CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 36/40
Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005
Chúng ta đã tiến vào chương thứ năm của “Đệ Tử Quy” là “Phiếm ái chúng” (yêu thương tất cả mọi người, yêu thương tất cả mọi chúng sinh). Đương nhiên chữ “yêu” này là chữ hội ý, đó là phải dùng tấm lòng của mình để cảm nhận xem đối phương có nhu cầu gì, dùng tấm lòng để cảm nhận cảm giác của người khác. Như vậy thì giữa con người với con người sẽ được hòa thuận, vui vẻ, sẽ không thường xảy ra xung đột, tranh chấp.
Mạnh Tử có nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Vậy thì thiên thời, địa lợi, nhân hòa, điều gì là quan trọng nhất? Nhân hòa. Đúng vậy! Cho nên chúng ta đối xử tốt với nhau thì mới có được nhân hòa tốt, mới có được sức mạnh của tập thể. Vậy thì làm sao để có được nhân hòa? Đương nhiên là trong cuộc sống, trong sinh hoạt, trong sự đối nhân, xử thế chúng ta phải thực hiện những giáo huấn của “Đệ Tử Quy”. Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Kỷ hữu năng, vật tự tư” (mình có tài, chớ dùng riêng). Vậy thì đương nhiên các vị sẽ có được nhân hòa.
Mạnh Tử tiếp đó có nói: “Đắc đạo giả đa trợ, thất đạo giả quả trợ” (Người có đạo thì có thể có được rất nhiều sự giúp đỡ, người không có đạo thì rất ít người giúp đỡ họ). Quý vị thân mến! Chữ “đạo” ở đây có nghĩa gì? Đắc đạo, thất đạo trong “Trung Dung” có nói đến chữ “đạo” này, đó là “tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân”. Chữ “đạo” này là đại diện cho tâm “nhân từ”. Khi một người nơi nơi đều có thể nghĩ cho người khác thì họ đã ở trong đạo nhân ái rồi. Cho nên người có “đạo” là đại diện cho ý niệm của họ có thể nghĩ cho người khác. Vậy người không có “đạo” thì đều là ích kỷ, tự tư, tự lợi, không quan tâm cảm nhận của người khác như thế nào, không quan tâm nhu cầu của người khác, chỉ biết có bản thân mình.
Trải qua một thời gian dài, tất nhiên vì ý niệm không giống nhau mà sẽ cho ra kết quả không như nhau. Cho nên “Đắc đạo giả tất đa trợ, thất đạo giả tất quả trợ”. Quả trợ chi chí, thân thích bạn chi”, bởi vì họ ích kỷ đến cực điểm, ngay cả bạn bè, họ hàng thân thích cũng xa lánh họ, cho nên mới nói “chúng bạn thân li”. Vậy thì “đa trợ chi chí, thiên hạ thuận chi”, nếu như nơi nơi họ đều nghĩ cho người khác, làm những việc nhân đạo, vậy thì người trong thiên hạ sẽ cảm nhận được tấm lòng nhân từ của họ, và sẽ hy vọng có thể theo họ để cùng nhau chung sức, cùng có một cuộc sống tươi đẹp.
Như chúng ta đã thấy, Chu Văn Vương dùng tấm lòng nhân từ của mình để lấy được nhân tâm. Có một lần đang xây dựng công trình, người thợ xây dựng đào đất phát hiện có mấy bộ hài cốt. Chu Văn Vương ở bên cạnh nhìn thấy. Chu Văn Vương hết sức lo sợ, lập tức làm lễ tế rất thận trọng và đem chôn cất tử tế. Những người ở bên cạnh thấy vậy rất cảm động, họ nói: “Ngay đến người đã chết, Chu Văn Vương cũng không dám khinh mạn, cũng đều kính trọng như vậy thì đối với người sống chắc sẽ tận tâm quan tâm, yêu dân như con”. Cho nên triều đại nhà Chu rất nhanh chóng đã lấy nhân nghĩa để thống nhất thiên hạ. Hơn nữa đây còn là triều đại hưng thịnh, lâu dài nhất của Trung Quốc. Triều đại của họ kéo dài đến những 800 năm.
Chúng ta hãy đi xem tại sao “đắc đạo đa trợ”. Lời giáo huấn “Phiếm ái chúng” (bình đẳng thương yêu tất cả chúng sinh) trong “Đệ Tử Quy” thực tế mà nói cũng là xoay quanh chữ “nhân”, nhân từ. Vậy thì chúng ta hãy xem xem “Kỷ hữu năng, vật tự tư” (mình có tài, chớ dùng riêng), có thể tận tâm, tậm lực phục vụ người khác.
Vào thời nhà Tống, Tể Tướng Phạm Trọng Yêm khi còn nhỏ gặp một vị thầy tướng số. Ông liền đi đến và nói với vị thầy tướng số này rằng: “Ông có thể xem tướng giúp cháu, xem cháu có thể làm được Tể Tướng không?”. Vị thầy tướng số nghe vậy thì rất kinh ngạc: “Đứa bé này tuổi hãy còn nhỏ, thế mà khẩu khí lớn vậy!”. Khi vị thầy tướng số này nói như vậy, Phạm Trọng Yêm có chút thẹn thùng và cúi đầu xuống, rồi lại hỏi tiếp: “Nếu không như vậy cũng được, ông hãy xem cho cháu xem cháu có làm được thầy lang không?”. Vị thầy tướng số cũng có chút hoài nghi: “Kỳ lạ thật! Mới đầu còn hỏi có thể làm Tể Tướng không, bây giờ lại hạ thấp xuống làm thầy lang“. Cho nên vị thầy tướng liền hỏi ông: “Tại sao hai nguyện vọng lại quá chênh lệch vậy?”. Phạm Trọng Yêm liền trả lời: “Bởi duy chỉ có làm Tể Tướng tốt, hoặc làm thầy lang tốt thì mới chân thật cứu được người. Một vị Tể Tướng tốt, chỉ cần xử lý tốt chính sách của đất nước thì có thể giúp đỡ được hàng nghìn, hàng vạn người dân. Còn thầy lang làm tận tâm, tận lực, thì cũng có thể giúp cho người khác thoát khỏi cảnh ốm đau, bệnh tật”. Khi vị thầy tướng số nghe Phạm Trọng Yêm nói vậy thì rất cảm động, thấy ông còn nhỏ tuổi mà đã có chí hướng không vì bản thân mình mà chỉ vì muốn giúp đỡ người khác. Cho nên ông rất cảm động, lập tức nói với Phạm Trọng Yêm rằng: “Cháu có tấm lòng như vậy, nhất định cháu sẽ làm Tể Tướng. Đây chân thật mới là tấm lòng của một vị Tể Tướng”.
