Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 15/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 15/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Chúng ta sẽ làm gì để khuyên người anh? Trịnh Quân tự mình đi làm nô bộc cho nhà người ta, làm công việc thấp hèn nhất, làm được một năm rồi dùng đồng tiền kiếm được đó đưa hết cho người anh. Sau đó ông nói với anh trai: “Chúng ta có thiếu thứ gì, chỉ cần chúng ta chăm chỉ lao động thì sẽ kiếm được tiền để mua. Nhưng nếu như danh dự của một người đã mất đi thì cả đời coi như mất hết”. Người anh thấy em trai vì muốn khuyên can mình mà phải đi làm người ở cho nhà người ta một năm trời thì rất lấy làm hổ thẹn. Từ đó ông bắt đầu thay đổi thái độ và trở nên rất thanh liêm. Sau này sự nghiệp của Trịnh Quân cũng phát triển rất tốt, làm đến chức Thượng Thư, tương đương với chức vị Tể Tướng. Cho nên, người có hiếu, có đễ thì sẽ tận trung với quốc gia. Ông cũng thường xuyên khuyên gián Hoàng Đế. Hoàng Đế cũng rất cảm kích sự phò trợ của ông, còn phong cho ông danh hiệu “Bạch Y Thượng Thư”. Hơn nữa Hoàng Đế còn ban cho ông rất nhiều bổng lộc, đến lúc ông già vẫn ban cho ông bổng lộc của chức Thượng Thư để phụng dưỡng ông.

Như các vị đã thấy, lúc đầu để khuyên can anh trai mà Trịnh Quân phải đi làm nô bộc cho người ta. Làm như vậy có phải ông đã bị tổn thất rất nhiều? Không! Cho nên “phúc điền tâm canh”, một người chân thật dùng đạo đức để lập thân hành đạo thì phúc phần của người đó sẽ càng tích càng dày. Không phải không có báo đáp mà là thời gian chưa đến, khi thời gian đã đến thì phúc phần của người đó không chạy đi đâu được. Cho nên người xưa có câu: “Chịu thiệt thòi là phúc”. Câu nói này thật là có ý nghĩa. Vừa rồi đã nhắc tới là sự khuyên can giữa anh chị em.

Vừa rồi chúng ta có nói tới làm thế nào để đi khuyên bảo trong quan hệ ngũ luân, và cũng đưa ra rất nhiều ví dụ với mục đích là để nuôi dưỡng tấm lòng của tất cả chúng ta. Sau đó, chúng ta sẽ thực hành để có trí tuệ khi sống với người khác, và còn phải có lòng kiên nhẫn. Tin rằng sau này, cuộc sống của tất cả quý vị đều diễn ra được những vở tuồng hay.

 

  1. THÂN HỮU TẬT, DƯỢC TIÊN THƯỜNG. TRÚ DẠ THỊ, BẤT LY SÀNG. TÁNG TAM NIÊN, THƯỜNG BI YẾT. CƯ XỨ BIẾN, TỬU NHỤC TUYỆT. TÁNG TẬN LỄ, TẾ TẬN THÀNH. SỰ TỬ GIẢ, NHƯ SỰ SANH

Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước

Ngày đêm hầu, không rời giường.

Tang đủ lễ, cúng hết lòng

Tang ba năm, thường thương nhớ

Chỗ ở đỗi, không rượu thịt.

Tang đủ lễ, cúng hết lòng

Việc người chết, như người sống

 

************

6.1. Thân hữu tật, dược tiên thường (Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước)

Khi cha mẹ có bệnh tật, thường thường đều là con cái nếm thuốc trước xem có còn nóng không. Nếu không, cha mẹ uống vào có thể sẽ bị bỏng. Khi thuốc không còn nóng quá, ta mới bưng lên cho cha mẹ uống. Đây là biểu hiện của người con hiếu thảo đối với cha mẹ khi bị bệnh, họ đều ở bên cạnh để chăm sóc. Câu chuyện này bắt nguồn vào thời Hán Văn Đế đời nhà Hán. Chúng ta chắc đều biết đến Văn Cảnh Chi Trị. Văn và Cảnh là hai vị Hoàng Đế trị vì đất nước rất tốt. Căn nguyên cũng là lấy chữ “hiếu” để cai trị thiên hạ. Thực ra là phải dẫn dắt đoàn thể, dẫn dắt gia đình cho tốt, thậm chí còn phải dẫn dắt quốc gia cho tốt và cũng không phức tạp như chúng ta tưởng tượng. Văn Đế chăm sóc mẹ ông ba năm tròn. Mẹ ông bị bệnh những ba năm, ông đều tự tay bưng thuốc hầu hạ như vậy. Sau đó thì bệnh của mẹ ông cũng thuyên giảm.

