, là môi trường tốt của bệnh mãn tính”. Tại sao ư? Chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu trong cơ thể chúng ta có quá nhiều chất axít, nội tạng của chúng ta ngâm trong đó. Nửa đêm các vị có nghe thấy gan của các vị nói: “Tôi sắp nghẹt thở rồi!”, hay dạ dày nói: “Tôi sắp chịu hết nổi rồi!”. Các vị có nghe thấy không? Không nghe thấy!
Các vị là chủ nhân mà tại sao lại không có trách nhiệm như vậy! Nội tạng ngâm trong axít trường kỳ thì công năng rất dễ bị suy thoái. Cho nên càng ngày mới càng có nhiều bệnh mãn tính đến vậy. Tôi cũng từng nghe có trường hợp có đứa trẻ 18 tuổi do trúng phong mà chết. Không biết có trường hợp nào còn ít tuổi hơn không? Sự việc này mấy năm trước tôi đã nghe được. Cho nên các vị xem bệnh mãn tính cứ đến sớm như vậy cũng bởi con người ăn uống không đúng quy tắc.
Không chỉ có nội tạng bị suy kiệt, hiện nay còn có một loại bệnh rất nguy hiểm gọi là bệnh “loãng xương”, nghe nói bệnh này là một trong mười nguyên nhân gây chết người. Tại sao ư? Khi xương của chúng ta bị loãng một cách trầm trọng, có khi chỉ hắt hơi một cái thì cũng có thể bị gãy xương. Các vị đừng có nghĩ là tôi đang dọa các vị. Vấn đề này không phải tôi nói mà là báo chí đưa tin. Chúng ta cũng thường nghe nói, người già thì sợ ngã. Bởi chỉ cần ngã một cái là có thể gãy xương không đứng dậy được. Thời nay không chỉ có người già ngã là gãy xương. Hiện nay có rất nhiều người trẻ tuổi đi kiểm tra xương, giống như khi tôi đi kiểm tra thì thấy trên gương mặt của người giúp ta kiểm tra biểu hiện không tốt lắm. Họ nói: “Miễn cưỡng lắm anh mới đạt yêu cầu”. Nếu chúng ta mới 30, 40 tuổi mà khi kiểm tra thành xương của người 80 tuổi thì thật là phiền phức.
Tại sao thể chất có axít lại có thể làm cho loãng xương? Bởi vì cơ thể người là một nhà máy hóa học lớn. Vì nó phải giữ cân bằng giữa axít và kiềm. Nếu trong cơ thể chúng ta toàn là axít thì cơ thể sẽ không chịu nổi. Cho nên nó phải rút kiềm ra để trung hòa. Mà trong cơ thể người, nhiều kiềm nhất là chất can xi. Vậy cái kho của can xi nằm ở đâu? Là ở trong xương các vị, nếu mỗi ngày cứ phải rút ra một ít thì lâu ngày sẽ trở thành loãng xương. Bởi vậy ăn uống phải quân bằng, trong thịt có nhiều chất protein cho nên không được ăn nhiều quá.
Hơn nữa, không chỉ có quá nhiều chất protein mà trong thực phẩm còn có độc tố hữu hình và độc tố vô hình. Cái gì là độc tố hữu hình vậy? Chúng ta thử xem, hiện nay nuôi gà trong bao lâu thì lớn? Có cần lâu như trước kia không? Hiện giờ chỉ khoảng năm sáu tuần lễ. Ngày xưa phải nuôi trong nửa năm. Đúng là sự tiến bộ vượt bậc của khoa học. Có phải vậy không? Nhưng tại sao lại nuôi được nhanh như vậy? Chúng ta thường nói: “Đạo pháp tự nhiên”. Nhưng sự nuôi dưỡng này không được tự nhiên, tất nhiên là phải tiêm thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh, tiêm rất nhiều thuốc. Và cuối cùng những thứ thuốc này đến bụng của chúng ta. Tôi còn nhớ khi tôi chưa ăn chay, khi ăn thịt gà, mổ ra thấy toàn mỡ là mỡ. Đó là hoóc môn. Cho nên bé gái thời nay thường có kinh sớm, có em chưa đến mười tuổi đã có kinh nguyệt. Kinh nguyệt càng có sớm thì tuổi thọ của họ càng ngắn. Cho nên những thực phẩm này sẽ gây tổn hại cho con cháu đời sau của chúng ta. Chúng ta là cha mẹ thì không thể không cẩn thận. Sau nữa là sức khỏe của mình cũng không thể không quan tâm.
Ngoài những độc tố hữu hình này ra thì còn có loại vô hình nữa. Chúng ta thử nghĩ xem, khi động vật bị giết thịt, tâm tình của chúng nhất định là rất sợ hãi, rất phẫn nộ. Chúng ta hãy nghĩ lại, mỗi lần chúng ta tức giận thì phải mất ba ngày mới lắng lại được. Tại sao vậy? Các vị có thấy ai vừa tức giận xong thì tinh thần liền sảng khoái, dễ chịu lại ngay không? Không có. Bởi mỗi khi tức giận thì chất tố tuyến thượng thận sẽ tiết ra, sản sinh ra rất nhiều độc tố. Các vị sẽ cảm thấy toàn thân không có sức lực. Cũng như vậy, khi động vật bị giết thịt thì toàn thân rất phẫn nộ, cho nên tiết ra rất nhiều độc tố. Vì ăn rất nhiều thứ không tốt có trong thịt cho nên người thời nay mới bị một đống bệnh như hiện nay.