Quý vị thân mến! Phạm Trọng Yêm sau này có làm được Tể Tướng không? Điều này cũng không ngoài dự tính, bởi vì từ nhỏ ông đã lập chí để làm Tể Tướng. Cho nên khi ông đi học, khi ông học “Tứ Thư”, học “Ngũ Kinh” thì ông học cách làm thế nào để trị quốc, bình thiên hạ. Những người học trò bình thường khác thì học công danh, lợi lộc. Xin hỏi: Học như vậy thì có giống nhau không? Kiến thức có giống nhau không?
Quý vị thân mến! Chúng ta phải để con cái có chí hướng từ khi còn bé. Một khi đã xác định được mục tiêu thì trẻ nhỏ sẽ dốc toàn lực để thực hiện. Hơn nữa “đắc đạo giả đa trợ”, tất nhiên là như vậy rồi, khi con cái của các vị chân thật phát tâm vì lợi ích của xã hội thì có khả năng trong quá trình chúng trưởng thành, sẽ có rất nhiều quý nhân đến giúp đỡ.
Cho nên trong quá trình Phạm Trọng Yêm làm quan vào thời nhà Tống, ông cũng mua rất nhiều ruộng để làm việc nghĩa. Họ hàng của ông có hơn ba trăm người cũng đều do ông chăm sóc, mua ruộng để làm việc nghĩa, để cho họ cấy cầy ở đó. Như vậy họ mới có thể có một cuộc sống đầy đủ. Bổng lộc của ông, chỉ cần thấy có bạn bè, họ hàng thân thích kết hôn hay có khó khăn gì thì ông cũng đều khẳng khái mang tiền ra giúp đỡ. Có cho đi thì sẽ có thu lại. Vậy ông thu lại được điều gì? Sự thành tựu của Phạm Trọng Yêm gần bằng với Khổng Phu Tử. Sự thành tựu của họ còn hơn cả các triều đại vua chúa. Gia tộc của Phạm Trọng Yêm cũng hưng vượng hơn 800 năm mà không suy thoái, còn Khổng Phu Tử thì có hơn hai nghìn năm mà không suy thoái. Bởi vì họ đều dùng tấm lòng chân thành để cống hiến cho xã hội.
Phạm Trọng Yêm ngoài việc dùng tiền bạc để tận tâm, tận lực giúp đỡ cho những người thân thích, bạn bè , ông còn xây dựng một trường học công ích để có thêm nhiều người biết đến lời giáo huấn của Thánh Hiền và tiến thêm một bước là có thể báo ơn với đất nước. Cho nên Phạm Trọng Yêm đã cho xây dựng trường học, kéo dài đến đời nhà Thanh thì có đến mấy trăm người đỗ Tiến sĩ, có mấy chục người đỗ Trạng Nguyên. Mảnh đất đó hiện giờ cũng là một trường học cấp ba rất nổi tiếng. Cho nên đức hạnh của Phạm Trọng Yêm chân thật vẫn còn ảnh hưởng đến tận bây giờ.
“Kỷ hữu năng, vật tự tư” (mình có tài, chớ dùng riêng) thì tự nhiên thiên hạ sẽ quy thuận. Và đức hạnh của Phạm Trọng Yêm tất nhiên đã để cho con cháu đời sau có được sự che chở. “Kinh Dịch” cũng nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”. Cho nên mình có tài năng thì không nên ích kỷ, chỉ sống cho riêng mình.
Chúng ta có tấm lòng nhân từ thì sẽ không khinh mạn người khác, đương nhiên cũng sẽ không đi nịnh bợ người khác. Trong một lần tổ chức thu hút đầu tư về điện tín của các tỉnh, hội nghị lần đó tổ chức tại Thượng Hải. Người Thượng Hải thì rất giàu có. Lần hội nghị đó, người Thượng Hải phân biệt đối xử với những người tỉnh khác đến tham gia. Những tỉnh nào giàu có thì họ sắp xếp chỗ ăn ở tốt, những tỉnh nào hẻo lánh một chút, thực lực kinh tế không được hùng hậu cho lắm thì họ sắp xếp chỗ ăn ở kém hơn. Cho nên đây là “siểm phú” (nịnh giàu), đối xử với mọi người không được công bằng, cũng không có lòng nhân từ. Khi những người bị đối xử ngược đãi như vậy biết được thông tin này thì trong lòng họ không vui, tức giận, bất bình. Họ nghĩ: “Sao lại có thể coi thường mình như vậy!“. Lúc đó người Quảng Đông rất là thông minh, cũng rất biết làm ăn buôn bán, lập tức vỗ về những người mang tâm trạng không vui và sắp xếp cho họ có nơi ăn, chốn ở tốt. Sau lần thu hút đầu tư đó, ai là người thu hút được nhiều cuộc làm ăn buôn bán nhất? Cho nên làm người thì không nên quá rạch ròi, và cũng không nên đối xử không công bằng. Bởi vậy mới nói: “Vật siểm phú” (không nịnh giàu).