Vậy vào thời nay các vị có nghe nói, khi cha mẹ bị bệnh thì con cái thường xuyên ở bên cạnh không. Nhất định là cũng có. Bởi vì giống như Khổng Tử nói trong “Đạo Đức Kinh”: “Quốc gia hỗn loạn mới biết được ai là trung thần”. Khi con người càng ngày càng bất hiếu thì mới tìm ra được người con hiếu thảo thật sự. Người con đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi trào lưu hiện đại. Người con đó sẽ đứng vững không đổ ngã. Và cũng tin rằng khi người con đó có thể làm được những việc này thì sức khỏe của cha mẹ họ sẽ nhanh chóng hồi phục. Trước đây chúng ta có nhắc đến “Mạnh Tông khóc măng”, do tấm lòng chân thành mà cảm động được măng mọc ra. Sau khi ăn măng xong, mẹ ông rất vui nên bệnh tật mau khỏi.

Về vấn đề này chúng ta hãy dạy bọn trẻ rằng nếu như bây giờ mẹ bị bệnh, vậy những loại thuốc nào các em có thể đi thử. Đương nhiên nếu mẹ uống thuốc Trung dược thì người con có thể thử xem còn nóng hay không. Còn nếu như là thuốc Tây thì người con có thể đi thử “dược tiên thường(nếm thuốc trước) được không? Cho nên khi chúng ta dạy “Đệ Tử Quy”, khi các vị mang mỗi câu, mỗi nghĩa trong Kinh văn ra ứng dụng thì cũng phải phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống hiện nay mới được. Nếu không khi bọn trẻ lấy thuốc ra để uống thử thì người mẹ sẽ hỏi: “Sao các con lại làm vậy?” và bọn trẻ sẽ trả lời rằng thầy của chúng con dạy là: “Thân hữu tật, dược tiên thường” (Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước).

Cho nên chúng ta tiến thêm một bước để dạy cho bọn trẻ rằng khi mang nước ra cho cha mẹ uống thuốc thì phải kiểm tra xem nước không được lạnh quá và cũng không được nóng quá. Chúng ta còn phải dạy bọn trẻ phải suy nghĩ xem nếu như khi cha mẹ bị bệnh, hoặc là trong tình trạng cấp bách thì người làm con phải ứng phó như thế nào. Ví dụ mẹ bị huyết áp cao, đột nhiên phát bệnh và ngã xuống thì người con này phải làm sao. Cho nên, để xử lý những nguy cơ, các vị phải dạy bọn trẻ ngay từ nhỏ, khi đối diện với những tình huống cấp bách thì phải xử trí làm sao. Có như vậy bọn trẻ mới biết cách xử lý trong tình huống cấp bách một cách ung dung, không vội vàng, hấp tấp.

Vậy thì phải chú ý phương diện nào? Quy định thuốc men để ở đâu? Trong lúc cấp bách làm thế nào để lấy được thuốc? Nếu như để cả đống thuốc lẫn lộn ở đó, vậy trong tình huống cấp bách có tìm được không? Lúc đó chân tay lại luống cuống. Hơn nữa số điện thoại cấp cứu là bao nhiêu? 119 hay 110 để cầu cứu. Tiếp đến là số điện thoại những người thân của bọn trẻ, những điều này cũng cần cho bọn trẻ biết để khi gặp phải chúng còn biết cách xử lý. Thậm chí khi cha mẹ ốm nặng nằm ở trên giường thì phải chăm sóc như thế nào? Chúng ta cũng phải dạy để bọn trẻ biết cách, thậm chí còn cho chúng có cơ hội để thực tập. Tin rằng trong quá trình thực tập, chúng có thể càng làm sẽ càng tỉ mỉ hơn, càng hiểu được sự đau khổ của bệnh tật là ở đâu, hoặc người bệnh cần cái gì. Cho nên đây được gọi là “thân hữu tật, dược tiên thường” (cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước). Chúng ta có thể phát triển rộng ra để dạy cho bọn trẻ những phương pháp này, những thái độ này.