Ăn thịt không những có hại cho cơ thể, mà khi nuôi dưỡng những động vật để lấy thịt cho con người ăn cũng rất nguy hại cho cả trái đất của chúng ta. Tại sao lại nguy hại? Có rất nhiều vị bạn hữu sẽ nói: “Sao thầy nói phức tạp quá vậy? Sao tôi lại nghĩ không ra?”. Thật ra cả trái đất đều có chung một sinh mệnh. Các vị đừng coi thường những thực phẩm hàng ngày các vị ăn, bởi nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả quả đất. Khi con người ăn thịt với số lượng lớn, tất nhiên phải chặt phá rừng nguyên sinh để trồng lúa mạch, lúa nước v.v…Rừng nguyên sinh bị chặt phá thì sẽ bị sạt lở đất và có rất nhiều đất đai bị lung lay. Hơn nữa rừng nguyên sinh còn là lá phổi của trái đất. Cũng giống như phổi trong cơ thể người, rừng nguyên sinh giúp chúng ta lọc rất nhiều bụi bẩn trong không khí. Khi rừng nguyên sinh càng ngày càng ít đi thì chất lượng không khí của cả trái đất sẽ ngày càng kém đi.
Cho nên tại sao thời tiết của chúng ta hiện nay thường không ổn định. Ngay cả Mê-xi-cô cũng có tuyết rơi. Mê-xi-cô là nước nhiệt đới vậy mà cũng có tuyết rơi, nhiệt độ khác thường. Danh từ thời nay gọi là: “Hiệu ứng nhà kính”. Chúng ta trước đây đều đã thuộc lòng với “hiệu ứng nhà kính”. Tại sao lại tạo thành “hiệu ứng nhà kính” vậy? Là do con người thải quá nhiều khí thải, và còn có một nguyên nhân nữa là phổi của trái đất càng ngày càng bị chặt phá. Thực ra những loại ngũ cốc trồng để làm thức ăn cho gia súc nếu đem cho người ăn cũng đủ để không có người nào phải chết đói. Ngoài ảnh hưởng đến không khí, đất đai và nguồn nước cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Bởi vì rất nhiều động vật được nuôi dưỡng, chúng sẽ thải ra phân. Số phân này làm ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguồn nước.
Thật ra con người có thể sống một cuộc sống ung dung hơn, sạch sẽ hơn. Chỉ cần chúng ta biết chọn thói quen ăn uống có lợi cho chúng ta, có lợi cho môi trường. Chúng ta hàng ngày phải thực hiện việc bảo vệ môi trường. Như vậy vừa có lợi cho mình lại vừa có lợi cho người thì cớ sao lại không làm? Cho nên, khi ăn cơm chúng ta cũng là đang thi hành sứ mệnh, cũng là vì sức khỏe của trái đất. Khi có được tri thức đúng đắn chúng ta mới có thể chăm sóc tốt cho cơ thể, và mới có thể làm được: “Thân sở hiếu, lực vi cụ” (Cha mẹ thích, dốc lòng làm).
************
4.2. Thân sở ố, cẩn vi khứ (Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ)
Cha mẹ không mong muốn chúng ta có thói quen xấu thì chúng ta phải nhanh chóng bỏ nó đi. Hoặc các vị kết bạn với một số bạn bè làm cho cha mẹ phải hàng ngày lo lắng. Vậy thì các vị nên có sự chọn lựa, bởi vì bạn bè có ảnh hưởng rất lớn đối với chúng ta. Các vị có lo sợ sau này con cái các vị sẽ kết bạn với những người bạn không tốt không? Có lo lắng không? Lo lắng liệu có ích lợi gì không? Vậy thì các vị phải nâng cao năng lực phán đoán của con cái thì chúng mới biết thân thiện gần gũi với người tốt, và mới biết tránh xa những người bạn không tốt. Đó gọi là: “Kính trọng nhưng không dám gần gũi”. Một khi chúng biết “Kính trọng nhưng không dám gần gũi” thì chúng cũng biết được rằng chúng phải làm tốt bản thân mình thì mới cảm động được những người bạn này.
Làm sao để cho con cái biết chọn lựa bạn bè? Thực ra chúng ta cũng đã học nhìn ở đâu để biết được một người có đạo đức. Hiếu đạo. Cho nên một người có đáng kết giao hay không, chúng ta chỉ cần phán đoán họ đã thực hiện được bao nhiêu điều trong “Đệ Tử Quy”. Cho nên tôi nói với rất nhiều người rằng “Đệ Tử Quy” là “kính chiếu yêu”. Các vị chọn bạn hay chọn vợ, chọn chồng, chỉ cần chiếu một cái là biết ngay người đó có được hay không. Cho nên “Đệ Tử Quy” là “kính chiếu yêu”. “Đệ Tử Quy” cũng là kính hiển Thánh. Các vị cũng có thể thấy được những người bạn này làm được rất nhiều và các vị phải kết giao suốt cuộc đời với những người bạn này.