Khi con người chỉ biết dùng tiền của để giao du, quan hệ với người khác, như vậy thì tình bạn không bền vững! Có những công ty dùng tiền để thu hút nhân viên của công ty khác và rồi đến hôm khác thì họ lại bị những công ty khác dùng tiền để cướp mất nhân viên của mình. Cho nên quan trọng nhất vẫn phải dùng đạo nghĩa, dùng tín nghĩa để giao du, quan hệ. Điều này tương đối là quan trọng.
Các vị xem, những vị danh tướng thời xưa nhất quyết không phải là dùng tiền mà có thể mời họ về được. Cuộc cách mạng sớm nhất của chúng ta là Thương Thang phát động chiến tranh với Hạ Kiệt. Lúc đó Thương Thang phát hiện có một người rất có đức độ tên là Y Doãn. Thương Thang đã dùng rất nhiều vàng bạc, rất nhiều quần áo đắt tiền để đến mời Y Doãn về phò tá. Thần thái của Y Doãn vẫn tự nhiên như thường, sau đó ông nói: “Những thứ này mà mời được ta sao?”. Y Doãn không vì những thứ đó mà động tâm. Thương Thang cũng rất có tâm, mấy lần đích thân đến mời, mong rằng ông có thể về phò tá cho mình.
Sau đó Y Doãn cảm động trước tấm lòng chân thành của Thương Thang và cũng hiểu được rằng Thương Thang chân thật có lòng muốn cứu đất nước. Lúc đó Thương Thang không phải là muốn đánh Hạ Kiệt, mà là mời Y Doãn đi phò tá cho Hạ Kiệt. Và kết quả chín lần tiến cử với Hạ Kiệt, nhưng Hạ Kiệt bấy giờ đã đắm chìm trong nữ sắc, đắm chìm trong sự ăn chơi, sa đọa cho nên không nghe những lời Y Doãn nói.
Sau cùng bởi Hạ Kiệt đã làm cho nhân dân sống không yên ổn, bất đắc dĩ lắm Thương Thang mới thề với trời đất rằng chỉ vì trừ hại cho nhân dân mà ông bất đắc dĩ phải phát động chiến tranh. Cũng bởi được lòng của nhân dân, cho nên Thương Thang rất nhanh chóng đánh bại Hạ Kiệt. Sau khi đánh bại Hạ Kiệt xong, ông cũng phong đất đai cho người thân và con cháu đời sau của Hạ Kiệt đến đó sinh sống. Cho nên chúng ta thấy những vị Vua nhân từ ngày xưa, nếu không phải vạn bất đắc dĩ lắm thì họ quyết không bao giờ động đến binh đao. Hơn nữa sau khi chân thật đã đuổi được Hạ Kiệt đi rồi thì tuyệt đối họ không tàn sát những người vô tội khác.
Cho nên với những người thiện đức này thì phải dùng sự chân thành để mời thì mới được. Mà khi Y Doãn ra phò tá, ông không chỉ vì Thương Thang mà còn vì muôn dân trong thiên hạ. Bởi vậy chúng ta cũng cần phải có đạo nghĩa để đối xử với người khác. Cho nên mới nói: “Đắc nhân tâm” thì sẽ được thiên hạ. Tuyệt đối không phải dùng tiền là có thể có được quan hệ tốt với người khác. Cho nên mới nói “vật siểm phú” (không nịnh giàu).
Đối với những người nghèo khó, chúng ta cũng không được kiêu ngạo, không được khinh khi. Cho nên mới nói: “Thập niên Hà Đông, thập niên Hà Tây”, con người có lúc lên, lúc xuống, chúng ta không thể khi thấy người ta gặp khó khăn thì thừa cơ hãm hại. Như vậy là không thuận theo đạo nghĩa, như vậy thì sẽ “thất đạo giả quả trợ, quả trợ chi chí, thân thích bạn chi”. Con người không nên làm những việc để phải dẫn đến kết cục như vậy, lúc đó có hối hận cũng không kịp. Đó là “vật kiêu bần” (chớ khinh nghèo). Không những không được kiêu ngạo, khinh khi đối với người nghèo khó, mà chúng ta còn phải chủ động giúp đỡ, chủ động trợ giúp cho họ.
************
26.4. Vật yếm cố, vật hỷ tân (Chớ ghét cũ, không thích mới)
Đây là nói đến “hỷ tân yếm cựu” (có mới nới cũ). Khi nhìn thấy có người thích mới ghét cũ thì trong lòng các vị cảm thấy làm sao? Có thể các vị sẽ lắc đầu: “Thế phong nhật hạ, nhân tâm bất cổ”. Cái gì gọi là “nhân tâm bất cổ” vậy? Chữ “cổ” này có nghĩa là gì? Có phải là cứng nhắc, bảo thủ không? Không phải! Chữ “cổ” này là mang phong cách cổ xưa, rất là thật thà, đối xử nhân hậu với người khác. Đây là cái tâm của những người thời xưa. Cho nên tục ngữ mới có câu: “Bạn bè chơi lâu mới là bạn tốt”. Bởi vì trong quá trình quan hệ đi lại với nhau, cả hai bên đều bỏ công sức ra cho nhau, và còn có ân nghĩa, tình nghĩa và cả đạo nghĩa mà đối phương đối xử với chúng ta.
Nói đến đây, chúng ta lại nhớ đến câu chuyện trước đây đã nhắc tới, đó là câu chuyện “Tống Hoằng nhớ bạn cũ”. Tuy rằng có cơ hội làm anh rể của vua Hán Quang Vũ, chớp mắt là có thể biến thành anh rể của vua, cơ hội này rất là đặc biệt, nhưng ông vẫn thản nhiên không động tâm, lại còn nói hai câu với vua: “Bần tiện chi giao bất khả vong” và “Tào khang chi thê bất hạ đường”.
Quý vị thân mến! Chúng ta cùng nhau đọc một lần: “Bần tiện chi giao bất khả vong”, “Tào khang chi thê bất hạ đường”. Nếu như các vị thường xuyên đọc những câu này thì đảm bảo các vị sẽ rất khỏe mạnh. Điều này được gọi là nuôi dưỡng cái khí hạo nhiên của trời đất. Thật không nói dối các vị.