Một người bị bệnh, ngoài việc phải điều trị căn bệnh ra, chúng ta còn phải làm những gì để bệnh của cha mẹ, thậm chí là bệnh của người thân được hồi phục nhanh chóng. Điều này cũng đáng để suy nghĩ. Tục ngữ có nói: “Bác sỹ chữa được bệnh, không chữa được mạng sống”. Như chúng ta đã thấy, có rất nhiều người giàu có nhưng cũng không có mấy ai được trường thọ. Cho nên con người muốn được trường thọ cũng phải biết làm đúng phương pháp. Sống trong trời đất, chỉ cần các vị làm đúng phương pháp thì có thể đạt được. Bài giảng trước chúng ta đã nhắc đến rằng nguyên nhân chân thật của sự giàu có là biết “bố thí” tiền của. Cho nên: “Vạn pháp có nguyên nhân mới sinh ra kết quả”.

Một người làm sao để có thêm được sự thông minh trí tuệ. “Bố thí pháp” có thể tăng thêm sự thông minh trí tuệ. Về điểm này tôi có rất nhiều kinh nghiệm. Tôi còn nhớ hồi tôi có ý định thi vào đại học sư phạm, tôi phải đi học thêm. Lúc đó tôi cũng có kỳ vọng là sau khi học xong một tiết thì phải hiểu liền, cho nên rất chuyên tâm. Tôi ngồi ở dãy bàn thứ ba trong lớp. Bởi vì ngồi trước tôi đa số toàn là các bạn nữ, và chiều cao của tôi cũng cao hơn họ một chút, cho nên những người ngồi sau tôi đều biết phía trước có một học sinh cao hơn cái đầu. Trong lớp có rất nhiều bạn nữ học toán, vật lý, hóa học hơi kém, họ thường mang bài đến hỏi tôi. Tôi cũng thường bỏ thời gian ra để chỉ cho họ những vấn đề họ không hiểu. Có một người bạn tương đối thân với tôi đã đi đến bàn của tôi đập bàn và nói với tôi rằng: “Anh dạy người ta hơn một tiếng đồng hồ. Thế anh không cần phải học à?”. Anh ấy nhìn thấy vậy thì không chịu nổi: “Sao lại hao tổn thời gian của mình cho người khác như vậy?”. Tôi liền cười và nói với anh: “Thật ra khi dạy họ học thì tôi được lợi nhiều hơn. Bởi vì họ học là để hiểu cái vấn đề này, còn tôi là phải dạy để cho họ hiểu, như vậy là không giống nhau! Cho nên sự hiểu biết của tôi phải sâu sắc hơn, thấu đáo hơn ”.

Tôi dạy người khác làm toán, nhưng tự mình lại rất ít khi làm bài tập bởi vì không có thời gian. Có rất nhiều bạn học khác còn có thời gian đi làm bài tập ở các lớp học thêm khác. Kết quả sau này khi đi thi, năm thứ nhất tôi thi điểm toán được chín mươi điểm, điểm cao nhất là một trăm thì tôi được chín mươi. Năm thứ hai đề bài thi “Làm thầy giáo dạy thay”, tôi cũng không đi học bởi vì không có thời gian, nhưng khi thi cũng được tám mươi tám điểm. Năm thứ ba tiếp tục thi thì tôi vẫn được tám mươi tám điểm. Điều này biểu hiện rằng vì trước đây đã thực hành “pháp bố thí”, trước đây đã rất vui vẻ dạy cho người khác cách học bài thì năng lực tư duy lô gíc của chúng ta sẽ càng ngày càng tăng thêm. Cho nên “pháp bố thí” chân thật sẽ đem lại sự thông minh trí tuệ.

Bởi hiểu được như vậy nên tôi thường xuyên hỏi bạn bè một câu hỏi: “Có phải trí nhớ tỷ lệ nghịch với tuổi tác không?”. Có hay không? Không phải! Đa số đều nói rằng sống càng lâu thì trí nhớ sẽ bị suy giảm. Kết quả của sự sống càng lâu thì trí nhớ càng kém giảm, nguyên nhân là do không dùng đến nữa. Còn là do có quá nhiều phiền muộn. Hàng ngày đều là mây đen mù trời, nghĩ đến cuối cùng thì không nghĩ ra được gì nữa. Cho nên tại sao trí nhớ của con người như chúng ta lại bị suy giảm? Bởi vì chúng ta không dùng đến nó. Thêm nữa lại do chúng ta có quá nhiều điều phiền muộn thì đương nhiên trí nhớ càng ngày phải càng suy giảm thôi.