Chúng ta lấy vấn đề “thói quen” để đàm luận. Có một câu chuyện, có ba tội phạm đồng thời bị tống giam tại một trại giam. Trưởng trại giam ở đó rất nhân từ. Thấy ba tên tội phạm tuy đã phạm tội nhưng ông vẫn dùng phương pháp “tứ nhiếp” để đối xử với họ, đó là thường xuyên biếu quà cho họ. Cho nên ông nói với họ: “Ba người các vị bị giam ba năm, vậy các vị có nguyện vọng gì? Nếu tôi làm được thì sẽ giúp các vị”. Người tù thứ nhất là người Mỹ, anh ta không cần nghĩ ngợi liền bảo ông cho anh ta một bao thuốc lá. Trưởng trại giam nói: “Tốt thôi! Không vấn đề gì!”. Sau đó ông lấy bao thuốc lá đưa cho anh ta rồi giam anh ta lại. Người thứ hai là người Ý. Người Ý cho ta ấn tượng gì? Các vị không ai biết về người Ý sao? Người Ý rất có nghệ thuật, rất lãng mạn có đúng không? Nói vậy cho dễ nghe thôi, còn theo ngôn ngữ của chúng ta thì gọi là “háo sắc”. Anh ta suy nghĩ một hồi rồi nói: “Tôi cần một người phụ nữ”. Trưởng trại giam nói: “Được! Cái đó tôi có thể đáp ứng được”. Thế là trưởng trại giam lại giam anh ta lại. Người thứ ba là một người Do Thái. Người Do Thái rất biết cách làm ăn buôn bán. Anh ta nói: “Cuộc đời tôi đã bị vấp ngã rồi, nên tôi phải ghi nhớ lấy bài học này. Cho nên ngài có thể cho tôi một cái điện thoại để tôi có thể liên lạc được với bên ngoài”. Trưởng trại giam cũng nói: “Được! Không thành vấn đề!”. Thế là ông đưa cho anh ta một cái điện thoại.
Ba năm sau, khi mở cửa nhà giam cho ba người tội phạm. Khi vừa mở cửa cho người Mỹ thứ nhất, anh ta liền xông ra hỏi: “Diêm đâu? Diêm đâu? Diêm của tôi đâu?”. Trong ba năm qua anh ta nghĩ gì vậy? Hàng ngày đều ở đó mà phát run lên: “Tại sao lại quên không đòi diêm?”. Thời gian ba năm của anh ta bị lãng phí ở đâu? Lãng phí vào cái thói quen xấu của anh ta.
Nếu như một người tạo thành thói quen xấu thì anh ta không thể làm chủ được cuộc đời này của mình, đều sẽ bị cái thói quen xấu đó dẫn dắt. Những người như vậy rất nhiều. Vậy làm thế nào để cho cả một cuộc đời của một con người không bị thói quen xấu dẫn dắt? Phải dạy dỗ cẩn thận từ khi còn nhỏ! Từ nhỏ đã có chí hướng thì người đó sẽ không bị các trò vui làm mất chí hướng.
Người Mỹ này có thói quen xấu là hút thuốc, khi không hút thuốc thì cảm thấy khó chịu. Chúng ta không nên cười người Mỹ này. Thật ra chúng ta cũng có thể có những thói quen xấu, nếu hàng ngày không thực hiện thì cũng rất đau khổ. Đó là việc gì vậy? Ví dụ như xem phim dài tập, mỗi lần xem xong một tập thì chúng ta lại nói: “Sao diễn xuất chán vậy! Thật là lung tung!”, nhưng ngày hôm sau vẫn ngoan ngoãn ngồi đó mà xem cuộc đời của người khác. Hàng ngày chúng ta lãng phí biết bao nhiêu thời gian như vậy nhưng không giúp được gì cho cuộc sống của chính mình. Và cứ thế ngày lại qua ngày, những việc cần làm trong cuộc sống thì lại không làm, đến khi muốn làm thì có thể là đã hết cơ hội.
Cho nên Khổng Phu Tử đứng trên bờ sông có nói một câu: “Thệ giả như tư phu, bất xả trú dạ”. Khổng Phu Tử chỉ nhìn dòng nước thì liền nghĩ ra rằng thời gian trôi đi như dòng nước, trôi đi rồi không trở lại. Bởi vậy chúng ta không nên để cho cuộc đời mình lãng phí vào những chuyện vô bổ như trên.