Cho nên chân thật là tín nghĩa, đạo nghĩa của người thời xưa xem ra còn quan trọng hơn tính mệnh. Cho dù có dí dao vào cổ họ rồi bảo họ làm trái với đạo nghĩa, thì họ thà chết chứ quyết không khuất phục. Giống như Văn Thiên Tường, ông đã bị bắt nhưng ông vẫn dũng cảm hy sinh vì nghĩa cả. Các vị xem, ông ở trong nhà giam có viết rằng: “Đỉnh hoạch cam như di”, đối với những dụng cụ tra tấn đó ông hoàn toàn không sợ hãi, vẫn dũng cảm hy sinh vì nghĩa. Cũng bởi có chí khí hạo thiên như vậy, phong độ của ông đã ảnh hưởng đến những học giả trong mấy trăm năm, cũng ảnh hưởng đến chúng ta thời bây giờ. Nghĩ đến Văn Thiên Tường, chúng ta lại nghĩ đến một câu nói khác, đó là: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.
Vào thời nhà Hán có một học trò tên là Tuân Cự Bá. Ông đi thăm một người bạn bị ốm. Người thời xưa khi đi thăm bạn bè, có phải chỉ cần đi xe máy năm phút là đến nơi không? Không thể như vậy! Họ đều phải trèo đèo, lội suối, băng sông, vượt núi mới đến được. Điều này tôi có thể xác nhận vì ở Đại Lục có rất nhiều núi. Kết quả khi ông đến nơi và đang chăm nom người bạn thì có một toán cướp xông vào quận mà bạn ông đang sống. Chúng bắt đầu đốt nhà, giết người, cướp của, tất cả mọi người đều trốn chạy để thoát thân. Bởi bạn ông bị bệnh nặng, đi lại không thuận tiện, cho nên liền nói với ông rằng: “Anh hãy đi mau! Tôi không có sức để đi rồi, đừng để cho họ gây tổn hại cho anh”. Tuân Cự Bách liền nói: “Nếu như tôi chạy trốn thì tôi không có đạo nghĩa, cho nên tôi thà chết cũng không thể bỏ anh ở lại mà đi được”.
Kết quả khi bọn cướp đến, Tuân Cự Bách chủ động nói với chúng rằng: “Bạn tôi đang bị bệnh nặng, cho nên các vị đừng làm hại anh ấy. Nếu như các vị muốn làm hại thì hãy làm hại tôi là được rồi”. Tuân Cự Bách nói rất là khẳng khái có đạo nghĩa. Kết quả đám cướp này thấy những người khác đều chạy trốn hết, mà lại có một người không sợ chết đợi chúng đến, hơn nữa lại vì không muốn chúng làm hại đến người bạn đang bị bệnh nặng. Sau khi đám cướp này biết được sự việc thì cũng rất cảm động, tên đầu mục nói: “Chúng ta là những người không có đạo nghĩa, làm sao có thể đi cướp những nơi có đạo nghĩa như ở đây!”. Cho nên toàn bộ bọn cướp đều rút lui.
Cho nên đạo nghĩa của một người, lòng chân thành của một người có thể làm thức tỉnh đạo nghĩa của người khác. Đạo nghĩa của một mình Tuấn Cự Bách đã cứu được kiếp nạn, tính mệnh của rất nhiều người. Trong lịch sử những việc tốt như vậy có rất nhiều, nhưng gần đây có diễn ra không? Mấy chục năm gần đây có diễn ra những việc như vậy không? Chắc là có! Nhưng tỷ lệ ít đi. Điều này cũng không trách chúng ta được, bởi vì “con người không học thì không thể biết, không biết được cái đạo nghĩa này”, cũng bởi những giáo huấn của Thánh Hiền đã bị đứt đoạn hai, ba đời nay rồi.
Qua đây chúng ta thấy được người thời xưa luôn luôn biết nghĩ cho người khác. Còn ý nghĩ trong đầu của người thời nay là vì mình nhiều hơn. Càng vì bản thân thì con đường của đời người càng chật hẹp, bởi vì “thất đạo giả quả trợ”. Nhưng ngược lại, “đắc đạo giả tất đa trợ”, khi con cái các vị từ nhỏ đã có tấm lòng nhân từ thì con đường của chúng càng đi càng rộng rãi. Bởi vậy đối với bạn bè, đối với vợ con, chúng ta cũng đều nên “vật yếm cố, vật hỷ tân” (chớ ghét cũ, không thích mới).
Tôi còn nhớ mấy năm trước, tôi có mượn tiền của một người bạn học thời cấp hai, mượn của anh ấy mấy vạn đồng. Anh lấy tiền đưa cho tôi xong thì đi luôn. Tôi liền hỏi anh ấy rằng: “Tại sao anh không hỏi xem tôi dùng tiền để làm gì?”. Anh ấy nói: “Quen biết nhau đã lâu như vậy rồi, có gì mà phải hỏi”. Cho nên điều này cũng bộc lộ rằng bạn bè lâu năm với chúng ta thì đối với tính cách của chúng ta, đối với bản chất làm người của chúng ta, họ đều hiểu rất rõ và cũng rất tín nhiệm, cho nên không cần phải nói nhiều, chỉ cần hiểu trong lòng là đủ.
Vậy thì thật ra phải làm sao để một người có thể “vật yếm cố, vật hỷ tân” (Chớ ghét cũ, không thích mới)? Làm sao để giải quyết căn bản cái thói “thích mới nới cũ” của con người? Bởi vì “có mới nới cũ” là vong bản, là không nhớ tình xưa nghĩa cũ. Có phải vậy không? Vậy thì phải làm sao giải quyết từ căn bản? Trong bài giảng của mấy ngày hôm nay có giảng về cách giải quyết vấn đề này không? Có hay không?