Thầy Lý Bỉnh Nam chín mươi bẩy tuổi khi giảng bài không cần giở sách. Từ khi tôi hai mươi lăm tuổi thì bắt đầu tiếp xúc với những Kinh điển của Thánh Hiền, và cũng rất chăm chỉ để học hỏi nên trí nhớ của tôi cũng vẫn duy trì như vậy. Cho nên “bố thí pháp” chân thật có thể mang lại sự thông minh, trí tuệ. Hơn nữa ai ai cũng có thể làm được. Chúng ta phải biết được rằng, Mạnh Tử cũng từng nói với chúng ta: “Thuấn hà nhân dã? Dư hà nhân dã? Hữu vi giả dịch nhược thị”.

Tốt rồi, thứ nhất là “bố thí tiền tài”, thứ hai là “bố thí pháp”. Cuối cùng là “bố thí vô úy” thì sẽ mang lại sức khỏe, trường thọ. “Vô úy” là làm cho người khác không còn sợ hãi, đây được gọi là “vô úy”. Tôi đưa ra một ví dụ thực tế nhất, chân thực nhất là bà Hứa Triết 106 tuổi ở Singapore. Bà không ngừng giúp đỡ người khác tránh được sự đau khổ của bệnh tật, thậm chí là tránh khỏi sự đau khổ trong cuộc sống. Bà đều chủ động đến giúp đỡ. Khi bà trên năm mươi tuổi mới bắt đầu đi học làm y tá. Tinh thần đó khiến cho chúng ta rất khâm phục. Bà thường xuyên giúp đỡ người khác, đều giúp đỡ để giải quyết nỗi đau khổ của người khác. Cho nên, bà nhận được sức khỏe, trường thọ. 106 tuổi rồi mà bà đi đứng vẫn nhanh nhẹn, khi nói chuyện rất có sức sống. Chúng ta nhìn không thấy là bà đã hơn 100 tuổi. Cho nên, chân lý là phải do chúng ta tự mình đi chứng thực. Như vậy thì các vị mới có thể tin tưởng hoàn toàn.

Trước khi tôi đi Úc, ông nội tôi (lúc đó đã tám mươi tư tuổi) bị trúng phong. Ông trúng phong vào ban đêm, chúng tôi vội vàng đưa ông đi bệnh viện. Kết quả bác sĩ nói rằng: “Tám mươi mấy tuổi rồi, chúng tôi không dám làm phẫu thuật bởi vì huyết quản cả một vùng bị tắc nghẹn rồi. Cho nên các vị chuẩn bị lo hậu sự đi là vừa”. Thông thường trúng phong thì sẽ tắc một đường huyết quản. Nhưng của ông là cả một vùng bị tắc nghẽn. Cha tôi và cả chú tôi, cô tôi đều rất hiếu thảo. Đối diện với sự việc đột ngột như vậy, bởi vì trước giờ ông nội tôi không hề bị bệnh tim. Người ông gầy và cao, xem ra thì rất khỏe mạnh, nhưng thật ra đã xuất hiện triệu chứng, chỉ là không để ý mà thôi. Bởi có một thời gian ông tôi cảm thấy đau đầu, chóng mặt, nhưng cũng không nghĩ đến bởi ông không bị cao huyết áp, khi đau đầu thì cứ nghĩ là do bị cảm, cho nên mới không phát hiện ra triệu chứng này.

Tôi thấy cha tôi và mấy vị trưởng bối này đều cuống cả lên. Lúc này tôi liền nói với cha, tôi nói rằng bố thí vô úy thì sẽ được sức khỏe và trường thọ. Cho nên tôi nói: “Cha à! Bây giờ cha đưa cho con năm mươi ngàn đồng, nhất định phải là tiền của ông nội. Phải mang tiền của ông đi để bố thí vô úy thì mới trực tiếp giúp đỡ được ông nhanh nhất”. Đương nhiên cha tôi rất tin tưởng tôi và liền đưa tiền cho tôi. Sau đó tôi đi đến phòng hồi sức để nói chuyện với ông nội, tôi nói: “Hiện giờ có rất nhiều người nghèo khổ, đói rét, mà chúng ta có thể giúp đỡ được”. Kết quả là ông nội tôi gật đầu đồng ý mà không nói được thành lời. Tôi liền mang tiền đó đi cứu tế, đi giúp những người nghèo khổ. Và kết quả ở phòng hồi sức được năm ngày thì ông nội tôi được chuyển sang phòng bệnh bình thường. Cho nên các vị phải thực tế đi chứng thực.