Chúng ta vừa nói đến, thói quen xấu hút thuốc là không tốt. Còn thói quen xấu của người thứ hai là sắc, háo sắc. Tôi đã từng giảng cho học sinh trung học, tôi nói: “Háo sắc là một thói quen rất xấu. Các em có thể hiểu được không?”. Chúng nói: “Có thể! Bởi vì trên chữ “sắc” có con dao”. Chữ tượng hình của Trung Quốc đáng sợ thật! Trên chữ “sắc” có con dao. Con dao này có ý nghĩa gì vậy? Đó là nó có thể hủy hoại cả một đời của các vị, hủy hoại hạnh phúc của một gia đình, và có thể hủy hoại sự hưng thịnh của một quốc gia. Có hay không? Các vị hãy coi đời nhà Đường. Đường Huyền Tông khi chưa gặp Dương Quí Phi thì ông là “Khai nguyên chi trị”, rất tận tâm, tận lực cai trị đất nước. Sau khi gặp Dương Quí Phi thì ông trở thành “An Sử chi loạn”.
Cho nên, sự suy bại của đời Đường ai là người chịu trách nhiệm lớn nhất? Các vị nam giới đều bảo tại Dương Quí Phi. Các vị nữ giới lại nói là Đường Huyền Tông. Nhưng chân lý chỉ có một, đó là: “Sắc bất mê nhân, nhân tự mê”. Cho nên căn bản vẫn tại Đường Huyền Tông. Có phải không? Nếu như Dương Quí Phi xuất hiện vào đời Đường Thái Tông thì cũng không có tác dụng gì, bởi vì ông luôn luôn lấy giang sơn, xã tắc làm trọng. Cho nên cuộc đời có rất nhiều vấn đề, chúng ta không thể đùn đẩy trách nhiệm mà phải tự kiểm điểm lại mình. Đây mới là nguyên nhân chân chính.
Người Ý này háo sắc, khi cửa nhà giam được mở ra, anh ta còn chưa đi ra thì mọi người đã nghe được tiếng trẻ con. Có rất nhiều em học sinh trung học nghe xong đều phì cười. Tôi liền hỏi các em: “Người Ý thê thảm hay người Mỹ thê thảm hơn?”. “Đều thê thảm!”. Có một em nói: “Người Ý thê thảm hơn”. Câu nói này là của một em nữ sinh. Em đó nói: “Bởi khi ra tù anh ta không chỉ phải chăm lo cho cuộc sống của mình mà còn phải chăm sóc cho rất nhiều đứa trẻ”. Vậy xin hỏi: Anh ta có chăm lo được hết không? Tôi tin rằng các vị đã có câu trả lời, bởi vì anh ta chỉ có ham muốn dục vọng, anh ta sẽ không có tinh thần trách nhiệm.
Thông qua câu truyện này tôi nói với các em học sinh rằng khi tìm đối tượng thì phải tìm đối tượng có ý thức trách nhiệm. Tôi liền tìm một em học sinh bình thường quét dọn lớp không cẩn thận, thường không làm bài tập ở nhà. Tôi liền gọi em đó đứng lên: “Em đứng dậy! Em không nên kết hôn!”. Em đó sợ quá không biết tôi nói cái gì. Tôi nói: “Ngay đến bản thân mình em còn không chăm lo được, không thể chăm sóc được mình thì em không có tư cách kết hôn. Kết hôn rồi em sẽ làm hại đến đời con cái của em. Cho nên không chăm lo được cho mình thì đừng nên kết hôn”. Cậu học sinh này ghi nhớ được trong bao lâu? Nhưng tôi mắng cậu ta như vậy thật ra là muốn để cả lớp nghe. Những em học sinh nữ sẽ để lại ấn tượng gì? Tìm đối tượng phải tìm người có ý thức trách nhiệm, như vậy mới đáng tin cậy. Những em học sinh nam khác cũng tự xét lại mình xem mình có ý thức trách nhiệm không. Cho nên những mũi tiêm phòng phải nên tiêm sớm. Đừng để đến khi chúng mở cờ trong bụng rồi mới phòng chống thì đã quá muộn. Cho nên cái thói quen xấu của người thứ hai này chúng ta phải trị tận gốc.
Người thứ ba, khi người Do Thái này đi ra, ông rất cung kính đi đến trước mặt người trưởng trại giam, cúi đầu chào rồi nói: “Rất cảm ơn ngài đã cho tôi cái điện thoại. Trong ba năm qua, thông qua điện thoại tôi biết được rất nhiều tin tức ở bên ngoài và cũng kinh doanh đầu tư một ít. Cho nên bây giờ tôi đã có một số tài sản, cuộc đời về sau của tôi sẽ đi theo con đường hướng thiện”.
Ba người có ba sự lựa chọn khác nhau thì cũng sinh ra ba số phận khác nhau. Chúng ta tuyệt đối không muốn con cái chúng ta vì những thói quen xấu này mà trụy lạc cả cuộc đời của chúng. Cho nên các vị phải trị tận gốc những thói quen xấu này.
Còn nữa, có một thói quen xấu vừa hại mình lại làm cho tan nhà nát cửa, đó là đánh bạc. Nếu như một người nam giới ham mê cờ bạc thì chúng ta tuyệt đối không được giao lưu với anh ta. Rất là nguy hiểm! Một khi anh ta không thể kiềm chế đối với cờ bạc thì rất có thể sẽ bán hết tài sản trong nhà, thậm chí bán cả sản nghiệp của Tổ tiên đi.