Xin hỏi các vị bạn hữu: Tại sao tỷ lệ ly hôn lại cao như vậy. Tại sao? Các vị không biết là sau khi học xong bài giảng thì có rất nhiều câu hỏi hay sao? Không thể trách các vị được, vì điều này cần phải ôn tập lâu dài. Còn nhớ bài học trước đây chúng ta có nhắc tới chuyện có một cô gái được một người con trai theo đuổi, theo đuổi cô gái đã được ba năm, và trong ba năm, ngày nào cũng như ngày nào, hình như cô yêu cầu thứ gì cũng đều được đáp ứng. Buổi tối cô đói bụng và gọi điện thoại cho người con trai, người con trai không nói không rằng, liền lập tức mua chè vừng và cả chè hạnh nhân rồi mang đến nhà cho cô gái. Cô ăn xong thì anh lại còn hỏi cô rằng: “Đã ăn no chưa? Chưa no thì anh đi mua tiếp”. Thường thường khi có ngày nghỉ, anh lại đi thám thính xem có quán ăn nào ngon thì anh đặt chỗ rồi mời cô gái đi ăn. Bình thường vào sáng Chủ nhật, anh phải ngủ đến tám chín giờ mới dậy. Sau khi quen cô gái thì năm, sáu giờ anh đã dậy để đi leo núi với cô. Nhưng từ trước tới giờ anh lại chưa một lần đi leo núi cùng cha mẹ, và cũng chưa bao giờ mời cha mẹ ăn một bữa cơm. Người trong cuộc thì mơ hồ cho nên cô gái mới nghĩ rằng: “Đối với mình, anh ấy tốt như vậy!”. Ba năm sau thì anh cầu hôn với cô gái. May mà Tổ tiên cô gái này có đức. Có một vị trưởng bối của cô gái sống gần nhà người con trai này và biết được người con trai này bất kính đối với cha mẹ của mình, cho nên vị trưởng bối đã nhanh chóng nói với cô gái: “Anh ta bất kính với cha mẹ mình thì cháu cũng phải suy nghĩ cho kỹ”.
Quý vị thân mến! Cô gái có nên lấy anh ấy không? Sao các vị thông minh vậy! Nhưng nghe nói, người con gái nào thông minh quá thì khó lấy được chồng. Cho nên từ điều này chúng ta phải hiểu được trọng điểm là khi một người không có “hiếu” thì anh ấy sẽ vong bản, mất gốc và sẽ không có tình nghĩa, không có đạo nghĩa, không có ân nghĩa. Cha mẹ là người có ân đức lớn nhất đối với anh ấy mà anh ấy còn có thái độ như vậy. Vậy thì tại sao anh ấy lại đối xử tốt như thế với cô gái? Cho nên con người cần phải bình tĩnh, tỉnh táo một chút. Khi giá trị nhân sinh quan của anh ấy không phát triển về phương diện tốt thì sẽ phát triển về cái gì? Các vị nói không phát triển về hướng tốt, cũng không phát triển về hướng xấu. Có điều đó xảy ra không? Sự học như thuyền đi ngược dòng, không tiến ắt sẽ bị thụt lùi. Cho nên khi tình nghĩa, ân nghĩa không được xây dựng thì sẽ hình thành một thái độ nhân sinh khác. Đó là sự thiệt hơn, lợi và hại.
Các vị bạn hữu đã tìm ra đáp án chưa? Tại sao thời nay con người với con người giao du đi lại với nhau đều cảm thấy quan hệ không ổn định và rất không đáng tin cậy? Bởi vì đa số quan hệ của con người với con người thời nay được xây dựng trên sự hơn thiệt. Thường thì bạn bè đã chơi với nhau rất nhiều năm rồi, nhưng vẫn không cảm nhận được tình thân sâu sắc. Cho nên thời nay có rất nhiều người khi yêu đương, yêu nhau nhiều năm rồi nhưng vẫn không dám kết hôn. Có việc đó không? Họ thường có cảm giác không an toàn. Giác quan thứ sáu của phụ nữ chúng ta rất mạnh. Bởi vậy, khi đã có sự hơn thiệt, lợi và hại thì họ làm bất cứ việc gì cũng đều dựa trên cái tiêu chuẩn này.
Cho nên khi nhìn thấy người con gái trẻ đẹp, lại còn là cô giáo của một trường tiểu học nào đó, công việc lại ổn định, thấy có thể lợi dụng được thì tất nhiên người con trai phải dốc toàn sức để mà theo đuổi. Sau khi đã theo đuổi được và đã kết hôn, ba năm sau, người vợ sinh cho anh ấy một đứa con trai vừa trắng trẻo lại vừa mũm mĩm. Nhưng bởi vì sau khi sinh con thì rất vất vả, phải chăm sóc cho con ngày cũng như đêm, cho nên người vợ đã có mấy nếp nhăn, không còn trẻ đẹp như trước đây nữa. Anh ấy ở bên ngoài chợt lại thấy có người còn trẻ đẹp hơn. Lúc này từ cái lợi sẽ biến thành cái gì? Người chỉ biết có lợi và hại thì chỉ muốn đạt được nhu cầu của mình. Anh ấy cũng sẽ không từ một thủ đoạn nào cho nên từ lợi biến thành hại. Hại thì phải làm sao? Vị nam sĩ kia sao nói dõng dạc như vậy? “Loại bỏ!”. Đó là các vị nói, chứ tôi thì không làm như vậy.