Sau khi chuyển qua phòng bệnh thường, bác sỹ có nói: “Người đã tám mươi mấy tuổi mà bị trúng phong thì sẽ không đứng dậy đi lại được, các vị cần chuẩn bị trước đi”. Lúc đó tôi đã xin thôi việc để chuẩn bị đi Úc học. Tôi có hẹn với ông nội, tôi nói: “Lần sau cháu trở về ông phải đứng dậy đi cho cháu xem”, tôi đã hẹn với ông như vậy. Sau khi sang đến Úc, bởi vì Học viện Tịnh Tông có bồi dưỡng rất nhiều vị thầy hoằng dương học vấn Thánh Hiền, cho nên tôi đã mang tiền đến đó để bố thí, và cũng lấy danh nghĩa của ông nội tôi để quyên tặng. Vào hôm tôi quyên tặng tôi có gọi điện cho mẹ tôi, mẹ tôi nói: “Ông nội con đã đi được rồi”.

Cho nên có rất nhiều chân lý, chúng ta tuyệt đối phải dùng lòng chí thành để tìm cách chứng thực. Thánh nhân tuyệt đối không bao giờ nói lời vọng ngữ. “Thân hữu tật, dược tiên thường(Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước), ngoài việc phải chữa bệnh cho họ, còn phải chữa cái mệnh của họ. Khi một người bố thí vô úy càng nhiều thì thân thể càng khỏe mạnh.

6.2. Trú dạ thị, bất ly sàng (Ngày đêm hầu, không rời giường)

Đây là lòng chí thành của người con hiếu thảo thể hiện ra hành động. Đương nhiên nếu cơ thể của các vị không được khỏe thì cũng không nên cố gắng quá, khi cần nghỉ thì phải nghỉ một lúc. Nhưng khi cha mẹ cần thì chúng ta có thể biết là được, các vị cũng có thể ngủ ở bên cạnh, nhưng phải lấy một sợi dây buộc vào, để khi cha mẹ cần các vị thì chỉ cần kéo một cái là các vị có thể thức dậy liền. Chúng ta phải ứng biến linh hoạt. Các vị không nên nói rằng: “Hán Văn Đế không ngủ thì tôi cũng phải noi gương Ngài”. Không cần thiết phải như vậy!

6.3. Tang tam niên, thường bi yết. Cư xứ biến, tửu nhục tuyệt (Tang ba năm, thường thương nhớ. Chỗ ở đỗi, không rượu thịt)

Câu này là chỉ khi cha mẹ mất. Trong “Hiếu Kinh” có một đoạn giáo huấn rất quan trọng là: “Cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc”, chúng ta dùng tấm lòng cung kính, tấm lòng làm cho cha mẹ vui vẻ để phụng dưỡng cha mẹ. “Bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm”, đó là lúc tang sự. Chúng ta phải cảm hoài ân đức của cha mẹ, khi thờ cúng thì phải trang nghiêm, không quên lời giáo huấn của cha mẹ. Đây là bổn phận của người con hiếu thảo. Cho nên lúc tang lễ chúng ta phải làm cho nghiêm túc và trang trọng, không được ồn ào, ầm ĩ. Lúc làm tang lễ, có gia đình còn thuê rất nhiều người đến khóc thuê. Như vậy có ý nghĩa không? Làm gì có ý nghĩa! Chúng ta phải thường xuyên ghi nhớ ân đức của cha mẹ ở trong lòng. Hơn nữa Âu Dương Tu có một câu giáo huấn rất hay và rất có ý nghĩa. Ông nói: “Tế nhi phong, bất như dưỡng chi bạc dã(Thờ cúng có nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không bằng phụng dưỡng cho tốt khi cha mẹ còn sống). Lúc sống không phụng dưỡng, đến khi chết lại tiêu tốn một đống tiền. Thật là điên đảo, thị phi!

Cho nên lúc cha mẹ còn khỏe thì chúng ta phải quý trọng, phải phụng dưỡng cho tốt. Đến khi cha mẹ mất đi thì chúng ta cũng cảm thấy vững lòng, thấy cũng được an ủi vì dẫu sao chúng ta cũng đã tận hết sức. Ngày xưa có một câu danh ngôn: “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi dưỡng cha mẹ nhưng cha mẹ không đợi”. Những việc đáng buồn như vậy đừng để xảy ra cho cuộc đời chúng ta. Nếu như cha mẹ các vị đã mất, các vị còn có thể tận hết lòng hiếu của các vị không? Đương nhiên vẫn có thể, chỉ cần các vị tận tâm, tận lực đi “lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế” là vẫn có thể “dĩ hiển phụ mẫu”. Hơn nữa chúng ta tận tâm, tận lực nuôi dạy con cái cho tốt, để cho huyết mạch của gia đình chúng ta ngày càng tốt hơn. Như vậy chúng ta cũng có thể làm yên lòng linh hồn cha mẹ trên trời cao. Cho nên tang lễ thì phải cử hành cho nghiêm túc, trang trọng, có thể làm theo ý nguyện của cha mẹ. Trong lúc cử hành tang lễ, chúng ta và tất cả gia tộc tưởng nhớ lại sự cống hiến một đời của cha mẹ cho gia tộc, và thông qua tang lễ để truyền đạt những kỳ vọng của cha mẹ đối với  gia tộc.