Thánh nhân đã thống kê ra, con người có bốn thói quen xấu cần phải điều trị, đó là: “Kiêu, xa, dâm, dật”.
Điều thứ nhất: “Kiêu”
Chúng ta thử đối chiếu xem chúng ta có điều thứ nhất không? Cho nên gọi là tu thân mới có thể tề gia. Nếu như bản thân chúng ta có điều này thì phải nhanh chóng sửa đổi. Sau đó tiếp tục đi xem con cái hiện nay có cái thói quen đó không? Nếu như con cái có thói quen này thì phải nhanh chóng dạy bảo chúng sửa chữa. Chúng ta phải làm sao để nuôi dưỡng cái thiện và còn phải bổ cứu cái sai sót. “Kiêu” là kiêu ngạo, không thể để thói quen đó xuất hiện. Một khi đã kiêu ngạo thì không chỉ học vấn của mình không có tiến bộ mà vô hình trung làm đứt cái nhân duyên của ta với quí nhân giúp đỡ ta. Một người có đạo đức, học vấn thì thích kết giao với những người khiêm tốn. Chỉ cần các vị kiêu ngạo thì những người này sẽ rời xa bạn.
Tôi rất may mắn. Khi tôi học cấp hai, một hôm thầy dạy Lý, Hóa của tôi có viết một câu mà kể từ ngày đó đến giờ tôi vẫn không dám quên. Ông viết: “Con người không được kiêu ngạo, nhưng không thể không có khí phách”. Khi ông viết câu này ra thì hình như có một luồng ánh sáng chiếu vào lòng tôi. Bởi với chủ nghĩa chỉ biết học để lên lớp thì rất ít khi được nghe thấy những giáo huấn để học làm người. Đúng là như vậy! Việc này cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Chúng tôi cũng hứa rằng sẽ không được kiêu ngạo.
Thời gian tôi học ở Úc có gặp được rất nhiều trưởng bối. Khi học được câu: “Sự chư phụ, như sự phụ. Sự chư huynh, như sự huynh” (Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột), tôi nhận thấy học thì phải đi đôi với hành, và trong sâu thẳm cũng cảm thấy rằng làm cha mẹ thật là không dễ dàng gì. Hơn nữa mỗi một vị làm cha mẹ không những chỉ hy sinh cho con cái, mà hàng ngày họ vẫn có những cống hiến cho cái xã hội này. Cho nên khi về phòng nghỉ, tôi bắt đầu tìm một vị trưởng bối. Tôi hỏi ông sinh năm bao nhiêu. Khi ông nói tuổi thì tôi liền biết ông hơn tuổi cha tôi, nên tôi chào: “Bác Đàm! Cháu chào bác ạ!”.
Khi tôi cúi xuống chào thì phát sinh ra sự chuyển hóa hóa học gì? Khi tôi đứng lên thì vị trưởng bối này cười không khép miệng lại được. Ông nói: “Ngồi máy bay đến một nơi xa nhà tới mấy chục ngàn cây số mà còn nhận được một đứa cháu nuôi”. Cho nên ông rất vui vẻ. Ngoài ra tôi còn hỏi một vị tiên sinh họ Trần. Tôi chào: “Chú Trần! Cháu chào chú!”, bởi vì ông ít tuổi hơn cha tôi. Đột nhiên có một vị trưởng bối cũng chạy lại nói: “Tôi cũng muốn nhận cháu”. Người chú này sau này ảnh hưởng rất sâu sắc đến cuộc đời của tôi, đó là chú Lô.
Sau sự việc đó, tôi có một suy nghĩ rằng vị trưởng bối này đã rất yêu mến những người hậu sinh như chúng tôi. Ông sợ chúng tôi không gọi ông bằng chú cho nên tự động chạy lại nói “Tôi cũng muốn nhận cháu” là để tạo cơ hội cho những người hậu sinh như tôi. Cho nên tôi cũng cung kính lễ phép cúi chào: “Cháu chào chú Lô!”. Sau cái cúi chào này, cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn.
Cho nên, chúng ta cần dạy lịch sự, lễ phép. Chiều hôm sau chú Lô đến tìm tôi. Ngồi trong phòng khách, chú nói với tôi rằng, khi mới hai mươi chín tuổi chú đã làm Tổng Giám đốc. Chức vị Tổng Giám đốc này chú tự tìm cho mình. Nghe nói có một bảng quảng cáo rơi xuống thì trúng vào đầu những mấy vị Tổng Giám đốc, nhưng chú không thuộc những Tổng Giám đốc như thế. Mà chú là vị Tổng Giám đốc để cổ đông ngồi hai hàng hai bên, hỏi xem công ty họ xảy ra vấn đề gì, nhân sự xảy ra vấn đề gì và phải giải quyết ra làm sao. Những việc này đều cần có những kinh nghiệm thực lực để giải quyết và chú trả lời giải quyết trôi chảy. Năm hai mươi chín tuổi chú đã làm Tổng Giám đốc chuyên nghiệp, chuyên môn giúp người khác giải quyết những nguy cơ của công ty họ. Người có năng lực như vậy chúng ta rất khó gặp. Thật là may mắn, cũng bởi sự lễ phép của tôi làm cho trưởng bối cảm thấy được an ủi: “Bây giờ mà còn có những thanh niên biết lễ phép như thế!”. Cho nên chú đã ngồi xuống để kể cho tôi nghe kinh nghiệm và trí tuệ trong mấy mươi năm cuộc đời chú.