Cho nên các vị coi, không có đạo nghĩa thì sẽ làm ra những việc bạc tình. Và khi làm ra hành động này thì gia đình sẽ xảy ra bi kịch. Tỷ lệ ly hôn sẽ gia tăng. Tỷ lệ ly hôn gia tăng thì con cái sẽ thiếu thốn sự chăm sóc ổn định của gia đình kéo theo tỷ lệ phạm tội cũng gia tăng. Và kết cấu của cả xã hội cũng bị “rút dây động rừng”. Mỗi một cặp vợ chồng đều là một tế bào quan trọng của cả xã hội. Quan hệ của vợ chồng chỉ cần không ổn định thì tất nhiên cả xã hội sẽ bị rối loạn. Cho nên thời nay tỷ lệ phạm tội đặc biệt ngày càng cao. Bởi vậy muốn cho con người không được bạc tình, không được chán ghét cái cũ, không được thích cái mới, thì căn nguyên phải dạy từ đâu? Đúng! “Vãng giả dĩ hĩ, lai giả khả truy”, đối diện với con cái chúng ta thời nay thì phải dạy bảo. Vậy đối diện với người lớn thì sao? Cũng phải chỉ dạy, nhưng phương pháp dạy sẽ không giống nhau. Đối với trẻ nhỏ thì chúng ta có thể dùng phương pháp nói. Còn đối với người lớn thì chúng ta phải dùng hành động, dùng đức hạnh để cảm hóa họ. Từ từ họ sẽ biết ăn năn, hối lỗi.
Khi một người rất phúc hậu thì họ không chỉ nghĩ đến tình nghĩa, ân nghĩa đối với người, thậm chí đối với vật cũng rất có tình cảm. Ví dụ như bộ quần áo này là do chính tay mẹ họ đan cho họ, bởi vì họ đối với cha mẹ có tình nghĩa, cho nên nhìn thấy bộ quần áo này thì họ nhất định vô cùng yêu quý. Rất có khả năng một bộ quần áo họ sẽ mặc mấy chục năm. Khi họ có thể hiểu được nỗi vất vả của người khác thì những món đồ mà người thân mua cho họ, họ tuyệt đối sẽ không lãng phí. Bởi tấm lòng hiếu thảo này, tấm lòng kính trọng này của họ đã trở thành ý nghĩ của họ, cho nên sự kính trọng đối với sự vật tất nhiên cũng được xây dựng trên sự kính trọng đối với người. Chúng ta phải giảng giải từ căn bản, còn phải chỉ dạy cho bọn trẻ hiểu được phải quý trọng tình nghĩa, quý trọng ân nghĩa.
26.5. Nhân bất nhàn, vật sự giảo. Nhân bất an, vật thoại nhiễu (Người không rảnh, chớ não phiền. Người bất an, không quấy nhiễu)
Chúng ta nơi nơi đều phải thể hiện tấm lòng nhân từ như vậy. Nhưng tuyệt đối ở cửa miệng, chúng ta không thể lúc nào cũng có câu: “Tôi đối xử với người khác rất tốt. Tôi rất có lòng từ bi”. Nhưng khi người khác sống với chúng ta, họ lại cảm thấy rất khó chịu. Lúc này thì chúng ta phải kiểm điểm lại mình xem vấn đề là ở chỗ nào. Tại sao tôi lại có cảm nhận như vậy? Khi tôi tốt nghiệp cấp một, bạn học với nhau viết sổ lưu bút, có rất nhiều bạn học viết cho tôi nói rằng: “Bạn quá nhiệt tình!”. Nhiệt tình là tốt rồi nhưng ở trước lại còn viết một chữ “quá”. Cho nên các vị hãy xem lại, các vị có lòng tốt quá có thể sẽ làm cho người khác bị áp lực. “Nhân bất nhàn, vật sự giảo” (Người không rảnh, chớ não phiền), cho dù các vị có đem cho họ rất nhiều thứ tốt thì cũng phải xem xem thời điểm hiện tại có tiện cho họ không, họ có được rỗi không. Bởi vậy cái chừng mực tiến thoái này chúng ta cũng phải nhạy cảm một chút.
Khi chúng ta gọi điện thoại cho bạn bè, chúng ta tuyệt đối không được nói một thôi một hồi, nói tràng giang đại hải. Câu đầu tiên nhất định phải hỏi rằng: “Xin hỏi bây giờ anh có tiện nói chuyện không?”. Khi đối phương nghe thấy chúng ta hỏi như vậy thì trong lòng họ cũng cảm thấy thoải mái, bởi vì nếu thật sự có việc thì họ cũng sẽ rất tự nhiên mà trả lời các vị rằng: “Bây giờ tôi bận việc rồi. Vậy để lúc khác anh gọi lại nhé!”. Cho nên sự lễ phép luôn luôn được thể hiện trong cuộc sống, sẽ tạo khoảng cách tốt đẹp giữa con người với con người. Có sự lễ phép thì không dễ gì xảy ra những tình huống khó xử, hoặc xảy ra đụng độ.
Ngoài việc khi gọi điện thoại thì phải hỏi trước ra, bình thường trong thời gian ăn cơm, chúng ta cũng phải cố gắng không nên gọi điện. Nếu không ví dụ như họ bị bệnh dạ dày, các vị lại gọi điện thoại thì hại cho họ phải căng thẳng. Điều này chúng ta cũng cần cân nhắc. Hơn nữa, khi họ đang ăn cơm, các vị lại nói một thôi một hồi, vậy thì họ sẽ phải từ chối các vị hay là không ăn cơm nữa? Cho nên điều này cũng nên luôn luôn nghĩ cho người khác. Ngoài thời gian ba bữa cơm không được gọi điện thoại ra, buổi tối rất muộn rồi thì cũng không nên gọi nữa. Nếu không, có khả năng chúng ta sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự nghỉ ngơi của cả một gia đình.
Ngoài việc gọi điện thoại ra, khi chúng ta cần đi thương lượng công việc với người khác, đầu tiên cũng phải quan sát xem họ có đang bận không, đợi cho họ hết bận thì chúng ta mới đi gặp họ, đi thảo luận vấn đề với họ. Cho nên chúng ta cũng phải giỏi trong việc quan sát. Các vị xem, có rất nhiều em nhỏ, một khi chúng nghĩ đến điều gì thì bất chấp tất cả, lập tức kéo lấy tay áo của người lớn mà nói một thôi một hồi. Có việc đó không? Hoặc là khi mẹ đang nấu cơm, chúng muốn nói điều gì đó thì liền đi đến. Đây cũng là một cơ hội để giáo dục. Và không chỉ có trẻ nhỏ cần có cơ hội để được giáo dục, mà người lớn cũng cần. Bởi vì chân thật nếu không có người nhắc nhở thì chính chúng ta, ai mà không tránh khỏi có lúc thiếu nhạy cảm.