Tang tam niên”, “tam niên” là nghi lễ của thời ngày xưa, phải để tang ba năm, “thường bi yết” (thường thương nhớ), có rất nhiều người căn cứ câu văn này để giải thích, họ nói: “Phải khóc ba năm”. Vậy thì mệt chết mất! Cho nên cứ giải thích theo câu văn thì Thánh Hiền cũng đến phải kêu oan! Câu “thường bi yết” (thường thương nhớ) là nói nỗi buồn tự nhiên của người con hiếu thảo. Bởi vì mấy chục năm nay, người con hiếu thảo đều ghi nhớ ân đức của cha mẹ trong lòng. Khi cha mẹ mất đi thì họ rất khó mà chấp nhận, chỉ cần nghĩ đến cha mẹ, họ lại nước mắt tuôn rơi. Cho nên gọi là “thường bi yết” (thường thương nhớ).

Bởi vì tình cảm thương nhớ này mà làm cho “cư xứ biến, tửu nhục tuyệt” (chỗ ở đỗi, không rượu thịt). “Lễ” thật ra là xuất phát từ nội tâm của một con người tự nhiên mà làm ra. Khi cha mẹ vừa mất đi, liệu họ có đi ăn chơi đàng điếm hay không ? Không thể! Cho nên được gọi là “cư xứ biến” (chỗ ở đỗi). Khi cha mẹ mất đi thì tự nhiên họ không muốn ăn uống những thứ rượu thịt đó nữa, không muốn tiêu pha phung phí nữa. Cho nên gọi là “tửu nhục tuyệt” (không rượu thịt).

6.4. Tang tận lễ, tế tận thành (Tang đủ lễ, cúng hết lòng)

Chữ “tế” ở đây là nói hàng năm cố định vào một thời gian thờ cúng cha mẹ. Đây là một mỹ đức của dân tộc chúng ta, cho nên mới có Từ Đường. “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” cũng có nhắc tới: “Tổ tông tuy viễn, tế tự bất khả bất thành”. “Luận Ngữ” cũng nhắc rằng: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”. Con người chỉ cần thường xuyên nghĩ rằng nhờ có cha mẹ, nhờ có Tổ tông thì mới có chúng ta ngày hôm nay. Luôn luôn có tấm lòng như vậy thì lòng người sẽ rất phúc hậu.

Thờ cúng thì phải chí thành, mỗi lần thờ cúng không nhất định phải làm rất phức tạp, nhưng chúng ta nhất định phải duy trì thường xuyên, làm để cho con cháu học tập theo. Có một người cha, ông cũng phụng dưỡng cha mẹ rất hiếu thuận. Sau này cha mẹ mất đi, ông cũng cố định thời gian để đi tảo mộ. Cho nên hai người con của ông cũng ghi nhớ ở trong lòng. Có một hôm, trường mẫu giáo phát cho mỗi em một cái kẹo, kẹo rất là ngon. Đứa bé không ăn ngay mà mang về đưa cho cha. Người cha thấy vậy rất cảm động. Đứa con nói: “Cha à! Khi ông bà còn sống, mỗi lần có đồ ăn, cha lại đem mời ông bà ăn trước. Cho dù ông bà đã mất đi, cha vẫn thường xuyên mang đồ lễ đi cúng tế ông bà. Hôm nay trường của con có phát hai cái kẹo, thì con cũng để dành cho cha ăn”. Cho nên đây là trên làm thì dưới noi theo.

6.5. Sự tử giả, như sự sinh (Việc người chết, như người sống)

Thái độ phụng dưỡng cha mẹ khi đã mất giống như khi cha mẹ còn sống, tuyệt đối không thay đổi. Những kỳ vọng và giáo huấn của cha mẹ đối với chúng ta, tuyệt đối không vì cha mẹ mất đi mà có sự thay đổi, thậm chí càng phải nỗ lực mới phải, phải xứng đáng với ân đức dưỡng dục của cha mẹ.