Tôi càng nghe, tâm trạng tôi lúc thì vui, lúc lại rất buồn. Tại sao lại buồn? Buồn vì nhãn quan của tôi quá kém, không biết được chân tướng của sự việc. Bởi vì lúc chú mới ngồi xuống cạnh tôi, tôi đã không nhận ra. Nhưng cũng từ đó mà tôi hiểu ra được một đạo lý, đó là: Người chân thật có năng lực thì rất khiêm tốn! Họ cũng giống như người chú thân thiết của các vị ở cạnh nhà, tuyệt đối không diễu võ, dương oai. Ngồi nói chuyện hơn hai tiếng đồng hồ, trong lòng tôi vô cùng cảm kích. Lúc đó tôi chỉ muốn làm ngay một động tác. Làm động tác gì vậy? Trong giây phút đó tôi mới chân thật hiểu được rằng tại sao dân tộc chúng ta lại tôn trọng thầy giáo đến vậy. Tại sao ư? Bởi vì một người thầy thì chân thật là rất chí công, vô tư. Họ chỉ hy vọng dùng trí tuệ của họ để thành toàn cho cuộc đời chúng ta, chứ hoàn toàn không yêu cầu chúng ta báo đáp. Ngay giây phút đó tôi đã hiểu được rất sâu sắc và lập tức quỳ xuống. Chú Lô ngày còn trẻ có học nhu đạo, cho nên động tác rất nhanh nhẹn, chú lập tức kéo tôi đứng dậy và nói: “Không cần phải vậy!”. Thế là tôi không quỳ được.
Bắt đầu từ hôm đó, mỗi lần chúng tôi học xong, chú Lô đều nói: “Nào! Chúng ta hãy đi tản bộ”. Vừa đi chú vừa hỏi tôi: “Hôm nay cháu nghe giảng về “Đệ Tử Quy” thấy thế nào? Nghe “Câu chuyện Đức Dục” cảm thấy ra sao?”. Tôi liền đem những suy nghĩ của tôi nói cho chú nghe. Nghe xong chú nói: “Cháu nghe chưa đủ sâu, nhìn chưa đủ rộng”, và chú bắt đầu phân tích từng chút một cho tôi nghe. Tuy chỉ ở với nhau có hơn hai tháng nhưng chân thật là chú đã gợi ý hướng đi cho cả cuộc đời tôi. Hai tháng này chân thật có thể tính được là trợ lực cho tôi cả cuộc đời. Ngoài hai tháng này ra, sau khi đã rời Úc, chỉ cần có cơ hội là tôi liền gọi điện cho chú. Chú cũng rất vô tư cho tôi rất nhiều ý kiến hay, để tôi có được những gợi ý rất tốt. Cho nên, kiêu ngạo thì không thể trưởng thành được. Vì vậy mới có câu: “Tự mãn thì thiệt thòi, khiêm tốn được ích lợi”. Chúng ta nhất định phải dạy dỗ con cái có thái độ khiêm tốn.
Điều thứ hai: “Xa“
Nếu như một đứa trẻ có tính xa hoa, hoang phí thì rất khó để thay đổi lại, bởi vì từ xa hoa, hoang phí mà chuyển lại thành cần kiệm thì rất khó. Có một vị thầy thư pháp được một phụ huynh học sinh gọi điện đến nói rằng, hôm nay muộn một chút mới có thể đến đón con được. Sau đó, vị phụ huynh hỏi thầy giáo có thể để đứa bé ăn cơm tối ở đó rồi mới đến đón con về. Vị thầy giáo này đồng ý và đưa đứa bé (đứa bé học tiểu học) đi ra quán ăn cơm. Khi vào quán, đứa bé cầm lấy thực đơn và gọi người phục vụ. Người phục vụ đến, đứa bé liền nói: “Cho cháu hai lon coca”. Trong lúc người phục vụ đi lấy coca thì đứa bé nghênh ngang chọn món ăn. Sau khi người phục vụ mang coca đến, đứa bé nói: “Món này, món này, món này” và tự mình chọn món ăn. Vị thầy giáo ngồi đó nhìn mà cứ ngớ người ra, đợi đứa bé chọn xong mang lại xem thì thấy toàn những món đắt tiền.