Cho nên chỉ cần bạn bè cùng nhắc nhở lẫn nhau thì chúng ta cũng sẽ có được thái độ như vậy. Đương nhiên khi nhắc nhở, người lớn chúng ta nhất định phải ghi nhớ: “Di ngô sắc, nhu ngô thanh” (sắc mặt vui vẻ, lời nói dịu dàng). Cho dù là khuyên họ không hút thuốc thì cũng phải nói: “Anh ơi! Xin lỗi anh! Tôi bị hen xuyễn”. Như vậy thì sẽ không xảy ra những tình huống không tốt. Cho nên quyển “Đệ Tử Quy” có thể ứng dụng trong những chi tiết nhỏ nhặt nhất của cuộc sống. Đó là “Nhân bất nhàn, vật sự giảo” (người không rảnh, chớ não phiền).
Khi tâm tình của một người không được tốt thì họ muốn được yên tĩnh. Lúc này các vị không nên gặp họ rồi lải nhải với họ. Khi người khác đang xem phim truyền hình, các vị thường nghe thấy một câu nói: “Anh hãy đi ra ngoài đi! Hãy để cho tôi được yên tĩnh!”. Cho nên chúng ta phải quan sát sắc mặt và lời nói.
Nhưng nếu như tâm trạng của người thân chúng ta xuống đến cực điểm, thậm chí còn có khả năng muốn kết liễu cuộc đời, lúc đó chúng ta cũng không thể mặc kệ mà không hỏi han. Có đúng vậy không? Rất nhiều người có lúc đã làm ra những việc không thể cứu vãn nổi, đều là không thể nghĩ cho thông một ý nghĩ, cho nên chúng ta cũng không thể không đề phòng.
Ví dụ như khi tâm trạng của anh, chị, em các vị xuống đến cực điểm, lúc đó các vị nên bưng một tách trà nóng, bưng cẩn thận sau đó đi vào phòng của họ, cũng không nên nhìn vào mặt họ. Sau đó, các vị đi nhẹ nhàng và đặt tách trà lên trên bàn của họ, rồi từ từ đi ra khỏi phòng. Đó là “tiến tất xu, thoái tất trì” (Đến phải nhanh, lui phải chậm) để cho họ cảm thấy còn có người quan tâm đến họ. Và khi không kìm nén được thì họ nhất định sẽ đi tìm các vị để tâm sự, để thổ lộ. Bởi vì con người khi cảm thấy có người luôn quan tâm đến họ thì họ sẽ không đi vào con đường cùng. Cho nên cho dù là người thân có thân đến mấy, trong khoảng cách tiến thoái đó chúng ta cũng nên nghĩ đến sự cảm nhận của đối phương. Như vậy thì chúng ta có thể sống với nhau rất hòa thuận. Đây được gọi là “nhân bất an, vật thoại nhiễu” (Người bất an, không quấy nhiễu).
27. NHÂN HỮU ĐOẢN, THIẾT MẠC YẾT. NHÂN HỮU TƯ, THIẾT MẠC THUYẾT. ĐẠO NHÂN THIỆN, TỨC THỊ THIỆN. NHÂN TRI CHI, DŨ TƯ MIỄN. DƯƠNG NHÂN ÁC, TỨC THỊ ÁC. TẬT CHI THẬM, HỌA THẢ TÁC. THIỆN TƯƠNG KHUYẾN, ĐỨC GIAI KIẾN. QUÁ BẤT QUY, ĐẠO LƯỠNG KHUY.
Người có lỗi, chớ vạch trần
Việc riêng người, chớ nói truyền.
Khen người thiện, tức là tốt
Người biết được, càng tốt hơn.
Khen người ác, chính là ác
Ác cùng cực, tai họa đến.
Cùng khuyên thiện, cùng lập đức
Lỗi không ngăn, đôi bên sai
******************
27.1. Nhân hữu đoản, thiết mạc yết. Nhân hữu tư, thiết mạc thuyết (Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền)
Tấm lòng nhân từ này cũng phải được thực hiện trong lời ăn, tiếng nói. Cho đến lúc này, những câu Kinh văn đề cập đến vấn đề lời ăn, tiếng nói ở trong “Đệ Tử Quy” rất nhiều. Cho nên ăn nói rất cần phải học. Trong giáo huấn “Tứ Khoa Khổng Môn” thì lời nói xếp hàng phía sau của đức hạnh. Vì vậy chúng ta cũng cần phải tăng cường giáo dục để cho bọn trẻ ngay từ nhỏ đã có chừng mực trong khi nói chuyện. “Nhân hữu đoản, thiết mạc yết. Nhân hữu tư, thiết mạc thuyết” (Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền) thật ra là “kỷ sở bất dục, vật thí ư nhân”. Khi chúng ta có khuyết điểm, có bí mật thì chúng ta cũng không muốn người khác tuyên truyền ra ngoài. Chúng ta không muốn người khác đối với mình như vậy thì chúng ta cũng không nên làm như thế đối với người khác.
Câu Kinh văn ở đoạn trước có nhắc đến: “Kiến nhân ác, tức nội tỉnh. Hữu tắc cải, vô gia cảnh” (Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác). Bởi vậy cho dù có nhìn thấy chỗ không tốt của người khác, chúng ta cũng nên lấy đó để kiểm điểm lại bản thân. Lúc trước tôi cũng có nhắc đến có một vị bạn hữu, chân thật là không có cách nào để không nhìn thấy lỗi lầm của người khác. Kết quả thầy của anh ấy đã dạy cho anh một phương pháp rất hay.