Có một em nhỏ, vào lúc bà ngoại qua đời, họ ngồi trên xe tang, người cậu bê lọ cốt của bà ngoại. Vì đường đi hơi gập ghềnh nên người cậu nói với tài xế: “Anh hãy lái chậm một chút bởi mẹ tôi không quen đi xe chạy nhanh”. Đứa bé thấy thế thì rất cảm động. Khi đến trường học, nó liền hỏi thầy giáo: “Thưa thầy! Hành động này của cậu em có phải là “sự tử giả, như sự sinh” (việc người chết, như người sống) hay không?”. Cho nên, chúng ta không nên xem thường trẻ nhỏ bởi trẻ nhỏ cũng rất có ngộ tính.

Dạy trẻ nhỏ chữ “hiếu” có rất nhiều phương pháp. Chúng ta đều có thể ứng dụng chữ “hiếu” rất tốt trong cuộc sống. Chúng ta thử nghĩ xem, dạy trẻ nhỏ hiếu đạo thì có những phương pháp nào là quan trọng ? Chúng ta phải nắm vững cương lĩnh. Quan trọng nhất là cái gì? “Lấy thân làm gương!”. Đáp án này rất chính xác. Nào! Hãy vỗ tay tán thưởng! Lấy thân làm gương”, điều này rất quan trọng.

Dạy hiếu đạo, điều thứ hai là phải “thân sư hợp tác. Thầy cũng dạy, phụ huynh ở nhà cũng phải kết hợp dạy thì hành vi của trẻ nhỏ sẽ rất nhanh chóng đi vào quỹ đạo. Cho nên khi chúng tôi dạy ở trường mẫu giáo ở Thẩm Quyến, mỗi tuần các phụ huynh đều có một tiết học giáo dục trong gia đình, đều dạy “Đệ Tử Quy”, và học tập từng câu, từng câu một. Những người phụ huynh này kết hợp rất tốt với thầy giáo. Cho nên hành vi của trẻ nhỏ cũng nhanh chóng chuyển đổi, bởi khi trẻ còn nhỏ thì thầy giáo và phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn đối với chúng. Các vị hãy hồi tưởng lại khi bọn trẻ còn nhỏ, mở miệng ra là chúng nói: “Cha của tôi nói rằng….”, “Mẹ của tôi nói rằng…”. Đến khi đi mẫu giáo thì nói: “Thầy giáo nói rằng….”. Cho nên cơ hội tốt như vậy thì phải tận dụng triệt để, đó là “thân sư hợp tác”.

Tiếp theo là phải “phu thê hợp tác. Thầy giáo dạy không đủ cũng không sao, bởi vì không nhất định thầy giáo hiểu được sự quan trọng khi dạy hiếu đạo. Đương nhiên khi thầy giáo không hiểu thì các vị phải mang “Đệ Tử Quy” ra nói với thầy giáo. Bởi vì xã hội là sự chuyển động tương hỗ, chúng ta không nên xem thường sức mạnh của chúng ta. Chúng tôi đẩy mạnh quảng bá rất nhiều trường ở Hải Khẩu và đều là những phụ huynh đi dẫn đầu.

Khi thầy giáo chưa dạy thì chúng ta phải nhanh chóng đi dạy. Vợ chồng có thể hợp tác để dạy bảo. Ví dụ các vị là mẹ, nếu như các vị nói với con cái rằng: “Con trai à ! Mẹ sinh con rất là vất vả, cho nên con phải hiếu thảo với mẹ”. Các vị có nói được như vậy không? Hình như cảm thấy ngượng ngùng làm sao ấy. Nói tóm lại là tự mình không thể nói tốt cho mình được. Lúc này thì người cha có thể dạy con hiếu thảo với mẹ, người cha nói: “Con trai à! Con có thể không hiếu thảo với cha cũng được, nhưng con nhất định phải hiếu thảo với mẹ của con. Tại sao ư? Tại vì mẹ con khi mang thai con thì rất là khổ sở, ngày nào cũng nôn oẹ”. Các vị mang nỗi vất vả, khổ sở của người mẹ ra để kể. Các vị nói càng chân thành thì con cái có khi nghe đến nửa chừng là nước mắt đã tuôn rơi. Chúng biết ơn thì sẽ báo ơn! Các vị không thể nói rằng: “Thầy Thái à! Cái đó tôi không biết, tôi bận rồi”. Như vậy là làm chồng không đạt yêu cầu. Và người chồng cũng phải thường xuyên bầu bạn với vợ. Cho nên người chồng mà nói hộ vợ như vậy thì có thể làm cho trẻ nhỏ biết được đi quý trọng, đi quán chiếu ân đức của người mẹ.