Đứa bé này học của ai vậy? Cha của đứa bé làm cán bộ nhà nước. Các vị coi, hành vi xa xỉ như vậy của người cha trực tiếp truyền cho con cái. Cho nên, chúng ta không nên thường xuyên dẫn con cái đi ăn uống linh đình. Chúng ăn quen những món xa hoa thì sẽ ăn không quen những món bình dân. Hơn nữa khi đến quán ăn, chúng thường sẽ nhìn thấy những hành vi không tốt của những người lớn ở đó. Bởi vậy những nơi không nên để con cái đến thì chúng ta cố gắng không để chúng lui tới. Chúng ta phải cẩn thận, không nên tạo cho chúng có thói quen xa hoa.
Mẹ tôi rất ít khi trang điểm, khi phải đến những nơi quan trọng thì mới trang điểm một chút. Cho nên hai chị gái tôi cũng rất ít khi trang điểm. Nhưng thật là hay, khi không trang điểm thì da lại rất đẹp. Cho nên “trên làm dưới theo“. Trong “Chu tử trị gia cách ngôn” có nhắc tới: “Không nên dùng những người hầu có sắc đẹp. Người làm vợ thì không nên trang điểm lộng lẫy”. Cho nên người làm vợ thì không nên ngày nào cũng trang điểm lộng lẫy. Khi đi ra ngoài sẽ có cả đống ruồi nhặng vây quanh, gây rối cho mình và cho người khác. Như vậy không tốt.
Có một đứa bé đi ra ngoài cùng với cha mẹ, mẹ của đứa bé trang điểm rất đẹp. Đứa bé bởi mới học xong “Chu tử trị gia cách ngôn” cho nên nói với mẹ rằng: “Người làm vợ thì không nên trang điểm lộng lẫy”. Hai vợ chồng nghe con nói liền nhìn nhau cười. Người mẹ cảm thấy đứa bé hiểu đạo lý. Người mẹ liền tự mình lau bớt phấn trên mặt đi một chút. Bởi vậy không nên tạo thành thói quen xa hoa, phù phiếm.
Điều thứ ba: “Dâm“
Theo cách nghĩ của người bình thường trên thế gian, chữ “dâm” là chỉ về nữ sắc. Thực ra không chỉ có nữ sắc là dâm. Chữ “dâm” này là chỉ ham mê một dục vọng nào đó không thể thoát ra được. Ví dụ như trẻ em thời nay mê chơi điện tử, lên mạng một cái là chơi những mấy tiếng đồng hồ, vui chơi làm mất chí khí. Bởi vậy chúng ta cố gắng hạn chế cho chúng chơi những trò chơi. Thật ra khi một người cảm thấy có niềm vui trong học tập, khi thật sự cảm thấy sứ mệnh của bản thân mình thì họ sẽ không lãng phí thời gian vào những việc không có liên quan gì đến cuộc sống của họ như vậy. Nhưng chúng ta ở đó mà bảo con cái không được làm cái này, không được làm cái kia, thì thà rằng hướng dẫn chúng biết mở rộng tấm lòng, để cho chúng có chí hướng đối với cuộc sống. Sau đó các vị hướng dẫn chúng cùng học tập, tạo cho chúng có thái độ hiếu học. Đây là việc rất quan trọng.
Điều thứ tư: “Dật”
Phóng dật, đó là du thủ, du thực. Chúng ta hãy xem có rất nhiều gia huấn đều rất chú trọng tạo cho con cái có thái độ cần lao. Câu thứ nhất của “Chu tử trị gia cách ngôn” có nhắc tới: “Sáng dậy sớm, quét dọn sân vườn, trong ngoài đều sạch sẽ, tối đến mới nghỉ, đóng khóa hết cửa nhà, tự mình đi kiểm tra”. Thời xưa có rất nhiều công việc nhà là do con cái làm. Chúng có lao động thì mới hiểu được sự vất vả của người phải làm việc như thế nào. Cho nên, chúng ta cũng từng nhắc tới rằng: “Có lao động thì mới biết được sự biết ơn”. Các vị có thấy rằng trẻ em thời nay rất ít trẻ có được lòng biết ơn. Nguyên nhân ở đâu? Bởi vì chúng đã được “cơm bưng tận miệng, nước rót tận tay”. Có một đứa bé sau khi nghe xong liền nói với tôi: “Thưa thầy! Cơm không bưng tận miệng, nước không rót tận tay thì làm sao mà ăn được?”. Đúng là không biết sự khó khăn của nhân gian!
Có một đứa bé được thầy giáo dùng “Đệ Tử Quy” để dạy chúng rằng ngày sinh nhật của chúng là ngày khó khăn, hoạn nạn của người mẹ. Cho nên trước đó thì đứa bé này rất muốn có bánh ga tô, nhưng bây giờ thì khác rồi. Vì vậy phải hướng dẫn chúng rằng vào ngày sinh nhật của mình thì phải cố gắng đừng để cho cha mẹ phải vất vả, khổ sở.