Quý vị thân mến! Các vị đã dùng phương pháp này chưa? Khi thấy vợ không tốt thì liền nghĩ rằng mình không tốt, bởi vì mình làm chưa đủ tốt để làm cho vợ phải cảm động đến chảy nước mắt. Khi nhìn thấy con cái không tốt thì nguyên nhân là do mình chưa thực sự dạy bảo nghiêm túc. Khi nhìn thấy xã hội rối loạn thì cũng do mình còn chưa tốt, mình cũng chưa đi nhặt rác để làm gương cho người khác noi theo, cũng không đi dìu đỡ người già cả để làm gương cho người khác thấy. Cho nên khi nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì hãy coi như lỗi lầm của mình, là bổn phận của mình thì chúng ta mới cố gắng để tu thân. Tin rằng khi chúng ta đã có được thái độ như vậy, thì tuyệt đối có thể tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Các thầy giáo trong trung tâm của chúng tôi cũng đặc biệt viết ra một đoạn văn chia sẻ về chủ đề “nhặt rác”. Câu chuyện về rác thì thật là nhiều! Cho nên chúng ta chớ xem thường hành động nhặt rác. Thầy giáo trong trung tâm chúng tôi có một lần đi leo Trường Thành. Khi đi trên đường, chúng tôi cũng rất là tự nhiên, vừa đi vừa nhặt rác. Đột nhiên có một người nước ngoài chụp ảnh động tác nhặt rác của chúng tôi. Tại sao họ lại chụp? Bởi họ thấy thật hiếm có! Lúc đó chúng tôi ăn mặc cũng không đẹp như thế này. Thật hiếm có là ở nơi có người Trung Quốc mà có thể nhìn thấy cảnh nhặt rác.
Cho nên có một lần tôi với một vị thầy giáo họ Lý, và phía sau còn có hai vị thầy giáo nữa, bốn người đi trên một con đường. Tôi và thầy giáo họ Lý bắt đầu vừa đi vừa nhặt rác. Trong khi đang nhặt thì ở phía trước mặt có rất nhiều học sinh cấp hai đi ngược lại, chúng đều vừa ăn vừa vứt rác. Kết quả sau khi nhìn thấy chúng tôi đang nhặt rác thì chúng ngây người ra. Sau khi chúng tôi đi qua thì một em học sinh cấp hai trong đám liền nói rằng: “Thật hiếm thấy! Hiếm có!”. Và kết quả, vì đằng sau chúng tôi còn có hai vị thầy giáo nữa, hai vị thầy này cũng rất có độ nhạy cảm về giáo dục, liền lập tức nói với chúng rằng: “Đã là hiếm thấy, hiếm có thì các em hãy cùng nhặt đi. Như vậy thì sẽ không còn là hiếm có, hiếm thấy nữa!”. Em học sinh cấp hai này liền nói: “Có lý ạ!”. Và kết quả là em đã cúi xuống nhặt rác lên. Cho nên chúng ta cần phải “hành vi thế phạm” (thực hành để làm gương) để đánh thức lòng thiện, lòng có ý thức trách nhiệm đối với gia đình, đối với xã hội của mọi người.
Thấy người khác có lỗi thì chúng ta không nên để ở trong lòng, phải luôn luôn nghĩ làm sao làm gương tốt để ảnh hưởng đến họ. Chúng ta càng không nên rêu rao lỗi lầm của họ ở khắp mọi nơi. Như vậy thật là không tốt. Cho nên người khác sai thì cũng là đúng, mình có đúng cũng là sai. Các vị nghe mà trong đầu cảm thấy có vẻ mơ hồ phải không? Tôi xin nói lại một lần nữa: Người khác sai chúng ta cũng coi như là đúng, chúng ta đúng cũng coi như sai. Chúng ta hãy đoán xem câu nói này có ý nghĩa gì vậy? Thật ra ở đây có một hàm nghĩa rất thâm sâu. Người khác sai tại sao lại là đúng? Đương nhiên là đúng bởi họ chưa được học “Đệ Tử Quy”, cho nên mới làm ra việc sai trái, bởi “nhân bất học, bất tri đạo” (người mà không học hành thì không biết đạo lý). Cho nên họ mới làm ra để cho chúng ta thấy những nhu cầu giáo dục của xã hội. Chúng ta phải nhanh chóng tận tâm, tận lực để giúp đỡ, để làm tấm gương tốt cho người khác noi theo.
Vậy tại sao chúng ta đúng cũng là sai? Các vị thường thường ở đó mà nói: “Tôi đúng, anh sai”. Như vậy là gây ra sự đối lập, gây nên sự cao thấp. Cho nên có phát hiện ra rằng có rất nhiều người luôn luôn nói: “Tôi đúng, còn anh thì sai”, luôn luôn nói “anh sai”. Nhân duyên của những người như vậy thì sẽ làm sao? Mình có đúng thì cũng là sai bởi toàn lấy cái lý đúng của mình ra để ép người. Như vậy không đúng. Chúng ta phải nên vừa đúng lý nhưng cũng phải có hòa khí, “dĩ hòa vi quý”. Như vậy mới đúng đắn. Khi con người có thể tâm bình, khí hòa thì có thể sẽ cảm động được người khác. Họ cũng sẽ cảm nhận được khi cùng sống với các vị, cùng học tập với các vị thì có cảm giác rất tốt. Cho nên mới nói: “Nhân hữu đoản, thiết mạc yết. Nhân hữu tư, thiết mạc thuyết” (Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền).
Thực tế mà nói, chỉ cần chúng ta tự tìm ra khuyết điểm của chính mình thì cũng đủ cho chúng ta bận rộn lắm rồi. Có phải vậy không? Vì rằng chúng ta vừa tìm ra một khuyết điểm và vẫn chưa kịp sửa đổi thì đã lại phát hiện ra một khuyết điểm mới. Cho nên “nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá”, nếu đúng là người tu đạo thì sẽ không đi soi lỗi của thiên hạ.
HẾT TẬP 36. XIN XEM TIẾP TẬP 37!