Người vợ phải nói hộ chồng mình, phải nói với bọn trẻ rằng cha làm việc rất vất vả, để cho chúng cảm nhận được sự vất vả hàng ngày của người cha. Chúng sẽ tự nhiên sinh lòng kính trọng đối với người cha. Vậy các vị có khi nào nói giúp cho chồng mình không? Phải nói! Như vậy bọn trẻ mới cảm nhận được sự vất vả của người làm cha, người làm mẹ. Có một số chị em phụ nữ không những không nói đến công lao của chồng, mà đôi khi trước mặt bọn trẻ còn quên mất sự tồn tại của người chồng: “Người cha này của con …”. Lời nói như vậy là phạm vào đại kỵ của nhà binh. Lời nói như vậy sẽ nảy sinh ra ảnh hưởng không tốt gì? Sự kính trọng của bọn trẻ đối với người cha sẽ giảm bớt dần dần.

Hôm nay cho dù chồng các vị có gây ra những chuyện không tốt gì đi nữa, các vị cũng phải “xấu che, tốt khoe”. Nếu các vị chỉ biết bới móc cái xấu thì con cái đối với cha căn bản sẽ không tôn trọng. Người cha có cảm nhận được không? Anh ấy sẽ nghĩ: “Vợ mình coi thường mình, ngay cả con cái mình cũng coi thường mình. Được rồi, vậy thì mình sẽ xấu cho họ coi!”. Vô hình trung các vị đã đẩy anh ấy ra khỏi gia đình. Con người đều có mặt tốt, mặt xấu. Vào lúc này nếu các vị thường xuyên nói cha của con có những điểm tốt gì, thì con cái sẽ nói với cha: “Cha à! Việc này cha rất giỏi, việc kia cha cũng rất giỏi”. Người cha thấy con cái coi trọng mình như vậy thì nghĩ mình càng phải biết quý trọng chúng nó, càng phải cố gắng hơn để xứng đáng với sự ủng hộ của các con, và tự nhiên anh ấy sẽ phát triển theo hướng tốt. Cho nên dạy hiếu đạo còn cần có sự hợp tác của vợ chồng.

Còn nữa, nguyên tắc giáo dục trong gia đình phải thống nhất và cùng một phương pháp. Nếu như nguyên tắc dạy dỗ con cái của vợ và chồng không giống nhau, vậy thì đứa trẻ phải nghe ai? Nếu như ông nội, bà nội cũng lại tham gia vào, vậy thì sẽ biến thành cái xe ngựa mấy đầu? Lúc đó bọn trẻ biết nghe ai? Bọn trẻ nhất định sẽ chọn nấp sau lưng người nào có quyền lực nhất, khi đó thì sẽ rất khó để dạy bảo. Cho nên người lớn trong gia đình phải thường trao đổi với nhau mới được.

Có một vị nữ sỹ, cô cũng đã tự mình âm thầm dạy “Đệ Tử Quy” cho con mà cũng không hỏi bố chồng phải dạy như thế nào, hỏi chồng phải dạy như thế nào. Cô không làm như vậy mà cứ từng chút, từng chút một dạy con. Một hôm, đứa con vào phòng của ông nội, nó hỏi ông nội: “Ông à! Cháu có thể mở cái này ra xem không?”. Ông nội chợt cảm thấy đứa bé này nhỏ như vậy mà đã biết lễ phép thì liền hỏi: “Ai dạy cháu thế?”. Đứa bé nói: “Mẹ cháu dạy cháu. Mẹ cháu nói: “Sự tuy tiểu, vật thiện vi” (việc tuy nhỏ, chớ tự làm). Ông nội nghe xong rất vui, lập tức đi nói với con trai, ông nói: “Vợ con rất để tâm trong việc dạy bảo con cái, con cũng nên hỗ trợ vợ con”. Cho nên bố chồng cũng nói giúp cô. Hàng ngày vào buổi sáng khi thức giấc, gia đình họ đều bật đĩa giảng về “Đệ Tử Quy” và cùng nhau thức dậy.

Tự giúp mình sau đó mới có người khác giúp mình, bỏ công sức của mình bằng sự chân thành thì tự nhiên sẽ làm cho những người xung quanh dần dần có chung nhận thức.

HẾT TẬP 15. XIN XEM TIẾP TẬP 16!