Có một bé gái học lớp 4, sau khi nghe xong, bé về nhà nói với mẹ rằng bé muốn xào một món cho mẹ ăn, bé muốn xào món dưa chuột. Khi vào bếp bởi vì thấp quá nên bé bắc ghế và đứng lên trên ghế. Tiếp theo là đổ dầu vào chảo, dầu nóng bắn lên. Bé đi tìm được đôi găng tay to đùng, sợ bị dầu bắn lên tay thế là bé đeo găng tay vào, sau đó bé cho dưa chuột vào chảo. Kết quả là dầu bắn lên càng cao. Trong tình thế cấp bách bé liền đi lấy mũ bảo hiểm của cha để đội, trang bị vũ trang đầy đủ như vậy. Cuối cùng trong tình trạng mồ hôi đầm đìa, bé cũng bưng được đĩa dưa chuột xào lên. Tin rằng khi bé bưng đĩa dưa chuột xào lên thì trong lòng cũng có trưởng thành hơn. Sau này khi ăn những món ăn mẹ làm, bé sẽ không còn chê nọ, chê kia nữa. Bởi có trải qua thì bé mới biết, mẹ vừa phải làm việc lại vừa phải nấu nướng bao nhiêu là món ăn, thật là vất vả.
Cho nên có lao động mới có lòng biết ơn. Các vị hãy hồi tưởng lại, lần đầu tiên chúng ta đi làm và sau khi làm xong chỉ lĩnh được một chút tiền công ít ỏi. Như vậy chúng ta mới cảm thấy tiền thật khó kiếm, và cũng cảm nhận được rằng: “Sao ngày xưa mình lại tiêu tiền nhiều như vậy! Thật có lỗi với cha mẹ”. Con người không phải Thánh Hiền, có ai là người không có lỗi. Cho nên bây giờ phải rất là tiết kiệm.
Thứ hai là ngoài việc biết cho đi thì mới có lòng biết ơn ra, trẻ em thường xuyên lao động thì sẽ rất cần cù, chăm chỉ. Chăm chỉ rất có lợi cho cơ thể, bởi trong quá trình làm việc, đầu óc chúng sẽ thường xuyên hoạt động. Cho nên đầu óc những học sinh thường xuyên giúp làm việc nhà rất linh hoạt. Có những em thành tích học tập rất tốt nhưng việc nhà thì không làm gì cả. Các vị có sai chúng làm, có khi chúng chỉ làm cho các vị thêm bực mình bởi chúng không có kinh nghiệm. Tôi có gặp phải một em học sinh, có bất kỳ việc gì đứa bé cũng nhờ mẹ gọi điện thoại để nói với tôi. Tôi liền nói với em đó rằng: “Em trực tiếp gọi cho thầy là được rồi. Làm sao lại phải phiền đến mẹ?”. Đứa bé chỉ biết cúi đầu, lần sau vẫn là bảo mẹ gọi điện thoại cho tôi. Trẻ nhỏ thường không đi gánh vác công việc, khi đối diện với công việc chúng rất là sợ sệt. Thật ra như vậy là làm hại trẻ.
Thứ ba, lao động làm tăng thêm ý chí cho con người. Chú Lô từng kể tôi nghe, khi chú còn nhỏ, thấy vại nước của nhà bên cạnh hết nước, mẹ chú liền nói với chú: “Nào! Con gánh đầy vại nước đi”. Vại nước của nhà ai vậy? Vại nước nhà hàng xóm. Lúc đó đã hơn bốn giờ, khoảng bốn, năm giờ chiều, gánh nước thì phải ra tận suối, vừa đi vừa về là một chuyến. Nhưng không phải gánh một chuyến là đầy, có thể phải gánh hai chuyến, gánh hai chuyến cũng phải đến tám chín giờ tối mới xong. Có gánh hay không? Vào thời chú bấy giờ, trẻ nhỏ rất kính trọng cha mẹ: “Phụ mẫu mệnh, hành vật lãn” (cha mẹ bảo, chớ làm biếng). Cho nên chú liền đi gánh, khi trở về cũng tám chín giờ tối, lúc đó mới đi ăn thì cơm đã lạnh tanh. Các vị có đành lòng không? Các vị không đành lòng thì sẽ không đào tạo ra được những nhân tài như chú Lô. Mẹ của chú biết được cách thường xuyên đi giúp đỡ người khác, cũng là cơ hội để cho chú rèn luyện ý chí.
Chú kể rằng cứ mỗi lần chú gặp phải áp lực lớn, áp lực về công việc thì trong đầu chú lại xuất hiện một cảnh tượng, đó là lúc chú gánh nước. Chú nghĩ: “Mình sắp chịu không nổi rồi, nếu như không chịu nổi và dừng lại ở đây thì cũng không có ích gì, vẫn cứ phải kiên trì đi từng bước một mà vượt qua”. Cho nên khi gặp phải thách thức, ý niệm đầu tiên của chú là: “Phải vượt qua!”. Bởi vậy lao động sẽ làm cho ý chí của một người không ngừng tăng thêm. Trẻ em hiện nay có phải là khiếm khuyết những điều này không? Đúng vậy! Cho nên phải nhanh chóng để cho trẻ nhỏ làm nhiều việc nhà. Chúng phải biết bỏ ra công sức thì mới tăng trưởng được những đức hạnh tốt, những thái độ tốt như thế này.
HẾT TẬP 12. XIN XEM TIẾP TẬP 13!